Đề tài Bàn về thuật ngữ nhãn khoa: Mi, mí và thể mi – Nguyễn Duy Tân

Tài liệu Đề tài Bàn về thuật ngữ nhãn khoa: Mi, mí và thể mi – Nguyễn Duy Tân: 97 BÀN VỀ THUẬT NGỮ NHÃN KHOA: MI, MÍ VÀ THỂ MI NGUYỄN DUY TÂN Trong bài này chúng tôi xem xét tiếp đến những từ đã và đang được dùng lẫn lộn với nhau trong việc đặt tên, làm danh từ giải phẫu của mắt, chẳng những đã khiến cho tiếng nhãn khoa không thống nhất trên cả nước mà còn làm sai lệch ngữ nghĩa tiếng Việt. MI HAY MÍ CỦA MẮT? Thực ra, từ mi (mắt) vốn được dùng trong tiếng Việt phổ thông và được lấy làm thuật ngữ ở miền Bắc (trước thống nhất), ứng với gốc Latinh (L): palpebra và gốc Hy Lạp (Hy): blepharon. Từ điển Y Dược Pháp-Việt 1976 [16] ghi: paupière (Lt. palpebra) = mi mắt; palpébral = (thuộc) mi mắt; artère palpébrale = động mạch mi mắt, và blépheroplastie = (thủ thuật) tạo mi. Tuy nhiên ở miền Nam (dưới chế độ cũ), các nhà nhãn khoa lại đề xuất từ mí (mắt) để gọi bộ phận giải phẫu này [4]. Từ đó danh từ mí được áp dụng rộng rãi và lưu truyền đến ngày nay ở phía Nam, không chỉ trong nhãn khoa mà cả giải phẫu học, thậm chí còn ảnh hưởng đ...

pdf9 trang | Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 11/07/2023 | Lượt xem: 283 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Bàn về thuật ngữ nhãn khoa: Mi, mí và thể mi – Nguyễn Duy Tân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
97 BÀN VỀ THUẬT NGỮ NHÃN KHOA: MI, MÍ VÀ THỂ MI NGUYỄN DUY TÂN Trong bài này chúng tôi xem xét tiếp đến những từ đã và đang được dùng lẫn lộn với nhau trong việc đặt tên, làm danh từ giải phẫu của mắt, chẳng những đã khiến cho tiếng nhãn khoa không thống nhất trên cả nước mà còn làm sai lệch ngữ nghĩa tiếng Việt. MI HAY MÍ CỦA MẮT? Thực ra, từ mi (mắt) vốn được dùng trong tiếng Việt phổ thông và được lấy làm thuật ngữ ở miền Bắc (trước thống nhất), ứng với gốc Latinh (L): palpebra và gốc Hy Lạp (Hy): blepharon. Từ điển Y Dược Pháp-Việt 1976 [16] ghi: paupière (Lt. palpebra) = mi mắt; palpébral = (thuộc) mi mắt; artère palpébrale = động mạch mi mắt, và blépheroplastie = (thủ thuật) tạo mi. Tuy nhiên ở miền Nam (dưới chế độ cũ), các nhà nhãn khoa lại đề xuất từ mí (mắt) để gọi bộ phận giải phẫu này [4]. Từ đó danh từ mí được áp dụng rộng rãi và lưu truyền đến ngày nay ở phía Nam, không chỉ trong nhãn khoa mà cả giải phẫu học, thậm chí còn ảnh hưởng đến vài người ở Bắc [8,14]. Có lẽ các tác giả đầu tiên đã nghĩ rằng từ mí này phù hợp với tiếng dân gian ở đây hơn. Nhưng tiếc rằng thực tế không phải như vậy, nếu xem xét ngữ nghĩa đích thực của từng từ: mi và mí.  Mi Từ điển Tiếng Việt 2000 [27] cũng như Đại từ điển Tiếng Việt [28] đều giải nghĩa mi là: 1. Mảng da bảo vệ mắt, cử động được, khép mở tự nhiên. (Thí dụ) Khép mi mắt. Mi sưng húp vì thiếu ngủ [đáng lẽ nói “vì khóc nhiều” thì “lâm sàng” hơn. NDT.] 2. Lông mi (nói tắt). (Td) Hàng mi cong. 4. Diễn đàn 98 Ứng dụng từ mi vào thuật ngữ y học, làm danh từ giải phẫu để gọi phần phụ cận đó của mắt là chính xác và hoàn toàn phù hợp với ngữ nghĩa của tiếng Việt phổ thông. Về