Đề tài Bàn về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp

Tài liệu Đề tài Bàn về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp: Lời cảm ơn Qua thời gian thực hiện Khoá luận tốt nghiệp với đề tài "Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp", đối với em đây là một đề tài tương đối mới mẻ nhưng được sự giúp đỡ tận tình trong suốt quá trình học tập cũng như trong thời gian thực hiện Khóa luận tốt nghiệp em đã hoàn thành Khoá luận đúng với thời hạn quy định. Vì thời gian có hạn cộng với kinh nghiệm thực tế còn ít trong quá trình thực hiện Khoá luận không tránh khỏi những thiếu sót nên Khoá luận của em còn tồn tại một số nhược điểm chưa hợp lý. Em rất mong được sự góp ý của các thầy cô giáo cũng như các bạn bè để Khoá luận của em hoàn thiện hơn. Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ các thầy cô giáo, nhất là thầy giáo hướng dẫn - TS. Phạm Duy Liên đã giúp đỡ em trong suốt thời gian thực hiện Khoá luận tốt nghiệp. Sinh viên thực hiện Trần Thị Ngọc Thu Danh mục từ viết tắt AFFA ASEAN Federation of Forwarders Association Liên đoàn Hiệp hội Giao nhận ASEAN ...

doc87 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 994 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Đề tài Bàn về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời cảm ơn Qua thời gian thực hiện Khoá luận tốt nghiệp với đề tài "Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp", đối với em đây là một đề tài tương đối mới mẻ nhưng được sự giúp đỡ tận tình trong suốt quá trình học tập cũng như trong thời gian thực hiện Khóa luận tốt nghiệp em đã hoàn thành Khoá luận đúng với thời hạn quy định. Vì thời gian có hạn cộng với kinh nghiệm thực tế còn ít trong quá trình thực hiện Khoá luận không tránh khỏi những thiếu sót nên Khoá luận của em còn tồn tại một số nhược điểm chưa hợp lý. Em rất mong được sự góp ý của các thầy cô giáo cũng như các bạn bè để Khoá luận của em hoàn thiện hơn. Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ các thầy cô giáo, nhất là thầy giáo hướng dẫn - TS. Phạm Duy Liên đã giúp đỡ em trong suốt thời gian thực hiện Khoá luận tốt nghiệp. Sinh viên thực hiện Trần Thị Ngọc Thu Danh mục từ viết tắt AFFA ASEAN Federation of Forwarders Association Liên đoàn Hiệp hội Giao nhận ASEAN ASEAN Asociation of South East Asia Nations Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam á B/L Bill of Lading Vận đơn C/P Charter Party Hợp đồng thuê tàu chuyến COR Cargo Outturn Report Biên bản hàng đổ vỡ hư hỏng CSC Certificate of Shortlanded Cargo Giấy chứng nhận hàng thiếu ESCAP Economic and Social Commission for Asia and the Pacific Uỷ ban Kinh tế và Xã hội Châu á Thái Bình Dương FBL FIATA Combined Transport Bill of Lading Vận tải đơn đa phương thức của FIATA FCL Full Container Load Hàng nguyên FIATA International Federation of Freight Forwarders Associations Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận IATA International Air Transport Association Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ICAO International Civil Aviation Organization Tổ chức Vận tải hàng không Dân dụng Quốc tế LCL Less Container Load Hàng lẻ LIFFA Lao International Freight Forwarders Association Hiệp hội Giao nhận Quốc tế Lào MTO Multimodal Transport Operator Người kinh doanh vận tải đa phương thức NVOCC Non Vessel Operating Common Carrier Người vận tải công cộng không tàu ROROC Report on Receipt of Cargo Biên bản kết toán nhận hàng với tàu SDR Special Drawing Right Quyền rút vốn đặc biệt (đơn vị tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) TTClub Through Transport Mutual Insurance Association Limited Hội bảo hiểm trách nhiệm tương hỗ vận tải đi suốt UNDP United Nations Development Programme Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc VIETRANS Vietnam National Foreign Trade Forwading And Warehousing Corporation Tổng công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương VIFFAS Vietnam Freight Forwarders Association Hiệp hội Giao nhận Việt Nam WTO World Trade Organization Tổ chức Thương mại Thế giới Mục lục Trang Lời nói đầu 1 Chương i. giới thiệu chung về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 3 I. Khái niệm về giao nhận và người giao nhận 3 1. Định nghĩa giao nhận và người giao nhận 3 2. Phạm vi các dịch vụ giao nhận 5 3. Vai trò của người giao nhận 6 II. Sự cần thiết phải phát triển loại hình bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 7 III. Nghĩa vụ và trách nhiệm của người giao nhận 9 1. Với tư cách là đại lý 9 2. Với tư cách là người chuyên chở 12 IV. Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 14 1. Vài nét về Bảo hiểm trách nhiệm 14 2. Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 15 V. Phạm vi bảo hiểm của bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận 20 1. Rủi ro được bảo hiểm 20 2. Rủi ro loại trừ 23 3. Rủi ro hạn chế bảo hiểm 25 4. Giới hạn bảo hiểm 25 VI. Kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về việc bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 26 Chương ii: Thực tiễn hoạt động bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam 30 I. Tình hình hoạt động giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu ở Việt Nam trong những năm gần đây 30 1. Sự phát triển của giao nhận vận tải quốc tế tại Việt Nam 30 2. Tình hình giao nhận hàng hoá tại Việt Nam 35 II. Đánh giá thực trạng hoạt động bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận trong hoạt động xuất nhập khẩu 36 1. Phạm vi áp dụng bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam 36 2. Sự tăng trưởng của hoạt động bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 38 3. Những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân 41 III. Nội dung bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam 44 1. Phạm vi bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận theo Quy tắc của Công ty bảo hiểm Thành phố Hồ Chí Minh (BAOMINH) 44 2. Phạm vi bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận theo Quy tắc của Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam (BAOVIET) 45 IV. Hợp đồng trong bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận 50 1. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận 50 2. Thời hạn bảo hiểm 53 3. Phí bảo hiểm 53 V. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 56 1. Xác định thiệt hại và tổn thất 56 2. Khiếu nại đòi bồi thường 58 3. Hồ sơ khiếu nại 60 VI. Hệ thống pháp luật liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 62 1. Các quy định của Việt Nam về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 62 2. Các quy định quốc tế về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận mà Việt Nam áp dụng 64 Chương III. Các giải pháp phát triển bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam 65 I. Xu hướng phát triển bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận trong thời gian tới 65 II. Các giải pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận trong những năm tới 67 1. Các biện pháp đối với các cơ quan quản lý 67 2. Các giải pháp từ phía các công ty bảo hiểm 70 3. Biện pháp của người giao nhận vận tải 74 Kết luận 78 Tài liệu tham khảo 80 Lời nói đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài: Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra một trong những mục tiêu quan trọng đó là phải tiếp tục đưa đất nước ta thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát huy nội lực của mình, đồng thời thực hiện "chương trình kinh tế đối ngoại" là một chủ trương hoàn toàn đúng và phù hợp với xu thế phát triển của nhiều nước trên thế giới. Kinh doanh trong các lĩnh vực được mở rộng và phát triển với quy mô ngày càng lớn thực sự trở thành một trong những cầu nối vững chắc cho các ngành kinh tế khác phát triển. Giao nhận vận tải, đặc biệt vận tải đa phương thức là một loại hình kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh trong những năm gần đây. Với thực tế ngày nay, người giao nhận không chỉ đóng vai trò đại lý mà còn thực hiện vai trò người chuyên chở dịch vụ vận tải - người chuyên chở. Người giao nhận sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn. Vì vậy, bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận là không thể thiếu được nhằm bảo đảm an toàn trong kinh doanh cũng như để tăng chất lượng và quy mô của của dịch vụ giao nhận ở Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lý luận và thực tiễn về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận vận tải chưa được nghiên cứu kỹ càng ở Việt Nam và việc phát triển loại hình bảo hiểm này tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Với đề tài này, tôi xin đóng góp một số lý luận và giải pháp để phát triển loại hình bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận vận tải ở Việt Nam. 2. Mục đích của việc nghiên cứu Khoá luận: * Làm rõ cơ sở lý luận, ý nghĩa thực tiễn và sự cần thiết của bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận vận tải . * Đưa ra biện pháp để mở rộng và phát triển dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận vận tải. * Đề ra biện pháp giúp người kinh doanh dịch vụ giao nhận xem xét áp dụng trong hoạt động của mình để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng cung cấp dịch vụ của mình. 3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu: * Phạm vi nghiên cứu: Tình hình giao nhận hàng hoá và bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận từ năm 1990 đến nay. * Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động giao nhận và Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận trên thế giới và Việt Nam. 4. Phương pháp nghiên cứu: Khoá luận sử dụng phương pháp duy vật lịch sử và duy vật biện chứng làm phương pháp nghiên cứu cơ bản. Ngoài ra, khoá luận còn kết hợp sử dụng với một số phương pháp khác như phân tích, so sánh, thống kê và diễn giải ... để nghiên cứu và trình bày các vấn đề lý luận và thực tiễn. 5. Nội dung nghiên cứu: * Tên Khoá luận: "Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" * Kết cấu của Khoá luận: Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, Khoá luận bao gồm có ba chương: Chương I: Giới thiệu chung về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận Chương II: Thực tiễn hoạt động bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam Chương III: Các giải pháp phát triển bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam 6. Dự kiến kết quả đạt được: * Khoá luận đưa ra một cái nhìn khái quát về người giao nhận và dịch vụ giao nhận vận tải. * Chỉ ra sự cần thiết phải phát triển Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận. * Phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển loại hình bảo hiểm còn rất mới này ở Việt Nam. Chương I Giới thiệu chung về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận I/ Khái niệm về giao nhận và người giao nhận 1. Định nghĩa giao nhận và người giao nhận Trong mua bán quốc tế, người mua và người bán thường ở những vị trí cách xa nhau. Để có thể vận chuyển hàng hoá từ người bán sang người mua được cần phải thực hiện hàng loạt các công việc liên quan đến quá trình chuyên chở như bao bì, đóng gói, bốc xếp, lưu kho, đưa hàng ra cảng, làm các thủ tục gửi hàng, xếp hàng lên tàu, chuyển tải, dỡ hàng và giao cho người nhận ... Tất cả những công việc đó được gọi là dịch vụ giao nhận. Vậy, giao nhận là những hoạt động nằm trong khâu lưu thông phân phối, thực hiện chức năng đưa sản phẩm từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ cuối cùng. Giao nhận thực chất là việc tổ chức vận chuyển hàng hoá và thực hiện tất cả các công việc liên quan đến vận chuyển hàng hoá đó. Theo "Quy tắc mẫu của Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (International Federation of Freight Forwarders Associations - FIATA) về dịch vụ giao nhận" thì Dịch vụ giao nhận (Freight Forwarding Service) là bất kỳ loại dịch vụ nào liên quan đến vận chuyển, gom hàng, lưu kho, bốc xếp, đóng gói hay phân phối hàng hoá cũng như các dịch vụ tư vấn hay có liên quan đến các dịch vụ trên , kể cả các vấn đề hải quan, tài chính, mua bảo hiểm, thanh toán, thu thập chứng từ liên quan đến hàng hoá. Theo Luật Thương mại Việt Nam thì " Dịch vụ giao nhận hàng hoá là hành vi thương mại, theo đó người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá nhận hàng từ người gửi, tổ chức việc vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm các thủ tục giấy tờ và các dịch vụ khác có liên quan để giao hàng cho người nhận theo sự uỷ thác của chủ hàng, của người vận tải hoặc của người làm dịch vụ giao nhận khác (gọi chung là khách hàng)"[8]. Luật Thương mại xác định rõ nội dung của dịch vụ giao nhận hàng hoá là một nghề gắn bó với mua bán hàng hoá nhưng lại liên quan chặt chẽ với các hoạt động vận tải, bốc xếp, bảo quản... Hiện nay trên thế giới, dịch vụ giao nhận được coi là một nghề kinh doanh dịch vụ, một loại hình dịch vụ tổng hợp cần thiết cho hoạt động thương mại đặc biệt là các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, là một ngành công nghiệp giao nhận (Forwarding Industry) thu hút nhiều sự chú ý của người làm dịch vụ giao nhận. Người kinh doanh dịch vụ giao nhận thì được