Tài liệu Đề tài Ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa hiện nay: Đại học quốc gia hà nội
Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn
Khoa xã hội học
* * *
báo cáo thực tập
tên đề tài:
ảnh hưởng của hoạt động du lịch
đến việc duy trì và phát triển
các sản phẩm thổ cẩm ở sapa hiện nay
Phần Mở đầu
1. Lý do lựa chọn đề tài :
Bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam được chọn là "Điểm đến của thiên niên kỷ". Do đó, tiềm năng du lịch đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đầu tư và phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Là một trong 21 trọng điểm du lịch của Việt Nam, với lịch sử hình thành 100 năm, Sapa trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Năm 2003, lượng khách du lịch đến Sapa dự kiến đạt 85.000 lượt người với doanh thu từ 45 đến 50 tỉ đồng. Tại đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XII (năm 2000), chính quyền địa phương đã xác định: "Du lịch, dịch vụ là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nên phát triển kinh tế du lịch là một trong 27 đề án trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2000-2005".
Trên tinh...
32 trang |
Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1328 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Đề tài Ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đại học quốc gia hà nội
Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn
Khoa xã hội học
* * *
báo cáo thực tập
tên đề tài:
ảnh hưởng của hoạt động du lịch
đến việc duy trì và phát triển
các sản phẩm thổ cẩm ở sapa hiện nay
Phần Mở đầu
1. Lý do lựa chọn đề tài :
Bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam được chọn là "Điểm đến của thiên niên kỷ". Do đó, tiềm năng du lịch đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đầu tư và phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Là một trong 21 trọng điểm du lịch của Việt Nam, với lịch sử hình thành 100 năm, Sapa trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Năm 2003, lượng khách du lịch đến Sapa dự kiến đạt 85.000 lượt người với doanh thu từ 45 đến 50 tỉ đồng. Tại đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XII (năm 2000), chính quyền địa phương đã xác định: "Du lịch, dịch vụ là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nên phát triển kinh tế du lịch là một trong 27 đề án trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2000-2005".
Trên tinh thần của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XII, du lịch Sapa thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Du lịch phát triển ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủ công truyền thống, trong đó phải kể đến sản phẩm thổ cẩm. Có thể nói đây là mặt hàng được khách du lịch rất quan tâm và ưa chuộng.
Các sản phẩm thổ cẩm không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho người dân địa phương mà đã được thay đổi, cải tiến rất nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm. Liệu trước trào lưu "thương mại hoá" ồ ạt như hiện nay, các sản phẩm dệt thổ cẩm của địa phương có còn giữ được những bản sắc riêng vốn có hay không ? Bên cạnh đó, một vấn đề được đặt ra là trong xu thế
phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường như hiện nay chính quyền và người dân địa phương cần phải làm gì để sản phẩm thủ công nói chung và sản phẩm dệt thổ cẩm nói riêng có được thị trường vững mạnh, có nhiều cơ hội để quảng bá với các nước trên thế giới về bản sắc văn hoá Sapa?
Những lý do trên cho thấy việc định hướng và phát triển các sản phẩm thổ cẩm của địa phương là vấn đề thiết thực, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như người dân địa phương. Vì vậy, nghiên cứu "ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa hiện nay" là hết sức cần thiết, nhằm đưa ra các giải pháp để sản phẩm thổ cẩm của địa phương ngày càng phát triển hơn.
2. ý nghĩa của đề tài.
2.1. ý nghĩa lý luận.
Bằng việc tìm hiểu thực tế địa phương, với việc vận dụng các phương pháp, lý thuyết đã được học, nghiên cứu này góp phần hoàn thiện hơn các kiến thức về phương pháp nghiên cứu xã hội học , bên cạnh đó còn nâng cao khả năng vận dụng các lý thuyết của xã hội học vào nghiên cứu thực tiễn như: lý thuyết cơ cấu – chức năng , lý thuyết tương tác xã hội, biến đổi xã hội…
2.2. ý nghĩa thực tiễn.
Qua nghiên cứu này nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến việc phát triển các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa. Từ đó thấy được thực trạng việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm ở địa phương hiện nay.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra xu hướng phát triển của mặt hàng thổ cẩm, trên cơ sở đó góp phần đưa ra những định hướng và giải pháp cho việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm sao cho vừa giữ gìn được những nét bản sắc văn hoá , vừa đáp ứng kịp thời với nền kinh tế thị trường hiện nay.
3. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu.
3.1. Đối tượng.
ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa.
3.2. Khách thể nghiên cứu.
Cộng đồng người dân Sapa tham gia vào hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm .
3.3. Phạm vi khảo sát.
- Không gian: Giới hạn trong địa bàn thị trấn Sapa.
- Thời gian: năm 2004.
4. Mục đích nghiên cứu.
- Tác động của kinh tế thị trường đến việc phát triển các sản phẩm thổ cẩm.
- Việc duy trì bản sắc văn hoá truyền thống trong các mặt hàng thổ cẩm
- Vấn đề hiện đại hoá các sản phẩm.
- Xu hướng phát triển của các mặt hàng thổ cẩm.
5. Phương pháp nghiên cứu.
5.1. Phương pháp phân tích tài liệu.
Tham khảo một số tài liệu, sách, báo, số liệu báo cáo… có liên quan nhằm phục vụ cho đề tài nghiên cứu.
5.2. Phương pháp phỏng vấn bảng hỏi.
Đây là phương pháp cơ bản mà chúng tôi sử dụng qua khảo sát thực tế 341 người dân làm dịch vụ du lịch ở thị trấn Sapa nhằm thu thập thông tin.
5.3. Phương pháp phỏng vấn sâu.
Trong quá trình thu thập thông tin, kết hợp với phỏng vấn bảng hỏi, chúng tôi tiến hành phỏng vấn sâu một số đối tượng về vấn đề quan tâm. Qua đó giúp khai thác sâu thêm về đề tài cũng như bổ sung thêm nhiều thông tin mà việc điều tra bằng bảng hỏi không thể thực hiện được.
5.4. Phương pháp quan sát.
Quan sát là một trong những phương pháp thu thập thông tin thực nghiệm mà thông qua tri giác nghe, nhìn để thu thập thông tin về quá trình các hiện tượng xã hội dựa trên cơ sở đề tài nghiên cứu.
