Tài liệu Dạy học tích hợp vì mục tiêu phát triển năng lực vận dụng kiến thức của học sinh: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0079
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6A, pp. 91-96
This paper is available online at
DẠY HỌC TÍCH HỢP VÌ MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC VẬN DỤNG KIẾN THỨC CỦA HỌC SINH
Hà Thị Lan Hương
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Dạy học tích hợp là một quan điểm dạy học nhằm hình thành và phát triển ở học
sinh những năng lực cần thiết trong đó có năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết có
hiệu quả các tình huống thực tiễn. Thông qua dạy học tích hợp, học sinh có thể vận dụng
kiến thức để giải quyết các bài tập hàng ngày, đặt cơ sở nền móng cho quá trình học tập
tiếp theo; cao hơn là có thể vận dụng để giải quyết những tình huống có ý nghĩa trong cuộc
sống hàng ngày. Vì vậy nếu chúng ta tổ chức tốt quá trình dạy học tích hợp (từ khâu biên
soạn chương trình, sách giáo khoa đến tổ chức dạy học) đặc biệt là áp dụng quan điểm dạy
học này vào chu kì thay sách mới ở phổ thông Việt Nam sau 2015 thì ...
6 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 472 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dạy học tích hợp vì mục tiêu phát triển năng lực vận dụng kiến thức của học sinh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0079
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6A, pp. 91-96
This paper is available online at
DẠY HỌC TÍCH HỢP VÌ MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC VẬN DỤNG KIẾN THỨC CỦA HỌC SINH
Hà Thị Lan Hương
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Dạy học tích hợp là một quan điểm dạy học nhằm hình thành và phát triển ở học
sinh những năng lực cần thiết trong đó có năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết có
hiệu quả các tình huống thực tiễn. Thông qua dạy học tích hợp, học sinh có thể vận dụng
kiến thức để giải quyết các bài tập hàng ngày, đặt cơ sở nền móng cho quá trình học tập
tiếp theo; cao hơn là có thể vận dụng để giải quyết những tình huống có ý nghĩa trong cuộc
sống hàng ngày. Vì vậy nếu chúng ta tổ chức tốt quá trình dạy học tích hợp (từ khâu biên
soạn chương trình, sách giáo khoa đến tổ chức dạy học) đặc biệt là áp dụng quan điểm dạy
học này vào chu kì thay sách mới ở phổ thông Việt Nam sau 2015 thì sẽ hình thành và phát
triển được năng lực cho học sinh đặc biệt là năng lực tổng hợp để chuẩn bị tâm thế cho
người học bước vào cuộc sống lao động – năng lực vận dụng kiến thức nhất là vận dụng
kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
Từ khóa: Tích hợp, dạy học tích hợp, năng lực, năng lực vận dụng kiến thức.
1. Mở đầu
Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học, kĩ thuật và công nghệ, tri thức của
loài người đang gia tăng nhanh chóng. Không những thông tin ngày càng nhiều mà với sự phát
triển của các phương tiện công nghệ thông tin, ngày càng có nhiều cơ hội để mỗi người dễ dàng
tiếp cận các thông tin mới nhất. Tình hình nói trên buộc phải xem lại chức năng truyền thống của
người giáo viên là truyền đạt kiến thức, đặc biệt là những kiến thức của từng môn khoa học riêng
rẽ. Giáo viên phải biết dạy tích hợp các khoa học, dạy cho học sinh cách thu thập, chọn lọc, xử lí
các thông tin, đặc biệt là biết vận dụng các kiến thức học được trong việc xử lí các tình huống của
đời sống thực tế [1, 2].
