Đặc điểm bệnh nhân tim bẩm sinh nhập viện khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2

Tài liệu Đặc điểm bệnh nhân tim bẩm sinh nhập viện khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 307 ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN TIM BẨM SINH NHẬP VIỆN KHOA CẤP CỨU BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2 Hà Mạnh Tuấn*, Nguyễn Duy Quang** TÓM TẮT Mục tiêu: mô tả đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng, và tình hình phát hiện và xử trí trước nhập viện của bệnh nhân tim bẩm sinh nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả loạt ca tại Bệnh viện Nhi đồng 2 từ 01/6/2014 – 31/5/2015. Biến số chính: chẩn đoán TBS, dịch tễ, tiền căn khám thai, lâm sàng và cận lâm sàng, chẩn đoán và xử trí trước nhập viện. Thống kê mô tả bằng phần mềm SPSS 16.0 Kết quả: Có 135 trường hợp đủ tiêu chuẩn nghiên cứu; Nam chiếm 54%, nữ chiếm 46%; Tuổi trung bình là 5,7 ± 1,18 tháng. Lý do nhập viện theo thứ tự là sốt, ho (43%); thở mệt (37,8); tím tái (7,4%); sốc (3,7%). Bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu là viêm phổi (40,7%); kế đến là suy tim (17,8%); suy hô hấp không do viêm phổ...

pdf6 trang | Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 10/07/2023 | Lượt xem: 178 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đặc điểm bệnh nhân tim bẩm sinh nhập viện khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 307 ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN TIM BẨM SINH NHẬP VIỆN KHOA CẤP CỨU BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2 Hà Mạnh Tuấn*, Nguyễn Duy Quang** TÓM TẮT Mục tiêu: mô tả đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng, và tình hình phát hiện và xử trí trước nhập viện của bệnh nhân tim bẩm sinh nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả loạt ca tại Bệnh viện Nhi đồng 2 từ 01/6/2014 – 31/5/2015. Biến số chính: chẩn đoán TBS, dịch tễ, tiền căn khám thai, lâm sàng và cận lâm sàng, chẩn đoán và xử trí trước nhập viện. Thống kê mô tả bằng phần mềm SPSS 16.0 Kết quả: Có 135 trường hợp đủ tiêu chuẩn nghiên cứu; Nam chiếm 54%, nữ chiếm 46%; Tuổi trung bình là 5,7 ± 1,18 tháng. Lý do nhập viện theo thứ tự là sốt, ho (43%); thở mệt (37,8); tím tái (7,4%); sốc (3,7%). Bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu là viêm phổi (40,7%); kế đến là suy tim (17,8%); suy hô hấp không do viêm phổi (14,8%); cơn cao áp phổi (8,1%); cơn tím đơn thuần (7,4%); phù phổi (7,4%). Các loại tim bẩm sinh là thông liên thất 20,7%, kế đến là không lỗ van động mạch phổi 17,4%; chuyển vị đại động mạch 10,4%; kênh nhĩ thất 8,9%; thất phải hai đường ra 7,4%; tứ chứng Fallot 6,7%; còn ống động mạch 5,9%; thông liên nhĩ 3,0%. Thời điểm phát hiện trung bình là 1,5 ± 0,2 tháng; tỷ lệ phát hiện TBS ở tuyến trước là 41,6% trường hợp; tỷ lệ phát hiện qua chẩn đoán tiền sản là 19,6%; tỷ lệ chẩn đoán xác định trước nhập cấp cứu là 36,3%; can thiệp đặc hiệu bệnh tim trước nhập viện là 23,4%. Kết luận: Thời điểm phát hiện trung bình là 1,5 ± 0,2 tháng; tỷ lệ phát hiện TBS ở tuyến trước là 41,6%; tỷ lệ phát hiện qua chẩn đoán tiền sản là 19,6%; tỷ lệ chẩn đoán xác định trước nhập