Tài liệu Đề tài Tổng quan tình hình nghiên cứu lao động trẻ em ở Việt Nam và thực tế lao động trẻ em tại xã Quảng Châu: Mở đầu
Theo thống kê của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1997, trên thế giới có khoảng 73 triệu trẻ em lao động làm thuê. Trong đó một nửa số lao động này tập trung tại các nước châu á. Tham gia hoạt động làm thuê rất dễ dẫn đến việc sức lao động của trẻ em bị lạm dụng. Vì vậy, vấn đề lao động trẻ em cần được quan tâm hơn nữa nhằm tránh những tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tháng 5 - 2002, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về trẻ em đã đưa ra một cam kết: “ Xoá nghèo, đầu tư vào trẻ em: chúng ta khẳng định quyết tâm phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói trong một thế hệ cùng liên kết khẳng định rằng đầu tư vào trẻ em và thực hiện quyền trẻ em là những cách hữu hiệu nhất để xoá nghèo” (Báo cáo phát triển Việt Nam 2004: tr.34). Từ tuyên bố này chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của việc quan tâm tới sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tương lai của trẻ em cũng chính là tương lai của đất nước. Đó là lý do vì sao vấn đề lao động trẻ em hiện nay đa...
93 trang |
Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1488 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Đề tài Tổng quan tình hình nghiên cứu lao động trẻ em ở Việt Nam và thực tế lao động trẻ em tại xã Quảng Châu, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mở đầu
Theo thống kê của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1997, trên thế giới có khoảng 73 triệu trẻ em lao động làm thuê. Trong đó một nửa số lao động này tập trung tại các nước châu á. Tham gia hoạt động làm thuê rất dễ dẫn đến việc sức lao động của trẻ em bị lạm dụng. Vì vậy, vấn đề lao động trẻ em cần được quan tâm hơn nữa nhằm tránh những tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tháng 5 - 2002, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về trẻ em đã đưa ra một cam kết: “ Xoá nghèo, đầu tư vào trẻ em: chúng ta khẳng định quyết tâm phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói trong một thế hệ cùng liên kết khẳng định rằng đầu tư vào trẻ em và thực hiện quyền trẻ em là những cách hữu hiệu nhất để xoá nghèo” (Báo cáo phát triển Việt Nam 2004: tr.34). Từ tuyên bố này chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của việc quan tâm tới sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tương lai của trẻ em cũng chính là tương lai của đất nước. Đó là lý do vì sao vấn đề lao động trẻ em hiện nay đang là vấn đề được bàn luận trong nhiều diễn đàn quốc gia, khu vực, và quốc tế.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, có hai phần ba dân số sống ở nông thôn trong điều kiện khoa học kỹ thuật kém phát triển nên mọi hoạt động nông nghiệp thường phải sử dụng bằng sức người; luôn đòi hỏi nguồn lao động cao. Vì vậy, trẻ em cũng là một nguồn lao động chính trong gia đình, “80% - 90% trẻ em vị thành niên nông thôn đã từng tham gia lao động sản xuất”(1).
Với những đặc thù kinh tế - xã hội của Việt Nam, trẻ em đóng góp một phần không nhỏ vào nguồn lao động của gia đình dưới sự giám sát của cha mẹ. Nhưng trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường như hiện nay, việc đấu tranh chống lại sự khắc nghiệt của nghèo đói càng làm tăng thêm nguồn lao động trẻ em. Với diện tích đất nông nghiệp có hạn trong khi dân số và mức chi cho các nhu cầu tối thiểu của người dân ngày càng lớn khiến người nông dân không thể chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu điều tra năm 2002, Việt Nam có khoảng 28,9% số hộ nghèo và 35,6% số hộ nghèo tại khu vực nông thôn(2) . Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành nghề dịch vụ kéo theo nhu cầu về lao động ngày càng gia tăng. Nhưng thực tế, đối với một số ngành nghề thì nguồn lao động trẻ em lại thu hút các chủ thuê lao động bởi một số lý do như tiền công thấp, dễ quản lý…
Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ rệt lại càng làm tăng thêm số lượng lao động trẻ em tại các thành phố lớn. Theo số liệu điều tra năm 2002, tỷ lệ giàu nhất/ nghèo nhất là 6,03% (so với năm 1993 là 4,97%, năm 1998 là 5,49%) cho thấy sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ rệt (3). Sự phân hoá này hoàn toàn phù hợp với quá trình phân hoá thành thị - nông thôn hiện nay ở Việt Nam, do vẫn có gần 80% dân số Việt Nam sống ở nông thôn. Điều kiện kinh tế khó khăn, cộng thêm tỷ lệ người trong độ tuổi lao động thiếu việc là do diện tích đất nông nghiệp không tăng trưởng theo dân số nên dẫn đến tình trạng một số trẻ em nông thôn phải nghỉ học để lao động kiếm tiền và bị thu hút bởi nhu cầu lao động tại các thành phố lớn(4).
Trong khoá luận tốt nghiệp này, tôi sẽ tập trung tìm hiểu tác động của việc tham gia lao động giúp việc tới những trải nghiệm cá nhân và các mối quan hệ xã hội của trẻ tại quê nhà. Đối tượng mà nghiên cứu này hướng tới là những em gái đã từng giúp việc gia đình tại Hà Nội vào dịp Tết. Cụ thể là những em có độ tuổi dưới 16 tuổi đang còn đi học tại thời điểm diễn ra hoạt động giúp việc.
Tôi áp dụng cách tiếp cận nghiên cứu trường hợp, tập trung vào một số em gái đã từng tham gia lao động giúp việc thời vụ trong dịp Tết từ năm 2003- 2005. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình, bạn bè (bạn học ở trường, bạn chơi ngoài trường), hàng xóm và cả gia đình người chủ thuê lao động cũng là những đối tượng cung cấp thông tin chính.
Địa điểm nghiên cứu tại hai làng (làng Hạ và làng Vân)(5) thuộc xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá dựa trên hai lý do chính. Thứ nhất là từ mối quan hệ cá nhân người nghiên cứu với một số người dân tại đây. Thứ hai là có sự quen biết với một người đang sinh sống ở xã Quảng Châu và hiện làm môi giới lao động cho một trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội. Những đối tượng nghiên cứu trong khoá luận này đã tham gia lao động giúp việc thông qua sự giới thiệu của người này.
Khoá luận được kết cấu với 04 chương chính sau:
Chương 1: “Tổng quan tình hình nghiên cứu lao động trẻ em ở Việt Nam và thực tế lao động trẻ em tại xã Quảng Châu” đưa ra một cái nhìn tổng quan về vấn đề lao động trẻ em ở nước ta, lao động trẻ em giúp việc gia đình và cụ thể tình hình lao động trẻ em giúp việc của Quảng Châu.
Chương 2: “ Nghiên cứu lao động trẻ em - Từ góc độ phương pháp” tập trung làm rõ các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong khoá luận này.
Chương3: “Tác động của lao động trẻ em - Cảm nhận của trẻ” tìm hiểu những ảnh hưởng của việc tham gia lao động giúp việc tới những trải nghiệm cá nhân được thể hiện qua những quan niệm về cuộc sống của trẻ.
Chương 4: “Lao động trẻ em - qua lăng kính gia đình - xã hội” cho thấy quan niệm, thái độ của người dân địa phương về vấn đề lao động trẻ em giúp việc gia đình.
Chương 1
Tổng quan tình hình nghiên cứu lao động trẻ em ở Việt Nam và thực tế lao động trẻ em tại Quảng Châu
Trước khi tiến hành một nghiên cứu về vấn đề lao động trẻ em, cần khái quát những công trình nghiên cứu trước đó để có cái nhìn tổng quan, thực tế về quá trình nghiên cứu của vấn đề và từ đó có thể đưa ra một mục tiêu nghiên cứu mới có tính chất bổ xung cho những nghiên cứu trước đó. Vì vậy, việc tìm hiểu về vấn đề lao động trẻ ở Việt Nam và thực tế lao động trẻ em tại Quảng Châu là một việc cần thiết, không thể thiếu.
1.1 Khái niệm
Khi nghiên cứu về lao động trẻ em, khái niệm đầu tiên chúng ta cần phải làm rõ là khái niệm “trẻ em” và “ lao động trẻ em”. Tuỳ thuộc vào hệ thống pháp luật ở mỗi quốc gia, độ tuổi quy định của “trẻ em” có khác nhau:
- Theo Công ước quốc tế quyền trẻ em của Liên hiệp quốc (20/11/1989) thì “trẻ em” được xác định “là người dưới 18 tuổi trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn” (6).
- Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hoá (UNESCO) thì xếp “trẻ em là những người dưới 15 tuổi”(7).
- Trong một số văn bản pháp luật Việt Nam cũng quy định: “Những người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên” (Luật dân sự Việt Nam -1995); “Trẻ em là những người dưới 16 tuổi” (Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em - 1991).
- Dựa trên những khái niệm về trẻ em, người ta cũng có thể đưa ra khái niệm về “lao động trẻ em”: đây là thuật ngữ chỉ trẻ em dưới tuổi lao động đang giành nhiều thời gian làm việc, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, giáo dục và tâm lý của trẻ(8).
Theo bộ Luật Lao động Việt Nam - 1995, lao động trẻ em là người lao động chưa đủ 16 tuổi. Tuổi tối thiểu để trẻ em được phép học nghề là 13 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em dưới 13 tuổi cũng được phép học nghề trong một số trường dạy nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định.
- Công ước tuổi tối thiểu của ILO năm 1973 (số138) : hạ tuổi tối thiểu chung là 14 và hạ tuổi vào làm công việc nhẹ là 12. Cho phép làm việc từ tuổi 16 trong công việc độc hại nếu có những bảo vệ thích hợp (Điều 7: …cho phép sử dụng lao động của người từ 13- 15 tuổi trong những công việc nhẹ nhàng mà không có hại cho sức khoẻ hoặc sự phát triển, học tập…)
- Lao động trẻ em giúp việc gia đình là loại lao động thuê mướn có tính chất thoả thuận giữa người chủ nhà (người sử dụng lao động) và trẻ em (người dưới 18 tuổi hoặc dưới 16 tuổi) (9).
Trong nghiên cứu này, tôi sử dụng khái niệm trẻ em (người lao động chưa đủ tuổi 16) theo quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam (1995). Cũng như Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (trẻ em là những người dưới 16 tuổi) đã cho thấy đây là giai đoạn quan trọng đầu tiên hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ của trẻ. Vì vậy, giai đoạn này trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Lao động là một trong những yếu tố cơ bản để trẻ em có thể phát triển toàn diện và lành mạnh nhưng nếu lao động không đúng cách hoặc quá sức sẽ dẫn đến sự phát triển lệch lạc về cả thể chất lẫn tâm hồn trẻ em.
1.2 Nghiên cứu lao động trẻ em ở Việt Nam
ăngghen trong tác phẩm “Vai trò của lao động trong lịch sử biến hoá từ vượn thành người” đã viết “ trong một chừng mực nhất định có thể nói lao động sáng tạo nên chính con người”. Đối với giáo dục con người thì lao động cũng là một biện pháp giáo dục tốt. Thông qua quá trình lao động, trẻ em có thể dần hoàn thiện bản thân, hình thành nhân cách và góp phần phát triển toàn diện mọi mặt của trẻ em.
Những hoạt động lao động có ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ em thường được coi là vi phạm quyền cơ bản của trẻ em. Nhưng thật đáng buồn là trẻ em đã và đang là một trong những ngồn lao động chính tại nhiều gia đình, địa phương ở nước ta (chủ yếu là tại các khu vực nông thôn). Trong các gia đình Việt Nam, việc trẻ em tham gia giúp đỡ những công việc của gia đình là một việc rất bình thường và đương nhiên, nhất là đối với những gia đình thiếu lao động. Và nhiều người cho rằng công việc trong các gia đình mang lại lợi ích cho trẻ với tính chất là một phần xã hội hóa (giáo dục không chính quy), dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này. Không thể nói rằng những công việc trong gia đình ấy hoàn toàn không mang lại tổn hại về thể chất hay tâm lý cho trẻ em. Nhưng việc trẻ em phải rời nhà đi lao động kiếm sống tại các thành phố lớn lại gây nhiều tổn hại lớn tới sự phát triển bình thường của trẻ em.
Nếu nói đến nguyên nhân chính thì kinh tế là yếu tố lớn đầu tiên dẫn đến sự ra đi của trẻ em. Những năm gần đây, hội nhập quốc tế đã giúp nền kinh tế nước ta vươn lên mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng dẫn đến sự phát triển không đồng đều ở nhiều nơi trong cả nước. Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng. Nhiều trẻ em đã phải bỏ học để tự kiếm sống và giúp đỡ gia đình. Một số trẻ em may mắn hơn khi không phải bỏ học thì phải chọn cho mình một công việc nào đó để tự lo liệu tiền để trang trải việc học tập của mình (Năm 2002, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở khu vự nông thôn tại các cấp: tiểu học là 98,2%, trung học cơ sở là 69,9%, trung học phổ thông là 37,7%) (10). Và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…đã trở thành đích đến của những người dân nông thôn mong muốn có thể cải thiện được đời sống.
Để có một cái nhìn khái quát về vấn đề lao động trẻ em nói chung, cũng như thực trạng nghiên cứu vấn đề này ở Việt Nam tôi xin tóm lược một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như sau:
Trước hết, phải kể đến chương trình nghiên cứu Trẻ em làm thuê giúp việc gia đình do Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thuỵ Điển (Save the Children Sweden) cộng tác với Khoa Tâm lý học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện năm 2000. Đối tượng nghiên cứu tập trung vào nhóm trẻ em giúp việc gia đình tại Hà Nội, nhằm tìm hiểu nguyên nhân, đặc điểm và ảnh hưởng của lao động tới sự phát triển cá nhân của trẻ cũng như mô tả mối quan hệ xã hội của trẻ tại nơi làm việc. Nghiên cứu này được tiến hành bằng sự kết hợp sử dụng các phương pháp định lượng (dùng bảng hỏi), định tính (phỏng vấn sâu 20 trường hợp trong đó có 5 trường hợp phỏng vấn gia chủ và 15 trường hợp trẻ em) và phân tích tư liệu. Tiếp theo là báo cáo của nhóm tác giả về vấn đề Lao động trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh do Quỹ cứu trợ nhi đồng Anh tiến hành năm 1998. áp dụng phương pháp điều tra bảng hỏi để thu thập thông tin về nhiều loại ngành nghề khác nhau có trẻ em tham gia. Và một số báo cáo như, Điều đầu tiên trước hết trong lao động trẻ em: xoá bỏ những công việc độc hại với trẻ em do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp với quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) điều tra năm 1999, Một thế giới phù hợp với trẻ em được thực hiện năm 2001 dưới sự tài trợ của Quỹ bảo trợ nhi đồng Anh…
Vấn đề lao động trẻ em cũng là mối quan tâm hàng đầu của các bộ ngành liên quan. Chúng ta có thể đưa ra một số điều tra tiêu biểu như: Vấn đề lao động trẻ em ở Việt Nam (Bộ Lao động và Thương binh xã hôị, 1997). Đây là tài liệu tập trung những báo cáo được trình bày tại một cuộc toạ đàm về vấn đề lao động trẻ em ở Việt Nam. Những báo cáo này chỉ rõ nguyên nhân, hậu quả của lao động trẻ em và đưa ra một số kiến nghị.
Bên cạnh đó, là một số bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành các tác giả. Đáng chú ý nhất là Nguyễn Văn Chính (1999). Trong bài viết này, tác giả đã đề cập đến thực trạng công việc và bản chất của lao động trẻ em. Thông qua việc phân tích các khía cạnh khác nhau của hiện tượng lao động trẻ em, tác giả nêu lên một số giả thiết khoa học mang tính lý luận đồng thời chỉ rõ các phương pháp tiếp để nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Còn với tác giả Nguyễn Hồng Thái (2003) lại đi sâu vào tìm hiểu các hình thức lạm dụng trẻ em. Theo cách phân loại của tác giả thì có lạm dụng trẻ em về thân thể, lao động trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em, bạo lực gia đình đối với trẻ em và trẻ em phải chứng kiến bạo lực gia đình. Tác giả cho rằng, sự phát triển kinh tế và lối sống do cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến tình trạng lạm dụng, ngược đãi trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua. Tác giả Nguyễn Thị Bích Nga (2003) lại đề cập đến vấn đề việc làm và đời sống của nam nữ nông thôn lao động theo thời vụ tại Hà Nội, được rút ra từ kết quả nghiên cứu định tính với quy mô nhỏ tại Hà Nội và xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong năm 2000 - 2001.
