Tài liệu Đam mĩ trong chân dung nàng Shunkin của Tanizaki Junichiro - Đào Thị Thu Hằn: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0082
Social Science, 2017, Vol. 62, Iss. 11, pp. 3-10
This paper is available online at
ĐAMMĨ TRONG CHÂN DUNG NÀNG SHUNKIN
CỦA TANIZAKI JUNICHIRO
Đào Thị Thu Hằng
Phòng Tạp chí & TTKHCN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Qua tiểu thuyết Chân dung nàng Shunkin, Tanizaki đã thể hiện niềm đam mê bất
tận của mình với cái đẹp, đam mĩ trở thành một phần không thể thiếu trong phong cách
sáng tác của ông. Mang tâm thức con người Nhật Bản, với những hà khắc của thiên nhiên,
với niềm rung cảm trước cái đẹp sớm phai tàn như một quy luật tất yếu, cái đẹp trong tác
phẩm của Tanizaki thường gắn liền với nỗi buồn và cô đơn. Vẻ đẹp của người nữ trong
văn chương Tanizaki thường lộng lẫy, quý phái, dù chưa hoàn hảo, thậm chí đôi khi còn đi
ngược với quy chuẩn thẩm mĩ và đạo đức thông thường, nhưng luôn xứng đáng được tôn
thờ. Từ đam mĩ đến đam mĩ trong tiểu thuyết Tanizaki, ta thấy hiển hiện một phần chân
dung không thể thiếu c...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 627 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đam mĩ trong chân dung nàng Shunkin của Tanizaki Junichiro - Đào Thị Thu Hằn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0082
Social Science, 2017, Vol. 62, Iss. 11, pp. 3-10
This paper is available online at
ĐAMMĨ TRONG CHÂN DUNG NÀNG SHUNKIN
CỦA TANIZAKI JUNICHIRO
Đào Thị Thu Hằng
Phòng Tạp chí & TTKHCN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Qua tiểu thuyết Chân dung nàng Shunkin, Tanizaki đã thể hiện niềm đam mê bất
tận của mình với cái đẹp, đam mĩ trở thành một phần không thể thiếu trong phong cách
sáng tác của ông. Mang tâm thức con người Nhật Bản, với những hà khắc của thiên nhiên,
với niềm rung cảm trước cái đẹp sớm phai tàn như một quy luật tất yếu, cái đẹp trong tác
phẩm của Tanizaki thường gắn liền với nỗi buồn và cô đơn. Vẻ đẹp của người nữ trong
văn chương Tanizaki thường lộng lẫy, quý phái, dù chưa hoàn hảo, thậm chí đôi khi còn đi
ngược với quy chuẩn thẩm mĩ và đạo đức thông thường, nhưng luôn xứng đáng được tôn
thờ. Từ đam mĩ đến đam mĩ trong tiểu thuyết Tanizaki, ta thấy hiển hiện một phần chân
dung không thể thiếu của văn chương xứ Phù Tang.
Từ khóa: Chân dung nàng Shunkin, Tanizaki, đam mĩ.
1. Mở đầu
Tanizaki Junichiro (1886-1965) là nhà văn Nhật Bản tôn thờ cái đẹp và tình yêu theo cách
riêng của mình. Không quá màu mè, buông thả theo kiểu phương Tây nhưng cũng không hoài cổ
theo khuynh hướng truyền thống, “sự nhiệt thành” và “đam mê” luôn được coi là hai yếu tố xuyên
suốt các tác phẩm của ông khiến người đọc có cảm giác ông yêu cái đẹp đến điên cuồng! Nhiều
nhà nghiên cứu như Chambers, Anthony.H [1], Donald Keene [2], Dai Yujin [3], Ito, KenK. [7]
đã từng đề cập đến vấn đề này và đều khẳng định Tanizaki tôn thờ cái đẹp như người ta sùng đạo.
Tiếp nối nguồn khơi gợi, trong bài báo này, chúng tôi tập trung tìm hiểu niềm đam mĩ của ông
trong tiểu thuyết Chân dung nàng Shunkin.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Từ chủ nghĩa đam mĩ
Người Nhật Bản – với bản tính hòa hợp, yêu thiên nhiên - ngay từ thời cổ sơ đã có một thái
độ sống rất duy mĩ, duy tình. Nihongi – Nhật Bản thư kỉ, bộ lịch sử huyền thoại về sự hình thành
Nhật Bản có kể lại câu chuyện về Sơn Thần, vị thần có hai cô con gái mà người rất mực yêu quý là
công chúa Hoa (Konohana Sakuya – Hoa Mộc Tiếu) và công chúa Đá (Iwanaga – Nham Trường).
