Đề tài Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở huyện Từ Sơn Bắc Ninh

Tài liệu Đề tài Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở huyện Từ Sơn Bắc Ninh: 1. MỞ ĐẦU 1.1 Tính cấp thiết của đề tài Đô thị hóa là một trong những biểu hiện của sự phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương, một vùng hoặc một quốc gia. Kể từ khi nước ta thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, tốc độ đô thị hóa ở các thành phố, thị trấn, thị tứ diễn ra rất nhanh. Ở các khu vực này, các trung tâm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa, y tế, tài chính ... đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều dẫn đến việc tập trung dân cư, hình thành các thị trấn, thị tứ và đô thị. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn có tầm quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, vấn đề phát triển kinh tế nông thôn là cần thiết và có vai trò quan trọng nhằm đưa nông nghiệp thoát khỏi tình trạng thuần nông, tự cấp, tự túc, phát triển thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp,...

doc127 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1689 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Đề tài Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở huyện Từ Sơn Bắc Ninh, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1. MỞ ĐẦU 1.1 Tính cấp thiết của đề tài Đô thị hóa là một trong những biểu hiện của sự phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương, một vùng hoặc một quốc gia. Kể từ khi nước ta thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, tốc độ đô thị hóa ở các thành phố, thị trấn, thị tứ diễn ra rất nhanh. Ở các khu vực này, các trung tâm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa, y tế, tài chính ... đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều dẫn đến việc tập trung dân cư, hình thành các thị trấn, thị tứ và đô thị. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn có tầm quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, vấn đề phát triển kinh tế nông thôn là cần thiết và có vai trò quan trọng nhằm đưa nông nghiệp thoát khỏi tình trạng thuần nông, tự cấp, tự túc, phát triển thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Và một trong những nội dung trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay là khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống trong khu vực nông thôn, góp phần thu hút lao động dôi dư, giải quyết việc làm, đồng thời nâng cao thu nhập và từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Từ đó giảm được làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị, khơi dậy tiềm năng vốn có của địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Cùng với công cuộc “đổi mới” của tỉnh, những năm qua Từ Sơn luôn là huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đóng góp không nhỏ trong tổng giá trị sản xuất của huyện là các ngành nghề thủ công nghiệp (TCN), ở đó làng nghề truyền thống đóng vai trò nòng cốt. Các làng nghề truyền thống chủ yếu ở Từ Sơn là sản xuất sắt thép, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, dệt... Sự phát triển của các làng nghề truyền thống đã thu hút hàng vạn lao động tại địa phương, góp phần đáng kể vào giải quyết lao động dư thừa và thiếu việc làm trong nông thôn, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Nằm cận kề giữa hai thành phố là Hà Nội và Bắc Ninh, huyện Từ Sơn có tốc độ đô thị hóa khá nhanh và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân càng sung túc, ổn định. Đây cũng là điều kiện tốt cho các làng nghề truyền thống có thể tiếp cận, tăng khả năng thích ứng với các hoạt động của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh cũng làm khó khăn trong việc đáp ứng cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng, nảy sinh các vấn đề xã hội ... Vì vậy cùng với quá trình đô thị hóa, đòi hỏi phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Từ Sơn phải có những giải pháp, định hướng phù hợp, vừa đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nhưng vẫn đảm bảo cho các làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát triển. Xuất phát từ tình hình trên chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh”. 1.2 Mục tiêu nghiên cứu 1.2.1 Mục tiêu chung Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng đô thị hóa và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển làng nghề truyền thống, trên cơ sở đó đưa ra định hướng và các giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn Huyện. 1.2.2 Mục tiêu cụ thể - Hệ thống hóa cơ sở lý luận về phát triển làng nghề truyền thống và quá trình đô thị hóa. - Đánh giá thực trạng phát triển và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở huyện Từ Sơn - Đề xuất định hướng và các giải pháp phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa trong những năm tới. 1.3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 1.3.1 Đối tượng nghiên cứu Nghiên cứu phát triển của các làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa trên địa huyện Từ Sơn. 1.3.2 Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Nghiên cứu thực trạng đô thị hóa và phát triển làng nghề truyền thống về tổ chức, quản lý, sản xuất, tình hình sử dụng lao động, đất đai, tác động môi trường ... của các làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở huyện Từ Sơn. Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn đang gặp phải từ các làng nghề truyền thống để đưa ra các định hướng và giải pháp phát triển phù hợp trong quá trình đô thị hóa. - Về không gian: Đề tài tập trung nghiên cứu 3 làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện: Làng nghề mộc mỹ nghệ Đồng Kỵ, làng nghề dệt Hồi Quan và làng nghề sắt thép Đa Hội. - Về thời gian: Đề tài thu thập số liệu thứ cấp trong thời gian từ năm 1999-2006 và số liệu điều tra năm 2006. 2. TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU 2.1 Cơ sở lý luận về phát triển làng nghề truyền thống 2.1.1 Một số khái niệm 2.1.1.1 Nghề truyền thống Nghề truyền thống ở nước ta rất phong phú, đa dạng, đã hình thành và tồn tại hàng trăm năm, tạo ra nhiều sản phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới như gốm Bát Tràng, nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), nghề dệt tơ lụa Hà Đông ... Ngày nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã khiến cho việc sản xuất các sản phẩm có tính truyền thống được hỗ trợ bởi quy trình công nghệ mới với nhiều loại nguyên liệu mới. Do vậy khái niệm nghề truyền thống đã được nghiên cứu và mở rộng hơn và có thể hiểu như sau: “Nghề truyền thống bao gồm những nghề tiểu thủ công nghiệp xuất hiện từ lâu đời trong lịch sử, được truyền từ đời này qua đời khác còn tồn tại đến ngày nay, kể cả những nghề đã được cải tiến hoặc sử dụng những loại máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất nhưng vẫn tuân thủ công nghệ truyền thống và đặc biệt sản phẩm của nó vẫn thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc” [34]. * Phân loại nghề truyền thống + Phân biệt theo trình độ kỹ thuật - Loại nghề có kỹ thuật giản đơn: đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm, làm gạch, nung vôi. Sản phẩm của những nghề này có tính chất thông dụng, rất phù hợp với một nền kinh tế tự cấp, tự túc. - Loại nghề có kỹ thuật phức tạp: kim hoàn, đúc đồng, làm gốm, khảm gỗ, dệt lụa ... Các nghề này không chỉ có kỹ thuật, công nghệ phức tạp mà còn đòi hỏi ở người thợ sự sáng tạo và khéo léo. + Phân loại theo tính chất kinh tế: - Loại nghề phụ thuộc vào nền kinh tế nông nghiệp tự nhiên, sản phẩm ít mang tính chất hàng hóa, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ như sản xuất nông cụ như cày, bừa, liềm, hái. - Loại nghề mà hoạt động độc lập với quá trình sản xuất nông nghiệp, sản phẩm của nó thể hiện một trình độ nhất định của sự tách biệt thủ công nghiệp với nông nghiệp, của tài năng sáng tạo và khéo léo của người thợ, tiêu biểu là các sản phẩm nghề dệt, gốm, kim hoàn ... 2.1.1.2 Làng nghề Cho đến nay có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm làng nghề, theo giáo sư Trần Quốc Vượng thì: Làng nghề (như làng gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh ... làng giấy vùng Bưởi, Dương Ổ ... làng rèn sắt Canh Diễn, Phù Dực, Đa Hội ...) là làng tuy vẫn có trồng trọt theo lối tiểu nông và chăn nuôi nhỏ song đã nổi trội một nghề cổ truyền, tinh xảo với một tầng lớp thủ công chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, có phường, có ông trùm, ông phó cả ... cùng một số thợ và phó nhỏ, đã chuyên tâm, có quy trình công nghệ nhất định sống chủ yếu bằng nghề đó và sản xuất ra những mặt hàng thủ công, những mặt hàng đã có tính mỹ nghệ, trở thành sản phẩm hàng hóa và có quan hệ tiếp thị với một thị trường là vùng xung quanh và tiến tới mở rộng ra cả nước rồi có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Những làng nghề ấy ít nhiều đã nổi danh từ lâu “dân biết mặt, nước biết tên, tên làng đã đi vào lịch sử, vào ca dao tục ngữ” trở thành văn hóa dân gian [4]. Theo tác giả Bùi Văn Vượng thì “Làng nghề truyền thống là làng cổ truyền thủ công, ở đấy không nhất thiết tất cả dân làng đều sản xuất hàng thủ công. Người thợ thủ công nhiều trường hợp cũng đồng thời là người làm nghề nông nhưng yêu cầu chuyên môn hóa cao đã tạo ra những người thợ chuyên sản xuất hàng truyền thống ngay tại làng quê của mình ...” [33]. Làng nghề là những làng sống bằng hoặc chủ yếu bằng nghề thủ công ở nông thôn Việt Nam [29]. Vậy khái niệm làng nghề có thể bao gồm những nội dung sau: “Làng nghề là một thiết chế kinh tế-xã hội ở nông thôn được cấu thành bởi hai yếu tố làng và nghề, tồn tại trong một không gian địa lý nhất định, trong đó bao gồm nhiều hộ gia đình sinh sống bằng nghề thủ công là chính, giữa họ có mối liên kết về kinh tế, xã hội và văn hóa” [30]. * Phân loại làng nghề + Phân loại theo số lượng nghề - Làng một nghề: Là những làng ngoài nghề nông ra chỉ có một nghề thủ công duy nhất. - Làng nhiều nghề: là những làng ngoài nghề nông ra còn có một số hoặc nhiều nghề khác. + Phân theo tính chất nghề - Làng nghề truyền thống: là những làng nghề xuất hiện từ lâu đời trong lịch sử và còn tồn tại đến ngày nay. - Làng nghề mới: Là những làng nghề xuất hiện do sự phát triển lan tỏa của các làng nghề truyền thống hoặc được du nhập từ các địa phương khác. 2.1.1.3 Làng nghề truyền thống Trong làng nghề truyền thống thường có đại bộ phận dân số làm nghề cổ truyền hoặc một vài dòng họ chuyên làm nghề theo kiểu cha truyền con nối, nghĩa là việc dạy nghề được thực hiện bằng phương pháp truyền nghề. Song sự truyền nghề này luôn có sự tiếp thu những cải tiến, sáng tạo làm cho sản phẩm của mình có những nét độc đáo riêng so với sản phẩm của người khác, làng khác. Qua khái niệm nghề truyền thống và làng nghề được trình bày ở trên thì làng nghề truyền thống trước hết là làng nghề được tồn tại và phát triển lâu đời trong lịch sử, trong đó gồm có một hoặc nhiều nghề thủ công truyền thống, là nơi quy tụ các nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề, là nơi có nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề truyền thống lâu đời, giữa họ có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Họ có cùng tổ nghề và đặc biệt các thành viên luôn ý thức tuân thủ những ước chế xã hội và gia tộc [34]. * Phân loại làng nghề truyền thống - Làng nghề truyền thống chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như: gốm, sứ, dệt tơ tằm, chạm khắc gỗ, đá, thêu ren ... - Làng nghề truyền thống chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ cho sản xuất và đời sống như: rèn, mộc, nề, đúc đồng, nhôm, gang sản xuất vật liệu xây dựng ... - Làng nghề truyền thống chuyên sản xuất các mặt hàng cho nhu cầu thông thường như: dệt vải, dệt chiếu cói, làm nón, may mặc ... - Làng nghề truyền thống chuyên chế biến lương thực, thực phẩm như: xay xát, làm bún, chế biến hải sản ... 2.1.2 Đặc điểm làng nghề truyền thống 2.1.2.1 Đặc điểm kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm + Đặc điểm kỹ thuật, công nghệ - Đặc điểm, đặc trưng đầu tiên của nghề thủ công truyền thống là kỹ thuật thủ công mang tính truyền thống và bí quyết dòng họ. Công cụ sản xuất chủ yếu là thô sơ do chính người thợ thủ công chế tạo ra. - Công nghệ truyền thống không thể thay hoàn toàn bằng công nghệ hiện đại mà chỉ có thể thay ở một số khâu, công đoạn nhất định. Đây là một trong những yếu tố tạo nên tính truyền thống của sản phẩm. - Kỹ thuật công nghệ trong các làng nghề truyền thống hầu hết là thô sơ, lạc hậu. - Thông qua sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, đã tạo ra sự kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất. + Đặc điểm về sản phẩm - Sản phẩm làng nghề truyền thống rất đa dạng và phong phú, nó có thể được sản xuất hàng loạt hoặc sản xuất đơn chiếc. Việc sản xuất hàng loạt sản phẩm giống nhau chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc vừa. Bên cạnh đó, sản phẩm mang tính đơn chiếc thường là sản phẩm mỹ nghệ cao cấp, bởi những nét hoa văn, những phần tinh của chúng luôn được cải biến thêm thắt nhằm thu hút sự thưởng thức của những người sành chơi. Nhìn chung, trong sản phẩm của làng nghề truyền thống vẫn tồn đọng những hao phí lao động sống, đó là lao động thủ công của con người. - Sản phẩm của làng nghề truyền thống bao gồm nhiều chủng loại như sản phẩm là tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt và các sản phẩm nghệ thuật. Sản phẩm không chỉ đáp ứng các nhu cầu trong nước mà còn để xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như gốm sứ, chạm trổ, thêu ren, dệt tơ tằm ... đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới và ngày càng được ưu chuộng. 