Tài liệu Đặc điểm lâm sàng thính lực và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân ≥ 60 tuổi biểu hiện nghe kém tại khoa tai mũi họng bệnh viện Thống Nhất: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 353
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG THÍNH LỰC VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở
BỆNH NHÂN ≥ 60 TUỔI BIỂU HIỆN NGHE KÉM
TẠI KHOA TAI MŨI HỌNG BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT
Châu Thị Mạnh Thu*, Hồ Nguyễn Anh Tuấn**, Cao Nguyễn Hoài Thương**
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Nghe kém là loại suy giảm chức năng phổ biến nhất trong các loại suy giảm chức năng ở người
lớn tuổi với rất nhiều các triệu chứng khác nhau. Các bác sĩ lâm sàng cần nhận biết và chẩn đoán sớm tình trạng
nghe kém để phòng ngừa và điều trị sớm cho bệnh nhân.
Mục tiêu: Mô tả các đặc điểm lâm sàng thính lực và xác định các yếu tố liên quan ở những bệnh nhân ≥ 60
tuổi có biểu hiện nghe kém đến khám tại Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Thống Nhất.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang mô tả ở những bệnh nhân ≥ 60 tuổi có biểu hiện nghe kém đến khám
tại Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Thống Nhất từ tháng 1 – tháng 6/2019. Số liệu được thu thập bằng bộ câu hỏi
soạ...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 280 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đặc điểm lâm sàng thính lực và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân ≥ 60 tuổi biểu hiện nghe kém tại khoa tai mũi họng bệnh viện Thống Nhất, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 353
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG THÍNH LỰC VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở
BỆNH NHÂN ≥ 60 TUỔI BIỂU HIỆN NGHE KÉM
TẠI KHOA TAI MŨI HỌNG BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT
Châu Thị Mạnh Thu*, Hồ Nguyễn Anh Tuấn**, Cao Nguyễn Hoài Thương**
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Nghe kém là loại suy giảm chức năng phổ biến nhất trong các loại suy giảm chức năng ở người
lớn tuổi với rất nhiều các triệu chứng khác nhau. Các bác sĩ lâm sàng cần nhận biết và chẩn đoán sớm tình trạng
nghe kém để phòng ngừa và điều trị sớm cho bệnh nhân.
Mục tiêu: Mô tả các đặc điểm lâm sàng thính lực và xác định các yếu tố liên quan ở những bệnh nhân ≥ 60
tuổi có biểu hiện nghe kém đến khám tại Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Thống Nhất.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang mô tả ở những bệnh nhân ≥ 60 tuổi có biểu hiện nghe kém đến khám
tại Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Thống Nhất từ tháng 1 – tháng 6/2019. Số liệu được thu thập bằng bộ câu hỏi
soạn sẵn và đo thính lực đồ, nhĩ lượng đồ và phản xạ cơ bàn đạp. Phân độ tình trạng nghe kém được đánh giá
theo tiêu chuẩn ASHA bằng ngưỡng nghe đơn âm trung bình.
Kết quả: Nghiên cứu khảo sát được 147 người cao tuổi, nam giới chiếm 61,9% và nhóm tuổi từ 71 – 80 tuổi
chiếm đa số (51%). Đa số bệnh nhân có biểu hiện bị ù tai (99,3%) và đầy tai (93,2%). Thời gian bắt đầu mắc các
triệu chứng này chủ yếu là dưới 1 năm, chiếm 58,6%. Hai tai có tỉ lệ bất thường màng nhĩ gần bằng nhau
(86,4% ở tai trái và 85,7% ở tai phải), trong khi đó tai phải có tỉ lệ bất thường ống tai ngoài gấp 2 lần tai trái. Nhĩ
lượng đồ có dạng A chiếm tỉ lệ cao nhất (55,8% ở tai trái và 49% ở tai phải), kế tiếp là dạng AS với tỉ lệ lần lượt
của hai bên trái phải tai là 21,8% và 27,9%. Tỉ lệ âm tính với phản xạ cơ bàn đạp khá cao với 65,3% ở tai trái và
66,7% ở tai phải. Tỉ lệ bệnh nhân bị nghe kém khá cao chiếm 87,7%. Các yếu tố liên quan đến nghe kém bao gồm
tuổi, sống chung với người thân, thu nhập, tiền sử gia đình và tiền sử sử dụng thuốc độc hại.