Theo hướng dạy học tích hợp, nhiều nước trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á,
đã đưa vào trường phổ thông các môn học/lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và
nhân văn [4]. Một số nghiên cứu ở trong nước cho thấy, việc dạy học tích hợp ở môn Khoa học
cũng đóng góp hình thành năng lực tìm hiểu khoa học từ đó giúp học sinh vận dụng để giải quyết
những vấn đề trong thực tiễn [3]; dạy học tích hợp chính là phương thức phát triển năng lực của
học sinh [2]. Kinh nghiệm trong và ngoài nước cho thấy việc dạy học tích hợp sẽ giúp cho học sinh
hình thành các năng lực trong đó có năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề đặc biệt
là vận dụng kiến thức vào thực tiễn vì những vấn đề nảy sinh trong đời sống, sản xuất ít khi chỉ
liên quan với một lĩnh vực tri thức nào đó mà thường đòi hỏi vận dụng tổng hợp các tri thức thuộc
một số môn học khác nhau [4]. Điều đó có nghĩa là giáo dục phổ thông phải giúp học sinh có cái
Ngày nhận bài: 20/1/2015. Ngày nhận đăng: 15/5/2015.
Liên hệ: Hà Thị Lan Hương, e-mail: huonghtl@hnue.edu.vn
91
Hà Thị Lan Hương
nhìn về thế giới trong tính chỉnh thể vốn có của nó, không bị chia cắt, tách rời thành từng môn,
từng lĩnh vực quá sớm. Vì thế, nếu chúng ta tổ chức tốt dạy học tích hợp (từ việc xây dựng chương
trình, biên soạn sách giáo khoa theo định hướng tích hợp cho đến việc tổ chức dạy học tích hợp)
thì sẽ hình thành và phát triển năng lực cao nhất của người học: năng lực vận dụng kiến thức đặc
biệt là vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Dạy học tích hợp
2.1.1. Khái niệm dạy học tích hợp
Khái niệm dạy học tích hợp được đưa ra dưới nhiều tiếp cận khác nhau.
Hội nghị phối hợp trong chương trình của UNESCO, Paris 1972 có đưa ra định nghĩa: Dạy
học tích hợp các khoa học là một cách trình bày các khái niệm và nguyên lí khoa học cho phép
diễn đạt sự thống nhất cơ bản của tư tưởng khoa học, tránh nhấn quá mạnh hoặc quá sớm sự sai
khác giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau. Với quan niệm trên, dạy học tích hợp nhằm các mục
tiêu: (1) Làm cho quá trình học tập có ý nghĩa bằng cách gắn học tập với cuộc sống hàng ngày,
trong quan hệ với các tình huống cụ thể mà học sinh sẽ gặp sau này, hòa nhập thế giới học đường
với thế giới cuộc sống; (2) Phân biệt cái cốt yếu với cái ít quan trọng hơn. Cái cốt yếu là những
năng lực cơ bản cần cho học sinh vận dụng vào xử lí những tình huống có ý nhĩa trong cuộc sống,
hoặc đặt cơ sở không thể thiếu cho quá trình học tập tiếp theo; (3) Dạy sử dụng kiến thức trong
tình huống thực tế, cụ thể, có ích cho cuộc sống sau này; (4) Xác lập mối liên hệ giữa các khái
niệm đã học. Thông tin càng đa dạng, phong phú thì tính hệ thống phải càng cao, có như vậy học
sinh mới thực sự làm chủ được kiến thức và mới vận dụng được kiến thức đã học khi gặp một tình
huống bất ngờ, chưa từng gặp [2].
Quan điểm của Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 cho rằng: Dạy
học tích hợp được hiểu là giáo viên tổ chức để học sinh huy động đồng thời kiến thức, kĩ năng
thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó lại hình thành
những kiến thức, kĩ năng mới, từ đó phát triển những năng lực cần thiết [2].
Như vậy, dạy học tích hợp có thể hiểu đó là một quan điểm dạy học nhằm hình thành và phát
triển ở học sinh những năng lực cần thiết trong đó có năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết có
hiệu quả các tình huống thực tiễn. Điều đó cũng có nghĩa là để đảm bảo cho mỗi học sinh biết vận
dụng kiến thức được học trong nhà trường vào các hoàn cảnh mới lạ, khó khăn, bất ngờ; qua đó
trở thành một người công dân có trách nhiệm, một người lao động có năng lực. Dạy học tích hợp
đòi hỏi việc học tập ở nhà trường phổ thông phải được gắn với các tình huống của cuộc sống sau
này mà học sinh có thể phải đối mặt và chính vì thế nó trở nên có ý nghĩa đối với học sinh. Như
vậy, dạy học tích hợp sẽ phát huy tối đa sự trưởng thành và phát triển cá nhân mỗi học sinh, giúp
các em thành công trong vai trò người chủ gia đình, người công dân, người lao động tương lai.
