Tài liệu Đề tài đời sống đô thị trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới: TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 26 (51) - Thaùng 03/2017
86
Đề tài đời sống đô thị trong truyện ngắn
Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới
The theme of urban life in Ma Van Khang’s short stories in the renovation period
ThS. Nguyễn Thị Thanh Xuân
Trường Đại học Thủ Dầu Một
Nguyen Thi Thanh Xuan, M.A.
Thu Dau Mot University
Tóm tắt
Từ những năm 1980 trở đi, với mảng văn học viết về đời sống đô thị, nhà văn Ma Văn Kháng đã thực
sự khẳng định tài năng và sức bút của mình. Truyện của ông đã mở ra trước mắt người đọc một bức
tranh toàn cảnh sinh động của cuộc sống con người. Bức tranh sinh hoạt đời thường vừa có sự đa tạp,
buồn phiền với bao nhiêu cái xấu rình rập vừa chứa đựng biết bao triết lý nhân sinh về ý nghĩa cuộc đời,
về cách làm người và trên hết vẫn là tấm lòng nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thương cuộc đời
của nhà văn.
Từ khóa: đề tài, đời sống đô thị, truyện ngắn, Ma Văn Kháng, thời kỳ đổi mới.
Abstract
From the years 1980s onwards,...
7 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 421 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài đời sống đô thị trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 26 (51) - Thaùng 03/2017
86
Đề tài đời sống đô thị trong truyện ngắn
Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới
The theme of urban life in Ma Van Khang’s short stories in the renovation period
ThS. Nguyễn Thị Thanh Xuân
Trường Đại học Thủ Dầu Một
Nguyen Thi Thanh Xuan, M.A.
Thu Dau Mot University
Tóm tắt
Từ những năm 1980 trở đi, với mảng văn học viết về đời sống đô thị, nhà văn Ma Văn Kháng đã thực
sự khẳng định tài năng và sức bút của mình. Truyện của ông đã mở ra trước mắt người đọc một bức
tranh toàn cảnh sinh động của cuộc sống con người. Bức tranh sinh hoạt đời thường vừa có sự đa tạp,
buồn phiền với bao nhiêu cái xấu rình rập vừa chứa đựng biết bao triết lý nhân sinh về ý nghĩa cuộc đời,
về cách làm người và trên hết vẫn là tấm lòng nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thương cuộc đời
của nhà văn.
Từ khóa: đề tài, đời sống đô thị, truyện ngắn, Ma Văn Kháng, thời kỳ đổi mới.
Abstract
From the years 1980s onwards, in a part of Ma Van Khang’s short stories written about urban life, he
has actually confirmed his talent and ability. His stories open up a a vivid panorama of human life. The
panorama is not only about daily life with its difference kinds of complication, melancholy, evils but
also contains lots of personal philosophy about the meaning of life, about how to act as a man and about
the writer’s compassion, humanity, beneficence above all.
Keywords: the theme, of urban life, short story, Ma Van Khang, renovation period.
1. Mở đầu
Ma Văn Kháng không chỉ là cây bút
truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng, mà
còn là một nhà văn được đánh giá thành
công trên phương diện đề tài sáng tác (đề
tài đời sống miền núi và đời sống đô thị).
Bắt đầu sáng tác từ năm 1961 với truyện
ngắn Phố cụt, đến nay trên 50 năm miệt
mài lao động và sáng tạo nghệ thuật, Ma
Văn Kháng đã chứng tỏ thương hiệu là một
cây đại thụ của văn học Việt Nam đương
đại. Ông đã tự khẳng định vị trí của mình
bằng những tác phẩm văn chương đích
thực, gồm trên chục tiểu thuyết và khoảng
hơn 200 truyện ngắn, tạp bút, tản văn cùng
3 tập sách viết cho thiếu nhi, một hồi ký
văn chương. Với Ma Văn Kháng, viết là để
bảo vệ, khẳng định những giá trị chân
chính của cuộc sống, con người, nên dù ở
đâu, viết về đề tài nào ông cũng dành
những tình cảm ưu ái cho con người, vì
con người, bởi“con người là thước đo mọi
sự” [3; 377]. Đề tài viết về đời sống thành
thị thời kinh tế thị trường đầy phức tạp
trong cuộc chuyển mình mạnh mẽ của đất
nước sau chiến thắng 1975 hầu hết được
Ma Văn Kháng sáng tác sau 1980, đây
cũng chính là đóng góp quan trọng của ông
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
87
mà với nó, ông được xếp vào đội ngũ
những cây bút tiên phong mở đường cho
việc đổi mới nền văn xuôi nghệ thuật của
dân tộc. Sự nổi tiếng của thương hiệu Ma
Văn Kháng là điều dễ hiểu bởi khả năng
sáng tạo và thái độ lao động nghệ thuật
nghiêm túc, cần mẫn của ông.