gọi là Người giao nhận (Forwarder, Freight Forwarder, Forwarder Agent). FIATA định nghĩa về người giao nhận như sau: "Người giao nhận vận tải quốc tế là người lo toan để hàng hoá được chuyên chở theo hợp đồng uỷ thác mà bản thân anh ta không phải là người vận tải. Người giao nhận cũng đảm nhiệm thực hiện mọi công việc liên quan đến hợp đồng giao nhận như bảo quản, lưu kho trung chuyển, làm thủ tục hải quan, kiểm hoá" v.v... [14] Người giao nhận có thể là chủ hàng, chủ tàu, công ty xếp dỡ hay kho hàng, người giao nhận chuyên nghiệp hay bất kỳ một người nào khác có đăng ký kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá. Luật Thương mại Việt Nam định nghĩa về người giao nhận như sau: "Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá là thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá" [8]. Nói tóm lại, Người giao nhận phải có kiến thức rộng rãi về nghiệp vụ Thương mại về Luật pháp (Luật Quốc gia và Quốc tế), về nhiều lĩnh vực liên quan như vận tải, hàng hải, hàng không, ngân hàng, bảo hiểm ... Cùng với sự phát triển của thương mại quốc tế và tiến bộ kỹ thuật trong ngành vận tải mà dịch vụ giao nhận cũng được mở rộng hơn. Người giao nhận ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại vận tải quốc tế. ở các nước khác nhau người giao nhận có tên gọi khác nhau, như: "Người chuyên chở chính"(Principal Carier), "Đại lý hải quan"(Customs House Agent), "Môi giới hải quan"(Customs Broker), "Đại lý gửi hàng và giao nhận"(Shipping and Forwarding Agent), "Đại lý thanh toán"(Clearing Agent)... Tuy nhiên, dù kinh doanh dưới tên gọi nào đi chăng nữa thì họ đều có một tên chung trong giao dịch quốc tế là "Người giao nhận Vận tải Quốc tế"(International Freight Forwarders) cùng kinh doanh các dịch vụ giao nhận. 2. Phạm vi các dịch vụ giao nhận Phạm vi các dịch vụ giao nhận là nội dung cơ bản của dịch vụ giao nhận. Trừ khi bản thân người gửi hàng hay người nhận hàng muốn tự mình tham gia vào bất kỳ khâu thủ tục, chứng từ nào đó, thông thường người giao nhận thay mặt họ lo liệu quá trình vận chuyển hàng hoá qua các cung đoạn cho đến tay người nhận cuối cùng. Người giao nhận có thể làm các dịch vụ một cách trực tiếp hay thông qua đại lý và những người thứ ba khác. Người giao nhận cũng có thể sử dụng đại lý của họ ở nước ngoài. Do đó, phạm vi các dịch vụ của người giao nhận là khá rộng, nó bao gồm các dịch vụ như: - Chuẩn bị hàng hoá sẵn sàng để chuyên chở, - Lựa chọn người vận tải, phương thức vận tải, tuyến đường thích hợp để bảo đảm cho hàng hoá được vận chuyển một cách nhanh chóng, chính xác, an toàn và tiết kiệm, - Thiết lập và thu thập các chứng từ cần thiết cho việc giao nhận theo yêu cầu của khách hàng , - Làm các thủ tục gửi hàng, nhận hàng, - Làm thủ tục hải quan, kiểm nghiệm, kiểm dịch đúng với luật lệ, tập quán từng địa phương tạo thuận lợi cho hàng hoá di chuyển nhanh chóng, - Mua bảo hiểm cho hàng hoá khi được chủ hàng yêu cầu, - Đóng gói hoặc chia lẻ hàng hoá cho phù hợp với bản chất của hàng hoá, tuyến đường, phương thức vận tải và những luật lệ áp dụng nếu có ở nước xuất khẩu, nước quá cảnh và nước nhập khẩu, - Thanh toán, thu đổi ngoại tệ, - Nhận hàng từ người chuyên chở và giao cho người nhận hàng, - Lưu kho và bảo quản hàng hoá, - Thanh toán các loại cước phí, chi phí xếp dỡ, lưu kho, lưu bãi,... - Thông báo tình hình đi và đến của các phương tiện vận tải, - Ghi nhận những tổn thất về hàng hoá nếu có và thông báo tổn thất với người chuyên chở, - Giúp chủ hàng trong việc khiếu nại với người chuyên chở trong trường hợp có tổn thất hàng hoá, - Làm tư vấn cho khách hàng trong việc chuyên chở hàng hoá,... Hiện nay, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ giao nhận hàng hoá thông thường mà còn cung cấp các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu của chủ hàng như vận chuyển máy móc thiết bị cho các công trình xây dựng lớn, vận chuyển quần áo may mặc sẵn treo trên mắc đến thẳng các cửa hàng, hàng quá cảnh, hàng tham gia hội chợ, triển lãm... Đặc biệt, trong những năm gần đây người giao nhận còn cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức đóng vai trò là MTO (Multimodal Transport Operator) và phát hành chứng từ vận tải. 3. Vai trò của người giao nhận Trong xu thế phát triển ngày càng nhanh của vận tải container, vận tải đa phương thức, người giao nhận không chỉ làm đại lý, người nhận uỷ thác mà còn cung cấp các dịch vụ vận tải và đóng vai trò như một Người chuyên chở (Carrier), Người gom hàng (Cargo Consolidator), Người kinh doanh vận tải đa phương thức (Multimodal Transport Operator - MTO): a. Người gom hàng (Cargo Consolidator): ở Châu Âu, người giao nhận từ lâu đã cung cấp dịch vụ gom hàng để phục vụ cho vận tải đường sắt. Đặc biệt trong vận tải hàng hoá bằng container, dịch vụ gom hàng là không thể thiếu được nhằm thu gom hàng lẻ (Less Container Load - LCL) thành hàng nguyên (Full Container Load - FCL), để tận dụng sức chở của container và giảm cước phí vận tải. Khi là người gom hàng, người giao nhận có thể đóng vai trò là người chuyên chở hoặc chỉ là đại lý. b. Đại lý (Agent): Trước đây người giao nhận không đảm nhận trách nhiệm của người chuyên chở. Họ chỉ hoạt động như một cầu nối giữa người gửi hàng và người chuyên chở như là đại lý của người chuyên chở hoặc của người gửi hàng. Người giao nhận uỷ thác từ chủ hàng hoặc từ người chuyên chở để thực hiện các công việc khác nhau như nhận hàng, giao hàng, lập chứng từ, làm thủ tục hải quan, lưu kho, thuê và cho thuê vỏ container, thuê tàu, thuê khoang tàu... trên cơ sở hợp đồng uỷ thác. c. Người chuyên chở (Carrier): Người giao nhận ngày nay còn đóng vai trò là người chuyên chở. Người giao nhận sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng vận tải với chủ hàng và chịu trách nhiệm chuyên chở hàng hoá từ một nơi này đến một nơi khác. d. Người kinh doanh vận tải đa phương thức (MTO): Trong trường hợp người giao nhận cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức có nghĩa là việc vận chuyển hàng hoá được thực hiện bởi ít nhất hai phương thức vận tải từ nơi xếp hàng đến nơi dỡ hàng ở những nước khác nhau hoặc dịch vụ vận tải từ cửa đến cửa (door to door service) thì khi đó với các kỹ thuật nghiệp vụ khác nhau người giao nhận đã đóng vai trò là người kinh doanh vận tải đa phương thức. MTO là người am hiểu về nhiều loại phương tiện vận chuyển, biết áp dụng từng phương thức vận chuyển để tổ chức quá trình vận tải một cách tốt nhất, an toàn nhất và tiết kiệm nhất. MTO cũng là người chuyên chở và phải chịu trách nhiệm đối với hàng hoá và chính vì vậy mà người giao nhận còn được gọi là "Kiến trúc sư của vận tải" (Architect of Transport). II/ Sự cần thiết phải phát triển loại hình bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận Trong quá trình tiến hành giao nhận, người giao nhận phải chịu trách nhiệm đối với những việc làm của mình hoặc người thay mặt mình, khi họ hoạt động với danh nghĩa đại lý, người vận tải hay người tổ chức vận tải đa phương thức. Dù hoạt động với danh nghĩa đại lý hay với tư cách là người kinh doanh vận tải đa phương thức, người giao nhận đều phải chịu trách nhiệm về những hành vi sơ suất của mình. Khi hoạt động với tư cách là người kinh doanh vận tải đa phương thức, người giao nhận không những phải chịu trách nhiệm về hành vi, thiếu sót của mình mà còn phải chịu trách nhiệm về những hành vi, sơ suất hay lỗi lầm của người làm công cho mình hay người mà anh ta sử dụng dịch vụ. Người giao nhận cũng phải chịu trách nhiệm với người thứ ba khi người giao nhận gây thiệt hại cho họ trong quá trình cung cấp dịch vụ. Để đảm bảo khả năng tài chính và sự ổn định trong kinh doanh thì các công ty giao nhận phải mua bảo hiểm trách nhiệm của mình khi ký hợp đồng giao nhận với khách hàng. Hiện nay ở Việt Nam, do hoạt động giao nhận không còn là độc quyền của một số công ty giao nhận nữa, vì thế hàng loạt các công ty giao nhận đã xuất hiện làm cho thị trường giao nhận hết sức nhộn nhịp. Tuy vậy, theo quy định của của FIATA thì chỉ có một số công ty giao nhận có đủ điều kiện tham gia bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận, vì muốn mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận thì hợp đồng giao nhận phải được ký kết phù hợp với tập quán thương mại quốc tế hoặc các điều kiện kinh doanh chuẩn của Hiệp hội giao nhận Việt Nam (VIFFAS). ở Việt Nam, nhiều công ty cung cấp các dịch vụ giao nhận là các công ty giao nhận tư nhân. Thậm chí các công ty kinh doanh các lĩnh vực không liên quan đến giao nhận cũng cung cấp dịch vụ giao nhận, họ không có đủ các điều kiện cần thiết và không có nghiệp vụ giao nhận. Vì vậy, việc ký kết các hợp đồng giao nhận phù hợp với tập quán quốc tế hay điều kiện kinh doanh chuẩn của VIFFAS là điều không thể thực hiện được. Do đó nhiều công ty giao nhận phải tự bảo hiểm cho mình, điều này thường vượt quá khả năng tài chính của họ, hay nói cách khác là các công ty giao nhận không thể tự bảo hiểm cho mình được. Chủ hàng khi ký hợp đồng với người giao nhận, họ không thể yên tâm nếu người giao nhận không mua bảo hiểm trách nhiệm. Bảo hiểm hàng hoá thường không hoàn toàn đảm bảo bồi thường cho người chủ hàng, vì nhiều trường hợp tổn thất về hàng hoá không thuộc phạm vi bảo hiểm của người bảo hiểm hàng hoá. Việc yêu cầu các công ty giao nhận bồi thường tổn thất diễn ra vô cùng phức tạp, khó khăn, nhiều khi tổn thất có thể lại lớn hơn khả năng tài chính của các công ty giao nhận. Do đó, các chủ hàng Việt Nam thường tìm cách tự giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu, gây nên một tình trạng lộn xộn trong giao nhận hàng hoá ở cảng. Nhân viên của các công ty xuất nhập khẩu này thường không có nghiệp vụ giao nhận chuyên nghiệp nên tiến hành giao nhận chậm chạp, không có tổ chức và dễ xảy ra tổn thất và gây nhiều hiện tượng tiêu cực. Do các công ty giao nhận Việt Nam không mua bảo hiểm trách nhiệm nên phần lớn người xuất nhập khẩu nước ngoài thường lựa chọn các công ty giao nhận nước ngoài để uỷ thác việc giao nhận hàng mà không chọn các công ty giao nhận Việt Nam. Các công ty giao nhận Việt Nam mất đi một nguồn thu ngoại tệ đáng kể khi phải nhận lại dịch vụ giao nhận từ các công ty giao nhận nước ngoài thông qua các hợp đồng đại lý.[5] Khi người giao nhận được công nhận là thành viên chính thức của FIATA hoặc là thành viên chính thức của Hiệp hội quốc gia là thành viên của FIATA thì người giao nhận được tự mình phát hành vận tải đơn đa phương thức FBL (FIATA Combined Transport Bill of Lading) và thực hiện vai trò của một người cung cấp chính của dịch vụ vận tải. Để đảm bảo quyền lợi, người giao nhận cần phải bảo hiểm trách nhiệm của mình khi phát hành vận đơn và thực hiện vai trò cũng như chịu trách nhiệm của người chuyên chở. III/ Nghĩa vụ và Trách nhiệm của người giao nhận Người giao nhận dù hoạt động với danh nghĩa là đại lý hay người chuyên chở thì đều phải chịu trách nhiệm về những hành vi sơ suất của mình. 1. Với tư cách là đại lý - Người giao nhận không chịu trách nhiệm về những hành vi hay sơ suất của bên thứ ba ( người chuyên chở, người nhận lại dịch vụ giao nhận...) miễm là chúng minh được mình đã cẩn thận một cách thích đáng khi tiến hành lựa chọn bên thứ ba. - Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, người giao nhận hoặc người làm công của anh ta có thể phạm sai sót hoặc nhầm lẫn ( theo ngôn ngữ bảo hiểm là "lỗi lầm sai sót - errors and omissions" không phải do cố ý hay coi thường nhưng gây ra thiệt hại về tài chính cho khách hàng hoặc gây nên tổn thất về hàng hoá thì người giao nhận phải chịu trách nhiệm. Các trường hợp mà người giao nhận phải chịu trách nhiệm trong phạm vi tự tiến hành bao gồm: + Giao hàng khác với chỉ dẫn của khách của khách hàng như đã thoả thuận trong hợp đồng. Mắc phải những lỗi lầm nghiệp vụ như xếp dỡ không theo chỉ dẫn trên bao bì hàng hoá như tránh mưa, nắng, đổ vỡ... + Quên không mua bảo hiểm cho hàng mặc dù đã có chỉ dẫn của khách hàng có thể vì quên hoặc có thể cố tình không mua vì cho là không quan trọng. Dù bất kỳ lý do gì thì trách nhiệm vẫn thuộc về người giao nhận. Nếu lô hàng bị tổn thất trên đường vận chuyển, không được đền bù vì không mua bảo hiểm, nếu ngân hàng phát hành thư tín dụng bảo hiểm thì lúc này người giao nhận phải chịu trách nhiệm đền bù tất cả những thiệt hại đó cho chủ hàng. + Sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan. + Chở hàng đến sai địa điểm. Một lý do đơn giản là do không quy định cụ thể địa điểm trong hợp đồng vận tải, người vận tải có thể sẽ đưa hàng đến địa điểm khác trong khu vực gây thiệt hại tài chính cho chủ hàng do tốn một khoản chi phí để đưa hàng về đúng địa điểm. Chí phí đó dĩ nhiên là người giao nhận cuối cùng phải gánh chịu do sơ suất của anh ta khi ký kết hợp đồng vận tải. + Giao hàng cho người không phải là người nhận. + Không thực hiện sự cần mẫn hợp lý khi thay mặt khách hàng lựa chọn người chuyên chở, thủ kho hoặc các đại lý khác. + Giao hàng không lấy vận đơn: người giao nhận có trách nhiệm lấy vận đơn từ người vận tải để giao cho chủ hàng và còn phải kiểm tra xem nội dung ghi trong vận đơn đã chính xác chưa, yêu cầu điều chỉnh lại nếu phát hiện có sai sót. Vì