Đề đốc đặng đức vĩ và căn cứ núi Sầm trong phong trào Cần Vương chống pháp thế kỷ XIX ở Phú Yên

Tài liệu Đề đốc đặng đức vĩ và căn cứ núi Sầm trong phong trào Cần Vương chống pháp thế kỷ XIX ở Phú Yên: Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Đào Nhật Kim 23 ĐỀ ĐỐC ĐẶNG ĐỨC VĨ VÀ CĂN CỨ NÚI SẦM TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CHỐNG PHÁP THẾ KỶ XIX Ở PHÚ YÊN ĐÀO NHẬT KIM* “Lẻ loi như cụm Núi Sầm Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan” Từ lâu Núi Sầm được mọi người biết đến qua câu ca dao trên như một cụm núi lẻ loi nằm giữa vùng đồng bằng tả ngạn sông Đà Rằng thuộc làng Phụng Tường, tổng Hoà Bình, huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên (nay là thôn Phụng Tường, xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà). Núi Sầm được ví như người lữ hành đơn độc, gợi bao sự xúc cảm cho mọi người, nhất là vào dịp chia tay kẻ ở người đi. Núi Sầm còn là một địa danh lịch sử gắn liền với bao chiến công oai hùng của nhân dân Phú Yên trong những năm tháng chống giặc ngoại xâm đầy cam go và quyết liệt, gắn với tên tuổi nhà yêu nước Đặng Đức Vĩ trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Phú Yên. 1. Bối cảnh lịch sử Thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây chuyển sang giai đoạn chủ nghiã đế quốc đua nhau tì...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 492 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề đốc đặng đức vĩ và căn cứ núi Sầm trong phong trào Cần Vương chống pháp thế kỷ XIX ở Phú Yên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Đào Nhật Kim 23 ĐỀ ĐỐC ĐẶNG ĐỨC VĨ VÀ CĂN CỨ NÚI SẦM TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CHỐNG PHÁP THẾ KỶ XIX Ở PHÚ YÊN ĐÀO NHẬT KIM* “Lẻ loi như cụm Núi Sầm Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan” Từ lâu Núi Sầm được mọi người biết đến qua câu ca dao trên như một cụm núi lẻ loi nằm giữa vùng đồng bằng tả ngạn sông Đà Rằng thuộc làng Phụng Tường, tổng Hoà Bình, huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên (nay là thôn Phụng Tường, xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà). Núi Sầm được ví như người lữ hành đơn độc, gợi bao sự xúc cảm cho mọi người, nhất là vào dịp chia tay kẻ ở người đi. Núi Sầm còn là một địa danh lịch sử gắn liền với bao chiến công oai hùng của nhân dân Phú Yên trong những năm tháng chống giặc ngoại xâm đầy cam go và quyết liệt, gắn với tên tuổi nhà yêu nước Đặng Đức Vĩ trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Phú Yên. 1. Bối cảnh lịch sử Thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây chuyển sang giai đoạn chủ nghiã đế quốc đua nhau tìm kiếm thị trường và thuộc địa. Chế độ cai trị của triều Nguyễn với chính sách “bế quan toả cảng” đã kìm hãm sự phát triển của đất nước, biến Việt Nam trở thành “miếng mồi” hấp dẫn cho nhiều nước tư bản, trong đó có tư bản Pháp. Năm 1858, sau khi thất bại trong kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” ở Đà Nẵng, thực dân Pháp chuyển vào Gia Định thực hiện chiến thuật “tằm ăn lá dâu” lần lượt đánh chiếm các