Khái quát nêu trên về thực trạng nghiên cứu vấn đề lao động trẻ em ở Việt Nam, cho thấy, phần lớn các nghiên cứu này đều được tiếp cận từ góc độ Xã hội học. Hơn nữa, mảng đề tài về nhóm trẻ em lao động giúp việc gia đình theo thời vngười vẫn còn chưa được chú ý nhiều. Xuất phát từ mong muốn đóng góp phần nào vào việc nghiên cứu về đối tượng trẻ em đặc thù này, tôi sẽ tập trung tìm hiểu những tác động của việc tham gia lao động thời vụ tới những trải nghiệm cá nhân và mối quan hệ xã hội của các em tại địa phương. Vận dụng các phương pháp nghiên cứu thường thấy trong Nhân học, tôi có thể tìm hiểu sâu hơn những tác động, thay đổi trong nhận thức của cá nhân trẻ. Những thay đổi này được thể hiện thông qua cách thức giao tiếp của trẻ trong các mối quan hệ xã hội.
1.3 Thực trạng lao động trẻ em ở Quảng Châu
Quảng Châu là một trong 41 xã của huyện Quảng Xương, cách thành phố Thanh Hoá 12 km và cách biển Đông 3 km. Quảng Châu có diện tích 4.107 km2 với dân số 8.112 người. Toàn xã chia thành 9 thôn, gồm 520 hộ. Ngoài ra, xã còn có thể chia thành 6 làng. Ngoài sản xuất nông nghiệp là nghề chính, địa phương còn có thêm một số nghề khác như chăn nuôi, đánh bắt cngười ngoài ra còn cos một số nghề phụ khác như thợ xây, phụ hồ, cửu vạn…với khoảng 400 lao động tự do. Theo số liệu của chính quyền địa phương, thu nhập bình quân đầu người ở xã là gần 4 triệu đồng/người/năm.
Quảng Châu cũng chỉ là một trong nhiều địa phương khác có nguồn lao động dư thừa và ngồn lao động trẻ em cung cấp cho Hà Nội. Theo nguồn số liệu của một người làm nghề môi giới cung cấp lao động cho một trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội thì tính trong toàn bộ xã Quảng Châu và một vài xã lân cận (nhưng chủ yếu ở địa bàn xã Quảng Châu) trong khoảng thời gian 1 năm ( 16/3/2004 – 10/4/2005 ) số người mà chị đã giới thiệu tới trung tâm giới thiệu việc làm là 180 người. Trong số đó có 12 người là nam giới còn lại là nữ giới. Đặc biệt, có 64 người trong số đó là trẻ em gái có độ tuổi 13 - 16 tuổi. Tất cả các em đều làm công việc giúp việc gia đình ở Hà Nội. Có 13 trẻ trong số 64 trẻ gái đó còn đang đi học tại thời điểm diễn ra hoạt động lao động giúp việc theo thời vụ.
Với một số người dân địa phương thì lao động theo thời vụ là việc làm quen thuộc trong những ngày nông nhàn. Đó là thời điểm và công việc thích hợp để kiếm thêm tiền trong khi không có việc làm. Như vậy, lao động theo thời vụ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết hai khía cạnh cơ bản của cuộc sống: việc làm và kinh tế.
Lao động giúp việc gia đình là công việc của những người phụ nữ địa phương trong khi chờ mùa vụ. Họ chỉ đi là trong dịp nông nhàn vì khi tới mùa vụ thì sẽ trở về. Như vậy, trên thực tế thì phần lớn người lao động tham gia công việc này của địa phương lao động mang tính chất thời vụ vì với họ nông nghiệp mới là công việc chính. Đặc biệt là đối với trẻ em gái đang còn đi học. Chỉ một số ít trong họ là coi đây là công việc thường xuyên quanh năm.
Giúp việc gia đình đòi hỏi sự khéo léo, đức tính cẩn thận, thật thà và có thể cả một chút sự chịu đựng. Giúp việc gia đình đặc biệt phù hợp với lứa tuổi nhỏ (khoảng dưới 18) hoặc người lớn tuổi (40 - 60 tuổi) không có gia đình hay con cái đã lớn. Đây là hai khoảng lứa tuổi được nhiều người thuê lao động lựa chọn bởi những lý do khá tế nhị. Để giả thích cho lựa chọn này, người chủ thuê lao động đã đưa ra lý do sau:
Thông thường khi con gái trên 18 tuổi là lứa tuổi biết yêu đương, dễ đua đòi hoặc đã có chồng và con nhỏ nên không thể làm công việc này vì thời gian xa nhà kéo dài. Mặt khác, những trẻ em còn ít tuổi thường khoẻ mạnh, chịu khó và đặc biệt là dễ bảo, dễ sai khiến hơn người lớn tuổi. Nếu người giúp việc là những cô gái tuổi từ 18 - 30 thì sẽ dễ dẫn đến những tình huống khó xử khác như có quan hệ với ông chủ hay con chủ nhà. Vì vậy mà nhiều gia chủ cho rằng lứa tuổi 12 - 17 tuổi là lứa tuổi thích hợp nhất cho công việc này.
Còn đối với những người có tuổi thường ít vướng bận gia đình vì con cái họ đã lớn, họ bết lo toan chu tất công việc gia đình nhưng do đã lớn tuổi nên khó sai bảo, hay ốm yếu và dễ tự ái. Nên dù sao thuê những trẻ em có lứa tuổi từ 12 - 17 tuổi là thích hợp nhất.
Trên thực tế, hầu như rất ít trường hợp phụ nữ có con còn nhỏ mà lại đi giúp việc gia đình bởi vì một lý do dơn giản là công việc này đòi hỏi họ phải vắng nhà hàng tháng. Họ không thể bỏ con ở nhà cho chồng hay bố mẹ chăm sóc để đi làm xa. Đối với những trẻ em gái có trình độ thấp thì công việc giúp việc gia đình có vẻ là một công việc an toàn và nhàn hạ nhất. Vì vậy, những trẻ gái không muốn bỏ học lại muốn kiếm thêm tiền để trang trải việc học hành và giúp đỡ gia đình đều lựa chọn công việc này trong những ngày nghỉ hè hoặc nghỉ tết. Giúp việc gia đình theo thời vụ đã trở thành công việc quen thuộc đối với nhiều trẻ em gái ở nông thôn. Nếu tranh thủ đi làm vào 3 tháng nghỉ hè, các em có thể có được số tiền lương đủ để trang trải tiền học cho cả năm học và còn giúp thêm một phần cho gia đình. Một đợt có thể đi làm nữa đó chính là dịp nghỉ tết. Khi tất cả những người lao động khác đi làm việc quanh năm tại thành phố đã về quê hương để đón tết thì những trẻ em gái này lại bắt đầu bước vào những ngày làm việc mới. Do thời điểm làm việc khá đặc biệt nên sau 10 ngày giúp việc gia đình ngày tết các em sẽ có một khoản tiền lương bằng một tháng lương đi giúp việc vào dịp nghỉ hè.
Như đã nêu trên, đối với hầu hết người tham gia lao động thì công việc này chỉ mang tính tạm thời bởi với họ khi không còn khó khăn nữa thì đó cũng là lúc họ không làm nghề này nữa. Đặc biệt là đối với trẻ em gái. Một mặt, nếu các em đã bỏ học thì các em cũng chỉ làm công việc này một thời gian để kiếm ít vốn làm ăn rồi lấy chồng vì ở nông thôn họ thường lấy chồng từ rất sớm (nếu con gái khoảng 22, 23 tuổi mà chưa lấy chồng thì đã bị coi là ế). Mặt khác, đối với những em lao động thời vụ để kiếm tiền trang trải việc học thì các em chắc chắn cũng không theo đuổi công việc này lâu dài.
Nhiều trẻ em gái ở nông thôn mong muốn được học tập cao hơn đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì không có tiền để chi phí cho học tập (học càng lên cao thì chi phí cho học tập cũng ngày càng tăng). Trong khi đó, mỗi gia đình ở nông thôn thường có 3, 4 con. Để có thể cho các con đi học quả là một việc quá sức đối với nhiều gia đình cho dù đã có Luật phổ cập giáo dục Việt Nam miễn học phí đối với học sinh cấp tiểu học. Do đó, những trẻ em gái mong muốn có tiền chi trả cho học tập cần phải tự mình kiếm tiền và giúp đỡ cho bố mẹ. Giúp việc gia đình theo thời vụ là một lựa chọn thích hợp nhất!
Tranh thủ những dịp nghỉ hè và nghỉ tết, trẻ em gái thông qua mạng lưới di cư mà tới những thành phố lớn để giúp việc gia đình. “Mạng lưới xã hội hình thành từ qúa trình di cư cũng như phục vụ cho mục đích di cư được gọi là mạng lưới di cư” (Đặng Nguyên Anh, 1998: tr. 16). Đặc trưng cơ bản của mạng lưới di cư là liên kết những người di chuyển thông qua các quan hệ cùng quê, họ hàng. thông qua mạng lưới di cư, di chuyển này các em có thể tiếp nhận được những thông tin và sự trợ giúp cần thiết tại nơi các em sẽ tới lao động kiếm tiền. Nhưng những thông tin ấy chỉ là những thông tin cơ bản, bước đầu về công việc mà các em sẽ làm: giúp việc gia đình là làm những công việc vặt gia đình, chăm người ốm, người già, trẻ nhỏ…Tất cả những công việc này mỗi trẻ em gái cũng đều đã làm quen ở gia đình mình. Vì vậy, các em nghĩ rằng đây là một công việc nhàn hạ, dễ làm mà chưa thể hình dung được hết những khó khăn mà các em sẽ gặp phải trong quá trình làm việc.
Với những chuẩn bị về tâm lý cơ bản thông qua kênh thông tin từ những người đã đi làm trước đó mà các em sẵn sàng rời nhà đi lao động kiếm tiền. Đối với những trẻ em gái lần đầu tới thành phố lớn, lần đầu xa gia đình thì đây quả là một thời điểm không dễ dàng gì.
Qua tìm hiểu một số gia đình có nhu cầu thuê người giúp việc gia đình cho thấy: “Để tìm được một người giúp việc vừa ý rất khó! Nhà cô thuê đến hơn chục người rồi mà vẫn chưa ưng. Có người chỉ làm được vài ngày rồi bỏ. Chứng nó bây giờ cũng kiêu lắm, không làm ở nhà này thì đi làm ở nhà khác, thiếu gì nhà cần người (người giúp việc)” (Người thuê lao động). Như vậy, những người lao động ngoại tỉnh này đã bước đầu có sự lựa chọn môi trường làm việc của mình. Nhưng có điều nhiều trẻ em gái phải rời quê ra Hà Nội giúp việc nhưng lại thường hay muốn được ở tại một gia đình khá giả hoặc một gia đình đông người để trò chuyện…Đó chính là những đặc điểm tính cách của trẻ em. Chúng thường thích thú nhiều nhưng cũng rất chóng chán, lại thích giao tiếp, thích được chơi đùa cho dù là hiện tại chúng đang đi làm việc. Trong khi đó, với công việc này chúng thường phải làm việc một mình (Nhiều gia đình vì cả nhà đi vắng suốt ngày nên mới thuê người ở nhà trông coi nhà cửa, dọn dẹp, nấu nướng). Trẻ em luôn có nhu cầu giao tiếp cao nên chúng rất nhanh chóng cảm thấy buồn bực. Hơn nữa, cuộc sống nhộn nhịp đô thị khiến nhiều khu dân cư ở Hà Nội người ta không chú ý đến hàng xóm và không có khái niệm “tình làng nghĩa xóm”. Nhiều chủ nhà không muốn cho người giúp việc tiếp xúc với những người xung quanh vì họ lo sợ trẻ em nông thôn dễ bị lừa (họ phải gánh trách nhiệm), hay đưa chuyện…Lại cộng thêm gia chủ khó tính hay không hợp với gia chủ khiến các em khó có thể làm việc lâu dài. Có những trường hợp do các em thiếu trung thực, thiếu thật thà nên bị đuổi việc…
Những nguyên nhân ấy thường khiến một số trẻ em khi đi giúp việc gia đình muốn thay đổi chỗ làm. Còn đối với một số trẻ em gái đi giúp việc gia đình thời vụ thì việc thay đổi chỗ làm thường ít hơn so với những trẻ em coi đó là một nghề kiếm sống lâu dài.
Lý do khiến các em lao động giúp việc mang tính thời vụ ít thay đổi chỗ làm là: đối với các em đây chỉ là công việc mang tính thời vụ vì vậy khoẩng thời gian để làm việc không nhiều (ví dụ: 10 ngày tết) nên các em luôn có ý nghĩ rằng dù thế nào thì mình cũng chỉ làm việc ở đây một thời gian thôi, “không nên thay đổi nhiều làm gì cho mất thời gian” (Hồng).
Công việc này cũng là môi trường thuận lợi giúp các em điều kiện tiếp cận với nền văn hoá, văn minh đô thị. Qua đó, trẻ em gái có thể làm tăng thêm những kinh nghiệm sống và làm việc của bản thân. Chỉ có điều liệu các em có biết sàng lọc, lựa chọn cho mình những nét văn hoá thích hợp với điều kiện sống của mình không?
Tiểu kết chương: Từ những tìm hiểu có hệ thống về tình hình nghiên cứu vấn đề lao động trẻ nghiên cứu ở Việt Nam và thực trạng lao động trẻ em tại xã Quảng Châu trong thời gian qua có thể cho phép tôi có cái nhìn khái quát và khoa học về vấn đề này trước khi tiến hành nghiên cứu.
Có thể thấy rằng, ngoài công trình nghiên cứu mang tính tiên phong về phương pháp tiếp cận vấn đề từ góc độ Nhân học của tác giả Nnguyễn Văn Chính, phần lớn các nghiên cứu về vấn đề này đều được tiếp cận thông qua lăng kính của các nhà Xã hội học. Điều này cho thấy vấn đề lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay chưa được tiếp cận theo nhiều phương pháp, chiều hướng khác nhau ngoài phương pháp tiếp cận Xã hội học hiện nay.
Mặt khác, thu nhập của trẻ em giúp việc gia đình không hề quá thấp so với mức thu nhập chung của thành phố mà còn cao hơn nhiều so với mức thu nhập ở nông thôn. Hơn nữa, điều kiện lao động của công việc này thường nhàn hạ hơn nhiều so với nững công việc nặng nhọc ở quê nhà. Do đó, giúp việc gia đình giờ đây đã trở thành một nghề rất phổ biến, hấp dẫn đối với nhiều trẻ em gái ở khu vực nông thôn.
Chương 2
nghiên cứu lao động trẻ em - từ góc độ phương pháp
2.1 Nghiên cứu tư liệu
Trước khi tiến hành quan sát tham gia để thu thập những thông tin tại địa bàn nghiên cứu thì việc đầu tiên, trước hết là phải tiến hành thu thập những tài liệu có liên quan tới vấn đề cần nghiên cứu. Nghiên cứu vấn đề lao động trẻ em theo thời vụ, tôi đã tự trang bị cho mình những kiến thức, thông tin liên quan đến vấn đề qua việc khảo sát tư liệu thu nhận được từ các thư viện của các cơ quan, bộ ngành có liên quan (Thư viện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thư viện Quốc gia, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Xã hội học, Viện Khoa học - Xã hội, Trung tâm lưu trữ quốc gia…). Ngoài ra, thông tin về vấn đề này còn có thể tìm thấy tại các trung tâm, tổ chức phi chính phủ như, Tổ chức cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển (Save the Children Sweden), Tổ chức cứu trợ trẻ em Anh (Save the Children), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF)…
2.2 Nghiên cứu trường hợp
Như đã nêu trên, trong nghiên cứu này thông tin thu thập chủ yếu qua cách tiếp cận nghiên cứu trường hợp thực hiện trong khuôn khổ một khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành Nhân học. Hơn nữa, với thời lượng một tháng nghiên cứu điền dã khó có thể tiến hành nghiên cứu trên diện rộng, quy mô lớn. Mặt khác, những nghiên cứu về vấn đề lao động trẻ em theo thời vụ cho đến nay vẫn mang tính khái quát chung mà chưa đi sâu vào những trường hợp cụ thể. Thông thường, các tác giả chú trọng tìm hiểu ảnh hưởng của lao động thời vụ tới các mối quan hệ xã hội của trẻ tại địa bàn Hà Nội (nơi các em tới làm việc) mà chưa quan tâm đến những mối quan hệ của các em tại địa phương. Chính vì thế, dựa trên ba trường hợp nghiên cứu sâu, tôi muốn tập trung phân tích những tác động của việc tham gia lao động giúp việc theo thời vụ dẫn đến sự định hình quan niệm sống của các em cũng như mối quan hệ xã hội ở cộng đồng mà các em sinh sống.
