Tài liệu Chuyện những nữ anh hùng tuổi hai mươi: Chuyện những nữ anh hùng tuổi hai mươi
Minh Quốc
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, có những người con gái vừa tròn mười tám, đôi mươi đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; họ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phụ nữ Việt Nam, là đóa hoa đẹp trong rừng hoa cách mạng Việt Nam. Các chị xứng đáng được vinh danh là những nữ anh hùng.
Trương Thị Xáng - nữ anh hùng hi sinh khi chưa tròn 18
“Đường cách mạng sáng tươi rực rỡ
Gương anh hùng chói lọi miền Nam
Chị ơi tuôn giọt máu hồng
Máu thù quyết trả non sông sử vàng”
Đó là những câu thơ mà người dân Bình Túy (Bình Giang, Thăng Bình) lưu truyền mãi cho đến tận hôm nay nhằm ca ngợi về chị Trương Thị Xáng - người thiếu nữ hy sinh lúc chưa tròn 18 tuổi để cứu thoát cho hơn 300 cán bộ, chiến sỹ của ta trong một trận càn của địch.
Chị Trương Thị Xáng sinh ra trong gia đình vốn có truyền thống cách mạng, cha và chú tập kết ra Bắc, mẹ và hai em trai còn nhỏ, một e...
6 trang |
Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 779 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyện những nữ anh hùng tuổi hai mươi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyện những nữ anh hùng tuổi hai mươi
Minh Quốc
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, có những người con gái vừa tròn mười tám, đôi mươi đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; họ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phụ nữ Việt Nam, là đóa hoa đẹp trong rừng hoa cách mạng Việt Nam. Các chị xứng đáng được vinh danh là những nữ anh hùng.
Trương Thị Xáng - nữ anh hùng hi sinh khi chưa tròn 18
“Đường cách mạng sáng tươi rực rỡ
Gương anh hùng chói lọi miền Nam
Chị ơi tuôn giọt máu hồng
Máu thù quyết trả non sông sử vàng”
Đó là những câu thơ mà người dân Bình Túy (Bình Giang, Thăng Bình) lưu truyền mãi cho đến tận hôm nay nhằm ca ngợi về chị Trương Thị Xáng - người thiếu nữ hy sinh lúc chưa tròn 18 tuổi để cứu thoát cho hơn 300 cán bộ, chiến sỹ của ta trong một trận càn của địch.
Chị Trương Thị Xáng sinh ra trong gia đình vốn có truyền thống cách mạng, cha và chú tập kết ra Bắc, mẹ và hai em trai còn nhỏ, một em đi bộ đội đã hy sinh ngay sau ngày nhập ngũ, nên chị Xáng sớm giác ngộ cách mạng và được lãnh đạo huyện, xã giao nhiệm vụ liên lạc, cảnh giới địch từ năm 16 tuổi.
Những năm 1964 - 1965, địch thường xuyên càn quét các xã vùng Đông của huyện Thăng Bình. Bình Giang là một trong những xã mà địch càn ác liệt nhất. Để đối phó với địch, nhân dân thôn Bình Túy đã sáng kiến đào một địa đạo bí mật trong lòng đất dài hơn 3km để làm nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ. Ngày 22.02.1965, địch dùng 3 tiểu đoàn chính quy và 1 tiểu đoàn địa phương quân mở trận càn quét mới đánh phá Bình Giang. Tại thôn Bình Túy, chúng đã phát hiện được miệng của địa đạo và ra sức tìm mọi cách để dụ dỗ cán bộ ta ra đầu hàng, đồng thời sử dụng xăng, khí độc đẩy xuống miệng địa đạo. Mặt khác, chúng bắt dân ra đào địa đạo, đánh đập những ai không thực hiện theo lệnh của chúng. Trong khi đó, dưới địa đạo có tổng cộng hơn 300 cán bộ từ tỉnh, huyện, xã và du kích địa phương đang tránh địch càn dưới đó.
