Đặc điểm của những đơn vị ngôn ngữ định danh cao ốc ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (giai đoạn 2008- 2015) - Lương Thị Hiền

Tài liệu Đặc điểm của những đơn vị ngôn ngữ định danh cao ốc ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (giai đoạn 2008- 2015) - Lương Thị Hiền: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0052 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 3-10 This paper is available online at ĐẶC ĐIỂM CỦA NHỮNG ĐƠN VỊ NGÔN NGỮ ĐỊNH DANH CAO ỐC Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ HÀ NỘI (GIAI ĐOẠN 2008- 2015) Lương Thị Hiền Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Vấn đề định danh cao ốc ở thành phố là một vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển đô thị và là một vấn đề quan trọng cần giải quyết đáp ứng nhu cầu của thị trường ngôn ngữ. Những đơn vị ngôn ngữ định danh có nguồn gốc thuần Việt hoặc vay mượn được sử dụng theo kiểu thuần chất hoặc pha trộn. Cấu trúc một phức hợp định danh đầy đủ bao gồm yếu tố chỉ loại và yếu tố phân loại. Mối quan hệ ngữ nghĩa giữa đơn vị ngôn ngữ định danh và khách thể định danh có thể có lí do chủ quan hoặc khách quan; liên quan chặt chẽ đến những khía cạnh khác nhau về tâm lí xã hội, đạo đức, tinh thần, nghệ thuật, sinh thái... trong tư duy và tri nhận của cộng đồng. Hướng nghiên c...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 464 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đặc điểm của những đơn vị ngôn ngữ định danh cao ốc ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (giai đoạn 2008- 2015) - Lương Thị Hiền, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0052 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 3-10 This paper is available online at ĐẶC ĐIỂM CỦA NHỮNG ĐƠN VỊ NGÔN NGỮ ĐỊNH DANH CAO ỐC Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ HÀ NỘI (GIAI ĐOẠN 2008- 2015) Lương Thị Hiền Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Vấn đề định danh cao ốc ở thành phố là một vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển đô thị và là một vấn đề quan trọng cần giải quyết đáp ứng nhu cầu của thị trường ngôn ngữ. Những đơn vị ngôn ngữ định danh có nguồn gốc thuần Việt hoặc vay mượn được sử dụng theo kiểu thuần chất hoặc pha trộn. Cấu trúc một phức hợp định danh đầy đủ bao gồm yếu tố chỉ loại và yếu tố phân loại. Mối quan hệ ngữ nghĩa giữa đơn vị ngôn ngữ định danh và khách thể định danh có thể có lí do chủ quan hoặc khách quan; liên quan chặt chẽ đến những khía cạnh khác nhau về tâm lí xã hội, đạo đức, tinh thần, nghệ thuật, sinh thái... trong tư duy và tri nhận của cộng đồng. Hướng nghiên cứu này giúp cho việc đề xuất những tên gọi cao ốc hợp lí trong không gian đô thị, nâng cao nhận thức về vai trò định hướng giá trị văn hóa cộng đồng của các doanh nghiệp địa ốc. Từ khóa: Định danh cao ốc, biểu thức ngôn ngữ định danh, phương thức định danh khách quan, phương thức định danh chủ quan, giá trị văn hóa cộng đồng. 1. Mở đầu Những vấn đề lí luận định danh nói chung đã được ít nhiều đề cập đến trong những công trình nghiên cứu về Từ vựng - ngữ nghĩa hoặc Ngôn ngữ học xã hội, tiêu biểu như công trình của Đỗ Hữu Châu [1], Nguyễn Văn Khang [3], Nguyễn Đức Tồn [4]. Song khi tìm hiểu những phạm vi định danh cụ thể, các nhà ngôn ngữ học chủ yếu quan tâm đến những biểu thức định danh có tính văn hóa- lịch sử lâu đời, chẳng hạn như công trình của Lê Trung Hoa [2], Nguyễn Thị Việt Thanh [4]. Vấn đề định danh cao ốc là hiện tượng ngôn ngữ mới phát sinh trong quá trình phát triển đô thị nhưng lại là một vấn đề quan trọng cần giải quyết, đáp ứng nhu cầu của thị trường ngôn ngữ. