Tài liệu Điều tra thực trạng về ảnh hưởng giữa bạo hành gia đình và sinh non hoặc sinh con nhẹ cân tại Thành phố Hồ Chí Minh: Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 60
ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG VỀ ẢNH HƯỞNG GIỮA BẠO HÀNH GIA ĐÌNH
VÀ SINH NON HOẶC SINH CON NHẸ CÂN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trần Thị Nhật Vy*, Võ Minh Tuấn**
TÓM TẮT
Mục tiêu: Xác định mối liên quan giữa sinh non hoặc sinh con nhẹ cân ở phụ nữ sống tại Thành phố Hồ Chí
Minh với các loại bạo hành gia đình: bạo hành tinh thần, bạo hành thể chất, bạo hành tình dục.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang trong cộng đồng được thực hiện tại 10 quận/huyện thuộc Tp.HCM
trong thời gian từ 01/01/2015 đến 04/07/2016 ở 1099 phụ nữ từ 18 – 49 tuổi đã từng sinh con trong vòng 2 năm
hiện đang sống tại TP.HCM.
Kết quả: Tỷ lệ bạo hành gia đình của phụ nữ trong độ tuổi từ 18 – 49 ở TPHCM là 23,4% trong đó: bạo
hành tinh thần chiếm 16,8%; bạo hành thể chất chiếm 7,3% và bạo hành tình dục chiếm 12,4%. Kiểm soát cho các
biến số độc lập khác, số liệu nghiên cứu chỉ ra: Bạo hành gia ...
9 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 03/07/2023 | Lượt xem: 410 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Điều tra thực trạng về ảnh hưởng giữa bạo hành gia đình và sinh non hoặc sinh con nhẹ cân tại Thành phố Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 60
ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG VỀ ẢNH HƯỞNG GIỮA BẠO HÀNH GIA ĐÌNH
VÀ SINH NON HOẶC SINH CON NHẸ CÂN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trần Thị Nhật Vy*, Võ Minh Tuấn**
TÓM TẮT
Mục tiêu: Xác định mối liên quan giữa sinh non hoặc sinh con nhẹ cân ở phụ nữ sống tại Thành phố Hồ Chí
Minh với các loại bạo hành gia đình: bạo hành tinh thần, bạo hành thể chất, bạo hành tình dục.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang trong cộng đồng được thực hiện tại 10 quận/huyện thuộc Tp.HCM
trong thời gian từ 01/01/2015 đến 04/07/2016 ở 1099 phụ nữ từ 18 – 49 tuổi đã từng sinh con trong vòng 2 năm
hiện đang sống tại TP.HCM.
Kết quả: Tỷ lệ bạo hành gia đình của phụ nữ trong độ tuổi từ 18 – 49 ở TPHCM là 23,4% trong đó: bạo
hành tinh thần chiếm 16,8%; bạo hành thể chất chiếm 7,3% và bạo hành tình dục chiếm 12,4%. Kiểm soát cho các
biến số độc lập khác, số liệu nghiên cứu chỉ ra: Bạo hành gia đình làm tăng nguy cơ sinh non/nhẹ cân lên 1,44 lần
(KTC 95% = 1,04 – 1,99).
Kết luận: Bạo hành gia đình làm tăng nguy cơ sinh non/sinh nhẹ cân ở phụ nữ sống tại Tp.HCM. Do đó,
nên phổ biến rộng rãi trong trường học và xã hội về: “Luật phòng chống bạo lực gia đình”; tầm soát nhằm phát
hiện các trường hợp bị bạo hành thể chất, tinh thần hoặc tình dục ở những phụ nữ đến khám thai, đặc biệt trong
tam cá nguyệt giữa từ đó cung cấp các địa chỉ tư vấn và hỗ trợ để họ có nơi chia sẻ và bảo vệ quyền lợi.
Từ khóa: Bạo hành gia đình; Sinh non; Sinh nhẹ cân,.
ABSTRACT
INVESTIGATING THE SITUATION OF THE IMPACT OF DOMESTIC VIOLENCE AND PRETERM
BIRTH OR LOW BIRTH WEIGHT IN HO CHI MINH CITY.
Tran Thi Nhat Vy, Vo Minh Tuan
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement Vol. 22 - No 1- 2018: 60 - 68
Objectives: To investigate the relationship between preterm birth or low birth weight and domestic violences
included psychological, physical and sexual violence amongst women living in HCM city.
Methods: A cross-sectional study in the community was conducted among 10 districts randomly selected
from HCMC from Jan 1st, 2015 to Jul 4th, 2016. Subjects were 1099 women aged 18–49 and given birth within 2
years and currently living in Ho Chi Minh City.
Results: The domestic violence prevalence rate of women aged 18 – 49 in HCMCwas 23.4%: 16.8% of
psychological violence; 7.3% of physical violence and 2.4% of sexual violence. Control for other dependent factors,
the prevalence risk of preterm birth or low birth weight for women who experienced domestic violence were 1.44
times higher than those who did not (95% CI: 1.04 – 1.99).
Conclusions: Domestic violence increases the risk of preterm birth or low birth weight amongst women
living in HCM city. Therefore, it should be widely disseminated in the school and society about: "Law of Domestic
Violence Prevention” and screened to detect cases of psychological – physical – sexual violence in pregnant women
particularly during the second trimester. Victims need to be provided counseling and refered to appropriate
* Trung tâm đào tạo Bác sĩ gia đình, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
** Bộ môn Phụ Sản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Tác giả liên lạc: PGS. TS. Võ Minh Tuấn ĐT: 0909727199 Email: vominhtuan@ump.edu.vn
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 61
support and care locations.