6. Giả thuyết nghiên cứu.
- Hoạt động du lịch có tác động mạnh mẽ tới việc duy trì và phát triển các mặt hàng thổ cẩm của địa phương.
- Người dân Sapa vẫn duy trì được ngành sản xuất thổ cẩm truyền thống.
- Các sản phẩm thổ cẩm đã có sự thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước.
- Việc kinh doanh mặt hàng thổ cẩm ngày càng được phát triển mạnh.
7. Khung lý thuyết.
Điều kiện kinh tế xã hội
Hoạt động du lịch
Chính sách Nhà nước, địa phương
Nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch
Sự phát triển các dịch vụ du lịch
Các sản phẩm thổ cẩm
Duy trì các sản phẩm thổ cẩm
Phát triển các sản phẩm thổ cẩm
Phần nội dung
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài
1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu.
Đất nước ta có 3/4 diện tích là đồi núi còn 1/4 là đồng bằng, với 7 vùng kinh tế. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, các vùng, các địa phương đều đang nỗ lực hết sức nhằm tìm kiếm và phát triển thế mạnh của riêng mình. Du lịch - một ngành công nghiệp không khói luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các địa phương.
Sapa là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với tiềm năng du lịch đang từng bước được đẩy mạnh. Phát triển du lịch đã đem lại cho Sapa những lợi ích vô cùng to lớn trong mọi mặt đời sống: kinh tế, văn hoá, giáo dục… Đặc biệt sự phát triển lớn mạnh của du lịch đã khiến việc buôn bán, sản xuất các mặt hàng truyền thống được đẩy mạnh, trong đó phải kể đến mặt hàng thổ cẩm. Đây không những là một ngành nghề thủ công truyền thống mà còn là bản sắc văn hoá của địa phương.
Việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm trong xu thế hội nhập hiện nay là vô cùng quan trọng, trong đó du lịch đã có những tác động to lớn và rõ rệt.
Du lịch được đẩy mạnh thu hút đông đảo khách tham quan và cũng khiến cho chính quyền địa phương có cách nhìn nhận mới, đánh giá đúng tiềm năng của Sapa, từ đó có chính sách đầu tư hợp lý. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, chính quyền địa phương đã đặc biệt quan tâm tới việc duy trì và phát triển sản phẩm thổ cẩm : "Việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc để sản xuất hàng hoá lưu niệm đã giúp cho bà con được hưởng lợi từ du lịch, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Sapa nói riêng" (Trích bài "Lợi thế Sapa trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Lào Cai" - Giàng Seo Phử - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai).
2. Cơ sở lý luận.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng khi xem xét đánh giá các sự kiện xã hội ở những hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử cụ thể trên quan điểm kế thừa và phát triển. ở nghiên cứu này, không chỉ tìm hiểu những tác động của du lịch tới việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm mà còn tìm hiểu xu thế biến đổi của sản phẩm đó, từ đó có chiến lược phát triển lâu dài. Đây cũng là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch ở Sapa hiện nay.
Lý thuyết cơ cấu - chức năng: Theo lý thuyết này xã hội được nhìn nhận như một hệ thống hoàn chỉnh sự quan hệ qua lại giữa các bộ phận. Các nghiên cứu thường xem xã hội giống như cơ thể con người, trong đó các bộ phận có những chức năng riêng và những chức năng này thoả mãn nhu cầu của hệ thống và bộ phận.
Theo Pascar một hệ thống phải có khả năng duy trì hoạt động theo một mô hình xã hội, trên cơ sở đó sẽ đổi mới động cơ, hoạt động hay trong hoạt động của chính thành viên để tạo ra một hoạt động hài hoà, đồng thời có khả năng tiếp thu cái mới đối với sự biến đổi của môi trường.
Lý thuyết trao đổi xã hội của Homans: Chủ yếu tập trung vào tương tác xã hội giữa các cá nhân. Homans đưa ra 4 nguyên tắc tương tác giữa các cá nhân như sau:
- Nếu một dạng hành vi được thưởng hay có lợi thì hành vi có xu hướng lặp lại.
- Hành vi được thưởng, được lợi trong hoàn cảnh nào thì cá nhân có xu hướng lặp lại hành vi đó trong hoàn cảnh như vậy.
- Nếu như mối lợi đủ lớn thì cá nhân sẽ sẵn sàng bỏ ra nhiều "chi phí" vật chất và tinh thần lớn để đạt được nó.
- Khi các nhu cầu của các cá nhân gần như hoàn toàn thoả mãn thì họ ít cố gắng hơn trong việc thoả mãn chúng.
3. Các khái niệm công cụ.
3.1. Khái niệm "ảnh hưởng".
ảnh hưởng là tác động của vật nó đối với vật kia làm cho vật thứ hai ít nhiều bị chi phối của vật thứ nhất.
(Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học - 1998)
3.2. Khái niệm "du lịch".
Ngày nay, du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội không chỉ phổ biến ở các nước phát triển mà còn có ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Có rất nhiều khái niệm khác nhau về du lịch, tiêu biểu là một vài quan điểm sau:
Trong quá trình thống kê du lịch, tác giả Nguyễn Cao Thường và Tô Đăng Hải đã chỉ ra rằng: du lịch là một ngành kinh tế - xã hội dịch vụ, có nhiệm vụ phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ ngơi có hoặc không kết hợp các hoạt động chữa bệnh, thể thao, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác.
Theo Coltman, du lịch là quan hệ tương hỗ do sự tương tác của 4 nhóm: du khách, cơ quan cung ứng, chính quyền và dân cư tại nơi đến du lịch.
Một số tác giả Hoa Kỳ thì lại coi du lịch như là tổng các hiện tượng và mối quan hệ nảy sinh từ tác động qua lại giữa du khách, nhà cung ứng, chính quyền và cộng đồng chủ nhà trong quá trình thu hút và đón tiếp khách du lịch.
3.3. Khái niệm "duy trì".
Trong báo cáo này, "duy trì" được hiểu là việc giữ gìn và bảo tồn các sản phẩm thủ công truyền thống, trong đó có sản phẩm thổ cẩm.