Ngoài ra, tôi lựa chọn nghiên cứu ba trường hợp cụ thể này vì hai lý do chính sau. Thứ nhất là do tôi có thể tiếp cận thuận lợi hơn với ba trường hợp cụ thể này thông qua một số mối quan hệ (người môi giới dịch vụ lao động, người quen tại địa phương). Thứ hai là thông qua người môi giới lao động tôi có thể tự lựa chọn ba trường hợp cụ thể (trẻ em gái có lứa tuổi dưới 16 tuổi, đang còn đi học tại thời điểm diễn ra hoạt động lao động thời vụ giúp việc gia đình) . Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn tôi cũng kết hợp lựa chọn những trường hợp có đặc thù riêng về hoàn cảnh gia đình. Cụ thể ở đây là ba trường hợp: Hoa (16 tuổi, học lớp 11) - có đầy đủ bố, mẹ; Hồng (16 tuổi, học lớp 9) - mẹ mất sớm; Lan (15 tuổi, đã nghỉ học) - bố, mẹ không hoà hợp (bố có vợ bé)(11).
Lựa chọn những trường hợp cụ thể có đặc thù riêng về hoàn cảnh gia đình, tôi muốn có cái nhìn tổng quan và khoa học về quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Khi xem xét về vấn đề này, chúng ta cần xem xét nó trên nền tảng gia đình của trẻ. Bởi như chúng ta đã biết, gia đình là nền tảng cơ bản hình thành nên tính cách và có ảnh hưởng lớn tới tâm tư tình cảm của trẻ em. Trong đó, vai trò của cha mẹ có thể nói là đặc biệt quan trọng. Nhất là vai trò của người mẹ. Chăm sóc con cái là vai trò cơ bản của phụ nữ ở nông thôn. Trong một nghiên cứu của Joyce Halliday và Jo Little- được tiến hành ở vùng nông thôn Devon và đi đến nhận định rằng “…việc chăm sóc con cái chủ yếu (hoặc thậm chí hoàn toàn) là công việc của phụ nữ” ( Halliday & Little, 2004: tr.113 ). Mặc dù đây chỉ là nghiên cứu ở một vùng nông thôn của nứơc Anh nhưng khi mang nó xem xét và so sánh với nông thôn Việt Nam thì nhận xét này phần nào phù hợp. áp dụng vào ba trường hợp cụ thể trong nghiên cứu của tôi cho thấy vai trò quan trọng của người mẹ. Cha của các em thường xuyên vắng nhà, vì thế mọi việngười lớn nhỏ trong gia đình đều dồn lên đôi vai người mẹ. Thậm chí như trường hợp của Hồng (mẹ mất sớm), bố thường xuyên vắng nhà nên em vừa phải đảm nhận vai trò của một người mẹ trong gia đình: chăm sóc em gái (13 tuổi); vừa phải tự lo cho bản thân.
Từ sự khác biệt về hoàn cảnh gia đình đã dẫn đến sự khác nhau trong nhận thức cá nhân của các em cũng như những đổi thay trong tình cảm, tâm tư của các em sau thời gian làm việc tại Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình tuy chỉ là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá sự phát triển ý thức cá nhân của trẻ em nhưng cũng là một khía cạnh quan trọng cần được xem xét tới.
Khi tôi muốn tìm hiểu ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình tới quyết định ra Hà Nội làm việc của các em như thế nào? (Trong trường hợp cụ thể với câu hỏi của tôi có nên ra Hà Nội giúp việc gia đình không?) thì ba đối tượng nghiên cứu này có cách suy nghĩ, phân tích khác nhau mặc dù cuối cùng tất cả đều đi đến quyết định ra đi. Như vậy, đối với cùng một vấn đề, những trẻ em có hoàn cảnh gia đình khác nhau sẽ có những cách tiếp nhận, đánh giá khác nhau.
Trường hợp của Lan, khi quyết định đi giúp việc ở Hà Nội Lan đã nghĩ rằng: “Nhà vốn đã nghèo mà không thể trông cậy gì ở bố, một mình mẹ xoay sở nuôi 4 chị em đã khổ rồi thì làm sao mà có tiền cho em học tiếp! Em rất muốn đi học và giúp đỡ mẹ. Em nghe nói đi làm 10 ngày tết được 350 nghìn thì bằng số tiền đóng học cả năm của em rồi còn gì…Mà ở nhà cũng chán lắm! Bố mẹ em toàn đánh nhau thôi!…”
“ Bố không muốn cho em đi làm đâu ! Mẹ em mất lâu rồi, bố hay đi làm xa nên nhà thường chỉ có 3 anh em. Mà nhà em cũng không phải là nghèo, bố vẫn có thể nuôi 3 anh em ăn học được nhưng em vẫn muốn đi! Mọi người đi làm ngoài ấy về bảo là ở Hà Nội sướng lắm! Em muốn đi Hà Nội để xem thế nào lại có thể kiếm thêm tiền tiêu mà không phải xin bố!”. Đó chính là những suy nghĩ của Hồng trước khi em đưa ra quyết định đi làm. Những lý do mà Hồng đưa ra thuyết phục bản thân và mọi người không giống với các lý do của Lan. Sự khác biệt này được quy định bởi sự khác nhau giữa hoàn cảnh của hai gia đình.
2.3 Tạo dựng quan hệ
Mặc dù có thuận lợi căn bản là được một nhân vật trung gian vốn là người trong làng, nhưng tôi vẫn phải đối diện với một vài trở ngại trong quá trình tiếp cận với người dân địa phương. Điều trở ngại lớn nhất là ngay từ đầu, họ đã coi tôi là người lạ từ Hà Nội tới. Phần lớn trong số họ chưa hiểu rõ về Hà Nội mà chỉ biết đến qua phim ảnh, sách báo. Vì thế, họ tỏ ra dè dặt, e ngại khi tiếp xúc với tôi. Thêm nữa, họ cũng ít nhiều bộc lộ vẻ lo lắng, hoài nghi trước tình hình tệ nạn xã hội ngoài thành phố như: buôn người qua biên giới, ép buộc, lôi kéo các em gái đi vào con đường nghiện hút, mại dâm…
Sau thời gian tiến hành nghiên cứu, tôi đã thu thập được một số kinh nghiệm mà những kinh nghiệm này chỉ có thể thu được trên thực địa trong khi tiến hành quan sát tham gia. Những kinh nghiệm này được tích luỹ dần từng ngày cùng với sự tiến triển của quá trình nghiên cứu trên thực địa.
Không thể không nhắc đến kinh nghiệm trong ngày đầu tiên tôi tới xã Quảng Châu. Khi tôi đi bộ lững thững vào làng tới nhà chị Hà (nhân vật trung gian), tôi đi ngang qua một chợ cóc ven đường. Thấy tôi một người dân nói: “Không biết con cái nhà ai mà mồm để đâu không chào ai cả ?!”. Với sự cảm nhận của cá nhân tôi thì đây chính là khó khăn đầu tiên tôi gặp phải trong ngày đầu nơi thực địa. Chính bài học kinh nghiệm này đã giúp tôi rất nhiều trong việc thiết lập mối quan hệ dân làng. ở làng có lệ gặp người lớn tuổi hơn phải chào hỏi lễ phép không kể có quen hay không. Đấy có lẽ là một trong số những chuẩn mực đạo đức địa phương để xác định thế nào là một người hiểu biết, có trên có dưới. Tôi nhận thấy sau khi chào hỏi thì dường như tôi có thể phá vỡ phần nào tảng băng vô hình ngăn cách tôi và người dân nơi đây. Đó chính là một trong những điều kiện thuận lợi giúp tôi gây dựng được quan hệ thân thiện với mọi người. Về phía người dân, họ luôn muốn biết tôi làm gì và với mục đích gì? và tôi có làm điều gì xấu không? Chính vì lẽ đó, thường xuyên giao tiếp, trao đổi với họ là rất cần thiết. Nó giúp tôi phá bỏ được khoảng cách “vô hình” giữa một sinh viên đến từ thành phố với người dân quê.
Trong quá trình điền dã, khoảng thời gian để tôi có thể tạo lập các mối mối quan hệ với từng cá nhân thường khác nhau. Giai đoạn đầu là giai đoạn mà việc tiếp cận, xây dựng mối quan hệ với những người trong địa phương khó khăn nhất và tốn nhiều thời gian nhất. Vì sau khi đã sự quen biết nhất định với một vài người làng thì việc tiếp cận với những người còn cũng trở nên thuận lợi hơn. ở đây tôi áp dụng phương pháp quả bóng tuyết, một phương pháp rất phổ biến trong các nghiên cứu mang tính đặc thù cao.
Ngày đầu tiên đến Quảng Châu, tôi nghỉ tại nhà chị Hà và cũng trong ngày ấy chị đã giới thiệu tôi với Hoa. Sang ngày thứ hai, tôi tự tiếp cận với gia đình Hoa. Mặc dù tỏ ra dễ gần, nhưng họ vẫn có chút gì đó e ngại và chưa tin tưởng vào tôi- một người hoàn toàn xa lạ. Vì họ vẫn chưa hiểu rằng tôi cần gì ở họ và con cái họ nên cũng không muốn tôi tiếp xúc với con cái họ khi không có mặt họ. Mặ dù lúc đó phần nào đã có sự bảo đảm từ mối quan hệ cuat chị Hà, người trung gian nhưng vì những tin đồn về người chuyên đi lừa phụ nữ để bán sang Trung Quốc khiến họ ban đầu còn e sợ tiếp xúc với tôi. Sau một ngày, tôi đã cố gắng bằng thái độ, lời nói đã khiến họ bớt vẻ nghi ngờ và tối hôm ấy tôi đã nghỉ lại ở nhà họ.
Khoảng 1 tuần ở Quảng Châu, tôi đã tạo lập được mối quan hệ với nhiều người trong làng Hạ (Một trong số 6 làng của xã Quảng Châu). Mọi công việc có thể tiến hành thuận lợi hơn và cũng từ những mối quan hệ ở làng Hạ cộng thêm người quen giới thiệu, tôi có thể làm quen với những đối tượng cụng cấp tin ở các làng khác trong khoảng thời gian rút ngắn hơn rất nhiều. Vì lẽ đó, việc tiếp xúc với người dân địa phương càng về sau càng thuận lợi hơn do có nền tảng từ các mối quan hệ trước đó.
Một điểm nữa dẫn đến sự khác biệt về khoảng thời gian cần thiết để thiết lập mối quan hệ với đối tượng cung cấp tin là do sự khác biệt về: lứa tuổi, nhận thức, tính cách của mỗi người nên việc làm thế nào để có thể tiếp cận được với họ trong một khoảng thời gian nào đó là không giống nhau. Với những đối tượng là trẻ em, tôi không gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận, cho dù là trẻ em nam hay nữ. Nhưng với những người lớn tuổi thì khác, những người dễ gần thì có thể nhanh chóng đặt quan hệ nhưng cũng có những người do khó tính, ít nói hay không thích tiếp xúc với người ngoài và ít tiếp xúc với người lạ…thì tôi phải mất nhiều thời gian để tiếp cận hơn.
Với gia đình Hoa là một ví dụ. Khi tôi bắt đầu thiết lập mối quan hệ với gia đình Hoa, mẹ Hoa là người hay nói và dễ gần nên chỉ 1 giờ ngồi nói chuyện là tôi có thể nói chuyện với bà một cách vui vẻ. Sau một ngày, tôi đã có thể tạo được sự tin tưởng với mẹ của Hoa. Nhưng, bố của Hoa là người ít nói và cẩn thận nên phải ba ngày sau tôi mới có thể thực sự nói chuyện tự nhiên với ông được. Bố Hoa ít nói nên việc tạo sự thoải mái, gần gũi với ông là điều rất khó. Lúc đầu khi tôi bắt chuyện, ông thường trả lời qua loa và nếu tôi không hỏi thì ông cũng không nói gì. Sau một thời gian tiếp xúc và nghe tôi giới thiệu về bản thân, công việc và đặc biệt là nói chuyện về một số người quen của tôi trong xã mà ông cũng biết thì ông mới hoàn toàn tin tưởng và thoải mái khi tiếp xúc với tôi.
Như vậy, quá trình thiết lập mối quạn hệ với người cung cấp tin phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, có cả những yếu tố về khoảng thời gian cũng như cách thức tiếp cận… người cung cấp tin.
Ví dụ đầu tiên và rõ ràng nhất là với gia đình Hoa mà tôi vừa nêu ở trên: đó chính là kinh nghệm đầu tiên khi tôi bắt đầu đi điền dã . Có thể cách tiếp cận nói chuyện đơn thuần có thể áp dụng tốt với mẹ Hoa nhưng không thể áp dụng với bố Hoa. Đơn giản là vì mỗi người có độ tuổi, giới, tính cách khác nhau nên cần có cách tiếp cận khác nhau. Do vậy, tôi đã cố gắng linh hoạt lựa chọn một cách tiếp cận mà tôi cho là phù hợp nhất để tiếp cận được với họ trong một thời gian nhất định.
Khi gặp Hồng, tôi chuyện trò thân thiện cùng em về bạn bè, về chuyện học hành ở lớp…thậm chí về một bộ phim nào đó được chiếu trên ti vi. Thế nhưng, với bố Hồng tôi hay nói về cách mà bố Hồng chăm sóc các con khi vợ mất sớm…
Điều quan trọng nữa ảnh hưởng tới quá trình thiết lập mối quan hệ với đối tượng cung cấp tin là hoàn cảnh, thời điểm tiếp cận đối tượng. Cụ thể là trong trường hợp của chú Hùng ( Bố Lan) có vợ bé và đi làm xa thường ít khi về nhà nên phải 3 tuần tôi mới có thể nói chuyện một cách gần gũi với chú. Mỗi lần chú về nhà, tôi luôn tìm cách tiếp cận chú khi có điều kiện để thu thập thông tin cần thiết về Lan trước khi chú đi. Vì thời gian chú về nhà ít mà lại có nhiều việc phải làm nên cơ hội để tôi có thể phỏng vấn là khi chú nói chuyện với các con hay tranh thủ đan cho vợ cái rổ (Thời điểm mà tôi cho là chú và những người trong gia đình sẽ không cảm thấy quá khó chịu vì bị làm phiền).
Và như vây, khi điều kiện, hoàn cảnh tiếp cận với đối tượng cung cấp tin hạn chế tất yếu sẽ dẫn đến thời gian thiết lập mối quan hệ phải kéo dài. Do vậy, tôi cần phải biết tận dụng những thời điểm thuận lợi để tiếp cận với người cung cấp tin.
