Tài liệu Đề tài Xecgây Êxênhin trong thơ Việt - Đào Thị Anh Lê: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0005
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 27-33
This paper is available online at
ĐỀ TÀI XECGÂY ÊXÊNHIN TRONG THƠ VIỆT
Đào Thị Anh Lê
Khoa Xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định
Tóm tắt. Trong dòng chảy văn học Nga trên đất Việt, Xécgây Êxênhin (1895 -1925) là một
trong những tác giả được nhiều người yêu mến nhất. Cũng như những tác giả văn học nước
ngoài có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, Xécgây Êxênhin được tiếp nhận phong phú từ các
lĩnh vực dịch thuật, xuất bản, nghiên cứu phê bình, giảng dạy, ảnh hưởng trong nền học
thuật. . . Độc đáo hơn, Êxênhin còn trở thành một đề tài trong thi ca Việt Nam. Trong bài
báo này, chúng tôi, chúng tôi mô tả đề tài Êxênhin trong thơ Việt như một hiện tượng độc
đáo trong văn học Việt Nam.
Từ khóa: Đề tài Xécgây Êxênhin, thơ Việt, tiếp nhận văn học.
1. Mở đầu
Xecgây Êxênhin (1895 -1925) (từ đây xin gọi là Êxênhin ) - nhà thơ Nga kiệt xuất đầu thế
kỉ XX. Êxênhin như một ánh sao bă...
7 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 580 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Xecgây Êxênhin trong thơ Việt - Đào Thị Anh Lê, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0005
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 27-33
This paper is available online at
ĐỀ TÀI XECGÂY ÊXÊNHIN TRONG THƠ VIỆT
Đào Thị Anh Lê
Khoa Xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định
Tóm tắt. Trong dòng chảy văn học Nga trên đất Việt, Xécgây Êxênhin (1895 -1925) là một
trong những tác giả được nhiều người yêu mến nhất. Cũng như những tác giả văn học nước
ngoài có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, Xécgây Êxênhin được tiếp nhận phong phú từ các
lĩnh vực dịch thuật, xuất bản, nghiên cứu phê bình, giảng dạy, ảnh hưởng trong nền học
thuật. . . Độc đáo hơn, Êxênhin còn trở thành một đề tài trong thi ca Việt Nam. Trong bài
báo này, chúng tôi, chúng tôi mô tả đề tài Êxênhin trong thơ Việt như một hiện tượng độc
đáo trong văn học Việt Nam.
Từ khóa: Đề tài Xécgây Êxênhin, thơ Việt, tiếp nhận văn học.
1. Mở đầu
Xecgây Êxênhin (1895 -1925) (từ đây xin gọi là Êxênhin ) - nhà thơ Nga kiệt xuất đầu thế
kỉ XX. Êxênhin như một ánh sao băng vụt qua cuộc đời và thi đàn Nga nhưng dư âm mãnh liệt nhà
thơ để lại trong những vần thơ lay động lòng người thì còn mãi mãi. “Thơ Êxênhin - đó là kinh
thánh của tâm hồn Nga và Êxênhin - đó chính là nước Nga, là tâm hồn và trái tim Nga” (Lời kêu
gọi của Viện Đuyma quốc gia Nga năm 1995 - nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Êxênhin). Trong
dòng chảy văn học Nga trên đất Việt, Êxênhin là một trong những tác giả được nhiều người yêu
mến. Những tác phẩm thơ đầu tiên của Êxênhin được dịch và xuất bản ở Việt Nam từ năm 1962 và
rất nhanh, thơ ông trở nên quen thuộc với người đọc Việt Nam. Điều đáng ngạc nhiên là xuất hiện
rất nhiều sáng tác về Êxênhin và Êxênhin trở thành một đề tài sáng tác trong thi ca Việt Nam.
Những bài thơ Việt sáng tác về Êxênhin xuất hiện rải rác trong sách báo và lần đầu tiên
được dịch giả Thúy Toàn tập hợp trong cuốn Thơ Exênhin (Nxb Văn học – 1995) với 15 tác phẩm
của 13 nhà thơ Việt. Sau đó, trong cuốn Những kỉ niệm không dễ gì phai lạt, Nxb Văn học, Hà
Nội, một số tác phẩm sáng tác về Êxênhin cũng được tuyển in tuy không nhiều về số lượng như
trong cuốn Thơ Exênhin. Thúy Toàn cũng là nhà nghiên cứu đầu tiên đề cập đến khái niệm đề tài
Xécgây Êxênhin trong tác phẩm Thơ Exênhin. Từ sưu tầm ban đầu của Thúy Toàn, mở rộng phạm
vi khảo sát trên báo, tạp chí, sách, mạng Internet, chúng tôi đã tập hợp được 42 tác phẩm của 33
tác giả viết về Êxênhin (tính đến thời điểm tháng 10/ 2015) và nhận thấy đây là vấn đề nghiên cứu
đáng quan tâm bởi sự phong phú về số lượng, sự đa dạng về nội dung và nghệ thuật của đề tài này.