Key words: Domestic violence, Preterm birth; Low birth weight.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bạo hành gia đình (BHGĐ) là: “Những
hành động cưỡng bức về thể chất, tinh thần và
tình dục của bạn tình nam hiện tại hoặc trước
đây đối với phụ nữ trong độ tuổi vị thành niên
và trưởng thành” (Tổ chức Y tế Thế giới
(TCYTTG))(19). Trên thế giới, cứ 3 người phụ
nữ thì có 1 trường hợp bị đánh, bị xâm phạm
tình dục hoặc bị bạo hành về tinh thần trong
cuộc đời. Phần lớn thủ phạm là thành viên
trong gia đình của bà ta(9). Mang thai là thời
điểm dễ bị tổn thương nhất đối với những nạn
nhân bị BHGĐ do thay đổi nhu cầu về thể
chất, xã hội, tình cảm và kinh tế; nhiều nghiên
cứu (NC) cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành
bởi chồng/bạn tình trong thời kỳ mang thai
dao động từ 4 – 29%(3). NC quốc gia về bạo lực
đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy
58% phụ nữ đã từng bị BHGĐ ít nhất một lần
trong đời (bao gồm cả bạo hành thể chất
(BHTC), tinh thần (BHTT) và tình dục
(BHTD); 32% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết
đã trải nghiệm BHTC trong suốt đời và 6% đã
từng bị BHTC trong 12 tháng qua. Tỷ lệ BHTC
trong thai kỳ ở Việt Nam đã được báo cáo là
5%(10). Kết quả từ một phân tích gộp mới được
công bố trong báo cáo gần đây của TCYTTG
đã chứng minh BHTC và BHTD làm tăng
nguy cơ sinh non gấp 1,41 lần và nguy cơ sinh
nhẹ cân cao gấp 1,16 lần(1).Trẻ sơ sinh non
tháng/nhẹ cân có nhiều nguy cơ bệnh tật như
suy hô hấp, bệnh màng trong, viêm phổi, di
chứng thần kinh, chỉ số IQ thấp, chậm phát
triển về cân nặng và chiều cao. Đây là gánh
nặng cho gia đình, xã hội về tinh thần và tài
chính để điều trị bệnh cũng như các di chứng
của trẻ. Do đó sinh non hay nhẹ cân được
ngành y tế đặc biệt quan tâm vì nó là một
trong những nguyên nhân gây tử vong chu
sinh ở các nước phát triển cũng như các nước
đang phát triển. Tỷ lệ sinh non hay nhẹ cân tại
Mỹ từ 5% đến 12%, tại Đông Nam Á khoảng
13,5% và Việt Nam tỷ lệ này 9,4%(2).
Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu trên
nhiều đối tượng, nhiều cộng đồng khác nhau về
BHGĐ nhưng ở Việt Nam, các báo cáo về vấn
nạn này chỉ mới dừng lại ở những số thống kê
chung hoặc vài nghiên cứu nhỏ lẻ. Hiện nay
BHGĐ là vấn đề phổ biến mang tính thời sự
không chỉ riêng của ngành y tế mà của toàn xã
hội. Do đó, những nghiên cứu về vấn đề này của
ngành Sản phụ khoa là những nghiên cứu hết
sức cần thiết và đầy tính nhân văn. TPHCM là
trung tâm tài chính kinh tế của cả nước, nơi có
đời sống kinh tế và dân trí cao, tuy nhiên vấn
nạn BHGĐ cũng còn khá phổ biến và chưa được
nghiên cứu đánh giá sâu rộng. Đa số trước đây,
các NC thường đề cập đến tỷ lệ và các yếu tố liên
quan đến sinh non hay nhẹ cân, nhưng chưa có
nhiều khảo sát về mối liên quan giữa BHGĐ với
nguy cơ sinh non hay nhẹ cân. Hy vọng với NC
này, sẽ có cái nhìn sâu hơn về tình hình BHGĐ
đối với phụ nữ ở TPHCM nói chung và phụ nữ
sinh con non tháng hay nhẹ cân nói riêng.
Vì vậy, nghiên cứu được tiến hành nhằm trả
lời cho câu hỏi: “Tỷ lệ BHGĐ ở TP.HCM là bao
nhiêu và liệu có liên quan với sinh non/sinh nhẹ
cân hay không?”.
Mục tiêu nghiên cứu
Xác định tỷ lệ BHGĐ và các loại BHGĐ ở
phụ nữ sống tại Thành phố Hồ Chí Minh trong
thời gian 01/01/2015 đến 04/07/2016.
Xác định mối liên quan giữa BHGĐ với sinh
non hoặc nhẹ cân ở phụ nữ sống tại Thành phố
Hồ Chí Minh.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu cắt ngang trong cộng đồng.
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 62
Dân số nghiên cứu
Phụ nữ đã từng sinh con non tháng hay nhẹ
cân hiện đang sống tại TPHCM trong thời gian
nghiên cứu.
Dân số chọn mẫu
Phụ nữ từng sinh con, hiện đang sống tại
cộng đồng thuộc các quận huyện của TPHCM
thỏa điều kiện nhận vào và đồng ý tham gia vào
nghiên cứu.
Tiêu chuẩn nhận vào
Phụ nữ từng sinh con trong 2 năm gần đây.
Lưu trú tại địa bàn thuộc TPHCM ít nhất
một năm trước khi được mời vào NC.
Nghe và hiểu tiếng Việt.
Đồng ý tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ
Về phía mẹ
Khởi phát chuyển dạ vì chỉ định y khoa khi
thai < 37 tuần (dị tật bẩm sinh, cao huyết áp thai
kỳ, tiểu đường, thiểu ối).