tỉnh Nam kỳ và lan rộng ra cả nước. Đến năm 1884, triều Nguyễn ký hiệp ước Patơnốt (Patenôtre) công nhận sự thống trị của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt nam. Không chấp nhận đường lối thoả hiệp đầu hàng của phần lớn quan lại trong triều, đêm 4-7-1885 Tôn Thất Thuyết – người đứng đầu phe chủ chiến, đã tiến hành cuộc phản công đánh Pháp tại kinh thành Huế. Do chênh lệnh về lực lượng * ThS, Trường CĐSP Phú Yên Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Số 13 năm 2008 24 và vũ khí nên cuộc phản công thất bại, ông đưa vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành ra Tân Sở (Quảng Trị) phát hịch Cần vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên chống giặc. Tại Phú Yên, ngày 15-8-1885 dưới sự lãnh đạo của tú tài Lê Thành Phương, ngọn cờ “Cần Vương cứu quốc” phất phới tung bay khắp các làng, tổng ở hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoà lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Toàn tỉnh Phú Yên, các đội quân thứ (1) phối hợp với các đội hương binh do một số nhân sĩ, thân hào chiêu mộ được phân chia làm 3 khu vực: phía bắc tỉnh do Bùi Giảng thống lĩnh đóng quân tại Hòn Đồn với các căn cứ Bình Tây, Thế Hiên, Đồng Quân; phân khu trung tâm là căn cứ Xuân Vinh do Lê Thành Phương trực tiếp chỉ huy đóng bản doanh tại núi Chóp Vung với các cứ điểm Lâm Cấm, Núi Một, Tuy Dương, Bực Đồn, Phiên Thứ; khu vực huyện Tuy Hoà: phía nam sông Đà Rằng do Trương Chính Đường phụ trách đóng quân tại đình Mỹ Thạnh và các cứ điểm Gành Bà, Núi Hương, Đà Diễn, Đèo Cả, Thạch Chẩm, Vườn Xá; phía bắc sông Đà Rằng dưới sự chỉ huy của Đề đốc Đặng Đức Vĩ. Ven biển là hệ thống phòng thủ từ đầm Cù Mông cho đến Xuân Đài, Vũng Rô để chặn địch đổ bộ từ hướng đông; vùng rừng núi phía tây huyện Đồng Xuân một thời là Tây Sơn trung đạo có các căn cứ sơn phòng Vân Hoà, Tổng Binh,Tân Lương được xây dựng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Phú Yên trở thành pháo đài, trung tâm của phong trào Cần Vương khu vực phía nam kinh thành Huế (2). 2. Đề đốc Đặng Đức Vĩ và căn cứ Núi Sầm Vùng đồng bằng tả ngạn sông Đà Rằng thuộc tổng Hoà Bình, huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ chung của cả tỉnh vào thời ấy. Đây là nơi tiếp giáp và bảo vệ mặt nam của căn cứ trung tâm Xuân Vinh, đồng thời là cửa ngõ thông đường lên căn cứ sơn phòng Vân Hoà, Tân Lương. Vùng này còn có cửa Đà Rằng mà quân Pháp có thể đổ bộ bất cứ lúc nào để chiếm khu vực phía nam tỉnh Phú Yên. Chính tầm quan trọng như vậy, Bộ chỉ huy nghĩa quân cần Vương Phú Yên đã chọn những tướng lĩnh tài năng và có nhiều kinh nghiệm để chỉ huy khu vực này. Đề đốc Đặng Đức Vĩ được giao quyền thống lĩnh và chỉ đạo quân thứ tổng Hoà Bình. Đặng Đức Vĩ sinh năm 1835 tại làng Đông Phước, tổng Hoà Bình, huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên (nay thuộc làng Đông Bình, xã Hoà An, huyện Phú Hoà). Theo gia phả họ Đặng cho biết: tổ tiên ông Vĩ là người ở Thanh Hoá đã từng theo Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Đào Nhật Kim 25 Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh trong cuộc Nam tiến lập nhiều công lớn trong việc khai phá vùng đất Phú Yên trong những ngày đầu mở cõi thế kỷ 17. Trước khi phong trào Cần Vương bùng nổ, ông Vĩ từng giữ một chức quan võ dưới triều Tự Đức, vì chán cảnh vua quan triều Nguyễn chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân, không đếm xỉa đến lợi ích chung của đất nước, từng bước đầu hàng giặc nên ông đã từ quan về sống tại quê nhà(3). Khi có hịch Cần Vương, ông cùng với Trần Đôn và các thân hào, nhân sĩ trong tổng Hoà Bình ứng nghĩa chiêu tập quân Thứ xá, xây dựng căn cứ tại Núi Sầm. Ông được phong chức đề đốc cùng với phó đề đốc Trần Đôn, tham tán Nguyễn Văn Thành, chánh tổng Đặng Trạch luận bàn công việc chung (4) . Thành phần nghĩa quân gồm đông đảo các tầng lớp nhân dân từ tá điền, nông dân tự do cho đến hào lý, lính phủ lực lượng lên đến ngàn người, được phiên chế thành các cơ, đội hương binh và tổng binh (gọi là quân thứ). Quân thứ tổng Hoà Bình được bố trí thành nhiều đồn binh dựa vào địa thế tự nhiên để phát huy tối đa yếu tố thuận lợi trong việc phòng thủ và phối hợp với các thứ quân của tổng Xuân Vinh hỗ trợ cho nhau. Đại bản doanh đặt tại Núi Sầm, nơi này là điểm cao có thể quan sát toàn bộ khu vực đồng bằng Tuy Hoà và sẵn sàng tiếp ứng cho các cứ điểm xung quanh. Tại Núi Sầm nghĩa quân bố trí nhiều khẩu thần công để chống địch, có kho tích trữ lương thực, chuồng ngựa, có chợ để quân lính và nhân dân trong vùng trao đổi buôn bán. Các làng xung quanh như: Qui Hậu, Phụng Nguyên, Phụng Tường, Hà Bình, Tây Phú được xây dựng thành những làng kháng chiến với lực lượng hương binh đóng giữ. Ngoài ra nghĩa quân còn xây dựng các đồn binh ở chân núi Chóp Chài, đèo Ngọc Phong, núi Bảo Tháp, đèo Con Cá, Vườn Đình làng Tây Phú, núi Dinh Ông tạo thành vòng vây sẵn sàng đánh úp phủ đường Tuy Hoà lúc bấy giờ đóng ở làng Đông Phước thuộc tổng Hoà Bình. Từ căn cứ Núi Sầm, nghĩa quân mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp tổng Hoà Bình đến Phú Sen, Cẩm Thạch, Củng Sơn và mở đường nối với căn cứ sơn phòng Vân Hoà qua đường Lỗ Chài để rút lui khi cần thiết. Tại Vườn Đình, nghĩa quân tổ chức rèn đúc vũ khí, chế tạo súng thần công, lập “vườn học” để huấn luyện võ thuật (5). Trên núi Bảo Tháp, nghĩa quân thiết lập trạm cảnh giới quan sát một vùng rộng lớn suốt cả phía nam tỉnh Phú Yên, khi phát hiện địch đổ bộ từ hướng biển thì đốt lửa báo hiệu. Núi Sầm trở thành Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Số 13 năm 2008 26 căn cứ lớn của nghĩa quân Cần vương Phú Yên bảo vệ vùng đồng bằng tả ngạn sông Đà Rằng. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, tháng 9-1885, nghĩa quân Cần Vương Phú Yên tiến công đánh chiếm tỉnh thành An Thổ, lật đổ chính quyền thân Pháp do án sát Huỳnh Côn cầm đầu, mặc dù trước đó được tăng cường 800 lính Annam và một đại đội lính Pháp(6). Thắng lợi này đã làm cho các “quan phủ, quan huyện chẳng dám nhúc nhích ra khỏi dinh cơ của mình” mặc cho lực lượng Cần Vương “ra sức tự tung, tự tác”(7). Huyện lỵ Tuy Hoà lúc này do tri huyện Đinh Duy Tân và bang tá Lê