Tuy không nói ra, nhưng trong lòng Sơn Thần vẫn có chút thiên vị với công chúa Đá – bởi nàng là
hiện thân của sức mạnh trường cửu. Trong khi hai công chúa đương tuổi cập kê thì xuất hiện một
Ngày nhận bài: 15/12/2016. Ngày sửa bài: 20/4/2017. Ngày nhận đăng: 20/7/2017
Liên hệ: Đào Thị Thu Hằng, e-mail: daothuhang17@gmail.com
3
Đào Thị Thu Hằng
chàng trai tên là Ninigi (cháu trai của nữ thần Mặt trời) – tài đức vẹn toàn. Sơn Thần ưng lắm, bèn
ướm hỏi chàng xem chàng thích ai trong hai công chúa, Thần sẽ gả con gái cho chàng. Chàng trai
ngay khi nhìn thấy hai công chúa, đã bị vẻ đẹp rực rỡ của công chúa Hoa mê hoặc. Không chút do
dự và toan tính, chàng lựa chọn theo tiếng gọi của trái tim, bước về phía nàng Hoa. Chỉ sau một
đêm gặp gỡ, Konohana Sakuya đã hoài thai; Iwanaga – hổ nhục và tức giận – lớn tiếng: “Hỡi con
người! Ngươi đã quyết định bỏ qua sự trường cửu mà ôm ấp cái đẹp phù du, ta sẽ cho cuộc đời các
ngươi không trường sinh bất lão, như bông hoa kia sớm nở tối tàn mà thôi!” [4]. Nhưng bất chấp,
chàng trai vẫn kiên định với chọn lựa của mình, chàng thà có cuộc đời ngắn ngủi bên cái Đẹp còn
hơn là sự Vĩnh cửu.
Người Nhật cứ sống như vậy, chọn lựa như vậy, hồn nhiên từ thuở hồng hoang, yêu cái đẹp
đã trở thành tình yêu máu thịt. Đến thời Heian (thế kỉ IX đến thế kỉ XII), niềm đam mê cái đẹp đã
trở thành tên gọi: mono aware (vật ai – dịch sát là nỗi buồn sự vật). Cái đẹp gắn với nỗi buồn! Lí
giải điều này, Kawabata Yasunari, nhà văn đoạt giải Nobel năm 1964 của Nhật Bản cho rằng: “. . .
ra đời vào giai đoạn rực rỡ nhất của nền văn hóa vương triều, lúc nền văn hóa đó đã chín muồi và
chuẩn bị đi vào sự lụi tàn. Người ta cảm thấy sự buồn bã của một cái gì sắp mất, giai đoạn cuối
của một thời đại vinh quang, ngọn triều cao của văn hóa vương triều Nhật Bản” [6]. Như vậy cái
đẹp gây hiệu ứng “nỗi buồn sự vật” là cái đẹp đã ở đỉnh cao, gây nên cảm giác tiếc nuối về sự tàn
phai không tránh khỏi. Cảm xúc mono aware sẽ chỉ nảy sinh với người thực sự yêu và trân trọng
cái Đẹp một cách sâu sắc.
Trong rất nhiều cảm thức thẩm mĩ truyền thống của người Nhật như yugen, sabi, wabi,
karumi. . . thì aware luôn là cảm thức đứng đầu, chủ đạo và có sức ảnh hưởng lớn. Suzuki Setsuko
từng cho rằng aware “là một khái niệm văn học và mĩ học phát triển đến đỉnh cao vào thời Heian.
Trung tâm của khái niệm này là một cách lí giải sâu sắc mạnh mẽ đối với cái đẹp mong manh ngắn
ngủi của tự nhiên và mọi dạng thức của cuộc đời này. Bởi vậy, thường thì khái niệm này hàm ẩn
một sắc nét buồn nào đó nhưng tuỳ theo từng trường hợp và thời điểm, nó có thể đi cùng với sự tán
thưởng, sùng kính hay niềm vui” [9].
Không phải vô cớ, Truyện Genji của nữ sĩ Murakami Shikibu, bộ tiểu thuyết vĩ đại thời
Heain, với vô vàn mĩ nữ nghiêng nước nghiêng thành, lại quy y cửa Phật hoặc qua đời vì nhiều lí
do khi tuổi còn rất trẻ. Bản thân tác giả (là phụ nữ) và các người đẹp, hơn ai hết, hiểu được sức tàn
phá của thời gian với cái Đẹp. Họ muốn hình ảnh cuối cùng đọng lại trong trái tim kẻ tình si là
thanh xuân bất diệt, là mãi mãi tuổi đôi mươi.
Và để tình yêu cái đẹp trở thành một khái niệm mang tính lí luận, trào lưu, thì đến thời kì
cận hiện đại, khi các chủ nghĩa văn học thế giới tràn vào Nhật Bản, “Đam mĩ” ra đời với tư cách
là một trào lưu văn học, một phong cách viết văn mới ‘thiên về cái đẹp’ để phản đối lại chủ nghĩa
văn học tự nhiên.
Đam mĩ phiên âm tiếng Nhật là “tanbi” – mang ý nghĩa duy mĩ, lãng mạn, và trong thời
kì đầu mới xuất hiện, đam mĩ đã được Tanizaki Junichiro (1886-1965), nhà văn chuyên viết “về
những xung đột nội tâm giữa Đông và Tây”, người được mệnh danh là “đi tìm cái đẹp chứ không
còn bận tâm đến đạo lí đối với cái đẹp” như trước nữa, cực lực ủng hộ.
Lướt qua tác phẩm của các nhà văn cận hiện đại Nhật Bản từ Akutagawa, Mishima cho đến
Tanizaki, chúng ta càng có thể hiểu đam mĩ như một khái niệm hết sức giản dị - đó là niềm đam
mê đối với cái đẹp thể hiện trên từng đối tượng, dù đó là con người, cảnh sắc hay đồ vật - của các
văn nhân.
