Tài liệu “Đạo” và “đời”, lí tưởng và hiện thực trong đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng - Đỗ Tiến Minh: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0095
Social Science, 2017, Vol. 62, Iss. 11, pp. 104-111
This paper is available online at
“ĐẠO” VÀ “ĐỜI”, LÍ TƯỞNG VÀ HIỆN THỰC
TRONG ĐÁM CƯỚI KHÔNG CÓ GIẤY GIÁ THÚ CỦAMA VĂN KHÁNG
Đỗ Tiến Minh
Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Vĩnh Phúc
Tóm tắt.Cùng với NguyễnMinh Châu, NguyễnHuy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Chu Lai. . . ,
Ma Văn Kháng có vị trí quan trọng trong văn xuôi thời kì đổi mới. Các tiểu thuyết của ông
thời kì này phản ánh bức tranh đa diện, nhiều sắc màu tối sáng của cuộc sống hậu chiến;
nơi đang diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa cái cao cả và thấp hèn, lí tưởng và thực tiễn,
“đạo” và “đời”. . . Đám cưới không có giấy giá thú là dấu mốc bi ai của một giai đoạn các
chuẩn mực, giá trị nhân sinh truyền thống bị đảo lộn. Đặng Trần Tự - nhân vật chính trong
tiểu thuyết - không chỉ là người “lạc loài” ngay trong gia đình của mình, mà còn mãi mãi
là kẻ “lạc thời”. . .
Từ khóa:Ma Văn Kháng, Đám cưới không có ...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 659 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu “Đạo” và “đời”, lí tưởng và hiện thực trong đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng - Đỗ Tiến Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0095
Social Science, 2017, Vol. 62, Iss. 11, pp. 104-111
This paper is available online at
“ĐẠO” VÀ “ĐỜI”, LÍ TƯỞNG VÀ HIỆN THỰC
TRONG ĐÁM CƯỚI KHÔNG CÓ GIẤY GIÁ THÚ CỦAMA VĂN KHÁNG
Đỗ Tiến Minh
Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Vĩnh Phúc
Tóm tắt.Cùng với NguyễnMinh Châu, NguyễnHuy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Chu Lai. . . ,
Ma Văn Kháng có vị trí quan trọng trong văn xuôi thời kì đổi mới. Các tiểu thuyết của ông
thời kì này phản ánh bức tranh đa diện, nhiều sắc màu tối sáng của cuộc sống hậu chiến;
nơi đang diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa cái cao cả và thấp hèn, lí tưởng và thực tiễn,
“đạo” và “đời”. . . Đám cưới không có giấy giá thú là dấu mốc bi ai của một giai đoạn các
chuẩn mực, giá trị nhân sinh truyền thống bị đảo lộn. Đặng Trần Tự - nhân vật chính trong
tiểu thuyết - không chỉ là người “lạc loài” ngay trong gia đình của mình, mà còn mãi mãi
là kẻ “lạc thời”. . .
Từ khóa:Ma Văn Kháng, Đám cưới không có giấy giá thú, trí thức, kẻ cơ hội.
1. Mở đầu
Với Ma Văn Kháng, Ngẫu hứng tự do và sáng tạo (bài đăng trên Tạp chí Văn học, số 2/1989)
không tách biệt mà đồng hành với nhiệm vụ Đổi mới tư duy tiểu thuyết (Nxb Hội Nhà văn, 2002).
Coi việc “Viết tiểu thuyết là cả một cuộc đi săn hổ dữ” đòi hỏi tư duy, kinh nghiệm nghệ thuật,
khả năng tìm tòi phát hiện, chuyển tải được các vấn đề cốt lõi, gai góc của thực tại cuộc sống,
nên các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, từ Đồng bạc trắng hoa xòe (1979), Mưa mùa hạ (1982),
Vùng biên ải (1983), Mùa lá rụng trong vườn (1985), Đám cưới không có giấy giá thú (1989). . .
đến Một mình một ngựa (2007), Chim én liệng trời cao (2017). . . sau này đều được công chúng
độc giả và giới nghiên cứu phê bình háo hức đón nhận. Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Văn
học, Nguyễn Thị Huệ nhấn mạnh Đổi mới tư duy nghệ thuật trong sáng tác của Ma Văn Kháng
những năm 80 [2]. Bùi Lan Hương phân tích sâu Cảm hứng bi kịch nhân văn trong tiểu thuyết của
Ma Văn Kháng [3]. Trần Hoàng Thiên Kim điểm lại Những cuộc tổng kê của nhà văn Ma Văn
Kháng qua các tiểu thuyết có tính chất dấu mốc trong hành trình sáng tạo của ông [4]. Nhà phê
bình Phong Lê thì nói đến xung lực sáng tạo dồi dào của nhà văn trong bài viết Trữ lượng Ma Văn
Kháng đăng liên tiếp trên hai số báo Văn nghệ [5]. . . Có thể nói, sáng tác của nhà văn, đặc biệt
tiểu thuyết, từ lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu hấp dẫn không chỉ của các nhà nghiên cứu
phê bình, mà còn là đề tài của rất nhiều luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ [xem thêm trong 1, 7]. Bởi
vậy, trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn trao đổi thêm về sự bất dung hợp giữa “đạo” và “đời”,
“lí tưởng” và “hiện thực” ở một trong những cuốn tiểu thuyết thành công nhất của ông: Đám cưới
không có giấy giá thú. Đám cưới không có giấy giá thú lồng ghép hai tuyến cốt truyện: cuộc hôn
Ngày nhận bài: 15/6/2017. Ngày sửa bài: 2/8/2017. Ngày nhận đăng: 20/10/2017
Liên hệ: Đỗ Tiến Minh , e-mail: dotienminh.tranphu@gmail.com
104
“Đạo” và “đời”, lí tưởng và hiện thực trong Đám cưới không có giấy giá thú...
nhân có giá thú đầy bi hài của cặp đôi Tự - Xuyến và ảo mộng bất thành của Tự với “chính danh”.
