Con đường học thuật của Lương Đức Thiệp - Ngô Thị Thu Hường

Tài liệu Con đường học thuật của Lương Đức Thiệp - Ngô Thị Thu Hường: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0064 Social Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 7, pp. 71-78 This paper is available online at CON ĐƯỜNG HỌC THUẬT CỦA LƯƠNG ĐỨC THIỆP Ngô Thị Thu Hường Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Tóm tắt. Lương Đức Thiệp chủ yếu chỉ xuất hiện trên văn đàn vẻn vẹn có hơn 4 năm, với các công trình: Việt Nam thi ca luận (1942); Xã hội Việt Nam (1943); Việt Nam tiến hóa sử (1943); Văn chương và xã hội (1944); Nghệ thuật thi ca (1945).v.v... Không được Nguyễn Vỹ gọi là thiên tài, nhưng trong khoảng 4 năm, với tuổi đời còn trẻ Lương Đức Thiệp đã viết được năm công trình xã hội học, sử học mà chủ yếu là về văn học; dù không tránh khỏi sai sót bên cạnh nhiều điều khả thủ, thì ông cũng là một tác gia lí luận phê bình có đóng góp nhất định thời trước cách mạng cần được nghiên cứu, để hiểu toàn diện thực trạng của Hàn Thuyên nói riêng, của lí luận phê bình văn học trước cách mạng nói chung. Từ khóa: Hàn Thuyên, Lương Đức Thiệp, lí luận phê bình văn...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 526 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Con đường học thuật của Lương Đức Thiệp - Ngô Thị Thu Hường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0064 Social Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 7, pp. 71-78 This paper is available online at CON ĐƯỜNG HỌC THUẬT CỦA LƯƠNG ĐỨC THIỆP Ngô Thị Thu Hường Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Tóm tắt. Lương Đức Thiệp chủ yếu chỉ xuất hiện trên văn đàn vẻn vẹn có hơn 4 năm, với các công trình: Việt Nam thi ca luận (1942); Xã hội Việt Nam (1943); Việt Nam tiến hóa sử (1943); Văn chương và xã hội (1944); Nghệ thuật thi ca (1945).v.v... Không được Nguyễn Vỹ gọi là thiên tài, nhưng trong khoảng 4 năm, với tuổi đời còn trẻ Lương Đức Thiệp đã viết được năm công trình xã hội học, sử học mà chủ yếu là về văn học; dù không tránh khỏi sai sót bên cạnh nhiều điều khả thủ, thì ông cũng là một tác gia lí luận phê bình có đóng góp nhất định thời trước cách mạng cần được nghiên cứu, để hiểu toàn diện thực trạng của Hàn Thuyên nói riêng, của lí luận phê bình văn học trước cách mạng nói chung. Từ khóa: Hàn Thuyên, Lương Đức Thiệp, lí luận phê bình văn học, văn học và xã hội, thơ ca Việt Nam, Đặc trưng thể loại thơ ca. 1. Mở đầu Công trình đầu tay của Lương Đức Thiệp là Việt Nam thi ca luận vừa ra đời năm 1942, thì ngay đầu năm sau vào tháng 1/1943 Chu Thiên đã khẳng định: “Ông Lương Đức Thiệp đã khéo đưa ta nhận thấy rõ ràng nguồn gốc của thơ ca Việt Nam, thơ Việt Nam hiện đại, tính cách thơ Việt Nam xưa và chủ trương của ông về thơ ca... Tôi thấy ông ngay thẳng và công bình hơn phần nhiều nhà phê bình khác vì cảm tình mà quá khen hoặc quá chê các nhà thơ đương thời” [3]. Tuy nhiên, công trình về xã hội lịch sử như Xã hội Việt Nam thì lại bị cụ Nguyễn Văn Tố cho rằng tác giả đã “nhầm lẫn nhiều lắm. . . Quyển sách ấy chẳng những không ích gì mà còn hại thêm vì nói xấu người đời xưa, nói xúc phạm đến người anh hùng hào kiệt” [8]. Đồng chí Trường Chinh đã đặt vấn đề: “Cái chiêu bài Tân văn hóa của Hàn Thuyên, ở đó một số trốtkít đang hoành hành chẳng đáng ngờ lắm sao?” [1]. Vũ Đức Phúc nhận định: “Lương Đức Thiệp trong cuốn Nghệ thuật thi ca phủ nhận toàn bộ văn học quá khứ. Sau đó lại nhường cho một nền văn học khác. Y đòi hỏi phải xây dựng một nền thơ ca của vô sản và chỉ vô sản mà thôi” [2;42].v.v. . . Luận văn thạc sĩ Bước đầu đánh giá lí luận phê bình của Lương Đức Thiệp (2002), của tác giả Phạm Hữu Cường cho rằng: Lương Đức Thiệp có thành tâm học tập chủ nghĩa Mác, nhưng còn máy móc, phiến diện, song có nhiều ý kiến khả thủ về đặc trưng thể loại của thơ nói chung, cũng như đặc sắc