Tài liệu Đề tài Nghiên cứu xâm phạm bản quyền qua Internet: nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia Anh, Pháp, Mỹ: A.LỜI MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Ngày nay ít ai trong chúng ta biết rằng những hoạt động thường nhật được biết đến như chia sẻ dữ liệu, tải nhạc Mp3, sao chép các văn bản dữ liệu trên mạng Internet lại có thể là những hành động xâm phạm bản quyền qua Internet. Hơn nữa, đối tượng xâm phạm bản quyền qua mạng Internet chủ yếu là giới trẻ nhưng rất ít trong số họ nhận thức được đầy đủ về hành vi của chính mình.
Thế giới đang ngập tràn trong các phương tiện truyền thông và giải trí, máy tính cá nhân, sự kết nối Internet và sự truyền tải dữ liệu thông tin rộng rãi. Xung quanh chúng ta là máy nghe nhạc Mp3, ti vi, máy ghi hình cá nhân, máy ghi đĩa CD, Ipods, máy tính xách tay, máy chơi game... Công nghệ đó khiến chúng ta có thể biết đến những phần mềm truyền thông đa phương tiện, những trò chơi máy tính, âm nhạc, phim ảnh... theo những cách mà chúng ta không thể có được hơn hai mươi năm về trước. Nhưng đây cũng chính là lúc nó đe dọa quyền sở hữu của các tác giả, những người cần được đ...
84 trang |
Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1534 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Đề tài Nghiên cứu xâm phạm bản quyền qua Internet: nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A.LỜI MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Ngày nay ít ai trong chúng ta biết rằng những hoạt động thường nhật được biết đến như chia sẻ dữ liệu, tải nhạc Mp3, sao chép các văn bản dữ liệu trên mạng Internet lại có thể là những hành động xâm phạm bản quyền qua Internet. Hơn nữa, đối tượng xâm phạm bản quyền qua mạng Internet chủ yếu là giới trẻ nhưng rất ít trong số họ nhận thức được đầy đủ về hành vi của chính mình.
Thế giới đang ngập tràn trong các phương tiện truyền thông và giải trí, máy tính cá nhân, sự kết nối Internet và sự truyền tải dữ liệu thông tin rộng rãi. Xung quanh chúng ta là máy nghe nhạc Mp3, ti vi, máy ghi hình cá nhân, máy ghi đĩa CD, Ipods, máy tính xách tay, máy chơi game... Công nghệ đó khiến chúng ta có thể biết đến những phần mềm truyền thông đa phương tiện, những trò chơi máy tính, âm nhạc, phim ảnh... theo những cách mà chúng ta không thể có được hơn hai mươi năm về trước. Nhưng đây cũng chính là lúc nó đe dọa quyền sở hữu của các tác giả, những người cần được đền đáp xứng đáng với vốn trí tuệ cũng như mồ hôi công sức họ bỏ ra.
Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số làm cho việc truyền tải dữ liệu trên mạng Internet trở nên hết sức dễ dàng. Đặc biệt là sự ra đời và phát triển của Internet đã đặt ra một vấn đề hết sức nan giải về bản quyền, về những biện pháp đối phó mà các quốc gia trên thế giới áp dụng trong công cuộc chung chống xâm phạm bản quyền qua Internet.
Xuất phát từ nhận thức trên, tác giả đã chọn: " Xâm phạm bản quyền qua Internet: nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia Anh, Pháp, Mỹ..." làm đề tài cho khóa luận tốt nghiệp của mình.
2. Mục đích chọn đề tài:
- Hệ thống hóa các vấn đề lý luận chung về xâm phạm bản quyền qua Internet, khái niệm, các hình thức xâm phạm bản quyền Internet thường gặp và hệ thống các cơ quan chức năng tham gia bảo hộ bản quyền qua Internet để hình thành một cách hiểu chung nhất về xâm phạm bản quyền qua Internet.
- Nghiên cứu về tình hình sử dụng Internet và thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet tại một số quốc gia. Từ đó rút ra kinh nghiệm thực tiễn của từng quốc gia trong việc bảo vệ chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet.
- Nghiên cứu về tình hình sử dụng Internet, thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet phổ biến tại Việt Nam để tìm ra những hạn chế trong công tác thực thi xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet. Từ đó, cùng với kinh nghiệm chống xâm phạm bản quyền qua Internet tại các quốc gia trên thế giới đưa ra bài học cho bản thân Việt nam.
3. Phạm vi và giới hạn của đề tài:
Hiện nay, vấn đề xâm phạm bản quyền qua Internet được hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm. Mỗi quốc gia đều có cách xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet khác nhau tuy nhiên hầu hết vẫn dựa trên cơ sở các Công ước quốc tế đã ký kết. Do vậy, vì thời gian có hạn nên bài khóa luận này chỉ đi sâu tìm hiểu kinh nghiệm xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet của một số quốc gia tiêu biểu như Anh, Pháp, Mỹ và một số quốc gia thuộc khối EU khác.
4. Phương pháp nghiên cứu:
Khóa luận sử dụng phương pháp phân tích-tổng hợp,phương pháp thống kê, phương pháp diễn giải,quy nạp ,so sánh và đối chiếu…
5. Bố cục bài khóa luận:
Khóa luận được chia thành 3 phần chính như sau:
Chương I: Tổng quan về xâm phạm bản quyền qua Internet
Chương II: Thực trạng và kinh nghiệm của một số quốc gia về xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet
Chương III: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG I
TỔNG QUAN VỀ XÂM PHẠM BẢN QUYỀN QUA INTERNET
1. Một số vấn đề liên quan xâm phạm bản quyền qua Internet:
1.1. Khái niệm về bản quyền qua Internet
Thời kỳ Cổ đại và Trung cổ, pháp luật chưa tồn tại bất kỳ một chế định nào nhằm bảo vệ quyền sở hữu của tác giả đối với các công trình sáng tạo. Vì thế, khi không muốn bài viết hay tác phẩm của mình bị thay đổi, tác giả chỉ còn cách gắn một lời nguyền rủa nào đó vào chính tác phẩm của mình. Đến thời kỳ phục hưng, khi các quyền cơ bản của con người đặc biệt là quyền đối với thành quả sáng tạo được coi trọng hơn, khái niệm về bản quyền bắt đầu hình thành nhưng chưa đem lại cho tác giả một thu nhập nào. Khái niệm về bản quyền hiện nay bắt nguồn từ Điều lệ Ann của Anh năm 1710 thế kỷ thứ 18 [26]. Trong điều lệ này, lần đầu tiên độc quyền sao chép của một tác phẩm được ghi nhận. Theo đó, bản quyền được hiểu một cách chung nhất là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Thông thường, một tác phẩm được bảo hộ bản quyền một cách tự động khi nó là tác phẩm được sáng tạo nguyên gốc và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Việc định hình dưới một thức vật chất nhất định không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. [Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 6, Khoản 1]. Các định hình vật chất của tác phẩm được thể hiện dưới nhiều hình thức ví dụ như:
- Các tác phẩm văn học như bài viết, bài báo, những câu chuyện, tạp chí...
- Các chương trình máy tính như phần mềm, dữ liệu dạng số hóa...
- Tranh ảnh và đồ họa
- Bản chi tiết kiến trúc, điêu khắc...
- Tác phẩm âm nhạc, lời bài hát...
- Các tác phẩm nghe nhìn như phim ảnh, chương trình truyền hình, các tác phẩm ghi âm, tác phẩm kịch câm...
Trong đó, Internet là một định hình mới có sức ảnh hưởng vô cùng lớn, vượt qua mọi khoảng cách về không gian và thời gian. Linda J. Engelman đã định nghĩa Internet là một thế giới rộng lớn, mạng lưới tự quản lý kết nối với hàng ngàn mạng lưới nhỏ hơn của hàng triệu máy tính và người sử dụng với lượng thông tin khổng lồ [14, tr 1]. Internet bao gồm dữ liệu dưới dạng số hóa của tất cả các định hình vật chất của tác phẩm. Bản quyền trên Internet phát sinh khi một tác phẩm được công bố trên mạng Internet cho công chúng được phép tiếp cận và sử dụng hợp lý. Sự xuất hiện của Internet thực sự đã tạo ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các tác giả trong môi trường kỹ thuật số đang ngày càng đa dạng và phức tạp hiện nay.
1.2. Nội dung bản quyền trên mạng Internet:
Bản quyền trên mạng Internet được bảo hộ giống như bản quyền đối với tác phẩm thông thường bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
1.2.1. Quyền nhân thân:
Quyền nhân thân thông thường bao gồm các quyền sau:
Quyền đặt tên cho tác phẩm
Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tác tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả. [Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, (2005), Điều 19]
Quyền nhân thân cũng được đề cập đến trong hai Công ước về Internet của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO là WCT và WPPT vào năm 1996. Hai Công ước này đã được thảo ra với sự đồng ý của hơn 100 quốc gia thuộc WIPO và được cập nhật thực tế dựa trên các công ước quốc tế về bản quyền tồn tại như Công ước Berne và Công ước Rome. Theo đó, quyền nhân thân của tác giả tác phẩm trên mạng Internet được thể hiện thông qua quyền tinh thần của người biểu diễn:
" Độc lập với quyền kinh tế của người biểu diễn đối với các buổi biểu diễn nghe trực tiếp hoặc các buổi biểu diễn được định hình trong bản ghi âm và thậm chí sau khi chuyển nhượng các quyền kinh tế đó, người biểu diễn có quyền yêu cầu được công nhận là người biểu diễn của buổi biểu diễn của mình, trừ trường hợp bỏ sót bắt buộc do cách thức sử dụng buổi biểu diễn gây ra, và quyền phản đối bất kỳ sự bóp méo, cắt xén, hoặc sửa đổi khác đối với buổi biểu diễn của người biểu diễn mà có thể phương hại đến thanh danh của họ." [The WIPO Performances and Phonograms Treaty (1996), Art. 5(1)]
1.2.2. Quyền tài sản:
Quyền tài sản của tác giả thông thường bao gồm:
Làm tác phẩm phái sinh
Biểu diễn tác phẩm trước công chúng
Sao chép tác phẩm
Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm
Truyền đạt tác phẩm tới công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác
Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. [Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 20]
Quyền tài sản trong Công ước WPPT được thể hiện thông qua quyền kinh tế đối với các buổi biểu diễn chưa được định hình, quyền sao chép, quyền phân phối, quyền cho thuê và quyền cung cấp các buổi biểu diễn định hình.
+ Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng được thể hiện trong quyền kinh tế đối với các buổi biểu diễn chưa được định hình trong WPPT như sau:
" Đối với các buổi biểu diễn của mình, người biểu diễn được độc quyền cho phép:
(i) phát sóng và truyền đạt tới công chúng buổi biểu diễn chưa được định hình của mình trừ khi buổi biểu diễn cũng chính là buổi biểu diễn phát sóng, và
(ii) định hình buổi biểu diễn chưa được định hình của mình." [The WIPO Performances and Phonograms Treaty (1996), Art. 6]
Ở đây, WPPT quy định rõ ràng hơn và áp dụng riêng trong môi trường kỹ thuật số đối với quyền biểu diễn trước công chúng của một tác phẩm.
+ Quyền sao chép tác phẩm được thể hiện trong Điều 7, WPPT như sau:
" Người biểu diễn được độc quyền cho phép sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp buổi biểu diễn của mình đã được định hình trong bản ghi âm dưới bất kỳ hình thức hoặc cách thức nào." [The WIPO Performances and Phonograms Treaty (1996), Art. 7]
Quyền sao chép được thể hiện đầy đủ hơn về hình thức bao gồm cả sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp và dưới bất kỳ hình thức hoặc cách thức nào. WPPT 1996 đã quy định một cách rõ ràng và chi tiết hơn đối với quyền sao chép của tác giả.
+ Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm được thể hiện trong Điều 8 (1), WPPT về quyền phân phối tác phẩm:
" (1) Người biểu diễn được hưởng độc quyền cho phép cung cấp cho công chúng bản gốc hoặc bản sao buổi biểu diễn của mình đã được định hình trong bản ghi âm thông qua việc bán hoặc hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu khác." [The WIPO Performances and Phonograms Treaty (1996), Art. 8(1)]
Ngoài quy định về quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, WPPT còn quy định về hình thức phân phối tác phẩm qua việc bán hoặc các hình thức chuyển nhượng khác. Điều này chưa được nêu trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005.
+ Quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng được thể hiện trong Điều 10 WPPT:
" Người biểu diễn sẽ được hưởng quyền độc quyền cho phép cung cấp tới công chúng các buổi biểu diễn của mình đã được định hình trong bản ghi âm bằng các phương tiện hữu tuyến hoặc vô tuyến, theo cách thức mà Bên ký kết trong xã hội có thể tiếp cận chúng từ một địa điểm và vào thời gian do cá nhân họ lựa chọn." [The WIPO Performances and Phonograms Treaty (1996), Art. 10]
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 quy định về điều này cũng khá rõ ràng và đầy đủ, cũng bao gồm truyền đạt tác phẩm tới công chúng thông qua các phương tiện hữu tuyến và vô tuyến. Và thêm vào đó là truyền đạt thông qua mạng thông tin điện tử hay bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
+ Quyền cho thuê đối với tác phẩm được quy định trong Điều 9, WPPT như sau:
" Người biểu diễn được hưởng độc quyền cho phép cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc và bản sao buổi biểu diễn của mình đã được định hình trong bản ghi âm như được xác định trong luật pháp quốc gia của các Bên ký kết, thậm chí sau khi phân phối chúng bởi hoặc theo sự cho phép của người biểu diễn."
[ The WIPO Performances and Phonograms Treaty (1996), Art. 9 (1)]
Việt Nam chính thức là thành viên của Công ước WPPT vào 12/01/2006, một thời gian sau khi luật sở hữu trí tuệ hiện hành đã có hiệu lực. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 lại phù hợp một cách cơ bản với các điều khoản của Công ước quốc tế về bản quyền, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến vấn đề bản quyền trên Internet.
2. Xâm phạm bản quyền qua Internet
2.1. Các hình thức xâm phạm bản quyền qua Internet
Thông thường một tác phẩm có thể bị xâm phạm bản quyền qua Internet bằng cách sao chép htlm, javascript, hay các đoạn mã truyền tải dữ liệu khác; tải xuống bất hợp pháp các tác phẩm bản quyền vào ổ cứng máy tính; tải lên hay phân phối bất hợp pháp tác phẩm; cắt xén, sửa chữa hay làm sai lệch tác phẩm mà chưa được sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền.
2.1.1. Hình thức sao chép bất hợp pháp các bài báo, bản tin, tranh ảnh, đồ họa
Các đối tượng sao chép bất hợp pháp trên mạng Internet thông thường là các bản tin, bài báo, tranh ảnh đồ họa.
