Tài liệu Chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai năm 2018: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 2 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 31
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN
Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ
TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỒNG NAI NĂM 2018
Hoàng Thị Tuyết Nhi*, Tô Gia Kiên*
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Chất lượng cuộc sống rất quan trọng trong nghiên cứu về đái tháo đường (ĐTĐ). CLCS của
bệnh nhân ĐTĐ giảm so với những người không mắc ĐTĐ ở cùng độ tuổi và giảm nhiều hơn khi bệnh tiến triển
và xuất hiện biến chứng. Tỷ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%, khi bệnh nhân được phát
hiện thì đã có nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nghiên
cứu này xác định điểm chất lượng cuộc sống trung bình và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2
đang được điều trị ngoại trú.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 246 bệnh nhân đái tháo đường típ 2 điều
trị ngoại trú tại khoa nội tiết, Bệnh ...
7 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 07/07/2023 | Lượt xem: 277 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai năm 2018, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 2 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 31
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN
Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ
TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỒNG NAI NĂM 2018
Hoàng Thị Tuyết Nhi*, Tô Gia Kiên*
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Chất lượng cuộc sống rất quan trọng trong nghiên cứu về đái tháo đường (ĐTĐ). CLCS của
bệnh nhân ĐTĐ giảm so với những người không mắc ĐTĐ ở cùng độ tuổi và giảm nhiều hơn khi bệnh tiến triển
và xuất hiện biến chứng. Tỷ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%, khi bệnh nhân được phát
hiện thì đã có nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nghiên
cứu này xác định điểm chất lượng cuộc sống trung bình và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2
đang được điều trị ngoại trú.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 246 bệnh nhân đái tháo đường típ 2 điều
trị ngoại trú tại khoa nội tiết, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Đối tượng nghiên cứu được phỏng vấn trực tiếp
bằng bộ câu hỏi soạn sẵn sau khi đồng ý tham gia nghiên cứu. Các thông tin được thu thập là tuổi, giới tính,
trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, cân nặng, chiều cao, vòng bụng, năm phát hiện bệnh, tiền sử
gia đình, đường huyết lúc đói, bệnh kèm theo, điều trị bằng thuốc hoặc insulin. Chất lượng cuộc sống được đánh
giá bằng WHO-QOL BREF sau đó quy ra thang điểm 20, hoạt động thể lực được đánh giá bằng thang đo IPAQ.
Hồi quy tuyến tính đa biến được dùng để đánh giá các yếu tố liên quan.
Kết quả: Điểm chất lượng cuộc sống trung bình là 12,50 ± 2,02. Tuổi cao làm giảm CLCS (hệ số -0,06,
p<0,05), nam có điểm CLCS cao hơn nữ là 0,41 điểm (p<0,05), thời gian bệnh càng lâu (hệ số -0,07, p<0,05) và
đường huyết càng cao (hệ số -0,35, p<0,001) càng làm giảm CLCS. Nhóm nghề lao động chân tay có CLCS thấp
nhất (hệ số -1,06, p<0,05), hoạt động thể nặng và vừa làm tăng CLCS (p<0,001)
Kết luận: Tuổi cao, thời gian mắc bệnh, đường huyết, hoạt động thể lực liên quan đến CLCS
Từ khóa: chất lượng cuộc sống, đái tháo đường típ 2, WHOQOL- BREF, IPAQ, Đồng Nai
ABSTRACT
QUALITY OF LIFE AND ASSOCIATED FACTORS TYPE 2 DIABETES MELLITUS OUTPATIENTS AT
DONG NAI HOSPITAL IN 2018
Hoang Thi Tuyet Nhi, To Gia Kien
* Ho Chi Minh City Journal of Medicine * Supplement of Vol. 23 - No 2- 2019: 31-37
Background: Quality of life is so important in diabetes researches. Quality of life is substantially lower
among patient with diabetes than those without diabetes and even worse when complications appear. The
prevalence of diabetes undiagnosed in the community was 63.6%, when disease was detected, it had progressed
complications, worse affect to quality of life. This study determined quality of life mean score and associated
factors in type 2 diabetes mellitus outpatient.
Method: A cross-sectional study was conducted on 246 outpatients - at department of endocrinology, Dong
Nai hospital. Participants was interviewed face to face by a structured questionnaire after they agreed to
participate in. Data collected including age, gender, educational level, marital status, occupation, weight, height,
*Khoa Y Tế Công Cộng, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Tác giả liên lạc: CN. Hoàng Thị Tuyết Nhi ĐT: 039 891 0102 Email: tuyetnhi2907@gmail.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 2 * 2019
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 32
waist circumference, year of onset, family history, fasting blood glucose, comorbidities and types of treatment (oral
medication or insulin injection). Quality of life was measured using WHOQOL-BREF, then converted into 20
score transformed scale, Physical activity was measured using IPAQ short form. Multiple linear regression was
applied to assess associated factors.