4
Đam mĩ trong Chân dung nàng Shunkin của Tanizaki Junichiro
2.2. Đến đam mĩ trong Chân dung nàng Shunkin
Tên tuổi Tanizaki gắn liền với chủ nghĩa duy mĩ Nhật Bản (yuibishugi) thời cận hiện đại,
song hành cùng với các tên tuổi khác cùng chí hướng như Nagai Kafu, Kinoshita Mokutaro,. . . Là
những người thành thạo cả Hán ngữ lẫn Tây học hiện đại, bất mãn với chính sách quân phiệt của
chính phủ đương thời, họ tìm tới cái đẹp, gởi gắm tư tưởng và phong cách cá nhân trong sáng tác.
Các tiểu thuyết đỉnh cao có thể kể đến của Tanizaki là Tình yêu của kẻ khờ (Naomi - Chijin
no ai, 1924), Chữ thập (Quicksand – Manji, 1928-1930), Chân dung nàng Shunkin (Shunkinshô,
1933) và Chiếc chìa khóa (Key - Kagi, 1956) đều được viết vào giai đoạn chín muồi trong sự
nghiệp sáng tác của Tanizaki, khi mà ông đã chính thức thoát ra khỏi sự ngộ nhận, sự tuyệt đối
hóa có phần hơi thái quá về một xã hội phương Tây tuyệt vời, hoàn hảo. Sắc sảo, tinh vi nhưng
lại tràn đầy nhiệt huyết và khao khát, Tanizaki chính là biểu trưng của niềm đam mĩ bất tận. Ông
từng lọt vào danh sách đề cử giải Nobel Văn học năm 1965 cùng với Mishima Yukio và Mikhail
Sholokhov.
Trong nghiên cứu này, ngoài bản tiếng Anh (The portrait of Shunkin do Howard Hibbert
dịch in trong Seven Japanese tales ấn hành bởi Vintage Press, 1963, ISBN 0-679-76107-1) [10]
chúng tôi cũng tham khảo thêm bản tiếng Việt lưu hành nội bộ của dịch giả trẻ Nam Tử.
Shunkin là nhân vật lịch sử, mang nhiều dấu ấn huyền thoại. Shunkin trong Shunkinshô là
người con gái đẹp, con nhà khá giả ở Osaka, giỏi đàn koto, nhưng bất hạnh thay, nàng bị mù khi lên
chín tuổi. Sasuke, người hơn nàng bốn tuổi, là người học việc trong gia đình nàng, đã tình nguyện
hầu hạ nàng. Vì lòng yêu và cũng vì sở thích, anh nhân đó xin nàng làm thầy dạy đàn. Shunkin là
một trang giai nhân tuyệt sắc, từ vóc dáng, khuôn mặt tới làn da trắng sứ của nàng đều đượm vẻ
quý tộc, thanh tao. Dưới con mắt của Sasuke, dù bị mù, nhưng vẻ đẹp của nàng thật hoàn hảo, anh
chưa bao giờ coi đó là một khiếm khuyết, bởi “Chính bọn người trần mắt thịt như ta và các người
mới là kẻ tật nguyền”. Nàng chắc cũng yêu Sasuke, có cả con với anh ta, nhưng vì bản tính kiêu
hãnh, không bao giờ chịu thừa nhận điều này. Thậm chí, còn đối xử với anh tàn ác như nô lệ, có
khi đánh cho chảy máu mà anh vẫn không một lời oán thán. Khi nàng bị kẻ thù ghét tạt nước sôi,
phỏng nặng, khuôn mặt bị tàn phá, người duy nhất nàng không muốn gặp lại là Sasuke – chứng tỏ,
từ trong sâu thẳm, nàng rất coi trọng người đàn ông này. Sasuke, sau đó – đã tự làm mù mắt mình
bằng một cây kim, để giữ trong tâm khảm vẻ đẹp bất diệt của nàng và để từ đây “thế giới chỉ còn
là của hai người” [10].
Câu chuyện hết sức cuốn hút không bởi chỉ đơn thuần là sự ngang trái của tình yêu, sự độc
đoán đến độc ác của cái đẹp được tôn thờ mà là những chân xác trong biến chuyển nội tâm, sự vi
tế khó nắm bắt, gọi tên trong tâm lí nhân vật cùng với lối hành văn độc đáo mang dấu ấn của dòng
nội tâm độc thoại,. . . Tanizaki đã khiến cho độc giả có thể “cảm” được nhan sắc thần thánh – đẹp
và độc của một phụ nữ mù.
2.2.1. Cái đẹp gắn với nỗi buồn và niềm cô đơn
Như trên đã nói, mono aware là niềm bi cảm, là cảm xúc trào dâng trước cái đẹp đã đạt đến
đỉnh cao, nhưng cái đẹp ấy thường gắn với nỗi buồn.
