Tài liệu Chiêm Bái và Giải thiêng qua hình tượng Nguyễn Trãi trong tiểu thuyết Vạn xuân của Yveline Feray: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 62 (02/2019) No. 62 (02/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
19
CHIÊM BÁI VÀ GIẢI THIÊNG QUA HÌNH TƯỢNG NGUYỄN TRÃI
TRONG TIỂU THUYẾT VẠN XUÂN CỦA YVELINE FERAY
Prayers and normalization through Nguyen Trai image
in Van Xuan novel written by Yveline Feray
ThS. Trần Thị Nhật
Trường Đại học Sài Gòn
Tóm tắt
Chiêm bái và giải thiêng là hai xu hướng xây dựng thành công hình tượng Nguyễn Trãi trong tiểu thuyết
Vạn xuân của Yveline Féray. Vạn xuân hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp một cách hài hòa, nhuần
nhuyễn giữa tư duy duy lí và hiện đại của phương Tây với lớp khói sương của tư duy huyền thoại nặng
trĩu ưu tình của phương Đông trong xây dựng hình tượng người anh hùng.
Từ khóa: Giải thiêng, huyền thoại, hình tượng, Nguyễn Trãi, Vạn xuân.
Abstract
Prayers and normalization are two trends that succes...
7 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 381 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chiêm Bái và Giải thiêng qua hình tượng Nguyễn Trãi trong tiểu thuyết Vạn xuân của Yveline Feray, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 62 (02/2019) No. 62 (02/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
19
CHIÊM BÁI VÀ GIẢI THIÊNG QUA HÌNH TƯỢNG NGUYỄN TRÃI
TRONG TIỂU THUYẾT VẠN XUÂN CỦA YVELINE FERAY
Prayers and normalization through Nguyen Trai image
in Van Xuan novel written by Yveline Feray
ThS. Trần Thị Nhật
Trường Đại học Sài Gòn
Tóm tắt
Chiêm bái và giải thiêng là hai xu hướng xây dựng thành công hình tượng Nguyễn Trãi trong tiểu thuyết
Vạn xuân của Yveline Féray. Vạn xuân hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp một cách hài hòa, nhuần
nhuyễn giữa tư duy duy lí và hiện đại của phương Tây với lớp khói sương của tư duy huyền thoại nặng
trĩu ưu tình của phương Đông trong xây dựng hình tượng người anh hùng.
Từ khóa: Giải thiêng, huyền thoại, hình tượng, Nguyễn Trãi, Vạn xuân.
Abstract
Prayers and normalization are two trends that successfully depict the image of Nguyen Trai in the novel
of Van Xuan by Yveline Féray. Van Xuan attracts readers due to the harmonious and flexible
combination between the rational and modern thinking of the West with the legendary thought of the
East in building a hero image.
Keywords: Normalization, legend, imagine, Nguyen Trai, Van Xuan.
1. Đặt vấn đề
Trong suốt một thời gian dài, nhiều nhà
tiểu thuyết lịch sử đều bước đi dưới cái bóng
của hiện thực. Theo đó, tiểu thuyết lịch sử
đậm chất truyện kể mà nhạt chất hư cấu. Với
sự khởi đầu ngoạn mục của Búp sen xanh,
tiểu thuyết lịch sử sau 1975 đã từng bước
phát triển theo một thi pháp mới: hòa quyện
giữa chiêm bái và giải thiêng, dung hòa hai
thứ cảm xúc đối lập nhau trong từng hình
tượng nghệ thuật. Chiêm bái dựa trên sự
ngưỡng vọng và huyền thoại hóa. Giải thiêng
dựa trên những tiêu chuẩn của đời thường.
Hướng thứ nhất dễ biến tác phẩm thành minh
họa chính sử, lí tưởng hóa, thần thánh hóa
nhân vật anh hùng, lãnh tụ. Hướng thứ hai,
nếu nhà văn không cao tay dễ làm tầm
thường hóa biểu tượng lịch sử và xúc phạm
niềm tin của người đọc. Trong tiểu thuyết
lịch sử, chiêm bái luôn đi liền với giải thiêng.
Hai yếu tố này có quan hệ mật thiết, bổ trợ
cho nhau, vừa thể hiện tinh thần ngưỡng
vọng, ngợi ca, vừa có cái nhìn khách quan,
đúng đắn, chân thật theo tinh thần nhân bản
về con người. Thiên về một trong hai cảm
xúc đều dễ dẫn đến cái nhìn cực đoan, làm
giảm tính chân thực của sự đa dạng, nhiều
chiều như vốn có của hình tượng nghệ thuật.