một lý do nào đó mà người giao nhận quên không lấy vận đơn, lỗi lầm nghiệp vụ này tương đối nghiêm trọng. Như vậy người nhận hàng không thể nhận được hàng và người bán hàng cũng sẽ không nhận được tiền thanh toán. Điều này, tất yếu dẫn đến thiệt hại về tài chính và thiệt hại đó người giao nhận phải gánh chịu vì đó là lỗi lầm của anh ta. + Giao hàng không lấy các chứng từ liên quan đến hàng hoá. + Tái xuất hàng không tuân theo những thủ tục cần thiết để xin hoàn thuế. + Không thông báo cho người nhận hàng. Sau khi giao hàng lấy chứng từ vận tải gửi cho người nhận hàng, người giao nhận còn phải thông báo cho người nhận hàng về hành trình vận chuyển, dự kiến thời gian dỡ hàng để người nhận hàng có kế hoạch chuẩn bị việc nhận hàng tránh những thiệt hại không cần thiết cho mình và chủ hàng... Nếu người nhận hàng không được báo trước thì rất có thể sẽ phát sinh nhiều chi phí do lưu tàu, lưu kho, giao hàng chậm cho khách hàng nơi đến. Nếu thuộc trách nhiệm của người giao nhận thì anh ta phải chịu một hậu quả mà đôi khi còn lớn hơn nhiều so với tiền công dịch vụ mà anh ta nhận được. + Giao hàng mà không thanh toán được tiền từ người nhận hàng. + Giao hàng không đúng chủ. Thông thường người chuyên chở hoặc đại lý của anh ta giao hàng trên cơ sở vận đơn. Song có những lúc có thể do nhiều người cùng nhận hàng ( đối với hàng lẻ ) hoặc đối với các loại hàng có bao bì giống nhau hoặc gần giống nhau người ta vẫn có thể giao nhầm hàng cho người nhận. Những chi phí đó người giao nhận sẽ phải gánh chịu trước khi anh ta quy lỗi cho một ai đó. + Chịu trách nhiệm về thiệt hại về tài sản và người của người thứ ba mà mình gây ra. 2. Với tư cách là người chuyên chở Người giao nhận chịu trách nhiệm đối với hành vi và sơ suất của mình cũng như người mà mình thuê. Người giao nhận phải chịu trách nhiệm đối với những mất mát, hư hỏng của hàng hoá và chậm giao hàng: đây là trách nhiệm lớn nhất của người giao nhận khi đóng vai trò là người chuyên chở. Khi đóng vai trò người chuyên chở, người giao nhận có thể đóng vai trò là người thầu chuyên chở hay người chuyên chở thực tế. Dù trong trường hợp nào thì người giao nhận cũng phải chịu trách nhiệm về hàng hoá từ nơi nhận hàng để chở đến nơi giao hàng mà quá trình này có thể gồm nhiều phương thức vận tải khác nhau. Trách nhiệm của người chuyên chở gồm ba nội dung cơ bản: - Cơ sở trách nhiệm ( Basic of Liability) - Thời hạn trách nhiệm ( Period of Responsibility) - Giới hạn trách nhiệm ( Limits of Liability) Trách nhiệm của người giao nhận khi đóng vai trò là người chuyên chở đường biển Trách nhiệm của người chuyên chở đường biển đối với hàng hoá được quy định trong các Công ước quốc tế và các Nghị định thư sửa đổi, bổ sung. Hiện nay có ba quy tắc song song tồn tại đồng thời có hiệu lực là: Quy tắc Hague (Hague Rules); Quy tắc Hague - Visby (Hague-Visby Rules) và Quy tắc Hamburg (Hamburg Rules). Trách nhiệm của người chuyên chở đối với hàng hoá theo ba Quy tắc trên là khác nhau và tăng dần từ Quy tắc Hague đến Quy tắc Hamburg. * Cơ sở trách nhiệm: Theo các Quy tắc Hague và Quy tắc Hague - Visby [2] thì người chuyên chở có ba trách nhiệm cơ bản là: - Trước và vào lúc bắt đầu hành trình người chuyên chở phải cần mẫn một cách hợp lý để đảm bảo cho tàu có đủ khả năng đi biển; - Tiến hành một cách cẩn thận và thích hợp việc chất xếp, di chuyển, bảo quản hàng hoá và dỡ hàng; - Cấp vận đơn (B/L). Theo Quy tắc Hamburg, người chuyên chở phải chịu trách nhiệm về mất mát hư hỏng của hàng hoá và chậm giao hàng nếu có sự cố gây ra mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng xảy ra khi hàng hoá còn thuộc trách nhiệm của người chuyên chở trừ khi người chuyên chở chứng minh được rằng anh ta đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn ngừa sự cố xảy ra và hậu quả của nó. Trách nhiệm của người chuyên chở dựa trên nguyên tắc "Lỗi hoặc sơ suất suy đoán" có nghĩa là khi có tổn thất thì suy đoán rằng người chuyên chở có lỗi, muốn thoát lỗi người chuyên chở phải chứng minh là mình không có lỗi. * Thời hạn trách nhiệm của người chuyên chở: Cả hai Quy tắc Hague và Hague-Visby đều quy định: Người chuyên chở chịu trách nhiệm về hàng hoá kể từ khi hàng được xếp lên tàu ở cảng đi cho đến khi hàng được dỡ khỏi tàu tại cảng đến. Tổn thất của hàng hoá trước khi hàng xếp lên tàu và sau khi hàng dỡ khỏi tàu sẽ không được người chuyên chở bồi thường. Quy tắc Hamburg quy định thời hạn trách nhiệm rộng hơn, chủ yếu là thời gian trước khi xếp hàng lên tàu và thời gian sau khi dỡ hàng khỏi tàu. Cụ thể, người chuyên chở chịu trách nhiệm kể từ khi anh ta nhận hàng từ người gửi hàng hoặc từ người thứ ba khác có thẩm quyền tại cảng xếp hàng tiếp tục trong suốt quá trình chuyên chở cho đến khi anh ta giao hàng cho người nhận hàng hoặc đại diện người nhận hàng tại cảng dỡ. * Giới hạn trách nhiệm: - Theo Quy tắc Hague thì người chuyên chở không chịu trách nhiệm về hư hỏng, mất mát của hàng hoá vượt quá 100 bảng Anh (GBP) cho một kiện hàng hay đơn vị đóng hàng trừ khi tính chất và trị giá hàng hoá được người gửi hàng khai trước khi xếp hàng và đã nêu trong vận đơn. - Giới hạn trách nhiệm của người chuyên chở quy định trong Quy tắc Hague-Visby ở mức tiền cao hơn là 30 Fr cho một kg trọng lượng hàng hoá cả bì (tương đương 2SDR - Special Drawing Rights) hoặc 10.000 Fr cho một kiện hoặc một đơn vị (tương đương với 666.67SDR). - Theo Quy tắc Hamburg thì giới hạn trách nhiệm của người chuyên chở đã tăng lên rất nhiều so với hai Quy tắc trên: 835 SDR cho một kiện hay đơn vị chuyên chở hoặc 2,5 SDR cho một kg hàng hoá cả bì bị mất. Đối với các nước không phải là thành viên của IMF hoặc những nước mà luật lệ cấm sử dụng đồng SDR thì có thể tuyên bố tính giới hạn trách nhiệm theo đơn vị tiền tệ (monetary unit - mu) với mức tương ứng là 12.500 mu/kiện hay đơn vị hoặc 37,5 mu/kg hàng hoá cả bì bị mất mát, hư hỏng.[2] IV/ Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 1. Vài nét chung về bảo hiểm trách nhiệm: Có thể định nghĩa về Bảo hiểm như sau:" Bảo hiểm là một sự cam kết bồi thường của người bảo hiểm đối với người được bảo hiểm về những thiệt hại, mất mát của đối tượng bảo hiểm do một rủi ro đã thoả thuận gây ra, với điều kiện người được bảo hiểm đã thuê bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm đó và nộp một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm" [3] Như vậy, Bảo hiểm là một biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để khắc phục hậu quả của rủi ro. Nếu xét theo đối tượng bảo hiểm thì có các loại hình bảo hiểm khác nhau như: Bảo hiểm con người, Bảo hiểm tài sản, Bảo hiểm trách nhiệm... Bảo hiểm trách nhiệm là bảo hiểm những thiệt hại phát sinh từ trách nhiệm của người được bảo hiểm đối với người thứ ba. Đối tượng của bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm. Bên thứ ba có thể là pháp nhân hoặc cá nhân bị thiệt hại về thân thể hoặc tài sản do một tai nạn hay sự cố mà người được bảo hiểm gây ra. Vì vậy, trong quan hệ bảo hiểm trách nhiệm dân sự bên bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bảo hiểm đối với phần trách nhiệm của người được bảo hiểm. Mặt khác giữa bên bảo hiểm, bên được bảo hiểm với người thứ ba không có quan hệ hợp đồng mà giữa họ chỉ có mối quan hệ phụ thuộc phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm giữa bên bảo hiểm với người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Mối quan hệ phụ thuộc giữa người bảo hiểm, người được bảo hiểm với người thứ ba chỉ trong phạm vi thanh toán tiền bảo hiểm. Bên bảo hiểm bồi thường cho bên mua bảo hiểm hoặc trả trực tiếp cho người thứ ba theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm số thiệt hại do bên mua bảo hiểm gây ra cho người thứ ba theo mức đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) gồm có: Bảo hiểm TNDS chủ tàu,Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới, Bảo hiểm TNDS chủ công trình; Bảo hiểm TNDS hàng không, Bảo hiểm TNDS của người giao nhận... 2. Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận: 2.1. Khái niệm: Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận vận tải quốc tế là bảo hiểm những thiệt hại phát sinh từ trách nhiệm của người giao nhận vận tải đối với người thứ ba trong hoạt động giao nhận vận tải Quốc tế của mình. Đó là những trách nhiệm pháp lý đối với những tổn thất và thiệt hại mà họ phải gánh chịu do lỗi lầm, sơ suất về nghiệp vụ không những của bản thân họ và của người làm công cho họ mà cả đối với lỗi của những người mà họ sử dụng làm các dịch vụ để thực hiện hợp đồng với khách hàng của họ. [6] Người giao nhận dù hoạt động với tư cách là đại lý hay người chuyên chở đều phải chịu rách nhiệm về công việc của mình làm. Đặc biệt trong vận tải đa phương thức, người giao nhận đảm nhận việc tổ chức vận tải, thu xếp mọi công việc cần thiết cho hàng đi suốt và giao hàng ở nơi đến. Vì vậy, người giao nhận phải tự mình tính toán lo toan mọi việc không chỉ đơn thuần thi hành chỉ thị của người uỷ thác, họ không những phải chịu trách nhiệm về tổn thất do sai sốt lỗi lầm của bản thân và nhân viên của mình mà còn cả của người thứ ba do họ sử dụng trong dịch vụ. 2.2. Phân loại bảo hiểm trách nhiệm: a/ Bảo hiểm trách nhiệm pháp lý đầy đủ: Người giao nhận hoạt động trên cơ sở điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn đã quy định giới hạn trách nhiệm của mình có quyền hoặc chỉ bảo hiểm trách nhiệm hữu hạn hoặc bảo hiểm trách nhiệm pháp lý đầy đủ. Tuy nhiên, đôi khi toà án có thể bác bỏ các điều khoản trong Điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn vì dựa trên các cơ sở khác cho rằng chúng không hợp lý hoặc không vững chắc cho nên tốt hơn hết là người giao nhận nên bảo hiểm trách nhiệm pháp lý đầy đủ, cho dù phí bảo hiểm sẽ phải cao hơn loại bảo hiểm trách nhiệm hữu hạn. b/ Bảo hiểm trách nhiệm hữu hạn: - Trên cơ sở các điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn quy định giới hạn trách nhiệm của người giao nhận, anh ta có quyền lựa chọn chỉ mua bảo hiểm cho trách nhiệm hữu hạn đó. - Người giao nhận có quyền chấp nhận mức miễm bồi thường cho người bảo hiểm và anh ta phải tự bảo hiểm cho phần tổn thất dưới mức này. Mức miễn bồi thường càng cao phí bảo hiểm càng thấp song có nguy cơ là người giao nhận phải đối mặt với nhiều khiếu nại nhỏ gộp thành những số tiền lớn không được người bảo hiểm bồi thường lại. - Người giao nhận cũng có thể giảm chi phí bảo hiểm hiểm bằng cách hạ thấp giới hạn bảo hiểm của mình. Giới hạn này chỉ hợp lý khi nó căn cứ vào kinh nghiệm về những khiếu nại mà anh ta đã gặp phải song có nguy cơ là anh ta phải chịu tổn thất nặng nề do bị khiếu nại lớn vượt quá giới hạn bảo hiểm trên. c/ Bảo hiểm trách nhiệm tột đỉnh: Theo loại bảo hiểm này, người giao nhận phải chào khách hàng mua bảo hiểm tột đỉnh (Top-up) để bảo vệ trách nhiệm của người giao nhận vượt quá những giới hạn đã nêu ra bằng cách trả thêm cho người bảo hiểm hàng hoá phụ phí bảo hiểm. Mặt dù kiểu bảo hiểm này thuận lợi cho cả người giao nhận và khách hàng song dường như chỉ phổ biến ở những nước Châu Âu. d/ Bảo hiểm gộp: ở một số nước các Hội giao nhận quốc gia thành lập kế hoạch gộp về bảo hiểm trách nhiệm cho các tổ chức thành viên của mình. Hội sẽ thay mặt các tổ chức thành viên để tiến hành mua bảo hiểm trách nhiệm chung cho cả Hiệp hội. Kế hoạch bảo hiểm gộp có một số ưu điểm là: - Tạo điều kiện cho hội thay mặt hội viên của mình thương lượng cước phí bảo hiểm có lợi. - Tạo điều kiện cho hội ban hành một tiêu chuẩn bảo hiểm tối thiểu đối với các hội viên và tổ chức hợp lý hoá chứng từ trên cơ sở bảo hiểm đã được tiêu chuẩn hoá. Bên cạnh đó, loại bảo hiểm này cũng có một số nhược điểm như: - Có thể làm mất các yếu tố tích cực thúc đẩy việc ngăn ngừa rủi ro và hạn chế khiếu nại, dẫn tới việc các hội viên tiết lộ những thông tin có tính chất bí mật của hội và những người cạnh tranh có thể sử dụng chính các thông tin này để chống lại Hội. - Việc áp đặt cả một cơ cấu phí bảo hiểm thống nhất sẽ khiến cho những người điều hành giỏi phải hỗ trợ cho những người điều hành tồi. Do đó nó có thể làm thủ tiêu tác dụng của các yếu tố tích cực thúc đẩy việc ngăn ngừa rủi ro và hạn chế khiếu nại. Là một người giao nhận chúng ta cần nắm vững được tính chất, đặc trưng của các nguồn bảo hiểm và các hình thức bảo hiểm khác nhau, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể mà khách hàng giao phó cùng với tính chất của công việc để từ đó có thể lựa chọn các nguồn bảo hiểm và các hình thức bảo hiểm an toàn và hợp lý cho hoạt động kinh doanh của mình. 2.3. Thị trường bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận Hiện nay người giao nhận vận tải được bảo hiểm trách nhiệm từ một số thị trường như: a/ Thị trường tự do: Là nơi các công ty bảo hiểm thương mại tiến hành cung cấp nhiều loại bảo hiểm khác nhau kể cả bảo hiểm trách nhiệm. Hình thức này không phải công ty bảo hiểm nào cũng có nhưng ở các nước Châu Âu, Mỹ thì chỉ có các công ty bảo hiểm lớn mới có thể đáp ứng được nhu cầu trên. b/ Thị trường bảo hiểm Lloyd's of London: Lloyd's of London bảo hiểm cho các hội viên của mình là các Công ty bảo hiểm, các Công ty này chỉ tham gia bảo hiểm một tỷ lệ rủi ro thông qua một hệ thống tổ chức nghiệp đoàn. Lloyd's of London là Hiệp hội của các nhà bảo hiểm và các nhà môi giới bảo hiểm quan tâm đến việc bảo hiểm các rủi ro trên biển cũng như không ở trên biển. Bản thân Lloyd's of London không tiến hành kinh doanh mà hoạt động như một cơ quan quản lý, xây dựng các quy tắc cho các thành viên và cung cấp sự dàn xếp để giúp đỡ họ trong kinh doanh, mọi hoạt động kinh doanh đều do các thành viên tiến hành hoặc riêng rẽ hoặc thành nhóm gọi là xanhdica và cùng nhay tạo thành một thị trường có sức cạnh tranh lớn.