cấp cứu là 36,3%; can thiệp đặc hiệu trước nhập viện là 23,4%. Bệnh nhân bị TBS được phát hiện muộn và xử trí chưa phù hợp dẫn đến nhập viện trong tình trạng nặng, điều này có thể do khả năng phát hiện, xử trí của các tuyến và phối hợp giữa sản và nhi chưa tốt. Cần có nghiên cứu thêm để có giải pháp phù hợp nhằm cải thiện tiên lượng của bệnh TBS trẻ em. Từ khóa: tim bẩm sinh; cấp cứu nhi; chẩn đoán tiền sản ABSTRACT CHARACTERISTICS OF PATIENTS WITH CONGENITAL HEART DISEASES ADMITTED IN THE EMERGENCY DEPARTMENT OF CHILDREN’S HOSPITAL 2 Ha Manh Tuan, Nguyen Duy Quang * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement Vol. 22 - No 1- 2018: 307 - 312 Objective: To describe demographic, clinical, and laboratory characteristics of the patients with congenital heart diseases (CHD) admitted in the emergency department and the state of detection and management of them before admission. Methods: A descriptive study of case series was carried out in Children’s Hospital 2 from 01/6/2014 – 31/5/2015. Main variables were diagnosis, demographic, prenatal examination, clinical and laboratory findings, diagnosis and management before admission. A descriptive statistics was done with software SPSS 16.0. Results: There were 135 cases enrolled in the study; male accounted for 54%, female 46%; mean age were 5,7 ± 1,18 months. Chief complaints were fever, cough (43%); dyspnea (37,8%); cyanosis (7,4%); shock (3,7%). * Đại Học Y Dược TP.HCM ** BV Sản Nhi Cà Mau Tác giả liên lạc: TS. BS Hà Mạnh Tuấn , ĐT: 0903311709, Email: hamanhtuan@ump.edu.vn Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 308 Clinical presentation was pneumonia (40,7%); heart failure (17,8%); respiratory failure without pneumonia (14,8%); pulmonary arterial hypertension (8,1%); hypoxia spell (7,4%); pulmonary edema (7,4%). The types of congenital heart diseases were ventricular septum defect 20,7%, pulmonary atresia 17,4%; transposition of great arteries 10,4%; atrioventricular canal 8,9%; double outlet right ventricle 7,4%; tetralogy of Falot 6,7%; patent ductus arteriosus 5,9%; atrial septum defect 3,0%. Mean time of detection for CHD were 1,5 ± 0,2 months; the rate of detection in secondary health care centers were 41,6%; the rate of prenatal diagnosis was 19,6%; the rate of definitive diagnosis before admission in emergency department were 36,3%; the rate of specific intervention for CHD were 23,4%. Conclusion: Mean time of detection for CHD were 1,5 ± 0,2 months; the rate of detection in secondary health care centers were 41,6%; the rate of prenatal diagnosis was 19,6%; the rate of definitive diagnosis before admission in emergency department were 36,3%; the rate of specific intervention for CHD were 23,4%. The late detection and inappropriate management of patients with CHD have caused them to be admitted in severe condition. The reasons for this might be the low competency of detection, management of CHD in health care centers and the poor cooperation between the maternity department and pediatric department. Further study is needed to find out the good solution to improve the prognosis of CHD in children. Key words: congenital