Tài liệu Đề tài Đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường: MỞ ĐẦU
Sự cần thiết của đề tài
Nền kinh tế Việt Nam đã qua hơn 20 năm kể từ khi bắt đầu có sự đổi mới về cách nhận thức trong công tác quản lý nền kinh tế. Cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có được những bước tiến vượt bậc, tốc độ tăng trưởng GDP trong những năm qua giữ mức cao và ổn định trong khoảng từ 7% đến 8,5% trong suốt từ năm 2000 đến năm 2007(1), số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp tham gia thị trường ngày càng tăng, nền kinh tế thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài hỗ trợ thêm cho nguồn vốn trong nước để thúc đẩy sự phát triển, đời sống người dân được nâng lên, xã hội có những đổi mới tích cực. Sự cố gắng của mỗi thành phần vào trong sự phát triển chung đã được công nhận bằng việc Việt Nam được gia nhập vào nền kinh tế chung của toàn cầu. Việc được chính thức gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) vào tháng 11 năm 2006 đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam chấp nhận mở cửa hoàn toàn. Điều này đã mang lại những tác động tích cực và tiêu cực đối vớ...
101 trang |
Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1051 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Đề tài Đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Sự cần thiết của đề tài
Nền kinh tế Việt Nam đã qua hơn 20 năm kể từ khi bắt đầu có sự đổi mới về cách nhận thức trong công tác quản lý nền kinh tế. Cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có được những bước tiến vượt bậc, tốc độ tăng trưởng GDP trong những năm qua giữ mức cao và ổn định trong khoảng từ 7% đến 8,5% trong suốt từ năm 2000 đến năm 2007(1), số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp tham gia thị trường ngày càng tăng, nền kinh tế thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài hỗ trợ thêm cho nguồn vốn trong nước để thúc đẩy sự phát triển, đời sống người dân được nâng lên, xã hội có những đổi mới tích cực. Sự cố gắng của mỗi thành phần vào trong sự phát triển chung đã được công nhận bằng việc Việt Nam được gia nhập vào nền kinh tế chung của toàn cầu. Việc được chính thức gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) vào tháng 11 năm 2006 đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam chấp nhận mở cửa hoàn toàn. Điều này đã mang lại những tác động tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt.
Đối với doanh nghiệp, sự hội nhập của nền kinh tế có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như là: tiếp cận được những công nghệ hiện đại, mở rộng được thị trường, tiếp thu được trình độ quản lý mới, thu hút trực tiếp được nguồn vốn từ bên ngoài để đáp ứng cho yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Và một xu hướng mới mà hội nhập mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam là tạo cho họ một cơ hội trong việc cấu trúc lại doanh nghiệp trong đó có vấn đề tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp để nâng cao lợi thế và năng lực cạnh tranh của mình, từ đó có thể tiếp tục tồn tại và phát triển hoặc giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn nguy cơ dẫn đến việc phá sản doanh nghiệp. Một trong số nhiều giải pháp để thực hiện điều đó chính là tham gia vào hoạt động “mua lại, sáp nhập doanh nghiệp”.
Hoạt động “mua lại, sáp nhập doanh nghiệp” là một hoạt động đã xuất hiện từ rất lâu ở các nền kinh tế trên thế giới nhưng lại chỉ mới xuất hiện ở nước ta từ năm 2000 cho đến nay. Vì thế không thể đòi hỏi một sự phát triển nhanh và chất lượng đối với hoạt động này ở Việt Nam như trên thế giới. Sự vận hành và phát triển của hoạt động này ở thị trường nước ta chắc chắn sẽ mang âm hưởng đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa là có sự khác biệt khá lớn đối với thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trên thế giới. Hiện tại, hoạt động mua lại, sáp nhập ở Việt Nam đã được nhìn nhận trong các văn bản pháp luật, trên thị trường thì đã có khá nhiều giao dịch nhưng tất cả đều ở trong giai đoạn bắt đầu. Văn bản hướng dẫn của nhà nước thì chưa thật rõ ràng, hoạt động này hiện còn đang chịu sự quản lý đồng thời của nhiều văn bản Luật, chưa có văn bản qui định thống nhất, nhiều qui định còn quá sơ lược, không có tính thực tiễn và còn rất nhiều vấn đề có liên quan đến hoạt động này chưa được qui định. Hay nói cách khác là vấn đề hành lang pháp lý cho hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam còn rất nhiều khoảng trống. Đồng thời các chủ thể tham gia vào hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp thì lại thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm về hoạt động này. Trong khi đó nhu cầu thực hiện hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp để tái cấu trúc lại doanh nghiệp nói chung và hoạt động tài chính doanh nghiệp nói riêng lại là một nhu cầu tất yếu và có khuynh hướng phát triển nhanh trong thời gian tới. Hiện này, hoạt động này vẫn chưa xuất hiện biểu hiện tiêu cực tác động đến các chủ thể liên quan và nền kinh tế nhưng nếu vẫn tiếp tục để những vấn đề này diễn ra thì trong tương lai sự chững lại của hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp và những tác động tiêu cực của nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta là điều không thể tránh khỏi. Bởi lẽ hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp là một hoạt động rất phức tạp và bản thân nó ngoài những lợi ích nó có thể đem lại cho chủ thể tham gia thì nó còn có thể mang lại cho họ rất nhiều điều bất lợi như: làm cho doanh nghiệp đi đến sự phá sản nhanh hơn, gây nên hiện tượng thâu tóm doanh nghiệp lẫn nhau, tạo nên sự bất ổn cho nền kinh tế và đi xa hơn là gây nên hiện tượng độc quyền.
Tóm lại, sự vận hành và phát triển của hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trong sự phát triển của nền kinh tế là tất yếu. Lợi ích của hoạt động này và cả những bất lợi của nó mang lại đều được nhìn nhận. Vấn đề là cần phải tạo điều kiện cho hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp được hoạt động thật tốt để phát huy những tác động tích cực của nó đối với doanh nghiệp và nền kinh tế cũng như hạn chế những nhược điểm vốn có của nó. Để thực hiện được điều đó trong hoàn cảnh hiện nay thì các giải pháp tích cực từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, từ phía doanh nghiệp và các chủ thể tham gia thị trường này cần được đưa ra. Chính vì thế vấn đề đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp để phát triển hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng cho yêu cầu tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong trong thời gian tới là rất cần thiết.
Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng quát
Việc xuất hiện thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trong tiến trình phát triển của nền kinh tế là một điều tất yếu. Bên cạnh những ích lợi mà hoạt động này có thể mang lại cho doanh nghiệp và nền kinh tế, mà điển hình là tạo cơ hội để doanh nghiệp thực hiện việc tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp và sắp xếp lại cơ cấu các thành phần trong nền kinh tế - điều này rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay – thì hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp còn có thể gây ra những tác động xấu cho nền kinh tế và doanh nghiệp như xuất hiện nhiều khả năng doanh nghiệp bị thâu tóm bởi đối thủ cạnh tranh, hay xuất hiện hiện tượng độc quyền. Ở Việt Nam hoạt động này chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, chưa được 10 năm, nhưng nó đang diễn ra rất nóng. Tuy nhiên cơ sở pháp lý nhằm đáp ứng cho sự vận hành của hoạt động này hiện nay còn rất nhiều khoảng trống, vì thế làm cho thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng của nó. Đồng thời điều đó còn gây khó khăn rất lớn đối với các chủ thể khi tham gia thực hiện hoạt động đó. Việc chấn chỉnh lại tình trạng đó, mà cụ thể là xây dựng một hành lang pháp lý cho hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp và nâng cao sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động này, đồng thời cung cấp những kỹ thuật trong quá trình thực hiện M&A là một yêu cầu rất cần thiết, nếu không thì những tác động tiêu cực vốn có của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp sẽ sớm tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Với yêu cầu đó thì mục tiêu chính của đề tài này sẽ tập trung vào việc đánh giá thực trạng của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở đó đưa ra những hạn chế đối với sự vận hành và phát triển của thị trường này nhằm đáp ứng cho yêu cầu tái cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp trong nước, từ đó đề ra những giải pháp cho sự vận hành tốt hơn của thị trường trong tương lai để đáp ứng cho yêu cầu tái cấu trúc lại tài chính doanh nghiệp.
Mục tiêu cụ thể
Để đạt được mục tiêu tổng quát như đã đề ra ở trên, đề tài sẽ từng bước đạt được những mục tiêu cụ thể sau đây:
Cung cấp cơ sở hệ thống lý luận về vấn đề mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Nghiên cứu tác động và sự cần thiết của hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Rút ra những bài học kinh nghiệm từ các vụ mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trên thế giới cho doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện thành công một vụ mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp.
Đánh giá thực trạng hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.
Nghiên cứu các giải pháp phục vụ cho thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp được vận hành đáp ứng yêu cầu của quá trình tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế thế giới hiện nay đã tạo ra cho các doanh nghiệp trong nước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít những thách thức, khó khăn. Điều khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp là rất thấp, sự yếu kém về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chủ yếu bắt nguồn từ năng lực tài chính còn yếu. Như vậy để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc nâng cao năng lực tài chính là công việc nên được giải quyết đầu tiên đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nâng cao nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp, lựa chọn một cấu trúc vốn tối ưu hợp lý cho từng giai đoạn phát triển là những công việc cần thực hiện cho quá trình tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Với sự phát triển của hệ thống tài chính nói chung và sự phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng đã góp phần đa dạng hóa hình thức huy động vốn cho các doanh nghiệp. Sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khóan Việt Nam trong thời gian qua cùng với nhu cầu tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp trong nước liên tục tăng đã dẫn đến sự nhu nhập của một loại hoạt động mới trong nền kinh tế nước ta là hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Sự xuất hiện của hoạt động này được đánh giá là một trong nhiều phương pháp hữu hiện giúp doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện quá trình tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, đồng thời nó cũng có những tác động tích cực cho doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ở các khía cạnh khác. Nhưng đồng thời nó cũng có những tác động không tốt đi kèm cho cả đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Hoạt động này sẽ phát huy tốt những tác động tích cực nếu như được quản lý và thực hiện tốt. Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp là một hoạt động rất mới, nhưng lại đang phát triển khá nhanh nhưng những cơ sở về phương diện pháp lý và kỹ thuật cho hoạt động này còn chưa đầy đủ.
Chính vì thế, vấn đề chính mà đề tài hướng đến góp phần xây dựng nên khung pháp lý và đưa ra các giải pháp nhằm tạo điều kiện thúc đẩy cho hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam để thực hiện yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời gian tới. Chính vì thế mà đề tài sẽ tập trung phân tích và tổng hợp về các vụ mua lại, sáp nhập doanh nghiệp điển hình đã diễn ra trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua.
Phương pháp nghiên cứu
Để đạt những mục tiêu chính thì phương pháp nghiên cứu chủ yếu của đề tài là phân tích điển hình và tổng hợp. Nghiên cứu, phân tích các vụ M&A điển hình trên thế giới để đút kết các kinh nghiệm thực hiện M&A ở các nước đang phát triển và nghiên cứu, phân tích các vụ giao dịch M&A ở thị trường Việt Nam trong thời gian qua để đánh giá thực trạng và những hạn chế hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp hiện tại trong nước.
Do đặc điểm thị trường mua lại, sáp nhập mới xuất hiện tại Việt Nam và vấn đề kiểm soát, quản lý hoạt động này còn rất nhiều khoảng trống nên các số liệu thống kê về hoạt động của thị trường này chưa có một nguồn cung cấp thống nhất. Đồng thời do đặc tính của hoạt động M&A là một hoạt động đòi hỏi độ bảo mật rất cao nên việc thu thập thông tin chi tiết các vấn đề liên quan đến một vụ mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp là một vấn đề rất khó thực hiện. Trong điều kiện như thế, đề tài không tập trung vào việc phân tích điển hình một số ít các vụ M&A cụ thể. Dựa trên các nguồn thông tin từ các công ty tư vấn hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường Việt Nam về thống kê thị trường và kết quả giao dịch của các thương vụ M&A đã thực hiện trong thời gian qua cùng với việc thu thập số liệu thứ cấp trên thị trường, các thông tin được công bố trên các phương tin thông tin đại chúng do chính các công ty tư vấn thực hiện giao dịch M&A, hay trên kênh công bố thông tin của thị trường chứng khoán, tác giả phân tích và đánh giá nhằm xác định những vấn đề hạn chế hiện tại trong quá trình thực hiện hoạt động M&A. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn để cho hoạt động này được phát triển tốt đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp rất cấp thiết ở Việt Nam trong thời gian sắp tới. Đây là phương pháp nghiên cứu phù hợp với giai đoạn sơ khai của thị trường. Trong tương lai, khi mà hoạt động của thị trường đã đi vào ổn định và có sự quản lý, kiểm soát và việc công bố thông tin trên thị trường Việt Nam đi vào nề nếp thì việc phân tích hoạt động trên thị trường M&A cũng như những vấn đề liên quan đến hoạt động này sẽ được thực hiện với những phương pháp định lượng rõ ràng hơn. Và đây cũng chính là hạn chế của đề tài.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Khi đề tài hoàn thành thì nó được kỳ vọng là một tài liệu tham khảo có tính tổng quát cho các nhà quản lý nền kinh tế và các nhà quản trị doanh nghiệp và hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp. Đề tài sẽ cung cấp những nội dung lý thuyết về hoạt động M&A được các nhà nghiên cứu trên thế giới và các nền kinh tế phát triển thừa nhận. Ngoài ra, những bài học từ các vụ M&A ở thị trường thế giới cũng được rút ra để giúp cho các nhà quản trị doanh nghiệp trong nước có thêm kiến thức, kinh nghiệm thực hiện hoạt động M&A cho chính doanh nghiệp của mình.
Đồng thời, đề tài sẽ cung cấp các giải pháp mang tính thực tiễn cho nhà quản lý nhằm xây dựng một hệ thống hành lang pháp lý cho hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam phù hợp với thế giới và điều kiện kinh tế trong nước. Đối với các nhà quản trị doanh nghiệp thì đề tài cũng là một kim chỉ nam cho các nhà quản trị khi họ tham gia vào hoạt động M&A từ việc chuẩn bị để thực hiện cho đến những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, những giải pháp trong đề tài về phương diện kỹ thuật để thực hiện hoạt động mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp và vấn đề định giá giá trị doanh nghiệp, một mảng nội dung rất quan trọng trong các giao dịch này. Đề tài sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn các phương pháp định giá doanh nghiệp phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp và những nội dung quan trọng trong quá trình ứng dụng phương pháp đó trong thực tiễn.