Tiểu thuyết chứa đựng một mệnh đề kép về thế thái nhân tình thời hậu chiến, nơi các quan niệm,
giá trị nhân sinh bị thách thức và đảo lộn, nơi những tấn bi kịch đời thường trớ trêu và nghiệt ngã
vẫn tiếp tục đè nặng, đeo bám dai dẳng những người lính trở về từ chiến trường.
2. Nội dung nghiên cứu
Hẫng hụt, khó hòa nhập cuộc sống khi trở về từ chiến trường là trạng thái tâm lí chung của
nhiều người lính. “Thời trận mạc, anh đã cầm súng hết mình để rồi ngày giải phóng đầu tiên đi
giữa Sài Gòn xa lạ như đi trên đất khách quê người với chiếc lon chuẩn úy tong toe trên cổ áo.
Trở về, anh muốn làm lại từ đầu, làm lại hết mình nhưng rồi va đâu vấp đấy, vấp đến vỡ mặt: va
phải gia đình, gia đình bỗng thành xa lạ; va vào tình yêu, tình yêu luôn luôn phản trắc; va vào cơ
chế, cơ chế lúc có lúc không; va vào cơ quan đoàn thể, gặp phải những người như lão Quách. Tất
cả mọi hành vi vận động ráo riết đòi đi lên, đòi cống hiến của anh đều gặp phải những vật cản
không thể vượt qua nổi” [Chu Lai, Vòng tròn bội bạc, Nxb Văn học, 2013, tr.141]. Đó là thực cảnh
“tiến thoái lưỡng nan” của nhà báo Trần Hoài Linh trong Vòng tròn bội bạc của Chu Lai, và đó
cũng là tâm trạng của ông Thuấn (Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp), của Kiên (Nỗi buồn chiến
tranh – Bảo Ninh), của Vạn, Nghĩa (Bến không chồng – Dương Hướng). . . Cái phần nổi khoác áo
“giai cấp”, “chuyên chính”, “thức thời” của những kẻ vụ lợi, bất tài, cơ hội - những đám hoa dại
ven đường trong tiếng còi báo động thời chiến - nay chen lấn, nảy nở tràn lan trong công viên thời
bình, đã níu giữ, ghì siết, làm tan vỡ bao giấc mộng của những người lính ngay trong niềm hân
hoan sống sót trở về của họ. Chưa bao giờ và chưa khi nào số phận của Đặng Trần Tự và những
người cựu chiến binh như anh lại “bĩ cực”, khốn khổ đến như thế. Chưa bao giờ cái gọi là “giấy
giá thú” trong Đám cưới không có giấy giá thú lại là tấm thẻ bài quan trọng để những người đã hi
sinh cả tuổi trẻ, đã đổ máu xương nơi trận mạc được tự tin, bình thản hòa nhập với cuộc đời. . .
2.1. Bi kịch của một đám cưới có hôn thú
Đặng Trần Tự là nhân vật chính, đồng thời là nạn nhân của toàn bộ sự thống khổ, bi hài, tục
lụy trong cái gia đình nhỏ mà anh tưởng là nơi trú ngụ an toàn cho cuộc đời vốn không mấy bình
yên của mình. Tự đã có một thời yêu Phượng, cô học trò nhỏ cũng bất hạnh long đong không kém
trong cả trường tình lẫn trường đời. Tình yêu của Tự với Phượng ngắn ngủi, dang dở và đau đớn;
nó như “cái mộng ước tuổi xuân không hiện hữu, cái hạnh phúc đứt đoạn của đời Tự” [Ma Văn
Kháng, Đám cưới không có giấy giá thú, (tái bản), Nxb Văn học, 2006, tr.99; kể từ đây, các trích
dẫn tác phẩm đều lấy từ bản này]. Nhưng đó không phải là lí do để Tự phải “tắc lưỡi” khi quyết
định lấy Xuyến. “Anh quen Xuyến khi anh đã ba mươi tuổi và Xuyến đã hăm bảy, vừa từ nông thôn
lên, sau mấy năm bế con, nội trợ cho vợ chồng một người anh họ, học qua một lớp sơ cấp, về làm
nhân viên thư viện của một khu phố. Anh hay đến đây mượn sách và đọc sách. Vừa nhận ra tính
tình bộc trực và vẻ đẹp thôn nữ thuần phác của cô, anh cũng nhận ra cô là một phụ nữ quê kệch”
[8; tr.291]. Lấy Xuyến, Tự không đóng vai trò cảm hóa hay khai sáng; cũng không phải là ân nhân
hay là kẻ ngơ ngác, khờ khạo về hôn nhân và gia đình. Sự việc nào cũng có bí ẩn thâm sâu của nó.
Xuyến ban đầu cũng không phải là người đàn bà xấu xí hay kém cỏi, hư hỏng, lăng loàn. Ở cô, bù
đắp cho sự quê kệch và thấp kém về học vấn, là sự đơn giản, hồn nhiên đầy sinh lực, đầy chất thế
tục của đời thường; điều mà Tự và những người vẫn đang ấp ủ ý tưởng về sự thánh thiện, thanh
cao như Tự cần tìm kiếm, bổ khuyết. Đám cưới có hôn thú của anh và Xuyến, tuy không có chất
lãng mạn và nhiều kỉ niệm đáng nhớ, nhưng lẽ ra đã là một sự yên bề, một kết thúc có hậu dành
cho những người đã quá mệt mỏi trong cuộc tìm kiếm lẽ sống, đã muốn yên phận sau rất nhiều
bão giông. Song, “vô duyên đối diện bất tương phùng”; trái với những điều Tự mong muốn và lầm
105
Đỗ Tiến Minh
tưởng, những gì diễn ra hậu hôn nhân đã chứng tỏ rằng đám cưới ấy là sự sắp đặt nhầm lẫn, đầy
mỉa mai và bi hài của số phận.
