Tài liệu Con người và hiện thực miền núi trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0065
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 106-113
This paper is available online at
CON NGƯỜI VÀ HIỆN THỰC MIỀN NÚI
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CAO DUY SƠN
Điêu Thị Tú Uyên
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc
Tóm tắt. Con người và hiện thực miền núi là đề tài chủ yếu trong tiểu thuyết của Cao
Duy Sơn. Nhà văn của núi rừng Đông Bắc đã khắc họa trong các tiểu thuyết của mình bức
tranh về thiên nhiên, cuộc sống và con người miền núi Cao Bằng trong cái nhìn đa diện, đa
chiều. Một thiên nhiên vừa thơ mộng, trữ tình vừa hùng vĩ. Những con người miền núi với
cái phẩm chất và tâm hồn trong vắt như suối rừng mùa thu. Toàn bộ không gian đời sống
sinh hoạt miền núi với những bản sắc văn hóa riêng của vùng Tày cũng được Cao Duy Sơn
phác thảo một cách sinh động, mới lạ và đầy sức hấp dẫn. Bức tranh hiện thực ấy đã thay
đổi cách nhìn của độc giả về cuộc sống và con người các dân tộc miền núi, đóng góp quan
trọng vào việc đổi mới đ...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 451 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Con người và hiện thực miền núi trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0065
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 106-113
This paper is available online at
CON NGƯỜI VÀ HIỆN THỰC MIỀN NÚI
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA CAO DUY SƠN
Điêu Thị Tú Uyên
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc
Tóm tắt. Con người và hiện thực miền núi là đề tài chủ yếu trong tiểu thuyết của Cao
Duy Sơn. Nhà văn của núi rừng Đông Bắc đã khắc họa trong các tiểu thuyết của mình bức
tranh về thiên nhiên, cuộc sống và con người miền núi Cao Bằng trong cái nhìn đa diện, đa
chiều. Một thiên nhiên vừa thơ mộng, trữ tình vừa hùng vĩ. Những con người miền núi với
cái phẩm chất và tâm hồn trong vắt như suối rừng mùa thu. Toàn bộ không gian đời sống
sinh hoạt miền núi với những bản sắc văn hóa riêng của vùng Tày cũng được Cao Duy Sơn
phác thảo một cách sinh động, mới lạ và đầy sức hấp dẫn. Bức tranh hiện thực ấy đã thay
đổi cách nhìn của độc giả về cuộc sống và con người các dân tộc miền núi, đóng góp quan
trọng vào việc đổi mới đề tài miền núi trong nền văn học đương đại Việt Nam.
Từ khóa: Con người và hiện thực, miền núi, tiểu thuyết của Cao Duy Sơn.
1. Mở đầu
Cao Duy Sơn là tác giả của nhiều tiểu thuyết viết về đề tài miền núi: Người lang thang
(1992), Cực lạc (1995), Hoa mận đỏ (1999), Đàn trời (2006), Chòm ba nhà (2009). Là nhà văn
của núi rừng Đông Bắc, Cao Duy Sơn là một trong những cây bút viết nhiều và viết hay về đề tài
miền núi từ sau đổi mới. Nhiều bài viết của độc giả yêu mến và các nhà nghiên cứu như Lũng núi
ấy. . . đã sinh ra một nhà văn” (Phạm Quang Trung – Văn nghệ Sông Cửu Long [9]); Cao Duy
Sơn, giọng văn nhẹ nhàng mà sắc bén (Sông Lam – Báo Dân tộc và phát triển [10]); Văn xuôi Việt
Nam hiện đại về dân tộc và miền núi (Phạm Duy Nghĩa – Luận án tiến sĩ); Bản sắc văn hóa dân
tộc trong văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì đổi mới và hội nhập (Đào Thủy Nguyên –
Tạp chí Nghiên cứu văn học [6]). . . đều khẳng định ngòi bút tiểu thuyết của Cao Duy Sơn là ngòi
bút đầy sung mãn, có sức bật, có những bước đột phá về đề tài dân tộc và miền núi. Các tiểu thuyết
của Cao Duy Sơn đã mở ra một thế giới nghệ thuật mới lạ, đầy hấp dẫn, thể hiện cái nhìn đa diện,
nhiều chiều về hiện thực và con người miền núi. Với mảng đề tài này, Cao Duy Sơn đã khẳng định
được phong cách, giọng điệu riêng của mình. Tuy nhiên, các bài viết trên chủ yếu thể hiện cái nhìn
khái quát về tiểu thuyết của Cao Duy Sơn, hoặc quan tâm đến thi pháp nghệ thuật trong từng tác
phẩm cụ thể, trong khi cần có cái nhìn và sự đánh giá đầy đủ, hệ thống những đóng góp quan trọng
của nhà văn cho nền tiểu thuyết đương đại về đề tài dân tộc và miền núi, nhất là về phương diện
phản ánh hiện thực và con người miền núi từ sau đổi mới. Bài viết này mong muốn đưa ra cái nhìn
Ngày nhận bài: 15/4/2015 Ngày nhận đăng: 10/9/2015
Liên hệ: Điêu Thị Tú Uyên, e-mail: tuuyentbu@gmail.com
106
Con người và hiện thực miền núi trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn
cụ thể và mang tính hệ thống về hiện thực và con người miền núi được khắc họa trong năm cuốn
tiểu thuyết của Cao Duy Sơn kể từ sau đổi mới, ghi nhận những giá trị đặc sắc, sáng tạo trong tiểu
thuyết của nhà văn khi viết về mảng đề tài này.
