Tài liệu Đề tài Một số giải pháp hoàn thiện việc sắp xếp lại lao động và giải quyết lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN ở Tổng công ty thép Việt Nam: PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Từ nhiều năm nay doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) luôn giữ vai trò chủ đạo, chiếm lĩnh hầu hết các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế như: Bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, dầu khí, vận tải, bưu điện... Tuy nhiên DNNN vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình, nhiều DNNN làm ăn thua lỗ gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Do đó sắp xếp, đổi mới để phát triển và nâng cao hiệu quả của DNNN là yêu cầu bức thiết của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong tình hình hiện nay khi nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển thì vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Có nhiều giải pháp đổi mới DNNN như bán DNNN, CPH DNNN, cho thuê DNNN, cải cách cơ chế quản lý trong DNNN... Nhưng trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay thì cổ phần hoá (CPH) là một trong những gi...
82 trang |
Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1127 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Đề tài Một số giải pháp hoàn thiện việc sắp xếp lại lao động và giải quyết lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN ở Tổng công ty thép Việt Nam, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Từ nhiều năm nay doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) luôn giữ vai trò chủ đạo, chiếm lĩnh hầu hết các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế như: Bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, dầu khí, vận tải, bưu điện... Tuy nhiên DNNN vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình, nhiều DNNN làm ăn thua lỗ gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Do đó sắp xếp, đổi mới để phát triển và nâng cao hiệu quả của DNNN là yêu cầu bức thiết của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong tình hình hiện nay khi nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển thì vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Có nhiều giải pháp đổi mới DNNN như bán DNNN, CPH DNNN, cho thuê DNNN, cải cách cơ chế quản lý trong DNNN... Nhưng trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay thì cổ phần hoá (CPH) là một trong những giải pháp được lựa chọn là phù hợp nhất. Đây là giải pháp mang tính chiến lược khi đất nước ta đang đứng trước những yêu cầu mới về phát triển kinh tế.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Tổng công ty thép Việt Nam cũng đang từng bước triển khai hoạt động sắp xếp, đổi mới và phát triển Tổng công ty. Trong kế hoạch định hướng giai đoạn 2006 - 2010 Tổng công ty dự định sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, tiếp tục CPH các đơn vị thành viên tiến tới CPH hoàn toàn công ty mẹ (Nhà nước nắm cổ phần chi phối). Mở rộng kinh doanh đa ngành, trong đó sản xuất kinh doanh thép là nền tảng để đủ điều kiện trở thành tập đoàn thép Việt Nam.
Trong tiến trình thực hiện đổi mới DNNN để CPH thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh việc hiểu rõ về CPH và áp dụng CPH, cùng với việc xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh và các giải pháp huy động vốn thì việc sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư cũng là một nhân tố quan trọng. Trong mọi thời kỳ, mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp lao động hay nói chung là nguồn nhân lực luôn đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển kinh tế nói chung và sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp nói riêng. Do cơ cấu lại sản xuất kinh doanh cũng như yêu cầu về chất lượng lao động phải được nâng cao nên CPH DNNN đòi hỏi phải sắp xếp lại lao động, điều này dẫn tới vấn đề lao động dôi dư là không thể tránh khỏi. Do vậy việc đưa ra những giải pháp giải quyết vấn đề lao động khi thực hiện CPH DNNN là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà hiện nay Tổng công ty thép Việt Nam đang quan tâm giải quyết. Đó cũng chính là lý do vì sao em chọn đề tài “Một số giải pháp hoàn thiện việc sắp xếp lại lao động và giải quyết lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN ở Tổng công ty thép Việt Nam.” để làm luận văn tốt nghiệp. Đây là một vấn đề mang tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn, là nhiệm vụ quan trọng của Tổng công ty thép Việt Nam khi thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển Tổng công ty. Đề tài này thực sự rất đáng quan tâm và cũng là một vấn đề khó. Do thời gian và khả năng nghiên cứu cũng như việc hiểu rõ các chính sách của Tổng công ty thép Việt Nam còn hạn chế nên trong quá trình nghiên cứu không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy em mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn để việc nghiên cứu đề tài được hoàn thiện hơn. Em cũng xin chân thành cảm ơn cô giáo, Ths Phạm Thị Bích Ngọc và các bác, các cô, các chú trong phòng Tổ chức lao động Tổng công ty thép Việt Nam đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ em trong quá trình nghiên cứu đề tài.
2. Mục tiêu nghiên cứu đề tài
Việc lựa chọn và nghiên cứu đề tài này nhằm:
Kết hợp những lý luận chung về lao động, vai trò của lao động, lý luận CPH khi thực hiện chuyển đổi DNNN và sắp xếp lại lao động cũng như các chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN.
Phân tích kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thực hiện CPH và ảnh hưởng của CPH đối với người lao động cũng như việc sắp xếp lại lao động giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi tiến hành CPH ở Tổng công ty thép Việt Nam. Trên cơ sở đó phân tích những mặt đã đạt được cũng như những tồn tại cần giải quyết để có những giải pháp hợp lý khi thực hiện.
Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện việc sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN ở Tổng công ty thép Việt Nam.
3. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu là những vấn đề lý luận và thực tiễn về CPH, việc sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách cho số lao động dôi dư theo quy định của Nhà nước ở Tổng công ty thép Việt Nam. Trong đó phân tích và minh hoạ sâu thêm bằng thực tiễn của Công ty kim khí Hà Nội (đơn vị thành viên của Tổng công ty thép Việt Nam).
4. Nguồn số liệu
Việc nghiên cứu đề tài dựa trên tình hình thực tiễn về CPH DNNN ở Tổng công ty thép Việt Nam, thông qua nguồn số liệu sẵn có ở phòng Tổ chức lao động Tổng công ty và Công ty Kim khí Hà Nội. Đồng thời tham khảo trên báo chí, internet và các phương tiện truyền thông khác.
5. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp được sử dụng trong quá trình nghiên cứu đề tài: Phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp thống kê - so sánh...
6. Kết cấu của đề tài
Nội dung của luận văn gồm 3 phần chính:
Phần I: Cơ sở lý luận về sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN.
Phần II: Thực trạng việc sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN ở Tổng công ty thép Việt Nam.
Phần III: Một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện việc sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN ở Tổng công ty thép Việt Nam.
PHẦN I
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SẮP XẾP LẠI LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG DÔI DƯ
KHI THỰC HIỆN CPH DNNN
I. Lao động và vai trò của lao động
1. Các khái niệm
Lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người, lao động tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần của xã hội, là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người.Chính vì tầm quan trọng đó của lao động mà các vấn đề lao động luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm giải quyết. Để hiểu rõ về lao động và giải quyết tốt các vấn đề lao động trong doanh nghiệp chúng ta cần nắm được khái niệm lao động và các khái niệm liên quan khác như: Lực lượng lao động, người lao động và lực lượng lao động trong doanh nghiệp.
Lao động là hoạt động có mục đích của con người, là một hành động diễn ra giữa con người và giới tự nhiên. Trong khi lao động con người vận dụng sức lực tiềm tàng trong thân thể của mình, sử dụng công cụ lao động để tác động vào giới tự nhiên, chiếm lấy những vật trong tự nhiên, biến đổi vật chất đó làm cho chúng trở nên có ích cho đời sống của mình. Lao động là điều kiện không thể thiếu được của đời sống con người.
Lực lượng lao động (hay dân số hoạt động kinh tế): Bao gồm những trong độ tuổi lao động có khả năng lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân và những người thất nghiệp đang có nhu cầu tìm việc làm.
Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động.
Lực lượng lao động trong doanh nghiệp bao gồm tất cả những người lao động làm việc cho doanh nghiệp đó. Lực lượng lao động trong doanh nghiệp được xem xét về mặt quy mô (số lượng) và kết cấu (chất lượng). Việc sử dụng lao động có hiệu quả sẽ mang lại thành công cho doanh nghiệp.
2. Phân loại lao động
Trong thực tế có rất nhiều tiêu chí để phân loại lao động nhưng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu đề tài thì lao động ở đây được chia thành lao động có việc làm, lao động thiếu việc làm và lao động thất nghiệp.
2.1 Lao động có việc làm
Người lao động có việc làm là những người từ đủ 15 tuổi trở lên trong nhóm dân số hoạt động kinh tế mà trong tuần lễ trước điều tra:
+ Đang làm công việc để nhận tiền lương, tiền công hoặc lợi nhuận bằng tiền hay hiện vật.
+ Đang làm công việc không được hưởng tiền lương, tiền công, hay lợi nhuận trong các công việc sản xuất kinh doanh của gia đình mình.
+ Đã có công việc trước đó song trong tuần lễ trước điều tra tạm thời không làm việc và sẽ trở lại tiếp tục làm việc ngay sau thời gian tạm nghỉ việc.
2.2 Lao động thiếu việc làm.
Lao động thiếu việc làm bao gồm những người có việc làm bấp bênh hoặc đang có việc làm nhưng thời gian làm việc ít hơn mức chuẩn quy định cho người đủ việc làm (làm việc 40 giờ trong 5 ngày trở lên trong tuần lễ), tham gia không đủ thời gian trong ngày, trong năm và hưởng thu nhập rất thấp không đủ sống từ việc làm đó.
2.3 Lao động thất nghiệp.
Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên trong nhóm dân số hoạt động kinh tế mà trong tuần lễ trước điều tra không có việc làm nhưng có nhu cầu làm việc.
+ Có hoạt động đi tìm việc trong 4 tuần qua, hoặc không có hoạt động đi tìm việc trong 4 tuần qua vì các lý do không biết tìm việc ở đâu hoặc tìm mãi mà không được việc.
+ Hoặc trong tuần lễ tính đến thời điểm điều tra có tổng số giờ làm việc dưới 8 giờ, muốn và sẵn sàng làm thêm nhưng không tìm được việc.
Ngoài việc phân loại lao động như trên trong thực tế người ta còn phân loại lao động căn cứ vào vai trò của từng bộ phận lao động hoặc căn cứ vào trạng thái có việc làm hay không người ta có thể phân biệt lực lượng lao động và nguồn lao động. Tuy nhiên phân loại lao động theo các tiêu chí như trên là phù hợp nhất để nghiên cứu vấn đề sắp xếp lao động và giải quyết lao động dôi dư trong doanh nghiệp DNNN
3.Vai trò của lao động
Trong mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp có rất nhiều các nguồn lực khác nhau, trong đó có nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chính là nguồn lực về con người, đây là nguồn lực quan trọng nhất quyết định sự phát triển và lớn mạnh của tổ chức. Nguồn nhân lực trong doanh nghiệp hay chính là những người lao động sẽ quyết định hiệu quả của các nguồn lực khác. Trong quá trình sản xuất kinh doanh máy móc trang thiết bị công nghệ hiện đại quyết định rất nhiều đến năng suất và hiệu quả nhưng chúng ta không thể phủ nhận được vai trò chủ đạo của người lao động. Một doanh nghiệp muốn thành công và phát triển phải sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của người lao động đối với doanh nghiệp, vì vậy bất kỳ một tổ chức, một doanh nghiệp nào cũng phải coi trọng người lao động và có những chính sách hợp lý đối với người lao động để họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và tổ chức.
II. Sự cần thiết phải sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN.
1. Những vấn đề chung về CPH DNNN
1.1 Khái niệm và mục tiêu của CPH DNNN
Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã được hình thành và phát triển tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ. Trước tình hình đó đòi hỏi các DNNN phải đổi mới, sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Một trong những giải pháp được lựa chọn khi sắp xếp, đổi mới DNNN là CPH DNNN.
CPH là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp từ chỗ chỉ có một chủ sở hữu thành công ty cổ phần, một loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu. CPH có thể diễn ra tại các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh và tại các doanh nghiệp Nhà nước. Cổ phần hoá sẽ làm đa dạng hoá sở hữu tại doanh nghiệp.
CPH DNNN là việc chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty cổ phần; huy động vốn của cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong nước và ngoài nước để tăng năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
CPH DNNN khác với tư nhân hoá DNNN. Tư nhân hoá DNNN là quá trình chuyển toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu tài sản trong DNNN sang các cá nhân hay tổ chức khác không phải là Nhà nước. Quá trình tư nhân hoá có thể là quá trình đa dạng hoá sở hữu cũng có thể không phải. Như vậy, CPH DNNN và tư nhân hoá DNNN là hai quá trình khác nhau. CPH DNNN nhằm thực hiện các mục tiêu sau:
Thứ nhất: Chuyển một phần quyền sở hữu tài sản của Nhà nước thành sở hữu của các cổ đông nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy mục tiêu của cổ phần hoá là chuyển một phần quyền sở hữu cho các cổ đông chứ không phải là quyền sử dụng và tài sản ở đây được thể hiện dưới hình thức tổng hợp là vốn. Mục tiêu cao nhất của CPH là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng nếu duy trì sở hữu Nhà nước thì nhất định sẽ dẫn đến hiệu quả kém. Vì vậy mục tiêu số 1 của CPH là phải giải quyết vấn đề quyền sở hữu, tức là phải đa dạng hoá quyền sở hữu thì mới có thể nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ hai: Phải huy động được một khối lượng vốn nhất định ở trong và ngoài nước để phát triển sản xuất kinh doanh. Các DNNN thiếu vốn nghiêm trọng vì vậy CPH chính là một hình thức huy động vốn cho đầu tư phát triển thông qua bán cổ phần.
Thứ ba: CPH nhằm mục tiêu tạo điều kiện để người lao động thực sự làm chủ doanh nghiệp, tham gia vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thông qua việc sở hữu cổ phần (hay phần vốn góp) của doanh nghiệp. Tạo động lực làm việc và nâng cao vai trò làm chủ thực sự của người lao động.