2.1.2.2 Đặc điểm kinh tế - xã hội + Đặc điểm về lao động - Đặc điểm nổi bật trong các làng nghề truyền thống là sử dụng lao động thủ công là chính. - Lao động trong làng nghề truyền thống có nhiều loại hình và nhiều trình độ khác nhau. Trong đó nghệ nhân đóng vai trò quan trọng, được coi là nòng cốt của quá trình sản xuất và sáng tạo sản phẩm. - Việc dạy nghề theo phương thức truyền nghề từ đời này sang đời khác, tuy nhiên việc đào tạo nghề hiện nay có sự kết hợp với phương thức mới, mở ra các trường, lớp đào tạo nghề nhưng đồng thời vừa học, vừa làm, có sự truyền nghề của các nghệ nhân, thợ cả đối với thợ phụ, thợ học việc. + Đặc điểm về thị trường tiêu thụ sản phẩm Thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề truyền thống được hình thành từ nhu cầu tiêu dùng sản phẩm. Nhu cầu tiêu dùng thường được phân chia thành các nhóm sau: - Sản phẩm tiêu dùng dân dụng: Được tiêu dùng khá phổ biến ở các tầng lớp dân cư. Đối với loại sản phẩm này, tiền công lao động thấp nên giá thành sản phẩm thấp, sản phẩm phù hợp với khả năng kinh tế, tâm lý và thói quen của đa số người tiêu dùng. - Sản phẩm mỹ nghệ cao cấp: Khi cuộc sống nâng cao nên tiêu dùng sản phẩm cao cấp nhiều hơn. Vì vậy nhu cầu về sản phẩm này ngày càng tăng, không chỉ về số lượng và chủng loại sản phẩm mà còn về chất lượng sản phẩm. - Sản phẩm xuất khẩu: Bao gồm cả sản phẩm dân dụng và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Người nước ngoài rất ưa chuộng hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và trầm trồ về những nét đẹp hài hoà, chứa đựng nhiều điển tích, hoa văn tinh tế và tính chất dân gian của sản phẩm làng nghề qua bàn tay khéo léo của thợ thủ công. Sản phẩm gốm sứ, đồ mộc được tiêu thụ với khối lượng ngày càng lớn ở Đài Loan, Úc, Nhật Bản... Sản phẩm mỹ nghệ khảm trai, ốc, mây tre đan được tiêu thụ rộng khắp ở châu Âu... Khách du lịch nước ngoài thường bỏ ra hàng giờ, nhiều lần để ngắm nhìn và lựa chọn những món quà đặc sắc được làm từ hòn đất, cành tre, khúc gỗ, xương thú, sừng, thổ cẩm, sợi đay, bẹ ngô, kim loại... đơn sơ như cuộc sống đời thường của người Việt Nam nhưng rất có hồn. + Đặc điểm về tổ chức sản xuất Trong lịch sử phát triển làng nghề truyền thống, hình thức tổ chức sản xuất phổ biến nhất là hộ gia đình. Ngày nay cùng với quá trình phát triển kinh tế và công cuộc đổi mới của đất nước, đã xuất hiện nhiều hình thức tổ chức sản xuất mới: - Xét theo hình thức sở hữu có các loại: Công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ sản xuất... - Xét theo phương hướng sản xuất có: Các cơ sở chuyên sản xuất hàng TTCN, các cơ sở vừa làm hàng TTCN vừa làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, các cơ sở vừa sản xuất hàng TTCN vừa sản xuất sản phẩm nông nghiệp. 2.1.3 Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển làng nghề truyền thống Quá trình phát triển làng nghề truyền thống chịu sự tác động của nhiều nhân tố khác nhau. Ở mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi làng nghề do có những đặc điểm khác nhau về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa nên sự tác động của các nhân tố không giống nhau. Tuy nhiên hiểu một cách tổng quát chúng gồm có các nhân tố cơ bản sau: Thứ nhất là thị trường sản phẩm của làng nghề: Thị trường có sự tác động mạnh mẽ đến phương hướng phát triển, cách thức tổ chức, cơ cấu sản phẩm và là động lực thúc đẩy làng nghề truyền thống phát triển. Sự tồn tại và phát triển của làng nghề truyền thống phụ thuộc rất lớn vào thị trường. Sản xuất càng phát triển càng thể hiện rõ sự chi phối quan hệ cung cầu, cạnh tranh trên thị trường. Những làng nghề có sản phẩm độc đáo, kỹ thuật tinh xảo và luôn đổi mới để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng sẽ có khả năng thích ứng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Ngược lại có những làng nghề không phát triển, mai một, thậm chí có nguy cơ mất đi là do sản phẩm không đủ sức cạnh tranh hoặc nhu cầu của thị trường không cần đến sản phẩm đó nữa (như nghề sản xuất giấy dó, tranh dân gian ...). Thứ hai là vốn cho phát triển kinh doanh: Đây là nguồn lực vật chất quan trọng đối với bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Nhiệm vụ chủ yếu nhất của nguồn vốn là đầu tư phát triển sản xuất, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, công nghệ ... Do vậy sự phát triển thịnh vượng của làng nghề cũng thụ thuộc rất lớn vào các nguồn vốn được huy động. Trước đây trong nền kinh tế tự cấp tự túc, vốn phục vụ cho sản xuất thường nhỏ bé, vốn chủ yếu là tự có hoặc huy động từ người thân trong gia đình. Ngày nay để đáp ứng với nền sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu cao của nền kinh tế thị trường thì lượng vốn cần lớn hơn để đầu tư đổi mới công nghệ, đưa thiết bị, máy móc vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Thứ ba là cơ sở hạ tầng: Bao gồm hệ thống đường giao thông, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, các công trình dịch vụ thương mại, công cộng ... Đây là yếu tố tạo điều kiện cho quá trình sản xuất, khai thác và phát huy tiềm năng sẵn có của mỗi làng nghề. Đảm bảo cho quá trình cung cấp nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đồng thời làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do vậy ở những nơi có cơ sở hạ tầng đầy đủ và đồng bộ thì các làng nghề truyền thống có điều kiện phát triển mạnh. Tuy nhiên hiện nay phần lớn các làng nghề truyền thống còn đang gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém và chưa đồng bộ. Thứ tư là nguồn nhân lực: Trong các làng nghề truyền thống có các nghệ nhân, thợ thủ công giỏi, trình độ rất tinh xảo. Họ là những người tâm huyết và gắn bó với nghề, đặc biệt quan trọng trong việc truyền nghề, dạy nghề, đồng thời là người sáng tạo những sản phẩm độc đáo. Hiện nay vẫn còn nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề, muốn giữ gìn văn hóa dân tộc và truyền thống của ông cha. Việc truyền nghề đã không còn tuân theo các quy định khắt khe như trong phường hội thời phong kiến, nhưng những bí quyết kỹ thuật, mẫu mã sáng chế có giá trị kinh tế cao vẫn được bảo vệ để tránh bị cạnh tranh. Vấn đề đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật còn nhiều hạn chế, chất lượng nguồn lao động chưa cao, trình độ chuyên môn và văn hóa thấp, nhất là đối với các chủ doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu ngày cao của thị trường trong nước cũng như quốc tế. Thứ năm là trình độ kỹ thuật và công nghệ: Trong cơ chế thị trường sự phát triển của làng nghề truyền thống đã thể hiện cuộc cạnh tranh gay gắt về năng suất, chất lượng, giá cả. Sản phẩm sản xuất ra chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại trong nước cũng như nhập khẩu. Đặc biệt trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, giao lưu thương mại mang tính toàn cầu thì việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ càng có tác động to lớn đến khả năng cạnh tranh, tăng năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm. Thứ sáu là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất: Trong thời kỳ phương tiện giao thông và phương tiện kỹ thuật chưa phát triển, thì gần các vùng nguyên liệu được coi là một trong những điều kiện tạo nên sự hình thành và phát triển các làng nghề truyền thống. Hiện nay, các nguyên liệu khai thác phục vụ cho các làng nghề chủ yếu từ môi trường tự nhiên nên vùng nguyên liệu ngày càng suy giảm (như gỗ ...), gây khó khăn cho sản xuất vì nguyên liệu đang bị cạn kiệt. Do vậy khối lượng, chất lượng, chủng loại, khoảng cách của các nguồn nguyên liệu có ảnh hưởng tới chất lượng và giá thành sản phẩm. Vậy qua sự hệ thống các khái niệm, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển làng nghề truyền thống, cùng với công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trong các làng nghề truyền thống, đặc biệt là những làng nghề phát triển gần các thành phố lớn. Khi đó hoạt động sản xuất làng nghề gắn với nông nghiệp, nông thôn trước kia sẽ được thay thế bằng hoạt động sản xuất quy mô lớn hơn, hình thành làng công nghiệp, ở đó sẽ có sự đầu tư về công nghệ, máy móc hiện đại thay thế cho thiết bị, công cụ lạc hậu, từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn với năng suất và chất lượng cao hơn. Tổ chức sản xuất từ hộ gia đình sang các loại hình tổ chức sản xuất lớn như Công ty, HTX ... Do sự phát triển của làng nghề nói riêng và sự phát triển về kinh tế, xã hội nói chung trong quá trình đô thị hóa sẽ dẫn đến sự chuyển đổi từ nông thôn sang thành thị, khi đó các làng nghề, xã nghề trở thành phố nghề, phường. Và các làng nghề truyền thống không chỉ là nơi sản xuất như trước kia mà còn có sự phát triển của các hoạt động thương mại, dịch vụ khác. 2.1.4 Khái niệm về tăng trưởng, phát triển, phát triển làng nghề truyền thống 2.1.4.1 Tăng trưởng và phát triển Tăng trưởng được hiểu là sự gia tăng về mặt số lượng của một sự vật nhất định. Trong kinh tế, tăng trưởng thể hiện sự gia tăng hơn trước về sản phẩm hay lượng đầu ra của một quá trình sản xuất hay hoạt động. Tăng trưởng kinh tế có thể hiểu là kết quả của mọi hoạt động kinh tế trong lĩnh vực sản xuất cũng như trong lĩnh vực dịch vụ được tạo ra trong một thời kỳ nhất định [7]. Khái niệm tăng trưởng này ở cấp độ vĩ mô, thì tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng về quy mô sản lượng quốc gia hoặc quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người qua một thời gian nhất định. Phát triển bao hàm ý nghĩa rộng hơn, phát triển bên cạnh thu nhập bình quân đầu người còn bao gồm nhiều khía cạnh khác. Sự tăng trưởng cộng thêm các thay đổi cơ bản trong cơ cấu của nền kinh tế, sự tăng lên của sản phẩm quốc dân do ngành công nghiệp tạo ra, sự đô thị hoá, sự tham gia của một quốc gia trong quá trình tạo ra các thay đổi nói trên là những nội dung của sự phát triển. Phát triển là việc nâng cao phúc lợi của nhân dân, nâng cao các tiêu chuẩn sống, cải thiện giáo dục, sức khỏe và đảm bảo sự bình đẳng cũng như quyền công dân. Phát triển còn được định nghĩa là sự tăng trưởng bền vững về các tiêu chuẩn sống, bao gồm tiêu dùng, vật chất, giáo dục, sức khỏe và bảo vệ môi trường [14]. 2.1.4.2 Phát triển bền vững Phát triển bền vững là một thuật ngữ được toàn thế giới sử dụng rộng rãi, do tầm quan trọng mà khái niệm phát triển bền vững vẫn được tiếp tục sửa đổi, mở rộng và sàng lọc. Theo Ủy ban quốc tế về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc năm 1997 đã định nghĩa: Phát triển bền vững là một quá trình của sự thay đổi, trong đó việc khai thác và sử dụng tài nguyên, hướng đầu tư, hướng phát triển của công nghệ, kỹ thuật và sự thay đổi về tổ chức là thống nhất, làm tăng khả năng đáp ứng về nhu cầu hiện tại và tương lai của con người. Hội nghị thượng đỉnh về trái đất năm 1992 tại Rio de Janeiro đưa ra định nghĩa vắn tắt về phát triển bền vững là: Phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ ngày nay mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trương lai. Phát triển bền vững cũng có thể được gọi bằng cách khác là phát triển “bình đẳng và cân đối”, có nghĩa là để duy trì sự phát triển cân bằng lợi ích của các nhóm người trong cùng một thế hệ và giữa các thế hệ, thực hiện điều này đồng thời trên cả ba lĩnh vực quan trọng có mối quan hệ qua lại với nhau, đó là kinh tế, xã hội và môi trường [25]. 