thơ ca Việt Nam xưa nay nói riêng. Đến năm 2004, trong bộ Từ điển văn học có mục từ về Lương Đức Thiệp, Nguyễn Quyết Thắng cũng chỉ đánh giá công trình thiên về lịch sử và xã hội. Đặc biệt vào năm 2016 với sự liên kết của công ti cổ phần sách Tao Đàn, hai Nxb Hội Nhà văn và Tri Thức đã in lại gần như toàn bộ công trình của Lương Đức Thiệp. Trong đó TS. Ngày nhận bài: 15/1/2016. Ngày nhận đăng: 20/7/2017 Liên hệ: Ngô Thị Thu Hường, e-mail: ngohuong138@gmail.com 71 Ngô Thị Thu Hường Nguyễn Mạnh Tiến có viết: “Điều thú vị của Xã hội Việt Nam là mọi vấn đề về lịch sử, văn hóa, xã hội sẽ được phân tích trên một khung tri thức thống nhất, đó chính là xã hội học mác-xit” [7;9]; TS. Đoàn Ánh Duơng cho biết thêm: Lương Đức Thiệp có tham gia phong trào bãi khóa lúc còn học ở trường Thành Chung, Nam Định. Đầu những năm 40, ở Hà Nội có in chung với Lê Trọng Quỹ tập thơ Thực và mộng (Thụy ký, Hà Nội,1941), và in riêng tập tiểu luận Trai nước Nam với ông Hoàng Đạo Thúy (Đại học thư xã, Hà Nội,1945) v.v. . . Điểm qua vài nét sơ lược như trên, có thể thấy ngược với việc phủ nhận một chiều trong nửa sau thế kỉ trước, gần đây có xu hướng ngày càng thấy cần thiết phải đánh giá lại Lương Đức Thiệp trước hết là về tư tưởng học thuật. 2. Nội dung nghiên cứu Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu những công trình lí luận phê bình văn học chứ không phải về xã hội và lịch sử của Lương Đức Thiệp. Và chính vì đây là những căn cứ chủ yếu, chúng tôi phải rất coi trọng và cố công đi tìm cho được những văn bản gốc được công bố lần đầu tại các Nxb ở Hà Nội vào đầu những năm 40 thế kỉ trước: Việt Nam thi ca luận (Khuê văn xuất bản cục, Hà Nội,1942); Văn chương và xã hội (Đại học thư xã, Hà Nội,1944); Nghệ thuật thi ca (Hàn Thuyên, Hà Nội,1945). Quan trọng hơn, muốn khai thác với một hiệu qủa tối đa nội dung ba tập sách này, chúng tôi sẽ vận dụng triệt để phương pháp hệ thống cấu trúc và phương pháp lịch sử cùng sự kết hợp chặt chẽ giữa chúng với nhau. Nói cách khác là không những phải tái hiện lại cho đầy đủ những nội dung tương đối quan trọng và có ý nghĩa mà hơn nữa còn phải tái hiện chính xác trình tự trước sau giữa chúng với nhau. Bởi vì có những hiên tượng, vấn đề xuất hiện ở những không thời gian khác nhau, ý nghĩa cũng sẽ khác nhau. Trước hết, để cho thật sát với tiến trình tư tưởng văn thơ vốn có của ông, chúng tôi sẽ chỉ phân tích riêng những công trình lí luận phê bình đúng theo trình tự thời gian xuất hiện của chúng. Tiêu đề của ba công trình được phân biệt nhau thành ba lĩnh vực riêng biệt: Bàn về thơ ca Việt Nam; Lí thuyết về mối quan hệ giữa văn học và xã hội; Lí thuyết về đặc trưng thể loại của thơ ca. Nhưng đi vào nội dung cụ thể của từng công trình thì không hẳn như vậy. Mỗi công trình ít nhiều đều có nội dung của hai công trình kia. Tất nhiên vẫn có thể triển khai theo một dàn bài lôgic mà các mục chính là tiêu đề của ba công trình. Cụ thể hơn, đối với mỗi công trình chỉ trình bày nội dung chủ yếu của nó, rồi kết hợp với những nội dung hữu quan của hai công trình kia. Làm như thế thì nội dung tư tưởng học thuật của Lương Đức Thiệp về phương diện cấu trúc vẫn được triển khai đầy đủ, nhưng sẽ che lấp phương diện lịch sử cụ thể của nó. Thao tác này chưa thật sát hợp với đối tượng nghiên cứu. Con đường tư tưởng học thuật của Lương Đức Thiệp ngắn ngủi, lại không còn những tư liệu nào khác, do đó có thể và cần phải khảo sát tỉ mỉ tinh tế những bước đi cụ thể của nó. Bước đi ban đầu xuất phát từ đâu, bước thứ hai có gì lặp lại không, nhưng đã có những tiếp bước mới mẻ như thế nào, bước cuối cùng tuy cũng có phần lăp lại nhưng đã có những điều bổ sung khác rồi dừng bước đột ngột ở chỗ nào. Phương diện cấu trúc vẫn được bảo đảm, lại có những điểm nhấn và không kém phần quan trọng là phương diện lịch sử nổi bật lên tạo thêm điều kiện cho việc đánh giá sát hợp hơn