mặt giải phẫu học, từ mi cũng không có nghĩa nào khác. Nhưng có một chữ Hán, đọc theo âm Hán-Việt là “mi”, có nghĩa: lông mày. Từ này chỉ gặp trong văn học cổ, luôn luôn trong dạng thành ngữ, như nga mi: lông mày (dài và cong) như râu con (bướm) ngài; liễu mi: lông mày như lá liễu; tu mi: râu (và) lông mày (rậm), chỉ người đàn ông [29,31]. Những thành ngữ gốc Hán ấy đã được Việt hoá hoàn toàn trong văn học nước ta: mày ngài (“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” – Truyện Kiều); mày liễu (“Thấy con mày liễu mặt hoa võ vàng” – Tống Trân- Cúc Hoa); mày râu (“Anh hùng đâu cứ phải mày râu” – Tố Hữu) v.v Cho nên hiện nay chữ “mi” nghĩa Hán không có mặt trong tiếng Việt đương đại (còn người Hoa thì nói là méi – theo phiên âm TQ). Vậy không cần thiết phải tránh nhầm lẫn với chữ mi Việt có định nghĩa như trên, bằng cách thay chữ mi bằng chữ mí.  Mí Còn mí là một từ cũng đã có nghĩa rõ ràng, như được giải trong Từ điển Tiếng Việt 2000 và Đại từ điển Tiếng Việt (sđd): 1. Mí: Nếp gấp của mi mắt. (Td) Mắt một mí. 2. Mí: (phương ngữ) Rìa, bìa, mép ngoài cùng (hoặc) mức, ranh. (Td) Mí làng; gặp nhau ở mí rừng, đứng sát mí nước đợi đò; kéo mí chăn đắp lên cổ. (Nghĩa bóng): chút ít ở phía ngoài: nói mí như vậy người ta cũng hiểu. Với nghĩa 1, “mắt một mí” là một thí dụ điển hình, chứng minh “mí” không phải là cả mi mắt, và từ mí không thay thế được cho mi. Bởi vì, nếu thực sự làm được như vậy (gọi mi là “mí”) thì lời nói phổ thông kia phải ám chỉ một con mắt không bình thường: mỗi mắt bình thường đều có một cặp “mí” (trên và dưới), mắt chỉ có một mí là con mắt mang dị tật bẩm sinh. Trái lại câu dân gian “đôi mắt bồ câu một mí” chính là mô tả nét đẹp đặc trưng của đôi mắt Á đông (ở người phương Tây mi mắt luôn có hai nếp, ta gọi là “mí đôi”). Cho nên trong nước đã có lúc người ta đua nhau đi “cắt mí” để tạo cho mi mắt một nếp thứ hai (giống “đầm”). Vậy mí chỉ là một nếp của da mi, một “mép” da đúng với nghĩa rộng của từ mí (nghĩa 2). Trong nghĩa 2 này, mí chỉ thường dùng tại một số địa phương (phương ngữ). Ngoài các thí dụ của từ điển, ở Nam bộ người ta còn nói “mí chiếu”, “hớt mí” (xén cho bằng) hoặc với nghĩa bóng: “sát mí” (hạn định). Hiện thời đang có một từ khá phổ biến, thường thấy trên báo chí (cả nước) và cũng rất tiêu biểu, là “bật mí” = chỉ hé mở, tiết lộ một chút thôi về một việc đang giữ kín. Như vậy mí luôn luôn có nghĩa gợi ý “ở phía ngoài cùng của một bề mặt”, tương tự như “mé” hay “bờ”, và phù hợp với nếp da của mi mắt (nghĩa 1). 99 Vậy “mí mắt” là gì? Có bạn hỏi: “Trên thực tế nhiều khi nghe người ta cũng nói “mí mắt”, vì sao?” Quả là có như vậy. Tiếng đó có thể lý giải với 3 loại nguyên nhân thực tiễn: có khả năng là do cả ba hợp lại, nhưng có lẽ chủ yếu là nguyên nhân thứ nhất. 1. Nguyên nhân này là hiện tượng nói “méo âm” gọi là “nói trại” (không phải “nói đớt”, tức “nói ngọng”). Theo các từ điển tiếng Việt [27,28] nói trại là “nói trệch sang âm khác gần giống với âm gốc”. Hiện tượng này khá phổ biến ở Nam bộ, thí dụ: (nói, làm) sai thành