3.4. Khái niệm "phát triển".
Theo Liên Hợp Quốc thì phát triển là một quá trình trong đó toàn thể loài người áp dụng những công cụ hiện đại của khoa học và công nghệ vào những mục tiêu của mình, qua những thời kỳ khác nhau và tới tính hoàn toàn không đảo ngược của quá trình đó.
(Từ điển Xã hội học - Nguyễn Khắc Viện - 1994)
Chương 2: kết quả nghiên cứu
I. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu.
1. Về vị trí địa lý, tự nhiên.
Sapa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai có độ cao trung bình 1.500m so với mặt biển, cách Hà Nội 333km. Diện tích tự niên là 67,864ha, chiếm 8,44% diện tích toàn tỉnh, với 17 xã và 1 thị trấn.
Sapa thuộc vùng khí hậu Đông Hoàng Liên Sơn có mùa đông lạnh, mùa hè mát, không có thời kỳ khô nóng. Nhiệt độ trung bình năm của toàn huyện là 15-160C.
2. Về tình hình kinh tế.
Kinh tế nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Năm tháng đầu năm 2003 toàn huyện đã trồng và chăm sóc được 112ha lúa xuân, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức so với kế hoạch được giao 4ha. Đặc biệt trong thời gian qua huyện đã phối hợp với Vườn quốc gia Hoàng Liên tổ chức rà soát đất lâm nghiệp. Chuẩn bị thiết kế thi công trồng 110ha rừng cảnh quan.
Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện tiếp tục duy trì, đầu tư khôi phục và phát triển các nghề truyền thống như: dệt may, làm hàng thổ cẩm, chế biến thực phẩm phục vụ thị trường và sinh hoạt của người dân. Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp toàn huyện tính từ đầu năm đạt 2.995 triệu đồng, bằng 90% kế hoạch giao, trong đó công nghiệp khai thác (vật liệu xây dựng) đạt 2.596 triệu đồng, công nghiệp chế biến đạt 399 triệu đồng.
Tỷ trọng thương mại chiếm 15%, tỷ trọng ngành du lịch 13%. Tính từ đầu năm 2003 lượng khách du lịch đến địa bàn có đăng ký kinh doanh là 31.547 lượt khác, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 10.101 lượt khách quốc tế.
3. Về tình hình văn hoá, xã hội, y tế.
Tăng cường công tác vận động duy trì học sinh đến lớp ở các điểm trường, tỷ lệ học sinh chuyên cần ở các điểm trường đạt trên 80% ở tất cả các khối.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác khám và chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân phòng ngừa dịch bệnh. Tính từ đầu năm 2003 đã khám và chữa bệnh cho 27.102 lượt người, điều trị nội trú 1.235 lượt người.
II. Việc duy trì các sản phẩm thổ cẩm.
Những tiềm năng, thế mạnh của du lịch Sapa từng bước được đánh thức, thổi vào cuộc sống của người dân địa phương một luồng không khí mới mẻ. Nếu như trước đây (vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX) sau khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, họ đã chọn Sapa là nơi nghỉ mát và dưỡng bệnh, thì nay sự phát triển du lịch đã tạo nên nhu cầu tiêu thụ gia tăng của du khách đối với các sản phẩm cả vật chất lẫn văn hoá tinh thần của địa phương.
Khách du lịch đến Sapa rất thích quan tâm, tìm hiểu đời sống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là khách nước ngoài. Không những thế họ còn tỏ ý thích mua các hàng thổ cẩm, đồ trang sức của địa phương về làm kỷ niệm. Cũng chính từ đó mà việc tham gia vào các hoạt động phục vụ du lịch của người dân tộc thiểu số mới thực sự bắt đầu được phát triển và mở rộng.
Sản phẩm thổ cẩm của người dân tộc thiểu số ở Sapa trước kia chỉ chủ yếu dùng trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đây là công việc họ làm quanh năm với mục đích sử dụng cho bản thân và gia đình. Các cô gái dân tộc được học khâu vá, thêu thùa từ rất sớm, những người bà, người mẹ truyền thụ cho họ tất cả những kinh nghiệm và sự khéo léo của người phụ nữ để họ làm "vốn" trước khi đi lấy chồng. Song, những năm trở lại đây mục đích tạo ra các sản phẩm thổ cẩm của họ đã không chỉ dừng lại ở việc sử dụng cho bản thân và gia đình. Do nhu cầu mua hàng thổ cẩm của du khách tăng mạnh, một số nguời dân tộc đã ý thức được và chủ động mang những quần áo, váy, mũ, đồ trang sức… do mình làm ra xuống chợ bán cho khách du lịch.
Bảng 1: Yếu tố thu hút khách du lịch (%)
Các yếu tố
%
Nhà nghỉ
8,5
ẩm thực
7,1
Sản phẩm thổ cẩm
21,8
Lễ hội
48,5
Tập tục, sinh hoạt
29,1
Phong cảnh, khí hậu
90
Nhìn vào bảng số liệu trên ta có thể thấy ngay yếu tố thu hút khách du lịch đến Sapa chủ yếu là do nơi đây có một phong cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, với một khí hậu trong lành, mát mẻ. Có tới 90% khách du lịch đến Sapa với mục đích tham quan, nghỉ mát và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên. Bên cạnh đó yếu tố lễ hội (48,5%) và tập tục, sinh hoạt (29,1%) cũng thu hút đông đảo khách du lịch. Một yếu tố đảng kể nữa là sản phẩm thổ cẩm (21,8%). Có thể nói đây là yếu tố đầy tiềm năng để phát triển và mở rộng du lịch của địa phương.
Du khách đến Sapa hiện nay không đơn thuần chỉ để ngắm phong cảnh đẹp, hít thở không khí trong lành mà còn để tìm hiểu về bản sắc văn hoá vùng Tây Bắc Việt Nam. Đây là sự kết hợp đầy ý nghĩa, khiến cho du khách không chỉ cảm nhận được mà còn hiểu được một cách sâu sắc về địa phương Sapa cũng như cuộc sống của người dân ở vùng đất này.