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 589 biểu thức ngôn ngữ định danh (BTNNĐD) cao ốc bao gồm cao ốc chung cư, cao ốc văn phòng và cao ốc phức hợp có chiều cao từ 9 tầng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng từ năm 2008 đến đầu năm 2015. Những BTNNĐD này là tên thương mại được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các website quảng cáo; được bố trí ở một vị trí nhất định của tòa nhà như cổng chào, tầng cao nhất, cửa ra vào... và được các cư dân sử dụng để giao dịch dân sự, hành chính. Bài viết xem xét ba khía cạnh chủ yếu của những BTNNĐD cao ốc bao gồm nguồn gốc, cấu tạo và ngữ nghĩa; ngõ hầu cung cấp một cái nhìn bao quát về đặc điểm cơ bản của BTNNĐD, Ngày nhận bài: 15/1/2015 Ngày nhận đăng: 10/5/2016 Liên hệ: Lương Thị Hiền, e-mail: luonghien82@gmai.com 3 Lương Thị Hiền cũng như cung cấp một số cứ liệu gợi ý cho việc quy hoạch ngôn ngữ, đặt tên những công trình cao ốc mới đang tiếp tục xuất hiện trong tương lai. Người đọc cũng có thể tìm thấy những luận cứ khoa học hình thành một thái độ ngôn ngữ hợp lí đối với hiện tượng ngôn ngữ này. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Về cấu tạo biểu thức ngôn ngữ định danh Giống như những BTNNĐD đơn vị hành chính phổ biến, cấu trúc một phức thể định danh cao ốc thường bao gồm hai bộ phận: thành tố chung A (yếu tố chỉ loại) và thành tố riêng B (yếu tố phân loại). Thành tố chung A được đảm nhiệm bởi một danh từ chung hoặc một ngữ danh từ có chức năng quy loại một lớp đối tượng, đi kèm và đứng trước tên riêng. Số lượng danh từ hoặc ngữ danh từ làm thành tố chung không nhiều, gồm hai loại: a) những từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với “cao ốc” như như cao ốc, tòa nhà, tòa, chung cư... và thành tố chung này nằm trong cấu trúc “chung cư/tòa nhà/tòa/nhà/cao ốc X” có vai trò ngữ nghĩa tương đương nhau; b) những cụm danh từ phân loại theo chức năng sử dụng của cao ốc: trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, cao ốc căn hộ, khu phức hợp... Thành tố riêng B do tên riêng đảm nhiệm, có chức năng khu biệt, định danh đối tượng một cách rõ ràng, hoặc cũng có khi giới hạn những tính chất, đặc điểm của tòa nhà: (chung cư) Thế hệ mới, (chung cư) Spring Court, (cao ốc căn hộ) HBT Court... Tư liệu khảo sát cho thấy thành tố B - tên riêng - được cấu tạo từ những loại tín hiệu có nguồn gốc khá phức tạp, cụ thể như sau: a) Tên riêng là từ: (chung cư) Hoàng Thành Tower, (chung cư) Sailing Tower, chung cư FLC Group Landmark...; b) Tên riêng là số: (chung cư) 203, (chung cư) 789...; c) Tên riêng gồm từ và chữ số: (cao ốc) 123 Building, (chung cư) 203 Nguyễn Trãi...; d) Tên riêng gồm từ và những chữ cái Latinh - vốn là tên giao dịch thương mại viết tắt của công ti hoặc doanh nghiệp là chủ đầu tư hoặc đặt trụ sở ở cao ốc: (tòa nhà) PVV Tower, (tòa nhà) HSC Buiding, (tòa nhà) BMC Bến Chương Dương...; e) Tên riêng gồm kí tự chữ cái La tinh và chữ số: (chung cư) H1, (chung cư) HH3, (chung cư) NO5, (chung cư) Cienco 6... Mô hình tổng quát của BTNNĐD cao ốc có thể được khái quát như sau: Bảng 1. Mô hình tổng quát của biểu thức ngôn ngữ định danh cao ốc Yếu tố chỉ loại (A) Tên riêng (B) Từ (B1) Kí tự chữ số (B2) Kí tự chữ số (B3) Một điểm đáng lưu ý, nhiều trường hợp, thành phần B là tổ hợp từ tiếng Anh nằm trong BTNNĐD cao ốc cũng chứa yếu tố chỉ loại, chẳng hạn như: BIDV tower, Saigon Plaza, Avalon Saigon Apartment, New Pearl Residence, U- Garden Complex, Era Town, Pandora City, Mayfair Suites... Xem xét ví dụ sau: Phức thể định danh này mang tính chất quy loại hai bậc: Ở bậc một, đơn vị định danh này gồm thành tố chung A “chung cư” và thành tố B “Lancaster Nguyễn Trãi Tower”. Ở bậc hai, thành tố B - tên riêng cũng bao hàm yếu tố chỉ loại “tower” (tòa tháp) và yếu tố phân loại “Lancaster”, “Nguyễn Trãi”. Thành tố chung nằm trong tên riêng tiếng Anh này thường được 4 Đặc điểm của những đơn vị ngôn ngữ định danh cao ốc ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội... quy loại theo những tiêu chí “muôn hình muôn vẻ” như mục đích sử dụng của cao ốc (residences, appartment, office...), mức độ xa hoa tráng lệ trong trang trí nội thất, thiết kế, và quy mô (court, suites, palace...), kiểu kiến trúc cao ốc (tower) hoặc kiểu không gian dân sinh cả vật thể lẫn tinh thần (town, city, garden, hill, valley, square, plaza...)