Tài liệu Đề tài Thực trạng bảo hiểm nông nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng: LỜI NÓI ĐẦU
Nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân và sản xuất nông nghiệp không những cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm mà còn sản xuất ra những mặt hàng có giá trị xuất khẩu, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ. Hiện tại cũng như trong tương lai, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội loài người, không ngành nào có thể thay thế được. Trên 40% số lao động trên thế giới đang tham gia vào hoạt động nông nghiệp. Đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu phấn đấu của mỗi quốc gia, góp phần ổn định chính trị, phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên nông nghiệp là một lĩnh vực rất nhiều rủi ro mang tính khách quan và gây thiệt hại có tính hệ thống để lại hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy bảo hiểm nông nghiệp là một yêu cầu cần thiết và có một ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Song lĩnh vực này chưa...
20 trang |
Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1407 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Thực trạng bảo hiểm nông nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU
Nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân và sản xuất nông nghiệp không những cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm mà còn sản xuất ra những mặt hàng có giá trị xuất khẩu, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ. Hiện tại cũng như trong tương lai, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội loài người, không ngành nào có thể thay thế được. Trên 40% số lao động trên thế giới đang tham gia vào hoạt động nông nghiệp. Đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu phấn đấu của mỗi quốc gia, góp phần ổn định chính trị, phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên nông nghiệp là một lĩnh vực rất nhiều rủi ro mang tính khách quan và gây thiệt hại có tính hệ thống để lại hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy bảo hiểm nông nghiệp là một yêu cầu cần thiết và có một ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Song lĩnh vực này chưa phát triển như mong đợi đặc biệt ở các nước nông nghiệp như Việt Nam. Trong phạm vi bài tiểu luận này chúng tôi muốn đưa ra thực trạng bảo hiểm nông nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
.
NỘI DUNG
Tổng quan Bảo hiểm nông nghiệp:
Khái niệm bảo hiểm nông nghiệp:
Bảo hiểm nông nghiệp là một nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ có đối tượng bảo hiểm là các rủi ro phát sinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn, bao gồm những rủi ro gắn liền với: cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu nhà xưởng.
Các loại rủi ro thường gặp trong nông nghiệp:
Nhóm rủi ro liên quan đến thời tiết : là những rủi ro liên quan tới các hiện tượng thời tiết không được dự đoán và không thể dự đoán ví dụ như tác động của thời tiết và khí tượng học và sản xuất nông nghiệp.
Rủi ro liên quan đến sản xuất nông nghiệp: Những rủi ro liên quan đến các nhân tố như là sâu bệnh, bệnh dịch ở cây trồng và vật nuôi và ảnh hưởng của dây chuyền chế biến trong sản xuất nông nghiệp.
Rủi ro mang tính kinh tế : những rủi ro liên quan tới sự biến động của giá nông phẩm và các nguyên liệu đầu vào do sự biến động khó dự đoán của thị trường.
Những rủi ro tài chính và hoạt động thương mại : những rủi ro này do sự tác động của các lĩnh vực sản xuất khác tới sản xuất nông nghiệp.
Những rủi ro liên quan đến thể chế : là những rủi ro xuất phát từ các chính sách nông nghiệp của nhà nước
Rủi ro về môi trường: những rủi ro do những tác động tiêu cực của các hoạt động ngoại ứng ảnh hưởng đến môi trường sản xuất nông nghiệp.
Vai trò của bảo hiểm nông nghiệp
Rủi ro là một nhân tố không thể tránh khỏi nhưng lại là một yếu tố có khả năng quản lí được trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp thay đổi từ năm này qua năm khác do tính chất khó dự đoán của thời tiết, sâu bệnh, và các điều kiện thị trường,chính điều này đã làm hoa lợi và giá nông phẩm biến động.Những thay đổi trên làm cho thu nhập của nông dân cũng trở nên bấp bênh. Sự bấp bênh trong thu nhập tương lai càng gây khó khăn cho người dân khi đưa ra quyết định sản xuất ngắn hạn và kế hoạch dài hạn. Khi những bất ổn làm giảm đáng kể thu nhập trong ngắn hạn, điều đó có thể sẽ tác động nghiêm trọng làm cho người dân không có điều kiện đầu tư cho các biện pháp quản lí rủi ro hiệu quả, đặc biệt khi những biến động này tác động tới toàn bộ nền nông nghiệp. Những tổn thất nặng nề này có thể làm cho người nông dân chưa thanh toán được nợ nần và rồi trở thành những người không có khả năng chi trả. Các tổ chức tài chính sẽ không muốn cho những người nông dân vay tiền vì rủi ro nợ xấu quá cao. Điều này đã bó buộc người nông dân, khiến họ không có khả năng mở rộng sản xuất, đa dạng hóa và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy bảo hiểm nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, hỗ trợ cho người nông dân giảm bớt những thiệt hại mà họ gặp phải khi đối mặt với các rủi ro. Về cơ bản bảo hiểm nông nghiệp thực hiện những chức năng sau:
Đem lại lợi ích cho xã hội. Nhờ bảo hiểm nông nghiệp hỗ trợ làm giảm những rủi ro liên quan đến sản xuất mà thu nhập của người nông dân được đảm bảo ổn định. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở các vùng nông thôn có thu nhập thấp nên mức thu nhập ổn định sẽ giúp đảm bảo ổn định xã hội từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế đặc biệt ở các nước nông nghiệp
Chức năng thứ hai đảm bảo ổn định xã hội ở khu vực nông thôn, nhờ có bảo hiểm nông dân yên tâm duy trì sản xuất mà không bị đeo bám bởi nỗi lo về nợ nần ngày càng tăng.
