Tài liệu Đình Tân Tịch - Một thiết chế văn hóa truyền thống luôn phát huy vai trò qua các thời kỳ lịch sử: KỶ YẾU HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2019
Trang 170
ĐÌNH TÂN TỊCH - MỘT THIẾT CHẾ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
LUÔN PHÁT HUY VAI TRÒ QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ
SV: Lê Trường Giang, Lớp: ĐHQLVH17A
GVHD: ThS. Đinh Văn Nhân
Tóm tắt
Đình làng là một thiết chế văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng trong cộng đồng.
Qua biến đổi của thời gian nhưng nhiều ngôi đình ở Đồng Tháp vẫn thể hiện được các chức
năng, vai trò của mình trong xã hội đương đại. Bài viết trình bài về quá trình hình thành và
phát triển của ngôi đình Tân Tịch, cũng như những đóng góp của ngôi đình này qua từng thời
kỳ lịch sử của địa phương.
Từ khóa: Đình Tân Tịch, đình làng, thiết chế văn hóa, lịch sử - văn hóa.
1. Đặt vấn đề
Công cuộc khẩn hoang vùng đất Nam bộ nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng đã góp
phần tích cực vào sự hình thành các di sản văn hóa vật chất, tinh thần cùng những giá trị truyền
thống tốt đẹp của dân tộc được trao truyền qua nhiều thế hệ, mà ở đó đình làng là...
5 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 617 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đình Tân Tịch - Một thiết chế văn hóa truyền thống luôn phát huy vai trò qua các thời kỳ lịch sử, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KỶ YẾU HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2019
Trang 170
ĐÌNH TÂN TỊCH - MỘT THIẾT CHẾ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
LUÔN PHÁT HUY VAI TRÒ QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ
SV: Lê Trường Giang, Lớp: ĐHQLVH17A
GVHD: ThS. Đinh Văn Nhân
Tóm tắt
Đình làng là một thiết chế văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng trong cộng đồng.
Qua biến đổi của thời gian nhưng nhiều ngôi đình ở Đồng Tháp vẫn thể hiện được các chức
năng, vai trò của mình trong xã hội đương đại. Bài viết trình bài về quá trình hình thành và
phát triển của ngôi đình Tân Tịch, cũng như những đóng góp của ngôi đình này qua từng thời
kỳ lịch sử của địa phương.
Từ khóa: Đình Tân Tịch, đình làng, thiết chế văn hóa, lịch sử - văn hóa.
1. Đặt vấn đề
Công cuộc khẩn hoang vùng đất Nam bộ nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng đã góp
phần tích cực vào sự hình thành các di sản văn hóa vật chất, tinh thần cùng những giá trị truyền
thống tốt đẹp của dân tộc được trao truyền qua nhiều thế hệ, mà ở đó đình làng là biểu tượng
tiêu biểu nhất. Ngôi đình ra đời gắn liền với công cuộc khai hoang lập ấp, đồng thời nó còn là
cơ sở vật chất đánh dấu thành tựu trong công cuộc mở cõi. Nhà văn Sơn Nam rất tinh tế khi cho
rằng: “Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần, có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào
cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ, bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời
rạc, một dạng lưu dân tập thể, mặc dầu làng lắm gạo nhiều tiền” [2, tr.26].
Đình là nơi sinh hoạt thể hiện rõ tính cộng đồng làng xã vì mọi sinh hoạt truyền thống
của cộng đồng điều hầu như diễn ra nơi đây, nên đình làng có vai trò như một thiết chế văn hóa
với những chức năng là: trung tâm hành chính, quyền lực của làng; trung tâm tín ngưỡng, tâm
linh của làng; trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí của làng [1, tr.95]. Theo Từ điển Bách khoa
Việt Nam: “Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ
máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình
văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa”.
Hay, thiết chế văn hóa là một trung tâm, hay một cơ quan, tổ chức các hoạt động có mục
đích tuyên truyền giáo dục về một tư tưởng, lĩnh vực nào đó phục vụ công tác chính trị tư tưởng
hay nghiên cứu khoa học kỹ thuật - lịch sử văn hóa nghệ thuật, được tổ chức theo những quy
chế, nội quy nhất định, được thể chế hóa pháp luật do Nhà nước ban hành, được xã hội công
nhận và tuân thủ, có mục đích, yêu cầu và những chức năng riêng được xã hội quy định. Như
vậy qua định nghĩa trên, chúng ta thấy rằng đình làng đã hội tụ các yếu tố và chức năng trở
thành một dạng thiết chế văn hóa truyền thống trong xã hội.
