Tài liệu Cổ mẫu địa ngục: Từ folklore đến truyện truyền kì trung đại Việt Nam - Nguyễn Thị Kim Ngân: 21
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0065
Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 10, pp. 21-29
This paper is available online at
CỔ MẪU ĐỊA NGỤC : TỪ FOLKLORE ĐẾN
TRUYỆN TRUYỀN KÌ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
Nguyễn Thị Kim Ngân
Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư Phạm Huế
Tóm tắt. Được xem như là những chủ đề phổ quát, tái diễn nhiều lần trong kinh nghiệm của
con người, nội dung của cổ mẫu trong những nền văn hóa khác nhau và thời điểm khác nhau
sẽ được thể hiện theo những cách đa dạng nhưng vẫn còn phản ánh những kinh nghiệm cơ
bản của con người trong những cơ tầng sâu kín nhất của tâm hồn. Với tính chất nguyên bản
và cổ xưa, không ngạc nhiên khi lĩnh vực có thể tìm thấy một hệ thống cố mẫu phong phú và
đầy đủ nhất chính là văn hóa dân gian và truyện kể truyền thống. Mặt khác, hệ thống cổ mẫu
tiềm ẩn trong thần thoại, truyện kể dân gian hoàn toàn không bị giới hạn trong thời đại cổ xưa
hay nền văn hóa dân gian. Chúng liên tục được tái sinh và tìm ...
9 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 478 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cổ mẫu địa ngục: Từ folklore đến truyện truyền kì trung đại Việt Nam - Nguyễn Thị Kim Ngân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
21
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0065
Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 10, pp. 21-29
This paper is available online at
CỔ MẪU ĐỊA NGỤC : TỪ FOLKLORE ĐẾN
TRUYỆN TRUYỀN KÌ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
Nguyễn Thị Kim Ngân
Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư Phạm Huế
Tóm tắt. Được xem như là những chủ đề phổ quát, tái diễn nhiều lần trong kinh nghiệm của
con người, nội dung của cổ mẫu trong những nền văn hóa khác nhau và thời điểm khác nhau
sẽ được thể hiện theo những cách đa dạng nhưng vẫn còn phản ánh những kinh nghiệm cơ
bản của con người trong những cơ tầng sâu kín nhất của tâm hồn. Với tính chất nguyên bản
và cổ xưa, không ngạc nhiên khi lĩnh vực có thể tìm thấy một hệ thống cố mẫu phong phú và
đầy đủ nhất chính là văn hóa dân gian và truyện kể truyền thống. Mặt khác, hệ thống cổ mẫu
tiềm ẩn trong thần thoại, truyện kể dân gian hoàn toàn không bị giới hạn trong thời đại cổ xưa
hay nền văn hóa dân gian. Chúng liên tục được tái sinh và tìm thấy trong các nền văn học về
sau. Qua quá trình chuyển hóa của cổ mẫu Địa ngục từ folklore đến truyện truyền kì Việt
Nam thời trung đại, chúng ta sẽ nắm bắt được chủ đề và lối tư duy vốn có nguyên mẫu từ
folklore, đồng thời chỉ ra bằng phương cách nào đó các nhà văn qua các thời kì đã thích nghi với
truyện kể truyền thống và dung hòa nó với các giá trị và nguyện vọng của nền văn hóa của chính
họ.
Từ khóa: Cổ mẫu, văn hóa dân gian, truyện truyền kì trung đại.
1. Mở đầu
Cổ mẫu địa ngục là thành phần thiết yếu nằm trong chu trình vòng đời của người anh hùng
trong truyện kể dân gian. Đó là chuyến đi ngược với ánh sáng, thoái triển và tiến sâu vào vùng đất
của bóng tối. Trong lí thuyết phê bình huyền thoại, cuộc phiêu lưu này đại diện cho việc khắc phục
những ham muốn vô thức, là hoạt động của sự tự tìm kiếm và cũng là một bước tiến quan trọng
trong chuyến phiêu lưu của người anh hùng. Charlotte Spivack khi thảo luận với những người theo
trường phái của Jung về vấn đề này đã nói rằng: “Bằng cách mở rộng tâm lí, hành trình đi xuống với
thế giới dưới thấp cũng có thể được hiểu như một hành trình đến thế giới đen tối của vô thức” [5;
tr.363]. Motif (F81) đi về thế giới bên dưới, vì vậy, phát triển từ rất sớm và chúng biến thành
phương tiện cho những tư duy mang tính thần học và triết học. Mặc dù những mô tả đầy đủ về thế
giới bên địa ngục đầy chết chóc và bóng tối có thể đã xuất hiện trong folklore Việt Nam từ lâu, song
đến truyện truyền kì thời trung đại, cổ mẫu này đã được tái sinh với nhiều cấp độ ý nghĩa phức tạp.
Nguyên nhân xuất phát từ chỗ, trong khi thay đổi thân phận, chuyển hóa nghiệp báo hoặc truy cầu
công lí là mục đích chính yếu của những chuyến phiêu lưu xuống địa ngục trong truyện kể dân gian,
thì đến truyện truyền kì trung đại, cổ mẫu địa ngục được tái sinh bằng cách phủ bóng lên nó một
màu sắc siêu hình nhằm bộc lộ nhãn giới của người cầm bút. Và như thế, cổ mẫu địa ngục đã trở
thành nơi phát lộ những trải nghiệm độc đáo của các văn nhân trong việc nhấn mạnh diễn ngôn về
sự “giải thoát” và chống lại sự áp đặt của thế giới quan đầy lí tính của Nho giáo.
Ngày nhận bài: 1/6/2018. Ngày sửa bài: 19/8/2018. Ngày nhận đăng: 2/9/2018.
Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Kim Ngân. Địa chỉ e-mail: nganpedagogy@gmail.com
Nguyễn Thị Kim Ngân
22
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái lược về Cổ mẫu (Archetype)
Archetype bắt nguồn từ gốc từ Hy Lạp “archein” mang nghĩa là “nguyên bản và cổ xưa”,
được hiểu như là "những mẫu hình ban đầu" và thường được sao chép, mô phỏng lại qua nhiều
thời kì. Trong lí thuyết Phân tâm học, nhà khoa học Sigmund Freud gọi đó là các “vết tích tối cổ”.