Như vậy việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần sẽ mang lại sức sống mạnh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn cho doanh nghiệp. Công ty cổ phần là sản phẩm tất yếu của nền sản xuất xã hội hoá và nền kinh tế thị trường phát triển. Vì vậy, CPH DNNN thực sự là một cuộc cách mạng triệt để thay đổi cách thức tổ chức hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp, thay đổi cơ bản mối quan hệ doanh nghiệp - Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích ứng với hoạt động cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
1.2 Ảnh hưởng của CPH dối với doanh nghiệp và người lao động
Thông qua các mục tiêu của CPH chúng ta có thể thấy được những ảnh hưởng rõ rệt của CPH đối với doanh nghiệp và người lao động. CPH sẽ làm thay đổi cơ cấu sở hữu trong doanh nghiệp, làm cho sở hữu đối với doanh nghiệp trở nên đa dạng do đó giải quyết triệt để vấn đề sở hữu trong DNNN. Mặt khác CPH sẽ huy động được một khối lượng vốn nhất định ở trong và ngoài nước để phát triển sản xuất kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. CPH được coi là nhân tố kích thích sự phát triển của các thị trường vốn, thị trường chứng khoán và khi thị trường vốn, thị trường chứng khoán phát triển sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cổ phần phát triển từ đó làm nâng cao tính năng động và hiệu quả của doanh nghiệp.
Đối với người lao động CPH có tác động rất lớn. Khi chuyển DNNN thành công ty cổ phần người lao động sẽ trở thành người đồng sở hữu doanh nghiệp, được tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp. CPH sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do đó thu nhập của người lao động cũng được cải thiện Tuy nhiên CPH sẽ làm cho công việc của người lao động bị xáo trộn do thay đổi hình thức sở hữu sẽ kèm theo việc bố trí, sắp xếp lại lao động. Quá trình sắp xếp lại lao động sẽ dẫn tới một bộ phận lao động bị dôi dư do doanh nghiệp không bố trí được việc làm. Bộ phận lao động này sẽ phải dời khỏi doanh nghiệp điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động. Vì vậy khi thực hiện CPH doanh nghiệp phải đảm bảo giải quyết tốt các chính sách cho cả người lao động tiếp tục làm việc tại công ty cổ phần và người lao động dôi dư nhằm đảm bảo mục tiêu và phát huy hiệu quả của CPH.
2. Lao động dôi dư và các chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN
2.1 Lao động dôi dư
2.1.1 Khái niệm lao động dôi dư
Trong quá trình CPH nói riêng hay sắp xếp, đổi mới DNNN nói chung sẽ có một bộ phận lao động bị dôi dư điều này là không thể tránh khỏi và là hậu quả tất yếu. Vậy lao động dôi dư là gì và những đối tượng nào sẽ được xếp vào diện dôi dư là điều chúng ta cần quan tâm.
Trước hết để hiểu thế nào là lao động dôi dư ta cần xác định được lượng lao động dôi dư: Lượng lao động dôi dư là số lao động có tên trong danh sách của doanh nghiệp lớn hơn số lao động cần thiết được sử dụng để sản xuất một lượng hàng hoá nhất định tương ứng với công nghệ được áp dụng và được tính trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật, trong đó có định mức lao động.
Số lao động có tên trong danh sách của doanh nghiệp bao gồm:
Lao động đang làm việc tại doanh nghiệp: loại lao động này có thể có việc làm thường xuyên, không có việc làm thường xuyên, làm theo thời gian được rút ngắn hoặc làm việc luân phiên do không có đủ việc làm.
Lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động để đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa vụ công dân khác theo luật định, tạm hoãn hợp đồng lao động do hai bên thoả thuận hoặc các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động khác.
Lao động do không có việc làm để bố trí nên phải nghỉ việc từ lâu nhưng chưa được giải quyết theo luật định, vẫn có tên trong danh sách của doanh nghiệp chờ giải quyết chế độ.
Trong thực tế không phải lúc nào, doanh nghiệp nào cũng sử dụng hết số lao động có tên trong danh sách, mà số lao động cần thiết được sử dụng căn cứ vào điều kiện sản xuất và công nghệ, yếu tố thị trường, giá cả, sản phẩm cũng như năng lực của doanh nghiệp, dẫn tới có thể sẽ có một bộ phận lao động bị dôi dư. Như vậy có thể hiểu lao động dôi dư là những người lao động có tên trong doanh nghiệp, có nguyện vọng làm việc, đang làm việc trong doanh nghiệp, hoặc không làm việc tại doanh nghiệp nhưng người sử dụng lao động không bố trí được việc làm, đồng thời cũng chưa giải quyết chính sách được cho họ theo quy định của pháp luật. Những người lao động này tuy vẫn đáp ứng được yêu cầu của sản xuất kinh doanh nhưng do yêu cầu của thị trường doanh nghiệp bắt buộc phải giảm bớt lao động để nâng cao sức cạnh tranh. Lao động dôi dư cũng bao gồm cả những người lao động mà doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng do những hạn chế về mặt sức khoẻ, tuổi tác, trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ.
Theo Điều 2 chương I của Nghị định 41/2002/NĐ-CP của chính phủ thì lao động dôi dư bao gồm:
Người lao động đang làm việc, khi sắp xếp lại, doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp tạo việc làm, nhưng vẫn không bố trí được việc làm.
Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp nhưng không có việc làm, tại thời điểm sắp xếp lại, doanh nghiệp vẫn không bố trí được việc làm.
Người lao động trong doanh nghiệp bị giải thể, phá sản.
Tóm lại lao động dôi dư là lôgic của sự vận động các yếu tố đặc trưng cho phát triển doanh nghiệp (đổi mới công nghệ, hoàn thiện tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, đổi mới chất lượng lao động…), lao động dôi dư là hậu quả tất yếu của quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN, nghiên cứu vấn đề lao động dôi dư là là cần thiết để thúc đẩy tiến trình CPH DNNN.
2.1.2 Phân biệt lao động dôi dư với thất nghiệp và thiếu việc làm
Chúng ta cần phân biệt giữa lao động dôi dư với thất nghiệp và thiếu việc làm. Trước tiên, xét cho cùng lao động dôi dư cũng chính là một dạng của thất nghiệp nhưng phạm vi mà thất nghiệp đề cập đến rộng hơn phạm vi người lao động dôi dư. Thất nghiệp bao gồm cả lao động xã hội, những người muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm như sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, bộ đội xuất ngũ… Nhưng nếu xét trong phạm vi một doanh nghiệp thì lao động dôi dư cũng đồng nghĩa với thất nghiệp.
Khi phân biệt lao động dôi dư với thiếu việc làm ta nhận thấy thiếu việc làm không phải là lao động dôi dư nhưng thiếu việc làm chính là một nguyên nhân dẫn đến dôi dư lao động khi sắp xếp lại lao động.
2.2 Các chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN
2.2.1 Quan điểm giải quyết lao động dôi dư
Khi thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới DNNN chúng ta không chỉ quan tâm giải quyết những vấn đề kinh tế thuần tuý mà còn phải đảm bảo những yêu cầu xã hội. Trong đó quan trọng nhất là giải quyết vấn đề lao động dôi dư. Lao động dôi dư không chỉ vấn đề của riêng doanh nghiệp mà còn là vấn đề của toàn xã hội, chính vì vậy cần phải thống nhất quan điểm trong quá trình giải quyết lao động dôi dư từ đổi mới các DNNN. Những quan điểm quan trọng hàng đầu cần thống nhất là:
Thứ nhất: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động đều có trách nhiệm giải quyết tình trạng lao động dôi dư. Tình trạng thất nghiệp cao có thể gây nên sự bất ổn về kinh tế - xã hội. Do đó giải quyết công ăn việc làm là một trong những mục tiêu của phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, cần thấy rằng, tình trạng thất nghiệp dưới những dạng thức khác nhau là hiện tượng không thể tránh được của nền kinh tế theo hướng thị trường. Nhà nước và doanh nghiệp không thể giải quyết được tình trạng lao động dôi nếu không có sự tham gia tích cực của bản thân người lao động.
Thứ hai: Đặt giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ đổi mới DNNN trong điều kiện phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Coi việc chuyển lao động từ các DNNN sang các doanh nghiệp ngoài quốc doanh dưới những hình thức khác nhau như một định hướng chủ yếu để giải quyết lao động dôi dư từ DNNN và tận dụng khả năng của lực lượng lao động này. Tạo lập sự bình đẳng về các chính sách xã hội với người lao động làm việc ở DNNN và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Thứ ba: Giải quyết lao động dôi dư phải bảo đảm người lao động bị mất việc làm có thể duy trì được điều kiện sinh hoạt bình thường trong thời gian nhất định để tìm kiếm việc làm mới hoặc học thêm nghề mới. Khi mất việc làm cuộc sống vật chất và tinh thần của người lao động và gia đình họ bị đảo lộn. Bản thân người lao động có nỗ lực cao trong việc tìm cách ổn định cuộc sống, nhưng Nhà nước và doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.
Thứ tư: Giải quyết quyền lợi cho số lao động dôi dư phải dựa trên những quy định đã có của pháp luật hiện hành, đồng thời có sự vận dụng linh hoạt một số chế độ chính sách trong phạm vi pháp luật cho phép.
Thứ năm: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong giải quyết quyền lợi cho người lao động, nhưng những doanh nghiệp gặp khó khăn thì sẽ nhận được sự hỗ trợ về tài chính của cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý, sau đó là Chính phủ.
Thứ sáu: Người lao động không bố trí được việc làm do sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp được coi là người lao động bị mất việc làm theo quy định tại điều 17 Bộ luật Lao động.
Thứ bảy: Nhà nước cần có cơ chế quản lý việc tuyển dụng lao động đầu vào đối với các doanh nghiệp đã giải quyết xong số lao động dôi dư để không lặp lại tình trạng như cũ. Trong đó cơ chế tuyển dụng, định biên, định mức lao động, quỹ lương phải gắn với năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2.2.2 Chính sách đối với lao động dôi dư
Chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN được quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/04/2002 của Chính phủ và sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10/08/2004; được hướng dẫn thi hành theo Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội và một số Thông tư khác như Thông tư số 18/2005/TT-BLĐTBXH ngày 11/05/2005 và Thông tư số 13/2005/TT-BLĐTBXH ngày 25/02/2005. Quy định cụ thể như sau:
2.2.2.1 Đối với lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn
Người lao động đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên được nghỉ hưu, không phải trừ phần trăm lương hưu trước tuổi theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội, ngoài ra còn được hưởng thêm các khoản trợ cấp sau:
Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng cho mỗi năm (đủ 12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp có tháng lẻ được tính trợ cấp như sau:
+ Nếu đủ 6 tháng trở xuống được trợ cấp 1 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có)
+ Nếu trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được trợ cấp 2 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có).
Trợ cấp 5 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội.
Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có). Trường hợp có tháng lẻ được tính theo nguyên tắc trên 6 tháng được tính 1 năm, đủ 6 tháng trở xuống không được tính.
Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa một năm (12 tháng), thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội một lần cho những tháng còn thiếu với mức 15% tiền lương tháng tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu và giải quyết nghỉ hưu theo chế độ hiện hành, bao gồm các trường hợp sau:
Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 14 năm đến dưới 15 năm
Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi có đủ 15 năm làm các nghề nặng nhọc độc hại hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên hoặc đủ 10 năm công tác thực tế ở chiến trường B, C trước ngày 30/04/1975, chiến trường K trước ngày 31/08/1989 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm.
Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 19 năm đến dưới 20 năm mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Người lao động (không phụ thuộc vào tuổi đời) có ít nhất 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, đặc biệt độc hại đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 19 năm đến dưới 20 năm mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Người lao động dôi dư không thuộc đối tượng quy định tại điểm a và b nêu trên, thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và hưởng chế độ như sau:
Trợ cấp mất việc làm được tính theo thời gian thực tế làm việc trong khu vực Nhà nước, cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được trợ cấp 1 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng tiền lương, phụ cấp lương đang hưởng.
Được trợ cấp thêm 1 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng cho mỗi năm (đủ 12 tháng) thực tế làm việc trong khu vực Nhà nước và được trợ cấp với mức 5 (năm) triệu đồng.
Thời gian thực tế làm việc trong khu vực Nhà nước là thời gian người lao động thực tế làm việc tại DNNN, cơ quan, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, được tính đến thời điểm có quyết định cho người lao động nghỉ việc.
Trợ cấp một lần đi tìm việc làm là 6 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) đang hưởng. Nếu có nhu cầu học nghề thì được học nghề miễn phí tối đa là 6 tháng. Cơ sở học nghề do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định.
Ngoài các chế độ quy định tại điểm c trên, người lao động còn được hưởng chế độ chờ nghỉ hưu, bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định hiện hành.
Người lao động còn thiếu tối đa 5 năm tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động (nam đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi) và đã đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, quy định cụ thể như sau:
+ Được hưởng chính sách theo quy định tại điểm thứ nhất và thứ hai của mục c
+ Được đóng tiếp bảo hiểm xã hội hàng tháng với mức 15% tiền lương cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ) thì hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định hiện hành.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trước thời điểm nghỉ việc, bao gồm: tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực, hệ số chênh lệch bảo lưu lương được tính theo mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm nộp bảo hiểm xã hội.
2.2.2.2 Đối với lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm
Được trợ cấp mất việc làm cứ mỗi năm thực tế làm việc trong khu vực Nhà nước là 1 tháng tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có).
Trợ cấp 70% tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương (nếu có) cho những tháng còn lại chưa thực hiện hết hợp đồng lao động đã giao kết, nhưng tối đa cũng không quá 12 tháng.
