Tài liệu Chiến lược sinh kế của hộ gia đình vùng ngập mặn các tỉnh phía Nam: Xã hội học, số 3 – 2007 59
Chiến lược sinh kế
của hộ gia đình vùng ngập mặn các tỉnh phía Nam*
Nguyễn Xuân Mai
Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam là một nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược toàn diện
về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở nước ta. Để hỗ trợ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ
này cần phân tích khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực còn khan hiếm của
người nghèo. Vùng ngập mặn ở các tỉnh phía Nam là một trong những vùng nghèo, bao gồm
nhiều xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 và các xã vùng bãi ngang, vì vậy phân tích
chiến lược sinh kế hộ gia đình của địa bàn này có thể góp phần phục vụ công tác xóa đói giảm
nghèo cho vùng đất này.
Sinh kế hộ gia đình dựa trên các nguồn lực con người, vốn xã hội (mạng lưới xã
hội...), vốn thiên nhiên hay tài nguyên (rừng, mặt nước nuôi trồng thủy sản, nguồn lợi biển,
sông ngòi, đất canh tác, đa dạng sinh học...), vốn vật chất (nhà ở, công cụ sản xuất, phương
tiện vận chuyển, cơ sở hạ tầng...), vố...
7 trang |
Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 759 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chiến lược sinh kế của hộ gia đình vùng ngập mặn các tỉnh phía Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xã hội học, số 3 – 2007 59
Chiến lược sinh kế
của hộ gia đình vùng ngập mặn các tỉnh phía Nam*
Nguyễn Xuân Mai
Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam là một nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược toàn diện
về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở nước ta. Để hỗ trợ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ
này cần phân tích khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực còn khan hiếm của
người nghèo. Vùng ngập mặn ở các tỉnh phía Nam là một trong những vùng nghèo, bao gồm
nhiều xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 và các xã vùng bãi ngang, vì vậy phân tích
chiến lược sinh kế hộ gia đình của địa bàn này có thể góp phần phục vụ công tác xóa đói giảm
nghèo cho vùng đất này.
Sinh kế hộ gia đình dựa trên các nguồn lực con người, vốn xã hội (mạng lưới xã
hội...), vốn thiên nhiên hay tài nguyên (rừng, mặt nước nuôi trồng thủy sản, nguồn lợi biển,
sông ngòi, đất canh tác, đa dạng sinh học...), vốn vật chất (nhà ở, công cụ sản xuất, phương
tiện vận chuyển, cơ sở hạ tầng...), vốn tài chính (tiết kiệm, tín dụng, hàng hóa lưu chuyển...).
Các nguồn lực này có quan hệ với nhau và có thể làm gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn
lực khác chẳng hạn như nếu hộ có đất (có chứng nhận pháp lý về quyền sử dụng đất) có thể
vay mượn, thế chấp, cầm cố để có nguồn vốn tài chính phục vụ cho một mục tiêu kinh tế hay
đời sống nào đó.
Hình 1: Cách tiếp cận phân tích sinh kế hộ gia đình
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org
* Các dữ liệu trong bài được lấy từ cuộc khảo sát kinh tế xã hội vùng ngập mặn Nam Việt Nam do nhóm cán bộ Viện Xã hội học và Trung
tâm Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội SEDEC thực hiện vào năm 2005-2006, với 950 phiếu điều tra hộ ở 19 xã và các nghiên cứu định
tính tại 49 xã thuộc 4 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh. Vùng ngập mặn thuộc 4 tỉnh nêu trên, bao gồm 44.000 ha, trải dài trên
470 km vùng ven biển.
Chiến lược sinh kế của hộ gia đình vùng ngập mặn các tỉnh phía Nam
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org
60
Chiến lược sinh kế cơ bản của hộ gia đình vùng ngập mặn là sử dụng hiệu quả tối ưu
các nguồn vốn con người, vốn xã hội, vốn tài nguyên, vốn vật chất, vốn tài chính của họ để
có thể ổn định và gia tăng thu nhập, đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong đời sống của họ.
Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa các yếu tố nguồn lực như: số lao động
bình quân hộ, diện tích đất sản xuất, diện tích nuôi trồng thủy sản, số lượng ghe thuyền với
kết quả của chiến lược sinh kế hộ gia đình vùng ngập mặn thể hiện qua chỉ báo thu nhập.
Việc sử dụng có hiệu quả những nguồn vốn của hộ gia đình vùng ngập mặn còn chịu
tác động sâu sắc bởi các nhân tố bên ngoài về thể chế, kinh tế, xã hội, môi trường. Những năm
2000-2005 là khoảng thời gian có nhiều thay đổi lớn về kinh tế xã hội ở địa phương, như
chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, việc thực hiện dự án bảo vệ và phát triển vùng
đất ngập mặn, tình hình tăng độ che phủ rừng ngập mặn, sự biến động của thị trường hàng hóa
nông thủy sản, sự di dân và tái định cư, biến động thời tiết, dịch cúm gia cầm, dịch bệnh
tôm... Những biến đổi này tác động (tích cực hay tiêu cực) đến đời sống, các hộ gia đình trong
vùng và thúc đẩy họ phải thực hiện những thay đổi linh hoạt trong chiến lược sinh kế. Những
thay đổi trong chiến lược sinh kế của hộ gia đình vùng ngập mặn là khá đa dạng, trong khuôn
khổ bài viết này chỉ đề cập đến một số nội dung sau: (a) sự đa dạng hoá nghề nghiệp và nguồn
thu nhập; (b) sự thay đổi việc làm; (c) sự điều chỉnh các nguồn lực tài nguyên, tài chính như
đất đai, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, vay vốn; (d) làm thuê...
1. Đa dạng hóa nghề nghiệp và nguồn thu nhập.
Đa dạng hoá nghề nghiệp và nguồn thu nhập là một chiến lược sinh kế phổ biến đối với
các hộ gia đình thuộc khu vực kinh tế kém phát triển. Trong vùng ngập mặn, chiến lược sinh kế
này cũng phổ biến ở hầu hết mọi nhóm xã hội. Nó thể hiện ở sự gia tăng số nghề chính, số nguồn
thu nhập của các gia đình, và sự phát triển nghề phụ.
Chiến lược này được thúc đẩy bởi các yếu tố thể chế, điều kiện tự nhiên và là
chiến lược phối hợp sử dụng hiệu quả các nguồn lực lao động, tài nguyên, tài chính của
các hộ gia đình.
Theo kết quả khảo sát, số nguồn thu nhập trung bình của hộ gia đình là 2,32. Đối với
một vùng kinh tế kém phát triển, hầu như không có công nghiệp, như vùng ngập mặn, số
nguồn thu nhập bình quân như vậy thể hiện tính đa dạng cao. Các tỉnh Sóc Trăng và Cà
Mau có số nguồn thu nhập bình quân cao hơn 2 tỉnh còn lại (2,45 và 2,37 so với 2,15 và
2,20).
Có quan hệ tỷ lệ thuận giữa số nguồn thu nhập với thu nhập là thu nhập và mức sống.
Nhóm thu nhập thấp nhất có số nguồn thu nhập bình quân thấp nhất (2,05) trong khi nhóm thu
nhập cao có số nguồn thu nhập bình quân cao hơn. Nhóm thu nhập cao nhất có số nguồn thu
nhập là 2,62.
Chiến lược đa dạng hóa nguồn thu nhập ở mọi nhóm xã hội là sự thích ứng với những
rủi ro ngày càng nhiều trong khu vực sản xuất nông, thủy sản trong điều kiện chuyển sang
kinh tế thị trường. Nhiều hộ nông dân chưa tiếp cận được với thông tin thị trường và thiếu
kiến thức kỹ thuật, vì vậy hiệu quả sản xuất của họ còn bấp bênh. Họ chưa có chiến lược kinh
doanh lâu dài, lựa chọn cây trồng theo giá cả lên xuống của thị trường và vì vậy mức độ rủi ro
và thua lỗ khá cao.