[7] c/ Thị trường bảo hiểm tương hỗ: Là hình thức tự bảo hiểm tập thể của tất cả những người có chung lợi ích (đối với người giao nhận là Hiệp hội những người giao nhận của nước đó). Nếu một người giao nhận là hội viên của Hiệp hội đó, hàng năm phải đóng một khoản lệ phí cho Hội đến lúc nào đó nếu gặp rủi ro Hiệp hội sẽ hỗ trợ kinh phí cho hội viên của mình để giải quyết hậu quả. Hiện nay có Hội bảo hiểm trách nhiệm tương hỗ vận tải đi suốt (Through Transport Mutual Insurance Association Limited) gọi tắt là TTClub được thành lập năm 1968 tại London. TTClub là Hội duy nhất mà trong đó những người vận tải đa phương thức tham gia cùng gánh chịu những rủi ro chung và tái bảo hiểm những rủi ro thông qua sự quản lý khéo léo của Hội. TTClub cấp một số loại hình bảo hiểm như: [16] - Bảo hiểm cho người giao nhận và người vận tải công cộng không tàu (Non Vessel Operating Common Carrier - NVOCC): Bảo hiểm trách nhiệm điều hành kể cả sơ suất về nghiệp vụ và mất mát tổn thất thiết bị. - Bảo hiểm cho người khai thác tàu: Bảo hiểm đối với những mất mát tổn thất về thiết bị và trách nhiệm bên thứ ba. - Bảo hiểm cho người điều hành bãi, cảng: Bảo hiểm đối với trách nhiệm điều hành và những mất mát và tổn thất về thiết bị. - Bảo hiểm cho người cho thuê container: Bảo hiểm những mất mát và tổn thất đối với container đang cho thuê và chi phí tìm kiếm hoặc phục hồi nếu người đi thuê phá sản, mất mát và tổn thất đối với các container đã hết hạn thuê và trách nhiệm của bên thứ ba. TTClub không chỉ bảo hiểm cho người giao nhận vận chuyển hàng hoá bằng đường biển, hàng không mà còn bảo hiểm cho người điều hành vận tải nội địa như vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường sông. d/ Môi giới bảo hiểm: ở nhiều nước trên thế giới, có những người làm môi giới bảo hiểm có chuyên môn về lĩnh vực này. bên cạnh khả năng giao dịch với các công ty bảo hiểm mà còn cung cấp dịch vụ tư vấn cho người giao nhận về phương thức phòng chống tổn thất, hạn chế rủi ro và làm các thủ tục khiếu nại. V/ Phạm vi bảo hiểm của bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận Khi mua bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận sẽ được bảo hiểm đối với các rủi ro trong phạm vi mà anh ta phải gánh chịu trong việc cung cấp trực tiếp hoặc qua người ký hợp đồng phụ các dịch vụ được bảo hiểm của người giao nhận. Nếu người giao nhận là chủ sở hữu hoặc hoặc cho thuê thiết bị để sử dụng trong các dịch vụ được bảo hiểm thì có thể được bảo hiểm theo điều kiện bảo hiểm thiết bị. TTClub đã ban hành Quy tắc về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận vào tháng 1 năm 1989. Quy tắc này quy định phạm vi bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận đối với tổn thất, hư hỏng của hàng hoá và nêu rõ những rủi ro được bảo hiểm bồi thường, những rủi ro loại trừ và rủi ro hạn chế bảo hiểm. [15] 1. Rủi ro được bảo hiểm: a/ Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận đối với khách hàng: Người giao nhận được bảo hiểm về trách nhiệm đối với những rủi ro sau: - Mất mát hoặc hư hỏng vật chất về hàng hoá và tổn thất có tính chất do hậu quả phát sinh từ mất mát hoặc hư hỏng ấy. - Thiệt hại tài chính -"Lỗi lầm và sai sót": bất kỳ thiệt hại tài chính mà khách hàng của người giao nhận phải gánh chịu do phát sinh từ việc người giao nhận không thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ theo hợp đồng của người giao nhận bao gồm việc chậm trễ hoặc giao hàng không theo đúng chỉ dẫn, đình chỉ giao hàng hoặc không giao đủ chứng từ có liên quan về quyền sở hữu. b/ Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận đối với Hải quan: Người giao nhận được bảo hiểm đối với những rủi ro phát sinh do vi phạm quy định xuất nhập khẩu sau: - Trách nhiệm đối với các khoản tiền phạt hoặc các khoản tiền khác do nhà đương cục bắt người giao nhận hoặc bất kỳ người nào khác đại diện cho người giao nhận phải nộp. - Trách nhiệm đối với thuế hải quan, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng hoặc các chi phí tài chính tương tự mà nhà đương cục bắt người giao nhận hoặc người đại diện cho người giao nhận phải nộp. Các khoản đó lẽ ra không phải nộp nếu không vi phạm các quy định xuất nhập khẩu. - Tịch thu tài sản bởi nhà đương cục, bao gồm cả thiết bị được bảo hiểm của người giao nhận (nếu có). c/ Bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận đối với người thứ ba: * Người giao nhận được bảo hiểm về trách nhiệm không theo hợp đồng của người giao nhận đối với: - Mất mát hoặc tổn thất vật chất về tài sản của bên thứ ba và tổn thất có tính chất hậu quả phát sinh từ tổn thất trong hư hỏng ấy. - Người thứ ba chết hoặc thương tật hoặc ốm đau (bao gồm viện phí, chi phí y tế, chi phí chôn cất) đối với bất kỳ bên thứ ba nào và hậu quả của việc đó. * Người giao nhận cũng được bảo hiểm về trách nhiệm theo hợp đồng để bồi thường cho người khác loại trừ người được được bảo hiểm hay người được đồng bảo hiểm về trách nhiệm đối với bên thứ ba mà người đó phải gánh chịu. Người giao nhận phải gánh chịu trách nhiệm ấy một mình do các điểm sau: - Hợp đồng cho thuê thiết bị để sử dụng trong các dịch vụ cần bảo hiểm của người giao nhận. - Người giao nhận cũng được bảo hiểm về trách nhiệm theo hợp đồng của họ đối với người thầu phụ hoặc đối tác liên doanh dịch vụ đối với tổn thất vật chất về tài sản của anh ta, bao gồm cả hậu quả của tổn thất đó nếu phát sinh trách nhiệm trong hợp đồng ký với họ. d/ Bảo hiểm thiết bị: (container, xe rơ moóc, thiết bị bốc dỡ...) Theo Quy tắc bảo hiểm của TTClub thì vấn đề bảo hiểm thiết bị của người giao nhận được nêu ra như sau: - Người giao nhận có thể mua bảo hiểm cho bất kỳ thiết bị nào mà anh ta sử dụng trong các dịch vụ được bảo hiểm của anh ta. - Thiết bị được bảo hiểm cùng với tổng giá trị được bảo ở thời điểm bắt đầu của năm kế toán đều phải được kê khai trong giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm của người giao nhận. Đồng thời không thể giảm giá trị được bảo hiểm của hạng mục thiết bị được bảo hiểm của anh ta trong năm kế toán đó. - Các loại thiết bị được bảo hiểm, số lượng các hạng mục của mỗi loại có liên quan, tổng giá trị được bảo hiểm theo rủi ro vào ngày chỉnh lý phải được ghi trong bản kê khai của người giao nhận. Người giao nhận sẽ được bảo hiểm thiết bị của họ khi gặp các rủi ro sau: - Thiệt hại vật chất hoặc tổn thất đối với thiết bị được bảo hiểm của người giao nhận phát sinh do bất kỳ nguyên nhân bất ngờ nào. - Bất kỳ khoản đóng góp tổn thất chung hoặc chi phí cứu hộ nào phải chịu đối với thiết bị được bảo hiểm của người giao nhận. e/ Các chi phí: * Người giao nhận được bảo hiểm đối với các chi phí điều tra, bào chữa, làm giảm nhẹ khiếu nại, các chi phí mà người giao nhận phải chi ra sau bất kỳ tai nạn nào phát sinh hoặc có thể phát sinh một khiếu nại theo hợp đồng bảo hiểm của người giao nhận trong: - Việc điều tra tai nạn, bảo vệ quyền lợi của người giao nhận liên quan tới sự việc đó, ví dụ như các chi phí luật sư, giám định viên, chuyên gia... - Tránh hoặc giảm thiểu khiếu nại đó. * Các chi phí phụ trội của người giao nhận phải trả thêm trong việc gửi hàng đến đúng địa điểm do việc hàng đã bị gửi sai địa chỉ. * Các chi phí phụ trội người giao nhận phải trả thêm trong việc xử lý hàng hoặc hạng mục thiết bị được bảo hiểm tiếp sau sự cố đối với hàng hoặc thiết bị như vậy. * Các chi phí người giao nhận phải trả đối với việc kiểm dịch, diệt trùng hoặc tẩy uế phát sinh thêm ngoài công việc xử lý bình thường. * Phần đóng góp của hàng hoá trong tổn thất chung và cứu hộ mà người giao nhận phải chịu trách nhiệm và không thể đòi lại được từ khách hàng phần đóng góp đó. [12] 2. Rủi ro loại trừ: a/ Rủi ro loại trừ chung: Cố ý giao hàng không lấy vận đơn hoặc chứng từ sở hữu có thể do thế lực của một người hoặc bảo đảm của ngân hàng. Trong trường hợp này, người giao nhận chỉ còn cách khiếu nại đòi bồi thường với khách hàng chứ không phải với người bảo hiểm. - Phát hành vận đơn hoàn hảo cho hàng đã bị tổn thất hoặc để lùi ngày trên vận đơn khi có thư bảo đảm của người xếp hàng (theo luật của một số nước thư đảm bảo này bị coi là gian trá và không có hiệu lực khiếu nại người gửi hàng hay người bảo đảm). - Cố ý khai sai về loại hàng hoá hoặc khối lượng với chủ tàu: đây là những thủ đoạn gian trá không được người bảo hiểm bồi thường hậu quả. - Không thu được cước phí vận chuyển của khách hàng. Đây là một rủi ro tín dụng mà người giao nhận phải chiụ trừ phi anh ta có bảo hiểm tín dụng hoặc giấy cam kết trả tiền cước phí vận chuyển. b/ Rủi ro loại trừ về trách nhiệm đối với người thứ ba: - Người giao nhận không bao giờ được bảo hiểm theo điều khoản "Trách nhiệm theo hợp đồng" về trách nhiệm bồi thường cho người khác đối với tổn thất, mất mát vật chất phần tài sản do anh ta quản lý hoặc cho thuê. c/ Rủi ro loại trừ đối với thiết bị của người giao nhận: - Người giao nhận không được bảo hiểm về chi phí phục hồi hay sửa chữa những khuyết tật trong thiết kế hoặc chế tạo, những hao mòn thông thường, những hỏng hóc bộ phận cơ hoặc điện. - Người giao nhận cũng không được bảo hiểm đối với những tổn thất không giải thích được, mất tích một cách bí ẩn hoặc mất mát được phát hiện khi kiểm kê, bị phá huỷ hoặc tổn thất do hoặc theo lệnh của bất kỳ nhà đương cục nào, tổn thất vật chất phát sinh do quốc hữu hoá, lệnh trưng dụng hoặc đặc qyuền mua trước. - Người giao nhận còn không được bảo hiểm về bất kỳ rủi ro nào phát sinh làm hư hỏng thiết bị trong thời gian chúng được đem cho người khác thuê, sau khi đã bị trưng dụng hoặc sau khi quyền lợi của người giao nhận đối với tài sản này được chuyển cho người khác. d/ Rủi ro loại trừ về chiến tranh, đình công, bạo động và khủng bố: Người giao nhận được bảo hiểm tổn thất do rủi ro chiến tranh và đình công, bạo động và khủng bố trong trường hợp tổn thất và thiệt hại vật chất của thiết bị được bảo hiểm cũng như bất kỳ khoản đóng góp tổn thất chung hoặc chi phí cứu hộ nào mà thiết bị được bảo hiểm của anh ta phải gánh chịu. Người giao nhận không được bảo hiểm đối với những rủi ro chiến tranh trừ khi ở thời điểm rủi ro phát sinh thiết bị liên quan đang ở trên tàu hoặc máy bay. Ngoài ra cũng không được bảo hiểm rủi ro chiến tranh do: - Nổ có tính chất thù địch của bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào. Nổ ra chiến tranh (dù là tuyên bố hay không) giữa các quốc gia trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (Pháp, Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ). - Bắt giữ, chiếm giữ, kiềm chế, cản trở, sung công hoặc chiếm đoạt bởi hoặc theo lệnh của bất kỳ nhà đương cục nào ở nước người giao nhận. - Trong quá trình toà xét xử thông thường đã không cung cấp khoản bảo lãnh, không trả tiền phạt hay một khoản tài chính nào khác. Riêng với điều khoản bảo hiểm về chiến tranh và đình công, bạo động và khủng bố đối với thiết bị của người giao nhận, người bảo hiểm có thể đơn phương kết thúc hợp đồng bảo hiểm bằng cách gửi cho người giao nhận bản thông báo trong vòng 7 ngày. Việc kết thúc hợp đồng có hiệu lực từ nửa đêm giờ GMT của ngày thứ 7 kể từ ngày gửu thông báo.