Người phương Tây khi tìm hiểu về aware sẽ đặt ra câu hỏi: tại sao lại là niềm bi cảm trước
cái đẹp mà không phải là hoan cảm? Phải chăng thiên hướng thẩm mĩ của người Nhật có phần bi
quan và lệch lạc? Đứng trước cái đẹp phải là niềm vui chứ tại sao lại là nỗi buồn? Tuy nhiên điều
này không khó để lí giải khi mà cuộc sống của người Nhật quá đỗi mong manh trước thiên nhiên
hà khắc. Một tòa kiến trúc đẹp có thể trong giây lát chỉ còn là đống tro tàn sau cơn động đất. Fuji
hùng vĩ tuyết phủ nhưng cũng có thể phun trào nham thạch bất cứ lúc nào. Và nhất là quy luật
5
Đào Thị Thu Hằng
“xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua” của cái đẹp,... Tất cả đã hình thành nên một tính cách,
một tâm hồn Nhật Bản nhạy cảm vô cùng trước cái đẹp. Đẹp đến độ căng trào, mĩ mãn có nghĩa là
sắp tàn phai, vì thế, cảm thức aware nảy sinh không phải là điều khó hiểu.
Lịch sử văn học Nhật Bản từ Heian cho đến ngày nay, ngoài Chuyện Genji, không ít tác
phẩm viết về cái đẹp gắn với nỗi buồn, từ Đẹp và Buồn, Người đẹp say ngủ của Kawabata, cho đến
Kim các tự của Mishima,. . . Và đến các tác phẩm của Tanizaki, thì cái đẹp không chỉ gắn với nỗi
buồn mà còn là cả niềm bất hạnh.
Trong bài báo Ý thức thẩm mĩ của Tanizaki Junichiro, nghiên cứu trường hợp Chân dung
nàng Shunkin (Tanizaki Junichiro’s Aesthetic Consciousness: A Case Study of Shunkinsho), các
tác giả Dai Yujin và Wu Guanghui cho rằng tác phẩm là “một sự trở lại với ý thức thẩm mĩ truyền
thống của Nhật Bản” và “sử dụng tính thẩm mĩ và nữ lưu thuần túy vĩnh cửu trong chủ đề như
là một tiêu chuẩn cơ bản cốt yếu, tác phẩm này cho thấy sự quyến rũ độc đáo của văn chương
Tanizaki và ý nghĩa văn hóa của sự trở lại ấy” [3].
Đây có thể coi là những nhận xét khá thấu đáo, tinh tế về Shunkinsho, nơi mà cái đẹp, thấm
đẫm tinh thần truyền thống thời Heian, gắn liền với nỗi buồn và niềm cô đơn tuyệt thế.
Shunkin đẹp, con nhà gia thế, nhưng hồng nhan rồi bạc mệnh, nàng bất ngờ bị mù từ khi
lên chín. Thử hỏi có nỗi đau nào khủng khiếp hơn là bị tước đi vĩnh viễn ánh sáng để cảm nhận
cuộc sống này trong sự chân xác bằng sắc màu của chính nó? Người khác có thể là tai, là mắt cho
nàng, nhưng chỉ chính nàng, không ai khác, mới là người thụ hưởng cuộc sống này.
Shunkin đẹp, có tài, và nàng bị mù, nội chỉ một trong ba yếu tố trên đã có thể đẩy nàng đến
gần với niềm cô đơn, trong khi nàng sở hữu cả ba yếu tố ấy, thì chẳng phải niềm cô đơn của nàng
trở nên tuyệt thế hay sao?
Cái đẹp thường hay bị đố kị, “hồng nhan bạc mệnh”.
Tài năng cũng thường bị đố kị, “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”!
Còn mù lòa, đương nhiên là bất hạnh!
Bởi vậy, ngay từ nhỏ, cuộc sống của Shunkin đã gắn liền với nỗi buồn và niềm cô đơn.
Ai cũng cho rằng vì mù lòa mà Shunkin ngang ngược, nên cố chịu đựng và xoa xuê nàng,
như một sự đền bù bất hạnh mà ông trời giáng xuống. Nhưng mấy ai thấu được lòng nàng, vì quá
đau đớn, nên nàng sinh ra hống hách như một biểu hiện của bản năng tự vệ và tự khẳng định mình.
Nỗi buồn đã tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc xù xì, gai góc, nên sự cô đơn càng nhân lên gấp bội.
Trừ song thân, vì niềm thương yêu vô bờ bến, chứ còn lại, anh em, người ăn kẻ ở trong nhà,. . . ít
ai muốn gần nàng – một khối phiền phức và mệt mỏi.
Sự bất hạnh khiến Shunkin tự thu mình vào vỏ ốc và hờn giận với cả cuộc sống này. Nàng
biết mình đẹp, nhưng sự tự ý thức này càng đau đớn gấp bội với một kẻ mù lòa, nếu cha mẹ không
cho nàng nhan sắc, hẳn nhiên nàng sẽ chấp nhận nỗi đau trời giáng một cách dễ dàng hơn. Chính
bởi không cam tâm, nên niềm đau của nàng càng nhân lên gấp bội. Hàng ngày, nàng vẫn chải tóc,
điểm phấn, thoa son, vẫn biết thiên hạ trầm trồ về vẻ đẹp vô song, tài năng trác tuyệt cũng như sự
ngang ngược hống hách của mình, như một niềm đau, chỉ mình nàng hiểu được! Tự ý thức về cái
đẹp cũng chính là tự ý thức về nỗi đau và niềm cô đơn bất hạnh mà nàng đang phải chịu đựng.