Nhu cầu tìm hiểu và mua các sản phẩm thổ cẩm của khách du lịch đã thúc đẩy ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống vốn đang bị mai một, nay có điều kiện phục hồi nhanh hơn. Trở lại những năm 80, khi nền kinh tế bao cấp còn nhiều khó khăn, người dân Sapa vì miếng cơm manh áo đã phải làm rất nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, và nghề sản xuất các sản phẩm thổ cẩm truyền thống có nguy cơ bị thu hẹp lại. Nhờ vào sự phát triển của du lịch, nghề sản xuất các sản phẩm thủ công nói chung và sản phẩm thổ cẩm nói riêng đã có sự khởi sắc đem lại thu nhập đáng kể cho người dân Sapa.
Nghề sản xuất thổ cẩm không phải không có du lịch thì sẽ mất đi, song nhu cầu tăng lên thì tất yếu là khâu cung cấp cũng được đẩy mạnh, do đó thu hút rất nhiều người dân địa phương tham gia, và xu hướng đây sẽ là ngành nghề thủ công phát triển nhất so với ngành nghề khác. Chính vì lẽ đó mà ngành sản xuất này thu hút một lượng lớn người dân tham gia.
Có thể nói cách thức tham gia sản xuất (41,4%) là đạt hiệu quả cao nhất trong việc duy trì nghề thủ công truyền thống nói chung và nghề sản xuất hàng thổ cẩm nói riêng. Ông cha ta cũng đã từng đúc kết rằng "Trăm hay không bằng tay quen". Nếu nhiều người dân cùng tham gia sản xuất thì chẳng những việc làm càng ngày càng thành thục, nhuần nhuyễn hơn, mà sản phẩm tạo ra cũng mang đậm phong thái của người bản xứ hơn. Việc sử dụng sản phẩm (30,9%) cũng có một ý nghĩa quan trọng nhằm duy trì sản phẩm truyền thống. Vì khi họ mặc những chiếc váy, áo, mũ… của địa phương thì họ đã góp phần tô đậm thêm nét bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Không đơn thuần chỉ là sản xuất và sử dụng, người dân Sapa còn duy trì nghề dệt thổ cẩm của mình thông qua việc truyền nghề (25,8%), sưu tầm bằng văn bản (20%) và giáo dục con cái (26,1%). Điều đó đã nói lên được mức độ quan tâm của người dân địa phương đối với việc duy trì và phát triển các sản phẩm thủ công, đặc biệt là sản phẩm thổ cẩm. Mặc dù nền kinh tế thị trường đang chi phối mạnh mẽ việc sản xuất các mặt hàng thổ cẩm, song người dân địa phương vẫn có những quan niệm truyền thống trong việc duy trì ngành nghề này.
"Các nhà vẫn chỉ bảo con gái mới lớn biết cách thêu thổ cẩm. Cái đấy không thiếu được vì sau này muốn lấy chồng con gái phải biết thêu và may áo đủ cho nhà chồng" (DAM - Nữ - 60 tuổi - Bán hàng thổ cẩm)
Theo bài viết "Di sản văn hoá dân gian Sapa" của Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Lào Cai thì hiện nay các dân tộc ở Sapa còn bảo lưu được một số nghề thủ công tiêu biểu: người Xá Phó có nghề dệt vải, thêu trang phục, người Dao có nghề thêu hoa văn thổ cẩm… khảo sát làng Cát Cát còn 54 gia đình trồng lanh, dệt vải in sáp ong… Nghề sản xuất sản phẩm thổ cẩm vẫn luôn được bà con dân tộc quan tâm lưu giữ nhiều nhất. Có thể nói, các nghề thủ công với những bí quyết mang dấu ấn dân tộc người thực sự là di sản văn hoá dân gian đặc sắc.
Mặc dù số lượng người tham gia vào sản xuất, duy trì sản phẩm thổ cẩm khá đông, song vẫn còn rải rác, chưa tập trung thành cụm, điểm để phát huy thế mạnh của mặt hàng này. Bên cạnh đó, nếu chỉ duy trì một ngành nghề thì sẽ ít người biết đến sản phẩm và không thấy được hết giá trị của những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc đó. Muốn nghề sản xuất hàng thổ cẩm ngày một lớn mạnh thì chính quyền và người dân cần phải phát triển mặt hàng này thành một thế mạnh của địa phương.
III. Việc phát triển các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa.
1. Sự thay đổi của các sản phẩm thổ cẩm truyền thống.
Nằm trong sự phát triển chung của nền kinh tế thị trường, các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa cũng đang từng bước có những biến đổi, cải tiến nhằm hội nhập và phát huy khả năng lớn mạnh của một ngành nghề truyền thống lâu đời.
Du lịch phát triển, khách đến Sapa cũng ngày một đông hơn, trong đó có rất nhiều khách nước ngoài. Du khách ở các nước trên thế giới về Sapa, mang theo những nền văn hoá khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất hàng thổ cẩm ở đây. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách các mặt hàng thổ cẩm cũng được người dân cải biến, sáng tạo cho phong phú, đa dạng hơn.
"Mẫu thêu là của người dân tộc nhưng phải sáng tạo cho các mẫu trên nền vải phù hợp, lại mang tính tiện dụng thì mới bán được. Khách họ cũng có nhu cầu đa dạng lắm, vừa muốn có sản phẩm đặc trưng của Sapa, vừa phải dễ sử dụng trong gia đình chứ không phải mua thổ cẩm chỉ để làm kỷ niệm" (NTH - Nữ - 20 tuổi - Bán hàng thổ cẩm).
Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh những biến đổi của sản phẩm thổ cẩm, có ý kiến đồng tình, cũng có ý kiến phản đối. Song phải thừa nhận rằng sự biến đổi của các sản phẩm thổ cẩm là tất yếu.
Bảng 2: Mức độ thay đổi của sản phẩm thổ cẩm (%)
Mức độ
Tiêu chí
Kém đi
Không thay đổi
Tốt hơn
Không biết, không rõ
Kiểu dáng
5,0
22,4
65,0
7,4
Màu sắc
3,8
26,1
63,6
6,5
Hoa văn
4,7
29,6
59,2
6,5
Chất liệu
17,6
31,8
42,4
8,2
Chất lượng
24,7
20,9
45,6
8,8
Tính tiện dụng
6,0
21,8
60,7
11,2
Các sản phẩm thổ cẩm hiện nay đã có sự thay đổi rất nhiều so với trước kia. Điều đáng mừng là sự thay đổi này lại có chiều hướng tích cực khá rõ rệt.