[15] 3. Rủi ro hạn chế bảo hiểm: Ngoài những rủi ro loại trừ nói trên còn có những trường hợp hạn chế bảo hiểm có thể áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm, đó là: - Những rủi ro hoặc sự cố phát sinh ngoài thời hạn bảo hiểm - Những loại trừ chung khác như những rủi ro về phóng xạ và hạt nhân, tình trạng người được bảo hiểm không trả được nợ và những rủi ro phát sinh từ việc buôn lậu và những hành động cố ý hay lơ là. - Hợp đồng bảo hiểm có thể quy định một giới hạn chung hoặc nhiều giới hạn riêng cho những rủi ro khác nhau thường áp dụng cho từng sự cố song cũng có thể tập hợp sự cố của cả năm. 4. Giới hạn trách nhiệm: a/ Trách nhiệm đối với khách hàng: - Hợp đồng đối với khách hàng: Người giao nhận sẽ được bảo hiểm về trách nhiệm phát sinh mà hợp đồng quy định theo các điều khoản của Công ước quốc tế hoặc Luật quốc gia về vận chuyển, Điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn của Hiệp hội giao nhận quốc gia, của FIATA hoặc một loại hợp đồng mà công ty bảo hiểm chấp nhận. - Thiệt hại tài chính -"Lỗi lầm và sai sót": giới hạn trách nhiệm trong trường hợp này thông thường không quá 50.000 USD cho một tai nạn. Tuy nhiên trên thực tế có thể thoả thuận riêng với công ty bảo hiểm để tăng mức giới hạn nêu trên. Mặt khác công ty bảo hiểm có thể từ chối khiếu nại hoặc cắt giảm mức bảo hiểm nếu họ thấy hành vi hay sai sót dẫn đến không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng là do người giao nhận, đại lý hoặc những người làm công của họ đã gây ra một cách cố ý. - Hoàn thiện không chính xác vận đơn: Người giao nhận không được bảo hiểm đối với mức độ mà trách nhiệm của người giao nhận gặp phải hoặc gia tăng bởi sự kê khai không đúng hoặc sơ suất ghi trên vận đơn hay hợp đồng vận chuyển khác chứng từ giao nhận. - Hàng hoá có giá trị như: vàng thỏi, đá quý, tiền giấy, tiền kim loại, séc du lịch và ngân phiếu, hối phiếu, thẻ tín dụng, trái phiếu, các chứng từ có thể thanh toán được, các loại chứng khoán... thì thường không được bảo hiểm. Tuy nhiên, một số loại hàng hoá có giá trị khác có thể được bảo hiểm như là: thuốc lá, rượu mạnh, vật phẩm bằng kim loại quý, các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ngựa thuần chủng... song tổng giá trị cũng không được vượt quá giới hạn trách nhiệm của bảo hiểm đối với "thiệt hại tài chính" (50.000 USD). b/ Trách nhiệm đối với Hải quan: - Thông thường giới hạn bảo hiểm đối với khiếu nại loại này là không vượt quá 50.000 USD. Tuy nhiên trong các trường hợp có thể thoả thuận với người bảo hiểm để tăng mức giới hạn này lên. - Người bảo hiểm có thể cắt giảm hoặc từ chối khiếu nại nếu họ chứng minh được rằng người giao nhận hoặc người làm công cho họ đã có các hành động cố ý khinh suất vi phạm quy định xuất nhập khẩu. - Đối với hàng hoá có giá trị: cũng như phần trách nhiệm đối với khách hàng trong chừng mực sự vi phạm quy định xuất nhập khẩu có liên quan đến những hàng hoá như vậy. VI/ Kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về việc bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận Ngày nay do sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực ASEAN, ngành giao nhận của các nước này cũng đã có những bước tiến quan trọng. Vận tải đa phương thức và Logistics ngày càng trở lên phổ biến. Năm 1991, Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận ASEAN (AFFA) được thành lập nằm mục đích hỗ trợ các phương pháp để nâng cao chất lượng, trình độ và chuyên môn của người giao nhận trong khu vực. Sự phát triển của giao nhận hàng hoá đã kéo theo sự phát triển của bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận. Các quốc gia có hệ thống cảng biển và ngành giao nhận sớm phát triển như Singapore, Thái Lan, v.v... thì loại hình bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận cũng có cơ hội phát triển sớm và mạnh hơn các quốc gia khác trong khu vực. Trong khu vực Đông Nam á thì Singapore là nước có ngành giao nhận phát triển nhất. Chính vị trí địa lý chiến lược đã biến Singapore trở thành trung tâm cho hoạt động vận tải biển ở khu vực Đông Nam á. Trong vài năm trở lại đây, Singapore đã trở thành cảng biển tấp nập nhất thế giới, nếu xét về khối lượng xếp dỡ tại cảng. Singapore là điểm gặp gỡ của 400 tuyến đường biển, liên kết với 700 cảng khác nhau của 130 quốc gia trên toàn thế giới. Cảng Singapore có thể tiến hành xếp dỡ cùng một lúc hơn 800 tàu và là một trong ba cảng biển lớn nhất thế giới (hai cảng biển khác là cảng Rotterdam của Hà Lan và cảng New York của Mỹ). Do đó số lượng các công ty giao nhận lớn trên thế giới tập trung khá nhiều ở Singapore. Điều đó kéo theo nhu cầu về bảo hiểm trách nhiệm của các công ty giao nhận cũng tăng lên không ngừng. Trên thị trường bảo hiểm trách nhiệm của Singapore có hàng nghìn các công ty bảo hiểm lớn nhỏ khác nhau, đặc biệt còn có sự hiện diện của các công ty bảo hiểm lớn trên thế giới như Serra International Inc., Hi-best Air Ocean Inc., Apollo Freight Forwarder Ltd., AGF-CAMAT Ltd.,... Có được sự phát triển này phần lớn là nhờ việc Singapore là một thị trường hấp dẫn với nhiều công ty giao nhận lớn hoạt động nên nhu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm cũng tăng lên, bên cạnh đó không thể không kể đến một môi trường pháp lý lành mạnh, minh bạch, một chính phủ với những chính sách thông thoáng hấp dẫn các công ty bảo hiểm, cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống viễn thông hiện đại... Đó là những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công mà các quốc gia đi sau như Việt Nam cần phải học hỏi. Bên cạnh Singapore thì Thái Lan cũng là một quốc gia trong khu vực có ngành giao nhận và bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận cũng rất phát triển. Nhiều công ty giao nhận đã được hình thành từ rất sớm, điển hình như Sea Trans Express được thành lập từ năm 1988 và hiện nay đã trở thành công ty giao nhận hàng đầu của Thái Lan. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có hệ thống cảng khá phát triển. Cảng Laem Chabang là một cảng lớn và sầm uất. Thái Lan cũng đã thu hút được một số lượng lớn các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận hoạt động kinh doanh trên thị trường bảo hiểm nhờ những chính sách thông thoáng của Chính phủ. Là một nước nằm trong khu vực ASEAN nhưng nền kinh tế vẫn còn lạc hậu nên ngành giao nhận còn khá mới mẻ đối với Lào. Thực tế hiện nay Lào mới chỉ có khoảng 20 công ty có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong ngành giao nhận mặc dù có nhiều các công ty nhỏ không có giấy phép vẫn hoạt động kinh doanh và làm ăn trực tiếp với các công ty giao nhận của Thái Lan. Hiệp hội Giao nhận quốc gia Lào (LIFFA) được thành lập với sự giúp đỡ của Bộ Giao thông vận tải Lào nhưng triên vọng của ngành giao nhận vẫn chưa thực sự sảng sủa. Nguyên nhân có thể là do: các điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn còn đang ở giai đoạn soạn thảo chờ phê duyệt, quyền chuyên chở hàng hoá thì bị hạn chế, phương tiện chuyên chở cũ kỹ lạc hậu, nguồn nhân lực còn yếu kém và các ngân hàng thường không chấp nhận các giấy tờ vận tải giao nhận trong thanh toán. Người giao nhận của Lào phải đợi cho đến khi hàng hoá được xếp tại cảng xuất phát (Bangkok, Laem Chabang, Đà Nẵng) thì mới lấy được vận đơn đường biển cần thiết cho mục đích tín dụng chứng từ. Tuy đã có một số công ty giao nhận lớn trong nước như Lao Freight Forwarder (LFF) và Societe Mixte de Transport (SMT) cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức và hệ thống phâp phối vận chuyển (Logistics) nhưng phần lớn các công ty giao nhận của Lào thường chỉ hoạt động với tư cách làm đại lý (Agent). Vì vậy, các quốc gia có loại hình bảo hiểm trách nhiệm còn khá mới mẻ như Việt Nam hay Lào thì việc học hỏi và rút kinh nghiệm từ những nước sớm phát triển loại hình bảo hiểm này như Singapore và Thái Lan là vô cùng cần thiết. Điều đó sẽ giúp chúng ta thấy được nhứng thuận lợi và khó khăn, điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình để có những chiến lược phát triển phù hợp đối với Bảo hiểm trách nhiệm cuả người giao nhận - một lĩnh vực tuy còn mới mẻ nhưng đầy triển vọng phát triển trong tương lai. chương II thực tiễn Hoạt động bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam i/ tình hình hoạt động giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu ở việt nam trong những năm gần đây 1. Sự phát triển của giao nhận vận tải quốc tế tại Việt Nam Nghề giao nhận của Việt Nam đã hình thành từ lâu. Miền Nam Việt Nam trước ngày giải phóng đã có nhiều công ty giao nhận, phần lớn làm công việc khai quan thuế vận tải đường bộ nhưng manh mún, một số là đại lý của các hãng giao nhận nước ngoài. ở Miền Bắc, từ 1960 các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu tự đảm nhiệm việc tổ chức chuyên chở hàng hoá của mình, vì vậy các công ty xuất nhập khẩu đã thành lập riêng phòng kho vận, chi nhánh xuất nhập khẩu, trạm giao nhận ở các ga liên vận đường sắt ở thời kỳ này hoạt động giao nhận không được chuyên sâu, công việc và thủ tục đơn giản chỉ là trong phạm vi của công ty, lĩnh vực mặt hàng, loại hàng... Sau khi thống nhất đất nước, để tập trung đầu mối quản lý chuyên môn hoá khâu vận tải giao nhận Bộ Ngoại thương nay là bộ Thương mại đã đưa tổ chức giao nhận vào một mối từ Bắc tới Nam là Tổng công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương (VIETRANS). Trong thời kỳ bao cấp, phạm vi dịch vụ giao nhận còn hạn chế, người giao nhận chủ chủ yếu lo giao hàng xuất, nhập hàng nhập tại cảng nước mình và Vietrans là cơ quan duy nhất được phép giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu trên cơ sở uỷ thác của các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, đất nước ta dần chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, hoạt động thương mại được mở rộng, nghề giao nhận do đó mà phát triển khá nhanh, Tổng công ty Giao nhận Kho vận Ngoại thương vì thế mà cũng không còn giữ độc quyền nữa. Các hoạt động giao nhận vì thế cũng được mở rộng, số lượng các công ty giao nhận tăng và trình độ nghề nghiệp được nâng lên nhanh chóng. Đã có nhiều công ty giao nhận của Việt Nam tham gia Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế - FIATA. Tính đến 31/1/1998 Việt Nam đã có 13 công ty giao nhận vận tải được công nhận là thành viên liên kết của FIATA. Đến tháng 7/2000 thì đã có thêm 30 công ty, nâng tổng số công ty giao nhận Việt Nam được công nhận là thành viên liên kết của FIATA lên con số 43 công ty.[13] Có thể kể ra một số công ty có uy tín và kinh nghiệm trong nghề giao nhận hiện nay như: - Mekong Cargo Freight Co., Ltd. - Northern Freight Company - Saigon Ship Channdler Corp _ Saigon-Shipchanco - Shipping Agency/ Marine Services - Sea - Air Freight International SAFI - Sotrans - Tien Phong Trade And Transporting Service Co,. Ltd. - Transforwarding Warehousing Co. - Transport And Chartering Corporation - VIETFRACHT - Vietnam Freight Forwarding Corporation - VINAFCO - Vietnam Tally and Marine Service Company - VITAMAS - Vietnam National Foreign Trade Forwarding And Warehousing Corporation - VIETRANS - VOSA Group of Company So với các nước trên thế giới, ngành giao nhận Việt Nam hiện nay là một ngành hoàn toàn non trẻ. Trên thực tế hiện nay ở nước ta chưa có một cơ quan quản lý thống nhất việc cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra giám sát hoạt động đối với loại hình kinh doanh giao nhận hàng hoá dẫn đến việc có nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá và phát triển dịch vụ tràn lan trên thị trường. Tính đến năm 1997 cả nước có 189 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giao nhận vận tải, trong đó trên 90% các công ty giao nhận mới được thành lập từ năm 1994-1995 trở lại đây. Con số này trong những năm trở lại đây đã không ngừng tăng lên. Đến cuối năm 2002 đã có khoảng 542 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao nhận. [9] Trong đó: - Doanh nghiệp tư nhân : chiếm 13,2%. - Doanh nghiệp nhà nước : chiếm 78,3%. - Doanh nghiệp liên doanh : chiếm 8,5%. Hiệp hội giao nhận Việt Nam - VIFFAS (Vietnam Freight Forwarders Association), với tư cách là tổ chức đại diện cho quyền lợi của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam về lĩnh vực giao nhận kho vận thành lập năm 1994, được kết nạp là thành viên chính thức của FIATA (thay thế VIETRANS) tại đại hội thế giới FIATA tổ chức tháng 9/1994 tại Hamburg, CHLB Đức. Theo số liệu thống kê của văn phòng hiệp hội VIFFAS, từ khi Đại hội thành lập năm 1994 tính đến tháng 3/1998, VIFFAS mới chỉ xét cấp giấy chứng nhận hội viên cho 27 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia Hiệp hội, trong đó có 18 hội viên chính thức và 9 hội viên liên kết đại diện cho các thành phần kinh tế khác nhau đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực giao nhận kho vận. Tính đến đầu năm 2003, VIFFAS đã có 55 hội viên chính thức và 22 hội viên liên kết. So sánh số hội viên của Hiệp hội giao nhận hiện có với số doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ giao nhận vận tải ở Việt Nam hiện nay quả là chiếm tỷ lệ còn thấp khoảng 14%. Nhưng những hội viên của Hiệp hội đã thực sự đóng vai trò chính trong các hoạt động giao nhận vận tải hiện nay của Việt Nam do có bề dày kinh nghiệm có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có cơ sở vật chất kỹ thuật và quan hệ chặt chẽ với mạng lưới đại lý nước ngoài bảo đảm cung cấp các dịch vụ chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh các hoạt động sôi động của các công ty giao nhận trong nước còn có hoạt động của các văn phòng đại diện của các hãng giao nhận vận tải nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tạiViệt Nam cũng tăng nhanh trong các năm từ 1991 mới có 7 văn phòng đại diện được cấp giấy phép hoạt động đến cuối 1997 tại Việt Nam đã có 105 văn phòng đại diện của các hãng giao nhận vận tải nước ngoài được chính thức cấp giấy phép hoạt động tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đến cuối năm 2002 con số này đã lên tới hơn 200 văn phòng [11]. Số lượng văn phòng đại diện gần bằng 2/3 số lượng các công ty giao nhận hiện có ở Việt Nam. Điều đó càng chứng tỏ một điều rằng dịch vụ giao nhận hàng hoá ở Việt Nam đang phát triển mạnh. Trong những năm qua, cùng với những chuyển biến to lớn của nền kinh tế đất nước, các hoạt động giao nhận vận tải quốc tế cũng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh một số công ty có chuyên môn, nghiệp vụ, có cơ sở vật chất kỹ thuật và cung cấp được các dịch vụ giao nhận vận tải bảo đảm chất lượng và uy tín còn có những doanh nghiệp không có chuyên môn, nghiệp vụ, không có kinh nghiệm nghề nghiệp, thiếu các trang thiết bị cần