Cốt truyện phiêu lưu trong “Những cuộc phiêu lưu của tom Sawyer” và “triệu phú khu ổ chuột

Tài liệu Cốt truyện phiêu lưu trong “Những cuộc phiêu lưu của tom Sawyer” và “triệu phú khu ổ chuột: An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 11 CỐT TRUYỆN PHIÊU LƯU TRONG “NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU CỦA TOM SAWYER” VÀ “TRIỆU PHÚ KHU Ổ CHUỘT” Nguyễn Thị Thu Giang1 1Trường Đại học An Giang Thông tin chung: Ngày nhận bài: 04/04/2018 Ngày nhận kết quả bình duyệt: 31/05/2018 Ngày chấp nhận đăng: 08/2018 Title: Adventure plot in “The adventures of Tom Sawyer” and “Slumdog Millionaire” Keywords: Adventure plot, IU.M.Lotman, Tom Sawyer, Slumdog Millionaire, comparative literature Từ khóa: Cốt truyện phiêu lưu, IU.M.Lotman, Tom Sawyer, Triệu phú khu ổ chuột, Văn học so sánh ABSTRACT The adventures of Tom Sawyer is the most famous children's novel by Mark Twain, a great author of nineteenth-century American literature. Slumdog Millionaire is a work that has won many prestigious awards and brought the name of Vikas Swarup - a contemporary Indian literary writer - beyond the boundaries of India. Contributing to th...

pdf10 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 441 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cốt truyện phiêu lưu trong “Những cuộc phiêu lưu của tom Sawyer” và “triệu phú khu ổ chuột, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 11 CỐT TRUYỆN PHIÊU LƯU TRONG “NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU CỦA TOM SAWYER” VÀ “TRIỆU PHÚ KHU Ổ CHUỘT” Nguyễn Thị Thu Giang1 1Trường Đại học An Giang Thông tin chung: Ngày nhận bài: 04/04/2018 Ngày nhận kết quả bình duyệt: 31/05/2018 Ngày chấp nhận đăng: 08/2018 Title: Adventure plot in “The adventures of Tom Sawyer” and “Slumdog Millionaire” Keywords: Adventure plot, IU.M.Lotman, Tom Sawyer, Slumdog Millionaire, comparative literature Từ khóa: Cốt truyện phiêu lưu, IU.M.Lotman, Tom Sawyer, Triệu phú khu ổ chuột, Văn học so sánh ABSTRACT The adventures of Tom Sawyer is the most famous children's novel by Mark Twain, a great author of nineteenth-century American literature. Slumdog Millionaire is a work that has won many prestigious awards and brought the name of Vikas Swarup - a contemporary Indian literary writer - beyond the boundaries of India. Contributing to the attraction and success of the two works is the adventure plot. From a comparative perspective, the article deals with the genre, in particular regarding the adventure story of the two works, as perceived by IU.M.Lotman, a representative of the Russian structural school. Based on that, the article shows the movement and development of the genre as well as the unique creations and innovations of the two authors based on the acquisition of traditional elements. TÓM TẮT “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” là tiểu thuyết viết cho thiếu nhi nổi tiếng nhất của Mark Twain, một nhà văn hiện thực lớn của văn học Mỹ thế kỷ XIX. Tiểu thuyết “Triệu phú khu ổ chuột” là tác phẩm đã đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá và đưa tên tuổi của Vikas Swarup – một tác giả văn học đương đại Ấn Độ – vượt ra khỏi biên giới đất Ấn. Góp phần không nhỏ làm nên sức hấp dẫn và thành công của hai tác phẩm chính là kiểu cốt truyện phiêu lưu. Từ góc độ so sánh, bài viết nghiên cứu về mặt thể loại mà cụ thể là về phương diện cốt truyện phiêu lưu của hai tác phẩm theo quan niệm của IU.M. Lotman, một đại diện tiêu biểu cho trường phái cấu trúc Nga. Trên cơ sở đó, bài viết chỉ ra sự vận động và phát triển của thể loại cũng như khẳng định những sáng tạo và cách tân độc đáo của hai tác giả trên cơ sở tiếp thu các yếu tố truyền thống. 1. KHÁI NIỆM CỐT TRUYỆN VÀ CỐT TRUYỆN PHIÊU LƯU THEO QUAN NIỆM CỦA IU. M. LOTMAN Trong các tác phẩm văn học, cốt truyện là thành phần quan trọng thiết yếu của thể loại tự sự và kịch. Đó là một phương diện thuộc kết cấu tác phẩm tự sự. Cốt truyện là tập hợp các sự kiện, các chi tiết được sắp xếp theo một trật tự logic nhằm phản ánh diễn biến của cuộc sống, qua đó bộc lộ tính cách nhân vật và thể hiện sâu sắc tư tưởng chủ đề tác phẩm. Từ phương diện nhân vật, sự kiện, các nhà nghiên cứu, phê bình đã thống nhất về đặc điểm của cốt truyện phiêu lưu: nhân vật phiêu lưu là nhân vật An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 12 chính, có tính cách mạnh mẽ, đam mê khám phá, sự kiện trong cốt truyện phiêu lưu là những sự kiện ly kỳ, hấp dẫn và chứa đầy sự ngẫu nhiên, không đoán định được trước. Dưới ánh sáng lý thuyết cốt truyện của Lotman (Lotman, 2007), một đại diện tiêu biểu cho trường phái cấu trúc Nga, cốt truyện phiêu lưu không chỉ được tạo nên từ nhân vật thích tự do, ưa khám phá, mà còn là nhân vật luôn hành động, bằng cách này hay cách khác vượt qua mọi hoàn cảnh lâm phải của mình, để liên tục di chuyển trong không gian mới, không gian xa lạ vốn không phải của mình, tạo nên một cuộc sống mới mẻ, đầy