Người lao động còn thiếu tối đa 5 năm tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động (nam đủ 55 tuổi dến dưới 60 tuổi, nữ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi) và đã đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, nay quy định cụ thể như sau:
- Được hưởng chính sách theo quy định tại điểm a, b nêu trên
- Được đóng tiếp bảo hiểm xã hội hàng tháng với mức 15% tiền lương cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ) thì hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định hiện hành.
- Thời gian đóng bảo hiểm xã hội kể từ ngày có quyết định nghỉ việc.
2.2.3 Chính sách đối với lao động khi chuyển DNNN thành công ty cổ phần
2.2.3.1 Tại thời điểm DNNN chuyển thành công ty cổ phần
Doanh nghiệp lập phương án lao động và giải quyết chính sách đối với người lao động theo quy định:
Đối với người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ hưu trí thì giám đốc doanh nghiệp CPH và cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội giải quyết mọi quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp hết hạn hợp đồng lao động thì giám đốc doanh nghiệp giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại điều 42 của Bộ luật Lao động và có trách nhiệm làm đầy đủ các thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Đối với số lao động không bố trí được việc làm thì giải quyết như sau:
Đối với doanh nghiệp CPH có quyết định CPH từ ngày 31/12/2005 trở về trước:
+ Người lao động dôi dư thuộc đối tượng quy định tại Nghị định 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định này và Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 của Bộ Lao - động Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định 41/2002/NĐ-CP.
+ Người lao động không thuộc đối tượng của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung, thì được hưởng các chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc theo quy định của pháp luật lao động và được hỗ trợ từ tiền thu của Nhà nước do CPH DNNN hoặc Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để giải quyết theo hướng dẫn của Bộ tài chính.
Đối với DNNN có quyết định CPH sau ngày 31/12/2005 các quyền lợi của người lao động không bố trí được việc làm được giải quyết theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với người lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần thì các doanh nghiệp CPH có trách nhiệm lập danh sách và làm thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội (nếu chưa cấp sổ) theo quy định và chuyển danh sách cùng hồ sơ của người lao động mà doanh nghiệp đang quản lý cho hội đồng quản trị hoặc giám đốc công ty cổ phần.
Doanh nghiệp CPH có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ về bảo hiểm xã hội và thanh toán các khoản nợ đối với người lao động trước khi chuyển sang công ty cổ phần hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
2.2.3.2 Khi doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần
Chính sách đối với người lao động mất việc làm:
Người lao động mất việc làm trong 12 tháng kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp do thực hiện cơ cấu lại được giải quyết như sau:
Đối với người lao động bị mất việc làm từ ngày 31/12/2005 trở về trước:
+ Người lao động thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung thì được hưởng chính sách đối với lao động dôi dư theo Nghị định này và Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH.
+ Các đối tượng lao động mất việc, thôi việc còn lại được hưởng trợ cấp mất việc, thôi việc theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với người lao động bị mất việc làm sau ngày 31/12/2005:
+ Trong 12 tháng kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu do nhu cầu tổ chức lại sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ dẫn đến người lao động từ DNNN chuyển sang bị mất việc làm hoặc thôi việc, kể cả người tự nguyện thôi việc, thì người lao động được giải quyết trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ luật Lao động; hoặc trợ cấp thôi việc theo khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động.
Trường hợp người lao động từ công ty Nhà nước chuyển sang công ty cổ phần bị mất việc làm hoặc thôi việc trong thời gian từ năm thứ 2 đến hết năm thứ 5 kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì người lao động được trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của Bộ luật Lao động.
Chính sách đối với người lao động thuộc diện đào tạo lại nghề để tiếp tục làm việc ở công ty cổ phần.
Trong thời gian đào tạo lại nghề công ty cổ phần tiếp tục trả lương cho người lao động theo mức mà hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn 70% mức lương ghi trong hợp đồng lao động đã được ký kết.
Công ty cổ phần tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian đào tạo nghề theo quy định của pháp luật
Sau thời gian đào tạo lại nghề công ty cổ phần có trách nhiệm bố trí việc làm cho người lao động.
2.3 Nguồn kinh phí giải quyết lao động dôi dư
Nguồn kinh phí giải quyết lao động dôi dư được lấy từ “Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN”. Quỹ này được hình thành từ các nguồn:
Ngân sách Nhà nước
Viện trợ của các tổ chức cá nhân
Các nguồn khác (nếu có)
Nguồn chi trả cho người lao động mất việc hoặc thôi việc được hỗ trợ từ tiền thu của Nhà nước do CPH doanh nghiệp hoặc Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước.
3. Sự cần thiết phải sắp xếp lại lao động và giải quyết lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN
3.1 Thực trạng lao động trong các DNNN và sự cần thiết phải sắp xếp lại lao động
Để làm rõ sự cần thiết phải sắp xếp lại lao động khi thực hiện CPH DNNN, trước hết chúng ta cần thấy được thực trạng lao động trong các DNNN hiện nay. Từ nhiều năm nay, nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả chưa phát huy được vai trò nòng cốt của mình, điều này có một phần nguyên nhân do lực lượng lao động trong các DNNN còn tồn tại nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng. Trước đây do chính sách tuyển dụng lao động theo kiểu “biên chế” là có “việc làm” trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung dẫn đến số lao động được tuyển dụng một cách ồ ạt, lại không đảm bảo về mặt chất lượng gây nên tình trạng dư thừa lao động. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa các DNNN thực hiện chủ trương sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, trong quá trình đó tình trạng lao động dôi dư là điều đáng lo ngại.
Theo số liệu thống kê số lao động của các DNNN năm 1993 là 1.778.388 người. Năm 2000 số lao động làm việc trong các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là 2.008.847 người; DNNN Trung ương có số lao động là 1.227.394 người; DNNN địa phương quản lý có 781.453 người; doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài có 99.643 người.
Các số liệu trên cho thấy, số DNNN giảm nhưng số lao động trong các DNNN lại tăng lên. Điều này cho thấy quy mô doanh nghiệp lớn hơn trước nhưng vai trò của doanh nghiệp trong việc tạo ra việc làm cho người lao động lại không lớn.
Trong quá trình sắp xếp lại DNNN, tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm của người lao động có xu hướng ngày càng tăng. Theo báo cáo của 3639 doanh nghiệp trong năm 1998 thì số lao động không bố trí được việc làm ở 1.946 doanh nghiệp là 92274 người, chiếm khoảng 9,1% số lao động hiện có trong các doanh nghiệp báo cáo. Các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ có tỷ lệ lao động dôi dư cao, chiếm tới khoảng 15% tổng số lao động. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội số lao động không có việc làm thường xuyên và mất việc làm ở các doanh nghiệp khoảng 20%, có doanh nghiệp lên tới 40%. Theo lộ trình sắp xếp lại DNNN đến hết năm 2003 sẽ có 150000 lao động bị mất việc làm, đưa tổng số lao động không có việc làm trong các doanh nghiệp quốc doanh lên tới gần 400000 người. Lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động có trình độ trung cấp chịu tác động mạnh của cuộc cải cách, có tỷ lệ dôi dư cao. Ngoài ra còn một loại lao động bằng 9,4% tổng số lao động trong các doanh nghiệp chưa thất nghiệp, nhưng là dạng tiềm năng của thất nghiệp, đó là số lao động vẫn có việc làm nhưng không thật sự cần thiết, nếu cắt giảm đi cũng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nếu tính cả số lao động thất nghiệp tiềm năng này thì tỷ lệ thất nghiệp của DNNN rất cao, khoảng 18,5%.
Một vấn đề nữa của thực trạng lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước là chất lượng lao động trong DNNN. Thực tế trong những năm qua cho thấy trình độ nghề nghiệp của lao động trên lĩnh vực công nghiệp (vốn được coi là ngành có số lao động được đào tạo cao nhất) vẫn còn ở trình độ thấp. Phần lớn lao động trong các DNNN không được đào tạo và đào tạo lại. Nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực có chất lượng. Trình độ của đội ngũ quản lý cũng chưa cao, chưa theo kịp trình độ phát triển kinh tế xã hội.
Với thực trạng lao động trong các DNNN như trên khi doanh nghiệp thực hiện đổi mới, sắp xếp lại cần tinh giảm đội ngũ lao động đồng thời các thiết bị và công nghệ được trang bị mới, hiện đại người lao động sẽ không đủ khả năng và trình độ để có thể tiếp tục làm việc do đó cần thiết phải sắp xếp lại lao động. Việc sắp xếp lại lao động là tất yếu để giúp doanh nghiệp giữ lại những lao động có trình độ và tuyển dụng thêm lao động mới để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới nhằm mục tiêu phát triển doanh nghiệp.
3.2 Trình tự sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN
Khi thực hiện CPH trong quá trình xây dựng và thực hiện phương án CPH đơn vị CPH cần tiến hành sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư theo trình tự sau:
Tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN và chính sách đối với lao động dôi dư để người lao động hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước.
Xây dựng phương án sắp xếp lao động
Đơn vị tiến hành xây dựng phương án CPH, trong đó có phương án sắp xếp lại lao động được thực hiện theo 5 bước sau:
Bước 1: Lập danh sách toàn bộ số lao động của doanh nghiệp tại thời điểm CPH Bao gồm:
Lao động thuộc đối tượng không ký hợp đồng lao động (giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng).
Lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn (bao gồm cả lao động tuyển dụng trước ngày 30/08/1990 nhưng doanh nghiệp chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động)
Lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
Lao động làm việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Bước 2: Xác định số lao động cần sử dụng và lao động dôi dư
Đối với đơn vị thực hiện CPH trong giai đoạn từ 26/04/2002 đến hết ngày 31/12/2005 thì số lao động cần sử dụng căn cứ vào phương án CPH đã được cơ quan Nhà nướccó thẩm quyền phê duyệt, số lao động còn lại là số lao động không có nhu cầu sử dụng.
Đối với công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty có thời gian hoạt động không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, khi thực hiện cơ cấu lại nếu có người lao động từ DNNN chuyển sang không bố trí được việc làm thì được xác định là lao động không có nhu cầu sử dụng.
Bước 3: Lập danh sách lao động cần sử dụng, số lao động không có nhu cầu sử dụng
Danh sách lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ hiện hành
Danh sách lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động
Danh sách lao động không bố trí được việc làm
Danh sách lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần, bao gồm:
+ Số lao động mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn
+ Số lao động đang nghỉ theo 3 chế độ Bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn.
+ Số lao động có điều kiện về tuổi đời, sức khoẻ thuộc diện đi đào tạo lại nghề để tiếp tục làm việc ở công ty cổ phần theo nhu cầu của công ty.
Bước 4: Doanh nghiệp phối hợp với Ban chấp hành công đoàn tổ chức Đại hội công nhân viên chức để đại hội cho ý kiến về danh sách lao động
Bước 5: Trên cơ sở ý kiến của Đại hội công nhân viên chức, doanh nghiệp hoàn chỉnh phương án sắp xếp lao động và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hồ sơ trình duyệt làm thành 6 bộ, mỗi bộ gồm có:
Văn bản đề nghị phê duyệt phương án sắp xếp lao động
Phương án sắp xếp lại lao động
Danh sách số lao động đã được phân loại
Trả trợ cấp cho người lao động dôi dư.
Trong thời hạn 15 ngày (ngày làm việc), kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động, đơn vị thực hiện trả trợ cấp cho người lao động như sau:
Ký quyết định cho từng người lao động dôi dư nghỉ việc theo các nhóm chính sách đã được quy định
Dự toán kinh phí chi trả chế độ đối với người lao động dôi dư theo các nhóm chính sách
Lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính
Đối với lao động không có nhu cầu sử dụng không thuộc diện giải quyết chế độ theo quy định tại Nghị định 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung đơn vị lập danh sách riêng để giải quyết chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Giải quyết chế độ đối với người lao động
Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kịp thời, đúng hạn các chế độ cho người lao động. Người lao động có trách nhiệm ký nhận đầy đủ các khoản trợ cấp được hưởng, hồ sơ nghỉ việc và thanh toán các khoản còn nợ đối với doanh nghiệp (nếu có).
e. Chậm nhất sau 30 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày hoàn thành việc giải quyết chế độ đối với lao động dôi dư, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện cho các cơ quan có thẩm quyền.
III. Kinh nghiệm sắp xếp lại lao động và giải quyết lao động dôi dư của một số DNNN đã CPH
Trước năm 1998, các đầu mối trực thuộc Bộ xây dựng gồm: 13 Tổng công ty, Liên hiệp các xí nghiệp và 40 doanh nghiệp độc lập với 108882 lao động, số lao động không bố trí được việc làm là 8873 người chiếm 8,12% tổng số lao động. Sau khi triển khai Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số lượng đầu mối trực thuộc Bộ giảm xuống còn 12 Tổng công ty 90, 1 Tổng công ty 91 và 19 doanh nghiệp độc lập với tổng số lao động là 141605 người trong đó có 12431 lao động không bố trí được việc làm chiếm 8,77% tổng số lao động. Trước tình hình đó Bộ xây dựng đã chỉ đạo các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động nhằm tạo điều kiện ổn định tăng trưởng kinh tế và làm lành mạnh hoá các vấn đề xã hội. Quan điểm giải quyết lao động dôi dư của Bộ xây dựng là giải quyết lao động dôi dư trên cơ sở, chế độ, các chính sách hiện hành, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho lao động dôi dư ổn định cuộc sống, tạo được việc làm mới và phần nào giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2002/NĐ-CP về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN Bộ xây dựng đã thí điểm giải quyết lao động dôi dư cho 2 đơn vị thuộc Bộ. Để thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp lao động theo tinh thần Nghị định 41-CP và căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, Bộ xây dựng chủ trương “ổn định để phát triển, tăng cường chế độ trách nhiệm và phân cấp triệt để”. Theo đó nhiều biện pháp được triển khai như: hệ thống hoá các Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, Ngành có liên quan; tổ chức các cuộc họp chuyên đề về sắp xếp lao động để kịp thời chấn chỉnh và giải quyết những vướng mắc. Bên cạnh đó, Bộ đã tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm cho Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tổng công ty thành lập Hội đồng thẩm định phương án sắp xếp lao động, phương án tài chính hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN. Nhờ đó đã khai thác được năng lực tiềm tàng của doanh nghiệp trong việc sắp xếp lao động, tiến hành một cách đồng bộ với công tác CPH.