Những vấn đề còn vướng mắc trong việc bán các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp
Việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp thì không dễ dàng gì. Trên thị trường không có mấy hãng bảo hiểm nông nghiệp. Những thất bại của thị trường và của chính phủ có thể kể tới như sau :
Đầu tiên, các hãng bảo hiểm tư nhân không có khả năng đối phó với những rủi ro lớn và gần như không thể tránh khỏi trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhũng rủi ro này bắt nguồn từ thảm họa thiên nhiên, gây thiệt hại cho một só lượng lớn nông dân trên diện rộng. Thậm chí trong trường hợp được tái bảo hiểm thì cũng không dễ dàng gì để tính được những khoản phí bảo hiểm chính xác công bằng để có thể đủ lượng tiền dự trữ bảo hiểm cho những rủi ro xác xuất thấp nhưng thiệt hại rất lớn. Kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp có độ rủi ro cao gấp 20 lần so với kinh doanh các loại hình bảo hiểm khác.
Thứ hai, Do thông tin bất cân xứng khiến người mua có những lựa chọn đối nghịch và những vấn đề rủi ro mang tính đạo đức chính điều này đã làm tăng chi phí và càng tăng mức độ rủi ro khi triển khai sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp ra thị trường hơn bất cứ sản phẩm bảo hiểm nào khác. Những lựa chọn đối nghịch trong thị trường bảo hiểm là những tình huống mà người bán bảo hiểm nhận thấy rằng việc phân biệt giữa những đối tượng bảo hiểm rủi ro cao và đối tượng bảo hiểm rủi ro thấp là không khả thi và quá tốn kém. Khi đó mức giá của hơp đồng bảo hiểm sẽ là mức phí của hợp đồng bảo hiểm dùng chung cho tất cả các cá nhân mua bảo hiểm. Điều này là không hề hợp lí. Nó dẫn đến việc định giá quá thấp những khách hàng có rủi ro cao và định giá quá cao những khách hàng có rủi ro thấp do đồng nhất các hợp đồng bảo hiểm. Dần dần những khách hàng có rủi ro thấp sẽ không mua bảo hiểm nữa và công ty bảo hiểm sẽ chỉ còn lại những khách hàng với rủi ro cao cùng những khoản bồi thường lớn làm giảm lợi nhuận của họ. Rủi ro đạo đức chính là khi bán bảo hiểm cho người dân thì một bộ phận người mua bảo hiểm sẽ không còn chăm lo nhiều đến sản xuất nông nghiệp hay họ hoàn toàn lơ là sản xuất nông nghiệp điều này làm cho tiền bồi thường tăng lên.
Tất cả các lĩnh vực bảo hiểm đều phải đối mặt với hai vấn đề trên tuy nhiên trong bảo hiểm nông nghiệp thì hai vấn đề này nghiêm trọng hơn. Bởi vì thu thập thông tin về khách hàng và việc quản lí hành vi của người mua bảo hiểm tốn kém hơn. Bởi vì sự phân tán về mặt địa lí của những khách hàng ở các vùng quê và phương thức sản xuất đặc trưng khác biệt hoàn toàn ở từng vùng. Chi phí hành chính chi cho việc quả lí hiệu quả và chi phí để phân ra đâu là những bồi thường cho tổn thất hợp pháp và những bồi thường cho tổn thất không trung thực. Nếu bảo hiểm cho cả những rủi ro mất mát quá nhỏ thì sẽ không thể ngăn cản được những hành vi thờ ơ hay lơ là của người mua bảo hiểm. Thị trường có thể càng trở nên rất nhỏ và những khoảng lợi thu được từ việc phân tán rủi ro sẽ mất đi và lúc đo cũng không còn cần đến người trung gian đứng ra làm bảo hiểm nữa
Hai vướng mắc trên làm các hãng bảo hiểm tư nhân không tồn tại được trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp và nếu tồn tại được thì cũng không đủ khả năng bán bảo hiểm cho lượng lớn nông dân
Thực tế chỉ ra rằng ở các nước phát triển bảo hiểm nông nghiệp rất hạn chế đối với những sản phẩm đơn lẻ nhiều rủi ro, cụ thể bảo hiểm mưa và mưa đá thì dễ đưa ra được những khoản phí hợp lí phù hợp cũng như dễ xác định mức độ thiệt hại cũng như khoản bồi thường. Chính phủ đã hỗ trợ cho những người cung cấp bảo hiểm không có đủ khả năng để đưa ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. chính phủ trở thành nhà cung cấp bảo hiểm nông nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp. Kinh nghiệm rút ra từ những chương trình bảo hiểm có sự hỗ trợ của chính phủ chính là không có tính kinh tế nhưng lại hỗ trợ nhiều cho người nông dân.