Nghiên cứu cổ mẫu là một trong những thành tựu mang tính đột phá của thế kỷ XX, trong đó xem
xét một trong những lí thuyết quan trọng nhất của C.G.Jung về vô thức tập thể và liên kết lí thuyết
này giữa ngành tâm lí học phân tích và các ngành khoa học xã hội khác.
Carl Gustav Jung đã đưa ra khái niệm về cổ mẫu từ các công trình điển hình của mình được
tập hợp trong Archetypes and the Collective Unconscious[sic], Collected Works of C.G. Jung
(Nguyên tác của C.G.Jung: Phần về cổ mẫu và vô thức tập thể). Với quan điểm tham chiếu đến
cấu trúc của nhân cách con người, Jung sử dụng cách nhìn nhận của khảo cổ học địa tầng và cho
rằng tinh thần, gồm có ba cấp độ: ý thức cá nhân, vô thức cá nhân, và vô thức tập thể. Tương tự
như một hòn đảo nhỏ trong đại dương, phần đỉnh đảo có thể nhìn thấy được trên mặt nước tương
ứng với ý thức cá nhân, phần ngập chìm trong nước tương ứng với vô thức cá nhân, và các nền
tảng vô hình kết nối đảo với lớp vỏ của trái đất tương ứng với vô thức tập thể. Chính tại nơi sâu
thẳm và vô hình nhất này, Jung cho rằng tồn tại cái được gọi là cổ mẫu. Cổ mẫu là sự kết tinh các
kinh nghiệm tinh thần của con người.
Với quan niệm như vậy, cổ mẫu có thể được tìm thấy khắp mọi nơi trong suốt chiều dài lịch
sử, ở bất kì đâu có trí tưởng tượng tự do hoạt động. Cổ mẫu được bao chứa trong nhiều lĩnh vực:
Thần thoại; Giấc mơ; Văn học; Tôn giáo; và Văn hóa dân gian. Trong các nền văn hóa khác nhau
và thời điểm khác nhau, nội dung một cổ mẫu sẽ được biểu hiện theo nhiều phương cách có thể
khác nhau nhưng chúng vẫn phản ánh những kinh nghiệm cơ bản của con người. Đó có thể là
những: hình ảnh; chủ đề; biểu tượng; kiểu nhân vật; hay một mô hình cốt truyện thường xuyên
lặp lại. Chẳng hạn như: vòng tròn hay bánh xe; các con số có sức lôi cuốn, nhân vật nam anh hùng
hoặc nữ anh hùng; một mô hình hành vi, một nghi lễ khởi đầu; nhóm các chủ đề như cái chết và
sự tái sinh hay sự cứu chuộc, những câu chuyện về nhiệm vụ, sự gánh vác, chuyến đi đến thiên
đàng và đặc biệt là chuyến hành trình của những người anh hùng về thế giới dưới thấp.
Bên cạnh việc khởi xướng nghiên cứu từ các nhà khoa học thuộc về lĩnh vực tâm lí học, phê
bình cổ mẫu còn bắt nguồn từ lĩnh vực nhân học. Đồng thời, cả hai lĩnh vực này đều thường
xuyên sử dụng folklore- một nhánh của nhân học văn hóa làm đối tượng nghiên cứu. Do đó, từ rất
sớm, các học giả folklore đã sớm đưa ra xu hướng và cách tiếp cận riêng với vấn đề cổ mẫu. Điển
hình nhất là phương pháp nghiên cứu Lịch sử - Địa lí (Historic- geographic Method) hay còn gọi
là Trường phái Phần Lan (Finnish Method) do Julius Leopold Fredrik Krohn, Kaarle Krohn và
Antti Aarne mở đường. Trong đó, “các nhà nghiên cứu theo phương pháp trên đã tiến hành sưu
tầm càng nhiều càng tốt các dị bản truyện cổ tích, lập nên bảng tra rồi tiến hành so sánh để tìm ra
bản cổ nhất, trên cơ sở đó, xác định nơi phát tích của một truyện cổ và vạch ra con đường địa lí
của sự lưu truyền truyện cổ ấy” [1; tr.14].
Trong bài viết Cổ mẫu trong nghiên cứu truyện kể dân gian, chúng tôi đã chỉ ra rằng: với tôn
chỉ nghiên cứu sử dụng các Phương pháp Historicgeographic (lịch sử - địa lí) nhằm hướng tới
việc tái thiết lại hình thức ban đầu và có tính quốc tế của các thể loại truyện kể dân gian như vậy,
không ngạc nhiên khi ngày nay chúng ta nhận thấy rằng, phần lớn những motif trong hệ thống
truyện kể dân gian trên toàn thế giới, thuộc về xu hướng thứ hai, đã tìm được sự kết nối mạnh mẽ
với hệ thống tâm lí học phân tích mà C.G. Jung trong các lí thuyết của mình gọi là cổ mẫu, trong
xu hướng tiếp cận văn hóa thứ nhất. Từ đó, một hệ thống cổ mẫu chung trong văn hóa, văn học,
đặc biệt là văn học dân gian bao gồm ba nhóm quan trọng là: cổ mẫu nhân vật (Character
Archetypes), cổ mẫu trạng huống (Situational Archetypes) và cổ mẫu biểu trưng (Symbolic
Cổ mẫu địa ngục : từ Folklore đến truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam
23
Archetypes) đã đồng thời được chia sẻ bởi các quan điểm nghiên cứu tâm lí học phân tích và quan
điểm nghiên cứu của các học giả thuộc lĩnh vực folklore [8; tr.77].
2.2. Cổ mẫu Địa ngục và chu trình vòng đời của người anh hùng
Liên quan mật thiết đến chu trình vòng đời của người anh hùng từ thế giới folklore đến văn
học qua nhiều giai đoạn, cổ mẫu Địa ngục (Hell) được biểu hiện rõ nhất thông qua trạng huống
hành trình đi về thế giới dưới thấp (The Fall), đồng thời đã trở thành một cấu trúc tự sự quan
trọng, đóng vai trò là đơn vị hạt nhân xâu chuỗi nhiều motif trong truyện kể dân gian. Cũng từ cổ
mẫu này, hàng ngàn phiên bản truyện kể khác nhau đã ra đời nhằm mô tả cho hành trình phiêu lưu
kì lạ của người anh hùng về thế giới địa ngục.