2. Sự khẳng định sức bút với đề tài
về thành thị thời kinh tế thị trường
Sau hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất
Lào Cai - quê hương thứ hai của mình, Ma
Văn Kháng giã từ miền núi trở về Hà Nội
với cuộc sống đô thị thời hội nhập. Xã hội
Việt Nam sau những năm 80, nhất là từ
năm 1986 bước vào thời kỳ đổi mới, nền
kinh tế thị trường cùng quá trình đô thị hóa
đã góp phần thúc đẩy sự giàu mạnh về đời
sống vật chất của con người. Thế nhưng
cũng xuất phát từ đây nảy sinh nhiều vấn
đề nhức nhối, nan giải, làm xáo trộn và gây
áp lực căng thẳng trong đời sống xã hội.
Trong cơn lốc của thời kinh tế thị trường
nhiều giá trị văn hóa tinh thần truyền thống
tốt đẹp có nguy cơ bị phai nhạt, đảo lộn, sự
thờ ơ, lối sống đạo đức giả, sự bất ổn, phi
lý luôn đe dọa, rình rập, bám riết cuộc sống
con người... khiến nhà văn bị ám ảnh và
không khỏi bùi ngùi, lo lắng. Bức tranh
sinh hoạt đời thường vừa có sự đa tạp,
buồn phiền với bao nhiêu điều bất ổn vừa
chứa đựng bao triết lý nhân sinh về ý nghĩa
cuộc đời, về cách làm người. Tất cả những
câu chuyện tưởng chừng như vặt vãnh đó
đã cho thấy: “nguyên tắc tư duy tiểu thuyết
đã mở rộng tối đa khu vực tiếp xúc giữa
mảng truyện ngắn viết về đời sống thành
thị của Ma Văn Kháng với cuộc đời phồn
tạp” [7; 18]. Viết về đề tài đời sống thị
thành thời hiện đại, bên cạnh các cây bút
như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải,
Nguyễn Huy Thiệp... Ma Văn Kháng đã có
sự chuyển hướng rõ rệt trong tư duy nghệ
thuật, cái nhìn sử thi trước đó đã được thay
thế bằng cái nhìn tiểu thuyết, khoảng cách
giá trị giữa người kể chuyện và đối tượng
trần thuật được rút ngắn tới mức tối thiểu.
Với Ma Văn Kháng viết văn là “để nối lời,
tiếp lời, đúng hơn là để đối thoại, tranh
biện với các ý thức xã hội, ý thức nghệ
thuật của thời đại” [7; 5]. Dồn bút viết về
cuộc sống đời thường nơi thành thị, thực sự
một “hiện tượng Ma Văn Kháng” đã gây
được ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc và
giới phê bình khi ông liên tiếp cho ra đời
các tập truyện ngắn: Ngày đẹp trời (1985),
Heo may gió lộng (1992), Trăng soi sân
nhỏ (giải thưởng văn học Đông Nam Á
1995), Ngoại thành (1996), Vòng quay cổ
điển (1997), Đầm sen (1997), Một chiều
giông gió (1998), Một mối tình si (2001),
Trốn nợ (2008). Đọc tập truyện Ngày đẹp
trời cùng những sáng tác văn xuôi sau
những năm 1980 của Ma Văn Kháng ta
thấy cách nhìn cuộc sống và con người của
nhà văn “đã đạt tới một sự sâu sắc chín
muồi đầy sự chiêm nghiệm đúc kết của một
nhà văn từng trải, sống hết mình với cuộc
đời, trăn trở băn khoăn cho số phận con
người” [2; 51].
