Tài liệu Chính sách của thành phố hồ chí minh về đảm bảo cơ hội học tập cho trẻ em nhập cư và những kết quả đạt được: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 63 (3/2019) No. 63 (3/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
88
CHÍNH SÁCH CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢM BẢO CƠ HỘI
HỌC TẬP CHO TRẺ EM NHẬP CƯ VÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Ho Chi Minh City’s policy on ensuring learning opportunity
for migrant children and the achievements
PGS.TS. Ngô Minh Oanh(1), ThS. Hồ Sĩ Anh(2)
(1),(2) Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
Tóm tắt
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và đào
tạo của đất nước. Với sự phát triển về kinh tế, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí
nghiệp đã ra đời, thu hút số lượng lớn lao động nhập cư. Việc tăng dân số đã gia tăng áp lực lên các dịch
vụ và an sinh xã hội của Thành phố, trong đó có giáo dục và đào tạo. Mặc dù đã có các chính sách, giải
pháp tạo điều kiện cho tất cả trẻ em được tiếp...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 342 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chính sách của thành phố hồ chí minh về đảm bảo cơ hội học tập cho trẻ em nhập cư và những kết quả đạt được, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 63 (3/2019) No. 63 (3/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
88
CHÍNH SÁCH CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢM BẢO CƠ HỘI
HỌC TẬP CHO TRẺ EM NHẬP CƯ VÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Ho Chi Minh City’s policy on ensuring learning opportunity
for migrant children and the achievements
PGS.TS. Ngô Minh Oanh(1), ThS. Hồ Sĩ Anh(2)
(1),(2) Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
Tóm tắt
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và đào
tạo của đất nước. Với sự phát triển về kinh tế, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí
nghiệp đã ra đời, thu hút số lượng lớn lao động nhập cư. Việc tăng dân số đã gia tăng áp lực lên các dịch
vụ và an sinh xã hội của Thành phố, trong đó có giáo dục và đào tạo. Mặc dù đã có các chính sách, giải
pháp tạo điều kiện cho tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân
khác nhau, trẻ em nhập cư vẫn bị thiệt thòi. Để làm rõ thực trạng trên, bài viết tập trung nghiên cứu,
phân tích chính sách hỗ trợ trẻ em trẻ nhập cư của Thành phố, thực trạng cơ hội học tập của trẻ nhập cư
và những kết quả đạt được.
Từ khóa: chính sách, cơ hội học tập, Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ em nhập cư
Abstract
Ho Chi Minh City is the Vietnamese center of economy, culture, science, education and training. With
rapid economic development, many industrial parks, export processing zones, factories and enterprises
were born, attracting a large number of migrant workers. Population growth has increased pressure on
the city's services and social security, including education and training. Although there are policies and
solutions to create conditions for all children to access education and training, migrant children, due to
many different causes, are still disadvantaged. To clarify the above situation, the article focuses on
analyzing a number of policies to support children in general and migrant children in particular into Ho
Chi Minh City, the reality of learning opportunities of migrant children and its achievements.
Keywords: policy, learning opportunities, Ho Chi Minh City, migrant children
1. Đặt vấn đề
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong
những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa
và giáo dục lớn của cả nước, được xếp loại
đô thị loại đặc biệt của Việt Nam. Thành
phố có 24 quận, huyện, trong đó 19 quận và
5 huyện, với 322 phường, xã, thị trấn. Kinh
tế Thành phố tăng trưởng cao, bình quân
hơn 11%/năm. Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện
tích tự nhiên và 8,4 % dân số cả nước,
nhưng Thành phố đóng góp 21,3% GDP cả
nước, 29,38% tổng thu ngân sách; là hạt
nhân Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và
trung tâm của vùng Nam Bộ, đóng góp
Email: ngominhoanh@yahoo.com.vn
NGÔ MINH OANH - HỒ SĨ ANH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
89
30% trong tổng GDP của cả vùng. (Cục
Thống kê TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 23).
