Đề tài Quan hệ ngũ thường trong triết học Nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay

Tài liệu Đề tài Quan hệ ngũ thường trong triết học Nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay: MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua việc thực hiện các chức năng như tái sản xuất con người, sức lao động, của cải vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình và của toàn thể cộng đồng xã hội. Đặc biệt là gia đình có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, cũng như giữ gìn, phát huy, truyền thụ những giá trị văn hóa tinh thần từ đời này sang đời khác, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc một cách bền vững. Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Mỗi cá nhân con người là một thành viên của gia đình, sinh ra và trưởng thành trong một gia đình. Sự tồn tại và phát triển của gia đình được phản ánh bằng sự tồn tại và phát triển của xã hội. Vì vậy, có thể xem gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Nho giáo cho rằng, gia đình là cái nước nhỏ có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Những hành vi ứng xử, giao tiếp của mỗi thành viên trong gia đình đều được...

doc24 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1427 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Đề tài Quan hệ ngũ thường trong triết học Nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua việc thực hiện các chức năng như tái sản xuất con người, sức lao động, của cải vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình và của toàn thể cộng đồng xã hội. Đặc biệt là gia đình có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, cũng như giữ gìn, phát huy, truyền thụ những giá trị văn hóa tinh thần từ đời này sang đời khác, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc một cách bền vững. Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Mỗi cá nhân con người là một thành viên của gia đình, sinh ra và trưởng thành trong một gia đình. Sự tồn tại và phát triển của gia đình được phản ánh bằng sự tồn tại và phát triển của xã hội. Vì vậy, có thể xem gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Nho giáo cho rằng, gia đình là cái nước nhỏ có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Những hành vi ứng xử, giao tiếp của mỗi thành viên trong gia đình đều được Nho giáo quy định chặt chẽ, phụ thuộc vào danh phận của mỗi người. Theo Nho giáo mọi thành viên trong xã hội đều bị trói buộc bởi Ngũ thường gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ngũ thường quy định hành vi ứng xử của con người nó phản ánh hai mặt của cuộc sống hiện thực là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Trong gia đình, Nho giáo rất coi trọng việc ứng xử đúng theo Ngũ luân tức là năm mối quan hệ: vua - tôi, cha - con, vợ - chồng, anh - em, bạn - bè. Bởi, chỉ có thực hiện đúng Ngũ luân thì con người mới trở thành con người xã hội. Đồng thời, theo tư tưởng Ngũ thường thì nước cũng chỉ là căn nhà to, căn nhà nhỏ - gia đình hòa thuận thì căn nhà to cũng hòa thuận. Tư tưởng Ngũ thường của Nho giáo đã làm cho các thành viên trong gia đình ứng xử với nhau theo trật tự luân thường, đạo lý góp phần làm cho gia đình có văn hóa, phù hợp với cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế, một mặt phải phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời phải kế thừa những điểm tích cực trong tư tưởng Ngũ thường của Nho giáo. Bởi, ở Thừa Thiên Huế, nơi đây đã từng là thủ phủ của vương triều nhà Nguyễn, là nơi tồn tại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Học thuyết chính trị tư tưởng tiến bộ đều được giai cấp thống trị đưa lên vị trí độc tôn trong nền tảng đời sống tinh thần. Tư tưởng Ngũ thường của Nho giáo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa gia đình con người xứ Huế. Mục tiêu cuối cùng là giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, để Thừa Thiên Huế mãi xứng đáng là di sản văn hóa thế giới trong thời kỳ hội nhập. Vì lẽ đó, tôi quyết định chọn đề tài: "Ngũ thường trong triết học Nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay" để làm khóa luận tốt nghiệp cử nhân triết học. 