Kết hợp được hai xu hướng trái ngược nhau
là một việc làm hết sức khó khăn của các nhà
Email: tranthinhatsgu@gmail.com
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 62 (02/2019)
20
văn. Thành công của Yveline Féray trong
Vạn Xuân chính là khắc họa được một hình
tượng Nguyễn Trãi với sự kết hợp nhuần
nhuyễn của cả hai mặt đối lập tưởng như
không thể dung hòa ở trên.
2. Nội dung
Ngay từ khi ra đời, Vạn xuân đã gây
xôn xao dư luận và được giới nghiên cứu
phê bình trong nước quan tâm. Cuốn tiểu
thuyết hấp dẫn người đọc một phần bởi sự
kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tư duy
biện chứng, duy lí của phương Tây với lớp
khói sương của tư duy huyền thoại nặng
trĩu ưu tình của phương Đông. Sự kết hợp
ấy đã tạo nên một hình tượng Nguyễn Trãi
với những biểu hiện của sự kì vĩ nhưng lại
rất đời thường.
2.1. Cảm hứng chiêm bái
Nét vẽ đầu tiên về Nguyễn Trãi là
khát vọng một đất nước “vạn xuân”. Suốt
thời gian sống cuộc đời tù hãm ở Đông
Quan để chờ thời, ông đã không ngừng
“lùng sục quá khứ, bình luận hiện tại, tìm
hiểu những lí do thất bại, đánh giá những
tác nhân tạo nên chiến thắng” [6; 572].
Chính khát vọng đó đã đặt Nguyễn Trãi
vào tình thế buộc phải quan sát, đánh giá
và lựa chọn minh chủ: “Ông đã theo dõi,
tìm hiểu không biết mệt mỏi những hành
động, những ứng xử của Lê Lợi trong một
thời gian dài chỉ với mục đích xem ông ấy
có đúng là người có thể cùng mình hiện
thực hóa ước vọng lớn lao với đất nước
hay không. Nguyễn Trãi nhận ra những ưu
thế, ưu điểm của Lê Lợi trong lần đầu
tương kiến nhưng ông cũng biết mình và Lê
Lợi không thể trở thành tri kỉ, nhưng vì
hoài bão hưng quốc - yên dân ông đã tự
nguyện tòng thuộc” [4, 34]. Ngay sau khi
kháng Minh thắng lợi, ông đã phải cắn
răng vượt qua những tủi nhục khi bị Lê Lợi
dè chừng, xem nhẹ và cố tình lãng quên.
Khi những cố gắng hóa giải không thành,
ông vẫn không nản chí. Ông gửi gắm
những ước nguyện, những khát khao cháy
bỏng của mình vào công việc dạy dỗ người
có khả năng kế vị ngôi vương ngay từ tấm
bé. Mơ ước cao quý của Nguyễn Trãi cho
đến tận hơi thở cuối cùng vẫn là “đem lại
Vạn Xuân cho đất nước mãi mãi” và hi
vọng “thầm kín ấy kiên vững như ngọn đèn
tận đáy đêm đen” [6; 878]. Khao khát cháy
bỏng về một quốc gia hưng thịnh của
Nguyễn Trãi còn được thể hiện ở tình cảm
của ông đối với nhân dân. Khi mới đặt
chân vào con đường hoạn lộ, ông đã từng
phát biểu: “Chúng ta nên lưu tâm vào
những nỗi khổ mà dân đen phải chịu. Làm
sao có công bằng được khi có những người
phải sống bằng cỏ, bằng đá khi người khác
lại có đất đai trải dài tới tận chân trời, với
biết bao nô lệ, thừa thải lúa gạo” [6; 325].
Nguyễn Trãi rất lo lắng về sự cùng khốn
của dân, yêu quý và có một niềm tin mãnh
liệt vào dân. Với ông, dân chính là cội
nguồn của mọi sức mạnh. Phát biểu của
ông đã chạm vào cái quan niệm cố hữu của
giới quan lại, vua chúa: mọi thứ đều do vua
ban, bề tôi, dân chúng chỉ là kẻ hưởng lộc.