thú vị. Các không gian mà nhân vật xuất phát và tìm đến không chỉ đóng vai trò là một thứ phông nền như trong truyện cổ tích mà nó còn là nơi nhân vật gặp biến cố và vượt qua thử thách. Khi nhân vật khắc phục được ranh giới, nó sẽ đi vào không gian đối cực so với điểm khởi đầu. Nếu nhân vật không vượt qua ranh giới mà hoà nhập vào với không gian đó, nhân vật sẽ biến thành người không hành động nữa, không còn biến cố nữa thì những cuộc phiêu lưu cũng kết thúc, cốt truyện kết thúc. Cốt truyện phiêu lưu luôn tạo ra xung quanh mình những thế giới đối lập, nhân vật ở thế giới này, muốn đến thế giới kia phải chấp nhận và vượt qua nhiều biến cố, thử thách. Như vậy, quan niệm về cốt truyện của Lotman đã soi sáng các vấn đề cốt truyện phiêu lưu như: nhân vật phiêu lưu là người như thế nào, sự kiện phiêu lưu phải là những sự kiện ra sao, đồng thời giúp chúng ta có một cách nhìn sáng tỏ về không gian phiêu lưu. Từ góc độ so sánh, bài viết tiếp cận quan điểm về cốt truyện của nhà cấu trúc học người Nga IU. M. Lotman, lấy đó làm cơ sở lý luận để nghiên cứu đặc điểm cốt truyện phiêu lưu trong hai tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (gọi tắt là Tom Sawyer) và Triệu phú khu ổ chuột từ ba yếu tố cấu thành nên nó: không gian phiêu lưu, biến cố và nhân vật phiêu lưu. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thấy được sự vận động và phát triển của thể loại cũng như khẳng định những sáng tạo và cách tân độc đáo của hai tác giả trên cơ sở tiếp thu các yếu tố truyền thống. 2. NHỮNG SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG CỐT TRUYỆN PHIÊU LƯU CỦA HAI TÁC PHẨM 2.1 Không gian phiêu lưu Lotman khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa cốt truyện và không gian: nhân vật ở trường ngữ nghĩa không gian này vượt qua ranh giới phân chia hai thế giới, xâm phạm đến không gian khác, khi ấy biến cố xuất hiện. Biến cố đánh dấu những bước dịch chuyển không gian của nhân vật. Dựa trên quan điểm này có thể thấy rõ những đặc trưng của truyện phiêu lưu: khi nhân vật có những hành trình vượt qua những ranh giới không gian đầy gian nguy khác nhau, thậm chí là hai thế giới đối lập, khi ấy cốt truyện được xác lập. Tính chất hay thay đổi và phức tạp của đời sống xã hội luôn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lý nhân vật. Mỗi khi bức màn không gian thực tế cuộc sống dịch chuyển thì nó báo hiệu sự tiệm tiến về ý thức lên một tầm cao mới, gọi là sự “vỡ vạc” lẽ đời hay sự “tỉnh ngộ” của nhân vật. Vì vậy, không gian phiêu lưu trong cốt truyện phiêu lưu đóng vai trò là môi trường, hoàn cảnh để từ đó khắc họa tính cách nhân vật. 2.1.1 Các kiểu loại không gian phiêu lưu Qua khảo sát, chúng ta nhận thấy trong cả hai tiểu thuyết Tom Sawyer và Triệu phú khu ổ chuột đều có cùng những kiểu loại không gian sau đây: không gian gia đình, không gian tôn giáo, không gian thành thị – thị trấn trong đó nổi bật nhất là không gian tôn giáo. Nếu như trong Tom Sawyer, không gian tôn giáo hiện ra với hình ảnh nhà thờ Thanh giáo của Đạo Tin lành ở thị trấn bé nhỏ và hẻo lánh St. Petersburg với những lớp học giáo lý và Kinh thánh ngày Chủ nhật thì trong Triệu phú khu ổ chuột, cùng với những cái tên mang dấu hiệu nhận biết tôn giáo như: Arvinh, Usha, Jatin (Đạo Hindu), Salim, Ahmed Khan (Đạo Hồi) không gian tôn giáo của đất Ấn cũng hiện ra với hình An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 13 ảnh nhà thờ Thiên Chúa giáo: tòa nhà màu đỏ có cây thánh giá lớn màu trắng, tượng Chúa Jesus, phòng xưng tội Ngoài những kiểu không gian phiêu lưu giống nhau như trên, không gian phiêu lưu trong Tom Sawyer còn có những kiểu loại đặc biệt sau đây: không gian bí hiểm – rùng rợn (nghĩa địa lúc nửa đêm) và không gian thiên nhiên hoang sơ (núi đồi, rừng rậm, sông nước, hang động). Những mô-típ không gian quen thuộc thường thấy trong các tác phẩm phiêu lưu lần lượt xuất hiện trong Tom Sawyer: đảo hoang vắng, thị trấn nhỏ với những người say rượu, nghĩa địa và những kẻ đào mộ, đó là những kiểu không gian đầy bí hiểm, nguy hiểm, thậm chí là rùng rợn. Chính những mô hình không gian này đã làm cho tác phẩm đậm màu sắc phiêu lưu. Điều đặc biệt là những cuộc phiêu lưu trong những không gian: nghĩa địa vắng người, hang sâu và những nơi âm u vắng vẻ mà người nhát gan sẽ không dám đến, thường diễn ra trong đêm. Bóng đêm là không gian lý tưởng để những điều ly kỳ, rùng rợn xảy ra. Với việc lặp lại một số mô hình không gian quen thuộc của truyện phiêu lưu trong tác phẩm, Mark Twain đã tạo cho câu chuyện phiêu lưu của cậu bé Tom vừa có tính chất nhại, vừa mang đậm màu sắc phiêu lưu. Đây là tác phẩm viết cho trẻ con, nhưng nhà văn mượn những mô-típ quen thuộc của những chuyện phiêu lưu thực sự để tạo nên chất phiêu lưu cho tác phẩm. Theo M. Bakhtin, chính điều này giúp cho thể loại có năng lực đảm bảo tính thống nhất và tính liên tục trong quá trình phát triển của mình. Đây cũng là một con đường tạo nên bản sắc nghệ thuật trong tác