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài Nho giáo là đối tượng nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học, của nhiều ngành, nhiều giới. Từ trước đến nay, đã có nhiều tác giả nghiên cứu về sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo ở nước ta. Trong đó có: Nho giáo của Trần Trọng Kim, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001; Nho giáo xưa và nay của Quang Đạm, Viện KHXHNV, Hà Nội, 1994; Đạo Nho và văn hóa phương Đông của Hà Thúc Minh, Nxb Giáo dục, 2001; Mối quan hệ giữa Nhân và Lễ trong học thuyết Khổng Tử của Nguyễn Thị Thanh Hải, Luận văn Thạc sĩ, ĐHKH Huế, 2004; Tư tưởng Nhân, Lễ, Chính danh trong tác phẩm Luận ngữ của Khổng Tử và vận dụng giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam hiện nay của Nguyễn Thị Thanh Bình, Luận văn Thạc sĩ, ĐHKH Huế, 2005... Ngoài ra, còn rất nhiều bài viết trên các tạp chí, các báo đã đề cập đến vấn đề này. Nhưng nhìn chung, các đề tài nghiên cứu ấy đã nghiên cứu một cách tổng quát nhất sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với các lĩnh vực của xã hội Việt Nam. Việc nghiên cứu tư tưởng Ngũ thường trong triết học Nho với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay đang nằm trong hệ thống chung chưa có đề tài nghiên cứu cụ thể. Trên cơ sở tiếp thu và hệ thống hóa kiến thức, những quan điểm khoa học của những người đi trước dưới góc độ triết học Mác - Lênin tôi sẽ nghiên cứu rõ hơn về Ngũ thường trong triết học Nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay. 3. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của đề tài Mục đích nghiên cứu của đề tài: Chỉ ra những dấu ấn mà tư tưởng Ngũ thường trong triết học Nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay, đồng thời cũng làm rõ nét khác biệt nổi bật trong văn hóa gia đình ở Thừa Thiên Huế khác với các vùng trong cả nước. Từ đó, nghiên cứu thực trạng và có những giải pháp cụ thể nhằm xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Đối tượng nghiên cứu của đề tài: Tư tưởng Ngũ thường trong lịch sử tư tưởng triết học Nho giáo ở Trung Quốc và trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Những biểu hiện của tư tưởng Ngũ thường và thực trạng của việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của đề tài Cơ sở lý luận của đề tài Đứng trên quan điểm của phép biện chứng duy vật trong quá trình nghiên cứu đề tài như: quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử cụ thể, quan điểm phát triển, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng gia đình văn hóa. Phương pháp nghiên cứu của đề tài: Trên cơ sở mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, tác giả đã sử dụng các phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp diễn dịch, phương pháp quy nạp, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp lôgíc và lịch sử... 5. Đóng góp của đề tài Đề tài đã nêu lên một cách có hệ thống, khoa học về tư tưởng Ngũ thường trong triết học Nho giáo. Đồng thời, làm rõ quan niệm về gia đình văn hóa trong cả nước. Mặt khác, đề tài còn làm rõ thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Tuy vậy, phạm vi nghiên cứu của khóa luận tốt nghiệp này, do khả năng còn hạn chế, tác giả lại sống ở Huế chưa lâu nên việc nghiên cứu còn chưa thực sự đầy đủ và hoàn chỉnh. Do vậy, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu về sau. 6. Kết cấu của đề tài Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, bố cục của đề tài gồm có hai chương, chương 1 có 2 