Vì vậy, họ có một nguyên cớ to lớn để thù
ghét ông. Cả cuộc đời của Nguyễn Trãi đã
tận hiến cho một đất nước của nhân dân.
Ông không mang trong mình khát vọng
công danh thông thường. Khát vọng đó
được cụ thể hóa bằng những phân tích thấu
đáo về chế độ, những nhận định đúng đắn,
sâu sắc về thời thế. Cái chết của ông là
biểu hiện sự bế tắc của khát vọng về một
chính thể vị dân vượt trước thời đại. Tác
phẩm một lần nữa khiến người đọc yêu
mến, kính phục và đau xót cho Nguyễn
Trãi bởi người anh hùng đã dành trọn cả
đời mình để chống lại những định chế
khinh dân của thể chế chính trị đương thời.
Nét vẽ thứ hai, Nguyễn Trãi là một
thiên tài hiếm có, văn võ song toàn.
TRẦN THỊ NHẬT TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
21
Yveline cũng đã xây dựng thành công hình
tượng Nguyễn Trãi với những phẩm chất
của một nhà chính trị kiệt xuất. Ông có
quan điểm thân dân, vị dân rất tiến bộ.
Những phát biểu của ông, dù trực tiếp
trước quần thần, đối thoại với người thân,
với tiền nhân, giáo huấn học trò (kể cả học
trò là thiên tử), hay kí thác qua những soạn
thảo về địa lí, âm nhạc thì nội dung nổi bật
của nó vẫn thống nhất ở quan điểm vị dân.
Điểm độc đáo siêu việt trong ý thức chính
trị là ở chỗ, Nguyễn Trãi đã nhìn thấu tai
họa của các vương triều: tất cả những thảm
kịch đều có căn nguyên là những khổ ải mà
dân đen phải chịu đựng. Vì thế, ông chủ
trương “phải nhổ hết gốc rễ tai họa đó là
nỗi bất hạnh tận cùng của dân đen” [6;
325]. Đây là điểm khác biệt rất lớn của Vạn
xuân so với các tác phẩm cùng thời viết về
Nguyễn Trãi như Hội thề (Nguyễn Quang
Thân), Vằng vặc Sao Khuê (Hoàng Công
Khanh).v.v. Bên cạnh những biểu hiện về
tư tưởng vượt trước thời đại, Nguyễn Trãi
còn được Yveline khắc họa thành công ở
khía cạnh là một con người có khả năng, tư
tưởng và chiến lược ngoại giao hết sức tân
kì. Đó là cách thức “tác động đến trái tim
quân địch để chúng quy hàng” và “việc
tiêu diệt dục vọng xâm lược của kẻ thù còn
quan trọng hơn chỉ lo tàn sát chúng nó”
[6; 727,729]. Bằng sự thấu triệt lịch sử và
đời sống nhân sinh, Nguyễn Trãi đã tạo
nên nghệ thuật ngoại giao“chiến trường
không tiếng súng”, hay nói cách khác là
“chiến tranh trong hòa bình”, dùng ngòi
bút tâm công để góp phần làm nên chiến
thắng 15 vạn quân Minh xâm lược, mở ra
một triều đại mới cho lịch sử nước nhà.
Chiến lược và nghệ thuật ngoại giao mà
Nguyễn Trãi xây dựng có thể coi đó là
những cơ sở căn bản nhất của một phong
cách ngoại giao đặc trưng của nước Việt
hiện đại. Cụ thể, khi tiếp xúc với tướng
Thái Phúc - một nhân vật “có nét duyên
dáng của một phụ nữ kèm theo nét kiêu kì
của một chúa tể rừng xanh” [6; 834],
Nguyễn Trãi đã rất rạch ròi trong sự phân
biệt giữa cá nhân với đế chế. Ông sớm
nhận ra sự khác nhau rất lớn giữa những
con người có trí tuệ trác tuyệt như Thái
Phúc với đám tham tàn như Vương Thông,
Liễu Thăng, Mã Kì, Phương Chính.v.v. Từ
đó, một chiến thuật phân hóa, mưu phạt
tâm công ra đời. Khối sức mạnh khổng lồ
của kẻ địch bị bong ra, nứt thành từng
mảng lớn và dần dần phân rã. Bên cạnh đó,
Nguyễn Trãi còn đanh thép tuyên bố
“mệnh trời” trong ý chí giữ vững biên
cương bờ cõi. Nó đã làm cho kẻ xâm lược
dần nản chí trước quyết tâm giữ nước
không gì lay chuyển được của người dân
Việt. Ông chỉ ra rằng, người Trung Hoa đã
ứng xử không đúng đạo người quân tử nên
họ thật đáng thương vì tự biến mình thành
nạn nhân chiến tranh bởi chính sự hiếu
chiến của một số kẻ cầm đầu. Vừa mềm
dẻo vừa rắn rỏi, Nguyễn Trãi đã khiến Thái
Phúc kinh ngạc: “Anh ta có cái khả năng
đáng sợ là có thể dẫn dụ kẻ khác đến cái
anh ta muốn mà họ không hay biết. Mọi lời
lẽ anh ta mang đầy tính đạo đức thích đáng
có tác dụng cảm hóa tâm hồn kẻ thù địch
nhất đối với anh ta” [6;434].