Các chương trình của chính phủ bao gồm hỗ trợ cho các thiệt hại thực sự lớn và những khoảng trợ cấp lớn cho người cấp bảo hiểm nông nghiệp.
Các mô hình bảo hiểm trong nông nghiệp ở một số nước có thu nhập cao như Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, và Italy thì chính phủ có vai trò chính trong việc (1) cung cấp những khoản trợ cấp phí bảo hiểm cho nông dân (2) trợ cấp cho những nhà bảo hiểm tư nhân để có thể chi trả được những chi phí hành chính liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm đã định sẵn.(3) trợ cấp cho hoạt động tái bảo hiểm. Thêm vào đó, khi tồn tại các chương trình bảo hiểm của chính phủ thì các công ty tư nhân cũng không dễ dàng gì tạo ra được những sản phẩm quản lí rủi ro mới. Xét trên phương diện tích cực, tại vòng đàm phán Uruguay đã được thông qua, các bên tham gia đã cùng nhất trí với đề xuất cắt giảm và dần hủy bỏ khoản trợ cấp trực tiếp cho người nông dân, thì các chương trình bảo hiểm có sự hỗ trợ của chính phủ đã trở thành một phương thức thay thế trong việc chuyển các khoản hỗ trợ cho người nông dân và duy trì mức thu nhập cho họ . Việc áp dụng nguyên những mô hình bảo hiểm nông nghiệp ở các nước phát triển vào các nước đang phát triển với những khó khăn như là thâm hụt ngân sách định kì, và mối quan ngại lớn đối với việc kiềm chế lạm phát cũng như điều tiết hợp lí chi tiêu ở khu vực công cộng sẽ là một hành động không mấy khôn ngoan.
Nói tóm lại, các chương trình bảo hiểm nông nghiệp truyền thống thì đều thất bại về mặt tài chính do chi phí quản trị cao, sự do dự của các hãng bảo hiểm, vấn đề về sự lựa chọn bất lợi và vấn đề rủi ro đạo đức.
Thêm vào đó, chính phủ và các tổ chức từ thiện trên thế giới thường nhiều lần can thiệp bằng những khoản hỗ trợ khẩn cấp nhằm đối phó với rủi ro khi sản xuất nông nghiệp gặp phải những thảm họa gây thiệt hại lớn. Về mặt lí thuyêt thì những hỗ trợ như vậy sẽ giúp đỡ hầu hết những người nghèo không có bảo hiểm bằng cách chuyển thẳng những hỗ trợ đến những hộ dân nghèo bị thiệt hại. Tuy nhiên trên thực tế thì điều này không đúng như vậy. Vì những hỗ trợ chống lại thảm họa này thường dưới dạng những khoản cho vay ưu đãi và những người dân nông thôn nghèo thì lại không thể vay ngay được. Một nhân tố khác gây cản trở đến sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp là sự hỗ trợ khẩn cấp(post hoc) này thì hầu như là cho không nên các hộ gia đình thường mong đợi chính phủ hỗ trợ khi họ gặp phải những thiệt hại mất mát mà do những thảm họa thiên nhiên gây ra. Chính điều này làm cho những người dân nghèo không mấy mặn mà với việc mua bảo hiểm. Tuy nhiên, điều này không phải là vấn đề quan trọng nhất bởi vì những hỗ trợ nhằm khắc phục thảm họa thì thực sự là cần thiết. Vấn đề là ở chỗ do những hỗ trợ này không thực sự minh bạch đã tạo ra thêm những rủi ro trong việc đưa ra quyết định của người sản xuất. Những quy định trong hỗ trợ chống lại những thảm họa cần phải được thể hiện một cách minh bạch rõ ràng để giúp cho người sản xuất ước lượng được chính xác những chi phí thực tế của rủi ro mà họ phải đối mặt và đưa ra những quyết sách có đầy đủ thông tin khi mua các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp
Những đổi mới trong lĩnh vực bảo hiểm (Bảo hiểm theo chỉ số)
Những tiến bộ về tài chính và công nghệ gần đây trong thị trường bảo hiểm đã mang lại những phương thức mới để giải quyết những rủi ro trong nông nghiệp, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến khí hậu.
Hầu hết các phương tiện mới này đều sử dụng một vài chỉ số mà từ đó tỷ lệ các khả năng và các sự kiện xảy ra có thể dự liệu được.
Ngoài ra, những cải tiến về công nghệ như vệ tinh dự báo thời tiết, hình ảnh vệ tinh, thời tiết thực tế ở mặt đất, và các mô hình máy tính cảnh báo sớm cũng giúp loại bỏ một vài chi phí tốn kém cho bảo hiểm nông nghiệp. Đặc tính thông số của các phương tiện dựa trên chỉ số và những cải tiến trong công nghệ đã giảm đi rất nhiều hay thậm chí là loại bỏ hầu hết các vấn đề truyền thống mà bảo hiểm nông nghiệp thường gặp phải, như rủi ro đạo đức, chi phí giao dịch cao, lựa chọn đối nghịch và thông tin bất cân xứng.