sái, (viết) thư thành thơ, (lắp, đeo) kính thành kiếng, (mắc) bệnh thành bịnh, (nổi) mụn thành mụt và mi (mắt) thành mí mắt. 2. Nói tắt “mí (của mi) mắt” = mí mắt. Ở đây từ mí vẫn giữ nguyên nghĩa là rìa, mép, hay bờ Vậy mí = bờ (mi mắt) và “mí mắt” chỉ là bờ của mi mắt. Ở Nam bộ lối nói tắt rút ngắn cũng rất phổ biến, còn có kiểu này nữa: anh ấy thành “ảnh” (đã đành), chị ấy thành “chỉ”, cô ấy thành “cổ”, “ổng bả”, (thằng) “chả” (con) “mẻ” v.v Chỉ có cái dấu sắc là không “tắt” được thôi (bác, chú thiếm). Lại có kiểu kết hợp nói trại-nói tắt: không thành “hông”, rồi không có thành “hổng” (như: “Hổng thèm đâu”, “Chịu hổng nổi”). Rút ngắn đến như thế thì bờ mi của mắt thành “mí mắt” cũng không có gì lạ. Còn “lông mí” (ở Nam bộ gọi là “lông nheo”) cũng là nói trại, hoặc nói tắt “lông (ở) mí (của mi mắt)”, và siêu hơn nữa là trụi luôn: “(lông) mí (của mi) mắt” = “mí mắt”, đại diện cho lông mi (xem từ điển [28] tr. 1118). 3. Nói rộng chứ “mí” ra nghĩa “cả mi”. Đây là lối nói miệng, cũng hay gặp ở bệnh nhân (tay chỉ và mi bị sưng hay đỏ, miệng nói “đau ở mí mắt”). Khi co khi giãn, âu cũng là chuyện thường tình. Dù sao, cách nói “mí mắt” chỉ nghe thấy ở một số địa phương và chứng tỏ tính phương ngữ, có khi khẩu ngữ, của từ mí. [Có câu chuyện cũng lý thú là mới đây trên TV có cuộc thi vui: cả người dẫn chương trình lẫn những người được hỏi (gồm cả Nam lẫn Bắc) không một ai nói “mí” mà đều dùng chữ “mi”. Cũng dễ hiểu, vì chữ này được nêu lên ngay trong câu hỏi (“Khi người ta đặt ngón tay lên mi dưới là có ý gì?”). Qua đó có thể thấy, ngôn ngữ văn hoá được phổ biển trên báo, đài còn có tác dụng uốn nắn lại tiếng nói dân gian, huống chi là sách báo chuyên môn. Vậy các bạn nhãn khoa nên một mực dùng chữ mi làm danh từ (tên gọi) cho bộ phận giải phẫu đang xét.] Tóm lại, từ mí trước sau vẫn giữ nguyên cái nghĩa đích thực của nó trong tiếng Việt phổ thông và do đó, không thể được dùng thay cho mi làm thuật ngữ giải phẫu. CÒN “THỂ MI” THÌ SAO? 100 Có thể nói thể mi là một danh từ do lịch sử để lại, lịch sử giải phẫu học con người và riêng của mắt Từ thời cổ đại, người ta đã bước đầu tìm hiểu cơ cấu nội tại của bản thân mình. Vào đầu Công nguyên, nhà y học gốc Hy Lạp Claudius Galenius (CN 131-201) đã tổng kết kiến thức trước đó và phân tích nội dung của nhãn cầu. Nhận thấy trên dải mô đen một mảng dày có nhiều nếp nhô ra “giống như lông mi”, nên đặt cho bộ phận đó là corpus ciliare (“thể dạng lông mi”). Về sau, trải qua bấy nhiêu thế kỷ kể cả thời kỳ cực thịnh của y học Arập, giải phẫu mắt ngày càng tiến tới đi sâu vào chi tiết nhưng các danh từ nguyên thuỷ do Galen đặt ra vẫn được bảo tồn và truyền lại cho tới ngày nay, và trong nhãn khoa hiện đại, các nước đều chuyển ngữ các từ này sang tiếng dân tộc của mình. Hiện thời, một số lớn các thuật ngữ giải phẫu ấy, tuy chỉ có tính mô tả và có ý nghĩa không sát với thực chất, nhưng vẫn được coi như những từ quy ước, có thể nói là những “ký hiệu” sinh ra từ ký ức. Trong đó có corpus ciliare (xem Nomina Anatomica, xb. lần 6, 1989). Từ Latinh