Nội dung chính của đề tài
Với những mục tiêu tổng quát và cụ thể đã được xác định thì đề tài này sẽ tập trung vào các vấn đề chính như:
Những vấn đề mang tính lý thuyết về hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp; những bài học kinh nghiệm cho hoạt động mua lại sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp được rút ra từ các vụ giao dịch trên thế giới sẽ được trình bày trong chương1.
Chương 2 sẽ tập trung vào nội dung đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp và từ đó rút ra những đặc điểm chính của thị trường này tại Việt Nam trong thời gian qua.
Dựa trên kết quả đánh giá, chương 3 của đề tài sẽ tập trung vào việc tóm tắt lại những vấn đề gây hạn chế hoặc có nguy cơ gây hạn chế cho hoạt động cũng như sự phát triển của hoạt động này trong tương lai. Trong bối cảnh yêu cầu tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp là rất thiết, đề tài đưa ra các giải pháp mang tính vĩ mô và tính kỹ thuật đối với các đối tượng có liên quan nhằm để tạo điều kiện cho hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp phát triển tốt hơn, chuyên nghiệp hơn phục vụ cho yêu cầu tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp trong thời gian thời gian sắp tới.
(1): Tổng cục thống kế (2008), “Niên giám thống kê 2008”
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG “MUA LẠI, SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP” (MERGERS AND ACQUISITIONS – M&A)
Tổng quan về hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp
“Merger and Acquisition” là một cụm từ tiếng Anh được dịch sang tiếng Việt là “mua lại và sáp nhập doanh nghiệp”. Thuật ngữ này thể hiện hoạt động hai công ty kết hợp lại với để nhằm đạt được những mục tiêu đã được xác định trước trong chiến lược kinh doanh của công ty, là một giao dịch có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với cả hai công ty tham gia trực tiếp vào giao dịch mà còn đối với nhiều đối tượng khác như: người lao động, người quản lý của hai công ty, đối thủ cạnh tranh, cộng đồng và cả nền kinh tế. Sự thành công hay thất bại của hoạt động "mua lại, sáp nhập doanh nghiệp" có tầm quan trọng to lớn đối với cổ đông, chủ nợ cũng như các đối tượng nêu trên. Các công ty trên thế giới đã đầu tư hàng tỷ đôla để thực hiện các vụ "mua lại, sáp nhập doanh nghiệp".
Cụm từ "mua lại, sáp nhập doanh nghiệp" là một cụm từ thể hiện các hoạt động khác nhau là mua lại công ty (acquisition) và sáp nhập doanh nghiệp (merger). Tuy nhiên, hai hoạt động này cũng có một số điểm tương đồng. Chính vì thế mà hai từ này được gắn liền với nhau khi nói gây ra sự nhằm lẫn.
Hoạt động mua lại doanh nghiệp
Khái niệm
Mua lại công ty là sự mua lại một công ty, gọi là công ty mục tiêu (the target) bởi một công ty khác. Một vụ mua lại công ty có thể mang tính chất là thân thiện (friendly) nhưng cũng có thể mang tính chất thù địch (hostile).
Mua lại mang tính chất thân thiện là việc các công ty đồng ý tiến hành đàm phán để kết hợp lại với nhau. Mua lại mang tính chất thù địch là trường hợp công ty mục tiêu (công ty bị mua lại) miễn cưỡng để công ty khác mua giành quyền kiểm soát đối với công ty mình hoặc công ty bị mua không có chút thông tin nào về vụ mua lại này.
Mua lại công ty thường là do một công ty lớn mua lại công ty nhỏ hơn. Nhưng đôi khi vẫn có trường hợp công ty nhỏ hơn giành được sự điều kiển quản lý đối với một công ty lớn hơn hoặc một công ty có tiếng lâu đời và giữ lại danh tiếng đó cho công ty. Đó được gọi là nằm quyền kiểm soát ngược (reverse takeover).
Các hình thức của hoạt động mua lại doanh nghiệp
Mua lại doanh nghiệp, về bản chất nó không là một hoạt động đưa đến việc thành lâp doanh nghiệp mới để dẫn đến sự hình thành một doanh nghiệp mới thay thế cho doanh nghiệp cũ. Mua lại doanh nghiệp là việc một công ty mua lại công ty khác và cổ phiếu của công ty đi mua vẫn tồn tại trên thị trường, đối với công ty bị mua lại có thể vẫn còn hoặc biến mất tùy theo mục tiêu và ý muốn của hai bên tham gia vào cuộc mua lại.
Nếu xét về tính chất của giao dịch mua lại doanh nghiệp thì ta có thế phân hoạt động mua lại doanh nghiệp thành 2 loại:
Mua lại doanh nghiệp mang tính chất thân thiện (friendly acquisition): đây là hình thức mua bán được diễn ra trong sự đồng thuận của hai bên vì cả 2 đều cảm thấy thỏa mãn với thương vụ đó.
Mua lại doanh nghiệp mang tính chất thù địch (hostile acquisition): đây là vụ mua lại không được sự đồng ý và hợp tác của các người quản lý cấp cao của công ty bị mua lại. Trong trường hợp này công ty đi mua sẽ dùng tiềm lực tài chính của mình để mua lại công ty khác, có thể hiểu rõ hơn đó là tiến hành thâu tóm công ty mục tiêu. Mục tiêu của giao dịch này là công ty đi mua muốn triệt tiêu sự cạnh tranh của công ty mục tiêu.
Nếu xét về hình thức thực hiện trong các giao dịch mua lại thì hoạt động mua lại doanh nghiệp cũng có 2 hình thức:
Công ty đi mua mua cổ phiếu của công ty mục tiêu. Việc mua bán này sẽ làm thay đổi cơ cấu vốn chủ sỡ hữu của công ty mục tiêu rồi lần lượt sự chuyển nhượng đó làm thay đổi đến cả tài sản của công ty. Tuy nhiên, công ty bị mua lại vẫn giữ nguyên các hoạt động kinh doanh, hình thức kinh doanh và công ty phải gánh chịu tất cả các khoản nợ đã xảy ra trong quá khứ, và tất cả những rủi ro mà công ty phải đối mặt trong môi trường kinh doanh của công ty. Như vậy cổ phiếu của công ty bị mua vẫn còn tồn tại trên thị trường.
Công ty đi mua sẽ mua lại một phần hoặc toàn bộ tài sản của công ty mục tiêu. Trong hình thức này, số tiền mặt mà công ty mục tiêu nhận được từ vụ mua lại sẽ được chia cho các cổ đông của công ty dưới hình thức tiền được trả lại hoặc dưới hình thức thanh toán những khoản nợ của công ty mục tiêu đang gánh chịu. Đây là một hình thức giao dịch thường được thực hiện đối với những trường hợp công ty bị mua lại là những công ty có qui mô nhỏ. Người mua sẽ mua những tài sản mà họ muốn và tách loại những tài sản có liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm pháp lý. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Những trách nhiệm pháp lý đó không chỉ bao gồm không những trách nhiệm hiện tại và có thể có cả những thiệt hại cho tòa án ra quyết định trong tương lai và tài sản không thể đảm bảo được. Những thiệt hại đó có thể xuất hiện từ những vụ kiện tụng về vấn đề sản phẩm kém chất lượng, quyền lợi của người lao động, sự chấm dứt hoạt động của công ty mục tiêu, thiệt hại về môi trường. Một khó khăn khi thực hiện việc mua lại công ty bằng việc mua lại tài sản của công ty đó là thuế, thuế chuyển nhượng tài sản có thể được đánh vào cả người mua lẫn người bán. Trong khi đó, các vụ giao dịch mua bán cổ phiếu có thể thường được thực hiện với tư cách là một sự chuyển nhượng hoặc những giao dịch này có thể được dàn xếp để được miễn thuế hoặc trung lập về thuế cho cả đối với người mua và người bán. Chính vì thế, hình thức giao dịch bằng cách mua lại tài sản của công ty mục tiêu ít được thực hiện hơn so với hình thức đi mua cổ phiếu của công ty mục tiêu.
Sự nổi lên của vấn đề toàn cầu hóa đã làm cho các vụ mua lại doanh nghiệp được thực hiện bởi các công ty nước ngoài ngày càng gia tăng nhanh chóng. Những thương vụ giao dịch đó được gọi là mua lại doanh nghiệp xuyên quốc gia (transnational acquisitions) hoặc mua lại doanh nghiệp chéo (cross-border acquisitions). Các vụ giao dịch này được thúc đẩy bởi việc quan tâm đến sự đa dạng của chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các vụ mua lại doanh nghiệp chéo diễn ra khá là phức tạp hơn so với các vụ mua lại giữa các doanh nghiệp trong nước. Sự phức tạp đó là do sự khác nhau về môi trường chính trị, kinh tế, cách thức tổ chức doanh nghiệp, văn hóa, phong tục truyền thống, nguyên tắc thuế, kế toán giữa các nước của công ty đi mua và công ty mục tiêu. Các công ty đi mua lại các công ty khác cần phải quan tâm đến những sự khác biệt đó bởi vì nó thường là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại cho công ty đi mua sau khi hoạt động mua lại đã được tiến hành. Chính do bởi sự phức tạp đó mà các nhà môi giới tìm đến các Tập đoàn tài chính quốc tế và các tổ chức tương tự để được tư vấn như là một vấn đề thiết yếu trong việc thực hiện hoạt động M&A ngày nay.
Hoạt động sáp nhập doanh nghiệp
Khái niệm
Sáp nhập doanh nghiệp là sự kết hợp của hai công ty để trở thành một công ty mới có giá trị lớn hơn hai công ty đang hoạt động riêng lẻ. Hoạt động này đặc biệt hữu ích khi các công ty rơi vào những thời kỳ khó khăn cho cạnh tranh, tác động thị trường hay bất kỳ yếu tố nào khác.
Hoạt động sáp nhập doanh nghiệp thường là hành vi mang tính chất tự nguyện và được thực hiện bằng hình thức như hoán đổi chứng khoán – việc thực hiện giao dịch trong trường hợp này thường được sự đồng ý của cổ đông của hai công ty để chia sẻ rủi ro có liên quan đến việc sáp nhập - hoặc bằng hình thức chi trả tiền mặt để đạt được mục tiêu sáp nhập. Sáp nhập doanh nghiệp có thể tương tự như là mua giành quyền kiểm soát đối với một công ty nhưng kết quả là một công ty mới với tên mới được hình thành, (tên mới của công ty thường là tên kết hợp của cả hai công ty cũ, chẳng hạn như trường hợ công ty Daimler – Benz và Chrysler sáp nhập và dẫn đến sự hình thành công ty mới với tên gọi Daimler Chrysler), hoặc là một chi nhánh mới.
Các hình thức của hoạt động sáp nhập doanh nghiệp
Sáp nhập được hiểu là việc kết hợp giữa hai hay nhiều công ty và cho ra đời một công ty (pháp nhân) mới thay thế cho sự biến mất của các công ty cũ, thường nhằm để thực hiện mục tiêu đầu tiên là làm cho giá trị của công ty lớn hơn so với khi hoạt động riêng lẻ. Qua nghiên cứu lịch sử của hoạt động sáp nhập doanh nghiệp của một số nước và khu vực có nền kinh tế phát triển trên thế giới thì chúng ta nhận thấy rằng, hoạt động sáp nhập doanh nghiệp có rất nhiều hình thức khác nhau. Tùy theo khía cạnh đang nghiên cứu về hoạt động sáp nhập doanh nghiệp mà chúng sẽ được phân thành nhiều loại khác nhau.
Chẳng hạn, nếu dựa vào mối quan hệ giữa các công ty tiến hành sáp nhập chúng ta có những hình thức như: sáp nhập theo chiều ngang (horizontal mergers), sáp nhập theo chiều dọc (vertical mergers) hay sáp nhập kiểu tập đoàn (conglomerate mergers)
Nếu dựa theo mục đích của thương vụ sáp nhập thì ta có thể phân hoạt động sáp nhập doanh nghiệp ra thành 2 hình thức: sáp nhập để mở rộng thị trường, sáp nhập để mở rộng sản phẩm.
Phân loại theo mối quan hệ giữa các công ty tiến hành sáp nhập:
Sáp nhập chiều ngang (horizontal acquisition) còn được gọi là sáp nhập cùng ngành, là hình thức sáp nhập giữa các công ty cùng cạnh tranh trực tiếp và chia sẻ cùng dòng sản phẩm và thị trường.
Sáp nhập doanh nghiệp theo chiều dọc (vertical mergers): Đây là hình thức sáp nhập giữa công ty khách hàng hoặc công ty là nhà cung cấp của công ty lại với nhau.
Sáp nhập kiểu tập đoàn (conglomerate mergers): xảy ra khi hai hay nhiều công ty không có cùng lĩnh vực kinh doanh nhưng muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình – mở rộng kinh doanh sang những lĩnh vực khác không liên quan – tiến hành sáp nhập lại với nhau.
(Tham khảo thêm phục lục 1.1)
Phân loại theo mục đích của thương vụ sáp nhập:
Có rất nhiều lý do dẫn đến sự sáp nhập giữa các doanh nghiệp như nhằm cắt giảm lượng nhân công để giảm chi phí sản xuất, nhằm để đạt được hiệu quả nhờ vào qui mô, được trang bị công nghệ mới, tăng thị phần và danh tiếng trong ngành,… Trong đó mục tiêu mở rộng thị trường và mở rộng sản phẩm kinh doanh là 2 mục tiêu thường được đặt ra. Chính vì thế trong cách phân loại này có 2 hình thức sáp nhập
Sáp nhập để mở rộng thị trường: đây là hình thức sáp nhập giữa hai hoặc nhiều công ty kinh doanh trong cùng một loại sản phẩm nhưng hoạt động ở những thị trường khác nhau. Sự sáp nhập này sẽ giúp cho công ty sáp nhập là công ty kinh doanh hàng hóa này ở đồng thời trong nhiều thị trường.