Sao chép bản tin, bài báo
Việc sao chép các nội dung các đoạn văn bản từ trang web này sang trang web khác trên hệ thống world wide web mà không được sự đồng ý của tác giả vô cùng phổ biến. Chúng ta có thể dễ dàng đọc được một nhiều bài báo hay các bản tin giống hệt nhau trên các trang thông tin điện tử khác nhau. Điều đáng chú ý là các trang web sao chép các bài báo, bản tin này không hề đề tên tác giả và trích dẫn nguồn. Đặc biệt là giới trẻ hiện nay còn chưa ý thức được về vấn đề sao chép các đoạn văn hay bài báo cần trích dẫn nguồn trên hệ thống blog cá nhân và các forum. Sự thiếu ý thức này là một vấn đề hết sức nan giải cho các nhà làm luật hiện nay. Trong một bài báo mang tên " Copyright and Wrongs", Roberta Beach Jacobson đã phê bình việc lợi dụng Internet để sao chép các tác phẩm viết. Bài báo này được đăng trên website articletree.com vào ngày 27/11/2001 nhưng việc đáng buồn là nó đã được sao chép tới hàng trăm website và hàng trăm người đã đòi quyền tác giả đối với tác phẩm đó và cũng hàng trăm người nạp tiền để truy cập nó.
Sao chép tranh ảnh, đồ họa:
Tranh ảnh, đồ họa cũng thường được sao chép từ trang web này sang trang web khác mà không có sự cho phép của chủ sở hữu. Nếu trên website cá nhân của một người chứa hình ảnh hoặc đồ họa mà không do người đó tạo ra hay thiết kế thì người đó có thể đang vi phạm luật bản quyền. Tuy nhiên có rất nhiều kho tư liệu ảnh trên mạng Internet và thậm chí là các gói phần mềm ảnh khác nhau cho phép sao chép và sử dụng không cần xin phép. Việc sao chép hình ảnh và đồ họa vào máy tính và sử dụng cá nhân, không công khai trên Internet không bị coi là xâm phạm bản quyền.
2.1.2. Hình thức tải xuống và phân phối bất hợp pháp các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, phần mềm chương trình máy tính.
Các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, phần mềm chương trình máy tính là đối tượng chủ yếu của việc download và upload bất hợp pháp trên mạng Internet.
Tải xuống và phân phối bất hợp pháp tác phẩm âm nhạc
Các tác phẩm âm nhạc trên Internet thông thường được download và phân phối dưới các định dạng như Mp3, Mp4, Wav hay AIFF... Những hành động này sẽ bị coi là bất hợp pháp khi chúng chưa được sự cho phép của chủ sở hữu hay các bên liên quan. Một số người có thể cho rằng việc download, upload những đoạn nhạc nghe thử hay thậm chí là một bản nhạc đầy đủ là hoàn toàn vô tội do sự thần tượng các ca sĩ hay nhóm nhạc. Tuy nhiên, các luật gia có thể cho rằng đó là hành vi làm phương hại đến các nhóm nhạc và đòi bồi thường tổn thất về doanh số bán hàng.
Hình thức ghi âm lậu rồi công khai trên mạng Internet cũng là một hành động hết sức phổ biến. Đây là hình thức thu âm lại các tác phẩm âm nhạc mà chưa được chính thức công khai bởi nghệ sĩ hoặc quản lý liên quan của họ. Các bản ghi âm lậu có thể là các bản nháp, tài liệu phòng thu khác hoặc việc ghi âm buổi biểu diễn trực tiếp. Những tài liệu ghi âm lậu được phát tán một cách nhanh chóng trên mạng Internet gây thiệt hại vô cùng to lớn cho nghệ sĩ cũng như công ty sản xuất đĩa nhạc. Vì thế, thậm chí khi một tác phẩm chưa được chính thức phát hành và phân phối chính thức nhưng vẫn được bảo vệ đầy đủ bởi luật bản quyền. Các trang web âm nhạc mà công khai tải lên trang web của mình các tác phẩm âm nhạc chưa được công bố chính thức bị coi là xâm phạm bản quyền qua Internet.
Tải xuống và phân phối bất hợp pháp tác phẩm điện ảnh
Các bộ phim xúc tiến quảng cáo, xem xét trao giải là những nguồn chính cho việc sao chép bất hợp pháp trên mạng Internet khi các bộ phim này còn đang trình chiếu ở rạp. Các bộ phim thường được tải xuống và phân phối bất hợp pháp dưới các định dạng như Wav, MPEG , Quicktime,... Ngoài ra, các tác phẩm điện ảnh còn bị phân phối bất hợp pháp bằng cách đặt trộm máy quay cá nhân vào rạp chiếu phim và công khai trình chiếu bộ phim đó trên trang web cá nhân. Mặc dù các bản sao như vậy thường có chất lượng thấp hơn đĩa DVD nhưng việc không mất tiền đến rạp chiếu phim hay mua một đĩa DVD chất lượng là một việc vô cùng hấp dẫn đối với những cá nhân yêu thích sử dụng Internet.
Tải xuống và phân phối bất hợp pháp phần mềm chương trình máy tính
Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt một kết quả cụ thể. [Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005, Điều 22].
Việc tải xuống hay phân phối bất kỳ chương trình máy tính nào dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy mà bản thân không viết ra đều bị coi là xâm phạm bản quyền qua Internet. Mua một ứng dụng phần mềm thương mại chỉ có nghĩa là mua quyền sử dụng nó chứ không có nghĩa là được phép phân phối lại nó. Hiện nay có rất nhiều trang web chia sẻ phần mềm trực tuyến bất hợp pháp. Các phần mềm này hầu hết là các phần mềm được download, sao chép, phá mã và phân phối lại thông qua các trang web cá nhân bất hợp pháp. Thực trạng này phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới đặc biệt là Việt Nam.
2.1.3. Hình thức cắt xén, sửa chữa, làm sai lệch tác phẩm văn học
Hình thức này ít phổ biến hơn các hình thức khác nhưng cũng thường thấy trên Internet. Các đối tượng của hình thức này thông thường là các tác phẩm văn học, các tác phẩm viết, tranh ảnh, đồ họa hay thậm chí là các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh nhưng phổ biến nhất vẫn là các tác phẩm văn học.
Hiện nay, sự sẵn có của các kho lưu trữ tác phẩm văn học trên mạng Internet đã tạo điều kiện cho việc download và sửa chữa tác phẩm bất hợp pháp. Các tác phẩm văn học thường bị sửa chữa nội dung, tên nhân vật, và được đưa lên một trang web khác hay các blog cá nhân, diễn đàn... Thực tế này là bức xúc của rất nhiều tác giả về quyền nhân thân của họ. Thực sự, Internet đã tạo ra một môi trường khó kiểm soát đối với kho dữ liệu vô tận của nó.
Ngoài ra, hiện nay tại Việt Nam hiện nay, vấn đề lấy hình ảnh tìm kiếm trên mạng Internet để sửa chữa, thay đổi thành tác phẩm của mình rất phổ biến. Các bức ảnh tìm thấy trên mạng Internet được tự do sửa chữa thành các bức tranh biếm họa để làm avatar mà không có sự cho phép của chủ sở hữu. Đặc biệt, hình thức này thường xảy ra trong vấn đề sáng tác tranh ảnh cổ động. Điển hình là đầu năm 2005, bức tranh " Đảng là cuộc sống của tôi" của tác giả Nguyễn Trung Kiên bị phát hiện sao chép và sửa đổi từ bức ảnh " Nụ hôn của gió" từng giành huy chương vàng quốc tế của tác giả Trần Thế Long. Hoặc tiếp đó vào tháng 4 năm 2006, trường hợp tương tự lại xảy ra với bức tranh cổ động " Tất cả trẻ em nghèo được học" của tác giả Chu Ngọc Thăng và bức ảnh " Lớp học vùng cao" của tác giả Lê Hồng Linh. Tất cả các tác phẩm trên đều được chỉnh sửa dựa trên những hình ảnh tìm thấy trên mạng Internet mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm.
2. 2. Bảo vệ chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet
2.2.1. Tự bảo vệ
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp tự bảo vệ như sử dụng các biện pháp công nghệ; yêu cầu tổ chức cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. [Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 198]
a) Các biện pháp công nghệ:
Các chủ thể quyền sở hữu có quyền sử dụng tối đa các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Có hai biện pháp công nghệ chính để bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan để chắc chắn rằng Internet có thể trở thành một địa điểm an toàn để phổ biến và cấp phép cho tác phẩm trí tuệ hay các tài nguyên thông tin.
+ Biện pháp kỹ thuật
Các biện pháp kỹ thuật chống xâm phạm bản quyền qua Internet như biện pháp định dạng chống sao chép và cắt dán, chống chỉnh sửa văn bản bằng bằng file PDF, sử dụng các phần mềm chống download và sao chép nhạc...Ví dụ như một hoạt động phân phối trực tuyến cung cấp cho người dùng bản sao tác phẩm văn học hoặc các tác phẩm khác dưới dạng văn bản. Hoạt động phân phối trực tuyến này sử dụng hệ thống biện pháp kỹ thuật có thể ngăn chặn người sử dụng đối với việc sao chép, cắt dán các đoạn văn bản từ trang web này sang trang web khác.
Tất cả các hành động cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu bản quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình đều được coi là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả. [Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 28 Khoản 12].
Điều 11 WCT và Điều 18 WPPT cũng đề cập đến vấn đề này:
" Các Bên ký kết sẽ quy định sự bảo hộ về pháp luật tương xứng và các biện pháp pháp lý hiệu quả chống lại việc vô hiệu hoá các biện pháp công nghệ được người biểu diễn hoặc nhà sản xuất bản ghi âm sử dụng trong việc thi hành các quyền của mình theo Hiệp ước này và ngăn chặn các hành vi không được người biểu diễn hoặc nhà sản xuất bản ghi âm cho phép hoặc không được phép theo pháp luật đối với các buổi biểu diễn hoặc bản ghi âm của họ." [The WIPO Performances and Phonograms Treaty (1996), Art. 18]
+ Biện pháp hệ thống thông tin quản lý quyền
Hệ thống quản lý quyền vận hành trên cơ sở dữ liệu điện tử được gắn với tác phẩm hoặc những đối tượng của quyền. Dữ liệu có thể xác định được tác giả hoặc người biểu diễn tác phẩm, bản thân tác phẩm hoặc thậm chí hơn nữa là mô tả những điều khoản và điều kiện sử dụng. Điều này sẽ tác động đến sự yên tâm của chủ sở hữu quyền trong việc khai thác tài nguyên trí tuệ của họ trên Internet đồng thời cho phép người tiêu dùng có thể tin tưởng vào độ chính xác của thông tin mà họ nhận được để họ có thể cảm thấy an toàn khi tiến hành các hoạt động trực tuyến.
Luật pháp các quốc gia dựa theo hai Công ước quốc tế của WIPO về Internet đều cung cấp sự ủng hộ về mặt luật pháp cho hệ thống thông tin quản lý quyền. Những hành động cố ý hủy, xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm là một hành vi xâm phạm quyền tác giả. [Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 28, Khoản 13]
Trong Công ước quốc tế, điều này được nêu rõ trong Điều 12 WCT và Điều 19 WPPT:
" (1) Các Bên ký kết sẽ quy định những biện pháp pháp lý tương xứng và hiệu quả đối với bất kỳ người nào cố ý thực hiện các hành vi sau đây, hoặc theo các biện pháp dân sự, có cơ sở hợp lý biết rằng hành vi đó tạo khả năng, điều kiện hoặc che giấu sự vi phạm bất kỳ quyền nào được quy định trong Hiệp ước này:
(i) dỡ bỏ hoặc thay đổi bất kỳ thông tin quản lý quyền điện tử nào mà không được sự cho phép;
(ii) phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp tới công chúng, không được sự cho phép, các buổi biểu diễn, bản sao của các buổi biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm mà biết rằng thông tin quản lý quyền điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được sự cho phép.
(2) Trong Điều này, “thông tin quản lý quyền” là thông tin xác định người biểu diễn, buổi biểu diễn của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, bản ghi âm, chủ sở hữu bất kỳ quyền nào đối với buổi biểu diễn hoặc bản ghi âm, hoặc thông tin về điều khoản và điều kiện sử dụng buổi biểu diễn hoặc bản ghi âm, và mọi con số hoặc mã ký hiệu thể hiện thông tin đó, khi các mục thông tin này được gắn với bản sao của buổi biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm hoặc xuất hiện cùng với việc truyền đạt hoặc cung cấp buổi biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm tới công chúng" [The WIPO Performances and Phonograms Treaty (1996), Art. 19]
Hạn chế:
Dù biện pháp công nghệ được sử dụng có tài tình đến đâu thì cũng có những cách thức tinh vi ngang bằng được sử dụng nhằm vô hiệu hóa chúng. Ví dụ, với trường hợp tác giả sử dụng hệ thống chống sao chép văn bản trực tiếp, cách thức này chỉ có thể ngăn sự sao chép tạm thời vì người sử dụng có thể chép lại văn bản bằng tay hoặc in văn bản ra, sau đó đánh máy vào một trang văn bản mới trên máy tính. Cách sao chép này có vẻ bất tiện nhưng nó đặt người sử dụng vào tình thế phải sử dụng vì mục đích cá nhân.
Đạt được:
Những ý niệm về sự mất an toàn trên mạng Internet làm cho các tác giả hạn chế việc đưa các công trình giá trị lên mạng Internet. Điều này mất đi một lợi ích to lớn mà Internet đem lại cho người sử dụng. Các biện pháp công nghệ trên đã giúp cho hệ thống bảo vệ bản quyền trên Internet được hoàn thiện hơn. Tuy các biện pháp công nghệ này không bảo vệ một cách hoàn toàn quyền tác giả nhưng lại đủ tinh vi để có thể ngăn chặn việc tìm kiếm của những của những tác phẩm thông thường để vô hiệu hóa hành vi xâm phạm bản quyền. Trong thời gian đó, luật sẽ được sửa lại để đối phó với những mối đe dọa lớn hơn từ các tin tặc, những người coi vô hiệu hóa pháp luật như là nghề của họ.
b) Yêu cầu chấm dứt xâm phạm và bồi thường thiệt hại
Trước khi đưa sự việc ra nhờ bên thứ ba giải quyết, thông thường chủ sở hữu bản quyền thường dàn xếp ổn thỏa để tránh chi phí kiện tụng. Các biện pháp hòa giải thường là yêu cầu bên vi phạm chấm dứt xâm phạm và bồi thường một mức tiền hợp lý dựa trên tổn thất mà chủ sở hữu bản quyền chịu. Tại Mỹ, chủ sở hữu bản quyền thường chấp nhận mức bồi thường khoảng từ 3000$ đến 5000$. Biện pháp này nếu đạt được sự đồng thuận của cả hai bên sẽ là một biện pháp hết sức hiệu quả vừa giúp cho chủ sở hữu quyền tự bảo vệ tác phẩm của mình vừa hạn chế được việc tiếp tục xâm phạm bản quyền của bên vi phạm.
c) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài
Khi không thể thỏa thuận hòa giải được, để tự bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình, chủ sở hữu bản quyền có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài. Tòa án hoặc trọng tài sẽ thực hiện giải quyết tranh tụng và có biện pháp cưỡng chế đối với bên vi phạm. Cách giải quyết này là hình thức phổ biến nhất được chủ sở hữu bản quyền sử dụng hiện nay. Tại Mỹ, khi đã nhờ đến sự giúp đỡ của bên thứ ba, chủ sở hữu có thể chọn bồi thường thiệt hại theo luật định tối thiểu là 250$ đến mức tối đa là 10.000 $. Tòa án có thể điều chỉnh giới hạn này dựa trên sự cố ý và vô ý của bên vi phạm. Bên vô ý vi phạm có thể chứng minh thiện chí của mình và có thể giảm mức phạt xuống còn 100$. Trong khi đó bên cố ý xâm phạm bản quyền có thể bị tòa tuyên phạt lên đến 50.000 $.