2.1.4.3 Phát triển làng nghề truyền thống Trên cơ sở lý luận về tăng trưởng và phát triển, chúng tôi cho rằng phát triển làng nghề truyền thống là sự tăng lên về quy mô làng nghề truyền thống và phải đảm bảo được hiệu quả sản xuất của làng nghề. Sự tăng lên về quy mô làng nghề được hiểu là sự mở rộng về sản xuất của từng làng nghề và số lượng làng nghề được tăng lên theo thời gian và không gian (làng nghề mới), trong đó làng nghề cũ được củng cố, làng nghề mới được hình thành. Từ đó giá trị sản lượng của làng nghề không ngừng được tăng lên, nó thể hiện sự tăng trưởng của làng nghề. Sự phát triển làng nghề truyền thống phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Trên quan điểm phát triển bền vững, phát triển làng nghề truyền thống còn yêu cầu: Sự phát triển phải có kế hoạch, quy hoạch, sử dụng các nguồn lực như tài nguyên thiên nhiên, lao động, vốn, nguyên liệu cho sản xuất ... đảm bảo hợp lý có hiệu quả, nâng cao mức sống cho người lao động, không gây ô nhiễm môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc... 2.2 Cơ sở lý luận về đô thị và đô thị hóa 2.2.1 Một số khái niệm về đô thị và liên quan đến quá trình đô thị hóa Khái niệm về đô thị có tính tương đối do sự khác nhau về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống dân cư. Mỗi quốc gia có quy định riêng, dưới đây là một số khái niệm cơ bản: - Đô thị là một không gian cư trú của cộng đồng người sinh sống tập trung và hoạt động trong những khu vực kinh tế phi nông nghiệp. - Đô thị là nơi tập trung dân cư, chủ yếu lao động phi nông nghiệp, sống và làm việc theo kiểu thành thị. - Đô thị là nơi tập trung đông dân cư với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thích hợp, là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành có vai trò thúc đẩy kinh tế-xã hội của cả nước, của miền lãnh thổ, một tỉnh, một huyện hay một vùng trong tỉnh, trong huyện [12] - Đô thị là một khu dân cư tập trung, về trình độ phát triển đô thị phải đạt được những tiêu chuẩn sau: + Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc một vùng lãnh thổ như: vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc vùng trong tỉnh, trong thành phố trực thuộc Trung ương, vùng huyện hoặc tiểu vùng trong huyện. + Đối với khu vực nội thành, nội thị, thị trấn tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu phải đạt 65% tổng số lao động, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động của dân cư tối thiểu phải đạt 70% mức tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng quy định cho từng loại đô thị, quy mô dân số ít nhất là 4.000 người và mật độ dân số tối thiểu phải đạt 2.000 người/km2 [9]. Các yếu tố cơ bản phân loại một đô thị Yếu tố 1: Chức năng của đô thị Các chỉ tiêu thể hiện chức năng của một đô thị gồm: + Vị trí của đô thị trong hệ thống đô thị cả nước - Vị trí của một đô thị trong hệ thống đô thị cả nước phụ thuộc vào cấp quản lý của đô thị và phạm vi ảnh hưởng của đô thị như: đô thị - trung tâm cấp quốc gia, đô thị - trung tâm cấp vùng (liên tỉnh), đô thị - trung tâm cấp tỉnh, đô thị - trung tâm cấp huyện và đô thị - trung tâm cấp tiểu vùng (trong huyện) [5]. - Ngoài ra, theo tính chất, một đô thị có thể là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành của một hệ thống đô thị. Đô thị là trung tâm tổng hợp khi có chức năng tổng hợp về nhiều mặt như: hành chính - chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế (công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nghỉ mát), đào tạo, nghiên cứu, khoa học kỹ thuật ... Đô thị là trung tâm chuyên ngành khi có một vài chức năng nào đó nổi trội hơn so với các chức năng khác và giữ vai trò quyết định tính chất của đô thị đó như: đô thị công nghiệp, đô thị nghỉ mát, du lịch, đô thị nghiên cứu khoa học, đào tạo, đô thị cảng ... + Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đô thị: Tổng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tăng dân số ... Yếu tố 2: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động Lao động phi nông nghiệp của một đô thị là lao động trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, thị trấn thuộc các ngành kinh tế quốc dân như: công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu điện, thương nghiệp, cung ứng vật tư, dịch vụ công cộng, du lịch, khoa học, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, y tế, bảo hiểm, thể thao, tài chính, tín dụng, ngân hàng, quản lý nhà nước và lao động khác không thuộc ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Yếu tố 3: Cơ sở hạ tầng đô thị - Cơ sở hạ tầng đô thị bao gồm: + Cơ sở hạ tầng xã hội: nhà ở, các công trình dịch vụ thương mại, công cộng, ăn uống, nghỉ dưỡng, y tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, công viên cây xanh và các công trình phục vụ lợi ích công cộng khác. + Cơ sở hạ tầng kỹ thuật: giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, vệ sinh và môi trường đô thị. + Yếu tố 4: Quy mô dân số đô thị bao gồm số dân thường trú và số dân tạm trú tại khu vực nội thành phố, nội thị xã và thị trấn. Theo quy định hiện nay quy mô dân số đô thị ít nhất là 4.000 người [9]. + Yếu tố 5: Mật độ dân số là chỉ tiêu phản ánh mức độ tập trung dân cư của đô thị được xác định trên cơ sở quy mô dân số đô thị và diện tích đất đô thị. Mật độ dân số đô thị phải phù hợp với tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị. Dựa vào các căn cứ trên, đô thị nước ta được phân thành 6 loại sau: - Đô thị loại đặc biệt: Là thủ đô hoặc đô thị với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 90% trở lên, có cơ sở hạ tầng được xây dựng về cơ bản đồng bộ và hoàn chỉnh. Quy mô dân số từ 1,5 triệu người và có mật độ dân số bình quân từ 15.000 người/km2 trở lên. - Đô thị loại I: Đô thị với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc của cả nước. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 85% trở lên, có cơ sở hạ tầng được xây dựng nhiều mặt đồng bộ và hoàn chỉnh, quy mô dân số từ 50 vạn người và mật độ dân số bình quân từ 12.000 người/km2 trở lên. - Đô thị loại II: Đô thị với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên tỉnh hoặc cả nước, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc một số lĩnh vực đối với cả nước, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 80% trở lên, có cơ sở hạ tầng được xây dựng nhiều mặt tiến tới tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, quy mô dân số từ 25 vạn người trở lên, mật độ dân số bình quân từ 10.000 người/km2 trở lên. - Đô thị loại III: Đô thị với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh hoặc vùng liên tỉnh, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một số lĩnh vực đối với vùng liên tỉnh, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 75% trở lên, có cơ sở hạ tầng được xây dựng từng mặt đồng bộ và hoàn chỉnh, quy mô dân số từ 10 vạn người trở lên, mật độ dân số bình quân từ 8.000 người/km2 trở lên. - Đô thị loại IV: Đô thị với chức năng là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành về chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một vùng trong tỉnh; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 70% trở lên, có cơ sở hạ tầng đã hoặc đang được xây dựng từng mặt đồng bộ và hoàn chỉnh, quy mô dân số từ 5 vạn người và mật độ dân số bình quân từ 6.000 người/km2 trở lên. - Đô thị loại V: Đô thị với chức năng là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành về chính trị, kinh tế, văn hoá và dịch vụ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của một huyện hoặc một cụm xã, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 65% trở lên, có cơ sở hạ tầng đã hoặc đang được xây dựng nhưng chưa đồng bộ và hoàn chỉnh, quy mô dân số từ 4.000 người và mật độ dân số bình quân từ 2.000 người/km2 trở lên. Khái niệm về đô thị hóa Đô thị hoá là hiện tượng lịch sử xảy ra ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Nhưng ở từng quốc gia qúa trình đô thị hoá lại diễn ra hết sức khác nhau do tác động của các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đô thị hoá là thước đo trình độ và là tấm gương phản chiếu trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia, một khu vực. Khái niệm về đô thị hóa rất đa dạng vì nó chứa đựng nhiều hiện tượng và biểu hiện khác nhau trong quá trình phát triển. - Đô thị hóa là quá trình biến đổi về sự phân bố các yếu tố lực lượng sản xuất, bố trí dân cư những vùng không đô thị thành đô thị [15]. - Đô thị hóa là quá trình tập trung dân số vào các đô thị, là sự hình thành nhanh chóng các điểm dân cư đô thị trên cơ sở phát triển sản xuất và đời sống [3]. - Đô thị hóa nông thôn: Là xu hướng phát triển bền vững có tính quy mô, một quá trình phát triển nông thôn và phổ biến lối sống thành phố cho nông thôn. Thực chất đó là tăng trưởng đô thị theo xu hướng bền vững [15]. - Quá trình đô thị hóa diễn ra đồng thời với quá trình công nghiệp hóa, là quá trình biến đổi sâu sắc cơ cấu sản xuất, cơ cấu tổ chức, sinh hoạt xã hội, cơ cấu tổ chức không gian kiến trúc xây dựng từ nông thôn sang thành thị. Vậy khái niệm đô thị hóa có thể được hiểu như sau: “Đô thị hóa là quá trình biến đổi và phân bố các lực lượng sản xuất trong nền kinh tế quốc dân, bố trí dân cư, hình thành, phát triển các hình thức và điều kiện sống theo kiểu đô thị, đồng thời phát triển đô thị hiện có theo chiều sâu trên cơ sở hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng quy mô dân số” [1]. 2.2.2 Đặc điểm của đô thị hóa - Đô thị hóa luôn là bước tiếp theo của việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất. - Quá trình đô thị hóa là một quá trình lâu dài và liên tục về mặt thời gian, thống nhất giữa các lĩnh vực khác nhau khi phát triển đô thị. - Đô thị hóa gắn liền với biến đổi sâu sắc về kinh tế, xã hội của đô thị và nông thôn trên cơ sở phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, dịch vụ ... do vậy đô thị hóa không thể tách rời một chế độ kinh tế, xã hội. - Đô thị có cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh, do tính năng động, lợi ích mà đô thị đem lại cho nền kinh tế nói chung, kinh tế đô thị nói riêng. Tuy việc đầu tư lĩnh vực này không trực tiếp cho các sản phẩm, của cải vật chất nhưng không thể thiếu cho chu trình sản xuất, nên ở các đô thị dù lớn hay nhỏ, xây dựng cơ sở hạ tầng không bao giờ nằm ngoài kế hoạch phát triển và luôn đi trước một bước. - Tiền đề cơ bản của đô thị hóa là sự phát triển công nghiệp hay công nghiệp hóa là cơ sở phát triển đô thị. Đô thị hóa trên thế giới bắt đầu từ cách mạng thủ công, sau đó được thay thế bằng cách mạng công nghiệp. Để thắng thế trong cạnh tranh, thu được nhiều lợi nhuận là lợi ích sống còn của nhà đầu tư. Dẫn đến tập trung cao cho sản xuất công nghiệp, thương mại, phát triển khoa học, công nghệ ... do đó có nhu cầu tập trung dân cư và quá trình tập trung ấy hình thành lên các đô thị. Đô thị trở thành cực tăng trưởng của nền kinh tế, sức cạnh tranh của kinh tế đô thị là nhân tố chủ yếu của cạnh tranh quốc gia. Có thể nói mức độ tăng trưởng của một quốc gia thường phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của kinh tế đô thị. 2.2.3 Tác động của đô thị hóa + Tác động tích cực: - Kết quả của quá trình mở rộng và phát triển đô thị hóa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng kinh tế ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng kinh tế ngành công nghiệp và dịch vụ. - Quá trình đô thị hóa dẫn tới tập trung các nguồn lực sản xuất, khoa học, công nghệ, văn hóa, kỹ thuật ... và sự tập trung các khu dân cư làm cho kinh tế đô thị tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó GDP đầu người ở các đô thị thường cao hơn từ 3 đến 5 lần GĐP bình quân đầu người của cả nước và cao hơn nhiều lần so với khu vực nông thôn. - Đô thị hóa diễn ra kéo theo việc xây dựng các cơ sở hạ tầng tương ứng để đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị. Đó là hệ thống đường giao thông, thông tin liên lạc, đầu tư cấp điện, chiếu sáng, cấp nước, thu gom xử lý chất thải ... Xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư, khu trung tâm thương mại, dịch vụ ... - Đô thị hóa góp phần nâng cao trình độ nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Do được tập trung xây dựng các trung tâm y tế, bệnh viện, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ... nên người dân đô thị có điều kiện tiếp cận các thành tựu mới về khoa học, kỹ thuật cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao hơn so với nông thôn. Hình thành lối sống công nghiệp, xây dựng xã hội mới, hạn chế các phong tục lạc hậu của khu vực nông thôn. Ngoài ra đô thị hóa còn góp phần hình thành các khu du lịch, vui chơi, giải trí cho người dân, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc. + Những hạn chế, thách thức của đô thị hóa: Đi cùng với sự tăng trưởng và phát triển trong quá trình đô thị hoá là những hạn chế, thách thức tới sự phát triển ổn định của các đô thị. Đó là: - Phát triển mất cân đối: Do sự phát triển quá tập trung vào các đô thị làm cho trình độ phát triển giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng chậm phát triển và các vùng phát triển ngày càng lớn. Việc mở rộng không gian đô thị làm giảm diện tích đất nông nghiệp và tăng dòng người di dân từ nông thôn ra thành thị. - Phát triển không bền vững: Dân số đô thị tăng nhanh đã gây ra quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội đô thị ở hầu hết các đô thị đều phát triển chậm hơn so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đô thị. Phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, đặc