Với việc ra đời các khu công nghiệp,
khu chế xuất, kéo theo một số lượng lớn
dân nhập cư đã làm nảy sinh các vấn đề
như việc làm, giáo dục, nhà ở, y tế, dịch vụ,
đặc biệt là cơ hội học tập và giáo dục của
con em người lao động nhập cư. Kết quả
điều tra dân số vào năm 2017 là 8.643.044
người, mật độ trung bình đến 4.126
người/km². Tuy nhiên, nếu tính cả những
người cư trú không đăng ký hộ khẩu và tạm
trú thì dân số thực tế của Thành phố Hồ Chí
Minh trên 13 triệu người (Cục Thống kê
TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 47). Số liệu của
Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho
thấy dân số giai đoạn 2011 – 2017, mỗi
năm tăng gần 180.000 người, trong đó tăng
cơ học do nhập cư gấp 1,5 lần tăng dân số
tự nhiên. Dân số nhập cư bình quân tăng
trên 100.000 người mỗi năm (Cục Thống
kê TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr. 47). Thành
phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.514.734 trẻ
em độ tuổi 0-16, với 16.054 trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn, và 35.097 em (bao
gồm 32.378 trẻ sống trong các hộ nghèo)
đang có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn, 25.030 trẻ sống trong các hộ cận
nghèo và 350.000 trẻ sống trong các hộ
nhập cư chỉ có đăng kí tạm trú năm 2017
(Unicef & UBND Thành phố Hồ Chí Minh,
2017, tr. 16).
Dự báo dân số của Thành phố Hồ Chí
Minh vẫn tăng nhanh trong 2 thập kỉ tới,
tạo áp lực lớn là phải điều chỉnh các dịch
vụ xã hội thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu
ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực giáo dục –
đào tạo. Việc nghiên cứu thực trạng và
chính sách đảm bảo cơ hội học tập cho trẻ
em nhập cư tại Thành phố Hồ Chí Minh
nhằm đưa ra các chính sách, giải pháp là
một nghiên cứu rất cần thiết.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên
cứu
Đối tượng nghiên cứu của bài báo là
chính sách của Thành phố Hồ Chí Minh
với việc đảm bảo cơ hội học tập cho trẻ em
nhập cư tại Thành phố. Khách thể nghiên
cứu chủ yếu là trẻ em dưới 16 tuổi theo
Luật trẻ em 2016, tương ứng với lứa tuổi từ
học sinh trung học cơ sở trở xuống. Trong
bài báo này chúng tôi tập trung nghiên cứu
vào đối tượng học sinh ở hai cấp học là
tiểu học và trung học cơ sở.
Phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu
Chúng tôi sử dụng các phương pháp
khảo cứu tài liệu và phương pháp điều tra
bằng bảng hỏi, sau đó sử dụng phần mềm
SPSS 23.0 và phần mềm MS.Excel để tổng
hợp, thống kê và xử lý, phân tích số liệu
khảo sát được. Chúng tôi đã thiết kế 7 bảng
hỏi, với trên 30 chỉ tiêu cho mỗi bảng hỏi,
khảo sát trên 844 học sinh tiểu học và trung
học cơ sở, 769 phụ huynh học sinh, 226
giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các
cấp để có cái nhìn khách quan, toàn diện về
những chính sách của Thành phố Hồ Chí
Minh đối với việc đảm bảo cơ hội học tập
cho trẻ em nhập cư.
3. Chính sách và biện pháp của TP.
Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo cơ hội học
tập cho trẻ em nhập cư
3.1. Thực trạng việc đảm bảo cơ hội học
tập cho trẻ em nhập cư TP. Hồ Chí Minh
Về giáo dục phổ thông, tính đến tháng
1/2018, Thành phố có 1.906 cơ sở giáo dục
mầm non, phổ thông và giáo dục thường
xuyên, với 1.470.599 học sinh và 69.848
giáo viên. Trong đó, Tiểu học có 482
trường; THCS có 264 trường và giáo dục
thường xuyên có 29 trung tâm (Cục Thống
kê TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.295, 297,
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (3/2019)
90
298). Tuy nhiên do tình trạng học sinh
nhập cư tăng nhanh nên tình trạng quá tải
trường lớp, cơ sở vật chất và giáo viên nên
việc đảm bảo cơ hội học tập cho trẻ em
nhập cư còn nhiều bất cập.
Đối với trẻ em ở trường Tiểu học,
THCS, Trung tâm GDTX và các cơ sở dạy
nghề, trong nhiều năm qua, Thành phố đã
có nhiều chính sách và biện pháp để tạo cơ
hội học tập cho trẻ em nhập cư, tuy nhiên
bức tranh thực trạng về cơ hội học tập của
trẻ em nhập cư được thể hiện như sau:
Thứ nhất, ở những khu vực có nhiều
lao động nhập cư, một số trường công đã bị
quá tải và không có khả năng tiếp nhận hết
trẻ em nhập cư. Nếu các trường tiểu học và
THCS cố gắng thu nhận hết học sinh thì số
học sinh bình quân trên một giáo viên và số
học sinh trên một lớp lớn sẽ có ảnh hưởng
đến chất lượng dạy và học.