Sáp nhập để mở rộng sản phẩm: diễn ra đối với các công ty bán những sản phẩm khác nhau nhưng có liên quan với nhau trong cùng một thị trường. Kết quả của vụ sáp nhập này sẽ giúp cho công ty sáp nhập vẫn tiếp tục hoạt động trong thị trường cũ nhưng lại kinh doanh đồng thời nhiều loại hàng hóa có liên quan với nhau.
Sự khác nhau giữa hoạt động “mua lại” và “sáp nhập” doanh nghiệp
Mặc dù “mua lại” và “sáp nhập” thường được đề cập cùng nhau thành một thuật ngữ "Mua lại, sáp nhập doanh nghiệp" nhưng đây là hai thuật ngữ hoàn toàn khác biệt nhau về bản chất.
Khi một công ty mua lại một công ty khác và đặt mình vào vị trí chủ sở hữu mới thì thương vụ đó được gọi là mua lại. Về khía cạnh pháp lý, công ty bị mua lại – công ty mục tiêu – không còn tồn tại. Bên mua đã thôn tính bên bán và cổ phiếu của bên vẫn tiếp tục tồn tại.
Khi hai công ty đồng thuận gộp lại thành một công ty mới thay vì hoạt động đơn lẻ thì gọi là sáp nhập. Cổ phiếu của cả hai công ty sẽ ngừng giao dịch và cổ phiếu của công ty mới sẽ được phát hành.
Tóm lại, trong một vụ sáp nhập, một công ty mới sẽ được hình thành thay cho cả hai công ty đơn lẻ, ngược lại, trong một vụ mua lại thì công ty bị mua trở thành một chi nhánh của công ty đi mua. Nhưng cả hai đều cùng mong muốn đạt được lợi thế qui mô, tăng hiệu quả kinh doanh và thị phần
Tuy nhiên có sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này. Bởi vì, trên thực tế hình thức sáp nhập, đặc biệt là hình thức sáp nhập ngang – sự sáp nhập của hai công ty trong cùng ngành nghề có cùng qui mô– không thường xuyên xảy ra do nhiều lý do. Một trong những lý do chính là do việc truyền tải thông tin ra công chúng cần có lợi cho cả công ty bị mua và công ty mới sau khi sáp nhập. Thông thường, một công ty mua một công ty khác và trong thỏa thuận đàm phán sẽ cho phép công ty bị mua tuyên bối với công chúng đây là một thương vụ sáp nhập ngang bằng cho dù về mặt bản chất nó là một vụ mua lại. Một vụ mua lại cũng có thể được gọi là sáp nhập khi mà bên mua đồng ý mua và bên bán đồng ý bán vì lợi ích của cả hai bên. Trong trường hợp công ty bị mua không muốn bị xem là thị thâu tóm thì sẽ được xem là một vụ mua lại. Như vậy, một thương vụ được xem là “mua lại” hay “sáp nhập” hoàn toàn phụ thuộc vào việc nó được diễn ra một cách thân thiện giữa hai bên hay bị ép buộc thâu tóm nhau. Mặt khác nó còn phụ thuộc vào cách truyền tải thông tin ra bên ngoài và cách nhìn nhận của ban giám đốc, nhân viên và cổ đông của công ty.
Hoạt động "mua lại, sáp nhập doanh nghiệp" đã xuất hiện rất lâu ở các nước có nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới. Hiện tượng này đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài với nhiều biến động. Những đợt biến động của hiện tượng này xảy ra ở các nước khác nhau do những nguyên nhân khác nhau và có những đặc tính khác nhau. Chính vì thế, một khía cạnh nổi bật của hiện tượng "mua lại, sáp nhập doanh nghiệp" đó là nó xảy ra một cách bất ngờ, rải rác và có khi lại rơi vào tình trạng trầm lắng, không hoạt động. Do đó, người ta hình dung diễn biến của hoạt động "mua lại, sáp nhập doanh nghiệp" trên thế giới đã tạo thành những đợt sóng (waves of merger). Ở Mỹ các đợt sóng này đã xuất hiện rất lâu, cách đây khoảng hơn 100 năm. Ở Anh, nó bắt đầu từ những năm đầu 1960 vào tạo thành một đợt sóng mạnh nhất vào năm 1988. Gần đây nhất, hoạt động "mua lại, sáp nhập doanh nghiệp" hình thành nên những đợt sóng mới ở Châu Âu.
Mối quan hệ giữa mua lại và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) với sự phát triển của thị trường chứng khoán
Sự phát triển của nền kinh tế đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của thị trường tài chính. Một thị trường tài chính hoàn chỉnh cần phải bao gồm đầy đủ các bộ phận cấu thành nên nó và từng bộ phận cần phát triển để phát huy tác dụng của nó đối với nền kinh tế. Trong các bộ phận của thị trường tài chính thì thị trường chứng khoán giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Sự phát triển của thị trường chứng khoán tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và bản thân doanh nghiệp nói riêng. Sự phát triển của thị trường chứng khoán đến một giai đoạn nhất định sẽ dẫn đến sự xuất hiện của một thị trường mới đó là thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Bởi vì:
Thị trường chứng khoán ra đời tạo tính thanh khoản cho chứng khoán, trong đó có cổ phiếu. Với sự hoạt động của thị trường chứng khoán đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm mua lại các cổ phiếu của công ty với mục tiêu đầu cơ, đầu tư và cả giành quyền kiểm soát công ty. Như vậy, sự phát triển của thị trường chứng khoán tạo điều kiện của sự ra đời hoạt động mua lại doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán tạo một áp lực phát triển đối với doanh nghiệp bởi vì thị trường chứng khoán là công cụ phản ảnh rất nhanh hoạt động của doanh nghiệp ra thị trường. Ngoài ra thị trường chứng khoán tạo ra một môi trường minh bạch buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ theo những qui định của thị trường. Từ đó các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh gây gắt thì doanh nghiệp cần tận dụng mọi nguồn nội lực để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp đều bị giới hạn ở một số nguồn lực hoặc doanh nghiệp đã sử dụng hết nguồn nội lực của mình. Doanh nghiệp cần huy động thêm để gia tăng các nguồn lực và khả năng cạnh tranh. Đây là tiền đề dẫn đến sự ra đời và phát triển của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp.
Tóm lại, sự phát triển của nền kinh tế là tiền đề cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, sự phát triển của thị trường chứng khoán lại hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, sự phát triển của cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán lại là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của thị trường mua lại và sáp nhập doanh nghiệp. Như vậy sự có mặt của thị trường mua lại và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là sự phát triển tất yếu, không thể từ chối sự có mặt của thị trường này trong tiến trình phát triển kinh tế. Cách duy nhất là cần phải chuẩn bị để đón nhận và kiểm soát hoạt động M&A để có thể phát huy được những mặt tích cực cũng như là kiểm soát và hạn chế những tác động tiêu cực của thị trường M&A đến với doanh nghiệp, thị trường và xã hội.
Các nội dung của hoạt động mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp
Xác định mục tiêu hoạt động M&A
Việc ra quyết định thực hiện hay không thực hiện hoạt động M&A là một sự tự chủ hoàn toàn của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp quyết định tham gia vào một thương vụ M&A, cho dù đứng ở vị thế nào trong thương vụ này, đều hướng đến một mục tiêu nhất định. Những mục tiêu đằng sau các vụ M&A mà nhà quản trị hướng đến:
Tái cấu trúc doanh nghiệp:
Tái cấu trúc doanh nghiệp là việc người quản trị doanh nghiệp thực hiện một số hoạt động nhằm để tháo gỡ một phần hoặc tái tổ chức lại các khía cạnh khác của công ty nhằm mục đích cho công ty hoạt động có hiệu quả hơn và đạt được mức lợi nhuận cao hơn. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp có thể thực hiện bằng hình thức bán một phần công ty hoặc cắt giảm lực lượng lao động của công ty một cách nghiêm ngặt. Tái cấu trúc doanh nghiệp thường được thực hiện như là một phần của sự phá sản doanh nghiệp, bán toàn bộ công ty cho một chủ sở hữu mới, hoặc có thể là mua giành quyền kiểm soát đối với một công ty khác. Một số trường hợp đặc biệt tái cấu trúc doanh nghiệp được thực hiện bằng hình thức thực hiện mua lại nợ của công ty. Đôi khi nó cũng có thể là việc thuê một nhà quản trị mới cho công ty, nhà quản trị mới này có thể đưa ra những quyết định khác mà nó có thể gây tranh cãi của nhiều người nhưng nhằm mục đích là cứu vãn tình hình hiện tại của công ty hoặc là duy trì sự hoạt động của công ty.
Như vậy, tái cấu trúc doanh nghiệp là cần thiết và việc tái cấu trúc doanh nghiệp bằng hình thức mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp là con đường thường được các công ty lựa chọn. Doanh nghiệp không phải đợi đến lúc gặp khó khăn mới tính đến chuyện thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp mà có thể tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp để cho hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với môi trường kinh doanh hiện tại thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, việc doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, mở rộng thị trường, tăng lợi thế cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả vận hành,… Đó cũng chính là những mục tiêu mà hoạt động M&A cố gắng hướng đến.
Giảm áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp:
Trong môi trường kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp phải thường xuyên đối chọi với các đối thủ cạnh tranh một cách trực tiếp. Điều đó luôn đặt doanh nghiệp dưới áp lực cạnh tranh gây gắt. Một phương thức để giảm bớt áp lực cạnh tranh từ đối thủ của mình đó là các doanh nghiệp sẽ thực hiện việc mua lại các đối thủ cạnh tranh đó. Việc mua lại này một mặt góp phần làm giảm áp lực cạnh tranh đồng thời biến doanh nghiệp trở thành một công ty lớn hơn trong ngành nghề kinh doanh cũ, làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mới với các đối thủ cạnh tranh còn lại.
Mục tiêu này thường được các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kỹ thuật cao, đòi hỏi một khoảng chi phí lớn cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Chẳng hạn như các công ty sản xuất linh kiện điện tử nhỏ bán lại công ty cho những công ty lớn hơn, có doanh thu cao và có cơ sở, kinh phí để thực hiện công tác R&D tốt, nhằm hạn giảm bớt chi phí cho hoạt động nghiên cứu và tăng doanh thu ròng của công ty. Nếu mục tiêu này thành công sẽ góp phần làm tăng giá chứng khoán của công ty đi bán lại, còn đối với công ty đi mua họ kỳ vọng từ giao dịch mua lại doanh nghiệp này là sự gia tăng dòng tiền mặt cho doanh nghiệp.
Mở rộng thị trường:
Một mục tiêu khác mà các nhà quản trị khi theo đuổi các thương vụ M&A muốn đạt được có thể là sự mở rộng thị trường. Công ty có thể tiến hành sáp nhập hay mua lại công ty khác có lợi thế về khía cạnh marketing hay những công ty mục tiêu đang hoạt động ở những thị trường có lợi nhuận cao nhưng công ty thì chưa thâm nhập được. Việc thực hiện M&A lúc này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng thâm nhập vào thị trường mới và sớm đạt được sự gia tăng doanh thu. Đồng thời, sự liên kết giữa hai công ty có thể cắt giảm bớt được lực lượng bán hàng, làm giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo gia tăng doanh thu.
Theo kinh nghiệm của các nhà quản trị thì hình thức kết hợp giữa 2 doanh nghiệp như thế này cũng rất thành công đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, tài chính hay các công ty trong lĩnh vực sản xuất,…
Giá cả cạnh tranh:
Việc thực hiện M&A nhằm đạt được mục tiêu mở rộng thị trường sẽ kéo theo được một lợi thế mới cho doanh nghiệp đó là giảm được chi phí và vì thế mà doanh nghiệp có thể có được mức giá cạnh tranh. Mở rộng thị trường, tăng thị phần sẽ dẫn đến tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp do nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp cung cấp tăng. Từ đó nó làm giảm các khoảng chi phí bất biến, ngoài ra cũng có thể làm giảm được chi phí đầu vào do lượng nguyên liệu đầu vào doanh nghiệp mua về với số lượng lớn. Kết quả là doanh nghiệp có được giá thành sản phẩm thấp, nên doanh nghiệp sẽ có được mức giá cạnh tranh với đối thủ.
Mặc dù, giá bán của hàng hóa, dịch vụ giảm xuống nhưng do thị trường tiêu thụ được mở rộng nên nếu đạt được một mức độ nào đó thì vẫn đảm bảo được mục tiêu gia tăng doanh thu, tăng dòng tiền mặt của doanh nghiệp và tăng cả lợi nhuận.
Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cung ứng:
Việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ do công ty cung cấp sẽ làm tăng doanh thu của công ty. Tuy nhiên, để sản xuất một loại sản phẩm mới đòi hỏi công ty tốn rất nhiều chi phí: chi phí nghiên cứu sản phẩm, chi phí sản xuất, chi phí tiêu thụ,… nhưng lại gặp phải rủi ro rất lớn khi thâm nhật thị trường bằng một loại sản phẩm mới mà công ty chưa có kinh nghiệm kinh doanh. Mua lại công ty khác kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ mà hiện tại công ty chưa thực hiện và đang muốn hướng đến là một phương thức đa dạng hóa sảm phẩm, dịch vụ do công ty cung ứng nhanh nhất. Trong trường hợp này thương vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp hướng đến mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Trước khi quyết định thực hiện hay không thực hiện hoạt động M&A thì các nhà quản trị cấp cao của doanh nghiệp cần xác định cho rõ mục tiêu mà họ muốn đạt được thông qua con đường M&A là gì? Bởi vì việc xác định mục tiêu là cơ sở để ra quyết định thực hiện hay không thực hiện M&A và nó là cơ sở cho các công việc tiếp theo trong tiến trình thực hiện hoạt động này, chẳng hạn như xác định công ty mục tiêu, thẩm định giá trị doanh nghiệp,… Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý rằng, đứng quá tham lam khi đặt ra quá nhiều mục tiêu phải đạt được thông qua một thương vụ M&A. Hoạt động M&A là một công việc vô cùng phức tạp, phải trải qua nhiều công đoạn thực hiện khác nhau, cần huy động sự trợ giúp của nhiều đối tượng khác nhau và cần giải quyết rất nhiều vấn đề vì thế việc đưa ra nhiều mục tiêu phải đạt được trong một thương vụ sẽ làm cho công việc này càng trở nên khó khăn hơn, nhất là trong khâu đàm phán thỏa thuận giao dịch và giai đoạn hợp nhất sau khi thực hiện xong việc mua lại, sáp nhập. Điều đó, cũng làm cho doanh nghiệp rất khó đưa ra một quyết định chính xác và vì thế rất dễ rơi vào những cạm bẫy của hoạt động mua lai và sáp nhập doanh nghiệp.