2.4 Quan sát tham gia
Khi bước đầu thiết lập mối quan hệ với đối tượng cung cấp tin tôi cũng đồng thời tiến hành quan sát tham gia. Để thuận tiện cho việc nghiên cứu tôi đã tham gia một số hoạt động cùng với người cung cấp tin. Nếu chỉ đợi những lúc đối tượng cung cấp tin rảnh rỗi để ngồi trò chuyện cùng tôi thì có rất ít thời gian. Mọi người đều bận rộn với những công việc khác nhau: trẻ em đi học và ngoài giờ đi học còn phải giúp đỡ gia đình làm nhiều công việc, người lớn thì cả ngày bận rộn với công việc đồng áng, chăn nuôi…Tất cả đều có một công việc gì đó để làm. Vì vậy, muốn phỏng vấn một người nào đó mà họ không có thời gian nhàn rỗi để ngồi trò chuyện thì tôi sẽ tham gia lao động cùng họ. Tôi học cách lao động cùng họ, làm những công việc mà họ làm hay ít ra là cũng có thtrong phụ giúp họ một việc gì đó. Do đặc thù công việc của nghề nông nên mọi người thường đi ngủ sớm và dậy sớm để làm việc. Tôi cũng dậy sớm đi làm cùng họ. Khi một người cung cấp tin đi nhổ cỏ tại ruộng trồng lạc thì tôi cũng cùng họ ra ruộng nhổ cỏ lạc…Trong lúc lao động, vui chơi hay nghỉ ngơi cùng họ tôi có thể hỏi họ về những vấn đề mà tôi quan tâm. Tôi thấy rằnngười. khi cùng làm việc với họ thì mối quan hệ giữa tôi và họ tiến triển nhanh chóng. Chúng tôi có thể gần gũi, thân thiện với nhau hơn và họ có thể coi tôi như người cùng làng, xóm, thậm chí như người thân trong gia đình.
2.5 Phỏng vấn
Trong thời gian điền dã, tôi tiến hành phỏng vấn 20 đối tượng và thực hiện phỏng vấn 8 nhóm ở mọi lứa tuổi và cả hai giới (nam, nữ). Những đối tượng này bao gồm những em gái đã từng đi giúp việc ngắn ngày ở Hà Nội, người thân trong gia đình của các em, họ hàng, bạn bè hàng xóm và thầy cô giáo của các em.
Phương pháp nghiên cứu chính ở đây là nghiên cứu trường hợp vì vậy cần phải chuẩn bị và thực hiện tốt kỹ thuật phỏng vấn sâu cá nhân: Tôi muốn tạo điều kiện cho người được phỏng vấn nói về vấn đề mà không bị gián đoạn thì thông tin thu thập sẽ đầy đủ hơn so với trường hợp dùng câu hỏi. Chính vì vậy, thay vì sử dụng cách phỏng vấn “có – không”, tôi muốn thể hiện như một cuộc đàm thoại để tạo cảm giác thoải mái, tự nhiên cho người được hỏi. Trong lúc nói chuyện, những suy nghĩ sâu xa của họ sẽ được bộc lộ. Nhưng cách phỏng vấn này cũng có những khiếm khuyết riêng: trong khi tôi có thể gợi mở cho người được phỏng vấn có thể kể hay nói một cách thoải mái về câu chuyện nào đó và họ có thể sẽ nói nhiều điều mà tôi cho là đi ra ngoài vấn đề. Vì vậy, những lúc ấy tôi cần cố gắng khéo léo ngắt quãng câu chuyện bằng một câu hỏi nào đó để lái câu chuyện của họ về phía vấn đề mà tôi quan tâm.
Ví dụ, khi tôi nói chuyện cùng với mẹ của Hoa về vấn đề học tập của Hoa tại trường, mẹ của Hoa đã kể rất nhiều và bà kể cả một câu chuyện rất dài về đời tư của ông hiệu trưởng nhà trường. Nhận thấy đã đi quá xa đề tài, tôi liền đặt ngay một câu hỏi “ Cô có muốn cho Hoa đi học thêm không?” để lái câu chuyện về đề tài học tập của Hoa thì mẹ Hoa lại quay trở về với vấn đề học tập của Hoa mà không cảm thấy bị gián đoạn mạch kể chuyện.
Nhưng trong lúc tiến hành phỏng vấn, tôi cũng gặp phải một số vướng mắc. Những ngày đầu tiến hành phỏng vấn, tôi cảm thấy gặp nhiều khó khăn trong cách đặt câu hỏi như thế nào cho người được phỏng vấn có thể nắm bắt được vấn đề mà tôi quan tâm. Với tuỳ từng cá nhân người được phỏng vấn mà tôi lựa chọn cách đặt câu hỏi khác nhau. Trong quá trình tiến hành phỏng vấn, tôi sử dụng cả hai loại câu hỏi là: câu hỏi đóng và câu hỏi mở (10).
Đối với trường hợp trẻ nhỏ, tôi thường đưa ra những câu hỏi đóng và những câu hỏi mở để trẻ em có thể tự do diễn đạt suy nghĩ của mình thay bằng những câu hỏi không rõ ràng hoặc có nhiều phương án trả lời để tránh khả năng dẫn dắt trẻ em trả lời theo cách hiểu của người lớn. Những câu hỏi dành cho trẻ em là những câu hỏi về: bản thân, gia đình, nguyên nhân dẫn đến hoạt động lao động giúp việc, kinh nghiệm lao động, tiền công, những cảm nhận về công việc, những cảm nhận về Hà Nội (con người, cuộc sống…), quan hệ xã hội (với gia đình, bạn bè, hàng xóm…)
Những câu hỏi mà tôi đưa ra cho đối tượng là bố mẹ, họ hàng, hàng xóm của trẻ em là về các vấn đề: thông tin cá nhân, gia đình, những điều mà họ biết về lao động giúp việc ở Hà Nội, thái độ của họ như thế nào về vấn đề này…(Xem phụ lục)
Có những lúc tôi đưa ra câu hỏi đóng (có/ không) tôi cảm thấy dường như đối tượng được phỏng vấn đưa ra câu trả lời không chính xác vì có thể câu trả lời mà họ có thể sẽ đưa ra không nằm trong hai khả năng “có/ không” ấy.
Khi nói chuyện với Hoa, thay vì câu hỏi “em có thích cuộc sống ở Hà Nội không ?” tôi hỏi “em thấy cuộc sống ở Hà Nội như thế nào ?”. Với một câu hỏi như vậy Hoa có thể tự do nói về những cảm nhận của em về Hà Nội mà không phải lựa chọn giữa câu trả lời là: “có/ không”. “ ở Hà Nội có những cái em thích nhưng có những cái em không thích. Khó nói lắm chị ạ!”. Nếu tôi không đưa ra một câu hỏi mở mà là một câu hỏi đóng thì có lẽ câu trả lời của Hoa sẽ là: “có/ không” và như vậy thông tin mà tôi nhận được không thể chính xác với những điều mà Hoa nghĩ. Trong trường hợp này tôi cần gợi mở cho Hoa có thể đưa ra những thông tin về những điều mà Hoa thích hay không thích bằng câu hỏi: Em thấy thích/không thích Hà Nội ở những điểm nào?
Đối với phỏng vấn nhóm, những nhóm mà tôi tiến hành phỏng vấn tuỳ từng thời gian, hoàn cảnh mà có số lượng nhiều hay ít, là nam hay nữ hay cả nam và nữ…Theo như tôi nhận thấy, khi tiến hành phỏng vấn nhóm nếu không có mặt của đối tựơng nghiên cứu - người đựơc nói đến hoặc người nhà của đối tượng được nói đến thì cuộc nói chuyện có tính chất khách quan hơn.
Ví dụ: Khi tôi có thể tiến hành phỏng vấn một nhóm hàng xóm của Hoa mà không có mặt Hoa hay người trong gia đình Hoa thì mọi người trong nhóm có thể đề cập đến những vấn đề mà khi có Hoa hoặc người trong gia đình Hoa ở đó chắc chắn rằng họ sẽ không bàn tới “Con Hoa ngày trước mới đi làm ở Hà Nội, nhiều người nói nó đi làm xa một mình như thế mà bố mẹ nó cũng cho nó đi... Loại này ra đường dễ đi làm gái nhà hàng lắm!” (cô Thoa- 38 tuổi- hàng xóm của Hoa)
Một điều nữa mà tôi nhận thấy khi tiến hành phỏng vấn nhóm là khi tôi phỏng vấn một nhóm trẻ em thì thường các em có thể nói rất thật những điều mình nghĩ. Nhất là khi nhóm phỏng vấn chỉ là những em nữ. Khi trong nhóm xuất hiện 1 hay vài em nam thì những câu trả lời trở nên dè dặt hơn. Có lẽ là các em tỏ ra ngại ngần khi có mặt bạn nam và sợ rằng bạn nam sẽ đánh giá khác đi về mình.
Còn đối với nhóm những người lớn tuổi khi được phỏng vấn thường khó có thể đưa ra những lời nhận xét, những suy nghĩ của mình một cách thẳng thắn vì họ vốn lo ngại khi nói đến điều gì đó mà họ cho là không hay sẽ bị người khác trách móc hoặc chê cười “ Có khi cô nghĩ nó (Lan), bỏ nhà một mình mà ra Hà Nội thì cũng gớm mặt thật! Con cô nó không dám liều thế đâu! Nhưng cô nói là nói với cháu thế thôi, cháu đừng nói lại với ai đấy nhé!” (cô Phúc- 41 tuổi- người cùng làng với Lan). Mặc dù vậy, đó cũng chỉ là những ý kiến chủ quan của người được phỏng vấn mà có trường hợp vì mục đích cá nhân mà người được phỏng vấn nói ra. Những thông tin trong trường hợp đó thường không chính xác.
Điều đặc biệt là tôi có thể phỏng vấn được một nhóm các trẻ em nam nhưng không thể phỏng vấn một nhóm người lớn là nam giới. Tôi thấy rất ít khi những người đàn ông lớn tuổi trong làng nhóm họp với nhau. Một số lớn họ thường đi làm xa ít về nhà, một số khác thì làm việc suốt ngày rồi tối đến thì thường đi ngủ từ rất sớm. Mặt khác ở nông thôn, thường thì buổi tối không có đài, tivi hay các hoạt động vui chơi khác nên họ không có thói quen cùng nhau nói chuyện uống trà sau một ngày lao động mệt mỏi. Chỉ có phụ nữ là hàng ngày vẫn hay có thói quen tụ tập tụm bàn chuyện “trong nhà, ngoài ngõ”.
Trong cùng một nhóm phỏng vấn thì trường hợp các thành viên trong nhóm có ý kiến trái ngược nhau. Khi tôi hỏi cảm nghĩ của họ về vấn đề “đi lao động giúp việc ở Hà Nội tốt hay xấu ?” tôi thấy rằng, những người nêu ý kiến sau thường đồng tình với quan điểm của người nêu ý kiến trước. Do vậy, những trường hợp đó sẽ cho tôi những thông tin không chính xác. Nhưng có những trường hợp bất đồng ý kiến thì người mạnh dạn hơn, có nhiều lý lẽ hơn sẽ giành thế chủ động và người yếu thế hơn sẽ im lặng và từ bỏ ý định nói thêm về cảm nghĩ của mình. Do đó, tôi cần tiếp xúc thêm với đối tượng này để tìm hiểu về ý kiến thực sự của họ khi không còn những cản trở từ những ý kiến khác.
Ví dụ: khi tôi cùng ba người hàng xóm của Hồng nói chuyện, hai người trong số đó cho rằng việc Hồng đi giúp việc ở Hà Nội là chuyện bình thường thì người thứ ba im lặng tỏ ý đồng tình. Nhưng khi chỉ còn lại mình tôi và cô thì cô nói: “Nói thế thôi nhưng thân con gái hơ hớ ra thế lại một thân một mình đến đất khách quê người thì biết thế nào được!” (hàng xóm của Hồng- 45 tuổi)
Số lượng người trong một nhóm mà tôi phỏng vấn thường không lớn, dao động từ 2- 5 người (thường là nhóm 3- 4 người).
Ngoài việc tiến hành phỏng vấn nhóm, tôi cũng tiến hành thực hiện phỏng vấn các “nhóm ngẫu nhiên”. Cụ thể là khi tôi ở nhà Lan, tôi được giới thiệu với bạn bè, họ hàng, hàng xóm của Lan. Và từ đó, tôi có thể tiến hành phỏng vấn “nhóm ngẫu nhiên” khi có dịp thuận tiện. Như trường hợp các bạn của Lan đến nhà thăm Lan nhân dịp Lan mới về nhà sau một thời gian đi giúp việc tại Hà Nội, tôi có thể tiếp cận với các bạn của Lan và tiến hành phỏng vấn.
Thời gian mà tôi tiến hành một cuộc phỏng vấn thường phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan. Do những cuộc phỏng vấn của tôi đều được thực hiện trong quá trình quan sát tham gia nên những cuộc phỏng vấn cũng giống như những cuộc trò chuyện thông thường rất dễ bị gián đoạn. Có những cuộc phỏng được tiến hành trong 2 - 3 giờ nhưng cũng có những cuộc phỏng vấn chỉ được thưc hiện trong 30 phút. Nguyên nhân có cả từ phía chủ quan lẫn chịu sự tác độngb từ bên ngoài. Ví dụ như có lần, tôi gặp cô Thuận (hàng xóm của Lan), vấn đề tôi cần hỏi cô vẫn chưa hết nhưng cô nói cần phải về nhà đi thăm người ốm nên cuộc phỏng vấn của tôi phải dừng lại. Một tình huống khác, khi tôi và Huệ (bạn của Hồng) đang cùng nhổ cỏ và trò chuyện ngoài ruộng lạc thì mẹ em gọi về nhà giúp nên câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn.
Đối với trường hợp phỏng vấn nhóm, khả năng bị gián đoạn thường nhiều hơn đối với phỏng vấn cá nhân. Bởi lẽ, phỏng vấn nhóm thường có nhiều người nên quá trình thực hiện cuộc phỏng vấn phụ thuộc vào từng cá nhân tham gia phỏng vấn, khả năng bị gián đoạn cũng vì vậy mà tăng lên. Khi một người trong nhóm được phỏng vấn rời khỏi nhóm giữa chừng thì rất dễ dẫn đến khả năng cuộc phỏng vấn ấy bị gián đoạn. Số người trong một nhóm phỏng vấn càng ít thì khả năng này xảy ra càng cao.
Còn đối với những cuộc phỏng vấn “nhóm ngẫu nhiên” thì thời gian tiến hành phỏng vấn thường ngắn hơn (30 phút - 60 phút) thời gian tiếnhành phỏng vấn nhóm hay phỏng vấn cá nhân. Bởi lẽ, những “nhóm ngẫu nhiên” này rất dễ bị gián đoạn do không được chuẩn bị từ trước.
2.6 Ghi chép thực địa
Điều quan trọng trong toàn bộ quá trình đi điền dã là việc thường xuyên ghi nhật ký điền dã. Việc ghi nhật ký điền dã được tiến hành hàng ngày. Thông qua đó, tôi có thể ghi chép lại những việc mà mình đã làm hay những điều mà tôi chưa hỏi được trong ngày để có thể vạch ra kế hoạch bổ xung cho ngày hôm sau.
Do những yêu cầu trên thực địa, nên việc ghi chép toàn bộ chi tiết của một cuộc phỏng vấn ngay trong quá trình phỏng vấn là điều không thể. Vì vậy, tôi thường đem theo một cuốn sổ nhỏ và ghi chép vắn tắt và nhanh chóng những điều hỏi được trong quá trình phỏng vấn bằng những quy ước đã quy định từ trước để hạn chế thời gian ghi chép ảnh hưởng tới chất lượng cuộc phỏng vấn.
Thông thường, trong toàn bộ quá trình phỏng vấn tôi ghi chép lại những ý cơ bản một cách vắn tắt rồi sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn hay cuối ngày tôi ghi chép lại tỉ mỉ tất cả những gì mà tôi nhìn thấy nghe thấy và cảm nhận được dựa trên những ghi chép ban đầu.
Do những cuộc phỏng vấn của tôi thường xuyên bị gián đoạn nên sau cuộc phỏng vấn tôi cố gắng ghi chép lại tất cả những gì thu được rồi xem xét xem còn những gì chưa hỏi hay cần hỏi thêm để sau đó hỏi lại. Khó khăn nhất trong trường hợp cuộc phỏng vấn bị gián đoạn là những vấn đề trong buổi phỏng vấn hôm trước đang dở dang thì hôm sau tôi phải bắt đầu lại tự đầu. Vì vậy, tôi phải mất thêm một khoảng thời gian để làm tan tảng băng ngăn cách giữa tôi và người được phỏng vấn trước khi nói vào vấn đề mà tôi quan tâm một cách cởi mở. Như vậy, đáng ra chỉ mất thời gian của một cuộc phỏng vấn thì tôi phải mất thêm hai lần hoặc có thể nhiều hơn nữa cho việc hoàn thiện một cuộc phỏng vấn.