Kết luận: Các bác sĩ lâm sàng cần tập trung khai thác các yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân cao tuổi để gợi ý chỉ
định thêm các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp, giúp chẩn đoán sớm tình trạng nghe kém, từ đó đề xuất các can
thiệp nhằm nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Từ khóa: lão thính, nghe kém, thính lực đồ, nhĩ lượng đồ, yếu tố nguy cơ
ABSTRACT
CLINICAL AND AUDIOMETRIC FEATURES OF ELDERLY PRESBYCUSIS PATIENTS
AND RELATED FACTORS IN THONG NHAT HOSPITAL
Chau Thi Manh Thu, Ho Nguyen Anh Tuan, Cao Nguyen Hoai Thuong
* Ho Chi Minh City Journal of Medicine * Supplement of Vol. 23 – No. 5 - 2019: 352 – 359
Backgrounds: Presbycusis is the most common sensory impairment associated with aging and it presents
with a variety of symptoms. Early recognize clinical and audiometric signs of presbycusis is necessary for
physicians to provide early prevention and treatment thus reduce associated morbidities.
Objectives: Describe the clinical and audiometric characteristics as well as related factors of presbycusis
patients from 60 years old in the ENT Department in Thong Nhat Hospital.
Methods: A cross-sectional study was conducted on presbycusis patients from 60 years old and over in the
*Bệnh viện Thống Nhất **Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Tác giả liên lạc: Ths.Cao Nguyễn Hoài Thương ĐT: 0989570559 Email: caonguyenhoaithuong@gmail.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 354
ENT Department in Thong Nhat Hospital from January to June 2019. Data were collected using structured
questionnaires; besides audiometry, tympanometry, and acoustic reflexes testing. Degree of hearing loss was based
on ASHA standard.
Results: In 147 participants, 61.9% are men and the age group of 71-80 years old accounted for the majority
(51%). Most patients had tinnitus (99.3%) and ear fullness (93.2%). The starting time of those symptoms is
mainly less than 1 year, accounting for 58.6%. Abnormal rates of the tympanic membrane were similar between
ears (86.4% in the left ear and 85.7% in the right ear), while the right ear has an abnormal rate of external ear
canal twice as much as the left ear. Type A tympanogram accounts for the highest percentage (55.8% in the left
ear and 49% in the right ear), followed by AS type with the proportion of the left and right sides were 21.8% and
27.9% respectively. The rates of absent acoustic reflexes were considerably high with 65.3% in the left ear and
66.7% in the right ear. The prevalence of patients with hearing loss accounts for 87.7%. Factors related to hearing
loss include age, living with relatives, income, family history, and previous toxic medicine using.
Conclusion: Clinicians need to focus on risk factors in elderly patients to suggest more appropriate clinical
tests, to help early diagnosis of hearing loss, thereby export interventions to improve patients quality of life.
Keywords: presbycusis, hearing loss, audiograms, tympanometry, related factors
ĐẶT VẤN ĐỀ
Mất thính lực ở người lớn tuổi được trình
bày trong y văn đầu tiên vào năm 1849 bởi
Toynbee. Từ đó đến nay, trên thế giới đã có
nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này trên
nhiều phương diện như đặc điểm dịch tễ học,
lâm sàng, thính học, nguyên nhân và cơ chế sinh
bệnh. Theo ước tính vào năm 2030, người cao
tuổi sẽ chiếm 32% dân số thế giới, tức tăng 250%,
theo đó sẽ có khoảng 60% đến 70% bị mất thính
lực nghiêm trọng(9). Tại Mỹ, theo thống kê của
Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia, có 21,9 triệu
người Mỹ bị mất thính lực (trong đó số người từ
65 tuổi trở lên chiếm 65,5%)(1). Tại Việt Nam,
theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có
khoảng 3 triệu lượt người (chiếm 3,8% dân số) bị
khuyết tật về nghe, trong đó số người trên 60
tuổi chiếm 24%(6).
Qua đó cho thấy cùng với sự tăng lên của số
lượng người cao tuổi thì tỷ suất hiện mắc của
bệnh lý nghe kém do tuổi tác và những nguyên
nhân khác cũng ngày càng tăng lên. Khi thính
lực giảm, nhiều người cao tuổi có thể gặp nhiều
khó khăn trong giao tiếp với người xung quanh
làm cho người bệnh có khuynh hướng ngại tiếp
xúc với xã hội dẫn đến cô độc, trầm cảm và thậm
chí hoang tưởng rằng mình bị mọi người cô lập
và phân biệt đối xử(5).
Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện lớn
trong khu vực với nhiệm vụ chính là khám chữa
bệnh cho cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà
nước, lực lượng vũ trang, nhân dân các tỉnh phía
Nam và khu vực lân cận. Khoa Tai Mũi Họng
của bệnh viện là nơi thường xuyên khám chữa
bệnh cho các cán bộ hưu trí và người cao tuổi bị
suy giảm chức năng thính giác. Câu hỏi được
đặt ra là: “Những người cao tuổi có biểu hiện
nghe kém đến khám tại bệnh viện Thống Nhất
có các đặc điểm lâm sàng về thính lực như thế
nào? Và có các yếu tố nào liên quan đến việc
nghe kém của bệnh nhân?”. Kết quả của nghiên
cứu sẽ cung cấp những số liệu về tình trạng
nghe kém ở người cao tuổi, góp phần tiên lượng
và điều trị bệnh tốt hơn. Từ đó có thể đề xuất
những biện pháp can thiệp phù hợp nhằm nâng
cao chất lượng sống cho bệnh nhân lớn tuổi.
Mục tiêu nghiên cứu
Mô tả các đặc điểm lâm sàng thính lực và xác
định các yếu tố liên quan ở những bệnh nhân ≥
60 tuổi có biểu hiện nghe kém đến khám tại
Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Thống Nhất.
ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Bệnh nhân ≥ 60 tuổi có biểu hiện nghe kém
đến khám tại Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 355
Thống Nhất trong khoảng thời gian từ tháng 1
đến tháng 6 năm 2019.
Tiêu chuẩn chọn vào
Bệnh nhân khám tai mũi họng có màng nhĩ
còn nguyên vẹn, ống tai sạch, không có nút tai;
có kết quả thính lực đồ, nhĩ lượng đồ, phản xạ cơ
bàn đạp và đồng ý tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại ra
Bệnh nhân bị dị tật ống tai ngoài, dị tật vành
tai hoặc có tiền sử bệnh lý tai giữa, nghe kém
bẩm sinh hoặc mắc phải trước 60 tuổi hoặc điếc
nghề nghiệp, điếc hỗn hợp.
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu cắt ngang mô tả.
Cỡ mẫu
Sử dụng công thức tính cỡ mẫu ước lượng
một tỉ lệ, với Z(1-α/2) = 1,96; α = 0,05; p = 0,895 (tỉ
lệ bệnh nhân bị nghe kém theo nghiên cứu của
Trần Thị Kim Ngân năm 2017) (11) và d = 0,05
tính được số người cần khảo sát là 145 người.
Thực tế nghiên cứu đã thực hiện phỏng vấn
được 146 người.
Kỹ thuật chọn mẫu
Sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện
trên bệnh nhân ≥ 60 tuổi có biểu hiện nghe kém
đến khám tại Khoa Tai Mũi Họng - bệnh viện
Thống Nhất vào thời gian nghiên cứu theo tiêu
chuẩn chọn mẫu cho đến khi đủ mẫu.
Thu thập số liệu
Số liệu được thu thập bằng 2 phương pháp
Phỏng vấn bằng bộ câu hỏi soạn sẵn, bao
gồm 4 phần:
Thông tin chung của người được phỏng vấn.
Thông tin về tiền sử bệnh và các yếu tố
nguy cơ.
Thông tin về bệnh sử trong lần khám này.
Kết quả đo thính lực: nhĩ lượng đồ, phản xạ
cơ bàn đạp và thính lực đồ.
Đo thính lực
Đo nhĩ lượng đồ và phản xạ cơ bàn đạp: sử
dụng máy Otowave 102 - hàng của UK.
Đo thính lực đồ: sử dụng máy Resonance
R27A - hàng của Ý, đo thính lực đồ đơn âm ở cả
đường khí và đường xương ở các mức tần số 250
Hz, 500 Hz, 1000 Hz, 2000 Hz, 4000 Hz, 8000 Hz.
Phân độ tình trạng nghe kém theo tiêu chuẩn
ASHA bằng ngưỡng nghe đơn âm trung bình.
Y đức
Các đối tượng tham gia nghiên cứu đều dựa
trên cơ sở tự nguyện.
Các phương pháp đo thính lực không đau,
không gây ảnh hưởng đến bệnh nhân.
Các đối tượng tham gia nghiên cứu được
giải thích rõ về: mục tiêu và phương pháp
nghiên cứu, việc sử dụng kết quả nghiên cứu và
tính bảo mật của thông tin cá nhân.
Nghiên cứu đã được thông qua Hội đồng
đạo đức theo quyết định số 55/HĐĐĐ của
trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
KẾT QUẢ
Đặc điểm kinh tế xã hội của bệnh nhân
Nghiên cứu khảo sát được 147 người cao
tuổi. Trong đó tỉ lệ nam giới chiếm 61,9%, nhóm
tuổi từ 71 – 80 tuổi chiếm đa số (51%). Hầu hết
người bệnh sống ở TPHCM (98%), có học vấn
cao, tỉ lệ người bệnh có học vấn từ cấp 3 trở
xuống chỉ chiếm 6,1%. Đa số người bệnh hiện
đang sống chung với chồng hoặc vợ (76,9%), tỉ lệ
sống một mình chỉ có 4,7%. Phần lớn có thu
nhập trung bình hàng tháng từ 5 triệu trở lên,
chiếm 76,9%.