2.2.2. Biện pháp dân sự
Khi tranh tụng về xâm phạm bản quyền qua Internet được đưa ra tòa, tòa án có thể áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm. Biện pháp dân sự bao gồm các biện pháp sau:
+ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm:
Đây là mệnh lệnh của tòa án mà thường cấm bên vi phạm tiếp tục xâm phạm bản quyền qua Internet. Mệnh lệnh này có thể bao gồm yêu cầu dừng sử dụng tác phẩm bị xâm phạm bản quyền, xin lỗi, cải chính công khai. Nếu bên vi phạm không tuân theo, tòa án có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế như phạt vi phạm hoặc các hình phạt hình sự khác.
+ Buộc tiêu hủy hoặc thu hồi đối tượng xâm phạm bản quyền:
Mệnh lệnh này của tòa có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bên vi phạm có thể bị buộc thu hồi lại đối tượng xâm phạm bản quyền và những thiết bị sử dụng để thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền. Sau khi thu hồi, tòa có thể buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng các đối tượng đó với mục đích phi thương mại hoặc thậm chí tiêu hủy nếu cần thiết với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu. Nếu bên vi phạm không thể thực hiện điều này vì có thể đối tượng này đã bị bán đi thì tòa án có thể yêu cầu chuyển đổi đối tượng thu hồi thành một mức tiền phạt hợp lý.
+ Buộc bồi thường thiệt hại:
Mức bồi thường thiệt hại thông thường dựa trên mức thiệt hại thực tế mà chủ sở hữu bản quyền phải chịu do hành vi xâm phạm bản quyền gây ra. Thiệt hại này bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần cho chủ sở hữu bản quyền
Thiệt hại vật chất :
Thiệt hại vật chất thường bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. [ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 204, Khoản 1a]
Ngoài ra, mức thiệt hại này còn được tính với lợi nhuận tăng thêm tạo ra bởi bên vi phạm để xác định mức bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại vật chất theo các căn cứ trên thì mức bồi thường thiệt hại vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại do bên vi phạm gây ra.
Thiệt hại tinh thần:
Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm. [Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 204, Khoản 1b]
Trong trường hợp chủ sở hữu bản quyền có thể tự xác định được thiệt hại về tinh thần có thể yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường về tinh thần trong giới hạn do luật pháp quy định tùy theo mức độ thiệt hại.
Ngoài các khoản bồi thường thiệt hại trên, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm bản quyền phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư và các chi phí khác để thực hiện tranh tụng tại Tòa.
2.2.3. Biện pháp xử phạt hành chính:
Các hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet bị xử phạt hành chính bao gồm hành vi xâm phạm bản quyền gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội và hành vi không chấm dứt xâm phạm bản quyền mặc dù đã được chủ sở hữu bản quyền thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó. Hai hình thức xử phạt hành chính thông thường là cảnh cáo và phạt tiền.
+ Cảnh cáo: Hình thức cảnh cáo trong xử phạt hành chính có thể là ngắt đường truyền Internet trong thời gian nhất định hay một tiến trình cảnh báo liên tục với các biện pháp công nghệ nhằm vào những đối tượng liên tục có hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet.
+ Phạt tiền: Mức tiền phạt trong xử phạt hành chính thông thường được ấn định ít nhất bằng giá trị đối tượng xâm phạm được phát hiện ra và nhiều nhất không vượt quá 5 lần giá trị đó. [ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 214, Khoản 4]. Tại Việt Nam hiện nay, mức phạt hành chính tối đa đối với xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ là 500 triệu đồng. [Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12].
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập khung pháp lý về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
2.2.4. Biện pháp hình sự:
Các cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền có yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. [Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 212]. Tội phạm hình sự có thể là tội phạm cố ý xâm phạm bản quyền với mục đích thương mại hoặc tài chính cá nhân và tội phạm xâm phạm bản quyền quy mô quốc tế. Biện pháp hình sự có thể khác nhau tùy mức độ xâm phạm bản quyền và tùy theo luật các quốc gia quy định. Tại Anh, có 2 trường hợp xử phạt hình sự tùy theo mức độ nghiệm trọng của tội. Thứ nhất là phạt tù 6 tháng cộng với mức phạt không vượt quá 5000 Bảng. Thứ hai là mức phạt không giới hạn và tù 10 năm đối với xâm phạm bản quyền qua Internet một cách chủ ý với mục đích thương mại hoặc kinh doanh bất hợp pháp.
2.2.5. Các biện pháp bảo vệ chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet khác:
Ngoài các biện pháp bảo vệ chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet đã nói ở trên, còn có các biện pháp sáng kiến khác rất hiệu quả.
+ Biện pháp khuyến khích:
Các biện pháp này thông thường đánh vào tâm lý người sử dụng Internet. Biện pháp này có thể bao gồm việc giảm giá các tác phẩm bản quyền cung cấp trên mạng Internet để hướng đến các đối tượng xâm phạm bản quyền vì không có tiền để mua trực tuyến như sinh viên, tầng lớp bình dân trong xã hội. Ngoài ra có các biện pháp khuyến khích hiệu quả khác như đầu tư thiết lập cổng trực tuyến cho phép khách hàng tiếp cận hợp pháp đến các tác phẩm bản quyền trên Internet
+ Biện pháp giáo dục:
Biện pháp giáo dục là một biện pháp hết sức quan trọng trong thời đại Internet hiện nay. Theo một nghiên cứu của Microsoft tại Mỹ, phần lớn giới trẻ là đối tượng xâm phạm bản quyền qua Internet. Trong cuộc điều tra này, một nửa giới trẻ được phỏng vấn nói rằng chúng không biết luật và chỉ có 11% trong số chúng hiểu rõ luật hiện hành đối với việc download tranh ảnh, sách báo văn học, âm nhạc hay những phần mềm. Việc giáo dục giới trẻ cũng như các bậc cha mẹ ý thức được hành vi xâm phạm bản quyền có ảnh hưởng rất lớn trong thời đại hiện nay. Biện pháp này đã đạt được những thành công đáng kể tại một số các quốc gia trên thế giới.
2.3. Các cơ quan tham gia bảo vệ chống xâm phạm bản quyền qua Internet
Việc xử lý cũng như giám sát các hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet là nhiệm vụ của nhiều cơ quan chức năng khác nhau, có phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau thực hiện. Các cơ quan chức năng chính bao gồm:
Hệ thống Tòa án:
Việc áp dụng các biện pháp dân sự, hình sự đối với xâm phạm bản quyền qua Internet thuộc thẩm quyền của tòa án. [ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), Điều 200, Khoản 2]. Vì mệnh lệnh của Tòa án có tính cưỡng chế với mọi đối tượng nên hầu hết các vụ tranh chấp liên quan đến quyền tác giả nói chung và liên quan đến xâm phạm bản quyền qua Internet nói riêng đều được xử lý tại Tòa án. Tại Việt Nam, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả cụ thể được quy định tại Điều 759 Bộ luật Dân sự (BLDS), Điều 33 Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ về " Hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự" và Điều 10 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (PLTTGQCVADS).
Ngoài ra, Tòa án có quyền ra quyết định các biện pháp phạt tăng thêm hoặc các biện pháp xử lý xâm phạm khác dựa trên sự xem xét hợp lý vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Hệ thống hành chính
Đối với vấn đề xâm phạm bản quyền qua Internet nói riêng và xâm phạm bản quyền nói chung, tại các quốc gia khác nhau có các cơ quan thực thi xử lý khác nhau. Tuy nhiên, các cơ quan này đều có nhiều điểm chung giữa các quốc gia với hệ thống hành chính đầy đủ các cơ quan chuyên môn với từng nhiệm vụ khác nhau.
- Chính phủ: Chính phủ thực hiện nhiệm vụ thống nhất nhà nước về bảo hộ bản quyền trên phạm vi cả nước. Chính phủ có thể đưa ra các chính sách nhằm chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet bằng các nghị định, thông tư liên quan và bắt buộc tất cả các cơ quan chức năng liên quan đều phải tuân theo quy định trong các văn bản thông tư, nghị định này.
- Bộ Văn hóa - Thông tin: Bộ Văn hóa - Thông tin là cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả. Cơ quan này có các nhiệm vụ và quyền hạn như xây dựng các chủ trương, chính sách về chống xâm phạm bản quyền qua Internet, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình chính phủ để ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này, hợp tác quốc tế về bản quyền ...[Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ về " Hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự", Điều 29]
- Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật: Cơ quan này có nhiệm vụ giúp đỡ Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện quản lý nhà nước về bản quyền như soạn thảo các dự luật, pháp luật, nghị định và các văn bản pháp quy khác liên quan đến bản quyền ; hướng dẫn Sở văn hóa - thông tin quản lý nhà nước về bản quyền tại địa phương; tổ chức, thực hiện việc hợp tác với nước ngoài, các tổ chức quốc tế về bản quyền; tuyên truyền phổ biến pháp luật về vấn đề bản quyền và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ có liên quan ở Trung ương và địa phương. [ibid., Điều 30]
- Thanh tra chuyên ngành văn hóa - thông tin: thanh tra chuyên ngành văn hóa thông tin có thể trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin hoặc Sở văn hóa - thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ phận này có nhiệm vụ xử lý, giải quyết tranh chấp liên quan đến xâm phạm bản quyền tác giả.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo hộ bản quyền tại địa phương mình [ibid.,Điều 32]
- Sở Văn hóa - Thông tin: Cơ quan này có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện pháp luật bảo hộ bản quyền tại địa phương. [ibid.]
- Các bộ ngành liên quan khác như cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, an ninh văn hóa...: Các cơ quan này đều có nhiệm vụ thanh tra, quản lý, giám sát, xử lý các trường hợp xâm phạm bản quyền qua Internet. Họ có thể làm việc riêng theo từng nhiệm vụ được giao hoặc kết hợp lại với nhau trong một nhiệm vụ chung chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet. Các cơ quan này đều có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính khi phát hiện ra đối tượng xâm phạm bản quyền qua Internet. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính có thể được áp dụng đối với xâm phạm bản quyền qua Internet gồm có biện pháp tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, khám xét... [ibid., Điều 39]
Các tổ chức quản lý tập thể
Tại mỗi quốc gia, với mỗi lĩnh vực khác nhau có các tổ chức bảo hộ quyền tác giả khác nhau. Các lĩnh vực này thông thường bao gồm âm nhạc, điện ảnh, tác phẩm văn học, tác phẩm thu âm, phần mềm. Các cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ khác nhau để bảo vệ quyền lợi cho nhóm tác giả về lĩnh vực liên quan. Ví dụ như tại Mỹ, RIAA - Hiệp hội công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ thành viên bao gồm các hãng đĩa và nhà phân phối trên khắp Hoa Kỳ. Hoạt động chính của RIAA là quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp phép bản quyền và bảo hộ quyền tác giả âm nhạc. Ngoài ra, MPAA - Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ với thành viên là các hãng phim thực hiện nhiệm vụ bảo hộ tác phẩm điện ảnh bằng cách gây khó khăn khi ai đó muốn tải xuống hay đặt tác phẩm ghi hình ấy lên trang web cá nhân. Và rất nhiều các Hiệp hội, tổ chức khác thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bản quyền chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet.
Tại Việt Nam có VCPMC - Trung tâm bảo vệ Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam , RIAV - Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, VLCC - Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, VINASA - Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam và gần đây nhất là VIETPRO - Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam. Các cơ quan này kết hợp với các cơ quan khác như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục bản quyền tác giả...cùng nhau phối hợp chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet.
Trên cấp độ quốc tế, có rất nhiều cơ quan chuyên trách bảo vệ bản quyền chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet có thể kể đến như Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO ( World Intelletual Property Organisation), Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA (Business Software Alliance)...
Tóm lại, cách thức truyền thông qua Internet khác với các hình thức truyền thông khác. Đối với các hình thức truyền thông thông thường, thông tin được truyền tải từ một người truyền tin chủ động đến một nhóm người thụ động tiếp nhận thông tin. Nhưng đối với truyền thông qua Internet, thông tin được chuyển giao một cách tương tác theo nhu cầu từ phía các cá nhân khác nhau tại thời gian và địa điểm mà họ lựa chọn. Vì thế vấn đề xâm phạm bản quyền qua Internet trở thành một vấn đề được toàn thế giới quan tâm với các hình thức xâm phạm tinh vi và cần một hành lang pháp lý thật sự hiệu quả để đối phó.
CHƯƠNG II
THỰC TRẠNG VÀ KINH NGHIỆM XỬ LÝ XÂM PHẠM BẢN QUYỀN QUA INTERNET CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA
1. Xâm phạm bản quyền qua Internet tại Mỹ:
1.1. Thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet tại Mỹ
1.1.1. Tình hình sử dụng Internet tại Mỹ
Mỹ đứng thứ hai trong số 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng người dùng Internet chỉ sau Trung Quốc. Tính đến 30/10/2009, số người sử dụng Internet của Mỹ đã chiếm 24.9% số lượng người dùng Internet trên toàn thế giới.
Dân số Mỹ ước tính khoảng 927 triệu người trong khi đó số lượng người sử dụng Internet chiếm 46.6% dân số của quốc gia này. Mức độ tăng trưởng trong số người sử dụng Internet tại Mỹ năm 2009 so với năm 2000 đã đạt mức tăng trưởng 242.4%. Sự tăng trưởng vượt bậc này thể hiện xu hướng gia tăng nhanh chóng trong những năm vừa qua, đồng thời dự báo sự tiếp tục tăng nhanh trong lượng người sử dụng Internet của Mỹ so với toàn thế giới trong những năm tiếp theo.