... Trong những tổ hợp cấu trúc “A (tòa nhà/cao ốc/tòa...) + B (gồm: tên riêng bậc hai + building) như tòa nhà Peridot Building, tòa Mỹ Thịnh Building,... việc quy loại thậm chí có thể trùng lặp: bậc 1 “tòa nhà” cũng đã có ý nghĩa chỉ “công trình xây dựng”, bậc 2 “building” lặp lại nét nghĩa “công trình xây dựng”. Việc thành tố tên riêng có chứa thành tố thứ cấp quy loại sự vật đa dạng và phong phú như vậy (trong khi cả biểu thức ngôn ngữ định danh cao ốc đã có một thành tố chung A như đã nói ở trên) phản ánh một thực tế là ở các đô thị Việt Nam vẫn chưa có một tiêu chuẩn chung để đánh giá, phân loại, xếp hạng các công trình cao ốc. Hệ quả quả là các công trình cao tầng thường được gọi chung chung là tòa nhà, tòa, cao ốc... và được tiếp tục quy loại thứ cấp theo định giá đậm tính chủ quan của những người sáng lập. Quy loại vốn là một nhu cầu rất tự nhiên của người sử dụng ngôn ngữ, vừa để nhận diện khu biệt các đối tượng chính xác hơn, vừa bổ sung những nghĩa liên hội về đối tượng. Song hiện tượng thiếu những từ ngữ phân loại cao ốc một cách thống nhất trong tiếng Việt hiện nay là một vấn đề cần được giải quyết sớm, nhằm xác lập một thị trường ngôn ngữ cho việc tạo ra những tiêu chuẩn thống nhất giữa định danh và đối tượng thực tế. 2.2. Nguồn gốc thành tố cấu thành biểu thức ngôn ngữ định danh Nguồn gốc, xuất xứ của những thành tố cấu thành BTNNĐD có thể tiết lộ những thông tin về tri thức, tâm lí, thị hiếu... của những người đặt tên địa danh và người sống trong không gian địa lí đó. Qua tư liệu khảo sát, có thể thấy nếu như thành tố A - yếu tố chỉ loại chủ yếu được cấu thành từ những đơn vị tiếng Việt (kể cả Hán Việt) như chung cư, tòa, cao ốc... thì thành tố B- yếu tố tên riêng được cấu tạo từ những đơn vị khá đa dạng về nguồn gốc và xuất xứ. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ quan tâm đến những đơn vị có tính hai mặt âm - nghĩa mà chưa có điều kiện khảo sát những kí tự chữ và số. Cụ thể tên riêng phân thành bốn nhóm theo nguồn gốc xuất xứ: a) Nhóm 1: Tên riêng là từ tiếng Việt: (chung cư) Chánh Hưng, (chung cư) Mỹ Phước,... trong đó có những tổ hợp từ Hán Việt: (chung cư) An Sinh, (chung cư) An Lạc, (chung cư) Thiên Lộc...; b) Nhóm 2: Tên riêng là từ hoặc ngữ tiếng Anh: The Headquarters, The Garden, The Era Town, Golden Palace, Richland Southern...; c) Nhóm 3: Tên riêng kết hợp cả tiếng Việt và tiếng Anh: (chung cư) Hòa Bình Green Tower, (chung cư) Chương Dương Golden Land... d) Nhóm 4: Tên riêng kết hợp từ có nguồn gốc từ những ngôn ngữ khác như tiếng Pháp: Le Meridien Sài Gòn, D’.Palais de Louis, Maison Pasteur...; tiếng Anh và La tinh: Splendora là kết hợp của “Splendid” nghĩa là “tươi sáng” trong tiếng Anh với “ora” nghĩa là “vàng” trong tiếng La tinh, chuỗi tên cao ốc Andante, Beat, Canon, Due... thuộc khu đô thị Spark - quận Hà Đông, Hà Nội cũng có nguồn gốc từ những từ La tinh sử dụng phổ biến trong âm nhạc; tiếng Hy Lạp: Helios trong tên riêng Helios Tower với ý nghĩa “mặt trời” có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp, mặt trời được nhân cách hóa thành Helios ( ); tiếng Tây Ban Nha: La Casa là có ý nghĩa “ngôi nhà”... Bảng 2. Kết quả thống kê số lượng và tỉ lệ xuất hiện của các kiểu loại Nhóm Nguồn gốc, xuất xứ của thành tố trong tên riêng Số lượng Tỉ lệ (%) Nhóm 1 Từ ngữ tiếng Việt 118 20.03 Nhóm 2 Từ ngữ tiếng Anh 335 56.88 Nhóm 3 Từ ngữ gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh 113 19.19 Nhóm 4 Từ ngữ kết hợp ngoại ngữ khác tiếng Việt và tiếng Anh 23 3.9 Tổng số 589 