với Lương Đức Thiệp mà hiện nay còn quá nhiều điều chưa rõ ràng. 2.1. Việt Nam thi ca luận Công trình này đánh dấu bước đi ban đầu mang tính chất xuất phát điểm, gồm 4 mục chính: I - Thơ Việt Nam xưa; II - Thơ Việt Nam hiện đại; III - Tính cách thơ Việt Nam xưa; IV - Chủ trương. Như thế có thể khái quát thành hai phần chính: Một là về thơ Việt Nam cổ điển và hiện đại (gồm 3 mục: I, II, III); hai là, nhân bàn về thơ ca nước nhà. Lương Đức Thiệp dưới tiêu đề Chủ trương, bàn đến các vấn đề: Định nghĩa, Tôn chỉ, Nguyên tắc.v.v... 72 Con đường học thuật của Lương Đức Thiệp 2.1.1. Về thơ ca Việt Nam cổ điển và hiện đại Lương Đức Thiệp khẳng định thơ cổ điển Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thơ cổ điển Trung Quốc, nhưng ông chỉ giới hạn trong việc tìm hiểu các thể thơ 5 chữ và 7 chữ. Ông đặc biệt nhấn mạnh về tính hàm súc và khả năng gợi cảm, cũng như sự tương đồng giữa thơ và họa cùng màu sắc tổng hợp nhiều xu hướng của thơ xưa: “Đối với người Tàu xưa, quan niệm về thơ với họa cũng là một. Họa sĩ chỉ mượn bút mực để điểm những nét chính của một cảnh nào, của một vật nào... Thơ cũng vậy, thi sĩ chỉ dùng ít âm thanh để truyền những cảm giác của thi sĩ lân sang người ngoài, đồng thời nó phải gây được những cảm giác phụ thuộc trong chính tâm hồn người thưởng thức văn nữa. Cả nghệ thuật thơ chữ dồn vào điểm đó: ý tại ngôn ngoại. Cho nên, muốn cảm được người ngoài thơ phải là kết quả nghệ thuật của mối cảm xúc thực, của mối cảm xúc do nguồn sống truyền sang” [4; 57-58]. Lương Đức Thiệp cũng chỉ ra những nguyên nhân gò bó đã cản trở sự phát triển của thơ xưa là do quan niệm của người xưa về sứ mạng, vị trí, vai trò, chức năng của thơ; những giáo lí nghiêm ngặt của xã hội phong kiến tôn thờ Khổng giáo cùng với việc sính dùng điển tích và luật bằng trắc, đối ngẫu đã gò bó nguồn cảm xúc của nhà thơ... Về thơ Việt Nam hiện đại, Lương Đức Thiệp xác nhận sự ảnh hưởng của văn hoá phương Tây. Đến đây đã xuất hiện đội ngũ nhà thơ chuyên nghiệp với nhiều trào lưu và xu hướng thơ khác nhau. Nguyên nhân là do sự phân hóa giai cấp trong xã hội, lại chịu ảnh hưởng nhiều nguồn của thơ Pháp. Về những hạn chế của Phong trào thơ mới, Lương Đức Thiệp cho rằng do thiếu gắn bó với đời sống xã hội. Nhưng Lương Đức Thiệp chú trọng đến phương diện hình thức nhiều hơn nội dung, xác định thời điểm ra đời của thể ca trù quá muộn v.v... Ông chủ yếu khẳng định sự cách tân về hình thức, không chú ý đầy đủ sự cách tân về nội dung của Thơ mới. Giới thuyết nội hàm của khái niệm Thơ chưa thật toàn diện, Lương Đức Thiệp có những nhận xét đánh giá không thật chính xác về sáng tác của một số nhà thơ cụ thể, âu cũng là điều khó tránh khỏi. 2.1.2. Lí luận về đặc trưng thể loại của thơ ca Lương Đức Thiệp đã từng xác lập một định nghĩa khá đúng đắn và đầy đủ về thơ: “Thơ phải cấu tạo giữa nguồn rung động còn nóng hổi của cảm giác, của tình ý. Trong công cuộc sáng tác, thi sĩ lấy con người tình cảm làm trụ cột, con người trong ta chỉ được dựa vào một phần nhỏ bé. Tài liệu thể chất của thi sĩ là thanh âm, là màu sắc ghi bằng chữ và gợi lên bằng lời. Tài liệu tinh thần của thi sĩ là ý tình, cảm giác cũng ghi lại bằng chữ và gợi lên bằng lời... Thơ phải bao gồm các tính cách của Nhạc và Họa. Nó phải luôn luôn tựa trên nền tảng vật chất: tâm hồn thi sĩ, giác quan thi sĩ và sự vật chung quanh. Nó lánh xa hết thảy ý niệm tuyệt đối và quan niệm siêu hình. Nó phải là sự hoà hợp bằng thanh âm và màu sắc giữa tâm hồn thi sĩ và sự vật...” [4;96-97]. Đặc biệt, Lương Đức Thiệp khẳng định “tình cảm khác nhau tuỳ ở vị trí địa dư, vị trí lịch sử và địa vị đẳng cấp” [4;57]. Lương Đức Thiệp còn tập trung thể hiện quan niệm của mình về thơ “thuần tuý”. Theo ông, đó là “lối thơ chỉ chú về tình cảm”, loại trừ lí trí “đem vào thơ, tư tưởng sẽ bóp ngạt mất tình cảm, giết chết cả hồn thơ” [4;86]. Thơ thuần túy không