tiết, chương 2 có 3 tiết và Danh mục tài liệu tham khảo. Chương 1. QUAN ĐIỂM NGŨ THƯỜNG TRONG TRIẾT HỌC NHO GIÁO Sơ lược sự hình thành và phát triển của Nho giáo 1.1.1. Sự ra đời và phát triển của Nho giáo ở Trung Quốc Nho giáo ra đời cách đây hơn 2500 năm ở Trung Hoa cổ đại, gắn liền với tên tuổi người sáng lập là Khổng Tử. Ông sinh năm 551 TCN và mất năm 479 TCN. Sang thời Chiến quốc, Mạnh Tử đã ra sức bảo vệ Nho giáo, thường xuyên tỏ thái độ tôn sùng vương đạo, khinh bỉ bá đạo, tôn sùng nhân, nghĩa, khinh bỉ thói mưu lợi. Thời Đông Chu kéo dài trong cảnh rối ren, loạn lạc, từ quyền lợi của giới kinh doanh, Tần Doanh Chính đã thống nhất Trung Hoa và xưng hoàng đế. Tần Doanh Chính đã ra chủ trương đốt sách, chôn nho sĩ "phần thư khanh nho" đã làm cho Nho giáo phải lao đao khốn đốn. Triều đại nhà Hán nổi lên một nhân vật quan trọng đó là Đổng Trọng Thư. Ông đã bổ sung vào học thuyết Khổng - Mạnh phần nói về trời đất, quỷ thần, âm dương, ngũ hành. Đến cuối triều đại nhà Thanh một số nhân vật tiêu biểu hấp thụ được nhiều tư tưởng mới ở Tây Âu về "tự do", "bình đẳng", "dân chủ" như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Mãi cho đến 1911 cách mạng Tân Hợi đã giành thắng lợi, Trung Quốc mới bắt đầu từ vũng bùn phong kiến dần dần bức lên. 1.1.2. Quá trình du nhập và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam Lịch sử Nho giáo ở Trung Quốc kéo dài hơn 2500 năm thì ở Việt Nam, Nho giáo cũng đã có lịch sử hàng ngàn năm. Trong suốt một ngàn năm đô hộ nước ta, các thế lực phương Bắc đã dùng Nho giáo làm công cụ đồng hóa dân tộc ta. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, Nho giáo đã không thể bám rễ được vào mảnh đất Việt Nam. Nhưng nó lại được tiếp thu sau khi dân tộc ta giành được độc lập từ thế kỷ thứ X. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX, Nho giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Việt Nam và góp phần không nhỏ trong việc tạo thành diện mạo của dân tộc. Từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XIX, Nho giáo được giữ địa vị độc tôn. Nho giáo thời kỳ đầu có những yếu tố tích cực như tư tưởng đại đồng, hiếu với cha mẹ..., bên cạnh đó, nó cũng có những yếu tố tiêu cực như tư tưởng trọng nam khinh nữ, tính gia trưởng. Ngọn cờ của anh em nhà Tây Sơn đã tạo nên một xu thế tập hợp mới. Nguyễn Huệ đã tỏ rõ quyết tâm nhất quán đi tới những sự đổi mới về tổ chức, chính trị, quân sự và một số chính sách về ruộng đất, chủ trương dùng chữ Nôm chính thức. Nguyễn Ánh đã đi theo vết xe đổ của Lê Chiêu Thống "rước voi" về giày xéo đất nước. Triều Nguyễn cần đến lễ giáo Nho giáo với mục đích giữ lấy địa vị của mình và khai thác Nho giáo về các giá trị đạo đức như Tam cương, Ngũ thường..., nhằm tăng cường sự ràng buộc các mối quan hệ trong xã hội. Trên đất nước ta, Nho giáo đã có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn với những bước thăng trầm khác nhau. Ngày nay chúng ta phê phán Nho giáo dựa trên lập trường triết học Mác - Lênin. Từ đó kế thừa và phát huy những nhân tố tích cực của nó để phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. 1.2. Những nội dung cơ bản của tư tưởng Nho giáo về Ngũ thường 1.2.1. Tư tưởng về đức Nhân Nhân là phạm trù "hạt nhân” trong học thuyết của Nho giáo, được xem là tư tưởng xuyên suốt của trường phái này. Mặc dù vậy, khi Nho giáo quan niệm về Nhân thì có nhiều cách quan niệm khác nhau, song chúng ta cũng có thể hiểu Nhân với nghĩa như sau. Trong triết học Trung quốc có hai chữ Nhân, nhân nghĩa là người, con người và nhân nghĩa là nhân ái, nhân đức là bản tính của con người. Theo nghĩa hẹp là một phẩm chất đạo đức cụ thể, cơ bản và nền tảng của con người. Theo nghĩa rộng, Nhân bao gồm mọi đức của con người như lễ, nghĩa, trí, tín, hiếu, trung..., đây là những phẩm chất có ý nghĩa bao trùm lên mọi