Thứ hai, một bộ phận trẻ em nhập cư
vào học ở các trung tâm giáo dục thường
xuyên nhưng chất lượng giáo dục thường
xuyên thường không cao do nhiều nguyên
nhân khác nhau như cơ sở vật chất, thiếu
giáo viên giỏi.v.v. Ngoài ra, chính sách
miễn học phí vào các trường dạy nghề chỉ
dành cho học sinh tốt nghiệp THCS có hộ
khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh, mà không
dành cho học sinh nhập cư nên chưa
khuyến khích được trẻ em nhập cư vào học
ở các trường nghề.
Thứ ba, các lớp học tình thương do
các tổ chức, cá nhân mở ra góp phần thu
hút một bộ phận trẻ em vào học, tuy nhiên,
hiện nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ
về số lượng và chất lượng các lớp học này,
nhất là về chất lượng giáo dục.
Đối với trẻ em ngoài nhà trường
Trẻ em ngoài nhà trường (TENNT) là
trẻ em chưa bao giờ đi học hoặc đã từng đi
học nhưng bỏ học. Sở Giáo dục và Đào tạo
lần đầu tiên tổng hợp dữ liệu về TENNT
năm học 2014 – 2015. Tỉ lệ TENNT độ
tuổi 5 tuổi và tiểu học của trẻ em trai và gái
tương đương nhau, nhưng ở độ tuổi THCS
gần 70% TENNT là gái. Điều này cho thấy
sự khác biệt về giới, mà theo đó các bé trai
gặp nhiều bất lợi hơn, cần phải có giải
pháp tác động để các bé trai không bỏ học
giữa chừng. Trẻ em nhập cư chiếm phần
lớn trong tổng số TENNT ở độ tuổi 5 tuổi
và tiểu học, tỷ lệ này lần lượt là 92% và
86,4%, điều này cho thấy trẻ em nhập cư ở
hai độ tuổi này thiệt thòi hơn nhiều so với
trẻ em có hộ khẩu.
Bảng 1: Trẻ em ngoài nhà trường tại Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2014 – 2015
5 tuổi Tiểu học THCS
Số lượng % Số lượng % Số lượng %
Tổng số 1.488 100 1.683 100 6.357 100
Trẻ em gái 698 46,9 842 50,0 2017 31,7
Trẻ dân tộc thiểu số 44 3,0 57 3,4 120 1,9
Trẻ khuyết tật 2 0,1 159 9,4 964 15,2
Trẻ nhập cư 1.369 92,0 1.454 86,4 2.685 42,0
Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2014 - 2015
NGÔ MINH OANH - HỒ SĨ ANH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
91
Tỉ lệ tốt nghiệp từng cấp học theo
tình trạng cư trú của dân số, từ thực trạng
mức độ tiếp cận giáo dục khác nhau của trẻ
em các nhóm cư dân khác nhau cho thấy,
có sự khác biệt về điều kiện được đi học
của trẻ em có hộ khẩu và trẻ em nhập cư
chưa có hộ khẩu. Mức độ khác biệt này đã
ảnh hưởng đến tỉ lệ tốt nghiệp tiểu học,
THCS và THPT của các nhóm cư dân khác
nhau. Bảng 2 dưới đây cho thấy có sự khác
nhau về tỉ lệ tốt nghiệp các cấp năm 2004
chia theo tình trạng cư trú.
Bảng 2: Tỉ lệ tốt nghiệp từng cấp học năm 2004 chia theo tình trạng cư trú (%)
Đối tượng Toàn thành phố Dân số
KT1, KT2
Dân số
KT3
Dân số
KT4
11-14 tuổi đã tốt nghiệp tiểu học 89,75 91,12 85,10 77,80
15-18 tuổi đã tốt nghiệp THCS 66,17 69,27 57,20 52,05
19-24 tuổi đã tốt nghiệp THPT 37,44 36,10 31,59 41,83
Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh (2005). Chỉ số phát triển con người HDI thành phố Hồ Chí
Minh 1999 – 2004.