Đặc điểm tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ
Về tiền sử bệnh thì tỉ lệ bệnh nhân có người
thân bị nghe kém và từng bị chấn thương tai
trước đây thấp, có tỉ lệ lần lượt là 5,4% và 4,8%.
Trong khi đó tỉ lệ bệnh nhân có tiền sử mắc các
bệnh mạn tính khá cao với 81,6% bệnh tim mạch,
85% mắc tăng huyết áp, 23,8% mắc bệnh đái
tháo đường và 15,7% bị viêm khớp.
Tỉ lệ bệnh nhân trong nghiên cứu có tiền sử
tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ thấp, như tiếp
xúc với tiếng ồn chỉ chiếm 9,5%, từng sử dụng
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 356
thuốc độc hại chỉ có 3,4% và có hút thuốc lá mỗi
ngày chiếm 12,2%.
Các đặc điểm lâm sàng thính lực của bệnh
nhân
Bảng 1: Các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng mắc
phải của bệnh nhân (n = 147)
Tần số Tỷ lệ %
Mất thính giác
Có 20 13,6
Không 127 86,4
Giảm thính giác
Có 73 49,7
Không 74 50,3
Ù tai
Có 146 99,3
Không 1 0,7
Đầy tai
Có 137 93,2
Không 10 6,8
Chóng mặt
Có 50 34,0
Không 97 66,0
Thời gian mắc
≤ 1 năm 85 58,6
> 1 – 5 năm 37 25,5
> 5 năm 23 15,9
Đa số bệnh nhân có biểu hiện bị ù tai (99,3%)
và đầy tai (93,2%). Thời gian bắt đầu mắc các
triệu chứng này chủ yếu là dưới 1 năm, chiếm
58,6% (Bảng 1).
Bảng 2: Kết quả soi tai của bệnh nhân (n = 147)
TAI TRÁI TAI PHẢI
Tần số Tỷ lệ % Tần số Tỷ lệ %
Ống tai ngoài
Bình thường 141 95,9 131 91,6
Bất thường 6 4,1 12 8,4
Màng nhĩ
Bình thường 20 13,6 21 14,3
Bất thường 127 86,4 126 85,7
Hai tai có tỉ lệ bất thường màng nhĩ gần bằng
nhau (86,4% ở tai trái và 85,7% ở tai phải), trong
khi đó tai phải có tỉ lệ bất thường ống tai ngoài
gấp 2 lần tai trái (Bảng 2).
Nhĩ lượng đồ và phản xạ cơ bàn đạp của 2
tai khá tương đồng nhau, trong đó nhĩ lượng đồ
có dạng A chiếm tỉ lệ cao nhất (55,8% ở tai trái và
49% ở tai phải), kế tiếp là dạng AS với tỉ lệ lần
lượt của hai bên trái phải tai là 21,8% và 27,9%.
Tỉ lệ âm tính với phản xạ cơ bàn đạp khá cao với
65,3% ở tai trái và 66,7% ở tai phải (Bảng 3).
Bảng 3: Nhĩ lượng đồ và phản xạ cơ bàn đạp của
bệnh nhân (n = 147)
TAI TRÁI TAI PHẢI
Tần số Tỷ lệ % Tần số Tỷ lệ %
Nhĩ lượng đồ
Dạng A 82 55,8 72 49,0
Dạng AS 32 21,8 41 27,9
Dạng AD 11 7,5 12 8,2
Dạng B 10 6,8 9 6,1
Dạng C 12 8,1 13 8,8
Phản xạ cơ bàn đạp
Dương tính 51 34,7 49 33,3
Âm tính 96 65,3 98 66,7
Bảng 4: Thính lực đồ của bệnh nhân (n = 147)
TAI TRÁI TAI PHẢI
Tần số Tỷ lệ % Tần số Tỷ lệ %
Hình dạng
Dạng ngang 16 10,9 19 12,9
Dạng đi xuống 43 29,2 36 24,5
Dạng đi lên 2 1,4 4 2,7
Dạng khuyết 14 9,5 12 8,2
Dạng chữ U đảo ngược 10 6,8 16 10,9
Giảm tần số cao 61 41,5 60 40,8
Khác 1 0,7 0 0
Phân độ nghe kém
Độ 0 8 5,4 3 2,1
Độ 1 21 14,3 26 17,8
Độ 2 65 44,2 68 46,5
Độ 3 34 23,1 35 24,0
Độ 4 13 8,8 11 7,5
Độ 5 6 4,1 3 2,1
Thính lực đồ có dạng giảm tần số cao chiếm
tỉ lệ cao nhất ở cả 2 tai (41,5% ở tai trái và 40,8%
ở tai phải), và sau đó là dạng đi xuống với tỉ lệ
lần lượt trái phải là 29,2% và 24,5%. Về phân độ
nghe kém thì bệnh nhân chủ yếu ở độ 2 và độ 3
với tỉ lệ lần lượt ở tai trái là 44,2% và 23,1% và tai
phải là 46,5% và 24% (Bảng 4).