đức tính, bao gồm chữ nhân đứng kết hợp với chữ nhị có nghĩa là đạo làm người. Phạm trù Nhân được Khổng Tử đề cao là tư tưởng chủ đạo, trong tác phẩm Luận ngữ, Ông đã nói đến khoảng 105 lần về Nhân. Song, tùy từng hoàn cảnh, mà Khổng Tử có một cách giải thích khác nhau, về Nhân. Thứ nhất: Khi trả lời Phan Trì, Khổng tử đáp: “Người Nhân làm những việc khó khăn trước, còn hiệu quả lượm được thì về sau, như vậy mới có thể là Nhân được” [20, 199]. Thứ hai: khi trả lời Nhan Uyên, Khổng Tử giải thích theo cách khác: “Dẹp bỏ tư dục làm theo điều lễ là làm điều Nhân. Một ngày dẹp bỏ được tư dục của mình và làm theo điều Lễ thì trong thiên hạ cũng theo về điều Nhân. Làm điều Nhân là do nơi mình há tại người khác sao” [20,398]. Thứ ba: khi trả lời Tử Cống về Nhân ông nói: “Người Nhân mình muốn thành lập mà làm cho người được thành lập; mình muốn thông đạt mà làm cho người khác thông đạt. Hãy đem lòng của mình làm thí dụ để hiểu biết lòng muốn của con người. Có thể coi đó là phương pháp thực hành Nhân vây” [20, 212]. Còn Mạnh Tử nói, "Có Nhân thì vinh hiển, không Nhân thì nhục nhã. Hiện nay, các bậc vua chúa đều ghét sự nhục nhã nhưng vẫn ăn ở, sống bất Nhân. Như vậy có khác nào mình ghét chỗ ẩm ướt mà cứ ở chỗ thấp". "Người quân tử sở dĩ khác với người thường là biết giữ gìn tâm của mình. Người quân tử dùng đức Nhân để giữ gìn tâm của mình, lấy Lễ để giữ gìn tâm của mình. Có Nhân thì yêu thương người, có Lễ thì kính người. Mình thương người ta thì người ta luôn thương mình, mình kính người ta thì người ta luôn kính mình". 1.2.2. Tư tưởng về đức Lễ Lễ là một phạm trù đạo đức, một chuẩn mực đạo đức dùng để chỉ tôn ti trật tự kỷ cương của xã hội mà mọi người, mọi giai cấp trong xã hội phải học, phải làm theo. Trong tư tưởng Ngũ thường có các quan niệm như sau về Lễ. Thứ nhất: Trong tác phẩm Luận ngữ, Lễ được Khổng tử đề cập đến hơn 70 lần. Phạm trù Lễ với nội dung là những nghi thức, quy định trong tế lễ. Khổng Tử cho rằng tế lễ là để tỏ lòng thành kính, khi tế lễ phải tuân thủ theo những quy định đã định sẵn. Thứ hai: Trong quan niệm của Tuân Tử thì chữ Lễ cũng có nghĩa rất rộng, đối với người nào cũng phải có Lễ: “Lễ là đối với kẻ quý thì kính, đối với kẻ già thì hiếu thảo, đối với người lớn thì thuận, đối với người trẻ thì từ thiện” [22, 322]. Như vậy, Nho giáo quan niệm Lễ có tác dụng bao trùm hết tất cả các hành vi của con người và xã hội, là khâu chủ yếu của đạo làm người và được cụ thể hóa thành những nguyên tắc đạo đức để đánh giá đạo đức của con người. 1.2.3. Tư tưởng về đức Nghĩa Nghĩa, có nghĩa đen, là điều nên nói, việc nên làm. Nói điều gì đó, làm việc gì đó, thấy thảnh thơi thoải mái hứng thú trong lương tâm thì điều nói đó, việc làm đó là điều nghĩa, việc nghĩa. Không nói điều ấy, không làm việc ấy thì thấy bứt rứt trong lương tâm thì như thế là có điều nghĩa không nói, có việc nghĩa không làm. Tuy nhiên, đức Nghĩa trong tư tưởng Nho giáo được thể hiện một cách khác nhau qua quan niệm của mỗi nhà tư tưởng khác nhau. Thứ nhất: Nghĩa của Khổng Tử chính là để chỉ cái thích đáng hay là cái đạo lý. Đồng thời Khổng Tử coi nghĩa là phẩm chất của người quân tử còn lợi là cái thuộc về kẻ tiểu nhân. Thứ hai: Mạnh Tử, cho rằng, nghĩa là việc nên làm thì làm, không nên làm thì không làm: “Người ta ai cũng có lòng thương xót chẳng nỡ đối với việc này hoặc việc khác, nhưng nếu mình biết đem tấm lòng ấy mà phổ cập đến những việc mà mình chưa thương xót, chẳng nỡ, thì mình mới thật là người nhân vậy. Người ta ai cũng có việc mà mình chẳng thèm làm, nếu như mình biết nới rộng khí tiết ấy mà chẳng thèm làm những việc mình đương làm thì mình mới thật là người nghĩa vậy” (Mạnh tử, Tận tâm) . Thứ ba: Tuân Tử lại cho rằng Nghĩa là điều không thể thiếu trong bản thân của mỗi con người và trong xã hội. Từ đó, Ông khuyên người quân tử phải "nắm vững cái nghĩa", chỉ theo cái Nghĩa, hướng về quyền, trong sự chất mà vẫn nắm vững Nghĩa, không loạn đó là cái của bậc sĩ, quân tử. Thứ tư: đến Đổng Trọng Thư là người đã cho rằng Nghĩa là phạm trù riêng biệt, nó khác với các phạm trù khác như Lợi, Nhân, Lễ, Trí, Tín...Theo Ông thì Nghĩa là để "nuôi cái tâm"- tinh thần, cao cả, lẽ phải. Như vậy, ta thấy có nhiều quan niệm khác nhau về đức Nghĩa, nhưng trong Ngũ thường Nghĩa cũng là một trong năm đức cơ bản và quan trọng cùng với Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. 