Chức năng nhân vật chèo cổ (Từ góc nhìn tự sự học)

Tài liệu Chức năng nhân vật chèo cổ (Từ góc nhìn tự sự học): JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00029 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 29-33 This paper is available online at CHỨC NĂNG NHÂN VẬT CHÈO CỔ (TỪ GÓC NHÌN TỰ SỰ HỌC) Lê Trà My Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Nhân vật chèo cổ là một kiểu nhân vật “kép”, vừa là người diễn trò, vừa là người dẫn trò. Với chức năng diễn trò, nhân vật tham dự vào câu chuyện, có quan hệ về mặt logic hành động với các nhân vật khác của câu chuyện. Với chức năng dẫn trò, nhân vật trở thành người kể chuyện, gián cách với chính mình và với bản thân câu chuyện. Tính chất “kép” này làm cho chèo trở thành một kiểu tự sự rất độc đáo. Từ khóa: Nhân vật chèo cổ, chức năng, tự sự học. 1. Mở đầu Chèo cổ vẫn được biết đến như một hiện tượng văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam. Có rất nhiều các công trình nghiên cứu đã đề cập nhiều phương diện của chèo như một hình thức nghệ thuật sân khấu có tính chất tổng hợp [1, 3]. Ở bài viết nhỏ này, chúng tôi đặt vấ...

pdf5 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 858 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chức năng nhân vật chèo cổ (Từ góc nhìn tự sự học), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00029 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 29-33 This paper is available online at CHỨC NĂNG NHÂN VẬT CHÈO CỔ (TỪ GÓC NHÌN TỰ SỰ HỌC) Lê Trà My Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Nhân vật chèo cổ là một kiểu nhân vật “kép”, vừa là người diễn trò, vừa là người dẫn trò. Với chức năng diễn trò, nhân vật tham dự vào câu chuyện, có quan hệ về mặt logic hành động với các nhân vật khác của câu chuyện. Với chức năng dẫn trò, nhân vật trở thành người kể chuyện, gián cách với chính mình và với bản thân câu chuyện. Tính chất “kép” này làm cho chèo trở thành một kiểu tự sự rất độc đáo. Từ khóa: Nhân vật chèo cổ, chức năng, tự sự học. 1. Mở đầu Chèo cổ vẫn được biết đến như một hiện tượng văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam. Có rất nhiều các công trình nghiên cứu đã đề cập nhiều phương diện của chèo như một hình thức nghệ thuật sân khấu có tính chất tổng hợp [1, 3]. Ở bài viết nhỏ này, chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu nhân vật chèo như một yếu tố của kịch bản chèo, nghĩa là từ phương diện văn học. Khi nghiên cứu nhân vật chèo, chúng tôi không hướng đến các đặc điểm hay các hình thức thể hiện nhân vật, mà soi chiếu nhân vật từ phương diện chức năng tự sự. 2. Nội dung nghiên cứu Từ phương diện kịch bản, chèo cổ được xếp vào thể loại văn học kịch. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy, không có cái gọi là kịch bản chèo theo nghĩa chúng ta hiểu về kịch bản như hiện nay. Các tích trò được lưu truyền trong dân gian, về sau được ghi chép lại, các bản ghi cũng không hoàn toàn giống nhau. Đặc biệt, do tính ứng diễn nên có khi có những bản ghi xen kẽ nhiều câu chuyện nhánh vào tích hoặc xen kẽ nhiều đoạn hát mà chủ đề rất xa với tích. Nghiên cứu chèo từ phương diện văn học, chúng tôi dựa trên những văn bản đã được các nhà sưu tầm ghi chép lại. Về mặt hình thức, kịch bản chèo mang những đặc trưng của văn học kịch. Trong kịch nói chung, do đặc trưng thể loại, hầu như không có nhân vật người kể chuyện (ở các thể kịch cổ đại có dàn đồng ca đóng vai trò dẫn chuyện). Kịch là nơi cuộc sống đang diễn ra chứ không phải cuộc sống được kể lại như trong truyện. Vắng bóng nhân vật kể chuyện, nên trong kịch các yếu tố