Tài liệu Chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến Việt Nam nhìn từ hiện tượng song ngữ - Nông Văn Ngoan: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0011
Social Science, 2018, Vol. 63, Iss. 1, pp. 74-80
This paper is available online at
CHÍNH SÁCH NGÔN NGỮ CỦA NHÀ NƯỚC
PHONG KIẾN VIỆT NAM NHÌN TỪ HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ
Nông Văn Ngoan
Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên
Tóm tắt. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu khái quát về hiện tượng song ngữ trong văn
học trung đại Việt Nam, phân tích các chính sách ngôn ngữ của các triều đại phong kiến
Việt Nam trong sự tác động đến việc sáng tác văn học viết bằng ngôn ngữ vay mượn (chữ
Hán) và ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm) trong văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ
XIX.
Từ khóa: Văn học trung đại, hiện tượng song ngữ, chính sách, ngôn ngữ.
1. Mở đầu
Nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam cũng là một vấn đề thu hút được nhiều học
giả. Trong số này có thể kể đến như Nguyễn Phú Phong với bài viết Việt Nam: Chữ viết, Ngôn ngữ
và Xã hội trên Tạp chí Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2005 hay Trần Trí Dõ...
7 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 691 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến Việt Nam nhìn từ hiện tượng song ngữ - Nông Văn Ngoan, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0011
Social Science, 2018, Vol. 63, Iss. 1, pp. 74-80
This paper is available online at
CHÍNH SÁCH NGÔN NGỮ CỦA NHÀ NƯỚC
PHONG KIẾN VIỆT NAM NHÌN TỪ HIỆN TƯỢNG SONG NGỮ
Nông Văn Ngoan
Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên
Tóm tắt. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu khái quát về hiện tượng song ngữ trong văn
học trung đại Việt Nam, phân tích các chính sách ngôn ngữ của các triều đại phong kiến
Việt Nam trong sự tác động đến việc sáng tác văn học viết bằng ngôn ngữ vay mượn (chữ
Hán) và ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm) trong văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ
XIX.
Từ khóa: Văn học trung đại, hiện tượng song ngữ, chính sách, ngôn ngữ.
1. Mở đầu
Nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam cũng là một vấn đề thu hút được nhiều học
giả. Trong số này có thể kể đến như Nguyễn Phú Phong với bài viết Việt Nam: Chữ viết, Ngôn ngữ
và Xã hội trên Tạp chí Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2005 hay Trần Trí Dõi với
cuốn Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội do Nxb Văn hoá Thông tin ấn hành tại Hà Nội và
cuốn Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam do Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản
năm 2003. Viện Ngôn ngữ học cũng có công trình Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam
do Nxb Khoa học Xã hội xuất bản năm 1993. Tuy nhiên, những công trình này, chủ yếu nghiên
cứu chính sách ngôn ngữ trong thời điểm lúc bấy giờ chứ không phải nghiên cứu về chính sách
ngôn ngữ của nhà nước phong kiến Việt Nam trong lịch sử.
Đáng chú ý nhất là Nguyễn Thiện Giáp với công trình nghiên cứu Chính sách ngôn ngữ ở
Việt Nam qua các thời kì lịch sử. Đây là công trình có sức khái quát lớn. Tác giả khái quát chính
sách ngôn ngữ ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc cho đến những năm cuối cùng của thế kỉ XX với hai
cột mốc lớn là trước cách mạng tháng Tám 1945 và sau cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam.
Tuy nhiên, công trình này không phân tích kĩ những tác động của chính sách ngôn ngữ của nhà
nước phong kiến Việt Nam trong sự tác động tới việc hình thành hiện tượng song ngữ trong văn
học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, có lẽ vì không đặt ra mục đích nghiên cứu hoặc chú
trọng tới việc nghiên cứu các chính ngôn ngữ đối với người dân tộc thiểu số, đối với tiếng Việt và
chính sách đối với tiếng nước ngoài [3]. Bên cạnh đó việc gộp một giai đoạn lịch sử dài hàng hai
nghìn năm cũng làm lu mờ đi và trò của nhà nước phong kiến đối với lịch sử dân tộc nói chung và
lịch sử phát triển của ngôn ngữ ở Việt Nam nói riêng.