này gồm corpus (thể) và ciliare/ciliaris, tính từ của cilium, số nhiều cilia (lông, kể cả lông mi). Sang tiếng Anh (A) là ciliary body, Pháp (P): corps ciliaire. Tiếng Việt: nghĩa “thể dạng lông mi” được hoà đúc lại thành từ thể mi. Ở đây rõ ràng không dùng được “mi thể” [4] theo cú pháp ngược của Hán ngữ vì mi sẽ mang nghĩa Hán (lông mày); hơn nữa trong tiếng Hoa hiện đại đã có từ tương ứng: jié zhuàng ti, âm Hán-Việt là “tiệp trạng thể” với tiệp = lông mi [26,29,30]. Bởi vậy, tính từ (A) ciliary hay (P) ciliaire đều có 2 nghĩa: 1. thuộc về lông mi. 2. thuộc về thể mi. Còn trong tiếng Việt, cấu tạo của thể mi là một từ ghép do thể và mi hợp thành, và “mi” chỉ là một thành tố ghép vào “thể” để tạo từ thể mi, một từ ghép hình thành bằng cách “hoà đúc” (fusion) thu gọn cụm từ tự do “thể dạng lông mi”. Vậy khi chữ “mi” tách ra đơn lập thì không có nghĩa là lông mi, cũng không còn nghĩa thể mi, nên không được coi là tương ứng với ciliary/ciliaire trong ngoại ngữ. [Ở đây chúng ta cần xác định lại vài quy tắc về tạo từ, làm thuật ngữ [32,33,34,35]: Trong bài trước, chúng tôi đã gọi thể kính, thể (thuỷ) tinh là “từ kép” cho dễ hình dung có 2 thành tố kết hợp. Thực chất đó là loại từ ghép có tiêu chuẩn nhất định: Từ ghép là một kết cấu tồn tại vững chắc, gồm những thành tố không được tách ra một cách tự do mà phải gắn bó chặt chẽ với nhau trong một đơn vị cố định và bất biến về ngữ âm, ngữ nghĩa. Nói cách khác, từ ghép “có tính định hình hoàn chỉnh”. Thể mi cũng như thể tinh, thể kính là từ ghép với tư cách như vậy. 101 Khi ghép từ để làm thuật ngữ, tạo từ mới hoặc từ có liên quan, còn phải tuân thủ một quy định về nguyên tắc (do Uỷ ban Khoa học Nhà nước đề ra năm 1959) là thuật ngữ phải có tính chính xác, tức là “nói đúng với khái niệm khoa học mà nó đại diện, không lầm với khái niệm khác; nó phải hình dung khái niệm ở thể động, tức là phải đặt trong câu viết hay nói (hoặc) trong các từ ghép mà nó là bộ phận xem nó có thay đổi không” [32] (chúng tôi viết nghiêng).] Ứng vào thực tế, khi từ ghép thể mi bị xé ra làm đôi thì bản thân nó (“thể mi”) không còn nữa, và mỗi chữ đơn lẻ (“thể”/”mi”) lấy lại nghĩa riêng của từng từ. Khi một chữ “thể” hoặc “mi” được ghép với một từ khác thì nó không còn liên quan gì với “thể mi” nữa (mà sẽ bổ nghĩa cho từ ghép mới). Thí dụ, chữ “mi” ghép với “sụn” hay “cơ”, “kết mạc” thì sụn mi có nghĩa: sụn (của) mi, và cơ vòng mi, kết mạc mi = cơ vòng (tại) mi, kết mạc (thuộc) mi, và chỉ có mi mà thôi, chứ làm sao liên hệ được với nghĩa “thể mi”. Cũng như vậy với bất kỳ từ nào khác, như động mạch, thần kinh, tuyến v.v nếu chỉ thuộc về mi mắt. Còn đến khi, cũng các yếu tố đó mà thuộc thể mi thì không được chỉ dùng một chữ “mi” đơn độc, vì nó sẽ làm sai lạc ngữ nghĩa xác định vị thế giải phẫu chức năng, mà phải dùng cả từ “thể mi” làm định ngữ mới giữ được nguyên nghĩa của thể mi. Vậy mà trong một số không ít sách nhãn khoa và giải phẫu, các tác giả đã “vô tình” mắc phải sai lầm đáng tiếc đó (cũng có tác giả chú ý dùng “mí” thay cho “mi” đặng lấy “mi” dùng cho “thể mi”, gây ra một “phản ứng dây chuyền” làm sai nghĩa đích thực của cả 3 từ). Dưới đây trích dẫn nhiều “ca” lạc nghĩa như vậy: Từ một gốc (L) corpus ciliare, (A) ciliary body, (P) corps ciliaire, (V) thể mi, có:  corona ciliaris (ciliary crown, couronne ciliaire) = vòng mi [4].  