Results: Quality of life mean score was 12.50 ± 2.02. Older age negatively associated with quality of life
mean score (Coef -0.06, p<-0.05), the quality of life mean score was higher in male compared to female (0.41,
p<0.05). Patients had longer years of diseases and higher level of fasting blood glucose had lower quality of life
mean score. Patients who were manual workers had lowest quality of life mean score (p<0.05). Patients who had
vigorous and moderate physical activities had better quality of life mean score (p<0.001).
Conclusion: Age, years of diseases, fasting blood glucose level and physical activity associate with quality of
life mean score.
Keywords: quality of life, diabetes mellitus type 2, outpatient treatment, WHOQOL –BREF, IPAQ
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong 10
nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu với
DALYs tăng 31% trên 100.000 dân từ 2000 đến
2015(27). Năm 2016, Tổ chức Sức khỏe Thế giới
(WHO) ước tính ĐTĐ gây ra 1,6 triệu ca tử
vong(28,29). Số người mắc ĐTĐ đã tăng từ 108
triệu người năm 1980 lên 422 triệu người năm
2014(28). Tỉ lệ bệnh ĐTĐ gia tăng nhanh hơn ở các
nước có thu nhập trung bình và thấp. Tác động
tâm lý xã hội của ĐTĐ là một trong năm yếu tố
dự báo tử vong mạnh nhất ở bệnh nhân ĐTĐ,
bên cạnh các chỉ số lâm sàng, chất lượng sống là
số đo có giá trị đánh giá kết quả điều trị và tình
trạng sức khỏe trên quan điểm của người bệnh(3).
CLCS được công nhận là một lĩnh vực quan
trọng của kiến thức khoa học, vì khái niệm CLCS
có liên quan đến sức khỏe, sự hài lòng trong các
lĩnh vực sức khỏe thể chất, tâm lý, kinh tế. Việc
sử dụng các công cụ đánh giá CLCS cho phép
đánh giá khách quan và rõ ràng hơn về tác động
toàn cầu của các bệnh mãn tính nói chung và
bệnh ĐTĐ nói riêng(11). Trên thực tế, CLCS của
bệnh nhân ĐTĐ giảm so với những người không
mắc ĐTĐ ở cùng độ tuổi(8) và giảm nhiều hơn
khi bệnh tiến triển và xuất hiện biến chứng(25).
Nghiên cứu tại Nigeria năm 2009 cho kết luận
điểm CLCS trung bình là 13,5 ± 3,2(15). Nghiên
cứu khác tại Ấn Độ năm 2014 cho biết CLCS
trung bình là 9,95 ± 2,04 điểm(7). Nghiên cứu tại
Nepal năm 2015 cho thấy điểm CLCS trung bình
là 10,8 ± 1,5 điểm(17). Tại Việt Nam, theo kết quả
của Bộ Y Tế công bố, khi so sánh dữ liệu thống
kê năm 2002 và năm 2012, tỉ lệ mắc ĐTĐ ở nước
ta tăng tới 211%, trong đó có khoảng 60% số
người mắc ĐTĐ trong cộng đồng chưa được
chẩn đoán(2). Trong 1 NC ngẫu nhiên từ 6 vùng
sinh thái trên cả nước năm 1999, ước tính
khoảng 0,7 triệu người trưởng thành từ 30 đến
64 tuổi, (2,7%) mắc ĐTĐ típ 2, trong đó có
khoảng 64,5% trường hợp mới phát hiện, và sau
10 năm tỉ lệ mắc ĐTĐ đã tăng gấp đôi là 5,4 %.
Một cuộc khảo sát khác năm 2012 cho thấy tỉ lệ
mắc ĐTĐ không được chẩn đoán là 63,6%(4). Sự
gia tăng tỷ lệ mắc ĐTĐ ở VN, đặc biệt là bệnh
ĐTĐ không được chẩn đoán, cho thấy hiệu quả
chương trình sàng lọc bệnh ĐTĐ trong cộng
đồng chưa cao, làm tăng tỷ lệ hiện mắc, tăng
gánh nặng kinh tế do mất năng suất lao động và
tốn nhiều chí phí điều trị bệnh(4,24). Đánh giá
CLCS cho bệnh nhân ĐTĐ típ 2 sẽ đánh giá
được tác động của bệnh đến sức khỏe thể chất và
tâm lý của bệnh nhân, đo lường được gánh nặng
bệnh tật của ĐTĐ mang lại cho bệnh nhân(23).