Được chỉ định mổ lấy thai khi thai < 37 tuần
Mẹ bệnh lí nội khoa: tim mạch, phổi, nội tiết,
ung thư, bệnh huyết học.
Xác định nguyên nhân thực thể gây sinh
non: hở eo, dị tật đường sinh dục mẹ.
Về phía thai
Thai ≤ 22 tuần.
Đa thai.
Cỡ mẫu
Áp dụng công thức ước lượng cỡ mẫu cho
một tỷ lệ trong cộng đồng (mục tiêu 1)
α = 0,05 (xác suất sai lầm loại I), ta có Z(1-α/2) =
1,96.d = 0,05
P: Tỷ lệ ước tính, để đảm bảo năng lực mẫu
tốt nhất cho mục tiêu(1), chúng tôi chọn P = 0,50.
n = 384: mẫu tối thiểu đảm bảo năng lực mẫu
cho mục tiêu(1).
Công cụ thu thập số liệu
Công cụ thu thập số liệu có nguồn gốc từ
bảng câu hỏi của TCYTTG: “Nghiên cứu đa quốc
gia về Sức khỏe và Kinh nghiệm sống của phụ
nữ”(20). Bảng câu hỏi được phát triển nhằm mục
đích áp dụng cho những nền văn hóa khác nhau
và thích hợp cho việc so sánh giữa các nền văn
hóa do vậy giá trị tin cậy cao.
Bảng câu hỏi được dịch sang tiếng Việt, từng
được dùng trong nghiên cứu: “Tìm hiểu về tình
hình sức khỏe phụ nữ và các sự kiện liên quan
trong đời” thực hiện tại tỉnh Ba Vì – Hà Tây(17).
Bảng câu hỏi gốc của TCYTTG bao gồm 31 chia
thành 12 phần với 1105 câu hỏi trong đó chỉ có
phần thứ 7: “Người phụ nữ và bạn tình của cô
ấy” với 3 câu hỏi 704, 705, 706 là có liên quan đến
mục tiêu NC của chúng tôi.Từ đó, BHGĐ sẽ
được đánh giá bằng cách phân nhóm bạo hành
(thể chất, tinh thần, tình dục), mức độ thường
xuyên và mức độ nặng mà bạo hành xảy ra trong
vòng 12 tháng khi đối tượng nghiên cứu có thai.
Định nghĩa biến số
Sinh non: Tại thời điểm sinh bé < 37 tuần theo
siêu âm 3 tháng đầu hoặc/và kinh chót.
Sinh nhẹ cân: sinh đủ tháng hay thiếu tháng
nhưng trọng lượng thai < 2.500 g.
Phương pháp tiến hành:
Áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu
nhiên hệ thống:
- Lập danh sách 24 quận/huyện: Chọn mẫu
ngẫu nhiên 10 quận/huyện
- Lập danh sách 132 phường/xã/10 quận
huyện: Chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống 30
phường/xã.
- Lập danh sách nữ 18 – 49 tuổi sinh con
trong 2 năm. Chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống 35
nữ mỗi phường. Phát thư mời thêm 5% nữ dự
khuyết mỗi phường.
- Đối tượng từ chối tham gia 2 lần liên tiếp:
loại khỏi NC. Gửi thư mời người tiếp theo có số
thứ tự liền kề đối tượng đó.Phỏng vấn lần lượt
cho đến khi đủ số mẫu.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 63
Bước 1: Phỏng vấn thử.
Thực hiện tại phòng khám bệnh viện Từ Dũ
với 30 phụ nữ có tình trạng sức khỏe khác nhau
gồm bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế.
Mục đích nhằm chỉnh sửa bảng câu hỏi cho phù
hợp văn phong miền Nam, cách nói chuyện trên
thực tế và giúp các thành viên trong nhóm NC
phỏng vấn dễ dàng, đồng bộ cho tất cả các đối
tượng. Số liệu của 30 trường hợp này không
được tính vào mẫu NC.
Bước 2: Thông báo đến đối tượng nghiên cứu.
- Gửi bộ Thư Mời – gồm: Thư ngỏ, Thư mời
khám phụ khoa miễn phí – cho đối tượng NC và
nhờ CTV của Hội phụ nữ, Tổ trưởng Tổ dân phố
nơi đối tượng sinh sống mời họ tham gia.
- Từ NC thăm dò tại bệnh viện Từ Dũ, chúng
tôi dự tính khoảng 5% đối tượng NC (2 phụ nữ
mỗi cụm) không đến hoặc thay đổi ý kiến
(không đồng ý tham gia NC) nên chúng tôi gửi
thêm thư mời cho 2 phụ nữ dự khuyết ở mỗi
cụm. Như vậy, số phụ nữ được mời ở mỗi cụm
là 35 + 2 = 37 người.
Bước 3: Thu thập số liệu về Bộ câu hỏi sàng lọc
về BHGĐ.
Mỗi đối tượng đến khám sẽ được nhân viên
Trạm y tế:
- Ghi tên vào Danh sách phụ nữ khám phụ
khoa và tham gia nghiên cứu
- Phát một bộ Hồ sơ khách hàng, bao gồm:
Phiếu tự nguyện đồng ý tham gia nghiên cứu,
Bộ câu hỏi phỏng vấn đối tượng nghiên cứu,
Phiếu xét nghiệm tế bào cổ tử cung, Bộ câu hỏi
sàng lọc về BHGĐ.
- Hướng dẫn quy trình khám và phỏng vấn.