Từ năm 1998 đến nay thực hiện chủ trương sắp xếp lại DNNN, Bộ xây dựng đã phê duyệt phương án CPH cho 142 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp trong đó có 108 đơn vị thuộc đối tượng thực hiện Nghị định 41-CP. Trong 108 đơn vị này có 93 doanh nghiệp thực hiện CPH. Tại thời điểm sắp xếp lại số lao động được phân loại như sau: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn chiếm 56,64%; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1-3 năm chiếm 27,86%; hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng và thời vụ chiếm 14,38%; số lao động chưa ký hợp đồng lao động chiếm 1,87%. Bộ xây dựng chủ yếu sắp xếp DNNN theo hướng CPH với mục tiêu sử dụng hết số lao động hiện có. Tuy nhiên sau khi đi vào hoạt động, các công ty cổ phần tiến hành cơ cấu lại doanh nghiệp, tinh giản biên chế dẫn tới một bộ phận lao động bị dôi dư. Tổng số lao động của 108 đơn vị thực hiện sắp xếp lại lao động là 46904 người sau khi sắp xếp số lao động được sử dụng là 36096 người (chiếm 81,16%) số lao động dôi dư là 8835 người (chiếm 18,84%) trong đó số lao động thực hiện Bộ luật lao động là 3460 người; số lao động thực hiện Nghị định 41-CP là 5375 người. Bộ xây dựng đã thực hiện giải quyết chế độ cho số lao động dôi dư với tổng kinh phí là 170,4 tỷ đồng.
Qua công tác thực hiện việc sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách cho lao động dôi dư của Bộ xây dựng có thể rút ra một số kinh nghiệm trong công tác sắp xếp lại lao động. Khi thực hiện công tác sắp xếp lại lao động cần quy định rõ ràng chế độ trách nhiệm đối với cấp trên của DNNN là Chủ tịch Hội đồng quản trị, các Tổng công ty (nơi có Hội đồng quản trị) hoặc giám đốc doanh nghiệp trong vấn đề tuyển dụng lao động, tuyển chọn lao động gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của doanh nghiệp. Về thực hiện chế độ trách nhiệm đối với người lao động phải từng bước khắc phục tình trạng quản lý phân tán, tuỳ tiện về chính sách tiền lương, tiền công, hợp đồng lao động, kinh phí đóng Bảo hiểm xã hội và trách nhiệm cấp sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động nói chung và lao động dôi dư nói riêng. Cần chấn chỉnh việc trích lập quỹ mất việc làm hỗ trợ lao động dôi dư theo quy định mới, đồng thời giám sát việc thanh quyết toán nguồn kinh phí được cấp hỗ trợ cho người lao động dôi dư.
PHẦN II
THỰC TRẠNG VIỆC SẮP XẾP LẠI LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG DÔI DƯ KHI THỰC HIỆN CPH DNNN Ở TỔNG CÔNG TY THÉP VIỆT NAM
I. Đặc điểm tình hình hoạt động của Tổng công ty thép Việt Nam.
1. Quá trình hình thành và phát triển của Tổng công ty thép Việt Nam
Tổng công ty thép Việt Nam hiện nay kế tục sự nghiệp của các Tổng công ty trước đây thuộc Bộ công nghiệp. Tổng công ty được hình thành qua các thời kỳ, gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước và của ngành công nghiệp luyện kim. Đó là sự kết hợp, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trong ngành sản xuất thép và kinh doanh kim khí của Nhà nước trong những thập kỷ qua.
Đầu tiên là việc thực hiện nghị định số 27- HĐBT ngày 22 tháng 3 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tổ chức lại xí nghiệp quốc doanh. Ngày 30 tháng 5 năm 1990 Bộ công nghiệp nặng có quyết định số 128/CNNg - TC thành lập Tổng công ty thép Việt Nam. Tổng công ty lúc đó được hình thành trên cơ cở tổ chức sắp xếp các đơn vị khai thác, tuyển luyện các loại khoáng sản kim loại đen và các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ về lĩnh vực luyện kim đen thuộc Bộ công nghiệp nặng
Để thống nhất việc quản lý sản xuất và kinh doanh thép thuộc Bộ công nghiệp nặng, ngày 4 tháng 7 năm 1994 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 334/TTg hợp nhất Tổng công ty thép Việt Nam và Tổng công ty kim khí thành Tổng công ty thép Việt Nam. Đồng chí Ngô Huy Phan được bổ nhệm làm Tổng giám đốc. Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: “Sau khi hợp, nhất Bộ công nghiệp nặng cần tiến hành các thủ tục thành lập lại Tổng công ty thép Việt Nam theo đúng nghị định số 388 của Hội đồng Bộ trưởng”.
Trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước nhu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi cần phải hình thành một Tổng công ty mạnh thuộc ngành sản xuất và kinh doanh thép trong phạm vi toàn quốc, đủ khả năng huy động vốn đầu tư quản lý và sử dụng những công trình trọng yếu có quy mô lớn, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.
Vì vậy, ngày 7 tháng 3 năm 1994 Thủ tướng chính phủ có quyết định số 91/TTg thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh ở một số Bộ quản lý, ngành kinh tế kỹ thuật nhằm tạo điều kiện tích tụ và tập trung, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời xoá bỏ dần cấp hành chính bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản và sự phân biệt doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp địa phương và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Trên cơ sở quyết định số 91/TTg ngày 29 tháng 4 năm 1995 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 255/TTg thành lập Tổng công ty thép Việt Nam trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Tổng công ty thép Việt Nam và các đơn vị liên quan thuộc Bộ công nghiệp nặng. Triển khai thực hiện quyết định, ngày 14 tháng 9 năm 1995 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 571/TTg bổ nhiệm ông Hồ Nghĩa Dũng giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty. Ngày 8 tháng 11 năm 1995 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 723/TTg bổ nhiệm ông Trần Lum nguyên uỷ viên TW Đảng, nguyên bộ trưởng Bộ công nghiệp nặng giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty.
Tổng công ty thép Việt Nam là một trong 17 Tổng công ty 91 được Thủ tướng Chính phủ thành lập và hoạt động theo mô hình Tổng công ty Nhà nước quy định tại Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 1995. Mục tiêu của Tổng công ty thép Việt Nam là xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh đa ngành trên cơ sở sản xuất và kinh doanh thép làm nền tảng.
Tổng công ty thép Việt Nam:
Tên giao dịch quốc tế là : Vietnam Steel Corporation
Tên viết tắt : VSC
Trụ sở chính đặt tại Hà Nội : Số 91 Láng Hạ - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại : 04 - 8561767
Fax : 84 - 4 - 8561815
Hiện nay Tổng công ty do đồng chí Đậu Văn Hùng làm Tổng giám đốc, đồng chí Nguyễn Kim Sơn là chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tổng công ty thép Việt Nam là pháp nhân kinh doanh hoạt động theo Luật doanh nghiệp Nhà nước. Điều lệ tổ chức và điều hành của Tổng công ty được Chính phủ phê chuẩn tại nghị định số 03/CP ngày 25 tháng 1 năm 1996 và giấy phép kinh doanh số 109621 ngày 5 tháng 2 năm 1996 do Bộ kế hoạch và đầu tư cấp. Vốn của Tổng công ty do Nhà nước cấp. Tổng công ty có bộ máy điều hành và các đơn vị thành viên, có con dấu theo mẫu quy định của Nhà nước, tự chịu trách nhiệm tài sản hữu hạn trong phạm vi số vốn Nhà nước giao cho quản lý và sử dụng, được mở tài khoản bằng đồng Việt Nam và đồng ngoại tệ tại các ngân hàng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Tổng công ty thép Việt Nam chịu sự quản lý của Nhà nước, của Chính phủ trực tiếp là các Bộ: Bộ công nghiệp, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các Bộ, Ngành, cơ quan thuộc Chính phủ phân cấp quản lý theo Luật doanh nghiệp Nhà nước. Các cơ sở quản lý ở địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc TW) với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ được chính phủ quy định và phân cấp quản lý một số mặt hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh và đặc điểm sản phẩm
2.1 Phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh
Tổng công ty thép Việt Nam là một Tổng công ty Nhà nước được Chính phủ thành lập và hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91 - Mô hình tập đoàn công nghiệp lớn của Nhà nước. Các đơn vị thành viên của Tổng công ty được phân bổ hoạt động hầu hết trên các thị trường trọng điểm trên lãnh thổ Việt Nam như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu và một số tỉnh khác, bao trùm hầu hết các công đoạn từ khai thác nguyên liệu, vật liệu sản xuất thép và các sản phẩm khác cho đến khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Tổng công ty:
Khai thác quặng sắt, than mỡ, nguyên liệu trợ dung liên quan đến công nghiệp sản xuất thép.
Sản xuất thép và các kim loại khác, vật liệu chịu lửa, thiết bị, phụ tùng luyện kim và các sản phẩm thép sau cán.
Xuất nhập khẩu các sản phẩm thép và các nguyên liệu luyện cán thép.
Kinh doanh, thực hiện các dịch vụ liên quan đến thép, kim loại khác, quặng sắt và các loại vật tư (bao gồm cả thứ liệu) phục vụ cho sản xuất thép, xây dựng, cơ khí, sửa chữa, chế tạo máy, phụ tùng và thiết bị…
Thiết kế, chế tạo và thi công xây lắp các công trình sản xuất thép và các ngành liên quan khác
Đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho ngành sản xuất thép và vật liệu kim loại
Xuất khẩu lao động
Sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng
Đầu tư, liên doanh, liên kết kinh tế với các đối tác trong và ngoài nước
Kinh doanh dịch vụ khách sạn và các dịch vụ khác.
Tại thời điểm ngày 31/12/2005 Tổng công ty có 12 đơn vị thành viên và 16 đơn vị liên doanh với nước ngoài (bao gồm các công ty có vốn góp của Tổng công ty và các công ty liên doanh với đơn vị thành viên) trong đó:
Các đơn vị sản xuất:
Công ty gang thép Thái Nguyên
Công ty thép Miền Nam
Công ty thép tấm lá Phú Mỹ
Công ty thép Đà Nẵng
Công ty vật liệu chịu lửa Trúc Thôn
Công ty cơ điện luyện kim
Các đơn vị thương mại:
Công ty kim khí Hà Nội
Công ty kim khí thành phố Hồ Chí Minh
Công ty kim khí Miền Trung
Công ty cổ phần kim khí Bắc Thái
Các đơn vị sự nghiệp:
Viện luyện kim đen
Trường đào tạo nghề cơ điện luyện kim
Các đơn vị liên doanh có vốn góp của Tổng công ty:
Công ty thép Vinakyoei
Công ty thép VSC – POSCO
Công ty TNHH Natsteelvina
Công ty lên doanh sản xuất thép Vinausteel
Công ty ống thép Việt Nam (Vinapipe)
Công ty liên doanh trung tâm thương mại quôc tế (IBM)
Công ty TNHH cảng quốc tế Thị Vải
Công ty gia công thép Vinanic
Các công ty liên doanh với công ty thép Miền Nam:
Công ty Posvina
Công ty Nippovina
Công ty tôn Phương Nam
Công ty sản xuất sản phẩm mạ công nghiệp vingal
Công ty sản xuất gia công dịch vụ thép Sài Gòn
Công ty thép Tây Đô
Công ty cơ khí Việt Nhật
Công ty vật liệu chịu lửa Nam Ưng
1.2 Đặc điểm sản phẩm
Với mục tiêu xây dựng và phát triển một mô hình kinh doanh đa ngành trên cơ sở sản xuất và kinh doanh thép làm nền tảng cùng với một hệ thống cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được phân bổ rộng khắp trên các địa bàn trọng điểm của đất nước cho nên các sản phẩm của Tổng công ty rất phong phú và đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là thép và các sản phẩm từ thép bao gồm:
Thép thanh vằn (Deformed Bars), Thép hình (Section Bars), Đinh đóng thuyền (Boat Nails), Lưới thép B40, B20, B27 và B17 (Chain - Link Wire Nettings), Dây thép gai (Barbet Wire), Thép tròn trơn (Plain Bars), Thép cán nguội (Cold – Rolled Coils),Thép ống (Steel pipes), Tôn mạ kẽm (GI), Lưới thép lỗ 6 cạnh (Hexagonal Wire Nettings), Bình ôxy (Stainless steel), Thép cuộn (Wire Rods), Trục cán (Rolls), Tôn mạ màu (Color Sheets), các sản phẩm cơ khí (Mechanical Products).
Trong những năm gần đây thị trường thép trong nước, khu vực và thế giới có nhiều biến động, tuy nhiên năng lực sản xuất của Tổng công ty thép Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành thép cả nước, nhất là năng lực sản xuất thép thô và thép cán. Sản phẩm chủ yếu của Tổng công ty là thép xây dựng thông thường. Hiện nay nhu cầu về các chủng loại thép dẹt, thép chế tạo ngày càng tăng theo đà phát triển của nền kinh tế do đó Tổng công ty cũng đã triển khai sản xuất các sản phẩm mới tại một số c¬ sở.