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là cơ sở chăm sóc
sức khỏe hàng đầu của tỉnh Đồng Nai, thống kê
cho thấy số bệnh nhân ĐTĐ được phát hiện và
điều trị tại đây ngày càng tăng, mỗi ngày tiếp
nhận 100-150 bệnh nhân đến khám và điều trị
ĐTĐ(14). Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định
điểm CLCS trung bình và các yếu tố liên quan
tác động đến CLCS của bệnh nhân ĐTĐ típ 2
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 2 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 33
điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Đồng
Nai năm 2018.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế và đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu cắt ngang đánh giá chất lượng
cuộc sống của 246 bệnh nhân ĐTĐ típ 2 điều trị
ngoại trú tại phòng khám nội tiết Bệnh viện đa
khoa tỉnh Đồng Nai.
Chúng tôi chưa tìm thấy nghiên cứu nào tại
Việt Nam sử dụng bộ câu hỏi WHOQOL-BREF
để đo lường CLCS của bệnh nhân ĐTĐ típ 2, vì
thế chúng tôi dựa vào nghiên cứu của tác giả BA
Kolawole và cộng sự(15). Nghiên cứu của BA
Kolawole sử dụng bộ công cụ WHOQOL-BREF
để đánh giá CLCS trên bệnh nhân ĐTĐ típ 2 với
thang điểm 20. Chúng tôi đã tính toán và chọn
độ lệch chuẩn là 3,2 vì đây là độ lệch chuẩn của
điểm CLCS trung bình và cho cỡ mẫu lớn nhất.
Sử dụng công thức tính cỡ mẫu ước lượng trung
bình, vậy cỡ mẫu tối thiểu của nghiên cứu là 246
đối tượng.
Tiêu chí chọn mẫu là người được chẩn
đoán ĐTĐ típ 2 ít nhất 6 tháng, đang điều trị
ngoại trú tại phòng khám nội tiết và đồng ý
tham gia nghiên cứu. Tiêu chí loại ra bệnh
nhân bị hạn chế về giao tiếp, không có khả
năng trả lời câu hỏi của người phỏng vấn và
bệnh nhân không trả lời được ít nhất 80% bộ
câu hỏi. Tất cả đối tượng nghiên cứu được
chọn từ tháng 4-5/2018. Nghiên cứu viên xác
định đối tượng nghiên cứu theo tiêu chí chọn
vào, loại ra bằng cách tiếp cận trực tiếp bệnh
nhân. Bệnh nhân thỏa tiêu chí chọn mẫu được
giải thích về nghiên cứu và nếu đồng ý tham
gia thì tiến hành phỏng vấn trực tiếp.
Phương pháp và công cụ thu thập số liệu
Bệnh nhân được phỏng vấn trực tiếp bằng
bộ câu hỏi soạn sẵn bao gồm 4 phần: thông tin
nền, thông tin liên quan đến bệnh, bộ câu hỏi
đánh giá chất lượng cuộc sống (WHOQOL-
BREF)(26), bộ câu hỏi về thời gian hoạt động thể
lực (IPAQ)(9). Số liệu về đặc điểm dân số xã hội
như tuổi, giới tính, năm sinh, trình độ học vấn,
tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, cân nặng (kg),
chiều cao (cm), vòng bụng (cm). Các câu hỏi về
tình trạng về bệnh như năm phát hiện bệnh, tiền
sử gia đình, đường huyết lúc đói, bệnh kèm
theo, điều trị bằng thuốc hoặc insulin. Bộ câu hỏi
đánh giá CLCS của WHOQOL-BREF gồm 26
câu, đánh giá 4 lĩnh vực (sức khỏe thể chất, tâm
lý, môi trường, quan hệ xã hội)(26). Bộ câu hỏi
đánh giá hoạt động thể lực IPAQ bao gồm 7 câu
đo lường thời gian hoạt động thể lực nặng, vừa
phải, đi bộ và thời gian nghỉ ngơi(9).