2.1.2. Đặc trưng của dạy học tích hợp
Mục đích của dạy học tích hợp là để hình thành và phát triển năng lực học sinh, giúp học
sinh vận dụng để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn của cuộc sống. Bản chất của năng lực
là khả năng của chủ thể kết hợp một cách linh hoạt, có tổ chức hợp lí các kiến thức, kĩ năng với
thái độ, giá trị, động cơ, nhằm đáp ứng những yêu cầu phức hợp của một hoạt động, bảo đảm cho
hoạt động đó đạt kết quả tốt đẹp trong một bối cảnh (tình huống) nhất định; và phương pháp tạo ra
năng lực đó chính là dạy học tích hợp. Dạy học tích hợp có những đặc điểm sau đây [2]:
- Thiết lập các mối quan hệ theo một logic nhất định những kiến thức, kĩ năng khác nhau
để thực hiện một hoạt động phức hợp.
- Lựa chọn những thông tin, kiến thức, kĩ năng cần cho học sinh thực hiện được các hoạt
92
Dạy học tích hợp vì mục tiêu phát triển năng lực vận dụng kiến thức của học sinh
động thiết thực trong các tình huống học tập, đời sống hàng ngày, làm cho học sinh hòa nhập vào
thế giới cuộc sống.
- Làm cho quá trình học tập mang tính mục đích rõ rệt.
- Giáo viên không đặt ưu tiên truyền đạt kiến thức, thông tin đơn lẻ, mà phải hình thành
ở học sinh năng lực tìm kiếm, quản lí, tổ chức sử dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong tình
huống có ý nghĩa.
- Khắc phục được thói quen truyền đạt và tiếp thu kiến thức, kĩ năng rời rạc làm cho con
người trở nên"mù chữ chức năng", nghĩa là có thể được nhồi nhét nhiều thông tin, nhưng không
dùng được. Như vậy, dạy học tích hợp là cải cách giảm tải kiến thức không thực sự có giá trị sử
dụng, để có điều kiện tăng tải kiến thức có ích. Để lựa chọn nội dung kiến thức đưa vào chương
trình các môn học trước hết phải trả lời kiến thức nào cần và có thể làm cho học sinh biết huy động
vào các tình huống có ý nghĩa. Biểu hiện của năng lực là biết sử dụng các nội dung và các kĩ năng
trong một tình huống có ý nghĩa, chứ không ở tiếp thụ lượng tri thức rời rạc.
2.2. Năng lực vận dụng kiến thức của học sinh
2.2.1. Khái niệm năng lực vận dụng kiến thức của học sinh
Năng lực vận dụng kiến thức của học sinh là khả năng của bản thân người học huy động, sử
dụng những kiến thức, kĩ năng đã học trên lớp hoặc học qua trải nghiệm thực tế của cuộc sống để
giải quyết những vấn đề đặt ra trong những tình huống đa dạng và phức tạp của đời sống một cách
hiệu quả và có khả năng biến đổi nó. Năng lực vận dụng kiến thức thể hiện phẩm chất, nhân cách
của con người trong quá trình hoạt động để thỏa mãn nhu cầu chiếm lĩnh tri thức [5].
Với cách hiểu trên, cấu trúc năng lực vận dụng kiến thức của học sinh có thể được mô tả
dưới dạng các tiêu chí như sau:
- Có khả năng tiếp cận vấn đề/vấn đề thực tiễn.
- Có kiến thức về tình huống cần giải quyết.
- Lập kế hoạch để giải quyết tình huống đặt ra.