heart disease; pediatric emergency; prenatal diagnosis. ĐẶT VẤN ĐỀ Tim bẩm sinh (TBS) là một trong những dị tật bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ em với xuất độ 6 -13 / 1000 trẻ sinh sống. TBS là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em đặc biệt là lứa tuổi sơ sinh có thể lên đến 40% (1,2,5,7). Ngoài tử vong cao, TBS còn ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, tinh thần và sinh hoạt hàng ngày của trẻ nếu không được xử trí kịp thời. Với sự tiến bộ của y học nhiều bệnh nhi mắc bệnh TBS được can thiệp sớm và hiệu quả đã làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh TBS so với nhiều năm trước đây (6). Tiên lượng của bệnh TBS phụ thuộc nhiều vào khả năng phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Hiện nay đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân bị TBS đã được mô tả trong nhiều nghiên cứu (2,5,10,13), nhưng còn ít nghiên cứu về đặc điểm của bệnh nhân và lý do bệnh nhân TBS được xử trí không phù hợp phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm mô tả bệnh cảnh lâm sàng, xử trí trước nhập viện và các lý do của bệnh nhân bị TBS đến bệnh viện trong tình trạng cấp cứu để đề xuất các biện pháp góp phần cải thiện tiên lượng bệnh nhân bị TBS. Mục tiêu Nhằm: (1) mô tả các đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân bị TBS nhập viện trong tình trạng cấp cứu, và (2) mô tả đặc điểm về tình hình phát hiện và xử trí bệnh TBS trước nhập viện cấp cứu. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Thiết kế nghiên cứu Nghiên cứu mô tả tiền cứu. Đối tượng nghiên cứu Dân số chọn mẫu: Bệnh nhi bệnh TBS nhập Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 từ 01/6/2014 – 31/5/2015. Tiêu chí chọn mẫu: BN bị bệnh TBS được xác định chẩn đoán siêu âm tim Doppler màu do bác sĩ chuyên khoa tim mạch thực hiện. Tiêu chí loại trừ: 1. Tồn tại ống động mạch ở trẻ sanh non; 2. Thân nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu. Cỡ mẫu Lấy trọn mẫu từ 01/6/2014 – 31/5/2015. Thu thập số liệu Bệnh nhân đủ tiêu chuẩn nghiên cứu sẽ được thu thập dữ liệu bằng cách hỏi kỹ bệnh sử, lý do nhập viện, ghi nhận tình trạng bệnh, khám Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 309 lâm sàng và các kết quả xét nghiệm theo phiếu thu thập. Các bệnh nhân sẽ được xử trí theo đúng phác đồ của bệnh viện Nhi Đồng 2, được theo dõi đến khi ra khỏi khoa cấp cứu và được hoàn tất phiếu thu thập. Các biến số chính là chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, dịch tễ, tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện, dấu hiệu lâm sàng, và cận lâm sàng, chẩn đoán trước sanh, thời gian phát hiện bệnh, nơi phát hiện bệnh, chẩn đoán và xử trí trước nhập viện. Xử lý số liệu Các biến định tính, định danh sẽ trình bày theo tỷ lệ %; các biến định lượng được trình bày dưới dạng trung bình ± SD nếu là phân phối chuẩn, đối với biến phân phối không chuẩn sẽ mô tả trung vị và khoảng tứ phân vị. Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0. KẾT QUẢ Đặc điểm dịch tễ bệnh nhân nghiên cứu Có 135 ca đủ tiêu chuẩn được đưa vào nghiên cứu (Bảng 1). Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là gần tương đương nhau; tuổi trung bình là 5,7 ± 1,18 tháng (trung vị là 4 tháng). Bệnh nhân phần lớn đến từ các tỉnh (82,2%), và được chuyển viện (69,0%). Bảng 1. Đặc điểm dịch tễ của bệnh nhân Đặc điểm Số ca (n = 135) Tỷ lệ (%) Giới Nam 73 54,0 Nữ 62 46,0 Tuổi 5,74 ± 1,18 (tháng) Sơ sinh 58 42,9 1– 12 tháng 60 44,5 1 tuổi – 5 tuổi 14 10,4 >5 tuổi 3 2,2 Địa chỉ TP. Hồ Chí Minh 24 17,8 Tỉnh 111 82,2 Chuyển viện 93 69,0 Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng Lý do nhập viện theo thứ tự là sốt, ho (43%); thở mệt (37,8); tím tái (7,4%); sốc (3,7%); các lý do khác là: tiêu chảy (5 ca), bệnh lý ngoại khoa (6 ca). Bệnh cảnh lâm sàng khi nhập viện chủ yếu là viêm phổi (40,7%); kế đến là suy tim (17,8%); suy hô hấp không do viêm phổi (14,8%); cơn cao áp phổi (8,1%); cơn tím đơn thuần (7,4%); phù phổi (7,4%) (bảng 2). Có khoảng 30% trường hợp bệnh nhân nhập cấp cứu với nhiều hơn một bệnh cảnh lâm sàng, thường gặp nhất là viêm phổi phối hợp với suy tim chiếm tỷ lệ 14%. Tuổi trung vị nhập viện với bệnh cảnh viêm phổi là 4,2 tháng, cơn tím là 3 tháng, suy tim là 3,5 tháng, suy hô hấp là 0,4 tháng. Có 131 trường hợp được chụp X-quang tim phổi thẳng tại giường, có 86,3% trường hợp có ghi nhận bất thường, gồm có: bóng tim to là bất thường thường gặp nhất chiếm 53,4%, kế đến là tổn thương nhu mô phổi 40,5%, tăng tuần hoàn phổi 37,4%, và giảm tuần hoàn phổi 28,2% (Bảng 2). Khí trong máu được thực hiện 124 ca, 47,6% trường hợp có PaO2< 60 mmHg; 51,2% có PaCO2 45 mmHg. Loại tim bẩm sinh Bảng 2. Bệnh cảnh lâm sàng và cận lâm sàng Số ca (n = 135) Tỷ lệ (%) Lý do nhập viện Sốt, ho 58 43,0 Thở mệt 51 37,8 Tím tái 10 7,4 Sốc 5 3,7 Khác 11 8,1 Bệnh cảnh lâm sàng Viêm phổi 55 40,7 Suy tim 24 17,8 Suy hô hấp 20 14,8 Cao áp phổi 11 8,1 Cơn tím 10 7,4 Phù phổi 10 7,4 Khác 5 3,7 X quang tim phổi (n=131) Bóng tim to 70 53,4 Tổn thương nhu mô 53 40,5 Tăng tuần hoàn phổi 49 37,4 Giảm tuần hoàn phổi 37 28,2 Các loại tim bẩm sinh là nguyên nhân gây bệnh trong nghiên cứu này thường gặp nhất là thông liên thất 20,7%, kế đến là không lỗ van động mạch phổi 17,4%; chuyển vị đại động Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 310 mạch 10,4%; kênh nhĩ thất 8,9%; thất phải hai đường ra 7,4%; tứ chứng Fallot 6,7%; còn ống động mạch 5,9%; thông liên nhĩ 3,0%; và các nguyên nhân ít gặp khác (Bảng 3). Về phân nhóm nguyên nhân TBS, trong nghiên cứu này nhóm TBS tăng tuần hoàn phổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 42,2%, %, kế đến nhóm TBS phụ thuộc ống động mạch 31,8%, TBS giảm tuần hoàn phổi là 22,2, và thấp nhất là nhóm TBS tắc nghẽn không shunt 3,7%. Tình hình phát hiện bệnh tim bẩm sinh Bảng 3. Loại bệnh tim bẩm sinh Số ca (n = 135) Tỷ lệ (%) Thông liên thất 28 20,7 Không van ĐMP 23 17,0 Chuyển vị đại động mạch 14 10,4 Kênh nhĩ thất 12 8,9 Thất phải 2 đường ra 10 7,4 Từ chứng Fallot 9 6,7 Còn ống động mạch 8 5,9 Thông liên nhĩ 4 3,0 Hẹp eo ĐMC 4 3,0 Hẹp van động mạch phổi 4 3,0 Bất thường Ebstein 4 3,0 Thiểu sản tim trái 3 2,2 Thân chung động mạch 3 2,2 Thiểu sản cung ĐMC 2 1,5 Gián đoạn cung ĐMC 2 1,5 Khác 5 3,7 ĐMP: động mạch phổi; ĐMC: động mạch chủ Bảng 4. Tình hình phát hiện bệnh tim bẩm sinh