100 5 Lương Thị Hiền Với những số liệu khảo sát thu được, có thể thấy những đơn vị định danh có yếu tố nguồn gốc ngoại ngữ chiếm tỉ lệ 79,97% (471/589 BTNNĐD); vượt trội so với tên riêng thuần Việt ngữ 20,03% (118/589 BTNNĐD). Các tên gọi có yếu tố ngoại ngữ đa dạng về nguồn gốc này phản ánh trạng thái giao lưu về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, nghệ thuật... giữa Việt Nam và các nước khác hiện nay. Số lượng người ở các đô thị biết ngoại ngữ và sử dụng làm công cụ làm việc ngày càng nhiều. Thế giới đã trở thành ngôi nhà chung và người Việt ở các đô thị đã chấp nhận sự hiện diện của ngoại ngữ trong đời sống như một phần tất yếu. Đáng chú ý là tỉ lệ sử dụng của nhóm 2 với 56,88% (335/589 BTNNĐD) và nhóm 3 với 19,19 % (113/589 BTNNĐD). Trong các nhóm đơn vị định danh có yếu tố gốc ngoại ngữ thì vai trò nổi trội gần như tuyệt đối thuộc về yếu tố Anh ngữ. Là phương tiện giao tiếp chung của nhân loại, các thành tố nguồn gốc tiếng Anh trở thành sự lựa chọn số một khi người ta tìm kiếm chất liệu cho việc đặt tên. Sự lai tạp ngôn ngữ (language hybrid) trong đặt tên gọi cao ốc đã hình thành dưới ảnh hưởng của nhiều nhân tố xã hội và trở thành một trào lưu sôi động, rộng khắp ở cả hai đô thị - thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Xét dưới góc độ ngôn ngữ học xã hội, hiện tượng phổ biến này phản ánh thái độ ngôn ngữ của cả chủ thể sáng tạo lẫn người tiếp nhận. Những nhà sáng lập tên gọi biết rõ những công dân trong cao ốc muốn gì: cảm giác hội nhập quốc tế, tâm lí chuộng hình thức, sự năng động, sự yêu thích với cái mới... Họ cũng giả định rằng một bộ phận không nhỏ trong số đó là những người đa ngữ, ít nhiều có trộn mã ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) trong giao tiếp tiếng Việt. Đối tượng còn lại- những công dân không hoặc chưa biết ngoại ngữ - cũng muốn “tự nâng hạng”, gia nhập vào nhóm xã hội gồm những trí thức quen với việc sử dụng các từ và cụm từ từ ngôn ngữ khác. Do đó, để thu hút sự chú ý của người mua bất động sản, cách thức hữu hiệu của nhà sáng lập đơn vị định danh là cố gắng xây dựng những BTNNĐD có chứa từ ngoại lai; mang đến cho khách hàng niềm tin về uy tín, cảm giác “mốt” hơn, “sang trọng” hơn, “phong cách” hơn, “sành điệu” hơn. Bức tranh BTNNĐD cao ốc đa màu sắc về ngôn ngữ là hệ quả của xu thế tất yếu của thời đại hòa nhập và hội nhập. 2.3. Cơ sở định danh 2.3.1. Phương thức định danh Xét phương thức tạo ra BTNNĐD dựa trên những yếu tố sẵn có trong ngôn ngữ, các nhà địa danh học thường phân chia hai loại, đó là: phương thức cấu tạo từ và phương thức chuyển nghĩa (dựa trên cơ chế ẩn dụ hoặc hoán dụ). Tư liệu khảo sát của chúng tôi một lần nữa khẳng định hai phương thức định danh này. Trước hết, những BTNNĐD cao ốc có thể được tạo ra bằng phương thức cấu tạo mới dựa vào đặc điểm, trạng thái, tính chất của chính đối tượng hoặc dựa vào sự vật hiện tượng có liên quan chặt chẽ đến đối tượng. Bên cạnh đó, những BTNNĐD cao ốc cũng được tạo ra bằng phương thức chuyển hóa, đa số là hoán dụ - lấy địa danh hành chính chuyển hóa thành tên riêng của cao ốc - dựa trên mối quan hệ logic giữa tổng thể và bộ phận địa lí. Xét từ mối quan hệ giữa BTNNĐD với đối tượng được định danh trong thực tế, Nguyễn Đức Tồn cho rằng cách thức lựa chọn những đặc trưng của khách thể để làm cái khu biệt, tức làm cơ sở để định danh bao gồm “chọn đặc trưng căn bản của nó”, hoặc “chỉ có tính chất kĩ thuật ngôn ngữ thuần túy”, hoặc “bao gồm sự thống nhất của cả hai cực đó” [5;165]. Trong bài viết này, dựa trên việc lựa chọn đặc trưng định danh mang tính chủ quan hay khách quan, chúng tôi phân chia thành hai loại phương thức định danh gồm phương thức định danh chủ quan và phương thức định danh khách quan. Sau đây, chúng tôi lần lượt xem xét từng loại phương thức định danh cụ thể thông qua việc xem xét thành