Cơ sở để doanh nghiệp đưa ra các mục tiêu cần đạt được thông qua một thương vụ M&A đó là nguồn lực cơ bản hiện tại của doanh nghiệp. Theo quan điểm của lý thuyết “nguồn lực cơ bản” thì hoạt động mua lại doanh nghiệp là sự tìm kiếm các nguồn lực và khả năng bổ sung các nguồn lực mới để tác động đến những nguồn lực cơ bản của doanh nghiệp nhằm giành lấy những lợi thế cạnh tranh cho cả hai bên chủ thể tham gia vào hoạt động M&A. Việc xác định được chính xác được các nguồn lực cơ bản hiện tại của doanh nghiệp là một công việc cũng rất khó. Để làm được điều này doanh nghiệp cần dựa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Xác định công ty mục tiêu
Xác định công ty mục tiêu phù hợp với những mục tiêu mình đã đặt ra có ý nghĩa rất lớn đến sự thành công của thương vụ M&A. Công ty mục tiêu phải đáp ứng được yêu cầu là giúp doanh nghiệp bổ sung được những nguồn lực mà doanh nghiệp đang thiếu. Trên thực tế, công ty mục tiêu có được những nguồn lực mà doanh nghiệp đang cần hay không? Để trả lời câu hỏi đó thì doanh nghiêp cần phải tiến hành điều tra để tìm hiểu và đánh giá về công ty mục tiêu. Theo nghiên cứu của Cooper và Lybrand(1) thì có đến 45% doanh nghiệp được phỏng vấn đều cho rằng sự thiếu hiểu biết về ngành mà công ty mục tiêu đang thực hiện và về công ty mục tiêu là một nguyê nhân dẫn đến sự thất bại của thương vụ M&A và có đến 41% các doanh nghiệp được hỏi sự hiểu biết về ngành và công ty mục tiêu là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của một vụ M&A.
Bằng cách nào để xác định các nguồn lực hiện tại của công ty mục tiêu?
Trước tiên, dựa vào các số liệu thứ cấp trong các báo cáo công khai của công ty mục tiêu trên thị trường. Sau đó, tiến hành điều tra về công ty mục tiêu. Việc điều tra về công ty mục tiêu thường được thực hiện ở các khía cạnh như: thị trường của công ty, từ khách hàng, từ đối thủ cạnh tranh để xác định các năng lực tiềm năng của doanh nghiệp.
Trên cơ sở phân tích đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp tiềm năng thì doanh nghiệp đi mua mới xác định có nên thực hiện hay không thực hiện hoạt động M&A với doan nghiệp mục tiêu. Để lựa chọn được một doanh nghiệp mục tiêu đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp đi mua nhằm đạt được mục tiêu ban đầu được đề ra là một việc không dễ. Các doanh nghiệp cần phải tiến hành lựa chọn doanh nghiệp mục tiêu trong tổng số nhiều doanh nghiệp mà đã được sàn lọc trước đó.
Định giá doanh nghiệp
Vấn đề tiếp theo mà doanh nghiệp, cả bên mua lẫn bên bán và cả các bên tiến hành sáp nhập, phải quan tâm đó là việc định giá doanh nghiệp. Mặc dù hoạt động M&A được hầu như được thực hiện trên cơ sở tự quyết định của doanh nghiệp, mọi vấn đề trong quá trình giao dịch được giải quyết trên nguyên tắc đàm phán và thỏa thuận giữa hai bên, kể cả giá cả của thương vụ. Việc xác định mức giá giao dịch, là mức giá mua hoặc mức giá bán, sẽ ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của thương vụ. Trả giá quá cao thì thiệt hại cho bên mua, mức giá thấp thì gây tổn hại của bên bán. Như vậy, mức giá trong giao dịch M&A là mức giá thuận mua, vừa bán. Công tác định giá trong hoạt động M&A không phải nhằm tìm ra mức giá giao dịch như trong việc tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Trong quá trình tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, công tác định giá doanh nghiệp nhằm đánh giá giá trị doanh nghiệp tại thời điểm tiến hành cổ phần hóa, làm cơ sở xác định mức giá tối thiểu của cổ phiếu công ty trong buổi đấu giá đầu tiên cổ phiếu công ty và thu hồi lại bớt hoặc toàn bộ vốn của Nhà nước đã bỏ ra đầu tư trước đó. Trong hoạt động M&A mức giá của hợp đồng là mức giá thỏa thuận. Nhưng cơ sở nào để tìm ra được mức giá thỏa thuận nhanh nhất, hợp lý cả đối với bên mua và bên bán?
Công tác định giá giá trị doanh nghiệp trong hoạt động M&A là một công việc nhằm xác định mức giá cơ sở để cho các doanh nghiệp tiến hành thỏa thuận. Hay nói một cách khác, định giá doanh nghiệp là cái nền cho sự thỏa thuận của các doanh nghiệp về mức giá giao dịch. Vì vậy, công tác định giá giá trị doanh nghiệp trong M&A đều cần thiết đối với cả hai bên tham gia. Bên mua định giá doanh nghiệp mục tiêu để có cơ sở xác định giá chào mua. Bên bán định giá chính mình để có cơ sở đưa ra giá chào bán. Chính vì thế mà việc định giá doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cổ phần hóa doanh nghiệp khác với yêu cầu thực hiện hoạt động mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp.Việc xác định giá doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa để làm cơ sở thu hồi lại một phần tài sản của Nhà nước, xác định mức giá thấp nhất mà cổ phiếu của công ty có được tại thời điểm cổ phần hóa. Nên việc xác định giá trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cổ phần hóa rất quan tâm đến việc xác định giá trị của tài sản hữu hình. Nhưng trong hoạt động M&A, để có cơ sở nhằm xác định giá thỏa thuận mua bán giữa người mua và người bán có những mục tiêu hầu như là trái ngược nhau nên yêu cầu xác định giá trị doanh nghiệp cần phải xác định đầy đủ các yếu tố cấu thành nên giá trị của doanh nghiệp. Đặc biệt trong hoạt đông M&A, các công ty đi mua thường rất quan tâm đến giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp bán, điều này khiến cho họ có thể chấp nhập mua lại hoặc sáp nhập với cả các doanh nghiệp đang hoạt động thua lỗ. Như vậy, việc định giá giá trị doanh nghiệp cho hoạt động M&A rất cần quan tâm đến việc định giá cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình.
Có rất nhiều phương pháp định giá tài sản vô hình và tài sản hữu hình, mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm của nó, vì thế mỗi phương pháp sẽ phù hợp với việc định giá cho từng loại tài sản (từng loại hình doanh nghiệp khách nhau). Việc lựa chọn phương pháp định giá phù hợp là rất quan trọng.
(Tham khảo phụ lục 1.2. về các phương pháp định giá tài sản vô hình và tài sản hữu hình)
Sự hợp nhất sau khi tiến hành mua lại, sáp nhập doanh nghiệp
Đây là một bước rất quan trọng, mặc dù quá trình này diễn ra sau khi sự thỏa thuận mua bán giữa hai bên đã được ký chính thức. Quá trình này là một yếu tố góp phần nên sự thành công hay thất bại của một thương vụ M&A. Nội dung ở bước này là thực hiện việc tổ chức vụ sáp nhập, điều đó có thể giúp thực hiện được chiến lược và giá trị mong đợi của thương vụ M&A và đó là nhiệm vụ đầu tiên của vụ sáp nhập. Hợp nhất có đặc tính của một sự thay đổi chương trình quản trị nhưng có 3 dạng thay đổi:
Thay đổi công ty mục tiêu
Thay đổi công ty đang thực hiện việc mua lại công ty khác
Thay đổi quan điểm và cách hành xử của cả hai công ty để điều tiết sự cùng tồn tại hoặc hợp nhất của cả hai tổ chức.
Quá trình hợp nhất cũng được mô tả như là một dự án và công ty phải có khả năng quản trị dự án và chương trình với mục tiêu, các bộ phận, kế hoạch thương mại, thời hạn bắt buộc, tiêu chuẩn về hiệu quả, số tiền phải chi cho hội nghị định kỳ và tiêu chuẩn và sự thừa nhận thất bại hoàn toàn xác định. Một quá trình hợp nhất có phương pháp có thể phát hiện nhiều vấn đề và cung cấp hướng giải quyết vì thế mà hợp nhất đạt được mục tiêu của chiến lược và sự gia tăng giá trị. Một công ty phải phát hiện ra các hình thức thay đổi để xây dựng động lực và thúc đẩy quan điểm, sự tự tin, khả năng lãnh đạo và năng lực của cổ đông, điều đó sẽ làm nên khả năng thay đổi tiếp theo.
Người quản trị và người lao động của các công ty thường bị bỏ quen bởi quá trình hợp nhất, nghĩa là họ có thể sao lãng những cửa hàng hay khách hàng của công ty, những người có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của công ty. Thời gian hợp nhất cũng là thời gian không chắc chắn đối với người quản trị và người công nhân. Họ có thể bị quyến rũ bởi các đối thủ cạnh tranh. Vì thế, chương trình hợp nhất phải xoa dịu bớt những nỗi lo âu của nhân viên nhưng cũng phát triển những chính sách giữ chân người tài.
Một trong những vấn đề chính của việc hợp nhất sau khi đã tiến hành sáp nhập doanh nghiệp là hợp nhất về hệ thống thông tin của các công ty (the merging firms’ information systems – IS). Nhân tố này cần phải được xem xét tại bước đầu tiên trong mô hình năm bước tiến hành hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng trong sáp nhập doanh nghiệp để nhằm tìm kiếm tác động của thông tin mỗi công ty đối với khách hàng, thị trường hoặc qui trình giao dịch. Khả năng của hệ thống thông tin phải được xem xét một cách kỹ lưỡng ở bất kỳ vấn đề phát sinh về chiến lược, hoạt động kinh doanh, tổ chức và chính sách. Khả năng văn hóa tổ chức cũng phải được xem xét dọc theo tính hiệp lực của hệ thống thông tin.
Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa công ty và cách quản trị của doanh nghiệp cũng là một yếu tố cần được quan tâm trong quá trình hợp nhất.
Các công ty thực hiện hoạt động mua lại doanh nghiệp cũng cần phải xem xét khả năng hợp nhất sau khi tiến hành sáp nhập như là một năng lực cốt lõi. Sự phát triển của năng lực đó yêu cầu đặt ra một hệ thống và qui trình vững chắc cho việc hợp nhất. Điều đó cũng yêu cầu hệ thống và quy trình thừa nhận những bài học được rút ra từ các vụ hợp nhất trong quá khứ để được lưu giữ, phổ biến và tiếp thu bởi tổ chức của công ty đi mua lại. Mỗi kinh nghiệm của các vụ hợp nhất trong quá khứ không thể bị bỏ mất bởi vì nó cần thiết cho các vụ hợp nhất tiếp theo trong tương lai.
Chương 2
HOẠT ĐỘNG MUA LẠI VÀ SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP
TRÊN THẾ GIỚI VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM
ĐƯỢC RÚT RA CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Diễn biến hoạt động “mua lại, sáp nhập doanh nghiệp” trên thế giới (từ năm 2005 đến nay)
Thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp đã xuất hiện và phát triển qua nhiều giai đoạn thăng trầm trên thị trường thế giới. Trải qua nhiều lần biến động nhất là ở thị trường Mỹ, bắt đầu từ năm 1890 hoạt động M&A ở Mỹ đã trải qua 5 lần biến động tính đến năm 2000. Tiếp sau Mỹ, thị trường Anh cũng xuất hiện hoạt động M&A từ thập niên 60 ở thế kỷ 20. Thị trường các nước Châu Âu còn lại cũng có thị trường M&A từ những năm 1980. Kể từ khi cả ba thị trường này đều có thị trường M&A thì dường như những “đợt sóng” của hoạt động này diễn ra ở thị trường Mỹ sẽ kéo theo những đợt sóng mạnh ở thị trường Anh và Châu Âu. Bởi lẽ do sự toàn cầu hóa của nền kinh tế, đồng thời đây là những thị trường kinh tế lớn của thế giới và những thị trường này có liên quan với nhau trong quá trình phát triển. Sau sự trổi dậy của làn sóng mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trên thế giới diễn ra vào năm 2000 thì hoạt động này tạm thời lắn xuống. Nhưng đến năm 2004, làn sóng mua lại, sáp nhập doanh nghiệp lại xuất hiện và liên tục phát triển mạnh cho đến hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến sự sôi động trở lại của hoạt động M&A là sự phát triển mạnh của thị trường chứng khoán và việc ngân hàng trung ương các nước áp dụng mức lãi suất thấp. Nguyên nhân chính của vấn đề áp dụng mức lãi suất thấp là do sự khủng hoảng của thị trường tín dụng Mỹ, hệ quả của hoạt động cho vay dễ dãi và ồ ạt để đầu tư vào bất động sản, trong đó có cả các ngân hàng lớn như: Merill Lynch, Citigroup, Leman Brothers…. Để cứu vãng sự phá sản của các ngân hàng thương mại và nguy cơ suy thoái nền kinh tế Mỹ tạo nên động thái dây chuyền đến các nền kinh tế khác trên thế giới, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu và một số ngân hàng trung ương khác phải bơm tiền thêm vào hệ thống tài chính. Những khó khăn trong hoạt động cũng đã làm cho nhiều ngân hàng lớn phải bán cổ phần cho các nhà đầu tư đến từ nhiều khu vực khác trên thế giới nên cũng làm gia tăng mạnh về giá trị giao dịch của hoạt động mua lại doanh nghiệp trên toàn cầu. Chẳng hạn như:
Bảng 2.1: Các hợp đồng M&A lớn trong lĩnh vực ngân hàng ở MỸ
Bên mua
Bên bán
Giá trị
giao dịch
Cơ quan đầu tư Abu Dhabi (ADIA) của Các tiểu vương quốc Árập thống nhất (UAE)
Ngân hàng Citigroup
7,5 tỷ USD
tập đoàn Temasek của Singapore và một công ty khác của Mỹ(2)
Ngân hàng Merill Lynch
6,2 tỷ USD
Công ty đầu tư vốn của Nhà nước Trung Quốc
Morgan Stanley
5 tỷ USD
(Nguồn: Tác giả tự tổng hợp)
Hình 2.1. Giá trị giao dịch M&A trên toàn cầu (2005-quí I năm 2008)
(Nguồn: www.muabandoanhnghiep.duan.vn và www.gls.com.vn (2))
Theo kết quả nghiên cứu của công ty thống kê tài chính Thomson Financial, giá trị giao dịch của hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp trên toàn cầu đạt mức kỷ lục vào năm 2005 tăng đến 38,4% so với năm 2004. Một đặc điểm của các vụ mua lại và sáp nhập trong năm 2005 là chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực năng lượng. Điều này khẳng định sự biến động của giá dầu thế giới đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, lĩnh vực tài chính vẫn là một lĩnh vực có số lượng giao dịch với giá trị lớn. Có thể kể đến hai hợp đồng M&A lớn nhất trong năm 2005 là:
Bảng 2.2: Hai hợp đồng M&A lớn nhất thế giới năm 2005
Bên mua
Bên bán
Giá trị giao dịch
Tập đoàn Procter and Gamble (P&G)
Tập đoàn Gillette
57,2 tỷ USD
Tập đoàn tài chính Mitsubishi Tokyo Financal Group
Ngân hàng UFJ
41,4 tỷ USD
Tiếp đến năm 2006 và 2007 là những năm có nhiều kỷ lục mới về giá trị giao dịch ở thị trường M&A toàn cầu. Năm 2006 là năm thiết lập kỷ lục về tốc độ gia tăng về giá trị giao dịch. Tổng giá trị giao dịch năm 2006 tăng so với năm 2005 lên đến 34%. Năm 2007 tổng giá trị giao dịch ở thị trường M&A tăng hơn 21% so với giá trị năm 2006. Trong năm này thị trường M&A ở khu vực Châu Âu được đánh giá vượt trội so với thị trường Mỹ cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Đây cũng là một kỷ lục hiếm có trong lịch sử phát triển của thị trường M&A trên thế giới. Tính từ năm 2000 đến năm 2006 thì thị trường ở Châu Âu chưa từng một lần vượt trội hơn thị trường Mỹ về giá trị giao dịch.