Hiện nay tỉ lệ tốt nghiệp tiểu học,
THCS theo các độ tuổi đã cao hơn, cụ thể
là Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt chuẩn
phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
Mức độ 1, đạt chuẩn phổ cập giáo dục
THCS. Tuy nhiên, tỉ lệ hoàn thành tiểu học
nhóm cư dân có KT1 và KT2 cao hơn
nhóm cư dân KT3 là 1,1 lần, tốt nghiệp
THCS cao hơn 1, 2 lần. Điều đó cho thấy
trẻ em nhập cư còn thiệt thòi hơn so với
trẻ em có hộ khẩu tại thường trú. Thành
phố cần có nhiều chính sách và biện pháp
mạnh mẽ hơn nữa trong việc đảm bảo cơ
hội học tập cho trẻ em nhập cư.
3.2. Chính sách của Thành phố Hồ
Chí Minh về đảm bảo cơ hội học tập cho
trẻ em nhập cư
Trên cơ sở những chính sách của quốc
tế, quốc gia và tình hình thực tế của địa
phương, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban
hành các văn bản về chương trình hành
động, các quyết định, các chính sách, biện
pháp cụ thể để hỗ trợ và đảm bảo cơ hội
học tập cho trẻ em nói chung và trẻ em
nhập cư. Cụ thể:
- Chương trình hành động quốc gia vì
trẻ em của Thành phố: Năm 2013, Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê
duyệt Chương trình hành động quốc gia vì
trẻ em của thành phố giai đoạn 2013 –
2020 tại Quyết định số 3213/QĐ-UBND
ngày 18/6/2013 của UBND thành phố.
Theo đó, Thành phố xác định các kế hoạch
cụ thể cho trẻ em, nhất là đối với trẻ có
hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh
kinh tế khó khăn, trẻ em nhập cư.
- Quyết định 953/QĐ-UBND ngày
7/3/2016 của UBND Thành phố Hồ Chí
Minh về ban hành Kế hoạch triển khai thực
hiện Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày
14/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê
duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến
nghị của Ủy ban về Quyền trẻ em của Liên
Hiệp quốc: Mục tiêu của Kế hoạch này xác
định rõ trách nhiệm của các Sở, ngành,
đoàn thể từ cấp Thành phố đến cấp phường,
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (3/2019)
92
xã, thị trấn trong thực hiện quyền trẻ em
một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả.
Phạm vi thực hiện trên phạm vi toàn thành
phố, trong đó ưu tiên địa bàn nhiều trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ
rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, địa bàn đông
trẻ nhập cư, trẻ em lao động sớm.
- Quyết định 1394/QĐ-UBND ngày
9/4/2018 của UBND Thành phố Hồ Chí
Minh về ban hành Kế hoạch huy động trẻ
ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp từ
năm học 2018 – 2019: Quyết định này đưa
ra nguyên tắc đảm bảo đủ chỗ cho con em
thành phố, đặc biệt là con em gia đình
chính sách, gia đình nghèo, công nhân; phổ
cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập
giáo dục bậc trung học. Thực hiện tốt
hướng nghiệp và phân luồng sau THCS;
khuyến khích học sinh thi vào lớp 10 chọn
nguyện vọng phù hợp khả năng, gần nơi cư
trú thuận lợi cho việc học, giảm áp lực
giao thông theo chủ trương của Thành phố.
Các biện pháp đề ra là: Tuyển sinh
vào lớp 1, huy động 100% trẻ 6 tuổi đang
cư trú trên địa bàn quận, huyện vào học lớp
1 theo tuyến, thời gian tuyển từ 01/7 đến
31/7 hằng năm. Tuyển sinh vào lớp 6, học
sinh trong độ tuổi đã hoàn thành chương
trình tiểu học ở quận, huyện nào được vào
học lớp 6 trên địa bàn đó. Ưu tiên học sinh
thường trú trên địa bàn. Công tác tuyển
sinh từ 15/6 và kết thúc vào 17/7 hằng
năm. Tuyển sinh vào lớp 10, học sinh tốt
nghiệp THCS tại TP. Hồ Chí Minh trong
độ tuổi đều được tham gia dự tuyển vào
lớp 10 THPT công lập. Thành phố còn
tuyển sinh các lớp tăng cường ngoại ngữ
tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc,
tiếng Nhật,...và chương trình tích hợp tại
các trường tiểu học, THCS và THPT.