Trong tình huống nguy hiểm ấy, chị Trương Thị Xáng cùng với một số chị em trong thôn được tổ chức hướng dẫn đã mưu trí lãnh đạo nhân dân "người này đào một lát thì người kia lấp lại ba lát", do vậy địch không thể đào phá được địa đạo. Vì thế, chúng đã dùng báng súng, giày đinh đánh đập nhân dân, buộc phải đào cho được địa đạo. Trước tình hình trên, chị Xáng đã giả vờ kêu la đau bụng, mọi người không đào nữa mà tập trung vào cứu chữa chị. Với cách giả vờ này, chị Xáng đã kéo việc đào địa đạo về tối, địch phải thả dân về nhà. Đêm tối, địch co cụm tại nhà chị Xáng (nơi phát hiện miệng địa đạo) để phân công canh giữ.
Trong đêm đó, bằng nhiều biện pháp khác nhau, chị Xáng và một số chị em cơ sở của ta đã làm công tác binh - địch vận, vận động một số binh lính địch có cảm tình với cách mạng và hợp đồng giờ để đưa họ mang súng ra vùng giải phóng theo cách mạng. Đồng thời, với cây đèn pin của tên Trung đội trưởng chỉ huy ca trực, chị Xáng đã xuống địa đạo chỉ lối cho hơn 300 cán bộ, chiến sỹ và du kích của ta ra khỏi địa đạo an toàn từ một cửa bí mật khác ven sông Trường Giang. Sau đó, chị quay lại để thực hiện lời hứa đưa các binh lính địch mang vũ khí ra vùng giải phóng. Tuy nhiên, không may là lúc chị quay lại, địch đã thay đổi lính trực nên thấy ánh đèn pin (tín hiệu mà chị đã thỏa thuận với với tên Trung đội trưởng và một số binh lính địch trực trước đó) đã bắn vào chị. Chị Trương Thị Xáng đã ngã xuống ngay trên mảnh đất nhà mình nhưng toàn bộ cán bộ, chiến sỹ, du kích của ta đã an toàn thoát khỏi trận càn.
Hình ảnh chiếc áo nâu thấm đỏ máu hiên ngang trước họng súng kẻ thù; chị ngã xuống khi tuổi đời chưa tròn mười tám ngay trong vườn nhà luôn khắc ghi trong tâm khảm bao thế hệ nhân dân vùng đất anh hùng này. Chị Xáng hi sinh khi đang chờ đủ 18 tuổi để làm thủ tục kết nạp Đảng; chị hi sinh để lại lời nguyện ước: “Em sẽ chờ anh đến ngày đất nước thống nhất” khi tiễn chàng trai của mình lên đường nhập ngũ.
Phan Thị Nga – “mãi mãi tuổi hai mươi”
Chị Phan Thị Nga sinh ra và lớn trong một gia đình nông dân nghèo giàu truyền thống yêu nước, bên dòng Trường Giang thơ mộng, thuộc mảnh đất Bình Dương kiên cường, bất khuất.
Năm 14 tuổi, chị đã là đội viên Thiếu sinh quân của xã và tích cực hoạt động cách mạng như cảnh giới địch, đưa thư, nuôi giấu cán bộ, du kích mỗi khi kẻ địch càn quét đến địa bàn xã Bình Dương. Năm 1966, chị vào du kích xã Bình Dương và tham gia tổ chức xây dựng cơ sở mật bên trong vùng địch, góp phần tích cực vào thành tích chung của địa phương.
Tháng 01 năm 1968, chị được phân công tổ chức và hướng dẫn cùng Nhân dân xã Bình Dương xuống đường đấu tranh tại Hội An và bị địch bắt giam giữ tại nhà lao Hội An. Trong thời gian bị giam giữ trong nhà tù, bọn địch đã dùng mọi thủ đoạn hèn hạ tra tấn dã man, nhằm khai thác những thông tin về cách mạng, nhưng với tấm lòng sắc son “sống cùng Đảng, chết không rời Đảng”, chị luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, vào ngày toàn thắng, nhất quyết không khai báo giữ tròn khí tiết của người Cộng sản. Cuối cùng, bọn địch thả tự do cho chị. Thoát khỏi nhà lao Hội An, về lại quê hương, chị tiếp tục tham gia công tác cách mạng để cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước.