1.2.4. Tư tưởng về đức Trí Trong tiếng Việt người ta thường định nghĩa Trí là "khôn" nhưng trong tư tưởng của Nho giáo Khổng Mạnh thì Trí chỉ có ở người quân tử còn kẻ tiểu nhân thì không có Trí. Trí là biết người, là dùng người trực, bỏ kẻ gian, như vậy, có thể giáo hóa kẻ gian thành người trực. Trí là hiểu biết được Đạo nên mọi mối quan hệ rộng, hẹp, cao, thấp của con người với trời đất vạn vật với người khác trong thiên hạ. Thứ nhất: Theo Khổng Tử, con người phải có Trí mới vươn tới được đức Nhân. Trí là hiểu biết được đạo trên mọi mối quan hệ của con người với trời đất, muôn vật và với mọi người. Thứ hai: Đổng Trong Thư cũng là người đề cao đức Trí, Ông cho rằng: không gì gần hơn là Nhân ái, không gì thiết yếu bằng trí tuệ. Nhân ái mà không trí tuệ thì là yêu mà không phân biệt. Trí tuệ mà không nhân ái thì biết mà không làm. Cho nên Nhân là để yêu nhân loại, Trí là để trừ điều hại. Có thể nói Trí có một vai trò quan trọng trong đạo làm người. Do vậy, phải luôn học tập để bồi dưỡng đức Trí cho mình, để đối nhân xử thế cho phải đạo, để vươn tới đức Nhân. 1.2.5. Tư tưởng về đức Tín Tín là một từ Hán - Việt nghĩa là tin, niềm tin và nói lên đức tính giữ lời hứa hẹn, giữ đúng điều, làm đúng điều đã nói. Theo Nho giáo muốn thực hiện đúng chữ Tín thì phải giữ đúng Lễ, Chính danh, Ư lợi. Đúng Lễ là đủ hiểu biết để thực hiện điều nhân nghĩa. Chính danh là quan hệ đối xử đúng phận vị. Dù lợi, là lợi phải hợp Nhân Nghĩa, lợi phải sẵn sàng chia sẻ cùng hưởng. Đúng như Bác Hồ của chúng ta đã dạy: "Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng" chính là để củng cố chữ Tín vậy. Như vậy, chữ Tín là một đức tín rất quan trọng đối với con người nói chung và con người trong triết học Nho giáo nói riêng phải đặt chữ Tín lên hàng đầu. Chương 2 THỰC TRẠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở THỪA THIÊN HUẾ HIỆN NAY. 2.1. Quan niệm về gia đình văn hóa 2.1.1. Quan niệm về văn hóa và gia đình Văn hóa: Ngày nay chúng ta thường bắt gặp danh từ văn hóa được sử dụng rộng rãi, trong nhiều lĩnh vực và đã có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa. Tuy nhiên, ta có thể hiểu về văn hóa như sau: “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, giao lưu, tích lũy và phát triển thông qua hoạt động cải biến và ứng xử với thiên nhiên, xã hội và được biểu hiện dưới các thể thức ngày càng sâu sắc, đa dạng để tôn vinh và phát triển toàn diện con người” [37, 71; 72]. Gia đình: “Gia đình là một trong những hình thức tổ chức cơ bản trong đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục... giữa các thành viên” [13, 236]. 2.1.2. Quan niệm về gia đình văn hóa Gia đình văn hóa là gia đình bình yên, mọi thành viên trong gia đình sống hòa thuận, giữ được các mối quan hệ tốt đẹp, ăn ở với hàng xóm láng giềng không xảy ra điều tiếng gì, thường xuyên quan tâm tới mọi người, tham gia công tác xã hội nhiệt tình và có hiệu quả, có tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau được mọi người tin yêu, quý mến. Từng thành viên trong gia đình là người công dân tốt, có cuộc sống trong sạch, lành mạnh, nề nếp, kỷ cương. Gia đình văn hóa theo quan điểm của Đảng ta bao gồm những tiêu chí cơ bản sau: Một là, Thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành các nghĩa vụ của mỗi công dân. Hai là, Thực hiện tốt các quy ước của cộng đồng, có quan hệ tốt với xóm làng, gia tộc, không dung túng tệ nạn xã hội, không mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn uống bê tha. Ba là, Thực hiện chế độ một vợ, một chồng, mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ một đến hai con. Xây dựng không khí hòa thuận, đầm ấm, hạnh phúc trong gia đình. Giáo dục và phát huy truyền thống con cháu hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ; cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái; vợ chồng thủy chung, bình đẳng; anh em hòa thuận. Bốn là,Có kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình chính đáng và có hiệu quả; không ngừng nâng cao chất lượng của các thành viên trong gia đình, thực hiện tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí. Năm là, Có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, ăn ở hợp vệ sinh, biết bảo vệ các di sản văn hóa và các di tích lịch sử. 2.2. Thực trạng xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay. 2.2.1. Xây dựng đạo đức gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay Đạo đức gia đình là toàn bộ những quan niệm về giá trị và quy phạm về hành vi của con người trong vấn đề hôn nhân và quan hệ gia đình. Mọi cử chỉ, hành vi, thái độ của mỗi người về hôn nhân và quan hệ gia đình vừa thể hiện bản chất của cá nhân, vừa cho biết bản chất của đạo đức trong gia đình. Do ảnh hưởng của tư tưởng "Hiếu đễ là gốc của đức Nhân" nên người dân Thừa Thiên Huế rất coi trọng vấn đề hiếu đạo. Chuyện con cháu làm tròn chữ hiếu với ông bà, cha mẹ mình trở thành trách nhiệm mà ai cũng phải biết, phải làm. Điều mà những người con nơi đây sợ nhất là" làm Mạ buồn" với họ như thế là bất hiếu. Lối giữ gìn đạo hiếu thái quá của người Huế thể hiện qua việc tổ chức tang lễ, cúng tế rườm rà, tốn kém. Nhiều gia đình tổ chức tang lễ trong nhiều ngày, bày biện "mâm cao cỗ đầy" và xây dựng lăng mộ đồ sộ, bởi theo họ như vậy mới làm tròn đạo hiếu. Để xây dựng đạo đức gia đình tiến bộ, lành mạnh góp phần xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế. Trước hết, về mặt nhận thức, cần xem việc xây dựng đạo đức gia đình là công việc quan trọng, có ý nghĩa của mỗi một cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. 2.2.2 Xây dựng nếp sống gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay Nếp sống gia đình là cách tổ chức cuộc sống, sinh hoạt ổn định của các thành viên trong gia đình, bao gồm cả hoạt động nghề nghiệp, vui chơi, giải trí, giáo dục con cái ăn, ngủ cũng như những ngày lễ tết. Đó là toàn bộ sự phân công thực hiện các nhiệm vụ khác nhau giữa các thành viên nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển của mỗi một gia đình. Về cơ bản, gia đình truyền thống ở Thừa Thiên Huế là mẫu gia đình phổ biến có ba thế hệ cùng chung sống duới một nếp nhà. Chính vì vậy, việc xây dựng nếp sống gia đình ở Huế hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là nền tảng để nối kết các thành viên trong gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa gia đình vững mạnh, hạnh phúc. Ngày nay, ngoài việc chăm lo xây dựng gia đình mình theo những tiêu chuẩn của xây dựng gia đình văn hóa, thì người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế đã vươn ra tham gia các hoạt động xã hội để được tôn vinh là người "giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ở Thừa Thiên Huế người phụ nữ trong gia đình có nhiệm vụ sinh con đẻ cái và chăm lo chuyện bếp núc để phục vụ chồng con. Trong việc sinh con đẻ cái: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Ngày nay, tuy các phong trào vận động, tuyên truyền cũng được tổ chức thường xuyên nhưng sự phân biệt, đối xử giữa nam và nữ là một thực tế không thể phủ nhận được. Trong gia đình tư tưởng trọng nam khinh