Nét đặc trưng cơ bản nhất của bảo hiểm theo chỉ số là dựa trên các chỉ số khách quan của từng đối tượng bảo hiểm(đối với cây trồng, đó là chỉ số thời tiết), mức bồi thường tương ứng với mỗi chỉ số (quy định trong hợp đồng bảo hiểm) làm căn cứ xét bồi thường do đó không cần tiến hành giám định để xác định mức độ thiệt hại của từng cá nhân. Mức độ bồi thường được tính trên cơ sở năng suất bình quân chung nhiều năm của cả vùng hay tiểu vùng sinh thái.
Cụ thể, bảo hiểm theo chỉ số là việc bảo hiểm dựa vào chỉ số về một số yếu tố khách quan có thể gây rủi ro đến sản lượng và năng suất cây trồng vật nuôi, như lượng mưa, lũ lụt, hạn hán. Chỉ số về lượng mưa, hạn hán hay nhiệt độ được tính toán dựa vào các số liệu thu thập từ nhiều năm trước của các cơ quan chức năng của Nhà nước.
Chúng ta có thể chia những phương tiện bảo hiểm nông nghiệp mới này thành 2 loại chính: chỉ sô thời tiết và chỉ số sản lượng-khu vực.
Các hợp đồng dựa trên chỉ số thời tiết thực hiện các hợp đồng bồi thường
dựa trên các sự kiện khí hậu có thể định trước như nhiệt độ, lượng mưa, tốc độ gió,…, tại các khu vực định trước.
Các hợp đồng dựa trên chỉ số sản lượng – khu vực thực hiện các hợp đồng bồi thường dựa trên sản lượng trung bình của khu vực trong một khu vực định trước. khu vực này thường là ở phạm vi một tỉnh và hợp đồng được lập nếu sản lượng trung bình của khu vực cho một nông sản nhất định ( cây trồng hoặc vật nuôi) giảm xuống thấp hơn mức bình thường, thì bồi thường cho chủ hợp đồng).
Bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam
Thực trạng:
Nông nghiệp là khu vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp đóng góp cho 25% GDP, 30% xuất khẩu. Khoảng 80% dân số Việt Nam sống ở nông thôn dựa trên sản xuất nông nghiệp. Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa ở Đông Nam Á, Việt Nam có khi hậu ẩm ướt và thường xuyên gặp thiên tai. Lũ lụt vào mùa mưa, khô hạn vào mùa khô, lại là chưa có trình độ kỹ thuật canh tác cao nên người nông dân Việt Nam chịu không ít ảnh hưởng từ thiên nhiên.
Theo thống kê của Hội Nông dân Việt Nam, tổng giá trị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp hàng năm ở Việt Nam không phải là ít, những con số như 8,2% GDP năm 1994, 10,5% GDP năm 1997, 4,8% GDP năm 1999, và 4,57% GDP năm 2000 không phải đã nói lên tất cả. Không chỉ phải đối diện với nhiều thảm họa thiên nhiên khắc nghiệt, người nông dân Việt Nam còn phải chống đỡ với những dịch bệnh theo mùa, đây mới thực sự là rủi ro lớn nhất đối với cây trồng, vật nuôi và quá trình sản xuất canh tác nông nghiệp ở Việt Nam. Nuôi tôm bị dịch bệnh trong vài ngày là trắng tay; cà phê bị nấm, sâu cũng mất mùa; Lúa bị rầy, xoắn lá v.v dịch cúm gà cũng khiến cho nhiều hộ gia đình nông dân khóc đứng khóc ngồi; Heo thì lở mồm long móng; rồi thì tai xanh... Chỉ cần kể sơ qua thiệt hại của những đợt dịch bệnh này, người ta cũng đã cảm thấy giật mình:
Dịch cúm gia cầm hồi cuối tháng 12/2003, sau 3 đợt dịch, cả nước đã phải tiêu hủy gần 50 triệu con gia cầm.
Năm 2004, cả nước đã có trên 38 triệu gia cầm mắc dịch, chết và tiêu huỷ, chiếm 15% tổng đàn của cả nước, gây thiệt hại khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của hàng triệu hộ gia đình.
Cuối năm 2007, Hội chứng suy giảm hô hấp và miễn dịch ở lợn - PRRS (còn gọi là bệnh “tai xanh”) bùng phát. Tổng số đàn lợn bị nhiễm bệnh ở miền Trung khoảng 30.000 con. Số phải tiêu hủy lên tới vài nghìn con. Số tiền thiệt hại được tính tới hàng chục tỷ đồng.
Mới gần đây, đợt rét kỷ lục hồi tháng 2 vừa rồi đã làm 65.802 con gia súc bị chết rét, chết đói, trong đó khoảng 70% là bê, nghé… nếu tính mỗi con trị giá 5 triệu đồng thiệt hại lên đến khoảng 330 tỷ đồng. Về trồng trọt, đợt rét đã làm 104.000 ha lúa, hơn 9500 ha mạ bị chết, riêng thiệt hại về giống đã lên tới 200 tỷ đồng. Thiệt hại về gia súc và cây trồng trong đợt rét vừa qua khiến nhiều người dân đứng trước nguy cơ mất mùa, trắng tay.