Người ta thường thú nhận sự bất lực của mình trong cuộc sống, đổ lỗi và cay nghiệt gọi số
phận bằng cái tên trong đời thường của nó là “hoàn cảnh”. Trong trường hợp của Tự, có thể nói,
chính “gã” hoàn cảnh khoác áo tình cờ này là thủ phạm đã đẩy họ đến với nhau và rồi lại chia
rẽ họ. Tự, người tạm gọi là đã nếm trải mọi thứ đắng cay, vinh nhục của đời người đâu dễ được
yên bề, yên thân, “thoát tục”. Tiếp tục phải sống, phải đối mặt với đời sống áo cơm thường ngày,
Tự đã muốn, rất muốn sống tử tế, chuyên chú với sự nghiệp trồng người và chăm lo cho gia đình,
vợ con. Song, cũng như những người lính khác trở về từ chiến trường, anh không thể tránh khỏi
những vướng bận, “chấp chới”, “chao đảo” khi hòa mình vào cuộc mưu sinh. Để cân bằng, gắng
níu giữ sự bình yên hiện tại; một mặt, ông giáo nghèo Đặng Trần Tự đã tìm lối thoát bằng sự “thăng
hoa” tinh thần cùng sách vở, đạo lí; mặt khác, phải rứt ruột đem dần “của hồi môn”, cũng là “của
để dành” (những cuốn từ điển quý từ “Tùng thiện thư viện”) đi bán,. . . nhưng cũng không chống
lại được sự đen bạc, ô trọc của cuộc đời. Kinh tế khó khăn thời bao cấp đã làm thay đổi mọi giá
trị. Những kẻ cơ hội, dối trá, xu thời biến thành người năng động giỏi giang; còn những gã “mọt
sách”, “bất tài”, khư khư giữ gìn phẩm cách như Tự, như Kha, như ông Thống. . . , trở thành những
kẻ “gàn dở”, “lập dị”. Sự cám dỗ của đồng tiền, của vật chất tầm thường đã xâm lấn, làm xáo trộn
khu phố nhỏ, len lỏi vào ngõ ngách những khát khao đổi đời thầm kín và mãnh liệt của Xuyến,
khiến người đàn bà này, cũng như cô Trinh trong tiểu thuyết, không thể giữ được “bản nguyên”.
Quỳnh là một kiểu nhân vật “con buôn” mới, anh ta là kết quả của sự “hợp hôn” ngạo nghễ giữa sự
trâng tráo trắng trợn và óc tính toán cơ hội, giữa sự trì trệ và khai sáng, giữa“cơ chế” lắm lỗ thủng
và đời thường đa dạng. Sự hiện hữu của chủ nghĩa cá nhân thực dụng, của những toan tính vụ lợi
cận kề, tấn công trực diện đã tác động rõ rệt, làm thay đổi cách nghĩ của nhiều người, trong đó có
Xuyến. Cảm giác miễn cưỡng chấp nhận thực tại nghèo khó trong cô mất dần, nhường chỗ cho ý
thức tự “cứu mình” bằng mọi giá mà Tự không thể khuyên giải hay cản phá. Với Xuyến, Quỳnh
chính là cơ hội, là chiếc “phao cứu sinh” cho cuộc đời cơ khổ, thua chị kém em mọi bề của cô.
Khi mới lấy nhau, Tự biết vợ mình “sợ nghèo”, “yêu thích nhục dục”. . . , những thứ “ẩn ức”
tâm trạng thường tình mà đa số chị em phụ nữ đều có nhưng e ngại không nói, và Tự cũng biết
mong muốn đổi đời ở Xuyến đã âm thầm trỗi dậy từ khi làn sóng “phe phẩy” chợ búa ùa vào không
gian tù đọng, tẻ nhạt của đời viên chức quèn, nó sẽ phá vỡ các giới hạn, khuôn phép cũng như sự
cảm thông, nhường nhịn, chia sẻ, chịu thương chịu khó thông thường của một người vợ đối với
chồng trong gia đình. Tự đã rất nỗ lực, nhưng chỉ một người biết điều, một người cố gắng giữ cho
tổ ấm không nguội lạnh thì không đủ. Cuộc hôn nhân của họ tiềm ẩn ngay từ khi mới tạo lập các
nguy cơ tan vỡ. Không sống nổi bằng đồng lương còm, làm sao Tự có thể nuôi nổi vợ con, làm sao
giữ được tổ ấm? Rốt cuộc, trong hai người, Tự và Xuyến, ai là người phải chịu trách nhiệm trong
sự đổ vỡ hạnh phúc của họ? Thật khó quy kết!
Thông thường, người ta sẽ đổ lỗi cho người đàn bà, thế nhưng xét cho cùng thì Xuyến, cô
viên chức quèn xuất thân quê mùa ấy cũng đâu hoàn toàn có lỗi. Cái bản năng, ham muốn thường
tình của một “con cái” ẩn giấu trong cái vẻ ngoài mộc mạc sơ khởi của cô, như tất cả những người
phụ nữ bình dân khác, chỉ mong muốn được thỏa mãn, chỉ chờ có cơ hội, điều kiện là bùng phát.