- Phân tích được tình huống; phát hiện được vấn đề đặt ra của tình huống.
- Xác định được và biết tìm hiểu các thông tin liên quan đến tình huống.
- Đề xuất được giải pháp giải quyết tình huống.
- Thực hiện giải pháp giải quyết tình huống và nhận ra sự phù hợp hay không phù hợp của
giải pháp thực hiện.
Từ các tiêu chí trên của năng lực vận dụng kiến thức có thể mô tả thành nhiều chỉ báo với
các mức độ khác nhau để thông qua đó giáo viên có thể xây dựng thang đánh giá mức độ phát triển
năng lực này của học sinh thông qua dạy học tích hợp. Có nhiều cách khác nhau để xác định các
mức độ của năng lực vận dụng kiến thức của học sinh, cụ thể:
- Theo cơ sở kiến thức khoa học cần vận dụng để xác định các mức độ khác nhau như: học
sinh chỉ cần vận dụng một kiến thức khoa học hoặc vận dụng nhiều kiến thức khoa học để giải
quyết một vấn đề.
- Theo mức độ quen thuộc hay tính sáng tạo của người học.
- Theo mức độ tham gia của học sinh trong giải quyết vấn đề.
- Theo mức độ nhận thức của học sinh: tái hiện kiến thức để trả lời câu hỏi mang tính lí
thuyết; vận dụng kiến thức để giải thích các sự kiện, hiện tượng của lí thuyết; vận dụng kiến thức
để giải quyết những tình huống xảy ra trong thực tiễn; vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết
những tình huống trong thực tiễn hoặc những công trình nghiên cứu khoa học vừa sức, đề ra kế
hoạch hành động cụ thể hoặc viết báo cáo. . .
93
Hà Thị Lan Hương
2.2.2. Sự cần thiết của việc phát triển năng lực vận dụng kiến thức cho học sinh
Phát triển năng lực vận dụng kiến thức cho học sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc giải
quyết những nhiệm vụ đặt ra của học sinh như: vận dụng kiến thức để giải bài tập, tiếp thu và xây
dựng tri thức cho những bài học mới hay cao nhất là vận dụng để giải quyết những vấn đề trong
thực tiễn cuộc sống của các em. Phát triển năng lực vận dụng kiến thức có thể giúp cho học sinh:
- Nắm vững kiến thức đã học để vận dụng những kiến thức giải quyết những bài tập hay xây
dựng kiến thức cho bài học mới; nắm vững kiến thức đã học, có khả năng liên hệ, liên kết các kiến
thức bởi những vấn đề thực tiễn liên quan đến kiến thức khoa học;
- Vận dụng các kiến thức, kĩ năng vào trong học tập, trong cuộc sống giúp các em học đi
đôi với hành. Giúp học sinh xây dựng thái độ học tập đúng đắn, phương pháp học tập chủ động,
tích cực, sáng tạo; lòng ham học, ham hiểu biết; năng lực tự học;
- Hình thành cho học sinh kĩ năng quan sát, thu thập, phân tích và xử lí thông tin, hình thành
phương pháp nghiên cứu khoa học; hình thành và phát triển kĩ năng nghiên cứu thực tiễn; Có tâm
thế luôn luôn chủ động trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn;
- Giúp cho học sinh có được những hiểu biết về thế giới tự nhiên, chu kì hoạt động và tác
động tích cực cũng như tiêu cực đối với cuộc sống con người cũng như ảnh hưởng của con người
đến thế giới tự nhiên;
- Thông qua việc hiểu biết về thế giới tự nhiên bằng việc vận dụng kiến thức đã học để tìm
hiểu giúp các em ý thức được hoạt động của bản thân, có trách nhiệm với chính mình, với gia đình,
nhà trường và xã hội ngay trong cuộc sống hiện tại cũng như tương lai sau này của các em;
- Đem lại niềm vui, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Phát triển ở các em tính tích cực, tự
lập, sáng tạo để vượt qua khó khăn, tạo hứng thú trong học tập.