Năm 2007 giới phân tích đánh giá đây là năm bùng nổ của thị trường M&A nhưng sự bùng nổ này vẫn chỉ tập trung ở những nước có nền kinh tế phát triển, đứng đầu là Châu Âu và Mỹ. Trong đó thị trường Châu Âu đã có sự tăng trưởng vượt bật về giá trị giao dịch, khoảng 1/3 tổng giá trị các vụ mua lại, sáp nhập trên toàn cầu diễn ra ở châu lục này. Đồng thời, trong năm thị trường M&A có xu hướng mở rộng về địa lý - các công ty lớn ở các nền kinh tế phát triển đổ tiền đầu tư bằng hình thức mua lại các công ty nhỏ ở những nước đang phát triển. Sự tăng giá dầu hỏa đã kiến cho các đại gia vùng Vịnh trở thành những người đi mua lại các công ty khác trên thế giới. Những vụ mua lại, sáp nhập trong năm 2007 tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính; công nghiệp dầu khí, công nghệ thông tin, công nghiệp ôtô.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng điển hình nhất là vụ ba ngân hàng Scotland mua lại ngân hàng ABN Amro của Hà Lan. Hay vào tháng 5 vụ sáp nhập 22 tỷ euro (tương đương gần 30 tỷ USD) của hai ngân hàng Ý để trở thành một trong 10 ngân hàng hàng đầu Châu Âu với tổng giá trị lên đến gần 80 tỷ USD với hơn 6.300 chi nhánh tại nội địa, đây là một vụ mua lại cũng gây chấn động trong giới tài chính. Trong năm 2007 cũng chứng kiến sự ra đời một của một sàn giao dịch chứng khoán xuyên Đại Tây Dương, đó là kết quả của việc mua lại Euronext với giá 9,96 tỷ USD của tập đoàn New York Stock Exchange (NYSE).
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì chứng kiến rất nhiều vụ giao dịch M&A. Trong năm qua để tăng lợi thế cạnh tranh của mình trước đối thủ cạnh tranh là Yahoo và Microsoft, Google đã thực hiện rất nhiều vụ mua lại các công ty nhỏ hơn trong lĩnh vực sản xuất phần mềm hay cung cấp các dịch vụ trên mạng internet. Ví dụ như:
Google muốn nâng cao khả năng phục vụ khách hàng nên đã tiến hành mua lại công ty an ninh mạng Postini hay vụ Google mua lại công ty cung cấp phần mềm bảo mật người tiêu dùng web Green Borden. Ngoài ra, Google còn thực hiện một số vụ mua lại khác như: công ty Zingku để nhằm tạo điều kiện cho tập đoàn Google tiếp cận gần hơn với người dùng điện thoại di động, một thị trường quảng cáo được dự báo là rất tiềm năng trong tương lai.
Song song đó Yahoo cũng liên tiếp thực hiện nhiều vụ mua lại các công ty khác để mở rộng thị trường và tăng doanh thu, chẳng hạn như việc Yahoo mua lại hãng quảng cáo di động Actionality của Đức vào tháng 8, mua lại liên tiếp các công ty như MyBlogLog, Right Media và Rivals.
Microsoft đã tiến hành mua lại công ty aQuantive để nhằm gia tăng lợi nhuận cho công ty trong giai đoạn công ty đang thực hiện việc chuyển hướng đầu tư trọng tâm vào máy tính sang ứng dụng trên Internet.
Lĩnh vực công nghiệp dầu khí trong năm cũng tạo nên một sự kiện đáng chú ý bằng vụ giao dịch có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trên toàn cầu. Đó là vụ công ty khai thác mỏ BHP Billiton mua lại đối thủ cạnh tranh Rio Tinto, lúc đầu giá chào mua là 140 tỷ USD nhưng giá giao dịch thành công lên đến 173,4 tỷ USD, một kỷ lục mới về giá trị giao dịch của một vụ mua lại công ty.
Bên cạnh những vụ giao dịch M&A gây chấn động trên thị trường thế giới và đầy hứa hẹn trong tương lai thì năm 2007 cũng là một dấu mốc cho sự chia tay của tập đoàn sản xuất ôtô đứng thứ 5 thế giới DaimlerChrysler với chi nhánh Chrysler, giá bán là 7,4 tỷ USD. Việc DaimlerChrysler quyết định bỏ chữ “Chrysler” ra khỏi tên mình đánh dấu cho sự thất bại và thua lỗ của vụ sáp nhập cách đây 9 năm (vào tháng 5/1998) giữa hãng sản xuất ôtô Daimler-Benz và Chrysler với mức giá lên đến 36 tỷ USD. Ngoài ra trong năm nay cũng chứng kiến nhiều sự thất bại từ các vụ M&A vượt biên giới. Nguyên nhân được các nhà phân tích đánh giá đó là do sự mâu thuẫn về văn hóa, phong tục và sự không thông hiểu về môi trường chính trị….
Bảng 2.3. Các hợp đồng M&A lớn trong năm 2007
Đơn vị tính: tỷ USD
Bên mua
Bên bán
Giá trị giao dịch
BHP Billiton
Rio Tinto
173,4
Barclays
ABN Amro (Hà Lan)
90,8
Blackstone
Hilton
26
Thomson
Reuters
17,2
HeidelderfCement AG
Hanson
15,5
NewYork Stock Exchange
Euronext
9,96
Qũy Cerberus
Chrysler
7,4
Năm 2007 cũng là năm mở rộng thị trường M&A sang khu vực các nước Đông Âu và theo đánh giá thì trong những năm tiếp theo hoạt động M&A quốc tế sẽ chuyển sang khu vực Châu Á. Việc các công ty lớn chuyển hướng mua lại, sáp nhập với các doanh nghiệp ở khu vực Châu Á trong tương lai là do sự phát triển nhanh chóng và đầy tiềm năng phát triển của nền kinh tế ở khu vực này, trong đó đặt biệt là sự phát triển của các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam.
Bảng 2.4. Các hợp đồng M&A lớn trong những tháng cuối năm 2008
(tính đến thời điểm tháng 9)
Đơn vị tính: tỷ USD
Bên mua
Bên bán
Giá trị giao dịch
Hãng Bia InBev của Bỉ
Hãng Bia lớn nhất của Mỹ-Anheuser-Busch
52
Bank of America
Merrill Lynch
50
Công ty công nghệ sinh học Roche
Holdings (Thụy Sỹ)
Công ty Genetech (San Francisco)
43,7
Gas Natural SDG SA (ESP)
Union Fenosa SA (ESP)
14,2748
PetroChina Co Ltd
CNPC Exploration & Development Co
11,8
Teck Cominco Ltd (Canada)
Fording Canadian Coal Trust (Canada)
11,0285
Kholdingovaya Kompaniya Interros ZAO (Nga)
GMK Noril'skiy nikel' OAO (Nga)
10
Xstrata Plc (Thụy Sĩ)
Lonmin PLC (Anh)
9.274,5
Bristol-Myers Squibb Co (Mỹ)
ImClone Systems Inc(Mỹ) Bristol-Myers Squibb Co (Mỹ)
9,2212
Bankaaktieselskabet
Roskilde Bank A/S assets and debts
7,3977
Hãng bảo hiểm
Tokio Marine Holdings (Nhật Bản)
Công ty bảo hiểm
Philadenphia Consolidated Holding
4,39
Bước sang đầu năm 2008, tình hình nền kinh tế lại tiếp tục có nhiều sự biến động lớn như giá dầu, giá vàng tiếp tục leo thang, đồng đôla Mỹ liên tiếp mất giá so với đồng euro. Nguyên nhân của những biến động mạnh là do nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang đứng bên bờ khủng hoảng và sự phát triển nóng của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Chính những biến động trên thị trường thế giới nên thị trường mua lại. Trong quí I năm 2008 thị trường M&A toàn cầu có dấu hiệu giảm sút, giá trị giao dịch giảm đến gần 25% so với cùng kỳ năm trước, số thương vụ giao dịch giảm gần 2.000 vụ, riêng ở Mỹ giảm đến hơn 50% tổng giá trị của các hợp đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, thì thông thường tiếp theo đó sẽ là sự phát triển mạnh của thị trường M&A. Vì thế, theo dự đoán thị trường M&A trên toàn cầu sẽ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kỷ lục.
Như vậy tính từ năm 2004 cho đến nay thì thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp toàn cầu đang bước vào một “làn sóng” mới. Giá trị giao dịch qua các năm liên tục tăng và đến nay vẫn chưa là thời điểm đạt đỉnh của làn sóng này. Nghĩa là, trong những năm tiếp theo, thị trường M&A của thế giới sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên hướng phát triển của thị trường này sẽ chuyển sang những khu vực có nhiều nền kinh tế mới phát triển, còn nhiều tiềm năng. Một điều quan trọng hơn nữa là các vụ mua lại, sáp nhập doanh nghiệp hiện nay có đặc điểm là một cách thức để đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn ở các nước phát triển, là một công cụ để tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhỏ, thiếu tiềm năng phát triển trong tương lai của các doanh nghiệp nhỏ ở thị trường mới.
Một số bài học kinh nghiệm được rút ra từ hoạt động M&A trên thế giới cho các doanh nghiệp Việt Nam
Thực hiện M&A với các doanh nghiệp có cùng phạm vi kinh tế để đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh
Phạm vi kinh tế tồn tại khi tổng chi phí của quá trình sản xuất và bán hàng của một vài sản phẩm được thực hiện bởi một công ty sản xuất kinh doanh nhiều sản phẩm thì thấp hơn tổng chi phí của quá trình sản xuất và bán hàng của các sản phẩm tương đương được thực hiện bởi những công ty được chuyên môn hóa để sản xuất kinh doanh từng loại sản phẩm. Một số sản phẩm có thể chia sẻ về kỹ thuật, một số sản phẩm có thể chia sẻ thị trường, hoặc một nhóm khách hàng và một số sản phẩm chỉ chia sẻ khả năng quản trị. Các doanh nghiệp có cùng phạm vi kinh tế có thể tiến hành sáp nhập theo hình thức tập đoàn để đa dạng hóa sản phẩm và làm giảm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí nghiên cứu và phát triển.
Như vậy, đối với doanh nghiệp có ý định thực hiện M&A thì cần nghiên cứu để đánh giá giữa doanh nghiệp và đối tác có cùng chung chia sẻ ở các mặt như: thị trường, công tác nghiên cứu và phát triển, nhóm khách hàng,….hay nói cách khác là có cùng phạm vi kinh tế hay không. Đó là một tiền đề dẫn đến sự thành công của giao dịch M&A bởi vì sự kết hợp giữa các doanh nghiệp có cùng chia sẻ ở một số mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ làm giảm chi phí cho cả hai sau khi được kết hợp, làm tăng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Biết người, biết ta” điều cần thiết để đạt được thành công trong hoạt động M&A
Các doanh nghiệp cạnh tranh nhau dựa trên nguồn lực và khả năng của chính mình. Thực hiện M&A là cách để các doanh nghiệp bổ sung các nguồn lực và khả năng để làm tăng lợi thế cạnh tranh.
Doanh nghiệp cần phải đánh giá đúng các nguồn lực và khả năng của mình. Đây là một vấn đề doanh nghiệp cần thực hiện một cách nghiêm túc và khách quan. Dựa trên những gì doanh nghiệp đang có và đang thiếu để lập chiến lược phát triển công ty cho phù hợp. Với những nguồn lực mà doanh nghiệp đang thiếu thì có thể thực hiện bổ sung thông qua hoạt động mua lại hay sáp nhập với doanh nghiệp khác. Tuy nhiên thời điểm tiến hành và mục tiêu cần đạt được thông qua hoạt động M&A cần được xác định và đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Trên cơ sở những mục tiêu cần đạt được khi thực hiện M&A, công ty tiến hành tìm kiếm công ty mục tiêu. Công ty mục tiêu đáp ứng được những yêu cầu về nguồn lực và khả năng mà doanh nghiệp đang thiếu. Bởi vì mục tiêu là thông qua công ty mục tiêu để gia tăng khả năng và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nhằm giúp công ty tiếp tục phát triển trong tương lai.