phải là thơ chỉ chú trọng đến hình thức, chỉ lắp ghép hình ảnh và âm thanh, gọt câu rũa chữ, bởi làm như thế thi sĩ sẽ xây dựng bài thơ giống như những “nếp nhà đẹp đẽ nhưng không có người ở” [4;86]. Ở đây, quan niệm của Lương Đức Thiệp về thơ thuần túy chủ yếu nghiêng về nội dung tình cảm; đồng thời xem xét giá trị của thơ trong sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, mà ở đó nội dung luôn giữ vai trò quyết định. Lương Đức Thiệp cũng dành một dung lượng khá lớn cho việc khẳng định những nguyên tắc sáng tác thơ cụ thể mà ông chủ trương như: “nối liền mối thông cảm giữa sự vật với tâm hồn thi sĩ là nguyên tắc thứ nhất trong sự sáng tác”; “Giác quan hóa hay cụ thể hoá tình cảm, ý tưởng là nguyên tắc thứ hai của thi sĩ trong sự sáng tác”; “Tượng trưng hóa sự vật và ý tình là nguyên tắc thứ ba của thi sĩ trong sáng tác”; “Thi vị hóa sự vật là nguyên tắc thứ tư trong sáng tác” [4;106-109]. 73 Ngô Thị Thu Hường Tuy nhiên, Lương Đức Thiệp thường tỏ ra mâu thuẫn như thường thừa nhận “Những tác phẩm về thi ca do nguồn cảm xúc mạnh mẽ, đột ngột đến tạo ra không phải không có giá trị” [4;81], nhưng rồi lại nói: “Các tác phẩm của những thi sĩ nhất thời này chỉ có phẩm mà không bao giờ có lượng. Nó là con đẻ của sự tình cờ. Mà nghệ thuật không bao giờ trau dồi bằng sự tình cờ cả. Nó phải là kết quả của sự cố gắng có ý thức. Nó phải là kết quả của sự chân thành [4;81] v.v... Qua công trình đầu đời, chưa đến tuổi “tam thập nhi lập”, mặc dù không tránh khỏi sai sót, nhưng Lương Đức Thiệp đã hiện lên hình ảnh một trí thức Tây học có những hiểu biết khá cơ bản về đặc trưng thể loại của thơ ca và bộc lộ lòng yêu nước qua nhiệt tình đối với nền thơ ca cổ kim của dân tộc. Nhưng nghiên cứu thơ ca dân tộc, phải chăng nên am hiểu xã hội và lịch sử Việt Nam. Có lẽ chính vì thế mà đến năm 1943 ông tập trung vào hai công trình Xã hội Việt Nam và Việt Nam tiến hóa sử. Tất nhiên đây là những công trình nằm ngoài đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên phải nhắc đến nó để thấy rằng sau đây Lương Đức Thiệp đã tương đối có đủ điều kiện: vừa hiểu biết thơ ca lẫn xã hội Việt Nam để đặt một vấn đề khái quát hơn là mối quan hệ giữa văn chương và xã hội như sẽ thấy trong mục tiếp theo. Và cũng chỉ đến đây ông mới bắt đầu vận dụng chủ nghĩa Mác vào văn học nghệ thuật. 2.2. Văn chương và xã hội Công trình này cũng có bốn mục chính: I - Nguồn gốc văn tự và học thuật; II - Tính cách đẳng cấp trong văn học; III - Nhịp phát triển trong văn học Việt Nam. IV - Xu hướng xã hội trong văn học Việt Nam. Cũng có thể khái quát thành hai phần: Một là, lí thuyết về mối quan hệ giữa văn học với xã hội (mục I, II); hai là, về văn học Việt Nam (gồm 2 mục III, IV). Sơ bộ cũng có thể thấy hai bước tiến qua công trình này của Lương Đức Thiệp: Một là đã vận dụng quan điểm Mác-xít để xem xét vấn đề nguồn gốc và tính giai cấp trong văn học, mặc dù không trích dẫn nhiều như Trương Tửu; hai là, về văn học nước nhà, đã mở rộng ra từ thơ đến văn học nói chung, mặc dù chỉ thiên về văn học hiện đại. 2.2.1. Về sự phản ảnh xã hội và tính giai cấp của văn học Trong quan niệm của Lương Đức Thiệp, văn chương là một sản phẩm của đời sống xã hội: “Rút nguồn xã hội mà ra, văn học cũng như nghệ thuật phải là sản phẩm tất nhiên của xã hội” [5;12]. Như vậy, Lương Đức Thiệp đã khẳng định sự quy định của đời sống xã hội đối với văn học, kể cả với chủ thể sáng tạo ra nó: “Mọi tài năng đều là con đẻ của hoàn cảnh xã hội” [5; 12]. Vì vậy tác phẩm văn học do tài năng sáng tạo ra cũng là sản phẩm của đời sống xã hội: “Một học thuyết dù cao siêu đến đâu cũng không do công cuộc sáng tác riêng của một cá nhân. Cả cuộc tiến hóa lịch sử đã ấp ủ, thai nghén rồi phát sinh ra nó, giúp nó trưởng thành rồi hoặc lại còn xô nó vào cõi chết theo nhịp tiến triển không ngừng của nhân loại” [5;13]. Nhận xét của Lương Đức