2.3. Dạy học tích hợp nhằm mục tiêu phát triển năng lực vận dụng kiến thức
cho học sinh
Muốn dạy học tích hợp phải xây dựng các cách để tích hợp môn học. Theo Xavier (1996)
có hai cách chính để tích hợp các môn học là : (1) xây dựng những ứng dụng chung cho nhiều môn
học – các kiến thức riêng biệt của các môn được đưa vào tổng hợp trong một ‘ứng dụng’ thực tế
nào đó. Điều đó có nghĩa là một số ứng dụng là tích hợp các kiến thức của các môn riêng lẻ; (2)
phối hợp các quá trình học tập của nhiều môn học khác nhau - hợp nhất hai hay nhiều môn học
cùng với nhau lại thành một môn học duy nhất (hay đúng hơn thành một loại đối tượng/nội dung
học tập) với hai cách:
Cách thứ nhất, dạy học theo vấn đề hay chủ đề, đề tài. Thực chất của kiểu dạy học này là
khai thác sự liên quan, gần gũi ở nội dung và khả năng bổ sung cho nhau giữa các môn học cho
mục tiêu giáo dục chung. Điều đó có nghĩa là vẫn thừa nhận sự tồn tại của các môn học riêng rẽ,
và các chủ đề liên kết nội dung các môn học lại với nhau;
Cách thứ hai, tích hợp các môn học xung quanh những mục tiêu chung cho nhiều môn học
(những mục tiêu này gọi là những mục tiêu tích hợp). Các mục tiêu này gắn chặt với những năng
lực, kĩ năng mà chúng ta tìm cách hình thành ở học sinh. Nói cách khác, kiểu tích hợp này nhằm
hình thành các mục tiêu tích hợp, nghĩa là nhằm phát triển cùng một loại kĩ năng để xác định các
lĩnh vực tri thức, nội dung và phương pháp để đạt mục tiêu đó từ các môn học khác nhau. Điều đó
cho thấy vấn đề xác định các mục tiêu tích hợp (các kĩ năng) là căn cứ cho việc xác định các nội
dung từ các lĩnh vực khác nhau để tích hợp.
Như vậy, cách tích hợp thứ nhất nhằm đưa kiến thức của các môn riêng biệt vào trong ‘ứng
dụng’ chung, có liên quan đến nhiều môn học. Cách tích hợp này mang tính ‘tổng hợp’ hơn là tích
hợp bởi từng môn vẫn tồn tại độc lập theo logic của khoa học đó và ‘những ứng dụng’ chung với
các môn khác chỉ được xem xét nhất thời và trong một số hiện tượng riêng lẻ. Cách tích hợp thứ
94
Dạy học tích hợp vì mục tiêu phát triển năng lực vận dụng kiến thức của học sinh
hai nhấn mạnh đến sự hợp nhất của các môn học trong một chủ đề hay vấn đề (kiểu 1) và trong
mục tiêu chung (kiểu 2). Dấu hiệu hợp nhất các nội dung môn học trong chủ đề hay vào ‘mục tiêu
tích hợp’ chi phối lựa chọn nội dung các môn học đã phản ánh cách nhìn ‘tích hợp’ ở mức độ nhất
định (Mỗi chủ đề hay mỗi mục tiêu tích hợp sẽ đòi hỏi những kiến thức, nội dung và cách thức
xem xét chúng trong mối liên hệ quanh chủ đề hoặc mục tiêu được chọn chi phối). Nói cách khác
chủ đề tích hợp các lĩnh vực hay mục tiêu tích hợp các mục tiêu cụ thể là điểm/cơ sở xuất phát cho
việc lựa chọn nội dung, môn học để tích hợp [6].
