Tài liệu Đạo “Ông Trần” và quá trình phát triển đảo Long Sơn/ núi Nứa ở Vũng Tàu - Lê Công Lý: 57Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
ĐẠO “ÔNG TRẦN” VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
ĐẢO LONG SƠN/ NÚI NỨA Ở VŨNG TÀU
Lê Công Lý*
1. Lịch sử thôn Long Sơn/ Núi Nứa
Đầu thế kỷ XIX thôn Long Sơn thuộc tổng Phước Hưng, huyện Phước An,
phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Sách Gia Định thành thông chí có ghi rõ rằng, lúc
này tổng Phước Hưng vừa mới được thành lập, do đó có thể đoán định rằng thôn
Long Sơn cũng vừa mới thành lập không bao lâu, tức khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Thôn Long Sơn có Núi Nứa (chữ Hán gọi là Sa Trúc Sơn) nên dân gian cũng gọi
là thôn Núi Nứa. Thôn Long Sơn thực chất gồm 2 hòn đảo nhỏ, được bao bọc bởi
các sông Ba Nanh, Chà Và, rạch Bến Đá, Rạch Rang và vịnh Gành Rái, nằm cách
bán đảo Vũng Tàu 3km đường chim bay.
Hình 1: Sơ đồ xã đảo Long Sơn. Nguồn: Phan Tất Đại (1975), tr.19.
* Chi hội Văn nghệ dân gian tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
58 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
Danh sách xã thôn của huyện Phước A...
10 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 436 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đạo “Ông Trần” và quá trình phát triển đảo Long Sơn/ núi Nứa ở Vũng Tàu - Lê Công Lý, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
57Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
ĐẠO “ÔNG TRẦN” VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
ĐẢO LONG SƠN/ NÚI NỨA Ở VŨNG TÀU
Lê Công Lý*
1. Lịch sử thôn Long Sơn/ Núi Nứa
Đầu thế kỷ XIX thôn Long Sơn thuộc tổng Phước Hưng, huyện Phước An,
phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Sách Gia Định thành thông chí có ghi rõ rằng, lúc
này tổng Phước Hưng vừa mới được thành lập, do đó có thể đoán định rằng thôn
Long Sơn cũng vừa mới thành lập không bao lâu, tức khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Thôn Long Sơn có Núi Nứa (chữ Hán gọi là Sa Trúc Sơn) nên dân gian cũng gọi
là thôn Núi Nứa. Thôn Long Sơn thực chất gồm 2 hòn đảo nhỏ, được bao bọc bởi
các sông Ba Nanh, Chà Và, rạch Bến Đá, Rạch Rang và vịnh Gành Rái, nằm cách
bán đảo Vũng Tàu 3km đường chim bay.
Hình 1: Sơ đồ xã đảo Long Sơn. Nguồn: Phan Tất Đại (1975), tr.19.
* Chi hội Văn nghệ dân gian tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
58 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
Danh sách xã thôn của huyện Phước An do Trịnh Hoài Đức ghi chép, không
nêu rõ diện tích và dân số từng xã thôn nên ngày nay không thể biết diện tích và
dân số của thôn Long Sơn đương thời (đầu thế kỷ XIX) là bao nhiêu. Tuy nhiên,
đến năm 1836, khi vua Minh Mạng cho đo đạc và thiết lập lại địa bạ trên địa bàn
Nam Kỳ lục tỉnh, thì huyện Phước An (tương đương địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu ngày nay, trừ huyện Côn Đảo) gồm có 4 tổng với 42 làng, thôn, xã, phường,
thuyền, tức là giảm đi 1 thôn so với thời Gia Long. Thôn bị xóa tên đó chính là
thôn Long Sơn.
Như vậy, có thể đoán định rằng, trong số 43 xã thôn của huyện Phước An
(nay là địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Long Sơn là thôn có dân số ít nhất nên bị
xóa sổ, sáp nhập sang thôn khác bên cạnh.
