Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam: Góc nhìn lịch sử và pháp lý - Bùi Nghĩa

Tài liệu Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam: Góc nhìn lịch sử và pháp lý - Bùi Nghĩa: 109 CHÍNH SÁCH PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM: GÓC NHÌN LỊCH SỬ VÀ PHÁP LÝ Bùi Nghĩa*, Nguyễn Hữu Hoàng** TÓM TẮT Từ năm 2011, dân số Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa trong khi vẫn còn là một nước nghèo, đang phát triển. Đi ngược lại cách tiếp cận phổ biến khi nghiên cứu chính sách người cao tuổi (NCT) là nhà nước với vai trò là chủ thể chính sách cần tăng cường cung cấp phúc lợi xã hội để người cao tuổi thụ hưởng, tiếp nhận một cách thụ động. Bài viết tiếp cận ở góc độ tương đối mới mẻ khi nhìn nhận NCT là nguồn lực to lớn của đất nước và việc có chính sách thúc đẩy, khuyến khích, phát huy vai trò của họ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, góp phần tạo ra thế hệ NCT thích ứng chủ động với già hóa dân số; đồng * ThS. NCS, Học viện Chính trị khu vực II – 0919.330.555 – Email: buinghia72@gmail.com ** CN, học viên cao học, Học viện Chính trị khu vực II. ĐT: 016 335 13343; Email: huuho...

pdf11 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 754 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam: Góc nhìn lịch sử và pháp lý - Bùi Nghĩa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
109 CHÍNH SÁCH PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM: GÓC NHÌN LỊCH SỬ VÀ PHÁP LÝ Bùi Nghĩa*, Nguyễn Hữu Hoàng** TÓM TẮT Từ năm 2011, dân số Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa trong khi vẫn còn là một nước nghèo, đang phát triển. Đi ngược lại cách tiếp cận phổ biến khi nghiên cứu chính sách người cao tuổi (NCT) là nhà nước với vai trò là chủ thể chính sách cần tăng cường cung cấp phúc lợi xã hội để người cao tuổi thụ hưởng, tiếp nhận một cách thụ động. Bài viết tiếp cận ở góc độ tương đối mới mẻ khi nhìn nhận NCT là nguồn lực to lớn của đất nước và việc có chính sách thúc đẩy, khuyến khích, phát huy vai trò của họ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, góp phần tạo ra thế hệ NCT thích ứng chủ động với già hóa dân số; đồng * ThS. NCS, Học viện Chính trị khu vực II – 0919.330.555 – Email: buinghia72@gmail.com ** CN, học viên cao học, Học viện Chính trị khu vực II. ĐT: 016 335 13343; Email: huuhoang.hcma2@gmail.com thời, thúc đẩy giải quyết hiệu quả các vấn đề vĩ mô khác của quốc gia. Thông qua việc tìm hiểu, phân tích các tư liệu, dữ kiện và hệ thống văn bản gắn với các chủ thể chính sách trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, bài viết là sự nhìn nhận, đánh giá một cách khá toàn diện, đa chiều về tiến tình hình thành, phát triển của chính sách phát huy vai trò NCT ở góc độ lịch sử, pháp lý. Kết quả bài nghiên cứu này sẽ cung cấp những căn cứ lý luận và thực tiễn sinh động nhằm thúc đẩy, bổ sung và hoàn thiện chính sách này trong thời gian tới ở Việt Nam. Từ khóa: Chính sách người cao tuổi, lịch sử, pháp lý, vai trò người cao tuổi, Việt Nam. VIETNAMESE PEOPLE’S COMMITTEE POLICY: HISTORY AND LEGAL VISIT ABSTRACT From 2011, Vietnam’s population officially entered the age of aging while still a poor, developing country. Contrary to popular approach, the elderly policy research (NCT) is the state as the subject of policy to strengthen the provision of social welfare for the elderly to receive, receive passive, the article approaches a relatively new perspective when the NCT is a great resource of the country and the policy to promote, promote and promote their role in the fields of life It is necessary to contribute to the generation of active adults with aging population; At the same time, promote effective resolution of other macroeconomic problems of the country. Through researching and analyzing data, data and textual systems associated with policy subjects throughout the history of the nation, the article is a comprehensive, Multi-dimensional development progress, development of policies to promote the role of the elderly in the historical and legal. The results of this study will provide theoretical and practical basis to promote, supplement and improve this policy in the coming time in Vietnam. Keywords: Elderly policy, history, juridical, role of the elderly, Vietnam Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi Việt nam... 110 Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật 1. LUẬN GIẢI VỀ TÍNH CẤP THIẾT TRONG NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CAO TUỔI Ở GÓC ĐỘ LỊCH SỬ, PHÁP LÝ Theo dự báo, đến năm 2038, người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số - tăng gấp ba lần trong vòng 24 năm, đến năm 2050, nước ta sẽ trở thành nước “siêu già”. Trong khi NCT ở một số nước như Thái Lan, Xingapo, Nhật Bản, Hàn Quốc,... sau khi về hưu vẫn có nhu cầu lao động, có cơ hội, được khuyến