Tuy nhiên, qua thời gian các chức năng của đình làng Nam bộ dần mất đi, các ngôi đình
chỉ hoạt động vào những ngày cúng tế (hạ điền, thượng điền) còn những ngày thường hầu
như không hoạt động chỉ có duy nhất “ông Từ” hàng ngày nhang khói, quét dọn. Nhưng hiện
nay, đâu đó chúng ta vẫn thấy còn những ngôi đình có những hoạt động thay đổi thích ứng để
trở thành một “thiết chế văn hóa trong thời đại mới” với đầy đủ các chức năng như ngày trước.
Trong đó đáng chú ý phải nhắc đến là ngôi đình Tân Tịch.
Hình 1. Quang cảnh đình Tân Tịch - Ảnh: Văn Nhân
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP KHOA VĂN HÓA - DU LỊCH
Trang 171
2. Chức năng Đình Tân Tịch qua những thời kỳ lịch sử
Đình Tân Tịch được dựng khoảng đầu thế kỉ XIX xưa thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân
Thành, tỉnh An Giang [4, tr.65], (nay thuộc khóm 1, phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng
Tháp). Sau hơn 150 năm tồn tại, ngày 19 tháng 12 năm 2014, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh
Đồng Tháp đã ra Quyết định xếp hạng đình Tân Tịch là di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh.
Ban đầu đình được cất bằng vật liệu đơn giản: tre, nứa, lá, đưng... Năm Tự Đức thứ 7
(1854) thôn Tân Tịch được triều đình cấp sắc Thành hoàng bổn cảnh. Lúc này, ông hương cả
Lê Văn Bích (ông Cả Bích) cùng với dân trong thôn kẻ công người của góp vào tôn tạo ngôi
đình thêm to đẹp. Tuy nhiên, do địa thế chật hẹp không có hậu nên đến năm 1928 đình di dời
về vị trí như hiện tại. Năm 2010, nhận thấy đình có nhiều chỗ xuống cấp, ông Lê Văn Bên –
Trưởng Ban Tế tự đã xin phép chính quyền địa phương và đứng ra vận động người dân thực
hiện trùng tu lại đình được to đẹp như ngày hôm nay.
Đình Tân Tịch dù qua nhiều lần trùng tu vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống của
đình Nam bộ: cột bằng gỗ, 4 nóc liền nhau lợp tol giả ngói kiểu âm dương; gồm 4 gian: gian
tiền đình, gian võ ca, gian võ qui và gian chánh điện, vách được xây bằng gạch bê tông. Sân
đình có đàn Thần Nông, miễu ông Hổ, miễu Ngũ Hành. Chánh điện thờ Thành hoàng bổn cảnh,
Chánh lãnh binh Nguyễn Hương, chức sắc, Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền, Bạch Mã thái giám,
Ngũ Hành, Thổ Công. Đình là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân
trong thôn ấp và luôn phát huy chức năng là thiết chế văn hóa của cộng đồng qua các thời kỳ
lịch sử.
2.1. Thời kỳ phong kiến
Thời các vua Nguyễn, đình Tân Tịch không chỉ là nơi hội họp để xử lý việc làng việc
nước, là nơi tín ngưỡng của người dân trong làng, là nơi vui chơi giải trí của người dân nông trong
thôn mỗi dịp lễ hội mà ngôi đình còn là chứng nhân lịch sử cho các sự kiện xảy ra trong thôn
xóm và gắn với thời niên thiếu của vị Chánh Lãnh binh tỉnh Hà Tiên – Nguyễn Hương (1819 -
1876). Ngày trước nơi vàm sông gần đình là nơi ông Nguyễn Hương và thầy mình thuần phục
cặp rắn dữ, to gần bằng người ôm, thường xuyên quấy phá người dân đi xuồng qua khúc sông
này. Nền đình Tân Tịch khi xưa cũng là nơi ông được thầy dạy võ nghệ và binh pháp (có tài liệu
cho rằng thầy của ông Nguyễn Hương lúc bấy giờ là ông Đoàn Văn Huyên, sau này là Phật Thầy
Tây An giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương) [4, tr.66-70]. Về sau khi được triều đình phong tước,
cử về trấn nhậm Hà Tiên, trước khi đi nhận chức ông và quân cơ theo hầu được dân chúng thôn
Tân Tịch tiếp đón trọng thể trong lễ vinh quy bái tổ cũng nơi tại đây, điều đó cho thấy vai trò và
bề dày lịch sử - văn hóa của ngôi đình Tân Tịch. Mộ ông Nguyễn Hương hiện nay tọa lạc ở Xóm
Câu, phường 6, thành phố Cao Lãnh, cạnh bờ sông Tiền hiền hòa. Qua bao cuộc chiến tranh loạn
lạc, hiện nay, hậu duệ đời thứ 6 của ông vẫn giữ được 6 đạo sắc do triều đình phong tước cho
ông. Với những công lao đóng góp cho quê hương, dân tộc, người dân Tân Tịch ngoài thờ Thần
hoàng Bổn cảnh còn thờ bài vị của Chánh lãnh binh Nguyễn Hương như vị phúc thần ở chánh
điện đình Tân Tịch.