Theo Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu, những địa điểm dừng chân của lưu dân sớm
nhất là cửa sông Xích Ram (Sông Ray), Phước Hải, Cửa Lấp, cửa Sông Dinh. Ban
đầu mọc lên những xóm chài lưới, rồi dần dần phát triển thành những làng cá đông
đúc, thịnh vượng như Phước Hải, Phước Tỉnh. Những người chuyên làm nông
nghiệp thì từng bước đi sâu vào bên trong, hoặc ngược theo các dòng sông, rạch
tìm những chỗ bằng phẳng, khai vỡ ruộng, trồng lúa ở những nơi đất thấp hoặc có
điều kiện nước tưới, lập vườn, trồng rau màu, cây ăn trái, xây dựng nhà cửa. Các
làng Long Hương, Phước Lễ bên bờ Sông Dinh, các làng Long Thạnh, An Ngãi,
Phước Hải, Long Điền, Long Lập, Long Kiểng được khai phá sớm, dân cư tập
trung đông đúc. Làng Núi Nứa trên đảo Long Sơn cũng hình thành tương đối sớm,
nơi tập trung những người làm nghề chài lưới và làm ruộng muối.(1)
Tuy nhiên, mặc dù là địa đầu của đất Gia Định (nay là Nam Bộ), được lưu dân
Việt đến từ rất sớm nhưng các tụ điểm dân cư trên vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn
rất chậm phát triển. Có thể lý giải nguyên nhân là vì vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu
phần lớn khô cằn, giai đoạn này chủ yếu chỉ có thể phát triển kinh tế biển (đánh
cá, làm ruộng muối), nghĩa là vẫn không khác mấy so với dải đất duyên hải miền
Trung mà lưu dân Việt đã bỏ đi để tìm phương kế mưu sinh khác. Do đó, rất nhiều
lớp lưu dân đã chỉ xem vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu như là trạm dừng chân, một
bước đệm trong quá trình Nam tiến mà mục tiêu cuối cùng của họ chính là vùng
đồng bằng sông Cửu Long trù phú ở phía nam.
Do đó, mãi đến năm 1836, theo địa bạ Minh Mạng, huyện Phước An được
phân thành 4 tổng là An Phú Thượng, An Phú Hạ, Phước Hưng Thượng, Phước
Hưng Hạ nhưng số thôn chẳng những không tăng mà còn giảm đi 1 (còn lại 42
thôn). 42 thôn này chỉ là phần đất thuộc phạm vi cư trú của người Việt, phần còn
lại trong các lõm rừng già nơi các dân tộc Stiêng, Châu-ro, Mạ sinh sống thì địa bạ
Minh Mạng vẫn chưa thể thống kê được.
Riêng khu vực Vũng Tàu được cư dân khai phá còn chậm trễ hơn: thời chúa
Nguyễn Ánh nơi đây do 3 đơn vị quân đội nhỏ trú đóng gọi là “thuyền”(2) (mỗi
“thuyền” gồm từ 30 - 80 quân tùy nơi). Khi vua Gia Long thống nhất đất nước
(1802) thì 3 “thuyền” này mới bắt đầu giải ngũ và lập làng (3 làng Thắng Nhứt,
Thắng Nhì, Thắng Tam). Tuy nhiên, do giai đoạn này vùng đất Vũng Tàu vẫn còn
hoang vu, chưa được khai phá lập thành thôn ấp (ghe thuyền chỉ lấy nơi đây làm
nơi tập kết trung chuyển chứ chưa có dân cư cố định đáng kể) nên 3 làng vừa nói
được lập mới hoàn toàn. Chính vì vậy mà dấu ấn quân sự của 3 làng này vẫn còn
khá đậm nét: mãi đến thời Minh Mạng trong địa bạ (1836) vẫn chưa gọi là làng
mà chỉ gọi là thuyền: Thắng Nhứt thuyền, Thắng Nhì thuyền, Thắng Tam thuyền.
Cũng theo địa bạ Minh Mạng, huyện Phước An (tức địa bàn tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu ngày nay) có diện tích khai phá là 1.729,4 mẫu, trong số đó diện tích
sử dụng chiếm 1.698,2 mẫu, riêng ruộng muối có 26,3 mẫu. Không kể hai huyện
Long Khánh và Phước Bình (vốn chưa ổn định ranh giới vào thời điểm đo đạc
năm 1836), so với ba huyện còn lại của tỉnh Biên Hòa là Bình An, Long Thành và
Phước Chánh, huyện Phước An có diện tích khai phá vào loại khiêm tốn nhất.