Phân tích số liệu
Phép kiểm T được dùng để xác định mối liên
quan giữa điểm CLCS với giới tính, tình trạng
hôn nhân, trình độ học vấn, béo bụng, tiền sử gia
đình, điều trị thuốc/insulin, bệnh đi kèm, các
bệnh kèm theo. Phép kiểm Anova được dùng để
xác định mối liên quan giữa điểm CLCS với
nghề nghiệp, nhóm BMI. Phép kiểm Kruskall-
Wallis được dùng để xác định mối liên quan
giữa điểm CLCS với mức độ hoạt động thể lực
(phương sai khác nhau). Phương pháp hồi quy
tuyến tính đơn biến được dùng để xác định mối
liên quan giữa điểm CLCS với tuổi, thời gian
mắc bệnh, đường huyết đói. Phép kiểm hồi quy
tuyến tính đa biến được dùng để xác định mối
liên quan giữa điểm CLCS với các biến số có p
<0,2. Số liệu được nhập liệu bằng Epidata 3.1 và
xử lý phân tích bằng phần mềm Stata 13.1. Mức
p<0,05 được sử dụng nhằm xác định ý nghĩa
thống kê.
Đạo đức nghiên cứu
Đề cương nghiên cứu đã được chấp thuận về
mặt y đức trong nghiên cứu từ Hội đồng Đạo
đức trong nghiên cứu y sinh học số 143/ĐHYD-
HĐĐĐ.
KẾT QUẢ
Có tổng cộng 290 bệnh nhân thỏa tiêu chí
chọn vào, có 265 bệnh nhân đồng ý tham gia
nghiên cứu, trong đó có 19 bệnh nhân không trả
lời đủ 80% bộ câu hỏi. Cỡ mẫu 246, tuổi trung
bình 61,7 ± 9,5.
Đa số là nữ (61,4%), học vấn từ cấp 2 trở lên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 2 * 2019
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 34
là 73,2%, đã kết hôn/sống chung là 69,1%, không
có việc làm là 63,0%, thời gian mắc bệnh có trung
vị là 9 năm, đường huyết đói có trung vị là 7,64
mmol/L, điểm CLCS trung bình là 12,50 ± 2,02.
Bảng 1. Mối liên quan giữa điểm CLCS với các đặc
tính nền (n=246)
Đặc tính Tần số
TB ± ĐLC
TV (KTV)
p
Tuổi* 246
-0,08
-0,1; -0,05
<0,001
Giới tính
Nam 95 12,84 ± 1,83 0,04
Nữ 151 12,30 ± 2,10
Trình độ học vấn
< Cấp 2 66 11,55 ± 1,81 <0,001
≥ Cấp 2 180 12,85 ± 1,98
Tình trạng hôn nhân
Độc thân 76 11,59 ± 1,92 <0,001
Đã kết hôn/sống
chung
170 12,91 ± 1,93
Nghề nghiệp
Không đi làm 155
12,24
(10,53 – 13,91)
LĐ chân tay 69
12,95
(11,01 – 13,63)
<0,001
LĐ trí óc 22
14, 72
(13,72 – 15,45)
TB: trung bình, ĐLC: độ lệch chuẩn, TV: trung vị, KTV:
Khoảng tứ vị
Theo kết quả Bảng 1, phép kiểm hồi quy
tuyến tính đơn biến cho thấy có mối tương quan
nghịch giữa điểm CLCS với tuổi, bệnh nhân tăng
1 tuổi thì điểm CLCS giảm 0,08 điểm, sự khác
biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Phép kiểm T
cho thấy điểm CLCS của nam cao hơn nữ là 0,54
điểm (p=0,04), trình độ trên cấp 2 có CLCS cao
hơn (p<0,001), những người đã kết hôn/sống
chung có CLCS cao hơn nhóm độc thân
(p<0,001), nghề nghiệp lao động trí óc có CLCS
cao nhất (p<0,001).
Theo kết quả Bảng 2, phép kiểm hồi quy
tuyến tính đơn biến cho thấy có mối tương quan
nghịch giữa thời gian bệnh và CLCS, thời gian
mắc bệnh tăng 1 năm thì điểm CLCS giảm 0,11
điểm, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,001),
có mối tương quan nghịch giữa đường huyết đói
với CLCS, đường huyết đói tăng 1 đơn vị
(mmol/L) điểm CLCS giảm 0,38 điểm, sự khác
biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,001). Không điều
trị bằng insulin có CLCS cao hơn những người
có điều trị bằng insulin là 1,06 điểm (p<0,001),
CLCS ở người không mắc bệnh đi kèm cao hơn
những người có mắc bệnh đi kèm là 1,54 điểm
(p<0,001), điểm CLCS ở người hoạt động thể lực
vừa và nặng cao hơn người hoạt động nhẹ lần
lượt là 2,76 và 2,18 điểm (p<0,001). Các biến số
như tiền sử gia đình, BMI, béo bụng, điều trị với
thuốc đều không có mối liên quan với CLCS.