Ngày nhận bài: 15/9/2017. Ngày sửa bài: 10/11/2017. Ngày nhận đăng: 2/1/2018.
Liên hệ: Nông Văn Ngoan, e-mail: ngoannongvan@gmail.com.
74
Chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến Việt Nam nhìn từ hiện tượng song ngữ
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu về các chính sách ngôn ngữ của nhà nước
phong kiến Việt Nam và sự tác động của các chính sách ấy đối với văn học, đặc biệt là sự hình
thành và phát triển của hiện tượng song ngữ dưới tác động của các chính sách ấy.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Về khái niệm song ngữ
Song ngữ là hiện tượng xã hội khá phổ biến nhất là ở thời trung đại. Khái niệm này được đề
cập đến trong khá nhiều tài liệu, chúng tôi chỉ xin đưa ra những cách định nghĩa của những tác giả
tiêu biểu ở một số tài liệu thông dụng trong Ngôn ngữ học.
Tác giả Diệp Quang Ban định nghĩa về hiện tượng song ngữ như sau: “Song ngữ
(bilingualism): Trong xã hội học, hiện tượng sử dụng hai (hay hơn hai) ngôn ngữ ở một cá nhân
hay ở một cộng đồng ngôn ngữ, có khi cũng gọi là đa ngữ (multilingualism)” [3].
Tác giả Nguyễn Như Ý định nghĩa trong Đại từ điển Tiếng Việt về song ngữ: “(Hiện tượng,
trạng thái) được sử dụng ngang nhau hai ngôn ngữ trong giao tiếp” [13]. Trong Từ điển giải thích
thuật ngữ ngôn ngữ học, cũng khái niệm này tác giả định nghĩa là: “Sự tinh thông hoàn hảo như
nhau hai ngôn ngữ, sự nắm vững hai ngôn ngữ được sử dụng trong những điều kiện giao tiếp khác
nhau, như ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ văn học” [14]. Tác giả cũng dẫn ra trong cuốn từ điển
hai cách định nghĩa khác. Cách thứ nhất, theo Phan Ngọc, hiện tượng song ngữ có được khi “một
người mà tiếng mẹ đẻ là A, nhờ biết ít nhiều một ngôn ngữ B nên có thể trao đổi với một tộc người
khác chỉ nói ngôn ngữ B. Nhờ biết được hai ngôn ngữ như vậy cho nên anh ta được gọi là một
người song ngữ và sự giao tiếp của anh ta là sự giao tiếp song ngữ” [9]. Cách thứ hai là của tập
thể các tác giả cuốn Ngôn ngữ học: khuynh hướng, lĩnh vực, khái niệm: “Song ngữ (bilinguisme)
là hiện tượng một người hay một nhóm người nắm và sử dụng được hai hệ thống ngôn ngữ độc lập
trong các mục đích giao tiếp nhất định” [1].
Trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, song ngữ là “hiện tượng sử dụng ngang
nhau hai ngôn ngữ trong giao tiếp” [11].
Tác giả Hoàng Quốc trong luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học cho rằng: “Khái niệm song ngữ,
theo cách hiểu chung nhất, đó là hiện tượng một người có thể biết và sử dụng hai hoặc trên hai
ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp” [10].
Trên đây là những định nghĩa về hiện tượng song ngữ ở cấp độ khái quát nhất, hay còn gọi
là hiện tượng song ngữ xã hội. Nhưng hiện nay song ngữ không chỉ là một hiện tượng xã hội, mà
còn là một hiện tượng tâm lí, bởi tâm lí có tác động đến sự hình thành hệ thống ngôn ngữ khác
nhau ở mỗi cá nhân. Trong lĩnh vực ngôn ngữ, hiện tượng này đã được nghiên cứu ở nhiều khía
cạnh như ngôn ngữ học lịch sử, xã hội – ngôn ngữ học, tâm lí ngôn ngữ học, thần kinh – ngôn ngữ
học, sư phạm – ngôn ngữ học. Song ngữ trong văn học là một bộ phận của xã hội – ngôn ngữ học
– lĩnh vực nghiên cứu sự tác động của hiện tượng song ngữ đến văn hóa – xã hội và việc bảo tồn
bản sắc dân tộc. Việc cung cấp các định nghĩa ở cấp độ chung như trên sẽ mang đến cái nhìn rộng
trước khi đi vào một khái niệm hẹp hơn. Chúng tôi đang muốn nói đến ở đây là khái niệm hiện
tượng song ngữ trong văn học, cụ thể hơn nữa, trong văn học trung đại Việt Nam.