Về kiểu dáng của sản phẩm, 65% số người được hỏi cho rằng hàng thổ cẩm hiện nay có kiểu dáng tốt hơn, đẹp hơn, mẫu mã phong phú, đa dạng hơn. Nhìn vào thực tế địa bàn điều tra, chúng tôi cũng thấy được sự thay đổi đó. Trước kia người dân Sapa chủ yếu sản xuất các mặt hàng thổ cẩm phục vụ đời sống: áo, quần, váy, mũ, khăn… Nhưng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng các sản phẩm thổ cẩm ngày càng được bổ sung nhiều hơn về mẫu mã, kiểu dáng. Người dân tộc bắt đầu sáng tạo ra những chiếc túi đựng điện thoại di động, vòng đeo tay, dây đeo chìa khoá… và thực tế cho thấy những sản phẩm này bán được khá nhiều, do mới lạ và nhỏ gọn, xinh xắn, phù hợp với mọi du khách.
Màu sắc của sản phẩm cũng có thay đổi, với 63,0% người được hỏi có ý kiến cho rằng "tốt hơn". điều này cho thấy sự thích ứng của người dân với việc htya đổi màu sắc sản phẩm. Trước kia, chủ yếu họ dùng những màu sắc: đen, đỏ, xanh, vàng, màu chàm… để trang trí lên áo, mũ, váy… Bây giờ họ đã kết hợp rất nhiều màu với sự phối hợp giữa bản sắc truyền thống và hiện đại, tạo nên nét đẹp trong sản phẩm.
Có 59,1% số người được hỏi cho rằng văn hoá của hàng thổ cẩm có sự cải tiến đẹp hơn trước, đặc biệt có sự giao thoa giữa hoa văn của dân tộc này với dân tộc khác khiến cho sản phẩm đẹp hơn.
"Phần lớn hàng ở đây đều mang hoạ tiết của dân tộc Dao. Nhưng cũng có những cái dây đeo tay là hoạ tiết của dân tộc Dao và Mông kết hợp. Khách du lịch thích những dây đeo như vậy vì họ biết được cả hai loại hoạ tiết của hai dân tộc trên một sản phẩm" (GTH - Nữ - 19 tuổi - Bán hàng).
Một thay đổi được đánh giá tốt hơn là tính tiện dụng của sản phẩm (60,7%). Cùng một miếng vải thổ cẩm, người mua có thể đem khâu vào áo, vào túi, mũ, hay chăn, gối đều được. Các sản phẩm thổ cẩm dù mang bản sắc riêng của dân tộc, song cũng hướng tới việc phục vụ nhu cầu hàng ngày của mọi đối tượng khách hàng.
Nói chung, các sản phẩm đều có sự thay đổi và đa số đánh giá là tốt hơn, như chất liệu (42,4%) chất lượng (45,6%).
Một số người cho rằng các sản phẩm này không thay đổi, chủ yếu là chất liệu (31,8%) và màu sắc (26,1%).
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số không nhỏ cho rằng các sản phẩm thổ cẩm đang ngày một kém đi. ý kiến này tập trung nhiều nhất ở chất lượng (24,7%), sau đó đến chất liệu (17,6%). Theo nhận xét của người dân thì hàng dệt của Trung Quốc đang tràn vào thị trường của sản phẩm thổ cẩm. Những mặt hàng được pha trộn từ chỉ Trung Quốc đến màu sắc nhuộm… đã khiến cho chất lượng của sản phẩm không được bền như dệt thổ cẩm gốc. Một số tiêu chí ít bị kém đi là hoa văn (4,7%), màu sắc (3,8%) và tính tiện dụng (6,0%), kiểu dáng (5%).
Quả thực, các sản phẩm thổ cẩm hiện nay ngày càng nhiều và phong phú. Sự thay đổi không chỉ được thể hiện trong từng sản phẩm mà còn biểu hiện rõ thông qua quy trình sản xuất. Với sự hỗ trợ của máy móc đang thay thế dần lao động thủ công, các sản phẩm thổ cẩm được làm ra nhanh hơn, đa dạng hơn.
Sự thay đổi của các sản phẩm thổ cẩm là do rất nhiều lý do chủ quan và khách quan, chúng ta có thể nhận thấy rõ qua bảng dưới đây.
Bảng 3: Lý do dẫn đến sự thay đổi của các sản phẩm
Nguyên nhân
%
Do thị hiếu, nhu cầu của khách hàng
87,2
Các chính sách của Nhà nước, địa phương
14,4
Các dự án nước ngoài
9,6
Phương thức giới thiệu sản phẩm
9,9
Sự năng động của người sản xuất và người bán
35,6
Khác
12,4
Lý do chủ yếu dẫn tói sự thay đổi của các sản phẩm thổ cẩm là thị hiếu, nhu cầu của khách hàng (87,2%), bên cạnh đó sự năng động của người sản xuất và người bán cũng góp một phần không nhỏ vào việc biến đổi hàng thổ cẩm với 35,6% số người đồng ý với ý kiến đó. Nhà nước và địa phương cũng có những chính sách đầu tư hợp lý (14,4%). Ngoài ra còn một số lý do dẫn đến sự thay đổi của các sản phẩm như là: các dự án nước ngoài (9,6%). phương thức giới thiệu sản phẩm (9,9%).
Có thể nói, nhu cầu và thị hiếu thì vô tận, điều quan trọng là người sản xuất và kinh doanh phải nắm bắt được nhu cầu đó, để tìm ra phương thức tối ưu cho sản phẩm của mình.
2. Hình thức kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm.
Do sự phát triển của du lịch mà việc giao thương, buôn bán ở Sapa cũng ngày càng được đẩy mạnh. Bên cạnh đó người dân địa phương cũng có sự năng động, nhạy bén, đáp ứng kịp thời với nhu cầu của thị trường.