khích tiếp tục cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm, khẳng định vai trò của mình đối với xã hội và giảm đến mức tối thiểu sự phụ thuộc vào gia đình thì phần lớn NCT ở Việt Nam vẫn có tư duy “lão lai tài tận” (già là hết tài), “lão giả an chi” (an hưởng tuổi già); sau khi nghỉ hưu cần được nghỉ ngơi, dành thời gian cho con cháu, chăm sóc vườn tược, phải được con cháu phụng dưỡng, chăm sóc, được xã hội và nhà nước quan tâm, kính trọng, chăm lo. Đây là thực tế đáng quan tâm và cũng thách thức các nhà nghiên cứu chính sách NCT hiện nay. Việt Nam là quốc gia mang đậm dấu ấn văn hóa Á Đông, vốn coi trọng vai trò, vị thế NCT. Đặc biệt, thời kỳ già hóa dân số ở nước ta diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn lạc hậu, tăng trưởng chậm, lực lượng lao động, nhất là lao động có tay nghề, kinh nghiệm và kỹ thuật cao đang khan hiếm,... thì tính bức thiết của chính sách phát huy vai trò NCT cần phải được lưu tâm trên bàn nghị trình chính sách. Điều này thể hiện ở các mặt sau: Một là, NCT sẽ có vị trí, vai trò ra sao trong hành trình phát triển của đất nước luôn là thách thức các nhà hoạch định chính sách? Bởi lẽ, nếu xét ở khía cạnh quản lý vĩ mô quốc gia, trong bối cảnh lực lượng lao động nước ta tuy đông nhưng vẫn còn thấp, yếu về chuyên môn thì việc tận dụng hợp lí đội ngũ nhân lực - NCT có tay nghề cao thực sự là điều cần thiết, hợp lí và trở thành nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Theo Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2015 - 2016 thì chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực của Việt Nam hiện mới chỉ đạt 3,39/10 điểm. Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%1. Đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách NCT Việt Nam cần có lộ trình và giải pháp cụ thể để giải quyết bài toán lớn có vẻ mâu thuẫn giữa “việc gia tăng phúc lợi, thụ hưởng dành cho NCT” và “khuyến khích họ tiếp tục tham gia thị trường lao động, phát huy vai trò của mình” thời gian tới. Hai là, ở góc độ đối với NCT, thực tế cho thấy, nhu cầu được tiếp tục tạo điều kiện để tham gia lao động, cống hiến, truyền thụ tri thức, tinh hoa, kinh nghiệm,... và đóng góp tích cực cho xã hội không phải quá “hiếm” ở nước ta hiện nay. Theo kết quả điều tra của Ủy ban quốc gia về người cao tuổi năm 2007, có 15,4% NTC tham gia cấp ủy địa phương, 60,3% NCT tham gia các cuộc họp với cộng đồng nhằm xây dựng tổ chức Hội NCT, 3,7% NCT đang tham gia quản lý cộng đồng 2, 28,9% NCT vẫn trực tiếp sản xuất, kinh doanh 1 Đình Phương (2016), Xếp hạng chất lượng nguồn nhân lực thấp, lao động Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà, website: dong-viet-nam-co-the-thua-ngay-tren-san-nha-20160815145048708.chn, ngày đăng tải: 15/8/2016 2 Nguyễn Phương Lan (2000), Tiếp cận văn hóa người cao tuồi, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.23-24. 111 dịch vụ 1,... Điều này phản ánh tư duy mới, tiến bộ, hợp xu thế chung của NCT; đồng thời, càng củng cố và thể hiện rõ vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của NCT trong sự nghiệp đổi mới của đất nước hiện nay. Ba là, chúng ta đều thừa nhận rằng hệ thống phúc lợi cho NCT ở nước ta đang thực sự “quá tải”, chưa thực sự “phủ kín” bởi lẽ mức đóng góp của người lao động vào quỹ lương hưu thấp do mức lương và thu nhập của người lao động thấp; các hoạt động bảo trợ xã hội chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đông đảo của NCT. Câu chuyện này đặt ra vấn đề rất nan giải là Việt Nam vừa “eo hẹp” về ngân sách chi trả cho NCT nhưng cũng đồng thời cũng đang thiếu hụt (nếu không nói là “bỏ lỡ”) nguồn lao động chất lượng cao này để có cơ hội gia tăng ngân sách và cải thiện phúc lợi xã hội (trong đó có việc tái phân bổ lại cho chính bản thân NCT). Do vậy, chính sách phát huy, khuyến khích và tận dụng hợp lí nguồn lao động là NCT có kinh nghiệm, tay nghề,... sẽ là chìa khóa quan trọng giải quyết tốt các thách thức này cho Việt Nam trong tương lai. Bốn là, việc thiếu vắng các công trình nghiên cứu, đánh giá ở góc nhìn chính sách quốc gia về việc phát huy vai trò NCT thời gian qua đã tạo nên lỗ hỏng lớn trong việc hoạch định, điều chỉnh, bổ sung chính sách phát huy vai trò đội ngũ này trong hệ thống chính sách NCT. Điều này làm cho chính sách NCT hiện nay bị “khuyết”, “mất tính cân đối” trong tư duy lẫn quá trình thực thi chính sách; từ đó, vô hình chung đẩy NCT trở thành đối tượng thụ hưởng chính sách này cùng các thành quả kinh tế - xã hội một cách “bị động” mà chưa thấy hết vai trò và nguyện vọng của họ mong muốn tiếp tục “cống hiến” của họ đối với sự nghiệp chung. 