Thiệp ở đây có phần cực đoan, đôi lúc phủ nhận tính tích cực chủ động của các tài năng cá nhân trước sự chi phối của hoàn cảnh xã hội. Tính quy định của đời sống xã hội đối với sự phát triển của văn học cũng là một phương diện thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa văn học và xã hội, thể hiện bản chất xã hội của văn học: “Xã hội đã tiến về mặt sinh hoạt vật chất thì đồng thời cũng lôi cuốn cả văn học tiến theo” [5; 12]. Lương Đức Thiệp cũng bắt đầu đề cập đến vấn đề tính giai cấp trong văn học: “Trong xã hội đẳng cấp Ấn độ cũng như trong xã hội đẳng cấp Ai Cập, văn học chính thức vẫn thuộc quyền giai cấp thống trị” [5;19]. Như thế là có vận dụng quan điểm của Mác Ănghen: “Tư tưởng thống trị của một thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị”. Tuy nhiên, Lương Đức Thiệp đã không thấy được tính độc lập tương đối và sự phát triển không đồng đều của văn học so với cơ sở kinh tế, với điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội như Các-mác từng lưu ý. Mặt khác, Lương Đức Thiệp cũng chỉ thấy tính quy định một chiều của đời 74 Con đường học thuật của Lương Đức Thiệp sống xã hội đối với văn học, mà không thấy được sự tác động tích cực trở lại của văn học đối với xã hội. Mặc dù khẳng định thơ ca nói riêng, văn học nói chung đều nằm trong “thượng tầng tổ chức xã hội”, nhưng Lương Đức Thiệp cũng chưa thấy được sự ảnh hưởng và tác động qua lại giữa văn học với các hình thái ý thức xã hội khác. Ông còn bộc lộ một quan niệm phiến diện, không chú ý đến nguồn gốc của văn học dân gian khi khẳng định “văn tự khai sinh cho văn học”. Với quan niệm thơ ca không nên trở thành một lợi khí đấu tranh, Lương Đức Thiệp cho rằng làm thơ để phục vụ đấu tranh xã hội là làm thơ vì “khí khái” và loại thơ này khó có giá trị lâu bền. Theo Lương Đức Thiệp, thơ dựa vào tình, chủ đề tình cảm là thơ lâu dài. Hạn chế của Lương Đức Thiệp còn ở chỗ ông tách thơ “cảm khái” ra khỏi nguồn “chân cảm”. Về tính giai cấp cũng không tránh khỏi những cách nhìn ấu trĩ máy móc: “Ngay từ khởi điểm văn học đã nhuốm màu vị đẳng cấp rồi. Cho nên từ thuở lọt lòng mẹ, văn học cũng chẳng nằm ra ngoài mảnh lót của đẳng cấp” [5;15] v.v... 2.2.2. Về văn học Việt Nam Lương Đức Thiệp phân chia văn học hiện đại Việt Nam thành 5 xu hướng và tập trung chỉ ra những sắc thái riêng: Phân tích xu hướng tư sản, Lương Đức Thiệp xuất phát từ điều kiện sinh hoạt xã hội của giai cấp tư sản Việt Nam, thấy “họ là hạng người Việt Nam có thế lực nhất trong xã hội”, “được sống đầy đủ về vật chất”, “muốn được phóng khoáng về tình cảm, nhất là về ái tình” nhưng bị các hình thức tổ chức tôn nghiêm, chặt chẽ của gia đình và xã hội phong kiến cùng những tục lệ khắt khe đè nén. Theo ông, Tự lực văn đoàn “đã mở nguồn cho một trào lưu hoạt kê trong văn học có tính cách phá hoạt trật tự phong kiến” [5; 60]. Đánh giá đúng công lao của Tự lực văn đoàn, Lương Đức Thiệp cũng chỉ ra sự suy thoái cùng những nguyên nhân của nó: “Không hợp đúng với chiều phát triển hòa hợp của xã hội Vệt Nam luôn biến trạng thái, văn chương tư sản do nhóm Tự lực văn đoàn đại diện không theo kịp đà tiến hóa nên chóng vợi dần hết năng lực sáng tác” [5; 61]. Phân tích xu hướng tiểu tư sản trong văn học, Lương Đức Thiệp vẫn luôn căn cứ trên điều kiện sinh hoạt xã hội của đẳng cấp tiểu tư sản cũng như địa vị của nó để chỉ ra khuynh hướng tư tưởng tâm lí của giai cấp này: “Địa vị xã hội của đẳng cấp tiểu tư sản... rất chông chênh. Tình trạng sinh hoạt này thường gây cho họ một tâm trạng phức tạp luôn luôn bị giằng co giữa hai tình cảm mãnh liệt: một đằng họ muốn trở thành tư sản nên khao khát cảnh giàu có, một đằng họ sợ rớt xuống lưu manh mà ghê khiếp cảnh nghèo nàn”, “họ thiên về chủ nghĩa cá nhân”, “thường đầy lòng tự ái và đầy khát vọng thống trị xã hội” [5; 63]. Tuy nhiên trong phạm vi phân tích xu hướng văn học tiểu tư