2.2. Thời kỳ đấu tranh cách mạng và độc lập dân tộc
Thời kỳ phong kiến đã qua, ngoại bang bước vào giầy xéo quê cha đất tổ, đình Tân Tịch
không quên chức năng, nhiệm vụ lịch sử của mình tiếp tục lại là nơi diễn ra các sự kiện đấu
tranh cách mạng của địa phương. Tiêu biểu là sự kiện treo cờ Đảng trên cây dầu gần đình Tân
Tịch trong ngày Quốc khánh 02/9/1945 để thị uy với Pháp (cần nói thêm cây dầu này hiện nay
vẫn còn, theo các cụ cao niên kể lại ước tính có trên 250 năm tuổi, chu vi khoảng 3-4 người ôm,
cao khoảng 30m, với rất nhiều câu chuyện dân gian mang đậm màu sắc tâm linh liên quan đến
cây dầu), hình ảnh lá cờ bay phất phới trên ngọn cây dầu cổ thụ càng khơi gợi và hung đúc thêm
tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân. Tiếp theo đó, vào năm 1954 sau khi Hiệp định
Geneve được ký kết, Việt Nam bị chia cắt đất nước lấy vĩ tuyến 17 – tỉnh Quảng Trị làm ranh
giới, theo tinh thần Hiệp định các chiến sĩ cách mạng đang ở miền Nam phải tập kết ra Bắc,
cũng chính tại đình Tân Tịch là điểm dừng chân để chuẩn bị tập kết chuyển quân ra Bắc ở địa
bàn Cao Lãnh. Ngày nay gần bến Phà Cao Lãnh ta thấy đang xây dựng tượng đài kỷ niệm sự
kiện này. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình vẫn tiếp tục là cơ sở hoạt động cách mạng, nuôi
KỶ YẾU HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2019
Trang 172
giấu cán bộ... Sau ngày giải phóng đất nước, đình Tân Tịch được dùng vào việc chung của xóm
làng và dùng làm Trường tập huấn cán bộ kế toán tài chính, huấn luyện quân sự, chính trị và
đào tạo cán bộ Văn hóa Thông tin, là hậu cứ của Đoàn văn công Đồng Tháp. Đến năm 1995 thì
đình được giao lại cho nhân dân sử dụng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh [3, tr.4]. Trong
giai đoạn này dù trải qua bao biến cố chiến tranh, thời cuộc nhưng đình Tân Tịch vẫn thể hiện
rõ các chức năng là thiết chế văn hóa truyền thống quan trọng của địa phương.
2.3. Thời kỳ hiện nay
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng vùng đất Cao Lãnh, đình Tân Tịch vẫn hiện
diện trong tâm thức và sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, thể hiện vai trò là thiết
chế văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng. Theo lệ hàng năm, đình vẫn còn duy trùy
nhiều lệ cúng như cúng Khai Sơn (mùng 7 tháng Giêng), cúng Rằm (tháng Giêng, tháng Bảy,
tháng Mười). Cúng Chánh lãnh binh Nguyễn Hương (16 tháng 8 âm lịch). Trong đó có hai lệ
cúng lớn là cúng Thượng Điền (15-16 tháng Mười âm lịch), cúng Hạ điền (15-16 tháng Tư âm
lịch). Mỗi kỳ cúng thu hút hàng ngàn người dân từ trong và ngoài làng đến chiêm bái, cầu mong
“phong điều vũ thuận, người yên vật thịnh, tống ôn tống gió”... Qua thời gian, lịch sử truyền
thống ngày càng tích lũy thêm giá trị mới, nhất là trong giai đoạn hiện nay, giá trị mới đó là chủ
nghĩa dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội nên đình còn trân trọng đưa chân dung Bác Hồ và
danh sách anh hùng liệt sĩ của hai thời kỳ kháng chiến vào thờ, thể hiện truyền thống tốt đẹp
“uống nước nhớ nguồn” của dân tộc [1, tr.129]. Điều này thể hiện rõ chức năng là trung tâm
tín ngưỡng tâm linh của làng xã và vai trò giáo dục giá trị truyền thống cho các thế hệ ngày
nay. Bên cạnh đó, hàng năm vào các ngày lễ cúng (hạ điền, thượng điền) Ban tế tự tùy theo tình
hình tài chính còn mời các đoàn hát bội, đờn ca tài tử, các trò chơi dân gian, ăn uống qua đó
đình đã thể hiện chức năng là trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí của cộng đồng.