phẩm và phong cách của nhà văn. Còn trong Triệu phú khu ổ chuột, không gian phiêu lưu là những không gian sống mang đậm chất Ấn Độ như khu ổ chuột, khu Chawl bẩn thỉu với những căn phòng nhỏ hẹp đầy gián, nhà vệ sinh công cộng, vòi nước công cộng ngoài ra còn có các trại giáo dưỡng, nhà chứa, bệnh viện, trường quay, sở cảnh sátvà nổi bật lên là vẻ đẹp của những công trình kiến trúc nhân tạo (đền đài, cung điện) trong những không gian thành thị. Bên cạnh đó, trong tác phẩm này, chúng ta còn nhận thấy có xuất hiện nhiều kiểu không gian mang tính chất giam cầm – bó hẹp gắn với hành động vượt thoát của nhân vật chính (trại giáo dưỡng, sở cảnh sát,). Không gian phiêu lưu trong Tom Sawyer là những không gian thực và mang màu sắc địa phương rõ nét, không gian phiêu lưu trong Triệu phú khu ổ chuột bao gồm cả không gian thực và ảo (không gian giấc mơ, không gian ảo giác). Những giấc mơ trong Triệu phú khu ổ chuột xuất hiện ngẫu nhiên như bảng tổng kết cô đọng về cuộc sống qua sự thẩm thấu của nhân vật chính Ram Thomas; đồng thời cũng là cảm xúc mãnh liệt “bật ra” một cách ngẫu nhiên của tâm hồn ấy trước cuộc sống. Không gian giấc mơ thường xuyên xuất hiện với hình ảnh người phụ nữ mặc sari trắng, tóc dài, buông xõa. Những giấc mơ ấy là sự ám ảnh trong nhận thức của một đứa bé mồ côi, luôn khát khao một người mẹ. Đó là sự bức bối, trăn trở hằng ngày của cậu bé trong vô thức về nguồn gốc của mình. Ở đây, chúng ta nhận thấy một cách rất rõ ràng, kiểu không gian giấc mơ trong tác phẩm vừa mang bản sắc Ấn rất đậm nét, vừa thể hiện rõ sự ảnh hưởng của học thuyết phân tâm học Freud. 2.1.2 Tính chất của không gian phiêu lưu Không gian trong cả hai tác phẩm đều là những không gian mang tính chất mở. Nhân vật càng đi xa so với điểm xuất phát ban đầu thì không gian càng mở ra khôn cùng. Đây chính là đặc điểm của không gian trong truyện phiêu lưu nói chung và tác phẩm nói riêng. Trong Tom Sawyer, hành trình của nhân vật phiêu lưu (cậu bé Tom) đã trải qua những không gian sau: gia đình, nhà thờ, trường học, nghĩa địa, hòn đảo Jackson trên dòng sông Mississippi, tòa án, căn nhà hoang, hang McDougal. Còn trong Triệu phú khu ổ chuột, sau khi sắp xếp lại lộ trình của Ram theo trật tự thời gian tuyến tính, các không gian phiêu lưu mà nhân vật phiêu lưu này đã trải qua trong vòng năm năm có thể khái quát như An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 14 sau: nhà thờ St Mary, vùng ven Dehil, trại giáo dưỡng, nơi đào tạo và chăn dắt các trẻ em lang thang, trung tâm thành phố Dehil, vùng ven Mumbai, khu Chawl, khu ổ chuột ở Ghatkopar, toa tàu lửa, đền Taj Mahal, khu nhà phụ của cung điện Swapna, trường quay của chương trình Ai là tỉ phú, sở cảnh sát. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, hai nhân vật phiêu lưu của chúng ta đã dịch chuyển liên tục qua nhiều kiểu không gian khác nhau và ngày càng rời ra xuất phát điểm ban đầu. Mỗi bước đường phiêu lưu của nhân vật lại mở ra một kiểu loại không gian mới, nơi chứa đựng nhiều biến cố bất ngờ đang chờ đón họ, thách thức họ vượt qua. Vì vậy, không gian phiêu lưu trong hai tác phẩm đóng vai trò là môi trường, hoàn cảnh để từ đó khắc họa tính cách nhân vật. Ngoài những sự tương đồng, chúng ta còn nhận thấy rất nhiều sự khác biệt về tính chất của không gian phiêu lưu ở các phương diện như: phạm vi, kiểu tạo không gian, tính chất của kiểu không gian tôn giáo. Không gian phiêu lưu trong Tom Sawyer tương đối hẹp (chỉ thu hẹp nơi miền viễn Tây nước Mỹ, một vùng quê sông nước hẻo lánh) và mang đậm tính chất vùng miền, làm nên chất văn học địa phương rất đặc sắc; không gian phiêu lưu trong Triệu phú khu ổ chuột vô cùng rộng lớn (trải dài từ thành phố đến thôn quê, bước chân Ram hầu như rong ruổi hết khắp các nẻo đường của đất nước Ấn Độ) với rất nhiều kiểu không gian đa dạng. Không gian phiêu lưu trong Tom Sawyer được kiến tạo theo mạch thời gian tuyến tính, là hệ quả của kiểu cốt truyện biên niên, không gian phiêu lưu trong Triệu phú khu ổ chuột mang tính chất ghép nối, đồng hiện kiểu điện ảnh, là hệ quả của kiểu cốt truyện đa tuyến – đa tầng bậc và đảo lộn trật tự thời gian. Những câu hỏi không dồn hết vào một thời điểm, một không gian đã gợi nhớ cho Ram về những giai đoạn khác nhau và những không gian sống khác nhau mà anh đã trải qua trong cuộc đời mình. Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa câu hỏi và quá khứ một cách sát sao đã thành một cái cớ rất lạ và thú vị cho câu chuyện được kể lại. Mỗi chương là một câu hỏi, là một giai đoạn cuộc đời được nhắc đến, với một khoảng không gian phiêu lưu từ từ hiện lên, với một chuyến phiêu lưu nhỏ gần như tách bạch, hoàn chỉnh cùng những suy ngẫm sâu sắc. Không gian tôn giáo trong Tom Sawyer đóng vai trò là vật cản, là kiểu không gian áp chế, đó là nơi những kẻ xấu lợi dụng tôn giáo để lừa bịp con người và bóp chết những phẩm chất tốt đẹp của con người với những tín điều máy móc giả tạo. Không gian tôn giáo trong Triệu phú khu ổ chuột đóng vai trò chở che – hỗ trợ (nhà thờ St Mary, đền Taji Mahai), đó là những không gian thiên đường, không gian mơ ước gắn với tình yêu. 2.2 Biến cố Theo Lotman, biến cố là sự di chuyển của nhân vật qua ranh giới của các không gian phiêu lưu khác nhau. Một sự kiện trở thành biến cố khi nó gắn với một kiểu không gian nhất định, ở đó sẽ đánh dấu việc nhân vật vượt qua các ranh giới không gian. Biến cố tạo xung lực thúc đẩy cốt truyện phát triển và là mốc quan trọng cho ta thấy sự dịch chuyển các không gian khác nhau của nhân vật trong cốt truyện. Pospelov cũng chú ý tới cốt truyện phiêu lưu và đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những yếu tố ngẫu nhiên trong cốt truyện phiêu lưu: “Cuộc sống phiêu lưu ấy giống một vũ đài tập hợp các tình huống hạnh phúc và bất hạnh thay thế nhau một cách ngẫu nhiên và bất ngờ” (Pospelov, 1998, tr. 235). Các nhân vật được miêu tả dưới quyền lực của số phận lúc nào cũng phải hứng đón chính những thay đổi không lường trước được. Trần Đình Sử cũng đồng quan điểm: “Sức hấp dẫn của cốt truyện phiêu lưu được tạo bởi các yếu tố ngẫu nhiên, bất ngờ và chính điều này làm cho truyện có sức hút lớn với người đọc” (Trần Đình Sử, 2005, tr. 55). Trên cơ sở kế thừa và tiếp thu những ý kiến trên của các nhà nghiên cứu, bài viết sắp xếp và phân chia hệ thống các biến cố trong Tom Sawyer và An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 15 Triệu phú khu ổ chuột thành hai loại lớn: biến cố ngẫu nhiên và biến cố tất nhiên. Trong cốt truyện phiêu lưu, ngẫu nhiên và tất nhiên được xem là cái chủ yếu làm nên đặc trưng của cốt truyện phiêu lưu. 2.2.1 Biến cố ngẫu nhiên Biến cố ngẫu nhiên là biến cố xảy ra một cách tình cờ, nó có thể mang theo hạnh phúc hoặc vô vàn bất hạnh. Đó là những biến cố mà nhân vật buộc phải hành động theo sự chi phối của tình thế hoặc người khác. Trong Tom Sawyer, chúng ta có thể liệt kê những biến cố ngẫu nhiên như sau: Tom và các bạn tình cờ chứng kiến vụ giết người lúc nửa đêm trong nghĩa địa, Tom và Becky bị lạc trong hang, Tom dẫn Huck quay trở lại cái hang và tìm thấy hộp chứa vàng (kho báu). Biến cố trong nghĩa địa xảy ra cũng là do cái tính tò mò, ưa mạo hiểm, thích khám phá của Tom, mà đây cũng chính là nét tính cách đặc trưng, tiêu biểu của nhân vật phiêu lưu trong cốt truyện phiêu lưu. Chuyện lạc trong hang của Tom và Becky không đơn thuần là sự kiện giật gân trong hành trình phiêu lưu của chú bé Tom, mà đó còn là một hoàn cảnh, môi trường tuyệt vời để khắc hoạ tính cách, thử thách bản lĩnh, khám phá chiều sâu trong tâm hồn cậu bé: Trong khi Tom loay hoay tìm khe sáng để thoát ra khỏi hang động tối tăm, thì cũng là lúc độc giả tìm thấy ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn Tom, tính cách Tom. Ánh sáng ấy đủ sức soi rọi nhiều vấn đề thuộc về nhân sinh, bản thể như bất cứ một nhân vật nào, của một tiểu thuyết tâm lí, xã hội, phong tục nào. (Dương Thị Ánh Tuyết, 2017, tr. 79). Việc Tom và Huck tìm thấy kho báu giống như trò chơi của con tạo: người lớn khao khát kiếm tiền bằng mọi thủ đoạn lại chẳng tìm ra, trong khi bọn trẻ truy tìm kho báu chỉ là do trí tưởng tượng lãng mạn ảnh hưởng từ những câu chuyện cổ (nhại) lại tình cờ vớ được. Còn trong Triệu phú khu ổ chuột, nhân vật chính Ram luôn đứng bên bờ của tai nạn, biến cố, đổi thay. Khảo sát qua mười bốn chương, bao gồm cả phần mở đầu và kết thúc, hầu như trong chương nào nhân vật này cũng phải trải qua những biến cố. Chúng ta có thể liệt kê những biến cố ngẫu nhiên trong tác phẩm này theo trình tự như sau: Ram đánh mất gia đình, cha Timothy chết, Ram lưu lạc vào trại giáo dưỡng, Neelima Kumari tự sát, Shankar chết vì bệnh dại, Ram ngộ sát tên cướp trên toa tàu, Nita bị bạo hành, Ram chiến thắng trong trò chơi truyền hình với số tiền thưởng một tỉ Rupi, Ram bị cảnh sát bắt. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, cả Tom và Ram đều trải qua một biến cố ngẫu nhiên giống nhau có ảnh hưởng rất lớn đến số phận nhân vật: may mắn có được một món tiền lớn ở chặng cuối cùng của cuộc phiêu lưu. Đây cũng là một mô típ quen thuộc thường xuất hiện ở cuối những tiểu thuyết phiêu lưu, làm nên cái kết thúc có hậu cho câu chuyện phiêu lưu. 2.2.2 Biến cố tất nhiên Biến cố tất nhiên là những biến cố nhân vật tự tạo nên với mục đích đã được định trước. Trong biến cố này nhân vật hành động không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài. Trong tiểu thuyết phiêu lưu, nhân vật phiêu lưu dấn thân vào cuộc hành trình, qua từng chặng đường đều đã chuẩn bị cho mình ý chí lớn lao, ý thức một cách tự chủ mục đích của hành động. Có thế nói, biến cố tất nhiên là biến cố nhân vật đón nhận với tâm thế đầy chủ động. Chính nhân tố tâm lý tự giác ấy là nguyên nhân thúc đẩy nhân vật hành động để tạo ra các biến cố, thúc đẩy sự vận động của cốt truyện. Trong Tom Sawyer có hai biến cố tất nhiên: ba đứa trẻ xuất hiện như những vị anh hùng hiệp sĩ đầy oai phong ngay trong chính lễ tang của mình