- Tiếp theo, đối tượng nghiên cứu được mời
vào phòng khám của Trạm y tế để được khám
phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung (nếu họ
chưa được tầm soát trong 1 năm gần đây), hẹn
ngày trả kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Sau khi khám phụ khoa, đối tượng
nghiên cứu sẽ được mời vào phòng tư vấn
từng người một. Trong phòng phỏng vấn lúc
này chỉ có CTV và đối tượng nghiên cứu
(không có chồng theo cùng).
+ Thu thập thông tin đánh giá về BHGĐ của
nhóm sinh con nhẹ cân hoặc non tháng.
+ Mọi thông tin cá nhân được đảm bảo giữ
bí mật bằng cách: Họ và tên được viết tắt (vd:
L.T.A)
+ Khi phỏng vấn, không có mặt thân nhân.
+ Trong quá trình phỏng vấn, đối tượng có
thể rút tên không tham gia vào bất cứ lúc nào,
thông tin của họ vẫn đảm bảo bí mật.
+ Nếu trong quá trình NC phát hiện đối
tượng bị BHGĐ sẽ cung cấp tờ bướm có thông
tin về “Luật phòng, chống bạo lực gia đình”, các
địa chỉ tư vấn về vấn đề này đồng thời cung cấp
các thông tin về các biện pháp ngừa thai nếu các
đối tượng có yêu cầu.
KẾT QUẢ
Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
Trong thời gian từ 01/1/2015 đến 04/07/2016,
chúng tôi đã thu thập 1099 trường hợp. Tổng số
bảng câu hỏi sử dụng cho nghiên cứu thử và
nghiên cứu chính thức là 1129 bảng (30 bảng sử
dụng cho NC thử và 1099 bảng cho NC chính
thức), có 2 trường hợp nào từ chối tham gia NC
vì đi công tác. Thời gian trung bình cho mỗi cuộc
phỏng vấn trực tiếp kéo dài từ 30 – 45 phút. Sau
mỗi cuộc phỏng vấn, tất cả các đối tượng NC sẽ
được tư vấn về các biện pháp ngừa thai hoặc
phát tờ bướm liên quan đến vấn đề BHGĐ nếu
họ thuộc nhóm bị bạo hành. Tổng số tờ bướm
phát ra là 257 tờ (áp dụng khi NC chính thức).
Mẫu NC cho thấy đa số đối tượng khảo sát
có độ tuổi từ 26 tuổi – 34 tuổi (59,2%), phần lớn
đã lập gia đình và đang sống với chồng (99,8%).
Về trình độ học vấn: cấp 2 và trên cấp 3 chiếm đa
số, trong đó 31,2% trình độ cấp 2 và 29,7% trình
độ trên cấp 3. Về nghề nghiệp, đa phần đối
tượng là nội trợ (35,9%) kế tiếp là công nhân
(23,8%) và CNV (23,4%) chiếm tỷ lệ tương
đương nhau. Phần lớn các đối tượng sống chung
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 64
với gia đình (39,5%) và đều cho rằng mình
không lo lắng về tài chính (72,8%).
Tỷ lệ bạo hành gia đình
Bảng 1. Tỷ lệ BHGĐ trong mẫu nghiên cứu (n =
1099)
Đặc điểm
Tần số
(n=1099)
Tỷ lệ %
Không BHGĐ 842 76,6
Có BHGĐ 257 23,4
Bạo hành tinh thần 185 16,8
Bạo hành thể chất 80 7,3
Bạo hành tình dục 136 12,4
Cứ 1 trong 5 người phụ nữ được phỏng vấn
thì có 1 phụ nữ bị BHGĐ (23,4%). Trong nhóm bị
BHGĐ, BHTT chiếm tỷ lệ cao nhất 16,8%
(185/1099) kế tiếp là BHTD 12,4% (136/1099) còn
BTTC thấp nhất 7,3% (80/1099).
Các hình thức bạo hành
Bảng 2. Phân loại các hình thức bạo hành ở mẫu
nghiên cứu (N = 1.099)
Đặc điểm
Tần số
(n=1.099)
Tỷ lệ
(%)
BHTT 185 16,8
Quát mắng/Sỉ nhục/Lăng mạ 122 11,1
Làm mất phẩm giá/thể diện trước
mặt người khác
62 5,6
Đe dọa/Dọa nạt 108 9,8
Dọa đánh đối tượng hoặc người họ
yêu quý
21 1,9
BHTC 80 7,3
Cố tình xô ngã/Xô thứ gì vào người 23 2,1
Tát hoặc Ném vật gì vào người 62 5,6
Dùng vật gì/dùng tay để đánh 16 1,5
Đá vào người/Cào cấu, lôi kéo 20 1,8
Đánh nhừ tử 4 0,4
Bóp cổ/Gây bỏng 6 0,6
Dùng dao/súng để dọa/tấn công 3 0,3
BHTD 136 12,4
Đòi hỏi quan hệ tình dục 109 9,9
Bắt quan hệ tình dục 42 3,8
Dùng vũ lực bắt quan hệ tình dục 4 0,4
Bắt quan hệ tình dục bằng đường
miệng/hậu môn
49 4,5
Dùng dụng cụ để quan hệ 5 0,5
Đi sâu vào các kiểu bị bạo hành, thì hình
thức “Quát mắng/Sỉ nhục/Lăng mạ” (65,9%) và
“Đe dọa/Dọa nạt” (58,4%) chiếm nhiều nhất
trong nhóm BHTT còn “Làm mất phẩm giá/thể
diện trước mặt người khác” chỉ chiếm 33,5%.
Bên cạnh đó, việc bị “Tát hoặc Ném vật gì
vào người” trong nhóm bị BHTC chiếm đa số
(77,5%); đặc biệt có 3 trường hợp (chiếm tỷ lệ
3,8%) bị chồng/bạn tình dùng dao để tấn công, 6
trường hợp (7,5%) bị “Bóp cổ/Gây bỏng” trong
lúc mang thai.