Nét vẽ thứ ba, Nguyễn Trãi là sự kết
tinh của trí tuệ, nhân cách và tâm hồn
Việt. Yveline đã phát hiện trong con người
Nguyễn Trãi có sự kết hợp nhuần nhị của
văn hóa thanh lịch chốn kinh kì và văn hóa
thôn dã bình dị của vùng quê bán sơn địa
Côn Sơn. Ông hiện ra trên trang viết như
một hình mẫu văn hóa đa dạng, kết tinh
của những giá trị đỉnh cao. Đó là sự đạo
mạo, tinh tế, cốt cách thanh cao của một
nhà nho. Đó là sự từ bi hỉ xả của một phật
sĩ. Đó là sự hòa mình cùng thiên nhiên vạn
vật của triết học Lão - Trang. Tâm hồn và
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 62 (02/2019)
22
phong thái của Nguyễn Trãi tỏa rạng cốt
cách tinh hoa Việt. Cốt cách ấy ảnh hưởng
rất lớn đến quá trình kiến tạo một hình hài
văn hóa dân tộc. Đằng sau công việc viết
lại lịch sử kháng chiến chống quân Minh
(Thiên kí sự Lam Sơn), soạn những nội
dung để dạy cho vị quân vương trẻ tuổi
(Dư địa chí), điều chỉnh và sửa lại lễ
nhạc là một tấm lòng yêu nước vô hạn
của Nguyễn Trãi. Ông đã ý thức một cách
sâu sắc và làm hết sức mình nhằm khôi
phục, làm mới những giá trị tinh túy của
nền văn hóa đất nước. Vạn xuân đã thể
hiện thành công một Nguyễn Trãi ý thức
cao độ về giá trị của nghệ thuật văn
chương. Văn chương với Nguyễn Trãi
trước hết là thực hiện bổn phận đối với đất
nước. Sau khi chấp nhận thách đấu văn
chương với Thái Phúc, “Khắp nơi tôi đều
nghe người ta ca tụng rằng văn chương thơ
phú của anh sánh ngang Đỗ Phủ. Anh có
thể làm một bài thơ trước mặt tôi ngay bây
giờ không” [6, 425], Nguyễn Trãi đã làm
cho ông ta kinh ngạc: “Tôi dù có mắt
nhưng không nhận ra núi Thái Sơn. Tôi vô
cùng khâm phục trước tài nghệ xuất chúng
và tài làm thơ nhanh như chớp của anh”;
“bài thơ mang nét chữ của một khả năng trí
thức, một tinh thần siêu việt. Câu thơ đúng
niêm luật một cách sít sao”; “văn chương
sánh ngang Đỗ Phủ” [6; 425]. Dẫu sáng tạo
văn chương của Nguyễn Trãi không đặt
mục đích làm nghệ thuật lên hàng đầu
nhưng tài năng thiên bẩm đã tỏa rạng trong
rất nhiều tác phẩm. Người thưởng thức tài
hoa như Thái Phúc đã không tiếc lời khen
dành cho bài thơ của Nguyễn Trãi. Những
áng văn chính luận, những bức thư thuyết
hàng cũng như thơ ca của Nguyễn Trãi
luôn xoay quanh cái lõi của triết lí nhân
sinh. Trong con mắt Lê Lợi, những bức thư
của Nguyễn Trãi sánh bằng cả một đạo
quân. Sức mạnh chinh phục lòng người
trong văn chương Nguyễn Trãi chính là
nhân nghĩa. Xuyên qua bao lớp bụi thời
gian và rào cản văn hóa, Y.Féray đã soi
chiếu nhân vật của mình từ nhiều góc nhìn
khác nhau. Dưới ngòi bút của ông, Nguyễn
Trãi hiện lên như một biểu tượng của sự
tinh túy trong tâm hồn Việt. Điều đó cho
thấy, tác giả của Vạn xuân đã thâm nhập và
đồng cảm sâu sắc với những tiếng lòng tự
đáy trái tim Nguyễn Trãi đến mức nào. Từ
góc nhìn của hiện tượng liên văn bản,
chúng ta thấy, Yveline đã rất khéo léo
trong việc gợi ra cho người đọc cả một thế
giới tâm hồn Ức Trai cuồn cuộn như nước
triều dâng trong khối tác phẩm đồ sộ mà
ông để lại cho hậu thế.