Bảng 2.1. Số liệu thống kê số người sử dụng Internet và dân số nước Mỹ
Dân số
(ước tính năm 2009)
% Dân số thế giới
Số người sử dụng Internet
Chiếm % dân số
Sự tăng trưởng số lượng người dùng (2000-2009)
% số lượng người dùng so với thế giới
Toàn nước
Mỹ
927,494,299
13.7%
431,939,479
46.6%
242.4%
24.9%
Phần còn lại của TG
5,840,310,909
86.3%
1,302,054,262
22.3%
454.5%
75.1%
Toàn thế giới
6,767,805,208
100%
1,733,993,741
25.6%
380.3%
100.0%
Nguồn: Nhóm phân tích thị trường Miniwatts, Thống kê thế giới về Internet
Số liệu về dân số dựa trên dữ liệu lưu trữ tại US Census Bureau.
Số liệu về số lượng người dùng Internet dựa trên số liệu công khai bởi Nielsen Online, ITU và các nguồn dữ liệu địa phương tin cậy khác
1.1.2. Thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet tại Mỹ
a) Sự phổ biến của xâm phạm bản quyền qua Internet tại Mỹ
Xâm phạm bản quyền qua Internet tại Mỹ hết sức phổ biến với rất nhiều các trang chia sẻ dữ liệu trực tuyến P2P bất hợp pháp. Hệ thống chia sẻ dữ liệu trực tuyến này khởi điểm là Napster và sau đó là hàng loạt hệ thống khác xuất hiện như Aimster, KaZaA và Grokster sử dụng mạng FastTrack, Morpheus sử dụng mạng Gnutella... Ước tính tại Mỹ, đến 99% tất cả các file chuyển giao thông qua mạng chia sẻ dữ liệu P2P đều bất hợp pháp và có khoảng 5.16 tỷ file nhạc bất hợp pháp được chia sẻ qua hệ thống P2P chỉ trong năm 2001. Theo tổ chức Pew tại Mỹ, 31% giới trẻ Mỹ đã từng sử dụng chương trình Instant Message để chia sẻ nhạc và video.
Hệ thống P2P cho phép mọi người có thể chia sẻ hàng nghìn bài hát với nhiều đối tượng khác nhau cùng một lúc và chỉ với một cú nhấp chuột. Vì thế, sự phát triển của mạng chia sẻ dữ liệu trực tuyến P2P phát triển song hành với xu hướng phổ biến của nạn xâm phạm bản quyền qua Internet tại Mỹ. Theo tổ chức thế giới của ngành công nghiệp thu âm, do tình trạng download và chia sẻ dữ liệu trái phép, lượng bán đĩa nhạc thu âm đã giảm 18% tại Mỹ chỉ giữa năm 2007 và 2008. Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thị trường tiêu dùng NDP, có đến 8% các hộ gia đình Mỹ đã từng download ít nhất một video bất hợp pháp thông qua hệ thống chia sẻ dữ liệu trực tuyến P2P từ 06/12/2006 đến tháng 3 năm 2007. [28]
b) Thiệt hại của xâm phạm bản quyền qua Internet đối với Mỹ:
Theo báo cáo của Viện đổi mới chính sách IPI (Institute for Policy Innovation) mang tên " The True Cost of Copyright Piracy Industry to the US Economy", hàng năm nước Mỹ thiệt hại 58 tỷ USD và 373,375 việc làm. Lao động Mỹ hàng năm mất khoảng 16.3 tỷ USD thu nhập trong đó bao gồm 7.2 tỷ thu nhập từ lao động trong ngành công nghiệp ghi âm và 91 tỷ USD thu nhập lao động các ngành công nghiệp khác tại Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng bị thất thu 2.6 tỷ USD thu nhập thuế hàng năm trong đó bao gồm 1.8 tỷ USD thuế thu nhập cá nhân và 800 triệu USD thuế đánh trên sản phẩm. [43]
1.2. Kinh nghiệm xử lý xâm phạm bản quyền tại Mỹ
Mỹ là quốc gia có hệ thống các biện pháp xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet đầy đủ nhất, hiệu quả nhất. Các biện pháp tự bảo vệ, dân sự, giáo dục, khuyến khích được kết hợp chặt chẽ với nhau với mục tiêu chung là bảo vệ bản quyền chống lại hành vi xâm phạm qua Internet.
1.2.1. Biện pháp tự bảo vệ đa dạng:
Rất nhiều sáng kiến đã được đưa ra bởi các công ty, các hãng phần mềm, nhạc số, video... để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet. Các biện pháp tự bảo vệ được dùng chủ yếu là các biện pháp công nghệ.
- Biện pháp kỹ thuật: Các biện pháp kỹ thuật được các tổ chức bảo vệ quyền tác giả đưa ra bao gồm:
Khóa các đường dẫn tới các trang web âm nhạc thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet.
Đây là nỗ lực của các công ty thu âm tại Mỹ trong việc tìm kiếm hành động pháp lý để tác động trực tiếp tới các nhà cung cấp dịch vụ mạng. Họ nghĩ rằng cách thức này khả thi hơn việc nỗ lực đưa ra các phán quyết quốc tế đối với chủ các website khắp nơi trên thế giới.
Sử dụng công cụ tìm kiếm:
Các công cụ tìm kiếm được các tổ chức bảo vệ quyền tác giả sử dụng để điều tra các website cung cấp phim bản quyền bất hợp pháp trên mạng chia sẻ dữ liệu trực tuyến P2P và sau đó gửi những bức thư cảnh báo liên tục tới người dùng thông qua các công ty cung cấp dịch vụ Internet của họ. Đây là cách mà ngành công nghiệp sản xuất phim của Mỹ sử dụng để tự bảo vệ mình chống lại các hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet.
Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng cung cấp tốc độ đường truyền thấp:
Cách này được sử dụng để nhằm vào các đối tượng thường xuyên download phim bất hợp pháp. Với phương pháp này, người dùng Internet không thể download các file phim có dung lượng lớn và để thỏa mãn nhu cầu của mình họ sẽ lựa chọn download các bộ phim một cách hợp pháp thông qua trả một mức phí hợp lý.
Cung cấp file âm nhạc hoặc những đoạn phim chỉ có một phần giới hạn tác phẩm trên mạng chia sẻ dữ liệu P2P
Biện pháp này cũng khuyến khích người dùng mua các bản nhạc cũng như các bộ phim một cách hợp pháp để có chất lượng tốt hơn.
Đưa vào các phần mềm các chương trình kiểm tra tính xác thực để ngăn chặn sao chép.
Cách thức này được Microsoft áp dụng thành công bằng chương trình kiểm tra tính xác thực của Window - WGA khiến cho quá trình sao chép và phát tán các bản sao sản phẩm của hệ điều hành này trở nên khó khăn hơn. Biện pháp này cũng được áp dụng thành công tại một số khu vực khác ngoài Mỹ ví dụ như tỷ lệ xâm phạm bản quyền Window tại Tây Âu đã giảm xuống còn 34% so với mức 78% năm 1991. [35]
- Biện pháp thông tin quản lý quyền:
Biện pháp này được thực hiện bằng cách quản lý thông tin của các địa chỉ IP thực hiện việc download và chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp trên mạng Internet. Ví dụ như tập đoàn Intergrated Information Systems tại Mỹ đã có thỏa thuận 1 triệu USD với RIAA để theo dõi việc download chia sẻ nhạc Mp3 bất hợp pháp trên mạng cộng tác. Sau đó, RIAA sẽ ép nhà cung cấp dịch vụ mạng trực tuyến tiết lộ tên của khách hàng bị buộc tội là chia sẻ file bất hợp pháp quy mô lớn để có các biện pháp xử phạt cũng như bồi thường thiệt hại.
Nhìn chung, các biện pháp tự bảo vệ được các chủ sở hữu bản quyền tại Mỹ thực hiện hết sức đa dạng. Điều này thể hiện nỗ lực của các chủ sở hữu bản quyền trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong môi trường kỹ thuật số phức tạp.
1.2.2. Biện pháp hình sự và dân sự có tính răn đe cao:
Hình phạt đối với xâm phạm bản quyền qua Internet của Mỹ khá cao với mức phạt vi phạm lần đầu tiên có thể lên tới 500,000$ hoặc 5 năm tù giam. Đối với mức vi phạm tái diễn có thể chịu mức phạt 1 triệu $ hoặc 10 năm tù giam. Tùy mức độ nghiêm trọng của xâm phạm mà hình phạt có thể khác nhau. Tòa án không quy định hình thức xử phạt cho bất kỳ loại hình xâm phạm bản quyền qua Internet nhất định nào. Tòa án cũng đưa ra các mức phạt bổ sung rất nặng đối với các đối tượng người dùng Internet có hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet.
Ví dụ về trường hợp một sinh viên tên Joel Tenenbaum đã bị Tòa án Mỹ tuyên phạt 675,000 $ vì tải bất hợp pháp 30 bài hát vào tháng 8 năm 2009. Mức phạt này tương đương với mức phạt lên đến 22,500$ một bài hát. [41]
Một trường hợp đáng chú ý khác là bà Jammie Thomas Rasset bị Tòa án tuyên phạt mức 1.92 tỷ USD vì tải nhạc bất hợp pháp khoảng 1,700 bài hát về máy tính gia đình bằng mạng chia sẻ dữ liệu trực tuyến KaZaA. Ban đầu, Tòa án chỉ phạt bà Jammie 220,000$ với 1,700 bài hát tải bất hợp pháp. Tuy nhiên, vụ án đã được quyết định xét xử lại do quy trình xét xử diễn ra không đúng trình tự. Vụ xét xử lại chỉ cáo buộc bà Jammie xâm phạm bản quyền 24 bài hát nhưng số tiền phạt lại tăng đến 1.92 tỷ USD, tương đương với khoảng 80,000 $ cho một bài hát. [1]. Đây là mức phạt nặng tay của Tòa án Mỹ đối với xâm phạm bản quyền qua Internet cấp độ cá nhân và hộ gia đình. Mức phạt này cũng chính là tấm gương cho Tòa án các quốc gia khác, thể hiện mức độ nghiêm trọng của xâm phạm bản quyền qua Internet.
Biện pháp hình sự mạnh tay tại Mỹ có thể nói đến vụ Mỹ đã kết tội 15 thành viên của Apocalypse Production Crew, tổ chức tội phạm ăn cắp bản quyền âm nhạc lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thành viên thứ 15 của tổ chức này tên Barry Gitarts, 25 tuổi bị kết tội vì đã tham gia vào các hoạt động ăn cắp và phát tán các sản phẩm nội dung còn chưa được phát hành ra thị trường. Gitarts bị buộc tội là đối tượng đã đứng ra chi trả mức phí để duy trì hoạt động và vận hành máy chủ cho tổ chức. Tòa án liên bang Mỹ tuyên án Gitarts 5 năm tù và mức phạt 250,000 USD và bị buộc trả lại mọi sản phẩm âm nhạc đã ăn cắp. Hình phạt này có tính răn đe rất lớn đối với các loại tội phạm xâm phạm bản quyền qua Internet nghiêm trọng tại Mỹ.
1.2.3. Biện pháp giáo dục hoàn thiện:
+ Đối tượng học sinh, sinh viên
Đối tượng giáo dục ý thức về xâm phạm bản quyền qua Internet tại Mỹ chủ yếu vẫn là giới trẻ độ tuổi đi học. Theo nghiên cứu của Microsoft, giới trẻ là đối tượng xâm phạm bản quyền chiếm đa số tại Mỹ và đặc biệt là giới trẻ từ lớp 7 đến lớp 10 có xu hướng download bất hợp pháp mặc dù chúng biết các quy tắc pháp luật đối với việc tải và chia sẻ dữ liệu trực tuyến.
Microsoft cho rằng sự thiếu hiểu biết về luật và những hướng dẫn đối với việc download trên Internet làm cho giới trẻ nghĩ rằng hình phạt là không cần thiết và hành động download bất hợp pháp không đến nỗi ghê gớm bằng hành động trộm cắp. Chỉ có 48% được điều tra có ý kiến rằng hình phạt là hợp lý đối với việc download bất hợp pháp trong khi đó 90% có ý kiến rằng hình phạt chỉ thích hợp với việc ăn cắp, ăn trộm. Ngoài ra, đối với giới trẻ , ví tiền còn eo hẹp nên việc download bất hợp pháp có thể tiết kiệm cho họ một số tiền đáng kể. Chương trình giáo dục của Microsoft tập trung vào việc chuẩn bị cho những học sinh, sinh viên bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, giúp chúng hiểu được một cách đầy đủ việc xâm phạm bản quyền qua Internet ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng như thế nào.
Để bổ sung cho chương trình giảng dạy và đề cao việc giáo dục này, Microsoft cũng tạo ra một website tương tác tại địa chỉ http:// www.mybytes.com để giúp cho giới trẻ có thể tìm hiểu và trao đổi về quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, Microsoft còn trộn lẫn các âm thanh độc quyền của Microsoft Window tạo thành một bản nhạc chuông độc đáo cho phép người sử dụng có thể download làm nhạc chuông điện thoại. Bản nhạc này của Microsoft thật sự ấn tượng và có tầm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của giới trẻ.
Một sự kiện khác được Microsoft thực hiện nhằm giáo dục ý thức về xâm phạm bản quyền qua Internet trong năm 2008 là phát động "Ngày chống xâm phạm bản quyền toàn cầu". Chiến dịch này nhằm thu hút sự chú ý của dư luận tới các nỗ lực chống xâm phạm bản quyền của hãng. Trong khuôn khổ sự kiện này, Microsoft thắt chặt các nỗ lực chống xâm phạm bản quyền tại 49 quốc gia trên thế giới và bắt đầu bằng một vụ kiện bản quyền tại Mỹ.
Ngoài ra, các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ cũng thực hiện các phương thức giáo dục hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên. Một cuộc điều tra trên mạng Internet mang tên " The Campus Costs of P2P Compliance" đã đưa ra báo cáo dựa trên điều tra chi phí ngăn chặn chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp tại 321 trường Đại học và Cao đẳng tại Mỹ bao gồm cả chi phí tiền bạc và thời gian. Theo báo cáo này, việc giáo dục chống xâm phạm bản quyền qua Internet có thể tiêu tốn đối với các trường khoảng từ 350,000$ đến 500,000 $ hàng năm. Chi phí này bao gồm cả chi phí cài đặt và quản lý các chương trình ngăn chặn dữ liệu P2P và chi phí thời gian cần thiết để thực hiện quản lý thông tin cá nhân người sử dụng. [33].