Có điều, những người không có cái “phông” căn bản của văn hóa thị thành, ít kinh nghiệm và chưa
bị va đập như Xuyến thì thường hay bị cám dỗ, mờ mắt vì vật chất; và khi đã lún sâu thì không thể
nào thoát ra được. Nỗi đau không lo nổi cơm áo đời thường cho gia đình khiến Tự bị dằn vặt, tổn
thương; còn cái vũng lầy tình tiền của Xuyến ngược lại khiến cô mê đắm, cho dù đôi khi cũng có
chút mặc cảm vụng trộm, hối lỗi. Phản ứng đầu tiên của Tự trước những lời nhiếc móc, cạnh khóe
của Xuyến là sự “câm lặng chịu đựng”, sau đó là “đau lòng”, bởi sẽ tệ hại hơn nhiều nếu Xuyến
106
“Đạo” và “đời”, lí tưởng và hiện thực trong Đám cưới không có giấy giá thú...
không phải là người như vậy: “Đôi lúc anh tự hỏi mình: Xuyến sẽ đối xử với anh như thế nào,
nếu anh cũng như Thuật, như Thảnh, hai đồng nghiệp, nhờ các phù phép biến hóa kiếm được bạc
nghìn, bạc vạn? Chà, Xuyến mà quay trở lại kính trọng anh, rồi lại yêu quý anh nữa thì anh kinh
sợ vô cùng! Hình như chưa bao giờ Xuyến thật sự yêu anh; dầu đã chủ động lôi cuốn anh vào cuộc
hôn phối. Xuyến chỉ có xúc cảm về anh thôi” [8; tr.27].
Theo dõi diễn biến cuộc hôn nhân có giấy giá thú và tâm trạng tội nghiệp của Tự, độc giả
hẳn không mấy khó khăn khi đoán định cái kết cục tất yếu đáng buồn của nó. Song điều làm người
đọc và ngay cả Tự phải bất ngờ chính là sự thay đổi quá nhanh của Xuyến. Chỉ mươi năm, từ một
người vợ đầy hào hứng: “Em sẽ đẻ cho anh một tá con. Nhưng anh phải bảo đảm nuôi chúng” [8;
tr.293], Xuyến đã biến thành một người đàn bà nanh nọc, trắng trợn và trơ trẽn khi bị vạch trần sự
phản bội, hơn thế, còn xối xả trút vào mặt chồng những lời rủa xả tai ác thường chỉ thấy những kẻ
hạ tiện, lăng loàn. Vẫn biết “Xuyến là đàn bà. Lo toan đời sống bản thân và gia đình là cái thiên
chức của đàn bà. Tự không phải là kẻ giỏi giang gì trong cuộc mưu sinh thì Tự càng không được
phép dè bỉu, chê trách Xuyến” [8; tr.294], nhưng sự “vượt ngưỡng” này thì “Thật là điếm nhục”:
“Tự chết đứng cạnh cái tủ ly. Trớ trêu! Xuyến đang biến anh thành một thằng hề, một gã đàn ông
xuẩn ngốc. Những tình cảm chân thành, trong sáng nhất của anh bị bêu riếu. Anh gắng gỏi hòa
hợp thật sự nhưng kết cục anh chỉ là con dã tràng. Anh suốt đời ngay thẳng, thiện chí, thiện tâm,
vậy mà suốt đời anh bị lừa lọc, phản bội” [8; tr.309]. “Trong tế bào gia đình, vai trò người mẹ,
người vợ là hết sức quan trọng”, những lời khuyên ấy thật chí lí, nhưng áp vào tình cảnh của Tự
lúc này, càng thấy xót xa, bi hài. Bố cái Hoạt đã không thể giữ được mẹ nó. Từ ngoại tình lén lút,
Xuyến trơ tráo ăn nằm với Quỳnh ngay trên căn gác xép nhỏ, cái “hang động” trú ẩn duy nhất và
cuối cùng của Tự. Dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân nhầm lẫn và tai hại này đã hạ xuống đầy
tàn nhẫn: “Tự tự hỏi rằng đây là thực hay là sự dâm đãng bỉ ổi được hình tượng hóa qua trí tưởng
tượng, rồi lại khúc xạ qua giấc mơ của anh. Đời người, nếu không tránh được, thì cũng nên một lần
chứng kiến cảnh đồi bại này. Một lần bị máy bay trực thăng của của giặc quần thảo vây bắt. Một
lần bị trở thành cái bung sung chịu sai khiến đọa đày của thói trả thù tiền sử. Một lần mục sở thị
trò đánh tháo và vu cáo đê tiện kinh người. Một lần đủ để bại liệt, cấm khẩu, đủ để nhớ cả đời” [8;
tr.361].
Tuy nhiên, cũng như ởMùa lá rụng trong vườn trước đó, trong đám cưới có giấy giá thú hẳn
hoi nhưng đầy bi kịch này, Ma Văn Kháng đã không chủ ý khai thác sâu vấn đề tình yêu gia đình
hay tình cảm vợ chồng thời hiện tại, dù hôn nhân và đạo lí luôn là luận đề xuyên suốt trong nhiều
tác phẩm của ông. Ông hầu như chỉ miêu tả mà không giải thích. Có lẽ, cũng như một số nhà văn
khác đương thời, ông hướng tới một cái gì đó sâu xa và đáng quan ngại hơn: căn nguyên đang làm
đảo lộn mọi giá trị truyền thống; làm tan rã, sụp đổ trật tự đạo đức xã hội và nền tảng gia đình;
cuốn cả người tốt và người xấu, cả kẻ cơ hội hám danh và người lương thiện chính trực vào vòng
xoáy của nó, lấy đi của cuộc sống hậu chiến vốn đã đầy khó khăn biết bao nhân tính, nhân tình.