3. Hệ thống tổ chức bộ máy
3.1 Sơ đồ cơ cấu tổ chức
TỔNG CÔNG TY THÉP VIỆT NAM
Hội đồng quản trị
Ban kiểm soát
P. Tổng giám đốc
Tổng giám đốc
P. Tổng giám đốc
P. Tổng giám đốc
Văn phòng
Phòng Tổ chức lao động
Phòng tài chính kế toán
Phòng đầu tư phát triển
Phòng kế hoạch kinh doanh
Phòng kỹ thuật
Phòng HTQT & CNTT
Phòng thanh tra pháp chế
Trung tâm HTLĐ với nước ngoài
Khối sản xuất
- CTy gang thép Thái Nguyên
- CTy thép Miền Nam
- CTy thép tấm lá Phú Mỹ
- CTy VLCL Trúc Thôn
- Cty cơ điện luyện kim
- Cty thép Đà Nẵng
Khối thương mại
- CTy kim khí Hà Nội
- CTy kim khí TP HCM
- CTy kim khí Miền Trung
- CTy CP kim khí Bắc Thái
Khối NCĐT
- Viện luyện kim đen
- Trường đào tạo nghề cơ điện luyện kim
3.2 Chức năng nhiệm vụ của các phòng ban
Hội đồng quản trị Tổng công ty
Hội đồng quản trị Tổng công ty thực hiện chức năng hoạt động của Tổng công ty theo quy định của điều lệ Tổng công ty, luật doanh nghiệp Nhà nước và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về hoạt động và phát triển của Tổng công ty theo chức năng nhiệm vụ được Nhà nước giao.
Hội đồng quản trị Tổng công ty có 4 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị và 3 thành viên trong đó có 1 thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty, 1 thành viên kiêm trưởng ban kiểm soát Tổng công ty, 1 thành viên phụ trách các lĩnh vực tài chính, đầu tư, kinh doanh, nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực
Ban kiểm soát Tổng công ty
Ban kiểm soát do Hội đồng quản trị thành lập để giúp Hội đồng quản trị kiểm tra, giám sát các hoạt động điều hành của Tổng giám đốc Tổng công ty, giám đốc các đơn vị thành viên Tổng công ty và bộ máy giúp việc của Tổng giám đốc theo Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
Ban kiểm soát có 5 thành viên: Trưởng ban là uỷ viên Hội đồng quản trị và 4 thành viên giúp việc, Trong đó 1 thành viên chuyên trách và 3 thành viên kiêm nhiệm. Thành viên ban kiểm soát do chủ tịch Hội đồng quản trị bổ nhiệm.
Ban Tổng giám đốc Tổng công ty
+ Tổng giám đốc
Tổng giám đốc Tổng công ty là uỷ viên Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Tổng giám đốc là đại diện pháp nhân của Tổng công ty có quyền điều hành cao nhất trong Tổng công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, trước Thủ tướng Chính phủ và trước Pháp luật về điều hành hoạt động của Tổng công ty
+ Phó Tổng giám đốc
Tổng công ty có 3 phó Tổng giám đốc do chủ tịch Hội đồng quản trị bổ nhiệm. Các phó Tổng giám đốc giúp Tổng giám đốc điều hành một số lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty được Tổng giám đốc phân công hoặc uỷ quyền và chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc, trước Hội đồng quản trị Tổng công ty và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công thực hiện.
Bộ máy giúp việc Tổng công ty
Tổng công ty có 8 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 1 trung tâm do Tổng giám đốc Tổng công ty thành lập. Các phòng, trung tâm Tổng công ty thực hiện chức năng tham mưu giúp việc Tổng giám đốc trong điều hành hoạt động của Tổng công ty.
+ Phòng tổ chức lao động
Tham mưu, giúp việc Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị quản lý điều hành lĩnh vực tổ chức bộ máy đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước, cán bộ và lao động tiền lương, đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách đối với người lao động, thanh tra quốc phòng và an ninh, bảo vệ chính trị nội bộ và hoạt động xuất nhập cảnh.
+ Phòng Tài chính - kế toán
Tham mưu giúp việc Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị quản lý điều hành lĩnh vực kế toán tài chính, đầu tư, kiểm toán nội bộ và thống kê ở cơ quan Tổng công ty và các đơn vị thành viên Tổng công ty.
+ Phòng đầu tư phát triển
Tham mưu, giúp việc Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị Tổng công ty trong các lĩnh vực đầu tư, liên doanh, liên kết kinh tế, xây dựng cơ bản, theo dõi quản lý liên doanh của cơ quan Tổng công ty và các đơn vị thành viên Tổng công ty.
+ Phòng kế hoạch kinh doanh
Tham mưu, giúp việc Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị Tổng công ty trong các lĩnh vực nghiên cứu thị trường, giá cả hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại chung nhằm nâng cao hình ảnh và thương hiệu của Tổng công ty.
+ Phòng kỹ thuật
Tham mưu, giúp việc Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị quản lý điều hành lĩnh vực công nghệ luyện kim, tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, quản lý và khai thác mỏ nguyên liệu, nghiên cứu khoa học công nghệ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường của Tổng công ty và các đơn vị thành viên.
+ Văn phòng
Tham mưu, giúp việc Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị theo dõi phối hợp các mặt hoạt động của Tổng công ty, công tác văn thư lưu trữ, thư viện, thi đua, khen thưởng, bảo vệ, y tế, tự vệ, phòng cháy chữa cháy và quan hệ với các phòng thông tin đại chúng, bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ cơ quan Tổng công ty.
+ Phòng hợp tác quốc tế và công nghệ thông tin
Tham mưu giúp việc Tổng công ty, Hội đồng quản trị trong các lĩnh vực liên quan đến tin học, đánh giá hiện trạng công nghệ thông tin của cơ quan Tổng công ty.
+ Phòng thanh tra pháp chế
Tham mưu, giúp việc Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị Tổng công ty trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
+ Trung tâm hợp tác lao động với nước ngoài
Nghiên cứu thị trường lao động trong và ngoài nước để tổ chức đào tạo, tuyển chọn đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
3.3 Mối quan hệ làm việc giữa các phòng chức năng Tổng công ty với các đơn vị thành viên
Mối quan hệ làm việc giữa các phòng chức năng của văn phòng Tổng công ty với các đơn vị thành viên là mối quan hệ giữa cơ quan tham mưu nghiệp vụ cấp trên với đơn vị cấp dưới Tổng công ty. Các đơn vị thành viên chịu sự chỉ đạo hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn theo từng lĩnh vực do các phòng chức năng Tổng công ty đảm nhận.
Các đơn vị thành viên Tổng công ty có quyền kiến nghị với các phòng chức năng về chuyên môn nghiệp vụ để giải quyết các công việc liên quan. Các phòng chức năng có trách nhiệm trả lời, phúc đáp các vấn đề về nghiệp vụ. Trong trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau của các phòng về giải quyết một vấn đề thì phòng chủ trì báo cáo Tổng giám đốc hoặc phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực đó quyết định.
4. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty thép Việt Nam
4.1 Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và đầu tư phát triển 4 năm 2001 - 2004
Trong 4 năm 2001 - 2004 mặc dù thị trường thép có nhiều biến động phức tạp khiến cho Tổng công ty gặp không ít khó khăn. Cùng với xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng đến gần đòi hỏi Tổng công ty phải đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai. Với tinh thần đoàn kết, nhất trí, phát huy nội lực, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chương trình hành động cụ thể cán bộ công nhân viên Tổng công ty đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và kế hoạch 5 năm 2001 - 2005.
Những kết quả cụ thể mà Tổng công ty đạt được trong 4 năm 2001 - 2004:
Về sản xuất kinh doanh:
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trong 4 năm là 18,2% (năm 2001 tăng 24,1%, năm 2002 tăng 14,9%, năm 2003 tăng 14,4% và năm 2004 tăng 19,5%) cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp (16%).
Sản lượng thép cán trong 4 năm đạt 3,3 triệu tấn, tốc độ tăng sản lượng bình quân trong 4 năm là 18,5% (kế hoạch 5 năm là 18%), trong đó năm 2001 tăng 23,8%, năm 2002 tăng 15,7%, năm 2003 tăng 14,4% và năm 2004 tăng 19,9%.
Sản lượng phôi thép trong 4 năm đạt 1,93 triệu tấn, tốc độ tăng sản lượng phôi thép bình quân 4 năm là 21,5% (năm 2001 tăng 4,1%, năm 2002 tăng 28,2%, năm 2003 tăng 23% và năm 2004 tăng 21%) đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sản xuất thép cán của Tổng công ty, đây là một cố gắng lớn trong điều kiện khó khăn của thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên vẫn đạt thấp hơn mục tiêu 5 năm đề ra (30% /năm).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 4 năm 2001 - 2004 đạt 38,2 triệu USD, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu bình quân 4 năm là 46,5% (năm 2001 tăng 40%, năm 2002 tăng 47%, năm 2003 tăng 46,4% và năm 2004 tăng 52,8%).
Tổng doanh thu tăng bình quân trong 4 năm 2001 - 2004 là 22,3% (năm 2001 tăng 21%, năm 2002 tăng 8,7%, năm 2003 tăng 20,8% và năm 2004 tăng 36,8%).
Nộp ngân sách Nhà nước trong 4 năm đạt 1727 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 4 năm là 30,4% (năm 2001 tăng 66,5%, năm 2002 tăng 27,5%, năm 2003 tăng 9,7% và năm 2004 tăng 18,5%).
Về đầu tư phát triển:
Trong 4 năm 2001 - 2004 Tổng công ty thép Việt Nam đã triển khai thực hiện 173 dự án với tổng vốn đầu tư là 5032,4 tỷ đồng (trong đó có 3 dự án nhóm A, 9 dự án nhóm B và 161 dự án nhóm C). Số dự án hoàn thành đưa vào sản xuất trong 4 năm gồm 1 dự án nhóm A (cải tạo mở rộng công ty gang thép Thái Nguyên giai đoạn I), 3 dự án nhóm B và hơn 100 dự án nhóm C. Ngoài ra Tổng công ty đã và đang làm công tác chuẩn bị đầu tư để chuyển sang giai đoạn đầu tư khi điều kiện cho phép và 1 dự án liên doanh giữa Trung quốc và tỉnh Lào Cai.
Công tác đầu tư phát triển của Tổng công ty trong 4 năm 2001 - 2004 nhìn chung đã được chú trọng đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng. Một số dự án trọng điểm đã hoàn thành và đi vào sản xuất bước đầu phát huy hiệu quả tốt góp phần giữ vững nhịp độ tăng trưởng của Tổng công ty. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác đầu tư phát triển còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án, nhất là vốn tiến độ. Một vài dự án trọng điểm bị chậm tiến độ đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Trước tình hình đó Tổng công ty cũng đã điều chỉnh tiến độ, xác định thứ tự ưu tiên đối với một số dự án nhóm A giai đoạn 2001 - 2005, giãn tiến độ cho phù hợp với điều kiện triển khai và đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Nhìn chung trong 4 năm 2001 - 2004 Tổng công ty thép Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường tạo điều kiện cho Tổng công ty hoàn thành kế hoạch 5 năm (2001 - 2005) theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX đề ra, chuẩn bị điều kiện hội nhập kinh tế và bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm tiếp theo (2006 - 2010).
Bảng 1: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của Tổng công ty thép Việt Nam
giai đoạn 2001- 2005.
Chỉ tiêu
ĐVT
THỰC HIỆN
Tăng BQ 5 năm %
2001
Tăng
%
2002
Tăng
%
2003
Tăng
%
2004
Tăng
%
Ước 2005
Tăng
%
1.Giá trị SXCN (giá CĐ 1994)
tỷ đồng
2667.2
24,1
3063.4
14.9
3503.4
14.4
4187.4
19.5
4975.0
18.8
18.3
2. Sản lượng thép cán
ng.tấn
649.2
23.8
750.9
15.7
859.1
14.4
1030.2
19.9
1200.0
16.5
18.0
3. sản lượng phôi thép
ng.tấn
318.4
4.2
408.2
28.2
543.0
33.0
658.5
21.3
647.5
-1.7
16.2
4. Tiêu thụ thép cán
ng.tấn
626.9
18.8
758.2
20.9
858.2
13.2
990.2
15.4
1056.0
6.6
14.9
5. Tổng doanh thu
tỷ đồng
7666.0
20.0
8414.1
9.8
10366.9
23.2
14203.0
37.0
14200.0
0
17.3
6. Lợi nhuận
tỷ đồng
46.1
-59.2
211.7
359.3
215.1
1.6
218.2
1.4
có lãi
7. Nộp ngân sách
tỷ đồng
324.7
73.5
414.1
27.5
464.8
12.3
536.4
15.4
639.7
19.3
27.9
(Nguồn: Phòng Tổ chức lao động cơ quan văn phòng Tổng công ty)
4.2 Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2005
4.2.1 Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2005
Năm 2005 trong điều kiện thị trường thép thế giới và trong nước biến động không thuận lợi đối với ngành thép Việt Nam. Tổng công ty thép Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và phải bình ổn giá thép xây dựng theo sự chỉ đạo của Chính phủ nhưng toàn thể đội ngũ cán bộ viên chức, công nhân lao động Tổng công ty đã quyết tâm phân đấu hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch đề ra, cụ thể:
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4970,2 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), bằng kế hoạch năm đề ra và tăng 18,7% so với năm 2004, là năm thứ 5 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị tăng thêm là 1632,8 tỷ đồng so với năm 2004 và cao hơn mức tăng chung của ngành công nghiệp (17,2%).