Vì các hàng thổ cẩm đều là những sản phẩm đòi hỏi nhiều công sức và thời gian nên lượng hàng thổ cẩm có sẵn ngày càng cạn. Những người bán hàng rong đã nhanh chóng chuyển sang việc đi mua lại các sản phẩm thổ cẩm của một số người không có điều kiện lên chợ thường xuyên hoặc không có thời gian và thói quen bán hàng. Những sản phẩm này được họ "chế biến" lại thành các loại áo, mũ, túi… hợp với thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh đó, người kinh đã nhanh chóng thu mua và tạo ra các sản phẩm thổ cẩm để kinh doanh ở thị trấn, đây cũng là một nguồn hàng quan trọng để người dân tộc mua và đem bán lại cho khách du lịch.
Nếu như trước đây, việc kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm của người dân chỉ là tự phát, và chủ yếu là bán rong, thì nay, người địa phương đã bắt đầu biết tìm lối đi cho sản phẩm của mình thông qua nhiều hình thức bán hàng khác nhau. Từ đó các hình thức bán hàng đó, người dân sẽ biết được rằng nên bán sản phẩm thổ cẩm ở đâu thì nhiều người mua, nên bán như thế nào thì thu được nhiều lợi nhuận. Tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể mà họ sẽ chọn một hình thức bán hàng sao cho hiệu quả nhất.
Bảng 4: Hình thức bán hàng hiệu quả nhất (%)
Hình thức
%
Bán rong
30,3
Thông qua cửa hàng
49,4
Bán ở chợ
45,0
Hội chợ, triển lãm
10,9
Nhìn vào bảng số liệu ta có thể thấy, người dân địa phương đã biết đến rất nhiều hình thức bán hàng. Trong đó hình thức bán thông qua cửa hàng (49,4%) được người dân lựa chọn là có hiệu quả nhất. Có thể giải thích là do các sản phẩm được bày bán ở cửa hàng có thể thu hút nhiều khách qua đường. Nếu vị trí của cửa hàng thuận tiện, gần trung tâm - nơi có nhiều người qua lại thì càng tốt. Du khách có thể đi chơi cũng tiện ghé qua xem và mua sản phẩm. Bên cạnh đó, các mặt hàng thổ cẩm ở cửa hàng thường đã được lựa chọn từ những sản phẩm mà người dân đem bán, nên sẽ đẹp hơn, tốt hơn ở những nơi khác. Ngoài ra, các cửa hàng có thể mở cửa từ sáng đến tối, phục vụ nhu cầu mua hàng của du khách mọi thời điểm.
Hình thức bán hiệu quả không kém là bán ở chợ (45,0%). Các sản phẩm thổ cẩm sẽ được người dân tập trung về đây để bán cho những khách hàng vào chợ. Đặc biệt, nếu vào ngày phiên chợ thì các sản phẩm này cũng bán được nhiều hơn. Mặc dù không thuận tiện bằng bán ở cửa hàng, song hình thức bán ở chợ cũng thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt là du khách nữ - những người thích đi chợ, tận hưởng không khí nhộn nhịp, đông vui, vào tỉ mẩn lựa chọn những mặt hàng thổ cẩm mà mình thích.
Hình thức bán rong (30,3%) trước kia là chủ yếu, nhưng bây giờ hiệu quả cũng không cao lắp. Do việc bán rong rất vất vả, người bán phải đi nhiều nơi với gùi hàng nặng, phải giới thiệu cho từng du khách về sản phẩm của mình. Họ cũng không biết được nơi nào tập trung nhiều du khách để đến chào hàng.
Một hình thức bán hàng nữa được người dân lựa chọn, song hiệu quả không cao, đó là bán ở hội chợ, triển lãm (10,9%). Các mặt hàng sẽ được giới thiệu với du khách thông qua các quầy hàng trưng bày sản phẩm. Tuy nhiên các dịp hội chợ, triển lãm không diễn ra thường xuyên, hàng thổ cẩm bán ở đây cũng phải được lựa chọn một cách kỹ càng, nếu sản phẩm nào không đảm bảo yêu cầu sẽ bị loại bỏ.
Như vậy, các hình thức bán hàng đã góp một phần không nhỏ vào việc phát triển các sản phẩm thổ cẩm của địa phương. Thông qua hình thức bán hàng phù hợp và hiệu quả, người dân cũng có những tính toán đúng đắn nhằm hướng tới những đối tượng mua hàng đem lại nhiều lợi nhuận cho họ.
"Người nước ngoài thường thích mua những quần áo cũ của người dân tộc, còn khách du lịch trong nước thường thích mua vỏ gối, tranh, túi" (GTM-22 tuổi - nữ - Bán hàng).
Hiện nay lượng khách du lịch đến Sapa ngày càng đông, nhu cầu mua sắm cũng rất lớn. Do đó cần phải nắm bắt thị hiếu của từng loại khách hàng để hướng tới phục vụ nhằm thu lại hiệu quả cao.
Bảng 5: Các sản phẩm thủ công địa phương được ưa chuộng nhất đối với từng đối tượng (%)
Khách du lịch
Sản phẩm
Khách Việt Nam
Khách nước ngoài
Thổ cẩm
66,6
90,7
Nhạc cụ truyền thống
43,4
39,7
Đồ thủ công, trang sức
54,7
52,5
Hội chợ, triển lãm
10,9
10,9
Như vậy, có thể thấy sản phẩm thổ cẩm vẫn là mặt hàng được khách du lịch ưa chuộng nhất so với các sản phẩm thủ công khác như: nhạc cụ truyền thống, đồ trang sức, mỹ nghệ…
Một điều dễ nhận thấy qua bảng trên là sự ưa thích của du khách trong nước và nước ngoài về sản phẩm thổ cẩm có sự khác biệt khá rõ rệt. Trong khi khách du lịch nước ngoài ưa thích sản phẩm thổ cẩm là 90,7% thì khách trong nước chỉ chiếm 66,6%.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện thì lượng khách trong nước và khách nước ngoài tới Sapa du lịch, nghỉ mát là ngang nhau. Song nói về mức độ ưa chuộng hàng thổ cẩm thì có lẽ khách nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm này. Khách du lịch trong nước chủ yếu mua các mặt hàng thổ cẩm như: ví, dây đeo, túi… về làm kỷ niệm, chứ ít ai nghĩ tới việc nghiên cứu, tìm hiểu những bản sắc văn hoá dân tộc trong các sản phẩm đó. Ngược lại, khách du lịch nước ngoài bên cạnh việc tham quan, ngắm cảnh còn muốn tìm hiểu những nét văn hoá dân tộc đặc sắc thông qua các sản phẩm do chính tay người dân Sapa làm ra. Họ muốn đem những sản phẩm đó về nước để lưu giữ lại kỷ niệm về vùng đất Sapa nói riêng và con người Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, mặt hàng thổ cẩm vẫn chưa tạo được thị trường rộng rãi nhằm phục vụ đối tượng khách du lịch nước ngoài. Đó là do sự yếu kém của hệ thống bán hàng khâu quảng cáo, tiếp thị thiếu hấp dẫn nên khách nước ngoài ít có thông tin về sản phẩm. Ngoài ra, yếu tố bất đồng ngôn ngữ cũng gây nhiều khó khăn cho người bán cũng như người mua.