biệt là tình trạng yếu kém và lạc hậu của hệ thống cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải rắn, hệ thống giao thông và nhà ở. - Năng lực quản lý hành chính của các chính quyền đô thị: Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương, việc quản lý đất đai, nhà ở, quản lý trật tự xây dựng đô thị là vấn đề nóng bỏng và thường xuyên, song hầu hết ở nhiều đô thị chưa tìm ra biện pháp quản lý hữu hiệu. Các phương tiện dịch vụ đô thị hiện đại (hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường...) là đối tượng quản lý phức tạp hơn, đòi hỏi trình độ, năng lực quản lý hành chính phải được nâng cao. Trong khi số đông cán bộ, viên chức trong bộ máy chính quyền quản lý đô thị chưa được đào tạo và bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về quản lý đô thị, kiến thức về kinh tế thị trường, trình độ còn bất cập so với yêu cầu, chưa đáp ứng được với yêu cầu đổi mới, lúng túng trước những vấn đề mới nẩy sinh [11]. Việc phát triển của đô thị cũng đòi hỏi tất yếu phải phân cấp, xác lập lại thẩm quyền, nhiệm vụ và các mối quan hệ giữa các ngành từ trung ương đến địa phương và việc nâng cao trình độ nghiệp vụ đối với các tổ chức và bản thân cán bộ quản lý để có thể thích nghi với những vấn đề mới. - Về an toàn xã hội, điều phối thu nhập và đói nghèo đô thị: Vấn đề đói nghèo và thất nghiệp thường diễn ra ở những đô thị phát triển nhanh nhưng thiếu cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật vững chắc, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân kéo theo sự mất an toàn xã hội, an ninh trật tự đô thị cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hấp dẫn đầu tư bị giảm sút. Việc giảm thiểu các tệ nạn xã hội đối với các đô thị cũng là vấn đề cần được quan tâm. Chênh lệch thu nhập đô thị tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về vật chất, dịch vụ đô thị khác có nhiều mức độ khác nhau, đòi hỏi các giải pháp tổ chức cung cấp dịch vụ đa dạng, đặc biệt là y tế, nhà ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp. Các thách thức đối với vấn đề tăng trưởng đô thị hiện nay cần được quan tâm, nếu không có các giải pháp “đáp ứng” kịp thời và tương xứng thì có thể dẫn đến sự phát triển không bền vững ở tất cả các đô thị. 2.2.4 Quan hệ giữa quá trình đô thị hóa với sự duy trì và phát triển làng nghề truyền thống Đô thị hóa là xu thế phát triển tất yếu của xã hội, là sự tập trung các nguồn lực cho phát triển công nghiệp, thương mại, khoa học, công nghệ, cơ sở hạ tầng ... sẽ tạo điều kiền thuận lợi để phát triển sản xuất, trong đó có các làng nghề truyền thống. Quá trình đô thị hóa cũng sẽ dẫn đến “biến mất” các làng nghề truyền thống khi các làng nghề này phát triển chuyển từ nông thôn sang thành thị. Mặc dù chuyển đổi từ làng nghề, xã thành phố nghề, phường thì những nghề truyền thống cũng thay đổi phù hợp trong hoàn cảnh xã hội mới, từ nơi trung tâm sản xuất sẽ chuyển sang phát triển thương mại, dịch vụ, đây sẽ là nơi hoàn thiện và bày bán giới thiệu sản phẩm là chính, còn nơi gia công, sản xuất sẽ là các làng nghề vệ tinh. Quá trình đô thị hóa gắn liền với sản xuất công nghiệp hiện đại, các sản phẩm công nghiệp được sử dụng và tiêu thụ khắp nơi. Tuy nhiên đối với những sản phẩm của làng nghề truyền thống có tính độc đáo, độ tinh xảo, nghệ thuật chứa đựng các giá trị văn hóa và được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của những người thợ sẽ vẫn được tồn tại, phát triển và được coi trọng, bảo tồn ví dụ như nghề chạm khắc, khảm trai, sơn mài, thêu ren ... Còn đối với những làng nghề truyền thống mà sản phẩm làm ra được thay thế bằng công nghệ hiện đại như nghề cơ khí, tái chế kim loại, giấy thì sẽ gặp nhiều khó, thậm chí bị mai một hoặc thất truyền. Ngoài ra quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị luôn đặt ra yêu cầu cao đối với công tác bảo vệ môi trường, do đó đối với những làng nghề truyền thống sản xuất bằng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sẽ không thể phát triển trong điều kiện chuyển đổi thành đô thị. 2.3 Cơ sở thực tiễn 2.3.1 Phát triển làng nghề ở một số nước trên thế giới và Việt Nam 2.3.1.1 Phát triển làng nghề ở một số nước trên thế giới * Trung Quốc: Nghề thủ công của Trung Quốc có từ lâu đời và nổi tiếng như gốm, dệt vải, dệt tơ lụa, luyện kim và nghề làm giấy... Sang đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã có khoảng 10 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp và không chuyên làm việc trong các hộ gia đình, trong các phường nghề và các làng nghề. Đến năm 1954, các ngành nghề TTCN được tổ chức vào các HTX, sau này trở thành các xí nghiệp Hương Trấn và cho đến nay vẫn tồn tại một số làng nghề. Xí nghiệp Hương Trấn là tên gọi chung các xí nghiệp công thương nghiệp, xây dựng và hoạt động ở khu vực nông thôn. Nó bắt đầu xuất hiện vào năm 1978 khi Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách mở cửa. Xí nghiệp Hương Trấn phát triển mạnh mẽ đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn. Vào những năm 1980 các xí nghiệp cá thể và làng nghề đã phát triển nhanh, góp phần tích cực trong việc tạo ra 68% giá trị sản lượng công nghiệp nông thôn. * Nhật Bản: Ngành nghề TTCN của Nhật Bản bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau như chế biến lương thực, thực phẩm, nghề đan lát, nghề dệt chiếu, nghề thủ công mỹ nghệ... Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, tuy tốc độ CNH và phát triển nhanh, song một số làng nghề vẫn tồn tại và các nghề thủ công vẫn được mở mang. Họ rất quan tâm chú trọng đến việc hình thành các xí nghiệp vừa và nhỏ ở thị trấn, thị tứ ở nông thôn để làm vệ tinh cho các xí nghiệp lớn ở đô thị. Đi đôi với việc thúc đẩy các ngành nghề thủ công cổ truyền phát triển, Nhật Bản còn chủ trương nghiên cứu các chính sách, ban hành các luật lệ, thành lập các viện nghiên cứu, viện mỹ thuật và thành lập nhiều văn phòng cố vấn khác. Nhờ đó các hoạt động phi nông nghiệp hoạt động một cách tích cực, thu nhập từ các ngành phi nông nghiệp chiếm tới 85% tổng thu nhập của các hộ. Năm 1993 các nghề thủ công và các làng nghề đạt giá trị sản lượng tới 8,1 tỷ đô la. * Hàn Quốc: Sau chiến tranh kết thúc, Chính phủ Hàn Quốc đã chú trọng đến CNH nông thôn, trong đó có ngành nghề thủ công và làng nghề truyền thống. Đây là một chiến lược quan trọng để phát triển nông thôn. Các mặt hàng được tập trung chủ yếu là: hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu, ngành nghề TCN và sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm theo công nghệ cổ truyền. Chương trình phát triển các ngành nghề ngoài nông nghiệp ở nông thôn tạo thêm việc làm cho nông dân bắt đầu từ năm 1997. Chương trình này tập trung vào các nghề sử dụng lao động thủ công, công nghệ đơn giản và sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, sản xuất quy mô nhỏ khoảng 10 hộ gia đình liên kết với nhau thành tổ hợp, ngân hàng cung cấp vốn tín dụng với lãi suất thấp để mua nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển ngành nghề thủ công truyền thống được triển khai từ những năm 1970-1980 đã có 908 xưởng thủ công dân tộc, chiếm 2,9% các xí nghiệp vừa và nhỏ, thu hút 23 nghìn lao động theo hình thức sản xuất tại gia đình là chính với 79,4% là dựa vào các hộ gia đình riêng biệt và sử dụng nguyên liệu địa phương và bí quyết truyền thống. * Đài Loan: Trong quá trình CNH Đài Loan đã xây dựng các cơ sở công nghiệp nhỏ sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm trong nông thôn. Ngoài ra các làng xã vẫn phát triển các nghề cổ truyền, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Do CNH nông thôn và ngành nghề truyền thống phát triển mà số hộ nông dân chuyên làm ruộng đến nay chỉ còn trên dưới 9%, trong đó cơ cấu thu nhập của các hộ nông dân thu nhập từ hoạt động ngoài nông nghiệp chiếm 60 - 62%. * Thái Lan: Đây là nước có nhiều ngành nghề TTCN và làng nghề truyền thống. Các nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ như chế tác vàng, bạc, đá quý và đồ trang sức được duy trì và phát triển tạo ra nhiều hàng hoá xuất khẩu, đứng vào hàng thứ hai trên thế giới. Do kết hợp được tay nghề của các nghệ nhân tài hoa với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, cạnh tranh được trên thị trường. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mỹ nghệ vàng bạc đá quý năm 1990 đạt gần 2 tỷ đô la. Nghề gốm sứ cổ truyền của Thái Lan trước đây chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng gần đây ngành này đã phát triển theo hướng CNH, HĐH và trở thành mặt hàng xuất khẩu thu ngoại tệ lớn thứ 2 sau gạo. Vùng gốm truyền thống ở Chiềng Mai đang được xây dựng thành trung tâm gốm quốc gia với 3 mặt hàng: gốm truyền thống, gốm công nghiệp và gốm mới, được sản xuất trong 21 xí nghiệp chính và 72 xí nghiệp lân cận. Cho đến nay 95% hàng hoá xuất khẩu của Thái Lan là đồ dùng trang trí nội thất và quà lưu niệm. Bên cạnh đó, nghề kim hoàn, chế tác ngọc, chế tác gỗ vẫn tiếp tục phát triển đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. * Ấn Độ: Là nước có nền văn hoá, văn minh rất lâu đời được thể hiện rất rõ trên các sản phẩm thủ công truyền thống. Bên cạnh nghề nông, hàng triệu người dân sinh sống bằng các nghề TTCN với doanh thu hàng năm gần 1000 tỷ rupi. Ở nông thôn Ấn Độ trong thời kỳ CNH nhiều cơ sở công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất công cụ cải tiến, công nghiệp cơ khí chế tạo và công cụ chế biến được phát triển. Đồng thời Chính phủ còn khuyến khích các ngành công nghiệp cổ truyền và TTCN cùng phát triển. Vào những năm 1980 lực lượng thợ thủ công hoạt động trong các làng nghề là 4-5 triệu người chuyên nghiệp, chưa kể hàng chục triệu nông dân làm nghề phụ, có những nghề sản xuất ra hàng tiêu dùng thủ công mỹ nghệ cao cấp như kim hoàn, vàng, bạc, ngọc ngà, đồ mỹ nghệ...[17] * Kinh nghiệm rút ra từ sự phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống của các nước trên thế giới đối với Việt Nam: - Thông qua sự phát triển làng nghề, ngành nghề TCN của một số nước được trình bày ở trên, thì muốn phát triển TCN trước hết phải chú ý phát triển làng nghề và ngành nghề truyền thống. Từ đó tạo thị trường nông thôn rộng lớn cho các sản phẩm phi nông nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển theo hướng CNH. Để tăng năng suất lao động và giảm lao động nặng nhọc, nhiều ngành nghề cổ truyền đã trang bị một phần máy móc thiết bị cơ khí và nửa cơ khí, kết hợp bàn tay điêu luyện và khối óc sáng tạo của các nghệ nhân. Vì thế các ngành nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền đang có điều kiện phát triển mạnh. Chính điều này đã tạo điều kiện để nông dân tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, làm quen với tác phong sản xuất công nghiệp. - Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ở nông thôn có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của làng nghề TTCN. Các nước đều chú ý đầu tư cho giáo dục và đào tạo tay nghề cho người lao động để họ tiếp thu được kỹ thuật tiên tiến. Các nước đều sử dụng triệt để các phương pháp huấn luyện tay nghề cho người lao động như: bồi dưỡng tại chỗ, bồi dưỡng tập trung, bồi dưỡng ngắn hạn, theo phương châm thiếu gì huấn luyện đấy. Đồng thời tiến hành lập các trung tâm, các viện nghiên cứu để đào tạo nghề một cách có hệ thống mà các cơ sở sản xuất hoặc các địa phương có nhu cầu. Ngoài ra các nước cũng rất chú ý đến kinh nghiệm thực tiễn, tức là mời các nhà kinh doanh, nhà quản lý có kinh nghiệm trong việc CNH nông thôn để báo cáo những chuyên đề hoặc mang các sản phẩm đi triển lãm, trao đổi... - Vai trò của Nhà nước trong việc giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tài chính, vốn cho các làng nghề truyền thống phát triển sản xuất kinh doanh. Sự hỗ trợ về vốn, tài chính của Nhà nước thông qua các dự án cấp vốn, bù lãi suất cho ngân hàng, bù giá đầu ra cho người sản xuất. Thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ này mà các làng nghề truyền thống lựa chọn kỹ thuật gắn với lựa chọn hướng sản xuất. Nhà nước tạo điều kiện cho các ngành, nghề thủ công truyền thống đổi mới công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. - Nhà nước có chính sách thuế và thị trường phù hợp để thúc đẩy làng nghề truyền thống phát triển. Đi đôi với việc hỗ trợ về tài chính, tín dụng là chính sách thuế và thị trường của nhà nước để khuyến khích làng nghề truyền thống phát triển. - Khuyến khích sự kết hợp giữa đại công nghiệp với TTCN, giữa trung tâm công nghiệp với làng nghề truyền thống, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Sự kết hợp giữa đại công nghiệp với TTCN và trung tâm công nghiệp với làng nghề truyền thống là thể hiện sự phân công lao động, thông qua hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong vấn đề lựa chọn kỹ thuật và lựa chọn hướng sản xuất. Để tạo dựng cho mối quan hệ này, ở hầu hết các nước đều thiết