M&A giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường sang các lĩnh vực mới có liên quan
Các công ty tham gia vào các thương vụ sáp nhập này nhằm để mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực khác, nhưng những lĩnh vực đó cần phải có một mối liên quan với hoạt động hiện tại của công ty. Sự sáp nhập này để nhằm tận dụng những lợi thế cạnh tranh vốn có của nhau để củng cố và phát triển thêm lợi thế cạnh tranh của chính mình. Sáp nhập sẽ làm mờ đi ranh giới cách biệt giữa các ngành để giúp các công ty khai thác những lợi thế của nhau cùng phát triển.
Các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của sáp nhập theo chiều dọc để có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nên một lợi thế vượt trội cho doanh nghiệp so với các đối thủ còn lại. Đó là những gì mà doanh nghiệp có thể mong chờ vào M&A.
Các doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào M&A để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới vì nó sẽ gặp phải những khó khăn như: sự thiếu hiểu biết về chuyên ngành, chuyên môn, về vấn đề quản lý, sự hợp nhất về văn hóa công ty và hệ thống thông tin công ty.
Trường hợp vủa BTR và Hawker Siddeley (HS) sẽ là một minh chứng cụ thể cho việc quá kỳ vọng vào M&A để mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực mà doanh nghiệp không nắm rõ.
Sự thành công của một thương vụ M&A được đánh giá không phải ở giai đoạn là hoàn thành xong công việc đàm phán giữa hai bên mà ở giai đoạn hợp nhất và sự hợp nhất đó có mang lại sự gia tăng giá trị cho cả hai bên tham gia. Sự không hiểu biết về lĩnh vực hoạt động của công ty mục tiêu sẽ làm cho doanh nghiệp tốn nhiều thời gian trong quá trình hợp nhất. Quan trọng hơn, chính vì không nắm rõ hoạt động của công ty mục tiêu nên những kế hoạch được lập ra của vụ sáp nhập là không chính xác. Từ đó khi thực hiện làm cho mục tiêu, dự định ban đầu không đạt được. Đó là nguyên nhân làm gia tăng chi phí mà không hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp.
Nghiên cứu kỹ thị trường mà công ty muốn thâm nhập.
Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ những đặc tính và tiềm năng phát triển của thị trường mà doanh nghiệp đang có ý định thâm nhập vào. Dựa vào kết quả đó để doanh nghiệp thiết lập chiến lược thâm nhập thị trường và lựa chọn công ty mục tiêu cho phù hợp cũng như cơ hội để thâm nhập thị trường. Kinh nghiệm của công ty Riello ví dụ điển hình cho sự thành công cho một thương vụ M&A do có sự nghiên cứu kỹ thị trường và công ty mục tiêu.
Việc lựa chọn đúng công ty mục tiêu và khai thác được những lợi thế hiện có của nó cũng là một yếu tố quyết định sự thành công. Công ty được lựa chọn là công ty mục tiêu không nhất thiết phải là một công ty lớn hay đang trong giai đoạn phát triển tốt vì có thể nó sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp khi mua lại công ty mục tiêu.
Tận dụng nguồn nhân lực tài giỏi hiện tại của doanh nghiệp sáp nhập hoặc mua lại
Một bài học kinh nghiệm nữa mà các doanh nghiệp khi thực hiện mua lại hoặc sáp nhập đó là "nhân viên của cũ công ty là người hiểu rõ công ty nhất". Một đặt tính của M&A là phải giành quyền kiểm soát với công ty mục tiêu. Giành quyền kiểm soát ở đây không phải là tạo sự áp đặt trong quản trị đối với công ty mục tiêu sau M&A. Hãy biết tận dụng nguồn nhân lực tài giỏi trong công ty mục tiêu để tạo nên sự thành công cho cả hai công ty. Công ty cần có chính sách giữ chân nhân tài và biết cách phát huy họ sau khi hợp nhất bởi là thường các nhân viên ở công ty mục tiêu thường có một cảm giác khó chịu khi phải thay đổi chủ mới. Đây là một vấn đề mà những người quản trị cần lưu ý và ứng dụng một cách thích hợp vào từng trường hợp cụ thể.
Rủi ro kỹ thuật mới có thể là nguyên nhân gây thất bại cho M&A.
Hiệu quả của hoạt động M&A không chỉ phụ thuộc vào rủi ro hoạt động kinh doanh, rủi ro tài chính mà nó còn tiềm ẩn rủi ro kỹ thuật, đặc biệt đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật cao.
Để vụ M&A thành công thì ngoài việc chú trọng đến các công việc cần thiết cho một vụ M&A thì các doanh nghiệp cần chú ý đến khả năng tiếp cận sản phẩm mới, mà vụ sáp nhập đang hướng tới, của khách hàng, của thị trường. Bởi đó là yếu tố quyết định đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi mua lại hoặc sáp nhập. Đây là điều các doanh nghiệp đi mua, hay sáp nhập cần lưu ý khi muốn tận dụng M&A để hưởng lợi từ những phát minh mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sự hợp nhất của hệ thống thông tin là một trở ngại lớn cho M&A
Hợp nhất hệ thống thông tin giữa các doanh nghiệp tiến hành sáp nhập là một vấn đề rất khó khăn cho các nhà quản trị doanh nghiệp. Nhưng thông thường nó bị bỏ quên trong quá trình lập kế hoạch M&A và trong quá trình đàm phán. Vấn đề này phát sinh khi một vụ mua lại doanh nghiệp hau sáp nhập doanh nghiệp đi đến giai đoạn hợp nhất. Các thông tin bao gồm: khách hàng, đặc tính của khách hàng, thị trường, đặc biệt là qui trình thực hiện nghiệp vụ của công ty, cách hạch toán kế toán và báo cáo tài chính trong doanh nghiệp. Các thông tin này của công ty có sự ảnh hưởng nhất định đối với công ty kia. Sự hòa hợp hệ thống thông tin phụ thuộc vào sự hòa hợp về nhân tố tổ chức và kỹ thuật của hai tổ chức.
Các doanh nghiệp khi tham gia thực hiện hoạt động mua lại, hay sáp nhập với nhau thì cần xem xét yếu tố này kỹ trước khi ra quyết định thực hiện, nhất là đối với các công ty chuyên về kỹ thuật cao.
Cần chuẩn bị trước nội dung đàm phán và sắp xếp nội dung đàm phán một cách hợp lý.
Rất nhiều vấn đề có thể phát sinh gây cản trở đến sự thành công của hoạt động M&A có thể được dự báo trước. Vì thế doanh nghiệp cần thực hiện việc điều tra kỹ về công ty mục tiêu, thị trường, quyền, nghĩa vụ pháp lý của công ty mục tiêu, văn hóa công ty, hệ thống thông tin của công ty,… để dự báo trước những vấn đề khó khăn có thể phát sinh. Từ đó nêu lập ra nội dung các vấn đề cần thảo luận trong cuộc đàm phán và có thể chủ động đề ra hướng giải quyết cho dù công ty là công ty mục tiêu. Quá trình điều ra để xác định các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình hợp nhất để đem ra đàm phán có thể được tiến hành trước đó và kéo dài cho đến khi giai đoạn đàm phán.
Cần sắp xếp nội dung cần đàm phán một cách thích hợp vì nó cũng tác động đến sự thành công trong quá trình đàm phán. Các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan là một nội dung rất quan trọng cần được bàn thảo kỹ nên được đưa ra thảo luận trong những ngày đầu của cuộc đàm phán. Các vấn đề nhạy cảm như cấu trúc quản lý, vai trò mấu chốt, mối quan hệ báo cáo, việc ngừng sản xuất và các quyết định có tác động chuyên môn nên được đàm phán vào những ngày sau cùng của cuộc đàm phán. Do áp lực của cuộc đàm phán kéo dài đồng thời việc đàm phàn đã được thực hiện một thời gian nên hai bên đã hiểu rõ về mục tiêu của nhau hơn nên những vấn đề này được đưa vào những ngày cuối thường dễ được thông qua.
Cần sự thẳng thắng và dứt khoán trong việc thực hiện M&A
Doanh nghiệp cần thẳng thắng nói rõ mục tiêu của mình thông qua vụ giao dịch M&A kể cả trường hợp có ý định thâu tóm. Bởi lẽ, không một doanh nghiệp nào không có những mục tiêu nhất định khi thực hiện M&A và các công ty luôn hướng đến việc tận dụng những lợi thế của đối tác để đạt được những mục tiêu riêng của chính mình. Việc thẳng thẳng sẽ giúp cho đối tác hiểu rõ hơn về những lợi ích mà đối tác có thể có được thông qua thương vụ này. Điều đó sẽ làm cho hoạt động M&A được diễn ra trong bầu không khí hòa thuận, dễ đạt đến sự thành công.
Hãy quyết đoán và dứt khoát trong việc thực hiện các sự đổi mới ở công ty bị mua lại hay công ty sáp nhập. Sự thay đổi dần dần đồng nghĩa với sự không rõ ràng và lo lắng kéo dài trong công ty. Đối với người lao động trong công ty mục tiêu thì đây là giai đoạn của sự nghi ngờ đối với công ty đi mua, kéo dài sự đổi mới là kéo dài sự nghi ngời, bất an. Bên cạnh việc thực hiện đổi mới, doanh nghiệp còn cần có những chính sách trấn an tâm lý của người lao động và thể hiện cho họ thấy rằng những lợi ích mà họ có được từ sự đổi mới đó.
Gia tăng sự giao tiếp giữa các nhân viên của hai công ty để đạt được sự hợp nhất về văn hóa công ty
Sự thành công của quá trình hợp nhất không phải chỉ ở khâu chuyên môn mà còn cả đối với vấn đề văn hóa công ty. Sự bất đồng về văn hóa là một trong những nguyên nhân gây nên sự thất bại của nhiều vụ M&A. Sự hợp nhất văn hóa công ty cũng là một vấn đề rất khó giải quyết. Cách hiệu quả nhất để đạt được hiệu quả trong việc hợp nhất văn hóa giữa hai công ty đó là “Giao tiếp, giao tiếp và giao tiếp nhiều hơn nữa”.
Thực hiện việc phân tích sự giao thoa văn hóa giữa hai công ty trước khi tiến hành hợp nhất là công việc rất quan trọng chuẩn bị cho quá trình hợp nhất. Cần làm nổi bật vùng đạt được sự giao thoa văn hóa của cả hai công ty, để từ đó giúp nhân viên nhận thấy giữa hai công ty cũng có những sự tương đồng nhất định. Doanh nghiệp nên tạo điều kiện để cho nhân viên của hai công ty được làm việc thoải mái cùng nhau để họ cùng tìm ra tiếng nói chung trong quá trình thực hiện công việc.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý rằng, mỗi vụ M&A đều có sự khác biệt trong cấu trúc của nó tùy thuộc vào hình thức thực hiện vụ giao dịch đó. Chính vì thế, mỗi doanh nghiệp cần phải biết ứng dụng những bài học kinh nghiệp trên vào từng trường hợp cụ thể một cách thích hợp để tạo nên sự thay đổi cần thiết khi thực hiện từng hoạt động M&A nhằm đạt được sự thành công.
(Tham khảo phần phục lục 1.7 về một số vụ M&A trên thế giới)
(1): Sudi Sudarsanam, “Creating Value from Mergers and Acquisitions”, trang 545
(2): “Khung pháp lý điều tiết sáp nhập, mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam” và “Năm của M&A”, www.muabandoanhnghiep.duan.vn; “Mua bán và sáp nhập – Hướng đi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam”, www.gls.com.vn
CHƯƠNG 3
THỰC TRẠNG CỦA HOẠT ĐỘNG “MUA LẠI, SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP”
TẠI VIỆT NAM
Thực trạng hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam
Diễn biến của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam
Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là từ cuối thập niên 1990 và những năm đầu thế kỷ 21. Sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam được chứng nhận bằng những con số cụ thể như: GDP liên tục tăng qua các năm, tốc độ tăng trưởng GDP từ năm 2003 đến 2007 lần lượt là 7,34%; 7,79%; 8,44%; 8,23% và 8,48%(1), đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân/người tăng từ 4,15 triệu đồng/người/năm vào năm 2003 lên 5,42 triệu đồng/người/năm vào năm 2007(2), đời sống nông dân ở những vùng sâu vùng xa được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Những thành công trong công tác cải cách nền kinh tế nước nhà đã được cả thế giới công nhận.
Chính sự phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự hướng dẫn của Nhà nước đã làm xuất hiện nhiều loại thị trường trong nền kinh tế. Trong đó, sự xuất hiện của thị trường chứng khoán là một bước ngoặc đáng nghi nhận. Kể từ khi ra đời đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Chính sự ra đời của thị trường chứng khoán và những biến động bất ngờ trên thị trường đã gây tác động rất lớn đến các nhà đầu tư và cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải hoạt động trong môi trường minh bạch hơn, cạnh tranh gây gắt hơn. Và như thế, sự phát triển thị trường chứng khoán đến một giai đoạn nhất định sẽ dẫn đến sự hình thành một thị trường mới. Đó chính là thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Hay nói cách khác, thị trường mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp là hệ quả tất yếu của sự phát triển thị trường chứng khoán. Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tác động và dẫn đến việc hình thành mầm móng sơ khai của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam. Sự ra đời và phát trỉển của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ tác động đến quá trình tái cấu trúc lại các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, tạo nên cơ hội phát triển tốt hơn cho cả doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Thị trường Việt Nam là thị trường mới đang phát triển và phát triển khá nhanh, chính vì thế sẽ có rất nhiều doanh nghiệp mới thành lập với qui mô nhỏ. Đồng thời trong điều kiện đó sẽ có nhiều sự điều chỉnh từ phía nhà nước, thị trường tác động đến doanh nghiệp, điều đó tạo nên một cơ chế sàn lọc, những doanh nghiệp mạnh về năng lực tài chính, quản lý sẽ tiếp tục phát triển và các doanh nghiệp không đủ năng lực phải chọn hình thức phá sản, giải thể hoặc chọn con đường bán lại hay sáp nhập. Đối với các doanh nghiệp chống chọi được sự sàn lọc khắc nghiệt của cơ chế thị trường tiếp tục phát triển thì sẽ tìm đến con đường tắt để đạt được sự thành công hơn nữa, con đường đó là mua lại doanh nghiệp nhỏ hơn có những lợi thế mà hiện tại doanh nghiệp mình không có. Cung có, cầu có, tất yếu dẫn đến việc hình thành thị trường. Như vậy thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp đã được hình thành ở Việt Nam từ năm 2000 và dần phát triển đến nay có thể nói hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đang nóng dần và còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Với sự ra đời của Luật doanh nghiệp 1999, trong Luật đã đề cập đến một hình thức để tổ chức lại doanh nghiệp là “hợp nhất và sáp nhập” đã mở đầu cho sự xuất hiện hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam. Như vậy, hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp chính thức xuất hiện ở thị trường Việt Nam từ năm 2000 nhưng xảy ra ở những giao dịch với qui mô nhỏ và gia tăng với tốc độ rất nhanh qua từng năm .