Ngày nhận bài: 15/4/2015. Ngày nhận đăng: 10/9/2015
Liên hệ: Đào Thị Anh Lê, e-mail: anhle7277@gmail.com
27
Đào Thị Anh Lê
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Đề tài Êxênhin – số lượng phong phú
Số lượng sáng tác về đề tài Xécgây Êxênhin rất phong phú. Như đã nói ở trên, từ sưu tầm
ban đầu của Thúy Toàn, mở rộng phạm vi khảo sát trên báo, tạp chí, sách, mạng internet, chúng
tôi đã tập hợp được 42 tác phẩm của 33 tác giả viết về Êxênhin (tính đến thời điểm tháng 10/
2015). So với sáng tác của các nhà thơ Việt về các nhà thơ nói chung và các nhà thơ Nga nói riêng
như Puskin, Pautôpxki, hiện tượng sáng tác về Êxênhin là rất đáng chú ý. Đề tài Xécgây Êxênhin
đã thu hút rất nhiều tác giả như Trần Đăng Khoa, Anh Chi, Nguyễn Hoa, Nguyễn Khôi, Nguyễn
Mộng Sinh, Nguyệt Vũ, Hoàng Vũ Thuật, Bình Nguyên Trang. . . Có những tác giả sáng tác nhiều
tác phẩm về Êxênhin. Sáng tác tới lần thứ hai như Trần Nhuận Minh (Ở làng quê Êxênhin, Trong
vườn Xergây Exênin), Phùng Quán (Gửi Xécgây Êxênhin, Lá khổ sâm),Tạ Phương (Ghi bên căn
nhà gỗ Esenin và bài Thay lời tựa sách tập Thơ trữ tình (2004). Nguyễn Đình Chiến có tác phẩm
thơ Kônxtantinôvô và tùy bút Xécgây Êxênhin. Sáng tác tới lần thứ ba như Nguyễn Thị Hồng với
ba bài Với Êxênhin (I,II, III), Thanh Thảo nhiều lần trăn trở với Êxênhin trong các tác phẩm Cây
táo, Kỉ niệm về những câu thơ Nga và Gửi Xécgây Êxênhin. Đặc biệt Triệu Lam Châu sáng tác tới
sáu bài thơ về Êxênhin (Mách bảo Êxênhin, Êxênhin về thăm Nà Lóa, Lời phân trần của nhà du
hành vũ trụ Nga Gagarin, Lời chúc mừng của nhà thơ Nga Êxênhin, Êxênhin bên mái ngói nhà
sàn và Êxênhin dự cuộc vui lày cỏ) rải rác từ năm 1996 tới năm 2013. Có thể nói, đề tài Êxênhin
đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà thơ Việt, thể hiện tình yêu mãnh liệt của hồn thơ Việt với
thơ và đời Êxênhin.
2.2. Đề tài Êxênhin – nguồn cảm hứng đa dạng
2.2.1. Cảm hứng về cuộc đời, số phận Êxênhin
Trong đề tài Êxênhin, những chi tiết về cuộc đời, tình yêu, sự nghiệp, tài năng của nhà thơ
trở thành cảm hứng cho các nhà thơ Việt trong nhiều bài thơ nhưng nhiều nhất là chân dung và cái
chết của Êxênhin.
Chân dung Êxênhin hiện lên sống động và chân thực từ ánh mắt buồn thăm thẳm, gương
mặt đẹp, đôi môi ngậm tẩu, mái tóc lượn sóng trong các tác phẩm của Phùng Quán (Gửi Xecgây
Exênhin), Tuấn Linh (Bức tranh), Phạm Khải (Người thơ không có tuổi). Với Phùng Quán, nhà thơ
đã say mê ngắm nhìn khóe môi, từ ánh mắt, từ mái tóc buông xõa xuống trán như vầng trăng để
nhận ra gương mặt Êxênhin là một gương mặt “đẹp đến cháy lòng”, “gương mặt Nga” và in rất sâu
“dấu ấn của thơ” (Gửi Exênhin). Tác giả Tuấn Linh đã ngắm chân dung của Êxênhin qua bức ảnh
chân dung đen trắng in trong một cuốn sách đặt bên cửa sổ vào một đêm mưa: Một mái tóc đen/
lượn sóng mượt mà/ Như khép lại/Một đôi mắt nhung huyền /Buồn sâu thăm thẳm/ Như có một
CON NGƯỜI/Vội đi. . . /Bỏ quên đâu. . . / Một tẩu thuốc ngậm môi (Bức tranh). Phạm Khải cũng
xúc động với mái tóc bồng bềnh mây nổi bất tử của nhà thơ (Người thơ không có tuổi). Những nét
vẽ bằng thơ tiêu biểu đã khắc họa chân dung – số phận của nhà thơ Nga Êxênhin.