2. CHÍNH SÁCH PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CAO TUỔI Ở NƯỚC TA QUA GÓC NHÌN LỊCH SỬ, PHÁP LÝ 2.1. Giai đoạn từ các triều đại phong kiến Việt Nam đến những năm 30 của thế kỷ XX Có thể thấy, sự trọng vọng, tôn kính đối với họ đã thành nếp và ăn sâu trong tiềm thức mọi thành viên làng xã từ xa xưa nhưng về văn bản, theo các tài liệu còn lưu giữ được, nó chỉ được đề cập một cách giản lược trong pháp luật thời Lý, được đưa thành những điều luật cụ thể trong luật nhà nước từ thời Lê sơ (thế kỷ XV), đươc ghi chép tỉ mỉ trong các hương ước các làng xã từ thế kỷ XVII - XVIII đến đầu thế kỷ XX 2. Sử sách ghi lại, Lý Thái Tổ là vị vua đầu tiên quan tâm và có chính sách ưu đãi với NCT. Ngay sau khi lên ngôi, mùa xuân tháng 2 năm Canh Tuất (1010), năm 1010, vua Lý Công Uẩn đại xa giá đến châu Cổ Pháp yết lăng Thái hậu và “ban tiền, lụa cho các kỳ lão có thứ bậc khác nhau”3 mở đầu cho truyền thống tốt đẹp “lụa tặng già” của Việt Nam tồn tại đến ngày nay. Đồng thời, tháng 12 năm ấy, nhà vua đã ban chiếu đại xá thiên hạ trong 3 năm và “những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả”4. 1 Tham khảo Đề tài của Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Một số vấn đề cơ bản về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tr.98, tr.107 - 108, Hà Nội, 2010. 2 Nguyễn Phương Lan (2000), Tiếp cận văn hóa người cao tuồi, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.23-24. 3 Quốc sử quán triều Nguyên (2007): Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, t.1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.268. 4 Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1993), Đại việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), t.1, Nxb. Khoa hoc xã hội, Hà Nội, tr.242. Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi Việt nam... 112 Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật Năm 1042, vua Lý Thái Tông ban hành Luật Hình thư. Luật có quy định rõ thể lệ cho phép chuộc tôi bằng tiền đối với những người trên 70 tuổi trừ khi người đó phạm phải những tội trong “thập ác”, đến năm 1051, Lý Thái Tông đã quy định các quan văn võ nếu làm lâu năm mà không có tội lỗi thì được phong chức tước theo thứ bậc khác nhau. Năm 1162, vua Lý Anh Tông ra quy định chung người 60 tuổi trở lên được gọi là “lão liệt” để miễn sưu dịch, đến năm 1179, thời vua Lý Cao Tông cho tiến hành một cuộc đề bạt, chấn chỉnh quan lại, xét công trạng các quan trong quá trình làm việc, chia làm 03 loại để trao chức vụ. Trong đó, vua có dành cho loại nhiều tuổi, có đức hạnh, thông hiểu việc xưa nay 1... Đến thời nhà Trần, năm 1242, Trần Thái Tông trong khi tiến hành cải cách hành chính địa phương làm sổ hộ khẩu đã quyết định công nhận bô lão là người 60 tuổi, long lão là người trên 60 tuổi. Đến năm 1262, nhân sự kiện Thượng hoàng nhà Trần vê quê cũ xây phủ Thiên trường, Thượng hoàng đã khen thưởng cho người già và phụ nữ. Ngoài ra, sự kiện có thể coi là điểm nhấn để thấy rõ vai trò của NCT trong lịch sử nước ta đấy là vào năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, vua Trần Thánh Tông đã mở Hội nghị Diên Hồng mời các bô lão về kinh thành Thăng Long xin ý kiến quyết định kế sách, động viên toàn dân đánh giặc. Sử cũ ghi có nhiều cụ già trên 90 tuổi cũng hăng hái chống gậy về kinh thành góp ý kiến, đồng thanh hô “Sát Thát” góp phần tạo nên khí thế, sức mạnh của dân tộc, giúp vua Trần 3 lần đánh bại quân Nguyên - Mông 2. Đến thời Lê sơ, tinh thần “trọng lão” tiếp tục được pháp luật hóa, lan toả đến tận các thôn làng. Trong Hồng Đức thiện chính thư ghi rõ: “Trong hương thôn có người già mà không kính nể, dám tự ngồi ăn uống cùng một mâm, một chiếu, thì lấy tội khinh nhờn mà luận tội phạt 300 trượng”3. Ngoài ra, những NCT khi mắc tội như “từ 70 tuổi trở lên trừ khi phạm tội thập ác còn nếu phạm tội từ lưu trở xuống đều cho chuộc bằng tiền. Từ 80 tuổi trở lên, phạm tội phản nghịch, giết người đáng phải tội chết thì cũng phải tâu vua để xét định, ăn trộm và đánh người bị thương thì cho chuộc, ngoài ra thì miễn luận...”4. Trọng lão trong dân gian cũng được ghi kỹ trong các hương ước làng xã. Trước tiên là miễn mọi sưu thuế, phu đài, tạp dịch. Đối với việc làng xã, người già cũng thường xuyên là thành phần tham gia tích cực vì người già luôn được nhà nước và làng xã coi trọng. Thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã ra một đạo dụ (24 điều) về việc sửa đổi phong tục các làng, trong đó có điều khoản nhắc đến việc lựa chọn người già giữ các chức trưởng thôn, trưởng xã. Trong những công việc mang tính chất hành chính của làng xã, các cụ cũng được tham dự như việc bầu lý dịch, các cụ cũng được coi như là cử tri và được ký vào đơn bầu. Ngoài việc được tham gia vào các việc làng nước, trong những dịp lễ hội, người già bao giờ cũng được đặt ở vị trí cao hơn so với các thành viên khác. 1 Chính sách của nhà nước Việt Nam trong lịch sử đối với người cao tuổi, Tap chí Dân số và Phát triển, số 11/2005. 2 Khắc Minh (2005), Phép nước lệ làng xưa với người cao tuổi, Báo sông Bé. 3 Dẫn theo Nguyễn Đức Nghinh: Người giá trong làng xã. Trong cuốn Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, t.2, Viện sử học, 1978, tr.164. 