ở nhà thờ; Tom quyết định ra làm chứng để minh oan cho sự vô tội của Muff Porter. Còn trong Triệu phú khu ổ chuột chúng ta thấy có sự xuất hiện của rất nhiều biến cố tất nhiên: Ram rủ Salim chạy trốn khỏi khu đào tạo và chăn dắt trẻ em tàn tật, Ram đẩy Shantara ngã cầu thang, Ram tố cáo đại tá Taylor khi phát hiện ông là gián An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 16 điệp, Ram giết tên cướp trên toa tàu và cuối cùng là việc Ram quyết tâm tham gia trò chơi truyền hình để tìm ra Prem Kurmar, trả thù cho Nita và Neelima Kumari. Những biến cố tất nhiên này đã thể hiện tính cách và bản chất con người Ram: sẵn sàng đấu tranh vì chính nghĩa để bênh vực kẻ yếu. Trên bước đường phiêu lưu của mình, Tom và Ram trải qua hàng loạt những biến cố, từ đó tô đậm sự đối lập giữa thế giới trẻ thơ hồn nhiên với bản chất “thiên sứ” và thế giới người lớn đầy rẫy những cái xấu và cái ác. Những biến cố trong cuộc sống còn thể hiện cho tính công bằng xã hội: cái xấu phải bị phanh phui đưa ra ánh sáng. Với việc để cho nhân vật phiêu lưu trải qua hàng loạt những biến cố trong cuộc sống, Mark Twain và Vikas Swarup đã phơi bày cho chúng ta thấy một nước Mỹ thế kỷ XIX và Ấn Độ thế kỷ XX đầy bạo lực và tội ác, phản ánh những bất ổn của xã hội hiện đại. Từ đó, các tác giả muốn chĩa mũi nhọn tấn công vào pháp luật và thể chế chính trị đương thời. Lotman cho rằng: “Khi khẳng định cốt truyện có quan hệ hữu cơ với bức tranh thế giới thì rõ ràng qua bức tranh ấy ta thấy được cái gọi là quy mô của cái gọi biến cố” (Lotman, 2007, tr. 399). Bức tranh thế giới được phản ánh trong truyện càng lớn thì trong cốt truyện của nó càng nhiều biến cố. Có lẽ vì vậy mà có thể coi số lượng biến cố là một trong những chỉ số cho thấy tầm vóc của tác phẩm. Trong Tom Sawyer, nhân vật Tom chỉ dịch chuyển trong không gian của một miền quê với những biến cố tương đối ít, vì vậy mà tính chất phiêu lưu chưa được thể hiện một cách rõ ràng. Thế nhưng những biến cố ấy cũng đã phản ánh một xã hội lưu manh và bạo lực, xã hội vì đồng tiền, vạch trần mặt trái của nhà thờ và trường học. Còn trong Triệu phú khu ổ chuột, hàng loạt những biến cố liên tiếp ập đến trong cuộc đời Ram đã tạo nên sự đa dạng về chủ đề cho tác phẩm, hiện thực được phản ảnh trên diện rộng, với nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Tác phẩm này vì thế phản ảnh rất nhiều vấn đề nóng bỏng của xã hội Ấn Độ thời hiện đại: xung đột tôn giáo gay gắt và đẫm máu, thân phận người phụ nữ, sự phân biệt giàu nghèo và đẳng cấp trong xã hội, tình trạng lưu manh và bạo lực, các tệ nạn xã hội, sự yếu kém trong quản lý và điều hành xã hội của những người đại diện cho luật pháp Một điểm khác biệt nữa mà chúng ta cũng cần lưu ý đó là: những biến cố tất nhiên và ngẫu nhiên trong Tom Sawyer lần lượt xuất hiện trên bước đường phiêu lưu của Tom theo trật tự thời gian biên niên. Còn trong Triệu phú khu ổ chuột, do kết cấu trò chơi nên các biến cố xuất hiện ngẫu nhiên đảo lộn không theo trật tự trước sau. Bạn đọc phải tự sắp xếp lại thứ tự các biến cố để có được cuộc hành trình trọn vẹn của Ram. 2.3 Nhân vật phiêu lưu Mọi tiểu thuyết đều trở thành tiểu thuyết phiêu lưu một khi nó tập trung khắc họa một cái tôi du hành với tính cách mạnh mẽ, sôi nổi, ưa mạo hiểm, thích khám phá. Theo quan niệm của Lotman, bài viết khảo sát nhân vật phiêu lưu ở hai phương diện: lý tưởng phiêu lưu, hành động hướng tới lý tưởng phiêu lưu. Trong đó, hành động hướng tới lý tưởng phiêu lưu được xem xét ở hai khía cạnh: nhân vật phiêu lưu xung đột với các nhân vật là vật cản và nhân vật phiêu lưu trợ giúp các nhân vật là nạn nhân. Trước hết, nhân vật phiêu lưu – nhân vật trung tâm trong hai quyển tiểu thuyết của Mark Twain và Vikas Swarup – đều là những trẻ em mồ côi. Chúng sống rất bản năng và phát triển một cách tự do đồng thời cũng rất thông minh và hài hước, đều là những nhân vật mộng tưởng và lãng mạn. Cả hai nhân vật phiêu lưu đều có một người bạn đồng hành, đó là và Huck và Salim. Lý tưởng phiêu lưu của chúng thể hiện rõ qua hàng loạt các hành động phiêu lưu để đấu tranh cho điều thiện và lẽ phải, bênh vực kẻ yếu, trừng trị kẻ xấu. Cả hai nhân vật phiêu lưu là Tom và Ram đều xung đột với các nhân vật là vật cản (Tom và các linh mục, cha xứ ở nhà thờ, thầy giáo ở trường học, tên tội phạm giết người Injun Joe; Ram và cha John, Maman, Prem Kurmar) và nhân vật phiêu lưu trợ giúp các nhân vật là nạn nhân (Gudiya, cô gái trên toa tàu lửa, Shanka, Salim, chị Lajwanti, An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 17 ông Utpal Chatterjee). Lần lượt trải qua rất nhiều biến cố, cả hai nhân vật đều lần lượt bộc lộ những nét tính cách của mình và cuối cùng cả hai đều thể hiện sự trưởng thành sau những chặng đường ấy. Đồng thời cả hai tác phẩm đều có cùng những mô-típ gắn liền với nhân vật phiêu lưu thường thấy trong tiểu thuyết phiêu lưu truyền thống như: săn tìm kho báu, mải mê chinh chiến và yêu đương, anh hùng cứu mỹ nhân Đó