Riêng nhóm bị BHTD thì cứ 5 đối tượng sẽ
có 4 người bị chồng/bạn tình “Đòi hỏi quan hệ
tình dục dù không muốn” (80,1%); số phụ nữ
phải chịu đựng tình trạng người phối ngẫu
“Dùng vũ lực bắt quan hệ tình dục” hoặc “Dùng
dụng cụ để quan hệ tình dục” không nhiều
(2,9% và 3,7%).
Liên quan giữa các loại bạo hành với sinh
non/sinh nhẹ cân
Sau khi kiểm soát với các yếu tố khác,
phương trình hồi quy đa biến cho thấy mối liên
quan sau khi được hiệu chỉnh của BHGĐ với các
yếu tố dịch tễ - xã hội sau đây (Bảng 3).
Nguy cơ sinh con non tháng/nhẹ cân ở phụ
nữ bị BHGĐ so với những người không bị bạo
hành sau khi phân tích đa biến vẫn cùng khuynh
hướng liên quan, P < 0,05; OR* giảm hơn 10% so
với đơn biến (OR* = 1,44 so OR = 1,67).
Nguy cơ sinh con non tháng/nhẹ cân ở phụ
nữ bị BHTD so với những người không bị BHTD
sau khi phân tích đa biến vẫn cùng khuynh
hướng liên quan, P < 0,05; OR* giảm hơn 10% so
với đơn biến (OR* = 1,49 so OR = 1,63).
Bảng 3. Các yếu tố liên quan với sanh non/nhẹ cân
Yếu tố liên quan Nhóm bệnh (n=160) Nhóm chứng (n=939) OR OR* P**
BHGĐ
Không 106 (66,3) 736 (78,4) 1 1
Có 54 (33,7) 203 (21,6) 1,67 1,44 0,029
BHTT
(a)
Không 123 (76,9) 791 (84,2) 1 1
Có 37 (23,1) 148 (15,8) 1,49 1,27 0,250
BHTC
(a)
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 65
Yếu tố liên quan Nhóm bệnh (n=160) Nhóm chứng (n=939) OR OR* P**
Không 147 (91,9) 872 (92,9) 1 1
Có 13 (8,1) 67 (7,1) 1,13 0,69 0,237
BHTD
(a)
Không 130 (81,3) 833 (88,7) 1 1
Có 30 (18,7) 106 (11,3) 1,63 1,49 0,046
VỢ
Kinh tế
Đủ sống 116 (72,5) 684 (72,8) 1 1
Khó khăn 21 (13,1) 41 (4,4) 2,34 1,82 0,011
Khá giả 23 (14,4) 214 (22,8) 0,67 0,73 0,212
CHỒNG
Rượu bia
Không 11 (6,9) 137 (14,6) 1 1
Có 149 (93,1) 802 (85,4) 2,11 1,87 0,036
(OR) : Hồi quy đơn biến (OR*): Hồi quy đa biến P**: Giá trị P của hồi quy đa biến (a): Phân tích đa biến BHTT, BHTC,
BHTD với nhóm tuổi vợ, nghề nghiệp, tình trạng nhà ở, kinh tế, nhóm tuổi chồng và thói quen sử dụng rượu bia của chồng.
BÀN LUẬN
BHGĐ có thể xảy ra trước khi mang thai,
trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh. Do sự
thay đổi nhu cầu về tình cảm, thể chất, xã hội và
kinh tế của phụ nữ trong thời kỳ mang thai, việc
thụ thai có thể là thời điểm dễ bị tổn thương nhất
đối với phụ nữ để trở thành nạn nhân của
BHGĐ. Tỷ lệ BHGĐ thay đổi giữa các vùng khác
nhau. Một NC trên 19 quốc gia của TCYTTG(5)
cho thấy tần suất BHGĐ trong thai kỳ dao động
3,8% – 13,5% ở Châu Phi; 2,0% – 5,0% ở Mỹ; 1,8%
– 6,6% ở Châu Âu và 2,0% ở Úc. Ngoài ra, theo
TCYTTG, tỷ lệ này ở Philipin là 2,0%,
Campuchia 2,8%, Azerbaijan 4,0% và Jordan
5,0%(5). Tỷ lệ bị BHGĐ trong mẫu NC của chúng
tôi vào khoảng 23,4% có nghĩa là cứ 5 phụ nữ
được phỏng vấn sẽ có 1 người từng bị BHGĐ
trong thai kì; 16,8% phụ nữ bị BHTT; 7,3% chịu
BHTC và 12,4% bị BHTD. Vì thế, chúng tôi kết
luận rằng Việt Nam là một trong những quốc gia
có tỷ lệ phụ nữ bị BHGĐ trong thai kỳ cao nhất ở
Châu Á.
Theo nghiên cứu Quốc gia về BHGĐ đối với
phụ nữ Việt Nam, nhóm tác giả Henrica John,
Nguyễn Đăng Vừng và cộng sự đưa ra tỷ lệ
BHTC trong thai kì là 5%(10) thấp hơn so với NC
của chúng tôi. Khảo sát của tác giả Nguyễn
Hoàng Thanh và cộng sự tại huyện Đông Anh –
Hà Nội lại đưa ra tỷ lệ BHGĐ trong thai kì cao
gấp 1,5 lần so với NC của chúng tôi (35,4% so với
23,4%); theo đó BHTT chiếm 32,5%, BHTC chiếm
3,5% và BHTD chiếm 10%(11). Huyện Đông Anh
cách thủ đô Hà Nội khoảng 15 km về phía Tây
Bắc và có tiềm năng kinh tế khá phát triển, mặc
dù mối liên quan giữa việc cư trú tại nông
thôn/thành thị với nguy cơ bị BHGĐ trong thai
kì vẫn chưa được mô tả rõ ràng trong y văn tuy
nhiên người ta nhận thấy những phụ nữ sinh ra
và lớn lên ở vùng nông thôn dễ trở thành nạn
nhân của BHGĐ hơn vì họ bị giới hạn về trình
độ học vấn, giới hạn trong việc tiếp cận với các
cơ sở y tế cũng như các dịch vụ xã hội(13).