phần tên tiêng của các biểu thức ngôn ngữ định danh cao ốc. 6 Đặc điểm của những đơn vị ngôn ngữ định danh cao ốc ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội... 2.3.2. Phương thức định danh khách quan qua tên riêng của cao ốc Phương thức định danh khách quan dựa vào một hoặc một vài đặc điểm, trạng thái, tính chất... của tòa cao ốc hoặc dựa vào sự vật hiện tượng có liên quan đến tòa cao ốc đó. Sau đây là danh sách các dấu hiệu đặc trưng khu biệt hay “bộ lí do” làm cơ sở để gọi tên riêng. Một tên riêng có thể kết hợp một hoặc một vài đặc trưng được kể dưới đây: (1) Tên riêng được gọi theo kiểu dáng kiến trúc của tòa nhà. Ví dụ: (chung cư) Sail Tower (Hà Nội) có thiết kế hình cánh buồm nhìn ra sông Nhuệ; (chung cư) Sailing Tower (thành phố Hồ Chí Minh) có một mặt đứng cong nổi bật quay ra góc phố mang biểu tượng cánh buồm, một mặt quay ra khoảng lùi rộng rãi dưới sân; (chung cư) U-silk City (Hà Nội) nhìn từ trên cao xuống như hình một dải lụa, vắt dọc theo tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài... (2) Tên riêng được gọi theo mục đích hoặc chức năng của cao ốc. Ví dụ: (chung cư) May Apartments, (chung cư) Veronica Apartments, (chung cư) An Lạc Residences, (chung cư) Savico Residences... có mục đích để ở; (tòa nhà) Loyal Office Building, (tòa nhà) Central Park Office... có mục đích để làm văn phòng; (tòa nhà) Indochina Plaza, (tòa nhà) Saigon Plaza, (tòa nhà) The Era Royal Plaza... có mục đích vừa để ở, vừa để làm trung tâm thương mại... (3) Tên riêng được gọi theo vị trí của cao ốc so với những đối tượng khác trong không gian. Đặc trưng vị trí của cao ốc so với những đối tượng khác trong không gian, chẳng hạn như địa thế khu đất của chung cư đó ở khu vực nào, dựa lưng vào đâu, nhìn ra đâu... đặc biệt quan trọng đối với người Việt. Tên gọi cao ốc thường dựa vào hai cơ sở định vị. Cơ sở thứ nhất là vị trí cao ốc so với những không gian mở, thoáng đãng, trong lành, dễ dàng đón gió, đón sinh khí của trời đất. Tầm nhìn hướng nhìn về những không gian như hồ đầm, công viên, sông núi... Ví dụ: Tên những tòa nhà Lake Site Tower, River View, Compass Living Park View, Riviera Point, Harbour View Tower, Lotus Lake View... dễ tạo cảm giác thoải mái thư thái cho những người quan tâm đến yếu tố phong thủy. Cơ sở thứ hai là vị trí cao ốc so với những địa danh hành chính cụ thể (đường phố, phường quận...). Trường hợp này lại chia thành ba loại: a) Đặt tên chính xác địa điểm theo số nhà: (chung cư) 250 Minh Khai, (tổ hợp trung tâm thương mại và căn hộ) 139 Cầu Giấy, (chung cư) 136 Hồ Tùng Mậu... b) Đặt tên theo đường phố mà đối tượng trực tiếp tọa lạc: (chung cư) Lý Thường Kiệt, (chung cư) Ngô Quyền, (chung cư) Sư Vạn Hạnh, (chung cư) Ngô Quyền, (chung cư) Phan Văn Trị, (chung cư) Đặng Văn Ngữ... Với loại (b) này, quy trình định danh đã diễn tiến theo hai bước: Từ tên nhân danh chuyển thành tên địa danh hành chính; và tiếp tục từ tên địa danh hành chính chuyển thành tên riêng của cao ốc; c) Đặt tên theo khu vực hành chính mà đối tượng thuộc quyền quản lí hành chính: (chung cư) Văn Phú thuộc phường Văn Phú, (chung cư) Trung Văn thuộc phường Trung Văn... (4) Tên riêng được gọi theo tên những sự vật nằm trong quần thể kiến trúc chung, mà trong đó cao ốc là một thành tố. Ví dụ: (chung cư) Rừng Cọ thuộc khu đô thị Ecopark (Hà Nội) nằm trong một không gian trồng cây cọ như một khu rừng cọ thu nhỏ. (5) Tên riêng được gọi theo tên công ti hoặc doanh nghiệp làm chủ đầu tư, sở hữu hoặc đặt văn phòng tại cao ốc. Ví dụ: (chung cư) Hoàng Anh Gia Lai, (cao ốc) Đất Phương Nam, (chung cư) Vinhomes, (chung cư) FLC Group... được đặt theo tên thương mại của công ti làm chủ đầu tư. (6) Tên riêng được gọi theo tên của tổ chức cơ quan nhà nước đã hỗ trợ kinh phí xây dựng. Ví dụ: (chung cư) Viện chiến lược, (cao ốc) Viện Á châu... được gọi theo tên