Cái chết của Êxênhin là yếu tố được nhắc nhiều trong những trang thơ Việt như ở các tác
phẩm Lá khổ sâm (Phùng Quán) Chiếc cà vạt của Exenin tự bạch (Hồng Nhu), Khúc tưởng niệm
Xergey Exenhin (Nhị Hà). Êxênhin tự sát trong một khách sạn ngày 27/12/1925 khi vừa tròn 30
tuổi, để lại bài thơ tuyệt mệnh viết bằng máu. Sang thơ Việt, cái chết ấy được nhắc nhiều lần trong
tác phẩm của các nhà thơ: Một sợi dây thật dài/ Đã kết đời ngắn ngủi (Phạm Khải) hay Anh đi
giữa tuổi ba mươi/ Vẫn cùng cây cỏ đất trời dâng hương (Nguyễn Thị Hồng), Êxênhin là cây đàn
balalaica thê thảm/ Đã tự kết thúc đời mình vì tuyệt vọng (Phùng Quán); Nhớ anh tôi ước bao
28
Đề tài Xecgây Êxênhin trong thơ Việt
nhiêu/ Giá đừng có sợi dây treo oan người/ Giá như ống khói gãy rời/ Giá như chậm phút tay
người tuổi xanh (Nhị Hà).
Hai chi tiết chân dung và cái chết của nhà thơ được tiếp nhận một cách mãnh liệt trong thơ,
có lẽ vì đó là những nét đặc trưng của số phận Êxênhin – nhà thơ với gương mặt thiên thần đẹp
đến cháy lòng và cái chết bi thảm cùng lá thư tuyệt mệnh bằng máu làm bàng hoàng hàng triệu
con người của biết bao thế hệ.
Trong hồn thơ Việt, ngoài chân dung và cái chết, những chi tiết khác về con người và tiểu sử
nhà thơ được tái hiện một cách sinh động nhưng hết sức cô đọng trong các tác phẩm của Nguyễn
Khôi (Với Exênhin), Nguyễn Hoa (Gửi Xecgây Exênhin), Nguyễn Mộng Sinh (Bản tình ca của
Êxênhin), Bình Nguyên Trang (Nhớ Exênhin), Nguyệt Vũ (Với Yesenin). . . như con ngựa non đuổi
theo đoàn tàu, thi nhân ôm chầm cây liễu, ngôi nhà, mảnh vườn, mẹ già lầm lũi mái nhà tranh,
những bài ca của mẹ và em gái, nhà thơ lang thang, gót chân phiêu dạt, những cuộc tình đắm say. . .
Những chi tiết về cuộc đời và tiểu sử của nhà thơ Êxênhin được tái hiện trong thơ Việt thể hiện
tình yêu mãnh liệt của các nhà thơ Việt với tác giả Êxênhin, thể hiện sự quan tâm của các nhà thơ
Việt Nam với số phận nghiệt ngã, bi thảm của nhà thơ Nga.
2.2.2. Cảm hứng về thế giới thi ca của Êxênhin
Sáng tác về Êxênhin, các nhà thơ say mê thế giới thơ Êxênhin. Trong thơ của Nguyễn Khôi,
Nguyễn Hoa, Trần Đăng Khoa, Ngọc Bái, Phạm Khải, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Mộng Sinh, Tạ
Phương (và nhiều nhà thơ khác) ta luôn bắt gặp những hình ảnh quen thuộc trong thơ Êxênhin như
cây liễu bên đường, lúa đồng đã gặt, nước mắt con chó mẹ như giọt sao rơi, vầng trăng nhai cỏ,
đàn sếu giăng cánh kéo chiều lên bát ngát, dáng hình của những cây bạch dương, dòng sông mộng
mị, cây cỏ chiêm bao ven hồ thu vàng rực, người mẹ già lầm lũi nếp nhà gianh, đồng quê cỏ xanh
rờn, ngôi nhà gỗ giữa khu vườn nở tràn hoa trắng. . . Có thể nói các nhà thơ Việt yêu nhà thơ Nga
và đắm đuối cùng không gian nghệ thuật của nhà thơ Nga.