Như vậy, tất cả các học sinh đã học,
tốt nghiệp ở cấp dưới trên địa bàn thành
phố đều được dự tuyển vào lớp đầu cấp ở
cấp học trên, không phân biệt có hộ khẩu
hay không có hộ khẩu. Chỉ có tuyển sinh
vào lớp 6 có quy định là ưu tiên những học
sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn.
Tuy nhiên, học sinh diện tạm trú (KT2,
KT3, KT4) vẫn được dự tuyển. Công tác
tuyển sinh cũng kéo dài gần một tháng,
giúp cho học sinh và phụ huynh có thời
gian lựa chọn, cân nhắc trường cho con em
học. Đây là một chính sách rất khoa học và
nhân văn, không áp đặt hay gây áp lực cho
phụ huynh nếu chỉ giới hạn thời gian tuyển
sinh rất ngắn.
4. Những kết quả đạt được trong
quá trình thực hiện chính sách đảm bảo
cơ hội học tập cho trẻ em nhập cư của
Thành phố Hồ Chí Minh
4.1. Những kết quả đạt được về cơ
hội học tập
Đối với Giáo dục phổ thông, nhìn
chung, các cơ sở giáo dục phổ thông công
lập đáp ứng nhu cầu đi học của người dân.
Học sinh phổ thông thành phố Hồ Chí
Minh tăng 3,3% trong giai đoạn 2011 –
2015 (chủ yếu ở cấp THCS (4,2%) và tiểu
học (3,7%). Để đáp ứng sự gia tăng này,
trường học và lớp học đã được xây dựng
thêm và cho phép tăng sĩ số học sinh trên
lớp. Kết quả là các cơ sở giáo dục công lập
Thành phố đáp ứng 98% nhu cầu đi học
tiểu học và 96% nhu cầu đi học THCS và
80% nhu cầu đi học THPT. Điều này có
nghĩa là cơ hội nhập học cho học sinh nhập
cư được mở rộng.
Việc chuyển tiếp từ THCS lên THPT,
có khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THCS
vào lớp 10 công lập thông qua kì thi tuyển
sinh vào lớp 10. Con số này dự kiến sẽ
giảm 3% từ nay đến năm 2020. Chính sách
NGÔ MINH OANH - HỒ SĨ ANH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
93
này nhằm khuyến khích học sinh xem xét
các lựa chọn thay thế cho các trường
THPT công lập sau tốt nghiệp THCS gồm
các trường ngoài công lập, trung tâm giáo
dục thường xuyên (GDTX) hoặc trường
dạy nghề.
Một điểm nổi bật trong năm 2018, đó
là Hội đồng Nhân dân Thành phố đã thông
qua nghị quyết về học phí đối với học sinh
cấp THCS. Theo đó, học phí cấp này sẽ thu
mức thấp nhất trong khung học phí mà
Chính phủ quy định, đối với các quận là
60.000đ/tháng và các huyện là 30.000đ/tháng,
việc thu học phí theo quy định mới áp dụng từ
ngày 1/1/2919.
Giáo dục thường xuyên và giáo dục
phổ cập, toàn thành phố có 36 trung tâm
GDTX, mỗi quận huyện có 1 trung tâm và
12 trung tâm GDTX thuộc quản lí của
Thành phố; có 322 trung tâm học tập cộng
đồng ở mỗi phường, xã, thị trấn. Các trung
tâm này thực hiện nội dung giáo dục thường
xuyên và tham gia phổ cập giáo dục, thu hút
một số lượng lớn trẻ em nhập cư.
Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố còn
có các “lớp học tình thương”, “lớp học phổ
cập” do các tổ chức tôn giáo, tổ chức từ
thiện, tổ chức phi chính phủ,và các cá
nhân mở và hỗ trợ nhằm tạo thêm cơ hội
cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em
nghèo thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó
khăn, chủ yếu là gia đình nhập cư không có
điều kiện cho con em đi học chính quy. Các
lớp này đặt dưới sự quản lí chuyên môn của
một trường phổ thông công lập và sự quản
lí nhà nước của chính quyền địa phương.
4.2. Kết quả đạt được về chất lượng
giáo dục
Chất lượng giáo dục Thành phố đã có
chuyển biến tích cực ở tất cả các bậc học
và cấp học, nhưng chưa đồng đều giữa các
đơn vị, địa bàn, các loại hình trường lớp.