Cái gì khiến cuộc chiến đau thương của cả dân tộc đã im tiếng súng nhưng vẫn kéo dài dai dẳng,
vẫn có mất mát, hi sinh? Tại sao và do đâu nhiều người lính không chết trong chiến tranh lại phải
“chết” trong thời hòa bình? Nỗi đau tinh thần nhức nhối này là hệ quả của sự đối đầu không khoan
nhượng giữa lí tưởng và hiện thực, giữa “đạo”và “đời” ngay bên trong họ, nhưng đồng thời cũng
là vấn đề chính trị - xã hội hết sức sâu sắc mà các nhà văn, trong đó có Ma Văn Kháng, đã đặt ra.
2.2. Cuộc hôn phối bất thành giữa“đạo” và “đời”, người trí thức và kẻ cơ hội
Cuộc đời Đặng Trần Tự, đúng như người bạn giáo viên của anh - Thuật, đã nói, là: “. . . một
cuốn sách hay để lầm chỗ. Một đám cưới không thành. Một bữa tiệc dang dở” [8; tr.55], một kẻ
không hợp thời, không thức thời. Nhưng cũng không thể trách Tự, người “cao ngạo và ẩn tàng một
107
Đỗ Tiến Minh
sức mạnh văn hóa”, vì cái tính “ương ngạnh” không thức thời ấy. Trước và sau chiến tranh, Tự vẫn
và luôn là một thầy giáo giỏi, song chỗ đứng của anh, xét đến cùng, chỉ là ở trong lòng đám học
trò lúc đó và sau này chỉ biết xót thương cho những oan ức, bất công mà người thầy đáng kính của
chúng phải gánh chịu. Xung quanh Tự, cả khi là người thầy và người lính, tuyệt nhiên không có
một thế lực hay ô dù gì để dựa dẫm, bênh vực khi yếu thế hay nguy nan. Kha, ông Thống, Phượng,
Phiêu, người học trò cũ giấu tên đã trưởng thành. . . chỉ là nguồn an ủi, sẻ chia, cảm thông với
những nỗi ngang trái của cuộc đời anh, chứ họ, cũng như bao người khác, không thể giúp gì được.
Bủa vây xung quanh anh ban đầu là ông Bí thư thị ủy Lại, nguyên “đồ tể ở cái ba toa cuối
phố, cái lò mổ lợn bò của một người chủ là Hoa kiều” [8; tr.107], sau đó là hiệu trưởng Cẩm, bí
thư chi bộ Dương- những kẻ đại diện cho thể chế, nắm giữ sinh mệnh chính trị của người khác.
Bí thư thị ủy Lại là hiện thân của một giai đoạn sai lầm nhất trong cách dùng người của một thời:
“. . . cái thời cách đây hai mươi năm, một gã đồ tể chỉ cần đi theo cách mạng hai năm hơn bảy trăm
ngày, là có thể đủ vốn liếng để trở thành một Đấng Quyền Năng Cao Cả, bao trùm một lãnh địa,
tòa quyền lực như vòi bạch tuộc vào tất cả các ngõ ngách của đời sống!” [8; tr.110]. Xuất thân như
thế, hẳn không có gì đáng ngạc nhiên khi ông phỉ báng tín ngưỡng, đức tin ngay giữa nhà thờ và
luôn coi thường, quy kết, hăm dọa, lăng nhục trí thức: “Này các cô cậu học trò, nên nhớ rằng đây
là một ân huệ quá lớn và lẽ ra các người không đáng được hưởng đâu. Bởi vì bố mẹ, cô dì, chú bác
các người đều là những phần tử tội lỗi, thuộc thành phần phi vô sản. Vậy thì các người chớ có mà
lên mặt. Và hãy liệu hồn, chớ có nhi nhoe, cạy dăm ba cái kiến thức để vênh váo; trí thức không
bằng một cục cứt chó khô đâu, các người hãy nhớ lấy”; “Các anh giáo! Xin nói để các anh biết.
Tầng lớp trí thức tiểu tư sản các anh chẳng qua chỉ là cái sinh thực khí, tức là cái b. của thằng đàn
ông” [8; tr.108-109]. Cha nào con ấy, thằng Tuẫn con ông bí thư Lại là một thằng học trò “mất dạy,
xấc xược, vô đạo lí, hết sức đểu cáng”. Cái tát thẳng tay, đầy phẫn nộ của Tự vào mặt thằng Tuẫn
trong giờ học văn vì đã “xúc phạm đến tất cả các bạn bè và các giá trị thiêng liêng” ngay lập tức
bị coi là “cái tát vào Đảng”, vào mặt cái người đang nắm quyền sinh sát tối cao ở cái thị xã nhỏ bé
và buồn tẻ này. Bất bình và cưỡng lại sự “ngu xuẩn và điên rồ”, nhất là khi nó đang tự tin và sung
mãn “khuấy lên cả một ngọn triều tư tưởng ngu xuẩn và điên rồ”, Tự chuốc vào mình tai họa. Sau
cú tát nhớ đời ấy, số phận Đặng Trần Tự đã được “quan lái lợn” định đoạt. Anh bị ném vào cuộc
chiến đẫm máu suốt tám năm, đúng thời điểm khốc liệt nhất.