“Nhà tôi có khoảng 20 công đất, nói chung là cũng gặp khó khăn. Cũng đã chuyển sản xuất
được 4 lần rồi. Đầu tiên là trồng cây thuốc cá, nhưng cây này không có giá. Rồi trồng mía, nhưng
Nguyễn Xuân Mai
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org
61
đến mùa thu hoạch thì bán một công có 600 đến 700 ngàn đồng; nhiều lúc kêu đốn cho không mà
cũng không ai đốn cả, nên nản quá không trồng mía nữa, chuyển sang trồng nhãn. Trồng nhãn thì
bán một ký một ngàn mấy hai ngàn, không đủ vốn nên cuối cùng chuyển sang nuôi tôm. Nuôi tôm
thì thắng được một năm, lời 100 triệu; còn năm nay thì ì ạch, có thể lỗ vốn hoặc huề; mà huề thì
cũng như lỗ vốn. Điều kiện làm ăn của bà con ở đây hiện giờ khó khăn lắm. Làm nông nghiệp thì có
năng suất đấy, nhưng giá cả thì không đảm bảo” (Phỏng vấn người dân xã An Thạnh Nam, Sóc
Trăng).
Những kinh nghiệm đắt giá đó buộc phần lớn hộ gia đình vùng ngập mặn phải đa
dạng hoá nguồn thu nhập nhằm sử dụng tối ưu các nguồn lực cuả gia đình để gia tăng thu
nhập, đảm bảo các nhu cầu cuộc sống và đương đầu với các thách thức của thị trường và
thiên tai, dịch bệnh..
Số nghề chính bình quân hộ gia đình toàn mẫu là 3,16. Với số lao động bình quân hộ là
3,18, hầu như mỗi lao động hộ gia đình có một nghề chính riêng. Điều đó vừa phản ánh chiến
lược đa dạng hoá, vừa biểu thị sự vận dụng tối đa nguồn lao động của mỗi hộ gia đình. Nhóm
nào có số lượng lao động cao thì có số nghề chính cao. Dân tộc Khơme (3,32) có số nghề bình
quân hộ cao hơn Kinh (3,10) và Hoa (3,14). Các nhóm yếu thế như mù chữ (3,48), Khơme
(3,32) có số nghề chính bình quân cao, do có số người có khả năng lao động trong hộ cao.
Nhóm thu nhập thấp nhất có chỉ số này (2,05) thấp hơn 2 nhóm thu nhập cao nhất (2,62 và 2,42)
bởi có số người có khả năng lao động trong hộ thấp hơn. Như thế, đa dạng hóa nghề nghiệp
không chỉ có ở các nhóm nghèo và nhóm yếu thế, mà ở mọi nhóm xã hội của vùng ngập mặn.
Mức độ đa dạng hóa tùy thuộc vào số lao động trong gia đình và cả vào những nguồn lực khác
như đất canh tác, mặt nước nuôi trồng thủy sản, ghe thuyền, tài chính, nguồn lợi ven biển. Có
thể do hoạt động nghề nghiệp chính của vùng là sản xuất nông, thủy sản chịu nhiều rủi ro bởi
biến động thị trường, dịch bệnh... nên đa dạng hóa nghề nghiệp đã trở thành chiến lược phòng
chống rủi ro chính của các hộ gia đình vùng ngập mặn.
Bảng 1: Số nguồn thu nhập bình quân hộ gia đình (%)
Số hộ khảo sát Số nguồn thu nhập bình
quân
Tổng số mẫu 947 2,32
Theo nhóm thu nhập
+ Nhóm 1 (nghèo nhất) 187 2.05
+ Nhóm 2 192 2.10
+ Nhóm 3 190 2.39
+ Nhóm 4 188 2.42
+ Nhóm 5 (giàu nhất) 190 2.62
Việc làm phụ (hay nghề phụ) là một chỉ báo về xu hướng đa dạng hoá nghề nghiệp và
nguồn thu nhập của các hộ gia đình, đặc biệt đối với các hộ nghèo. Nghề phụ thể hiện chiến lược
sinh kế linh hoạt, tận dụng vốn lao động, cùng các nguồn vốn tài nguyên, tài chính, vị thế nhà ở
(dùng cho buôn bán dịch vụ)... trong gia đình để gia tăng thu nhập.