2. Nội dung nghiên cứu
Sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, kí ức tuổi thơ, thiên nhiên, con người và những vỉa tầng văn
hóa truyền thống dân tộc Tày đã bám rễ, ám ảnh sâu trong tâm trí Cao Duy Sơn, “nó khiến anh
khắc khoải, day dứt tựa hồ như đang mang một món nợ đối với quê hương. Và nếu không trả được
món nợ đó, anh không thể tìm thấy một chốn bình an để neo đậu tâm hồn” [10]. Nhà văn viết về
cao Bằng vừa để trả nợ ân tình vừa như trải lòng với vùng đất và con người mình đã nặng lòng gắn
bó. Thiên nhiên, cuộc sống và con người miền núi Cao Bằng hiện lên trong tiểu thuyết của Cao
Duy Sơn thật đa diện, đa chiều.
2.1. Tiểu thuyết Cao Duy Sơn phác họa một thiên nhiên miền núi đa dạng, thơ
mộng mà hùng vĩ, mang tâm hồn con người miền núi
Thiên nhiên Cao Bằng trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn có đủ đường nét, màu sắc, hình
khối. Một thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ: “Núi như những chàng khổng lồ khoác vai nhau giăng
tận chân trời. Xen kẽ những ngọn đồi, và cánh đồng màu mỡ, những thảm nương xanh mướt khi
mùa đang xanh; đâu đâu cũng đồi núi điệp trùng. Sương như mây phủ kín những đỉnh non cao...”
(Chòm ba nhà); “Thác Phja Bjooc đổ xuống từ độ cao gần sáu mươi sải tay. Triệu triệu những bụi
nước từ dòng thác như tấm lưới khổng lồ tung lên trời cao, rồi trùm xuống vạn vật cách nó cả trăm
thước (Đàn trời); và thơ mộng: Chiều thu yên ả và trong lành... Vạn vật hết thảy đang vào kì chín
rũ úa vàng. Không gian phồng gió và lá thổi đuổi nhau hối hả. Phút dừng lại tạm thời trời đất lặng
phắc như một nụ hôn đắm đuối chia li”... (Người lang thang). Nhưng đọc tiểu thuyết của Cao Duy
Sơn có thể nhận thấy nhà văn ít miêu tả thiên nhiên trong cái nhìn riêng rẽ. Quan niệm con người
và tự nhiên là hai thực thể của tạo hóa, con người miền núi dựa vào thiên nhiên để sống, để đấu
tranh, bồi đắp tình cảm và thanh lọc, nuôi dưỡng tâm hồn, Cao Duy Sơn đã miêu tả thiên nhiên
vùng Đông Bắc trong sự hòa hợp máu thịt với con người. Thiên nhiên có ở trong mắt nhìn, trong
tâm tư, tình cảm của người miền núi. Khi vui, hạnh phúc hay buồn bã, đau đớn, con người đều tìm
về với thiên nhiên “Vương thường ra bên bờ sông ngồi, phần tìm lại hơi ấm ngày nào tưởng như
vẫn đâu đây, tình yêu của anh tươi sáng và trong vắt như trăng thu, ngọt ngào nguyên sơ như hương
lúa... Dọc bờ sông Dâng, Diệu nhắm mắt thở nhẹ... Thật sâu trong đêm, thoảng đến rất nhẹ hương
cỏ già ngái và nhựa từ cuống là cơi vàng trôi trên dòng sông. Mùa thu đến rồi! Khóe mắt chị bỗng
trào những giọt lệ, chị bỗng khóc cho những chiếc lá vàng và cỏ dại úa chín, ngày xưa ơi!”. Đối với
Vương và Diệu (Đàn trời), tìm về bên sông là tìm về với những yêu thương, nồng nàn trong miền
kí ức, là để lòng mình có những khoảnh khắc dịu lắng với một quá vãng xa xôi không thể nào quay
lại được nữa. Cả hai như được dòng sông quê xoa dịu, vỗ về. Còn với Thức (Đàn trời), trở về Phja
Đeng cũng là trở về với một thời quá khứ xiết bao yêu thương, trìu mến. Không gian yên tĩnh của
quê hương như tách Thức ra khỏi những nghiệt ngã của công việc mà anh đang phải nếm trải. Anh
như được trở về với bình yên sau cái ồn ã, đắng cay của đời thường. Thiên nhiên ôm ấp, chở che,
chia sẻ, vỗ về, bù đắp những thiếu hụt về tình cảm, tâm tư, ước vọng. Ngắm toàn cảnh Phja Đeng
với những dãy đồi tầng tầng lớp lớp xanh mờ trong sương. Không một cây to, chỉ mênh mông cỏ
xanh được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh xa tít tắp... Đối mặt với sóng gió, mong con
được tiếp thêm nghị lực, ý chí, Lão Mạc đưa Thức đến thác Đàn trời. Cái lễ cầu an trước con thác
đổ xuống từ đỉnh núi cao ngất, “cảm giác bồng bềnh như nằm trên sóng, Thức chìm xuống trong
107
Điêu Thị Tú Uyên
ánh sáng mờ ảo xuyên làn mưa bụi... Bừng... bừng... bừng... Nó vang tới mức rung cả hai lá phổi”.
Cái thác nước trời ấy đã làm trỗi dậy trong Thức nhiệt huyết sống, tiếp thêm cho anh sức mạnh và
một lòng tin tưởng mãnh liệt vào con đường mà anh đã chọn. Văn Cao Duy Sơn giàu hình ảnh,
giàu chất say của người say thiên nhiên. Cái không gian miền núi trong sách của anh vừa có sự thơ
mộng, quyến rũ lại vừa có vẻ dữ dội, hoang sơ, huyền bí của chốn rừng già thâm nghiêm, nâng đỡ
con người trong những chiều sâu thẳm của nó.