2.1. Với khả năng nắm bắt những vấn
đề của đời sống hiện thực một cách nhạy
bén, tinh tế, Ma Văn Kháng đã bày tỏ
những quan điểm tư tưởng nghệ thuật sâu
sắc về mọi vấn đề liên quan tới cuộc sống
con người đô thị trong xã hội hiện đại và
xoáy sâu vào các chủ đề thế sự nóng hổi.
Nhịp sống hối hả, nhộn nhịp của đô thị
đang từng ngày từng giờ chi phối vào một
bộ phận dân cư chỉ chạy theo lối sống thực
dụng, xô bồ, vật chất mà đánh mất lương
tri, đạo lí ở đời. Dưới tác động của đồng
tiền và sự xuống cấp của xã hội, các mối
quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn
bè, đồng nghiệp trở nên ngả nghiêng, chao
ĐỀ TÀI ĐỜI SỐNG ĐÔ THỊ TRONG TRUY N NGẮN MA VĂN KHÁNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
88
đảo. Quan tâm sâu sắc tới vấn đề gia đình
thời mở cửa, trong tiểu thuyết Mùa lá rụng
trong vườn nhà văn đưa ra một câu hỏi
nghi vấn chứa đựng luận đề: “Ôi... Gia
đình... gia đình giọt nước của biển cả, cá
thể của xã hội, liệu có vững vàng trong
cuộc sống xây dựng đang có nhiều khó
khăn, lắm bê bối này?”. Tác giả còn đặt ra
cho người đọc vấn đề quan trọng: Làm thế
nào để giữ gìn gia đình, các nền tảng đạo
đức truyền thống trước bão táp của nền
kinh tế thị trường và làm sao để dung hòa
được cuộc sống vừa có vật chất đầy đủ vừa
có một đời sống tinh thần tốt đẹp? Gia đình
là tế bào của xã hội. Mỗi con người khi
sinh ra đã gắn bó với bao tình thân máu mủ
ruột rà hết sức thiêng liêng bền chặt. Vậy
mà những tình cảm thiêng liêng ấy đang
ngày một bị thui chột bởi sự tha hóa của
con người, đặc biệt là một bộ phận lớp trẻ -
thế hệ của tương lai. Đời sống vật chất
ngày càng no đủ thì dường như tình người
có sự phai lạt, sự đánh mất gốc rễ đáng là
điều phải lên án. Những truyện ngắn như
Đợi chờ, Quê nội, Mẹ già, Ngày chủ nhật
mưa ngâu, Thầy của chúng em, Nhà nhiều
tầng đã phản ánh rất rõ về vấn đề này.
Ma Văn Kháng đã đưa những câu
chuyện tưởng như vặt vãnh như: chuyện
anh em, chị em, chuyện cô cháu, chuyện
xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa chị
chồng em dâu, chuyện cô gái nhất thời
chạy theo bản năng mà lấy phải người
chồng chẳng ra gì (Chọn chồng), chuyện
cô gái xinh đẹp bị người đời ganh ghét, đố
kị (Chị Thiên của tôi)... vào truyện ngắn
của mình. Những câu chuyện buồn ấy như
dội vào mỗi chúng ta một nỗi lo lắng trăn
trở trước những mối quan hệ giữa con
người ngày một đáng ghê sợ. Vì sao con
người ta lại chai sạn tàn nhẫn trước những
tình cảm máu mủ ruột thịt như vậy? Tất cả
chỉ vì con người ta chỉ biết yêu mỗi bản
thân mình, vì thói vụ lợi, tính ích kỷ, vô
nhân tính, mà anh trai có thể cướp vợ của
em và đẩy em đến bước đường cùng, tâm
thần, điên loạn (Mảnh đạn). Người chị gái
vô học nhưng may mắn được hưởng lạc
trong cuộc sống giàu sang với thói “học
đòi hơi lố, cậy thế chồng” mà nhẫn tâm thờ
ơ nguội lạnh trước cái chết của đứa em gái
nghèo hèn tội nghiệp (Trung du chiều
mưa buồn). Đứa con gái có học mà nhẫn
tâm với người cha già sớm hôm mòn mỏi
đợi chờ héo hắt nơi quê nhà, để rồi người
cha vô vọng đi về cõi chết mà đứa con vẫn
theo hưởng lạc ăn chơi (Đợi chờ). Cừ là
đứa con trai trái tính trái nết lại phản bội
Tổ quốc quê hương gây bao xót xa, đau
đớn, nhục nhã cho mẹ già (Mẹ già). Phú là
hiện thân của sự suy thoái nhân cách, vì
cuộc sống xa hoa vật chất mà bội bạc với
quê hương, Tổ tiên, cha mẹ, vợ con (Quê
nội) Truyện Bồ nông ở biển chứa đựng
triết luận về mối quan hệ bất hòa giữa mẹ
chồng và nàng dâu, được triển khai từ lời
bài hát “Nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng
bằng trông thấy bồ nông ở biển”.