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 357
Hình 1. Tỉ lệ nghe kém của bệnh nhân (n = 146)
Do có 1 bệnh nhân không đo được thính lực
đồ ở tai phải nên tỉ lệ nghe kém chỉ tính được
trên 146 bệnh nhân và tỉ lệ này trong nghiên cứu
khá cao, chiếm 87,7%. Nếu xét riêng từng tai thì
tỉ lệ nghe kém ở tai trái là 80,3% và tai phải là
80,1% (Hình 1).
Các yếu tố liên quan đến tình trạng nghe kém
của bệnh nhân
Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa
tuổi, người sống chung và thu nhập với tình
trạng nghe kém của bệnh nhân. Trong đó, tuổi
càng cao thì tỉ lệ bị nghe kém càng tăng, những
người sống chung với chồng/vợ thì có tỉ lệ nghe
kém bằng 0,87 lần những người đang sống một
mình và những bệnh nhân có thu nhập từ 5 – 10
triệu có tỉ lệ nghe kém bằng 1,23 lần những
người có thu nhập thấp hơn (Bảng 5).
Về các yếu tố nguy cơ thì nghiên cứu tìm
thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa việc
có người thân bị nghe kém, tiền sử từng chấn
thương tai và sử dụng thuốc độc hại với tình
trạng nghe kém. Theo đó những bệnh nhân có
các yếu tố này thì tỉ lệ bị nghe kém bằng 1,15 lần
những bệnh nhân không có (Bảng 6).
Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa
nhĩ lượng đồ và tình trạng nghe kém. Đối với tai
trái, những bệnh nhân có nhĩ lượng đồ dạng AD
có tỉ lệ bị nghe kém bằng 1,26 lần dạng A. Đối
với tai phải, những bệnh nhân có nhĩ lượng đồ
dạng C có tỉ lệ bị nghe kém bằng 1,26 lần dạng
A. Ngoài ra nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên
quan giữa phản xạ cơ bàn đạp với tình trạng
nghe kém (Bảng 7).
Bảng 5: Các đặc điểm kinh tế xã hội có liên quan với tình trạng nghe kém của bệnh nhân (n = 146)
Nghe kém chung
PR KTC 95% pvalue
Có n (%) Không n (%)
Nhóm tuổi
≤ 70 tuổi 35 (74,5) 12 (25,5) 1,17 1,07 – 1,27 0,001*
71 – 80 tuổi 68 (91,9) 6 (8,1)
> 80 tuổi 25 (100) 0 (0)
Người sống chung
Sống một mình 7 (100) 0 (0) 1
Chồng/vợ 97 (86,6) 15 (13,4) 0,87 0,81 – 0,93 < 0,001
Con ruột/Cháu 24 (88,9) 3 (11,1) 0,89 0,78 – 1,02 0,085
Thu nhập
≤ 5 triệu 25 (75,8) 8 (24,2) 1
> 5 – 10 triệu 91 (92,9) 7 (7,1) 1,23 1,002 – 1,50 0,048
> 10 triệu 12 (80,0) 3 (20,0) 1,06 0,77 – 1,45 0,738
(*): Kiểm định chi bình phương khuynh hướng
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 358
Bảng 6: Các yếu tố nguy cơ có liên quan với tình trạng nghe kém của bệnh nhân (n = 146)
Nghe kém chung
PR KTC 95% pvalue
Có n (%) Không n (%)
Người thân nghe kém
Có 8 (100) 0 (0) 1,15 1,08 – 1,23 < 0,001
Không 120 (87,0) 18 (13,0)
Chấn thương tai
Có 6 (100) 0 (0) 1,15 1,08 – 1,22 < 0,001
Không 122 (87,1) 18 (12,9)
Sử dụng thuốc độc hại
Có 5 (100) 0 (0) 1,15 1,08 – 1,22 < 0,001