là những điểm tương đồng về nhân vật phiêu lưu trong hai tác phẩm. Sự khác biệt thể hiện trước hết là ở lý tưởng phiêu lưu của hai nhân vật: nếu như lý tưởng phiêu lưu của Tom là lý tưởng anh hùng hiệp sĩ, thì lý tưởng phiêu lưu của Ram là lý tưởng anh hùng màn ảnh. Do đam mê tiểu thuyết hiệp sĩ nên lý tưởng phiêu lưu của Tom được định hình ngay từ đầu và thể hiện rất rõ qua hai “giấc mộng”: “mộng hiệp sĩ” và “mộng làm cướp”. Chính vì có một lý tưởng phiêu lưu rõ ràng ngay từ đầu nên Tom luôn chủ động tìm kiếm những cuộc phiêu lưu, ham thích phiêu lưu và tất cả mọi hành động của cậu bé đều hướng vào lý tưởng phiêu lưu với rất nhiều biến cố thật lẫn tưởng tượng. Thông qua mộng làm cướp đầy tính chất nhại của nhân vật phiêu lưu Tom Sawyer, Mark Twain đề cập đến nhiều vấn đề có liên quan đến đời sống Mỹ lúc ấy. Cứ nhìn cảnh hoang tàn đổ nát của những ngôi nhà có ma ở làng St. Petersburg và ở những làng lân cận bị dỡ ra từng mảnh ván một, nền nhà bị đào xới, bới tung để tìm của cái chôn giấu, người đọc sẽ hình dung được giấc mộng tiền tài lớn đến mức nào đối với dân chúng ở đây. Còn trong Triệu phú khu ổ chuột, nhân vật phiêu lưu bị “ném ngẫu nhiên” vào thế giới xô bồ. Trái ngược với nhân vật phiêu lưu trong Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer: chú bé Tom vô ưu, hồn nhiên, rong ruổi trong những cuộc phiêu lưu tưởng tượng, Ram phải sống giữa ác mộng, lo âu, bế tắc, trải nghiệm cùng những rúng động của xã hội. Bên cạnh đó, lý tưởng phiêu lưu của Ram không phải được định hình và có sẵn ngay từ khi bước chân vào cuộc phiêu lưu như Tom Sawyer mà nó được hình thành từ chính những trải nghiệm của nhân vật trong những hoàn cảnh, biến cố khác nhau của cuộc sống và càng về cuối cuộc hành trình, cái lý tưởng ấy càng được định hình rõ hơn. Lý tưởng phiêu lưu của Tom và Ram có sự khác biệt rõ rệt như trên đã dẫn đến hệ quả là sự khác biệt về phương diện các hành động hướng tới lý tưởng phiêu lưu: các hành động phiêu lưu của Tom đều là một sự giễu nhại tiểu thuyết hiệp sĩ truyền thống, còn các hành động phiêu lưu của Ram thì bị ảnh hưởng bởi lý tưởng “anh hùng cứu mĩ nhân và trừ gian diệt ác” của những nam diễn viên màn ảnh Bollywood. Điều này cũng dễ hiểu vì văn học phương Tây vốn có bề dày truyền thống tiểu thuyết phiêu lưu, còn trong nền văn học hiện đại và đương đại Ấn Độ, sự ảnh hưởng của điện ảnh đến văn học là một đặc điểm rất độc đáo đáng lưu ý. Nhân vật phiêu lưu – chàng hiệp sĩ tí hon Tom – mải mê chinh chiến và yêu đương theo đúng kiểu một trang anh hùng hiệp sĩ trong sách vở (bắt chước và giễu nhại hình ảnh của Don Quixote) với những hành động nổi loạn và chống phá từ nhà đến trường học, nhà thờ Tom bỏ nhà ra đi và chối bỏ thế giới văn minh, phủ nhận thực tại xã hội. Những xung đột của nhân vật phiêu lưu với các nhân vật là vật cản trong Tom Sawyer đa số là sự đối lập giữa thế giới trẻ con tự do, trong sáng và thế giới người lớn đầy lễ giáo và luân lý kìm kẹp. Vì vậy nhân vật phiêu lưu trong Tom Sawyer là kiểu nhân vật phiêu lưu nổi loạn. Với việc để cho Tom trải qua hai bước đường phiêu lưu: một là truy tìm món kho báu tưởng tượng chỉ tồn tại trong sách truyện, hai là khám phá ra một kho báu thật được chôn giấu bởi bọn cướp, Mark Twain đã tô đậm những nét tính cách của nhân vật chính: mạo hiểm, tò mò, dũng cảm, thông minh... đồng thời tăng cường mở rộng diện phản ánh hiện thực của tác phẩm: bạo lực, cướp bóc, sự trả thù... Tuy nhiên, xét cho cùng thì điều nổi bật nhất trong cuộc phiêu lưu của Tom chính là nó thấm đẫm trí tưởng tượng lãng mạn và mang tính tự phát, bản năng: An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 18 Các em bướng bỉnh đấu tranh với sự ràng buộc bất công của những ước lệ trong đời sống, trong gia đình, trường học. Tất nhiên, sự chống đối của các em có tính chất bản năng, các em chưa thể có ý thức về sức mạnh tha hóa của đạo đức tư sản, của giáo lí nhà thờ bóp nghẹt những khát vọng tự nhiên, thù địch với những biểu hiện của trí tuệ thông minh, của tình cảm say mê. (Lê Hồng Sâm, 2001, tr. 3). Cốt truyện phiêu lưu trong Tom Sawyer không chỉ gây ấn tượng bởi những hành động nổi loạn của Tom Sawyer, những biến cố ly kỳ hấp dẫn gây chấn động cả làng St. Petersburg, mà chủ yếu qua những trạng thái tâm lý hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi thần tiên. Từ tâm lý yêu đương với đầy đủ những cung bậc tình cảm, đến tâm lý sợ ma, sợ đến trường, sợ đòn roi, sợ lao động, sợ uống thuốc và tâm lý của đứa trẻ muốn chứng tỏ mình đã trưởng thành, tất cả đều hiện lên sống động, chân thực và cảm xúc qua cái nhìn hài hước, dí dỏm mà nhân ái của Mark Twain: Tom sở hữu một tính cách sôi động. Về bản chất Tom mang một tấm lòng nhân hậu và vốn dĩ thông minh, không chấp nhận những điều giả dối, tội lỗi và luôn nổi loạn theo kiểu trẻ con, thích làm ngược lại những gì người lớn muốn nên các biểu hiện hành động của Tom rất khó đoán định. (Lê Huy Bắc, 2003, tr. 185). Còn cuộc phiêu lưu của