Trở lại thôn Long Sơn, kể từ triều Minh Mạng thì thôn này bị xóa tên. Tuy
nhiên, điều đó không có nghĩa là cư dân tại đây không còn, mà chỉ là do bị sáp nhập
vào làng khác. Do đó, sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn vào triều Tự Đức
vẫn ghi nhận: “Núi Sa Trúc [tức Núi Nứa, thuộc địa bàn thôn Long Sơn trước đó]
ở xiên phía tây nam huyện Phước An 60 dặm, có nhiều thứ sa trúc [nứa], dưới chân
núi có chằm ao, những nhà chài lưới tụ cư nơi đây đánh cá làm sinh nghiệp”.(3)
Mãi đến khi thực dân Pháp xâm lược, thôn Long Sơn mới được tái lập (ngày
26/10/1870), với tên gọi là thôn Núi Nứa, thuộc tổng An Phú Hạ, hạt tham biện Bà
Rịa. Từ ngày 05/01/1876 gọi là làng Núi Nứa. Ngày 14/01/1899 đổi làng Núi Nứa
thuộc tổng Vũng Tàu, cùng hạt. Ngày 11/11/1899 trả làng Núi Nứa trở lại tổng An
Phú Hạ. Từ ngày 01/01/1900 thuộc tỉnh Bà Rịa.
Theo sách Monographie de la province de Bà Rịa et de la villes du Cap Saint
Jacques (Société des Études Indochinoises, Saigon, 1902), tỉnh Bà Rịa năm 1900
gồm 7 tổng (4 tổng người Việt và 3 tổng người dân tộc/ “tổng Mọi”) với 62 làng.
Trong danh sách này có làng Núi Nứa (tức Long Sơn) thuộc tổng An Phú Hạ.
Ngày 02/9/1905 làng Núi Nứa đổi thuộc tổng An Phú Tân, cùng tỉnh. Ngày
22/01/1934 thuộc quận Long Điền, cùng tỉnh. Ngày 10/8/1939 đổi tên thành làng
Sơn Long. Ngày 14/11/1946, làng Sơn Long thuộc quận Bến Đá, cùng tỉnh. Đến
năm 1956 gọi là xã, thuộc quận Vũng Tàu, tỉnh Phước Tuy. Đến ngày 01/02/1960
đổi lại là xã Long Sơn.(4) Đến năm 1969, xã Long Sơn thuộc quận Long Lễ, tỉnh
Phước Tuy và sau 30/4/1975 thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo rồi từ 1991 thuộc
thành phố Vũng Tàu và tồn tại đến ngày nay.
59Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
60 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
Theo Monographie de la province de Bà Rịa et de la villes du Cap Saint
Jacques (1902), làng Núi Nứa có dân số 1.107 người, ở mức trung bình so với các
làng khác trong tỉnh Bà Rịa đương thời. Đồng thời sách này cũng ghi nhận: “Núi
Nứa nằm trên một hòn đảo thuộc vùng bồi lấp của nhiều nhánh sông. Ở giữa nổi
lên một hòn núi cao 180m. Nơi đó người ta khai thác đá. Dân ở đây sinh sống bằng
nghề củi đước để làm than và cây đước thích hợp trên vùng đất đầm lầy lội đó.
Ngoài ra họ còn làm nghề đánh bắt cá và làm muối. Ruộng muối chiếm tới 27ha”.(5)
Sách này không có số liệu thống kê sản lượng than được sản xuất ra và lượng
cá đánh bắt được của từng làng, nên không thể đánh giá được chính xác mức sống
của người dân làng Núi Nứa. Tuy nhiên, căn cứ vào diện tích ruộng muối 27ha của
làng này so với 600ha ruộng muối của cả tỉnh thì cũng có thể thấy được rằng đây
không phải là thế mạnh kinh tế của làng Núi Nứa.
Mặc dù vậy, ở một đoạn khác, sách Monographie de la province de Bà Rịa et
de la villes du Cap Saint Jacques (1902) cũng có giới thiệu chung về tổng An Phú
Hạ (trong đó có làng Núi Nứa) như sau: “Tổng này bao gồm 11 làng, có tầm quan
trọng khác nhau. Vài làng khá giàu có như Phước Lễ, Long Kiên, Long Xuyên;
các làng khác gồm các thôn nghèo nàn nằm rải rác ở rừng hay trong đầm lầy”.(6)
Các làng nằm trong đầm lầy ở đây đương nhiên gồm có làng Núi Nứa. Do đó, có
thể nói mãi cho đến đầu thế kỷ XX, tức là trước khi ông Trần đến đây khai phá lập
thêm ấp mới thì làng Núi Nứa/ Long Sơn vẫn là một làng nghèo và lạc hậu so với
các làng cùng địa bàn.