Không 123 (87,2) 18 (12,8)
Bảng 7: Mối liên quan giữa nhĩ lượng đồ với tình trạng nghe kém của bệnh nhân (n = 146)
Nghe kém tai trái
PR KTC 95% pvalue
Có n (%) Không n (%)
Nhĩ lượng đồ tai trái
Dạng A 65 (79,3) 17 (20,7) 1
Dạng AS 24 (75,0) 8 (25,0) 0,95 0,75 – 1,19 0,636
Dạng AD 11 (100) 0 (0) 1,26 1,13 – 1,41 < 0,001
Dạng B 7 (70,0) 3 (30,0) 0,88 0,58 – 1,35 0,564
Dạng C 11 (91,7) 1 (8,3) 1,17 0,94 – 1,42 0,163
Nghe kém tai phải
Nhĩ lượng đồ tai phải
Dạng A 57 (79,2) 15 (20,8) 1
Dạng AS 29 (70,7) 12 (29,3) 0,89 0,71 – 1,13 0,338
Dạng AD 10 (90,9) 1 (9,1) 1,15 0,92 – 1,43 0,222
Dạng B 8 (88,9) 1 (11,1) 1,12 0,87 – 1,46 0,383
Dạng C 13 (100) 0 (0) 1,26 1,12 – 1,42 < 0,001
Bảng 8: Mối liên quan giữa tình trạng nghe kém ở 2
bên tai của bệnh nhân (n = 146)
Nghe kém tai phải
PR KTC 95% pvalue Có
n (%)
Không
n (%)
Nghe kém tai trái
Có 106 (90,6) 11 (9,4) 2,39 1,49 – 3,82 < 0,001
Không 11 (37,9) 18 (62,1)
Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa
tình trạng nghe kém ở hai bên tai của bệnh nhân.
Bệnh nhân có nghe kém bên trái sẽ có tỉ lệ bị
nghe kém bên phải bằng 2,39 lần những người
không bị (Bảng 8).
BÀN LUẬN
Các đặc điểm lâm sàng thính lực của bệnh
nhân
Trong các biểu hiện lâm sàng của nghe kém,
các bệnh nhân trong nghiên cứu đa số gặp phải
việc bị ù tai (99,3%) và đầy tai (93,2%) và các
triệu chứng này chủ yếu mới xuất hiện gần đây
(< 1 năm). Điều này là hoàn toàn hợp lý do các
bệnh nhân của nghiên cứu có đặc điểm riêng là
các cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước,
lực lượng vũ trang, có trình độ học vấn cao nên
khi mới bắt đầu có những dấu hiệu ảnh hưởng
thính lực thì đều đi kiểm tra và điều trị sớm,
không chờ đến khi mắc các triệu chứng nặng
hơn như giảm thính lực, mất thính lực.
Khi thực hiện soi tai, đa số bệnh nhân không
có bất thường về ống tai ngoài. Tuy nhiên, tỉ lệ
màng nhĩ bất thường khá cao ở cả 2 hai (khoảng
86%), loại bất thường phổ biến nhất là màng nhĩ
bị xơ hóa, một số ít màng nhĩ bị sẹo và teo mỏng.
Nhĩ lượng đồ của bệnh nhân đa số là dạng A
(khoảng 50%) có nghĩa là nhĩ lượng đồ bình
thường, kế tiếp là AS (khoảng 25%) với đỉnh đồ
thị nằm thấp, biểu hiện tình trạng cứng hệ thống
dẫn truyền và thường là do xốp xơ tai, dày màng
nhĩ, các dạng còn lại chiếm tỉ lệ rất thấp (dưới
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 359
10%). Kết quả này hoàn toàn phù hợp với kết
quả soi tai. Khi so sánh với các nghiên cứu khác
cũng trên nhóm bệnh nhân ≥ 60 tuổi thì cũng có
kết quả tương đồng với chúng tôi là dạng A
chiếm đa số (khoảng 50 – 60%) và thứ hai là AS
(15 – 20%) như nghiên cứu ở Nigeria vào năm
2014(7) hoặc nghiên cứu ở Ấn Độ năm 2017(3).