Có thể nói, việc nắm bắt nhu cầu của từng đối tượng phục vụ là rất cần thiết, bởi từ đó người sản xuất và kinh doanh mới có được những kế hoạch phát triển phù hợp nhằm làm cho hình thức kinh doanh ngày càng đa dạng hơn khi đó sản phẩm thổ cẩm sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ, mà bộ mặt giao thông của địa phương cũng sẽ thay đổi và được đẩy mạnh hơn.
IV. Những thuận lợi và khó khăn trong việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa.
1. Những thuận lợi.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch và cũng để tạo khả năng khai thác nguồn lợi từ du lịch, các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa cần phải có sự quan tâm, đầu tư hợp lý. Sự phát triển của ngành nghề thủ công truyền thống, trong đó có mặt hàng thổ cẩm đã tạo nên những nguồn thu nhập quý giá cho cư dân bản địa. Do đó, đẩy mạnh việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm thổ cẩm là một việc làm cần thiết.
Trong thời gian qua, để duy trì và phát triển mặt hàng thổ cẩm, ngành nghề này đã có những thuận lợi nhất định, điều đó cho thấy sự quan tâm của người dân, chính quyền địa phương… là rất cần thiết. Có tới 98,5% số người được hỏi cho rằng việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm thổ cẩm trong thời gian qua gặp những thuận lợi nhất định. Đây sẽ là những nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy ngành hàng truyền thống của địa phương ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thu hút vốn đầu tư và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương.
Bảng 6: Những thuận lợi trong việc duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống (%)
Những thuận lợi
%
Nhu cầu thu mua sản phẩm truyền thống tăng
74,0
ý thức của người dân về duy trì sản phẩm truyền thống
29,9
Thu nhập từ việc sản xuất
39,7
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương
26,6
Những số liệu điều tra đã cho thấy nhu cầu thu mua sản phẩm truyền thống tăng (74,0%) đã đem lại những thuận lợi đáng kể cho việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm. Với 3/4 số người được hỏi đã đồng ý rằng việc thu mua các sản phẩm truyền thống nói chung và mặt hàng thổ cẩm nói riêng của khách du lịch cũng như người dân địa phương đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tới việc sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Nhu cầu tăng lên thì tấy yếu nguồn cung cấp cũng phải phát triển để đáp ứng kịp thời. Điều đó đồng nghĩa với việc tạo thu nhập cho người sản xuất (39,7%). Với nguồn thu nhập này, người dân đã có trong tay vốn sản xuất để mua nguyên vật liệu, để vận chuyển hàng xuống chợ… và đời sống cũng được nâng lên.
Bên cạnh đó, người dân cũng bắt đầu ý thức được vai trò của mình trong việc duy trì, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Đây cũng được coi là một thuận lợi với 29,9% số người được hỏi đồng ý với ý kiến đó. Đời sống của người dân được cải thiện thì nhận thức cũng được nâng lên. Họ đã có ý thức về việc duy trì các sản phẩm truyền thống qua việc tham gia sản xuất, sử dụng sản phẩm, truyền nghề. giáo dục con cái…
Một thuận lợi nữa không thể không nhắc đến, đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương (26,6%). Mặc dù các chính sách này chưa nhiều song đã có sự quan tâm của các cấp chính quyền thì việc duy trì và phát triển sản phẩm thổ cẩm cũng sẽ đạt hiệu quả nhất định.
2. Những khó khăn.
Bên cạnh những thuận lợi còn không ít khó khăn mà việc duy trì và phát triển sản phẩm thổ cầm cần vượt qua. Người dân đã có ý thức gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc mình, song chưa có hướng đi cho sản phẩm. Các hoạt động sản xuất và kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa có quy mô và thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương. Do đó việc duy trì và phát triển mặt hàng thổ cẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Bảng 7: Những khó khăn trong việc duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống (%)
Những khó khăn
%
Thiếu vốn
53,1
Thiếu thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm
28,8
Thiếu khu bảo tồn
11,3
Sự quản lý của chính quyền
14,7
Tiêu thụ sản phẩm
22,7
Thiếu sự quảng cáo, môi giới sản phẩm
25,8
Trong số những khó khăn trên, việc thiếu vốn (53,1%) là rõ rệt nhất. Chứng tỏ rằng đây là một bức xúc của số đông những người sản xuất và kinh doanh sản phẩm thổ cẩm, đặc biệt là những người trực tiếp tạo ra sản phẩm. Đa số họ đều làm nông nghiệp đời sống khó khăn. Không những thế việc tạo ra các sản phẩm thổ cẩm đòi hỏi thời gian và sự kiên trì, khéo léo, nhưng để đến tay người khách du lịch thường phải qua một khâu trung gian.
Thiếu thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm (28,8%) cũng là một khó khăn đối với việc duy trì và phát triển các mặt hàng thổ cẩm. Bên cạnh đó khâu quảng cáo, môi giới sản phẩm cũng chưa có hiệu quả với 25,8% người được hỏi có ý kiến đó.