Người anh hùng được xem là một cổ mẫu lớn của nhân loại và là nhân vật trung tâm của
những câu chuyện lâu đời và cổ sơ nhất ở nhiều nền văn hóa. Cổ mẫu này sau đó đã được tái thiết
liên tục qua thời gian với nhiều thay đổi tình tiết lớn nhỏ khác nhau tùy thuộc vào thời đại và nền
văn hóa nhưng cấu trúc gốc không hề bị xóa bỏ. David Adams Leeming, giáo sư văn học so sánh
tại Mỹ với các công trình nghiên cứu và biên soạn tiểu biểu như The World of Myth, An Anthology
(Thế giới thần thoại, một hợp tuyển văn chương), và A Dictionary of Creation Myths of the World
(Từ điển thần thoại sáng tạo trên thế giới), trong chuyên luận có tựa đề Mythology – The voyage
of the Hero) (Thần thoại – Chuyến hành trình của người anh hùng), tác giả đã thực hành phân tích
tỉ mỉ các hình thức của một câu chuyện thần thoại đặc thù bằng cách chia câu chuyện ra tám phần
khác nhau tương ứng với các sự kiện trọng đại diễn ra trong cuộc đời của người anh hùng. Đầu
tiên người anh hùng bắt đầu cuộc phiêu lưu độc đáo của mình bằng cách được sinh ra một cách kì
lạ, hoặc trong một số hoàn cảnh bất bình thường. Nhân vật có thể là con của một vị thần, một đôi
vợ chồng hiếm muộn và được thần linh đầu thai. Giai đoạn này ẩn dụ cho những trải nghiệm đầu
tiên về sự chấn thương và cũng là phép lạ đầu tiên của đời sống. Nhân vật sau đó thường sớm mồ
côi, bị bỏ rơi và phải có những nỗ lực phi thường có thể tồn tại bên lề cộng đồng. Ở thời ấu thơ –
giai đoạn của sự khởi đầu cơ bản, nhân vật đột nhiên nhận thức được sức mạnh vô hạn của các thế
lực siêu nhiên mà bản thân anh ta không thể nào tri nhận hết. Huyền thoại trong giai đoạn này tập
trung vào việc miêu tả các cuộc chiến của người anh hùng với các loại động vật hoang dã hay với
những gã khổng lồ có sức mạnh siêu phàm. Sau đó, truyện kể đề cập đến sự chuẩn bị và khởi
xướng của cuộc hành trình đi tìm kiếm chính bản thân, tìm vị thần trong chính con người mình
của nhân vật anh hùng, và cũng là giai đoạn mô tả những cuộc chiến chống lại những cám dỗ của
đời sống. Trong những chặng đường tiếp theo, đề cập đến chuyến đi của người anh hùng vào
trong lòng địa ngục, sau đó trở lại và rồi tiếp tục lên thế giới thiên đường. Lần lượt các chương
này đề cập đến sự đối diện của người anh hùng với cái chết về mặt thể xác. Một sự kiện được xem
là kì lạ và phi thường, nơi mà anh ta là đại diện của ước muốn rằng cái chết bằng cách nào đó có
thể nhận thức và hiểu rõ. Vì vậy, người anh hùng thực hiện một chuyến phiêu lưu dài đi xuống địa
ngục để đối đầu với các lực lượng của cái chết. “Những chuyến viễn du của người anh hùng về cơ
bản đã biểu hiện những mong muốn căn bản nhất của con người đó là mong muốn vượt lên trên
cái chết về mặt thể xác và hướng đến sự kết hợp với các chu kì tự nhiên, chu kì của vòng tuần
hoàn sinh ra, chết đi, và rồi lại tái sinh” [6; tr.7]. Phần cuối của cuộc hành trình là sự diễn giải nối
tiếp các sự kiện sau khi vượt thoát khỏi những hiểm nguy ở thế giới của cái chết, người anh hùng
tiếp tục đi lên thế giới của thiên đường và được đặt vào địa vị vĩnh viễn ở trong mối quan hệ với
các đấng bậc thần linh.
2.3. Cổ mẫu Địa ngục từ truyện cổ tích đến truyện truyền kì trung đại
2.3.1. Cổ mẫu địa ngục hay là các chuyến đi trong văn học
Cái chết, đi về thế giới địa ngục, và sự sống lại là chu trình phổ biến ở các câu chuyện truyền
thống của thế giới. Trong đó, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, hành trình đi đến địa ngục
phong phú hơn rất nhiều so với các hành trình lên thiên đường và trên mặt đất. Có nhiều nguyên
nhân khác nhau khiến cho nhân vật cổ tích buộc phải thực hiện một chuyến hành trình đi về miền
Nguyễn Thị Kim Ngân
24
đất tăm tối này. Tiêu biểu như anh hùng lớn của Hy Lạp là Odysseus phải đi đến vùng đất của
người chết để tìm hiểu những dự đoán của nhà tiên tri Tiresias. Người anh hùng Bắc Âu
Vainamoinen và cuộc hành trình với thế giới địa ngục của Tuonela để tìm hiểu về công thức ma
thuật kì diệu. Hay như trong huyền thoại Sumer và Babylon nữ thần Inanna / Ishtar liên lạc với thế
giới địa ngục để tìm kiếm người yêu của mình Dumuzi / Tammuz. Aeneas trong sử thi Latin của
Virgil đến thăm vùng đất của người chết để nghe những lời tiên tri của Sibyl, nhận được lời khuyên
rằng anh ta rằng phải có những cành cây vàng từ một cái cây đặc biệt để có thể giao tiếp với người
cha đã chết của mình và do đó đạt được thành công trong hành trình nguy hiểm.