Tổng doanh thu đạt 13662,6 tỷ đồng, bằng 87% kế hoạch năm và tăng 1,47% so với năm 2004, trong đó doanh thu sản xuất công nghiệp là 8343,9 tỷ đồng, tăng 9,3%, doanh thu thương mại là 5318,6 tỷ đồng, giảm 10%.
Sản lượng thép cán đạt 1,203 triệu tấn bằng 100,2% kế hoạch Nhà nước giao và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2004. Trong đó thép cán dài đạt 1,122 triệu tấn, tăng 8,9%, thép cán dẹt đạt 81 nghìn tấn.
Sản lượng phôi thép đạt 660 nghìn tấn, bằng 97,8% kế hoạch năm và tăng 0,24% so với năm 2004
Tiêu thụ thép cán đạt 1,064 triệu tấn, bằng 88,5% kế hoạch năm và tăng 7,5% so với năm 2004. Đặc biệt lần đầu tiên Tổng công ty có sản phẩm thép lá cán nguội sản xuất trong nước tham gia thị trường gần 50 nghìn tấn.
Lợi nhuận đạt 28115 triệu đồng, bằng 81,2% kế hoạch năm và giảm 87,3% so với năm 2004. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 607,7 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch năm và tăng 0,12% so với năm 2004.
Tổng số lao động bình quân năm 2005 là 16588 người, giảm 3,4% so với năm 2004 (tăng 1600 người, giảm 2996 người). Thu nhập bình quân của người lao động năm 2005 đạt 2321 nghìn đồng/người/tháng, giảm 16,7% so với năm 2004 (2786 nghìn đồng/người/tháng).
Năm 2005 sản lượng thép cán của hiệp hội thép Việt nam ước đạt 2,56 triệu tấn, tăng 10,1% so với năm 2004; trong đó Tổng công ty sản xuất 1,2 triệu tấn chiếm 45,4% tổng sản lượng của hiệp hội.
Tiêu thụ của hiệp hội thép Việt Nam ước đạt 2,56 triệu tấn tăng 9,8% so với năm 2004. Tổng công ty tiêu thụ trên 1 triệu tấn, chiếm 41,6% (nếu tính cả liên doanh tiêu thụ 1,768 triệu tấn, chiếm 51,1% thị phần cả nước). Ước tiêu thụ thép cán cả nước khoảng 3,46 triệu tấn, tăng 3,85% so với năm 2004.
Tình hình nhập khẩu tính chung các mặt hàng kim khí và nguyên liệu sản xuất chính thì lượng nhập khẩu năm 2005 đạt 744 nghìn tấn, tăng 7,95 so với năm 2004, tỷ trọng chiếm 13,95 so với nhập khẩu cả nước (5350 nghìn tấn), Kim ngạch nhập khẩu đạt 349,5 triệu USD, tăng 12% so với năm 2004.
Nhập khẩu phôi thép đạt 541,4 nghìn tấn, bằng 90,2% kế hoạch và giảm 8,2% so với năm 2004, tỷ trọng chiếm 25,2% so với nhập khẩu cả nước (2150 nghìn tấn), nhập khẩu thép thành phẩm (tấm, lá, hình cỡ lớn) đạt 202,6 nghìn tấn, giảm 17,8% kế hoạch và tăng 74,7% so với năm 2004. Nhập khẩu thép phế liệu đạt 33,5 nghìn tấn tăng 7,7% so với năm 2004.
Tình hình xuất nhập khẩu mặc dù còn nhiều khó khăn song các đơn vị thành viên tiếp tục duy trì và phát triển tốt thị trường xuất khẩu thép thành phẩm, góp phần chủ vào tăng sản lượng tiêu thụ năm 2005. kim ngạch xuất nhập khẩu của Tổng công ty năm 2005 đạt 25,5 triệu USD vượt 27,6% kế hoạch và tăng 58,8% so với năm 2004.
Nhìn chung năm 2005 tình hình thị trường thép trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp khiến Tổng công ty gặp không ít khó khăn nhưng với những cố gắng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện triệt để tiết kiệm chi phí trong sản xuất, quản lý và lưu thông… Tổng công ty đã phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao, không để xảy ra thua lỗ và đảm bảo mức thu nhập hợp lý cho người lao động.
4.2.2 Tình hình và kết quả hoạt động của các đơn vị năm 2005
a. Khối sản xuất
Năm 2005 các đơn vị đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và tăng trưởng khá so với năm 2004, phát huy tốt năng lực sản xuất đảm bảo cung cấp đủ thép cho thị trường và thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia bình ổn giá.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,7% so với năm 2004; sản lượng thép cán tăng 16,8%; doanh thu sản xuất công nghiệp tăng 9,1%; sản lượng phôi thép đạt kế hoạch, tăng 0,24%; tiêu thụ thép cán tăng 7,5% so với năm 2004.
b. Khối thương mại
Năm 2005 do diễn biến thị trường thép thế giới và trong nước không thuận lợi, giá cả liên tục giảm hàng tồn kho giá cao lớn, lại thực hiện nhiệm vụ cổ phần hoá nên tổng mua vào và bán ra đạt thấp so với kế hoạch và giảm nhiều so với năm 2004. Tổng lượng mua vào đạt 573 nghìn tấn, bằng 86,5% kế hoạch, giảm 10% so với năm 2004. Nhập khẩu phôi thép đạt 184,2 nghìn tấn, bằng 76,7% kế hoạch và giảm 16,5% so với năm 2004. Nhập khẩu thép tấm, lá đạt 114,8 nghìn tấn, bằng 63,7% kế hoạch và tăng 40,2% so với năm 2004. Mua thép sản xuất trong nước đạt 115,2 nghín tấn, bằng 66,6% kế hoạch và giảm 21,6% so với năm 2004.
Tổng lượng bán ra đạt 546,2 nghìn tấn, bằng 82,1% kế hoạch và giảm 16,3% so với năm 2004. Lượng bán ra giảm chủ yếu do các tháng cuối năm giá thép trên thị trường thế giới và trong nước liên tục giảm, tiêu thụ chậm.
Tổng doanh thu của các đơn vị thương mại năm 2005 đạt 5333,1 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch và giảm 9% so với năm 2004. Nộp ngân sách Nhà nước 187,1 tỷ đồng và bị lỗ 7,8 tỷ đồng
c. Khối liên doanh với nước ngoài.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các liên doanh cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường biến động. Sản lượng thép cán không đạt kế hoạch năm và hiệu quả thấp, hầu hết các liên doanh sản xuất thép cán bị lỗ.
Năm 2005 các liên doanh thép cán sản xuất 685 nghìn tấn, bằng 76,4% kế hoạch và tương đương năm 2004; tiêu thụ 703,7 nghìn tấn thép cán, bằng77,9% kế hoạch và tăng 6,7% so với năm 2004DNNN doanh thu đạt 5221,1 tỷ đồng.
4.3 Đánh giá chung kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2005
Năm 2005 là năm cuối Tổng công ty thép Việt Nam triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn thách thức.
Tình hình chính trị trong nước ổn định, nền kinh tế tăng trưởng tốc độ cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2005 đạt 8,4%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 17,2%, vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao và trở thành động lực phát triển của nền kinh tế.
Nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội ngày càng lớn, nhu cầu tiêu dùng thép trong nước ngày càng tăng, tạo thị trường thuận lợi và ổn định cho ngành thép Việt Nam phát triển.
Năm 2005 tổng công ty thép Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đồng thời với việc thực hiện công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo chỉ đạo của chính phủ, Bộ công nghiệp và tham gia bình ổn giá thép theo chỉ đạo của Thủ tướng. Điều đó ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của tổng công ty.
Về tình hình thị trường, năm 2005 thị trường thép thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường. Nhất là từ quý II đến nay thị trường thép thị trường thép thế giới có nhiều biến động bất lợi cho sản xuất kinh doanh thép. Trong nước giá thép xây dựng tăng giảm bất thường, phôi thép và sản phẩm tồn kho giá cao nhiều, tiêu thụ chậm, hầu hết các nhà sản xuất trong nước đều lỗ. Cung vượt cầu (công suất cán gần 6 triệu tấn trong khi nhu cầu năm 2005 chỉ khoảng 3,2 triệu tấn) vì vậy cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nhà sản xuất thép trong nước làm cho sản xuất kinh doanh của Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh thép trong nước vẫn chủ yếu phụ thuộc vào phôi thép, than cốc, thép tấm lá, thép đặc chủng, thép chất lượng cao nhập khẩu nên ảnh hưởng làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Tuy nhiên với cố gắng, nỗ lực của công nhân viên chức, lao động và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Tổng công ty nên hoạt động sản xuất kinh doanh được giữ vững. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,7% so với năm 2004. Sản xuất kinh doanh của Tổng công ty vẫn có hiệu quả nhưng không cao, đời sống vật chất tinh thần của người lao động tiếp tục được giữ vững, nội bộ ổn định, công nhân viên chức làm việc tích cực.
Công tác đầu tư phát triển được triển khai theo kế hoạch, hoàn thành các dự án trọng điểm và tiếp tục triển khai các dự án nhóm A, B, C chuyển tiếp từ năm 2004. Tuy nhiên các dự án lớn đều chậm tiến độ, điều này đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, bỏ lỡ thời cơ kinh doanh khi thị trường thuận lợi.
Công tác đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp cũng được triển khai theo đúng kế hoạch. Tổng công ty đã thực hiện sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc theo hướng gọn nhẹ, tạo sự chủ động và phát huy tính năng động sáng tạo của đơn vị. Năm 2005 Tổng công ty đã hoàn thành việc cổ phần hoá 5 đơn vị thành viên góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và đa dạng hoá sở hữu tại Tổng công ty thép Việt Nam.
Bảng 2: Báo cáo nhanh ước thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tháng 12 và cả năm 2005
Chỉ tiêu
ĐVT
KH 2005 (Bộ giao)
KH 2005 (Giao đơn vị)
Thực hiện 11 tháng
Ước tháng 12
Ước 2005
Tỷ lệ
So KH
Bộ giao
So KH
giao đơn vị
So 2004
1. Giá trị SXCN
tỷ đồng
4975.0
4975.0
4446.9
523.3
4970.2
99.9
99.9
118.7
2.Doanh thu SXCN
tỷ đồng
9050.0
7493.3
830.1
8329.5
92.0
109.1
3. Sản lượng thép cán
ng.tấn
1200.0
1200.0
1073.4
129.8
1203.1
100.2
100.3
116.8
4. Sản lượng phôi thép
ng.tấn
665.0
675.0
596.9
63.2
660.1
99.3
97.8
100.3
5. Tiêu thụ thép cán
ng.tấn
1150.0
1202.0
952.5
111.9
1064.4
92.6
88.6
107.5
6. Tổng doanh thu
tỷ đồng
15700.0
15700.0
12443.3
1219.3
13662.7
87.0
87.0
96.9
7. Lãi lỗ
tỷ đồng
34.6
35.1
(12.0)
23.1
66.8
10.6
8. Nộp ngân sách
tỷ đồng
639.7
639.7
505.8
47.3
553.1
86.5
86.5
103.1
(Nguồn: Phòng Tổ chức lao động cơ quan văn phòng Tổng công ty)
Bảng 3: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty thép Việt Nam
năm 2005
Đơn vị: Tỷ đồng
STT
Đơn vị
Doanh
thu thuần
Doanh
Thu
HĐTC
Thu
nhập
khác
LN từ
hoạt
động SXKD
Lợi
nhuận
khác
Ước
lợi nhuận
2005
1
Văn phòng Tổng công ty
1083.9
92.0
10.7
43.8
10.7
54.5
2
CTy kim khí Hà Nội
770.9
3.7
0.5
-7.9
-0.05
-7.9
3
CTy kim khí Miền Trung
1481.2
5.2
1.7
-1.2
1.3
0.1
4
CTy kim khí TP HCM
2025.0
10.6
0.9
-4.3
0.7
5.0
5
CTy thép Miền Nam
4389.5
37.7
25.3
-18.8
23.8
5.01
6
CTy gang thép Thái Nguyên
3049.3
4.3
10.7
5.7
9.3
15.0
7
CTy thép Đà Nẵng
216.6
0.4
0.6
-10.0
0.6
-9.4
8
CTy thép tấm lá Phú Mỹ
475.6
0.52
0
-24.6
0
-24.6
9
CTy VLCL Truc Thôn
91.9
0.51
0.4
-9.7
0.1
-9.6
10
Viện luyện kim đen
3.2
0.1
0
0.01
0
0.01
Tổng
13588.2
154.9
50.8
-18.4
45.5
28.1
(Nguồn: Phòng Tổ chức lao động cơ quan văn phòng Tổng công ty)
5. Tình hình lao động và thu nhập của người lao động ở Tổng công ty thép Việt Nam từ năm 2001 đến nay.
Từ năm 2001 đến năm 2005 là giai đoạn Tổng công ty thép Việt Nam thực hiện quán triệt Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001 - 2005. Tổng công ty đã phát huy tốt mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư, hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng và công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Điều này đã có ảnh hưởng đến tình hình lao động và thu nhập của Tổng công ty. Sự lớn mạnh và phát triển của Tổng công ty trong những năm qua đã làm cho thu nhập của người lao động được cải thiện đáng kể. Tiền lương bình quân liên tục tăng qua các năm (năm 2001 là 1475 nghìn đồng/người/tháng, năm 2002 là 1925 nghìn đồng, năm 2003 là 2331 nghìn đồng và năm 2004 là 2586 nghìn đồng). Riêng năm 2005 tiền lương bình quân của người lao động giảm xuống là 2256 nghìn đồng/người/tháng, làm cho thu nhập của người lao động năm 2005 giảm so với năm 2004 là 465 nghìn đồng/người/tháng.