2.2. Tiểu thuyết Cao Duy Sơn tái hiện bức tranh đời sống sinh hoạt của người
dân miền núi chân thực và sinh động
Là nhà văn của dân tộc Tày, Cao Duy Sơn cũng đã miêu tả hết sức sinh động những tập tục,
sinh hoạt văn hóa mang bản sắc riêng của vùng đất Tày trong các tiểu thuyết của mình. Đó là tục
lượn then độc đáo. “Muốn lấy được lời của bạn gái mình động lòng nhớ thương, trai Tày phải cầm
khăn tay trắng phất qua đầu ba lần, cùng với tiếng hú cất lên thống thiết làm hiệu... nhận được tín
hiệu ngỏ lời hoa của bạn trai... người con gái cũng sẽ giơ khăn tay đáp lại hai lần, nhận lời đối hát.
Khi ấy, người con trai mới được phép cất tiếng lượn, gọi từ gan ruột những lời hay lời đẹp như cánh
ong, cánh bướm vờn nụ tầm xuân” (Người lang thang). Thuận lòng, hợp ý, người con gái sẽ cất lời
lượn mời bạn trai theo mình về bản, đến dưới cầu thang cất tiếng lượn chúc sức khỏe người già,
người trẻ. Nếu cha mẹ người con gái ưng thuận, sẽ đặt một ngọn đèn ngoài sàn, mời người con trai
lên sàn sân hát bản. Lúc đó, dân làng cũng sẽ kéo đến vừa uống rượu với chủ nhà vừa giám định
tài đối đáp của người con trai, mà đánh giá, bình luận. Hát bản có khi kéo dài hai, ba đêm. Nếu gia
đình nhà gái ưng thuận, sẽ mời người con trai một bát rượu đầy tỏ lòng chấp nhận cầu hôn. Tục hát
tuồng Dá hai “với đủ khúc đoạn buồn, vui, giận dữ, hài hước”; chợ xuân trai gái tìm nhau trong
câu sli, lượn, rồi hội lùng tùng, hội Nàng Hai mừng gạo mới... “khắp vùng Tày vang tiếng lượn
then của người tày, tiếng Hà Lều của người Nùng, tiếng sli rực lửa của người Giang” (Cực lạc); tục
uống rượu chung bát khi gặp lại bạn bè, anh em (Đàn trời); tục làm ma nhét cho trẻ đầy tháng, thết
cỗ cả làng, gói quà cho khách cầm về và nhét cả vào gốc cây, bụi rậm để mong đứa trẻ khỏe mạnh,
“mau lớn như thổi, lớn làm cây nghiến cứng cáp trên rừng, làm con chim ưng tung cánh đỉnh núi”
(Hoa mận đỏ); tục tảo mộ vào tiết thanh minh, chọn đúng này cửa mả mở làm đồ cúng cho người
chết, gọi người âm về gặp người dương (Hoa mận đỏ)... Đặc biệt ấn tượng là những cảnh sinh hoạt
đặc trưng của một thị trấn nhỏ miền núi, vừa có cái dáng vẻ phố xá vừa mang cái không khí của
một bản làng miền sơn cước. Cao Duy Sơn đã tái hiện những cảnh sinh hoạt đặc sắc ở Cô Sầu
trong nhiều tiểu thuyết của mình. Đầu tiên là chợ Cô Sầu. “Chợ Cô Sầu lớn vào loại nhất khu vực
miền Đông. Cứ năm ngày một phiên người từ các xã, các huyện cả tỉnh lị nườm nượp kéo nhau đổ
về. Ba cái đình chợ dựng bằng gỗ nghiến cao ngất không đủ chỗ cho hàng quán bày bán đủ loại
hàng hóa. Nhiều hơn cả vẫn là hàng ăn uống, và nhất là rượu, rượu đựng trong vò, trong bầu, trong
bình thủy tinh, từ rượu thuốc, tắc kè, rượu tiết trăn, tiết sơn dương đến rượu trắng bày khắp hai bên
lối đi. Quần áo, mũ nón xanh biếc thơm nức mùi chàm chen nhau như sóng. Nhất lại là chợ “slao,
báo” như hôm nay chỉ rặt lũ thanh niên trai gái lũ lượt đổ về nghẽn lối đi” (Hoa mận đỏ). Đúng
là chợ vùng cao. Người ta đổ về chợ phiên không chỉ để mua bán, mà chủ yếu để đi chơi, tìm gặp
bạn, nói chuyện hiếu, chuyện hỉ, lễ đầy tháng trẻ con hay vào nhà mới, gái trai nhìn ngắm nhau,
trao gửi tâm tình. Và rượu là thứ không thể thiếu, cũng không thể ít trong cái phiên chợ rẻo cao
ấy. Nó là thứ người ta uống để vui, uống để say, say rượu, say người, say tình. Rồi đến cung cách
sinh hoạt riêng chỉ có ở phố Cô Sầu. Từ thời Tây dân Cô Sầu đã nổi tiếng với các trò ăn uống, chơi
bời: “Ở cái thị trấn giáp biên heo hút này, dân hầu hết sống bằng nghề buôn bán và làm quà bánh.
Việc ruộng rẫy đã có kẻ khác lo, có tiền là có ngô, có thóc... Việc buôn bán và làm hàng quà bánh
đã chiếm gần hết thời gian của họ. Thì giờ rỗi còn dành cho cờ bạc hút sách... khi bóng đêm trùm
108
Con người và hiện thực miền núi trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn
xuống, đường phố mới thật nhộn nhịp. Trai gái, già trẻ từ những căn nhà đèn nến sáng trưng, tràn
ra phố dập dìu tấp nập. Tày Nùng có, Hoa có, cả các ông chủ buôn người kinh theo sau là những
nàng hầu, cùng hòa nhập chen chúc với sắc phục đủ màu. Quần áo, da thịt, mĩ phẩm quyện vào
nhà tạo nên một không khí quyến rũ đến nao lòng... Tất cả đều đổ về khu nhà Sèn Sì. Ngôi nhà
hình bán nguyệt như một lâu đài, vang lên tiếng hồ lì tiếng xóc đĩa thu hút toàn bộ tinh lực dân
tình” (Người lang thang).