Cẩm - một kẻ có chức quyền, thuộc thế hệ sau, là đồng nghiệp và đôi khi còn là “bạn” của
Tự. “Lí lịch ba đời Cẩm, khỏi chê. Từ cụ, ông nội, bố đều làm mõ, loại cùng đinh, mạt hạng bấy
giờ”. “Xét một cách toàn diện” - theo cách nói của ông bí thư chi bộ Dương, hay ông bí thư chi
bộ Văn Xã ở huyện - thì “Đồng chí Cẩm là của hiếm. Đồng chí có sứ mệnh phải trí thức hóa để
tiến hành trí thức vận, một sự nghiệp mà chúng ta rất coi trọng” [8; tr.133], nên con đường quan
lộ của Cẩm khá thông thoáng. Từ một “đại kiện tướng phân xanh”, một anh giáo viên dạy thể dục
cấp hai, Cẩm được cử đi học sư phạm Văn, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường cấp ba khi ông
hiệu trưởng già không may cảm mạo rồi mất. Cẩm không chỉ nổi tiếng ở việc coi sách là “một sản
phẩm vừa xa xỉ, vừa vô bổ”, “dạy văn học, giải thích sai từ này, từ nọ là chuyện cơm bữa”, ở cái
“biệt danh” “đẽo cày giữa đường” học trò phong tặng, mà còn ở sự nhăng nhít, “thói tham lam vô
độ, bần tiện và liều lĩnh”. Chính hiệu trưởng Cẩm “thằng đạo chích, tên bần nông gian giảo” chứ
không phải ai khác, đã sinh lòng ghen ghét Tự, trù dập Thuật; đã bất chấp quy chế, quy định, tự ý
sửa kết quả thi môn Toán tốt nghiệp cuối cấp của học sinh rồi đổ lỗi, vu cáo cho ông Thống. Tuy
nhiên, cái “tư cách mõ” của Cẩm, sự dối trá và quyền uy của Cẩm phần nào cũng xuất phát vì căn
bệnh “thành tích” nói chung, từ ý thức đố kị, ghen tài nói riêng của một người tự biết mình thua
kém người khác cả về nhân cách lẫn học thuật. Trong mưu đồ gạt bỏ những người biết rõ bản thân
mình, đẩy Tự vào cái chết “lần thứ hai”, Cẩm là kẻ đồng lõa chứ không phải chủ mưu, Cẩm không
nham hiểm, thủ đoạn như Dương.
108
“Đạo” và “đời”, lí tưởng và hiện thực trong Đám cưới không có giấy giá thú...
So với phiên bản đời đầu là ông Bí thư thị ủy Lại, ông Bí thư chi bộ Dương còn tệ hại hơn
nhiều. Ông ta không chỉ kì thị, “dị ứng” với những kẻ “đồ Nho, địa chủ trong cách mạng”như ông
Thống; khắc cốt ghi xương và rắp tâm trả thù những kẻ dám ngang nhiên nhạo báng sự thiển cận,
dốt nát của mình như Thuật; mà đích thị còn là “tên đầu cơ sinh mệnh chính trị của người khác”
[8; tr.379]. Là bí thư chi bộ, nhưng “Dương bị chức trách của mình lừa mình. Ông đồng hóa ông
với chức vụ, và càng thâm niên đảm nhiệm chức vụ đó, ông càng xa lánh con người tự nhiên. Hay
quan trọng hóa là đặc điểm của người ít học. Lên mặt, cường điệu vai trò của mình là thói tất của
kẻ kém phát triển trí tuệ. Kém phát triển trí tuệ, thiếu chiều rộng, chiều sâu hiểu biết, nên trên thực
tế, Dương lại phản lại ý định của mình: ông thực thi công tác đảng một cách vô cùng thông tục
tầm thường” [8; tr.158-159]. Nhìn bề ngoài, ông ta có vẻ “nho nhã”, nói năng từ tốn, nhưng tâm
địa bên trong thì đầy toan tính nhỏ nhen hiểm ác. Trong công việc, Dương thậm chí đã không đảm
nhiệm được vai trò lãnh đạo, đoàn kết cán bộ, giáo viên, mà còn thường xuyên ngấm ngầm xúi
bẩy, chia rẽ họ.
Để che dấu vốn hiểu biết hạn chế, năng lực quản lí kém cỏi của mình, bất luận bàn bạc, trao
đổi về vấn đề gì, Dương đều nhân danh tập thể, tìm cách áp chế đối phương bằng việc bóng gió
đụng chạm đến lập trường chính trị, quan điểm giai cấp của họ; để trả thù người khác, ông lật giở,
săm soi từng “dấu vết”, ngấm ngầm tích lũy từng “tiền án” của họ để chờ dịp tung ra. Lén lút bóc
thư riêng của học trò gửi Tự, “bóc khéo chứ không để lộ dấu”, gửi lá thư sau và xúi bẩy người vợ
lăng loàn kiện chồng tội phản bội, yêu đương “bất chính”. . . , những toan tính và việc làm đê tiện,
bỉ ổi của bí thư Dương giống hệt những việc làm của lão Quách với nhà báo Trần Hoài Linh trong
Vòng tròn bội bạc. Nhân bất học bất tri lí đã đành, đằng này, biết thừa “như vậy là phạm luật”,
song ông ta vẫn cố biện bạch: “Nhưng, nói rằng như thế là thể hiện trách nhiệm cao trước đoàn
thể, trước quần chúng thì cũng đúng. Mà rất đúng là khác” [8; tr.147].
Cả Tự và Thuật đều biết rất rõ về bản chất con người Dương cũng như con người Cẩm. Đó
là những tên “đao phủ” chuyên rắp tâm làm tổn hại những người chính trực và lương thiện của một
thời mà thói trì trệ và dốt nát, quan liêu và hống hách cửa quyền ngự trị. Tuy nhiên, nếu bản tính
hay cái “thiên lương”,“thiên chức” ngay thẳng trong sạch của một người thầy, người lính, một mặt
giúp Tự đứng vững trước những điều mờ ám, tráo trở, trắng trợn và vô đạo như hiệu trưởng Cẩm,
bí thư Dương, tay con buôn Quỳnh. . . ; thì mặt khác, cũng phần nào khiến anh chủ quan, tự tin một
cách ngây thơ, nên không phòng bị, không kịp trở tay trước những thủ đoạn nham hiểm của chúng.