Đình Mại đốc thúc phòng bị. Về sau Tân được thăng án sát, Mại thăng tri huyện để dễ bề hành động. Nghĩa quân Cần Vương khu vực phía nam Phú Yên do Đặng Đức Vĩ chỉ huy phối hợp lực lượng phía bắc của Lê Thành Bính tăng cường tiến hành bao vây huyện lỵ Tuy Hoà. Sau một tháng cố giữ, trước sức mạnh của nghĩa quân, Đinh Duy Tân đã bỏ trốn, Lê Đình Mại tử trận (8). Sự kiện này đánh dấu chính quyền tay sai thân Pháp ở huyện Tuy Hoà cũng như trong tỉnh Phú Yên bị xoá bỏ, phong trào Cần Vương giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi to lớn của Cần Vương Phú Yên đã có tác động hỗ trợ phong trào hai tỉnh Khánh Hoà và Bình Thuận phát triển mạnh, đe doạ trực tiếp an ninh của xứ Nam kỳ trực trị. Điều này đã được đại uý Cheroutre - chỉ huy lực lượng quân Pháp đóng tại Hòn Khói (Khánh Hoà) thổ lộ trong một bức thư gửi Tướng Prud’homme - tư lệnh quân viễn chinh Pháp khu vực Trung kỳ với tâm trạng lo lắng: “căn cứ vào những điều mắt thấy tai nghe, tôi thấy rằng miền Nam Trung kỳ vẫn tiếp tục rối loạn sâu sắc và cần phải đánh một đòn mạnh để đưa miền đó vào trật tự. Nếu không tổ chức một cuộc tấn công chu đáo ở đây, tôi tin rằng sẽ không riêng gì ở Phú Yên là nơi quân phiến loạn đã làm chủ, mà ngay cả Khánh Hoà, Bình Thuận cũng hoàn toàn tin theo phe đảng Hàm Nghi. Lúc bấy giờ tất cả phải bắt đầu lại và chắc chắn khó khăn sẽ lớn hơn bây giờ nhiều” (9). Vì vậy, chính quyền Nam kỳ được sự thoả thuận của triều đình Huế cử quân viễn chinh ra đàn áp khu vực Nam Trung kỳ. Ngày 6-2 1887, 1500 quân viễn chinh Pháp và lính bản xứ do thiếu tá Chevreaux và đốc phủ sứ Trần Bá Lộc chỉ huy đổ bộ lên vịnh Xuân Đài đánh chiếm khu vực phía bắc tỉnh Phú Yên. Ngày 8-2-1887, sau khi đánh tan căn cứ Xuân Vinh, Trần Bá Lộc và các sĩ quan Pháp như đại uý Gouttenègre - tham mưu tác chiến, trung uý Genin - chỉ huy pháo binh, đại uý Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Đào Nhật Kim 27 Nicolas - chỉ huy đại đội 27, trung uý Philippe – chỉ huy lực lượng bộ binh thứ 8 tiến vào đồng bằng Tuy Hoà (10). Dưới sự chỉ huy của đề đốc Đặng Đức Vĩ, quân thứ Hoà Bình tổ chức phục kích tại chợ Hôm, đèo Ngọc Phong, Minh Đứcnhưng không cản được bước tiến của địch. Quân Pháp đổ bộ lên cửa Đà Diễn và từ hướng bắc vượt đèo Ngọc Phong chiếm huyện lỵ Tuy Hoà đặt làm bản doanh. Các trận đánh diễn ra ác liệt dọc triền sông các làng Đông Phước, Phước Hậu, Hộ Bình. Quân Pháp phóng hoả đốt cháy chợ Phước Hậu thiêu trụi cả khu phố sầm uất của người Hoa và sau đó đánh lên căn cứ Núi Sầm và vượt sông Đà Rằng tiến qua vùng hữu ngạn các tổng Hoà Đa, Hoà Lạc, Hoà Mỹ. Tại Núi Sầm nghĩa quân có giao tranh một số trận gây cho địch thiệt hại, nhưng trước sức mạnh của hoả lực địch, nghĩa quân phải rút lui về vùng núi phía tây tổng Hoà Bình, một số nghĩa quân bị thương được giải ngũ trở về ruộng vườn chờ thời cơ khôi phục lại phong trào. Trần Bá Lộc bằng những thủ đoạn dã man như đốt nhà, giết hại thân nhân của nghĩa quân, triệt hạ nhiều làng ở tổng Hoà Bình gây nhiều tội ác, buộc các thủ lĩnh phải trở về qui thuận. Ngày 14-2-1887, do nội phản Thống