Tiểu kết: Trong qua trình tiến hành thu thập thông tin trên thực địa cần lựa chọn phương pháp nghiên cứu đúng đắn, phù hợp và tiến hành từng bước một cách khoa học. Hàng ngày cần ghi chép nhật ký điền dã thông qua đó lập kế hoạch cho ngày hôm sau. Việc ghi chép nhật ký điền dã có vai trò rất quan trọng. Cần phải ghi chép đầy đủ, chi tiết về nội dung mỗi cuộc phỏng vấn và cả những cảm nhận của tác giả thông qua quá trình quan sát tham gia.
Đối với những mẫu câu hỏi phỏng vấn, tôi cảm thấy khi sử dụng những câu hỏi mở thì người được phỏng vấn sẽ dễ dàng nêu lên những cảm nhận của mình hơn là khi sử dụng những câu hỏi đóng.
Việc tiến hành kiểm tra chéo với những vấn đề nhạy cảm thì phương pháp này có thuận lợi đối với những cá nhân thẳng thắn nhưng lại không có lợi đối với những cá nhân trầm tính, ít nói. Vì vậy, cần phải quan sát kỹ và tìm hiểu thêm những suy nghĩ thực sự của những đối tượng phỏng vấn có tính e ngại, dè dặt trong kiểm tra chéo.
Chương 3
tác động của lao động - cảm nhận của trẻ
“Đặc điểm cơ bản của trẻ em tuổi vị thành niên là thay đổi và cải tạo các mối quan hệ với những người xung quanh” (I.X. Kôn: Tâm lý học lứa tuổi vị thành niên, Matxcơva, 1989: tr. 106).
Như chúng ta đã thấy dù với bất kỳ lý do nào mà trẻ em phải rời gia đình đi lao động tại các thành phố lớn thì những hệ quả mà việc ra đi để lại đối với trẻ em cũng khó có thể nhìn nhận hết được. Trẻ em cần có những môi trường lành mạnh để phát triển một cách tốt nhất. Trẻ em rất dễ bị tổn thương, dễ bị cám dỗ. Trong khi một số trẻ em được chăm sóc, quan tâm thì nhiều trẻ em cùng tuổi với họ phải tự lao động kiếm sống. Thậm chí nhiều em phải rời gia đình tới kiếm sống tại cách thành phố lớn và mất đi cái quyền cơ bản nhất của mình: quyền được sống trong chính gia đình mình.
Nếu nói về lý do khiến các em phải ra đi lao động kiếm sống thì chúng ta phải đề cập đến cả hai khía cạnh: “lực hút” và “lực đẩy” (12). Bởi cả hai khía cạnh này là nền tảng, ảnh hưởng trực tiếp tới cách thức trẻ em tiếp nhận những nét văn hoá đô thị.
Điều đầu tiên phải nói đến ở đây là khía cạnh “lực đẩy”. Hai yếu tố “lực hút” và “lực đẩy” kết hợp lại dẫn đến quyết định ra đi của nguồn lao động ngoại tỉnh tới các thành phố lớn. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất khiến phần lớn trẻ em phải ra đi kiếm sống là vì lý do nghèo đói (13). Đặc biệt, đối với những trẻ em gái với vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Trẻ em gái có thể hiểu rõ những khó khăn của cha mẹ và sớm hình thành tình thương yêu, đức hi sinh của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Và chính vì vậy các em mong muốn được giúp đỡ gia đình, mong muốn được san sẻ gánh nặng của cha mẹ.
Đối với những trẻ em gái còn đang đi học và vẫn muốn có tiền để không phải nghỉ học đồng thời giúp đỡ cha mẹ thì lao động giúp việc gia đình theo thời vụ là một giải pháp tốt nhất và có thể coi là an toàn nhất. Thời gian thích hợp để các em đi lao động giúp việc là khoảng thời gian nghỉ hè và những ngày nghỉ tết - thời điểm các em được nghỉ học. Đi giúp việc gia đình vào dịp 3 tháng hè đã không còn là công việc mới mẻ đối với nhiều địa phương hay nhiều gia đình ở nông thôn. Nhưng đi giúp việc gia đình vào dịp tết là một công việc nhiều thiệt thòi đối với bất cứ người lao động nào và còn thiệt thòi hơn nhiều nữa là đối với những trẻ em gái. ở lứa tuổi mà đáng ra các em phải được vui chơi mà không phải lo lắng đến tiền bạc thì một số em phải quên đi cái niềm hạnh phúc được xum vầy với gia đình ngày tết. Đó quả là một quyết định can đảm, một sự hi sinh lớn lao.
Nhưng cho dù có vì lý do gì thì việc tới thành phố làm việc đối với một đứa trẻ là một thử thách lớn. Và một cách vô tình hay hữu ý thì việc tiếp nhận những nét văn hoá của người dân thành phố là không thể tránh khỏi. Tuỳ vào môi trường lao động mà những ảnh hưởng của nó tác động đến các em cũng khác nhau. ở đây cụ thể là môi trường của mỗi gia đình mà các em đến giúp việc. Mỗi gia đình có một cách sinh hoạt, cách sống khác nhau và mỗi thành viên trong 1 gia đình cũng có một cách sống, một khía cạnh nào đó mà các em có thể cho là đáng để học tập . Dù sao thì những gì mà các em tiếp nhận được trong quá trình lao động cũng có 2 mặt: tích cực và tiêu cực. Mỗi em sẽ có cách tiếp nhận, chọn lọc hay loại bỏ những nét văn hoá mới đó.
3.1 Quan niệm sống
3.1.1 Quan niệm về gia đình hành phúc
Như đã đề cập ở trên, gia đình là nền tảng cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, tìm hiểu quan niệm của trẻ về một gia đình hạnh phúc là điều cần thiết để bước đầu phân tích những cảm nhận cũng như thay đổi của trẻ với vấn đề gia đình sau khi trẻ đã có điều kiện tiếp cận với hình thức gia đình ở đô thị.
Sau một thời gian dù ngắn hay dài giúp việc gia đình tại Hà Nội thì các em vẫn có được cảm nhận nào đó về gia đình- môi trường làm việc của các em. Trong quá trình làm việc tại gia đình ấy, các em sẽ được tiếp cận với những luồng văn hoá mới, những cách sống mới mà các em có thể tiếp nhận một cách thụ động, không thể ngờ tới.
Tết cổ truyền của người Việt Nam là dịp tất cả các thành viên trong gia đình quây quần. Đối với một số gia đình thì có lẽ đây là dịp duy nhất trong cả năm có thể họp mặt đầy đủ tất cả các thành viên. Đó chính là hoàn cảnh tốt nhất để các em hiểu được cuộc sống của gia đình thành phố. Mặt khác, một điều hạn chế là cũng vì đây là dịp tết nên mọi người trong gia đình trở nên rộng rãi và quan tâm đến nhau nhiều hơn mức bình thường. Vì lẽ đó, có thể các em chỉ nhận thấy những điều tốt đẹp- một mặt của gia đình họ mà thôi. Nhưng, dù sao thì các em cũng có những nhận xét cá nhân về họ.
“ Tết nhà em vui lắm ! Bạn bè em suốt ngày tụ tập đi chơi. Nhưng năm nay ăn tết ở nhà cô chú (gia đình thuê lao động ) thì không vui bằng! Cô chú coi em như con cái trong nhà nhưng mà gia đình cô chú không tình cảm gì cả, mọi người dửng dưng lắm! Em thấy ngày tết thì mọi người phải thân thiện với nhau nhưng nhà cô chú ngày tết chỉ như là ngày nghỉ thôi!”. (Hoa)
Theo ý kiến riêng của mỗi em thì hình mẫu của một gia đình hành phúc có sự khác biệt nhau. Hoa cho rằng, một gia đình như gia đình của em là một gia đình đình hạnh phúc. Tôi được biết, gia đình đình em có 3 chị em. Hai em sau của Hoa đều là em trai (Một em học lớp 9 và 1 em 5 tuổi). Bố của Hoa là người rất chăm chỉ, hiền lành, ít nói và “Bố mẹ rất ít khi cãi nhau!” (Hoa). Với Hoa thì cuộc sống gia đình của Hoa là rất đầm ấm vì vậy khi tới làm việc tại gia đình ấy Hoa cảm thấy cách sống của họ không thân thiện và tình cảm. Chắc rằng, em sẽ nghĩ đấy là cách sống của gia đình thành phố. Trong trường hợp của Hoa thì chính chuẩn mực về gia đình của bản thân Hoa đã chi phối cách nhìn nhận, đánh giá về gia đình tại nơi mà em làm việc. Từ cảm nhận về gia đình mình mà Hoa cho rằng sống như gia đình người chủ lao động là không hạnh phúc.
Đối với Lan thì với em một gia đình hạnh phúc là gia đình có bố, mẹ hoà hợp và có đủ ăn, đủ mặc.
“ Em thấy gia đình cô chú (gia đình thuê lao động ) thật vui vẻ! Bố mẹ em đánh nhau suốt! Từ ngày bố em có vợ hai đến giờ, gia đình em chưa bao giờ có một cái tết vui vẻ cả! Nhà em nghèo lắm cho nên tết chưa chắc đã có quần áo mới chứ nói gì đến trong năm! ” (Lan).
Gia đình vốn luôn nghèo đói nên Lan rất muốn đi học nhưng lại phải bỏ học để đi làm. Cũng vì nghèo nên Lan rất ít khi có quần áo mới. Với Lan thì gia đình của em chưa bao giờ có hạnh phúc. Lan luôn phải chứng kiến bạo lực gia đình. Vì vậy, Lan cho rằng những khiếm khuyết của gia đình em là những yếu tố cơ bản quy định về một gia đình hạnh phúc.
Còn đối với Hồng, hạnh phúc là có mẹ chăm sóc, lo toan mọi việc cho gia đình . Hạnh phúc là cả gia đình được quây quần bên nhau. Đó là những mơ ước của em. Và khi một gia đình có những điều mà em mong muốn cho gia đình mình thì em tin rằng gia đình ấy thật là hạnh phúc!
“ Mẹ em mất 10 năm rồi, em không có chị gái, chỉ có anh trai nên tết đến em phải lo chuẩn bị tết cho gia đình. Buồn lắm chị ạ! Tết ở Hà Nội sướng chị nhỉ! Đến mọi việc trong nhà cũng chẳng phải làm, thuê người như em về làm hết để chơi cho thoải mái. Nhà hai bác (người thuê lao động ) thích lắm! Bố mẹ và con cái đều vui vẻ, lại hay trêu nhau nữa!” (Hồng).
Như vậy, đối với các em thì việc nhìn nhận thế nào là một gia đình hạnh phúc? rất rõ ràng. Tôi nhận thấy rằng, những gì mà các em mong muốn cho gia đình mình thì sẽ là những tiêu chí để nhận xét về một gia đình hạnh phúc. Hoa hài lòng với gia đình mình vì vậy em tin rằng mình đang có một gia đình hạnh phúc. Hồng do mất mẹ từ nhỏ nên em mong muốn có mẹ và với em thì một gia đình có đầy đủ cả bố và mẹ là hạnh phúc rồi! Còn Lan thì do nhà quá nghèo và bố mẹ chưa bao giờ hoà hợp nên với em thì chỉ cần bố mẹ đừng đánh nhau nữa, gia đình có đủ ăn, đủ mặc đã là niềm hạnh phúc lớn!
3.1.2 Quan niệm về người con ngoan
Những trẻ em gái bao giờ cũng thường tỏ ra biết lo lắng, giúp đỡ bố mẹ sớm hơn những trẻ em nam. Vì vậy, các em gái luôn sớm gánh vác một phần khó khăn của gia đình. Các trẻ em gái ý thức được một người con ngoan là phải biết giúp đỡ gia đình nên luôn tự lo liệu những công việc nhà, chăm sóc em thay mẹ và lớn hơn nữa là kiếm tiền để đóng góp vào kinh tế gia đình.
Do người phụ nữ có vai trò quan trọng đối với gia đình nên việc họ phải bỏ lại con cái ở quê nhà cho chồng hay bố mẹ chăm sóc là họ đã ra đi với quyết tâm kiếm tiền, quyết tâm thay đổi đời sống kinh tế của gia đình. Nhưng đối với một số phụ nữ, cũng vì vai trò làm vợ và làm mẹ không cho phép họ có thể rời bỏ con cái đi làm xa. Vì vậy, họ buộc phải để con gái lớn thay mẹ đi làm kiếm tiền. Đó chính là một trong nhiều lý do làm tăng số lượng lao động trẻ em hoạt động trong nghề giúp việc gia đình này. Và không ai có thể phủ nhận vai trò tích cực của sự ra đi này trong việc cải thiện đời sống gia đình họ ở quê nhà.
Gánh nặng gia đình mà các em phải mang theo quả thật là khó khăn cho những trẻ em còn đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Các em đã bị tách khỏi sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, tình cảm của gia đình, bạn bè để một mình sống và làm việc trong một gia đình hoàn toàn xa lạ với vai trò của một người lao động thực thụ mà có lẽ các em chưa từng biết đến bao giờ. Quá trình lao động sẽ giúp các em tạo dựng tính độc lập cao trong đời sống cũng như trong công việc.
“ Mẹ em mất cách đây 10 năm, lúc ấy em út của em mới có 3 tuổi thôi! Em là con gái lớn phải thay mẹ em lo cơm nước, dọn dẹp cho cả nhà. Ngoài ra em còn phải thay mẹ chăm em út để bố em đi làm kiếm tiền nuôi 3 anh em” (Hồng).
Mặt khác, do điều kiện kinh tế thiếu thốn ở nông thôn khiến các em từ bé đã phải học cách giúp đỡ bố mẹ những công việc thông thường. Lớn dần lên thì những công việc cũng nhiều lên và nặng nhọc hơn. Giúp đỡ gia đình đã trở thành một đức tính cần thiết vốn có của trẻ em nông thôn. Khi được hỏi thế nào là một người con ngoan thì các em đều trả lời rằng, một người con ngoan là biết vâng lời, hiền lành, chăm chỉ lao động và biết kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Như vậy, biết kiếm tiền giúp đỡ gia đình là một trong những tiêu chí để xác định một người con ngoan. Do đó hành động đi lao động giúp việc ở Hà Nội cũng là một hành động vì gia đình của một người con ngoan.
“ Gia đình em không phải là nghèo nhưng để nuôi cả mấy chị em em đi học thì đó là việc mà bố mẹ không thể làm được. Em là chị cả trong nhà, em phải có trách nhiệm giúp đỡ bố mẹ nên em mới đi giúp việc để kiếm thêm ít tiền đi học!” (Hoa)
3.2.3 Quan niệm về học tập
Việt Nam là một nước rất coi trọng vấn đề giáo dục. Luật Phổ cập giáo dục tiểu học miễn phí đối với tất cả trẻ em đã đem đến những thành quả nhất định. Mặc dù vậy, với thực trạng nghèo đói thì việc các em có thể tiếp tục theo học hết cấp tiểu học và học cao hơn nữa là rất khó khăn đối với nhiều gia đình ở khu vực nông thôn. Nhiều em buộc phải bỏ học để lao động kiếm sống, phải đương đầu với những thử thách mà đáng ra ở tuổi các em phải được đến trường. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những mặc cảm tự ti và những mặc cảm này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sự hình thành nhân cách của các em. Đặc biệt là các trẻ em gái.
Trước nguy cơ phải bỏ học do gia đình không thể chi trả những khoản chi phí học tập, một số em muốn tiếp tục đi học phải tìm cách lao động kiếm tiền. Do vậy, nhiều em gái đã tranh thủ những ngày nghỉ học để đi lao động giúp việc tại các thành phố lớn. Đây là loại công việc không vất vả như lao động ở quê nhưng đòi hỏi một sự khéo léo nhất định. Tiền công 10 ngày tết năm 2005 là 400 nghìn cũng bằng với số tiền lương 1 tháng đi giúp việc vào những ngày hè. Với số tiền này, các em có thể có đủ tiền chi trả cho 1 học kỳ hoặc có thể 1 năm học của mình. Những trên thực tế, trong tổng số tiền mà các em kiếm được thì các em chỉ được cầm một nửa để chi trả cho việc học tập (200 nghìn đồng), số còn lại được bố mẹ sử dụng. Nhưng dù sao thì với số tiền này các em vẫn sẽ có thể tiếp tục đi học .