“Tự đã nhầm lẫn không thể tha thứ được. Anh hiểu mặt này mà không hiểu mặt khác của cuộc đời”
[8; tr.378]. Mượn tay người vợ hư hỏng lăng loàn để “hạ gục” chính ông chồng, một kẻ không có
gì “hộ thân” ngoài tri thức và tấm lòng là Tự, Dương đã bộc lộ đến tận cùng tâm địa xảo trá, giả
nhân nghĩa và thâm độc của mình. Xưa, kẻ vô học trả thù khiến Tự phải vào sinh ra tử, đánh mất
một đoạn đời; nay kẻ bất tài ít học nắm giữ uy quyền, mượn danh Đảng mà ra tay thì hậu quả còn
đáng sợ gấp nhiều lần, mất cả cuộc đời.
Từ trước đến giờ, chỗ bấu víu duy nhất của Tự là tinh thần, là duyên tình, là cuộc “hôn thú
tưởng tượng” với Đảng. Chính nó đã giúp anh vượt qua bao ngang trái, bất nhẫn đổ ụp xuống đời
mình, nuôi dưỡng ý thức, nghị lực trong anh sau bao đảo điên quay cuồng, tạo cơ hội và niềm tin
để anh tiếp tục sống và theo đuổi những điều đáng sống. Bất chấp “cuộc đời là một vại dưa muối
hỏng”, Tự thủy chung với “lí tưởng” cao cả ấy, bởi nó không chỉ là khát vọng riêng, mà còn là ước
vọng, mong muốn đau đớn của người cha đã khuất của anh - ông giáo Đặng Trần Biểu. Ông đã
sống đầy tâm huyết, đóng góp hết mình lúc sinh thời, nhưng rốt cuộc “vẫn bị gạt ngầm sang một
phía khác, nếu không bị coi là kẻ có vấn đề nghi vấn về chính trị, thì giỏi lắm cũng chỉ là một
“nhân sĩ tiến bộ” - một tầng lớp bị cười mũi và miệt thị ngấm ngầm” [8; tr.254] y như Tự lúc này.
“Ông giáo Biểu (. . . ), tự xét mình nghiêm khắc, ngoài năm mươi tuổi đắn đo mãi mới dám hạ bút
109
Đỗ Tiến Minh
viết lá đơn xin gia nhập đội ngũ những người cộng sản. Ông ao ước được thấy mình hoàn bị trong
quan niệm chính danh. Ông muốn được đo mình bằng một hệ đo lường chính thống của thời đại”
[8; tr.255-256]. Cũng như cha, “Trở nên một người hữu ích, đồng thời, Tự cũng phải được cả chính
danh”. Nhưng than ôi, cái “chính danh” cao quý đã bị bọn “tà danh” làm hoen ố, “những người tự
nhận là đại diện cho tư tưởng chính thống của thời đại không đủ sức ôm chứa, chấp nhận ông” và
cả con trai ông sau này.
Có thể thấy những dòng tâm tư rất thật của Đặng Trần Tự khi suy ngẫm về món nợ đời người
cha nhắc nhủ, cần báo đáp; nhưng đó chỉ là một trong nhiều lí do thôi thúc anh tiếp tục sống, giữ
vững niềm tin sau nhiều lần tưởng chừng gục ngã vì liên tiếp các biến cố và thất bại. Nếu cứ lặng
im, an phận nhẫn nhịn một cách hèn hạ trong buồn đau và tủi nhục trước sự lộng hành vô lí, bất
công, khốn nạn của những kẻ cường quyền; hoặc giả nếu Tự và tất cả những người lính từ chiến
trường trở về như Sài, Kiên, Linh. . . đều “thức thời”, đều bị cuốn hút vào vòng xoáy của dục vọng,
tiền bạc và thói cơ hội, phản trắc như Cẩm, Dương, Hòe, Quách. . . , thì còn đâu những nỗi ám ảnh,
dằn vặt nhức nhối thời hậu chiến, khiến người ta cảm nhận được nỗi đau và tôn trọng giá trị của
sự hi sinh, của nhân cách, phẩm giá; còn đâu những gã gàn dở giữa những âm thanh chát chúa của
cơm áo gạo tiền, vẫn chụm đầu trên gác xép luận bàn, chia sẻ nỗi niềm đau đáu tình người, tình đời
của cổ nhân?... Người chính danh cần lựa chọn cho mình một lẽ sống, cần dũng cảm đối mặt với
mọi thách thức, gian khó của cuộc đời, trước hết cần chính tâm và kiên định. Bởi thế, nhận thức về
Đảng trong Tự không hề lẫn lộn ngay cả khi anh bị chính những kẻ nhân danh Đảng trù dập, hãm
hại. “Xét cho cùng, ước vọng của anh là hoàn toàn chính đáng. Trong trường kì lịch sử của dân tộc,
đã có một tổ chức con người nào có thể sánh được với Đảng cộng sản về lí tưởng cao cả, về chiến
công kì vĩ cùng những người con ưu tú của nó - những đức Chúa hiển vinh của dân tộc. Đó là cái
đẹp vô song mà Tự khát khao được chung sống hòa nhập. Cuộc hôn nhân anh mong mỏi là hoàn
toàn đúng đắn và có cơ sở: Vậy mà đám cưới ấy lại không thành” [8; tr.379].
Cú đánh cuối cùng của Dương ngay sau cơn chấn động (tước bỏ vĩnh viễn cơ hội kết nạp
Đảng, tước bỏ tư cách giáo viên) đã đẩy Tự vào trạng thái “hoang mê”. Bi kịch tan vỡ gia đình sau
hành vi ngoại tình trơ trẽn, điếm nhục của Xuyến đã làm Tự bị tê liệt; nay cuộc hôn phối với chính
trị, với Đảng, với cái “đạo làm người” của anh cũng bị cắt đứt. Tự đã phải trả giá cho việc “vung
vãi niềm tin một cách xa xỉ và hi vọng vô cùng ngốc nghếch”: “Tự đây, kẻ tuẫn nạn của một sở
nguyền, tin cậy?. Bị bạc đãi. Bị khinh rẻ. Bị đầy đọa. Bị ruồng rẫy. Bị chà đạp. Bị vây bủa bốn bề.