Thông thường chúng ta hay bắt gặp nhất là hành trình mang tên Orpheus - về cõi chết để
mang người thân từ cõi chết trở về, hành trình về thế giới khác để cứu công chúa hay hành trình
của người vợ đi về vùng đất chết để lấy lại trái tim của người chồng đã mất. Trong một số truyện
nổi tiếng thường thấy khác, mục đích của chuyến hành trình còn là hành trình xuống địa ngục để
đòi lại giao kèo với quỷ dữ, để cắt bao quy đầu cho đứa trẻ, hay để cứu rỗi tâm hồn người mẹ. Đôi
khi hành trình đi về thế giới này được kiến thiết như là một tai họa bất ngờ trong đó cô gái đi hái
hoa, bị trái đất nuốt chửng và sau đó bị đưa xuống địa ngục
Trong truyện kể dân gian, về căn bản, cổ mẫu hành trình đi về thế giới địa ngục có chức năng
như là một phương tiện nhằm miêu tả một thế giới lạ thường không được tri nhận trực tiếp bởi thế
giới những người đang sống. Hoặc đó là một thử thách về lòng cam đảm của người anh hùng. Khi
được dùng theo những phương cách phức tạp hơn, hành trình về thế giới bên dưới của người anh
hùng là một phương thức thu nhận kiến thức hay sức mạnh và thể hiện sự âu lo về cái chết hoặc
những gì xảy ra sau chết. Một vài cuộc hành trình về thế giới địa ngục vừa là cái chết của người
anh hùng lại vừa mang tính biểu tượng. Những motif liên quan đến hành trình về miền đất chết để
giải cứu người thân, hơn thế nữa, còn là sự thể hiện khát vọng muốn chinh phục hay vượt qua sự
băng hoại của đời sống và sức mạnh khủng khiếp trong cái chết của con người. Kiến giải về điều
này, V.IA.Propp cũng cho rằng: “Theo quan niệm cổ đại, cái chết không phải là sự chấm dứt hoàn
toàn sự tồn tại. Người chết hình như tiếp tục sống dưới lòng đất và có quyền lực lớn hơn so với
đất, lớn hơn so với người nông dân với cái cày sống trên mặt đất. Từ cõi sâu thẳm người chết có
thể quyết định việc việc được mùa hay mất mùa, có thể cho đất phát sinh hoặc giữ lại sức mạnh
của đất. Họ biến thành các loại thổ thần khác nhau” [11; tr.51]. Tất cả những điều đó cũng phần
nào được thể hiện trong các chuyến đi về miền đất của cái chết ở truyện cổ tích thần kì người Việt.
2.3.2. Những biến thể của cổ mẫu “địa ngục” trong truyện cổ tích người Việt
- Thế giới âm phủ
Truyện Thủ Huồn nổi bật với motif (F81.1.2) đi về vùng đất chết để thăm những người đã
khuất. Truyện kể về một người đàn ông mất vợ từ rất sớm. Khi trẻ tuổi ông là một viên thơ lại đã
gây ra rất nhiều sự bất công vì lợi ích cá nhân. Đến khi về già, một mình không có con cái, ông ta
quyết định lên đường tìm kiếm ngôi chợ Mạnh Ma. Đó là ngôi chợ kì lạ khi được miêu tả như là
nơi những người sống và người chết cùng buôn bán trong một vài thời khắc đặc biệt và ở đó ông
ta gặp lại người vợ từ âm phủ đến. Khi được người vợ mang về thăm thế giới dưới thấp này, Thủ
Huồn đã chứng kiến toàn bộ những hình phạt báo ứng khủng khiếp đang chờ đợi ông ta sau cái chết.
Truyện Thủ Huồn là một trong những minh chứng tiêu biểu cho sự dịch chuyển từ không gian
hiện tồn xuống không gian âm bản. Sự dịch chuyển của Thủ Huồn về với miền đất của cái chết được
quy ước trong một khoảng thời gian giới hạn. Đồng thời những chủ nhân và đồ vật ở thế giới địa
ngục cũng hiện ra một cách rùng rợn. Ở địa ngục có hằng hà sa số những căn phòng nhỏ để giam giữ
các tù nhân và tại đó ông đã gặp vị thần cai quản chín tầng địa ngục. Cũng tại miền đất ấy, một trong
những hình phạt bí ẩn ở thế giới khác (motif F171.6) dành cho ông được mô tả là những cái gông
xiềng khổng lồ. Điều đặc biệt ở câu chuyện này trong motif cửa ngõ dẫn lối xuống địa ngục là ngôi
chợ Mạnh Ma nơi người sống và người chết có thể gặp gỡ và đối thoại những chuyện âm dương
cách trở. Truyện còn tỏ rõ sức ảnh hưởng của Phật giáo đến tâm thức dân gian của người Việt về
Cổ mẫu địa ngục : từ Folklore đến truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam
25
thế giới địa ngục- một phần tất yếu nằm trong triết lí nghiệp báo và chu trình của luật nhân quả.
Ngoài việc thể hiện những âu lo của con người về đời sống sau cái chết như thế, trong truyện
cổ tích, sự dịch chuyển đến không gian địa ngục còn mang bóng dáng của một cuộc hành trình đi
tìm công lí. Địa ngục lúc này là nơi chốn nhân dân thực hiện lí tưởng về sự công bằng. Trong
truyện Những người chết trẻ, nhân vật Liêu vì muốn tìm lại lẽ phải cho dòng họ chết trẻ của mình
đã quyết tâm về địa ngục, tìm gặp Diêm vương và giãi bày nỗi oan ức. Ở Sự tích ba ông đầu rau,
người vợ và hai đời chồng sau cái chết cùng đi về âm phủ, hồn ba người đến gặp vua của vùng đất
chết. Thương tình trước câu chuyện cảm động và nghĩa tình sâu nặng của họ, vua của địa ngục
biến họ thành ba ông đầu rau, có thể chung sống với nhau vĩnh viễn. Truyện Sự tích con muỗi lại
kể về một gia đình trọc phú tham lam, khi về đến thế giới âm phủ cũng bày tỏ sự oan ức. Song
diêm vương cho chúng quay trở về dương gian nhưng với hình phạt dành cho chúng là ngàn đời
hóa thành kiếp muỗi. Tất cả những chi tiết đó đều thể hiện nỗi âu lo về đời sống sau cái chết cũng
như niềm tin mãnh liệt về sự đầu thai, hoàn cải và tái sinh một đời sống khác của tâm thức dân gian.