“Hè này em định đi làm giúp việc tiếp để kiếm tiền học năm sau nhưng em mà đi thì nhà lại neo người quá! Đứa em trai em hè năm nay cũng thi lên cấp 3 nên lại càng cần tiền. Em muốn đi học cao lên nữa! Em thấy ở Hà Nội người ta học nhiều nên kiếm được nhiều tiền. Em không muốn phải làm ruộng nữa! Nhà em không phải là nghèo lắm nhưng để có thể nuôi được cả 3 chị em em đi học thì không được. Mẹ em năm nay cũng yếu rồi. Năm ngoái mẹ cũng bắt em nghỉ học nhưng em không chịu!” (Hoa). Vì ước mơ được học cao lên, được thoát khỏi cảnh giầm mưa giãi nằng ngoài đồng ruộng Hoa đã xác định con đường đi cho mình vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Khi có dịp ra Hà Nội, tiếp súc với nhịp sống đô thị Hoa đã hiểu rằng, muốn có cuộc sống tốt hơn thì không gì bằng con đường học tập! Đó chính là một cách tiếp nhận tích cực mà em thu được sau quá trình lao động giúp việc ở Hà Nội.
“Em thích đi học vì đi học sẽ không vất vả như làm ruộng. Em muốn kiếm tiền để đi học trên thành phố chứ ở nhà là lại phải lấy chồng sớm! Mà em không thích lấy chồng ở quê đâu! Lấy chồng ở quê rồi lại ở nhà làm ruộng thôi!” (Hồng).
Hồng có những suy nghĩ hơi khác Hoa một chút. Tôi cảm thấy rằng Hồng nghĩ học tập là nền tảng cho em thoát khỏi làm nông nghiệp, học tập sẽ giúp em có thể có điều kiện tới thành phố làm việc rồi từ đó lấy chồng thành phố. Còn Hoa, học tập, tri thức là nền tảng giúp em thoát khỏi nghèo đói. Như vậy, cuộc sống đô thị đã đem đến cho các em một mục đích mới trong cuộc sống. Đấy chính là những suy nghĩ về việc hướng nghiệp trong tương lai.
3.2 Quan hệ gia đình - xã hội
3.2.1 Trong gia đình
Từ những thay đổi trong quan niệm sống về gia đình, trẻ em gái cũng thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá, cách giúp đỡ gia đình của mình.
Nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với cha mẹ trong gánh nặng cơm áo, Hoa mặc dù rất muốn tiếp tục đi giúp việc gia đình vào dịp mùa hè này để có tiền đi học vào năm học sau nhưng vì em trai của Hoa năm nay phải thi chuyển cấp nên Hoa nhận thấy nếu Hoa đi làm xa thì bố mẹ ở nhà sẽ không có người giúp đỡ công việc đồng áng.
“ Không biết hè này em có đi làm được nữa không! Em trai em năm nay cũng thi chuyển cấp nên nhà thiếu người để làm việc” (Hoa - 16 tuổi).
Như vậy, Hoa còn phải băn khoăn nhiều trước khi đưa ra quyết định: đi hay ở. Những cho dù quyết định như thế nào thì chắc rằng Hoa cũng sẽ lựa chọn con đường thuận lợi cho gia đình.
Đối với trường hợp của Lan, sau một thời gian lao động xa nhà dường như Lan đã lớn lên nhiều.
“ Giờ nó lớn lên nhiều rồi! Nó cũng đã hiểu mẹ nó sống khổ như thế nào vì bố nó. Giờ nó cũng biết nói chuyện phải trái với bố nó mà bố nó không nói gì được đấy!” (Mẹ của Lan).
Theo như lời của mẹ Lan thì Lan cũng đã hiểu rõ hơn về tình trạng gia đình mình. Em đã biết thông cảm trước những khó khăn của mẹ khi bố mình có vợ hai. Cũng từ sự hiểu biết đó, Lan đã có thể nói chuyện thẳng thắn với bố mình với tư cách là một người trưởng thành mà bố Lan không thể không lắng nghe và công nhận sự chín chắn ấy.
Từ những quan niệm về một gia đình hạnh phúc, một người con ngoan, các em đã cố gắng góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình và chứng tỏ vai trò của một người con ngoan, có hiếu.
3.2.2 Với bạn bè, thầy cô
Thông qua mối quan hệ bạn bè các em có thể trao đổi, giao lưu và trau dồi, tiếp thu thêm nhiều nét văn hoá mới để mở rộng sự hiểu biết, hoàn thiện cách ứng xử trong xã hội và hoàn thiện chính bản thân mình. Ông cha ta đã từng có câu “ Học thầy không tày học bạn”. Chính vì lẽ đó mà thông qua mối quan hệ bạn bè các em có thể bộc lộ rõ nét nhất những suy nghĩ, những trải nghiệm của bản thân, cách sống mà các em đã lựa chọn.
Mối quan hệ bạn bè của các em ở trường, lớp vẫn không có nhiều thay đổi. Bởi trên thự tế, hai trong ba trường hợp mà tôi nghiên cứu thường rất ít khi kết bạn ở trên lớp, trường. Hầu hết mối quan hệ với các bạn học chỉ là mối quan hệ xã giao, không thân thiết. Các em có mặc cảm vì mình con nhà nghèo, vì mình phải đi giúp việc gia đình, sợ các bạn chê cười…Đó chính là sự thay đổi đầu tiên và lớn nhất mà tôi nhận thấy. Nhất là khi có người coi giúp việc gia đình là một công việc của người nghèo khổ đến nỗi phải đi hầu hạ người khác.
“ Chị đừng nói cho các bạn ở lớp em biết là em đi làm ở Hà Nội nhé! Em xấu hổ lắm!” (Hoa). Đấy là câu nói của Hoa khi tôi đề nghị Hoa cho tôi cùng đi đến trường. Như vậy, em đi lao động giúp việc tại Hà Nội các bạn em ở lớp không hề hay biết “Em sợ chúng nó biết lại nghĩ này nghĩ nọ về em. Em không còn đi học thì không sao nhưng đang còn đi học thì ngại lắm!” (Hoa).
Mặc dù, đối với phần đông các em phải đi lao động giúp việc là đã chấp nhận nhiều thiệt thòi nhưng các em vẫn lo lắng trước những điều không hay có thể xảy ra. Và điều mà các em lo lắng nhất là sợ mang tiếng xấu. Cũng vì lẽ đó mà các em cố gắng hạn chế những mối quan hệ không cần thiết ở trường. Điều này khiến các em không có nhiều bạn thân để có thể chia sẻ với nhau về cuộc sống ngoài trường học.
“ ở trường em không có nhiều bạn đâu! Trong lớp em chỉ chơi thân với 3 đứa ở xóm trên thôi! Mà khi đi làm tết ở Hà Nội em cũng phải nói dối chúng nó là em đi chơi nhà cô ở Thái Bình” (Hoa).
Khi được hỏi vì sao không muốn cho bạn bè ở trường biết mình đi giúp việc thì Hồng đã trả lời rằng: “ Em thấy ngại lắm! Em sợ phải nói ra việc mình đi làm cứ như là phơi bày chuyện nhà mình nghèo ra. Vả lại chuyện đi làm người ở cho người khác cũng chẳng hay ho gì!”. (Hồng).
Huyện Quảng Xương gồm có 41 xã, thị trấn. Mỗi xã, thị trấn có 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở, Nhưng cả huyện trước đây chỉ có 4 trường phổ thông trung học và hiện nay có thêm 3 trường dân lập, bán công phổ thông trung học nữa. Điều này cho thấy một thực trạng đáng buồn là phần lớn các trẻ em của xã không thể học lên cấp III.
Đối với Lan thì đi học luôn là mơ ước của em. Đang học dở lớp 6 thì phải bỏ học để lao động kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ. Em kể: “ Bạn học của em đều ở trong xã, trong làng em nên nhiều lắm! Nhưng chúng nó toàn rủ nhau bỏ học thôi! Bạn cùng lớp của em đã bỏ học gần hết rồi”. Vì bỏ học đã gần 2 năm nên bạn học cùng lớp của em cũng không còn. Em lại đi làm xa nhà liên tục nên bạn cũ chỉ còn vài người trong cùng làng mà em thỉnh thoảng có liên lạc qua thư.
Những mối quan hệ bạn bè ngoài trường học thông thường cũng gắn liền với mối quan hệ bạn bè trên lớp khi mà các em còn đi học. Những người bạn thân cũng thường là bạn học của các em. “ Em chỉ có 3 đứa bạn thân học cùng lớp và cũng chơi với nhau ở nhà thôi! Nhà chúng nó ở cùng xã nhưng khác làng. ở làng em những đứa con gái bằng tuổi em đều bỏ học đi làm xa hết nên em cũng không có bạn để chơi. Mà bọn con trai ở đây thì không chơi được. Chúng nó toàn yêu đương linh tinh thôi!” (Hoa)
Tuổi 15, 16 thì ở nông thôn đã có người đến hỏi làm vợ hoặc đặt quan hệ yêu đương. Vì vậy mối quan hệ bạn bè khác giới phức tạp hơn nên các em muốn tiếp tục học cao lên cảm thấy e ngại. “ Em muốn quyết tâm không là ruộng nữa nên không muốn lấy chồng ở quê đâu! Em sẽ cố gắng đi học ở thành phố rồi lấy chồng thành phố vì ở quê khổ lắm! ở thành phố thì nhà có nghèo cũng không phải làm ruộng” (Hồng). Như vậy, Hồng đã có thể lựa chọn cho mình một con đường đi, một mục đích của cuộc sống (Định hướng nghề nghiệp) là thoát khỏi cảnh làm ruộng- đồng nghĩa với việc cố gắng thoát khỏi cảnh nghèo đói, thiếu thốn. Những gì mà em thấy được ở cuộc sống của người dân đô thị là “cho dù có nghèo cũng không phải làm ruộng”, không phải dầm mưa dãi nắng. Một công việc nhàn hạ, lương cao chính là mong muốn của em và đó cũng chính là “lực hút” để em quyết định ra Hà Nội làm công việc giúp việc gia đình. Mặc dù công việc này cũng chỉ là tạm thời.
Các cụ ngày xưa vẫn thường nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” thì các em đi lao động ở Hà Nội cũng có thể học hỏi được nhiều điều thông qua những trải nghiệm về cuộc sống. Khi tới sống ở một môi trường mới thì các em cũng có những thay đổi để thích nghi với môi trường sống mới. Nhưng mỗi em có cách tiếp nhận văn hoá mới khác nhau bởi mỗi con người đều có những suy nghĩ, những trải nghiệm cuộc sống khác nhau.
“Nhiều bạn trai cứ tối đến là lại sang nhà em chơi làm em không có thời gian để học nữa. Mà em chỉ có buổi tối để học thôi! Nhiều hôm em phải trốn đi đến lúc chúng nó về dám về nhà. Không tiếp thì bị nói là kiêu này nọ còn tiếp thì mất thời gian quá! Em không có bạn ở trong làng này đâu, chỉ chơi với mấy đứa bạn học ở làng bên thôi! Em không muốn bạn bè yêu đương gì bây giờ. Em muốn học cao thêm nữa như các anh chị ngoài Hà Nội” (Hoa). Trong khi tiếp xúc với những điều kiện mới, hoàn cảnh mới Hoa cũng đồng thời có định hướng cho nghề nghiệp của mình sau này. “Học cao thêm nữa”, đối với Hoa chính là mục đích của cuộc sống sau này.
Còn đối với Hồng thì bạn bè ngoài trường cũng rất quan trọng mặc dù em không muốn có bạn trai ở nông thôn “Đợt em đi làm ở ngoài Hà Nội em thấy chị- con của cô chú (người thuê lao động) có nhiều bạn lắm! Các anh chị ấy hay tụ tập ở nhà cô chú vui lắm! Em thích có nhiều bạn, Em cũng có nhiều bạn lắm, có cả bạn học cùng, có cả bạn quen ở ngoài nhưng bạn ở ngoài vẫn nhiều hơn” (Hồng).
Như vậy, mối quan niệm về quan hệ bạn bè của trẻ em gái cũng đã có một số thay đổi. Đối với trường hợp của Lan (đã bỏ học đi giúp việc gia đình ở Hà Nội) thì do yếu tố công việc không thường xuyên có mặt ở nhà vì vậy mối quan hệ bạn bè dường như không có nhiều tiến triển. Còn đối với Hoa thì ngoài mối quan hệ với bạn bè trên lớp ra thì em không muốn có thêm bạn nữa vì một mặt em sợ mất nhiều thời gian của việc học tập; mặt khác trong làng em không có những người bạn cùng với lứa tuổi để quan hệ. Hồng thì mong muốn có nhiều bạn, được tiếp xúc với nhiều người để cuộc sống vui vẻ hơn. Đó chính là do đặc điểm tính cách của từng cá nhân và những suy tính, dự định trong tương lai.
Những trải nghiệm cuộc sau khoảng thời gian lao động giúp việc tại Hà Nội đã được chứng minh thông qua suy nghĩ, hành động đối với quá trình kết bạn của các em tại quê nhà với những mục đích cụ thể, rõ ràng.
Tại thời điểm diễn ra hoạt đông lao động giúp việc thì các đối tượng nghiên cứu vẫn còn đi học. Quá trình lao động giúp việc gia đình này mang tính chất là lao động theo thời vụ. Các em tranh thủ dịp được nghỉ học để lao động kiếm thêm tiền giúp đỡ gia đình. Vì vậy, muốn tìm hiểu cả về mối quan hệ giữa trẻ em và thầy, cô giáo của trẻ.
Trên thực tế thì mối quan hệ với thầy, cô giáo và các em vẫn không có gì thay đổi. Bởi do từ trước trẻ em và các thầy, cô giáo chỉ tiếp xúc ở lớp, ở trường mà thôi. Ngoài giờ lên lớp thì học trò và giáo viên hầu như không có quan hệ giao tiếp. Trẻ em ở nông thôn do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện học tập tốt như trẻ em ở thành phố. Ngoài giờ lên lớp, trẻ em còn phải làm nhiều việc khác để giúp đỡ gia đình. Các em hầu như không có thời gian để giành cho việc học tập. Vì vậy, trẻ em ít có dịp tiếp xúc với thầy cô giáo của mình ngoài giờ lên lớp.
“Cô giáo em chỉ đến lớp dạy xong thì về. Em chưa bao giờ đi học thêm cũng chưa bao giờ đến nhà cô giáo” (Hồng).
Do đặc điểm của điều kiện sống không thuận lợi nên việc học tập của trẻ em ở nông thôn không phải là việc quan trọng nhất đối với gia đình. Vì vậy, muốn tiếp tục đi học trong khi gia đình không có đủ tiền thì buộc các em phải tự mình kiếm tiền. Trong trường hợp này thì công việc lao động giúp việc là một công việc khá thuận lợi và có thể kiếm được nhiều tiền hơn những công việc khác.
Mặt khác, cũng do ở nông thôn việc học tập của trẻ em không phải là việc quá quan trọng đối với nhiều gia đình. Vì vậy, giáo viên cũng không có nhiều điều kiện để tiếp xúc nhiều hơn với học sinh. Lâu dần, sự xa cách đó thành thói quen dẫn đến sự lãnh cảm của giáo viên đối với những gì đang xảy ra với học sinh của họ trong cuộc sống thường ngày.
“ Các thầy, cô không chú ý đến chúng em đâu! Ngoài lúc ở trường thì chúng em làm gì thì họ cũng không quan tâm. Đó không phải là việc của họ mà!” (Hoa).
“ Trong lớp em có nhiều bạn bỏ học lắm nên có thêm em nghỉ học nữa thì cũng chẳng sao!”. Đó là câu trả lời của Lan khi tôi hỏi về thái độ của thầy, cô giáo của em khi em bỏ học để đi làm.