Thiệt hại và rủi ro như vậy nhìn về diện rộng thì bảo hiểm nông nghiệp có một thị trường rất lớn, nhưng chúng ta tự hỏi: Bảo hiểm Nông Nghiệp ở Việt Nam hiện nay còn đang ở đâu?
Có một sự thực đáng ngạc nhiên là với một nền kinh tế như Việt Nam, sản lượng nông nghiệp chiếm khoảng 30% GDP, nhưng khái niệm ''bảo hiểm nông nghiệp'' lại quá xa lạ. Dịch vụ bảo hiểm hướng đến nông nghiệp còn rất ít. Chủ yếu là bảo hiểm các dịch vụ liên quan đến nông nghiệp chứ việc bảo hiểm đến tận cây lúa, con trâu... cho người nông dân hầu như rất ít.
Theo thống kê của Vụ Bảo hiểm Bộ Tài chính, tỷ trọng tham gia bảo hiểm nông nghiệp ở VN đứng ở mức rất thấp, Tính đến hết năm 2001, mới chỉ có 0,19% diện tích cây trồng; 0,24% số trâu bò; 0,10% đàn lợn và 0,04% số gia cầm được bảo hiểm; và từ đó đến nay, thị trường này vẫn không có sự chuyển biến nào đáng kể.
Có thể đưa ra một con số để minh họa cho điều này: hãy so sánh con số thiệt hại của dịch cúm gà năm 2004: 38 triệu gia cầm mắc dịch gây thiệt hại khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, vậy mà trên thực tế, trong phạm vi cả nước, mới chỉ có một đàn gà với tổng số trên dưới 500 con được bảo hiểm với số tiền bồi thường khoảng 12 triệu đồng. Sự chênh lệch không tránh cho ta khỏi ngạc nhiên sửng sốt, và phải thừa nhận rằng, hiện nay, bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam còn quá hạn chế.
Tình hình bảo hiểm của Việt Nam hiện nay:
Ở Việt Nam, Bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai lần đầu tiên vào năm 1980. Cho đến nay, có 2 doanh nghiệp chính cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp, chủ yếu vẫn là bảo hiểm vật nuôi.
Doanh nghiệp đầu tiên tiến hành Bảo hiểm Nông nghiệp là
a. Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (nay là Tập đoàn Bảo Việt). Bảo Việt đã thí điểm nhận bảo hiểm cây lúa ở hai huyện Vụ Bản và Nam Ninh, tỉnh Nam Hà, trước khi mở rộng nghiệp vụ này ra nhiều địa phương trong phạm vi cả nước vào năm 1993. Sau 15 năm triển khai BHNN (từ năm 1983 - 1998), đã mở rộng dịch vụ tới 26 tỉnh, nhận bảo hiểm cho 200.000 ha lúa. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do, hoạt động bảo hiểm cây lúa của Bảo Việt gặp phải không ít khó khăn dẫn đến diện tích gieo trồng được bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm giảm dần, trong khi tỷ lệ bồi thường lại đứng ở mức cao. Vì vậy mà đến năm 1999, Bảo Việt phải bỏ cuộc vì không có lãi (thu phí được 13 tỷ đồng nhưng phải bồi thường 14, 4 tỷ đồng). Từ đó đến nay, Bảo Việt vẫn tiếp tục duy trì Bảo hiểm Nông nghiệp và xúc tiến bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cho một số loại cây công nghiệp như cao su, cây bạch đàn làm nguyên liệu giấy v.v. Nhưng dịch vụ được cung cấp chỉ được triển khai với hiệu quả thấp, quy mô dè dặt như một cách “giữ thị trường” thị trường mà thôi.
b.Công Ty TNHH Bảo hiểm tổng hợp Groupama Việt Nam - một công ty 100% vốn nước ngoài từng rất thành công ở Pháp – là công ty thứ hai dũng cảm nhảy vào lĩnh vực kinh doanh Bảo hiểm nông nghiệp vào năm 2001, và lấy Bảo hiểm nông nghiệp là dịch vụ chính. Năm 2002, Công ty TNHH bảo hiểm tổng hợp Groupama triển khai các dịch vụ bảo hiểm vật nuôi, cây trồng; bảo hiểm tài sản, thiệt hại dùng trong sản xuất nông nghiệp, bảo hiểm việc cung ứng nguyên vật liệu thiết bị và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động nông nghiệp và trách nhiệm dân sự trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, gói bảo hiểm chỉnh mà Groupama cung cấp là dịch vụ Bảo hiểm An Hạnh Phúc bảo hiểm đa rủi ro cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Sau gần 5 năm triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Groupama ký được 2.000 hợp đồng bảo hiểm trong chăn nuôi heo, bò, bảo hiểm tai nạn, nhà ở, kho, xà lan... cho nông dân. Tuy vậy, Groupama cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2004 công ty này chỉ đạt doanh thu vỏn vẹn 5 triệu đồng. Nhưng sau đó, nhiều hộ nuôi thuỷ sản khiếu nại G.VN không bồi thường cho nông dân theo đúng cam kết trong hợp đồng. Riêng với Bảo hiểm vật nuôi. Rút kinh nghiệm từ Bảo Việt, Groupama quy định chặt chẽ với sản phẩm được bảo hiểm: vật nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ, quy mô đàn đối với lợn là 5 con, bò là 3 con trở lên; song làm thế nào để kiểm tra, kiểm soát việc chăn nuôi cho đúng kỹ thuật, không xảy ra thiệt hại lại là vấn đề khó khăn của công ty này.