- Không gian đáy giếng
Tuy nhiên, thế giới âm phủ không phải lúc nào cũng được hình dung như một không gian
trừng phạt sau cái chết với những dòng sông đưa đón linh hồn, với quỷ dữ canh gác và hằng sa số
các loại nhục hình. Trong truyện cổ tích ở nhiều tộc người khắp nơi trên trái đất, thế giới bên dưới
có xu hướng là một nơi mờ mịt, đặt ở đâu đó dưới mặt đất và có những cư dân dị thường cư ngụ
và không phải lúc nào cũng là vùng đất hãi hùng của cái chết. Một trong số đó là việc hình dung
về địa ngục như là thế giới nằm sâu trong lòng giếng.
Trong từ điển motif của Stith Thompson xuất hiện nhiều các motif biểu hiện giếng như là
cánh cửa dẫn lối xuống thế giới địa ngục. Thêm vào đó, trong rất nhiều truyện cổ tích, giếng là
một phần sự vật không thể thiếu trong thế giới âm phủ. Đó là các motif: (F93.0.2.1) Đi xuyên qua
giếng, (F162.5) Những chiếc giếng trong thế giới khác, (F.162.5.1) Giếng rượu vang trong thế
giới khác. (F162.5.2) Những chiếc đầu trong những chiếc giếng phun ra từ miệng dòng nước ở thế
giới khác hay giếng chứa tri thức và giếng chứa sự thật trong thế giới khác. Giếng là một biểu
tượng của thế giới địa ngục có thể tìm thấy trong các câu chuyện cổ của Việt Nam. Chi tiết này
tồn tại dưới dạng motif (F133.5) thế giới khác dưới đáy giếng.
Trong quan niệm của người Việt từ xa xưa, giếng làng chính là mắt của đất. Cuộc sống quần
cư của nền văn hóa nông nghiệp canh tác lúa nước đã biến chiếc giếng, cùng với cây đa, sân đình
trở thành trung tâm sinh hoạt trung tâm tinh thần và tín ngưỡng của làng. Bản thân kiến trúc hình
tròn của giếng cũng là một hình thuộc về âm tính. Chiều sâu của giếng xuyên sâu vào lòng đất là
chiều âm. Vị thanh ngọt và sự mát lạnh của nước giếng hiếm khi được tiếp xúc ánh nắng mặt trời
cũng là biểu chất âm tính. Trong trí tưởng tượng và hình dung của người dân từ thưở xa xưa giếng
còn là nơi chứa đựng những điều linh thiêng và thần bí. Giống như rất nhiều nước Á Đông khác,
đối với người Việt, giếng chính là biểu tượng của vực thẳm và âm phủ. Do đó, không ngạc nhiên,
khi ngay cả sáng tác hậu hiện đại của những tác giả nổi tiếng như Haruki Murakami (Nhật Bản)
cũng thường xuyên tái sinh motif thế giới khác trong lòng giếng của folklore nhằm khắc họa một
thực tế khác của đời sống nằm ở đâu đó sâu hơn và tối hơn thế giới thực tại này. Quan niệm này
của người Việt về giếng còn gặp gỡ với quan niệm của nhiều nền văn hóa khác trên thế giới.
Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Chevalier và Gheerbrant, giếng được giải thích là
“thông với nơi ở của người chết, tiếng vang từ đáy giếng dội lên, những ánh phản xạ thoáng qua
của mặt nước bị lay động làm tăng thêm sự bí mật hơn là sự soi tỏ nó. Nhìn từ đáy giếng lên, đó là
một cái kính thiên văn khổng lồ, chĩa từ đáy lòng đất lên thiên cực. Phức hệ đó thực hiện những
bậc thang giải thoát nối liền ba tầng thế giới với nhau” [3; tr.361].
Trong truyện cổ tích thần kì người Việt, tương tự như vậy chúng ta có thể bắt gặp motif một
thế giới khác trong lòng giếng trong câu chuyện Quả bí vàng. Câu chuyện kể về cô con gái riêng
bị người mẹ kế và đứa em hắt hủi. Hai mẹ con người dì ghẻ đã lập mưu đưa Trắng xuống đáy
Nguyễn Thị Kim Ngân
26
giếng và dùng đất đá lấp kín miệng giếng lại. Tuy nhiên, hành trình đi xuống đấy giếng đã mang
cô gái đến với một thế giới khác, nơi không có ánh nắng mặt trời, những con đường nhỏ dị dạng
dài tít tắp và ngôi nhà nguy nga đồ sộ của mụ phù thủy. Về sau, cô gái giải thoát một con chim đại
bàng bị mụ phù thủy giam giữ. Và rồi, cô được chim thần mang ra khỏi thế giới kì ảo trong lòng
giếng để đi đến một vùng đất mới (motif F101.6.2 Trốn thoát khỏi địa ngục bằng chim). Những
không gian địa ngục trong lòng giếng như thế có thể tìm thấy ở rất nhiều ở các câu chuyện nổi
tiếng trên thế giới. Chẳng hạn như câu chuyện: The Spinners by the Well (Người thợ dệt bên giếng)
trong một phiên bản do anh em nhà Grimm sưu tầm. Ở một vài phiên bản truyện kể khác, chi tiết
giam giữ người trong giếng, hoặc nhân vật yêu cầu được ném xuống giếng để chiến đấu với nhiều
trở lực khác nhau cũng thường xuyên lặp lại. Trong những truyện kể như vậy, nhân vật sẽ trở về
mặt đất trong hình hài và cuộc sống mới. Như vậy, trùng khít với ý nghĩa đi vào lòng địa ngục với
cái chết tạm thời rồi lại hồi sinh, thế giới trong lòng giếng tồn tại ở cấp độ trung gian, chuyển tiếp
từ thế giới trên mặt đất đến thế giới dưới thấp. Đây có thể được xem như là một phiên bản giảm
nhẹ của cổ mẫu địa ngục.
Chung quy lại, có thể thấy, những phần thiết yếu trong chu trình vòng đời của nhân vật trong
các câu chuyện cổ dân gian có chứa đựng cổ mẫu địa ngục thường diễn ra theo ba nghi thức chính:
sinh ra, khởi hành, và cái chết. Về bản chất, việc nhân vật cổ tích thực hiện chuyến hành trình đi về
thế giới bên dưới sau đó lại quay trở lại, tương tự như việc người đã chết và rồi lại hồi sinh. Điều
này phản ánh, bên cạnh những vấn đề có ý nghĩa triết học về những khám phá cuộc sống sau cái
chết ra, phải chăng nhân dân, những người lao động- nghệ nhân sáng tạo nên những câu chuyện cổ
từ ngàn xưa đã luôn bày tỏ khát vọng về một đời sống vĩnh hằng, nơi cái chết- sự kiện hãi hùng nhất
- cuối cùng cũng được thông tỏ.