Đầu tháng 01 năm 1971, địch đánh phá ác liệt, nhằm thực hiện chiến dịch “bình định” cấp tốc, số đông Nhân dân xã Bình Dương bị địch dồn vào khu dồn; lúc bấy giờ cấp trên đã phân công giao nhiệm vụ cho chị trở về hoạt động tại xã để tiếp tục liên lạc với cán bộ tại cơ sở. Với tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí chị đã tham gia móc nối cơ sở ngay trong vùng địch tạm kiểm soát và trực tiếp diệt ác ôn tại khu dồn dân ở thôn 2 xã Bình Dương, đồng thời trực tiếp đưa cán bộ, du kích vào khu dồn để phối hợp diệt ác ôn. Chị đã trực tiếp đào hầm công sự bên ngoài Khu dồn để làm nơi trú ẩn cho cán bộ, tổ chức họp, liên lạc, móc nối với cơ sở để tuyên truyền, chỉ đạo và triển khai, thực hiện nhiệm vụ của cấp trên đến với cơ sở.
Đến tháng 4 năm 1971, cơ sở bị lộ, một lần nữa bị địch bắt, tra tấn, đánh đập hết sức tàn nhẫn, nhưng chị vẫn kiên trung, bất khuất trước kẻ thù và nhất quyết không khai báo cho kẻ địch, bảo toàn được tổ chức, lực lượng cơ sở bên trong hoạt động bình thường. Qua nhiều cực hình tra tấn dã man, nhưng kẻ thù không khuất phục được tinh thần, ý chí của người cộng sản; bọn địch quyết định đưa chị ra pháp trường tuyên án tử hình.
Đứng trước họng súng của kẻ thù, chị đã khẳng khái tuyên bố: “Tôi có lý tưởng của tôi, Chủ nghĩa Cộng sản là lý tưởng của tôi. Tôi không có tội gì mà cũng không ân hận gì hết, hãy mở khăn bịt mắt tôi, để cho tôi nhìn quê hương Bình Dương yêu dấu lần cuối cùng”.
Và chị tiếp tục hô to:
Đả đảo Đế quốc Mỹ!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!
Tiếng hô đanh thép vừa kết thúc, bọn địch đã nhẫn tâm nã nhiều loạt đạn vào người chị, chị đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất Bình Dương anh hùng, trước sự kính trọng và cảm phục của đông đảo bà con nhân dân xã Bình Dương.
Chị Nguyễn Thị Nga hi sinh khi vừa tròn 20 tuổi, nhưng tinh thần anh dũng, ý chí quật cường vẫn sống mãi với sự nghiệp cách mạng, với Nhân dân xã Bình Dương anh hùng; là động lực to lớn, là tấm gương sáng rất đáng biểu dương và học tập. Sự hi sinh của chị là tấm gương giúp cán bộ, du kích và Nhân dân toàn huyện hạ quyết tâm biến đau thương thành hành động, đoàn kết, thi đua giết giặc cứu nước, đưa quê hương đến ngày toàn thắng.
Bùi Thị Huỳnh - nữ anh hùng Bình Giang
“...Chị Huỳnh dũng cảm đấu tranh
Chết cho Tổ quốc vinh quang sau này
Chúng tôi còn sống lại đây
Quyết tâm chiến đấu cho ngày tự do
Trường Giang vang mãi câu hò
Thuyền về chung bến con đò dọc ngang
Tên chị lấp lánh sử vàng
Ấy người phụ nữ Bình Giang anh hùng”...