Nguyên nhân nào dẫn đến sự hạn chế của Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam.
Thị trường Bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay rơi vào tình trạng cung cầu thiếu cân đổi vì một số nguyên nhân chính sau đây:
Luật pháp Việt Nam không bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm, với truyền thống sản xuất nhỏ, manh mún, nông dân thậm chí không hề có khái niệm nào về Bảo hiểm nông nghiệp.
Bảo hiểm nông nghiệp được đánh giá là một nghiệp vụ khó khăn, phức tạp, tốn kém, khả năng sinh lợi thấp, các công ty kinh doanh loại hình bảo hiểm này rất dễ bị thua lỗ. Vì vậy mà các công ty bảo hiểm đã từng tham gia cung cấp bảo hiểm nông nghiệp, sau một thời gian hoạt động không hiệu quả đều lần lượt rút vốn khỏi thị trường “thừa rủi ro thiếu lợi nhuận” này.
Vấn đề khó nhất của bảo hiểm nông nghiệp là quản lý rủi ro. Do sản xuất nông nghiệp dàn trải trên diện rộng, thường xuyên chịu rủi ro từ thiên nhiên, dịch bệnh đã vậy ngoài những rủi ro thiên tai dịch bệnh, cây trồng vật nuôi còn phụ thuộc rất nhiều ở kỹ thuật và tập quán của người chăn nuôi trồng trọt. Cụ thể, nuôi trâu bò phải có quy mô và theo các quy trình khoa học, được tiêm phòng. Trong khi đó, nông dân Việt Nam chăn nuôi không theo một quy trình nào cả, kiến thức kỹ thuật còn kém, lại có tập quán chăn nuôi nhỏ, thả rông trên núi, không có chuồng trại, không có chế độ cho ăn uống theo định lượng… theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ... Mặt khác, đối tượng bảo hiểm nông nghiệp rất phong phú và trên diện rộng cho nên rất khó trong công tác quản lý rủi ro, dễ phát sinh các rủi ro về đạo đức. Chi phí cho bán bảo hiểm lớn, việc kiểm tra, giám định tổn thất và bồi thường gặp khó khăn nên phí bảo hiểm nông nghiệp thường rất cao mà với mức sống hiện nay của nông dân Việt Nam khó mà kham nổi. Ví dụ, con trâu trị giá 10 triệu đồng nhưng phí bảo hiểm hàng năm phải đóng là 2 triệu đồng thì người nông dân có thể gánh chịu được không? Nhưng nếu giảm phí bảo hiểm đến mức người nông dân có thể chấp nhận được thì lại gây khó khăn cho công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, mức bảo hiểm 1 lợn nái của Groupama hơn 60.000 đồng/năm, trong khi mức chi trả đền bù lên đến vài chục triệu đồng. Bảo hiểm nông nghiệp chơi vơi ở giữa, nếu tăng mức phí BHNN thì nông dân không tham gia, giảm mức phí thì doanh nghiệp bị lỗ nên tìm cách tránh né, doanh nghiệp và người nông dân không thể gặp nhau, thị trường bảo hiểm nông nghiệp tưởng rộng lớn hoá ra lại là một vùng trắng.
Một số nguyên nhân khác như Điều kiện bảo hiểm phức tạp, giải quyết bồi thường bảo hiểm còn chậm, thủ tục còn phiền hà, gây nhiều khó khăn cho người tham gia bảo hiểm.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn chưa phủ kín địa bàn, chưa vươn đến những nơi có nhu cầu. Có một nghịch lý là những người dân sinh sống tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai có thể sẵn sàng và tự nguyện tham gia bảo hiểm, thì các DN bảo hiểm lại tỏ ra không mặn mà với đối tượng khách hàng có độ rủi ro cao này.
Hướng giải quyết .
Trước những thực tế vừa nêu trên, việc triển khai Bảo hiểm doanh nghiệp ở Việt Nam là cần thiết, nhưng cần phải tìm ra những mô hình bảo hiểm mới cho loại hình bảo hiểm mang tính xã hội cao này.
Các mô hình bảo hiểm tương hỗ, hay cơ chế tự bảo hiểm đối với một số loại rủi ro. Theo cách làm này, những người tham gia hoạt động trong một lĩnh vực, ngành nghề và có chung một loại rủi ro (như các hộ nuôi tôm, nuôi cá basa...) có thể cùng nhau thành lập và quản lý điều hành những tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
Đồng thời, nghiên cứu khả năng đưa bảo hiểm nông nghiệp trở thành một loại hình bảo hiểm bắt buộ, đồng thời khả năng gắn các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp với các loại hình bảo hiểm tài sản có liên quan khác, nhằm san sẻ các rủi ro và thực hiện nguyên tắc lấy số đông bù số ít trong bảo hiểm.