2.3.3. Hiện thể của cổ mẫu địa ngục trong truyện truyền kì trung đại ở Việt Nam
Trong khi những ghi nhận về chuyến đi đến thế giới địa ngục của người Việt khá ít, ngược lại,
dịch chuyển đến thế giới dưới thấp là địa ngục lại phát triển đột khởi trong truyện truyền kì thời
trung đại. Điều này cho thấy, những suy tưởng về thế giới sau cái chết, về thế giới siêu hình đã
nâng lên một tầm mức mới với những cấp độ tư duy triết học cao hơn trong thể loại này.
- Địa ngục như là một trải nghiệm siêu hình
Kiểu mô hình kết cấu cổ điển trong thần thoại và truyện cổ tíchnhư vòng tròn cái chết, đi vào
thế giới địa ngục rồi lại tái sinh như trên xét trên một khía cạnh nào đó vẫn bảo lưu đầy đủ trong
cái chết bí ẩn và sự sống lại không kém phần gây kinh ngạc của nhân vật trong truyện truyền kì.
Cố nhiên, nhân vật truyền kì có thể không được sinh ra một cách kì lạ, không có được những tố
chất quá phi phàm như người anh hùng thần thoại, cổ tích nhưng anh ta đã hoàn thành nhiệm vụ
tốt đẹp của mình trong đời sống thông qua các thử thách/nhiệm vụ, và vì thế sau cái chết, anh ta
được lên thiên đường trong tư thế của một vị thần. Chuyện Tướng Dạ Xoa hay Chuyện chức phán
sự ở đền Tản Viên với những motif như (F80) Hành trình xuống địa ngục, (F101) Trở về từ địa
ngục, (F81.1.2) Đi về vùng đất chết để thăm những người đã khuất; (E1.2) hay Người đàn ông đã
chết lại nhập hồn vào cơ thể và nói về kinh nghiệm ở thế giới khác là những ví dụ.
Ngô Tử Văn vốn dĩ là một kẻ sĩ cứng cỏi, dân vùng bắc vẫn thường truyền tai nhau rằng
chàng là kẻ cương phương, thấy sự bất bình thì chẳng chịu được. Thấy ngôi đền cũ trong thôn vốn
được thiên hạ lưu truyền là cực kì linh ứng bị yêu ma hoành hành, anh ta tức giận bèn tắm gội
chay sach, khấn trời rồi châm lửa đốt đền. Hành động này của anh ta khiến người đời khiếp sợ bởi
phạm vào các ngôi đền thiêng là điều đại kỵ. Chẳng mấy chốc sau hành động “ngông cuồng”, một
cơn bệnh đột ngột ập đến và Tử Văn bị quỷ sứ mang xuống thế giới địa ngục:
“Đến đêm bệnh càng nặng thêm, rồi thấy hai tên quỷ sứ đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài
thành về phía đông. Đi độ nửa ngày đến một tòa dinh lớn. Đi độ nửa ngày thì đến một tòa dinh
lớn, xung quanh có thành sắt cao vọi đến mấy chục trượng. Hai quỷ vào nói với người canh cổng,
người canh cổng đi vào một lúc rồi truyền chỉ rằng: - Tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng
Cổ mẫu địa ngục : từ Folklore đến truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam
27
khoan giảm. Nói rồi xua tay bảo đi ra phía bắc, tức là con sông lớn, trên sông bắc một chiếc cầu
dài ước hơn nghìn bước, gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên tả hữu cầu, có đến mấy
vạn quỷ dạ xoa, đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác” [9; tr.204].
Đêm tại điện Minh ty này, Tử Văn làm sáng tỏ được sự thực về viên tướng bại trận của Bắc
Triều hồn bơ vơ ở Nam quốc đã tranh chiếm miếu đền và giả mạo phúc thần, do đó anh ta được
bình yên trở về. Độ tháng sau có ông già đến báo:
“Lão phu đã trở về miếu, công của nhà thầy, không biết lấy gì đền đáp được. Nay thấy ở đền
Tản Viên khuyết một chân Phán sự, lão đã vì nhà thầy hết sức tiến cử, được đức Thánh Tản ngài
bằng lòng, vậy xin lấy việc đó để đền ơn nghĩa. Người ta sống ở đời xưa nay ai không phải chất,
miễn là chết đi còn được tiếng về sau là đủ rồi” [9; tr.242].
Truyện truyền kì này kết thúc bằng chi tiết: Tử Văn về thu xếp việc nhà, mấy hôm sau không
bệnh mà mất. Đằng sau cái chết có vẻ bí ẩn này là cuộc hành trình của nhân vật chính theo tiếng
gọi của những con người ở thế giới khác, mời gọi anh ta thực hiện một nhiệm vụ cao cả nào đó
(bổ vào chức Phán sự đền Tản viên lúc đó hãy còn khuyết), như là phần thưởng xứng đáng cho
những công đức mà anh ta đã tích được ở trần gian (Motif A566.1. Trở lại vòng chuyển kiếp luân
hồi ở vương quốc của các vị thần sau khi sứ mệnh của mình đã được thực hiện trên trái đất). Như
vậy, với cái chết dường như đột ngột, chuyến hành trình đi vào thế giới địa ngục, tái sinh rồi sau
đó lại trở thành thánh thần của Ngô Tử Văn là mô hình cốt truyện thụ hưởng từ chuyến hành trình
cuộc đời của người anh hùng thần thoại trong folklore. Tuy nhiên màu sắc nghi lễ hiến tế, nghi lễ
trưởng thành, ý nghĩa của sự lụi tàn và tái sinh hằng năm của thảm thực vật, cây cỏ trong các
câu chuyện truyền khẩu đã biến mất, thay vào đó hoàn toàn là nội dung xã hội mới với cảm hứng
tôn vinh những người quân tử, đề cao giá trị đạo đức theo tinh thần đức trị của Nho gia.