2.2. Hiện tượng song ngữ trong văn học
Trước hết phải khẳng định rằng, hiện tượng song ngữ tuy không còn xa lạ với giới nghiên
cứu văn học nhưng không có nhiều người đưa ra một định nghĩa cụ thể về khái niệm này. Trong số
75
Nông Văn Ngoan
ít ỏi đó, theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay có thể hiểu “hiện tượng song ngữ” ở cả nghĩa rộng
và nghĩa hẹp.
Theo nghĩa hẹp, “hiện tượng song ngữ” là hiện tượng trong một nền văn học tồn tại hai
(hoặc nhiều) thành phần được viết bằng những văn tự khác nhau. Có thể thấy cách định nghĩa này
ở các tác giả Đinh Thị Khang và Trần Nho Thìn. Với cách hiểu rộng này, hiện tượng song ngữ là
“việc văn học trung đại Việt Nam được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm” [5], “sự ra đời của thơ văn
chữ Nôm bên cạnh thơ văn chữ Hán” [10]. Theo cách định nghĩa này, các tác giả đã chú trọng vào
văn tự - yếu tố quan trọng nhất tạo nên hiện tượng song ngữ văn học. Tuy nhiên văn tự chỉ là một
bộ phận của ngôn ngữ nên khi nghiên cứu, chúng tôi đặt ra yêu cầu cần đi sâu hơn vào nội hàm
khái niệm này.
Theo nghĩa rộng, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng tính chất song ngữ không chỉ thể
hiện ở hai bộ phận văn học Hán và Nôm tách biệt mà còn là “sự xâm nhập, pha trộn của văn Hán
và Nôm” [12]. Nghĩa là, ngay cả trong một tác phẩm cụ thể được viết bằng chữ Hán hoặc Nôm
cũng đã tồn tại hiện tượng song ngữ.
Tựu chung lại, chúng tôi cho rằng hiện tượng song ngữ trong văn học, với đúng tính chất là
sự tồn tại song hành của hai loại ngôn ngữ, được hiểu là hiện tượng văn học sử dụng hai loại văn
tự và có sự kết hợp các yếu tố thuộc về văn hóa, văn học, ngôn ngữ nảy sinh trong quá trình tiếp
xúc ngôn ngữ giữa hai quốc gia. Trong thời kì trung đại, sự tiếp xúc tiếng Hán và tiếng Việt tạo
nên hiện tượng song ngữ trong văn học với hai văn tự tương ứng là chữ Hán và chữ Nôm. Chúng
tôi không đồng nhất “song ngữ” và “đa ngữ” như một số cách hiểu ở trên, bởi dựa vào cách hiểu
đó sẽ khó phân biệt “hiện tượng song ngữ” trong văn học trung đại với tiếng Hán, tiếng Việt và
“hiện tượng đa ngữ” trong văn học hiện đại (nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX) với sự giao thoa
của ba loại ngôn ngữ: tiếng Hán, tiếng Việt và tiếng Pháp.
2.3. Các chính sách ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế
kỉ X đến hết thế kỉ XIX có tác động đến hiện tượng song ngữ trong văn học
trung đại Việt Nam
Các chính sách ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ
XIX có tác động đến hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam trước hết và chủ yếu
là chính sách coi trọng địa vị chính thống của chữ Hán.
Trong giai đoạn độc lập tự chủ, chế độ phong kiến Việt Nam trải qua mười thế kỉ hình thành,
phát triển và suy tàn nhưng chúng ta vẫn giữ được độc lập dân tộc và bảo tồn được văn hóa trước
âm mưu tiêu diệt văn hóa và đồng hóa văn hóa thâm độc của kẻ thù đến từ phương Bắc. Thoát
khỏi chính sách đồng hóa nhưng tiếng Việt vẫn chưa chiếm được địa vị chính thống của tiếng Hán,
chữ Hán. Tiếng Hán, chữ Hán vẫn được dùng trong công việc giấy tờ hành chính, vẫn là ngôn ngữ
trong giáo dục, thi cử và trong sáng tác văn học cũng như trước tác học thuật. Những tác phẩm văn
học có giá trị lúc bấy giờ như Quốc tộ (Vận nước) của thiền sư Đỗ Pháp Thuận, bài thơ thần Nam
quốc sơn hà (tương truyền là của Lý Thường Kiệt?), Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) của Lý Công
Uẩn, Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ) của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn
Trãi,. . . đều được viết bằng chữ Hán.