Lao động của Tổng công ty thép Việt Nam bao gồm cả lao động có trình độ Đại học và trên đại học, cao đẳng, trung cấp và lao động phổ thông. Lao động là công nhân trực tiếp sản xuất ở tất cả các đơn vị sản xuất lớn, riêng ở cơ quan văn phòng Tổng công ty hầu hết là lao động quản lý. Số lao động của Tổng công ty biến động qua các năm là không đáng kể do khi thực hiện sắp xếp lại lao động làm cho số lao động giảm nhưng bên cạnh đó các đơn vị lại tiến hành tuyển dụng thêm lao động mới. Tổng số lao động năm 2005 là 16588 giảm 3,4% so với năm 2004 (trong đó lao động tăng là 1600 người, lao động giảm là 2996 người).
Bảng 4: Tình hình tiền lương và thu nhập của người lao động của Tổng công ty thép Việt Nam.
Đơn vị: 1000 đồng/người/tháng
Chỉ tiêu
2001
2002
2003
2004
2005
Tổng số lao động:
- Cơ quan văn phòng TCTy
- Tổng công ty
125
17827
117
17467
120
17631
135
17058
140
16588
Thu nhập bình quân tháng:
- Cơ quan văn phòng TCTy
- Tổng công ty
1997
1483
2658
1825
3468
2472
4665
2786
4454
2321
Tiền lương bình quân tháng:
- Cơ quan văn phòng TCTy
- Tổng công ty
1527
1007
2050
1699
2869
2306
4007
2606
4050
2256
(Nguồn: Phòng Tổ chức lao động cơ quan văn phòng Tổng công ty)
Bảng 5: Tình hình sử dụng lao động của Tổng công ty thép Việt Nam
Chức danh
Năm
2003
2004
2005
(9 tháng đầu)
I. Số lao động đầu kỳ
17584
17549
16968
II. Số lao động tăng giảm trong kỳ
1. Số lao động tăng
Trong đó: Nữ
Trình độ trên đại học
Trình độ đại học và cao đẳng
Trình độ trung cấp
Công nhân kỹ thuật
2. Số lao động giảm
Hưu trí
Thôi việc
Sa thải do kỷ luật lao động
752
137
205
64
106
325
763
231
4
203
1377
180
1
283
172
458
1958
610
285
1
1203
292
1
202
135
344
1668
237
327
4
III. Tổng số lao động có mặt cuối kỳ
Trong đó: Nữ
Hợp đồng lao động vụ việc
Số lao động không có việc làm
Trong đó: Nữ
17573
4481
1095
310
94
16968
3999
1117
151
40
16503
3859
1449
-
-
(Nguồn: Phòng Tổ chức lao động cơ quan văn phòng Tổng công ty)
Bảng 6: Tình hình lao động và thu nhập của Tổng công ty thép Việt Nam
trong 4 năm 2001 - 2004
Năm
Lao động (người)
Thu nhập (triệu đồng)
Lao động tăng trong kỳ
Lao động giảm trong kỳ
Lao động không có nhu cầu sử dụng
Có đến cuối kỳ báo cáo
Trong đó
Bình quân trong kỳ
Trong đó
Bình quân người tháng
Nữ
Hợp đồng
Tiền lương
BHXH
Thu nhập khác
2001
17543
4571
1208
17826
295615
2105
19619
1.483
483
1079
823
2002
17560
4533
1576
17467
356265
1755
24651
1.825
829
711
398
2003
17573
4481
1095
17631
487947
2743
32393
2.472
752
763
310
2004
16968
3999
1117
17058
533471
2492
34253
2.786
1377
1958
151
(Nguồn: Phòng Tổ chức lao động cơ quan văn phòng Tổng công ty)
II. Đánh giá việc thực hiện công tác sắp xếp lại lao động và giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN ở Tổng công ty thép Việt Nam.
1. Tiến trình CPH ở Tổng công ty thép Việt Nam
Tổng công ty thép Việt Nam là một Tổng công ty Nhà nước, có vị trí vô cùng quan trọng, đảm nhận trách nhiệm lớn lao của ngành thép Việt Nam: là ngành công nghiệp cơ bản tạo ra nguyên liệu cho xây dựng cơ sở hạ tầng của mọi quốc gia, là “lương thực” của ngành công nghiệp. Nhận thức được vai trò to lớn của ngành thép đối với thị trường trong nước và khu vực nên Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự trưởng thành và phát triển của Tổng công ty thép Việt Nam. Do đó Tổng công ty thép Việt Nam có điều kiện để phát triển về mọi mặt đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để nâng cao hiệu quả hoạt động từng bước khẳng định vị trí của mình trên thị trường trong nước cũng như khu vực và thế giới. Tuy nhiên vì là một Tổng công ty Nhà nước nên Tổng công ty thép Việt Nam không tránh khỏi việc hoạt động không hiệu quả. Chính vì vậy cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế thị trường cũng như việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN Tổng công ty thép Việt Nam cũng đã tiến hành sắp xếp lại Tổng công ty theo hướng CPH.
Với mục tiêu chuyển Tổng công ty sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, thực hiện CPH các đơn vị thành viên tiến tới CPH hoàn toàn Công ty mẹ nên Tổng công ty luôn coi công tác CPH là nhiệm vụ trọng tâm. Tính đến thời điểm hiện nay Tổng công ty đã CPH được 17 đơn vị (bao gồm 7 công ty thành viên và 10 bộ phận doanh nghiệp), cụ thể:
1.1 Giai đoạn 1998 - 2000:
Trong giai đoạn này Tổng công ty bắt đầu nghiên cứu, và triển khai CPH 3 đơn vị bộ phận (bộ phận doanh nghiệp trực thuộc công ty thành viên Tổng công ty):
Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hải Phòng (năm 1999)
Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh Kim khí (năm 2000)
Công ty cổ phần lưới thép Sài Gòn (năm 2000)
Kết cấu ngành nghề: Kinh doanh thép và gia công chế biến sản phẩm sau cán như dây, lưới thép, đinh…; Kinh doanh các ngành nghề khác mà pháp luật không cấm
1.2 Giai đoạn 2002 - 2004
Tập trung thực hiện quyết định 223/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty (giai đoạn 2003 - 2005).Trong đó:
Hoàn thành CPH 9 đơn vị (trong đó có 2 công ty thành viên, 7 bộ phận doanh nghiệp)
Công ty cổ phần vận tải gang thép Thái Nguyên (năm 2002)
Công ty cổ phần thép Thăng Long (năm 2002)
Công ty cổ phần vật liệu chịu lửa Thái Nguyên (năm 2003)
Công ty cổ phần Phương Nam (năm 2003)
Công ty cổ phần sửa chữa ô tô Gang Thép (năm 2004)
Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Miền Nam (năm 2004)
Công ty cổ phần lưới thép Bình Tây (năm 2004)
Công ty cổ phần Kim khí Bắc Thái (năm 2004)
Công ty Kim khí Hải Phòng (năm 2004)
Kết cấu ngành nghề: Sản xuất kinh doanh các phụ liệu phục vụ cho ngành thép; kinh doanh thép và gia công chế biến sản phẩm sau cán; kinh doanh dịch vụ vận chuyển; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng. Kinh doanh các ngành nghề khác mà pháp luật không cấm.
1.3 Năm 2005
Tập trung thực hiện Quyết định số 08/2005/QĐ-TTg ngày 10/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty đến năm 2006. Trong đó, trọng tâm là CPH tiếp 5 Công ty thành viên
Công ty Cơ điện luyện kim: đã hoàn thành đại hội đồng cổ đông và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/11/2005.
Công ty Kim khí Hà Nội: hoàn thành Đại hội đồng cổ đông trong 2 ngày 25-26/11/2005.
Công ty Kim khí Tp Hồ Chí Minh: đã hoàn thành việc bán cổ phần và chuẩn bị Đại hội đồng cổ đông vào ngày 10/12/2005.
Công ty Vật liệu chịu lửa Trúc Thôn: đang hoàn tất việc thu tiền bán cổ phần và dự kiến Đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng 12/2005.
Công ty Kim khí Miền Trung: Đã tổ chức xong việc bán đáu giá tại trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội và kết thúc việc thu tiền bán cổ phần vào ngày 20/12/2005, hoàn thành Đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng 12/2005.
Nhìn chung công tác cổ phần hoá trong năm 2005 của Tổng công ty thép Việt Nam (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) cơ bản được hoàn thành và đảm bảo đúng quy trình. Sau khi chuyển sang công ty cổ phần hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động có hiệu quả; các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách đều tăng; thu nhập và chế độ chính sách đối với người lao động được đảm bảo tốt.
Bảng 7: Doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp Nhà nướcđã cổ phần hoá
của Tổng công ty thép Việt Nam năm 2004
Đơn vị: tỷ đồng
Tên doanh nghiệp
Bộ phận DN/DNNN độc lập
Vốn NN trước CPH
Số lao động trước CPH
Quyết định phê duyệt phương án CPH
Vốn điều lệ
Cơ cấu vốn điều lệ %
Đăng ký kinh doanh theo luật DN
Nhà
nước
Người lao động
Ngoài DN
Nước ngoài
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
CTy CP sản xuất và kinh doanh kim khí
Bộ phận DN
0.67
24
71/2000/
QĐ-BCN
5.5
0
100
0
0
Năm 2001
CTy CP thương mại Hải Phòng
Bộ phận DN
1.05
7
15/1999/
QĐ-BCN
1.5
0
100
0
0
Năm 1999
CTy CP lưới thép Sài Gòn
Bộ phận DN
3.5
69
08/2002/
QĐ-BCN
6.9
19.87
1.37 tỷđ
80.13
5.529 tỷđ
0
0
Năm 2002
CTy CP thép Thăng Long
Bộ phận DN
3.36
35
36/2002/
QĐ-BCN
8.32
34
2.82 tỷđ
40
3.328 tỷđ
26
2.163 tỷđ
0
Năm 2002
CTy CP vận tải gang thép Thái Nguyên
Bộ phận DN
3.06
136
33/2002/
QĐ-BCN
2.5
57.1
1.29 tỷđ
38.3
0.957 tỷđ
10
0.25 tỷđ
0
1703000050
năm 2003
CTy CP sửa chữa ô tô gang thép
Bộ phận DN
2.36
279
157/2003/
QĐ-BCN
5
10.14
0.057 tỷđ
89.86
4.493 tỷđ
0
0
1703000105
năm 2004
CTy CP vật liệu chịu lửa Thái Nguyên
Bộ phận DN
3.57
387
158/2003/
QĐ-BCN
9
17.1
1.54 tỷđ
77.34
6.96 tỷđ
5.56
0.5 tỷđ
0
Năm 2004
CTy cổ phần Phương Nam
Bộ phận DN
0.969
7
151/2003/
QĐ-BCN
2
44.49
0.889 tỷđ
4.56
0.09 tỷđ
50.95
1.019 tỷđ
0
3203000204
năm 2004
CTy CP lưới thép Bình Tây
Bộ phận DN
7.86
220
225/2003/
QĐ-BCN
12.75
51
6.502 tỷđ
12.07
1.539 tỷđ
36.934
4.708 tỷđ
0
4103002435
năm 2004
CTy CP đầu tư xây dựng Miền Nam
Bộ phận DN
2.7
66
205/2003/
QĐ-BCN
7
201.4 tỷđ
18.3
1.281 tỷđ
61.66
4.316 tỷđ
0
Năm 2004
CTy cổ phần kim khí Bắc Thái
Công ty thành viên
25
125
220/2003/
QĐ-BCN
10
65
6.5 tỷđ
35
3.5 tỷđ
0
0
1703000103
năm 2004
CTy Kim khí Hải Phòng
Công ty thành viên
29.5
322
78/2004/
QĐ-BCN
15
0
84.26
12.64 tỷđ
15.74
2.361 tỷđ
0
0203001239
năm 2005
Tổng số
83.799
1677
85.47
22.817
47.317
15.317
Bảng 8: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh sau CPH
Đơn vị: tỷ đồng
Tên doanh nghiệp
Quyết định CPH
Vốn điều lệ
Doanh thu
Nộp ngân sách
Lợi nhuận
Lao động
Thu nhập BQ (triệu đồng)
Cổ tức bình quân %
Trước
Sau
Trước
Sau
Trước
Sau
Trước
Sau
Trước
Sau
Trước
Sau
CTy CP sản xuất và kinh doanh kim khí
71/2000/
QĐ-BCN
5.5
27
(4.9)lần
40
220
(5.5)lần
0.2
18
(90)lần
0.6
27
24
101
0.6
1.8
40
CTy CP thương mại Hải Phòng
15/1999/
QĐ-BCN
1.5
25
(1.6)lần
0.21
50
(238)lần
0.159
2.5
(15.7)lần
-0.072
0.514
7
24
0.7
1
12
CTy CP lưới thép Sài Gòn
08/2002/
QĐ-BCN
6.9
6.9
17.8
37.2
2 lần
3.28
4.36
(1.32)
-0.511
0.23
75
104
1.25
1.6
CTy CP thép Thăng Long
36/2002/
QĐ-BCN
8.32
8.32
20.7
69.3
3 lần
0.071
0.879
(12.3)
-0.003
1
35
35
0.612
0.925
10
CTy CP sửa chữa ô tô gang thép
157/2003/
QĐ-BCN
5
5
279
279
CTy CP vận tải gang thép Thái Nguyên
33/2002/
QĐ-BCN
2.5
2.5
46.6
80.1
(1.7)lần
0.204
2.1
(10.3)lần
-0.285
0.449
136
115
0.777
1.149
CTy CP vật liệu chịu lửa Trúc Thôn
158/2003/
QĐ-BCN
9
9
19
35
(1.8)lần
0.61
1.5
(2.45)lần
0.092
1.5
387
390
1.800
2.000
CTy cổ phần Phương Nam
151/2003/
QĐ-BCN
2
2
0.246
14
(56)
0.27
0.67
(2.48)
0.1
0.67
7
36
0.868
0.934
CTy CP lưới thép Bình Tây
225/2003/
QĐ-BCN
12.75
12.75
220
229
1.71
CTy CP đầu tư xây dựng Miền Nam
205/2003/
QĐ-BCN
7
7
51
51
1.57
CTy cổ phần kim khí Bắc Thái
220/2003/
QĐ-BCN
10
10
80
80
1.3
Tổng số
70.47
92.97
144.5
505.