nữ còn vẫn còn tồn tại. 2.2.3. Giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay Gia đình văn hóa, trước hết là gương tốt, lao động sáng tạo về trí tuệ, tài năng, về thái độ chính trị đúng đắn của các bậc cha mẹ, anh chị có tác dụng giáo dục gương mẫu quan trọng đối với các thành viên trong gia đình người Huế. Trong việc giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế ngày nay, chúng ta cần tiếp thu thái độ, tinh thần học tập và đề cao việc học của tư tưởng Ngũ thường. Đó là tinh thần "học không biết chán, dạy không biết mỏi", học phải đi đôi với hành. Việc học tập phải được tiến hành trong cuộc đời của mỗi người. Trong các gia đình ở Thừa Thiên Huế thường dạy con theo chữ Lễ theo kiểu áp đặt, gò bó, không có môi trường cho sự sáng tạo phát triển. Đồng thời, phương pháp giáo dục của người Huế dễ tạo nên thói quen con cháu bắt chước ông bà, cha mẹ mình, tuân theo một chiều ý kiến không bàn cãi, theo khuôn sáo có sẵn, trì trệ ít phát huy được suy nghĩ độc lập trong những gia đình có bệnh gia trưởng. 2.3. Các giải pháp xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay 2.3.1. Thiết lập quan hệ bình đẳng nam - nữ trong gia đình gắn liền với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế - Bình đẳng nam - nữ trong gia đình về lĩnh vực kinh tế Xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay, yếu tố cần thiết để đảm bảo xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đó là thiết lập mối quan hệ bình đẳng nam, nữ trên mọi lĩnh vực trong gia đình cũng như ngoài xã hội, trước hết là trên lĩnh vực kinh tế. -Bình đẳng nam - nữ trong gia đình về lĩnh vực văn hóa xã hội bên cạnh bình đẳng nam - nữ trong kinh tế, thì xây dựng gia đình ở Thừa Thiên Huế cần phải xác lập bình đẳng trong văn hóa - xã hội. Phụ nữ ngày nay bình đẳng với nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Trong gia đình phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc chăm sóc nuôi dạy con cái. Ngoài xã hội phụ nữ ngày càng có điều kiện để học tập nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia ngày càng nhiều vào công tác quản lý xã hội. Tuy tham gia ngày càng nhiều vào công tác xã hội, người phụ nữ vẫn làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình là chăm sóc và nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc "giỏi việc nước đảm việc nhà", phát huy tốt vai trò của người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế. 2.3.2. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình và nâng cao dân trí gắn liền với việc xây dựng gia đình văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay. Góp phần thực hiện Nghị Quyết XIV Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có mục tiêu: "Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội bảo đảm an sinh xã hội" . Xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay cần giải quyết tốt vấn đề nâng cao dân trí với phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình nhằm tạo điều kiện cho kinh tế phát triển bền vững góp phần nâng cao trình độ dân trí cho mọi thành viên trong gia đình. Phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình xây dựng gia đình văn hóa theo hướng ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Thực hiện tốt các chính sách xóa đói giảm nghèo, bởi chính sách này có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện tốt các chính sách công bằng xã hội, góp phần cải thiện điều kiện sống cho những gia đình nghèo. 