Đó là những câu thơ người dân Bình Giang (Thăng Bình) dành ca ngợi tấm gương người phụ nữ anh hùng của quê hương - Bùi Thị Huỳnh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng; sớm chứng kiến những bất công, cảnh đời ngang trái mà lũ cướp nước và bán nước đã nhen nhóm lên trong chị ngọn lửa căm thù giặc sâu sắc và hình thành ý chí quyết tâm “trả thù nhà, đền nợ nước”. Năm 20 tuổi, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ những người cộng sản và một lòng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chị tham gia làm cán bộ cơ sở từ năm 1954 - 1959; những năm 1960 - 1963, chị hoạt động trong tổ diệt ác phá kìm, nuôi dấu cán bộ, bộ đội, thương binh. Chị Huỳnh đã gương mẫu đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị của “Đội quân tóc dài” xã Bình Giang, làm nòng cốt trong nhiều cuộc đấu tranh chính trị tại quận lỵ Thăng Bình”. Năm 1964, quê hương Bình Giang hoàn toàn giải phóng, chị tiếp tục tham gia phong trào Hội mẹ chị ở xã và giữ chức Hội trưởng. Xuyên suốt giai đoạn 1964 - 1965, chị Huỳnh không ngại khó khăn gian khổ, chiến đấu lăn lộn trong phong trào cách mạng quần chúng.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con nhỏ, nhưng khi được tổ chức phân công nhiệm vụ, chị đã nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công, chị nhận nhiệm vụ nắm tình hình của Mỹ ngụy tại quận lỵ Thăng Bình. Chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chính trị lớn, chị đã dàn xếp việc gia đình chu đáo, vận động chị em trong xã tham gia đấu tranh chính trị.
Một hành động gây xúc động lòng người, trước khi lên đường đấu tranh cùng đội quân tóc dài của xã Bình Giang, chị gọi 03 các con thơ của mình căn dặn:
“Ở nhà con trẻ đừng trông.
Mẹ đi công tác chỉ trong ngày này
Gạo kia, khoai mẹ để đây
Các con trưa sẽ lấy ra mà dùng
Chị bồng đứa bé sau cùng
Nhìn con lòng chị bùi ngùi xót thương
Nhưng chị cần phải khẩn trương
Thu xếp đồ đạc lên đường đấu tranh”
Chấp hành mệnh lệnh của Huyện ủy Thăng Bình, lúc 4 giờ ngày 16.2.1965, các xã vùng Đông Thăng Bình, gồm: Bình Giang, Bình Dương, Bình Đào, Bình Sa, Bình Hải và Bình Nam hợp đồng chặt chẽ tiến hành cuộc đấu tranh chính trị trên qui mô lớn, với hơn 20.000 phụ nữ tham gia kéo lên Quận lỵ Thăng Bình đấu tranh trực diện với bọn ngụy quân, ngụy quyền ở đây. Với hào khí của người phụ nữ Việt Nam, trung dũng kiên cường, chị Huỳnh cầm đầu đội quân tóc dài xã Bình Giang tiến về phía trước theo hướng từ Bình Phục, Gò Rùa lên ngã tư Hà Lam đến quận lỵ Thăng Bình. Khi đến ngã tư Hà Lam, chị dũng cảm đưa lên kiến nghị của dân “Đòi chấm dứt ngay hành động bắt lính, càn quét đốt nhà, giết người, cướp của, đàn áp dã man, không được dùng xe tăng cày ủi hoa màu của Nhân dân, binh lính bỏ hàng ngũ trở về với cách mạng”.
Với dòng người sôi sục chỉ có tiến công không lùi bước, bọn địch đã thẳng tay đàn áp cuộc đấu tranh, xả súng bắn vào đoàn quân tóc dài, chị Huỳnh xông lên phía trước, không ngại hy sinh đứng ngăn cản họng súng của quân thù, đòi chúng không được bắn vào người dân vô tội, liền lúc đó tên chỉ huy xả súng bắn vào người chị, chị Huỳnh hy sinh trước họng súng của quân thù. Trước lúc hy sinh, chị Huỳnh nhìn thẳng vào mặt quân thù vang lên “Hỡi đồng bào hãy tiến lên, bạo lực súng đạn của quân thù khát máu không thể nào khuất phục được sức mạnh của hàng triệu trái tim của chúng ta”; chị hô to “Đả đảo Mỹ Khánh”; “Hồ Chí Minh muôn năm”; “Mặt trận Dân tộc giải phóng muôn năm”. Hành động dũng cảm của chị trở nên đanh thép hơn khi: “Tao chết nhưng sẽ còn hàng vạn người theo tao tiếp tục tiến lên”. Trước sức mạnh đấu tranh không khoan nhượng của đội quân tóc dài, bọn địch hốt hoãn phải nhượng bộ chấp nhận các yêu sách của đoàn quân.