lập chương trình kết hợp giữa các trung tâm công nghiệp với làng nghề truyền thống [17]. Việc phát triển ngành nghề TCN, làng nghề truyền thống đã được các nước trên thế giới và trong khu vực xem đó là một giải pháp phát triển kinh tế xã hội nhằm tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân nông thôn. Hơn nữa các nước cũng còn xem xét phát triển TCN như là một biện pháp để thực hiện công nghiệp hoá (CNH)- hiện đại hoá (HĐH) nông nghiệp nông thôn. 2.3.1.2 Phát triển làng nghề ở Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh * Tình hình phát triển làng nghề ở Việt Nam Nghề truyền thống ở nước ta xuất hiện từ rất sớm. Từ thời kỳ Bắc thuộc (thế kỷ I trước công nguyên đến đầu thế kỷ X) ngoài sản xuất nông nghiệp đã hình thành và phát triển các làng nghề TTCN. Các làng nghề này chủ yếu sản xuất các công cụ và vật dụng làm bằng sắt, đồng, giấy, thủy tinh, mộc, xây dựng... Vào thế kỷ IV, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của Ấn Độ, người Việt Nam đã thổi những bình, bát thủy tinh nhiều màu sắc. Dưới thời Ngô đô hộ, hàng nghìn thợ thủ công Việt Nam bị bắt đưa sang Trung Quốc để xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp (Nam Kinh). Vào thời kỳ Lý-Trần (thế kỷ X-XIV) ngoài việc phát triển nông nghiệp như khai hoang vùng ven biển, củng cố đê điều thì TTCN và thương nghiệp cũng được triều đình chú trọng phát triển. Nổi bật nhất là nghề dệt ở vùng Thăng Long, nghề gốm ở Bát Tràng, nghề đúc đồng Đại Bái, Đê Cầu, Đông Mai (Bắc Ninh), làng rèn sắt Vân Chang (Nam Định)... Thời kỳ hậu Lê đến nhà Nguyễn, nông nghiệp phục hồi phát triển tạo điều kiện cho nghề TTCN phát triển mạnh và rộng khắp. Thời kỳ này riêng ở vùng đồng bằng sông Hồng có hàng trăm nghề như nghề dệt phát triển mạnh ở Hà Nội và Hà Tây, đúc đồng ở Ngũ Xã - Hà Nội, chế tác vàng bạc ở Châu Khê - Hải Dương, chạm bạc Đồng Xâm - Thái Bình, dát vàng quỳ Kiêu Kỵ - Hà Nội, gốm Hương Canh - Vĩnh Phúc, gốm sứ Quan Cậy - Hải Dương, sắt Đa Hội - Bắc Ninh. Đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX) các ngành nghề phát triển phong phú hơn, các sản phẩm gốm, tơ lụa không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được đem ra trao đổi với các thương nhân nước ngoài như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc... Thời kỳ Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) nhiều sản phẩm công nghiệp xâm nhập vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh và chiếm ưu thế về chất lượng và công nghệ làm cho một số nghề truyền thống bị mai một và thất truyền. Nhưng mặt khác lại kích thích một số ngành nghề khác phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Cũng trong thời kỳ này, một số nghề mới được du nhập từ Pháp và một số nước khác. Theo Nguyễn Huy Phúc, thời gian này TTCN Việt Nam có khoảng 102 phương pháp công nghệ khác nhau, trong đó có 44 loại công nghệ cổ truyền, 42 loại công nghệ mới du nhập và 16 loại công nghệ kết hợp. Các nghề mới xuất hiện và du nhập vào đầu thế kỷ XX như tráng gương bằng bạc, bàn ghế mây, chế biến trà... Giai đoạn từ hoà bình lập lại đến trước những năm 1986 (Miền Nam từ 1976-1996) giai đoạn này các làng nghề được chú trọng phát triển và thị trường chủ yếu là các nước Đông Âu. Mọi cá nhân, hộ làm ngành nghề được vận động vào làm trong các tổ hợp tác, các hợp tác xã. Đồng thời để hỗ trợ cho ngành nghề phát triển, nhà nước còn hình thành các xí nghiệp công tư xuất nhập khẩu để thu mua, trao đổi hàng hoá lấy sản phẩm trong các ngành nghề để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Vào năm 1986-1987 kim ngạch xuất khẩu đạt 246 triệu Rúp - Đôla. Ngành nghề TTCN phát triển đã thu hút hàng triệu lao động như ở Hà Tây năm 1986 làm nghề TTCN là 95.771 lao động, đến năm 1988 tăng lên tới 111.693 lao động, tăng 44,17%. Vào đầu những năm 1990 khi thị trường Đông Âu và Liên Xô cũ bị biến động nên hàng TTCN của Việt Nam không tiêu thụ được, sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở phải đóng cửa ngừng hoạt động, lao động TTCN giảm mạnh: Hà Tây năm 1988 có 111.693 lao động TTCN, đến năm 1991 chỉ còn 63.313 lao động, giảm 43,31%. Trong thời kỳ này ở Hải Phòng, trong 6 nghề thủ công đã giảm 11.000 lao động, ở Thái Bình, nghề mây tre đan sản phẩm tiêu thụ năm 1991-1992 chỉ bằng 10-15% so với giai đoạn 1988-1989. Từ năm 1993 trở lại đây, đường lối đổi mới kinh tế đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Chúng ta đã thực hiện chiến dịch mở rộng thị trường bằng tuyên bố “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, chính vì vậy đã chuyển từ thị trường các nước Đông Âu, Liên Xô truyền thống trước đây sang các nước khác, ưu tiên các nước trong khu vực. Giai đoạn này ngành nghề TTCN lại được phục hồi, chuyển hướng và phát triển [19]. * Tình hình phát triển làng nghề ở tỉnh Bắc Ninh Trong quá trình phát triển ngành nghề TCN ở Bắc Ninh, làng nghề đóng vai trò làm nòng cốt. Các làng nghề của Bắc Ninh xuất hiện khá sớm, dần dần hình thành các làng nghề truyền thống. Trong từng thời kỳ phát triển, có những sản phẩm phù hợp với thị trường được mở rộng dần ra các làng trong xã thành xã nghề, như đúc đồng ở xã Đại Bái, gốm ở xã Phù Lãng hay mộc mỹ nghệ ở xã Phù Khê, Hương Mạc, Đồng Quang. Ngoài ra các xã liền nhau cùng sản xuất một loại sản phẩm và tiếp tục lan sang một số xã xung quanh hình thành các cụm sản xuất sản phẩm khác nhau: Cụm hàng mộc mỹ nghệ, cụm sắt thép, cụm dệt (Từ Sơn); cụm giấy, cụm hàng nhôm (Yên Phong); cụm hàng đồng, hàng nhựa (Gia Bình); cụm gốm (Quế Võ) ... Trong quá trình vận động, sản xuất trong các làng nghề truyền thống cũng bộc lộ những hạn chế, mà sang thời kỳ kinh tế thị trường đã phân hoá rõ. Những làng nghề truyền thống trải qua nhiều thăng trầm mà vẫn giữ được nghề, chuyển đổi sản phẩm hoặc đầu tư trang thiết bị công nghệ mới thì không những tồn tại mà còn phát triển mạnh hơn (giấy Phong Khê, thép Đa Hội, mộc mỹ nghệ Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc). Những làng nghề truyền thống chậm đổi mới về sản phẩm và công nghệ thì mất dần thị trường, sản xuất bị thu hẹp, mai một [31]. Những năm qua một số làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh đã có sự tăng trưởng khá, trong đó phải kể đến các làng nghề: dệt, sản xuất giấy, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất giường, tủ, bàn ghế. Từ năm 1999 trở lại đây, nhờ có một loạt chính sách ưu tiên phát triển làng nghề và khôi phục các làng nghề truyền thống của tỉnh, một số làng nghề đã có sự phát triển nhanh. Các cụm công nghiệp làng nghề được hình thành là bước đột phá trong sự phát triển TCN của Bắc Ninh (Cụm công nghiệp làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê, mộc mỹ nghệ Đồng Quang, giấy Phong Khê, đồng Đại Bái...). 2.3.2 Tình hình đô thị hóa ở Việt Nam và trên thế giới 2.3.2.1 Tình hình đô thị hóa ở Việt Nam Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam được khái quát qua các giai đoạn sau: * Thời kỳ Pháp thuộc: Các đô thị chủ yếu giữ vai trò là trung tâm hành chính, nơi đồn trú của bộ máy chính quyền thực dân phong kiến. Để thực hiện chính sách vơ vét ở thuộc địa, thực dân Pháp đã cho xây một số điểm giao thông quan trọng, mở mang và củng cố các đô thị cũ, xây dựng thành phố mới. Do được đầu tư cơ sở hạ tầng dẫn đến nhiều thành phố được mở rộng và tính đến năm 1955 dân số đô thị đã chiếm tới 11%. * Thời kỳ 1955-1975: Là thời kỳ đất nước bị chia cắt hai miền, miền Bắc trong giai đoạn khôi phục kinh tế và đi theo con đường CNXH, chuẩn bị mọi nguồn lực cho giải phóng miền nam và bị chiến tranh phá hoại nặng nề của đế quốc Mỹ cho nên quá trình đô thị hóa chậm. Trong khi đó do được hậu thuẫn của đế quốc Mỹ và các chính sách của chính quyền Sài Gòn nên quá trình đô thị hóa ở miền Nam diễn ra mạnh mẽ, tình trạng dân di cư từ nông thôn ra thành thị tăng vọt. * Từ 1975 đến nay: Tỷ lệ dân số đô thị sút giảm tạm thời sau khi thống nhất đất nước, từ đầu những năm 1980 dân số đô thị nước ta bắt đầu tăng. Tuy nhiên nhịp độ tăng vẫn tương đối chậm, dân số đô thị có sự tăng trưởng tương đối ổn định ở mức thấp, tỷ lệ dân số tăng từ 17% năm 1990 lên 23,45% năm 1999, năm 2002 là 24% và gần 26% năm 2004. Tính đến năm 2006, cả nước đã có 718 đô thị, phân loại thành 2 đô thị loại đặc biệt, 3 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 23 đô thị loại III, 54 đô thị loại IV và 622 đô thị loại V. Trong đó 5 đô thị trực thuộc Trung ương, 91 thành phố, thị xã thuộc Tỉnh, và 622 thị trấn [22]. Trên bình diện rộng các đô thị của Việt Nam ngày càng phát triển mở rộng, dân số càng tăng, dòng người dị cư càng lớn, (ví dụ: nhóm di dân có 80% thời gian sống ở đô thị đang tăng nhanh tại các thành phố lớn như Hà Nội có khoảng 10-12 vạn và ở thành phố Hồ Chí Minh có từ 30-35 vạn), dẫn đến sự quá tải trong sử dụng hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, rồi việc hình thành các khu bần cư quanh đô thị, ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn lương thực không ngừng tăng cao trên phạm vi rộng. Bên cạnh đó môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên thiếu được đầu tư phục hồi nâng cấp dẫn đến sự mất cân bằng về tài nguyên ở nhiều nơi. Nhìn chung phát triển đô thị và đô thị hoá tại Việt Nam còn chưa cân đối (vùng chậm phát triển chiếm đến 82% tổng diện tích đất đô thị trong khi chỉ có 18% diện tích thuộc vùng đô thị phát triển). Tình trạng phát triển đô thị và đô thị hoá hiện nay chưa thể hiện rõ bản sắc địa phương của vùng, miền và đặc điểm khí hậu và ít nhiều tạo sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Về tài chính đô thị cũng chưa kích thích và chưa huy động được sự tham gia của khối kinh tế tư nhân và từ cộng đồng do nhận thức về phát triển đô thị và đô thị hoá còn bị hiểu sai lệch, nhiều nơi đô thị hoá tạo nên hình ảnh phát triển đô thị lộn xộn thiếu quản lý. Về quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở phần lớn các đô thị Việt Nam đều chậm so với phát triển kinh tế - xã hội đô thị. Quy hoạch chung xây dựng đô thị đã được lập cho hầu hết các đô thị lớn nhỏ, tuy nhiên quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị như cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải chỉ mới được lập cho một số đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh [16]. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, kinh phí đầu tư chủ yếu vẫn trông chờ vào cơ chế cấp phát ngân sách của Nhà nước và chờ đợi vào các nguồn tài trợ từ nước ngoài. Quá trình xây dựng các dự án phát triển đô thị, đặc biệt các dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra còn chậm và khả năng hội nhập quốc tế chưa cao. Chính vì vậy cho đến nay việc thực hiện chiến lược phát triển đô thị và đô thị hoá hoá trên toàn quốc vẫn còn nhiều hạn chế vướng mắc. 2.3.2.2 Tình hình đô thị hóa trên thế giới - Đô thị hóa ở Trung Quốc: Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, trong nửa thế kỷ qua quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Kể từ sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quá trình đô thị hóa bắt đầu diễn ra. Trong giai đoạn này công nghiệp tăng trưởng mạnh, dẫn đến quá trình đô thị hóa nhanh, xuất hiện dòng di cư lớn dân nông thôn ra thành thị. Đến năm 1961, dân số đô thị lên đến 123,71 triệu người, chiếm 18,14% dân số cả nước. Thời kỳ này các thành phố ở Trung Quốc phát triển mạnh, vượt quá khả năng kinh tế, đã có 339 thành phố, trong đó 39 thành phố lớn. Sau thời kỳ này chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách phát triển chậm lại quá trình đô thị hóa bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nhẹ, giảm bớt công nhân viên chức, nhân khẩu ở thành thị, thụ hẹp, điều chỉnh các thành phố cực lớn [23]. Từ năm 1978 đến nay với các chính sách mở cửa, cải cách thể chế kinh tế đã làm cho nền kinh tế bước vào thời kỳ cao trào, quá trình đô thị hóa phát triển vào giai đoạn mới. Tỷ trọng dân số thành thị tăng nhanh chóng từ 17,6% năm 1977 lên 29,4% năm 1995, tốc độ tăng dân số đô thị đứng đầu thế giới 4,1% bình quân năm. - Đô thị hóa ở Nhật Bản: Cũng giống như các nước công nghiệp phát triển cao như Tây Âu, Mỹ ... Nhật Bản cũng là nước phát triển và có tỷ lệ dân cư sống tập trung ở các đô thị cao, chiếm trên 80% tổng dân số. Quá trình đô thị hóa ở Nhật Bản diễn ra mạnh từ những năm 1945, khi đó dân cư thành thị chiếm 30% tổng dân số nhưng đến năm 1985 đã tới 80% dân số sống ở các đô thị. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, số lượng các thành phố tăng lên nhanh chóng. Từ 501 thành phố vào năm 1957 đã tăng lên 625 thành phố năm 1987. Về tổng thể sự phát triển nhanh chóng của các thành phố Nhật Bản theo mô hình gia tăng dân số, sự phát triển chủ yếu các thành phố ra đời trước kia từ khu vực nông thôn [23]. 