Câu chuyện Người giúp việc là nỗi
suy tư ngậm ngùi về thân phận và cách ứng
xử giữa con người với con người. Chuyện
kể về bà cụ Mạ ở nông thôn ra thành thị
giúp việc cho gia đình Hoằng. Bà cụ Mạ là
hiện thân của sự hy sinh tần tảo, phúc hậu
giúp đỡ công việc nhà một cách chu đáo.
Bà hết mực yêu thương hai cháu nhỏ như
người ruột thịt và chính bà như là bà tiên
cô Tấm của hai đứa con Hoằng. Thế nhưng
đáp lại công ơn của bà là thái độ hết sức
phũ phàng, coi thường và xúc phạm, nhục
mạ muốn đòi bà ra khỏi nhà của vợ và mẹ
vợ Hoằng. Và sau cuộc gây gổ của vợ,
Hoằng đành cho bà “nghỉ phép”. Cũng
chính từ những “tệ hại quá quắt vì những
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
89
thói tật thâm căn cố đế cổ truyền không
sao gột rửa được” ấy là nguyên nhân khiến
ông Tường (Giải nguyền) phải chịu những
oan ức vì bị hiểu lầm, tủi cực, đau đớn từ
trong gia đình đến ngoài xã hội. Trong
cuộc sống hiện đại tồn tại đầy rẫy những kẻ
ngu dốt, đểu giả, ngô nghê, lố bịch. Chủ
tịch xã Chiến là kẻ vô học lại đểu giả, hung
hãn (Người đánh trống trường). Trong
truyện ngắn Vòng quay cổ điển những kẻ
muốn đến chinh phục Uyển, từ những bậc
lão thành như ông già góa vợ, ông chủ tịch
huyện về hưu, ông trung tá công an tới bọn
thanh niên loai choai cậy quyền học đòi...
tất cả đều giống như một “lũ ngẩn ngơ”
hiếu danh, lố bịch. Cái Tý Ngọ là đứa “tiên
thiên bất túc” đã xấu người lại xấu cả nết,
nó là hiện thân của những kẻ vô học, yểu
nhược chỉ biết lấy sự đê hèn làm phương
tiện để tồn tại, nó bị mọi người trong cơ
quan khinh ghét đề nghị sa thải. May thay
nhờ tấm lòng độ lượng của ông Hoàn giám
đốc nâng đỡ nó và cho nó chỗ làm. Nào
ngờ nó là đứa ăn cháo đá bát, khi ông Hoàn
thôi chức giám đốc nó dựng chuyện bôi
xấu nhục mạ, vu cáo ông, nó bảo ông Hoàn
“cho nó một thì lột của nó mười” và bảo
rằng ông Hoàn là “con dê cụ” đã từng gạ
gẫm nó (Cái Tý Ngọ). Có nhiều truyện
ngắn xuất sắc của nhà văn thành công về
đề tài này, thể hiện ngay từ các nhan đề:
Chọn chồng, Nhà nhiều tầng, Mất điện,
Mẹ và con, Mẹ già, Cô giáo chủ nhiệm,
Người giúp việc, Người đánh trống
trường, Một chốn nương thân, Bồ nông ở
biển, Trăng soi sân nhỏ, Khách trọ, Tổ
trưởng dân phố, Chuyến xe buýt cuối
ngày, Chị em gái, Trốn nợ, Nữ họa sĩ vẽ
chân dung...