2.2. Cảm hứng giải thiêng
Trong cảm hứng giải thiêng, hình
tượng Nguyễn Trãi được khắc họa qua
những bi kịch của từng giai đoạn: thời
chiến tranh và thời hậu chiến. Trong đó, bi
kịch thời hậu chiến mang “khuôn mặt của
con người hiện đại”.
Bi kịch thường thấy trên chính
trường lịch sử là nghịch lí của sự sủng ái.
Yveline đã đặt Nguyễn Trãi vào trong
những thử thách khắc nghiệt. Cái khắc
nghiệt lớn nhất đến từ sự hiềm tị của lòng
người. Tài năng kiệt xuất trên nhiều mặt,
đó vừa là một điểm mạnh nhưng cũng là
một bất lợi cho ông trong quan hệ với đồng
đội, kể cả với Lê Lợi. Trong lúc được sủng
ái, thỏa sức cống hiến tài năng, thực hiện
hoài bão của mình đối với quốc - dân,
Nguyễn Trãi đồng thời gặp không ít bi
kịch. Những đồng liêu như Nguyễn Mộng
Tuân, Phạm Văn Xảo, Lê Lợi đều không
ưa Nguyễn Trãi. Lê Sát, Lê Vấn căm ghét
ông. Họ sợ sự ảnh hưởng và uy tín ngày
càng cao của ông. Nhưng trên hết, tất cả
bọn họ đều thẹn vì mình không thể sánh
với ông về tài năng và đức độ. Nguyễn Trãi
trở thành một con người vô cùng cô đơn
TRẦN THỊ NHẬT TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
23
ngay giữa chốn thiên triều, một chiến binh
đơn độc trên khắp mọi nẻo đường của cuộc
chiến chống quân tham tàn và xu nịnh. Dù
vậy, ông vẫn sẵn sàng chấp nhận mặt trái
của sự sủng ái. Bởi trong Nguyễn Trãi,
“Ngoài chung mọi chốn đều thông hết –
Bui một lòng người cực hiểm thay” (Thuật
hứng thứ 14) chẳng thể sánh được khát
vọng cháy bỏng của mình về một đất nước
phồn vinh bền vững như tâm sự của chính
ông trong Bình ngô đại cáo: “Xã tắc từ đây
vững bền – Giang sơn từ đây đổi mới –
Càn khôn bĩ rồi lại thái – Nhật nguyệt hối
rồi lại minh”.v.v.
Bi kịch đau đớn nhất của người anh
hùng Nguyễn Trãi là thất sủng và nỗi
giằng xé tâm can. Sau cuộc khởi nghĩa
Lam Sơn, Nguyễn Trãi đang đứng ở đỉnh
cao của quyền lực và danh vọng. Hàng loạt
cải cách có lợi cho nhân dân được thi hành.