4.79
30.
1301
1444
(Nguồn: Phòng Tổ chức lao động cơ quan văn phòng Tổng công ty)
Bảng 9: Doanh nghiệp và Bộ phận doanh nghiệp Nhà nước đã CPH
của Tổng công ty thép Việt Nam năm 2005
Đơn vị: tỷ đồng
Tên doanh nghiệp
Bộ phận DN/DNNN
Vốn NN
trước
CPH
Số lao động trước CPH
Quyết định phê duyệt phương án CPH
Vốn
điều lệ
Cơ cấu
vốn điều lệ
%
Đăng ký kinh doanh theo luật DN
Nhà nước
Người lao động
Ngoài DN
Nước ngoài
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
CTy cơ điện luyện kim
CTy thành viên
23 tỷ
1039
2257/2005
QĐ-BCN
23 tỷ
26.21
55.33
18.46
0
1703000182
Năm 2005
CTy kim khí Hà Nội
CTy thành viên
115 tỷ
435
2840/2005
QĐ-BCN
90 tỷ
89.37
8.37
2.26
0
CTy kim khí TP HCM
CTy thành viên
158 tỷ
366
2841/2005
QĐ-BCN
158 tỷ
68.52
4.19
27.29
0
CTy VLCL Trúc Thôn
CTy thành viên
16 tỷ
747
18 tỷ
31.5
48.5
20
0
CTy kim khí Miền Trung
CTy thành viên
65 tỷ
379
3088/2005
QĐ-BCN
65 tỷ
85.5
7.6
6.9
0
Tổng số
5 CTy
377 tỷ
2966
354 tỷ
(Nguồn: Phòng Tổ chức lao động cơ quan văn phòng Tổng công ty)
2. Tình hình sắp xếp lại lao động ở Tổng công ty thép Việt Nam
Qua tiến trình CPH của Tổng công ty thép Việt Nam ở trên chúng ta thấy Tổng công ty đã bước đầu hoàn thành mục tiêu CPH một số đơn vị thành viên và bộ phận doanh nghiệp. Trong thời gian tới Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện công tác CPH các đơn vị còn lại theo chủ trương chính sách của Chính phủ. Quá trình sắp xếp đổi mới DNNN sẽ kèm theo công tác sắp xếp lại lao động vì vậy với lộ trình CPH của Tổng công ty thép Việt Nam như trên thì việc sắp xếp lại lao động là một yêu cầu thường xuyên và cần thiết ở Tổng công ty. Thực tế cho thấy ở Tổng công ty tất cả các đơn vị thực hiện CPH đều đã hoàn thành công tác sắp xếp sắp xếp lại lao động. Sau khi sắp xếp lại số lao động của tất cả các đơn vị đều giảm do các đơn vị này là DNNN nên không tránh khỏi thực trạng lao động của các DNNN là số lượng quá đông và chất lượng không đáp ứng được yêu cầu. Để tồn tại, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh sau CPH đòi hỏi các doanh nghiệp phải cắt giảm số lao động này. Điển hình ở Công ty Kim khí TP HCM tổng số lao động tại thời điểm CPH là 355 người sau khi thực hiện sắp xếp lại, giảm xuống còn 216 người trong đó tiến hành đào tạo lại để sử dụng vào công việc khác là 110 người. Công ty Kim khí Miền Trung tổng số lao động tại thời điểm CPH là 379 người, sau khi sắp xếp lại còn 338 người, trong đó đào tạo lại 68 người. Công ty Vật liệu chịu lửa Trúc Thôn số lao động có tên trong danh sách thường xuyên ở thời điểm CPH là 747 người, sau khi sắp xếp lại còn 538 người trong đó đào tạo lại là 150 người... Tất cả số lao động đào tạo lại của các đơn vị đều được sắp xếp và bố trí công việc mới theo đúng ngành nghề đào tạo.
Trong quá trình triển khai công tác sắp xếp lại lao động Tổng công ty thép Việt Nam đã thực hiện xây dựng phương án sắp xếp lao động theo đúng trình tự các bước quy định. Việc phân loại và lập danh sách từng loại lao động được tiến hành đầy đủ, tuy nhiên cũng giống như rất nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại lao động khác sẽ có một bộ phận người lao động không muốn dời khỏi doanh nghiệp do tư tưởng ở lại để hưởng các chính sách ưu đãi đối với lao động trong các DNNN. Chính vì vậy việc phân loại và sắp xếp lao động vào diện dôi dư gặp nhiều khó khăn, do doanh nghiệp và người lao động bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động vì vậy chỉ có thể vận động và khuyến khích người lao động tự nguyện thôi việc khi họ không muốn rời doanh nghiệp. Thực tế việc sắp xếp lại lao động là một vấn đề tương đối khó vì vậy ở các doanh nghiệp đã sắp xếp lại lao động của Tổng công ty thép Việt Nam vẫn còn tình trạng lao động dư thừa tương đối đây là một vấn đề còn tồn tại mà Tổng công ty cần phải quan tâm giải quyết để công tác sắp xếp lại lao động thực sự phát huy hiệu quả.
3. Thực trạng lao động dôi dư và công tác giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện CPH DNNN ở Tổng công ty thép Việt Nam.
3.1 Thực trạng lao động dôi dư ở Tổng công ty thép Việt Nam năm 2005
Năm 2005 Tổng công ty thép Việt Nam thực hiện cổ phần hoá 5 đơn vị thành viên, đồng thời với việc xây dựng phương án CPH là quá trình sắp xếp lại lao động. Tất cả các đơn vị đều tiến hành sắp xếp lại lao động. Theo phương án sắp xếp lao động của các đơn vị ta thấy tình trạng lao động dôi dư ở Tổng công ty thép Việt Nam là rất phổ biến. Sau khi sắp xếp lại số lao động của các đơn vị đều giảm đáng kể, tất cả các đơn vị đều không sử dụng hết số lao động có tại thời điểm lập phương án CPH, dẫn tới số lao động dôi dư lớn. Tổng số lao động dôi dư của 5 đơn vị này là 1141 người, trong đó lao động dôi dư do CPH là 747 người chiếm 65% tổng số lao động dôi dư. Số lao động dôi dư theo Nghị định 41 là 726 người, theo Bộ luật lao động là 21 người. Cụ thể số lao động dôi dư của từng đơn vị như sau:
Công ty Cơ điện luyện kim dôi dư 547 người trong đó có 269 người dôi dư do cơ cấu lại sản xuất, 278 người dôi dư do thực hiện CPH (chiếm 51% tổng số lao động dôi dư của đơn vị). Trong số lao động dôi dư do tiến hành CPH số lao động dôi dư theo Nghị định 41 là 274 người, theo Bộ luật Lao động là 4 người.
Công ty Kim khí Hà Nội tổng số lao động dôi dư là 158 người, trong đó lao động dôi dư do CPH là 101 người ( chiếm 64% trong tổng số lao động dôi dư của đơn vị). Số lao động dôi dư theo Nghị định 41 là 98 người, theo Bộ luật lao động là 3 người.
Công ty Kim khí TP HCM có số lao động dôi dư là 207 người, trong đó dôi dư do CPH là 139 người chiếm 67%. Trong số lao động dôi dư do CPH có 125 người dôi dư theo Nghị định 41-CP, 14 người dôi dư theo Bộ luật Lao động.
Công ty Vật liệu chịu lửa Trúc Thôn số lao động dôi dư do CPH là 204 người, tất cả đều thuộc diện dôi dư theo Nghị định 41.
Công ty Kim khí Miền Trung có 25 người lao động dôi dư theo Nghị định 41 khi thực hiện CPH.
Số lao động dôi dư của các đơn vị bao gồm cả dôi dư theo tuổi, theo hợp động lao động và theo trình độ tay nghề. Việc phân loại lao động dôi dư là căn cứ để các đơn vị phối hợp với Tổng công ty giải quyết chế độ chính sách cho số lao động này.
Ngoài lao động dôi dư do CPH, do cơ cấu lại sản xuất, ở một số đơn vị còn có một bộ phận lao động dôi dư không thuộc diện giải quyết theo Nghị định 41-CP đó là số lao động dôi dư có thời gian xuất ngũ phục viên và lao động dôi dư có thời gian không làm việc, đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy ta thấy số lao động dôi dư ở Tổng công ty thép Việt Nam là rất lớn chưa nói đến số lao động dôi dư ở các đơn vị sau cổ phần hoá 12 tháng và các đơn vị chuẩn bị CPH sẽ tổ chức sắp xếp lại lao động. Điều này đòi hỏi Tổng công ty thép Việt Nam phải thực sự chú trọng đến công tác giải quyết lao động dôi dư để đảm bảo mục tiêu phát triển Tổng công ty và ổn định cuộc sống cho người lao động.
3.2 Nguyên nhân dẫn đến lao động dôi dư
Thứ nhất: Trong cơ chế cũ ở nước ta có nhiều doanh nghiệp được thành lập chưa thực sự căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế xã hội mà chủ yếu kà do một số địa phương ngành muốn thành lập để rút ngân sách Nhà nước. Cũng trong thời kỳ này việc tuyển chọn đầu vào cho các DNNN diễn ra một cách ồ ạt, thậm chí nhiều người không có trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ cũng được bố trí việc làm trong doanh nghiệp. Chính sự thiếu chặt chẽ về thành lập và tuyển chọn đầu vào đã tạo ra một lượng lao động dư thừa ở các doanh nghiệp.
Thứ hai: do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước thay đổi đã ảnh hưởng tới đầu tư, sản xuất, tiêu thụ, buộc các doanh nghiệp phải giảm sản xuất hay tạm thời đình đốn dẫn đến nhiều công nhân không có việc làm.
Thứ ba: Trong những năm qua việc giải quyết lao động dôi dư gặp phải những khó khăn do nhu cầu trong nước giảm, sức ép cạnh tranh giữa các nước trong khu vực và quốc tế tăng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm.
Thứ tư: Chính phủ đã rất nỗ lực củng cố các doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, riêng vấn đề giải quyết lao động dôi dư tiến triển rất chậm.
Thứ năm: Mặc dù nhận thực được tầm quan trọng của việc cổ phần hoá đối với giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn chần chừ, chậm trễ CPH. Sự chậm trễ của CPH cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tìm hướng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư.
Thứ sáu: Trong nhiều doanh nghiệp trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Sự yếu kém về tay nghề đã làm cho những người này bị tách khỏi quá trình sản xuất, trở thành lao động dôi dư.
Thứ bảy: Hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn sản xuất, vốn đầu tư đổi mới công nghệ đã làm cho tình trạng thiếu việc làm trở nên hết sức bức xúc.
Thứ tám: Sự hoạt động kém hiệu quả của các DNNN cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng lao động dôi dư.
Từ những nguyên nhân trên chúng ta nhận thấy nguyên nhân chính của tình trạng dư thừa lao động là tình hình sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, khả năng cạnh tranh thấp. Đối với Tổng công ty thép Việt Nam nguyên nhân dẫn đến lao động dôi dư chủ yếu là việc cơ cấu lại sản xuất; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, nhất là công tác cổ phần hoá. Việc thực hiện CPH nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp do đó doanh nghiệp cần tiến hành cơ cấu lại sản xuất, đổi mới công nghệ, tinh giảm biên chế theo hướng gọn nhẹ dẫn tới tình trạng lao động dôi dư. Số lao động dôi dư này một phần là do sức khoẻ, tuổi tác, trình độ tay nghề không đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới. Một mặt do việc tuyển dụng quá nhiều trong cơ chế cũ khiến doanh nghiệp không bố trí được việc làm cho người lao động có trình độ tay nghề. Cùng với yêu cầu đòi hỏi của thị trường cũng như yêu cầu phát triển của Tổng công ty do đó cần thiết phải đổi mới, sắp xếp lại Tổng công ty thép Việt Nam điều này dẫn tới tình trạng lao động dôi dư là không thể tránh khỏi.
3.3 Thực tế việc giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư ở Tổng công ty thép Việt Nam
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế phải đảm bảo các vấn đề xã hội, Tổng công ty thép Việt Nam luôn xác định phải luôn coi trọng yếu tố con người, kết hợp hài hoà mục tiêu phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Chính vì vậy ở Tổng công ty quá trình tổ chức, sắp xếp lại các DNNN luôn đi đôi với vấn đề giải quyết lao động dôi dư. Trong thời gian qua cùng với tiến trình CPH Tổng công ty thép Việt Nam đã thực hiện việc giải quyết chế độ chính sách cho số lao động dôi dư, bao gồm cả lao động dôi dư do sắp xếp, cơ cấu lại sản xuất, lao động dôi dư do CPH và số lao động dôi dư sau CPH 12 tháng.
Tổng số lao động dôi dư đã được Tổng công ty giải quyết chế độ chính sách từ nguồn quỹ 41 của Nhà nước (Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- QT116.docx