Ma Văn Kháng không chỉ kể lại mà
còn phân tích, lý giải luận bàn hết sức sâu
sắc hùng hồn về toàn bộ bức tranh đời sống
hiện thực. Từ đó nhà văn hướng vào
“khám phá cái ngả nghiêng chao đảo, sự
vênh lệch, trật khớp của con người và đời
sống của con người”. Bởi vậy truyện ngắn
của Ma Văn Kháng thường không giới hạn
ở mức độ miêu tả mà “mang chiều sâu của
một triết luận nhân bản về đời sống” [7; 5].
Mảng truyện ngắn đặc sắc viết về đề tài đời
sống đô thị hiện đại của Ma Văn Kháng tạo
cho người đọc một cảm giác âu lo trước
nỗi đời bao chuyện đắng cay, khốn khó,
đốn mạt, trước một thực tế cuộc sống thành
thị đầy những bất trắc. Sự thiếu hụt về
nhân tính thói vụ lợi tầm thường, lối sống
ích kỷ, căn bệnh lãnh cảm... tất cả là những
nguyên nhân đang ngày một bào mòn
những mối quan hệ hồn nhiên giản dị của
đời sống con người. Những tình cảm thiêng
liêng, sâu nặng như tình cha con, mẹ con,
tình thầy trò đang có nguy cơ bị thui chột ở
một bộ phận lớp trẻ tha hóa nhân cách. Các
truyện ngắn: Mảnh đạn; Trung du chiều
mưa buồn; Heo may gió lộng; Trăng soi
sân nhỏ; Chọn chồng; Cô giáo chủ
nhiệm; Đợi chờ; Mất điện; Quê nội; Mẹ
già... đều thể hiện rõ về tinh thần ấy.
2.2. Cuộc sống đô thị trong cảm quan
của nhiều người có những ma lực hấp dẫn
lớn bởi đó là chốn phồn hoa với nhiều cơ
hội đủ đầy, tốc độ kinh tế phát triển nhanh,
điều kiện sống tốt. Thế nhưng trong nhiều
truyện ngắn của Ma Văn Kháng vấn đề
không gian đô thị thực sự gợi mở nhiều
điều xót xa, cay đắng. Trong truyện ngắn
Một chốn nương thân, vợ chồng Huấn và
Xuân ước ao có được một mái nhà để khỏi
phải “ăn nhờ ở đậu” nhưng họ đã đi hết cửa
này đến cửa khác chỉ nhận được lời hứa
suông. Những giọt nước mắt của Huấn khi
chứng kiến cảnh vợ mình và bà Nông gây
chiến ở cơ quan là đỉnh điểm của sự khổ
nhục. “Huấn có ước ao điều gì quá lớn lao
ĐỀ TÀI ĐỜI SỐNG ĐÔ THỊ TRONG TRUY N NGẮN MA VĂN KHÁNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
90
đâu. Mỗi một miếng ăn, một nơi trú ngụ,
một công việc - nỗi mong muốn nhỏ nhoi
mà sao giống như một công cuộc lớn, phải
bỏ vào đấy bao nhiêu tâm sức mà vẫn
không xong, trời hỡi, sao lại khổ cực thế
này!”. Những tưởng cái đói, miếng ăn, sự
tù túng bởi không gian sống chật hẹp, lối
sống ích kỷ, tị nạnh chỉ bắt gặp trong xã
hội 30 - 45 trong những tác phẩm của Nam
Cao, Ngô Tất Tố nào ngờ ở thời hiện
đại, ngay chốn thị thành điều này lại được
thể hiện riết róng trong sáng tác của Ma
Văn Kháng. Truyện ngắn Trốn nợ gửi tới
người đọc triết lý: “Ôi! Nghèo khổ bần hàn
là cái tội cái nợ, là nỗi đau đớn của cả kiếp
người. Của bao kiếp người! Nghèo khổ, cái
nợ tông đồ! Cái gông xiềng của chúng
sinh! Nhưng để thoát ra khỏi nó mà vẫn là
người lương thiện đâu có dễ dàng gì!”.