Áp dụng hình thức bảo hiểm theo chỉ số thay cho bảo hiểm truyền thống
Bảo hiểm theo chỉ số:
Bảo hiểm theo chỉ số ra đời vào những năm 1990 ngày càng được áp dụng rộng rãi ở các nước sản xuất nông nghiệp lớn, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Từ trước tới nay, các loại hình bảo hiểm bao gồm cả bảo hiểm nông nghiệp đều theo phương pháp tiếp cận truyền thống. Bảo hiểm theo phương pháp tiếp cận truyền thống dựa trên nguyên tắc bồi thường (gọi tắt là bảo hiểm bồi thường), đòi hỏi phải tiến hành giám định để xác định mức độ thiệt hại làm căn cứ để xét bồi thường trong phạm vi tổn thất của từng cá nhân, từng tổ chức cụ thể. Bảo hiểm truyền thống được áp dụng trong nông nghiệp có khá nhiều hạn chế, cụ thể là các hạn chế về rủi ro đạo đức, sự lựa chọn đối nghịch, thông tin bất cân xứng, chi phí giao dịch cao v.v. đặc biệt, riêng với bảo hiểm nông nghiệp, khi có những biến cố xảy ra trên khu vực vùng (có thể do thời tiết) thì bảo hiểm truyền thống bộc lộ điểm yếu kém về tài chính.
Cách tiếp cận bảo hiểm mới dựa trên hệ thống chỉ số xuất hiện trong những năm gần đây không chỉ khắc phục được nhược điểm của phương thức bảo hiểm truyền thống mà còn cho thấy nó rất phù hợp với Bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp do hoạt động sản xuất này trực tiếp chịu ảnh hưởng của các điều kiện khách quan như khí tượng, thời tiết...
Nét đặc trưng cơ bản nhất của bảo hiểm theo chỉ số là dựa trên các chỉ số khách quan của từng đối tượng bảo hiểm(đối với cây trồng, đó là chỉ số thời tiết), mức bồi thường tương ứng với mỗi chỉ số (quy định trong hợp đồng bảo hiểm) làm căn cứ xét bồi thường do đó không cần tiến hành giám định để xác định mức độ thiệt hại của từng cá nhân. Mức độ bồi thường được tính trên cơ sở năng suất bình quân chung nhiều năm của cả vùng hay tiểu vùng sinh thái.
Cụ thể, bảo hiểm theo chỉ số là việc bảo hiểm dựa vào chỉ số về một số yếu tố khách quan có thể gây rủi ro đến sản lượng và năng suất cây trồng vật nuôi, như lượng mưa, lũ lụt, hạn hán. Chỉ số về lượng mưa, hạn hán hay nhiệt độ được tính toán dựa vào các số liệu thu thập từ nhiều năm trước của các cơ quan chức năng của Nhà nước. Điểm đáng nói là chỉ số này liên quan rất chặt chẽ đến năng suất và sản lượng cây trồng. Ví dụ nhiệt độ ổn định trong nhiều năm tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta là 20 độ C. Mức nhiệt độ ổn định này có thể coi là một chỉ số về nhiệt độ. Và đây là chỉ số để các công ty bảo hiểm ký hợp đồng bảo hiểm với nông dân.
Bộ Tài chính và Ngân hàng ADB đã bắt đầu tìm hiểu tác động của mực nước đối với thiệt hại của người dân trồng lúa vùng Đồng Tháp Mười. Họ xác định mực nước tại đập Tân Châu và mức độ thiệt hại của nông dân hai huyện Hồng Ngư và Tam Nông.
Sau khi theo dõi sự lên xuống của mực nước và ảnh hưởng của nó đến sản xuất nông nghiệp, các nhà nghiên cứu nhận thấy, nếu mực nước đập Tân Châu lên tới 250 cm thì người nông dân ở 2 huyện này sẽ bị mất trắng khoảng 50.000ha lúa hè thu và gần 60% cây trồng, thiệt hại ước tính lên tới 600 tỷ đồng.
Như vậy, nếu người nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ số, họ sẽ không cần chờ đợi công ty bảo hiểm đến thẩm tra thiệt hại. Công ty bảo hiểm biết sẽ phải bồi thường cho nông dân bao nhiêu tiền căn cứ vào các số liệu thủy văn khách quan của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương.
Người nông dân ở miền Bắc cũng có thể mua bảo hiểm cho cây lúa dựa vào chỉ số về nhiệt độ hoặc lượng mưa. Còn với miền Trung, Tây Nguyên sẽ dựa vào các chỉ số khô hạn... Đây là một phương án khách quan, công bằng giữa người nông dân mua bảo hiểm và công ty bảo hiểm.