Dù đôi khi, Cao Duy Sơn có phần nặng nề, chi tiết quá khi miêu tả bức tranh đời sống nhưng
vẫn phải thừa nhận vốn hiểu biết văn hóa Tày và hiện thực cuộc sống trên mảnh đất quê hương đã
làm cho những trang viết về không gian miền núi của nhà văn giàu sức sống, sinh động, quyến rũ
lạ kì.
2.3. Tiểu thuyết của Cao Duy Sơn phác họa chân dung con người miền núi chân
chất, bộc trực, hồn nhiên, tiềm tàng một vẻ đẹp tâm hồn đáng quý và một
sức sống mạnh mẽ
Trong các tiểu thuyết của mình, Cao Duy Sơn cũng đã phác họa sắc nét hình ảnh những
người con của núi rừng Đông Bắc với “cái phẩm chất và tâm hồn trong vắt như suối rừng mùa thu,
không bon chen, tị hiềm, đố kị. Không hối hả đi, hối hả ăn, hối hả tranh cướp, giành giật, hù dọa
nhau chỉ vì đồng tiền bát gạo...” (Đàn trời) bằng một tình cảm đặc biệt. Nhà văn bộc lộ sự trăn trở,
day dứt về những phận người bé nhỏ trong nhiều cảnh ngộ cơ cực, buồn tủi, như Lão Nọong, Lão
Tẻn, Na Ban, Mảy Nhung, Ngấn (Người lang thang), Lão Khần, Mạc, An, Pồn (Cực lạc), San, chị
Lương (Chòm ba nhà), Lão Sẩm ki, mụ Sắn Pì, Vương, Thức (Đàn trời), Lão Phu, Mảy Lìn (Hoa
mận đỏ)... Mỗi người trong số họ đều đã nếm trải đến tận cùng nỗi đau của con người bị chà đạp,
dày vò bởi sự lạnh lùng, tàn độc của đồng loại hay sự cô độc của kiếp người lang thang, trải cuộc
đời gió bụi... Ngòi bút của Cao Duy Sơn nhiều lúc có cảm giác tàn nhẫn khi khắc họa những cảnh
đời nghiệt ngã. Mạc (Cực lạc) không thể tìm được tiếng nói hòa đồng với đồng loại, hóa điên dại
cả đời; Thức (Đàn trời) mấy lần chết đi sống lại, chịu nhiều lao lí bởi sự truy sát, hãm hại của kẻ
ác, mất đi người vợ thương yêu nhất; lão Nọong, Lão Tẻn chứng kiến không ít cái chết của những
người lương thiện, không ít nỗi đau của những đứa trẻ chịu cảnh đời côi cút. Nhưng lấp lánh sau
những cảnh đời đau khổ ấy là tấm lòng yêu thương của Cao Duy Sơn dành cho những người dân
quê mình. Với Cao Duy Sơn, cuối cùng, điều còn đọng lại, để nuôi dưỡng hi vọng sống cho con
người chính là tình người. Pa me của San đã bao bọc chị Lương trong tình cảm gia đình, cho chị
tình yêu thương của mẹ cha mà chị đã không biết đến từ khi còn rất nhỏ, rồi chính chị Lương lại
dành cho San tình thương dịu dàng nhất. Lão Khần, lão Tẻn, lão Nọong, mú Ban, mụ Sắn Pì đã
cưu mang, nuôi nấng những đứa trẻ mất cha, mất mẹ như thằng Pồn, cái Phung, thằng Ngấn, thằng
Thức nên người, cho chúng cuộc sống, tương lai tốt đẹp. Sẩm Ki cả cuộc đời dành cho tiếng sáo
an ủi, xoa dịu nỗi đau của người khác. Đúng như tác giả Đào Thủy Nguyên đã khẳng định khi
đánh giá những đóng góp về nội dung của tiểu thuyết miền núi: “Là sự chắt lọc những tinh túy của
vẻ đẹp và sức mạnh đại ngàn, người miền núi mang trong mình tố chất của những bản thể người
mạnh mẽ, giàu lòng quả cảm, giàu khả năng hồi sinh, tái sinh như khóm ngải tàn khóm ngải lại lên
xanh” [6;66], trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn, những con người miền núi mang trong mình một
sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ và vẻ đẹp của tình người cao cả. Chính tình người âm thầm, lặng lẽ
mà ấm áp là cứu cánh tinh thần nâng đỡ tâm hồn con người vượt qua đêm tối cuộc đời, hướng về
phía ánh sáng, lương tri. Về phương diện này, có thể xem các tiểu thuyết viết về miền núi của Cao
Duy Sơn như là những bài ca ca ngợi sức sống bất diêt của con người miền núi.