orbiculus ciliaris (ciliary ring; anneau ciliaire) = phần cơ mi [6], vòng mi [17] [Đây là phần phẳng nhẵn (pars plana) của thể mi nhìn trên mặt trục, gọi là vành nhẵn thể mi. Còn phần nếp gấp, nằm ở phía trước (pars plicata) tạo thành corona ciliaris (x.trên) = vành nếp thể mi.]  processus ciliares (ciliary processes; procès ciliaires) = nếp mi, tua mi [3,4,5,6], mõm mi [8], lồi mi [17].  musculus ciliaris (ciliary muscle; muscle ciliaire) = cơ mi [4,5,9,16,17].  zonula ciliaris (ciliary/lens zonule; zonule de Zinn) = dây chằng vùng mi [8], sợi vòng mõm mi [10], đai mi [14] (xem bài 1).  arteriae ciliares posteriores breves/longae (shot/long posterior ciliary arteries; artères ciliaires courtes/longues postérieures) = động mạch mi ngắn/dài sau [3,4,5,6,14]. 102  arteriae ciliares anteriores (anterior ciliary arteries; artères ciliaires antérieues) = động mạch mi trước [3,4,5,6,14].  arteria cilio-retinalis (cilio-retinal artery; artère cilio-rétinienne) = động mạch mi-võng mạc [3,4,5,6].  nervus naso-ciliaris (naso-ciliary nerve; nerf naso-ciliaire) = (dây) thần kinh mũi-mi [3,4,5,6,8,14].  ganglion ciliare (ciliary ganglion; ganglion ciliaire) = hạch mi [3,4,5,6,8,14].  nervi ciliares breves/longi (shot/long ciliary nerves; nerfs ciliaires courts/longs) = (dây) thần kinh mi ngắn/dài [3,4,5,6,8,14]. vân vân (chúng tôi viết nghiêng). Thật chẳng khác nào lấy “râu” của thể mi cắm vào “cằm” của mi. Và “cực kỳ” hơn hết là, có một người cứ liên tục viết xen lẫn hai từ mi và thể mi trong một câu, cùng một đoạn (chương sách) nói về thể mi, thậm chí tại các mục từ liên tiếp cùng một gốc ciliary (từ điển song ngữ) như sau: (1) Trong sách Giải phẫu Mắt ứng dụng lâm sàng, “tái bản lần thứ nhất có sửa chữa” 1996 [3]: (trang 76) “phần sau lá trên thể mi có chứa các động mạch mi dài và các dây thần kinh mi.”; (trang 78) “các động mạch chủ yếu của vùng thể mi đều phát xuất từ vòng động mạch lớn của mống mắt, nhận máu từ: - hai động mạch mi dài sau (và) – các động mạch mi trước”; (trang 79) “đám rối thần kinh thể mi () được hợp thành từ: - các dây thần kinh mi dài đi theo các động mạch mi dài sau (và) – các dây thần kinh mi ngắn: rất nhiều, xuất phát từ hạch mi đi đến nhãn cầu” (chúng tôi viết nghiêng). (2) Trong Từ điển Nhãn khoa Anh-Việt, 1997 [5]: (tr. 67, 68) cilia = lông mi; ciliary arteries = các động mạch mi; ciliary body = thể mi; ciliary flush = đỏ vùng thể mi; ciliary ganglion = hạch mi; ciliary muscle = cơ mi; ciliary nerves = các dây thần kinh mi. X. (tr.191) naso-ciliary nerve = dây thần kinh mũi-mi; ciliary processes = các tua mi; X. (tr. 209) pars plicata ciliaris = phần thể mi phía trước (có nhiều tua mi); ciliary spasm = co thắt thể mi; cilio-retinal artery = động mạch mi-võng