Tuy nhiên, trong những giai đoạn lịch sử nhất định, bên cạnh việc duy trì địa vị chính thống
của tiếng Hán, chữ Hán một số triều đại phong kiến Việt Nam cũng có chính sách khuyến khích sử
dụng ngôn ngữ dân tộc như thời Trần Nhân Tông nhà Trần, thời nhà Hồ, thời Hồng Đức nhà Hậu
Lê và thời Quang Trung nhà Tây Sơn.
76
Chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến Việt Nam nhìn từ hiện tượng song ngữ
Thời nhà Trần, mỗi khi nhà vua có việc bố cáo thiên hạ thì có thông lệ tuyên đọc chiếu chỉ
viết bằng chữ Hán xong phải giảng giải lại bằng tiếng Việt, chữ Nôm để cho mọi thần dân có thể
hiểu được.
Dưới thời Hồng Đức nhà Hậu Lê, Lê Thánh Tông rất khuyến khích việc sáng tác văn học
bằng chữ Nôm. Chính bản thân ông và các cận thần còn thành lập tổ chức văn học đầu tiên trong
lịch sử văn học – Hội Tao Đàn chủ yếu sáng tác bằng tiếng Việt, chữ Nôm với tập thơ tiêu biểu là
Hồng Đức quốc âm thi tập.
Tiếng Việt chữ Nôm được coi trọng nhất và được đưa lên địa vị chính thống là dưới thời
vua Quang Trung. Quang Trung Nguyễn Huệ chủ trương đưa tiếng Việt, chữ Nôm vào trong công
việc giấy tờ hành chính và trong sáng tác văn học. Ông còn cho thành lập viện Sùng Chính nhằm
huy động lực lượng trí thức nước nhà chuyển dịch tất cả kho thư tịch sang chữ Nôm để dùng trong
giáo dục và thi cử. Nhưng chí lớn chưa thành, anh hùng bạc mệnh, Quang Trung đã ra đi vĩnh viễn
trong sự dang dở của những ước mơ, lí tưởng của người anh hùng áo vải.
Hiện tượng song ngữ là một đặc điểm lớn của văn học trung đại Việt Nam. Có nhiều tiền
đề khác nhau về lịch sử, xã hội, văn hóa, văn học, thẩm mĩ tạo thành. Trong các yếu tố đó, các
chính sách về ngôn ngữ của nhà nước phong kiến Việt Nam cũng có sự tác động nhất định đến
việc sử dụng chữ Hán và chữ Nôm trong sáng tác văn học ở mỗi giai đoạn khác nhau thì không
giống nhau.
2.4. Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam dưới tác động của
các chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến
2.4.1. Về nội dung tư tưởng
Nội dung tư tưởng trong sáng tác bằng chữ Hán thường thiên về cái cao cả, tao nhã. Dưới
tác động của chính sách coi trọng và duy trì địa vị chính thống của chữ Hán, các tác giả trong
quá trình sáng tác trước những vấn đề mang tính trọng đại, quốc gia, dân tộc, “chở đạo”, “nói chí”
thường dùng chữ Hán. Xuyên suốt bốn giai đoạn phát triển của văn học trung đại Việt Nam ta thấy
những tác phẩm thể hiện những vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc được viết bằng chữ Hán như
Quốc tộ (Vận nước) của thiền sư Đỗ Pháp Thuận, bài thơ thần Nam quốc sơn hà, Thiên đô chiếu
(Chiếu dời đô) của Lý Công Uẩn, Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ) của Trần Quốc Tuấn,
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi,. . . đều được viết bằng chữ Hán.