Số nghề phụ bình quân hộ trong toàn mẫu là 0,91. Các nhóm yếu thế có số nghề phụ
bình quân hộ khá cao như nhóm Khơme 1,06, nhóm chưa biết chữ 1,17. Điều này cho thấy nghề
phụ khá quan trọng trong việc đảm bảo và gia tăng nguồn thu nhập cho các nhóm yếu thế. Các
Chiến lược sinh kế của hộ gia đình vùng ngập mặn các tỉnh phía Nam
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org
62
nhóm có số nghề phụ bình quân cao là những nhóm có số người có khả năng lao động bình
quân cao. Bên cạnh đó hoạt động nghề phụ còn có thể phụ thuộc vào một số nguồn vốn vật chất
hay tài nguyên khác như đất nông nghiệp, ao hồ, công cụ sản xuất, vốn, nguồn lợi tự nhiên, khu
vực sinh sống...
Nông nghiệp là nghề phụ chiếm trên một phần ba số người được hỏi (35,7%), một tỷ
lệ xấp xỉ (35,2%) thuộc về ngư nghiệp, trong đó chủ yếu là nuôi tôm. Buôn bán, dịch vụ và
tiểu thủ công là nghề phụ, có một tỷ lệ đáng kể là 14,1%.
Hai phần ba (73,9%) nghề phụ do nông dân tự tạo việc làm (một sự chủ động của hộ gia
đình nhằm khai thác các nguồn lực sẵn có của mình để tăng thu nhập), sau đó là làm thuê thời vụ
(15,2%), mà chủ yếu do người nghèo đi làm (hơn một nửa số người làm thuê thời vụ). Làm thuê
phi nông nghiệp là không đáng kể (3,0%), do bản thân lĩnh vực ngành nghề sản xuất phi nông
nghiệp rất kém phát triển ở các xã trong vùng.
Những nhóm nghèo, Khơme, hộ mù chữ, hay hộ tái định cư có xu hướng làm nghề
phụ là đánh bắt thuỷ sản, chủ yếu sử dụng công cụ đơn giản đánh bắt vùng nước ngập mặn
hay ven biển.
Nhìn chung, chiến lược đa dạng hóa sinh kế vùng ngập mặn trước hết là dựa trên cơ sở
nguồn vốn lao động, sau đó là việc tận dụng các nguồn lực khác của hộ và cộng đồng.
2. Thay đổi việc làm
Thay đổi việc làm là bộ phận quan trọng trong chiến lược sinh kế linh hoạt của các hộ
gia đình vùng ngập mặn. Tại đây, sự thay đổi việc làm của lao động chính trong gia đình
trong thời gian 2000-2005 diễn ra ở gần một phần năm số hộ (19,3%), chủ yếu là chuyển sang
nghề nuôi tôm và buôn bán dịch vụ. Đây là những nghề có khả năng sinh lợi cao trong vùng,
cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và thuỷ lợi. (Bảng 2). Các nhóm thu nhập đều
có xu hướng giảm nghề nông (do lợi nhuận thấp) và đánh bắt thuỷ sản (do cạn kiệt nguồn lợi
ven biển), gia tăng nghề nuôi trồng thủy sản và nghề buôn bán dịch vụ. Nhóm thu nhập thấp
nhất (nhóm 1) có mức giảm mạnh mẽ nghề nông (từ 52% xuống 8,7%), tăng cao nghề nuôi
trồng thủy sản (từ 8,7% lên 39,1%) và nghề buôn bán dịch vụ (4,3% lên 26,1%).