2.3.3. Xác lập tình yêu đúng đắn trong quan hệ vợ chồng để xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Tình yêu, sự chân thành, chung thủy giữa vợ chồng luôn là cơ sở đảm bảo cho gia đình bền vững, hạnh phúc. Ăng ghen đã từng nói: "Chỉ có hôn nhân được xây dựng trên tình yêu mới là hợp đạo đức". Do vậy, để xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc thì phải xác lập tình yêu đúng đắn, gắn liền với lý tưởng, xây dựng tình yêu trên cơ sở hòa hợp về tâm hồn, cảm thông chia sẻ ước mơ, hoài bão của nhau. 2.3.4. Xây dựng gia đình văn hóa gắn liền với việc tăng cường giáo dục ý thức nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên đối với gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Góp phần khắc phục những hạn chế và khuyết điểm được nêu ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI về: "Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em" [230, 37]. Vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế cần tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm của các thành viên đối với gia đình. KẾT LUẬN Nho giáo từ khi ra đời cho đến nay đã trên hai nghìn năm trăm năm. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, Nho giáo có lúc thịnh lúc suy, có lúc ngự trị trên đỉnh cao của hệ tư tưởng thống trị phong kiến Trung Quốc và phong kiến Việt Nam, ngược lại có lúc bị phê phán và loại bỏ một cách không thương tiếc. Dù bị phê phán hay loại bỏ đi chăng nữa thì Nho giáo vẫn cứ tồn tại trong xã hội ngày nay. Sự tồn tại đó chứng tỏ, Nho giáo vẫn có những yếu tố hợp lý, với những nội dung trong tư tưởng Ngũ thường đã có tác dụng giáo dục đạo đức luân lý và trật tự kỷ cương, phép tắc lễ giáo trong mối quan hệ giữa người với người, trong gia đình và ngoài xã hội. Hiện nay, vẫn còn đó những quan điểm khác nhau khi đánh giá về Nho giáo. Nho giáo là tích cực hay lạc hậu? Quan điểm thứ nhất xem Nho giáo có tính tích cực là chủ yếu thì cho rằng, mọi vấn đề tiêu cực của xã hội mà chúng ta đang gánh chịu chính là do chúng ta xa rời những tư tưởng của Nho giáo. Ngược lại, quan điểm thứ hai thì xem các tệ nạn xã hội chính là hệ quả của những tư tưởng Nho giáo còn rơi rớt lại. Trung hòa giữa hai quan điểm đó, quan điểm thứ ba cho rằng, trong tư tưởng Nho giáo vừa có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Vấn đề là phải biết hạn chế những tác hại do mặt tiêu cực của Nho giáo gây ra, đồng thời biết kế thừa và phát huy những mặt tích cực. Đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin với phương pháp biện chứng, có cách nhìn hợp lý khoa học khi xem xét một vấn đề phải đặt nó trong những điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, từ đó gạt bỏ những hạn chế và tiếp thu, phát triển những giá trị. Đó là cách đánh giá khoa học và hiệu quả nhất. Có thể khẳng định rằng, sự tác động của tư tưởng Nho giáo trong đó có tư tưởng của Ngũ thường dù trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống ở Thừa Thiên Huế đặc biệt trong phong trào "xây dựng gia đình văn hóa", đó là tinh thần xây dựng gia đình, giữ gìn lễ nghĩa, hiếu đễ, kỷ cương trong gia đình và xã hội. Trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế việc kế thừa và phát triển những giá trị đạo đức của Ngũ thường với nội dung Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh em phải hòa thuận; làm người học trò thì phải "tiên học lễ, hậu học văn"; là người cán bộ thì phải cần, kiệm, liêm ,chính. Quan hệ xóm làng thì “tối lửa tắt đèn có nhau”, phải biết "bán anh em xa, mua láng giềng gần"; "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân". Đó là những giá trị mà chúng ta không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình văn hóa, là một vấn đề khó khăn và phức tạp. Đây không phải là việc làm tự phát, phong trào mà cần phải có một chiến lược lâu dài, có kế hoạch và có tiêu chí cụ thể, cần được quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền, cần sự hưởng ứng của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Với khả năng và ý nghĩa thiết thực của phong trào này thì chắc chắn sẽ thực hiện thành công phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTT-ThuyVan.doc
Tài liệu liên quan