Đáng kể, một tỷ lệ rất cao của BHGĐ trong
khi mang thai đã được báo cáo trong một nghiên
cứu từ Thái Lan với 54% phụ nữ đã từng tiếp
xúc với BHTT, 27% bị BHTC và 19% BHTD(16). Tỷ
lệ BHTD ở NC chúng tôi thấp hơn ở Thái Lan có
thể là do sự khác biệt về văn hóa. Một mặt, vì
ảnh hưởng của nền văn hoá truyền thống, phụ
nữ Việt Nam không muốn nói về các vấn đề liên
quan đến giới tính, thậm chí sau khi bị BHTD, họ
ít có khả năng tìm kiếm sự trợ giúp hoặc nói
chuyện với người khác vì những cảm giác xấu
hổ và lo sợ bị kỳ thị. Mặt khác, mặc dù có những
hành vi ép buộc tình dục trong các cặp vợ chồng,
nhiều phụ nữ đã không xem nó như là một loại
BHGĐ. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ BHTD bị
đánh giá thấp hơn so với thực tế ở phụ nữ mang
thai tại Việt Nam. Và trong các loại bạo hành thì
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 66
BHTT chiếm tỷ lệ cao nhất so với BHTC và
BHTD, mang tính chất mạn tính, có thể do trong
thời gian mang thai, người phụ nữ thường được
chăm sóc cẩn thận, “nâng như nâng trứng, hứng
như hứng hoa” vì sợ ảnh hưởng không tốt đến
thai kì và tâm lý của người chồng – người cha sợ
làm tổn thương con của mình vì vậy họ kìm nén
không bộc lộ những hành vi bạo lực mà chỉ
dừng lại ở lời nói.
Với một biên độ dao động khá rộng của các
báo cáo về tỷ lệ BHGĐ trong thai kì (5,6 - 16,6%)
phản ánh sự phân bố khác biệt ở các khu vực,
trong phương pháp NC cũng như khác biệt
trong công cụ để sàng lọc BHGĐ do đó rất khó
để đạt được sự so sánh phù hợp(14).
Những phụ nữ bị bất kì loại BHGĐ nào
trong lúc mang thai sẽ tăng nguy cơ sinh
non/nhẹ cân gấp 1,44 lần so với người không
bị BHGĐ (KTC 95%: 1,04–1,99) với P* < 0,05.
Tác giả Mansoureh Jamshidimanesh và cộng
sự khi tiến hành NC cắt ngang, dùng bảng câu
hỏi AAS phỏng vấn 600 phụ nữ (9/2010 -
12/2010) đến sinh tại các bệnh viện thuộc Đại
học Y khoa Tehran (Iran) cho thấy 338 phụ nữ
(chiếm 56,3%) bị BHGĐ trong suốt thai kỳ,
trong đó phổ biến nhất là BHTT (51,3%), tiếp
đến là BHTC (5%). Tỷ lệ sinh non ở nhóm đối
tượng NC này chiếm 37,7%, đáng nói là trong
nhóm sinh non đó có tới 63,3% phụ nữ từng bị
chồng/bạn tình BHGĐ(12). Ngoài ra, khi làm
phân tích gộp 50 NC thì nhóm tác giả
Donovan và cs. tìm thấy có tới 30 NC ghi nhận
mối liên quan giữa BHGĐ và sinh non. Kết
quả của phân tích đa biến ghi nhận có sự gia
tăng gần gấp đôi tỷ lệ sinh non trong số các
nạn nhân bị BHGĐ trong thai kỳ so với những
phụ nữ không bị phơi nhiễm (OR* = 1,89, KTC
95% = 1,43 – 2,48)(6).
Nhằm xác định nguyên nhân có thể gây ra
tính không đồng nhất và mô tả sự khác biệt
trong kết quả ước lượng khi so sánh các NC, tác
giả đã phân tầng kết quả của các NC theo mức
thu nhập quốc gia, thiết kế NC, loại BHGĐ và
chất lượng của NC. Đối với cả ba kết cục sinh
non – sinh nhẹ cân và thai nhỏ so với tuổi thai,
các kết quả phân tầng cho thấy mức thu nhập
quốc gia và thiết kế NC đã đem đến sự không
đồng nhất của các NC. Điều này có thể được giải
thích bởi tần suất và mức độ nghiêm trọng của
BHGĐ, sự sẵn có của dịch vụ chăm sóc trước
sinh và tình trạng kinh tế xã hội của người dân
sống trong các quốc gia có thu nhập cao và trung
bình thấp. Đối với nhiều NC, nhưng không phải
tất cả, theo phân tích gộp này, các NC cắt ngang
đã cho thấy mối liên quan chặt chẽ hơn giữa
BHGĐ và kết cục của thai kì so với NC đoàn hệ
hoặc NC bệnh – chứng. Điều này có thể do yếu
tố gây nhiễu (NC đoàn hệ hoặc NC bệnh –
chứng có thiết kế mạnh mẽ hơn) hoặc do sai lệch
nhớ lại. Loại bạo lực và chất lượng NC cũng
đóng góp vào việc gây ra sự bất tương đồng
trong kết quả khi so sánh các NC. Những phụ
nữ càng bị nhiều loại hình BHGĐ cùng một lúc
thì mối liên quan càng chặt chẽ.