Có thể giải thích nguyên nhân vì sao làng Núi Nứa/ Long Sơn vẫn phát triển
ì ạch cho đến cuối thế kỷ XIX như sau:
Mặc dù làng này nằm ở giao điểm của nhiều cửa sông lớn như Sông Dinh,
Cửa Lấp, sông Cái Mép - Thị Vãi và tiếp giáp với vịnh Gành Rái, vịnh Đồng
Tranh - nơi hệ thống sông Đồng Nai đổ ra biển, nhưng do thuộc khu vực bãi bồi
nên tàu thuyền khó cập bến, do đó làng này không thể là trạm trung chuyển hàng
hóa như mong muốn. Hơn nữa, mặc dù có đất bãi bồi màu mỡ nhưng nước nhiễm
mặn nặng, trên núi thiếu nước ngọt nên trồng trọt chăn nuôi gặp khó khăn. Ngoài
ra, khác với tính chất của bán đảo Vũng Tàu, trước đây địa bàn Long Sơn nằm
hoàn toàn biệt lập với đất liền nên không thể phát triển giao thông đường bộ và sự
kết hợp vận tải thủy bộ.(7) Mãi đến đầu thế kỷ XX, khi ông Trần đến đây khai phá
lập ấp thì những trở ngại nói trên mới được khắc phục một phần và làng Núi Nứa/
Long Sơn mới bắt đầu chuyển mình phát triển.
Vậy ông Trần là ai và quá trình khai phá lập ấp của ông tại làng Núi Nứa/
Long Sơn diễn ra như thế nào?
2. Ông Trần và bước chuyển mình của làng Núi Nứa/ Long Sơn
Tại làng Núi Nứa ở đảo Long Sơn (nay là xã Long Sơn thuộc thành phố Vũng
Tàu), vào đầu thế kỷ XX đã xuất hiện đạo “Ông Trần” do ông Lê Văn Mưu, quê ở
Hà Tiên đến đây lập nghiệp và khởi xướng. Nguyên là một cao đồ của đạo Tứ Ân
Hiếu Nghĩa ở vùng Thất Sơn (An Giang), ông Lê Văn Mưu đã truyền bá giáo lý
của đạo này, vừa kết hợp với nghề làm muối và chở muối đi bán ở nhiều nơi, vừa
tập hợp những nông dân lao động yêu nước, tập dượt võ nghệ chờ thời cơ đứng lên
đánh đuổi thực dân Pháp. Thực chất đây cũng là một dạng “hội kín” với cái vỏ bọc
tín ngưỡng dân gian “Tứ đại trọng ân”. Vì ông chuyên môn cởi trần khi lao động,
cũng như lúc nghỉ ngơi nên bà con nơi này gọi là “Ông Trần” và đạo do ông truyền
bá cũng được đặt tên đạo “Ông Trần”.(8)
Ông Trần tức Lê Văn Mưu, sinh năm Bính Thìn (1856) ở làng Thiên Khánh,
quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên, mất năm 1935. Theo Phan Tất Đại, năm 1891,
ông Trần cùng thân quyến di cư đến khu vực bờ biển Vũng Vằng (nay thuộc huyện
Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), làm nghề sản xuất và buôn bán muối. Đến
năm 1898, thực dân Pháp bắt đầu đánh thuế muối nên ông và thân quyến di cư đến
khu vực Thắng Nhứt, thành phố Vũng Tàu tiếp tục buôn muối. Tại đây, ông tiếp
tục bị chính quyền thực dân theo dõi, nên năm sau (1899), ông và thân quyến quyết
định di cư sang đảo Long Sơn (Núi Nứa) để tránh bị dòm ngó.(9)
Dần dần, dưới chân Núi Nứa, những thửa ruộng bậc thang, vườn cây ăn trái,
đập ngăn mặn, ruộng muối, nhà cửa mọc lên bằng sức lao động cần cù của con
người. Cũng cần nói thêm rằng, ông Lê Văn Mưu không phải là người đầu tiên đến
đây khai phá, lập làng như một số tài liệu đã miêu tả. Dưới thời Minh Mạng (1820-
1840) đã có những toán lính thú được phái đến đây đóng giữ, canh phòng cửa ngõ đi
vào miền Đông Nam Bộ và họ đã vỡ đất, trồng trọt trên một số diện tích nhất định.