Đặc điểm Số ca (n = 135) Tỷ lệ (%) Tuổi phát hiện trung bình 1,5 ± 0,2 tháng Nơi phát hiện bệnh BV huyện, tỉnh 56 41,5 BV chuyên khoa 79 58,5 Chẩn đoán tiền sản 26 19,3 Chẩn đoán xác định trước nhập viện 49 36,3 Can thiệp đặc hiệu trước nhập viện 33 23,4 Thời điểm phát hiện trung bình là 1,5 ± 0,2 tháng. Các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh phát hiện tim bẩm sinh là 41,6% trường hợp. Chỉ có 19,6% trường hợp phát hiện qua chẩn đoán tiền sản. Chẩn đoán xác định trước nhập viện được thực hiện chủ yếu tại các bệnh viện chuyên khoa là 36,3%. Can thiệp đặc hiệu bệnh tim trước nhập viện là 23,4% (Bảng 4). BÀN LUẬN Xét về đặc điểm dịch tễ của bệnh nhân TBS nhập viện cấp cứu trong nghiên cứu này chúng tôi nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là gần tương đương nhau. Điều này cũng phù hợp với nhiều khảo sát trước đây (1,2,5,11,10,13). Tuy nhiên lứa tuổi trong nghiên cứu này có thấp hơn so với các nghiên cứu trước đây của các tác giả Việt Nam (10,13,8) do nghiên cứu này khảo sát trên bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu nên các bệnh nhân bị tim bẩm sinh thường đến bệnh viện sớm do các biến chứng của tim bẩm sinh, còn các khảo sát trước đây tiến hành trên bệnh nhân nhập viện thông thường nên lứa tuổi nhập viện có thể cao hơn. Ngoài ra do hiện nay việc can thiệp sớm tim bẩm sinh ở lứa tuổi nhủ nhi đã được thực hiện tốt tại Việt Nam nên lứa tuổi bệnh nhân nhập viện sẽ thấp hơn. Lý do nhập viện cấp cứu thường gặp trong nghiên cứu này là sốt, ho; thở mệt và tím tái. Đây là các dấu hiệu nặng thường gặp của trẻ bị tim bẩm sinh: đó là sốt ho nhiễm trùng phổi ở bệnh nhân bệnh TBS có tăng tuần hoàn phổi, khó thở do suy tim, tím tái do cơn cao áp phổi hay cơn tím gây ra(1,4). Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả khác về lý do nhập viện trong tình trạng cấp cứu của trẻ bị bệnh tim bẩm sinh(9,12,15,8). Về bệnh cảnh lâm sàng khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu, nghiên cứu này ghi nhận bệnh nhân nhập viện chủ yếu với một bệnh cảnh lâm sàng (70,0%) hơn là nhiều bệnh cảnh lâm sàng phối hợp (30%). Ghi nhận này có khác so với nghiên cứu của tác giả E. Savitsky bệnh nhân nhập viện cấp cứu với nhiều bệnh cảnh lâm sàng (64%) hơn là một bệnh cảnh lâm sàng (36%) (12). Điều này có thể giải thích là do loại tim bẩm sinh trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi phần lớn là thuộc một nhóm TBS nên bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng tùy theo nhóm Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 311 TBS gây ra như là viêm phổi, hay suy tim, cơn tím. Trong bệnh cảnh phối hợp thường gặp là viêm phổi kèm theo suy tim (16%). Bệnh nhân nhập viện cấp cứu với bệnh cảnh lâm sàng theo thứ tự thường gặp là viêm phổi nặng, suy tim, suy hô hấp, cơn tím và sốc. Bệnh cảnh lâm sàng này cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả khác đối với bệnh nhân TBS nhập viện trong tình trạng cấp cứu(9,12,15). Tuy nhiên bệnh cảnh viêm phổi trong khảo sát của chúng tôi chiếm tỷ lệ 40% cao hơn rất nhiều so với các khảo sát trên. Điều này có thể giải thích là do tỷ lệ loại bệnh TBS tăng tuần hoàn phổi trong nghiên cứu