Cũng thông qua cổ mẫu địa ngục, truyện truyền kì đã xây dựng thành công những trải
nghiệm siêu hình ở những cấp độ sâu hơn và trở thành một bước tiến mới trong quá trình chuyển
hóa về mặt nghệ thuật từ việc tiếp thu các tư tưởng tôn giáo và khai thác các chất liệu của truyện
kể truyền thống. Chính cảm thức siêu hình về sự tham dự của các yếu tố huyễn linh vào đời sống
thường nhật của văn hóa dân gian là nguồn cội ban đầu cho sự hình thành, phát triển đầy tính sáng
tạo của cảm quan siêu hình trong văn học giai đoạn này. Từ đó, không gian nghệ thuật trong
truyện truyền kì trung đại một mặt vẫn bảo lưu các hằng số về không gian có từ truyền thống
folklore, ở phương diện khác, ranh giới các không gian hiện thực và kì bí lại va chạm, xâm lấn lẫn
nhau một cách dữ dội thông qua sự dịch chuyển của nhân vật từ đó tạo nên tấn kịch giao tiếp giữa
các thế giới. Và như thế, truyện truyền kì trung đại đã đạt đến bản chất của truyện ngắn kì ảo với
những trải nghiệm siêu hình tiêu biểu.
- Địa ngục với hàm nghĩa trừng phạt
Cố nhiên, dù đã bị tước bỏ đi các ý nghĩa xưa cũ, nhưng về cơ bản tất cả những gì thuộc về bản
chất của thế giới địa ngục vẫn được truyền tải đầy đủ thông qua những motif đại diện cho chuyến
hành trình này. Tiêu biểu như Truyện mụ ác với các motif (F80) Hành trình xuống địa ngục.
(A671.2. A671.2.) cảnh khủng khiếp trong địa ngục, (F177.1) Toà án trong thế giới khác. (F171.6)
Những hình phạt bí ẩn trong thế giới khác, (F167.1.1) Những con quỷ trong thế giới khác. (F105)
Người chết sống lại từ miền đất của cái chết, hay (E166) Trở về từ cõi chết và được cấp cho thời hạn
sống. Trong đó nhân vật nhận được thư triệu tập đến thế giới địa ngục từ các sứ giả, và khi trở về
với cuộc sống, rất nhiều chi tiết còn lại trên cơ thể nhân chứng cho thấy kinh nghiệm thực sự đã
xảy ra. Truyện kể về Hà mỗ một đêm trong giấc ngủ bỗng nghe nhiều tiếng gọi cửa gấp gáp, mở
cửa thì thấy những người mặc áo trắng phụng mệnh thành hoàng bản ấp đến gọi, giấy triệu tập vẫn
còn tươi dấu son. Anh ta bị ma quỷ điệu đến một thế giới “nơi thành quách tiêu điều, nhà cửa
không được phồn hoa cho lắm. Nhìn phía trước, thấy trong cửa quân doanh, như tòa xét án”, tại
đó Hà mỗ gặp lại hồn quả phụ họ Phan, người vì hành động của Hà mỗ mà cả thẹn, uất ức rồi
nhiễm bệnh mà chết. Truyện mô tả những khoảnh khắc trong khoảng thời gian giao tranh giữa sự
Nguyễn Thị Kim Ngân
28
sống và cái chết, trong kinh nghiệm cận tử của nhân vật. Sau đó nhân vật được trở về dương thế
“như một giấc mơ chợt tỉnh, mũi vẫn còn cay cay, máu ở áo đã thâm lại” [10; tr.282] và bản án
khắc nghiệt cho tương lai của bản thân và gia đình. Như thế, chuyến đi đến vùng đất kì lạ này, đặc
biệt, bao giờ cũng mang ý nghĩa của sự trừng phạt. Trong các câu chuyện như Chuyện Lí tướng
quân, hồn ma người bạn cũ báo cho con trai họ Lí việc sắp xảy ra, đồng thời nhận lời đưa Thúc
Khoản đến thế giới địa ngục:Tại đó anh ta chứng kiến quang cảnh phiên tòa xử tội người cha độc
ác của mình với các hình phạt khủng khiếp ở Cửu U và lời tuyên của các vị thần về trầm luân kiếp
kiếp không bao giờ thoát ra được của viên quan họ Lí. Điều đáng bàn ở đây là sau cái chết tạm
thời, Thúc Khoản được quỷ dữ lấy tay bưng miệng rồi đưa về nhà nhưng sự tái sinh này của nhân
vật Thúc Khoản hoàn toàn không mang ý nghĩa vượt quan thử thách hay danh phận thần linh cho
anh ta khi trở về như trong truyện kể dân gian. Trái lại, điều anh ta thu nhận được là nỗi sợ hãi về
những nhân quả rùng rợn ở kiếp sau. Mạnh hơn nữa, chuyến đi đến địa ngục ngắn ngủi đã ám ảnh
anh ta vĩnh viễn ngay cả khi anh ta sống lại: “Thúc Khoản giật mình tỉnh dậy, thấy người nhà
đang ngồi chung quanh mà khóc, nói mình chết đã hai ngày rồi, chỉ vì thấy ngực hãy còn thoi
thóp nóng, nên chưa dám đem chôn. Thúc Khoản bèn ruồng bỏ vợ con, đem của cải tán cấp cho
mọi người và đốt hết những văn tự nợ, vào rừng hái thuốc tu luyện” [10; tr.299]. Câu chuyện đi về
thế giới địa ngục ấy Thúc Khoản hoàn toàn giấu kín.
Qua đó có thể thấy, nếu cổ mẫu địa ngục trong truyền thống folklore mang màu sắc nghi lễ và
và màu sắc hành động thì chuyến hành trình đến thế giới địa ngục của nhân vật truyền kì mang
đậm sắc màu tâm lí với những xung động dữ dội về mặt tư tưởng. Trong bối cảnh mất dần vị thế
độc tôn, rạn vỡ vị thế xã hội, bị loại ra khỏi diễn ngôn chính thức ở trung tâm, hầu hết các nhà
nho ẩn dật viết truyện truyền kì bề mặt tỏ ra lánh đời, rời xa thế sự, kì thực bên trong đều kín đáo
tỏ bày nỗi niềm thế sự, bộc lộ tư tưởng bất hợp tác và sự phản kháng chống lại thực tiễn xã hội.