Người chiến sĩ tóc dài với khí thế kiên cường bất khuất đã trực tiếp giáng vào đầu quân thù một đòn lý lẽ vững chắc. Đoàn quân chiến thắng trở về trong sự tiếc thương vô hạn người phụ nữ đã dũng cảm hy sinh trên mặt trận đấu tranh chính trị.
Chị Huỳnh ngã xuống vào độ tuổi đẹp nhất của thời con gái; chị ra đi để lại bao nhiêu hoài bảo, dự định chưa thành, để lại sau lưng những ngày tháng sôi động trong trận tuyến chống kẻ quân thù; chị đã để lại niềm tiếc thương vô bờ bến của những đồng đội, những người dân Bình Giang anh hùng.
Trong gió, trong mây, trong sự an bình của xứ sở cát trắng Thăng Bình, hôm nay và mãi mai sau, người dân nơi đây không thể nào quên được hình ảnh đôi mắt ngời sáng lạc quan yêu đời; hình ảnh chị ngã xuống trong tư thế của một người chiến thắng của một người phụ nữ tuổi 20 anh hùng.
Võ Thị Xuyến - thà chôn sống chứ nhất quyết không khai
Ngày nay, nhân dân Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) vẫn còn nhắc mãi đến sự hi sinh anh dũng của chị Võ Thị Xuyến khi bị địch bắt chôn sống.
Chị Võ Thị Xuyến sinh năm 1926 trong một gia đình viên chức nhỏ tại làng Thanh Ly, thuộc phủ Thăng Bình, nơi có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm.
Năm 1943, khi vừa tròn 17 tuổi chị Võ Thị Xuyến được đồng chí Phan Phú (tức Phan Đăng Hồ) đưa vào hoạt động cách mạng vùng Bình Thuận, Lâm Đồng và tham gia hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc và đoàn Thanh niên cứu quốc tại đây. Đến khi Ủy ban Việt Minh tỉnh được thành lập, chị hăng hái hoạt động trong tổ chức này.
Tháng 8.1945, chị đã cùng nhân dân Đồng Nai thượng xuống đường biểu tình lật đổ chính quyền của chế độ cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Chị Võ Thị Xuyến đã có mặt trong đoàn quân kéo đến chiếm công sở ngụy quyền ở Di Linh, lập chính quyền cách mạng.
Khi thực dân Pháp nổ súng trở lại đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định rồi mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam Bộ, Trung Bộ và toàn cõi Đông Dương; Đảng ta phát động phong trào tòng quân lên đường giết giặc, bảo vệ đất nước, chị Xuyến tình nguyện nhập ngũ.
Tình hình ngày một khó khăn, đầu năm 1946, cấp trên đã chủ trương giải thể đơn vị của chị và đưa một số anh em thương bệnh binh về khu 5 chữa trị. Chị Xuyến cùng với một người đồng đội của mình được phân công đưa các bệnh nhân đi. Nhưng không may, khi đoàn đi đến Mỹ Tường (Ninh Thuận) đã bị địch tấn công dữ dội, làm nhiều người chết và bị thương. Trước tổn thất đau thương đó, các chị đã phân công nhau, một mặt tìm cách đưa những người còn sống sót vào nơi ẩn nấu oan toàn, nhờ nhân dân giúp đỡ, rồi báo về cấp trên xin cấp viện. Mặc khác, chị tập trung những thân xác đồng đội đã hi sinh vào một chỗ, rồi vận động dân quân du kích và đồng bào tại địa phương chôn cất tử tế. Với tình thương yêu cao cả của một người chiến sĩ cách mạng, chị cùng đồng đội không quản ngại khó khăn, gian khổ, đến từng nhà dân xin từng củ khoai, lon gạo, mớ rau, con cá về nuôi đồng chí của mình. Chính hành động cao cả, những tình cảm chân thành mà các chị đã cứu sống nhiều đồng chí của mình qua cơn hoạn nạn.