Ram – một trang hiệp sĩ “trừ gian diệt ác” thật sự – cũng thấm đẫm trí tưởng tượng lãng mạn, nhưng nó lại lãng mạn theo kiểu những “diễn viên – người hùng” trong những thước phim hành động Bollywood với những xung đột gay gắt, chân thật đến nghẹt thở và đôi khi đẫm máu (hai lần Ram đã vô tình phạm tội giết người). Những xung đột của nhân vật phiêu lưu với các nhân vật là vật cản trong Triệu phú khu ổ chuột đã phơi bày những sự đối lập và xung đột sâu sắc trong xã hội Ấn Độ hiện đại: giàu – nghèo và xung đột tôn giáo. Như trên đã nói, cả hai nhân vật chính trong hai tiểu thuyết đều trải qua một biến cố ngẫu nhiên giống nhau có ảnh hưởng rất lớn đến số phận nhân vật: may mắn có được một món tiền lớn. Thế nhưng hành động và phản ứng của hai nhân vật trước biến cố ngẫu nhiên này là rất khác nhau. Tom là trẻ con và vì thế nên nó thấy mình rơi vào trạng thái khốn khổ. Từ một kẻ nghèo kiết xác sau khi được thừa hưởng một khoản tiền kếch xù, cuộc sống của Tom đã biến đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn. Tom được ca ngợi và được nghe những hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp thông qua con đường giáo dục – một nền giáo dục phi lý mà từ lâu Tom nổi loạn chống đối. Thông qua điểm nhìn trẻ thơ, Mark Twain đã bộc lộ mâu thuẫn giữa đồng tiền và tự do của con người. Bên cạnh đó, thông qua cách hành xử trong trắng không vụ lợi của trẻ thơ, tác giả đã làm nổi bật âm mưu, thủ đoạn của người lớn trong cơn khát tiền tài, danh vọng. Cuộc phiêu lưu đậm chất hài hước của Tom chính vì vậy có một thái độ phủ nhận xã hội tư sản đồng tiền một cách chua chát. Còn Ram, anh đã hành động khác Tom sau khi được sở hữu một số tiền kếch xù. Là một đứa bé mồ côi không được học hành, Ram bị ném vào đời từ khi còn nhỏ, trải qua biết bao nhiêu biến cố khủng khiếp trong cuộc đời, anh ý thức được rằng trong cái xã hội mà mình đang sống những kẻ có tiền là những kẻ mạnh. Đồng tiền có những sức mạnh khủng khiếp, nó cũng hoàn toàn có khả năng biến giấc mơ thành hiện thực. Chính vì vậy, Ram đã dùng số tiền đó như cái cách mà Jean Valjean trong Những người khốn khổ của Victor Hugo đã làm: mang tiền để giúp những con người khốn khổ dưới đáy xã hội. Triệu phú khu ổ chuột vì thế chính là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, thể hiện cái nhìn lạc quan: thiện rồi sẽ thắng ác. Vì thế, thái độ của Tom là thái độ phủ nhận xã hội, còn thái độ của Ram là thái độ nhập cuộc và tin yêu cuộc sống đầy lạc quan dẫu cái cuộc sống ấy, cái xã hội ấy đã xô đẩy Ram vào cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ với những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 19 Hình ảnh Tom Sawyer và Ram Mohammad Thomas gợi nhắc cho chúng ta đến hình ảnh chàng hiệp sĩ Don Quixote với trái tim đầy nhiệt huyết đi giữa cuộc đời. Điều đó cho thấy sức sống của một hình tượng nhân vật kiểu mẫu. Quyển tiểu thuyết thời Phục hưng này đã cung cấp một kiểu cốt truyện phiêu lưu kinh điển, và nó là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà văn khi muốn tái hiện những bức tranh xã hội rộng lớn, qua đó phản ảnh những vấn đề nóng bỏng và nhức nhối của xã hội. Sự gia công, sáng tạo của mỗi tác giả trên nền tảng cốt tuyện phiêu lưu của Cervantes đã cho ra đời những đứa con tinh thần mang đậm bản sắc dân tộc và dấu ấn phong cách riêng của tác giả. 3. KẾT LUẬN Chủ nghĩa cấu trúc hình thành và phát triển trong hai thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX đã mở ra một con đường mới cho sự phát triển của nghiên cứu lý luận văn học. Đi tìm mô hình hình thức tự sự, các nhà cấu trúc học hướng tới khám phá giá trị văn chương trong chính tổ chức nội tại của văn bản nghệ thuật. Trên cơ sở tiếp thu quan điểm về cốt truyện của IU. M. Lotman, bài viết tiếp cận cốt truyện phiêu lưu theo sự kiện của cấu trúc nội tại văn bản - tức là thông qua các biến cố khi có hành động vượt qua các ranh giới không gian của nhân vật hành động - trong hai tiểu thuyết cụ thể là Tom Sawyer và Triệu phú khu ổ chuột. Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ sự vận động và phát triển của thể loại tiểu thuyết phiêu lưu cũng như những sáng tạo và cách tân độc đáo của hai tác giả trên cơ sở tiếp thu các yếu tố truyền thống. Trước hết, Tom Sawyer là một quyển tiểu thuyết nhại tiểu thuyết phiêu lưu, vì vậy mà tác phẩm mang đầy đủ những đặc điểm về mặt kết cấu của một tiểu thuyết phiêu lưu truyền thống. Và cốt truyện của tác phẩm cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Đó là kiểu cốt truyện phân đoạn biên niên. Điểm nhìn trần thuật chủ yếu là từ bên ngoài, những sự kiện và biến cố tương đối ít, không gian phiêu lưu tương đối hẹp khi chỉ thu gọn ở miền Tây nước Mỹ và chủ yếu là những không gian thực nối tiếp nhau cũng theo trật tự biên niên vì vậy mà tính chất phiêu lưu chưa được thể hiện một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, cốt truyện phiêu lưu còn thiên về vụ việc, sự kiện và quá trình phiêu lưu (adventure), nó