Bên cạnh đó, những đề tài về phong, hoa, tuyết, nguyệt; long, ly, quy, phượng, ngư, tiều,
canh, mục và những đề tài tao nhã khác được các tác giả sáng tác bằng chữ Hán. Có nhiều thi tập
lớn sáng tác bằng chữ Hán như: Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi; Lê Thánh Tông có 9 tập thơ bằng
chữ Hán (Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ súy, Chinh Tây kỷ hành, Cổ Tâm
bách vịnh, Châu cơ thắng thưởng, Anh hoa hiếu trị, Cổ kim cung từ thi tập, Xuân vân thi tập);
Bạch Vân am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nguyễn Du có ba tập thơ chữ Hán (Thanh Hiên thi
tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục); Cáo Bá Quát để lại hàng ngàn bài thơ chữ Hán trong
bốn tập (Cao Bá Quát thi tập, Cao Chu Thần di tập, Cao Chu Thần thi tập, Mẫn Hiên thi tập),
Nguyễn Khuyến cũng có Quế Sơn thi tập với khoảng 200 bài,. . .
Nội dung tư tưởng trong sáng tác chữ Nôm lại thường thiên về cái đời thường, bình dị. Cuộc
sống đời thường nơi thôn quê bình dị là điều xuất hiện rất nhiều trong các sáng tác chữ Nôm. Nó
có thể đến từ một nhà vua, một người anh hùng dân tộc xuất gia đi tu như Thượng hoàng Trần
Nhân Tông với Cư trần lạc đạo phú (Phú ở trần vui với đạo), một danh nhân văn hóa kiệt xuất như
Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập, vua Lê Thánh Tông với những sáng tác trong Hồng Đức quốc âm
77
Nông Văn Ngoan
thi tập, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Hồ Xuân Hương với thơ
Nôm truyển bản, Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến,. . .
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến sự ảnh hưởng hai chiều Hán – Việt và ngược lại. Ta thấy
trong văn học trung đại Việt Nam cũng có nhiều sáng tác chữ Nôm thể hiện những nội dung mang
tính chính thống, những vấn đề cao cả, tao nhã, nói chí, chở đạo,. . . trong sáng tác của Nguyễn
Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhất là Nguyễn Đình Chiểu ở giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX. Ở chiều
ngược lại, cũng có không ít sáng tác bằng chữ Hán quan tâm đến những vấn đề thông tục, giản dị,
đời thường nhất là ở các thể loại văn xuôi tự sự chữ Hán.
Như vậy, có thể thấy rằng về mặt nội dung tư tưởng, văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh
hưởng mạnh mẽ của chính sách coi trọng và duy trì địa vị chính thống của chữ Hán và chính sách
khuyến khích sử dụng chữ Nôm của các triều đại phong kiến Việt Nam. Những tác động ở các triều
đại khác nhau trong những giai đoạn khác nhau dẫn đến việc thể hiện nội dung tư tưởng không
giống nhau. Nhưng nhìn chung, các sáng tác chữ Hán thường viết về những đề tài cao cả, tao nhã;
sáng tác chữ Nôm lại thường thiên về đề tài mang tính thông tục, giản dị, đời thường. Bên cạnh
đó, cũng có sự xâm nhập của chữ Nôm trong việc thể hiện những nội dung mang tính chính thống
và những vấn đề của đời sống hiện thực cũng được thể hiện trong các sáng tác viết bằng chữ Hán,
nhất là ở các thể loại văn xuôi tự sự.
2.4.2. Về hình thức nghệ thuật
Trên phương diện thể loại, dưới tác động của các chính sách ngôn ngữ của các triều đại
phong kiến Việt Nam, đặc biệt là chính sách coi trọng địa vị chính thống của chữ Hán, các thể loại
văn học chức năng chủ yếu được viết bằng chữ Hán như, cáo, chiếu, biểu, văn bia,. . . Tuy nhiên,
cũng trong nhóm các thể loại văn học chức năng này thì thể loại hịch và văn tế lại có số lượng tác
phẩm viết bằng chữ Nôm nhiều hơn tác phẩm viết bằng chữ Hán.
Các thể loại trữ tình nghệ thuật như thơ, phú số lượng tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ
Nôm không có sự chênh lệch nhiều về số lượng đơn vị tác phẩm dù ưu thế có phần nghiêng về
chữ Hán. Trong khi đó, văn xuôi tự sự chữ Hán phát triển và chiếm ưu thế tuyệt đối so với các tác
phẩm viết bằng chữ Nôm ở thể loại này.