Trong những bài thơ về Êxênhin được khơi nguồn cảm hứng từ thế giới thi ca của Êxênhin
nổi bật cảm hứng về mẹ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hà đã nhận định “Hình ảnh bà mẹ đậm nét,
chói sáng trong thơ Êxênhin”, từ thế giới thơ Êxênhin, người mẹ có một vị trí quan trọng và hình
tượng này hình thành cảm hứng khi các nhà thơ Việt sáng tác về Êxênhin. Bình Nguyên Trang
trong Nhớ Exênhin cũng nhắc đến Những mẹ già khắc khổ như mùa đông, Nguyễn Đình Chiến
say mê với quê hương của Êxênhin cũng là say mê với Nơi bến nước mẹ anh thường ngồi giặt/
Chiếc áo nồng mưa nắng tuổi thơ anh (Côngxtatinôvô), Nguyễn Mộng Sinh trong Bản tình ca của
Êxênhin cũng nhắc đến Người mẹ già lầm lũi nếp nhà gianh. . . Trong Thơ đêm mùa đông của Anh
Chi, nỗi niềm thương nhớ của người con xa nhà với người mẹ già cô đơn đã làm khắc khoải bao
bạn đọc “Mẹ già ơi, biết mẹ có còn không”!
Cảm hứng về thế giới thi ca Êxênhin của các nhà thơ Việt Nam thể hiện tình yêu với thơ
Êxênhin, thể hiện sự hiểu biết của các nhà thơ với thơ Êxênhin. Thật thú vị khi đọc những bài thơ
của các nhà thơ Việt, người đọc lại thấy đồng hiện trong tâm trí những vần thơ của Êxênhin để rồi
thấy yêu hơn nữa những tác phẩm thi ca của cả Êxênhin và của các nhà thơ Việt Nam.
2.2.3. Cảm hứng về thi ca nói chung
Cảm hứng về thi ca là một cảm hứng nổi bật khi các nhà thơ Việt sáng tác về đề tài Êxênhin.
Trong sự tiếp nhận Êxênhin của thơ Việt, đó là cách nhà thơ viết về nhà thơ nên còn có sự tri âm
của người cùng nghề, sự trăn trở về thơ. Trong tác phẩm của Bằng Việt (Thơ còn gì hôm nay),
Phùng Quán (Lá khổ sâm, Gửi Xéc gây Êxênhin), Hải Như (Với Ét-xê-nhin), Hoàng Vũ Thuật (Viết
dưới tượng Exênin) đều chứa đựng cảm hứng thi ca... Bằng Việt từ các tuyên ngôn trong thơ Maia
29
Đào Thị Anh Lê
và Êxênhin đã đối sánh với thơ của các thế hệ sau. Phùng Quán đau đáu về thơ, về nghề khi nghĩ
về Êxênhin:
Ba mươi tuổi Êxênhin hơn trăm tuổi nhà thơ kèo cột
Nỗi đau nhất của nhà thơ là cặm cụi suốt một đời mà không có một câu thơ đời thuộc!
Tổn hại cho đời không biết bao nhiêu giấy trắng mực đen.
Hoàng Vũ Thuật cũng tái hiện sự bất lực của thơ trong thế kỉ bạo tàn và vòng xoay lịch sử:
Thơ làm được gì/ Thế kỉ của những thế kỉ/ Lốc xoáy ngang đầu/ Lớp lớp phế hưng gối chồng/ Nơi
bức tường dày một mét. Hải Như khi nghĩ về Êxênhin đồng thời trăn trở về trách nhiệm của thi sĩ:
Sứ mạng nhà thơ kêu gọi con người vươn lên cái đẹp/Và nhà thơ không thể cùng cái xấu sinh đôi.
Dường như thi ca làm cho các nhà thơ Việt và Êxênhin gần gũi nhau hơn về tư tưởng và tâm tình.
2.2.4. Các nguồn cảm hứng khác
Ngoài ra, đề tài Êxênhin còn gắn liền với nhiều nguồn cảm hứng khác nhau. Cảm hứng về
tình yêu được các tác giả Nguyễn Thị Hồng (Với Exenhin II, Với Exenhin I), Nguyệt Vũ (Nói với
Yesenin). Khai thác cảm hứng về quê hương đất nước được ghi dấu ấn trong các tác phẩm Êxênhin
bên mái ngói nhà sàn, Êxênhin dự cuộc vui lày cỏ, Mách bảo Êxênhin, Êxênhin về thăm Nà Lóa...
của Triệu Lam Châu. Cảm hứng về văn học Nga và tình yêu nước Nga in đậm trong sáng tác của
Nguyễn Hoàng Sơn (Đến Ri-a-dan nhớ Ê-xê-nhin), (Chiều Riadan), Nguyễn Đình Chiến (Xécgây
Exênhin, Kônxtantinôvô), Trần Nhuận Minh (Ở làng quê Êxênhin), Thanh Thảo (Kỉ niệm về những
câu thơ Nga, Cây táo), Đỗ Xuân Đào (Nước Nga trong trái tim tôi). . . Những nguồn cảm hứng này
được khơi gợi từ chính cuộc đời và thi phẩm của nhà thơ Nga, khơi nguồn từ tình cảm yêu mến của
các nhà thơ Việt với Êxênhin.