như miêu tả, kể, lược thuật, bình luận. . . bị hạn chế trong lời thoại trực tiếp của nhân vật hoặc chỉ xuât hiện trong phần chỉ dẫn sân khấu. Trong bố cục kịch bản chèo, ta chỉ thấy các lời thoại của nhân vật, không có kiểu nhân vật dàn đồng ca để dẫn chuyện. Tuy nhiên, nhiều người lại công nhận rằng chèo cổ lại thuộc loại Ngày nhận bài: 15/12/2014 Ngày nhận đăng: 20/4/2015 Liên hệ: Lê Trà My, e-mail: nhimtimy@gmail.com 29 Lê Trà My sân khấu kể chuyện. Điều gì khiến cho nó trở thành sân khấu kể chuyện? Kể chuyện thì phải có các yếu tố dẫn chuyện. Trong một vở chèo không phải hoàn toàn không có nhân vật dẫn chuyện. Có một kiểu nhân vật dẹp đám hoặc nói lời giáo đầu xuất hiện trước khi nội dung vở thực sự bắt đầu, trong suốt vở diễn nó hầu như không xuất hiện trở lại. Kiểu nhân vật này chỉ tồn tại trong diễn xướng, trong những tình huống biểu diễn cụ thể, nó hoàn toàn không có liên hệ với nội dung vở diễn. Kiểu nhân vật này không nằm trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi. Chèo là sân khấu kể chuyện bởi nó vừa mang bản chất của kịch vừa mang bản chất của truyện. Như trên đã nói, kịch bản chèo không có nhân vật người kể chuyện. Để vừa hiển thị câu chuyện qua lời thoại nhân vật, vừa dẫn dắt câu chuyện, chèo cổ đã tích hợp trong nhân vật của nó chức năng kẻ tham gia vào sự kiện, kẻ thực thi hành động với chức năng người kể chuyện. Nhân vật chèo cổ là một kiểu nhân vật “kép”, vừa là người diễn trò, vừa là người dẫn trò. Tính ước lệ của sân khấu dân gian cho phép nhân vật chèo vừa như là đang “sống”, đang trong diễn trình của đời sống lại vừa tách mình ra khỏi câu chuyện để kể về chính nó. Chính tính chất “kép” này làm cho nhân vật chèo khác với các nhân vật kịch thuần túy. Khi thực hiện chức năng diễn trò, về cơ bản nhân vật chèo vẫn giữ tính chất của một nhân vật kịch: là một vai diễn trong câu chuyện, tham dự sự kiện, hành động của nhân vật thúc đẩy diễn tiến sự kiện. Nhân vật sẽ là một nhân tố tạo kịch tính, tạo độ căng của hành động kịch. Nếu chia các đơn vị cốt truyện thành các đơn vị có chức năng cốt yếu và các đơn vị có chức năng xúc tác (theo R. Barthes) thì nhân vật diễn trò lúc này là một thành tố đơn vị chức năng cốt yếu. Nhân vật có quan hệ về mặt logic hành động với các nhân vật khác của câu chuyện. Mặt khác, có khi nhân vật chèo lại trở thành đơn vị chức năng xúc tác. Nó làm giảm hoặc tăng tốc tiến độ sự kiện, dự báo tình huống, gia tăng các thành phần lược thuật, giới thiệu, bình luận. . . Lúc đó, nhân vật chèo có sự gián cách với chính vai diễn trò của mình, nó thực hiện chức năng dẫn trò. Nhân vật thoát vai, đứng ngoài câu chuyện, đứng ngoài nó, cách xa nó để kể về chính nó. Khả năng dẫn trò của nhân vật chèo cổ thể hiện ở việc nó có thể đứng ra kể lại câu chuyện mà nó trực tiếp tham dự. Nhân vật tự thuật, tự xưng danh báo tính, tự bình luận về hành động hoặc nhân cách của chính mình. Hầu hết các vở chèo cổ đều có màn xưng danh báo tính nhân vật. Kiểu xưng danh này trở thành một khuôn hình (trình thức), một đơn vị tự sự của thể loại. Đây là lời xưng danh của Chu Mãi Thần (vở Chu Mãi Thần): Vạn bang xưng khách Tứ hải hồi xuân Tôi họ Chu tên gọi Mãi thần Đã học hết, thông kinh quán sử Tuổi đã cao nhà thời lại khó Đấng trượng phu sinh chửa gặp thời. Đây là lời xưng danh của Tôn Dân (vở Tôn Mạnh – Tôn Trọng): Huyện Vĩnh Gia quê ngụ Chính thực tôi tên gọi Tôn Dân Hiền thê nay sớm đã từ trần Sinh Tôn Mạnh tuổi còn trứng nước Hiềm vì nỗi con còn bé dại Phải tìm người nâng đỡ sớm hôm. Các màn xưng danh này, nhân vật kể về lai lịch xuất thân, giới thiệu sơ lược về bản thân, sở 30 Chức