2.3.3 Vai trò của phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở nông thôn 2.3.3.1 Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Đô thị hóa trên thế giới được bắt đầu từ cách mạng thủ công nghiệp, sau đó là sự phát triển của công nghiệp hay công nghiệp hóa là cơ sở để phát triển đô thị. Đối với nước ta đang trong giai đoạn CNH-HĐH, thì phát triển làng nghề truyền thống có vai trò tích cực làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thu hẹp tỷ trọng của nông nghiệp, chuyển lao động từ sản xuất nông nghiệp có thu nhập thấp sang ngành nghề phi nông nghiệp có thu nhập cao. Như vậy phát triển làng nghề truyền thống góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn. Quá trình này thấy rõ ở các vùng ven đô thị lớn và có nghề truyền thống phát triển. Do từng bước được tiếp cận với nền kinh tế thị trường, người lao động cũng dần dần hình thành lối sống công nghiệp. Cho đến nay sự phát triển của làng nghề truyền thống đã làm cơ cấu kinh tế ở nhiều làng nghề có công nghiệp và dịch vụ chiếm từ 60-80%, trong khi nông nghiệp chiếm 20-40% [28]. 2.3.3.2 Giải quyết việc làm Hiện nay ở nước ta đang diễn ra đô thị hóa nhanh, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ ... đã làm trung bình mỗi năm có khoảng 80-100 nghìn ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi và kéo theo khoảng 1,5-2 triệu người mất việc làm [18]. Sức ép về việc làm, thu nhập đã thúc đẩy người nông dân di cư đến các thành phố, nơi thường xuyên có nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động giản đơn. Do vậy giảm tỷ lệ thất nghiệp là vấn đề thời sự của hầu hết các đô thị. Một trong những giải pháp mang tính chiến lược là phát triển những làng nghề truyền thống ở nông thôn với nhiều ngành nghề đa dạng và phong phú, có khả năng phát triển rộng khắp trong nông thôn, góp phần tích cực giải quyết một phần lao động địa phương, trong đó có cả những người bị mất đất trong quá trình đô thị hóa có điều kiện chuyển đổi sang ngành nghề khác. Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống đã thu hút được nhiều lao động, chủ yếu lực lượng lao động nông thôn, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Sự phát triển của làng nghề truyền thống không chỉ thu hút lao động trong gia đình, làng xã mình mà còn thu hút được nhiều lao động từ các địa phương khác. Các làng nghề truyền thống phát triển tạo ra cho hàng nghìn lao động từ nơi khác đến làm thuê như ở Bát Tràng (Hà Nội), Vạn Phúc (Hà Tây), Đồng Kỵ, Đa Hội (Bắc Ninh) ... Bình quân một cơ sở chuyên ngành nghề tạo việc làm thường xuyên cho 4-6 người (trong đó có 2-4 người làm thuê). Ngoài ra còn thu hút lao động thiếu việc làm từ lao động nông nghiệp bình quân 5 người/cơ sở và 2 người/hộ ngành nghề [10]. Làng nghề truyền thống phát triển kéo theo sự hình thành và phát triển các ngành nghề khác như dịch vụ cung cấp nguyên, nhiên liệu, dịch vụ vận tải, dịch vụ tín dụng, ngân hàng. Vai trò tạo việc làm của các làng nghề truyền thống còn thể hiện rất rõ ở sự phát triển nghề truyền thống sang các làng nghề khác và tạo thêm nhiều việc làm cho các làng nghề này. 2.3.3.3 Hạn chế sự di dân tự do Đô thị hóa cũng tạo ra “sức hấp dẫn” về việc làm và thu nhập, về các cơ hội đối với lực lượng lao động nông thôn. Chính “sức hấp dẫn” của đô thị hóa là hiệu ứng kích thích “sức đẩy” di dân từ nông thôn ra thành thị, từ vùng này sang vùng khác, đây là điều mang tính quy luật của đô thị hóa. Việc di dân tự do có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là các trung tâm đô thị, thành phố lớn. Ở Hà Nội từ năm 1986-1993 hàng năm dân số tăng 55.000 người, trong đó có tới 22.000 người nhập cư. Trong 4 năm từ 1997-2001 Hà Nội đã có 161.000 người nhập cư ngoài tỉnh tức là tương đương dân số của một quận nội thành [20]. Để khắc phục tình trạng trên, nhà nước đã có nhiều chính sách để hạn chế di dân tự do thông qua phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, đặc biệt chú ý phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống và dịch vụ nông thôn. Việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống đã được thúc đẩy trên phạm vi cả nước và nó thực sự đã tạo ra sự chuyển biến quan trọng trong việc tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Từ đó giảm sức ép và hạn chế dòng di dân tự do hiện nay. 2.3.3.4 Nâng cao thu nhập, cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn Làng nghề truyền thống có vai trò quan trọng, là động lực trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần làm tăng thu nhập cho người lao động nông thôn. Thực tế cho thấy ở những nơi có ngành nghề phát triển thì ở đó có thu nhập cao và mức sống cao hơn vùng thuần nông, thu nhập lao động ngành nghề cao hơn 2-4 lần lao động nông nghiệp. Có những làng nghề có thu nhập cao như làng gốm Bát Tràng: Mức thu nhập bình quân các hộ thấp cũng đạt từ 10 - 20 triệu đồng/năm, các hộ trung bình 40 - 50 triệu đồng/năm, còn các hộ có thu nhập cao tới hàng trăm triệu đồng/năm [30]. Để thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn thì cơ sở hạ tầng phải được ưu tiên đầu tư trước. Tại những nơi có làng nghề truyền thống phát triển, người dân có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn, khi đó người dân trong làng nghề có điều kiện tham gia cùng Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc và các yếu tố thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống văn hóa, nâng cao dân trí, sức khỏe như trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường... Kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nông thôn, trong đó tạo ra điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất làng nghề truyền thống, nâng cao đời sống, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. 2.3.3.5 Đa dạng hóa kinh tế nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa Làng nghề truyền thống được hình thành lâu đời trong lịch sử, trải qua một thời kỳ dài sản xuất tự túc, tự cấp. Ngày nay cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, chuyển đổi sang nền sản xuất hàng hóa thì làng nghề truyền thống có vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội ở nông thôn. Hình thành và phát triển nền sản xuất hàng hóa đa dạng các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra nó còn kéo theo sự phát triển của nhiều nghề khác như thương mại, dịch vụ, vận tải, thông tin liên lạc ... Phát triển làng nghề truyền thống góp phần đa dạng hóa kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Do sự phát triển sản xuất và mở rộng thị trường làm hình thành nên các trung tâm giao lưu, buôn bán, dịch vụ và trao đổi hàng hóa. Vì vậy có thể thấy ngay ở một làng nghề phát triển thì hình thành ở đó phố chợ sầm uất. Chính nhờ có quá trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp qúa trình đô thị hóa diễn ra “từ làng ra phố” [27]. Từ đó hình thành cụm dân cư với lối sống đô thị ngày một rõ nét. Nông thôn thay đổi và từng bước được đô thị hóa qua việc xuất hiện các thị trấn, thị tứ. Vậy phát triển làng nghề truyền thống thúc đẩy đô thị hóa nông thôn, đây là một xu hướng tất yếu, thể hiện trình độ phát triển kinh tế, xã hội nông thôn. 2.3.3.6 Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa dân tộc Quá trình đô thị hóa hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta, nhưng do thực hiện công cuộc đô thị hóa không hài hòa giữa các vùng dân cư, các vùng kinh tế chiến lược của đất nước làm cho đời sống văn hóa bị ảnh hưởng xấu. Đi cùng với quá trình đô thị hóa là sự ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa du nhập từ các nước khác nhau. Trong đó cũng có các văn hóa có nội dung không lành mạnh, không phù hợp và có tác động xấu đến văn hóa, thuần phong, mỹ tục của đất nước [13]. Vì vậy khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc trong quá trình CNH-HĐH và đô thị hóa ở nước ta. Lịch sử phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa dân tộc, đồng thời là sự biểu hiện chung nhất bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống làm ra là sự kết tinh, sự giao lưu và phát triển các giá trị văn hóa, văn minh lâu đời của dân tộc. Những sản phẩm đó mang nét đặc sắc riêng, đặc tính của mỗi làng nghề. Với những đặc điểm ấy chúng không chỉ còn là hàng hóa đơn thuần mà đã trở thành sản phẩm văn hóa có tính nghệ thuật cao và được coi là biểu tượng nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nghề truyền thống, đặc biệt là nghề thủ công mỹ nghệ là những di sản quý giá mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra và truyền lại cho các thế hệ sau [4]. 3. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1 Đặc điểm địa bàn nghiên cứu 3.1.1 Đặc điểm tự nhiên 3.1.1.1 Vị trí địa lý Từ Sơn nằm ở phía Bắc cách thủ đô Hà Nội 18 km và cách thành phố Bắc Ninh 13 km. Về địa giới hành chính Từ Sơn có vị trí tiếp giáp như sau: - Phía Bắc giáp huyện Yên Phong - Bắc Ninh - Phía Nam giáp huyện Gia Lâm - Hà Nội - Phía Đông giáp huyện Tiên Du - Bắc Ninh - Phía Tây giáp huyện Gia Lâm và Đông Anh - Hà Nội 3.1.1.2 Địa hình Khu vực Từ Sơn nói chung có địa hình cao ráo bằng phẳng, cốt cao độ dao động từ 4,5m - 6,5m, có chỗ gò cao 7,0m-15m. Cấu tạo địa tầng chủ yếu là đất sét pha có cường độ chịu lực khá và ổn định, đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình. Nhìn chung địa hình của huyện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới khu dân cư, các khu công nghiệp, TTCN. 3.1.1.3 Khí hậu và thời tiết Do nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng nên khí hậu thời tiết của Từ Sơn mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm với hai mùa rõ rệt. Mùa khô lạnh bắt đầu từ tháng 11 năm trước kết thúc vào tháng 4 năm sau, mùa mưa nóng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Ngoài ra ở Từ Sơn vào các tháng mùa hạ còn bị ảnh hưởng của gió bão kèm theo mưa lớn kéo dài nhiều ngày gây ngập úng cho một số vùng trũng của huyện gây không ít khó khăn cho sản xuất và đời sống của dân cư. Vào mùa đông đôi khi có sương muối xuất hiện làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện khí hậu như trên Từ Sơn có thể phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, nhưng lượng mưa lớn tập trung theo mùa là yếu tố hạn chế đến sản xuất nông nghiệp. 3.1.1.4 Đặc điểm đất đai của huỵên Huyện Từ Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên là 6.133,23 ha (chiếm 7,45% diện tích tự nhiên của tỉnh), phân bố không đều giữa các đơn vị hành chính, mật độ dân số hiện nay là 2.111 người/km2. Toàn huyện có 10 xã và một thị trấn, xã có diện tích đất tự nhiên lớn nhất là xã Đình Bảng có 845,2 ha chiếm 13,78% diện tích của huyện, thị trấn Từ Sơn có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất là 29,44 ha chiếm 0,48%, diện tích đất tự nhiên bình quân trên đầu người 0,05 ha, đây là mức thấp so với toàn tỉnh. Bảng 3.1 cho thấy tình hình sử dụng đất đai của huyện Từ Sơn qua các năm 1999- 2006. Đất nông nghiệp có diện tích lớn nhất trong các loại đất (chiếm 69,27% năm 1999), tiếp đó là đến đất chuyên dùng, đất ở. Diện tích đất nông nghiệp trong những năm qua liên tục giảm và chủ yếu là đất trồng cây hàng năm. Diện tích đất nông nghiệp năm 1999 là 4.248,22 ha đến năm 2006 chỉ còn 3.608,43 ha giảm 639,79 ha tương ứng 15,06%, trong đó diện tích cây hàng năm giảm cao nhất là 695,42 ha. Tuy nhiên diện tích đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm tăng. Nguyên nhân dẫn đến diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh từ năm 1999 đến năm 2006 là do việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng và nhà ở để đáp ứng quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn huyện. Bảng 3.1 Đặc điểm đất đai huyện Từ Sơn (1999-2006) Chỉ tiêu Diện tích (ha) So sánh 2006/1999 BQ (%) 1999 2000 2004 2005 2006 (+, -) (%) Tổng diện tích tự nhiên 6.133,23 6.133,23 6.133,23 6.133,23 6.133,23 - 100,00 100,00 1. Đất nông nghiệp (NN) 4.248,22 4.234,62 3.838,83 3.711,97 3.608,43 - 639,79 84,94 97,70 1.1 Đất trồng cây hàng năm 4.059,46 4.041,40 3.593,11 3.468,62 3.364,04 - 695,42 82,87 97,35 1.2 Đất lâm nghiệp 4,30 4,30 2,89 2,89 2,89 - 1,41 67,21 94,48 1.3 Đất nuôi trồng thuỷ sản 179,65 182,97 209,97 207,60 208,64 28,99 116,14 102,16 1.4 Đất nông nghiệp khác 4,81 5,95 32,86 32,86 32,86 28,05 683,16 131,59 2. Đất chuyên dùng 1.031,58 1.043,04 1.372,01 1.482,08 1.577,12 545,54 152,88 106,25 2.1 Đất sản xuất, kinh doanh 23,09 24,41 252,62 303,82 393,27 370,18 1.703,20 149,93 2.2 Đất có mục đích công cộng 985,82 995,32 1.077,00 1.134,42 1.139,61 153,79 115,60 102,09 2.3 Đất chuyên dùng khác 22,67 23,31 42,39 43,84 44,24 21,57 195,15 110,02 3. Đất ở 564,25 567,44 633,14 651,73 656,68 92,43 116,38 102,19 4. Đất phi NN khác 289,18 288,13 289,25 287,45 291,00 1,82 100,63 100,09 Nguồn: Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Từ Sơn 3.1.2 Đặc điểm kinh tế xã hội 3.1.2.1 Đặc điểm dân số lao động Tình hình dân số - lao động của huyện qua các năm 1999 - 2006 được thể hiện bảng 3.2 Dân số huyện