mạc; cilio- spinal reflex = phản xạ mi-gai sống (chúng tôi viết nghiêng). Chỉ có ciliary epithelium là “thoát hiểm” nhờ vắng mặt. Chẳng lẽ người (duy nhất) đứng tên tái bản sách [3] và cũng là đồng tác giả (chính) của từ điển [5] lại không đủ ý thức để phân biệt 2 đơn vị giải phẫu-sinh lý quen thuộc này, hay quá thiếu hiểu biết về ngôn ngữ, từ nguyên (cả tiếng Việt lẫn ngoại ngữ?) Nói “chẳng lẽ” nhưng chắc là có lẽ. Song đó chẳng qua chỉ là một cá nhân. Điều quan trọng hơn nhiều là, anh chị em chúng ta trong cả nước nhất định phải tránh khỏi vết chân trên đường mòn cũ, quyết tâm đưa các thế hệ mai sau lên con đường lớn, rộng rãi và sáng tỏ hơn. 103 KẾT LUẬN Qua giải trình này, chúng ta có dịp xem lại mấy quy tắc về tạo từ, dụng ngữ cần được tuân thủ nghiêm túc khi làm và dùng thuật ngữ y học. Bây giờ có thể khẳng định: 1. Mi, mí và thể mi là 3 từ độc lập, mỗi từ có một nghĩa riêng không thể dùng lẫn lộn trong ngôn ngữ khoa học. 2. “Mí” là một từ dân gian, thường dùng tại một số địa phương (phương ngữ) và cũng là một dạng nói trại, nói tắt hay nói rộng (khẩu ngữ). Mí vẫn là tiếng thuần Việt thông thường, nhưng vì tính chất phương ngữ hay khẩu ngữ nên không dùng làm thuật ngữ khoa học được, và không đồng nghĩa với từ mi. 3. Mi và thể mi đã được dùng phổ biến làm danh từ giải phẫu, chỉ định hai bộ phận đặc thù của mắt. Đặc biệt, thể mi là một từ ghép cố định, không thể chia cắt. Nó phải được dùng trong nguyên thể để giữ nguyên nghĩa, nhất là khi làm định ngữ cho một danh từ khác thuộc về thể mi. Còn mi đơn lập thì chỉ là đôi mi của mắt với tất cả những gì đích thực thuộc về mi mắt. Cuối cùng, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các bạn nhãn khoa (còn trẻ) đang tham gia công tác đào tạo (giảng dạy, viết sách giáo khoa) hãy tích cực chỉnh lý từ ngữ trong mọi giáo trình để từ nay truyền đạt đúng đắn các thuật ngữ này. Di sản thuật ngữ mà chúng ta đang kế thừa từ quá khứ cần phải được giữ gìn cẩn trọng, có gạn lọc và tu bổ không ngừng. Rồi đây các thế hệ tương lai sẽ còn tiếp tục gạn đục khơi trong, sao cho từ ngữ nhãn khoa ngày càng hoàn chỉnh, tiếng nhãn khoa càng tinh lọc và trong sáng. Đó là sự tiến hoá, không phải tự nhiên. Kỳ sau: Màng bồ đào, màng nho, hắc mạc, mạch mạc TÀI LIỆU THAM KHẢO: Nhãn khoa: 1. Nhãn khoa toát yếu (Nguyễn Xuân Nguyên), Nxb Giáo dục Hà Nội 1960. 2. Nhãn khoa, 2 tập (Viện Mắt), Nxb Y học-Thể dục Thể thao, Hà Nội 1971- 72. 3. Giải phẫu Mắt và Sinh lý thị giác (Nguyễn Xuân Nguyên và cs.), Nxb Y học, Hà Nội 1974; Phan Dẫn tái bản 1996. 104 4. Danh từ Nhãn khoa (Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Quốc Thảo, Trịnh Cường), trong Tập san Nhãn khoa số 3, 4, 5, Sài Gòn 1972-73-74 (báo của “Hội NK- Nghiệp đoàn Bác sĩ tư VN"). 5. Từ điển Nhãn khoa Anh-Việt (Tôn Thị Kim Thanh, Phan Dẫn và cs.), Nxb Y học, Hà Nội 1997. 6. Từ điển Nhãn khoa Pháp-Việt (Tôn Thị Kim Thanh, Phan Dẫn và cs.), Nxb Y học, Hà Nội 1999. Giải phẫu học: 7. Giải phẫu Người (Trịnh Văn Minh và cs.), Nxb Y học, Hà Nội 1998. 