Tháng 6.1946, có lệnh tập hợp những anh em cũ để xây dựng lại lực lượng vũ trang mà trước đây có chủ trương giải tán; chị Xuyến cùng người đồng đội của mình nhờ biết được những nơi các đồng chí ta đang ở nên được phân công nhiệm vụ vừa tập hợp anh em lại, vừa tuyên truyền vận động thanh niên nhập ngũ. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, chị Xuyến cùng một số đồng đội của chị đã bị địch bắt tại bến đò Tri Thủy và đưa về đồn Phương Cưu giam giữ và tra tấn, dụ dỗ. Đồng chí cùng đồng đội của mình vẫn một lòng giữ vững tinh thần, không một lời khai báo.
Trong số những người bị giặc bắt, chị Xuyến là người lớn tuổi hơn cả; nên bọn địch tập trung tra khảo chị. Nhưng chị vẫn kiên quyết đấu tranh:
- Tôi là dân quê, không biết chi để nói với các ông.
Tên đồn trưởng cho lính bịt mắt dẫn chị đi và dọa dẫm:
- Mày không khai báo chúng tao bắn!
Chúng đưa chị ra đồi cao ở mé rừng.
Một loạt súng nổ vang, đồng đội tưởng bọn chúng đã bắn chị Xuyến. Ai nấy đều thương tiếc chị và căm thù bọn thực dân cướp nước. Nhưng không, đó là loạt súng bắn dọa, nhằm trấn áp tinh thần. Chị Xuyến vẫn không hề nao núng.
Cuối cùng chúng buộc phải thả chị.
Ngày 14.9.1946, Chính phủ ta ký với Pháp bản tạm ước, quy định hai bên tạm thời đình chỉ mọi xung đột. Nhằm giúp nhân dân hiểu rõ hơn những nội dung của Tạm ước, chị Võ Thị Xuyến đã cùng với một số cán bộ của Ninh Thuận xuống các địa phương tuyên truyền giải thích cho nhân dân. Trong khi đang làm nhiệm vụ, chị một lần nữa bị địch bắt; tài liệu, vũ khí, tiền bạc và các giấy tờ tùy thân không kịp cất dấu nên chị đã bị lộ.
Chúng đánh chị suốt mấy ngày liền, chết đi sống lại nhiều lần, nhưng chị vẫn giữ vững chí khí của người Cộng sản. Gặp những đồng chí cùng bị bắt, chị luôn động viên, nhắc nhở: “Các đồng chí cố gắng chịu đựng, không được phản bộ Tổ quốc, phản bội lại đồng bào và bà con quê mình”.
Biết không thể nào khuất phục được người con gái kiên trung, bọn địch đem chôn sống chị. Chúng bắt chị đứng dưới một hố sâu, rồi lấp đất từ chân lên, vừa lấp chúng vừa hỏi:
- Có chịu khai không? Khai thì sống, không khai thì chúng tao sẽ chôn sống mày.
Chị thản nhiên trả lời:
- Không, tao không có gì phải khai, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng là lý tưởng của người cộng sản.
Lấp đất đến cổ chị, chúng lại hỏi:
- Thế nào, có khai không?
Biết không thể sống được nữa, chị nói rành rọt:
- Thà chết vinh còn hơn sống nhục. Chúng mày giết tao, thì đồng bào tao sẽ trả thù cho tao
Chị Võ Thị Xuyến đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30 tháng 10 năm 1946 khi chị vừa tròn 20 tuổi tại mảnh đất Phan Rang - Tháp Chàm đầy nắng và gió. Cái chết của chị đã làm cho quân thù khiếp sợ và mãi mãi là tấm gương chói lọi cho lớp trẻ, cho phụ nữ Việt Nam noi theo.
Các chị đã hi sinh vừa độ tuổi mười tám, đôi mươi - cái tuổi đang độ xuân thì, đẹp nhất của đời người. Chắc hẳn trước lúc ra đi, các chị cũng mang trong mình những ước mơ hoài bão, những dự định cho mai sau....Nhưng các chị đã hy sinh cả quảng đời thanh xuân của mình, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Máu của các chị đã hoà vào lòng đất mẹ góp phần làm nên những mùa xuân trọn vẹn cho hôm nay và mai sau./.
Minh Quốc
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- chuy_n_nh_ng_n_anh_hung_tu_i_hai_m_i_7313.doc