Tương truyền, người được coi như Tiền hiền khai khẩn vùng đất này là một
người phụ nữ mà dân gian gọi là Bà Trao (không rõ quê quán, họ tên). Tương
truyền Bà Trao đã đến đây khai hoang lập nghiệp vào khoảng giữa thế kỷ XIX và
lập ra ấp Bà Trao. Khi bà qua đời, để tưởng nhớ công lao bà, người dân ở đây đã lập
miếu thờ bà, coi bà như vị Tiền hiền khai khẩn vùng đất trên đảo này. Đỉnh núi cao
nhất ở đảo Long Sơn (183m) cũng được nhân dân ở đây đặt tên là đỉnh Bà Trao.
Đến cuối thế kỷ XIX, khu vực phía bắc đảo đã hình thành đơn vị hành chính với
tên gọi là làng Núi Nứa, một trong 15 làng thuộc tổng An Phú Hạ. Khi ông Trần
đến định cư ở đây, thì dân làng Núi Nứa đã lên đến 1.017 người.(10)
Thực ra, Bà Trao chính là tên gọi Việt hóa của nữ thần Néang Khmau (tức Bà
Đen) của người Khmer,(11) lớp cư dân tiên khởi khai phá hai hòn đảo này. Như vậy,
lực lượng ông Trần có thể coi như là lớp cư dân thứ hai tiếp bước người Khmer để
khai hoang mở rộng thêm làng Núi Nứa/ Long Sơn.
61Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
62 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
Vốn là một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, do Đức Bổn sư Ngô Lợi (1831-
1890) sáng lập ở vùng Thất Sơn (An Giang), ông Trần đã đem truyền bá giáo lý
của đạo này, đến vùng đảo Long Sơn, khuyên mọi người tu thân theo “Tứ đại trọng
ân” (bốn ân trọng đại: ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ; ân đất nước; ân Tam bảo; ân đồng
bào) và chăm chỉ, cần cù lao động. Bản thân ông vừa kết hợp nghề làm muối và
chở muối đi bán ở nhiều nơi. Chiếc ghe mà ông sử dụng để buôn bán, sau khi ông
qua đời được trưng bày trong một ngôi nhà gần chợ với cái tên gọi là “Ghe sấm”.
Ông còn chữa bệnh cho dân trong vùng bằng cây lá thuốc Nam sẵn có hái từ trong
vườn, trên núi. Đặc biệt cái “đạo ở đời” mà ông trao truyền ở đây mang tính dân
tộc, đơn giản mà thiết thực, không có sự hỗ trợ của tiếng chuông, tiếng mõ, không
kinh kệ, không ăn chay, kiêng kỵ, do đó được những người dân chất phác làm nghề
nông, nghề muối, nghề rừng ở đây hưởng ứng. Và những người đàn ông lớn tuổi
cũng bắt chước ông để râu, tóc dài búi tó ở sau gáy, mặc bộ bà ba đen và đi chân
đất. Riêng ông Mưu hằng ngày thường ở trần nên người dân gọi ông bằng cái tên
dân dã là “Ông Trần”, và tên gọi “Đạo Ông Trần” cũng xuất phát từ đó.
Thực ra cái đạo mà ông truyền bá là một kiểu kết hợp đạo thờ cúng ông bà,
tổ tiên, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và một số tín điều của Nho giáo (vào năm 1928,
ông Trần đã xin phép chính quyền thực dân cho dựng nhà thờ Đức Khổng Tử, để
dạy dân về “dân luận và ái quốc”). Lần lượt sau đó, ông cho xây dựng lầu Trời, lầu
Phật, lầu Tiên, lầu Cấm, lầu Dài. Nói một cách khác, đây là một loại tín ngưỡng
dân gian pha tạp, trộn lẫn nhiều đạo giáo, tín ngưỡng khác nhau: đạo Nho, đạo Lão,
đạo Phật, và một số tập tục cổ truyền của dân tộc. Tính chất pha tạp, hỗn dung này
cũng được thể hiện đậm nét qua những công trình kiến trúc có quy mô khá đồ sộ
trên một diện tích rộng gần 1ha. Cùng với những đồ vật trang trí nhiều kiểu, nhiều
vẻ ở nội thất, từ hoành phi, câu đối, chân đèn, đỉnh trầm, độc bình, khánh thờ, tủ
thờ, chén dĩa, bàn ghế, giường nằm, võng v.v
Hàng năm, ngày lễ vía, cũng là ngày giỗ Ông Trần, diễn ra vào ngày 20 tháng
Hai âm lịch. Ngày mồng 9 tháng Chín âm lịch hàng năm (Tết Trùng Cửu) ở xã
Long Sơn cũng được tổ chức khá linh đình. Ngôi “Nhà Lớn Long Sơn” (dân gian
gọi là Đền Ông Trần) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận là
Di tích lịch sử - văn hóa năm 1991.(12)
Như vậy, Bà Trao và Ông Trần có thể xem như là hai vị Tiền hiền và Hậu hiền
của ấp Bà Trao và cả làng Núi Nứa/ Long Sơn.