Miêu tả con người vùng đất Đông Bắc, Cao Duy Sơn đặc biệt có cảm hứng với vẻ đẹp của
109
Điêu Thị Tú Uyên
những người phụ nữ miền sơn cước. Trong cảm nhận của Cao Duy Sơn, họ là biểu tượng cho vẻ
đẹp tinh khiết, thánh thiện cả về thể chất và tâm hồn. Trong Chòm ba nhà, San nhớ lại hình ảnh
mẹ mình thời thiếu nữ: “Dân Cô Sầu bảo me là bông hoa đẹp nhất trong rừng hoa trên đỉnh Phja
Booc. Mỗi bước đi mềm mại hơn cả những dải mây hồng trong nắng”. Chị Lương, trong ấn tượng
của San, “là người con gái có nước da rất trắng. Nổi nhất là hai lọn tóc xoăn bên mai... chị xinh
đẹp như tiên... Chị nhìn tôi thật dịu dàng. Một cái nhìn tôi không bao giờ quên”.... An (Cực lạc)
có giọng hát của chim sơn ca “làm nao lòng nhân thế”, có sắc đẹp khiến mọi người cứ nghĩ cô là
đứa con của thần thánh. Đó là sắc đẹp “hội tụ với tất cả hoa lá của rừng núi, vị thơm ngon của hạt
ngô, con suối trong trôi trên những ghềnh đá. Mảy Lìn (Hoa mận đỏ) đẹp nhất phố Cô Sầu... so
với lũ bạn cùng lứa có nét đằm thắm hơn”; Diên (Người lang thang) “có cặp môi đỏ như cánh hoa
gạo... Nét trẻ trung quyến rũ của cô gái làm cho Ngấn như kẻ ngủ mê... Đôi chân trắng hồng, mịn
màng khỏa trên mặt nước trong vắt, cùng dáng người mềm mại... như tỏa quanh mình một vẻ e ấp,
kín đáo”; Diệu (Đàn trời) “có đôi mắt sáng. Mái tóc xanh dày.... cặp cao vổng để lộ làn da trắng
mịn... nụ cười trên khuôn mặt thắm hồng”; Mỷ (Đàn trời) “đẹp một cách lạ lùng. Thân thể nàng,
da dẻ nàng đến cặp mắt trong sáng và cả đôi môi kia như được chắt ra từ bình minh trong sương,
từ ánh trăng dịu hiền của trời thu trong vắt, từ hoa, từ lá, từ dòng suối rừng tinh khiết ngọt ngào”...
Những người phụ nữ ấy đều có chung một điểm là nhân hậu, giàu đức hi sinh. Trong các trang viết
của Cao Duy Sơn, họ luôn hiện lên ở phía sáng, với tâm hồn thánh thiện, sẵn sàng hiến dâng tất
cả cho tình yêu, tình thương. Tuy còn có phần khiên cưỡng khi có ý định lí tưởng hóa các nhân
vật phụ nữ miền núi nhưng Cao Duy Sơn hẳn muốn gửi gắm kì vọng về một vẻ đẹp hoàn mĩ, gửi
gắm niềm tin yêu vào những người đang lưu giữ trong diện mạo, trong tâm hồn và cuộc sống của
họ cả một bản sắc văn hóa miền núi sinh động, đặc sắc. Nhưng có lẽ, vấn đề có sức lay động nhất
đối với độc giả khi tiếp xúc với các nhân vật phụ nữ miền núi trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn
lại là vấn đề thân phận của họ. Trong các tác phẩm của mình, Cao Duy Sơn tập trung phản ánh,
mô tả nỗi khổ nhục, bất hạnh của nhiều người phụ nữ. Mảy Lìn (Hoa mận đỏ), người con gái đẹp
nhất phố Cô Sầu đã trao trái tim lầm người. Đời người con gái hiến dâng cho Chẩng, nhưng Mảy
Lìn lại nhận được tình yêu thương, sự bao dung của Tài Pẩu và bố chồng cô là Phán Thình. Khi
cô vừa cảm thấy hạnh phúc quay trở lại với mình cũng chính là lúc bất hạnh ập đến. Chồng chết.
Bố chồng chết. Cô những tưởng đau thương này chỉ có Chẩng bù đắp. Chính người đàn ông cô tin
cậy đã đem mối hận tình chất chứa từ xưa ra hành hạ, đày đọa cô cả về thể xác và tâm hồn. An
(Cực lạc), người con gái xinh như bông hoa Phặc Phiền, hát hay như sơn ca của núi rừng đem lòng
yêu người con trai là Mạc nhưng lại bị kẻ xấu làm hại đời con gái. Cô đành ôm mối hận mà rời xa
Mạc trong khi vẫn hi vọng một ngày nào đó nối lại tình yêu đầu đời trong trắng. Hi vọng đó day
dứt cho đến lúc An lìa bỏ cõi đời. Diên (Người lang thang) từ một cô gái xinh tươi trở thành người
đàn bà bị đày đọa trong khổ nhục khi sống cùng người đàn ông vũ phu, tàn nhẫn. Cuộc đời cô chịu
đựng đủ sự dày vò, mất tình yêu, mất con, mất tuổi thanh xuân, thành cái bóng lầm lũi, cam chịu.
Lương (Chòm ba nhà) lại phải trải một cuộc đời lang thang, phiêu bạt khi dám đấu tranh để giữ
gìn sự trong trắng của mình, để chống lại kẻ ác... Kì thực, từ trong sâu thẳm, họ cũng nếm trải đủ
mùi cay đắng, cô độc và khao khát mãnh liệt một cuộc sống yên ấm như bao người phụ nữ bình
thường khác. Vấn đề thân phận người phụ nữ miền núi trước từng được các nhà văn Tô Hoài, Ma
Văn Kháng, Mạc Phi... đề cập tới. Cao Duy Sơn khai thác vấn đề không mới, nhưng cách anh viết
về thân phận của những người phụ nữ này có gì đó day dứt, ám ảnh, đau xót hơn. Có lẽ vì trong số
những người đàn bà đau khổ ấy có một phần thân quen, gắn bó máu thịt với nhà văn. Viết về họ,
Cao Duy Sơn để lại trong lòng độc giả cái ấn tượng rõ rệt về khát vọng hạnh phúc đau đáu, da diết.