thiết để tiến hành dịch vụ. Thực chất các doanh nghiệp này chỉ hoạt động với danh nghĩa đại lý, thụ động làm theo chỉ dẫn của các đối tác nước ngoài và tìm mọi thủ đoạn trốn thuế, dìm giá... để giành giật khách hàng. Sự có mặt của các văn phòng đại diện của các hãng giao nhận nước ngoài tại Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ các đại lý của họ tại Việt Nam cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo chuẩn mực quốc tế - đó là một điểm thuận lợi để các công ty giao nhận Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm trong qúa trình thực hiện dịch vụ. Nhưng bên cạnh đó cũng là sự bất lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam ở chỗ, trên thực tế một số văn phòng đại diện nước ngoài hoạt động vượt quá chức năng của họ tại Việt Nam tổ chức kinh doanh bất hợp pháp các dịch vụ giao nhận kho vận do lợi dụng tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực này và sơ hở trong quản lý của các cơ quan chức năng của nhà nước làm ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, để tạo môi trường pháp lý cho các hoạt động giao nhận vận tải quốc tế ở nước ta và giúp đỡ cho Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đưa hoạt động giao nhận đi vào kỷ cương nề nếp, Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam đã xây dựng " Điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn" của những người giao nhận Việt Nam nhằm giúp cho hoạt động kinh doanh dịch vụ giao nhận ở Việt Nam ngày càng được đi vào nề nếp và phối hợp giữa Hiệp hội giao nhận Việt Nam với các cơ quan hữu quan để xây dựng tiêu chuẩn trong từng loại hình dịch vụ giao nhận để đảm bảo hơn nữa chất lượng dịch vụ giao nhận ở Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp hội đã tích cực tham gia vào việc soạn thảo chương " Giao nhận kho vận" trong Luật Thương mại để trình Quốc hội xem xét và đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khoá IX từ 2/4 đến 10/5/1997. Trong đó quy định: " Người làm dịch vụ giao nhận vận chuyển là thương nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá". Có nghĩa là người kinh doanh giao nhận kho vận theo Luật của Việt Nam quy định bất cứ cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp, công ty, hãng đã đăng ký và được cấp giấy phép kinh doanh toàn bộ hoặc một phần công việc: tổ chức, thiết kế, bố trí và thu xếp làm toàn bộ hoặc một phần các công đoạn dịch vụ, thủ tục giấy tờ, chứng từ có liên quan tới việc giao nhận vận chuyển, lưu kho bãi, thu gom, ký phát hàng hoá và các dịch vụ có liên quan đến hàng hoá được người uỷ thác ký hợp đồng thuê làm toàn bộ hoặc một phần của công việc. Người chủ phương tiện hoặc người kinh doanh vận tải đa phương thức cũng được coi là người kinh doanh giao nhận kho vận nếu có đăng ký và được phép làm các dịch vụ này. Luật Thương mại ra đời đã đáp ứng lòng mong mỏi của những người kinh doanh thương mại nói chung và những người kinh doanh giao nhận nói riêng. Xác định phần nào địa vị pháp lý của người giao nhận, quy định những điều kiện phải có của người kinh doanh giao nhận, quyền hạn, nghĩa vụ của người giao nhận nhằm hướng những người kinh doanh giao nhận đi vào kinh doanh luật phấp có nề nếp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động thương mại của Việt Nam phát triển. 2. Tình hình giao nhận hàng hoá tại Việt Nam Nhờ chính sách đổi mới mở cửa nền kinh tế, tăng cường hợp tác và đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh xuất khẩu, lượng hàng hoá giao nhận ở các cảng biển lớn của Việt Nam đã tăng đáng kể qua các năm. Bảng 1: Tình hình giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng Đơn vị: TEUs Năm Hàng xuất khẩu Hàng nhập khẩu 1997 37136 76163 1998 42442 79290 1999 48935 83254 2000 56912 88649 2001 66757 94026 2002 78773 101612 9 tháng đầu năm 2003 70304 83067 Nguồn: Cảng vụ Hải Phòng Qua số liệu trên chúng ta thấy ngành giao nhận Việt Nam hoạt động ngày càng có hiệu quả tốt. Tuy nhiên còn có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết thì mới có thể hy vọng ngành này có được chỗ đứng trên thị trường giao nhận thế giới một cách vững chắc và ngày càng có uy tín cao hơn. - Về thủ tục giao nhận hàng hoá: do chưa được trang bị những công cụ và thiết bị xử lý thông tin, liên lạc, phân loại, kiểm tra cân đo, bảo quản .v.v... các loại hàng hoá trong quá trình giao nhận nên thời gian giao nhận ở các cảng biển Việt Nam còn chậm và thủ tục rườm rà vì phải qua nhiều công đoạn thủ công. Do ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành giao nhận cũng như việc đào tạo một lớp cán bộ có trình độ nghiệp vụ cao chưa thể một sớm một chiều thực hiện ngay được vì vậy đòi hỏi phải có sự phối hợp và giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau của nhiều ngành, nhiều bộ trong cơ cấu Nhà nước thì ngành giao nhận mới có thể phát triển nhanh chóng đáp ứng sự đòi hỏi của một nước có nền kinh tế mở như Việt Nam chúng ta. II/ Đánh giá thực trạng hoạt động bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu 1. Phạm vi áp dụng bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam Trên cơ sở các tài liệu của Hội trách nhiệm tương hỗ vận tải suốt (TTclub) cũng như tình hình thực tế của Hội giao nhận Việt Nam và hoạt động của các công ty làm chức năng giao nhận ở Việt Nam, bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận vận tải được chia làm hai loại sau: 1.1. Đối với container hàng nhập: a/ Trường hợp các công ty giao nhận Việt Nam làm đại lý cho các hãng giao nhận nước ngoài. Khi đó, trách nhiệm của người vận chuyển nước ngoài, phía nước ngoài chấm dứt khi hàng đến cảng Việt Nam thì các container hàng nhập được các công ty giao nhận Việt Nam nhận vận chuyển từ kho cảng Việt Nam vào nội địa hoặc đến các công trình. Như vậy, trách nhiệm của người giao nhận chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và có thể tham gia bảo hiểm trách nhiệm của mình cho công đoạn mà mình tham gia vào. b/ Trường hợp người giao nhận đảm nhận toàn bộ quá trình giao nhận vận tải hàng hoá từ nơi xếp hàng là cảng nước ngoài về cảng Việt Nam. Khi đó, người giao nhận chịu trách nhiệm đối với lô hàng trong toàn bộ quá trình vận tải không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà còn ở nhiều cung đoạn khác nhau ở nước ngoài. Như vậy, người giao nhận có thể tham gia bảo hiểm trách nhiệm cho các cung đoạn vận chuyển của mình. 1.2. Đối với container hàng xuất: a/ Trường hợp công ty giao nhận Việt Nam chỉ làm đại lý cho công ty nước ngoài thì có thể tham gia bảo hiểm trách nhiệm trong đoạn vận chuyển từ kho hoặc nơi xếp hàng ở trong nội địa tới cảng Việt Nam. b/ Trường hợp công ty giao nhận Việt Nam phát hành vận đơn suốt thì họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cho mọi cung đoạn vận tải hàng hoá và có thể tham gia bảo hiểm cho đoạn vận chuyển tới tận nơi người nhận hàng nước ngoài. Như vậy, phạm vi áp dụng của nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm có thể chia làm 2 loại: * Trường hợp 1: áp dụng bảo hiểm trách nhiệm cho người làm công tác giao nhận vận chuyển thuần tuý trong lãnh thổ Việt Nam. Việc này đã được BAOVIET tiến hành triển khai trên cơ sở quy tắc bảo hiểm đã nêu ở trên. * Trường hợp 2: là hình thức bảo hiểm trách nhiệm cho người vận tải đa phương thức. ở Việt Nam nghiệp vụ này đang trong giai đoạn nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện. Việc này đòi hỏi phải có một thời gian mới triển khai được vì nó liên quan tới trách nhiệm với người nước ngoài và phải có hợp đồng tái bảo hiểm trách nhiệm. Ban đầu quy tắc bảo hiểm trách nhiệm cho người giao nhận kho vận Việt Nam mới ở mức độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người giao nhận vận chuyển hàng container trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, để góp phần hoà nhập vào xu thế phát triển chung của thế giới, loại hình bảo hiểm trách nhệm dân sự cho người giao nhận nói riêng và và ngành dịch vụ bảo hiểm nói chung cần phải có phương hướng biện pháp để góp phần phát triển nền kinh tế của Việt Nam, thúc đẩy nhanh tiến trình hoà nhập vào cộng đồng thế giới để mở rộng và phát triển hơn nữa loại hình dịch vụ mới này. Về phía công ty bảo hiểm cần phải có các biên pháp để mở rông phạm vi bảo hiểm cho loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận. 2. Sự tăng trưởng của hoạt động bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận Trước đây, khi hoạt động giao nhận chưa phát triển, ở Việt Nam chỉ có một mình VIETRANS độc quyền về giao nhận, vấn đề bảo hiểm trách nhiệm cho người giao nhận lúc này chưa được đặt ra, nhưng trên thực tế, người giao nhận phải tự bảo hiểm cho mình bằng các nguồn kinh phí bao cấp. Cho đến khi VIETRANS được công nhận là hội viên chính thức của FIATA năm 1998 và được quyền phát hành vận đơn riêng của mình thì bắt buộc phải bảo hiểm cho vận đơn do VIETRANS phát hành. Lúc này, việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho người giao nhận cũng đã được đưa ra xem xét nghiên cứu như là một vấn đề cấp thiết và quan trọng. Các điều kiện để tham gia hội bảo hiểm tương hỗ của Anh (TTClub) đã được đưa ra để xem xét nhưng do yêu cầu về các điều kiện gia nhập và tham gia bảo hiểm của hội tương đối cao nên vấn đề mua bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận khi phát hành vận đơn FIATA chỉ ở giai đoạn nghiên cứu và mới dừng ở mức lập quỹ bảo hiểm nội bộ đối với các vận đơn do VIETRANS phát hành (cụ thể là mức USD 30/FBL). Hiện nay, tại Việt Nam mới có hai công ty kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận, đó là BAOVIET và BAOMINH. Hai công ty này đã ban hành quy tắc của mình về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận. Việc BAOVIET ban hành quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người giao nhận ở Việt Nam đã được các công ty giao nhận cũng như các cơ quan chức năng đánh giá cao. Tuy nhiên bước đầu mới chỉ áp dụng đối với trường hợp khi người giao nhận thực hiện hợp đồng giao nhận vận chuyển hàng hoá trong container trên lãnh thổ Việt Nam với điều kiện các hợp đồng phải phù hợp với tập quán thương mại quốc tế và hoặc điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn của Hiệp hội giao nhận Việt Nam. Trên thực tế với các điều kiện trên, các công ty giao nhận khó tham gia được với các lý do: + Thứ nhất: việc chỉ bảo hiểm trách nhiệm cho người giao nhận vận chuyển hàng hoá trong container trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam là quá hẹp và kém phần khuyến khích các công ty giao nhận mua bảo hiểm trách nhiệm này, bởi lẽ theo xu hướng phát triển ngày nay, nghề giao nhận không chỉ dừng ở phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế. Chính vì lý do này mà các công ty giao nhận còn chần chừ trong việc nghiên cứu quy tắc để tham gia bảo hiểm vì thực tế hiệu quả không cao lắm. Ví dụ: với biểu phí bảo hiểm trách nhiệm đối với người giao nhận vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam, ban hành kèm theo quyết định số 388/BH-PC97 ngày 22/02/1997 thì phí thu chính cho bảo hiểm trách nhiệm vận chuyển đường bộ là 28.000đ/container 20feet đối với hàng hoá vận chuyển trên tuyến đường dài dưới 200km có thể coi như đoạn vận chuyển Hà Nội - Hải Phòng hoặc ngược lại, trong khi cước phí vận chuyển đường bộ từ Hà Nội - Hải Phòng là 1.500.000đ/container 20feet , phí bảo hiểm chiếm 0,18% cước phí vận chuyển. Mặt khác trong vận chuyển đường bộ người giao nhận nếu đồng thời là chủ xe cơ giới thì bắt buộc anh ta phải tham gia mua bảo hiểm của chủ xe cơ giới. Như vậy thử làm phép so sánh hiệu quả kinh tế ta thấy: khi xảy ra tổn thất mất mát hàng hoá trong quá trình vận tải đường bộ thuộc phạm vi được công ty bảo hiểm bồi thường: - Theo quy tắc bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới: người được bảo hiểm sẽ bồi thường theo trách nhiệm dân sự của mình đối với người thứ ba theo tương ứng với mức phí bảo hiểm mà người được bảo hiểm đóng góp. - Theo quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận thì số tiền bồi thường được tính bằng tổng giá trị hàng hoá khi còn nguyên vẹn trừ đi tổng giá trị hàng hoá còn lại sau khi bị tổn thất tính tại nơi nhận hàng (Điều 22). Trên thực tế, nếu như chủ hàng cũng mua bảo hiểm hàng hoá, chủ phương tiện vận chuyển có bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới và người giao nhận cũng mua bảo hiểm trách nhiệm cho mình thì chủ hàng chỉ được công ty bảo hiểm bồi thường trong phạm vi trị giá của hàng hoá mà thôi và phần trị giá hàng hoá do hai loại bảo hiểm còn lại công ty bảo hiểm sẽ thu được với lý do thay mặt chủ hàng khiếu nại các bên thứ ba... Trong trường hợp này tất cả các bên tham gia bảo hiểm đều có lợi nhưng người có lợi hơn cả là công ty bảo hiểm. Tuy nhiên nếu chỉ có chủ hàng mua bảo hiểm hàng hoá cho quá trình vận chuyển thì nếu như có xảy ra tổn thất về hàng hoá trong quá trình vận chuyển, người giao nhận trong phạm vi trách nhiệm của mình cần thiết phải làm đầy đủ mọi thủ tục liên quan đến việc lập các biên bản giúp chủ hàng khiếu nại với công ty bảo hiểm và các bên liên quan đòi bồi thường. Trong trường hợp này chắc chắn người giao nhận cũng sẽ phải chịu một phần trách nhiệm