năng nhân vật chèo cổ (từ góc nhìn Tự sự học) thích, gia cảnh. . . Đây là những đoạn lược thuật giúp người xem định hình sẵn về nhân vật. Màn xưng danh báo tính là một cách chỉ dẫn về nhân vật, giúp người xem dễ dàng tiếp thu câu chuyện của vở diễn. Có khi, ngay trong màn xưng danh, nhân vật còn nêu những dự định, những toan tính, dự báo tình huống và sự kiện. Điều này tạo nên sợi dây liên hệ giữa phần mở đầu với những lớp tiếp sau làm cho cốt truyện kịch được liền mạch. Qua lời thoại, nhân vật còn tự nhận xét, bình luận về mình. Trong vở Quan Âm Thị Kính, vừa bước ra sân khấu, Thị Màu đã tự phơi bày: Thế mà Màu tôi mang tiếng lẳng lơ Đò đưa cấm giá lên chùa từ mười ba. Ở vở Kim Nham, lúc giả điên, Súy Vân tự nói về cảnh ngộ và tính nết của mình: Thiên hạ đồn tôi hát hay đã lạ Ai cũng gọi tôi là cô ả Súy Vân Phụ Kim Nham say đắm Trần Phương Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại. Trong các vở chèo cổ, việc tự đánh giá, bình luận về mình được thực hiện chủ yếu ở các vai đào lệch, kép ngang hoặc các vai có tính chất hài. Thường đó là tiếng nói tự giễu mình. Nhân vật Trần Phương (vở Kim Nham) tự “vạch mặt” mình là kẻ cầu danh, cốt lấy tiếng tăm, ra chốn thị thành chỉ để kiếm mồi ăn chơi: Tôi, Trần Phương quê ở Đông Ngàn Là cự phú lừng miền tỉnh Bắc Nhân sinh thích chí Lợi có rồi lại muốn cầu danh Dục hề nhi sắm sửa bộ hành Ra thành thị cầu danh lấy tiếng Đi một mình ắt là buồn bã (hát sắp chợt) Bắt thằng hề. . . Bạn cùng tài tử văn nhân chơi bời Rắp tầm phương Hảo địa ta chơi. Điều đáng lưu ý là nhân vật tự bình luận về mình không phải xuất phát từ quan điểm cá nhân mà là từ cách nhìn của dư luận. Vẫn là lời thoại của nhân vật, nhưng đó là phát ngôn của một ý thức khác, vượt khỏi cái tôi của nhân vật. Điều này liên quan đến sự định hình tư tưởng, tính khuynh hướng trong chèo. Nhân vật chèo là nhân vật mang tính loại hình, thường được tô đậm một nét tính cách, mang đặc trưng về loại. Tự bình luận (thực chất là bị bình luận) là cách để cố định đặc điểm nhân vật. Tuy nhiên, đây không phải sự tự ý thức của con người, nhân vật chèo không phải loại nhân vật tự ý thức mà chủ yếu vẫn là loại nhân vật hành động. Chúng tôi cho rằng hình thức đối thoại phi ý thức cá nhân này là một sự cách điệu trong diễn xướng của sân khấu dân gian nhằm chuyển tải những định hướng giá trị của đạo đức truyền thống. Chức năng diễn trò và dẫn trò thống nhất trong một nhân vật. Có thể nhận ra sự kết hợp này qua hướng đối thoại trong những trường đoạn đối thoại của nhân vật. Khi diễn trò, nhân vật đối thoại với các nhân vật khác của câu chuyện – chúng tôi gọi là sự hướng nội. Khi dẫn trò, nhân vật đối thoại với người xem (người nghe kể chuyện, người đọc hàm ẩn) – chúng tôi gọi là sự hướng ngoại. Có khi trong cùng một lời thoại, nhân vật vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Màn Xã trưởng – mẹ Đốp, lời thoại của mẹ Đốp sau khi có lời gọi của xã trưởng như sau: 31 Lê Trà My Chị em ơi, Có con phải khó vì con Lấy chồng phải gánh giang sơn cho chồng Thương chồng nên phải lầm than Nào ai có bắt việc quan đàn bà Lẳng lơ chẳng một mình tôi Xung quanh hàng xóm cũng đôi ba người Tôi nói ra sợ chị em cười Thánh đế lên ngôi Chẳng giấu gì mẹ Đốp là tôi Tuy hình dung miệng nói dẳng cò Khách đến nhà Đốp mới bò ra Miệng chào khách những câu như cắt Ngày hôm nay xướng ca lạc đạc Dựng mõ lên cung phụng làm trò. - Mõ tôi lại có thơ rằng: Mõ tôi cả tiếng lại dài hơi Một xã ưng bầu chẳng phải chơi Mộc đạc vang lừng chưng bốn cõi Kim thanh dóng dả khắp đòi nơi Trẻ già ai nấy đều nghe hiệu Dân xã đâu đâu phải cứ nhời Trên dưới