Câu chuyện Thoạt kỳ thủy là nước kể về
nhân vật Moan sống trong “một căn hộ ở
khu dân cư mới hình thành ở xa xôi tít tịt
phía nam thành phố”, nửa đêm thức dậy đi
lấy nước máy nhưng chờ mãi, đợi mãi khi
tới lượt mình thì bị mất nước. Nước rửa cả
một ngày trời trông đợi ở cả giây phút này
đây, dòng nước như dòng đời đang tuôn
chảy ào ào bỗng dưng tắc nghẹn và rồi bị
tịt hẳn. Cảnh dòng người đông hun hút
thùng to, thùng nhỏ xếp hàng chờ nước,
những cuộc dành dật xô xát xảy ra. Đúng là
tấn bi kịch của đời thường, Moan thốt lên:
“Chao ôi! Cuộc sống thường nhật giản dị,
đơn điệu là vậy chứ có gì là phiêu lưu mạo
hiểm đâu mà sao lại lắm kịch tính như vậy,
hả trời! Đơn giản làm sao cái việc hứng
nước mà như neo cả số phận mình vào nó,
mà như thấy cả kiếp người vật vã ở đó”.
Chốn thị thành hiện lên trong từng tác
phẩm của Ma Văn Kháng thật phức tạp,
đầy những bon chen, cạm bẫy. Lối sống lọc
lừa, tàn nhẫn cùng bao nhiêu thói xấu nảy
sinh trong đời sống thường ngày. Quả thật:
“Mảng truyện ngắn viết về cuộc sống
thành thị của Ma Văn Kháng không phải là
những tiếng reo hân hoan trước sự thăng
hoa của tình đời, tình người. Đằng sau câu
chữ của những tác phẩm ấy, người đọc
nhận ra tiếng nói ngậm ngùi, cảm khái
chứa đựng tình thương và nỗi buồn mênh
mông trước một nhân thế đang phai lạt
nhân tình” [7, tr. 20]. Nhà văn đặc biệt
quan tâm tới số phận những con người bé
nhỏ trong cuộc sống muôn vàn phức tạp
đan xen hiện nay. Ông lách sâu ngòi bút
vào chủ đề gia đình với các mối quan hệ
phức tạp, tác giả cũng dành nhiều trang
viết về thân phận người trí thức trong xã
hội hiện nay, đặc biệt ông dành nhiều tình
cảm trân trọng yêu thương đối với số phận
người phụ nữ. Từ thân phận của những con
người nhỏ bé vô danh với cuộc sống mưu
sinh khó nhọc giữa đời thường, thông qua
những câu chuyện vặt vãnh, mè nheo gắn
với sinh hoạt hằng ngày từ trong mỗi gia
đình ra ngoài xã hội Ma Văn Kháng cất lên
một tiếng nói thâm trầm về lẽ đời về tình
người. Ông kêu gọi con người sống chan
hòa và đừng đánh mất tình thương yêu
giữa con người với con người.
2.3. Đến với bức tranh đời sống thành
thị trong xã hội hiện đại của truyện ngắn
Ma Văn Kháng người đọc vừa chứng kiến
những chuyện đời đầy phức tạp “thật lắm
đa đoan và buồn phiền”. Bên cạnh đó còn
có những mạch khuất lấp của cuộc sống
đời thường ẩn chứa một niềm tin tưởng, lạc
quan của tác giả về sự hồn nhiên và bản
tính lương thiện của con người thông qua
cuộc đời lao động vất vả kiếm sống mưu
sinh. Nhà văn hy vọng vào những điều tốt
đẹp xuất phát từ ý thức, lý trí và tính năng
động, hướng thiện cái căn cốt tiềm ẩn ở
chiều sâu bản chất con người. Những sắc
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
91
thái trữ tình trong trang văn của ông toát
lên những vẻ đẹp nhân sinh cao cả, là tiếng
reo hân hoan trước sự thăng hoa của tình
đời tình người. Điều đó có khả năng lan tỏa
và thuyết phục lòng người. Đó là ông Nhân
(Đợi chờ) cả cuộc đời hy sinh, lo lắng và
dành tình yêu thương hết mực cho con,
mong cho con được hạnh phúc sung sướng.
Là bà cụ Vi (Mẹ già) là bà mẹ luôn sống vì
con, sống nghĩa tình với bà con lối xóm.