Như vậy, do giáo viên và học sinh không có mối quan hệ gần gũi, nên hầu như không có thay đổi gì giữa quan hệ của trẻ em gái và thầy,cô giáo của mình. Nghèo đói đã khiến cho nhiều trẻ em không thể đến trường, nhiều trẻ em phải bỏ dở chuyện học hành để đi kiếm sống. Và cũng vì hoàn cảnh sống như vậy mà nhiều giáo viên không thể có điều kiện quan tâm, giúp đỡ học sinh. Đó chính là sự thiệt thòi rất lớn đối với trẻ em nông thôn.
3.2.3 Ngoài họ mạc
Nhịp sống đô thị bận rộn khiến cho người dân nơi đây không có thời gian xây dựng mối quan hệ với hàng xóm láng giềng. Cuộc sống hiện đại với những căn hộ khép kín, biệt lập là cánh cửa đóng đối với mối quan hệ láng giềng. Đó là sự khác biệt rất lớn đối với những người dân sống ở nông thôn. Người dân sống ở khu vực nông thôn có nhu cầu giao tiếp rất cao. Và mối quan hệ hàng xóm láng giềng rất chặt chẽ.
Như tôi đã nói ở phần trên, trong thời gian tôi đi điền dã tại Quảng Châu thì một ngày làm việc của tôi như thế nào, tôi đi đâu, nói chuyện với ai thì một người đi vắng cả ngày cũng sẽ biết rõ. Người dân sống ở nông thôn thường hay qua lại, giúp đỡ nhau. Tình cảm hàng xóm láng giềng rất thân thiết. Chính vì lẽ đó mà những người dân nông thôn khi ra sinh sống và lao động tại thành phố sẽ cảm thấy bị hạn chế các mối quan hệ xã hội.
“ Hôm đầu tiên em ở nhà cô chú (người thuê lao động), lúc giặt ở trên gác em có nói chuyện với một chị ở nhà bên cạnh và bị cô nhắc rằng lần sau đừng có nói chuyện linh tinh với người lạ như thế! Lúc đầu em thấy lạ nhưng về sau mới hiểu là ở đây ai biết nhà nấy không như ở quê em. Như thế thì kể ra cũng buồn thật nhưng không sao! ở mãi rồi cũng quen. Bây giờ em không còn thói quen để ý đến hàng xóm xem họ làm gì nữa nên khi về quê em bị người ta nói là khinh người, không chịu để ý đến ai ” (Lan).
Đó là câu chuyện của Lan sau khi em đã có một khoảng thời gian dài gần 2 năm sống và lao động tại Hà Nội. Do điều kiện môi trường lao động mà em buộc phải thay đổi những thói quen để thích nghi với điều kiện mới. Rồi lâu dần, cách sống mới đó đã trở thành quen thuộc. Nhưng cách sống này ở thành phố lại không thể áp dụng được ở nông thôn khiến Lan bị những người ở địa phương đánh giá không tốt khi vẫn giữ thói quen này ở quê. Thói quen ấy khiến Lan gặp một số khó khăn khi giao tiếp với cộng đồng tại quê nhà.
Do còn ít tuổi và chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống nên việc tiếp thu và vận dụng một văn hoá mới trong cuộc sống của bản thân như thế nào cho phù hợp là điều khó khăn với các em. Mặc dù vậy, mỗi người cũng đã có cách lựa chọn riêng cho tương lai của mình.
“ ở ngoài ấy (Hà Nội) mọi người sống mà không cần có hàng xóm, không biết hàng xóm là ai. Như vậy, cũng có cái hay nhưng cũng có cái không hay. Em thích có hàng xóm để nói chuyện và giúp đỡ nhau chuyện nọ chuyện kia! Nhưng em lại không thích họ cứ để ý từng tí một rồi đi nói này nói nọ, phiền phức lắm! Nói chung là được cái nọ thì mất cái kia chị nhỉ!” (Hồng).
Đối với mối quan hệ với hàng xóm láng giềng thì mỗi em có một sự lưa chọn khác nhau. Ngay cả cách thức quan hệ với hàng xóm của người dân đô thị cũng khiến các em có một cách đánh giá nhìn nhận riêng. Tuỳ và khả năng nhận xét, đánh giá của mỗi cá nhân mà họ tự lựa chọn cho mình một cách sống mà họ cho là phù hợp.
Những điều mà các em tiếp thu được ở Hà Nội cũng chính là những kinh nghiệm cuộc sống có ảnh hưởng tới những suy nghĩ và hành động của các em tại quê nhà. Cách sống riêng biệt của người dân thành phố cũng khiến các em phải suy nghĩ và đưa ra những nhận xét, đánh giá. Khi các em cho rằng cách sống ấy hợp lý thì chắc rằng các em cũng sẽ muốn làm theo và có thể có cả khả năng ngược lại. Tuỳ vào cách đánh giá và lựa chọn riêng của mỗi người mà các em tự chọn cho mình một cách sống riêng.
Tiểu kết: Những ảnh hưởng của thời gian đi giúp việc gia đình tại Hà Nội đã để lại không ít những hệ quả trong tư duy, tình cảm của trẻ em gái. Những ví dụ vừa nêu trên có thể cho thấy sự khác biệt về tâm sinh lý của mỗi trẻ. Do điều kiện lao động, nền tảng gia đình, đặc điểm tính cách, lứa tuổi khác nhau mà trẻ em có cách tiếp nhận luồng văn hoá mới- văn hoá đô thị khác nhau.
Những gì mà các em có thể cảm nhận được trong quá trình làm việc cũng giúp các em hiểu rõ hơn về cuộc sống: về gia đình, bạn bè, thầy cô…Đặc biệt là cũng từ đó mỗi em tìm được cho mình hướng đi tiếp theo trong cuộc sống. Những suy nghĩ hay quyết định trong định hướng nghề nghiệp cũng cho các em những lựa chọn mới.
Như vậy, tác động của quan hệ lao động này không hề nhỏ đối với những trẻ em gái đang ở thời điểm tìm cách khẳng định mình. Và rõ ràng các em đang bị lạm dụng trên nhiều hình thức khác nhau: lạm dụng sức lao động, lạm dụng về tâm lý và phải hứng chịu cảnh bạo lực gia đình thường xuyên… Đặc biệt là các em không được quan tam chăm sóc đầy đủ về tinh thần.
Chương 4
lao động trẻ em - qua lăng kính gia đình _xã hội
Cùng với nhu cầu thuê người giúp việc gia đình ngày càng tăng tạo cơ hội tăng thêm việc làm cho người lao động. Đặc biệt là với những người lao động ngoại tỉnh. Công việc giúp việc gia đình gần như là một công việc đặc thù của giới nữ. Giúp việc gia đình đòi hỏi sự khéo léo, đức tính cẩn thận, thật thà và có thể cả một chút sự chịu đựng.
Có thể thấy rằng, thu nhập của trẻ em giúp việc gia đình không hề quá thấp so với mức thu nhập chung của thành phố mà còn cao hơn nhiều so với mức thu nhập ở nông thôn. Mặt khác, điều kiện lao động của công việc này thường nhàn hạ hơn nhiều so với nững công việc nặng nhọc ở quê nhà. Do đó, giúp việc gia đình giờ đây đã trở thành một nghề rất phổ biến, hấp dẫn đối với nhiều trẻ em gái ở khu vực nông thôn.
Đối với hầu hết mọi người thì công việc này chỉ mang tính tạm thời bởi với họ khi không còn khó khăn nữa thì đó cũng là lúc họ không làm nghề này nữa. Đặc biệt là đối với trẻ em gái. Một mặt, nếu các em đã bỏ học thì các em cũng chỉ làm công việc này một thời gian để kiếm ít vốn làm ăn rồi lấy chồng vì ở nông thôn họ thường lấy chồng từ rất sớm (nếu con gái khoảng 22, 23 tuổi mà chưa lấy chồng thì đã bị coi là ế). Mặt khác, đối với những em lao động thời vụ để kiếm tiền trang trải việc học thì các em chắc chắn cũng không theo đuổi công việc này lâu dài.
Cho dù không có ảnh hưởng trực tiếp những việc thanm gia lao động giúp việc của một nhóm trẻ em gái cũng đem lại một số tác được tới những người dân địa phương. Và về vấn đề này, họ cũng có cách đánh giá, nhìn nhận riêng.
4.1 Suy nghĩ của cha mẹ
Việc trẻ em gái đi giúp việc gia đình tại những thành phố lớn đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và sự hình thành nhân cách của trẻ. Không những nó ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ em mà nó còn ảnh hửơng tới cả những người trong gia đình trẻ ở quê nhà. Nói cách khác thì hiện tượng này cũng có ảnh hưởng tới cả xã hội nông thôn. Nếu như trẻ em gái ra đi với gánh nặng kinh tế gia đình trên vai thì những người ở nhà phải lo lắng cho họ và gánh vác những công việc mà họ từng đảm nhận khi còn ở quê nhà. Cũng vì vậy, nhiều gia đình vốn đã thiếu nhân lực, càng thiếu người lao động hơn. Mỗi người trong gia đình lại phải cùng nhau chia sẻ thêm những công việc của người ra đi để lại.
“ Không biết hè này em có đi làm được nữa không! Em trai em năm nay cũng thi chuyển cấp nên nhà thiếu người để làm việc” (Hoa).
Quyết định cho phép trẻ em gái ra đi được đưa ra cũng có ý kiến khác nhau giữa những người trong gia đình. Và đôi khi quyết định này dẫn đến mâu thuẫn giữa những người trong gia đình. Đặc biệt khi thời điểm mà các em đi làm lại là những khoảng thời gian cần có các em trong gia đình: ba tháng hè- thời điểm mùa vụ và những ngày tết cổ truyền Việt Nam - thời điểm cả gia đình đoàn tụ.
Những người trong gia đình ở quê nhà chắc rằng sẽ không thể hình dung được hết những khó khăn mà con cái họ đã và đang găp phải. Và họ luôn cảm thấy lo lắng cho đứa con của mình đang đi làm xa nhà, một mình nơi đất khách quê người trong khi vẫn đang còn nhỏ tuổi. Đặc biệt là sự lo lắng của người mẹ.
“ Cô cũng chẳng muốn cho cháu đi Hà Nội làm đâu! Con đi xa nhà lo lắm! Nhưng vì không có tiền nuôi nó nên cũng đành để nó đi. Có mỗi mấy ngày tết mà để nó đi, buồn lắm! Tết đó, bố nó về biết nó đi làm liền đánh cô một trận rồi bắt cô gọi nó về không cho nó đi làm. Cô phải đi gọi điện ra nhà chủ cho nó và khi nó gặp bố và bảo với bố rằng nó muốn đi làm và nó không về thì bố nó mới không nói gì nữa. Dạo này bố nó không còn đánh cô nữa và cũng có vẻ muốn để cho nó làm ngoài ấy!” ( Mẹ Lan).
Và niềm vui về những thành quả lao động của Lan đã giúp cha mẹ em hoà hợp với nhau hơn. Đồng thời những trải nghiệm cuộc sống mà em tiếp nhận được trong khoảng thời gian sống xa gia đình đã giúp em trưởng thành hơn và chín chắn hơn so với tuổi.
“ Giờ nó lớn lên nhiều rồi! Nó cũng đã hiểu mẹ nó sống khổ như thế nào vì bố nó. Giờ nó cũng biết nói chuyện phải trái với bố nó mà bố nó không nói gì được đấy!” (Mẹ Lan).
Nhưng bà nội của Lan thì lại nghĩ khác: “ Vì nhà không có tiền nên mẹ nó để cho nó đi làm. Tôi ở nhà nóng ruột lắm! Cháu nó còn bé lại phải đi xa nhỡ có việc gì thì chết! Không có tiền thì có chết đâu, ông bà nó vẫn sống vậy mà! Nhưng nghe nói chủ nhà cũng tốt, việc lại không vất vả như ở nhà thì tôi cũng yên tâm hơn…”. Tôi nhận thấy vẻ không hài lòng của bà về việc con dâu cho cháu của bà đi giúp việc ở Hà Nội. Có lẽ bà nghĩ rằng con dâu bắt con đi làm để kiếm tiền cho mình.
Như vậy, những gì mà Lan có được không chỉ là những khoản tiền do chính sức lao động của em làm ra mà còn cả những trải nghiệm về con người, về cuộc đời. Bố mẹ của Lan cũng dần cảm thấy yên tâm hơn khi thấy con mình từng bước trưởng thành. Nhưng cho dù thế nào thì nỗi lo của người mẹ giành cho con cũng không bao giờ cạn. Mẹ Lan vẫ cảm thấy lo lắng trước những cám dỗ, trước những rủi ro mà con mình có thể sẽ gặp phải trong quá trình kiếm sống xa nhà.
“Nếu có tiền đủ nuôi mấy chị em nó thì cô cũng không để nó đi nữa đâu! Bà nội nó không muốn cho nó đi làm vì nó còn bé quá! Ngoài ấy nó lạ nước lạ cái, cô lo nó dễ hư hỏng! Giờ thì nhà cũng đã trả được gần hết nợ rồi nên cô muốn để cho nó đi làm ít năm nữa kiếm ít vốn rồi nghỉ” (Mẹ Lan).
Con đi làm xa nhà đã khiến bố mẹ lo lắng nhưng họ còn hoang mang hơn trước những tệ nạn xã hội mà rất có thể con em cũng sẽ sa chân vào. Những tin đồn không tốt mang lại cảm giác bất an cho những người trong gia đình vì họ không thể hình dung hay tận mắt chứng kiến hoàn cảnh sống và làm việc của con.
“ Nó đi làm có 10 ngày tết về mà béo ra trông thấy, lại còn trắng trẻo nữa! Có hai bộ quần áo nhà chủ cho, nó mặc vào trông cứ như người thành phố ấy! Nó đi hôm nay thì ngày mai hàng xóm người ta nói rằng cẩn thận kẻo người ta bán sang Trung Quốc mất con! Chú cũng lo lắm nhưng nó đi có mấy ngày tết chẳng nhẽ lại đi theo ra xem thế nào?” (Bố Hồng).
Với bố của Hồng, mặc dù ông có lo lắng khi cho Hồng đi giúp việc ngày tết nhưng khi con trở về thì ông có vẻ hài lòng. Theo tôi, điều làm cho ông hài lòng có lẽ là do thấy con được ăn ngon, mặc đẹp - điều mà ông không thể mang lại cho con. Ngoài việc Hồng được ăn ngon mặc đẹp ra thì Hồng còn kiếm được một khoản tiền đủ để đóng tiền học cả năm. Với khoản tiền này ông có thể bớt đi một chút gánh nặng.
“ Nó làm 10 ngày được 450 nghìn đấy! Đủ tiền một năm học cho nó. Nó bảo ở ngoài ấy người ta sống sướng lắm nên nó mong sau này đươc lấy chồng thành phố. Chú bảo nó vậy thì học cho giỏi vào rồi ra thành phố mà sống! Chú muốn chúng nó học hành tử tế. Cho dù khó khăn đến đâu thì bố con cùng khắc phục” (Bố Hồng).
Hâù hết những gia đình có trẻ em gái làm công việc giúp việc gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp. Nghề nghiệp của bố mẹ các em đem lại mức thu nhập thấp. Trong khi đó, số tiền cần thiết để chi trả cho mọi sinh hoạt trong gia đình lại cao hơn nhiều. Theo các nhà nghiên cứu thì có ba vấn đề luôn đi kèm với nhau đó là: tăng dân số, nghèo đói, bệnh tật (15 ). Vì vậy, đối với một gia đình đông con lại nghèo đói thì việc đảm bảo một mức sống ổn định quả là một việc làm khó khăn. Trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp và khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng khiến những gia đình làm nông nghiệp ngày càng khó có thể tiếp cận được với những dịch vụ hiện đại.
“Nhà cô làm ruộng tuy cũng đủ ăn nhưng phải nuôi thêm mấy con lợn, gà và cả chó nữa thì mới đủ tiền cho 3 chị em chúng nó đi học. Nhưng giờ tiền học ngày càng nhiều, cô chú không thể kiếm đủ tiền cho chúng nó đi học như trước nữa! Cô muốn cái Hoa nó nghỉ học để giúp cô ở nhà hoặc kiếm việc làm để có ít vốn sau này lấy chồng nhưng nó không chịu. Nó thích đi học! Nhất là khi nó đi giúp việc ở Hà Nội về nó bảo là phải học để sau này không phải làm ruộng nữa! Thế mà nhiều người cứ trông nó lại nói không giống con nhà làm ruộng!” (Mẹ Hoa).