BHGĐ trong thai kì gây ra những hậu quả
không tốt cho kết cục thai kì thông quan các cơ
chế trực tiếp và gián tiếp. BHTC tác động trực
tiếp vào vùng bụng hoặc BHTD gây ra biến
chứng cho thai như nhau bong non, kích thích
cơn gò tử cung, ối vỡ non hoặc nhiễm trùng
đường sinh dục(8). BHGĐ còn có thể đưa đến
những hành vi nguy cơ cho thai phụ làm ảnh
hưởng xấu đến thai, ví dụ: hút thuốc, sử dụng
ma túy hoặc rượu, chăm sóc trước sinh không
đầy đủ(4). Ngoài ra nhiều NC còn ghi nhận
BHGĐ khiến thai phụ luôn trong tình trạng căng
thẳng mức độ cao, không nhận được sự hỗ trợ từ
phía chồng/bạn tình, cảm thấy tự ti về bản
thân(7,18). Chính điều này thúc đẩy cơ chế sinh
học gây ra sinh non/sinh nhẹ cân.
Ngoài yếu tố BHGĐ, chúng tôi ghi nhận mối
tương quan chặt chẽ giữa tình trạng kinh tế với
kết cục sinh non/nhẹ cân, trong đó nhóm đối
tượng khó khăn về kinh tế có nguy cơ sinh non
hoặc nhẹ cân cao gấp 1,82 lần (KTC 95%: 1,15–
2,88) so với nhóm đủ sống, P* < 0,05. Điều này
phù hợp với báo cáo của tác giả Nguyễn Ngọc
Rạng và Dương Thanh Long, nhóm tác giả này
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 67
nhận thấy gia đình có thu nhập trên 750
ngàn/tháng làm giảm nguy cơ sinh non 73%(15).
Tình trạng kinh tế xã hội thấp là con đường thúc
đẩy người phụ nữ lâm vào cảnh đối mặt với tâm
lý căng thẳng, mệt mỏi; nghèo thường đi đôi với
không có việc làm ổn định, ít hiểu biết và không
tiếp cận được với chăm sóc thai kì đầy đủ, dinh
dưỡng kém từ đó dẫn đến sinh non và thai nhẹ
cân(13). Ngoài ra, khi xét đến các yếu tố dịch tễ và
thói quen không tốt của chồng đối tượng NC,
phân tích đa biến ghi nhận có mối liên quan giữa
việc chồng sử dụng rượu bia với tình trạng sinh
con non tháng/nhẹ cân ở đối tượng NC (PR* =
1,87; KTC 95%: 1,04 – 3,38 với P**< 0,05). Việc
người chồng thường xuyên sử dụng rượu bia có
thể dẫn đến mất kiểm soát hành vi, lời nói trong
khi say xỉn thúc đẩy bầu không khí căng thẳng
trong gia đình.
NC áp dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu
nhiên giúp đại diện cao cho phụ nữ tuổi sinh đẻ
tại TP.HCM. Việc sử dụng công cụ thu thập số
liệu có nguồn gốc từ bảng câu hỏi của TCYTTG
có độ tin cậy cao. Cuộc phỏng vấn được diễn ra
tại Trạm Y Tế đảm bảo hơn về an toàn và sự
riêng tư cho người được phỏng vấn và theo cách
này người phụ nữ sẽ không bị những người
khác trong gia đình vây quanh và nghe lỏm, kể
cả người chồng. Cuộc phỏng vấn trực tiếp mặt
đối mặt thực hiện bởi các cộng tác viên được
huấn luyện kĩ, đảm bảo số liệu thu thập được
đầy đủ và chính xác. Điều đáng lưu ý nhất trong
việc thu thập dữ liệu bằng phỏng vấn bảng câu
hỏi là có thể bị sai lệch hồi tưởng. Để hạn chế tối
đa sai lệch hồi tưởng, chúng tôi sử dụng bảng
câu hỏi chuẩn, thuộc dạng bảng câu hỏi cấu trúc,
đóng (các câu hỏi và câu trả lời theo một mẫu
sẵn có) của TCYTTG và các CTV đã được huấn
luyện kĩ với cách phỏng vấn hoàn toàn thống
nhất cho tất cả các trường hợp nghiên cứu,
không giải thích thêm cũng như không thể
hướng đối tượng trả lời theo ý của mình
KẾT LUẬN
Trong thời gian từ 01/1/2015 đến 04/07/2016,
chúng tôi đã tiến hành NC trong cộng đồng trên
1.099 phụ nữ nhằm tìm ra mối liên quan giữa
BHTT – BHTC – BHTD với sinh con non tháng
hoặc nhẹ cân ở những phụ nữ sống tại các
quận/huyện thuộc TPHCM. Chúng tôi tìm ra
một số kết quả như sau:
Tỷ lệ BHGĐ của phụ nữ trong độ tuổi từ 18 –
49 ở TPHCM là 23,4% trong đó: BHTT chiếm
16,8%; BHTC chiếm 7,3% và BHTD chiếm 12,4%.
So với những phụ nữ không bị bạn
tình/chồng bạo hành thì nguy cơ sinh non/sinh
nhẹ cân ở phụ nữ bị BHGĐ cao gấp 1,44 lần;
KTC 95%: 1,04 – 1,99.