4 Quốc triều hình luật (1991), Nxb. Pháp lý, Hà Nội, tr.41. 113 Tiếp nối truyền thống tôn trọng, đánh giá cao vai trò của NCT của các triều đại trước đó, Nhà Nguyễn cũng đã dành nhiều sự quan tâm của mình đối với thành phần đặc biệt này, phản ánh thông qua các luật lệ và chiếu chỉ của nhà vua. Thời trị vì của vua Minh Mệnh thì vị trí, vai trò của người cao tuổi bắt đầu được xem trọng bởi “tuổi tác là cái quý trong thiên hạ từ lâu. Chính sách của vương giả lấy việc dưỡng lão làm đầu”1. Tháng 6 năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mệnh ban dụ rằng: “Ta nghe trăm tuổi là kỳ, thật là điềm tốt của nước. Vua trọng người già thì dân không dám thờ ơ với cha mẹ, ấy là dạy dân biết hiếu vậy... Từ xưa kính trọng tuổi tác, ưu đãi bậc già, cất nhắc người hiếu, nêu khen người liêm, đều là để rèn luyện phong hoá cho dân, sáng tỏ trị giáo của nước, để dẫn cuộc đời đến chốn nhân thọ.... Từ nay, quan các thành dinh trấn đều phải dụng tâm tìm hỏi dân gian, có ai trăm tuổi trở lên, cùng là con hiếu thờ cha mẹ, có thực trạng rõ rệt, như tối hỏi, sớm thăm, đón trước ý muốn, noi theo chí hướng, sống nuôi thờ, chết chôn cất, hết đạo làm con, mà châu xã đều khen là hiếu, người nghĩa thì thấy lợi không động lòng, như bắt được vàng mà trả lại chủ, của không muốn có vì may, lợi không muốn được hú hoạ, từ hay nhận, lấy hay cho, đều là hợp nghĩa, già trẻ đều tin là liêm, thì đều cho hương lý kết trình quan sở tại, kể đủ thực trạng, làm sách tâu lên, do bộ Lễ đề đạt để chờ ban thưởng, để biểu dương điềm tốt thanh bình, chấn hưng thói tốt hiếu đễ, cho xứng cái ý thiết tha dạy bảo và sửa tục của trẫm” 2. Ngoài ra, đối với những vị quan nào đến tuổi 70, xin về hưu mà vua không đồng ý, lưu lại làm việc thì họ được hưởng thêm nhiều ưu đãi của triều đình, đặc biệt là đối với những quan viên sống thọ đang tại chức3. Bên cạnh đó, chẳng hạn, năm Tự Đức thứ 5 (1852), vua định lệ an ban cho các thọ quan và dân quan như sau: Thọ dân hạng 70 tuổi trở lên: vải 2 tấm; hạng 80 tuổi trở lên: lụa và vải mỗi thứ 1 tấm,...; thọ quan đã hưu trí (văn, võ) theo phẩm hàm và bậc tuổi từ 70 đến trên 100 tuổi,....4. 2.2. Giai đoạn từ sau năm 1930 đến năm 1945 30 năm đầu thế kỷ XX, truyền thống “trọng lão” dù vẫn tồn tại vững bền trong dòng chảy bất tận của lịch sử dân tộc nhưng chính sách của nhà nước không thực sự tiêu biểu, rõ nét, cứ liệu thu thập cũng không thực sự nhiều. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ đây, sự nghiệp giải phóng dân tộc có sự dẫn dắt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vì mục tiêu xây dựng nhà nước vô sản của nhân dân lao động. Trong đó, nhà nước kiểu mới phải có trọng trách chăm lo, phát huy vai trò, vị thế của NCT. Sau khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, tại hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị và đi đến quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Tuy nghị quyết này không đề cập đến duy nhất NCT, nhưng có khẳng định nhóm đối tượng này là một trong những bộ phận của Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. 1 Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.263-264. 2 Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, tr.222 3 Chính sách của Nhà Nguyễn đối với người cao tuổi (giai đoạn 1802 - 1884), Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 (77) - 2014, tr.79. 4 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, Nxb. Khoa hoc xã hội, 1960 - 1970, t.27, tr.354. Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi Việt nam... 114 Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật Tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương, ngày 6/6/1941, tại chiến khu Việt Bắc, Người đã viết thư “Kính cáo đồng bào” và mở đầu bằng câu: “Cùng các vị phụ lão”, rồi kêu gọi: “Toàn dân đồng bào hãy mau mau đứng dậy. Hãy đoàn kết nhau, thống nhất hành động đánh đổ Nhật, Pháp Mong các ngài sẽ noi gương phụ lão đời nhà Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu nước”. Điều đó chứng tỏ Bác coi trọng vị thế người cao tuổi trong cộng đồng, trong xã hội. Cũng trong tháng 6/1941, Nguyễn Ái Quốc lại gởi riêng một bức thư cho phụ lão bằng chữ Hán với tiêu đề rất trân trọng: “Nguyễn Ái Quốc ký thư chư thị ái chư phụ lão 6/1941” (dịch nghĩa: Cụ Nguyễn Ái Quốc gởi các vị phụ lão trong cả nước tháng 6/1941). Đây là lời hiệu triệu đoàn kết, vận động các vị phụ lão. Trong thư, Bác đề cao vị thế, vai trò của NCT khi cho rằng: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”, “Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao”1. 2.3. Giai đoạn từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1945) đến nay 2.3.1. Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến trước thời kỳ Đổi mới (1986) Trong Thư gửi các vị phụ lão ngày 21/9/1945 (19 ngày sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà), Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên các cụ già “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”2. Đặc biệt, từ khi lập quốc năm 1945, quyền và địa vị chính trị của người cao tuổi đã được ghi nhận trong các bản hiến pháp - là căn cứ pháp lí vững chắc, cao nhất cho việc thực hiện chính sách người cao tuổi trên thực tế. Tại Điều 14, Hiến pháp năm 1946 đã hiến định: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ”. Tuy quy định ngắn gọn trong một (01) điều duy nhất, với 17 từ nhưng tư tưởng, tuyên ngôn pháp lý cao nhất đối với người cao tuổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hiến pháp 1959 đã có quan điểm pháp lý hết sức tiến bộ về vị trí, vai trò và hệ thống chính sách dành cho NCT. Tại điều 32, Hiến pháp 1959 quy định: “Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức bảo hiểm xã hội, cứu tế và y tế để bảo đảm cho người lao động được hưởng quyền đảm bảo cho người lao động được hưởng quyền đó”. Ở góc độ chính sách phát huy vai trò NCT, so với Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 dù chưa thể hiện rõ ràng về câu chữ nhưng bước đầu đã nhấn mạnh đến việc “đảm bảo điều kiện” để NCT thực hiện quyền của mình và cũng tức là gián tiếp khẳng định vai trò của họ trên các lĩnh vực này. Tại Điều 59, Hiến pháp 1980 nhấn mạnh: “Công nhân, viên chức khi về hưu, già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động được hưởng 1 Hội Người cao tuổi Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.7-8. 2 Hồ Chí Minh (2009): Toàn tập, t.4, tr.24. 115 quyền lợi bảo hiểm xã hội. Nhà nước mở rộng dần sự nghiệp bảo hiểm xã hội theo trình độ phát triển của nền kinh tế quốc dân và bảo đảm cho người lao động được hưởng quyền lợi đó”. Về nội hàm chính sách NCT, Hiến pháp năm 1980 vẫn kế thừa, thống nhất với các bản Hiến pháp trước đó. Tuy nhiên, có 2 điểm nổi bật dưới góc độ chính sách, cần lưu ý: – Đối tượng thụ hưởng, thực hiện chính sách người cao tuổi chú trọng hơn đến giai cấp công nhân, đội ngũ viên chức, trí thức xã hội - vốn là lực lượng nòng cốt cách mạng. – Phương thức đảm bảo thực hiện quyền thụ hưởng lợi ích từ chính sách NCT của Nhà nước có phần thu hẹp so với các bản Hiến pháp trước đó (duy nhất chỉ được đảm bảo thông qua “bảo hiểm xã hội” theo trình độ phát triển của nền kinh tế). Như vậy, dù là chính quyền non trẻ nhưng ngay sau khi giành chính quyền, Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã rất chú trọng đảm bảo và thực hiện nghiêm túc về quyền, địa vị cho cho NCT thông qua đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất - hiến pháp. Điều này vừa phản ánh giá trị văn hóa, đạo lí của dân tộc ta nhưng cũng thể hiện chính sách giàu tính nhân văn của nước ta đối với đội ngũ NCT trong suốt quá trình cách mạng. 2.3.2. Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi từ sau thời kỳ Đổi mới (1986) đến nay Từ năm 1986 trở đi, chính sách dành cho người cao tuổi được đặt trong bối cảnh mới của đất nước. Đó là quá trình đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện mà trước hết là đổi mới kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, xóa thế bao vây cấm vận và giữ vững thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, chính sách người cao tuổi có những nét đặc trưng cơ bản như sau: Một là, chính sách đối với NCT mới bắt đầu được định hình rõ nét hơn và phù hợp với thông lệ của quốc tế. Trên cục diện quốc tế, năm 1982, lần đầu tiên Liên Hợp quốc đã tiến hành Đại hội Thế giới về NCT tại Cộng hòa Áo, Việt Nam đã cử thành viên tham dự. Ngày 17/9/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 332 về việc tổ chức Ngày Quốc tế người cao tuổi, đã chỉ ra những việc các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể phải làm trong dịp này (ngày 1 tháng 10) hàng năm, trong đó đã xác định “Ngày Quốc tế người cao tuổi cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng”. Hiến pháp 1992 chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ về chính sách NCT. Tại Điều 61, Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ. Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí” và tại Điều 67 ghi: “Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ”. Có thể thấy, qua đây nhiều điểm tiến bộ về chính sách NCT ở nước ta giai đoạn này: – Hiến pháp xác định rõ đối tượng thụ hưởng và tham gia thực thi chính sách người cao tuổi là “công dân”. Điều này có nhiều ý nghĩa, bởi lẽ, với tư cách công dân - người cao tuổi ngoài việc được hưởng đầy đủ quyền của công dân thì quyền được thụ hưởng phúc lợi của người cao tuổi tiếp tục được đảm bảo. Điều này thì Hiến pháp 1992 kế thừa tính tiến bộ, hạt nhân hợp lí từ Hiến pháp 1946. – Điểm nổi bật nhất chính là việc Hiến pháp 1992 xác định rõ vai trò của các chủ thể có trách nhiệm trong thực hiện quyền cơ bản NCT và chính sách NCT đó chính là Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, so