Viết về miền núi, Cao Duy Sơn đã đưa độc giả vào những cuộc gặp gỡ đầy trăn trở, day dứt
với các nhân vật chính của truyện. Những con người hiện lên từ cuộc đời, số phận, tâm tính, tình
110
Con người và hiện thực miền núi trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn
cảm, lí tưởng, hoài bão nhiều nhọc nhằn, đau khổ... Từ cuốn tiểu thuyết đầu tay Người lang thang,
ngòi bút của Cao Duy Sơn đã thể hiện sự trăn trở với số phận của Ngấn. Là đứa trẻ mất cha mẹ từ
sớm, Ngấn nếm trải một cuộc đời nhiều cay đắng. Ngấn lưu lạc cùng với mú Ban đến đất Cô Sầu
này, làm đủ nghề kiếm sống, canh nhà xác, chôn người chết cùng lão Nọong, chăn bò cùng cha con
lão Tẻn. Cuộc sống mưu sinh khổ sở, nhọc nhằn, nhiều va vấp của một đứa trẻ sớm bị vứt vào đời
dạy cho Ngấn có cái lối nhìn đời già dặn trước tuổi. Ngấn hiểu đời nhưng vẫn bị kẻ ác ức hiếp. Vì
một người con gái mà Ngấn đem lòng yêu thương, cha con lão Lâm bày mưu hãm hại Ngấn. Ngấn
bị bắt giam, chịu nỗi oan ức không thể xóa. Trong Ngấn cháy rực lửa hận thù. Ở Hoa mận đỏ, Mảy
Lìn là người phụ nữ đẹp nhưng cuộc đời đầy nỗi truân chuyên. Cô khao khát hạnh phúc, và cũng
đã có một cuộc sống hạnh phúc dù ngắn ngủi. Nỗi khổ cùng cực của Mảy Lìn là vì tin mà tự đẩy
mình vào cảnh sống đen tối, chịu đựng sự dày vò cả về thể xác và tâm hồn. Trong Cực lạc, chân
dung cuộc đời nhân vật Mạc được Cao Duy Sơn khắc họa đầy đặn và sắc nét hơn. Mạc rời quân
ngũ với vết thương ở đầu. Anh đã phải trải qua mười năm trời chiến đấu với căn bệnh tâm thần ở
trại thương binh. Trở về quê hương trong những nét vẽ vụng về, đứt nối về kí ức, Mạc không còn
được đón chào. Ở Cô Sầu này, ai cũng coi Mạc là kẻ điên. Mạc đau đớn nhận ra rằng anh chỉ còn
là cái bóng trôi xa trong sự quên lãng mà thôi. Anh một lần nữa hóa điên khi nghe chuyện về An,
người yêu của mình. Mạc quyết định rời khỏi mảnh đất này sau khi đã trút hết lòng hận thù xuống
những kẻ đã cướp đi hạnh phúc của mình. Anh mang theo di hài của An, phiêu bạt nơi góc bể chân
trời. Nhưng có lẽ phải đến Đàn trời, độc giả mới cảm nhận được hết sự thăng trầm của số phận
con người. Trong vai những trí thức hiện đại, là nhà báo, Thức và Vương không chỉ trắc trở trong
cuộc sống mà còn phải đấu tranh một mất một còn với những kẻ muốn phá hoại thành quả tốt đẹp
của cuộc sống, thậm chí đấu tranh chống lại cả một thế lực đen tối núp dưới vỏ bọc của quyền lực.
Vì thế, Vương mất việc làm, còn Thức nhiều lần cận kề cái chết. Cuộc đấu tranh của Vương, của
Thức cho chúng ta thấy một thực tế đau xót. Cơ chế thị trường đã len chân đến vùng đất này, làm
ảnh hưởng đến cuộc sống vốn thuần phác của con người nơi đây, đã có đổ vỡ, đã có mất mát, đã
có nỗi đau, có trả giá, để cho vùng đất này trở về đúng là nó. Cao Duy Sơn cũng có niềm tin mãnh
liệt rằng những người con của núi rừng với cái chất phác, hồn nhiên, bộc trực, dũng cảm, có nghĩa
có tình sẽ vượt qua thử thách để sống tốt hơn. Trong quan niệm của nhà văn, chính cái khắc nghiệt,
độc dữ của rừng núi cùng sự đen tối của các thế lực hắc ám đã thử thách, tôi luyện cho những con
người này sức chịu đựng và một nội lực tiềm tàng, mạnh mẽ. Nên các nhân vật chính như Mảy
Lìn, Ngấn, San, Mạc, Vương, Thức trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn trải qua nhiều khó khăn,
thử thách nghiệt ngã đều giữ vững được thiên lương trong sáng, đứng lên một cách mạnh mẽ, đấu
tranh với cái ác, bảo vệ chính mình, bảo vệ cuộc sống tốt đẹp, thuần phác của núi rừng.
Một vấn đề đáng chú ý nữa là nếu trước đây, trong tiểu thuyết, con người miền núi xuất hiện
chủ yếu ở phương diện xã hội – lịch sử thì sau đổi mới, con người miền núi đã xuất hiện khá rõ nét
ở phương diện đời tư, bản năng. Đây là một bước tiến mang tính đột phá trong đổi mới quan niệm
nghệ thuật về con người của các nhà văn khi viết về đề tài miền núi. Tiêu biểu có thể kể đến Ma
Văn Kháng, Cao Duy Sơn, Vi Hồng, Đoàn Hữu Nam, Hoàng Thế Sinh... Cao Duy Sơn là người
đã khẳng định mãnh liệt tiếng nói ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của mình. Các nhân vật chính
trong tác phẩm của Cao Duy Sơn được soi chiếu ở cả những phần vô thức, tâm linh, bản năng.