sản, ngay khi phân tích sáng tác của Nguyễn Tuân và Lê Văn Trương, Lương Đức Thiệp đã vận dụng lí thuyết của mình về tính giai cấp trong văn học có phần tinh tế. Nhưng khi phân tích hai sắc thái tiếp theo của xu hướng văn học tiểu tư sản là “sắc thái thần bí” và “sắc thái tả chân lãng mạn”, quan niệm của Lương Đức Thiệp cũng trở nên phiến diện và thiếu chính xác. Ông giải thích cội nguồn của tính giai cấp trong văn học thậm chí bằng thành phần giai cấp của nhà văn. Sự phân chia một mặt dựa trên thành phần giai cấp của người sáng tác, mặt khác dựa vào thành phần đẳng cấp của các nhân vật được phản ánh trong tác phẩm. Việc phân chia ấy không bao quát hết được các hiện tượng văn học hiện đại vốn vô cùng phong phú, đa dạng. Có thể thấy, khi đặt vấn đề về mối quan hệ giữa văn học và xã hội, thì chạm ngay đến vấn đề quan điểm. Lương Đức Thiệp chọn đi con đường chủ nghĩa Mác đã trình bày được những cách nhìn đúng đắn, nhưng cũng rơi vào bệnh máy móc, ấu trĩ, nhất là vấn đề giai cấp, ông còn phải tiếp tục nghiên ngẫm trong công trình tiếp theo, mặc dù tiêu đề của nó mang một ý nghĩa trung tính về đặc trưng thể loại thơ ca. 75 Ngô Thị Thu Hường 2.3. Nghệ thuật thi ca Công trình này có 3 mục: I - Bản chất xã hội: chủ yếu là đào sâu thêm về tính xã hội và tính giai cấp, tất nhiên là chỉ trong phạm vi thơ. II - Tịnh cách ngôn ngữ và tình cảm, nhưng có đi sâu thêm vào hình thức của thơ ca Việt nam. III - Phương hướng sáng tác, chủ yếu là bàn về triển vọng của thơ Việt Nam hiện đại. 2.3.1. Đào sâu thêm về tính xã hội và tính giai cấp của giai cấp trong thơ Phù hợp với quan điểm Mác-xít, Lương Đức Thiệp khẳng định tính giai cấp như một thuộc tính tất yếu của văn học trong xã hội có giai cấp. “Văn học vẫn nảy sinh rồi phát triển ở xã hội đẳng cấp nên không đứng ngoài vòng chi phối của đẳng cấp được, vì vậy, văn học là sản phẩm tất yếu của đẳng cấp. Trào lưu văn học nào thịnh hành hơn cả vẫn là trào lưu học thuật của đẳng cấp thống trị” [6; 92-93]. Đóng góp của Lương Đức Thiệp còn ở chỗ ông đã đưa ra một khái niệm tương đối mới mẻ và có ý nghĩa: khái niệm bản năng đẳng cấp. Có lẽ đó là cái nhìn sâu hơn về tính giai cấp lúc bấy giờ và là một quan niệm đúng vì vấn đề giai cấp có khi thấm vào người cầm bút hoặc được thể hiện trong văn học một cách vô thức, bản năng: “Một thi sĩ lẻ loi cũng chỉ là con đẻ trực tiếp của một hoàn cảnh lịch sử nhất định, trong đó sắc thái của đẳng cấp vẫn bộc lộ rõ ràng ngoài cả ý muốn che đậy của thi ca” [6;14]. Sự chi phối đẳng cấp và điều kiện sinh hoạt xã hội, theo Lương Đức Thiệp đã khiến cho văn học có một giá trị giới hạn trong thời gian và không gian. Trên tinh thần ấy, Lương Đức Thiệp phê phán những quan niệm khẳng định giá trị tuyệt đối của thơ ca: “Nhiều học giả và nghệ sĩ duy tâm có các quan niệm tuyệt đối về thơ ca, nghĩa là cái giá trị mĩ thuật trên cả thời gian và không gian, trên cả đẳng cấp và ngoài xã hội” [6;65]. Nhưng ông lại đặc biệt lưu ý đến động cơ tâm lí của con người khi tiếp xúc với tác phẩm: “Sở dĩ những thơ ca đời xưa như Đường thi hoặc thơ ca cổ Hi La chẳng hạn còn làm cho chúng ta ngày nay rung động được đôi phần là vì các tác phẩm kia đều là sản phẩm của xã hội đẳng cấp. Ngày nay chúng ta vẫn còn là con người của đẳng cấp nên trong tâm trạng của chúng ta còn có nhiều điểm tương đồng với tâm trạng của con người đẳng cấp ngàn xưa. Đó là cái “động cơ” tâm lí nó đã khiến cho chúng ta thưởng thức được ít nhiều giá trị các tác phẩm xưa. Đó là cái bí quyết giải thích được cái cảm giác “bất hủ” của bao tác giả xưa và nay” [6;64]. Tuy nhiên, quan niệm của Lương Đức Thiệp về vai trò, vị trí của văn chương trong các phong trào đấu tranh xã hội luôn luôn đầy mâu thuẫn. Một mặt ông quan niệm văn chương là sản phẩm của đời sống xã hội, chịu sự quy định của đời sống xã hội, mặt khác lại chủ trương thơ ca đứng ngoài các phong trào