Bảng 3.1: Diễn biến tình hình hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam
Đơn vị tính: triệu USD
Năm 2003
Năm 2004
Năm 2005
Năm 2006
Năm 2007
Năm 2008
Số vụ
Giá trị
Số vụ
Giá trị
Số vụ
Giá trị
Số vụ
Giá trị
Số vụ
Giá trị
Số vụ
Giá trị
41
118
23
31
22
64
38
299
108
1.719
146
1.009
(Nguồn:Pricewatershouse Coopers)(3)
Tốc độ tăng trưởng của hoạt động này tại thị trường Việt Nam khá nhanh. Riêng năm 2007 là năm phát triển vượt bậc của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp của Việt Nam. Sự gia tăng trong năm 2007 so với năm 2006 đạt cả về mặt số lượng giao dịch và giá trị giao dich. Theo đánh giá của công ty kiểm toán Pricewatershouse Cooper thì thị trường mua lại sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam có tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chính những biến động mạnh ở các thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ đã tác động rất mạnh đến hoạt động doanh nghiệp trong năm 2007. Với sự đóng băng của thị trường bất động sản vào thời điểm đầu năm và sự khủng hoảng dẫn đến sự tụt giá liên tục ở thị trường chứng khoán và sự mất giá nhanh chóng của đồng đôla Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn và phải lựa chọn giải pháp bán lại cổ phần, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh của thị trường M&A. Đặc biệt trong đợt điều chỉnh giá giảm của thị trường chứng khoán trong năm 2007 cộng hưởng với những tác động tiêu cực của những dấu hiệu khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu đã làm cho các công ty chứng khoán gặp rất nhiều khó khăn nên phải nói rằng năm 2007 là năm mà có rất nhiều vụ mua lại, sáp nhập doanh nghiệp của các công ty chứng khoán. Đồng thời, sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng trở nên gây gắt đã làm cho các vụ mua bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là các ngân hàng thương mại nước ngoài của các ngân hàng thương mại trong nước cũng diễn ra rất nhiều, góp phần làm cho thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam năm 2007 tăng rất mạnh so với năm 2006. Ngoài lý do trên thì có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện M&A để tận dụng những lợi thế mà nó có thể mang lại cho doanh nghiệp.
Chuyển sang năm 2008, nền kinh tế toàn cầu chuyển sang thời kỳ khủng hoảng. Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng của đợt khủng hoảng này. Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, đặc biệt là vào những tháng cuối năm 2008. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn trong các giao dịch M&A. Chính vì thế những tháng đầu năm 2008 hoạt động M&A diễn ra cũng khá sôi động những đến cuối năm thì có dấu hiệu chựng lại, và như vậy đã làm cho giá trị giao dịch M&A ở Việt Nam trong năm 2008 giảm về mặt giá trị hơn so với năm 2007.
Tuy nhiên, tương lai gần, sau khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng, được dự báo bắt đầu từ quý 4 năm 2009, thì nhu cầu thực hiện hoạt động mua lại và sáp nhập của các doanh nghiệp sẽ gia tăng nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc lại hoạt động doanh nghiệp nói chung và yêu cầu tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp nói riêng.
Những đặc điểm chính của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam
Hầu hết các giao dịch M&A đều có sự tham gia của yếu tố nước ngoài
Trong suốt thời gia qua, các doanh nghiệp nước ngoài đóng một vai trò rất quan trọng cho thị trường M&A ở Việt Nam. Mặc dù có một vài giao dịch giữa các doanh nghiệp trong nước như Kinh Đô mua 35,4% công ty cổ phần nước giải khát Tribeco, Techcombank mua 10% cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Sao Việt, gạch Đồng Tâm mua lại 60% vốn cổ phần của Sứ Thiên Thanh, nhưng hầu hết các vụ giao dịch M&A trên thị trường Việt Nam đều có sự tham giá một bên là các doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình như: Eximbank bán 15% vốn cổ phần cho Sumitoom Mitsui Banking Corporation (SMBC), Indochina Capital mua Công ty CP địa ốc Hoàng Quân và Công ty TP tư vấn thương mại và dịch vụ địa ốc Hoàng Quân – Mekong mỗi công ty 20%, Vinamit cũng đã bán cho Indochina Capital 20% vốn cổ phần, Pacific Airline bán cho Quatas Airline 30% vốn cổ phần, Techcombank bán cho HSBC 15% vốn cổ phần, Nhà máy sữa Nestle bán cho công ty CP Anco, Kinh đô mua lại nhà máy sản xuất kem Wall’s, Bảo Minh CMG bán toàn bộ công ty cho Daiichi…. Việc hầu hết các giao dịch M&A ở thị trường Việt Nam trong thời gian qua đều có sự tham gia của yếu tố nước ngoài là điều dễ hiểu. Bởi lẽ thị trường trong nước là thị trường mới phát triển và trong thời gian có nhiều sự điều chỉnh, đa phần các doanh nghiệp trong nước là các công ty có qui mô nhỏ và vừa, và yếu về mặt tài chính. Sự yếu kém về năng lực tài chính thường dẫn đến sự yếu kém trong quá trình quản trị, điều hành và hiệu quả hoạt động. Trong lúc đó, thị trường lại diễn ra hoạt động cạnh tranh gây gắt giữa các doanh nghiệp. Vì thế, để tạo sức mạnh cho doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động và phát triển thì các doanh nghiệp trong nước cần sự góp sức về công nghệ, kỹ thuật, năng lực quản lý, điều hành của các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong các giao dịch có sự tham gia của yếu tố nước ngoài thì hầu như phía nước ngoài luôn đóng vai trò là người đi mua. Chỉ có một số ít trường hợp doanh nghiệp trong nước đóng vai trò là người mua như trường hợp của Công ty CP Anco mua lại Nestle, Kinh Đô mua kem Wall’s, Vinabico mua Kotobuki. Vẫn có trường hợp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tự liên kết lại với nhau như trường hợp Savills với Chestorton Vietnam. Như vậy, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu làm tăng lượng cầu cho thị trường. Các doanh nghiệp nước ngoài với một tiềm lực tài chính lớn họ là khách hàng của các thương vụ M&A với giá trị lên đến hàng chục cho đến hàng trăm triệu USD.
Sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường M&A Việt Nam trong thời gian vừa qua là điều tất yếu. Thị trường Việt Nam là một thị trường mới mở, còn rất nhiều tiềm năng khai thác và phát triển nên nó là tầm ngắm của các doanh nghiệp nước ngoài. Sự tham gia của yếu tố nước ngoài sẽ làm tăng nguồn cầu và cung cho thị trường, đồng thời nó có thể mang đến cho các doanh nghiệp trong nước nhiều lợi ích nhưng đồng thời đó là tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp nếu như không có một sự điều chỉnh, kiếm soát chặt chẽ.
M&A là một phương thức tái cấu trúc lại doanh nghiệp
Tất cả các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp đều hướng đến một số mục tiêu nhất định. Những vấn đề mà hoạt động M&A có thể giải quyết cho doanh nghiệp là rất nhiều, tuy nhiên do hoạt động này mới xuất hiện ở Việt Nam, sự nhận biết của các đối tượng liên quan đến hoạt động này chưa nhiều nên nó chưa phát huy hết những lợi ích vốn có của nó. Chính vì thế, các doanh nghiệp tiến đến thực hiện hoạt động M&A trong thời gian qua chủ yếu hướng đến các mục tiêu: có cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng về thị trường, hoặc thực hiện M&A để tái cấu trúc lại doanh nghiệp hay mua lại các doanh nghiệp khác để có cơ hội thâm nhập vào thị trường mới.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, họ tìm hiểu và thực hiện hoạt động mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp là nhằm đạt được mục tiêu có cơ hội tiếp nhận những công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại và những kỹ năng về quản lý, về thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước hầu như là đứng ở vị thế người bán. Các doanh nghiệp trong nước thường bán một phần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cho phía nước ngoài để đổi lại có cơ hội tiếp nhận được những vấn đề trong công tác quản lý và điều hành hay sản xuất, kinh doanh mà các doanh nghiệp trong nước đang thiếu. Bibica bán cổ phần cho công ty Lotte để nhận được sự hỗ trợ từ Lotte trong lĩnh vực công nghệ, bán hàng và tiếp thị, nghiên cứu phát triển để giúp Bibica mở rộng và phát triển kinh doanh để trở thành nhà sản xuất kinh doanh bán kẹo hàng đầu Việt Nam. Trên thực tế, vẫn có trường hợp doanh nghiệp trong nước mua lại của doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn như Công ty CP Kinh Đô mua lại nhà máy kem Wall’s hay công ty Anco mua lại nhà máy sữa Nestle. Nhưng mục tiêu của Kinh Đô và Anco là muốn có được một dây chuyền sản xuất hiện đại của các đơn vị nước ngoài này. Tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng lợi thế của doanh nghiệp nước ngoài để thay đổi công nghệ, sắp xếp lại tình hình nhân sự, công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh, tức doanh nghiệp trong nước muốn thông qua M&A để thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng nguồn vốn đầu tư trong nước bị khan hiếm trong thời gian gần đây các doanh nghiệp trong nước tiến hành bán cổ phần cho các doanh nghiệp phía nước ngoài nhằm thu hút một lượng vốn tương đối lớn để đảm bảo về khía cạnh tài chính cho doanh nghiệp. Ví dụ khi Bibica bán 30% vốn cổ phần cho công ty TNHH Lotte – thuộc tập đoàn Lotte Hàn Quốc, thì đó là số cổ phần nằm trong kế hoạch huy động thêm vốn bằng cách phát hành cổ phiếu giai đoạn 2 để tăng vốn điều lệ năm 2007 của công ty. Hay vào tháng 9/2007 Bảo Minh bán cho AXA (Pháp) 16,6% cổ phần nằm trong kế hoạch tăng vốn điều lệ của công ty từ 434 tỷ lên 755 tỷ đồng. Hay việc cổ đông ngân hàng Eximbank bán 15% cổ phần của ngân hàng cho ngân hàng Nhật Sumitoom Mitsui Banking Corporation (SMBC) nằm trong số cổ phần phát hành bổ sung để tăng vốn điều lệ từ 2.800 tỷ lên 3.733 tỷ đồng Việt Nam,…
Đối với doanh nghiệp nước ngoài, họ luôn đánh giá thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng và họ mong muốn được khai thác thị trường này. Khi nền kinh tế Việt Nam chuẩn bị chính thức mở cửa hoàn toàn (sau một thời gian nhất định, tùy theo loại hàng hóa và thị trường, sau khi chính thức gia nhập tổ chứ thương mại thế giới) thì đó chính là cơ hội để họ nhảy vào khai thác. Để chuẩn bị cho điều đó các doanh nghiệp nước ngoài muốn đặt trước một bàn chân vào thị trường béo bở, và con đường đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước là cách lựa chọn thích hợp nhất trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời với hình thức đầu tư thông qua hoạt động M&A hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài giảm được chi phí đầu tư vào thị trường mới. Vì vậy, trong thời gian qua, trong các thương vụ mua lại, sáp nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp nước ngoài luôn đóng vai trò là người mua lại doanh nghiệp. Do hiện tại việc mua cổ phần các doanh nghiệp trong nước của doanh nghiệp nước ngoài còn bị giới hạn nói chung với giới hạn đối với từng ngành nghề đặc biệt, nên các doanh nghiệp nước ngoài hướng đến việc mua lại một phần vốn cổ phần của các công ty cổ phần trong nước (trong giới hạn cho phép). Như vậy, mục tiêu chính các của doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào thị trường M&A Việt Nam là hướng đến việc sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam trong tương lai.
Tóm lại, đối với doanh nghiệp Việt Nam, họ thực hiện hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu là tăng khả năng cạnh tranh và các nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hay nói cách khác là họ thông qua hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp nhằm để tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Nhưng nguồn lực mà họ thường cần bổ sung là tài chính, kỹ thuật, công nghệ, khả năng quản lý và tiếp cận thị trường. Đối với phía nước ngoài, họ tham gia vào thị trường M&A Việt Nam là nhằm hướng đến sự phát triển trong tương lai của họ ở một thị trường lớn, đầy tiềm năng.
Hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian qua diễn ra chủ yếu trong các ngành như ngân hàng, chứng khoán.
Những năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhanh, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể. Bên cạnh những thành tích đó thì nền kinh tế nước nhà cũng đã chứng kiến nhiều cuộc biến động lớn, đặc biệt 2 năm gần đây trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và chứng khoán. Sau sự đóng băng của thị trường bất động sản là sự giảm giá liên tục trên thị trường chứng khoán và tình hình lạm phát ngày càng tăng cao đã làm cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn.