+ Đối tượng các bậc phụ huynh:
Các bậc phụ huynh là những người có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của con cái họ. Vì thế, ngoài những đối tượng thông thường như học sinh, sinh viên, RIAA của Mỹ hướng hoạt động giáo dục chủ yếu đến các bậc phụ huynh. Một chương trình mang tên "Parental Advisory Label" viết tắt PAL đã được thực hiện bởi các công ty, hãng thu âm tại Mỹ mà quản lý chương trình chính là RIAA. Mitch Bainwol, giám đốc điều hành của RIAA đã phát biểu:
" Chương trình này là một công cụ giúp cho các bậc phụ huynh có thể lựa chọn khi nào những đứa trẻ có thể được nghe những bản thu âm khác nhau". [39]
Tóm lại, Mỹ là một quốc gia rất chú trọng đến vấn đề xâm phạm bản quyền qua Internet với hàng loạt các biện pháp được thực hiện với nỗ lực chung chống xâm phạm bản quyền. Theo cuộc điều tra mới đây do NPD thực hiện, download bất hợp pháp từ các trang chia sẻ dữ liệu trực tuyến P2P tại Mỹ đã giảm 25%. [18]. Điều này thể hiện sự hiệu quả trong công tác bảo vệ chống xâm phạm bản quyền qua Internet tại Mỹ.
2. Xâm phạm bản quyền qua Internet tại Pháp
2.1. Thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet tại Pháp
2.1.1. Tình hình sử dụng Internet tại Pháp
Tại Pháp, con số người sử dụng Internet và tổng số các website thương mại đã tăng mạnh. Chỉ mới năm 2007 đã có khoảng 32 triệu người sử dụng Internet và hơn 21 triệu khách hàng trực tuyến tại Pháp. Doanh số bán lẻ trực tuyến trong năm 2007 ước chừng 22 tỷ USD và chiếm 72% tổng lượng bán toàn quốc gấp hơn nhiều lần so với con số 8% năm 2000. Tổng lượng bán trực tuyến của sản phẩm và dịch vụ tăng 33% từ năm 2006 đến năm 2007 đã thể hiện rằng Internet sẽ giữ vai trò chủ đạo trong doanh số bán hàng trong tương lai. Có thể thấy sự tăng mạnh trong tổng số người sử dụng Internet từ năm 2000 tính đến năm 2008 như sau:
Bảng 2.2 Thống kê việc sử dụng Internet và dân số của Pháp
Năm
Số người sử dụng Internet
Dân số
Chiếm % dân số
2000
8,500,000
58,879,000
14.4%
2004
24,848,009
60,293,927
41.2%
2006
30,837,595
61,350,009
50.3%
2007
32,925,953
61,350,009
53.7%
2008
36,153,327
62,177,676
58.1%
Nguồn: Tổng hợp số liệu từ ITU và NielsenNet
Theo thống kê tính đến 30/09/2009, Pháp đứng thứ 9 trong số 20 quốc gia dẫn đầu về số người sử dụng Internet. Theo thống kê này, dân số Pháp năm 2009 là 62,150,775 người trong đó số người sử dụng Internet tính đến cuối tháng 9 là 43,100,134 người, chiếm 69.3% dân số Pháp và chiếm 2.5% số người sử dụng Internet trên toàn thế giới. So với số lượng người sử dụng Internet năm 2000, số lượng người sử dụng Internet năm 2009 đã tăng 407.1%. Như vậy, có sự tăng trưởng đáng kể và thường xuyên số người sử dụng Internet tại Pháp qua các năm. Internet đã trở nên ngày càng phổ biến đối với hơn 62 triệu người dân Pháp. Sự tăng trưởng này có xu hướng tiếp diễn trong các năm tiếp theo. [23]
2.1.2. Tình hình xâm phạm bản quyền qua Internet tại Pháp
a) Sự phổ biến của xâm phạm bản quyền qua Internet tại Pháp
Theo nghiên cứu của SNEP, tỷ lệ chia sẻ dữ liệu trực tuyến thông qua các trang chia sẻ dữ liệu trực tuyến P2P tại Pháp khá cao. Tỷ lệ này chiếm 31% trong tổng số người dùng Internet tại Pháp và chỉ đứng thứ 2 sau Đức. [7, tr.8]
Các kênh chia sẻ dữ liệu mới cũng phát triển mạnh bao gồm nhiều gói phần mềm chia sẻ dữ liệu trực tuyến khác nhau. Ví dụ như phần mềm Instant Messaging bao gồm Window Live Messenger, Yahoo Messenger, AOL's AIM và rất nhiều các phần mềm khác cho phép chia sẻ dữ liệu dễ dàng và nhanh chóng. Ngoài chức năng cho phép chia sẻ dữ liệu trực tuyến, các phần mềm này còn cung cấp đường dẫn tới những dịch vụ lưu trữ trực tuyến như là Rapidshare, Megaupload, những phần dịch vụ lưu trữ trực tuyến cho phép download một cách dễ dàng. [ ibid., tr.9]. Vì thế tình trạng xâm phạm bản quyền qua Internet như download bất hợp pháp, chia sẻ file bất hợp pháp... xảy ra hết sức phổ biến tại Pháp. Trong tác phẩm của mình, các tác giả cũng ước tính rằng số lượng tác phẩm điện ảnh download qua Internet cao ngang với số người đến rạp chiếu phim.[ibid., tr.5]. Theo số liệu thống kê của ALPHA, số lượng download từ mạng P2P tại Pháp ước tính gần 14 triệu tại thời điểm tháng 6 năm 2008. Trung bình một ngày có khoảng 450,000 bộ phim được download kể từ đầu năm 2008.
b) Thiệt hại của xâm phạm bản quyền qua Internet đối với Pháp
Theo báo cáo của Phòng Thương mại Internet ICC, toàn châu Âu trong năm 2008 đã bị thiệt hại gần 9 tỷ GBP tương đương với 185,000 công việc bị mất vì tình trạng xâm phạm bản quyền qua Internet. Việc ăn cắp bản quyền nhạc số, phim và các chương trình truyền hình đã dẫn tới thiệt hại bán lẻ 1.4 tỷ GBP. ICC còn dự báo rằng trước năm 2015, toàn châu Âu sẽ mất 215 tỷ GBP tương đương với 1.2 triệu việc làm. [11]
Đặc biệt tại Pháp, theo báo cáo tại cuộc họp Quốc hội Pháp đã thống kê trong vòng 5 năm qua, ngành công nghiệp âm nhạc đã thiệt hại 50% về cả lượng bán và lợi nhuận tổng thể, các hãng ghi âm đã giảm 30% việc làm và số lượng nghệ sĩ đăng ký đã giảm 40% một năm. Các công ty sản xuất video cũng thiệt hại đáng kể với doanh thu ngành công nghiệp giảm 35% cùng kỳ.[44]
Riêng trong năm 2007, doanh thu về lĩnh vực âm nhạc ước tính thiệt hại lên đến 369 triệu EU tương đương với 1,640 công việc bị mất, thiệt hại đối với lĩnh vực điện ảnh là 234 triệu EU tương đương 2,419 công việc bị mất đi vì xâm phạm bản quyền qua Internet. [7, tr.5]
Sơ đồ 2.1 Sự biến đổi trong số lượng download phim nửa đầu 2008 tại Pháp
Nguồn: Thống kê của Alpha, dữ liệu đầu năm 2008, Gibbs, p.24
2.2. Kinh nghiệm xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet tại Pháp
Đối diện với vấn đề về thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet, các nhà làm luật của Pháp đã đưa ra rất nhiều biện pháp xử lý khác nhau, trong đó có thể kể đến hai Bộ luật Hadopi 1 và Hadopi 2. Bộ Luật Hadopi 1 tuy không được quốc hội Pháp thông qua nhưng nó chính là tiền đề cho Bộ luật Hadopi 2 về sau. Cả hai Bộ luật này đều cung cấp giải pháp đối phó từng bước đối với vấn đề xâm phạm bản quyền qua Internet. Từ hai Bộ luật này có thể rút ra một số kinh nghiệm chính của Pháp trong việc xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet sau:
2.2.1. Biện pháp dân sự mạnh tay:
Giống như Anh, Pháp cũng thực hiện những biện pháp dân sự hết sức hiệu quả đối với vấn đề xâm phạm bản quyền qua Internet
+ Mức phạt bồi thường có tính răn đe:
Đối với các vụ việc liên quan đến xâm phạm bản quyền, Tòa án Pháp xử phạt rất mạnh tay để nhằm răn đe và cảnh báo đối với các đối tượng xâm phạm bản quyền. Có thể kể đến vụ việc Tòa án Pháp buộc tội Google về việc công bố các cuốn sách của Pháp trên thư viện trực tuyến mà chưa được sự cho phép. Thẩm phán của Pháp tuyên phạt Google với mức bồi thường thiệt hại là 430,000$ cho nhà xuất bản Pháp La Martiniere. Ngoài ra Google được yêu cầu phải trả 10,000 Euro hàng ngày cho đến khi những cuốn sách của Pháp được dỡ xuống từ cơ sở dữ liệu trực tuyến. Phán quyết này gây ra sự chú ý đối với rất nhiều quốc gia bởi vì các nhà xuất bản và các thư viện ở cả Mỹ và Châu Âu đều phê bình Google trong việc scan hàng triệu cuốn sách và công bố rộng rãi trên mạng Internet. [15]
+ Hình phạt liên đới:
Đối với những người cố ý cho phép những người khác ăn cắp bản quyền trực tuyến, Hình phạt này là 1,500 Bảng và chịu sự giám sát sử dụng Internet trong vòng một tháng. Ví dụ như những đứa trẻ thực hiện hành vi sao chép bất hợp pháp thì các bậc cha mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới vì đã sao nhãng việc quản lý con cái. Hình phạt liên đới này bao gồm mức phạt 1,500 Bảng và dịch vụ Internet mà gia đình sử dụng có thể bị cắt trong vòng một tháng. [30] . Hãng tin Pháp AFP cho rằng đây là một đạo luật cứng rắn nhất từ trước tới nay được đưa ra trong khuôn khổ cuộc đấu tranh chung chống xâm phạm bản quyền qua Internet. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Frederic Mitterand đã hoan nghênh việc đưa ra luật này và nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần có các biện pháp kiên quyết để bảo hộ quyền tác giả. [19]
+ Biện pháp dân sự bổ sung:
Biện pháp ngắt đường truyền Internet:
Biện pháp này được thể hiện rõ nhất trong Hadopi 1 và Hadopi 2. Hadopi 2 dựa trên những điều khoản cơ sở của Hadopi 1 và sửa chữa những điều khoản mà quốc hội Pháp không thông qua. Nhìn chung Hadopi 1 và Hadopi 2 đưa ra một tiến trình cảnh cáo liên tục đối với những đối tượng xâm phạm bản quyền qua Internet:
Đầu tiên, tài khoản người dùng có hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet sẽ nhận được thư cảnh báo từ nhà cung cấp dịch vụ mạng bao gồm chi tiết thời gian xâm phạm diễn ra. sau đó các tài khoản này sẽ chịu sự giám sát của các nhà cung cấp dịch vụ mạng và nhận được lời khuyên để xóa bỏ hoặc dỡ xuống các tác phẩm xâm phạm bản quyền. Sau thời gian bị giám sát khoảng 6 tháng cho đến khi bản sao vi phạm được dỡ bỏ hoàn toàn sẽ có một lá thư xác nhận chi tiết thời gian bản sao xâm phạm được hủy. Nếu bên vi phạm tiếp tục hành vi xâm phạm bản quyền này, tòa án có quyền đưa ra phán quyết cắt dịch vụ Internet từ 2 tháng đến 1 năm và bị ghi vào danh sách " Internet Blacklist".
Đây là một trong những đạo luật cứng rắn nhất và nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Bộ Văn hóa Pháp ước tính, chiểu theo đạo luật này mỗi ngày sẽ có khoảng 1,000 người Pháp sử dụng Internet có thể bị ngắt mạng.
Đánh thuế lên các công ty thực hiện công cụ tìm kiếm:
Cùng với Google, các công cụ tìm kiếm khác của Microsoft, AOL, Yahoo và Facebook cũng sẽ bị áp thuế. Google bị buộc tội làm giảm doanh thu âm nhạc vì mọi người thường bắt đầu tìm kiếm những tác phẩm âm nhạc bất hợp pháp bằng Google. Phán quyết này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ các nhà cung cấp công cụ tìm kiếm trên Internet. Mức thuế đánh vào cổng thông tin chưa được xác định chính xác trong các bản báo cáo của Pháp. Người ta ước lượng rằng mức giá trong thị trường quảng trên Internet sẽ tăng vào khoảng 10 triệu Euro một năm. Chi phí để thực hiện quyết định này ước tính khoảng 50 triệu Euro trong năm 2010 và 35 triệu tới 40 triệu Euro vào 2 năm sau đó. Hiệp hội tác giả và các nhà sáng tác tại Pháp SACD ủng hộ quyết định này và cho rằng ý tưởng này thật táo bạo và hợp lý. Điều này thể hiện rõ nỗ lực của Chính phủ Pháp trong công cuộc làm luật để bảo vệ sở hữu trí tuệ trong thời đại Internet.[12]
2.2.2. Biện pháp khuyến khích hiệu quả:
Chính phủ Pháp khuyến khích sự phát triển của những nội dung download hợp pháp trên mạng Internet cho người sử dụng dễ dàng tiếp cận bằng cách đầu tư thiết lập cổng thông tin trực tuyến cho phép khách hàng có thể tiếp cận một cách hợp pháp đến các tác phẩm bản quyền trên mạng Internet. Biện pháp này nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều phía. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Frederic Mitterant đã nói rằng việc đầu tư này nhằm bảo vệ nền văn hóa quốc gia Pháp trước sự xâm nhập hoặc áp đặt văn hóa của nước ngoài. [16].
3. Xâm phạm bản quyền qua Internet tại Anh
3.1. Thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet tại Anh
3.1.1. Tình hình sử dụng Internet tại Anh
Theo số liệu cuộc điều tra thực hiện bởi YouGov PLC với tổng mẫu điều tra là 1977 người được thực hiện trực tuyến từ ngày 10 đến 12 tháng 3 năm 2009, 37% đánh giá Internet là phát minh hiện đại bậc nhất, đánh bại những sáng tạo gần đây như điện thoại di động hay máy nghe nhạc Mp3 để lên vị trí dẫn đầu. Vào năm 1991, nhà khoa học người Anh Tim Berners Lee đã phát minh ra world wide web cho phép xem nhiều trang trên Internet. Phát minh này đã làm thay đổi thế giới thông tin và cuộc sống hàng ngày. Travor Baylis, nhà khoa học phát minh ra Radio vào năm 1989 phát biểu rằng: " Sự có mặt của nguồn truyền lan rộng cực nhanh và sự phát triển phi thường của mạng xã hội làm cho chúng ta không thể tưởng tượng được một cuộc sống mà thiếu Internet" [25]. Theo ước tính, 18.3 triệu gia đình ở Anh (khoảng 70%) kết nối Internet trong năm 2009, tăng gần 2 triệu hộ gia đình (11%) so với năm 2008 và tăng 4 triệu hộ gia đình ( 28%) so với 2006. Tổng số người sử dụng Internet tại Anh ước tính là 37.4 triệu người và con số này được dự đoán là tăng lên 42 triệu người trước năm 2013.