với các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp 1992 vẫn chưa có đổi mới về tư duy, dự báo trong xây dựng chính sách phát Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi Việt nam... 116 Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật huy vai trò NCT - vẫn hướng đến đảm bảo phúc lợi và phân phối trong việc thụ hưởng thành quả cách mạng, thành tựu tăng trưởng kinh tế cho NCT hơn là phát huy vai trò to lớn của lực lượng này. Sau khi Hội người cao tuổi Việt Nam được thành lập (10/5/1995), Ban Bí thư TW ban hành Chỉ thị 59/CT-TW “Về chăm sóc người cao tuổi”, trong đó nhấn mạnh: “Hội người cao tuổi Việt Nam mới được thành lập, cần được nhanh chóng ổn định về tổ chức và mở rộng hoạt động ở cơ sở. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các ban Đảng, các đoàn thể nhân dân cần giúp đỡ Hội hoạt động có hiệu quả thiết thực, phối hợp với Hội trong việc vận động gia đình và xã hội chăm sóc, bồi dưỡng, phát huy người cao tuổi phục vụ công cuộc đổi mới. Đặc biệt, năm 2000, lần đầu tiên, một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về chính sách của NCT do cơ quan quyền lực ban hành - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Pháp lệnh Người cao tuổi. Điều này đã chính thức khẳng định vị thế, vai trò của NCT đồng thời gắn trách nhiệm của nhà nước và xã hội trong sự nghiệp chăm lo đối với NCT ở nước ta giai đoạn phát triển mới của đất nước. Ngay Phần mở đầu, Pháp lệnh có đoạn: “Người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội” và tại Điều 2, 4, Chương 3,... đã đề cập trực tiếp đến nội dung mang tầm chính sách là việc phát huy vai trò NCT trong sự nghiệp cách mạng. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/03/2002 nhằm quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Người cao tuổi, đảm bảo tính thống nhất, khả thi thực hiện trên thực tế. Có thể thấy, chính sách đối với người cao tuổi trong thời gian này có bước tiến bộ hơn so với giai đoạn trước, trong đó, phát huy vai trò của đội ngũ NCT bắt đầu được quan tâm không chỉ ở góc độ thực tiễn mà còn pháp lý hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật; từ đó, đưa lực lượng NTC nước ta có thể thích ứng, chủ động hơn trong bối cảnh mới của đất nước. Năm 2004 cũng là năm có nhiều bước tiến trong chính sách người cao tuổi. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 141 “Về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam”. Sự kiện thành lập Ủy ban quốc gia về người cao tuổi có thể được xem là một bước tiến bộ trong tư duy hành động của Chính phủ về chính sách đối với NCT nói chung trong đó có việc tăng cường hiệu quả công tác thực hiện chính sách phát huy vai trò NCT trên thực tế. Ngày 26/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6/6 hàng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam” nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước làm gương cho lớp trẻ đi sau tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu đẹp, văn minh, dân chủ bền vững, trong đó vận động toàn dân tham gia phong trào chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng chăm sóc NCT, tạo điều kiện để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích và nghĩa tình. Đặc biệt, năm 2009, Luật Người cao tuổi ra đời và đi vào thực tế từ tháng 7/2010 đã làm nên nền tảng vững chắc cho việc xây dựng tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam, chăm lo và phát huy vai trò, vị thế của NCT trong giai đoạn mới. Theo đó, Luật đã dành nhiều phần quy định về khẳng định chính sách nhất quán trong việc phát huy vị thế, vai trò của NCT trong xã hội hiện nay một cách đầy đủ và hoàn thiện nhất như tại Điều 4, 5, 7 và Chương III. Đồng thời, quyết định chọn ngày 6/6 hàng 117 năm - “Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam” đồng thời là ngày “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”. Bên cạnh đó, Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 trong mục tiêu tổng thể và chi tiết đều nhấn mạnh: “Phát huy vai trò của người cao tuổi;.... phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” là yếu tố hàng đầu trong thực thi chính sách quốc gia về NCT thời gian tới. Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 37, Hiến pháp 2013 lần đầu tiên quy định rất rõ và tiến bộ về các chính sách đối với NCT ở khía cạnh quyền công dân, quyền con người: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tại điều, khoản này đáng chú ý nhất là: – Lần đầu tiên, sau hơn 75 năm lập quốc và xây dựng Hiến pháp, quyền của người cao tuổi được ghi thành một điểu khoản riêng, tách hẳn với các đối tượng khác như người tàn tật, trẻ em mồ côi, Đây không phải là sự hiển nhiên mà khẳng định của Đảng, Nhà nước về quyền tối cao và vai trò ngày càng quan trọng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và vì vậy, đã đến lúc, vị trí người cao tuổi cần đúng, tương xứng với ý nghĩa vốn có của nó. – Lần đầu tiên, quyền của người cao tuổi được quy định đầy đủ nhất không chỉ được thụ hướng giá trị vật chất, cơ bản nhất là chăm sóc sức khỏe và trọn vẹn các quyền công dân, quyền con người khác và đồng thời được đảm bảo các giá trị tinh thần - được tôn trọng, được công nhận, ghi nhận sự cống hiến và khẳng định vai trò của mình trong xã hội. – Lần đầu tiên, Hiến pháp phản ánh đầy đủ, rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò người cao tuổi trong xã hội, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Đó là kiên quyết chống tư duy cổ xưa, lạc hậu, không hợp thời: “lão lai tài tận, lão giả an chi” và khẳng định, NCT có vai trò quan trọng, và vai trò ấy cần có chính sách, cơ chế thu hút, phát huy, tận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Như vậy, từ sau đổi mới đến nay, chính sách phát huy vai trò NCT đã được thể hiện ngày càng rõ nét, được cụ thể hóa thành mục tiêu, nội dung, chương trình hành động trong luật, văn bản pháp quy của các cơ quan nhà nước. Đây là sự chuẩn bị quan trọng, có ý nghĩa và thực sự cần thiết cho việc triển khai các chính sách cụ thể nhằm phát huy vai trò NCT ở các giai đoạn tiếp theo. 3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CAO TUỔI TỪ GÓC NHÌN LỊCH SỬ, PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM Thứ nhất, chính sách phát huy vai trò NCT trong các lĩnh vực đời sống xã hội trải dài qua suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Do đó, nhà cầm quyền cần có tư duy, chính sách và cách thức khơi dậy, huy động, tập hợp và phát huy giá trị, sức mạnh tiềm ẩn trong lực lượng NCT góp phần giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển quốc gia. Đối với Việt Nam hiện nay, chính sách này gắn liền với việc giải quyết bài toán chính sách vô cùng hóc búa - “NCT sẽ ở đâu và có vị thế ra sao trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước?”, “Đâu là giải pháp hợp lí nhất giải quyết vấn đề có tính vĩ mô giữa xây dựng chính sách già hóa dân số chủ động với thực trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng nhân lực lao động chất lượng cao khi Việt Nam sắp sửa trở thành quốc gia “siêu già” khi vẫn còn đang “nghèo” và các rào cản văn hóa đang hiện hữu”. Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi Việt nam... 118 Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật Thứ hai, qua nghiên cứu chặng đường rất dài của chính sách phát huy vai trò NCT ở nước ta, có thể khẳng định sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt tư duy, quan điểm và pháp lý hóa trong thực hiện chính sách này ở nước ta là dấu hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, đều đáng phải quan tâm như tác giả cũng đã ít nhiều đề cập trong bài viết này chính là (i). mức độ thể hiện (lồng ghép) chính sách này trong tổng thể chính sách NCT ở nước ta thời gian qua và (ii). mức độ triển khai, hiệu quả thực thi mục tiêu, giải pháp và nội dung phát huy vai trò NCT theo Luật trên thực tế đang là vấn đề hết sức trăn trở. Hiện nay, việc triển khai chính sách NCT ở nước ta vẫn đang gặp phải các trở ngại sau và đây chính là thách thức cho bản thân chính sách phát huy vai trò chủ thể này thời gian tới. Đó là: – Nhà nước dường như vẫn đang loay hoay, có vẻ như chưa tìm ra được các giải pháp hữu hiệu, hài hòa nhất để có chính sách cư xử với NCT sao cho vừa vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống vừa phù hợp xu thế, yêu cầu thời đại mới. Điều này thể hiện ở sự lúng túng là nên hay không nên thực thi hệ thống chính sách phúc lợi đối với NCT ở khía cạnh đặt NCT vào thế “bị động”, hay “chủ động”, “vai trò NCT ra sao” trong tổng thể chính sách. – Dường như có độ “lệch” trong mục tiêu, nôi dung và ưu tiên nguồn lực khi phần lớn các chính sách dành cho NCT hiện nay đều hướng đến cung cấp ngày càng gia tăng, cải thiện phúc lợi của Nhà nước dành cho NCT thông qua các chính sách bảo hiểm, chính sách bảo trợ xã hội, chính sách chăm sóc sức khỏe, hay chính sách tài chính,.... cho NCT. Trong khi đó, chính sách phát huy vai trò NCT trong giai đoạn hiện nay dù rất cấp thiết (như đã phân tích ở trên) nhưng thường dễ bị bỏ quên, hoặc được lồng ghép một cách không thực sự đầy đủ trong các chính sách NTC khác. Thứ ba, phải khẳng định, chính sách phát huy vai trò NCT trong suốt chiều dài lịch sử như đã phân tích có tác dụng tích cực, to lớn, vừa khẳng định tính đúng đắn về mặt chính sách, chủ trương của nhà cầm quyền nhưng đồng thời cũng phán ánh đúng truyền thống, đạo lí và yêu cầu thực tế của đất nước ở mỗi chặng đường phát triển của đất nước. Ở đâu và chừng nào, khi nào chính sách phát huy vai trò NCT được coi trọng, thực hiện bài bản, thực chất và mạnh mẽ thì lúc đó, sức mạnh của NCT được huy tập một cách tốt nhất và là động lực thúc đẩy đất nước phát triển, vượt qua khó khăn, cam go nhất. Nghiên cứu điều này giúp cho chúng