Từ Sơn liên tục tăng, năm 1999 dân số toàn huyện là 115.581 người, đến năm 2006 là 129.452 người, tăng 13.871 người tương ứng 12,0 % so với năm 1999, trung bình mỗi năm dân số tăng 1,63%. Cùng với sự thay đổi về dân số thì số hộ cũng tăng qua các năm, từ 26.373 hộ năm 1999 thì năm 2006 là 31.142 hộ, tăng 4.769 hộ tương ứng 18,08%. Do sự biến động về đất đai trong nông nghiệp, đất khu công nghiệp đã kéo theo sự thay đổi lao động trong các ngành nghề sản xuất của huyện. Số hộ nông nghiệp năm 1999 là 14.051 hộ (chiếm 53,28% tổng số hộ) thì đến năm 2006 là 5.078 hộ, giảm 8.973 hộ tương ứng với 63,86%. Lao động nông nghiệp giảm mạnh qua các năm từ 37.130 lao động năm 1999 còn 13.799 lao động vào năm 2006, giảm 23.331 lao động so với năm 1999. Ngược lại lao động phi nông nghiệp tăng nhanh, năm 1999 lao động phi nông nghiệp là 25.447 lao động (chiếm 40,67%), đến năm 2006 là 68.319 lao động (chiếm 83,20%), tăng 42.872 lao động tương ứng với 168,48% so với năm 1999. Qua đó cũng phản ánh sự phát triển của ngành nghề TCN của huyện trong những năm qua. Bảng 3.2 Tình hình dân số - lao động huyện Từ Sơn (1999-2006) Chỉ tiêu ĐVT Năm So sánh 2006/1999 BQ (%) 1999 2000 2004 2005 2006 (+, -) (%) 1. Tổng số hộ hộ 26.373 27.022 29.474 30.456 31.142 4.769 118,08 102,40 1.1 Hộ nông nghiệp hộ 14.051 12.997 9.142 6.821 5.078 -8.973 36,14 86,47 1.2 Hộ phi nông nghiệp hộ 12.322 14.025 20.332 23.635 26.064 13.742 211,52 111,30 Trong đó: Hộ ngành nghề TCN hộ 5.472 6.124 8.874 10.520 12.180 6.708 222,59 112,11 2. Tổng số nhân khẩu khẩu 115.581 117.388 123.650 127.412 129.452 13.871 112,00 101,63 2.1 Theo giới tính: - Nam khẩu 57.526 57.900 61.701 63.752 64.134 6.608 111,49 101,57 - Nữ khẩu 58.055 59.488 61.949 63.660 65.318 7.263 112,51 101,70 2.2 Theo khu vực: - Thành thị khẩu 3.944 3.761 3.801 3.991 4.034 90 102,28 100,32 - Nông thôn khẩu 111.637 113.627 119.849 123.421 125.418 13.781 112,34 101,68 3. Tổng số lao động (lđ) lđ 62.577 64.212 72.177 76.895 82.118 19.541 131,23 103,96 3.1 Lao động nông nghiệp lđ 37.130 36.880 22.782 18.283 13.799 - 23.331 37,16 86,81 3.2 Lao động phi nông nghiệp lđ 25.447 27.332 49.395 58.612 68.319 42.872 268,48 115,15 Trong đó: Lao động TCN ld 15.104 17.283 24.499 31.093 39.556 24.452 261,89 114,74 4. Một số chỉ tiêu BQ/hộ 4.1 Số nhân khẩu BQ/hộ khẩu/hộ 4,38 4,34 4,20 4,18 4,16 -0,23 94,85 99,25 4.2 Số lao động BQ/hộ lđ/hộ 2,37 2,38 2,45 2,52 2,64 0,26 111,13 101,52 Nguồn: Phòng Thống kê huyện Từ Sơn 3.1.2.2 Đặc điểm cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất - Giao thông: Huyện có hệ thống giao thông đường bộ tương đối hoàn chỉnh: đường quốc lộ 1A có chiều dài 8 km, đường cao tốc quốc lộ 1B dài 4 km, đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn chạy qua huyện dài 7,5 km. Đường liên xã, trục thôn, ngõ xóm hầu hết được nhựa rải nhựa hoặc bê tông hóa. - Thuỷ lợi: Đê sông Ngũ Huyện Khê được nâng cấp và rải cấp phối được 36 km mặt đê đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và thuận lợi về giao thông cho các xã có đê. Toàn huyện đã kiên cố hoá được 25 km kênh mương cấp III và 5 km kênh mương cấp II. Với hệ thống kênh mương như vậy đã tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển khá toàn diện, cơ cấu mùa vụ từng bước được bố trí hợp lý. - Điện, thông tin liên lạc: Hiện nay 100% số thôn trong huyện đều có điện tiêu dùng và sản xuất, với 35 km đường dây cao thế 35 kw, 153 km đường dây cao thế 10 kw, 214 trạm biến áp, hạ áp. Tuy nhiên, thiết bị đường dây nhiều tuyến quá cũ, xuống cấp nghiêm trọng gây tổn hao điện năng lớn dẫn đến giá bán điện cho hộ còn ở mức cao. Đến nay 10/10 xã của huyện đã có điểm bưu điện văn hoá, toàn huyện có 32.377 máy điện thoại thuê bao, đưa bình quân 23 máy/100 người dân góp phần đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng trong phạm vi huyện. - Y tế: Tuy còn khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nhưng ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc khám chữa bệnh. Đến nay huyện có 1 bệnh viện đa khoa, 1 trung tâm y tế dự phòng và 11/11 xã, thị trấn có trạm y tế với đội ngũ y bác sỹ đã được đào tạo chuyên môn tốt phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy vậy việc quản lý hành nghề y dược tư nhân chưa chặt chẽ, công suất sử dụng giường bệnh còn thấp, việc kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thường xuyên. - Giáo dục - đào tạo: Phát triển khá toàn diện, hiện nay toàn huyện có 4 trường phổ thông trung học (trong đó có 1 trường dân lập), 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, có 16 trường tiểu học, 13 trường trung học cơ sở, 66 nhà trẻ mẫu giáo. Đến nay đã có 11/11 xã, thị trấn có trường học xây dựng kiên cố đạt 82,7%, có 26/43 trường học đạt chuẩn quốc gia. Nằm trên địa bàn huyện còn có trường Đại học Thể dục thể thao Trung ương I, trường Cao đẳng công nghệ Bắc Hà, trường Cao đẳng thuỷ sản và trường Trung cấp quản lý kinh tế công nghiệp. 3.1.2.3 Tình hình phát triển về kinh tế Từ Sơn được coi là nơi đất chật người đông. Vì thế từ xưa đến nay người dân nơi đây không bao giờ chỉ trông chờ vào thửa ruộng chịu đói, chịu nghèo. Nhiều làng nghề truyền thống ở các xã đã được duy trì và phát triển, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Đó là nghề mộc mỹ nghệ ở Đồng Quang, Phù Khê, Hương Mạc, sắt thép ở Châu Khê, dệt ở Tương Giang, sơn mài ở Đình Bảng, xây dựng ở Đồng Nguyên. Ngoài ra Từ Sơn còn nổi tiếng với những sản phẩm giò, chả, nem, bún ở làng Lã (Tân Hồng), bánh phu thê Đình Bảng, rượu nếp cẩm Đồng Nguyên. Toàn huyện có 10 cụm công nghiệp làng nghề và đa nghề do huyện quản lý với tổng diện tích 196,32 ha, 1 khu công nghiệp tập trung (KCN Tiên Sơn) do tỉnh quản lý với diện tích 232,28 ha. Nhìn chung KCN tập trung và cụm công nghiệp làng nghề đã và đang xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng và đi vào sản xuất, tỷ lệ lấp đầy từ 30 - 100%. Trong đó 7 cụm công nghiệp làng nghề cơ bản xây dựng xong và đi vào sản xuất: Cụm công nghiệp sản xuất thép Châu Khê, cụm công nghiệp Lỗ Sung - Đình Bảng, cụm công nghiệp Mả Ông, cụm công nghiệp Dốc Sặt, cụm công nghiệp dệt xã Tương Giang, cụm công nghiệp Đồng Nguyên và cụm công nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Quang với tổng diện tích 95,04 ha [2]. Ngoài ra, Từ Sơn đang tiếp tục giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Tiên Sơn, mở rộng các cụm công nghiệp sắt thép Châu Khê giai đoạn II và đa nghề xã Đình Bảng, đang triển khai 8 dự án các cụm công nghiệp và dịch vụ thương mại với tổng diện tích 179,43 ha tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư vốn, trang bị máy móc, thiết bị, kịp thời đưa vào sản xuất tạo sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời góp phần thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Đến năm 2006 đã có 507 cơ sở thuê đất trong các khu, cụm công nghiệp làng nghề đi vào hoạt động ổn định. Kết quả phát triển kinh tế của huyện qua các năm được thể hiện qua bảng 3.3 Tổng giá trị sản xuất của huyện không ngừng tăng lên qua các năm, năm 1999 tổng giá trị sản xuất là 664.592 triệu đồng, đến năm 2006 là 2.710.329 triệu đồng, tăng 2.045.737 triệu đồng tương ứng 307,82% so với năm 1999, bình quân giá trị sản xuất mỗi năm tăng 22,24%. Đóng góp lớn nhất trong tổng giá trị sản xuất của huyện là ngành CN- TTCN, năm 2006 là 2.159.968 triệu đồng, so với năm 1999 giá trị sản xuất ngành CN-TTCN tăng 1.719.514 triệu đồng tương ứng 390,4% và là ngành có tốc độ tăng hàng năm cao nhất là 25,50%. Trong khi đó ngành nông, lâm, thủy sản có giá trị sản xuất nhỏ nhất trong các ngành, giá trị sản xuất năm 2006 là 155.607 triệu đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm là 2,42%. Nguyên nhân chính là đất nông nghiệp bị mất nhiều diện tích để chuyển đổi sang đất phục vụ các khu, cụm công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng. Bảng 3.3 Kết quả phát triển kinh tế huyện Từ Sơn (1999-2006) (Theo giá cố định năm 1994) Chỉ tiêu ĐVT Năm So sánh 2006/1999 BQ (%) 1999 2000 2004 2005 2006 (+, -) (%) 1. Tổng GTSX tr.đ 664.592 832.916 1.747.277 2.109.274 2.710.329 2.045.737 407,82 122,24 1.1 Ngành nông, lâm, thủy sản tr.đ 131.660 142.366 158.462 156.427 155.607 23.947 118,19 102,42 - Nông nghiệp tr.đ 128.058 137.982 152.659 149.965 148.151 20.093 115,69 102,10 - Lâm nghiệp tr.đ 435 533 144 126 161 - 274 37,01 86,76 - Thủy sản tr.đ 3.167 3.851 5.659 6.336 7.295 4.128 230,34 112,66 1.2 Ngành CN-TTCN tr.đ 440.454 564.832 1.340.817 1.640.434 2.159.968 1.719.514 490,40 125,50 1.3 Ngành dịch vụ tr.đ 92.478 125.718 247.998 312.413 394.754 302.276 426,86 123,04 2. Chỉ tiêu BQ 2.1 Tổng GTSX/hộ tr.đ/hộ 25,20 30,82 59,28 69,26 87,03 61,83 345,37 119,37 2.2 Tổng GTSX/khẩu tr.đ/khẩu 5,75 7,10 14,13 16,55 20,94 15,19 364,12 120,28 2.3 Tổng GTSX/lđ tr.đ/lđ 10,62 12,97 24,21 27,43 33,01 22,38 310,77 117,58 Nguồn: Phòng Thống kê huyện Từ Sơn Qua số liệu về cơ cấu giá trị sản xuất các ngành (theo giá cố định năm 1994) thì chúng ta thấy đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế qua các năm theo hướng tăng dần tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản. Để thấy rõ hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế này được thể hiện qua biểu đồ sau: Biểu đồ 3.1 Cơ cấu kinh tế huyện Từ Sơn (1999-2006) Qua biểu đồ 3.1 cho thấy cơ cấu kinh tế của huyện những năm qua chuyển dịch theo hướng CN, TTCN - Dịch vụ - Nông nghiệp. Trong đó giá trị sản xuất ngành CN-TTCN có cơ cấu lớn nhất trong các ngành, từ 66,3% năm 1999 tăng lên 79,7% năm 2006 cơ cấu kinh tế của huyện. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản có cơ cấu kinh tế giảm dần, năm 1999 chiếm 19,8% thì đến năm 2006 chỉ còn chiếm 5,7% cơ cấu giá trị sản xuất toàn huyện. Còn ngành dịch vụ cũng có tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất qua các năm, cơ cấu giá trị sản xuất đứng thứ hai sau ngành CN- TTCN, cơ cấu giá trị sản xuất tăng từ 13,9% năm 1999 lên 14,6% năm 2006. 3.2 Phương pháp nghiên cứu 3.2.1 Phương pháp nghiên cứu chung Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử được chúng tôi sử dụng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu. Sự phát triển của làng nghề truyền thống được xem xét trong mối quan hệ hữu cơ, gắn bó, ràng buộc của nhiều yếu tố tác động qua lại lẫn nhau và phải gắn với chủ trương phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước và của từng địa phương. Bằng phương pháp này chúng ta có thể thấy được sự thay đổi, phát triển của các làng nghề truyền thống dưới sự thay đổi của các yếu tố khác nhau. 3.2.2 Phương pháp nghiên cứu cụ thể 3.2.2.1 Phương pháp thu thập số liệu * Phương pháp thu thập tài liệu có sẵn: Những số liệu này là những số liệu thứ cấp được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm các sách, báo, tạp chí, các văn kiện, nghị quyết, các công trình đã được xuất bản, các số liệu về tình hình cơ bản của địa bàn nghiên cứu, số liệu thống kê phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo các kết quả nghiên cứu đã công bố của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học. Những số liệu này được thu thập bằng cách sao chép, đọc, trích dẫn như trích dẫn tài liệu tham khảo. * Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp: Số liệu sơ cấp là những số liệu phục vụ cho việc tính toán các chỉ tiêu phân tích để thực hiện nội dung nghiên cứu của đề tài. Số liệu sơ cấp được tổ chức điều tra trực tiếp trên cơ sở xác định các mẫu điều tra có tính chất đại diện. - Phương pháp điều tra: + Chọn điểm điều tra: Hiện nay trên địa bàn huyện có 9 làng nghề truyền thống, trong đó 1 làng nghề sản xuất sắt thép, 2 làng nghề dệt và 6 làng nghề mộc mỹ nghệ. Từ đó chúng tôi chọn ra 3 làng nghề tiêu biểu, đại diện cho 3 nhóm ngành nghề truyền thống trên để chọn điểm điều tra là làng nghề sắt thép Đa Hội - xã Châu Khê, làng nghề mộc mỹ nghệ Đồng Kỵ - xã Đồng Quang và làng dệt Hồi Quan xã Tương Giang. Đây là những làng nghề truyền thống phát triển mạnh và có quá trình đô thị hóa nhanh. Trong các làng nghề chúng tôi chọn các cơ sở sản xuất đại diện (công ty TNHH, HTX, hộ) để điều tra. + Số mẫu điều tra: Số mẫu điều tra được xác định dựa trên số lượng hộ, cơ sở sản xuất trong các làng nghề truyền thống. Qua khảo sát tại 3 làng nghề có tổng số 2.784 cơ sở chúng tôi chọn 100 cơ sở để điều tra. Số mẫu cụ thể cần chọn của từng làng nghề truyền thống được thể hiện qua bảng 3.4 + Nội dung của biểu mẫu điều tra gồm: số khẩu, số lao động, diện tích đất canh tác, diện tích đất cho sản xuất trong làng nghề, tài sản cố định và vốn dùng trong sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất, tình hình tiêu thụ sản phẩm... Thu thập những thông tin số liệu này bằng phương pháp quan sát, khảo sát thực tế, phỏng vấn trực tiếp cán bộ quản lý xã, phỏng vấn trực tiếp các hộ gia đình và cơ sở sản xuất. Bảng 3.4 Số lượng cơ sở sản xuất và số cơ sở điều tra năm 2006 ĐVT: cơ sở Làng nghề Số lượng cơ sở năm 2006 Số cơ sở điều tra Tổng CT HTX Hộ Tổng CT HTX Hộ Tổng số 2784 53 46 2683 100 17 15 68 - Đa Hội 648 13 8 627 25 4 3 18 - Đồng Kỵ 1738 32 38 1668 55 10 10 35 - Hồi Quan 398 8 2 388 20 3 2 15 3.2.2.2 Phương pháp phân tổ thống kê Trong đề tài này chúng tôi sử dụng phương pháp phân tổ thống kê là phương pháp cơ bản. Quá trình phân tích được tiến hành phân tổ theo các tiêu thức như: theo quy mô lao động, quy mô vốn, phân tổ theo hình thức tổ chức, theo tính chất làng nghề ... 