Sơ đồ 2.2: Số lượng hộ gia đình tiếp cận Internet tại Anh
Nguồn: Điều tra về các số liệu thống kê quốc gia
28/08/2009
Khoảng 63% các hộ gia đình ở Anh có kết nối Internet tốc độ cao với đường truyền băng thông rộng năm 2009, tăng so với 2008 là 56%. Số lượng người chưa từng tiếp cận Internet giảm xuống còn 10.2 triệu người, chiếm 21%.
3.1.2. Tình hình xâm phạm bản quyền qua Internet tại Anh
a) Tình trạng phổ biến của xâm phạm bản quyền qua Internet tại Anh
Theo thống kê có khoảng 7 triệu người download tự do ở Anh qua mạng chia sẻ dữ liệu trực tuyến P2P so với dân số 61 triệu người [34] . Để nhấn mạnh tính nghiêm trọng của xâm phạm bản quyền qua Internet tại Anh, Bộ trưởng Anh Lord Madelson liên hệ đến ngành công nghiệp của Anh với dẫn chứng cứ 20 bài hát thì chỉ có một bài được tải xuống một cách hợp pháp. Tình trạng download dữ liệu, phần mềm chương trình máy tính, nhạc số, bằng Torrent đang phát triển một cách nhanh chóng. Tuy nhiên xu hướng này đang dần giảm xuống sau các nỗ lực của Chính phủ Anh và các ban ngành chức năng liên quan. Đặc biệt là sau khi các nhà cung cấp dịch vu mạng tại Anh như BT, Carphone Warehouse và Virgin Media ký kết bản thỏa thuận với Hiệp hội công nghiệp ghi âm của Anh (BPI) về việc gửi thư cảnh báo những khách hàng tham gia tải lậu nhạc số, con số đáng ghi nhận ở Anh là cộng đồng người sử dụng Internet tại Anh đã mua 110 bản nhạc đơn và 10.3 triệu album hợp pháp. [37]
b) Thiệt hại của xâm phạm bản quyền qua Internet đối với Anh
Theo ban cố vấn chiến lược sở hữu trí tuệ ở Anh, nền kinh tế đã thất thoát hàng tỷ Bảng Anh và hàng nghìn công việc hàng năm bị mất do việc download và chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp trên mạng Internet. Theo dự đoán của ngành công nghiệp ghi âm nước Anh BPI, riêng download nhạc bất hợp pháp sẽ làm thiệt hại 1.6 tỷ Bảng Anh từ năm 2001 đến năm 2012. Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ giải trí ERA, doanh thu âm nhạc giảm 0.8% trong năm 2009, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Video bị lỗ 10.6% và phần mềm trò chơi bị lỗ tới 11%. Các thành viên của ERA gồm Tesco, HMV, Amazon và hàng trăm cửa hàng nhỏ chiếm hơn 90% doanh thu video, game và âm nhạc tại Anh [6].
Điều này cho thấy nền kinh tế của Anh đã bị thất thu rất nhiều từ tình trạng xâm phạm bản quyền qua Internet.
3.2. Kinh nghiệm xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet tại Anh
Chính phủ Anh cùng với các cơ quan ban ngành liên quan đã đưa ra rất nhiều biện pháp bảo vệ chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet. Đáng chú ý là biện pháp dân sự và các biện pháp khuyến khích, giáo dục hiệu quả.
3.2.1. Biện pháp dân sự chặt chẽ:
+ Mức phạt có tính răn đe cao: Theo một dự luật tại Anh, những người tải nhạc và phim không có bản quyền sẽ có hình phạt lên đến 50 000 Bảng. Dự luật này yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng ISP có trách nhiệm lưu lại thông tin về các website khách hàng của họ truy cập và những nội dung khách hàng tải về. Các ISP từ chối hợp tác với chính phủ có thể bị phạt tới 400 000 $. [24].
Đôi khi nhà cung cấp dịch vụ mạng còn phải chịu mức phạt thay cho người sử dụng dịch vụ của họ. Tiêu biểu có thể kể đến vụ việc một chủ quán rượu ở Anh đã bị phạt 8,000 Bảng vì khách hàng của ông ta đã download bất hợp pháp thông qua mạng lưới wifi mở của quán. [32]
+ Biện pháp xử phạt bổ sung mạnh tay: Tháng 11 năm 2009, Chính phủ Anh đã chính thức công bố về việc khóa đường truyền Internet của những người download game hay dữ liệu trên Internet bất hợp pháp. Đối với những người vi phạm lần đầu, hình phạt sẽ là làm chậm đường truyền và dần tiến tới việc khóa hẳn đường truyền Internet nếu họ tiếp tục vi phạm nhiều lần. Sau mỗi lần vi phạm, người dùng sẽ được gửi một lá thư nhắc nhở, cảnh báo. Nếu có ý thức sửa đổi hành vi, họ có thể đề nghị cung cấp lại tốc độ băng truyền như cũ. Quyết định ngắt đường truyền Internet này không được nhiều người ủng hộ vì bị cho là vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, để giải quyết tình huống này, thông qua tư vấn của Digital Britain, Chính phủ Anh đã ra một quyết định bất thường khi một lần nữa yêu cầu thực hiện các chính sách nghiêm ngặt hơn mà vẫn phù hợp với hiến pháp quốc gia. Đó là những người vi phạm vẫn nhận được các bức thư cảnh báo về hành động của mình, nhưng khác là nếu vẫn tiếp diễn hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet họ có thể bị ngăn không cho sử dụng các dịch vụ mạng xã hội trực tuyến và tạm thời vẫn không bị cắt mạng Internet.
3.2.2. Biện pháp giáo dục thiết thực:
Một loạt các biện pháp giáo dục với rất nhiều hình thức được các nhà làm luật cũng như các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với mục tiêu chung là đánh vào ý thức người dùng Internet
+ Đàm thoại trực tiếp với các cá nhân sử dụng Internet:
Bộ trưởng Sở hữu trí tuệ David Lammy đã thực hiện đã thực hiện một cuộc tranh luận trực tuyến với những đối tượng là khách hàng sử dụng Internet trên những website nhỏ lẻ để bàn phương hướng giải quyết vấn đề bản quyền trong tương lai. Trang web diễn ra cuộc tranh luận này cũng phổ biến tất cả những bằng chứng mà văn phòng sở hữu trí tuệ thu thập được từ khi chiến dịch chống xâm phạm bản quyền qua Internet được đưa ra từ tháng 12 năm 2008. Nó cũng đưa ra sơ bộ một vài cách giải quyết vấn đề mấu chốt tập trung chủ yếu vào thời gian tiếp theo. Bộ trưởng David Lammy đã nói:
" Chúng ta cần làm việc cùng nhau để xác định xem hệ thống cần được cải tiến như thế nào. Khách hàng và những người sử dụng Internet hàng ngày chính là một phần của cuộc bàn luận cùng với những đội ngũ kinh doanh trong lĩnh vực sáng tạo và các nghệ sĩ nổi tiếng". [27]
Biện pháp này giúp cho người sử dụng Internet tiếp cận sâu hơn vào lĩnh vực xâm phạm bản quyền qua Internet và giúp họ hiểu về tầm ảnh hưởng to lớn của vấn đề này.
+ Giáo dục về tác động tiêu cực của xâm phạm bản quyền qua Internet
Chính phủ Anh thường xuyên làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các ngành công nghiệp giải trí để giáo dục cho khách hàng rằng chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp không phải là một hành động không có tội và là một sự đe dọa vô cùng lớn đối với ngành công nghiệp giải trí. Có giáo dục tốt, hành vi cư xử của khách hàng sẽ được phản ánh tốt mà không làm thiệt hại đến ngành công nghiệp giải trí. Bộ trưởng Lord Madelson đồng ý với kiến nghị đơn giản hóa luật bản quyền phức tạp và tăng sự tự do sử dụng Internet. Kiến nghị này được đưa ra bởi David Lammy, Bộ trưởng giáo dục cấp cao và Bộ trưởng Sở hữu trí tuệ. Ông David Lammy đã nói:
" Tôi muốn mọi người có sự tự do thưởng thức âm nhạc, sách và phim bằng những cách giải trí sáng tạo khác nhau mà không phải sợ vi phạm luật". [ibid.]
3.2.3. Biện pháp khuyến khích hợp lý:
Anh đưa ra rất nhiều biện pháp khuyến khích việc sử dụng hợp pháp các tài nguyên trên mạng Internet. Có thể kể đến như Bộ trưởng Thương mại Anh, Lord Madelson trong chính sách kêu gọi cuộc tiếp cận ba hướng để hạn chế vấn đề chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp qua mạng Internet đã kêu gọi sự phối hợp giữa các trung tâm thương mại quyền tác giả với các nhà cung cấp dịch vụ Internet để đưa ra danh mục những sản phẩm trực tuyến với mức giá tốt nhất cho khách hàng. Ông hi vọng với một mức giá hợp lý, người tiêu dùng sẽ không nghĩ đến việc download trái phép và thực sự thực hiện luật pháp.
Ngoài ra, Chính phủ Anh còn khuyến khích chủ sở hữu bản quyền xây dựng một không gian cho người sử dụng để khuyến khích sử dụng hợp lý tác phẩm của mình. Cách này giúp cho người dùng vừa có thể thỏa mãn nhu cầu cá nhân vừa không xâm phạm bản quyền.
Tóm lại, Anh kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ mạng và các ngành công nghiệp giải trí làm việc với chính phủ để chắc chắn rằng các biện pháp bảo vệ chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet được phối hợp đồng bộ, cân bằng về giáo dục và thực thi. Chính phủ cũng hi vọng với những ghi chú cảnh báo hay việc chặn truy cập các trang mạng xã hội đối với các hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet sẽ là biện pháp có thể làm giảm đáng kể các hành vi đó. Tuy nhiên, thêm vào đó chính phủ cũng có những biện pháp cưỡng chế thi hành bằng mệnh lệnh như việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng có biện pháp công nghệ riêng. Sự kiểm tra tài khoản người dùng có thể là một lựa chọn hợp lý cho những tội phạm xâm phạm bản quyền nghiêm trọng.
4. Xâm phạm bản quyền tại các quốc gia khác:
4.1. Xâm phạm bản quyền qua Internet tại Thụy Sĩ
a) Thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet tại Thụy Sĩ
Tình hình sử dụng Internet tại Thụy Sĩ
Thụy Sĩ là quốc gia có số lượng người dùng Internet chiếm một phần lớn trong dân số. Tính đến năm 2009, Thụy Sĩ có 5,739,300 người sử dụng Internet, chiếm 75.5% dân số. Có thể thấy rõ tốc độ tăng nhanh chóng số lượng người sử dụng Internet tại Thụy Sĩ tính từ năm 2000 trong bảng sau:
Bảng 2.3. Thống kê số lượng người dùng Internet tại Thụy Sĩ
Năm
Số lượng người sử dụng Internet
Dân số
Chiếm % dân số
2000
2,134,000
7,407,700
28.8%
2004
4,589,279
7,452,101
61.6%
2005
4,944,438
7,488,533
66.0%
2006
5,097,822
7,523,024
67.8%
2009
5,739,300
7,604,467
75.5%
Nguồn: Năm 2000, 2009 : Ủy ban tư vấn quốc tế về điện thoại, điện báo ITU
Năm 2004, 2005, 2006: Nielsen/Net Rating
Theo Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development), vào tháng 7 năm 2008, có khoảng 32.7% cư dân Thụy Sĩ sử dụng Internet với đường truyền tốc độ cao. Điều này đã làm cho Thụy Sĩ đứng thứ tư trên thế giới với số lượng người sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao chỉ sau Đan Mạch, Hà Lan và Nauy. Phần trăm trung bình của các nước thuộc OECD về số người sử dụng Internet tốc độ cao là 22.4% vào tháng 12 năm 2008. [36]. Theo văn phòng truyền thông liên bang Thụy Sĩ OFCOM (Federal Office of Communication), chỉ đầu năm 2005, phần trăm số hộ gia đình kết nối Internet tại nhà ở Thụy Sĩ đã chiếm 66.2% dân số và phần trăm hộ gia đình kết nối Internet đường truyền tốc độ cao là khoảng 51%. Và theo cảnh báo của Tổ chức ngăn chặn các vấn đề về ma túy và rượu của Thụy Sĩ (Swiss Institute for the Prevention of Drug and Alcohol Problems) vào năm tháng 10 năm 2008 cho biết hơn 70,000 người tại Thụy Sĩ nghiện Internet và 110,000 người có nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm vì sử dụng Internet quá lâu. Ngoài ra, theo dữ liệu của cuộc điều tra của Chính phủ Thụy Sĩ về việc sử dụng Internet của nước này năm 2006, 64% dân số độ tuổi 14 sử dụng Internet hàng ngày hoặc vài lần một tuần. [10]. Qua các cuộc điều tra nghiên cứu trên có thể thấy tình trạng sử dụng Internet tại Thụy Sĩ vô cùng phổ biến và đối tượng sử dụng hầu hết là giới trẻ.