Cái đẹp thường gắn với nỗi buồn, sự cô đơn và bất hạnh. Điều này đã không ít lần được thể
hiện trong văn chương Nhật Bản. Hẳn người đọc không thể quên Kim các tự, một ngôi chùa đẹp
tuyệt mĩ, vô song của Mishima, mang vẻ đẹp ám ảnh hơn cả con người. Ngôi chùa, một kiến trúc
“đẹp tuyệt vời soi bóng xuống mặt ao”, đã chi phối đời sống tinh thần của Mizoguchi, một tiểu
tăng trong chùa, tới mức làm cậu lệch lạc trong cả suy nghĩ và tiêu chí thẩm mĩ. Quá ám ảnh, cậu
quyết định đốt cháy ngôi chùa, không để nó rơi vào tay bom đạn khi chiến tranh đang leo thang,
6
Đam mĩ trong Chân dung nàng Shunkin của Tanizaki Junichiro
và hơn cả, là mãi mãi lưu giữ vẻ đẹp ấy, thật hoàn mĩ, trong kí ức!
Nếu Kim các tự của Mishima cho thấy cái đẹp luôn bị đe dọa bởi mối hiểm nguy mang tính
hủy diệt ẩn hiện quanh mình, thì kết thúc, Chân dung nàng Shunkin cho thấy đó là một dự báo đau
buồn mang tính tất yếu! Nỗi đau chồng lên nỗi đau, còn bé đã mù lòa, lớn lên, nàng lại bị hủy hoại
cả nhan sắc, thứ mà nàng rất hãnh diện, chỉ sau tài năng âm nhạc!
Shunkin, như đã nói, đẹp, và tài năng, nhưng do từ nhỏ, mất dần thị lực và trở thành mù
lòa, nàng cũng dần trở nên ngang ngạnh khó ưa, với cả người thân, người yêu của mình. Với cách
dạy học đầy bạo lực (cả thể chất và tinh thần), lối hành xử nói năng cao ngạo và cay nghiệt, nàng
chuốc vào thân không ít thù oán. Sống trong bóng tối, cô đơn thầm lặng, dù có người yêu thương
hết mực, hẳn nàng vẫn luôn khổ đau, dằn vặt nên mỗi hành động, lời nói thốt ra như chất chứa cả
dòng dung nham hung tàn của uẩn ức. Người yêu thì ít, kẻ ghét lại nhiều, vào một đêm tối trời,
nàng bị kẻ xấu hắt cả bình nước nóng vào mặt khiến nàng bị bỏng và mất đi nhan sắc nàng vẫn
luôn chăm chút.
Quả là bất hạnh nối tiếp, khổ đau chất chồng, kết cục của cái đẹp quá ư bi đát! Shunkin đau
khổ tột cùng, sau tai nạn, nàng không còn gặp gỡ bất kì ai, ngoài Sasuke, vì khi ấy, ông cũng quyết
định mù theo nàng để “giữ trọn vẹn vẻ đẹp thanh xuân của nàng trong tim”!
Có thể thấy, cái đẹp là thứ quá mong manh và dễ bị thương tổn. Giống như ngôi đền vàng
Mishima - kiến trúc trác tuyệt sau một đêm trở thành tro bụi, nàng Shunkin của Tanizaki, trở thành
phế nhân đến hai lần chỉ vì lòng ghen ghét của người đời. Bởi sau tai nạn này, mặc cảm về nhan
sắc đã biến nàng thành phế nhân trong tâm hồn. Từ đó đến cuối đời, nàng hầu như không ra ngoài
và tiếp xúc với bất kì ai.
Đẹp và buồn, trong văn học Nhật Bản, dường như đã trở thành một mệnh đề không thể tách
rời. Kawabata có hẳn một tác phẩm có nhan đề Đẹp và Buồn cho thấy, từ trong bản thể, chúng đã
là một thể thống nhất. Và nếu đọc Người đẹp say ngủ của ông, chúng ta càng ám ảnh với sự cô đơn
của cái đẹp hiện hữu đêm đêm bị đánh thuốc mê để các ông già chiêm ngắm nơi lữ quán.
2.2.2. Cái đẹp xứng đáng được tôn thờ, thậm chí là sùng bái
Donald Keen từng cho rằng “Chủ nghĩa sùng bái ma quỷ” (Akuma shugi), “Chủ nghĩa phi
đạo đức” (Fudotoku shugi) và “Chủ nghĩa bái vật giáo” (Busshin suhai) có ảnh hưởng rất lớn trong
các sáng tác của Tanizaki [2; tr.722-780]. Vậy nên, cái đẹp, hay những “chi tiết” mang vẻ đẹp
người phụ nữ luôn được sung bái, tôn thờ.
Khuynh hướng bái vật (fetischism) đặc biệt đối với bàn chân đàn bà (foot-fetischism) đã
được tác giả nhắc đến trong Xăm mình (Shisei, 1910), để rồi gây ấn tượng mạnh mẽ với Bàn chân
Fumiko (Fumiko no ashi, 1919), một truyện ngắn kể về ông già có khuynh hướng bái vật giáo say
mê đôi chân cô gái trẻ.