Nguyễn Trãi đã từng bước thực hiện mơ
ước của mình về một đất nước thanh bình
“dưới quyền cai trị của một bậc minh
quân” [6; 391]. Không ai tin nổi chính vào
thời điểm này ông lại rơi vào bi kịch thất
sủng. Vạn Xuân đã dựng lại hiện trường tấn
bi kịch của Nguyễn Trãi trong sự đồng cảm
sâu sắc về một nỗi đau đời hơn là nỗi đau
của một thân phận. Nguyễn Trãi bị ruồng bỏ
hai lần dưới hai vương triều nhà Lê bởi một
nguồn cơn duy nhất. Thái Tổ và Thái Tông
đều không vượt qua được nỗi ám ảnh quyền
lực tuyệt đối trước một ngôi sao rực rỡ hào
quang Nguyễn Trãi. Nỗi đau đó càng lớn
hơn khi Ức Trai đang từ đỉnh cao danh
vọng, một Thượng thư Bộ lại Kiêm
Chưởng ấn đại thần, lại bị Hoàng đế ngờ
vực, “bị tách lìa khỏi đèn sách, khỏi bao
dự tính lớn lao, bị bắt dẫn đi ban đêm và
tống giam vào ngục thất chật hẹp có lính
canh gác cẩn thận” [6; 871]; trong khi bên
ngoài, lũ nịnh thần mặc sức làm mưa làm
gió. Trong thời khắc đen bạc ấy, Nguyễn
Trãi vẫn “điềm nhiên và vô cùng kiên
nhẫn” [6; 872], vì ông tin rằng mình sẽ
vượt lên tất cả những thăng trầm để đem tài
năng phụng sự đất nước. Hai lần cáo quan
ở ẩn là hai lần ông dằn vặt tâm can. Vì
trong con người ấy, hai chữ “nhân dân”
còn lớn hơn rất nhiều nỗi đau thân phận.
Người ra đi nhưng tâm trí vẫn còn ở lại. Ở
lại để rồi thất vọng, nhưng dù thất vọng
ông vẫn hăm hở tái xuất mỗi khi cơ hội
đến. Bởi trong ông luôn đau đáu một nỗi
niềm, sau hai mươi năm vật vã đánh đuổi
giặc Minh rồi đến hòa bình,“số phận của
nhân dân vẫn chạm đáy của nỗi bất hạnh”
[6, 978]. Và rồi ông lại thất bại. Thất bại
sau còn đau đớn và uất hận hơn thất bại
trước. Ông không thể vượt qua được bức
tường của những kẻ xu nịnh. Đơn giản, vì
hòa bình đến, những kẻ có tư tưởng hưởng
lạc, xu nịnh, hám quyền càng ngày càng
đông. Trong tình thế đó, Nguyễn Trãi như
một chiến sĩ đơn độc trước bầy sói đói. Và
khi cơ hội đến, bầy sói đó đã thừa cơ xâu
xé, buộc ông vào tội tày đình, kéo theo
những hệ lụy vô cùng to lớn cho gia đình
và dòng họ: “Nếu bị buộc là đã phạm tội
đồng lõa theo như người ta tố cáo thì dù
cho âm mưu còn trong nhen nhúm hoặc đã
bùng nổ ra, Trãi, anh em, con cái cũng như
thân thích đời thứ hai của ông chắc chắn
sẽ phải chết” [6, 872]. Nguyễn Trãi đã
mang xuống tuyền đài nỗi hận ngàn năm
(Họa phúc hữu môi phi nhất nhật – Anh
hùng di hận kỉ thiên niên), đúng như dự
cảm của chính mình trong rất nhiều thi
phẩm, bút tích mà ông đã để lại cho đời.
Trong Vạn Xuân, Yveline còn cho ta thấy
Nguyễn Trãi luôn đứng trong tình cảnh bất
như ý, không có sự dung hòa giữa khát
vọng, tài năng với cuộc đời. Là một nhà
nho thanh cao, ông cũng ấp ủ ước muốn
khi không còn cơ hội với sự nghiệp hưng
quốc an dân thì quay về với thú điền viên.
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 62 (02/2019)
24
Nguyễn Trãi đã cáo quan đến ba lần,
nhưng mỗi lần đều mang theo những tâm
tư trĩu nặng. Ông sống hòa mình vào thiên
nhiên cây cỏ với cuộc sống thôn dã bình dị
của những người dân nghèo ở đất Côn Sơn.
Con người ấy, ngay từ đầu đã không màng
danh lợi nên thanh thản với cuộc sống
thanh bần. Nhưng “cuộc sống gia đình
chật hẹp nhỏ nhoi không xứng đáng với
tâm trí rộng lớn, tài năng sáng chói bao la
của một người như chàng” [6; 898]. Điều
đó giải thích vì sao, cứ hễ khi nào triều
đình cần đến là ông lại khăn gói tới kinh
thành. Nguyễn Trãi là chủ nhân của Côn
Sơn nhưng số mệnh của ông không chỉ để
dành cho Côn Sơn, mà cho cả dân tộc. Bi
kịch của Nguyễn Trãi là bi kịch của thời
đại hiện thân trong số phận của một con
người lỡ vận. Sự lỡ vận ấy nhiều lần giày
vò, trêu ngươi ông. Cái chết của Nguyễn
Trãi là đỉnh điểm của sự lỡ vận ấy. Khung
trời của thời đại không đủ rộng để chứa
một nhân tài – nhân cách quá lớn. “Một thế
giới chẳng sá gì mạng sống của một bậc vĩ
nhân, một đại văn hào, một thế giới đã đối
xử với một đấng anh hùng, một cứu tinh
của Tổ quốc như đối xử với một tội nhân”
[6, 1000]. Phải chăng đây là ám ảnh không
nguôi trong trái tim của Yveline đối với
một thánh nhân bất hạnh Nguyễn Trãi.