đơn vị nhà nước - nơi đã cấp kinh phí hỗ trợ công trình xây dựng. 7 Lương Thị Hiền 2.4. Phương thức định danh chủ quan qua tên riêng của cao ốc Phương thức định danh chủ quan không dựa vào những đặc trưng của cao ốc mà dựa vào chính những ý tưởng phong phú, sáng tạo không giới hạn của nhà sáng lập. Tên gọi được lựa chọn mang tính chất kĩ thuật, dựa trên một số nguyên lí cơ bản sau đây: (1) Tên riêng được gọi theo những giá trị sống mà nhà sáng lập nghĩ rằng những cư dân sống hoặc làm việc trong cao ốc muốn có. Những tên gọi được sáng tạo ra đáp ứng những mong muốn, nguyện vọng đó. Những giá trị sống mang đậm tinh thần nhân văn khá phong phú, chẳng hạn như: vị trí số một - vị trí cao nhất trong các bảng xếp hạng: (chung cư) Thăng Long Number one, (chung cư) The One Residences...; xếp hạng đẳng cấp thượng lưu, địa vị cao trong xã hội: (chung cư) Royal City, (chung cư) The Castle, (chung cư) Imperial House, (chung cư) Huyndai Hillstate...; sự giàu có, xa hoa về vật chất: (tòa nhà) Bến Thành Luxury, (tòa nhà) Diamon Flower Tower, (chung cư) Golden Palace, (chung cư) Golden West, (chung cư) Goldmark City, (chung cư) Golden Land...; sự mới mẻ, hiện đại: (chung cư) New Generation, (chung cư) New Skyline...; sự gắn kết hài hòa các mối quan hệ của con người: (chung cư) The link, (chung cư) The Harmona...; ước mơ vượt lên thực tế: (chung cư) Dream Town, (chung cư) Dream House...; sự bình an, phú quý, tài lộc: An Khang, Khang Gia, Thiên Lộc, Tân Phú, Gia Phúc... (2) Tên riêng được gọi theo những hình ảnh, không gian biểu tượng cho vẻ đẹp toàn mĩ trong cuộc sống và tự nhiên. Hệ biểu tượng này không xa lạ mà gắn bó mật thiết nhất đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam. Chẳng hạn: những hiện tượng tự nhiên đẹp và lãng mạn như tên riêng của các cao ốc: Skyline, Horizon, Green Star, Sun, Moon Garden, Sunrise, Blue Sea Building,... đặc biệt nhiều tên riêng có chứa yếu tố từ vựng với nghĩa “ánh sáng”: The Light, The Spark, The Splendor, Splendora, The Skylinght, The Central Light... Tên riêng cũng được gọi theo những không gian địa lí tự nhiên thoáng đãng, yên bình: Dragon Hill, River Valey... hoặc những không gian nhân tạo nhưng hướng đến tự nhiên như tên các cao ốc có chứa từ garden (vườn): Madarin Garden, Saigon Sky Garden, City Garden, Lotus Garden, Riverside Garden... Tên riêng còn được đặt theo tên những loại cây hoa đẹp và ý nghĩa như: (chung cư) Lotus, (chung cư) Hoa hướng dương, (chung cư) Cây Mai... Và tên riêng cũng được gọi theo tên con vật biểu trưng cho sự cao quý: (tòa nhà) Viet Dragon... Xét trên tổng thể, có thể thấy các BTNNĐD cao ốc văn phòng thường dựa trên phương thức định danh khách quan, còn BTNNĐD thường dựa theo phương thức định danh chủ quan. Do đó, tên riêng của các cao ốc nhà ở có phần mềm mại và lãng mạng hơn; trong khi tên riêng của các cao ốc văn phòng thường có mối quan hệ trực tiếp với thương hiệu của chủ đầu tư. 2.5. Biểu thức ngôn ngữ định danh cao ốc Việt Nam trong mối quan hệ với các giá trị văn hóa cộng đồng 2.5.1. Giá trị văn hóa cộng đồng gắn với hệ thống biểu thức ngôn ngữ định danh cao ốc Qua những cơ sở định danh cả theo phương thức chủ quan và khách quan, có thể nhận thấy những giá trị văn hóa hiện đại nổi trội, những khía cạnh khác nhau của tâm lí xã hội, đạo đức và tinh thần, nghệ thuật và sinh thái... mà cộng đồng hướng đến trong tư duy và tri nhận. Một là, những đơn vị định danh có xu hướng gắn với tên gọi của những không gian công cộng mang tính nhân văn, những không gian mở cho sự kết nối con người với con người, biểu hiện qua những danh từ chung thường xuyên lặp lại như: square (quảng trường), park (công viên), city (thành phố), town (thị trấn)... Trong một xã hội đô thị ngày càng chuyên môn hóa cao độ với những quan hệ phi cá nhân, những cư dân nơi đây đứng trước nguy cơ lạnh lẽo và