Có 22,7% số người được hỏi cho rằng việc tiêu thụ sản phẩm gây khó khăn cho quá trình sản xuất và kinh doanh của mình. Đây cũng là một điều dễ hiểu. Vì các mặt hàng thổ cẩm được sản xuất rất nhiều trong khi chất lượng sản phẩm cũng ít nhiều giảm sút. Khách du lịch cũng có những hiểu biết nhất định về mặt hàng này và họ đã có sự khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm mà mình thích. Thị trường của sản phẩm thổ cẩm ngày càng được mở rộng, song việc tiêu thụ mặt hàng này lại gặp khó khăn. Đây tưởng chừng như là mâu thuẫn, song xét về mọi mặt thì lại thấy rất hợp lý. Thị trường mở rộng đòi hỏi các sản phẩm thổ cẩm phải có sự cải tiến về hình thức và chất lượng sao cho đáp ứng được với nhu cầu và thị hiếu của du khách. Mặt hàng thổ cẩm đa dạng, nhưng sở thích của khách du lịch cũng phong phú không kém. Vì vậy sản phẩm thổ cẩm cần được đầu tư và có những thay đổi hợp lý.
Việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý của chính quyền (14,7%) và thiếu khu bảo tồn (11,3%). Như đã nói ở trên việc sản xuất và kinh doanh mặt hàng thổ cẩm của người dân còn nhỏ lẻ, chưa có quy mô và thiếu sự hướng dẫn, quản lý của chính quyền địa phương. Đây cũng là một khó khăn khiến cho việc phát triển sản phẩm thổ cẩm chưa đạt hiệu quả cao.
V. Kết luận và khuyến nghị.
1. Kết luận,
Kết quả khảo sát đã cho thấy giả thuyết nghiên cứu cứu đặt ra ở trên là đúng và hoàn toàn phù hợp.
- Du lịch Sapa phát triển có ảnh hưởng rất lớn tới việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm ở địa phương.
- Mặt hàng dệt thổ cẩm của Sapa là một trong những yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch (21,8%).
- Nhu cầu mua quà lưu niệm của du khách cũng tác động trở lại, làm cho ngành sản xuất thổ cẩm nói riêng và ngành nghề thủ công mỹ nghệ nói chung vốn đang bị mai một, nay có điều kiện phục hồi nhanh hơn.
- Hình thức duy trì nghề truyền thống có hiệu quả nhất là tham gia sản xuất (41,4%) và sử dụng sản phẩm (30,9%).
- Các sản phẩm thổ cẩm hiện nay đã có sự thay đổi, cải tiến về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, chất liệu, chất lượng và tính tiện dụng nhằm đáp ứng nhu cầu về thị hiếu của khách hàng (87,2%).
- Hình thức kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm mang lại hiệu quả cao là thông qua cửa hàng (49,4%) và bán ở chợ (45%).
- So với các sản phẩm thủ công truyền thống khác, mặt hàng thổ cẩm được khách nước ngoài ưa chuộng nhất (90,7%) do đó người sản xuất và kinh doanh đã hướng vào phục vụ đối tượng khách nước ngoài là chủ yếu.
- Trong quá trình duy trì và phát triển sản phẩm thổ cẩm, người dân đã có được những thuận lợi tương đối tốt, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại.
- Các hoạt động sản xuất và kinh doanh của người dân còn nhỏ bé, chưa có quy mô và định hướng rõ ràng.
2. Giải pháp, khuyến nghị.
Sau đây, chúng tôi xin được đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp mong phần nào có thể áp dụng vào thực tế việc duy trì và phát triển các sản phẩm thổ cẩm ở Sapa hiện nay.
2.1. Về phía chính quyền địa phương.
- Cần có chính sách, định hướng phát triển đúng đắn ngành du lịch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế khác càng phát triển.
- Ngành sản xuất sản phẩm thổ cẩm không những đem lại lợi nhuận to lớn mà còn là một nét văn hoá dân tộc vùng cao Sapa, do đó chính quyền địa phương cần phải quan tâm và có sự đầu tư hợp lý.
- Cần tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng thổ cẩm sao cho có hiệu quả, bên cạnh đó có chính sách quản lý thích hợp.
2.2. Về phía người dân.
- Cần có sự nhận thức đúng đắn về việc duy trì và phát triển sản phẩm thổ cẩm của địa phương.
- Năng động, nhạy bén trước sự thay đổi của thị trường nhằm tạo cơ hội phát triển kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm.
- Giữ gìn những nét bản sắc văn hoá trong từng sản phẩm. Bên cạnh đó cũng có sự thay đổi, hiện đại hoá sản phẩm thổ cẩm nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
- Nâng cao trình độ giao tiếp, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và có hình thức kinh doanh hợp lý để quảng bá tới các nước khác về một nét văn hoá đặc sắc của người Sapa thông qua sản phẩm thổ cẩm.
tài liệu tham khảo
"Du lịch với dân tộc thiểu số ở Sapa" - TS. Phạm Thị Mộng Hoa, TS. Lâm Thị mai Lan. NXB Văn hoá Dân tộc, 2000.
"Báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2004". UBND huyện Sapa.
"Lợi thế Sapa trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Lào Cai". Giàng Seo Phử, 2003.
"Phát triển du lịch bền vững - Một hướng đi chính của Sapa" - TS. Nguyễn Hữu Vạn, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư huyện uỷ Sapa.
"Di sản văn hoá dân gian Sapa" - TS. Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hoá - TT - TT tỉnh Lào Cai.
"Đặc sản Sapa". NXB Văn hoá - Dân tộc và Ban Tuyên giáo huyện uỷ Sapa.
"Từ điển xã hội học" - Nguyễn Khắc Viện. NXB Thế giới, 1994.
"Từ điển xã hội học" - G. Endrweit và G. Trommsdorff. NXB Thế giới, 2001.
"Xã hội học đại cương"- Phạm Tất Dong, Lê Ngọc Hùng. NXB Đại học Quốc gia.
"Phương pháp nghiên cứu xã hội học" - Phạm Văn Quyết, Nguyễn Quý Thanh. NXB Đại học Quốc gia, 2001.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- DL 73.doc