Theo quy chuẩn đương thời, Shunkin đẹp mảnh mai, nhỏ nhắn. Shunkin và Sasuke gặp nhau
khi Sasuke 12 tuổi, và nàng 9 tuổi, thời điểm bắt đầu bị mù, và khi ấy, cậu đã thấy nàng có một vẻ
đẹp thật hoàn mĩ, cho rằng mình may mắn không nhìn thấy nàng khi mắt sáng. “Cậu hạnh phúc vì
chưa bao giờ phải nhìn ra một khiếm khuyết nào trên dung mạo Shunkin. Ngay từ đầu, gương mặt
cô bé đã hoàn mĩ rồi” [10]. Như vậy, với Sasuke, Shunkin mù lòa mới là chuẩn mực của vẻ đẹp!
Thế mới hiểu hết được câu nói của thánh nhân: vẻ đẹp không nằm ở má hồng người thiếu nữ mà
nằm ở đôi mắt của kẻ tình si! Sasuke coi nàng là “tạo vật phi thường của hóa công” và “chính bọn
người trần mắt thịt. . . mới là những kẻ tật nguyền”. Thậm chí khi mới tập đàn, Sasuke còn tập ban
đêm trong tủ quần áo, cảm nhận cây đàn hoàn toàn bằng xúc giác trong bóng tối, “bởi cậu muốn
cảm nhận mọi thứ giống như Shunkin” [10].
7
Đào Thị Thu Hằng
Có thể thấy, lòng tôn thờ của Sasuke quá lớn, cả thế giới, với ông, chỉ mỗi Shunkin là phụ
nữ, và là phụ nữ đẹp. Từ khi còn là một cậu bé, ông đã thấy đôi mắt nhắm của Shunkin “dường
như xinh đẹp sống động hơn đôi mắt của chị và em gái cô, cậu thấy gương mặt cô bé mặc nhiên là
cân đối hoàn hảo, không chệch một li” với làn da “trắng sáng, trong vắt, lung linh” [10].
Người thầy của Shunkin là Shunsho khó tính nổi tiếng cũng coi nàng là một biệt lệ, vừa bởi
nhan sắc, vừa bởi tài năng. Ông còn lí giải một cách “rất có lí” với đám đệ tử hay ghen tị về lối
cư xử quá trìu mến của mình với Shunkin, rằng bởi Shunkin quá tài năng, nên: “ta mà cho nó vào
khuôn khổ, nó lại chẳng làm cho các ngươi phải cúi đầu nhục nhã!” [10].
Tôn thờ cái đẹp, không phải là một biệt lệ, mà đã trở thành tiền lệ trong văn học Nhật Bản.
Ngược về trung đại, ta có thể bắt gặp chàng Genji tuấn tú thanh tao, được thờ phụng dù đem lòng
yêu cả mẹ kế Fujitsubo của mình (Chuyện Genji – Murasaki Shikibu). Cuộc đời chàng, với. . . vài
chục mối tình, kể từ khi mới mười mấy tuổi cho tới khi nhắm mắt lìa đời, vậy mà không một người
phụ nữ nào oán trách chàng. Đơn giản, bởi chàng là người đẹp, và chàng yêu cái đẹp, và khi đã
yêu ai, chàng luôn hết lòng với người đó, tại thời điểm đó. Vậy nên, nếu nhìn nhận chàng như một
“Đông Gioăng Nhật Bản” thì sẽ là cái nhìn hết sức phiến diện. Hãy đặt câu chuyện vào trong dòng
chảy tôn thờ cái đẹp của văn hóa Nhật Bản, sẽ thấy, và sẽ hiểu được lí do chàng được yêu mến qua
nhiều thế kỉ! Cũng như vậy, với người nữ, trong trường thiên tiểu thuyết này, tác giả đa phần để họ
quy y cửa Phật, hoặc đoản mệnh trong lúc thanh xuân, thấm đẫm một tinh thần aware, với vẻ đẹp
thanh xuân bất diệt trong lòng người ở lại.
Văn chương Nhật Bản hiện đại, cùng thời với Tanzaki, lại một lần nữa chứng kiến sự tôn
thờ cái Đẹp đến từ Kawabata Yasunari, nhà văn Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel. Năm 1956,
Mishima có in trên tạp chí Besatsu Bungei Syunjyu, số 51, bài tiểu luận phê bình Lữ nhân vĩnh
viễn: Yasunari Kawabata – Con người và tác phẩm (The Eternal Traveler: Yasunari Kawabata –
The Man and His Works) trong đó ông khẳng định Kawabata là “người lữ khách muôn đời đi tìm
cái Đẹp”. Ông cũng đã từng đưa ra một nhận xét rất xác đáng về quan điểm thẩm mĩ của Kawabata:
“Kawabata bị quyến rũ bởi cái Đẹp trinh trắng vì nó là cái không thể tồn tại lâu dài” [8]. Có thể
thấy, trong các tác phẩm của Kawabata, vẻ đẹp thiên tính nữ là vẻ đẹp được thờ phụng, và đôi khi,
vì cái đẹp, “một vài quy chuẩn đạo đức có thể bị bỏ qua” như truyền thống tôn thờ cái đẹp từ thời
Heian. Trong tác phẩm Người đẹp say ngủ, ông Eguchi coi các người đẹp khỏa thân bị đánh thuốc
mê trong nhà chứa như những Phật bà Quan âm, bởi họ, với vẻ đẹp thanh xuân mãnh liệt, đã cứu
rỗi linh hồn, niềm ham sống của những ông già gần đất xa trời như Eguchi. Tôn thờ cái đẹp, đã trở
thành tâm thức mặc nhiên của người Nhật nói chung và các nghệ sĩ nói riêng.