vô cảm, những nhà sáng lập tên gọi đã nhận thấy một nhu cầu là cần phải làm sao cho quan hệ cộng đồng gần gũi 8 Đặc điểm của những đơn vị ngôn ngữ định danh cao ốc ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội... và thân thiện hơn. Việc gán cho cao ốc một cái tên biểu hiện không gian mở ít nhiều dự phần vào việc biến không gian cơ học của cao ốc thành nơi giao tiếp công cộng mang ý nghĩa văn hóa. Hai là, những đơn vị định danh cũng gắn với khát vọng hướng đến một cuộc sống hiện đại, văn minh, nơi mỗi người đều được phát triển cá nhân trong sự hòa nhập với những giá trị chung. Những cơ sở định danh mang tính chủ quan cho thấy nhiều mong muốn, ý nguyện chính đáng của con người như khẳng định đẳng cấp thượng lưu, sống hài hòa với tự nhiên, giàu có về vật chất và hài hòa về tinh thần... Chẳng hạn, những tên riêng tiếng Việt sử dụng những từ Hán - Việt thường được đặt theo ước muốn an khang thịnh vượng, phú quý tài lộc như tên gọi của các chung cư: An Sinh, An Lạc, An Bình, An Lộc, An Phú, An Khang, Khang Gia, Thiên Lộc, Tân Phú, Gia Phúc... Ba là, những tên gọi của cao ốc thường có xu hướng đưa con người đến gần với thiên nhiên, với những biểu tượng địa lí như garden (vườn), hill (đồi), valley (thung lũng), river (sông)...; những hiện tượng thiên nhiên như sunrise (bình mình), sun (mặt trời), moon (mặt trăng), star (sao)... Gắn kết con người và thiên nhiên vốn là một triết lí sống trong văn hóa Việt. Nhưng làm sao có thể gắn kết khi mà mỗi cao ốc là một hệ thống kiến trúc cứng được chia nhỏ bằng các vách ngăn bê-tông, xi-măng, kính ngăn theo các nguyên tắc của hình học? Sự ảm đạm của các tổ hợp kiến trúc trong lòng đô thị và những không gian sống cá nhân hạn chế, xa lạ với tâm thức con người đã được mềm hóa bởi những BTNNĐD gợi liên tưởng về thiên nhiên, cội nguồn nguyên thủy của đời sống. Trong BTNNĐD (chung cư) Sunflower (Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh), biểu tượng “hoa hướng dương” gợi lên những cảm xúc tích cực, ánh nắng mặt trời và một tâm trạng lạc quan vào mùa hè. Như vậy, những BTNNĐD cao ốc có tác dụng tích cực về mặt tâm lí trong việc làm “mềm” một hệ thống đô thị cứng. Như vậy, nghiên cứu hệ thống BTNNĐD cao ốc có thể giúp bước đầu hình thành một hệ giá trị văn hóa cộng đồng và một hệ thang đo mới về đô thị nhân văn - nơi con nguời sống trong một môi trường thân thiện, hài hòa và giàu cảm xúc. 2.5.2. Vai trò của doanh nghiệp xây dựng trong việc kiến tạo văn hóa cộng đồng BTNNĐD cao ốc là sản phẩm của các doanh nghiệp địa ốc, công ti truyền thông quảng cáo... dựa trên những nghiên cứu tâm lí, thị hiếu cộng đồng kĩ lưỡng, nhằm mục đích cuối cùng là bán hoặc cho thuê được sản phẩm bất động sản. Ý tưởng, mục tiêu của những người sáng lập được thể hiện trong mỗi BTNNĐD một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Thậm chí, các tòa cao ốc có thể được đổi tên cho đến khi phù hợp ý tưởng, mục tiêu của họ, đạt mục đích thương mại đã đề ra. Mỗi một cái tên là sản phẩm của một nhóm người, một tổ chức nhưng sức lan tỏa của những cái tên đó đến cộng đồng lại rất lớn. Một khi chọn được đúng tên cho cao ốc, gợi lên đúng hình ảnh ngôi nhà hoặc văn phòng mơ ước của người mua (người thuê), công trình xây dựng đó sẽ có tính hấp dẫn cao. Hiện nay, quy định về việc đặt tên cao ốc đã được mang ra thảo luận trên các cơ quan báo chí nhưng chưa được “luật hóa” trong Luật nhà ở. Nhiều cuộc tranh cãi đã nảy sinh xung quanh vấn đề lựa chọn thành tố với nguồn gốc như thế nào để xây dựng những BTNNĐD? Hiện trạng tên “ngoại” lấn át tên “nội”, tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh) lấn át tiếng Việt trong hệ thống BTNNĐD là một thực tế không thể phủ nhận. Cuộc tranh luận giữa hai luồng quan điểm, hai thái độ trái chiều trước thực tế này dường như chưa có hồi kết. Một là quan điểm đặt tên dự án hoàn