Ví dụ trong trường hợp bảo hiểm hạn hán thì lượng mưa thiếu hụt so với lượng mưa bình quân của vùng sẽ là căn cứ để xét bồi thường và tất cả những người mua bảo hiểm hạn hán trong tiểu vùng đó đều được bồi thường theo công thức:
số tiền bồi thường = số hecta được bảo hiểm x số tiền bảo hiểm x tỷ lệ bồi thường.
Ngược lại, công ty bảo hiểm không phải ước lượng thiệt hại thực tế mà người mua bảo hiểm đã mất, cũng không cần phải phân loại nguy cơ rủi ro của người mua hợp đồng bảo hiểm. Các chi phí hoạt động đánh giá, thẩm tra cũng theo đó giảm đi, góp phần giảm phí mua bảo hiểm của người nông dân. Hình thức bảo hiểm này có vẻ khả thi và sẽ được người nông dân đón nhận.
Trong đợt rét đậm rét hại vừa qua, chỉ số về nhiệt độ là 12 độ C, tức là thấp hơn 8 độ C so với chỉ số “chuẩn”, khiến hàng nghìn trâu bò chết nên hộ nông dân sẽ được đền bù ví dụ là 5 triệu đồng, nhưng nếu nhiệt độ giảm nhiều hơn, khiến trâu bò chết nhiều hơn thì mỗi nông dân được đền bù nhiều hơn, ví dụ là 7 triệu đồng tiền bảo hiểm. Nghĩa là các công ty bảo hiểm nông nghiệp sẽ căn cứ vào chỉ số nhiệt độ này từng mức để đưa ra mức bồi thường thiệt hại tương ứng cho hộ nông dân.
Một điểm đáng lưu ý nữa về loại hình bảo hiểm này là hai hộ nông dân mua cùng mức phí, thì dù thiệt hại khác nhau vẫn chỉ được chi trả như nhau. Điều này có thể khuyến khích các hộ nông dân nỗ lực tăng năng suất nhằm đạt năng suất cao hơn năng suất trung bình vùng, tránh được tình trạng đã mua bảo hiểm thì bỏ mặc mùa vụ cho thiên tai và dịch bệnh vì yên tâm được bồi thường. Khi tất cả các hộ nông dân đều cố gắng tăng năng suất của mình thì giá trị trung bình toàn vùng lại tăng lên.
Tuy vậy, Bảo hiểm theo chỉ số cũng không phải là chiếc chìa khoá vạn năng cho Bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm theo chỉ số có một số hạn chế như sau:
- Phạm vi bảo hiểm bị hạn chế (chỉ bảo hiểm rủi ro thời tiết, thiệt hại do những rủi ro khác gây ra không được bảo hiểm), người tham gia bảo hiểm có thể được bồi thường cả khi không có thiệt hại hoặc có thiệt hại mà không được bồi thường.
- Người mua bảo hiểm có thể được bồi thường cả khi không có thiệt hại xảy ra hoặc có thiệt hại mà không được bồi thường, điều này trái với nguyên tắc trong bảo hiểm: Chỉ bồi thường khi có rủi ro và theo giá trị hợp đồng. Tuy nhiên điều này cũng không đáng ngại vì đã là bảo hiểm cây trồng có thể chấp nhận một sai số trong việc giải quyết bồi thường. Số tiền bồi thường có thể cao hơn hoặc thấp hơn thiệt hại thực tế trong một chừng mực nào đó.
- Cần phải có đủ thông tin qua nhiều năm để lập bản đồ các vùng rủi ro đồng nhất về các biến số thời tiết như nhiệt độ, lượng mưa, mực nước hay ảnh vệ tinh chụp các dải đất cây trồng v.v.
Các sản phẩm bảo hiểm theo chỉ số thời tiết đang ở trong quá trình phát triển và được sử dụng theo những cách khác nhau trên toàn thế giới. Việc áp dụng phương pháp tiếp cận mới này vào thực tiễn Việt Nam đòi hỏi cả một quá trình nghiên cứu công phu và tốn kém.
KẾT LUẬN
Lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp phát triển trong một thời gian khá dài, tuy nhiên mức độ ứng dụng của nó ở các quốc gia là không giống nhau. Nhiều quốc gia đã đạt được những thành tựu nhất định như Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, CH Séc…. Bên cạnh đó vẫn còn những quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việt Nam từ những năm 80 đã nhận thấy vai trò của loại hình bảo hiểm này nhưng cho đến nay, bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khá xa lạ đối với người nông dân. Vừa qua, những rủi ro xảy ra với người nông dân Việt Nam như dịch bệnh tai xanh, H5N1, rét đại hàn….., đã gây những tổn thất vô cùng nặng nề trên quy mô lớn càng chứng tỏ nhu cầu cấp thiết của bảo hiểm nông nghiệp. Việc phát triển lĩnh vực này cần có sự quan tâm đúng mức của nhà nước và nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bài nghiên cứu “The Spanish model of agriculture insurance”.
Chuyên đề nghiên cứu “ Agriculture insuarance in Latin America” by Mark Wenner and Diego Arias.
Tài liệu nghiên cứu “Bảo hiểm nông nghiệp ở một số nước Châu Âu” E.Vávrová. Mendel University of Agriculture and Forestry, Brno, Czech Republic.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- TBH1019.doc