Báo cáo từ Ngành Giáo dục và Đào tạo
Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định một
số điểm sau:
- Giáo dục tiểu học: Năm học 2015 –
2016, 100% các phường, xã, thị trấn đạt
chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu
học đúng độ tuổi mức độ 1; 56/490
(11,4%) trường học đạt chuẩn quốc gia; tỉ
lệ trường học dạy 2 buổi/ngày đạt 61,2%.
- Giáo dục trung học: Trong năm học
2015-2016, 28/264 (10,6%) trường THCS
và 3/190 (1,6%) trường THPT được công
nhận đạt chuẩn quốc gia; Năm 2015, tỉ lệ
tốt nghiệp THCS đạt 99,64% và tỉ lệ tốt
nghiệp THPT đạt 97,51%.
- Kiểm định chất lượng giáo dục được
thực hiện thường xuyên, năm học 2014-
2015 đã có 95% các trường hoàn thành tự
đánh giá, 25% số trường được đánh giá
ngoài (mầm non: 16,6%, tiểu học: 24,6%,
THCS: 36,3%, THPT: 20,9%). Các trường
được đánh giá ngoài đều đạt tiêu chuẩn
chất lượng.
5. Những tồn tại, hạn chế về chính
sách đảm bảo cơ hội học tập cho trẻ em
nhập cư
Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh,
ngành Giáo dục – Đào tạo đã có nhiều nổ
lực trong việc ban hành chính sách, đề ra
các biện pháp đảm bảo cơ hội học tập cho
trẻ em nhập cư, nhưng khu vực giáo dục
công lập vẫn chưa đáp ứng được tất cả nhu
cầu nhập học của trẻ em nhập cư.
Ở cấp tiểu học và THCS, nhiều trường
học đã được xây dựng thêm và ngành giáo
dục đã cho phép tăng sĩ số học sinh trên
lớp, nhưng ở những khu vực có nhiều trẻ
em nhập cư, một số trường tiểu học và
THCS không có khả năng nhận hết tất cả
học sinh. Số học sinh/giáo viên và số học
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (3/2019)
94
sinh/lớp cao đã ảnh hưởng đến chất lượng
giáo dục.
Chất lượng giáo dục THCS được đánh
giá thông qua kì thi tuyển sinh vào lớp 10
trung học phổ thông, một kỳ thi mang tính
cạnh tranh cao cho thấy có sự không đồng
đều về chất lượng giữa các quận, huyện,
giữa các quận nội thành và ngoại thành, nơi
có tỷ lệ học sinh nhập cư đông.
Chất lượng giáo dục thường xuyên, nơi
thu hút nhiều trẻ em nhập cư vẫn còn là
mối quan ngại của các bậc cha mẹ. Chính
sách miễn học phí vào các trường dạy nghề
chỉ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS có
hộ khẩu thường trú, không dành cho trẻ
nhập cư.
“Lớp học tình thương” và “lớp học
phổ cập” đã tạo cơ hội để những trẻ em
thiệt thòi được đi học. Tuy nhiên, không có
thống kê chính thức và cập nhật về các lớp
học này, nhất là về chất lượng học tập và
giáo dục. Một số lớp được mở ra nhưng
chưa được chính quyền các cấp cho phép.
Như vậy, có thể nói, số trẻ em có hoàn
cảnh khó khăn trên thực tế nhiều hơn số cơ
quan chức năng Thành phố báo cáo.
Thiếu trường lớp trong bối cảnh triển
khai phổ cập giáo dục cho trẻ em 5-14 tuổi
là một rào cản đối với việc đảm bảo công
bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả trẻ
em, đặc biệt là trẻ em nhập cư. Ở những khu
vực thiếu trường, lớp học, trẻ em nhập cư
được xét vào trường công lập sau khi học
sinh có hộ khẩu và KT3 đã được nhận. Nếu
còn chỗ thì các em học sinh nhập cư mới
được nhận, còn không thì phải đi học ở các
trường xa nơi cư trú, các trung tâm GDTX
hoặc các lớp phổ cập có chất lượng thấp.
Mặc dù không phải phổ biến và trầm
trọng nhưng vẫn còn tình trạng khác biệt
về kinh tế, điều kiện học tập; đặc biệt là
vẫn có một bộ phận học sinh ít được nhà
trường và thầy cô quan tâm (1,4% số học
sinh được hỏi), tình trạng phân biệt đối xử
với học sinh nhập cư (0,4%), tình trạng
bắt nạt hay các hình thức bạo lực học
đường khác. Chí tình trạng này đã làm cho
học một số học sinh sinh nhập cư nãn lòng
khi đến trường, một số học sinh khác đã
bỏ học.