Bi kịch ái tình - phương diện thể hiện
rõ nhất góc nhìn nhân bản, đời thường về
nhân vật Nguyễn Trãi. Chính sử không
viết nhiều về chuyện tình ái của Nguyễn
Trãi mà chỉ nhấn mạnh đến những sự biến
trong thời trai trẻ của ông. Thế nhưng,
trong dân gian lại có vô số những truyền
tụng về mối tình lệch tuổi của Ức Trai với
cô thôn nữ xinh đẹp, tài ba. Những trang
viết về đời tư của Nguyễn Trãi trong Vạn
xuân không nghiêng về nỗi buồn thương
thời trai trẻ mà dấu ấn để lại mạnh mẽ nhất
là mối tình duyên kì ngộ nhưng đầy oan
khuất với Thị Lộ. Mang chữ “đại hiếu”
trong lời cha dặn, anh chàng họ Nguyễn
mải miết với nghiệp binh đao và khát vọng
hưng quốc. Những khao khát yêu đương
tạm thời bị khuất lấp, bị lấn át để đến khi
sóng gió tạm yên, tuổi tác và sự chiêm
nghiệm chín muồi, những ẩn ức về hạnh
phúc, những khát vọng lứa đôi mới có dịp
bung vỡ và ngày càng mãnh liệt trong cuộc
chạy đua với lưng vốn thời gian ít ỏi còn
lại của đời người. Nguyễn Trãi yêu Thị Lộ
say đắm và cuồng nhiệt như ông chưa từng
được yêu, “Bên cạnh Thị Lộ: người đàn
ông đã đứng tuổi đang hứng khởi cúi
xuống bên nàng, gương mặt chàng thanh
niên tuấn tú ngày trước như bỗng tái sinh,
cặp mắt tuyệt diệu tóe lên những tia lửa lạ
thường, nụ cười đầy tinh anh, ý vị nói lên
tâm trạng đắm say của một kẻ tình si” [6;
888]. Ngòi bút của Yveline đã xoáy sâu
vào nỗi đau tình ái khi đặt Nguyễn Trãi
trong một nghịch cảnh. Chưa kịp tận
hưởng được những hương vị của tình yêu
tương ngộ trai tài – gái sắc thì đã phải đối
mặt với một sự thật rất đời thường mà cả
đời trận mạc ông chưa bao giờ gặp phải.
Nguyễn Trãi cay đắng nhận ra rằng: một
người đàn ông ngoài ngũ tuần thì không
thể có cách nào để tương hợp chuyện
giường chiếu với một người đàn bà vừa
qua trăng tròn bóng, phơi phới xuân sắc.
Ông biết mình “không thể nào làm cho Thị
Lộ được thỏa mãn trọn vẹn” [6; 894], nên
ngậm ngùi chôn chặt trong lòng mình nỗi
đau tình ái không thể thổ lộ cùng ai. Là bậc
tài trí, nhân nghĩa, Nguyễn Trãi biết mình
phải làm gì trong tình cảnh ấy. Lần thứ hai,
Nguyễn Trãi lại rời Thăng Long trong cuộc
chiến với nỗi buồn riêng. Đó là một cuộc
chạy trốn với chính mình. Côn Sơn, “trạm
dừng chân hạnh phúc cho bước chân rong
ruổi của Trãi” [6; 976], cũng không thay
thế được người phụ nữ của đời ông. Vùi
TRẦN THỊ NHẬT TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
25
đầu vào công việc để tự quên mình, “ông
đã già đi nhiều, má ông hóp lại, vai xệ
xuống, búi tóc của ông đã trắng xóa”. Dẫu
vậy, trong sâu thẳm tâm hồn, tình yêu vẫn
không ngừng dày vò ông bằng sự nhớ
nhung mãnh liệt pha lẫn ghen tuông: “Vậy
là lòng Nguyễn Trãi vẫn chưa nguội được!