Bị phản bội, bị vu cáo. Bị tước đoạt. Bị cướp bóc mất hết. Tiền tài không. Quyền lực không. Một
chốn yên thân, không. Rồi đây chỗ đứng trên bục giảng cũng không nốt. Chút ao ước định danh
cũng bị chối bỏ. Bị chặn các ngả đường. Bị bít các lối thoát. Có cuộc hãm hại nào triệt để đến như
thế! Nỗi đau này là nỗi đau nhân nhân thế, nỗi đau này là nỗi đau tâm thể sâu xa. Nỗi đau này có
thể làm mất nhân tính. Nỗi đau này có thể làm mất lương tri. Nỗi đau này kinh động quỷ thần,
nhân tâm, nỗi đau này là nỗi nhục trần ai!” [8; tr.408]. Sự tổn thương này quá sức chịu đựng của
một con người, một lớp người, lớn hơn, của cả một thế hệ, một dân tộc. Trớ trêu thay, nó vẫn hiện
tồn, ngạo nghễ ngự trị một thời và là điều đáng sợ nhất. Không phải tự nhiên, nhà văn đã mượn lời
cổ nhân: Phong vận kì oan ngã tự cư để nói về số phận của Tự và những người như Tự trong tác
phẩm này.
3. Kết luận
Đám cưới không có giấy giá thú khép lại bằng cảnh Tự buộc phải chia tay trường trung học
phổ thông số 5, nơi anh đã gắn bó gần trọn cuộc đời dạy học sang trọng và thanh bần của mình.
Một cuộc chia tay bất đắc dĩ và buồn thảm, để tìm về với kỉ niệm dĩ vãng vô định, nhưng đó là lối
thoát duy nhất của anh hiện tại. Ở đây, dường như có một mẫu số chung giữa Đám cưới không có
110
“Đạo” và “đời”, lí tưởng và hiện thực trong Đám cưới không có giấy giá thú...
giấy giá thú với Nỗi buồn chiến tranh, Vòng tròn bội bạc, Ăn mày dĩ vãng. . . và một số tác phẩm
khác nữa. Cuộc sống hậu chiến không còn đổ máu chết chóc nhưng vẫn đầy lòng thù hận, đố kị,
ngu muội và thói bỉ ổi tiểu nhân. Trong Nỗi buồn chiến tranh, chưa kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết
dang dở, Kiên đã bỏ đi đâu không ai biết; sau vụ đại án, nhà báo Trần Hoài Linh đi lang thang tìm
nơi cô quạnh, bỏ lại đằng sau “vòng tròn bội bạc”, nơi đầy rẫy những kẻ như Hòe, lão Quách. . .
Họ cũng như Tự, vẫn phải sống, tiếp tục sống cho cả những người đã chết và những người đang
sống. Cái kết cục buồn thảm này đã va đập mạnh mẽ vào một cõi nhân sinh, vào sâu thẳm mọi
giá trị tốt đẹp của một xã hội vốn được xây dựng bằng máu và nước mắt của bao thế hệ; nhưng nó
không làm chúng ta yếu lòng, nó giúp chúng ta điềm tĩnh hơn, mạnh mẽ hơn và biết phải sống thế
nào trong thực tại. Có lẽ đây là ý nghĩa nhân bản sâu sắc nhất mà Đám cưới không có giấy giá thú
và nhiều tiểu thuyết khác viết về chiến tranh và cuộc sống hậu chiến hướng tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Minh Chung, 2007. Tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kì đổi mới. Luận văn Thạc sĩ,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
[2] Nguyễn Thị Huệ, 1999. Đổi mới tư duy nghệ thuật trong sáng tác của Ma Văn Kháng những
năm 80. Tạp chí Văn học, số 2, tr.51-57.
[3] Bùi Lan Hương, 2004. Cảm hứng bi kịch nhân văn trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Luận
văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[4] Trần Hoàng Thiên Kim, 2003. Những cuộc tổng kê của nhà văn Ma Văn Kháng. Báo Tiền
phong chủ nhật (43), tr.9.
[5] Phong Lê, 2005. Trữ lượng Ma Văn Kháng. Báo Văn nghệ (số 20, tr.19; số 21, tr.19-21).
[6] Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), 2006. Văn học Việt Nam sau năm 1975 -
Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[7] Đỗ Phương Thảo, 2007. Nghệ thuật tự sự trong sáng tác của Ma Văn Kháng. Luận án Tiến sĩ
Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[8] Ma Văn Kháng, 2002. Đám cưới không có giấy giá thú. Nxb Văn học, Hà Nội.
ABSTRACT
“Morality”and “life”, the ideal and reality
of the novelWedding without a marriage certificate by Ma Van Khang
Do Tien Minh
Tran Phu Hight Shool, Vinh Phuc
Along with writers Nguyen Minh Chau, Nguyen Huy Thiep, Bao Ninh, Le Luu, Chu
Lai. . . , Ma Van Khang also played an important role to the prose in the renewal period. His
novels reflected the multifaceted and colorful picture of postwar life where was taking a hard fight
between the great and abjection, the ideal and reality, “morality” and “life”. . . the novel “Wedding
without a Marriage Certificate” marked a woeful stage of the reversibility on standards and
traditional values of human. Dang Tran Tu- the main character of above novel not only becomes
“alone” by his family but also as man who forever was born in the “wrong time period”.
Keywords: Ma Van Khang, Wedding without a Marriage Certificate, intellectuals,
opportunist.
111
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4988_dtminh_3459_2127509.pdf