Anh Thiều (Anh thợ chữa khóa) với
“tiếng rao trẻ trung, tựa như lọt ra từ một
cơ thể tràn trề sinh lực và được nuôi
dưỡng trong nâng niu trìu mến”, anh đã
“tặng cho đời sống một nốt nhạc nhỏ, góp
vào khúc hòa tấu vui vẻ của đời người”.
Bà cụ Mạ (Người giúp việc) với “một tình
yêu thương cao cả, tự nhiên”. Ông Thại
(Tóc Huyền màu bạc trắng) là con người
“ở trên những buồn phiền, lo âu, ở ngoài
những nhọc nhằn đau đớn”. Bà mẹ và vợ
anh Luyến (Mất điện) sống ngay thẳng,
sẵn sàng làm việc vì người khác. Chị Hồng
(Một mình đi trong mưa) dành hết thảy
tình thương và sự hy sinh vì chồng vì con.
Chú bé Kiểm dẫu bị thiếu thốn, dập vùi
nhưng lòng tràn đầy vị tha và yêu thương
kẻ khác, dì ghẻ đối xử tàn tệ thì quyết ra đi
lập nghiệp, nhưng khi nghe tin dì bị đau
yếu Kiểm lại quay trở về thăm hỏi và chăm
sóc hai em (Kiểm chú bé - con người).
Ông Khang và đứa cháu nội (Bát ngát trời
xanh) từ tình yêu loài vật “là đặc tính tự
nhiên của con người” tới chân lý làm
người “Sự sung sướng, vui vẻ của ta, rất
không nên có trên nỗi đau tủi của kẻ
khác” Trong thế giới nhân vật của Ma
Văn Kháng, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết,
người trí thức luôn giữ vai trò quan trọng,
là linh hồn và tư tưởng của nhiều tác phẩm.
Nhà văn truyền vào lòng người đọc nỗi
cảm thương sâu sắc, sự cảm thông đối với
người trí thức trước gánh nặng cơm, áo,
gạo, tiền và còn biết bao cạm bẫy chằng
chịt giữa đường đời. Cuộc sống đô thị thời
hiện đại thật bộn bề, chen lấn, người trí
thức biết né tránh đi đâu giữa bão táp cuộc
đời. Vì muốn được giữ mình trong sạch
nên người trí thức đã rơi vào bi kịch cuộc
sống. Họ phải chịu biết bao buồn đau, tủi
nhục, hạnh phúc bị tước đoạt, thất bại đớn
đau. Vậy nguyên nhân sâu xa là do đâu?
Đó là do tình thế xã hội đảo điên, cái xấu
cái ác lộng hành, những mưu toan đen tối,
thói a dua, xu nịnh vô đạo đức của một số
phần tử đội lốt trí thức. Cũng viết về người
trí thức nhưng Nguyễn Huy Thiệp thường
chỉ thấy ở họ sự đê tiện thối nát và coi đó
là “sự ngu dốt của bọn có học”, còn Ma
Văn Kháng dường như luôn hướng ngòi
bút của mình tới cái chân - thiện - mĩ và tin
rằng nó sẽ tồn tại trong cuộc đời. Nhà văn
tỏ lòng yêu quý, trân trọng và còn kỳ vọng
đối với những nhân cách cao đẹp biết gạt đi
những vặt vãnh, vụn vặt đen tối của đời
thường để sống đời trong sạch. Đó là thầy
Tụng (Thầy của chúng em) dù cuộc đời
gặp nhiều bất hạnh, tai ương, nghiệt ngã
nhưng thầy không thể chết vì có sự tiếp sức
cổ vũ của “những gương mặt học trò quen
thân vây quanh dường bệnh sát vai nhau
như một tấm tường liền”. Nam trong
Trăng soi sân nhỏ là một con người có
nhân cách cao đẹp, là một nhà văn, nhà báo
có cách sống đúng mực, ngại đua chen
danh lợi, dửng dưng trước bạc tiền. Ông
Huynh (Thầy đàn) là một người tài hoa,
sắc sảo, là một kẻ trí thức toàn năng, một
kho báu hiểu biết về mọi lĩnh vực trong đời
sống. Cuộc sống vốn là bức tranh muôn
màu, còn nhiều nỗi đắng cay, ngang trái
hiện hữu giừa đời thường nhưng những
trang văn của Ma Văn Kháng vẫn ngời lên
một niềm tin vào sự tốt lành, tin vào chiều
ĐỀ TÀI ĐỜI SỐNG ĐÔ THỊ TRONG TRUY N NGẮN MA VĂN KHÁNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
92
sâu bản ngã ân tình, thủy chung của con
người. Điều đó góp phần làm cho bức tranh
đời sống thêm sinh động, đa sắc màu khiến
con người ta thấy có ý nghĩa và đáng sống
hơn giữa cuộc đời.