quyền hành tay cắt đặt Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi. - Thưa thày, gọi gì con ạ? Đoạn thoại này cho thấy, trước khi nói với thày xã, mẹ Đốp tự kể về mình cho bàn dân thiên hạ, lời tự thuật này không hướng tới tình huống trực tiếp là sự gặp gỡ giữa Xã trưởng và mẹ Đốp. Mặc nhiên có sự tham dự gián tiếp của kiểu người thứ ba (người nghe chuyện) trong lời thoại của nhân vật mẹ Đốp. Màn này chỉ có hai nhân vật trực tiếp xuất hiện. Mẹ Đốp khi thì nói với người xem, khi thì nói với xã trưởng. Xem cả màn diễn này sẽ thấy hướng thoại liên tục thay đổi. Cùng lúc lời thoại của nhân vật thực hiện hai chức năng: lời kể và lời nhân vật. Những đoạn thoại hướng ngoại là tương đối phổ biến trong chèo. Nó làm cho sân khấu chèo hết sức gần gũi với người xem, tăng cường tính tương tác người diễn và người xem. Người xem có thể thêm các tiếng đế để tiếp lời nhân vật. Xét về kết cấu trần thuật, nếu coi vở diễn như một cấu trúc câu, những đoạn thoại này là những thành phần phi sự kiện, có tác dụng như những thành phần bổ trợ, làm rõ các thành phần chủ yếu làm nên ngữ pháp tự sự. Những đoạn thoại dẫn chuyện nói trên làm chậm lại nhịp độ của sự kiện, bổ sung các thông tin, gây hứng thú bằng các âm hưởng thẩm mĩ (hài, bi thương. . . ). Nó tác động rất hiệu quả tới ấn tượng, cảm nhận của người xem. Với chức năng dẫn trò, nhân vật chèo còn có thể sáng tạo những lớp chèo ngoài tích rất linh hoạt. Trong chèo cổ có những lớp chèo ngoài tích, nghĩa là những đoạn xen, có khi không mấy ăn nhập với diễn tiến sự kiện (ví dụ những lớp hề, những đoạn ca ngợi công đức, những đoạn giáo đầu. . . ). Trong vai trò người kể chuyện, nhân vật chèo có khi kéo dài hoặc rút ngắn lời lược thuật của mình (phụ thuộc tính ứng diễn), có khi nó kể hẳn một câu chuyện khác không nằm trong logic sự kiện chính của vở diễn. Ví dụ, đối sánh lời xưng danh của nhân vật Thiện Sĩ (vở Quan Âm Thị 32 Chức năng nhân vật chèo cổ (từ góc nhìn Tự sự học) Kính) trong bản chép của Trần Việt Ngữ [1] với bản chép của Hà Văn Cầu [2] thấy bản của Hà Văn Cầu nhân vật kể thêm một đoạn về chuyện Từ Thức gặp tiên. 3. Kết luận Tính chất “kép” trong cấu trúc chức năng nhân vật chèo vừa tạo ra sự độc đáo, hấp dẫn cho nhân vật chèo vừa cho thấy tính chất ước lệ trong biểu hiện, sự co giãn của trò diễn so với tích truyện. Như vậy, xét từ phương diện chức năng có thể nhận ra cấu trúc đặc thù của nhân vật đồng thời thấy được vai trò của nó trong sự tham góp vào cấu trúc tạo nghĩa nói chung của tác phẩm. Tính chất “kép” này làm cho chèo trở thành một kiểu tự sự rất độc đáo, làm nên màu sắc đặc trưng của sân khấu dân gian Việt Nam. (*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VII1.1-2012.02. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Việt Ngữ sưu tầm và giới thiệu, 2006. Quan Âm Thị Kính (chèo cổ). Nxb Sân khấu, Hà Nội. [2] Hà Văn Cầu, 1976. Tuyển tập chèo cổ. Nxb Văn hóa. ABSTRACT Functional of the character in traditional operetta (View of narratology) The character in traditional operetta is “double” charater type, they both act and lead the play. In terms of acting, characters take part in the story and they are action – logically related to other characters. With regards to leading the play, characters become narrators, so they are distant with themselves and the story also. The “double” properties of character makes traditional operetta become a type of unique narration. Keywords: The character in traditional operetta, regards, narratology. 33

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3575_ltmy_6776_2193057.pdf
Tài liệu liên quan