tuỳ theo mức độ bồi thương chủ hàng. Nếu người giao nhận cũng mua bảo hiểm trách nhiệm cho mình thì rủi ro của người giao nhận hầu như không lớn lắm vì lúc đó đã có công ty bảo hiểm đứng ra chịu cho anh ta. Có thể xem xét biểu phí bảo hiểm dưới đây: Bảng 2: Biểu phí bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận Phí chính thức ( theo phương thức vận chuyển) Phí phụ ( theo tuyến) - Vận chuyển đường bộ: 28.000VND/container 20feet - Vận chuyển đường sắt: 26.000VND/container 20feet - Vận chuyển đường sông: 30.000VND/container 20feet - Vận chuyển đường biển: 32.000VND/container 20feet Đối với container 40feet phí tăng thêm 100% so với mức phí chính thức tương đương trên. - Tuyến vận chuyển dài trên 200km: Phí tăng thêm 5% so với mức phí chính tương ứng - Tuyến vận chuyển Bắc- Nam và ngược lại: Phí tăng thêm 10% so với mức phí chính thức tương ứng. (Nguồn: Biểu phí bảo hiểm công bố kèm theo quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận - Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam). Thứ hai: ngay cả việc áp dụng điều kiện kinh doanh chuẩn của Hiệp hội giao nhận cũng chỉ có các đối tượng là thành viên của Hiệp hội mới được áp dụng mà trong khi đó số lượng hội viên hiện có của Hiệp hội đến nay mới chỉ chiếm 14% ( 76/542 công ty làm dịch vụ giao nhận) [9]. Chính vì lý do trên mà việc áp dụng bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người giao nhận còn hạn chế nhiều. Mặt khác, về phía người bảo hiểm còn chần chừ trong việc bán loại hình dịch vụ bảo hiểm này với lý do nếu như đối với một hợp đồng bảo hiểm bao có giá trị lớn khi xảy ra tổn thất thuộc trách nhiệm bồi thường của người bảo hiểm thì đó quả là một vấn đề đáng xem xét khi ký hợp đồng bảo hiểm đó. Vậy nên việc tìm kiếm công ty tái bảo hiểm loại hình dịch vụ phù hợp với khả năng cũng như đầy đủ uy tín để tái bảo hiểm là việc hết sức cấp thiết để có thể triển khai loại hình dịch vụ một cách có hiệu quả. Thứ ba: Về phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, trong quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận mức giới hạn trách nhiệm quy định bằng đồng SDR - loại tiền có quyền chuyển đổi đặc biệt trong thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, để phù hợp với các quy định về thanh toán của Việt Nam cũng như để tiện so sánh theo mức phí bảo hiểm, thì công ty bảo hiểm nên xem xét quy đổi ra đồng Việt Nam. 3. Những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân a/ Khó khăn đối với các công ty bảo hiểm: Tỷ lệ phí bảo hiểm so với mức giới hạn phải bồi thường là khá cao, đội khi vượt quá khả năng bảo hiểm của công ty bảo hiểm và vì vậy sau khi cấp đơn bảo hiểm trách nhiệm đối với hợp đồng có giá trị lớn thì công ty bảo hiểm phải lập tức tái bảo hiểm phần vượt quá khả năng thanh toán của mình cho một công ty tái bảo hiểm. Nhưng trên thực tế cho đến nay mặc dù dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận đã được triển khai nhưng BAOVIET vẫn chưa lựa chọn được công ty bảo hiểm nào để tái bảo hiểm dịch vụ này một cách chính thức. Mặc dù hiện nay dịch vụ giao nhận ở Việt Nam đang phát triển nhưng rất nhiều công ty giao nhận hầu như không quan tâm đến vấn đề bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người giao nhận, chưa hiểu được lợi ích, đánh giá được tầm quan trọng của việc bảo hiểm trách nhiệm này. Bên cạnh đó, tình hình chung ở nước ta hiện nay là các loại hình bảo hiểm cũng ít được quan tâm, nói chung khách hàng chưa nhận thức được đầy đủ bản chất và sự cần thiết của bảo hiểm cụ thể là bình quân mỗi người dân Việt Nam hàng năm bỏ ra khoảng 2,5 USD để mua các loại hình bảo hiểm trong khi đó ở Thái Lan là hơn 60 USD/ người, ở Malaysia là hơn 200USD/ người [4]. Chính vì vậy mà loại hình bảo hiểm chưa phát triển được. Một tình hình đáng lo ngại nữa là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức giảm phí bảo hiểm, tăng hoa hồng... Tình trạng này sẽ dẫn đến việc trong một tương lai không xa, hiện tượng khách hàng thiệt hại không được bồi thường vì công ty bảo hiểm mất khả năng thanh toán do mức phí thu nhập quá thấp. Bên cạnh đó còn có thêm một khó khăn nữa đối với các công ty bảo hiểm là thiếu hụt một hành lang pháp lý hoàn hảo điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về Kinh doanh bảo hiểm mặc dầu là văn bản có hiệu lực cao nhất hiện nay về kinh doanh bảo hiểm nhưng vẫn chỉ là bước đầu. Bộ luật Bảo hiểm, tuy nhiều lần dự thảo song tại thời điểm này, vẫn chưa được ban hành. Các văn bản dưới luật có liên quan còn thiếu những quy định cụ thể, chi tiết gây khó khăn cho công ty bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh của mình, có nhiều quy định chưa phù hợp với tập quán, điều kiện kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam và thế giới. b/ Khó khăn đối với các công ty giao nhận: Trước tiên về điều kiện được tham gia bảo hiểm là hợp đồng phải phù hợp với tập quán thương mại quốc tế và hoặc điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn của Hiệp hội giao nhận Việt Nam. Với điều kiện này thì chỉ có các công ty giao nhận là thành viên của FIATA hoặc của VIFFAS mà số lượng các công ty này chỉ chiếm 14% trong số các công ty giao nhận hiện có ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, số lượng khách hàng tham gia loại hình dịch vụ bảo hiểm này vô hình chung đã bị giảm khá nhiều. Mặt khác việc chỉ bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận vận chuyển hàng hoá trong container trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam lại là một hạn chế nữa gây khó khăn cho các công ty giao nhận. Vì một thực tế hiện nay là các công ty giao nhận không chỉ cung cấp dịch vụ giao nhận vận chuyển trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà họ thực hiện chức năng của người giao nhận vận tải quốc tế - nhận hàng tại kho của người bán và giao hàng đến tại kho của người mua tại một hoặc nhiều nước khác nhau. Và loại hàng hoá mà họ vận chuyển không chỉ được đóng trong container mà còn được xếp rời trên tàu... Vì vậy khi công ty giao nhận muốn mua bảo hiểm trách nhiệm của mình khi phát hành vận đơn vận tải đa phương thức cho khách hàng thì công ty bảo hiểm chưa đáp ứng được và vấn đề này mới thực sự là vấn đề đang được Hiệp hội giao nhận Việt Nam và các công ty giao nhận Việt Nam quan tâm. Vấn đề phí bảo hiểm đối với người giao nhận được coi là cao bởi các lý do hiện nay thị trường giao nhận vận chuyển hàng hoá cũng trong tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, các công ty giao nhận thi nhau hạ giá để giành khách hàng vì vậy việc trích một phần phí vận chuyển thu được để mua bảo hiểm đang là vấn đề đáng cân nhắc của một số công ty giao nhận. Tuy nhiên hiện tượng này chỉ là nhất thời và nó cũng không phải là khó khăn lớn đối với các công ty giao nhận vì tình trạng này rồi sẽ phải được khắc phục để không những nâng cao chất lượng dịch vụ giao nhận mà còn tạo uy tín cho dịch vụ giao nhận ở Việt Nam. III/ Nội dung bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam Hai công ty kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận là Bảo Việt và Bảo Minh đã ban hành qui tắc của mình về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận và các quy tắc này được thể hiện qua đơn bảo hiểm. 1. Phạm vi bảo hiểm trách nhiệm theo quy tắc của Công ty bảo hiểm Thành phố Hồ Chí Minh (BAOMINH) "Đơn bảo hiểm trách nhiệm vận chuyển tổng hợp" là quy định của Công ty bảo hiểm Thành phố Hồ Chí Minh (BAOMINH) tháng 1/1999. Theo quy định này thì phạm vi bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận như sau: 1.1. Các trường hợp được bảo hiểm gồm: - Bảo hiểm trách nhiệm đối với vận đơn; - Bảo hiểm trách nhiệm đói với các sai sót và bất cẩn; - Bảo hiểm trách nhiệm của người quản thủ (người kinh doanh kho hàng và vận tải đường bộ); - Bảo hiểm trách nhiệm đóng gói; - Bảo hiểm container; - Bảo hiểm trách nhiệm đối với Hải quan; - Bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba. 1.2. Các trường hợp loại trừ không bảo hiểm: Theo đơn bảo hiểm của Bảo Minh, người giao nhận không được bảo hiểm đối với các tổn thất, chi phí khiếu nại do: - Gây thương tích; - Thương tích cá nhân/ Vi phạm nhân quyền; - Thiệt hại tài sản của công ty hay tài sản của người khác; - Vận chuyển thiết bị; - Quỹ uỷ thác; - Hành động phi pháp, ma mãmh và/ hoặc cố ý; - Trách nhiệm theo hợp đồng; - Các thiệt hại do bị trừng phát, cảnh cáo hoặc phạt; - Thiệt hại do thuế, tiền phạt, hình phạt, thanh lý; - Tập quấn thương mại bất hợp lý; - Vật liệu nguy hiểm/ ô nhiễm / nhiễm bẩn; - Hạt nhân/ nguyên tử/ phóng xạ; - Người xuất nhập khẩu dữ liệu; - Chi phí, biểu giá hay nợ; - Bảo hiểm khác; - Những nơi giao hàng bị loại trừ; - Chiến tranh và bắt giữ; - Tranh chấp lao động và khủng bố. 2. Phạm vi bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận theo Quy tắc của Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam (BAOVIET) 2.1. Điều khoản bảo hiểm trách nhiệm khai thác của người vận tải: Đây là qui định của Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam (BAOVIET) về bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận năm 2001: a/ Các trường hợp được bảo hiểm: - Bảo hiểm thiết bị - container, xe kéo và thiết bị bốc dỡ; - Bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba; - Bảo hiểm trách nhiệm đối với hàng hoá; - Bảo hiểm trách nhiệm liên quan đến việc vi phạm các nghĩa vụ và các sai sót; - Bảo hiểm trách nhiệm đối với nhà chức trách; - Bảo hiểm các chi phí; - Các điều khoản mở rộng để lựa chọn. b/ Các trường hợp loại trừ không được bảo hiểm: Người bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm đối với: - Các khoản tiền phạt mà người được bảo hiểm phải bồi thường hoặc đã thoả thuận là phải bồi thường; - Bất kỳ trách nhiệm nào do hậu quả của việc người được bảo hiểm can dự vào việc điều hành, quản lý hoặc thuê mướn tàu thuỷ hoặc máy bay; - Bất cứ khiếu nại nào là hậu quả của tình trạng vỡ nợ hoặc mất khả năng tài chính của người được bảo hiểm; - Tổn thất do vũ khí chiến tranh, hạt nhân, nguyên tử, phóng xạ; - Kinh doanh bất hợp pháp; - Từ bỏ quyền khiếu nại của các nhà thầu phụ mà không được phép của người cung cấp dịch vụ; - Bất cứ trách nhiệm nào thuộc bất kỳ tính chất nào phát sinh từ việc ô nhiễm hay nhiễm bẩn hoặc có liên quan tới ô nhiễm hay nhiễm bẩn; - Bất cứ trách nhiệm nào với bất kỳ tính chất và hình thức nào phát sinh từ việc nạo vét hoặc đổ đất; - Bất cứ trách nhiệm, mất mát hoặc tổn thất nào với bất kỳ tính chất nào mà tại thời điểm phát sinh trách nhiệm hoặc xảy ra những mất mát và tổn thất như vậy trách nhiệm đó đã được bảo hiểm bởi bất kỳ đơn bảo hiểm nào khác; - Bất cứ trách nhiệm nào được người được bảo hiểm chấp nhận theo " Các điều khoản phạt về thời hạn dôi nhật" (Time Penalty Clause); - Chiến tranh, xâm lược, hành động thù địch, nội chiến, cách mạng, khởi nghĩa, đảo chính, sung công, quốc hữu hoá; - Người được bảo hiểm thiếu mẫn cán; - Những mất mát chỉ được phát hiện sau khi có việc kiểm tra hệ thống máy tính, phần mềm máy tính; - Bất cứ trách nhiệm nào phát sinh từ việc vi phạm các quy chế mà việc vi phạm đó được coi là phạm pháp hình sự. 2.2. Nội dung phạm vi bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận đối với hàng hoá vận chuyển trong container: Theo quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận kho vận Việt Nam của Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam ban hành kèm theo quyết định số 388/BH-PC97 ngày 22/2/1997, người giao nhận khi thực hiện các hợp đồng giao nhận vận chuyển hàng hoá trong container trên lãnh thổ Việt Nam mà xảy ra tổn thất sẽ được bồi thường trong phạm vi sau: a/ Những rủi ro được bảo hiểm: * Thiệt hại về hàng hoá mà người giao nhận chịu trách nhiệm theo hợp đồng với khách hàng: Mất mát hoặc hư hỏng vật chất về hàng hoá vận chuyển bằng container thuộc trách nhiệm của người giao nhận vận chuyển và những thiệt hại có tính chất hậu quả phát sinh trực tiếp từ mất mát hoặc hư hỏng đó mà nguyên nhân là hoặc quy cho bởi phương tiện vận tải: - Đâm va với tàu, thuyền, phương tiện vận chuyển trên cạn. - Mắc cạn, đâm va vào đá hoặc vật thể ngầm, trôi nổi, cố định ( trừ bom, mìn, thuỷ lôi) cầu phà, đà, bến cảng. - Bị lật đổ, đắm, cháy, nổ, mất tích và hoặc hàng hoá bị tổn thất khi xếp dỡ lên các phương tiện vận tải thuỷ bộ. - Hàng hoá bị tổn thất khi xếp dỡ lên các phương tiện vận tải thuỷ bộ và bị tổn thất toàn bộ theo từng container do cháy, nổ trong thời gian lưu kho bãi được bảo hiểm. * Trách nhiệm của người giao nhận với người thứ ba: Người giao nhận sẽ được bồi thường phần trách nhiệm phát sinh đối với người thứ ba khi những thiệt hại đó có nguyên nhân là hoặc được quy cho bởi phương tiện vận tải của người giao nhận hay hoặc do người giao nhận thuê: đâm va với tàu, thuyền, phương tiện vận chuyển trên cạn, bị lật đổ, cháy nổ. Thiệt hại của người thứ ba chỉ được bồi thường khi có thiệt hại về hàng hoá được vận chuyển bởi phương tiện đó theo hợp đồng giao nhận vận chuyển hàng hoá. - Thiệt hại tài sản của người thứ ba giới hạn cao nhất với mỗi vụ là 100 triệu đồng. - Thiệt hại về người giới hạn cao nhất là 12 triệu đồng/người/vụ trong trường hợp