Cho đến nay chưa tìm thấy nguồn thư tịch nào ghi chép rõ ràng về công cuộc
khẩn hoang lập ấp tại hòn đảo này. Tuy nhiên, căn cứ vào tên gọi của hai vị Tiền
hiền và Hậu hiền này (Bà Trao, Ông Trần) cũng có thể thấy được tính chất dân
dã, tự phát của cuộc khai khẩn này. Họ hầu như vô danh, không xưng rõ họ tên và
người dân cũng chỉ biết họ qua những cái tên nôm na bình dị (như cách gọi “ông
Trần” vì ông luôn luôn cởi trần, không mặc áo). Đặc biệt, phong cách sinh hoạt và
lãnh đạo dân ấp, lãnh đạo tín đồ của ông Trần cho thấy rõ bản chất dân dã hồn hậu,
chất phác của ông: luôn cởi trần, mặc quần vắn, đầu búi tóc, đội nón lá, đi chân đất,
tự xưng là “người này”, gọi tín đồ là “người lớn” hay “người nhỏ” tùy theo tuổi tác,
sẵn sàng cưu mang người mới đến tạm cư lập nghiệp, hào phóng cứu trợ đồng bào
bị thiên tai, tổ chức chở muối đi bán khắp gần xa, kể cả sang Nam Vang cũng đã
góp phần giúp người hôm nay có thể mường tượng nên cái khung cảnh ban sơ khai
sơn phá thạch, đào kênh dẫn nước tạo tác lập làng ở Núi Nứa.
Theo cuốn Nhà Lớn Long Sơn, tại khu vực Núi Nứa, ông Trần đã tổ chức đào
kênh Bến Kinh, nạo vét mở rộng rạch Cá Đối và đắp đê ngăn mặn tại khu vực đồng
Bà Cúc, mở thêm ruộng muối, sắm ghe thuyền đánh bắt hải sản và buôn bán muối.
Cư dân theo ông Trần cư trú quần tụ ở khu vực phía đông Núi Nứa. Họ xây dựng
nhà cửa theo những lớp vành khăn ôm lấy chân núi và có quan hệ thân thuộc với
nhau.(13) Theo Phan Tất Đại trong tiểu luận cao học chuyên ngành Nhân văn mang
tên Việc tôn thờ ông Trần tại xã Long Sơn tỉnh Phước Tuy (Đại học Văn khoa, Sài
Gòn, 1975) thì tổng số đất mà ông Trần khai phá được tại đây là 50 mẫu. Những
người được cấp đất chia đôi lợi tức với ông Trần, ông lãnh phần đóng thuế thay cho
dân trong ấp với tư cách là chủ ấp/ lân Bà Trao.
Điều đáng quan tâm là cách thức hành đạo của ông Trần rất giống với các vị
tiền bối của chi phái Bửu Sơn Kỳ Hương (Phật Thầy Tây An) và Tứ Ân Hiếu Nghĩa
(Đức Bổn sư Ngô Lợi): trị bệnh cứu người, lập các “trại ruộng” theo mô hình dinh
điền để khai hoang lập làng, làm thủy lợi, mở rộng sản xuất và học Phật tu nhân.
Hình 2: Sơ đồ Nhà Lớn Long Sơn.
Nguồn: Phan Tất Đại (1975), tr.88.
Hình 3: Mặt tiền Nhà Lớn Long Sơn. Nguồn: internet.
63Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
64 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
3. Thay lời kết
Mô hình dân cư ở ấp Bà Trao, xã Long Sơn mà trung tâm là Nhà Lớn do ông
Trần quy tụ và xây dựng thực chất đã hình thành một công xã nông thôn dựa trên
cơ sở tín ngưỡng dân gian theo đường hướng Phật giáo và mang đậm tinh thần cải
cách, cởi mở của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa mà nguồn gốc là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
do Đức Phật Thầy Tây An sáng lập ở An Giang vào giữa thế kỷ XIX. Nói cách
khác, xét về mặt tôn giáo, có thể coi đạo Ông Trần ở Núi Nứa/ Long Sơn chính là
cái nôi truyền bá đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở miền Đông Nam Bộ; còn về mặt xã hội,
có thể coi đây tiêu biểu cho khuynh hướng di dân ngược với đà Nam tiến.
Thật vậy, xét trong bối cảnh xã hội Việt Nam mà đặc biệt là ở Nam Kỳ đầu
thế kỷ XX, khi mà thực dân Pháp đang ráo riết xúc tiến khai thác thuộc địa lần thứ
nhất, đất hoang ở miền Tây đã được thực dân khai hoang đại quy mô bằng kỹ nghệ
hiện đại và bao chiếm hầu hết,(14) công cuộc Nam tiến của người dân Việt Nam coi
như đã bị chựng lại, thì khuynh hướng thoái lui trở về miền Đông Nam Bộ như ông
Trần cũng chính là một cách phản kháng với thực dân. Điều đáng nói là, địa điểm
mà ông “trở lại” chính lại là nơi mà trước đó hai thế kỷ rưỡi (năm 1674) người Việt
đã chính thức đặt bước chân đầu tiên lên đất Nam Kỳ.
Chọn một hòn đảo heo hút khô cằn mà nhiều lớp lưu dân đã đến rồi đi, chấp
nhận làm lại cuộc khai hoang muộn, sống theo giáo lý Tứ Ân bắt nguồn từ Đức
Phật Thầy Tây An, gìn giữ cổ tục của ông bà, sống hòa thuận, dung dị giữa trời và
biển..., có thể nói ông Trần và những tín đồ của ông tại làng Núi Nứa/ Long Sơn
chính là những người tỵ nạn chính trị từ miền Tây Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. Tinh
thần “Tháng ngày bao quản thân sành sỏi/ Mưa nắng chi sờn dạ sắt son” (Phan
Châu Trinh) đó đã hun đúc một mạch ngầm kháng Pháp để khi có cơ hội sẽ bùng
dậy sau đó.
L C L
CHÚ THÍCH
(1) Thạch Phương - Nguyễn Trọng Minh chủ biên (2005), Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu, Nxb Khoa
học Xã hội, Hà Nội, tr.205.
(2) Quân đội chúa Nguyễn được biên chế gồm có bộ binh, thủy binh và tượng binh. Theo thứ
tự từ nhỏ đến lớn có các cấp sau: thuyền, đội, cơ, dinh.
(3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1865-1882, tái bản 1959), Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh
Nam Việt, Nha Văn hóa - Bộ Quốc gia Giáo dục xb, Sài Gòn, tr.13.
(4) Nguyễn Đình Tư (2008), Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, tr.757, 935.
(5) Monographie de la province de Bà Rịa et de la villes du Cap Saint Jacques (1902). Bản dịch
tiếng Việt năm 1990 lưu trữ tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tr.6,10.
65Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
(6) Sđd, tr. 10.
(7) Theo Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu: Xã đảo Long Sơn được nối với đất liền (quốc lộ 51) bằng
con đường Láng Cát - Long Sơn, trên đó có cây cầu Long Sơn bằng bê-tông cốt thép vĩnh
cửu dài 353,5m, rộng 22m được đưa vào sử dụng năm 1999. Một tuyến đường trục chính
của xã cấp 4 đồng bằng, láng nhựa cũng được đưa vào sử dụng năm 2001.
(8) Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu, Sđd, tr. 247.
(9) Phan Tất Đại (1975), Việc tôn thờ ông Trần tại xã Long Sơn tỉnh Phước Tuy, Tiểu luận cao
học chuyên ngành Nhân văn, Đại học Văn khoa, Sài Gòn, tr. 33 - 34.
(10) Monographie de la province de Bà Rịa, Sđd, tr. 14.
(11) Xem Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, tác giả xuất bản, tr. 36.