này cao nên dễ gây tình trạng ứ đọng trong phổi là điều kiện thuận lợi của viêm phổi phát triển, ngoài ra do xuất độ viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam vẫn còn rất cao và là một trong những nguyên nhân gây bệnh hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhi mắc bệnh TBS nhập khoa cấp cứu chiếm tỷ lệ cao nhất là thông liên thất (20,7%), kế đến là không lỗ van dộng mạch phổi (17,0), chuyển vị đại động mạch (10,4%), kênh nhĩ thất (8,9%), thất phải hai đường ra (7,4%) tứ chứng Fallot (6,7%), còn ống động mạch (5,9%), thông liên nhĩ (3,7%). Khi so sánh với tổng kết của tác giả David R. Fulton 3 loại TBS thường gặp là thông liên thất, tứ chứng Fallot, còn ống động mạch có tỷ lệ tương đương với trong nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên tỷ lệ hẹp van động mạch chủ, thông liên nhĩ trong nghiên cứu của chúng tôi là thấp hơn khá nhiều. Trong khi đó tỷ lệ chuyển vị đại động mạch, kênh nhĩ thất, thất phải hai đường ra lại cao hơn so với tổng kết của David R. Fulton (3). Do đây là các dạng bệnh TBS có nhiều biến chứng nặng và xuất hiện sớm như tím tái, suy tim, cao áp phổi cần được nhập viện cấp cứu để can thiệp nên chiếm tỷ lệ cao trong nghiên cứu này. Tuổi phát hiện bệnh TBS nhập viện trong tình trạng cấp cứu trong nghiên cứu này trung bình là 1,5 tháng. Lứa tuổi này là muộn khi so sánh với các nước phát triển (2,7,14). Ở các nước phát triển do có khả năng phát hiện tiền sản các dị tật bẩm sinh tim nên có thể chẩn đoán và xử trí tốt các loại tim bẩm sinh ngay sau khi sanh, ngoài ra sản và nhi thường ở cùng chung một bệnh viện sản nhi nên khả năng phát hiện và can thiệp gần như là ngay sau sinh (7,9,4,15). Trong nghiên cứu này khả năng phát hiện tim bẩm sinh trong giai đoạn tiền sản còn thấp chỉ khoảng 19,3% các trường hợp. Các tuyến tỉnh, huyện chỉ có thể phát hiện TBS trong 41,5%, nhưng chưa có thể phát hiện chính xác loại TBS mà phải cần đến các bệnh viện chuyên nhi có chuyên khoa về tim. Tỷ lệ chẩn đoán xác định bệnh TBS trước khi nhập cấp cứu chỉ có 36,3%, và tỷ lệ can thiệp phù hợp với bệnh TBS trước khi nhập cấp cứu chỉ có khoảng 1/4 trường hợp. Những số liệu này cho thấy khả năng phát hiện sớm TBS ở trẻ em, nhất là các loại TBS nặng và phức tạp, cũng như khả năng xử trí phù hợp và kịp thời các bệnh TBS cần can thiệp sớm để cứu sống bệnh nhân của nước ta chưa cao. Các lý do này đã góp phần cho bệnh nhân TBS thường được phát hiện muộn, nhập viện trong tình trạng nặng, và chưa được can thiệp phù hợp. Để cải thiện tiên lượng cho bệnh nhi TBS cần phải có sự phối hợp sản nhi tốt, tăng cường khả năng phát hiện tiền sản các dị tật bẩm sinh tim, tăng cường tư vấn tiền sản, tăng cường khả năng phát hiện sớm và năng lực xử trí thích hợp bệnh TBS cho các tuyến. KẾT LUẬN Thời điểm phát hiện trung bình là 1,5 ± 0,2 tháng; tỷ lệ phát hiện TBS ở tuyến trước là 41,6%; tỷ lệ phát hiện qua chẩn đoán tiền sản là 19,6%; tỷ lệ chẩn đoán xác định trước nhập cấp cứu là 36,3%; can thiệp đặc hiệu trước nhập viện là 23,4%. Từ kết quả này cho thấy hiện tại bệnh nhi TBS vẫn còn phát hiện muộn, chưa được can thiệp và xử trí kịp thời nên thường nhập viện trong tình trạng nặng cấp cứu. Điều này có thể do khả năng phát hiện, xử trí của các cơ sở y tế và sự phối hợp giữa sản và nhi chưa được tốt. Cần nghiên cứu thêm về vấn đề này để tìm ra Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Chuyên Đề Sức Khỏe Sinh Sản – Bà Mẹ Trẻ Em 312 giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện tiên lượng bệnh nhân bị tim bẩm sinh. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bernstein D (2011). "Epidemiology and Genetic Basis of Congenital Heart Disease". In: Kliegman RM (ed), Nelson Textbook of Pediatrics, 19th ed, pp.2182-2186. Elsevier Saunders, Philadelphia. 2. Dolk H, Loane M, Garne E, et al. (2011). "Congenital heart defects in Europe: prevalence and perinatal mortality, 2000 to 2005". Circulation, 123(8):pp.841-9. 3. Fulton DR, Brown DW (2008). "Congenital heart disease in children and adolescents". In: Fuster V (ed.), Hurst's The Heart, 12th ed, pp.2012-2059. McGraw-Hill, New York. 4. Gewitz MH, Woolf PK (2010). "Cardiac emergencies". In: Fleisher GR (ed.), Textbook of pediatric emergency medicine, 6th ed, pp.719-732. Elsevier Saunders, Philadelphia. 5. Hoffman JI, Kaplan S (2002). "The incidence of congenital heart disease". J Am Coll Cardiol, 39 (12):pp.1890-900. 6. Khairy P, Ionescu-Ittu R, Mackie AS, et al. (2010). "Changing mortality incongenital heart disease". J Am Coll Cardiol, 56(14):pp.1149-57. 7. Khoshnood B, Lelong N, Houyel L, et al. (2012). "Prevalence, timing of diagnosis and mortality of newborns with congenital heart defects: a population-based study". Heart, 98(22):pp.1667- 73. 8. Lê Thị Hải Yến (2008). "Nghiên cứu những biến chứng thường gặp trong bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện Trung ương Huế". Luận văn Thạc sĩ y học, Đại học Y dược Huế. 9. Lee YS, Baek JS, Kwon BS, et al. (2010). "Pediatric emergency room presentation of congenital heart disease". Korean Circ J, 40(1):pp.36-41. 10. Nguyễn Huy Luân (1999). "Khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ". Luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú, Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh. 11. Nguyễn Thị Thanh Hương (2009). "Đặc điểm tim bẩm sinh sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1". Luận văn Thạc sĩ y học, Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh. 12. Savitsky E, Alejos J, Votey S (2003). "Emergency department presentations of pediatric congenital heart disease". J Emerg Med, 24(3):pp.239-45. 13. Trương Thị Thúy Mai (2002). "Khảo sát đặc điểm tim bẩm sinh tím ở trẻ em khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1". Luận văn Thạc sĩ y học, Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh. 14. Wu MH, Chen HC, Lu CW, et al. (2010). "Prevalence of congenital heart disease at live birth in Taiwan". J Pediatr, 156(5):pp.782-5. 15. Yee L. (2007). "Cardiac emergencies in the first year of life". Emerg Med Clin North Am, 25(4):pp.981-1008. Ngày nhận bài báo: 17/07/2017 Ngày phản biện nhận xét bài báo: 25/12/2017 Ngày bài báo được đăng: 15/03/2018

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfdac_diem_benh_nhan_tim_bam_sinh_nhap_vien_khoa_cap_cuu_benh.pdf
Tài liệu liên quan