3.2.2.3 Phương pháp chuyên gia Tham khảo ý kiến chuyên môn của cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, các đơn vị điển hình tiên tiến để có thêm kinh nghiệm bổ ích trong việc đánh giá nhìn nhận hiện tượng. 3.2.2.4 Phương pháp so sánh Thông qua quan sát, tìm hiểu thực tế và các số liệu thứ cấp từ các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh, chúng tôi tiến hành so sánh sự phát triển của các làng nghề truyền thống, so sánh giữa các năm, so sánh giữa các loại hình tổ chức, giữa các làng nghề truyền thống với nhau. 3.2.2.5 Phương pháp phân tích SWOT: Dùng để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa hiện nay. 3.3 Hệ thống chỉ tiêu nghiên cứu 3.3.1 Hệ thống chỉ tiêu phản ánh mức đô thị hóa - Mật độ dân số: người/km2 - Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp/tổng lao động, - Sự chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực sản xuất khác, - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, - Số máy điện thoại/100 dân, - Mức tăng trưởng kinh tế trung bình năm, - Mức tăng dân số trung bình hàng năm, - Tỷ lệ các hộ nghèo, - Các vấn đề giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội 3.3.2 Nhóm chỉ tiêu về quy mô sản xuất - Số hộ, cơ sở tham gia sản xuất, - Diện tích đất đai, nhà xưởng phục vụ cho làng nghề, - Số lao động tham gia vào làng nghề, - Số vốn thu hút tham gia vào các làng nghề, - Khối lượng sản phẩm chính sản xuất ra trong năm, 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 4.1 Thực trạng phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở huyện Từ Sơn 4.1.1 Quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Từ Sơn Từ Sơn là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi phát tích vương triều Lý, tạo dựng nên nhà nước Đại Việt và Kinh đô Thăng Long, để lại những trang sử vàng son trong lịch sử nghìn năm phong kiến Việt Nam. Theo tài liệu lịch sử, Từ Sơn xưa gọi là huyện Đông Ngàn thuộc Phủ Từ Sơn trấn Kinh Bắc (năm 1428), đến năm 1852 thời vua Tự Đức triều Nguyễn gọi là huyện Từ Sơn. Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân tiến hành các cuộc cải cách hành chính, điều chỉnh địa giới ở một số địa phương, xoá bỏ cấp phủ trung gian giữa tỉnh và huyện, Từ Sơn lúc này gọi là huyện Đông Ngàn. Năm 1925 lại đổi thành phủ Từ Sơn, sau cách mạng Tháng Tám đổi là huyện Từ Sơn [21]. Năm 1963, huyện Từ Sơn và huyện Tiên Du sáp nhập thành huyện Tiên Sơn. Sau 36 năm chung vai sát cánh với đóng góp sức người, sức của trong kháng chiến cứu nước, huyện Tiên Sơn được công nhận anh hùng lực lượng vũ trang. Đến tháng 9/1999 huyện Từ sơn được tái lập theo Nghị định 68/CP của Chính phủ, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, huyện Từ Sơn đã có những bước phát triển mạnh và khá toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội. Từ Sơn xưa đã nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống như: nghề mộc mỹ nghệ ở Phù Khê, Hương Mạc, nghề rèn sắt ở Đa Hội, Châu Khê. Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, các làng nghề truyền thống đã được phục hồi, phát triển và đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của huyện. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn, đặc biệt là những nơi có làng nghề truyền thống phát triển như ở xã Đồng Quang, Châu Khê. Sau ngày tái lập huyện, huyện Từ Sơn đã quy hoạch không gian kiến trúc và đầu tư xây dựng khu trung tâm huyện gồm: Trụ sở các cơ quan Trung ương, tỉnh đóng trên địa bàn, trụ sở Huyện uỷ, UBND huyện khá khang trang. Tập trung xây dựng, cải tạo, mở rộng các công trình hạ tầng kỹ thuật của huyện. Để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và quá trình đô thị hóa, những năm qua cơ sở hạ tầng của huyện đã và đang từng bước được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hơn. Trước hết là giao thông, là hạ tầng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nói chung và các làng nghề truyền thống nói riêng. Xây dựng hệ thống giao thông phát triển các đầu mối giao thông của vùng Kinh Bắc với các tỉnh lân cận. Có hệ thống giao thông quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 1 mới Hà Nội - Lạng Sơn (cao tốc 6 làn xe), đường tỉnh lộ 277, 287, 295 và đang triển khai xây dựng các tuyến đường vành đai III và vành đai IV qua Hà Nội. Chính hệ thống giao thông thuận lợi khép kín này tạo cho Từ Sơn phát triển kinh tế và đô thị hoá nhanh so với các vùng khác của tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay, huyện Từ Sơn đã có nhà máy cấp nước sạch 5.000m3/ngày đêm, đang đầu tư nâng cấp công suất lên 10.000m3/ngày đêm, nhà máy cấp nước sạch Đồng Quang 500m3/ngày đêm, Đình Bảng 1.500m3/ngày đêm. Đến năm 2010 xây dựng thêm nhà máy cấp nước sạch bằng nguồn nước mặt công suất 20.000m3/ngày đêm phục vụ cho nhân dân khu vực đô thị. Xây dựng hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng công cộng, công viên, vườn hoa, cây xanh. Đang triển khai xây dựng 9 dự án khu dân cư đô thị mới, thương mại, dịch vụ với tổng diện tích trên 528,56 ha (khu đô thị xã Châu Khê, Đồng Quang, Phù Chẩn, Nam Từ Sơn, Đồng Nguyên, Đền Đô, Bắc Từ Sơn, khu đô thị trung tâm huyện số 1, số 2 và khu trung tâm thương mại, dịch vụ, đô thị Việt Nam - Singapore) đáp ứng được các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị loại IV. Những năm qua, quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện diễn ra khá nhanh và đã tác động đến tất các mọi mặt kinh tế-xã hội, trong đó bao gồm cả tác động đến sự phát triển của các làng nghề truyền thống: * Sự chuyển dịch đất nông nghiệp sang phát triển CN- TTCN và xây dựng hạ tầng đô thị Năm 1999 huyện Từ Sơn có 10 xã làm nông nghiệp (trong đó có 2 xã thuần nông) với diện tích là 4.248,22 ha chiếm 69,27% tổng diện tích đất tự nhiên (bảng 3.1). Đến năm 2006 diện tích nông nghiệp chỉ còn 3.608,43 ha chiếm 58,83% diện tích đất tự nhiên, giảm 639,79 ha đất nông nghiệp tương ứng 15,06% so với năm 1999. Nhờ có quá trình chuyển đổi trên mà diện tích đất sản xuất kinh doanh được tăng lên nhanh chóng. Năm 1999 đất sản xuất kinh doanh là 23,09 ha, đến năm 2006 là 393,27 ha, tăng lên 370,18 ha, tức là diện tích đất sản xuất kinh doanh tăng gấp 16,03 lần. Chủ yếu là để xây dựng khu công nghiệp tập trung của tỉnh và các cụm công nghiệp làng nghề do huyện quản lý với diện tích 327,32 ha. Trong đó có 95,04 ha là đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề. Vì vậy đã tạo mặt bằng cho phát triển sản xuất ở các làng nghề truyền thống và đã có trên 500 cơ sở đi vào sản xuất và kinh doanh ổn định. Đất xây dựng các công trình công cộng như đường giao thông, xây dựng cũng tăng liên tục qua các năm. Năm 1999 diện tích đất có mục đích công cộng là 985,82 ha thì đến năm 2006 là 1.139,61 ha, tăng 153,79 ha tương ứng 15,6% so với năm 1999. Diện tích đất ở năm 2006 là 656,68 ha, tăng 92,43 ha tương ứng 16,38% so với năm 1999. Như vậy, dưới sự tác động của quá trình đô thị hóa đã dẫn đến sự biến động đất đai liên tục trong 8 năm qua kể từ thời điểm huyện Từ Sơn được tái lập. Trong đó có một số lớn diện tích đất nông nghiệp mất đi để chuyển sang xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề. * Quá trình ĐTH kéo theo việc xây dựng hạ tầng phát triển đô thị Qua bảng 4.1 cho thấy hệ thống giao thông trên địa bàn huyện những năm qua phát triển nhanh. Năm 2006 đường quốc lộ dài 12 km, so với năm 1999, tăng 4 km tương ứng 50%. Nâng cấp các tuyến đường giao thông khu vực nội thị, xây dựng đường trung tâm và các tuyến đường đô thị mới theo đúng quy hoạch. Đường nội thị năm 1999 dài 4,9 km chỉ tập trung ở thị trấn Từ Sơn, do quy hoạch phát triển trung tâm huyện mới nên đến năm 2006 đường nội thị dài là 24,1 km (chiều rộng mặt đường chủ yếu từ 12,5 - 36m), tăng 19,2 km, tương ứng 391,84% so với năm 1999. Hệ thống đường không ngừng được mở rộng, nâng cấp rải nhựa và bê tông hóa. Đường liên xã được rải nhựa, bê tông dài 6,3 km năm 1999 thì đến năm 2006 là 26,6 km tăng 20,3 km tương ứng 322,22%. Còn đường trục xã, liên thôn được rải nhựa, bê tông năm 2006 dài 68,3 km, so với năm 1999 tăng 27,1 km tương ứng 65,83%. Hệ thống giáo dục được nâng cấp, xây dựng mới số phòng học, từ 754 phòng học năm 1999 thì đến năm 2006 là 921 phòng, tăng 167 phòng tương ứng 22,15%. Số giường bệnh năm 2006 là 165 giường, tăng 50 giường tương ứng 43,48% so với năm 1999. Hạ tầng thông tin, liên lạc được tăng cường đầu tư góp phần nâng số máy điện thoại/100 dân năm 2006 là 23 máy, so với năm 1999 tăng 12 máy tương ứng 109,09%. Ngoài ra, đến năm 2006 điện dùng cho sinh hoạt bình quân đầu người là 365kw, tỷ lệ nhà ở kiên cố là 62,5%, đặc biệt tỷ lệ nước được sử dụng hợp vệ sinh năm 1999 là 96,5% thì đến năm 2006 là 99,9%. Bảng 4.1 Cơ sở hạ tầng huyện Từ Sơn (1999-2006) Chỉ tiêu ĐVT Năm So sánh 2006/1999 BQ (%) 1999 2000 2004 2005 2006 +(-) % 1. Giao thông 1.1 Quốc lộ km 8,0 8,0 12,0 12,0 12,0 4,0 150,00 105,96 1.2 Tỉnh lộ km 17,8 17,8 20,6 20,6 20,6 2,8 115,73 102,11 1.3 Đường huyện km 23,1 23,8 39,0 42,6 50,7 27,6 219,48 111,88 - Đường liên xã km 18,2 18,2 21,2 24,5 26,6 8,4 146,15 105,57 + Nhựa, bê tông km 6,3 8,3 15,0 22,2 26,6 20,3 422,22 122,85 + Cấp phối km 11,9 9,9 6,2 2,3 - - 11,9 - - - Đường đô thị (nhựa, bê tông) km 4,9 5,6 17,8 18,1 24,1 19,2 491,84 125,55 1.4 Đường trục xã, liên thôn km 79,0 79,0 79,0 79,0 79,0 - 100,00 100,00 + Nhựa, bê tông km 41,2 43,8 51,0 57,5 68,3 27,1 165,83 107,49 + Lát gạch, cấp phối km 37,8 35,2 28,0 21,5 10,7 - 27,1 28,39 83,54 2. Điện sinh hoạt kwh/ng 186 202 298 341 365 179,0 196,24 110,11 3. Giáo dục đào tạo Phòng 754 829 880 897 921 167,0 122,15 102,90 4. Y tế (số giường bệnh) giường 115 115 118 128 165 50,0 143,48 105,29 5. Số máy điện thoại/100 dân máy 11 12 19 21 23 12,0 209,09 111,11 6. Tỷ lệ nước dùng hợp vệ sinh % 96,5 97,0 99,8 99,8 99,9 7. Tỷ lệ nhà ở kiên cố % 36,7 40,5 51,4 56,7 62,5 Nguồn: Phòng Thống kê huyện Từ Sơn * Quá trình ĐTH làm chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Quá trình đô thị hóa ở Từ Sơn hiện nay đã dẫn đến một diện tích lớn đất sản xuất nông nghiệp chuyển sang các mục đích khác như: xây dựng hạ tầng đô thị và phát triển công nghiệp. Kéo theo đó là hàng nghìn hộ dân sẽ bị mất đất phải chuyển sang nghề sản xuất khác. Nhưng do là địa bàn có nhiều làng nghề truyền thống phát triển đã góp phần giải quyết được việc làm cho các hộ mất đất tại địa phương, trong đó có cả những lao động mất đất trong quá trình đô thị hóa. Ngoài ra còn thu hút lao động ở các vùng lân cận làm việc ở các làng nghề truyền thống. Lao động nông nghiệp giảm dần qua các năm và lao động phi nông nghiệp ngày càng tăng, trong đó lực lượng lao động thủ công nghiệp tăng nhanh. Qua bảng 3.2 cho biết tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 40,67% năm 1999 tăng lên 83,2% năm 2006, trong đó lao động ngành nghề TCN từ 15.104 lao động năm 1999, đến năm 2006 là 39.556 lao động, tăng 24.452 lao động tương ứng 161,89%. Qua đó cho thấy do sự phát triển của ngành nghề TCN mà nòng cốt là các làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có cả lao động bị mất đất trong quá trình đô thị hóa. * Quá trình ĐTH dẫn đến sự biến đổi về kinh tế, xã hội nông thôn Thu nhập bình quân đầu người/năm huyện Từ Sơn tăng khá nhanh, từ 2,95 triệu đồng năm 1999, đến năm 2006 là 8,55 triệu đồng/người/năm (theo giá cố định). Quá trình ĐTH nhanh cũng dẫn đến sự phá vỡ cảnh quan không gian kiến trúc làng xã “cây đa, giếng nước, sân đình”, mọc lên những khu đô thị mới hiện đại, các dãy phố, các cửa hàng kinh doanh, bày bán giới thiệu sản phẩm ... Từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp tự túc theo kiểu truyền thống chuyển sang sản xuất theo nhu cầu của thị trường, quy mô lớn không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Vậy quá trình ĐTH đã gắn liền với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành CN-TTCN, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tạo việc làm và tăng thu nhập, từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng ngày một tốt hơn điều kiện sản xuất và sinh hoạt người dân. Tuy nhiên, quá trình ĐTH cũng làm nảy sinh các vấn đề ả

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBáo cáo đề tài- Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình đô thị hóa ở huyện Từ Sơn Bắc Ninh.doc
Tài liệu liên quan