Tình hình xâm phạm bản quyền qua Internet tại Thụy Sĩ:
Tại Thụy Sĩ, không có nguồn luật nào quy định rằng việc tải dữ liệu là vi phạm pháp luật. Ví dụ như chỉ cần không thực hiện hành động upload dữ liệu, trang web www.kino.to được cho là hợp pháp tại Thụy Sĩ. Đây là một trang web lưu trữ kho nhạc số, video và phim ảnh vô tận với các đường link download cho phép người sử dụng có thể tải xuống một cách dễ dàng. Điều này dẫn đến việc các nhóm xâm phạm bản quyền của các quốc gia khác lợi dụng để kiếm lợi nhuận. Ví dụ như các nhóm xâm phạm bản quyền từ Đức lợi dụng luật này của Thụy Sĩ để ghi âm những bản nhạc và chuyển tải dữ liệu bất hợp pháp. Tiêu biểu là RapidShare, một trang web của công ty của Đức được điều hành ngoài Thụy Sĩ nhưng lại đặt máy chủ tại chính đất nước này. Đây là một trong những trang chia sẻ dữ liệu phổ biến nhất với hàng trăm hàng nghìn người sử dụng hàng tháng và đã được liệt kê trong danh sách 50 trang web được sử dụng nhiều nhất trên mạng Internet. Công ty này cho phép download giới hạn đối với các tài khoản sử dụng miễn phí và download không giới hạn với các tài khoản sử dụng phương thức trả phí. Trang web này có khả năng xử lý dữ liệu cho 3 triệu người cùng một lúc. [49]. Sự tồn tại của các trang chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp trực tuyến tại Thụy Sĩ làm cho vấn đề xâm phạm bản quyền qua Internet tại nước này trở nên đặc biệt nghiêm trọng.
b) Kinh nghiệm xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet tại Thụy Sĩ:
- Biện pháp dân sự
Luật Thụy Sĩ cấm sao chép hoặc sử dụng các đối tượng như hình ảnh, biểu đồ, âm thanh, hoặc văn bản sang các phương tiện kỹ thuật số khác để công bố tới công chúng mà chưa có sự cho phép của tác giả bản quyền. Điều này có nghĩa là tại Thụy Sĩ, hành động download các tác phẩm như nhạc số, phim, hình ảnh, dữ liệu trên mạng Internet là hành động hợp pháp nhưng hành động upload các tác phẩm này cho công chúng tiếp cận là một hành động bị nghiêm cấm tại Thụy Sĩ cho dù những hành động này có vì mục đích lợi nhuận hay không. Trong điều khoản sử dụng của các trang chia sẻ dữ liệu tại Thụy Sĩ đều lưu ý rõ về vấn đề này. Những cá nhân, tổ chức thực hiện hành động cung cấp dữ liệu trên mạng Internet có thể chịu hình phạt lên tới một năm tù hoặc mức phạt lên đến 40,000 CHF. [50]
Để tránh bị truy tố và đối mặt với mức phạt nặng, RapidShare đã tiên phong lọc ra 148 đầu sách cung cấp bất hợp pháp và thay đổi chính sách bằng cách hợp tác với các tác giả bản quyền. Để giới hạn tài khoản người dùng, họ đã đồng ý quản lý các địa chỉ IP và lưu lại những hoạt động chia sẻ dữ liệu qua cổng thông tin vì mục đích pháp luật. Động thái tích cực này được sự hưởng ứng của rất nhiều nhà sản xuất trong ngành giải trí thế giới. [49]
- Biện pháp tự bảo vệ:
Luật Thụy Sĩ cấm vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ tự bảo vệ của chủ sở hữu bản quyền. Điều này tuân theo tiêu chuẩn quốc tế về chống vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ được chủ sở hữu bản quyền thực hiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Luật Thụy Sĩ quy định bất cứ ai thực hiện hành vi vô hiệu hóa hoặc tiếp tay cho hành vi này đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên việc vô hiệu hóa tác phẩm bản quyền chỉ bị xử phạt khi vô hiệu hóa vì mục đích sử dụng hoặc công bố lại theo cách thức bất hợp pháp được quy định trong luật này. [45]
4.2. Xâm phạm bản quyền qua Internet tại Thụy Điển:
a) Thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet tại Thụy Điển:
Tình hình sử dụng Internet tại Thụy Điển:
Theo các số liệu thống kê trên thế giới, Thụy Điển là quốc gia có số lượng người sử dụng Internet chiếm phần lớn dân số. Tại thời điểm tháng 8 năm 2007, Thụy Điển đã có khoảng gần 7 triệu người sử dụng Internet, chiếm 76.7% dân số theo thống kê của ITU. [20]. Con số này góp phần làm cho Thụy Điển đứng đầu trong danh sách các quốc gia sử dụng Internet và các phương tiện truyền thông nhiều nhất trong năm 2008 theo nghiên cứu hàng năm của Liên minh điện báo quốc tế ITU dựa trên số liệu báo cáo các năm của 159 quốc gia. [29]. Và sang đến năm 2009, con số này đã tăng lên 7.3 triệu người, chiếm 80% tổng dân số. Con số này ước tính còn tiếp tục tăng và dự đoán sẽ là 7.5 triệu người và chiếm 82% dân số Thụy Điển năm 2012. [9]
Bảng 2.4. Thống kê số người sử dụng Internet so với dân số tại Thụy Điển
Năm
Số người sử dụng Internet
Dân số
Chiếm % dân số
2000
4,048,000
8,899,075
45.5 %
2004
6,722,553
9,043,990
74.3 %
2005
6,800,000
9,076,757
74.9 %
2007
6,981,200
9,107,795
76.7 %
Nguồn: ITU và Nielsen/Netratings,
Thị trường Internet của Thụy Điển thuộc một trong những thị trường phát triển nhất Châu Âu với mức độ tỷ lệ đường truyền băng rộng cao nhất Châu Âu. Thị trường này đang phát triển và chuyển giao nhanh chóng từ đường truyền dial- up kết nối thông qua đường dây điện thoại sang rất nhiều dạng thức kết nối băng rộng khác nhau. Tỷ lệ kết nối đường truyền Internet tốc độc cao đã chiếm gần 90% với các đường truyền bằng DSL, cáp modem, vệ tinh và wifi và các kỹ thuật kết nối Metro Ethernet, WLAN và BPL... Ngoài ra, Thụy Điển có tỷ lệ nhân công với kỹ năng công nghệ thông tin cao nhất Châu Âu và 53% trong số đó đều sử dụng Internet để làm việc. [13].
Tình hình xâm phạm bản quyền qua Internet tại Thụy Điển:
Trước khi luật bản quyền có hiệu lực, Thụy Điển là quốc gia duy nhất tại Châu Âu cho phép tải dữ liệu trên mạng Internet với mục đích sử dụng cá nhân. Và kết quả là có khoảng 900,000 người Thụy Điển thường xuyên download phim, phần mềm trò chơi, và các tác phẩm âm nhạc trên mạng Internet. Người ta ước tính rằng cứ 2,000 người sử dụng Internet tại Thụy Điển thì có một người nhận được thư thông báo rằng họ đang thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet, nhiều hơn đáng kể so với các quốc gia khác là cứ một trong 7,000 người. Sau khi Thụy Điển tham gia vào " E.U. Copyright Directive" của Liên minh Châu Âu, tình hình vẫn không được cải thiện nhiều. Và theo các chuyên gia thì thói quen download của người Thụy Điển khó có thể phá bỏ. Henril Ponten, người phát ngôn của cơ quan chống xâm phạm bản quyền được thành lập bởi các nhà sản xuất phim và trò chơi Thụy Điển đã nói:
" Không có gì chỉ ra rằng những kẻ xâm phạm bản quyền sẽ thay đổi hành vi và bản thân luật pháp cũng không làm thay đổi được gì" .[5]
b) Kinh nghiệm xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet tại Thụy Điển:
Hiện nay, Thụy Điển đã thắt chặt các biện pháp bảo vệ chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet. Rất nhiều nỗ lực từ phía các nhà làm luật và các phương thức đối phó đã làm cho tình hình cả thiện đôi chút. Đặc biệt là sau khi văn bản thi hành Luật sở hữu trí tuệ của Thụy Điển IPRED ( Intellectual Property Rights Enforcement Directive) có hiệu lực vào 1/4/2009 đã làm tăng gấp đôi số bản download nhạc hợp pháp và giảm 30% lưu thông mạng trực tuyến. [40]
Kinh nghiệm chủ yếu của Thụy Điển là hình phạt thỏa đáng đối với các trường hợp xâm phạm bản quyền qua Internet nghiêm trọng. Điều này thể hiện trong hình phạt của Tòa án Thụy Điển đối với 4 thành viên thành lập Pirate Bay, một trang web xâm phạm bản quyền nổi tiếng trên toàn thế giới. Theo điều tra của Alexa Internet, đây là website cung cấp danh mục các file download dạng Bit Torrent. Website này được xếp hạng đứng thứ 98 trong số những website phổ biến nhất thế giới và đứng thứ 93 tại Mỹ. Tính đến tháng 2 năm 2009, Pirate Bay có khoảng 22 triệu người sử dụng với khoảng 1.6 triệu đường link download bằng torrent liên quan đến phim và ca nhạc. [31].
Sau khi IPRED được thông qua, Pirate Bay đã đáp lại các biện pháp đối phó của IPRED bằng việc thực hiện kế hoạch sử dụng mạng lưới các nhân ảo làm cho người sử dụng Internet trở nên nặc danh. Tuy nhiên, trang web này đã phải đối mặt với một loạt các vụ kiện tụng từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Vào tháng 4 năm 2009, bốn thành viên sáng lập Pirate Bay đã bị Tòa án tại Stockholm, Thụy Điển tuyên phạt 1 năm tù và 4.5 triệu USD cho những thiệt hại vì cố tình phá vỡ luật bản quyền Thụy Điển. [4].
Số tiền phạt thiệt hại này sẽ được bồi thường cho một số lượng lớn các công ty giải trí bao gồm Warner Bros, Sony Music Entertainment, EMI, Columbia Pictures... Mức phạt với Pirate Bay là thông điệp cảnh báo của Thụy Điển đối với những đối tượng chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp về hình phạt nghiêm khắc của Thụy Điển trong công cuộc chống xâm phạm bản quyền qua Internet.
4.3. Xâm phạm bản quyền tại Úc
a) Thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet tại Úc:
Tình hình sử dụng Internet tại Úc:
Úc là quốc gia có số người sử dụng Internet khá cao, tính đến tháng 2 năm 2009 là vào khoảng 16,926,015 và chiếm 79.6% dân số theo số liệu thống kê của Nielsen. Con số này tăng gần gấp ba lần số người dùng Internet tại Úc trong năm 2000.
Bảng 2.5. Thống kê số người sử dụng Internet so với tổng dân số Úc
Năm
Số người sử dụng Internet
Dân số
Chiếm % dân số
2000
6,600,000
19,521,900
33.8 %
2007
14,729,191
20,434,176
70.2 %
2009
16,926,015
21,262,641
79.6 %
Nguồn: Nielsen/Netrating và ITU , theo thống kê thế giới về Internet
Ngoài ra, theo thống kê của Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển OECD, vào tháng 9 năm 2007, có 4,700,200 nhà cung cấp các đường truyền Internet băng rộng tại Úc, chiếm 22.8% dân số [20]. Đây là một con số rất lớn thể hiện mức độ phổ biến của Internet tại quốc gia này.
Tình hình xâm phạm bản quyền qua Internet tại Úc:
Tại Úc, có khoảng 18% dân số liên quan đến việc trao đổi bất hợp pháp các bài hát qua email hoặc các phương thức chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp. Những đối tượng xâm phạm bản quyền này chủ yếu từ 14 đến 17 tuổi và cứ ba người lại có một người thừa nhận chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp trên mạng Internet thường xuyên. Hầu hết các bài hát đều bị download bất hợp pháp thông qua mạng chia sẻ dữ liệu như Limewire, Bearshare và Kazaa. Theo số liệu thống kê mới đây ở Úc, với mỗi một trường hợp download hợp pháp lại có 20 trường hợp download bất hợp pháp. Các số liệu còn cho biết rằng có đến 70% giao thông trực tuyến tại Úc liên quan đến chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp. [ 42].
b) Kinh nghiệm xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet tại Úc:
Từ thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet nghiêm trọng, các nhà làm luật đã thực hiện sửa đổi luật rất nhiều lần. Và lần sửa đổi gần đây nhất được quốc hội liên bang Úc thông qua vào năm 2006. Luật được sửa đổi theo yêu cầu của Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Úc và được sửa đổi những điều khoản chủ yếu về luật chống vô hiệu hóa các tác phẩm bản quyền trên mạng Internet. Luật sửa đổi tương tự như DMCA của Mỹ mặc dù các điều khoản không giống hệt nhau. Đây là một động thái tích cực góp phần khuyến khích các tác giả thực hiện các biện pháp tự bảo vệ bằng biện pháp công nghệ.
Ngoài ra, luật sửa đổi cũng thêm những điều khoản đối với tội xâm phạm bản quyền qua Internet như trách nhiệm nặng nề hơn đối với xâm phạm bản quyền và hệ thống cảnh báo xâm phạm bản quyền qua Internet. Mức phạt đối với mỗi xâm phạm bản quyền qua Internet khác nhau tùy theo mức độ xâm phạm, thiệt hại và có thể lên tới 60,500$ đối với các cá nhân xâm phạm và 302,500$ đối với các tổ chức hoặc hình phạt tù 5 năm hoặc cả hai hình phạt một lúc. Ngoài ra, cảnh sát là cơ quan chức năng có thể xử phạt tại chỗ 1,320 $ đối với một xâm phạm bản quyền qua Internet được phát hiện. [ibid.].
Ví dụ về một trường hợp xử lý xâm phạm bản quyền của một quán cà phê Internet tại Sydney với mức phạt 82,000$ và tịch thu các thiết bị máy tính của quán. Quán cà phê này bị tòa án Úc buộc tội ăn cắp bản quyền các tác phẩm âm nhạc và chương trình truyền hình thậm chí là tải xuống để bán với 60 GB ổ cứng tại máy để khách hàng có thể chuyển tải và mang đi nội dung các tác phẩm bị xâm phạm. Vụ việc này bị liên đoàn phòng chống xâm phạm bản quyền tại Úc ( AFACT), Cục điều tra xâm phạm bản quyền âm nhạc tại Úc (MIPI) phối hợp cùng với cảnh sát liên bang Úc (AFP) phát hiện từ ngày 18 tháng 12 năm 2007 tại một quán Internet cà phê tại số 391, phố Pitt, Sydney. AFACT và MIPI đã điều tra và xác nhận rằng quán cà phê này đã thu phí theo giờ đối với những khách hàng xem những bộ phim và nhạc đã được download bất hợp pháp về máy tính của quánvà đặc biệt là bán các thiết bị lưu trữ có dung lượng lên tới 60 Gb, tương đương với hơn 40 bộ phim và hàng trăm các file nhạc trong đó có cả những bộ phim và bản nhạc chưa được công bố. [38].