Bệnh nhân trong nghiên cứu có phản xạ cơ
bàn đạp âm tính tương đồng nhau ở cả hai tai
(khoảng 65%). Kết quả này khi so với nghiên
cứu của tác giả Trần Thị Kim Ngân thực hiện tại
BV Trưng Vương vào năm 2017 thì cao hơn rất
nhiều (hơn 1,5 lần)(11). Có thể giải thích sự khác
nhau này do trong nghiên cứu của tác giả Kim
Ngân chọn những đối tượng từ 40 tuổi trở lên,
và theo một số nghiên cứu của các tác giả trên
thế giới thì tình trạng nghe kém có thể xuất hiện
sớm vào năm 40 tuổi và bắt đầu gây phiền hà
khó chịu cho bệnh nhân từ năm 50 tuổi. Tuy
nhiên, trong những năm này, tình trạng nghe
kém chỉ tiến triển âm thầm, các dấu hiệu sớm chỉ
xuất hiện trên kiểm tra thính học lâm sàng. Vì
vậy mà việc tỉ lệ có phản xạ cơ bàn đạp âm tính
thấp là điều dễ hiểu. Khi so sánh kết quả này với
các nghiên cứu trên thế giới thì phản xạ cơ bàn
đạp trong nghiên cứu của chúng tôi cũng cao
hơn nhiều. Vì có rất nhiều yếu tố tham gia vào
cung phản xạ cơ bàn đạp như ốc tai, dây thần
kinh thính giác và các thành phần khác, dẫn đến
khó có thể xác định việc bệnh nhân bị nghe kém
hay không khi có phản xạ âm tính. Bên cạnh đó,
trong nghiên cứu ở Nigeria, tác giả cũng có nêu
mặt hạn chế của nghiên cứu là không thể giải
thích lý do tại sao phản xạ cung bàn đạp trong
nghiên cứu lại thấp như vậy(8).
Khi đo thính lực đồ thì hình dạng chủ yếu
trong nghiên cứu của chúng tôi là dạng giảm tần
số cao (khoảng 40%), sau đó là dạng đi xuống
(khoảng 25%) và dạng ngang (11%). Kết quả này
khá phù hợp với các nghiên cứu trong và ngoài
nước như nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thành
Tuấn(4), Keo Vanna(10) và Demeester(2). Về tỉ lệ
nghe kém, kết quả nghiên cứu của chúng tôi
cũng cho kết quả tương tự với tỉ lệ nghe kém
trong nghiên cứu của tác giả Kim Ngân(11). Tuy
nhiên khi xét phân chia theo các mức độ thì
nghiên cứu của chúng tôi có đa số bệnh nhân ở
mức độ 2 trong khi nghiên cứu của tác giả Kim
Ngân thì đa số bệnh nhân ở mức độ 1.
Các yếu tố liên quan đến tình trạng nghe kém
của bệnh nhân
Nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên quan
giữa nghe kém và giới như trong các nghiên cứu
khác, tuy nhiên về nhóm tuổi thì nghiên cứu
thấy có mối liên quan có tính khuynh hướng với
tình trạng nghe kém của bệnh nhân (p = 0,001)
và kết luận này hoàn toàn trùng khớp với các
nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới(4,11). Đây là
điều dễ hiểu vì khi càng lớn tuổi, mỗi bộ phận
trong cơ thể sẽ thoái hóa dần và cơ quan thính
giác cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Nghiên cứu của chúng tôi tìm ra hai yếu tố
liên quan đến tình trạng nghe kém mà ít có
nghiên cứu nào đề cập đến là tình trạng sống
với người thân và thu nhập. Theo kết quả
nghiên cứu thì những người sống một mình sẽ
có tỉ lệ bị nghe kém cao hơn người sống chung
với chồng hoặc vợ. Và những người có thu
nhập từ 5 – 10 triệu cũng có tỉ lệ mắc nghe kém
cao hơn người có thu nhập thấp. Tuy nhiên các
mối liên quan này chưa rõ ràng lắm và cần có
những nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định
một cách chính xác.
Về các yếu tố nguy cơ của nghe kém thì
nghiên cứu của chúng tôi tìm thấy được 03 yếu
tố là có người thân bị nghe kém, tiền sử chấn
thương tai và sử dụng thuốc độc hại. Tất cả các
yếu tố này đều là các yếu tố nguy cơ đã được xác
định trong các nghiên cứu trong và ngoài nước
trước đây. Tuy nhiên, việc có chấn thương tai là
một yếu tố cần phải được xem xét một cách chi
tiết hơn bởi vì có thể việc nghe kém của bệnh
nhân đã xuất hiện từ lúc bị chấn thương tai nên
kết quả này có thể gây nhiễu đến kết quả cuối
cùng của nghiên cứu.
Ngoài ra, nghiên cứu tìm thấy mối liên quan
giữa hình dạng của thính lực đồ và tình trạng
nghe kém ở từng bên tai. Những bệnh nhân có
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 360
hình dạng thính lực đồ dạng AD và dạng C thì có
tỉ lệ bị nghe kém cao hơn dạng A (bình thường).