Vấn đề phát triển năng lực vận dụng kiến thức cho học sinh thông qua dạy học tích hợp,
phân tích lí luận ở trên đã cho thấy:
a) Thông qua dạy học tích hợp, học sinh có thể vận dụng kiến thức để giải quyết các bài tập
hàng ngày, đặt cơ sở nền móng cho quá trình học tập tiếp theo; cao hơn là có thể vận dụng để giải
quyết những tình huống có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày;
b) Phương pháp dạy học có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển năng lực vận dụng kiến
thức của người học. Nghiên cứu này cho rằng người học sẽ có cơ hội để phát triển năng lực vận
dụng kiến thức khi được đưa vào trong những tình huống thực để họ tìm tòi và tự phát hiện và giải
quyết vấn đề.
- Thứ nhất, học sinh sẽ phát triển năng lực trí tuệ và sự nhạy cảm để giải quyết vấn đề thông
qua phương pháp quan sát thường xuyên những gì đang xảy ra xung quanh. Phương pháp dạy học
theo hướng tìm tòi sẽ tạo điều kiện cho học sinh tự phát hiện và làm rõ mục đích của cuộc tìm tòi;
hình thành giả thuyết; áp dụng những kết luận và các tình huống mới với số liệu mới và đưa ra
những tổng quát hoá có ý nghĩa. Sử dụng cách tiếp cận tìm tòi trong lớp học ở bậc THCS sẽ giúp
học sinh sử dụng thành thạo với các kĩ năng cơ bản, phù hợp như sử dụng phương pháp để thu thập
số liệu và từ đó phát hiện tình hình hay vấn đề vẫn đang tồn tại ở trong lớp học, trong phòng thí
nghiệm hay trong môi trường. Từ những kinh nghiệm học tập này, học sinh sẽ nắm được một số kĩ
năng quan sát, tổng hợp, phân tích và đánh giá có ích cho tự học của họ.
- Thứ hai, theo các nhà tâm lí học nhận thức, hình thức dạy học để học sinh tự suy xét có ích
hơn chỉ yêu cầu ghi nhớ những gì giáo viên nói với học sinh. Các em thích những câu hỏi có tính
kích thích tư duy hơn là những câu hỏi chỉ có thuần tính trần thuật. Do đó, nhiều người đã khuyến
cáo việc sử dụng kiến tạo các chiến lược đan xen nhau như dạy bằng cách đưa ra những câu hỏi
khơi gợi ở học sinh cách học tìm tòi, đặc biệt là những câu hỏi đòi hỏi cao để buộc học sinh phải
sắp xếp lại các ‘mô hình trong óc’ của mình để giải đáp được câu hỏi, những ý để giải thích, minh
hoạ, lập luận và ngôn ngữ, hình ảnh sẽ dùng để trả lời đúng, rõ và thuyết phục. Đây là cách dạy
học ‘khám phá có hướng dẫn’; ra những bài tập đòi hỏi có tư duy sáng tạo: yêu cầu học sinh giải
quyết vấn đề, đưa ra quyết định, hình thành ý kiến, hoặc tham gia thiết kế, công việc sáng tạo.
- Thứ ba, theo Petty (1998) học qua thực hành tốt hơn qua quan sát hoặc nghe bởi lẽ thực
hành giúp người học có điều kiện để củng cố và hiệu chỉnh những kiến thức và kĩ năng đang học.
Tác giả cũng chỉ ra rằng thực hành là công việc đòi hỏi thời gian hơn nhiều lối học chỉ bắt ghi nhớ.
Người ta thấy rằng trong thực tế giáo viên thường sử dụng khoảng 60% lượng thời gian để nói với
học sinh. Chính vì thế, cách học trong thực hành thường bị lãng quên hay lờ đi trong cuộc chạy
đua để hoàn thành chương trình học tập trong càng ít thời gian càng tốt.
c) Vận dụng các phương pháp dạy học để tạo điều kiện cho học sinh được thực hành vận
dụng giải quyết vấn đề nội dung mang tính tích hợp, tạo điều kiện để các em có cơ hội liên hệ,
vận dụng, phối hợp những kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực vào giải quyết những vấn đề thực
tế của đời sống. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phương pháp dạy học dự án là một trong những
phương pháp tốt nhất có thể vận dụng để tổ chức dạy học tích hợp có hiệu quả bởi vì đây là phương
pháp dạy học định hướng sản phẩm và học sinh phải hiểu được lí thuyết mới có thể vận dụng để
giải quyết những tình huống trong thực tế và thu về được sản phẩm nhất định; qua đó phát triển
được năng lực vận dụng kiến thức. Ngoài ra có thể phối hợp vận dụng các phương pháp như dạy
học theo phương pháp bàn tay nặn bột, dạy học theo hợp đồng. . .