2.3. Đề tài Êxênhin – tính đối thoại đa chiều
2.3.1. Nhan đề mang tính đối thoại
Mỗi tác phẩm văn học, xét đến cùng, đều là một đối thoại của tác giả với bạn đọc. Những
tác phẩm trong đề tài Êxênhin, vì hướng đến đến đối tượng cụ thể nên mang tính đối thoại đậm
nét. Các nhà thơ Việt làm thơ trước hết là đối thoại với Êxênhin, sau là với người đọc, và cuối cùng
là với chính mình và Êxênhin trở thành một đối tượng trữ tình đặc biệt.
Tính đối thoại thể hiện trọn vẹn trong cả bài thơ nhưng thật độc đáo khi bắt gặp hàng chục
các bài thơ sáng tác về Êxênhin đều thể hiện tính đối thoại ngay ở tiêu đề (13/40, chiếm hơn 30%).
Cả Phùng Quán, Thanh Thảo và Nguyễn Đình Chiến đều có bài thơ Gửi Xecgây Êxênhin, Nguyễn
Thị Hồng có ba bài Với Êxênhin (I,II,III) và tình cờ, Nguyễn Khôi, Hải Như cũng có bài thơ Với
Êxênhin (nguyên văn tác phẩm của Hải Như là Với Ét-xê-nhin), hay hơi khác một chút như Nhớ
Êxênhin của Bình Nguyên Trang, Gửi Exênhin của Nguyễn Hoa, Nói với Yesenin của Nguyệt Vũ,
Trước Exênin của Lê Minh Hoài, Mách bảo Exênhin của Triệu Lam Châu, Nhớ người, Êxênhin
của Phùng Hồ. Những bài thơ ngay từ tiêu đề đã thể hiện tính đối thoại tâm tình giữa các nhà thơ
Việt và Êxênhin - nhà thơ Nga mà họ yêu mến.
2.3.2. Những cuộc đối thoại bằng thơ
Mỗi tác phẩm thuộc đề tài Êxênhin, như đã nói ở trên, là một cuộc đối thoại với rất nhiều
nội dung phong phú. Các nhà thơ Việt làm thơ để nhận xét, tranh luận về thơ, về cuộc đời, về lẽ
sống, bày tỏ tình cảm với nhà thơ.
Trước hết, các nhà thơ lí giải cái chết của nhà thơ. Phùng Quán dịch nghĩa cái chết của nhà
30
Đề tài Xecgây Êxênhin trong thơ Việt
thơ: “Sống là phải mới không ngừng/Nếu không cả thơ, cả đất nước sẽ đứng trên bờ vực chết” (Gửi
Êxênhin). Hồng Nhu hóa thân vào chiếc cà vạt mà nhà thơ đã dùng để tự sát để cắt nghĩa cái chết
của nhà thơ: Không thể chết mỏi mòn/ Không thể sống trì trệ/ Tôi thắt cổ nhà thơ để nhà thơ kêu to
lên: Sống phải mới/ Thì chết mới không là chuyện cũ! (Chiếc cà vạt của Exenin tự bạch). Nhà thơ
Phùng Quán còn tìm trong cái chết của nhà thơ một tâm hồn, một nhân cách: Đâu chỉ là việc cầm
lấy thừng, súng và dao/ Cái khó nhiều người không làm được/ Là phải có tột đỉnh cùng sự thật/
Yêu thật, ghét thật , đau thương thật và thật dại khờ.
Các nhà thơ bày tỏ tình cảm, thái độ trước sự ra đi của Êxênhin với nhiều cung bậc như
trách móc, cảm thông, giận dữ, xót xa. Hải Như thì trách móc: Ồ nếu anh vượt qua được phút yếu
lòng đáng trách (Với Ét-xê-nhin), Nhị Hà xót xa: Giá đừng có sợi dây treo oan người/ Giá như ống
khói gãy rời (Khúc tưởng niệm Xergey Exenhin). Phạm Thị Hồng cảm thông: Thơ ai thấm đến tận
cùng/ Sống không gì mới nhẹ lòng ra đi (Với Êxênhin (III) Phùng Quán thì giận dữ: Cách đây hai
mươi năm, cái chết của anh đã làm tôi giận (Gửi Xecgây Exênhin).