Các thể loại văn học nội sinh như truyện thơ, ngâm khúc và hát nói đương nhiên chủ yếu
viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Thể loại truyện thơ chỉ có một tác phẩm duy nhất viết bằng chữ Hán
là Truyện hương miết hành. Ngâm khúc có Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn viết bằng chữ Hán
(có nhiều bản diễn Nôm) và Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận sáng tác bằng chữ Hán sau
đó tác giả tự dịch ra chữ Nôm là hai trường hợp đặc biệt và rất thú vị.
Riêng đối với truyện Nôm, ngay từ khi xuất hiện với Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu
Hào cho đến đỉnh cao Truyện Kiều của Nguyễn Du, truyện Nôm đã không được giai cấp phong
kiến đương thời coi trọng nếu không muốn nói là cấm đoán, mạt sát. Việc truyện Nôm bị giai cấp
phong kiến ghẻ lạnh có lẽ vì nội dung đi ngược lại với lễ giáo phong kiến. Hầu hết các tác phẩm ở
thể loại truyện Nôm đều viết về truyện tài tử, giai nhân; những truyện tình yêu trai gái, phong tình
nhục cảm nên có một thời gian truyện Nôm bị lên án gay gắt, những nhân vật trong truyện Nôm
bị giai cấp phong kiến mạt sát. Ngay cả những nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng
không phải là ngoại lệ.
Trong dân gian còn lưu truyền một câu chuyện về một bài thơ vịnh Kiều khá hài hước của
một nhà nho nguyên là tù phạm ở Nam Định mà cho đến nay chưa ai biết rõ tên tuổi. Chuyện kể
rằng có một ông quan Án sát ở Nam Định thấy một phạm nhân tự xưng là học trò nghèo bèn yêu
cầu trong ba ngày phải làm xong một bài thơ vịnh Kiều. Nếu làm được thì sẽ tha bổng. Sau một
78
Chính sách ngôn ngữ của nhà nước phong kiến Việt Nam nhìn từ hiện tượng song ngữ
đêm người này làm xong bài thơ và và đọc cho quan nghe. Bài thơ như sau:
Khép cửa phòng xuân luống đợi chờ
Mà em mất nết tự bao giờ
Chàng Kim mê gái còn đeo đẳng
Viên ngoại chiều con chết ngất ngư
Nợ trước thề bồi con đĩ Đạm
Duyên sau lăn lóc bố cu Từ
Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng
Còn oán trách chi chú bán tơ?
Trong bài thơ, “con đĩ Đạm” là chỉ Đạm Tiên, còn “bố cu Từ” tức là Từ Hải. Cứ xem xét và
suy ngẫm về tinh thần chủ đạo của bài thơ có thể ngầm đoán rằng tác giả của nó là một trí thức
hay phản biện, nên dễ bị quy chụp, kết tội. Thấy bài thơ tóm tắt đại ý Truyện Kiều khá đầy đủ, câu
5 và 6 lại có cả tên họ của quan, quan đành phải xá tội cho người học trò nghèo chẳng may mắc
vòng lao lí. Đời sau bảo rằng ông ta đã lấy chữ, lấy thơ để tự cứu mình.
Và ngay cả Nguyễn Công Trứ, một vị quan to trong triều đình, một nhà nho tài tử, hữu tài
hữu tình như thế lại dành cho nàng Kiều một bản án quá nặng trong bài thơ Vịnh Thúy Kiều:
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!
Nghĩ đời mà ngán cho đời!
Vì thế mà, đương thời, người ta truyền nhau câu ca dao: “Làm trai chớ kể Phan Trần/ Làm
gái chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Truyện Nôm khuyết danh bình dân Phan Trần và Truyện Kiều
của Nguyễn Du là những truyện mà nội dung cơ bản đi ngược lại với lễ giáo phong kiến mà Nho
giáo là hệ tư tưởng chính thống thì “phi kinh”, “dị đoan” là hai cái mũ được chụp xuống hai tác
phẩm này hẳn cũng không có gì lấy làm lạ.