Do đó, một bộ phận trí thức, văn nhân lìa bỏ công danh trở nên coi trọng sở thích cá nhân, “độc
thiện kì nhân”, đòi tự do phóng khoáng, thậm chí hướng đam mê vào say hưởng lạc thú cõi trần.
Và như thế, hành trình dịch chuyển không gian rời bỏ hiện thực ngột ngạt để đến những thế giới kì
ảo khác nhau trong đó có những chuyến hành trình đến thế giới địa ngục trở thành một thứ diễn
ngôn “giải thoát” cho trạng huống đầy mâu thuẫn của nhà Nho.
Bằng cách để cho các nhân vật đi về thế giới địa ngục, trải nghiệm những sự việc kì lạ và
thực hiện nguyên tắc “hành đạo”-nguyên tắc không còn khả thi trong thế giới thực- các nhà văn
trung đại đã xây dựng nên những cuộc hành trình đến thế giới khác nhằm mô tả trong hình thức lí
tưởng nhất những xung đột sâu sắc của tâm trí con người, giữa thiện và ác, giữa trật tự và rối loạn.
Và như thế, với sự tái diễn thường xuyên trong truyện truyền kì của thế kỷ XV- XVI, cổ mẫu địa
ngục chính là sự phát lộ rõ ràng nhất nỗi niềm bi quan, lạc lõng và sự thất bại trong việc đối phó với
thực tại của các văn nhân thời trung đại.
3. Kết luận
Cổ mẫu với C.G.Jung là những biểu tượng phổ quát luôn gợi lên những phản ứng sâu thẳm
và đôi khi là vô thức trong tâm trí con người. Từ việc tiến hành tìm kiếm những mẫu hình cơ bản
tái diễn trong một chuỗi hệ thống mà ở đó tiết lộ ý nghĩa và kinh nghiệm cơ bản của nhân loại, bất
kể không gian và thời gian, Jung nhấn mạnh rằng có những mô hình phổ biến ở tất cả các câu
chuyện thần thoại, bất kì nền văn hóa hay giai đoạn lịch sử nào và đưa ra giả thuyết về một phần
của tâm trí nguyên sơ của con người chứa vô thức tập thể thông qua cổ mẫu trong truyện kể dân
gian. Với tiêu chí như vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi hành trình về thế giới địa ngục của
người anh hùng được xem là một cổ mẫu văn hóa lớn của nhân loại. Quá trình tiếp biến các chất
liệu từ folklore trong truyện tự sự thời trung đại, trường hợp cổ mẫu địa ngục, đã cho thấy những
Cổ mẫu địa ngục : từ Folklore đến truyện truyền kỳ trung đại Việt Nam
29
nỗ lực vượt bậc của các văn nhân trong việc vượt qua các giới hạn của truyền thống để sáng tạo
nên những hình thức nghệ thuật độc đáo trong truyện truyền kì.
Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc
gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 602.05-2018.01.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Thị An, 2008. Nghiên cứu văn học dân gian dưới góc độ Type và Motif – những khả thủ và
bất cập. Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7, tr14.
[2] J. Campbell., 1973. The hero with a thousand faces. Princeton University Press, New Jersey, pp.
89-95.
[3] J. Chevalier, A. Gheerbrant, 2002. Từ điển biểu tượng văn hóa Thế giới (Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn
Xuân Giáo, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phòng, Nguyễn Văn Vỹ dịch). Nxb Đà
Nẵng, tr.361.
[4] N. Frye, 1957. Anatomy of Criticism, Princeton University Press, pp.267.
[5] J. Garry and H. Shamy, 2005. Archetypes and motifs in folklore and literature: a handbook. M.E.
Sharpe, New York, pp. 363.
[6] D. Leeming, 1998. Mythology– The voyage of the Hero. Published by Oxford University Press,
Inc, pp.7.
[7] C.G.Jung, 1981. Archetypes and the Collective Unconscious [sic], Collected Works of C.G. Jung,
Princeton University Press, pp. 419.
[8] Nguyễn Thị Kim Ngân, 2017. Cổ mẫu trong nghiên cứu truyện kể dân gian, Tạp chí Nghiên cứu
văn học, Viện Văn học- Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, số 3, tr 77.
[9] Trần Nghĩa (chủ biên), 1997. Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, T 1. Nxb Thế giới.
[10] Trần Nghĩa (chủ biên), 1997. Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, T 2. Nxb Thế giới.
[11] V.IA. Propp, 2003. Tuyển tập V.IA. Propp (Chu Xuân Diên, Phạm Lan Hương, Nguyễn Kim
Loan, Phạm Bích Ngọc, Trần Minh Tâm, Đỗ Đức Thịnh, Đỗ Lai Thúy dịch). Nxb Văn hóa dân
tộc, T1, tr.51.
[12] S. Thompson, 1955– 1958. Motif – index of Folk – Literature, A Classification of Narrative
Elements in Folk – Tale, Ballads, Myths, Fables, Medieval, Romances, Exempla, Local Legends,
Indiana University Press.
[13] E. M. Thompson, 1973. The Archetype of the Fool in Russian Literature, Canadian Slavonic
Papers / Revue Canadienne des Slavistes, Vol. 15, No. 3, pp. 245-273.
ABSTRACT
Archetype of hell: from Folktale to medieval fantasy short stories in Vietnam
Nguyen Thi Kim Ngan
Faculty of Philology, Hue University of Education
Being considered as universal themes and recurring many times in human experience, the
content of archetype in different cultures and times will be expressed in diverse ways but always
reflected the basic human experience in the deepest layers of human soul. With its original and
ancient character, it is not surprising that the field that can find the most plentiful and complete
archetype system is folklore and traditional narratives. On the other hand, the archetype system
hidden in myths and folktales is completely unrestricted in ancient times or folklore. They are
continuously being reborn and found in afterward literature. Through the transformation of hell’s
archetype from the folktale to the medieval fantasy short stories in Vietnam, we would like to
mention the theme and the mindset that were itself prototyped from the folklore. Meanwhile, we
also pointed out a method that the writers throughout the ages had adapted to traditional narratives
and reconciled it to the values and aspirations of their own culture.
Keywords: Archetype, folklore, medieval fantasy short stories.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 5346_3_nguyen_thi_kim_ngan_1173_2122848.pdf