đấu tranh xã hội. Một mặt ông thủ tiêu vai trò và khả năng đấu tranh xã hội của thơ ca, mặt khác lại khẳng định văn học là một hình thức đấu tranh xã hội có hiệu quả. Ông cho rằng văn học chính là cách phản ứng lại sự áp bức xã hội: “Trong các hình thức phản ứng, văn chương là một hình thức thuận tiện và thích hợp” [6;72]. Mặt khác, ông khẳng định động lực xã hội, mà trước hết là sinh sản lực, là động lực chủ yếu và duy nhất thôi thúc sự phát triển của thơ ca, của văn học: “Động lực phát triển của thơ ca là sinh sản lực nên qua lịch sử, mỗi lần có cuộc đổi thay lớn lao trong tình trạng sinh sản lực làm thay đổi điều kiện sinh hoạt của xã hội thì đồng thời nghệ thuật thi ca biến đổi liền tính cách từ phần hình thức cho tới phần nội dung, từ cả phẩm lẫn lượng” [6;15]. Ở điểm này, Lương Đức Thiệp tuyệt đối hóa vai trò của động lực xã hội, là sức sản xuất, bỏ qua hoặc chưa ý thức được vai trò của các nguyên nhân quan trọng khác như quan hệ sản xuất. Lương Đức Thiệp cũng tỏ ra máy móc khi quá đề cao vai trò của điều kiện sinh hoạt đẳng cấp với tính đẳng cấp trong văn học; chưa chỉ ra được đầy đủ sự vận động, phát triển của tính giai 76 Con đường học thuật của Lương Đức Thiệp cấp; cũng chưa thấy được mối quan hệ liên đới của tính giai cấp; cũng chưa tìm hiểu tính giai cấp với tính nhân loại, tính nhân dân. Quan niệm tính giai cấp của Lương Đức Thiệp nói chung còn mang tính chất cô lập, siêu hình tĩnh tại, chưa thấy nó mang tính chất liên đới, phát triển và chuyển hóa. Ngoài ra, Lương Đức Thiệp chưa thấy quy luật phát triển không đồng đều giữa sự phát triển của văn học với sự phát triển của xã hội. “Nhịp tiến triển của thơ ca thường nhịp đúng với đà tiến hóa lịch sử... Tình trạng ngưng đọng trong sinh sản lực bao giờ chẳng gây thành một tình trạng tương đương trong nghệ thuật, trong văn hóa” [6;15]. Cuối cùng, phải lưu ý thêm rằng cũng như Trương Tửu, Lương Đức Thiệp không theo chủ nghĩa Lênin về tính đảng và tính dân tộc trong văn học nghệ thuật, trái với quan điểm chính thống của Đảng ta lúc bấy giờ. Tuy nhiên cũng như về Trương Tửu, không hề thấy Lương Đức Thiệp vướng vào lập luận cực đoan của Trôskýt cho rằng cách mạng vô sản xóa bỏ sự phân biệt giai cấp, cho nên không xây dựng văn hóa vô sản, mà phải lo xây đắp nền văn hoá nhân loại. 2.3.2. Về đặc trưng thể loại của thơ Lương Đức Thiệp nhấn mạnh lại tính hàm súc của ngôn ngữ thơ cũng như nhạc điệu của lời thơ. Ông cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề thưởng thức và cảm thụ thơ nói riêng và tiếp nhận văn học nói chung. Ông đặc biệt chú ý đến năng lực, phẩm chất của người tiếp nhận, đến khả năng tinh tế của độc giả. Nhưng có hai điều tương đối mới mẻ. Về mặt nội dung của thơ, không phải chỉ là sự thống nhất, mà còn là sự chuyển hóa của tư tưởng thành tình cảm trong thơ: “Trong lĩnh vực thi ca, tư tưởng triết học hay gì gì nữa cũng phải kinh qua một thời kỳ nung nấu trong tiềm thức để biến hóa thành tình cảm đã. Được tình cảm hóa rồi, nghĩa là đã biến thành chân cảm, những tư tưởng kia mới có thể dùng được trong sáng tạo” [6;85]. Về mặt hình thức mà một phương diện của nó là thể thơ, Lương Đức Thiệp đã phát hiện nó có liên quan chặt chẽ, thậm chí chịu sự quy định của từ ngữ đa âm hay độc âm: “Hình thức thi ca không thể vượt ra ngoài vòng chi phối của tính cách độc âm hay đa âm trong ngôn ngữ. Hầu hết thi ca phương Tây (diễn tả bằng thứ tiếng đa âm) thường có xu hướng về chỗ dùng rất nhiều âm (vần chân - pied rime) trong mỗi câu thơ. Trái lại, thứ tiếng độc âm lại khác. Mỗi âm chỉ được một ý, một việc. Do tính cách độc âm này mà hình thức thi ca Tàu và Việt thường không dùng được những câu nào dài bởi luật âm hưởng quy định” [6; 42-44]. 