Đồng thời, thị trường kinh doanh của các ngân hàng được đánh giá là một thị trường có tỷ suất sinh lợi cao, trong khi đó, các ngân hàng trong nước lại chưa khai thác được hết những tiềm năng phát triển của thị trường này. Các ngân hàng hạn chế về năng lực tài chính, năng lực thị trường, năng lực quản lý, đó là nguyên nhân kiến các ngân hàng trong nước chọn hình thức bán lại cổ phần cho các ngân hàng nước ngoài để gia tăng những nguồn lực và khả năng đang thiếu, nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của ngân hàng mình. Theo đánh giá của các ngân hàng nước ngoài thì thị trường ngân hàng hiện đại ở Việt Nam là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng khai thác nhưng do hiện tại Việt Nam mới cho phép các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tiếp cận thị trường trong nước từ năm 2008, vì thế con đường làm đối tác chiến lược của các ngân hàng trong nước là con đường nhanh nhất để họ tiếp cận với thị trường này. Hàng loạt các vụ giao dịch cổ phiếu giữa các ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài đã diễn ra như: Eximbank bán cổ phiếu cho Sumitoom Mitsui Banking Corporation (SMBC), HSBC mua cổ phần của ngân hàng Techcombank, MayBank mua cổ phần ngân hàng An Bình, UOB sở hữu 15% vốn cổ phần của ngân hàng Southern Bank
Sự cạnh tranh ngày càng gây gắt trên thị trường các ngân hàng thương mại đã buộc các ngân hàng phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể tiếp tục tồn tại. Sự cạnh tranh làm cho các ngân hàng càng ráo riết hơn trong việc bán cổ phần cho các ngân hàng khác để gia tăng sự liên kết với nhau. Ví dụ như ngân hàng Techcombank nắm giữ 10% vốn cổ phần của ngân hàng Sao Việt, ngân hàng Vietcombank đã có kế hoạch mua lại một số ngân hàng nhỏ, và ngân hàng VCB hiện tại đang nắm giữ một tỷ lệ nhất định vốn cổ phần của các ngân hàng như Eximbank, VIB bank, ngân hàng Gia Định, OCB,…
Tóm lại trong thời gian qua hoạt động mua lại giữa các ngân hàng diễn ra rất nhiều và nó sẽ sớm trở thành xu thế tất yếu trên thị trường M&A trong thời gian tới.
Đối với thị trường chứng khoán, sau hàng loạt biến động làm thị trường này liên tục giảm giá, lượng giao dịch trên thị trường giảm hẳn đã khiến nhiều công ty chứng khoán lâm vào giai đoạn khó khăn. Khi thị trường phát triển nóng, đã có rất nhiều công ty chứng khoán được thành lập, mục tiêu của các công ty chứng khoán lúc đó là khai thác nhanh sự náo nhiệt trên thị trường nên chỉ chuẩn bị để thực hiện hai nghiệp vụ là môi giới và tự doanh. Ngoài ra, sự chuẩn bị không thực sự tốt, nên đến giai đoạn thị trường lao dốc, lượng khách hàng đến thị trường ít đi khi đó là lúc các công ty này rơi vào giai đoạn khủng hoảng và có khả năng đi đến phá sản. Chính vì thế mà xu thế mua lại các công ty chứng khoán cũng diễn ra sôi nổi trong suốt thời gian qua. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, mặc dù thị trường tài chính, thị trường chứng khoán ở các nước này rất phát triển nhưng số lượng các công ty chứng khoán không nhiều, nhưng các công ty chứng khoán đó thực sự là một công ty chứng khoán chuyên nghiệp trong hầu hết các nghiệp vụ chuyên ngành, trong khi đó ở Việt Nam một thị trường mới, nhỏ bé đã có gần 100 công ty chứng khoán, một bất cập trên thị trường này. Chính vì thế, một xu thế mua lại, sáp nhập giữa các công ty chứng khoán trong và ngoài nước đã và sẽ diễn ra nháo nhiệt.
Trong thời gian qua có một số vụ mua lại của các công ty chứng khoán như: Công ty chứng khoán Âu Lạc bán 49% vốn cổ phần cho công ty Technology CX, ngân hàng Đầu tư RHB, chi nhánh của Tập đoàn Ngân hàng RHB (Malaysia) mua 49% cổ phần của công ty chứng khoán Việt Nam, công ty chứng khoán và đầu tư Golden Bridge mua 49% vốn của công ty Nhấp và Gọi, tập đoàn Morgan Stanley của Sigapore nắm giữ 48,33% vốn của công ty chứng khoán Hướng Việt và đổi tên thành công ty chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt.
Hình thức thực hiện các hoạt động M&A khá đơn giản
Theo qui định của pháp luật Việt Nam hiện nay có hoạt động M&A ở Việt Nam được thừa nhận các hình thức: mua lại doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp (chỉ áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước), sáp nhập, hợp nhất thì hiện tại chỉ được đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng là mua lại doanh nghiệp. Kể cả đối với các vụ có tính chất thâu tóm (tập đoàn Colgate với kem đánh răng Dạ Lan) vẫn được xuất hiện trên báo chí là một vụ góp vốn liên doanh. Đây là một vụ thâu tóm doanh nghiệp rất bài bản của các doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước. Trên thị trường chưa xuất hiện một vụ hợp nhất nào. Chủ yếu vẫn là các vụ mua lại (một phần hay toàn bộ) doanh nghiệp.
Trên thực tế cho thấy rằng, đa số những vụ mua lại một phần doanh nghiệp được xếp vào dạng là hoạt động M&A nhưng thực chất những giao dịch đó chỉ dừng lại ở mức độ góp vốn kinh doanh hay đầu tư tài chính dài hạn. Việc mua lại cổ phần của công ty khác không nhằm để giành quyền kiểm soát của công ty, mà chỉ là nắm vốn lẫn nhau (đầu tư chéo) để có sự liên kết chặt chẽ hơn so với hình thức liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp. Chẳng hạn như: Citigroup Global Market LTD mua 414.120 cổ phiếu tương đương 5,18% vốn cổ phần của công ty CP Dược Hậu Giang, Vinacapital đầu tư 3 triệu USD, tương đương 30% vốn cổ phần của Phở 24 để giúp Phở 24 mở rộng hệ thống kinh doanh khắp trong và ngoài nước, Indochina Capital đầu tư vào công ty vận tải và thương mại quốc tế ITC, hay công ty chứng khoán ngân hàng Sài Gòn thương tín (SBS) đầu tư vốn vào công ty ITC.
Các vụ M&A đều mang tính thân thiện
Ngoại trừ trường hợp tập đoàn Colgate đã thâu tóm hãng sản xuất kem đánh răng Dạ Lan thì hầu như tất cả các vụ giao dịch M&A trong thời gian qua đều dựa trên tinh thần hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Thị trường chưa có các vụ mua lại mang tính chất thù địch. Trong các giao dịch mua lại doanh nghiệp (mua bán cổ phần) thì đều nhằm hướng đến việc doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước về vốn, kỹ thuật và năng lực quản lý, các doanh nghiệp nước ngoài thu được cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, có thể nói rằng các vụ M&A trên thị trường Việt Nam là theo hướng tích cực, chưa phát hiện thấy quá nhiều những tác động tiêu cực của hoạt động này đến với doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Trong các giao dịch đó dường như phía doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều lợi ích hơn so với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, đó là những gì đang diễn ra trong giai đoạn đầu, còn trong tương lai tất cả phụ thuộc vào chính sách quản lý của nhà nước đối với hoạt động này và bản thân doanh nghiệp khi quyết định thực hiện hoạt động M&A.
Chưa có một thị trường chuyên nghiệp cho hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp
Vấn đề khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là khi muốn bán không biết liên hệ với ai, bán cho ai, khi muốn mua không biết tìm công ty mục tiêu ở đâu. Để khắc phục vấn đề này, hiện nay trên thị trường Việt Nam đã có xuất hiện một số “sàn” giao dịch M&A trên web của các công ty tư vấn về hoạt động M&A như muabancongty.com.vn của Tiger Investment, muabandoanhnghiep.com.vn của JDC, hay ice.com.vn. Tuy nhiên, việc tạo ra các “sàn” giao dịch mua lại, sáp nhập doanh nghiệp thực chất chỉ mang tính cung cấp thông tin về các doanh nghiệp có nhu cầu mua hay bán, tạo cơ hội gặp nhau cho các doanh nghiệp chứ chưa thể thực sự gọi là một sàn giao dịch. Cách thức hoạt động như vậy không phù hợp với đặc tính của hoạt động M&A là “bí mật tuyệt đối”. Theo thông lệ quốc tế các vụ giao dịch M&A thường phải được giữ bí mật cho đến giai đoạn cuối và quá trình giao dịch M&A không đơn giản như phương thức giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán hay các công cụ phái sinh chứng khoán khác, nên việc xây dựng sàn giao dịch không đơn giản. Để xây dựng một thị trường giao dịch M&A chuyên nghiệp không phải là chuyện xây dựng sàn giao dịch mà vấn đề phải có cơ chế để tạo điều kiện cho sự xuất hiện các công ty tư vấn chuyên nghiệp trong hoạt động này.
Tóm lại, trong thời gian vừa qua thị trường mua lại và sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam đã và phát triển nhanh và có những nét đặt trưng riêng của mình. Điểm nổi bật nhất của thị trường M&A Việt Nam, tạo nên sự khác biệt với thị trường M&A trên thế giới đó chính là thị trường M&A mang tính chất thân thiện, các chủ thể khi tham gia vào hoạt động M&A đều nhằm hướng đến lợi ích cho chính bản thân doanh nghiệp mình bên cạnh lợi ích của đối tác. Hầu hết các vụ giao dịch chưa có dấu hiệu tiêu cực. Những điểm khác biệt này của thị trường M&A Việt Nam cần phải được duy trì.
Những lợi ích do hoạt động mua lại, sáp nhập mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam
Về mặt lý thuyết hoạt động M&A có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia vào hoạt động này và nó cũng có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế, nhưng trong điều kiện có sự kiểm soát và giám sát một cách hợp lý đối với hoạt động đó. Trong thời gian đầu xuất hiện tại Việt Nam, hoạt động này có mang lại một số lợi ích cho phía doanh nghiệp, bao gồm:
Đa dạng hóa nguồn vốn huy động cho doanh nghiệp
Để có thể tiếp tục hoạt động và phát triển trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng trở nên gây gắt, các doanh nghiệp trong nước cần phải có đủ năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu đầu tư và phát triển. Yêu cầu về vốn là yêu cầu mấu chốt của các yêu cầu khác. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trong nội bộ nền kinh tế có giới hạn, các doanh nghiệp cần chủ động để huy động nguồn vốn bổ sung. Chính vì thế mà đã xuất hiện nhiều hình thức huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Việc phát hành cổ phần là một hướng giải quyết khá thuận lợi được thông qua thị trường chứng khoán. Số vốn của cổ đông hiện hữu đã cạn kiệt, các nhà đầu tư mới trên thị trường trong nước thì có giới hạn nhất định, như vậy, việc phát hành cổ phiếu trực tiếp cho các doanh nghiệp khác (trong và ngoài nước) là một hình thức huy động vốn bằng cổ phiếu rất nhanh và tiện lợi.
Với đặc điểm hoạt động mua lại doanh nghiệp Việt Nam luôn có sự tham gia của yếu tố nước ngoài, tức là các doanh nghiệp nước ngoài đang hoặc chưa hoạt động tại Việt Nam mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước thì việc bán cổ phiếu phát hành bổ sung cho các đối tác này là góp phần làm tăng nguồn vốn có thể huy động cho doanh nghiệp. Đây là lợi ích hiện nay của hoạt động M&A mang đậm màu sắc của nền kinh tế Việt Nam, một thị trường mới xuất hiện hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Có thể nói rằng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trong nước đang khan hiếm, lãi suất vay các tổ chức tín dụng lại ở mức cao thì đây là một kênh huy động vốn rất tốt cho các doanh nghiệp trong nước. Lợi ích này chỉ có ở Việt Nam và trong giai đoạn hiện nay. Chính vì thế đó cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong nước hiện nay quan tâm đến hoạt động mua lại doanh nghiệp. Đến khi hoạt động M&A phát triển và hoạt động với đúng bản chất thực của nó thì có thể lợi ích này sẽ không còn nữa.
Khai thác được những lợi thế lẫn nhau
Hầu hết các giao dịch mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam trong thời gian qua đều mang tính thân thiện và dựa trên tinh thần hợp tác giữa hai bên đối tác. Sự hỗ trợ lẫn nhau để khai thác những lợi thế của nhau cùng phát triển là điểm thành công của hoạt động M&A ở thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Nhưng trong đó thường là sự khai thác lợi thế giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp trong nước lợi thế mà họ có thể nhận được từ các đối tác nước ngoài đó là công nghệ, tính hiện đại trong công tác quản lý, tiếp thị mở rộng thị trường, sản phẩm, tính chuyên nghiệp trong việc khai thác và cung cấp các dịch vụ hiện đại, lợi thế về năng lực tài chính lớn,… Đổi lại doanh nghiệp trong nước chấp nhận sự tham gia của phía nước ngoài vào việc chia lợi nhuận kinh doanh trên một thị trường mới phát triển và phát triển với tốc độ khá nhanh. Đây là đều mà các doanh nghiệp nước ngoài rất mong muốn có được.
Điển hình cho sự khai thác lợi thế của nhau trong các thương vụ giao dịch M&A ở Việt Nam trong thời gian qua như:
Trong vụ HSBC mua cổ phần của Techcombank thì: HSBC đưa một số nhà quản lý có trình độ quốc tế tham gia bộ máy điều hành và một số hoạt động của Techcombank với vai trò tư vấn cao cấp, hỗ trợ Techcombank về công nghệ và kỹ thuật để ngân hàng này trở thành ngân hàng được ưa thích nhất Việt Nam. Mở rộng thị trường kinh doanh tại Việt Nam là điều mà HSBC mong muốn ở thương vụ này.
Tập đoàn Goldan Sachs trong thương vụ mua cổ phần của công ty Diana thì hữa sẽ hỗ trợ Diana trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh ở Việt Nam và nước ngoài, nâng cao công sản xuất hiện tại và mở rộng sản xuất sang các mặt hàng khác. GS nhận lại từ Diana lợi nhuận xứng đáng cho khoản đầu tư của họ thông qua cổ tức và sự gia tăng giá trị cổ phần.
Sacombank bán cổ phần cho ngân hàng ANZ nhằm hướng đến việc tiếp cận với kỹ thuật quản lý và kinh nghiệm thị trường của A
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- TH114.doc