ta nhận thấy rằng, việc quan tâm và sớm ban hành chính sách phát huy vai trò NCT trên các lĩnh vực đời sống xã hội là cực kỳ cần thiết, bức thiết, có tính then chốt trong hành trình phát triển bền vững quốc gia, ít nhất trong 1/2 thế kỷ tiếp theo của thế kỷ XXI. Việc chuẩn bị hành trang chính sách càng chính xác, đầy đủ, chu đáo nhằm giải quyết các thách thức từ việc già hóa dân số ngày càng nhanh ở Việt Nam cũng như phát huy vai trò NCT trong giai đoạn mới là đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta ổn định trong vài thập niên tiếp theo. Thứ tư, việc nghiên cứu chính sách phát huy vai trò NCT ở khía cạnh lịch sử, pháp lý trong chiều dài lịch sử dân tộc góp phần củng cố, làm sáng tỏ cơ sở lý luận, lịch sử và pháp lý cho việc thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả chính sách này trong thời gian tới. Cùng với luận cứ có được trong thời gian qua gắn với bối cảnh kinh tế - xã hội mới của đất nước, các kết quả nghiên cứu của bài viết sẽ làm sáng tỏ và gợi mở nhiều ý tưởng cho quá trình thúc đẩy hình thành, hiện thực hóa hệ thống chính sách nhằm phát huy vai trò NCT ở Việt Nam sớm nhất có thể. 119 4. KẾT LUẬN Việc nghiên cứu chính sách quốc gia, trong đó có chính sách phát huy vai trò NCT dưới góc nhìn lịch sử, pháp lý không phải bao giờ cũng là công việc dễ dàng. Bởi lẽ, lịch sử là chặng đường dài với nét thăng trầm rất khác nhau và ở đó, pháp luật với tư cách là vật chuyên chở các giá trị, tinh thần cho các chính sách ấy lại được phản ảnh thông qua các triều đại, nhà nước (dù ở các hình thức chính thể khác nhau) cũng đậm, nhạt qua các giai đoan khác nhau làm cho việc tìm tòi, chắt lọc và đúc kết, lý giải, phân tích đảm bảo tính hợp lí của các dữ kiện về chính sách này ở phương diện lịch sử, pháp lý là thách thức đối với người viết. Bằng việc thống kê, chắt lọc dựa trên triều đại, giai đoạn điển hình, phù hợp, tác giả đã bước đầu hệ thống, phân tích một cách khái quát, khá toàn diện, có logic trước - sau nhằm làm bật nổi sự tồn tại trên thực tế chính sách phát huy vai trò NCT trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam từ góc nhìn lịch sử và soi rọi dựa trên căn cứ pháp lý; từ đó, thúc đẩy đổi mới tư duy, hành động nhằm giúp các nhà hoạch định có thêm chất liệu xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hệ thống chính sách này một cách thực chất, đầy đủ, khả thi trên thực tế, góp phần khắc phục trở ngại trong quá trình phát triển của Việt Nam thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1]. Lê Quang Chấn (2014), Chính sách của Nhà Nguyễn đối với người cao tuổi (giai đoạn 1802 - 1884), Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 (77) -2014. [2]. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí - Hình Luật chí, t.3, Bản dịch của Viện sử học. [3]. Chính sách của nhà nước Việt Nam trong lịch sử đối với người cao tuổi, Tạp chí Dân số và Phát triển, số 11/2005. [4]. Đào Văn Dũng, Nguyễn Kim Phương (2017), Giải pháp, chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, Tạp chí Tuyên giáo, số 8/2017. [5]. Đề tài của Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Một số vấn đề cơ bản về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Hà Nội, 2010. [6]. Lê Văn Hảo (2017), Cảm nhận đa chiều của người cao tuổi về già hóa, Tạp chí Tâm lý học, số 4/2017. [7]. Lê Văn Hảo (2017), Cảm nhận về già hóa ở người cao tuổi, Tạp chí Tâm lý học, số 12/2016. [8]. Hội Người cao tuổi Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996. [9]. Nguyễn Phương Lan (2000), Tiếp cận văn hóa người cao tuổi, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [10]. Nguyễn Mộc Lan, Những vấn đề tâm lý - xã hội của người cao tuổi Việt Nam:Thực trạng - giải pháp trợ giúp và phát huy vai trò người cao tuổi tại cộng đồng, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [11]. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1993), Đại việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), t.1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội [12]. Khắc Minh (2005), Phép nước lệ làng xưa với người cao tuổi, Báo sông Bé. [13]. Hồ Chí Minh (2009): Toàn tập, t.3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. [14]. Hồ Chí Minh (2009): Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. [15]. Dẫn theo Nguyễn Đức Nghinh: Người già trong làng xã. Trong cuốn Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, t.2, Viện sử học, 1978. [16]. Đình Phương (2016), Xếp hạng chất lượng nguồn nhân lực thấp, lao động Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà, website: [17]. Nguyễn Văn Tiến (2001), Chính sách chăm sóc sức khỏe người già Việt Nam và mô hình chăm sóc sức khỏe người già ở nông thôn, Tạp chí Y học thực hành, số 4/2001. Chính sách phát huy vai trò người cao tuổi Việt nam...

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf64_1922_2136194.pdf
Tài liệu liên quan