Nhóm hộ tái định cư có xu hướng giảm tỷ lệ hộ đánh bắt thuỷ sản xuống một nửa (từ
37,5% xuống 16,7%), do di dời xa khu vực đánh bắt và tăng gấp 8 lần số hộ buôn bán dịch vụ
(4,2% tăng lên 34,6%). Dường như sự phát triển đồng bộ các khu tái định cư (vốn vật chất) và
lợi thế của sự tập trung dân cư (vốn xã hội ) đã tạo cơ hội thị trường để chuyển nghề (buôn
bán dịch vụ) cho các hộ tái định cư.
Bảng 2: Những thay đổi việc làm của người lao động (%)
Nông nghiệp Nuôi trồng
thuỷ sản
Đánh bắt thuỷ
sản
Buôn bán dịch
vụ
Năm 2000 2005 2000 2005 2000 2005 2000 2005
Tổng mẫu 37,2 13,2 15,5 38,0 16,3 6,2 13,2 30,2
Theo nhóm thu
nhập
+ Nhóm 1 (nghèo
nhất)
52.2 8.7 8.7 39.1 17.3 8.7 4.3 26.1
Nguyễn Xuân Mai
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org
63
+ Nhóm 2 28.6 14.3 9.5 33.3 28.6 14.3 9.5 33.3
+ Nhóm 3 27.6 10.3 20.7 27.6 10.3 0.0 17.2 34.5
+ Nhóm 4 34.4 15.6 21.9 37.5 18.8 9.4 15.6 34.4
+ Nhóm 5 (giàu
nhất)
45.8 16.7 12.5 54.2 8.3 0.0 16.7 20.8
Sự thay đổi việc làm chủ yếu là do: “việc mới có thu nhập cao hơn” (55,2% số người có
thay đổi việc làm), “việc mới thuận lợi hơn” (27,3%). Điều đó cho thấy các hộ gia đình thay đổi
việc làm trên cơ sở các cơ hội thị trường. Những lý do “chuyển nơi ở” (9,3%), “mất đất”
(4,4%), “nhà có vị trí thuận lợi” cho việc chuyển việc làm (4,9%) chỉ chiếm tỷ lệ không lớn,
nhưng cũng phản ánh những biến đổi về vốn vật chất và tài nguyên đã làm các hộ gia đình này
phải thay đổi sinh kế. Các lý do khác chiếm 29%.
Đối với những hộ tái định cư đã di chuyển, ổn định về chỗ ở thì nguyên nhân chính để
chọn việc làm khác là nhằm vào thu nhập cao hơn (83%).
3. Làm thuê
Đi làm thuê là một hoạt động nằm trong chiến lược sinh kế của nhóm nghèo thiếu thốn
các nguồn lực về đất sản xuất, phương tiện đánh bắt, vốn tài chính và vốn con người thấp.
Những người có nghề chính là làm thuê, tuy chiếm một phần nhỏ trong mẫu khảo sát (4%),
nhưng chủ yếu là người Kinh (70,7%) và 26,8% là người Khơme. Đa phần họ thuộc hộ nghèo
đói (75,7%) theo đánh giá của xã và đây là nghề chính của gần một phần tư (22,6%) lao động
nghèo. Hai phần ba số người này mù chữ hay ở trình độ tiểu học.
Nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy họ làm thuê là họ không có hay thiếu đất sản xuất (đất
nông nghiệp, lâm nghiệp và đất mặt nước nuôi trồng thủy sản). Tỷ lệ hộ nghèo không có đất
sản xuất chiếm tới 56%, so với 2 nhóm mức sống cao hơn có tỷ lệ tương ứng là 21% và 29%.
Thậm chí 15,9% hộ nghèo có đất sản xuất ở mức dưới 2000 m2 và 35,7% ở mức 2000-5000
m2. Chỉ có 7% hộ làm thuê có đất do cha mẹ để lại. Như thế một phần lớn hộ làm thuê có thể
là hộ nghèo “di truyền”.
4. Mua bán, cầm cố ruộng đất
Việc thực thi chiến lược sinh kế hộ gia đình vùng ngập mặn có liên quan mật thiết đến
các hoạt động mua, bán, cầm cố, thuê mượn đất như là một nguồn lực tài nguyên quan trọng
nhất đối với nông dân. Đó là sự chuyển đổi nguồn tài nguyên đất sang nguồn tài chính hay
ngược lại nhằm phục vụ chiến lược sinh kế mới của hộ gia đình, trước những thay đổi của
hoàn cảnh.