2.3.3. Về triển vọng của thơ Lương Đức Thiệp sau khi nêu ra nhiều khó khăn, tiêu cực và bế tắc trong sáng tác thơ kể cả phần nào của thế giới, đã tìm hướng giải quyết trong sự thay đổi của xã hội trong tương lai: “Trong thế giới tương lai tổ chức lại theo phương pháp khoa học, con người được hưởng tự do và bình đẳng hoàn toàn được sống trên sự sản xuất đồi dào của máy móc cho hết thảy mọi người thì... các tác phẩm thi ca biểu thị cái tâm trạng đau thương kia đâu còn phù hợp với tâm trạng hoàn toàn đổi khác của con người tương lai” [6; 71]. Ý chừng Lương Đức Thiệp muốn hướng về chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng sự hiểu biết còn rất không tưởng. 3. Kết luận Cũng như Trương Tửu, Lương Đức Thiệp là một thanh niên trí thức yêu nước, chống thực dân, phong kiến đang trên quá trình tìm tòi hoàn chỉnh dần phương hướng học thuật cho đời mình. Nhưng cuộc đời quá ngắn ngủi, lĩnh vực quan tâm ít hơn, cho nên ông nghiên cứu có tính chất tập trung hơn theo một lôgic nhất định. Điều ông quan tâm trước tiên là thơ ca của nước nhà, nhưng 77 Ngô Thị Thu Hường rồi phải hiểu xã hội và lịch sử Việt Nam như thế nào để làm chỗ dựa về cơ sở hiên thực, song phải giải quyết mối quan hệ giữa văn chương với xã hội ấy ra sao để soi sáng về quan điểm Mác-xít theo cách hiểu thô thiển của mình, cuối cùng quay lại với thơ ca, nhưng là nâng cao trên bình diện lí thuyết chung... Tất nhiên, đây không phải là một lôgic khép kín, mà còn dở dang, hứa hẹn một sự tiếp tục mở ra, nếu ông còn sống trên đời. Nói ông ngày càng gần gũi Trương Tửu, tất nhiên cả về hai mặt ưu - nhược, điều đó ít nhiều cũng cho phép tin rằng, nếu ông không mất sớm, thì cũng có khả năng ông sẽ phản tỉnh như Trương Tửu, để phục vụ cho chế độ mới mở đầu bằng cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi dù cuộc đời có xoay vần ra sao, số phận có thăng trầm thế nào thì ít nhiều vẫn tốt hơn điều biệt vô tăm tích quá đột ngột như đã xảy ra. Dù sao mai sau, khi số phận của Lương Đức Thiệp sẽ được làm sáng tỏ toàn diện, thì những kết luận chỉ căn cứ vào công trình của ông mà khái quát ở đây, ít nhiều cũng phải được bổ sung và thay đổi. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trường Chinh, 1944. Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này. Tiền phong số 2 ra ngày 1/12/1945 (viết ngày 23/9/1944). [2] Vũ Đức Phúc, 1971. Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại 1930-1945. Nxb Khoa học Xã Hội, Hà Nội. [3] Chu Thiên, 1943. Phê bình Việt Nam thi ca luận của Lương Đức Thiệp. Tri tân số 80 tháng 1. [4] Lương Đức Thiệp, 1942. Việt nam thi ca luận. Khuê văn xuất bản cục, Hà Nội. [5] Lương Đức Thiệp, 1944. Văn chương và xã hội. Đại học thư xã, Hà Nội. [6] Lương Đức Thiệp, 1945. Nghệ thuât thi ca. Hàn Thuyên, Hà Nội. [7] Lương Đức Thiệp, 2016. Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại. Nxb Tri thức, Hà Nội. [8] Nguyễn Văn Tố, 1944. Phê bình cuốn Xã hội Việt nam của Lương Đức Thiệp. Tri Tân ra ngày 13/7/1944. ABSTRACT Luong Duc Thiep’s academic path Ngo Thi Thu Huong Lao Cai Department of Education and Training Luong Duc Thiep mainly appeared in the literature in only four years with the works like: The Comments on Vietnam Poetry (1942); The Vietnam Society (1943); The Vietnam Evolutionary History (1943); The Literature and Society (1944); The Poetry Art (1945). . . He was not called “genius” by Nguyen Vy, but in a period of four years, Luong Duc Thiep could write five sociologist and historians works mainly in literature, though his works did not avoid errors. There were many positive aspects found in his works that showed a typical comment author before the revolution for our study to understand his whole situation in particular and literary criticism before the revolution in general. Keywords: Han Thuyen, Luong Duc Thiep, literary criticism, literature and society, Vietnamese Poetry, poetry characteristics. 78

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4866_ntthuong_7324_2127467.pdf
Tài liệu liên quan