chết, thương tật 81% trở lên và tối đa không quá 120 triệu đồng/vụ. * Các chi phí: Người giao nhận được bồi thường những chi phí phát sinh dưới đây khi có thiệt hại về hàng hoá được vận chuyển theo một hợp đồng giao nhận vận chuyển hàng hoá: - Các chi phí hợp lý để điều tra, bào chữa để bảo vệ quyền lợi của người giao nhận. - Các chi phí hợp lý nhằm hạn chế tổn thất. - Các chi phí phụ trội phải trả thêm trong việc xử lý hàng hoặc hạng mục thiết bị được bảo hiểm sau sự cố. - Các chi phí phụ trội phải trả thêm để gửi hàng đến đúng địa điểm do việc hàng đã bị gửi sai địa chỉ. Trong mọi trường hợp các chi phí kể trên không được vượt qúa chi phí thực tế mà lẽ ra người giao nhận phải chi cho việc thực hiện hợp lý đúng cam kết. - Các khoản chi phí gia tăng và tiền phạt mà người giao nhận phải gánh chịu để hoàn thành cam kết của mình với khách hàng do có những thay đổi bất thường về phương thức vận chuyển để phù hợp với quy định của luật pháp của chính quyền cảng, địa phương mà trước khi ký kết hợp đồng giao nhận vận chuyển, người giao nhận hoàn toàn không biết về những thay đổi đó. b/ Những rủi ro không được bảo hiểm: * Mất mát hư hỏng hàng hoá: người giao nhận không được bảo hiểm đối với những mất mát hư hỏng đối với hàng hoá phát sinh bởi: - Việc làm cố ý của người giao nhận; - Có nguyên nhân trực tiếp do chậm trễ xảy ra cho dù chậm trễ xảy ra do một rủi ro được bảo hiểm ( trừ chi phí được bồi thường theo quy tắc); - Do hàng hoá chuyên chở bị rò chảy thông thường, hao hụt trọng lượng hay giảm thể tích thông thường, hao hụt tự nhiên và do khuyết tật bên trong hàng hoá. * Các trường hợp khác: người giao nhận không được bảo hiểm trong trường hợp: - Hành động hoặc sai lầm cố ý của khách hàng; - Người giao nhận đã làm theo đúng những hướng dẫn của khách hàng hoặc bất kỳ người nào được khách hàng uỷ quyền trao hướng dẫn đó; - Việc khách hàng đóng gói và ghi nhãn hàng hoá không; - Xử lý, xếp lên, xếp đặt hoặc dỡ hàng hoá do khách hàng hoặc bất kỳ người nào khác, không phải là người giao nhận; - Chiến tranh, nổi loạn, bạo động, đình công, bế xưởng, ngừng làm việc hoặc gây rối của công nhân dù với bất kỳ lý do gì; - Những tài sản mà bản thân nó không phải là hàng hoá, những mất mát, hư hỏng hệ quả hoặc gián tiếp do mất lợi nhuận, thị trường. c/ Giới hạn bảo hiểm: Trong mọi trường hợp trách nhiệm của BAOVIET không vượt quá trách nhiệm thực tế của người giao nhận đối với người thứ ba và giới hạn trách nhiệm của người giao nhận kho vận đã ghi trong "Điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn" của Hiệp hội giao nhận Việt Nam: chọn trường hợp nào ít nhất sau đây: - Trị giá hàng, hoặc - 2SDR cho 1 kg hàng cả bì, hoặc - Không vượt quá 30.000,00 SDR trong mọi trường hợp đối với một khiếu nại và hoặc giới hạn trách nhiệm mà hai bên thoả thuận ( không được vượt quá giá trị thực tế của hàng hoá). Giới hạn trách nhiệm cao nhất của người bảo hiểm đối với mỗi vụ tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm là thiệt hại thực tế mà người giao nhận phải chịu trách nhiệm theo luật pháp hoặc quy định của toà án nhưng không vượt qúa các giới hạn trách nhiệm đã ghi trong đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc được thoả thuận. Giới hạn trách nhiệm chi phí trong mọi trường hợp, tổng số các khiếu nại giải quyết cho người giao nhận trong một năm là không vượt quá giới hạn trách nhiệm đã được thoả thuận. IV/ Hợp đồng trong bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận 1. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận 1.1. Khái niệm: Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là một văn bản trong đó người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những mất mát, thiệt hại của đối tượng bảo hiểm do một rủi ro được bảo hiểm gây nên còn được bảo hiểm cam kết trả phí bảo hiểm.[2] Nội dung của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm bao gồm các điều khoản chủ yếu dưới đây và các phụ lục kèm theo. Trong đó quy định: - Đối tượng của hợp đồng - Các nguyên tắc chung - Điều kiện, thủ tục và hiệu lực bảo hiểm - Phí bảo hiểm - Công tác đề phòng hạn chế tổn thất - Thông báo - giải quyết tai nạn - bồi thường - Trách nhiệm bảo lưu quyền khiếu nại người thứ ba - Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng và xử lý tranh chấp - Hiệu lực của hợp đồng 1.2. Ký kết hợp đồng bảo hiểm: Khi có nhu cầu bảo hiểm, người giao nhận sẽ kê khai đầy đủ các khoản mục như trong giấy yêu cầu bảo hiểm, bao gồm: - Tên người được bảo hiểm - Hợp đồng vận tải, số lượng hàng ( số lượng container), loại container, trọng lượng, ký mã hiệu - Tên hàng hoá vận chuyển, giá trị hàng theo hợp đồng - Phương thức vận chuyển, tên và số đăng ký của phương tiện vận chuyển - Tên, địa chỉ của phương tiện vận chuyển - Nơi bắt đầu vận chuyển và nơi nhận hàng - Nơi thanh toán tiền bồi thường Nếu có nhu cầu bảo hiểm trách nhiệm cho hàng hoá trong thời gian lưu kho, bãi thì người có nhu cầu bảo hiểm cần ghi thêm các chi tiết về: Số, ký hiệu, container được đặt trong kho, bãi, thời gian để hàng trong kho, bãi. Bằng chứng của việc tham gia bảo hiểm được thể hiện bằng hợp đồng bảo hiểm. Theo quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người giao nhận của Bảo Việt " Hợp đồng bảo hiểm coi như đã được ký kết khi Bảo Việt chấp nhận bằng văn bản và được xem là căn cứ để cấp đơn hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm". Trừ khi có thoả thuận khác, người giao nhận phải thanh toán phí bảo hiểm cho Bảo Việt ngay khi nhận được đơn hay giấy chứng nhận bảo hiểm. Bảo Việt có quyền huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm nếu không thanh toán phí bảo hiểm đúng thời hạn quy định. Người bảo hiểm được miễn trách mà vẫn có quyền nhận nhận phí bảo hiểm nếu người giao nhận khai báo hoặc giấu giếm những điểm đề ra trong giấy yêu cầu bảo hiểm hay những thay đổi khác so với thông báo ban đầu. 1.3. Hợp đồng bảo hiểm bao: Bên cạnh việc ký hợp đồng bảo hiểm thông thường người giao nhận có thể dựa trên kế hoạch kinh doanh của mình hay khả năng dự tính mà có thể ký trước với công ty bảo hiểm một hợp đồng bảo hiểm bao cho các hợp đồng giao nhận cho một thời gian nhất định, trong đó ghi rõ cách tính số lượng hàng phải giao nhận ( số container), cung đoạn giao nhận, điều kiện bảo hiểm, phương tiện chuyên chở, phí bảo hiểm và những điểm liên quan khác đã được thoả thuận giữa hai bên. Theo định kỳ hoặc khi xếp hàng lên phương tiện vận tải, người giao nhận phải báo cho bảo hiểm càng sớm càng tốt mọi tình hình về hàng hoá. Tuy nhiên việc thông báo này không được chậm quá sau khi phương tiện vận tải bắt đầu dỡ hàng tại bến cuối cùng. Nếu trước khi thông báo mà đã xảy ra tổn thất, thiệt hại và hoặc trách nhiệm thì người bảo hiểm vẫn có trách nhiệm bồi thường. Nếu người giao nhận cố ý không thông báo hoặc thông báo không kịp thời hay sai lệch thì bảo hiểm có quyền kết thúc hợp đồng ngay khi phát hiện và thu toàn bộ số phí bảo hiểm phải trả trước khi hợp đồng kết thúc. Theo yêu cầu của người giao nhận, người bảo hiểm có thể cấp đơn hay giấy chứng nhận bảo hiểm riêng cho từng chuyến hàng. Nếu nội dung của chứng từ cấp riêng này không phù hợp với nội dung hợp đồng bảo hiểm bao thì sẽ căn cứ vào chứng từ cấp riêng để giải quyết. Người giao nhận sẽ phải thanh toán phí bảo hiểm trước vào đầu mỗi kỳ cho các hợp đồng giao nhận dự kiến được bảo hiểm hoặc căn cứ vào số hợp đồng giao nhận đã thực hiện được trong cùng thời kỳ trước ( tháng hoặc quý trước). Trên cơ sở các hợp đồng giao nhận thực tế người giao nhận sẽ cùng người bảo hiểm đối chiếu thanh toán phí bảo hiểm thừa hoặc thiếu cho mỗi kỳ và thoả thuận kế hoạch bảo hiểm cho kỳ tới. Đặc biệt, người bảo hiểm được phép kiểm tra các thông báo của người giao nhận về các hợp đồng giao nhận được bảo hiểm bằng cách kiểm tra sổ sách kế toán và tài liệu liên quan tới hợp đồng giao nhận với điều kiện công việc này không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của họ và giữ bí mật về các thông tin đó. 2. Thời hạn bảo hiểm Thời hạn bảo hiểm được tính bắt đầu từ lúc người được bảo hiểm (người giao nhận) nhận trách nhiệm về hàng hoá cho đến lúc giao hàng hoá đó. - Người được bảo hiểm được coi là có trách nhiệm đối với hàng hoá bắt đầu từ lúc nhận hàng từ người gửi hàng hay người làm thay người gửi hàng hay từ một nhà chức trách hay một bên thứ ba khác mà theo luật lệ áp dụng ở nơi lấy hàng được trao hàng để chuyên chở. - Người được bảo hiểm được coi là đã giao hàng khi giao hàng cho người nhận hay đặt hàng hoá dưới quyền định đoạt của người nhận hàng theo đúng hợp đồng vận tải hay theo đúng luật pháp hay theo tập quán nơi giao hàng trong trường hợp người nhận hàng không nhận hàng từ người giao nhận hoặc giao hàng cho cơ quan có thẩm quyền hay bên thứ ba khác mà theo luật lệ áp dụng ở nơi giao hàng phải trao cho người đó. - Bảo hiểm trách nhiệm trong thời gian lưu kho, bãi có hiệu lực từ khi hàng được đặt vào trong kho, bãi chứa hàng tại địa điểm ghi trên đơn bảo hiểm và tiếp tục có hiệu lực trong suốt quá trình lưu kho, bãi và kết thúc khi hàng được đưa ra khỏi kho, bãi ghi trên đơn bảo hiểm. 3. Phí bảo hiểm Phí bảo hiểm là một khoản tiền nhỏ mà người được bảo hiểm phải trả cho người bảo hiểm để được bồi thường khi có tổn thất do các rủi ro đã thoả thuận gây nên. Phí bảo hiểm các công ty giao nhận phải trả được tính toán căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau. Thông thường phí bảo hiểm được tính trên cơ sở xác suất của những rủi ro gây ra tổn thất hoặc trên cơ sở thống kê tổn thất nhằm đảm bảo trang trải tiền bồi thường và còn có lãi. Số phí bảo hiểm thu về trong khi chưa bồi thường là một nguồn vốn quan trọng để công ty bảo hiểm đầu tư sang những lĩnh vực kinh doanh khác nhằm thu lợi nhuận. Phí bảo hiểm thanh toán ngay khi cấp đơn bảo hiểm. Cụ thể là: - Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn bảo hiểm do công bảo hiểm cấp, người được bảo hiểm thanh toán đầy đủ phí cho công bảo hiểm. - Tuy nhiên trong mọi trường hợp, trong thời gian chưa thanh toán phí đầy đủ theo quy định trên, nếu có bất kỳ tai nạn nào xảy ra cho hợp đồng giao nhận đã được cấp đơn bảo hiểm thì công ty bảo hiểm không chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường cho những tổn thất phát sinh từ những tai nạn đó. Công ty bảo hiểm chỉ hoàn phí bảo hiểm khi người được bảo hiểm đã có thông báo trước bằng văn bản và được công ty bảo hiểm chấp nhận phương thức thanh toán cước phí do các bên tham gia hợp đồng thoả thuận. 3.1. Cách tính phí bảo hiểm trách nhiệm của Bảo Minh: căn cứ để tính phí bao gồm: - Tính theo năm; - Tính trên cơ sở mức lựa chọn của khách hàng đối với vận đơn; - Tính trên cơ sở lựa chọn của khách hàng đối với lỗi lầm của người giao nhận; - Tính trên cơ sở số tiền lựa chọn cao hay thấp; - Tính trên thu nhập của các doanh nghiệp trên một năm; - Và tính trên cơ sở khấu trừ không bồi thường. Bảng 3: Biểu phí bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận của Bảo Minh Doanh thu hành năm (ngàn USD) Mức khấu trừ (USD) Lựa chọn A (giới hạn TN $50.000 đối với B/L; $25.000 đối với sai sót lỗi lầm) (USD) Lựa chọn B (giới hạn TN $100.000 đối với B/L; $50.000 đối với sai sót lỗi lầm) (USD) Lựa chọn C (giới hạn TN $150.000 đối với B/L; $75.000 đối với sai sót lỗi lầm) (USD) Lựa chọn D (giới hạn TN $250.000 đối với B/L; $125.000 đối với sai sót lỗi lầm) (USD) 0-50 500 1.500 1.950 4.125 6.000 50-150 500 2.210 2.873 6.077 8.840 150-250 500 3.040 3.952 8.360 12.160 250-500 750 4.480 5.824 12.320 17.920 500-1000 1.000 6.400 8.320 17.600 24.000 1000-2000 1.250 8.160 10.608 21.120 29.760 2000-3000 1.500 10.080 13.104 26.180 36.960 3000-4000 2.000 12.160 15.808 31.680 43.520 4000-5000 2.500 14.400 18.720 36.630 53.280 Nguồn: Biểu phí bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận - Công ty bảo hiểm thành phố Hồ Chí Minh 1999 3.2. Cách tính phí Bảo hiểm trách nhiệm của Bảo Việt Giữa năm 2000, Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam phối hợp với một công ty bảo hiểm của Bỉ là Transport Management Europe - TME cùng tiến hành giới thiệu "Điều khoản bảo hiểm trách nhiệm người khai thác dịch vụ vận tải" cho các công ty giao nhận tại Hà Nội. Tuy nhiên, vì một số lý do nên cho đến tháng 4 năm 2001, Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam mới xây dựng được mức phí bảo hiểm với cách tính phí trên mỗi container, mỗi tấn hàng người giao nhận thực hiện theo từng khu vực trên thế giới (khác với Bảo Minh tính phí bảo hiểm theo năm). Bảng 4: Biểu phí bảo hiểm của Bảo Việt Đơn vị: USD Khu vực kinh doanh Từ hoặc đến Việt Nam Hàng đóng trong container Hàng rời FCL/FCL FCL/LCL, LCL/FCL, LCL/LCL MT Châu á - Thái Bình Dương 5,5 6,5 1,00 Châu Âu 10,5 12,5 1,60 Trung Đông 13,0 15,5 1,92 Châu Mỹ 20,5 25,5 4,50 Châu Phi 25,5 30,5 5,50 Nguồn: Biểu phí bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tháng 4-2001 của Bảo Việt V/ Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận 1. Xác định thiệt hại và tổn thất: Khi xảy ra mất mát, hư hỏng thuộc phạm vi trách nhiệm hợp đồng giao nhận

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTran T. Ngoc Thu A10K38C.doc
Tài liệu liên quan