Những hoạt động mua bán, thuê mượn, cầm cố ruộng đất có liên quan đến hai phần
năm (40%) số hộ trong mẫu khảo sát.
a) Bán đất
Từ năm 2000 đến nay, có 44 trường hợp có bán đất (chiếm 4,6% số hộ điều tra).
Trong số này, 3 năm 2000 - 2002 có 17 trường hợp (chiếm 38,6% số trường hợp), còn trong 3
năm gần đây 2003 - 2005 có 27 trường hợp (chiếm 61,4% số trường hợp).
Trong các cuộc phỏng vấn sâu và phỏng vấn nhóm, những người tham gia phản ánh
một thực tế là: lý do tương đối phổ biến mà nhiều hộ bán đất là để giải quyết gánh nặng nợ
nần đã mắc phải khi đầu tư nuôi trồng thủy sản. “Trong ấp cũng có một ít hộ phải sang
Chiến lược sinh kế của hộ gia đình vùng ngập mặn các tỉnh phía Nam
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org
64
nhượng vuông đất. Vì làm ăn kinh tế không đạt, hoặc là nợ nhiều nên phải sang nhượng để
trang trải nợ, cho xã, cho ngân hàng”. (Thảo luận nhóm, thị trấn Cái Đôi Vàm, Cà Mau).
b) Mua, thuê, mượn đất
Đã có 137 hộ (14% mẫu khảo sát) thuê, mượn hoặc mua đất nông nghiệp, 54 hộ (5%)
thuê, mượn hoặc mua đất lâm nghiệp và 128 hộ (13%) thuê, mượn hoặc mua ao hồ, mặt nước
nuôi trồng thủy sản. Nhóm nghèo nhất (20% thu nhập thấp nhất), mà phần lớn đang thiếu hay
không có đất sản xuất, cũng thực hiện việc thuê, mượn, mua đất sản xuất với 19% số hộ trong
nhóm đang canh tác trên loại đất này. Đặc biệt có 72 hộ tái định cư (66%) và 18 hộ còn ở
vùng phòng hộ xung yếu (36%) đã thực hiện việc thuê, mượn hoặc mua các loại đất sản xuất,
chủ yếu là đất nông nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản. Như thế nhu cầu về đất sản xuất
của các hộ gia đình thuộc diện tái định cư (đã hoặc chưa di chuyển) là lớn. Mục đích mua đất
phần lớn là để làm nông nghiệp (chiếm 77,1%), trồng rừng (3,8%), làm mặt bằng sản xuất và
buôn bán (2,9%), làm nhà ở (19%).
c) Dùng đất để cầm cố, thế chấp vay nợ
Đất đai cũng được sử dụng để cầm cố, vay nợ. Từ năm 2000 đến nay, có 19 gia đình
làm việc này, chiếm 2% trong tổng số hộ điều tra. Trong đó chủ yếu vay nợ để đầu tư tiếp cho
sản xuất, sau khi bị thua lỗ trong nuôi trồng thủy sản vì dịch bệnh.
5. Kết luận:
1. Nhìn chung các hộ nông dân vùng ngập mặn đã linh hoạt sử dụng tối đa những
nguồn lực họ có trong tay để mưu sinh, đặc biệt các nguồn lực lao động, đất đai, cũng như tận
dụng những tác động thuận lợi từ bên ngoài như dự án bảo vệ và phát triển vùng đất ngập mặn
ven biển, thể chế, cơ hội thị trường, cơ sở hạ tầng Điều đó cho phép 44,9% hộ gia đình đã
gia tăng và 27,7% vẫn giữ được sự ổn định mức sống. Việc tiếp cận các nguồn lực bên ngoài
như thông tin thị trường, vốn tín dụng, đào tạo kỹ năng sản xuất, dù có nhiều thuận lợi hơn
trước đây nhưng vẫn còn những hạn chế, cũng như nguồn lực nội tại còn khan hiếm, nên trên
một phần tư số hộ (26,8%) đã bị suy giảm mức sống trong 3 năm (2003 - 2005).