Trên phương diện ngôn ngữ, chính sách coi trọng địa vị chính thống của chữ Hán cũng là
một nhân tố quan trọng tác động đến việc sử dụng các yếu tố Hán về ngôn ngữ như chữ Hán, điển
cố và thi liệu Hán học. Do đó, ta thấy trong thơ văn trung đại rất nhiều điển tích, điển cố và việc
viện dẫn thơ văn của tiền nhân. Việc khuyến khích sử dụng ngôn ngữ dân tộc cũng làm cho yếu tố
Nôm về ngôn ngữ được phát huy. Chữ Nôm, trải theo thời gian ngày càng mượt mà, trau truốt, bên
cạnh đó, khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ và ca dao cũng đi vào thơ văn với tư cách lời ăn tiếng nói
của nhân dân, của dân tộc.
3. Kết luận
Hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam là hiện tượng tồn tại song song hai
bộ phận văn học, một bộ phận văn học viết bằng ngôn ngữ vay mượn (chữ Hán) và một bộ phận
khác viết bằng ngôn ngữ bản địa (tiếng Việt/chữ Nôm). Có nhiều tác giả trong văn học thời kì
này vừa sáng tác chữ Hán, vừa sáng tác chữ Nôm như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh
Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát,. . . thậm chí có người sáng tác bằng chữ Hán sau đó tự dịch ra
chữ Nôm hoặc ngược lại như trường hợp của Nguyễn Khuyến. Có nhiều yếu tố tác động đến hiện
tượng độc đáo này như các yếu tố về lịch sử, xã hội, văn hóa, tư tưởng, văn học, thẩm mĩ và ngôn
ngữ,. . . Trong đó, không thể không nhắc đến những tác động của các chính sách về ngôn ngữ của
nhà nước phong kiến ở Việt Nam thời trung đại.
79
Nông Văn Ngoan
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Xuân Ninh Đái, 1986. Ngôn ngữ học: khuynh hướng - lĩnh vực - khái niệm, Tập II. Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội, trang 281.
[2] Diệp Quang Ban, 2010. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.
437.
[3] Nguyễn Thiện Giáp. Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử. Tạp chí Ngôn
ngữ bản điện tử (
[4] Hoàng Ngọc Hiến, 1992. Năm bài giảng về thể loại. Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội,
tr.15
[5] Phạm Thị Ngọc Hoa, 2012. Thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm Nguyễn Trãi – Quan điểm thẩm mỹ
và phương thức nghệ thuật. Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 121.
[6] Nguyễn Văn Khang, 2015. Ngôn ngữ học xã hội. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.249.
[7] Đặng Thanh Lê, 1992. Nghiên cứu văn học cổ trung đại Việt Nam trong mối quan hệ khu vực.
Tạp chí Văn học, (số 1), tr. 2-8.
[8] Đặng Thanh Lê, 1995. Tiếp cận một số vấn đề tiếp nhận ngôn ngữ và tư tưởng triết học Trung
Quốc thời kì trung đại. Tạp chí Văn học, (số 2), tr. 9-11.
[9] Phan Ngọc, 2000. Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả. Nxb Thanh niên, Hà Nội,
tr. 249.
[10] Hoàng Quốc, 2009. Những đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của hiện tượng song ngữ. Luận
án tiến sĩ Ngôn ngữ học, Trường Đại học An Giang, tr.16.
[11] Hoàng Phê, 2000. Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng, tr.848.
[12] Trần Đình Sử, 2005. Thi pháp văn học trung đại Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội,
tr.135.
[13] Nguyễn Như Ý, 1999. Đại từ điển tiếng Việt. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 1451.
[14] Nguyễn Như Ý (chủ biên), 1997. Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục,
Hà Nội, tr.248
ABSTRACT
Language policies of Vietname feudatory government in vietnamese middle-ages literature
Nong Van Ngoan
Faculty of Pedagogy, Tay Nguyen University
In this article, we introduce essentially about bilingualism phenomenon in Vietnamese
middle-ages literature. It also analyzed language policies of Vietname feudatory government in
effect to the writing of literature by borrowing language (Hanji) and national language (Nom
script) in Vietnamese literature from the10th century to the end of the 19th century.
Keywords: Middle-age literature, bilingualism phenomenon, policy, language.
80
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 5064_nvngoan_697_2123614.pdf