(12) Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu, Sđd, tr. 622 - 624.
(13) Đinh Văn Hạnh - Phạm Quang Minh - Thái Quốc Việt (1994), Nhà Lớn Long Sơn, Sở Khoa
học, Công nghệ và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu xuất bản, tr. 12.
(14) Vụ án Đồng Nọc Nạn ở Giá Rai (Bạc Liêu) chính là tiêu biểu cho thực trạng bao chiếm, tước
đoạt đất đai này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Văn Hạnh - Phạm Quang Minh - Thái Quốc Việt (1994), Nhà Lớn Long Sơn, Sở Khoa
học, Công nghệ và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu xuất bản.
2. Đinh Văn Hạnh (1999), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt Nam Bộ, 1867-1975, Nxb Trẻ,
TP HCM.
3. Huỳnh Minh (1970, tái bản 2001), Vũng Tàu xưa, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
4. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, tác giả xuất bản, Sài Gòn.
5. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Biên Hòa, Nxb TP HCM.
6. Nguyễn Đình Tư (2008), Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
7. Phan Tất Đại (1975), Việc tôn thờ ông Trần tại xã Long Sơn tỉnh Phước Tuy, Tiểu luận cao
học chuyên ngành Nhân văn, Đại học Văn khoa, Sài Gòn.
8. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1865-1882, tái bản 1959), Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh
Nam Việt, Nha Văn hóa - Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn.
9. Société des Études Indochinoises (1902), Monographie de la province de Bà Rịa et de la
villes du Cap Saint Jacques, Saigon.
10. Société des Études Indochinoises (1902), Monographie de la province de Bà Rịa et de la
villes du Cap Saint Jacques, Bản dịch tiếng Việt năm 1990 lưu trữ tại Thư viện Tổng hợp
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
11. Thạch Phương - Nguyễn Trọng Minh chủ biên (2005), Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu, Nxb Khoa
học Xã hội, Hà Nội.
12. Tòa Hành chính thị xã Vũng Tàu, Địa phương chí thị xã Vũng Tàu năm 1968.
13. Tòa Hành chính tỉnh Phước Tuy, Địa phương chí tỉnh Phước Tuy năm 1961.
14. Tòa Hành chính tỉnh Phước Tuy, Địa phương chí tỉnh Phước Tuy năm 1965.
15. Tòa Hành chính tỉnh Phước Tuy, Địa phương chí tỉnh Phước Tuy năm 1973.
16. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Bản dịch của Lý Việt Dũng,
Nxb Đồng Nai.
66 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (140) . 2017
TÓM TẮT
Xã đảo Long Sơn/ Núi Nứa (TP Vũng Tàu) chính là mô hình công xã nông thôn thực sự do
ông Trần (tức Lê Văn Mưu) xây dựng vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX dựa trên giáo lý Tứ ân
của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa mà người dân địa phương gọi là đạo “Ông Trần”. Đây đồng thời cũng
là thành quả của quá trình “di cư ngược” từ miền Tây Nam Bộ trở lại miền Đông Nam Bộ trên đà
phản kháng thực dân Pháp đương thời. Do đó, Nhà Lớn Long Sơn còn tồn tại tới ngày nay chính
là một di tích quan trọng vừa gắn với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vừa gắn với phong trào tỵ địa phản
kháng thực dân Pháp ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX.
ABSTRACT
“MR. TRẦN BELIEF” AND THE DEVELOPMENT PROCESS OF
LONG SƠN ISLAND / NỨA MOUNTAIN IN VŨNG TÀU
Long Sơn Islandic Commune / Nứa Mountain (Vũng Tàu City) was a real rural commune
model founded by Mr.Trần (Lê Văn Mưu) in the late 19th century - early 20th century based on the
tenets of Tứ ân (Merits of Ancestors, Country, Triple Gem of Buddhism, and fellow being-citizen)
of the Tứ Ân Hiếu Nghĩa belief (religious tradition) which the local people calls the “Mr. Trần
belief”. It was also the result of the “reverse migration” process from the South-western Region
to the South-eastern Region in the South during the resistance against the French. Therefore,
the Big House of Long Sơn existing till now is a historical monument associated with the Tứ Ân
Hiếu Nghĩa belief and the “tỵ địa” movement (fleeing to another land) in order to resist against the
French in the South in the late 19th century.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 32663_111302_2_pb_0414_2157899.pdf