Thính lực đồ có dạng AD với đỉnh đồ thị vút cao,
đây là kiểu đặc thù của trật khớp chuỗi xương
con, mất lớp sợi đàn hồi của màng nhĩ, còn thính
lực đồ dạng C với đỉnh đồ thị thấp, có đỉnh lệch
về phía áp lực âm, thường do rối loạn chức năng
vòi nhĩ, viêm tai giữa ứ dịch. Vì vậy, khi bệnh
nhân có biểu đồ dạng này đồng nghĩa với tai có
vấn đề và có thể chính điều này là nguyên nhân
gây ra tình trạng nghe kém ở bệnh nhân.
Trong nghiên cứu gần đây của tác giả Trần
Thị Kim Ngân có nêu ra hai giả thuyết mà tác giả
chưa kết luận được: Một là mất phản xạ cơ bàn
đạp có là dấu hiệu sớm để chẩn đoán giai đoạn
khởi đầu của tiến trình lão thính hay không. Hai
là khi một bên tai có bệnh lý thì có ảnh hưởng
đến sức nghe của tai còn lại hay không(11). Tuy
nhiên nghiên cứu của chúng tôi cũng chưa tìm
ra mối liên hệ giữa phản xạ cơ bàn đạp và nghe
kém, nhưng chúng tôi có thể trả lời giả thuyết
thứ hai là khi bệnh nhân có nghe kém ở một bên
tai thì tỉ lệ bị nghe kém ở tai còn lại bằng 2,39 lần.
Đây là dấu hiệu của việc ảnh hưởng đến toàn bộ
cơ quan thính lực của bệnh nhân.
KẾT LUẬN
Tỉ lệ nghe kém ở bệnh nhân ≥ 60 tuổi khá
cao, chiếm 87,7%. Các yếu tố liên quan đến nghe
kém bao gồm tuổi, sống chung với người thân,
thu nhập, tiền sử gia đình và tiền sử sử dụng
thuốc độc hại. Các bác sĩ lâm sàng cần tập trung
khai thác các yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân cao
tuổi khi khám bệnh để từ đó làm cơ sở chỉ định
thêm các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp, giúp
chẩn đoán sớm tình trạng nghe kém, từ đó đề
xuất các can thiệp nhằm nâng cao chất lượng
sống cho bệnh nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cruickshanks KJ, Wiley TL, Tweed TS, Klein BE, Klein R,
Mares-Perlman JA (1998). "Prevalence of hearing loss in older
adults in Beaver Dam, Wisconsin". The Epidemiology of Hearing
Loss Study. Am J Epidemiol, 148(9):879-886.
2. Demeester K, Van Wieringen A, Hendrickx JJ, Topsakal V,
Fransen E, Van Laer L (2009) "Audiometric shape and
presbycusis". Int J Audiol, 48(4):222-232.
3. Kumar MM (2017). "An Analysis of Impedance Audiometry in
Geriatric Patients with Hearing Loss - A Hospital-based Study".
International Journal of Scientific Study, 5(9):78-82.
4. Nguyễn Thành Tuấn (2014). Khảo sát tình hình giảm thính lực ở
người cao tuổi. Luận văn Thạc sĩ y học, Đại học Y Dược TP. Hồ
Chí Minh, pp.41-75.
5. Ohlemiller KK (2004) "Age-related hearing loss: the status of
Schuknecht's typology". Current Opinion in Otolaryngology &
Head and Neck surgery, 12 (5): 439-443.
6. Quỹ dân số liên hiệp quốc (2009). Người khuyết tật Việt Nam,
Một số kết quả chủ yếu từ tổng điều tra dân số và nhà ở Việt
Nam năm 2009. UNFPA, pp.16-17.
7. Sogebi OA (2015). "Middle ear impedance studies in elderly
patients implications on age-related hearing loss". Braz J
Otorhinolaryngol, 81(2):133-140.
8. Sogebi OA, et al (2014). "Clinical and audiometric features of
presbycusis in Nigerians". African Health Sciences, 13(4):886-892.
9. Sprinzl G, Riechelmann H (2010). "Current trends in treating
hearing loss in elderly people: a review of the technology and
treatment options–a mini-review". Gerontology, 56(3): 351-358.
10. Trần Thị Bích Liên, et al (2012). "Khảo sát lão thính ở người trên
50 tuổi có nghe kém". Y học TP Hồ Chí Minh, 16(1):261-266.
11. Trần Thị Kim Ngân (2017). Khảo sát sức nghe ở người bình
thường trên 40 tuổi tại khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Trưng
Vương từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2017. Hội nghị khoa học kỹ
thuật lần thứ 35, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Ngày nhận bài báo: 15/08/2019
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 31/08/2019
Ngày bài báo được đăng: 15/10/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- dac_diem_lam_sang_thinh_luc_va_cac_yeu_to_lien_quan_o_7466_2212151.pdf