Trong Người lang thang, Ngấn đã phải đấu tranh giữa sự nhỏ nhen, ích kỉ và lòng bao dung, độ
lượng. Đôi lúc, cái bản năng tự vệ đã nhấn chìm Ngấn trong lửa hận thù. Khi bị cha con lão Lâm
hãm hại, Ngấn đã nghĩ: “Từ xưa đến nay, dân Cô Sầu có đứa nào không làm bằng hai cách, mỗi
khi cần giải quyết hận thù. Không bằng thuốc độc thì phải bằng lửa. Đưa tay sờ lên hai bên túi áo,
Ngấn thấy tay mình không hề run chút nào khi chạm phải bao diêm.... Nhanh chân lên chút nữa!
Ngấn nghe trong đầu vang lên tiếng giục giã”. Nhưng chính cái nghiệt ngã của cuộc sống lại giúp
111
Điêu Thị Tú Uyên
Ngấn hiểu ra rằng, người ta lớn hơn người khác không phải ở chiến thắng khi trả được thù mà là
ở sự vượt qua thù hận để bao dung và yêu thương. Chính Ngấn đã cứu đứa con của Phắn – kẻ thù
của anh, nuôi nấng đứa trẻ bằng cả tấm lòng. Tình yêu và sự bao dung đã đưa Ngấn đến với tự
do, tự do trong tâm hồn, trong ước nguyện về một hạnh phúc vĩnh hằng. Còn Mạc trong Cực lạc,
nửa phần đời còn lại sau khi rời cuộc chiến đã phải nếm trải những đau đớn tột cùng về tâm hồn.
Ngày trở về, Mạc chứa chan hi vọng tình thương, tình yêu sẽ xoa dịu những tổn thương về tinh
thần. Nhưng Mạc ngỡ ngàng, đau xót khi nhận ra sự lạnh lùng, tàn nhẫn đáng sợ của con người.
Sự nhẫn tâm đã cướp mất hạnh phúc của Mạc, tước đi niềm tin cuối cùng của Mạc vào con người.
Trong Mạc bùng cháy khao khát trả thù. Mạc nghĩ, “Nó có quyền làm điều ác. Vậy sao con không
có quyền đó”. Bản năng tự vệ vốn có, cộng thêm cái phần phóng túng, hoang dã của những con
người sống ở vùng rừng núi hoang sơ đã được Cao Duy Sơn soi chiếu và làm đầy đặn thêm cho
các nhân vật của mình. Khi dựng lại chân dung của nhiều nhân vật thuộc tuyến phản diện, Cao
Duy Sơn còn tô đậm thêm cái bản năng hoang dã mông muội của những kẻ chưa thành người như
lão Lâm, Sèn Sì (Người lang thang), Chẩng (Hoa mận đỏ), Lão Khóa, Sáng Và (Cực lạc)... Chúng
là hiện tượng tồn tại bằng bản năng, dùng bản năng để ăn uống, giết hiếp, vận động. Nhưng cũng
có khi, cái bản năng hòa với cảm xúc lại đem đến cho tiểu thuyết của Cao Duy Sơn những khoảnh
khắc thăng hoa. Đó là khi những tâm hồn yêu khao khát hòa hợp, dâng hiến tận độ cho tình yêu.
Ngấn (Người lang thang) gặp lại Phung, bao yêu thương khiến... “máu trong cơ thể như ngừng
chảy, căng ứ, mãnh liệt và khao khát... Tiếng thì thào tắt lặng. Bóng đêm bỗng ập xuống. Ngoài
kia mưa ngừng rơi... Không gian như giãn ra co lại nhịp nhàng, rồi bỗng loãng tan trong hơi thở
gấp gáp của hai sinh vật bé nhỏ. Ngấn như thấy trong mình có một dòng sông đang cuộn chảy, một
dòng sông ăm ắp đầy, ngọt ngào và say đắm”; San (Chòm ba nhà) cũng cảm nhận hạnh phúc ngọt
ngào trong những giây phút bên người mình yêu thương: “Sự ham muốn của hắn và nàng lúc này
là tình yêu, là khát vọng trao, nhận, là tâm hồn, thể xác hòa nhập làm một. Đó là sự dâng hiến.
Toàn thân hắn lúc này như ngọn lửa, ngọn lửa khao khát bao ngày giờ bùng cháy dữ dội... Tiếng
âm ư vang trên những ngọn thông cao ngất trời, và ngân trong mênh mông xanh thẳm núi rừng”.