ở đây, chúng ta cần đề cập đến vấn đề học tập của trẻ em gái ở nông thôn. Đối với nhiều gia đình ở nông thôn thì một người con gái không cần phải học nhiều vì đằng nào rồi cũng phải lấy chồng rồi lại làm nông nghiệp! Mẹ của Hoa cũng có những suy nghĩ như vậy. Chắc rằng mẹ của Hoa cũng mong muốn con gái có được ít vốn để giành khi lấy chồng cũng như nhiều người mẹ khác ở nông thôn hiện nay trước thực tế cuộc sống. Với điều kiện kinh tế khó khăn, trẻ em gái khó có thể tiếp tục học lên cao huống gì là điều kiện để học tốt! Vì vậy, việc tiến thân bằng con đường khoa cử là quá xa vời với phần đông trẻ em gái ở nông thôn.
“ Kể cả nó học được lên đến đại học thì cũng chẳng xin được việc làm vì gia đình không có khả năng. Vậy thì học nhiều để làm gì?” (Bố Hoa).
Mặc dù vậy, Hoa vẫn nuôi mơ ước được học đại học và luôn cố gắng vì mơ ước ấy trong hoàn cảnh khó khăn. Đối với Hồng thì việc tiếp tục học cao hơn nữa có lẽ vẫn thuận lợi hơn vì bố của em rất ủng hộ việc học tập của em. Vấn đề ở đây là liệu gia đình em có đủ khả năng để cho em tiếp tục học tập trong khi càng học lên cao thì chi phí cho học tập cũng ngày càng cao.
Chỉ có Lan là không may mắn trong ba trường hợp nghiên cứu này. Sau khi đi giúp việc gia đình lần đầu tiên vào dịp tết năm 2003- khi em mới 13 tuổi, sức hút lớn từ nguồn thu nhập không hề nhỏ so với nguồn thu nhập của gia đình, cộng với hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn đã khiến Lan phải quyết định từ bỏ việc học tập để cùng mẹ gánh vác việc gia đình.
Như vậy, sự ra đi của trẻ em gái cũng gây những xáo trộn không nhỏ đối với gia đình của các em. Mỗi thành viên trong gia đình có những suy nghĩ khác nhau về công việc của trẻ. Nhưng một điều chung nhất giữa họ là sự lo lắng cho con cái mình trước những khó khăn mà các em đã, đang và sẽ gặp phải trong cuộc sống, trong công việc. Đặc biệt khi các em phải lao động kiếm sống xa gia đình trong lúc còn nhỏ tuổi.
4.2 Bạn bè nhìn nhận
Trong khi còn quá trẻ để có thể xa gia đình và làm việc tại một thành phố lớn có thể là điều mà nhiều trẻ em gái không thể thực hiện được. Vì vậy, đối với từng em sẽ có những cách nhìn nhận, đánh giá về vấn đề này rất có thể sẽ khác nhau.
Bạn bè của Lan đều đã nghỉ học để đi làm và giúp đỡ gia đình nên cách nhìn nhận về vấn đề công việc của Lan rất linh hoạt.
“ Em cũng nghỉ học rồi vì em học dốt quá! Em cũng đang xin bố mẹ cho em đi làm giống Lan nhưng bố mẹ em chưa đồng ý. Chúng nó đều đi hết cả nên ở nhà chán lắm!” (Bạn gái Lan - 17 tuổi). Em gái này coi công việc của Lan cũng bình thường như bao công việc khác và em cũng muốn đi giúp việc gia đình không phải vì mục đích kiếm tiền hay những lực hấp dẫn khác mà vì ở nhà không có bạn để chơi.
“ Em cũng thích đi làm giúp việc gia đình! Nó (Lan) nói là công việc này nhàn lắm mà lại được ăn ngon, mặc đẹp nữa! Nó đi làm có một thời gian về mà trắng hẳn ra, có quần áo đẹp và lại có tiền nữa. Mà em thấy nó khác lắm, ăn nói đâu ra đó cứ lịch sự như người thành phố ấy!” (Bạn gái Lan - 16 tuổi).
Sức hấp dẫn của công việc giúp việc gia đình này quả là không nhỏ đối với một trong số các bạn gái của Lan. Và qua thăm dò, tôi còn nhận thấy rằng không ít người bị thu hút bởi nghề giúp việc gia đình với những mặt ưu điểm cơ bản rất cần cho những cô gái nông thôn vừa được nêu ra ở trên. Các em đều mong muốn mình sẽ trắng hơn, đẹp hơn, sống trong môi trường tiện nghi và hiện đại hơn, ăn ngon hơn và có quần áo mới để mặc... Tất cả những điều này khó có thể đạt được nếu các em không rời bỏ công việc đồng áng nặng nhọc.
“Có ra Hà Nội mới biết người ta sung sướng hơn mình nhiều! Lan nó đi về em thấy khác hẳn đấy! Trông có vẻ người lớn hơn, điệu hơn bọn con gái ở làng. Em đoán nó không muốn quay về làng lấy chồng nữa đâu!” (Bạn trai Lan - 17 tuổi).
Với những người bạn này của Lan thì giúp việc gia đình có thể nói là một nghề để kiếm sống. Các em gần như không nghĩ đến mặt trái của công việc này cũng như những khó khăn, cám dỗ ở Hà Nội. Tôi cho rằng yếu tố hoàn cảnh và những trải nghiệm của chính bản thân các em khi các em cũng đều đã bỏ học và lao động kiếm tiền bằng một hình thức nào đó đã đưa đến những nhận định này. Do cũng từng đi hay biết đến công việc ở xa gia đình nên các em có vẻ trải nghiệm hơn, hiểu biết và coi trọng công việc của Lan hơn.
Trường học cách rất xa nhà và khoảng 10 xã mới có một trường cấp III nên bạn học của Hoa sống rải rác ở nhiều xã khác trong huyện, khó có điều kiện tiếp xúc với nhau ngoài giờ lên lớp. Hoa không có bạn chơi cùng làng vì những người cùng tuổi với em đều đã bỏ học và đi làm. Bạn của em là vài người bạn gái học cùng lớp ở làng bên mà thôi. Hoa không muốn để cho bạn bè mình biết việc em phải đi giúp việc gia đình ở Hà Nội vào dịp tết. Hoa thấy không tự tin vì công việc này. Trong số bạn bè của Hoa không có ai đã từng đi giúp việc gia đình như em. Tuy không hay biết về việc Hoa đã từng đi giúp việc gia đình ở Hà Nội những các bạn của Hoa cũng có những nhận xét rất giống nhau về Hoa:
“ Em thấy trông nó không giống con nhà làm ruộng! Mà không phải chỉ có em nói thế mà nhiều người cũng nói thế đấy! Khi đến nhà nó mới biết nó cũng làm như bọn em thôi! Con gái nông thôn như chúng em vất vả lắm, suốt ngày phơi mặt ngoài trời làm sao mà có thể trắng trẻo như con gái thành phố được!” (Bạn gái Hoa - 17 tuổi).
“ Nhìn nó ăn mặc, nói chuyện cứ như người thành phố ấy nên mọi người cứ tưởng không phải nó ở quê!” (Bạn gái Hoa - 18 tuổi).
Hoa đã từng đi giúp việc ở Hà Nội hai lần. Đó là vào dịp hè năm 2004 và dịp tết năm 2005. Tất cả quần áo đi học của em hiện nay là của người chủ nhà cho. Với họ thì những thứ quần áo này có lẽ không có gì đặc sắc nhưng với Hoa và những người dân quê lam lũ, cả năm không có được một manh áo mới thì nó quả thật rất đáng giá, rất thành phố! Khi đến trường nhìn Hoa ăn mặc đẹp, giao tiếp lịch sự khiến mọi người đều đoán rằng: có lẽ gia đình em sung sướng và em chẳng phải làm công việc đồng áng. Như vậy, Hoa đã có thể tiếp nhận và học theo được văn hoá giao tiếp, ăn mặc của người Hà Nội trong quá trình lao động giúp việc thời vụ của mình.
Một chi tiết rất nhỏ tôi có thể nhận thấy trong thời gian tôi sống cùng gia đình Hoa là thói quen ngâm nước thơm vào quần áo của Hoa (Mặc dù chỉ với những gói nước thơm bé mà nhà sản xuất dùng để khuyến mại cùng với gói bột giặt và Hoa cũng chỉ dùng để ngâm nó với quần áo đi học của em). Tôi thấy em dùng rất tiết kiệm. Với một gói nước thơm ấy, em có thể dùng cho rất nhiều lần giặt. Mỗi lần sử dụng xong, em lại cất gói nước thơm còn dở đó đi rất cẩn thận. Chắc chắn rằng, những người dân nông thôn ở đây không có thói quen ấy! Đó là thói quen của những người dân thành phố mà Hoa đã học được!
Khi tôi hỏi một người bạn của Hoa rằng em có muốn đi giúp việc gia đình vào dịp hè này không? Em đã trả lời: “ Em cũng muốn đi thử cho biết Hà Nội như thế nào! Em thấy nó (Hoa) đi làm hè năm ngoái về béo trắng hẳn ra. Nhìn nó thế có ai bảo là phải đi làm xa đâu, cứ như là đi chơi về ấy! Nó (Hoa) cũng rủ em đi hè năm nay nên em đang xin phép bố mẹ.” (Bạn gái Hoa - 17 tuổi). Câu trả lời này cho thấy em gái này cũng bị sức hút của cuộc sống nơi đô thị hấp dẫn. Em không nghĩ đến những khó khăn mà Hoa đã gặp phải (hoặc có thể Hoa không nói với em về những khó khăn khi đi giúp việc gia đình ở Hà Nội) mà chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp mà em hy vọng có được khi tới Hà Nội mà thôi!
4.3 Hàng xóm đánh giá
Điều đầu tiên tôi muốn nói đến ở đây là quan niệm của những người nông dân tại địa bàn nghiên cứu. Phần đông trẻ em gái ở nông thôn phải bỏ học từ rất sớm vì một số lý do cơ bản sau, kiện kinh tế yếu kém, quan điểm con gái không cần phải học nhiều, cần phải có chút vốn liếng khi đi lấy chồng hay mong muốn giúp đỡ gia đình, học kém nên không được lên lớp rồi bỏ học, đua theo các bạn bỏ học…
Trên thực tế thì tất cả các nguyên nhân này thường có mối liên quan đến nhau. Có những trường hợp vì gia đình nghèo mà các em phải san sẻ công việc gia đình với bố mẹ từ rất sớm. Rồi vì phải giúp đỡ bố mẹ mà không có thời gian để học tập, lại cộng thêm không có tiền để đầu tư cho học tập khiến trẻ học kém, không được lên lớp rồi bỏ học vì chán nản về việc học. Nhưng tựu chung lại thì yếu tố kinh tế là yếu tố chủ chốt và xung quanh nó kết hợp thêm nhiều yếu tố khác nữa. Nhiều nguyên nhân kết hợp xen kẽ lại khiến các em khó có thể lựa chọn khác.
Nhiều gia đình ở nông thôn vẫn cho rằng, con gái không cần phải học nhiều vì có học nhiều thì cuối cùng cũng phải đi lấy chồng rồi lại như bố mẹ - lại làm nông nghiệp.
“ Con gái cũng không cần phải học nhiều! Học đến lớp 6 là nhiều rồi nên bỏ học cũng không sao, biết đọc là được rồi! Nhà nghèo thì cho nó (Lan) đi làm vài năm còn kiếm ít vốn mà lấy chồng chứ bố mẹ nghèo chẳng có gì mà cho đâu! Nó đi làm ngoài ấy trông khoẻ hẳn ra, ở nhà bố mẹ đâu có nuôi nó được thế nên để cho nó đi!” (Hàng xóm của Lan).
Câu trả lời này cũng đã cho chúng ta thấy một lần nữa quan điểm này của một số gia đình nông thôn. Tôi nhận thấy chưa hẳn đây là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà vì những lý do đan xen nhau như tôi đã nêu ở trên. Vì nghèo khó mà nhiều bậc cha mẹ không còn cách nào khác là để con mình đi giúp việc gia đình để có được chút vốn khi đi lấy chồng. Họ cho rằng việc học tập cuối cùng rồi sẽ chẳng đem lại cho con gái họ điều gì nên không cần thiết phải học tiếp…
Nhưng không phải gia đình nào cũng coi việc học tập của trẻ em gái là không cần thiết. Cũng có một số gia đình mong muốn con gái mình có thể học cao lên nữa. Cũng có những gia đình không bao giờ nghĩ đến việc học của trẻ em gái có cần thiết hay không? Họ có thái độ rất dửng dưng với vấn đề này, không bao giờ góp ý kiến hoặc con đi học hay bỏ học cũng không sao! Cuộc sống với quá nhiều điều cần phải lo lắng khiến nhiều gia đình quanh năm chỉ mong làm sao để đủ ăn là đã không còn thời gian thể quan tâm được đến việc gì khác nữa.
“ Chú chỉ sợ chúng nó không học được thôi, còn chú không bắt chúng nó nghỉ học như những nhà khác đâu! Có học cao mới có tương lai chứ!” (Hàng xóm của Hồng).
“ Cô cũng chẳng biết nữa! Cô chẳng bao giờ nói chúng nó nghỉ học, chúng nó thích thì học tiếp mà không thích thì thôi!” (Hàng xóm của Hồng).
Đó cũng chỉ là một số ý kiến với những suy nghĩ khác nhau được đưa ra. Nhưng những gì mà tôi tìm hiểu được là phần lớn các gia đình ở nông thôn thường không quan tâm lắm đến việc học tập của con cái. Có lẽ là vì gánh nặng kinh tế và ý thức về học tập của chính cha mẹ các em không có đã khiến họ có thái độ rất chung dung đối với việc học của con. Nếu có đủ tiền thì cho con đi học cũng được. Còn nếu không đủ tiền thì nghỉ học để giúp đỡ gia đình cũng không sao. Việc học tập chỉ là thứ yếu.
Người dân nới đây cũng có cách đánh giá riêng về một trẻ ngoan. Vì vậy, cần phải tìm hiểu về những tiêu chí đánh giá về trẻ ngoan của họ để có cách nhìn nhận khoa học hơn về suy nghĩ của họ đối với vấn đề lao động trẻ em giúp việc gia đình.
“ Bác thấy nó (Hoa) cũng ngoan lắm! Đi học xong thì về nhà giúp mẹ đầy việc đấy! Mà nó ăn nói cũng đâu ra đấy nữa!” (Hàng xóm của Hoa).
Khi tôi hỏi một người hàng xóm của Hồng về cách cư xử của Hồng sau một thời gian đi làm ở Hà Nội thì nhận được câu trả lời: “Cô thấy nó ăn nói có khác trước, khéo hơn nhưng có vẻ ‘kiêu’!” Và khi tôi hỏi lý do nào khiến cô nghĩ như vậy thì cô trả lời: “ Thì cô thấy nó chê đứa này bẩn, đứa kia xấu trong khi ngày trước nó cũng thế thôi!” (Hàng xóm của Hồng).
Như vậy, một đứa trẻ ngoan cũng là một đứa trẻ biết cách sống hoà đồng với mọi người xung quanh. Sau khi tìm hiểu về vấn đề này, tôi nhận thấy rằng: Với họ, những đứa trẻ ngoan là đứa trẻ hiền lành, chịu khó, sống hoà đồng, gần gũi với mọi người và biết vâng lời cha mẹ… Chính những hệ thống quan niệm này đã chi phối những suy nghĩ, hành động của nhiều trẻ em trong làng. Đặc biệt là những trẻ em gái.
Ví dụ như trường hợp của Hoa. Hoa đã 16 tuổi nên cũng bắt đầu có vài thanh niên trong và ngoài làng tới tìm hiểu. Nhưng do còn phải học, em không thể tối nào cũng tiếp họ được. Vì vậy, rất nhiều khi em phải từ chối hoặc trốn không ra tiếp khách. Em tâm sự: “ Nếu em không tiếp họ thì lại bị
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 25099.DOC