2. Các nhóm yếu thế (nghèo, Khơme, nhóm tái định cư, mù chữ) có nguồn lực vật chất,
tài nguyên, tài chính rất hạn chế nên chiến lược sinh kế của họ chủ yếu là sử dụng tối đa nguồn
lực lao động và khai thác nguồn lợi ven biển để đa dạng hóa nguồn thu nhập. Tỷ lệ người làm
nghề đánh bắt ven bờ của nhóm nghèo và nhóm Khơme khá cao (15% và18%). Họ có thể làm
gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên vùng ngập mặn, mất đi sự đa dạng sinh học. Điều đó
sẽ đe dọa tính bền vững cả về mặt xã hội lẫn môi trường của vùng ngập mặn. Việc tìm kiếm
nguồn sinh kế thay thế đối với hai nhóm này là vấn đề cấp thiết hiện nay. Mặt khác, trình độ
học vấn quá thấp của các nhóm yếu thế như 22,3% nhóm nghèo, 26% nhóm Khơme từ 10 tuổi
trở lên chưa biết chữ và tỷ lệ trẻ em 6-18 không đi học cao (33,8% Khơme và 24,8% Kinh) ở
vùng này, cho thấy đây là trở ngại lớn để xóa nghèo trước mắt và trong dài hạn.
3. Có thể xem xét giải quyết các đề xuất sau đây nhằm hỗ trợ cho người dân, đặc biệt
các nhóm yếu thế ở vùng ngập mặn tiếp cận và sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn lực
của hộ gia đình và cộng đồng:
• Thực hiện qui hoạch sản xuất vùng, đặc biệt chú ý đến ngành thủy sản như là một
ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Tăng cường cơ sở hạ tầng sản xuất và xã hội, bao gồm cả các hệ
thống cung cấp giống, khuyến nông, bảo vệ cây trồng vật nuôi, bảo hiểm sản xuất... nhằm làm giảm
thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất nông thủy sản.
Nguyễn Xuân Mai
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org
65
• Nghiên cứu giải quyết vấn đề đất sản xuất cho các hộ thiếu hay không có đất
sản xuất theo CT134... Xem xét lại giá đền bù đất, thay đổi hình thức đền bù đất, cho người
dân tái định cư được nhận đất thay vì nhận tiền.
• Tăng cường cung cấp vốn tín dụng, đặc biệt đối với hộ nghèo, hộ bị thua lỗ vì
dịch bệnh, thiên tai, nhóm yếu thế khác để xoá nghèo bền vững, kết hợp với các hoạt động
khuyến nông, khuyến ngư. Hạn chế tình trạng bán hay cầm cố ruộng đất vì nghèo khổ và thiên
tai dịch bệnh bằng các hình thức tín dụng hay hỗ trợ khác.
• Cần tăng thêm các mô hình trình diễn thích hợp với từng địa phương, đảm bảo
năng suất và tính đa dạng, phù hợp với chiến lược sinh kế đa dạng hoá nghề nghiệp và đa
dạng hoá nguồn thu nhập của các hộ gia đình, đặc biệt cần phù hợp với chiến lược sinh kế của
các nhóm yếu thế.
• Cung cấp thường xuyên các thông tin thị trường nhằm giúp các hộ có quyết
định kinh tế đúng, không làm theo phong trào.
• Cần chú ý khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt khu vực tư nhân phát
triển công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ hải sản tại vùng dự án, nhằm tạo thêm việc làm,
đảm bảo đầu ra thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm.
• Tăng cường đầu tư và truyền thông cho việc bảo vệ và phát triển rừng ngập
mặn và đa dạng sinh học nhằm phát triển bền vững và tăng thêm nguồn thu nhập cho các hộ
nghèo.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- so3_2007_nguyenxuanmai_7008.pdf