Khắc họa con người cá nhân, các tiểu thuyết của Cao Duy Sơn cũng miêu tả con người trên hành
trình đi tìm kiếm chính mình, tìm kiếm khát vọng tự do, hạnh phúc. Hành trình của những Ngấn,
Mạc, San, Mảy Lìn, Vương, Thức, Mỷ, Diệu, Vy... và nhiều người con của núi rừng là hành trình
vượt qua sự khắc nghiệt của môi trường, hoàn cảnh sống, vượt qua những thử thách để khẳng định
mình. Đối diện với cả một thế lực đen tối dùng sức mạnh của quyền lực để trục lợi, những nhà báo
như Vương, Thức (Đàn trời) chấp nhận hi sinh để bảo vệ sự thật. Kẻ thù có thể áp đảo trong một
thời điểm nhưng không thể giết chết sự thật. Thức không ít lần đối mặt với cái chết do bàn tay sắp
xếp của những kẻ có tiền, có quyền, người vợ thương yêu của Thức cũng đã chết vì thủ đoạn đê hèn
của chúng, nhưng đối với Thức, cái chết không đáng sợ bằng đánh mất lòng tin vào sự thật. Chính
núi rừng quê hương đã tiếp thêm sức mạnh để anh đưa kẻ thù ra ánh sáng. San (Chòm ba nhà), từ
lúc còn là đứa trẻ đã nghe cha nói: “Trẻ con ở đây không đứa nào như con mình... Mới ít tuổi mà
chẳng giống ai. Cũng vì thế từ nhỏ San đã cảm thấy cô độc... không ai trên mặt đất tin điều mình
nói... Tôi muốn nhiều hơn thế và nghĩ có lẽ phải hành động gì đó, hoặc rời đây đến một nơi thật xa
để biết và thoát khỏi xứ sở mông muội”. San lớn lên trong những giấc mộng về một xứ sở lạ lùng,
về những con người chưa từng một lần gặp gỡ nhưng lại theo hắn, ám ảnh hắn suốt cuộc đời. Hành
trình của San trong suốt câu chuyện là hành trình của sự tự ý thức. Mộng ước, suy nghĩ, trăn trở,
day dứt, giằng xé... về tất cả những việc, những người hắn đã gặp, đã trải qua đã đặt San vào một
dòng chảy miên man của ý thức. Người nói San lập dị, người nói San là đứa xuẩn ngốc. Chỉ có San
rõ mình muốn gì. Khao khát đi đến tận cùng sự hiểu biết để được tự do trong tâm hồn, tự tin dâng
hiến cho cuộc đời. Miêu tả nhân vật dưới góc độ đời tư, có số phận riêng và một sự tự ý thức, các
nhân vật của Cao Duy Sơn thường khỏe khoắn, mạnh mẽ có đời sống nội tâm phong phú, phức
112
Con người và hiện thực miền núi trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn
tạp, dữ dội. Cao Duy Sơn đã thực sự đem lại cho văn xuôi viết về miền núi một cảm nhận mới mẻ
về con người và cuộc sống của các dân tộc. Đọc tiểu thuyết của Cao Duy Sơn, ta thấy những con
người vượt qua gian truân của số phận, mải miết kiếm tìm hạnh phúc cho mình, cho người như
Diệu, Lê, Vy, Vương, Thức (Đàn trời), chị Lương, Coi, Lùng, Túng (Chòm ba nhà), Lão Nọong,
lão Tẻn, Ngấn, Diên (Người lang thang), Mảy Lìn (Hoa mận đỏ), Mạc, An (Cực lạc)... Bằng lòng
trắc ẩn và rất đỗi yêu thương đối với những con người miền núi, Cao Duy Sơn đã dựng lên hàng
loạt chân dung với những đường nét, góc cạnh riêng biệt rất đỗi hồn nhiên, dung dị, tạo nên sức
cuốn hút đối với người đọc.
3. Kết luận
Thuộc thế hệ thứ hai trong đội ngũ các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Cao
Duy Sơn được đánh giá là nhà văn có những đóng góp lớn ở mảng đề tài viết về miền núi. Cùng với
một số tập truyện ngắn tiêu biểu như Những chuyện ở lũng Cô Sầu, Những đám mây hình người,
Ngôi nhà xưa bên suối..., năm cuốn tiểu thuyết của Cao Duy Sơn, chung thủy với đề tài miền núi
đã mở ra một thế giới nghệ thuật đầy mới lạ và hấp dẫn. Hiện thực cuộc sống, con người miền núi
hiện ra dưới ngòi bút của nhà văn thật đa diện, đa chiều. Sức mạnh của ngòi bút Cao Duy Sơn ở
chỗ ông làm thay đổi cách nhìn của độc giả về cuộc sống, con người các dân tộc miền núi. Trước
những thách thức đang đặt ra cho văn học viết về miền núi, làm thế nào để hòa nhập vào nền văn
học đương đại đang diễn ra rất sôi nổi mà không làm mất đi bản sắc riêng độc đáo, Cao Duy Sơn
vẫn từng bước, vững chắc trên con đường nghệ thuật khẳng định phong cách của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cao Duy Sơn, 1992. Người lang thang. Nxb Hội nhà văn.
[2] Cao Duy Sơn, 1995. Cực lạc. Nxb Hà Nội.
[3] Cao Duy Sơn, 2000. Hoa mận đỏ. Nxb Quân đội nhân dân.
[4] Cao Duy Sơn, 2006. Đàn trời. Nxb Hội nhà văn.
[5] Cao Duy Sơn, 2009. Chòm ba nhà. Nxb Lao động.
[6] Đào Thủy Nguyên, 2013. Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt
Nam thời kì đổi mới và hội nhập. Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3 (tháng 3/2013).
[7] Nguyễn Thị Bình, 2012. Văn xuôi Việt Nam sau 1975. Nxb Đại học Sư phạm.
[8] Nhiều tác giả, 1997. Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nxb Văn hóa dân tộc.
[9] Phạm Quang Trung, 2012. Lũng núi ấy. . . đã sinh ra một nhà văn. Văn nghệ Sông Cửu Long
–
[10] Sông Lam, 2012. Cao Duy Sơn, giọng văn nhẹ nhàng mà sắc bén. Báo Dân tộc và phát triển
-
ABSTRACT
People and the reality of mountainous life in Cao Duy Son novels
People and the reality of a mountainous life are the major topics in Cao Duy Son’s novels.
A writer of the mountainous Northeast, he portrays in his novels nature, life and the people of
Cao Bang Mountain in a multifaceted, multidimensional manner. Nature is poetic, lyrical and
majestic. The mountainous people have inner qualities as clear as the forest in autumn. Living in
the mountains having a Tay cultural identity is vividly sketched, new and fascinating by Cao Duy
Son. His realistic pictures change the reader’s view of the life and people of mountainous ethic
people, and this is an important contribution to Vietnamese contemporary literature.
Keywords:Humanity and realism, mountainous region, Cao Duy Son’s novels.
113
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 3882_dttuyen_3746_2178530.pdf