Thu nhập thấp ở những gia đình nhập
cư là một trong những, nguyên nhân cản
trở khả năng trẻ em nhập cư thành phố Hồ
Chí Minh được đảm bảo quyền giáo dục và
học tập. Sự gia tăng khoảng cách giàu –
nghèo đã làm tăng sự bất bình đẳng trong
tiếp cận giáo dục giữa học sinh nội thành
và ngoại thành và giữa học sinh tại chỗ và
học sinh nhập cư. Một số em gia đình thu
nhập thấp không có nhiều cơ hội để được
học ở các trường tư khi không vào được
trường công, mặc dù các em được miễn
học phí.
6. Kết luận
Để thực hiện mục tiêu phát triển giáo
dục đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đã có
nhiều chính sách ưu tiên để đảm bảo cơ hội
học tập cho trẻ em nói chung và trẻ em
nhập cư nói riêng, tuy nhiên trên thực tế trẻ
em nghèo, trẻ nhập cư vẫn còn thiệt thòi so
với các trẻ em khác về cơ hội học tập.
Chính quyền các cấp Thành phố, các
ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, gia đình
phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả
để đảm bảo tốt hơn nữa cơ hội học tập của
trẻ em nhập cư. Trước hết, cần nhận thức
đúng đắn về giá trị giáo dục đối với mỗi
người, giúp họ phát triển cá nhân và sau đó
là phát triển cộng đồng và xã hội, từ đó có
những chính sách thiết thực, phù hợp, có
tính pháp lí để đảm bảo cơ hội học tập cho
trẻ em nhập cư. Thứ hai, Chính quyền và
NGÔ MINH OANH - HỒ SĨ ANH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
95
nhà trường cũng cần có những hỗ trợ thiết
thực về vật chất, tinh thần, tư vấn để trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em
thiệt thòi và trẻ nhập cư được đi học. Thứ
ba, là cần cải thiện công tác qui hoạch,
phát triển cơ sở hạ tầng trường lớp để đảm
bảo giáo dục toàn diện và bình đẳng giữa
tất cả các nhóm trẻ em. Thứ tư, Thành phố
cần tiến tới áp dụng chính sách miễn học
phí đối với học sinh cấp THCS, thực hiện
công bằng giữa học sinh trường tư thục và
trường công lập thì việc đảm bảo cơ hội
học tập cho trẻ em nhập cư mới thực sự có
hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh. (2018). Niên giám Thống kê TP. Hồ Chí Minh năm 2017.
Hà Nội: NXB Thống kê.
Quốc hội. (2016). Luật Trẻ em 2016. Luật số 102/2016/QH13, thông qua ngày 05/4/2016,
có hiệu lực vào 01/6/2017. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
UBND TP. Hồ Chí Minh. (2016). Quyết định số 935 của UBND TP. Hồ Chí Minh ngày
7/3/2016 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày
14/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện
Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên Hiệp quốc. Tp. Hồ Chí Minh:
UBND.
UBND TP. Hồ Chí Minh. (2013). Quyết định số 3213/QĐ-UBND ngày 18/6/2013 của
UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em TP.
Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020. Tp. Hồ Chí Minh: UBND.
UBND TP. Hồ Chí Minh. (2018). Quyết định 1394/QĐ-UBND ngày 9/4/2018 của UBND
Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào
các lớp đầu cấp từ năm học 2018 – 2019. TP. Hồ Chí Minh: UBND Unicef &
UBND TP. Hồ Chí Minh. (2017). Phân tích tình hình trẻ em thành phố Hồ Chí Minh,
Việt Nam, 2017. Tp. Hồ Chí Minh: UBND.
Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (2012). Tổng kết Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về
Phương hướng nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010. Website Đảng
bộ TP. Hồ Chí Minh, https://www.hcmcpv.org.vn/
Sở Giáo dục – Đào tạo TP. Hồ Chí Minh. (2105). Báo cáo Tổng kết năm học 2014 –
2015.Vebsite
Ngày nhận bài: 12/02/2019 Biên tập xong: 15/3/2019 Duyệt đăng: 20/3/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 60_4006_2214965.pdf