Các nhà thơ tranh luận với Êxênhin về lẽ sống chết ở đời và lựa chọn của nhà thơ (Đã biết
sống là cái gì rất cũ/Vẫn mong mình chết rồi thế giới sẽ đổi thay. . . (Nguyễn Hoàng Sơn), Không
thể chết mỏi mòn/ Không thể sống trì trệ; Sống phải mới/ Thì chết mới không là chuyện cũ! (Phùng
Quán), Sống và chết là những điều đã cũ/ Chỉ trái tim này đập mãi với mùa thu (Bình Nguyên
Trang).
Họ tranh luận về thơ, Bằng Việt đã đối sánh thơ Maia và Êxênhin với thơ của các thế hệ
sau: Thơ thời đại hậu sinh vừa sặc sỡ vừa buồn,/ Nhiều sexy, ít nghĩ về hạnh phúc,/ Nhiều đòi hỏi,
mà chả cần trách nhiệm/Dễ buông tuồng, nhưng rất ghét tuyên ngôn! (Thơ còn gì hôm nay?). Hải
Như khi nghĩ về Êxênhin cũng đồng thời trăn trở về trách nhiệm của thi sĩ.
Sứ mạng nhà thơ kêu gọi con người vươn lên cái đẹp
Và nhà thơ không thể cùng cái xấu sinh đôi.
Êxênhin là một thi sĩ rất tài hoa với gương mặt thiên thần; thơ ông đã chinh phục rất nhiều
người, nhất là phụ nữ. Trong thơ Việt, các nữ thi sĩ đối thoại với nhà thơ để nói hộ những người
phụ nữ cảm tình đối với nhà thơ Êxênhin: Tôi nghĩ về anh, câu thơ mất ngủ/ Tập yêu bằng nỗi buồn
thiếu nữ (Bình Nguyên Trang), Nín đi em, không cần khóc nữa đâu/ Đàn bà trên thế giới đã cạn
cùng nước mắt/ Khóc vì yêu - nỗi buồn hạnh phúc/ Là có người đàn ông để lệ nhoà rơi (Nguyệt
Vũ), Ơi thi nhân của thiên nhiên/ Ơi tình nhân của má hồng ngàn sau (Nguyễn Thị Hồng).
Từ đó có thể thấy nội dung phong phú, đa dạng của những cuộc đối thoại bằng thơ trong
những sáng tác của các nhà thơ Việt về Êxênhin.
2.4. Đề tài Êxênhin – sáng tạo nghệ thuật độc đáo
2.4.1. Sáng tạo tác phẩm mới bằng việc cấu trúc lại thế giới thơ Êxênhin
Các nhà thơ Việt dùng những hình ảnh trong thế giới thi ca của Êxênhin để làm phương tiện
truyền tải tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của chính mình một cách tài tình. Trong thơ của Nguyễn
Đình Chiến (Konxtantinôvô), Nguyễn Khôi (Với Êxênhin), Nguyễn Hoa, Trần Đăng Khoa, Ngọc
Bái (Một mình với Êxênhin), Phạm Khải (Người thơ không có tuổi), Trần Nhuận Minh (Ở làng quê
Êxênhin), Nguyễn Mộng Sinh (Bản tình ca của Êxênhin) (và nhiều nhà thơ khác mà khuôn khổ
của bài viết không cho phép điểm hết), những hình ảnh thơ của Êxênhin gọi nhau dệt kín những
trang thơ về Êxênhin như cây liễu bên đường, lúa đồng đã gặt, nước mắt con chó mẹ như giọt sao
rơi, vầng trăng nhai cỏ, đàn sếu giăng cánh kéo chiều lên, dáng hình của những cây bạch dương,
dòng sông mộng mị, cây cỏ chiêm bao ven hồ thu vàng rực, người mẹ già lầm lũi nếp nhà gianh,
31
Đào Thị Anh Lê
nhà thơ say khướt ôm chầm cây liễu rủ, trăng vàng soi mái rạ. . . Đây là những hình ảnh thơ đặc
trưng gắn liền với hồn thơ Êxênhin không thể nào nhầm lẫn. Nguyễn Khôi viết Với Exênhin cũng
là một tác phẩm độc đáo khi hầu như các câu thơ trong bài thơ đều các câu thơ, ý thơ của Êxênhin
trước đó được láy lại một cách tài hoa.
Bằng việc tái hiện thế giới thơ của nhà thơ, các thi nhân Việt vừa thể hiện sự tri âm vừa thể
hiện tình yêu với thơ Êxênhin. Người đọc thêm một lần đắm mình với thế giới thơ Êxênhin khi nó
lung linh soi bóng trong hồn thơ Việt, qua tài năng của những nhà thơ Việt. Đây là một ánh xạ
tuyệt đẹp mà hẳn Êxênhin cũng không ngờ tới khi ở một đất nước xa xôi, những bài thơ của ông
lại được yêu mến lạ lùng đến vậy.