CHƯƠNG III: BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM TRONG VIỆC XỬ LÝ XÂM PHẠM BẢN QUYỀN QUA INTERNET
1. Thực trạng xâm phạm bản quyền qua Internet tại Việt Nam
1.1. Tình hình sử dụng Internet tại Việt Nam:
Việt Nam là đất nước tiếp cận Internet khá muộn với dịch vụ Internet lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1997. Khi đó do mức phí sử dụng Internet cao và đường truyền kết nối chậm làm cho tổng số người sử dụng Internet thời kỳ đó rất thấp. Tuy nhiên chỉ không lâu sau đó, con số 10,000 người sử dụng năm 1998 đã tăng thành hơn 10 triệu người vào đầu năm 2006. Và theo số liệu thống kê vào năm 2009, con số này đã lên đến 23 triệu người, chiếm 25.7% dân số. [22] . Việt Nam là nước đứng thứ 19 trong số 20 quốc gia đứng đầu thế giới về số người sử dụng Internet. [21]
Bảng 3.1. Thống kê số người sử dụng Internet tại Việt Nam qua các năm
Năm
Số người sử dụng Internet
Dân số
Chiếm % dân số
2000
200,000
78,964,700
0.3%
2005
10,711, 000
83,944,402
12.8%
2007
16, 739,129
85,031,436
19.7%
2008
20,669,285
86,116,559
24.0%
2009
22,779,887
88,576,758
25.7%
Nguồn: ITU và VNNIC,
Theo báo cáo của AFP, sự tăng trưởng vượt bậc trong số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam là do nỗ lực của Chính phủ trong mục tiêu đặt ra là sự xâm nhập Internet đạt 35% trước năm 2010. Để thực hiện được điều này, Chính phủ đã đầu tư 100.5 nghìn tỷ đồng vào thị trường phát triển Internet trước năm 2010. Chính phủ cũng cho phép Bộ thông tin và truyền thông thực hiện các chức năng liên quan để thúc đẩy sự phát triển của Internet trong đó việc thành lập VNNIC. VNNIC là Trung tâm thông tin mạng Internet Việt Nam, một bộ phận phi lợi nhuận của của Bộ thông tin và truyền thông (MPT), được thành lập ngày 28 tháng 2 năm 2000. Tổ chức này ra đời để thực hiện chức năng quản lý, phân phối, giám sát và xúc tiến việc sử dụng tên miền trên Internet, địa chỉ web và hệ thống quản lý số ASN ở Việt Nam. Tổ chức này còn cung cấp những hướng dẫn liên quan đến Internet, tập hợp số liệu thống kê và đại diện Việt Nam tham gia vào các hoạt động quốc tế về Internet. Theo tổ chức máy tính thành phố Hồ Chí Minh tháng 6 năm 2006, kết quả là tỷ lệ xâm nhập Internet tại Việt Nam đạt 16%, cao hơn tỷ lệ sử dụng trung bình toàn cầu là 15,7%.
Theo số liệu thống kê mới nhất gần đây của Cimigo, một tổ chức nghiên cứu nhãn hiệu và thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, số người sử dụng Internet tại Việt Nam có tốc độ tăng khá nhanh, gần 10,9% qua hơn 10 năm. Cho đến thời điểm hiện tại, có khoảng 26% dân số Việt Nam đã tiếp cận Internet, ngang với con số ước tính tại Philipin và Thái Lan. Một phần ba người sử dụng Internet tại Việt Nam là sinh viên và 40% người sử dụng là nhân viên văn phòng. Cũng theo điều tra của Cimigo với 3,000 người sử dụng Internet từ 6 thành phố và tỉnh thành như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã cho thấy rằng hai phần ba trong số đó sử dụng Internet một ngày khoảng 2 tiếng 2o phút đối với ngày thường và ít thời gian sử dụng hơn vào cuối tuần. Hầu hết những người được điều tra đều nói rằng họ lướt mạng để đọc tin tức, tìm kiếm thông tin, nghe nhạc, dùng cho công việc và học tập, tán gẫu hoặc để kiểm tra hòm thư. Cimigo cũng chú ý về sự phát triển của mua sắm trực tuyến và đặc biệt là sự phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, yahoo blog... tại Việt Nam trong thời gian vài năm trở lại đây. Facebook là mạng xã hội được yêu thích nhất và Yahoo 360 Plus là trang viết blog được cư dân mạng sử dụng nhiều nhất. [46]
1.2. Tình hình xâm phạm bản quyền qua Internet tại Việt Nam:
1.2.1. Sự phổ biến của xâm phạm bản quyền qua Internet tại Việt Nam
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của các phương tiện kỹ thuật số hiện đại, việc xâm phạm bản quyền qua Internet trở nên hết sức dễ dàng đối với một người sử dụng Internet thông thường. Năm 2000, Việt Nam đứng đầu trong danh sách các quốc gia xâm phạm bản quyền phần mềm toàn cầu theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Mỹ. Theo thống kê, đến 97% bản quyền phần mềm bị sao chép tại Việt Nam trong khi đó tại Trung Quốc là 90% và tại Mỹ là 30%. Các phần mềm thông thường bị bẻ khóa và cung cấp trên mạng Internet miễn phí cho người sử dụng. Việc mở rộng khả năng truy cập Internet sẽ làm tăng việc cung ứng các phần mềm lậu. Theo báo cáo thường niên lần thứ 6 của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) 12/5/2009, trong vòng 5 năm tới, 460 triệu người ở các quốc gia mới nổi sẽ được kết nối mạng. Tốc độ tăng trưởng về sử dụng Internet sẽ cao nhất đối với người sử dụng Internet là người tiêu dùng và những doanh nghiệp nhỏ. Đây cũng là hai bộ phận có tỷ lệ xâm phạm bản quyền cao hơn so với bộ phận các doanh nghiệp lớn và các cơ quan Chính phủ. Theo thông tin từ Vụ Công nghệ - Bộ thông tin và truyền thông thì tính tại thời điểm năm 2009 tại Việt Nam có trên 400 doanh nghiệp làm việc trong môi trường kỹ thuật số, thu hút 21,000 lao động tham gia trong đó có 65% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 3% doanh nghiệp nước ngoài. Bốn lĩnh vực mà Việt Nam đạt được doanh thu lớn nhất là mạng di động, Internet, game và thương mại điện tử. [47]
Hiện nay, đang có rất nhiều trang web, blog cá nhân, diễn đàn thực hiện việc sử dụng, sao chép và phát tán các sản phẩm trí tuệ khác nhau trên mạng Internet mà không thực hiện việc trả bản quyền. Các tác phẩm ghi âm, ghi hình thuộc quyền quản lý của Hiệp hội ghi âm Việt Nam RIAV cũng ngang nhiên bị xâm phạm. Đặc biệt là vấn đề nhạc số trên mạng Internet với khoảng 80% đến 90% bản ghi lưu hành trên các website đều không hề xin phép. Các trang nhạc số hoạt động dự trên thu phí đăng quảng cáo của các doanh nghiệp khác và đó là thực tiễn kinh doanh của thị trường âm nhạc Việt Nam. Các trang nhạc này sẽ phải trả một mức phí tương ứng cho quyền tác giả và quyền liên quan. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trang nhạc số không thực hiện quy định này và thực hiện cho phép download hàng nghìn tác phẩm âm nhạc bất hợp pháp miễn phí gây tổn thất vô cùng lớn cho ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Theo thống kê năm 2009, có khoảng 10,000 bản nhạc trên hơn 100 website nhưng chỉ có khoảng 60 website đang thực hiện việc trả tiền bản quyền cho Hiệp hội ghi âm Việt Nam. Ông Đinh Trung Cẩn, giám đốc khu vực phía nam của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC cho biết chỉ có 19 trang web âm nhạc trực tuyến có đăng ký sử dụng các tác phẩm âm nhạc với VCPMC, còn lại hơn 100 trang web khác chưa hề có sự cho phép vẫn hoạt động trong đó có khoảng 50 trang web có máy chủ đặt tại nước ngoài nên các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được. Hơn nữa, một số trang web đăng ký sử dụng 100 tác phẩm âm nhạc với VCPMC nhưng thực tế lại tải lên 3,000 đến 4,000 tác phẩm nhạc số. Hai trường hợp đặc biệt được đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng với Phòng 8 (C15, Bộ Công An) và Cục Bản quyền tác giả đã phát hiện ra trên trang web sahara.com.vn của công ty Tân Trí Tuấn và trang web songhuong.com.vn của Sông Hương ngoài những tác phẩm văn học bất hợp pháp được sao chép 100% vả về nội dung và hình thức còn hàng loạt các tác phẩm âm nhạc cũng bị vi phạm bản quyền một cách nghiêm trọng. Ví dụ như trên trang sahara.com.vn phát hiện được 8,576 bản nhạc, ca khúc được đăng tải và chưa có sự cho phép của các tác giả cũng như các cơ quan chuyên môn liên quan.
Ngoài ra, thực trạng chia sẻ dữ liệu không có bản quyền qua hệ thống chia sẻ dữ liệu trực tuyến P2P tại Việt Nam cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Người sử dụng Internet tại Việt Nam thường sử dụng các hệ thống chia sẻ dữ liệu trực tuyến của nước ngoài. Các hệ thống chia sẻ trực tuyến này bao gồm các phần mềm cho phép chia sẻ dữ liệu như yahoo messenger, skype,... và các website chia sẻ file như mediafire.com, megaupload.com, ugotfile.com, rapidshare.com và hàng loạt các trang chia sẻ dữ liệu trực tuyến miễn phí khác.
1.2.2. Thiệt hại của xâm phạm bản quyền qua Internet đối với Việt Nam:
Một năm Việt Nam đạt doanh thu các sản phẩm lĩnh vực công nghệ số chỉ từ 5 đến 10 triệu USD trong khi đó phải nhập khẩu gấp 10 lần, tức khoảng 30 đến 50 triệu USD.
Xâm phạm bản quyền qua Internet không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi tác giả và chủ sở hữu bản quyền, sự phát triển kinh tế của quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cái nhìn của bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước Việt Nam. Điển hình là việc tổ chức New Open World từng gạt tên Việt Nam ra khoi danh sách bình chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới do một số trang web tại Việt Nam vi phạm bản quyền logo, giao diện và nội dung của trang web chính thức của họ. Bên cạnh đó là việc công ty TNHH Net Result do liên đoàn bóng đá Anh ủy quyền để bảo vệ tất cả những vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ của giải bóng đá này trên mạng Internet đã khiếu nại việc các trang web bongdaso.com, tamtay.vn, zing.vn, webthethao.vn, vnmedia.vn, clip.vn và baobongda.com.vn đã đăng tải những đoạn video clip các trận bóng đá mà không được sự đồng ý của Liên đoàn bóng đá giải ngoại hạng Anh Premier League. Đặc biệt nhất là việc cuối tháng 12 năm 2008, VTV đã không thể truyền hình trực tiếp đêm chung kết Hoa hậu thế giới vì các trang web vietnamitv.com, vtc.com.vn. PDA.vn, clip.vn đã tự ý thu lại các phần thi Hoa hậu thời trang, Hoa hậu biển từ VTV3 để phát trực tiếp trên trang web của mình. Tổ chức Hoa hậu thế giới cho rằng đây là hành động xâm phạm bản quyền và quyết định ngừng cung cấp sóng cho RAAS, đơn vị cung cấp bản quyền phát sóng cho VTV. Rõ ràng, những sự việc đáng tiếc như vậy sẽ khó xảy ra nếu Việt Nam làm tốt khâu thực thi bản quyền trên mạng Internet.
2. Thực trạng xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet tại Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và canh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện đang nỗ lực cùng với các quốc gia trên thế giới thực thi nhiều biện pháp khác nhau nhằm bảo vệ quyền tác giả chống lại xâm phạm bản quyền qua Internet. Tuy nhiên việc xử lý xâm phạm bản quyền qua Internet còn gặp nhiều khó khăn và bất cập đặc biệt khi mà các cách thức xâm phạm bản quyền qua Internet ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn.
2.1. Biện pháp tự bảo vệ chưa phù hợp
Tại Việt Nam, các hiệp hội bảo vệ quyền cho các tác giả chưa có các biện pháp tự bảo vệ thực sự hiệu quả cho vấn đề xâm phạm bản quyền qua Internet. Các biện pháp nỗ lực của các Hiệp hội chưa hợp lý nên thường vấp phải sự phản đối của hầu hết các đơn vị cũng như cá nhân trong xã hội. Ví dụ như trong năm 2009, theo công văn số 22/BQTG của Cục Bản quyền tác giả và công văn số 02/RIAV/08 của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã yêu cầu mức phí bản quyền trên Internet cho một bài hát trên một website là 1 triệu đồng một năm. Đây được coi là mức phí cắt cổ cho các website nhạc trực tuyến hiện nay. Theo nhạc sĩ Hạ Long - Trưởng phòng cấp phép của Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC cho biết:
" Hiện nay mức thu trung bình về quyền tác giả một bài hát được đưa lên website mà không cho phép tải về là 16,000 đồng một bài hát một tháng. Nghĩa là trong một năm, tác giả ca khúc sẽ nhận được khoảng 192,000 đồng. Nếu cho download thì cộng thêm 300 đồng một bài một tháng". [3]
Trên thế giới hiện nay, theo biểu giá của Hiệp hội quy tắc - Hiệp hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cả nhạc và lời bài hát thì tại bất kỳ một nước nào, tỷ lệ phần trăm trong vấn đề bản quyền bao giờ tác giả tác phẩm cũng phải là đối tượng được thu tiền bản quyền lớn nhất. Tỷ lệ giữa mức bản quyền trả cho tác giả so với mức phí bản quyền trả cho bên liên quan thường là 6.5 và 3.5. Điều này có nghĩa là nếu tác giả chỉ được trả khoảng 192,000 đồng một bài một năm thì bên liên quan có thể được trả mức tương ứng, khoảng 104,000 đồng một năm. Như vậy, nếu RIAV quyết định thu phí một triệu đồng một bài hát một năm thì mức phí này sẽ chênh cao gấp 5 lần so với mức giá thực tế mà tác giả tác phẩm nhận được. Đây là mức giá không phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thông lệ hiện hành tại Việt Nam. Căn cứ trên cơ sở luật pháp hiện hành, luật sư Nguyễn Thanh Hà, một luật sư về sở hữu trí tuệ thuộc đoàn luật sư Hà Nội đã nhận định:
" Hiện tại, cách xây dựng bảng phí bản quyền của RIAV không dựa trên bất cứ một văn bản pháp luật có liên quan nào của Việt Nam. Đây là cách xây dựng hoàn toàn dựa trên ý chí chủ quan của RIAV và không dựa trên bất cứ một văn bản pháp luật có liên quan nào của Việt Nam". [ibid.]
Hơn nữa, các tác giả và các bên liên quan chưa sử dụng hiệu quả các biện pháp công nghệ để bảo vệ tác phẩm của mình. Cũng có nhiều trang web thực hiện biện pháp sử dụng thông tin quản lý quyền hay tạo ra các điều khoản nhằm ngăn cấm việc download, sao chép các tác phẩm bất hợp pháp tuy nhiên các biện pháp này không ngăn được người sử dụng Internet thực hiện các hành vi nhằm kiếm lợi của mình.
2.2. Biện pháp dân sự và hình sự chưa được áp dụng triệt để
Hầu hết các xâm phạm bản quyền qua Internet khi bị phát hiện hầu hết đều được xử lý bằng biện pháp xử phạt hành chính. Mức phạt tiền trong xử phạt hành chính là từ 10,000 đồng đến 500 triệu đồng tùy theo mức độ và lĩnh vực xâm phạm bản quyền. [Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12]. Đây là mức phạt hợp lý nhằm răn đe đối với các hành vi xâm phạm bản quyền qua Internet tại Việt Nam. Tuy nhiên một điều bất cập là tác giả, người
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 110995.doc