chưa phải là hành trình đi tìm cái tôi bản thể như các tiểu thuyết hiện đại sau này mà Le Clezio là một ví dụ điển hình. Sự cách tân của Mark Twain trước hết là ở chỗ ông đã sáng tạo ra một kiểu nhân vật phiêu lưu độc đáo: anh hùng hiệp sĩ thiếu nhi. Có thể nói thành công đầu tiên của Mark Twain là biết chọn đối tượng phản ánh – một đối tượng hết sức gần gũi và phổ biến với nhân loại – đó là trẻ em. Bên cạnh đó, bằng thủ pháp giễu nhại tiểu thuyết hiệp sĩ “Don Quixote”, ông đã dẫn dắt độc giả vào cuộc hành trình vô cùng hấp dẫn của nhân vật chính với những biến cố ngẫu nhiên và tất nhiên đậm chất hài hước châm biếm nhưng cũng có lúc hồi hộp đến nghẹt thở và in đậm dấu ấn tự thuật của tác giả. Chuyến phiêu lưu này cũng mang đậm tính chất miền (local color) và thấm đẫm tính chất trào phúng vùng biên cương. Tác phẩm này cũng thể hiện rất rõ chất phiêu lưu truyền thống của dân tộc Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung. Đây chính là điểm đặc sắc của tiểu thuyết phiêu lưu của Mark Twain, làm nên phong cách riêng của ông không thể lẫn vào đâu được. Đến Triệu phú khu ổ chuột, chính kiểu cốt truyện phiêu lưu đã tạo nên thế mạnh của tiểu thuyết này: khả năng phản ánh hiện thực trên diện rộng với bề rộng của không gian và chiều dài của thời gian. Hơn thế nữa, nó cũng đi sâu khám phá hiện thực bề sâu bên trong nội tâm của con người. Sức hút của cốt truyện phiêu lưu trong tác phẩm này là do tác giả đã sáng tạo ra một kiểu kết cấu vô cùng mới mẻ: kết cấu trò chơi. Với kiểu kết cấu này, những không gian phiêu lưu của nhân vật (và xuất hiện cùng với nó là hàng loạt các biến cố) không còn xuất hiện theo trật tự thời gian kể biên niên truyền thống nữa mà được ghép nối và đồng hiện theo kiểu điện ảnh. Vì vậy, kiểu cốt truyện phiêu lưu trong tác phẩm này là kiểu cốt truyện hiện đại: đa tuyến – đa tầng bậc và đảo lộn trật tự thời gian. An Giang University Journal of Science – 2018, Vol. 21 (3), 11 – 20 20 Tóm lại, từ Tom Sawyer của Mark Twain đến Triệu phú khu ổ chuột của Vikas Swarup, tiểu thuyết phiêu lưu đã có những bước đi dài và những sự cách tân đáng kể, phản ảnh quá trình hiện đại hóa văn học để phù hợp với thị hiếu của độc giả và phù hợp với quá trình phát triển tất yếu của văn học để bắt kịp những vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự của xã hội đương thời. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bakhtin, Mikhail. (1992). Lí luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch). Hà Nội: Trường Viết văn Nguyễn Du. Dương Thị Ánh Tuyết. (2017). Nhân vật Mark Twain. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Fragonard. (1999). Văn hoá thế kỷ XX – Từ điển lịch sử văn hoá (Chu Ánh Tiến dịch). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Minh Đức. (Chủ biên). (2003). Lý luận văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Hồ Á Mẫn. (2011). Giáo trình văn học so sánh. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, & Trần Đình Sử. (2006). Từ điển thuật ngữ Văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Lê Hồng Sâm. (2001). Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học. Lê Huy Bắc. (2003). Văn học Mỹ. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Lotman, IU. M. (2007). Cấu trúc văn bản nghệ thuật. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Lưu Huy Khánh & Hoàng Trực. (1994). Lược truyện 101 tác phẩm xuất sắc thế giới. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Đức Hiểu, Trần Hữu Tá, & Phùng Văn Tửu. (2004). Từ điển văn học bộ mới. Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới. Nguyễn Thị Nhu. (2011). Tìm hiểu cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết “Những cuộc phiêu lưu của Huckle Berry Finn” của Mark Twain. (Luận văn thạc sĩ không xuất bản). Hà Nội: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Nguyễn Văn Chính, Đặng Anh Đào, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, & Phùng Văn Tửu. (1998). Văn học phương Tây. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Pospelov, G.N .(1998). Dẫn luận nghiên cứu văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Saavedra, Miguel De Cervantes. (2012). Đônkihôtê nhà quí tộc tài ba xứ Mantra (Trương Đắc Vy dịch). Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học. Swarup, Vikas. (2016). Triệu phú khu ổ chuột (Nguyễn Bích Lan dịch). Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Trần Đình Sử. (Chủ biên). (2005). Lí luận văn học tập 2: Tác phẩm và thể loại văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Trương Văn Tuấn. (2012). Yếu tố ngẫu nhiên trong tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột của Vikas Swarup. (Luận văn thạc sĩ không xuất bản). TP. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Sư phạm. Vũ Dũng. (1997). Những tác phẩm lớn trong văn chương thế giới. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf1566294576_02_nguyen_thi_thu_giang_xpdf_4433_2189580.pdf
Tài liệu liên quan