KIẾN NGHỊ
Phổ biến rộng rãi trong trường học và xã hội
về: “Luật phòng chống bạo lực gia đình”, đặc
biệt cho các phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Mở rộng các chương trình giáo dục sức khỏe
sinh sản, cung cấp kiến thức về các yếu tố liên
quan đến sinh non/sinh con nhẹ cân cho đối
tượng phụ nữ.
Tầm soát nhằm phát hiện các đối tượng bị
BHTC, BHTT hoặc BHTD ở những phụ nữ đến
khám thai, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ hai
từ đó cung cấp địa chỉ tư vấn và hỗ trợ để họ có
nơi chia sẻ và bảo vệ quyền lợi.
Hướng NC trong tương lai: cần có những
NC tiền cứu nhằm xác định yếu tố nguy cơ của
các loại bạo hành và sinh con non tháng/nhẹ cân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Black RE, Allen LH, Bhutta ZA, Caulfield LE, de Onis M, Ezzati
M, Mathers C, et al (2008). “Maternal and child undernutrition:
global and regional exposures and health consequences”. Lancet;
371:pp.243-260.
2. Blencowe H, Cousens S, Oestergaard M, Chou D, Moller A, et al
(2012). “National, regional and worldwide estimates of preterm
birth rates in the year 2010 with time trends since 1990 for
selected countries: a systematic analysis and implications”.
Lancet. 379(9832):pp.2161-72
3. Campbell J, García-Moreno C, Sharps P (2004). “Abuse during
pregnancy in industrialized and developing countries”. Violence
against Women; 10:pp.770-89
4. Cokkinides VE, Coker AL, Sanderson M, Addy C, Bethea L.
(1999). “Physical violence during pregnancy: maternal
complications and birth outcomes”.Obstetrics and Gynecology,
93:pp.661-6.
5. Devries KM, Kishor S, Johnson H, Stockl H, Bacchus LJ, Garcia-
Moreno C, et al (2010). “Intimate partner violence during
pregnancy: analysis of prevalence data from 19 countries”.
Reprod Health Matters; 18(36):pp.158-170.
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018
Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 68
6. Donovan BM, Spracklen CN, Schweizer ML, Ryckman KK,
Saftlas AF (2016). “Intimate partner violence during pregnancy
and the risk for adverse infant outcomes: a systematic review
and meta-analysis”. BJOG, 123:pp.1289-1299.
7. Goldstein KM, Martin SL (2004). “Intimate partner physical
assault before and during pregnancy: how does it relate to
women’s psychological vulnerability ?”. Violence and victims,
19(4):pp.387-398.
8. Heaman MI (2005). “Relationships between physical abuse
during pregnancy and risk factors for preterm birth among
women in Manitoba”. Journal of Obstetric, Gynecologic, and
Neonatal Nursing, 34(6):pp.721-731.
9. Heise L, Ellsberg M and Gottemoeller M (1999). “Ending
violence against women”. Reports No: Series L, No. 11, pp. 1.
Baltimore; Johns Hopkins University School of Public Health;
Population Information Program”.
10. Henrica AFMJ, Vung ND, Anh HT, Trang QT, Nga NTV, Kiem
DA, et al (2010). “Results from the National Study on Domestic
Violence against Women in Vietnam”. General Statistics Office.
11. Hoang TN, Van TN, Gammeltoft T, W. Meyrowitsch D, Nguyen
Thi Thuy H, Rasch V (2016). “Association between Intimate
Partner Violence during Pregnancy and Adverse Pregnancy
Outcomes in Vietnam: A Prospective Cohort Study”. PLoS ONE,
11(9):pp.e0162844.
12. Jamshidimanesh M, Soleymani M, Ebrahimi E, Hosseini F
(2013). “Domestic Violence Against Pregnant Women in Iran”.
Journal of Family and Reproductive Health, 7(1):pp.7 - 10.
13. Lu Q, Lu MC, Dunkel Schetter C (2005). Learning from success
and failure in psychosocial intervention: An evaluation of low
birth weight prevention trials. Journal of Health Psychology,
10(2):pp.185 – 195.
14. Murphy CC, Schei B, Myhr TL, Du Mont J (2001). “Abuse: A risk
factor for low birth weight? A systematic review and meta-
analysis”. CMAJ,164(11):pp.1567-1572.
15. Nguyễn Ngọc Rạng và Dương Thanh Long (2012). “Hút thuốc
lá thụ động gây nguy cơ sinh non”. Tạp chí nhi khoa, 5(4).
16. Saito A, Creedy D, Cooke M, Chaboyer W (2013). “Effect of
intimate partner violence on antenatal functional health status of
childbearing women in Northeastern Thailand”. Health care for
women international, 34(9):pp.757-774.
17. Vung N, Ostergren PO, Krantz G (2008). Intimate partner
violence against women in rural Vietnam - different socio-
demographic factors are associated with different forms of
violence: Need for new intervention guidelines?”. BMC Public
Health, 8(1):pp.55.
18. Williams MA, Mittendorf R, Stubblefield PG, et al (1992).
“Cigarettes, coffee, and preterm premature rupture of the
membranes”. American journal of epidemiology, 135(8):pp.895-903.
19. World Health Organization (1997). Violence Against Women: A
Priority Health Issue. World Health Organization, Geneva. URL:
HD_97.8.pdf.
20. World Health Organization (2000). “Multi-country study on
women's health and life experiences questionnaire (version 9)”.
Geneva: World Health Organization.
Ngày nhận bài báo: 01/11/2017
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 10/11/2017
Ngày bài báo được đăng: 15/03/2018
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- dieu_tra_thuc_trang_ve_anh_huong_giua_bao_hanh_gia_dinh_va_s.pdf