8. Bài giảng Giải phẫu học (Nguyễn Quang Quyền). Trường Đại học Y Dược TP.HCM tái bản, Nxb Y học 1999. 9. Giải phẫu Người (Nguyễn Văn Yên). Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 2002. 10. Atlas Giải phẫu Người (Nguyễn Quang Quyền dịch Netter FH., Colacino S.), Nxb Y học, Hà Nội 1999. 11. Atlas Giải phẫu Người (Ngô Trí Hùng, Lê Văn Cường và cs. dịch Olson TR.), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 1999. 12. Atlas Giải phẫu Người (Khương Tấn Phát dịch Trevor Weston), Nxb TP.HCM 2002. 13. Atlas Giải phẫu Người (Vũ Đức Mối dịch Mc Minn), Học viện Quân y, Nxb TP.HCM 2001. 14. Từ điển Danh từ Giải phẫu Quốc tế Việt hoá (Trịnh Văn Minh), Nxb Y học, Hà Nội 1999. Từ điển y học, khoa học: 15. Danh từ Y học (Phạm Khắc Quảng, Lê Khắc Thiền, Hà Nội 1945) Nxb Minh Tân, Paris 1950. 16. Từ điển Y Dược Pháp-Việt (Bộ Y tế, Hoàng Đình Cầu chủ biên), Nxb Y học, Hà Nội 1976. 17. Từ điển Y học Anh-Việt (Phạm Ngọc Trí), Nxb Y học, Tp.HCM 1997. 18. Danh từ khoa học, tập 1: Toán, Cơ, Lý, Hoá (Hoàng Xuân Hãn 1944), Nxb Minh Tân in lại, Paris 1950. 19. Danh từ khoa học, tập 2: Vạn vật học (Đào Văn Tiến 1945), Nxb Minh Tân in lại, Paris 1950. 20. Từ điển thuật ngữ Y học Pháp-Việt (Lê Văn Tri dịch Garnier, Delamare), Nxb Y học, Hà Nội 1994. 21. Từ điển Sinh học Anh-Việt và Việt-Anh (Ban Từ điển Nxb Khoa học Kỹ thuật), Hà Nội 1997. 22. Từ điển giải thích Thuật ngữ khoa học Anh-Anh-Việt (Đỗ Duy Việt, Hoàng Hữu Hoà) Viện Kinh tế, Nxb Thống kê, TP.HCM 1998. 105 23. Dorland’s Illustrated Medical Dictionary, 28th edition, Saunders Co, Philadenphia 1994. 24. Thésaurus Ophtalmologique (J.J Coulon), Edit. ERA, Nantes 1996. 25. Dictionnaire des Termes techniques de Mðdecine (Garnier M., Delamare V.), Maloine, Paris 1952. 26. Yăn ke xué (Nhãn khoa học). Nxb Vệ sinh Nhân dân, Bắc Kinh 1996. Ngôn ngữ: 27. Từ điển tiếng Việt 2000 (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên), Trung tâm từ điển học xb., Hà Nội 2000. 28. Đại từ điển tiếng Việt (Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Nguyễn Như ý chủ biên), Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội 1998. 29. Hán-Việt Từ điển (Đào Duy Anh), Nxb Trường Thi, Sài Gòn 1957. 30. Từ điển Hán-Việt hiện đại (Nguyễn Kim Thản) Nxb Thế giới, Hà Nội 1996. 31. Tầm nguyên từ điển (Bửu Kế), Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1993. 32. Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại (Nguyễn Văn Tu), Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1976. 33. Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Văn Hành chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998. 34. Ngữ pháp tiếng Việt (Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2002. 35. Tiếng Việt hiện đại (Nguyễn Hữu Quỳnh), Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam xb., Hà Nội 1994. 36. Tiếng Việt: Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa (Cao Xuân Hạo), Nxb Giáo dục, Hà Nội 1998.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfde_tai_ban_ve_thuat_ngu_nhan_khoa_mi_mi_va_the_mi_nguyen_duy.pdf
Tài liệu liên quan