3. Kết luận
Ma Văn Kháng hội tụ những nét sắc
sảo của văn phong đồng thời những vấn đề
được ông đề cập trong tác phẩm đã nâng
lên nỗi ám ảnh nhức nhối khôn nguôi.
Sống trong môi trường đô thị thời kỳ
chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, mối
quan tâm lớn nhất của nhà văn lúc này là
số phận con người - những con người nhỏ
bé, bình thường trước thực trạng xã hội
ngày càng xuống cấp, nhân tình thế thái
đảo điên, thiện - ác, thị - phi khó mà phân
biệt rạch ròi, đạo đức luân lý như bị đảo
lộn. Ngòi bút của nhà văn đã thực sự bám
rễ vào cuộc sống hiện thực và ông đã mạnh
dạn đứng trên lập trường phê phán, bức
xúc với những tồn đọng, bất cập, tha hóa
của con người, xã hội. Quan tâm tới mọi
chiều kích của cuộc sống đời thường, mảng
truyện ngắn viết về đề tài thành thị của Ma
Văn Kháng đã mở ra trước mắt người đọc
một bức tranh toàn cảnh sinh động. Nhà
văn đã lựa chọn một hệ thống giọng điệu
thống nhất nhưng hết sức biến hóa xuyên
suốt trong các sáng tác của mình. Những
nỗi niềm cảm nhận từ bức tranh cuộc sống,
những cảnh đời éo le, ngang trái đã tạo nên
một giọng văn hết sức tha thiết, trầm tư sâu
lắng và đầy chiêm nghiệm. Cũng có lúc
nhà văn cất lên giọng điệu châm biếm đả
kích bằng sự mô tả sát phạt những hiện
thực trái ngang của cuộc sống, có lúc lại
với một giọng văn thâm trầm, nhẹ nhàng,
nhân hậu, lúc lại "buông thả" mọi chuyện.
Cuộc sống giữa đời thường còn quá nhiều
vất vả, khổ đau, nhọc nhằn thế nhưng ngòi
bút của Ma Văn Kháng luôn thiết tha bày
tỏ niềm yêu thương và tin tưởng với con
người. Ông chắt lọc những gì tinh túy tốt
đẹp của con người ẩn chứa sau những đa
tạp, buồn khổ, trái ngang của cuộc đời.
Nhà văn đã có những đóng góp thật mới
mẻ, nổi bật, đặc sắc trong quan niệm nghệ
thuật về con người, góp phần vào sự
nghiệp đổi mới văn học hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Bình (2012), Văn xuôi Việt Nam
sau 1975, Nxb ĐH Sư phạm, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Huệ (1998), “Tư duy mới về
nghệ thuật trong sáng tác của Ma Văn Kháng
những năm 80”, Văn học, (2), tr. 51 - 57.
3. Ma Văn Kháng (2003), Ngược dòng nước lũ,
in trong Ma Văn Kháng, tiểu thuyết tập 6,
Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
4. Ma Văn Kháng (2003), Truyện ngắn chọn lọc,
Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
5. Ma Văn Kháng (2008), Trốn nợ (tập truyện
ngắn), Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Long (2009), Văn học Việt Nam
sau 1975: những vấn đề nghiên cứu và giảng
dạy, Nxb Giáo dục Việt Nam.
7. Lã Nguyên (2003), “Khi nhà văn đào bới bản
thể ở chiều sâu tâm hồn”, Lời giới thiệu trong
Ma Văn kháng, truyện ngắn tập 1, Nxb Công
an Nhân dân, tr. 5 - 30.
Ngày nhận bài: 11/02/2017 Biên tập xong: 15/3/2017 Duyệt đăng: 20/3/2017
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 112_8423_2215164.pdf