2.4.2. Sáng tạo tác phẩm mới từ một bài thơ của Êxênhin
Sáng tạo tác phẩm mới từ một bài thơ của Êxênhin cũng là một cách tiếp nhận Êxênhin
trong thơ Việt. Nguyễn Thị Hồng từ bài Tôi nhớ của Êxênhin (Xuân Diệu dịch) đã sáng tác bài
thơ Với Êxênhin (II) với nội dung hoàn toàn mới mẻ. Nữ nhân vật trữ tình trong Với Êxênhin (II)
từng ao ước được sống trong tình yêu thơ mộng như đôi lứa yêu nhau trong Tôi nhớ và lời cầu linh
nghiệm, nữ nhân vật trữ tình đã được yêu và sống trong tình yêu trong mộng đó, bài thơ thể hiện
sự màu nhiệm của tình yêu giữa trang thơ Êxênhin và tình yêu cuộc sống, khẳng định giá trị bất tử
của tác phẩm của Êxênhin. Tác giả Phùng Hồ lại từ những câu thơ của Êxênhin để chiêm nghiệm,
suy ngẫm về lẽ sống của chính mình “ . . . Chết đâu còn mới nữa ở đời nay/ Và dĩ nhiên sống mới
hơn đâu nữa.”/Tôi cứ ngỡ người dặn tôi như thế/ Để bình tâm lo soạn sửa đời mình”. Anh Chi viết
bài Thơ đêm mùa đông lấy cảm hứng từ Thư gửi mẹ của Êxênhin trong đó câu thơ Mẹ già ơi, biết
mẹ có còn không? lặp đi lặp lại như một điệp khúc thể hiện sự đồng điệu trong tâm hồn các nhà
thơ. Đó là tâm tư của những người con xa nhà bồn chồn, khắc khoải về những người mẹ già cô độc
ở quê nhà, thương nhớ mẹ vô cùng nhưng không sao về được. Bài thơ Thơ đêm mùa đông khẳng
định sức lay động lớn lao của tình mẫu tử trong bài thơ Thư gửi mẹ của Êxênhin.
2.4.3. Sáng tạo tác phẩm mới từ điểm nhìn giao thoa văn hóa
Từ một bình diện khác, một số nhà thơ đứng ở góc nhìn giao thoa, đối sánh văn hóa để sáng
tạo đề tài Êxênhin. Bình Nguyên Trang cảm nhận về Êxênhin trong sự đối sánh văn hóa: Tôi gặp
anh ở đây, trong mùa thu Việt Nam/ Vàng rực rỡ sắc màu hoa cải/ Cũng những cánh đồng mờ
sương, những con đường xa ngái/ Những mẹ già khắc khổ như mùa đông.
Triệu Lam Châu dùng sự giao thoa giữa các nền văn hóa Tày - Việt - Nga, đưa Êxênhin
vào đời sống hiện đại. Triệu Lam Châu đưa người bạn thơ Êxênhin về với bản Tày Cao Bằng (quê
hương của nhà thơ) qua chùm thơ 4 bài của mình: Mách bảo Êxênhin, Êxênhin về thăm Nà Lóa,
Êxênhin bên mái ngói nhà sàn và Êxênhin dự cuộc vui lày cỏ. Nhà thơ có những liên tưởng tuyệt
vời khi đưa người bạn Nga lên bản làng, cùng uống rượu cần, cùng hát sli lượn dưới đêm trăng
huyền ảo, dự cuộc vui lày cỏ; lắng nghe hương cốm, hương trám mùa thu lan tỏa mà tưởng như
không gian văn hóa Tày Nùng ở Việt Nam đậm chất Nga với làn sương tím mờ trên cánh đồng Vò
Điểm, gió Ôka như chạm vào dòng Vạ Khiếc, tiếng đàn tính như nhắc đến âm điệu của chiếc đàn
balalaica, cầu thang nhà sàn mềm như dải khăn san. . . và nhà thơ, chính là người giúp Êxênhin
hòa mình vào không gian văn hóa đó, Triệu Lam Châu dịch bài hát, bài thơ Êxênhin sang tiếng
Tày để chung vui với những người con gái Tày duyên dáng và mến khách. Triệu Lam Châu với trí
tưởng tượng bay bổng còn đưa Êxênhin cùng nhà du hành vũ trụ Gagarin đến mừng thọ nhà thơ
Hàn Mặc Tử khi ông tròn 100 tuổi (1912 -2012) tại Ghềnh Ráng - Quy Nhơn. Này đây là hình ảnh
Êxênhin cùng các bạn bối rối, hồi hộp bên dòng suối Khau Cưa khi chưa biết đáp lại bên nữ thế
nào vì nhà thơ không biết tiếng Việt: Các cô gái làng/ Đã tụ tập nhà bên kia suối/ Cất tiếng hát
32
Đề tài Xecgây Êxênhin trong thơ Việt
vọng sang mời gọi/ Dự cuộc vui sli lượn đêm trăng. Và đây nữa, là hình ảnh Êxênhin mời rượu Hàn
Mặc Tử bên bờ biển Quy Nhơn vằng vặc trăng rằm: Tôi rót hồn tôi vào cốc rượu/ Mừng anh trăm
tuổi đang rằm. . .