toàn bằng tiếng Việt xuất phát từ nỗi lo lai căng văn hóa, tổn thương lòng tự tôn dân tộc; hai là quan điểm chấp nhận sự phong phú về tên gọi để phù hợp với chính sách hội nhập, quốc tế hóa mà Việt Nam đang theo đuổi, tôn trọng thương hiệu toàn cầu của doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam, thỏa mãn tâm lí của người tiêu dùng. Nhìn chung, trước khi có một văn bản có tính thiết chế, các doanh nghiệp trước khi sáng lập tên gọi cho các cao ốc cần ý thức được vai trò quan trọng của mình trong việc kiến tạo những giá trị văn hóa cộng đồng và thiết lập mối quan hệ giữa những 9 Lương Thị Hiền giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. . . một cách tự nhiên, hài hòa. Bên cạnh đó, việc sử dụng những đơn vị ngôn ngữ có nguồn gốc Việt ngữ hay ngoại ngữ cũng cần phải được cân nhắc sao cho phù hợp đối tượng định danh, góp phần vào việc nâng cao lòng tự trọng, tự hào của dân tộc của những cư dân đô thị. Và điều quan trọng nhất là “y phục xứng kì đức”, chất lượng của những công trình cao ốc cũng cần phù hợp với những BTNNĐD sáng tạo, hội tụ tâm huyết của các nhà sáng lập. 3. Kết luận Xét về mặt cấu tạo, một phức hợp định danh cao ốc đầy đủ bao gồm yếu tố chỉ loại và một hoặc một số yếu tố phân loại. Các thành phần của BTNNĐD có nguồn gốc thuần Việt hoặc vay mượn được sử dụng theo kiểu thuần chất hoặc pha trộn ngôn ngữ, nhưng khuynh hướng vay mượn tiếng Anh vẫn nổi trội hơn cả. Mối quan hệ ngữ nghĩa giữa BTNNĐD và khách thể có thể có lí do chủ quan hoặc khách quan; liên quan chặt chẽ đến nền tảng văn hóa và tâm lí của cộng đồng. Hướng nghiên cứu này giúp những đối tượng hữu quan đề xuất những BTNNĐD phù hợp loại hình không gian đô thị, nâng cao nhận thức về vai trò của các doanh nghiệp trong việc xây dựng đô thị nhân văn, kiến tạo và củng cố những giá trị văn hóa cộng đồng. Khi cộng đồng chia sẻ những giá trị chung, những giá trị đó có thể được nhân bản và trở nên bền vững cùng năm tháng. Bởi vậy, việc nghiên cứu những BTNNĐD cao ốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng được các nhà ngôn ngữ và văn hóa học dành cho một sự quan tâm nhất định. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Hữu Châu, 1999. Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [2] Lê Trung Hoa, 1991. Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [3] Nguyễn Văn Khang, 2007. Từ ngoại lai tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [4] Nguyễn Thị Việt Thanh, 2012. Về địa danh Thăng Long - Hà Nội. Từ điển học và Bách khoa thư số 4, tr.47-54. [5] Nguyễn Đức Tồn, 2010. Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy. Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội. ABSTRACT Features of linguistic structures naming buildings in Ho Chi Minh city and Hanoi (period 2008- 2015) Nowadays, naming buildings is a new rising problem in the urbanization process. It is also the important problem which should be addressed to satisfy the requirements of the language market. The words which are used to name buildings are mostly pure Vietnamese words or loanwords, that are mixed or kept their originality. A full naming structure includes: Classifier element and Classified element. The reasons for the semantic relation between naming words and naming objects might be subjective or objective, which relate with psychosocial, morality, art, ecological condition . . . in thoughts and cognition of community. The research proposed some ways to give suitable names for buildings in urban space, to raise awareness about the role of real estate businesses in orienting communal culture and values. Keywords: Naming buildings, naming structure, objective naming method, subjective naming method, communal culture and values. 10

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4167_lthien_2252_2132819.pdf
Tài liệu liên quan