Hình 2. Ban tế tự thực hiện nghi thức chánh tế Thần - Ảnh: Văn Nhân
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP KHOA VĂN HÓA - DU LỊCH
Trang 173
Hình 3. Hát Bội ở đình Tân Tịch - Ảnh: Văn Nhân
Ngày nay, ngoài các chức năng tín ngưỡng tâm linh, vui chơi giải trí, đình Tân Tịch vẫn
thể hiện chức năng là thiết chế văn hóa hành chính của mình, là nơi sinh hoạt của cộng đồng,
hội họp của chính quyền địa phương với người dân trong việc triển khai các đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân địa phương. Tiêu biểu là Ban bầu cử
còn phối hợp với Ban tế tự tận dụng không gian của đình, tổ chức buổi tiếp xúc cử tri và là khu
vực bỏ phiếu số 1 ở phường 6, thành phố Cao Lãnh bầu Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại
biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 (22/5/2016); tổ chức ngày Hội Đại
đoàn kết toàn dân tộc của khóm 1, phường 6, thành phố Cao Lãnh (14/11/2016). Mọi người đến
tham dự rất đông, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, ai nấy điều vui vẻ nhất là những cô chú lớn tuổi,
vì dường như họ được sống lại với không gian văn hóa và các sinh hoạt thời xưa.
Không những thế, Ban tế tự đình Tân Tịch còn phối hợp với Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ
Bảo tồn Di sản văn hóa (Khoa văn hóa – Du lịch, trường Đại học Đồng Tháp) tổ chức các hoạt
động như: các buổi học tập lịch sử văn hóa của địa phương ngay trong không gian của đình Tân
Tịch, các bạn sinh viên còn thường xuyên có các hoạt động quét dọn, hỗ trợ sửa chữa và tham
gia tìm hiểu, hỗ trợ trong các ngày lễ cúng cũng như các hoạt động khác đây cách giáo dục
thực tế hiệu quả, ý nghĩa đối với các bạn sinh viên (nhất là sinh viên ngành Quản lý Văn hóa
và Việt Nam học) có cơ hội được trực tiếp tham gia nghiên cứu học tập thực tiễn về di sản văn
hóa, lễ hội truyền thống...
KỶ YẾU HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2019
Trang 174
Hình 4. Lớp học lịch sử - văn hóa địa phương của sinh viên trong không gian đình
- Ảnh: Văn Nhân
3. Kết luận
Có thể thấy rằng, đình Tân Tịch là thiết chế văn hóa truyền thống nhưng vẫn luôn phát
huy được các chức năng và vai trò trong xã hội đương đại. Ban tế tự cùng chính quyền địa
phương cần tiếp tục thực hiện những hoạt động đã làm được và nghiên cứu trao đổi phối hợp
với các đơn vị để có những hoạt động thiết thực hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời ngành
văn hóa và chính quyền địa phương các cấp cần nghiên cứu, quan tâm hơn nữa để phát huy các
chức năng, nhiệm vụ, vai trò của đình Tân Tịch nói riêng và các ngôi đình trên địa bàn tỉnh
Đồng Tháp nói chung, thật sự trở thành những thiết chế văn hóa - “nhà văn hóa” của địa phương
trong thời đại mới.
Tài liệu tham khảo
[1]. Nguyễn Hữu Hiếu (2005), Diễn trình văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Thời đại.
[2]. Sơn Nam (2018), Đình miễu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ.
[3]. Nguyễn Thanh Thuận (2015), Đình Tân Tịch, Ấn phẩm Đồng Tháp xưa và nay số 48- Hội
khoa học lịch sử Đồng Tháp, tr.4.
[4]. Nguyễn Thanh Thuận (2018), Nhân thần trong tín ngưỡng dân gian Đồng Tháp, Nxb Hội
nhà văn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 24_2518_2200881.pdf