Nhà thơ bằng sáng tạo của mình đã san bằng khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái
sống và cái chết, lấp đầy sự cách trở của các nền văn hóa để bất tử hóa Êxênhin.
Cũng cần nói thêm, ngoài những bài thơ về Êxênhin tiếp cận tác giả về cuộc đời, vẻ đẹp
của thơ trong cảm xúc sâu lắng nhưng cũng có những nhà thơ tiếp cận và thể hiện hình tượng tác
giả Êxênhin ở những phương diện độc đáo. Thanh Thảo tưởng tượng nhà thơ và chiếc thuyền nghệ
thuật bị đắm chìm dưới đáy đại dương với “hầm tàu rừng rực ánh hoàng hôn” và “nỗi buồn ánh lên
như bạch kim”, Nguyễn Thị Hồng coi Êxênhin như tình nhân cuộc đời, Phùng Quán tự coi mình
là người cùng hội cùng thuyền với Êxênhin và Maiacôpxki để nghĩ về đời và nghĩ về nghề với bài
Lá khổ sâm. Các nhà thơ Việt Nam, bằng góc tiếp cận độc đáo về Êxênhin, đã đem lại những giá
trị thẩm mĩ trong thơ Việt, đem lại sự tiếp nhận phong phú và sâu sắc về thơ và đời Êxênhin.
3. Kết luận
Đề tài Êxênhin trong thơ Việt có số lượng tác phẩm lớn, gắn liền với những nguồn cảm hứng
phong phú đa dạng như cảm hứng về số phận của nhà thơ, cảm hứng về thế giới thi ca của nhà thơ,
cảm hứng về thi ca nói chung, cảm hứng về tình yêu, cảm hứng về quê hương đất nước. . . Đề tài
Êxênhin trong thơ Việt mang tính đối thoại đa chiều giữa các nhà thơ Việt với nhà thơ Êxênhin,
với người đọc và với chính mình. Những sáng tác thuộc đề tài Êxênhin cũng thể hiện sáng tạo nghệ
thuật độc đáo của các nhà thơ Việt từ đó thể hiện tình yêu mến của các nhà thơ Việt nói riêng và
người Việt Nam nói chung với thi ca của Êxênhin. Đây là một hình thức tiếp nhận tác giả đặc biệt
trong thơ Việt nói riêng và trong văn học Việt Nam nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Hải Hà (nữ dịch giả) (dịch), 1995. Lời kêu gọi của Viện Đuyma quốc gia Nga nhân kỉ
niệm 100 năm ngày sinh Esenin. Tạp chí Văn học, số 3, tr 50.
[2] Nguyễn Hải Hà, 2001. Văn học Xô viết trong trường phổ thông trung học. Tạp chí Văn học, số
6, tr 75-80.
[3] Nguyễn Hải Hà, 2002. “Về giá trị bài thơ Thư gửi mẹ của Êxênin” trong Văn học Nga – sự
thật và cái đẹp. Nxb Giáo dục Hà Nội, trang 346-348.
[4] Hà Thị Hòa, 2004. “X. Exênin (1895-1925)”, Chân dung các nhà văn thế giới ( Lưu Đức
Trung chủ biên ). Nxb Giáo dục Hà Nội, tr 62-89
[5] Thúy Toàn, tuyển chọn, 1995. Thơ Exênhin. Nxb Văn học, Hà Nội, tr 271-303
ABSTRACT
Sergei Yesenin in Vietnamese poetry
Of the Russian literature known in Vietnam, Sergei Yesenin (1895 -1925) was one of
the most beloved authors. Having great influence in Vietnam, Sergei Yesenin works have been
translated, published, researched, critiqued, taught and studied. Exenhin has become a topic for
Vietnamese poetry. In this paper, we discuss a special topic for Vietnamese poetry as a unique
phenomenon of literary Vietnam.
Keywords:Sergei Yesenin, Vietnamese poetry, literary reception.
33
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4035_dtale_779_2132808.pdf