soái Lê Thành Phương bị giặc bắt(11). Sự kiện này đã gây thất vọng lớn trong nghĩa quân về tương lai của phong trào, nên đến ngày 15-2-1887 các tổng phía nam Phú Yên phong trào tan rã, “tất cả các làng đã qui thuận, mang vũ khí, đại bác, cờ nộp cho Tổng đốc”(12). Ngày 20-2-1887, tại bến đò Cây Dừa, phủ Tuy An giặc Pháp đã tiến hành xử tử vị thủ lĩnh phong trào Cần Vương Phú Yên. Cùng với chính sách khủng bố, đàn áp, quân Pháp và Trần Bá Lộc ra sức mua chuộc, dụ dỗ ban chức tước một số nghĩa quân làm tay sai cho chúng phản bội lại phong trào như Bùi Giảng, Dương Văn Đính, Dương Văn Đôn, Đặng Trạch hòng nhanh chóng dập tắt cuộc nổi dậy, sớm ổn định tình hình để thiết lập bộ máy cai trị. Tuy vậy, một số tướng lĩnh Cần Vương vẫn không ham chức vị do bọn thực dân ban phát, rút lui về miền núi phía tây thực hiện kháng chiến lâu dài dưới ngọn cờ của Hữu tham quân Nguyễn Bá Sự, một số khác không may rơi vào tay giặc khẳng khái chấp nhận tù đày như Nguyễn Hữu Dực, Đặng Đức Vĩ, Trần Đôn. 3. Nhận xét vai trò Đề đốc Đặng Đức Vĩ và căn cứ Núi Sầm Với vai trò thống lĩnh chỉ huy một căn cứ lớn án ngữ vùng đồng bằng tả ngạn sông Đà Rằng, một vựa lúa lớn của khu vực phía nam Phú Yên, Đề đốc Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Số 13 năm 2008 28 Đặng Đức Vĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà bộ chỉ huy nghĩa quân Cần vương Phú Yên giao phó. Dưới sự chỉ đạo của ông, quân thứ tổng Hoà Bình đã tham gia đắc lực vào trận đánh thành An Thổ, trung tâm đầu não của nguỵ triều Đồng Khánh tại Phú Yên vào tháng 9-1885. Việc đánh chiếm An Thổ, nghĩa quân đã đập tan sự đe doạ thường xuyên trước đó của lực lượng quân Pháp đóng tại Qui Nhơn đối với Phú Yên, kể từ đây nghĩa quân Cần vương phát huy thắng lợi đạt được đưa Phú Yên trở thành trung tâm của phong trào khu vực các tỉnh nam Trung kỳ. Đặc biệt trong trận vây ráp huyện lỵ Tuy Hoà vào cuối tháng 9- 1885, lực lượng nghĩa quân tại căn cứ Núi Sầm đóng vai trò chủ đạo trong việc bao vây cô lập, triệt đường tiếp tế lương thảo tiến đến tấn công tiêu diệt cứ điểm cố thủ cuối cùng của chính quyền tay sai nguỵ triều Đồng Khánh, giải phóng hoàn toàn Phú Yên đưa phong trào Cần vương đạt đến đỉnh cao. Từ tháng 12-1885 đến cuối năm 1886, nghĩa quân Phú Yên liên tiếp đưa lực lượng tiến vào phối hợp Cần vương các tỉnh Khánh Hoà và Bình Thuận lật đổ các chính quyền tay sai ở những tỉnh này. Trong các đạo quân tiến về phía nam, đáng lưu ý nhất là cánh quân do Bùi Giảng chỉ huy. Trong những lần trở ra Phú Yên để bổ sung lực lượng, Núi Sầm trở thành một căn cứ hậu cần cung cấp lương thực, binh lính chủ yếu cho nghĩa quân Bùi Giảng đánh chiếm thành Diên Khánh (12-18885), Phan Rí, Phan Thiết (7-1886). Sau đợt tấn công phủ thành Ninh Thuận vào tháng 6-1886, Bùi Giảng phối hợp với Nguyễn Xương đưa quân áp sát biên giới Nam kỳ và ra tuyên bố “đánh chiếm lại Nam kỳ”. Sự kiện này buộc Verneville - viên chỉ huy lực lượng đồn trú dọc ranh giới tỉnh Bình Thuận phải bố trí “lực lượng 128 lính Tây và 2 cỗ pháo” (13)đối phó. Trong những ngày trung tuần tháng 2-1887, khi