Như dòng nhựa nóng tuôn chảy trong cái
thân cây già nua khô cằn, bỗng dưng Trãi
run lên, lòng ngập tràn căm giận như thể
Thị Lộ mới phản bội ông cách đây chỉ mới
vài ngày thế mà nàng đã bỏ rơi ông dễ
dàng như bỏ rơi một đôi dép!” [6; 979].
Nhiều tác phẩm hiện đại đã tái hiện mối
tình này như Đêm Lệ Chi viên của Mai
Thục, Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy,
Nguyễn Thị Lộ của Nguyễn Huy Thiệp, Tột
đỉnh tình yêu của Nguyễn Thúy Ái.v.v. Các
tác giả chủ yếu tập trung ca ngợi tài sắc của
nhân vật Thị Lộ với xu hướng giải oan cho
nàng hơn là khai thác nỗi cô đơn trong khát
vọng ái tình của người anh hùng Nguyễn
Trãi. Ức Trai hiện lên trong tác phẩm như
một khối cô đơn toàn diện. Ông đã vùng
vẫy để thoát khỏi nó nhưng càng vùng vẫy,
ông càng tuyệt vọng hơn. Thành công của
Yveline trong việc xây dựng bi kịch đời tư
của nhân vật là ở chiều sâu nhân bản, theo
góc nhìn riêng của mình. Cái bản lĩnh, táo
bạo của nhà văn đã đưa lại nỗi xúc động
sâu lắng và đầy ám ảnh cho người đọc.
3. Kết luận
Dưới ngòi bút của Yveline, Nguyễn
Trãi là vĩ nhân với sự thống nhất đến mức
nhuần nhuyễn của một chân dung lịch sử
với một chân dung nghệ thuật. Hình tượng
Nguyễn Trãi hiện lên trong Vạn xuân với
những điều khác lạ, mới mẻ: một anh hùng
tầm vóc hơn, lí tưởng hơn và cũng phức
tạp hơn những gì lâu nay ta đã hình dung.
Yveline Féray, bằng tài năng nghệ thuật
của mình đã kết hợp nhuần nhuyễn thủ
pháp chiêm bái và giải thiêng trong xây
dựng hình tượng nhân vật Nguyễn Trãi,
làm cho nhân vật hiện lên đầy đặn hơn,
chân thực hơn. Đồng thời, qua đó cũng đưa
người đọc đến với nhân vật bằng nhiều góc
nhìn, nhiều cảm thức khác nhau. Yveline
đã không trần trụi hóa Nguyễn Trãi bằng
cách giải thiêng tuyệt đối, đưa hẳn ông về
với đời thường, nhưng cũng không yêu
mến ông như yêu mến một huyền thoại đã
xa theo cách một số nhà văn đã làm. Với sự
nhạy cảm, vốn hiểu biết khá sâu rộng về
văn hóa Việt và nhân vật lịch sử của mình,
Yveline Féray đã tái tạo thành công vẻ đẹp
của một con người đã thuộc về quá khứ
mấy trăm năm, đồng thời cũng làm sống lại
một Nguyễn Trãi trần thế, mở ra cho người
đọc thấy được cõi thầm kín, sâu thẳm trong
tâm hồn Ức Trai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. M. Bakhtin (1993). Những vấn đề thi pháp
Đôtxtôiepxki, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. M. Bakhtin (2003). Lý luận và thi pháp tiểu
thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Nxb Hội Nhà
văn, Hà Nội.
3. M. Kundera (1998). Nghệ thuật tiểu thuyết,
Nguyên Ngọc dịch, Nxb Đà Nẵng.
4. Hoàng Thị Thanh Trà (2011), Hình tượng
Nguyễn Trãi trong Vạn Xuân của Yveline
Feray, Thư viện Đại học Vinh.
5. Tzvetan Todorov (2004). Thi pháp văn
xuôi, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch,
Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
6. Yveline Féray (2004), Vạn Xuân, Nguyễn
Khắc Dương dịch, Nxb Văn học &
Sudestasie, Hà Nội.
Ngày nhận bài: 14/01/2019 Biên tập xong: 15/02/2019 Duyệt đăng: 20/02/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 66_6498_2214971.pdf