Trở lại với vẻ đẹp là “tạo vật phi thường của hóa công” của nàng Shunkin – vẻ đẹp đã làm
trái tim Sasuke trở lên mù lòa vĩnh cửu, và Sasuke hành động theo sự dẫn lối của con tim ấy. Sau
khi Shunkin bị bỏng mặt, Sasuke quyết định tự làm mù mắt mình để giữ mãi vẹn nguyên hình ảnh
nữ thần trong tim. Và từ đó, “chỉ có gương mặt trắng đẹp tuyệt trần của Shunkin – vẹn nguyên như
hai tháng trước – đang tỏa sáng lung linh trước ông như vầng hào quang rạng ngời của Đức Phật”
[10]. Một lần nữa vẻ đẹp người nữ lại được thần thánh hóa, tôn thờ như đấng siêu nhiên.
Bàn chân, và làn da là hai bộ phận cơ thể hay được Tanizaki ưu ái hơn cả khi miêu tả các mĩ
nhân của mình. Chân lạnh nên quanh năm Shunkin ngủ trong áo lụa hoặc satin nhồi bông có đuôi
áo rất dài bọc lấy chân, khi nào chân Shunkin lạnh quá, Sasuke phải ủ chân nàng vào ngực mình
dù lạnh thấu xương, có khi thấy chân nàng quá lạnh, ông còn đưa chân nàng lên cái má nóng sốt
của mình vì đang sưng mộng răng, dù chỉ để nhận về một cú đạp điếng người!
Với Sasuke, “bàn chân Shunkin nhỏ xinh nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay tôi, gót chân
nàng còn mịn màng hơn má tôi!” [10], chính là thứ đáng để yêu thương trân trọng. Và lòng yêu
của anh, đôi khi, đã khiến anh mù quáng, khiến Shunkin, người đàn bà đẹp cư xử với anh chẳng
8
Đam mĩ trong Chân dung nàng Shunkin của Tanizaki Junichiro
khác nào một ác nhân!
Quan niệm về tình yêu dâng hiến cùng với sự đề cao vẻ đẹp thân thể người phụ nữ đã khiến
Tanizaki trở nên hoàn toàn khác biệt với các văn sĩ bấy giờ. Ông trở thành một hình khối đặc biệt
trong diện mạo văn học Nhật Bản đương thời, đến mức, người ta đã từng cho ông là “nông cạn
và hạ đẳng” [2; tr.720], để mãi sau này, khi những nhìn nhận trở nên công bằng – và được lí giải
bằng những luận thuyết của cả Đông – Tây, người ta mới thấy được, Tanizaki là một phần không
thể thiếu của văn học Nhật Bản.
2.2.3. Cho dù Cái đẹp bất thường cả về nội tâm và hình thức
Có thể khẳng định, người phụ nữ trong tác phẩm Tanizaki hầu hết là các mĩ nhân, nhưng
không phải ai cũng có một vẻ đẹp hoàn hảo cả về hình thức lẫn tâm hồn, nhưng cũng chính điều
này, chính những vẻ đẹp bất toàn mĩ ấy, lại trở nên vô cùng cuốn hút với đối phương. Điều này
càng khẳng định niềm đam mĩ bất tận của Tanizaki.
Shunkin – Bồ Tát của Sasuke, là người tàn nhẫn đánh đập học trò không thương tiếc, nhưng
người đời vẫn một mực ngợi ca nàng, học trò kéo đàn tới vấn an sư phụ. Có thể nói không quá, sự
tôn vinh cái đẹp đôi khi vượt quá cả tôn vinh tài năng đã khiến danh tiếng Shunkin ngày càng lẫy
lừng trong giới đàn ca!
Tất cả những sở thích cầu kì, quái đản của Shunkin dường như là để hành hạ Sasuke, đôi
khi sự hành hạ đến mức đau đớn, nhưng ông vẫn phục vụ nàng với lòng yêu thương, tôn kính vô
bờ bến.
Shunkin có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng khi chút bỏ xiêm y thì lại rất nở nang đầy đặn với làn
da lúc nào cũng trắng mịn, tươi tắn, mỡ màng tới khi chết. Tất cả là nhờ vào các sở thích xa hoa,
tốn kém về ẩm thực. Những sở thích luôn phải được thỏa mãn dù kẻ hầu người hạ và chính Sasuke
đang phải sống một cuộc sống vất vả. Nàng thích cá và gà, nhất là cá vền phi lê, uống một chút
sake vào bữa tối. Nàng là người có khẩu vị tinh tế và sang trọng trong ẩm thực. Shunkin cực kì
sạch sẽ và khắt khe, tinh tế trong trang phục và nhiều sở thích cầu kì khác như: nuôi chim chiền
chiện, sơn ca, luyện hót, tẩy da chết bằng cám gạo trộn phân chim chiền chiện và làm đẹp da bằng
nước ép quả bầu, tỉa dũa móng chân tay ba ngày một lần, trang điểm tóc tai quần áo kĩ càng. . .
Có thể thấy, Shunkin mang mô típ người phụ nữ được sùng bái nhưng vô tình và tàn ngược
đối với kẻ yêu mình. Mô típ này đã được Tanizaki sử dụng trong một số tác phẩm như Shisei (Xăm
mình) và Ashikari (Người cắt lau). Bạo ngược và mù lòa, nhưng vì nàng đẹp, và vì nàng có một
người tình tận hiến, nên cho đến khi chết, nàng vẫn sống cuộc đời của một nữ hoàng.