quân Pháp và Trần Bá Lộc đánh vào phía nam Phú Yên, dưới sự chỉ huy của Đề đốc Đặng Đức Vĩ nghĩa quân tổng Hoà Bình đã ngoan cường chiến đấu dũng cảm, ngăn cản bước tiến của kẻ thù, ghi những chiến công vang dội trong các trận đánh ở đèo Ngọc Phong, chợ Phước Hậu cũng như tại căn cứ Núi Sầm, biến vùng tả ngạn sông Đà Rằng thành chiến địa chôn thây quân địch đồng thời bảo vệ cho nghĩa quân nam Phú Yên rút về các căn cứ sơn phòng Vân Hoà, Tân Lương,Tổng Binh tiến hành kháng chiến lâu dài. Cuối cùng, phải nói rằng trong số các tướng lĩnh trong phong trào Cần vương Phú Yên, Đặng Đức Vĩ nổi lên là một vị chỉ huy để lại gương sáng về tấm Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Đào Nhật Kim 29 lòng kiên trung với sự nghiệp Cần Vương, khước từ mọi sự cám dỗ của kẻ thù về vinh hoa phú quí. Ông sẵn sàng chấp nhận tù đày để giữ trọn khí tiết của người sĩ phu khi sự nghiệp chưa thành. Sau khi ra tù, Đặng Đức Vĩ trở về đưa vợ con lên xứ Đồng Găng, thôn Lạc Giang (nay là xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hoà) vỡ đất, khai hoang sinh sống, bất hợp tác với chính quyền thực dân và nuôi chí về công cuộc cứu nước còn đang dang dở. Ông bí mật cùng với một số nghĩa quân Cần Vương còn lại chọn vùng Hòn Chảo (nay thuộc xã Hoà Mỹ, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên) làm nơi gây dựng lại phong trào. Trong lúc công việc đang tiến hành thì ông mất vào khoảng năm 1896, khi chưa kịp chứng kiến cuộc khởi nghĩa vũ trang do Võ Trứ và Trần Cao Vân lãnh đạo vào năm 1900, làm cho nền thống trị của thực dân Pháp ở Phú Yên một phen lao đao, bạt vía. Ngôi mộ đất đơn sơ của ông hiện nay nằm gần tuyến tránh quốc lộ 1A qua thành phố Tuy Hoà, thuộc xã Hoà An, huyện Phú Hoà, hàng ngày chứng kiến những chuyến xe xuôi ngược Bắc - Nam mang đến sự đổi mới cho mọi miền đất nước. Chú thích: (1). Nghĩa quân Cần vương Phú Yên được phiên chế thành các thứ quân theo đơn vị cấp tổng. Toàn tỉnh Phú Yên có 7 thứ quân: thứ Xuân Đài, thứ Xuân Sơn, Xuân Vinh quân thứ, thứ Hoà Bình, thứ Hoà Lạc, thứ Hoà Mỹ, thứ Hoà Đa. (2) (12). Charles Fourniau, Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên (1885- 1887) theo những nguồn tài liệu Pháp,Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 năm 1982, tr.40- 41. (3). Tư liệu do Cụ Đặng Nghệ 86 tuổi, cháu nội ông Vĩ, hiện đang sống tại thôn Phú An, xã Hoà An, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên cung cấp. (4). Trong gia phả họ Đặng còn ghi lại bài thơ đề cập đến tiểu sử Đặng Đức Vĩ, trong đó có những câu: “Phái nhất Đặng tộc có ông Đức Đặng Đức Vĩ dày công dùi mài Văn hay võ giỏi nhiều tài Chức Chánh Đề đốc gươm dài lệnh ban Tiền hô hậu ủng huy hoàng Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Số 13 năm 2008 30 Quân canh lính gác dinh quan Chánh đề Trần Đôn, Qui Hậu phó đề Núi Sầm trú sở luận bề việc chung Đến khi Pháp chiếm miền Trung Từ quan ông bước sang cùng Văn Thân” (5). Đào Thế Lữ, Hoà Thắng xưa và nay, Sở Văn hoá thông tin Phú Yên xuất bản, 1988, tr.24. (6) (7). Jean Jacnal, Memoires de son excellence Huỳnh Côn dit Đan Tương Ancien Ministre des Riles à la Cour d’Annam, RI,1924, p.357, p.358. (8). Đại Nam thực lục Chính biên,Tập 38, Nxb Khoa học xã hội, tr.34. (9). Général X***, L’An nam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Chapelot Paris 1901, p.177. (10). Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I Hà nội, Ký hiệu J 989. (11). Theo Nguyễn Đình Tư trong Non nước Phú Yên, Tiền Giang xuất bản năm 1965 trang 145 có ghi: “Lê Thành Phương bị tên Chánh tổng Hoà Bình là Đặng Trạch đánh lừa bắt nạp cho địch ”. (13). Charles Fourniau (1983), Sự tiếp xúc Pháp - Việt ở Trung kỳ và Bắc kỳ (1885- 1896), Luận án Tiến sĩ quốc gia, Trường đại học Proxence (Nguyễn Phan Quang lược dịch), tr.26. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. [Général X***(1901), L’An nam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Chapelot Paris. [2]. Ch.Gosselin (1904), L’Empire d’ An nam, Préface de Pierre Baudin, Paris. [3]. Charles Fourniau (1982), Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 6. [4]. Đào Khật Kim (2004), Khởi nghĩa Lê Thành Phương ở Phú Yên (1885-1887), Luận văn Thạc sĩ Sử học, Đại học Sư phạm TP .Hồ Chí Minh. Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP.HCM Đào Nhật Kim 31 [5]. George Durr well (1900), “Trần Bá Lộc, tổng đốc de Thuận - Khánh, Sa vie et son oeuvre”, BSEI, Saigon. [6]. Jean Jacnal (1924), Memoires de son excellence Huỳnh Côn dit Đan Tương Ancien Ministre des Riles à la Cour d’Annam, p.357, 358. [7]. Nguyễn Đình Tư (1963), Lê Thành Phương với phong trào Cần vương ở Phú Yên, Tạp chí Bách khoa, Số 143. [8]. Nguyễn Đình Tư (1965), Non nước Phú Yên, Tiền Giang. [9]. Phạn Văn Sơn (1963), Việt sử tân biên, Quyển 5, Tập trung xuất bản, Sài Gòn . [10]. Quốc sử quán triều Nguyễn (1978), Đại Nam thực lục Chính biên, Tập 38, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Tóm tắt: Đề đốc Đặng Đức Vĩ và căn cứ Núi Sầm trong phong trào Cần vương chống Pháp thế kỷ XIX ở Phú Yên. Trong phong trào Cần vương chống Pháp ở Phú Yên thế kỷ XIX, căn cứ Núi Sầm thuộc tổng Hoà Bình có một vị trí quan trọng. Tại đây, dưới sự chỉ huy của Đề đốc Đặng Đức Vĩ, nghĩa quân đã tiến công đánh chiếm huyện lỵ Tuy Hoà cuối tháng 9-1887 đưa phong trào lên đỉnh cao; đồng thời góp phần ngăn chặn quân Pháp đánh vào phía nam Phú Yên tháng 2-1887. Abstract: General Dang Duc Vi and Nui Sam base in the Can vuong movement against the French in Phu Yen in the XIX century In the Can vuong movement against the French in Phu Yen in the 19th century, Nui Sam base belonging to Hoa Binh canton armed forces was located at a very important position. Under the leadership of general Dang Duc Vi, righteous fighters had built this place into a big base, contributed a great deal the batlle liberating Tuy Hoa town in september 1887 and hindered the advancement of the French army when they attacked the south of Phu Yen in February 1887.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfde_doc_dang_duc_vi_va_can_cu_nui_sam_trong_phong_trao_can_vuong_chong_phap_the_ky_xix_o_phu_yen_0478.pdf
Tài liệu liên quan