95
Hà Thị Lan Hương
3. Kết luận
Nhiều nghiên cứu và thực tế giáo dục trên thế giới đã chỉ ra rằng có rất nhiều phương thức
dạy học khác nhau để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra trong đó dạy học tích hợp là phương thức
dạy học duy nhất có thể đạt được mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực cho người học để nhằm
phục vụ cho các quá trình học tập sau này hoặc nhằm hoà nhập học sinh vào cuộc sống lao động.
Như vậy, để dạy học tích hợp thành công chúng ta phải vận dụng quan điểm tích hợp từ khâu xây
dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa đến khâu tổ chức dạy học (nhất là lựa chọn phương
pháp và hình thức tổ chức dạy học) đưa học sinh vào trong những tình huống thực để các em tìm
tòi và tự phát hiện, giải quyết vấn đề qua đó phát triển năng lực vận dụng kiến thức cho các em.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2015. Dạy học tích hợp ở trường Trung học cơ sở, Trung học phổ
thông. Tài liệu tập huấn dành cho cán bộ quản lí, giáo viên, Trung học cơ sở, Trung học phổ
thông. NXB ĐHSP.
[2] Đinh Quang Báo, Hà Thị Lan Hương, 2014. Dạy học tích hợp – Phương thức phát triển năng
lực học sinh. Kỉ yếu hội thảo khoa học: Nâng cao năng lực đào tạo giáo viên dạy tích hợp
môn Khoa học tự nhiên. Hà Nội, tr.23-28.
[3] Phạm Thị Bích Đào, Cao Thị Thặng, 2011. Kĩ năng quá trình khoa học trong chương trình
môn Khoa học ở một số nước và Việt Nam. Tạp chí Khoa học Giáo dục. Số 75, tr.53.
[4] Hà Thị Lan Hương, 2013. Xu hướng tích hợp trong xây dựng chương trình các môn khoa học
tự nhiên của các nước trên thế giới và khả năng áp dụng vào thực tiễn giáo dục Việt Nam.
Tạp chí Giáo dục và Xã hội. Số 29 (90), tr.44-47.
[5] Nguyễn Thị Thanh, Hoàng Thị Phương, Trần Trung Ninh, 2014. Phát triển năng lực vận
dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh thông qua việc vận dụng lí thuyết kiến tạo vào việc
dạy học Hóa học. Tạp chí Giáo dục. Số 342, tr.53-54,59.
[6] Vũ Thị Sơn, 2007. Xây dựng và tìm hiểu mốt số bài tập tìm hiểu tự nhiên và xã hội theo chủ
đề (dựa theo sách giáo khoa) nhằm phát triển tính chủ động, sáng tạo của học sinh Tiểu học.
Đề tài NCKHGD cấp Bộ, mã số B2007-17-58.
ABSTRACT
Integrated teaching to develop student competence in applying knowleadge
Integrated teaching is an approach forming and developing in student essential
competencies including that of applying knowledge to solve effectively real situations. By
integrated teaching, students would apply knowledge to do homework, learn and do higher
learning tasks, even apply to solve daily situations. Therefore, if we organize effectively integrated
teaching (from designing curriculum and textbooks to practical teaching), especially applying this
perspective into the process of changing new textbook in high school of Vietnam after 2015,
student competences that would be formed and developped consists of the highest capacity to
prepair for student enter to working life – competence applying knowledge.
Keywords: Integrated, integrated teaching, competence, competence in applying
knowledge.
96
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 3544_htlhuong_7517_2193047.pdf