Nhìn lại niềm tôn thờ của Tanizaki với cái đẹp, nhất là vẻ đẹp đã gần như được thần thánh
hóa, các nhà nghiên cứu cho rằng, chính sự ngưỡng mộ chân thành của ông nội Tanizaki với Thiên
Chúa giáo đã phần nào bồi đắp nên lòng ngưỡng vọng sâu sắc của tác giả với cái đẹp và chủ nghĩa
bái vật giáo của ông. Bên cạnh đó, người đọc cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng của phân tâm
học Samuel Freud trong văn chương Tanizaki khi hình ảnh người mẹ - tình nhân gần như hòa trộn
làm một, trở thành một ám thị về cái đẹp chi phối hầu hết các sáng tác về cái đẹp của ông.
3. Kết luận
Có thể thấy Tanizaki, trong dòng chảy văn học Nhật Bản đương thời, đi một con đường rất
riêng của loài cá chép vượt vũ môn để hóa rồng. Cú ngược dòng ngoạn mục của ông lúc đầu có
thể vấp phải sự la ó của đám đông độc giả thông thường, nhưng cùng với thời gian và những luận
giải Đông – Tây mang tầm triết học, có thể thấy, niềm đam mĩ của ông, là niềm đam mê cháy bỏng
với những vẻ đẹp rất đỗi con người. Cuộc sống luôn có những nàng Shunkin với niềm ham sống
9
Đào Thị Thu Hằng
mãnh liệt, chỉ là qua ngòi bút Tanizaki, những tấm chân dung ấy được đẩy lên đỉnh điểm của mọi
chiều kích thân phận con người.
Lời cảm ơn: Bài báo nằm trong khuôn khổ đề tài “Đặc trưng văn xuôi Nhật Bản hiện đại
thế kỉ XX”, Mã số B2015-17-64.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Chambers, Anthony H., trans. 1980. Postscript to "A portrait of Shunkin”. Monumenta
Nipponica 35:457-66.
[2] Donald Keene 1998. Dawn to the West. Columbia University Press The United States of
America. Trang 722-780.
[3] DAI Yujin, WU Guanghui, 2016. Tanizaki Junichiro’s Aesthetic Consciousness: A Case
Study of Shunkinsho. Journal of Beijing University, Vol. 29 Issue 1: 104-109 DOI:
10.13766/j.bhsk.1008-2204.2014.0352.
[4] Nihongi, bản dịch tiếng Anh của W.G.Aston, lời giới thiệu của Terence Barrow, NXB Charles
E. Tuttle, Tokyo.
[5] Hữu Ngọc, 1989. Hoa anh đào và điện tử. Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr. 138.
[6] Kawabata Yasunari, 1969. Xứ Phù Tang, cái Đẹp và Tôi. Cao Ngọc Phượng dịch. Nxb Lá Bối,
Sài Gòn.
[7] Ito, Ken K. 1991. Visions of Desire: Tanizaki’s Fictional Worlds. Stanford University Press.
[8] Mishima Yukio, 1956. Eien no Tabibito - Kawabata Yasunari-shi no Hito to Sakuhin (The
Eternal Traveler -Yasunari Kawabata’s Personality and Works). Besatsu Bungei Syunjyu, No
51.
[9] Tanizaki Junichiro, 1963. The portrait of Shunkin, Howard Hibbert dịch. In trong Seven
Japanese tales, Vintage Press, ISBN 0-679-76107-1.
[10] Tanizaki Junichiro 1985. Naomi, translated by Anthony H. Chambers. Tokyo. Charles E.
Tuttle Company
[11] Tanizaki Junichiro 1984. Quicksand (Manji) translated by Howard Hibbett. New York.
Random House.
[12] Tanizaki Junichiro, 1984. The key, translated by Howard Hibbett. Tokyo. Charles E. Tuttle
Company.
[13] Tanizaki Junichiro, 1989. Chiếc chìa khoá, Phạm Thị Hoài dịch. Nxb Phụ nữ
[14] Suzuki Setsuko, 1997. Keys to the Japanese Heart and Soul, Bunkyo, Tokyo: Kodansha
International, pp.14-45.
ABSTRACT
“Tanbi” in The portrait of Shunkin by Tanizaki Junichiro
Dao Thi Thu Hang
Department of Journal & TSI, Hanoi National University of Education
With The portrait of Shunkin, Tanizaki expressed his endless fascination with the Beauty,
“Tanbi” had become a vital part of his writing style. Japanese consciousness, with the austerity of
nature, the throb with emotion of beauty fluttering soon faded as a crucial principle, the Beauty in
Tanizaki’s work is often associated with sadness and loneliness. The beauty of women in Tanizaki’s
writing is often splendid, noble, though not perfect, sometimes even contrary to the aesthetic
standards and conventional morality, but it is always worthy to be worshiped. From “tanbi” to
“tanbi” of Tanizaki’s novels, we see the visible part of the portrait of Japanese literature.
Keywords: The portrait of Shunkin, Tanizaki, Tanbi.
10
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4975_dtthang_9445_2127497.pdf