Bảng 2. Mối liên quan giữa điểm CLCS với các yếu
tố liên quan đến bệnh (n=246)
Đặc tính Tần số
TB ± ĐLC
TV (KTV)
p
Thời gian bệnh 246
-0,11
-0,16; -0,07
<0,001
Đường huyết đói 246
-0,38
-0,49; -0,28
<0,001
Điều trị insulin
Có 129 12,00 ± 2,05 <0,001
Không 117 13,06 ± 1,83
Bệnh đi kèm
Có 209 12,27 ± 2,02 <0,001
Không 37 13,81 ± 1,45
Mức độ HĐTL
Nhẹ 101
11,01
(9,82 – 12,42)
Vừa 103
13,77
(12,50 – 14,90)
<0,001
Nặng 42
13,19
(12,36 – 13,79)
TB: trung bình, ĐLC: độ lệch chuẩn, TV: trung vị, KTV:
Khoảng tứ vị
Bảng 3. Mô hình hồi quy tuyến tính đa biến giữa
điểm CLCS với các yếu tố liên quan (n=246)
Đặc tính Hệ số KTC 95% p
Tuổi -0,06 -0,11: -0,003 <0,05
Giới tính (nam) 0,41 0,05; 0,82 <0,05
Nghề nghiệp
LĐ chân tay -1,06 -1,69; -0,42 <0,05
LĐ trí óc 1,02 0,16; 1,89 <0,05
Thời gian bệnh -0,07 -0,12; -0,01 <0,05
Đường huyết đói -0,26 -0,35; -0,16 <0,001
Mức độ HĐTL
Vừa phải 1,59 1,11; 2,08 <0,001
Nặng 1,91 1,15; 2,67 <0,001
KTC 95%: Khoảng tin cậy 95%
Mô hình hồi quy tuyến tính đa biến
Tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thời gian bệnh,
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 2 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 35
đường huyết đói, mức độ HĐTL có liên quan
đến CLCS. Trong đó tuổi, thời gian bệnh, đường
huyết đói có mối tương quan nghịch với điểm
CLCS. Bệnh nhân tăng 1 tuổi, điểm CLCS giảm
0,06 điểm, thời gian bệnh tăng 1 năm, điểm
CLCS giảm 0,07 điểm, đường huyết đói tăng 1
đơn vị (mmol/L), điểm CLCS giảm 0,26 điểm, sự
khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05), giới tính
nam có điểm CLCS cao hơn nữ là 0,41 điểm
(p<0,05). So với nhóm không đi làm, nhóm nghề
lao động chân tay có điểm CLCS thấp hơn 1,06
điểm, nhóm lao động trí óc lại cao hơn 1,02 điểm
(p<0,05). So với người hoạt động thể lực nhẹ,
hoạt động vừa phải và hoạt động nặng có điểm
CLCS cao hơn là 1,59 và 1,91 điểm (p<0,001).
BÀN LUẬN
Nghiên cứu này đánh giá chất lượng cuộc
sống của người mắc bệnh ĐTĐ típ 2 tại bệnh
viện tuyến tỉnh sử dụng bộ công cụ WHOQOL-
BREF. Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm CLCS
trung bình là 12,5 ± 2,02 điểm thấp hơn nghiên
cứu tại Nigeria của châu Phi là 13,5 điểm(15). Cả 2
nghiên cứu đều sử dụng chung bộ công cụ
WHOQOL-BREF thang điểm 20, hoặc nghiên
cứu tại Nepal với thang điểm 100 có điểm CLCS
trung bình là 54,01 điểm(17), nghiên cứu của Ấn
Độ là 49,74 điểm(7). Sự chênh lệch này có thể do
nhiều yếu tố liên quan đến kinh tế xã hội và hệ
thống chăm sóc sức khỏe làm ảnh hưởng đến
CLCS của bệnh nhân ĐTĐ, do đó để so sánh kết
quả cần phải xem xét theo nhiều phương diện.
Hơn nữa, bệnh ĐTĐ có một số triệu chứng ban
đầu không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của
bệnh nhân, cho nên nhiều người không tìm đến
sự chăm sóc y tế cho đến khi có thêm biến chứng
khác xuất hiện, đặc biệt ở các nước đang phát
triển như Việt Nam. Sự chậm trễ trong chẩn
đoán và điều trị làm tăng các biến chứng và
giảm CLCS của bệnh nhân(10). Một trong số
những điểm khác biệt có thể do sự khác nhau về
độ tuổi nghiên cứu, thời gian mắc bệnh trung
bình, nghề nghiệp, sự chăm sóc y tế và tự chăm
sóc. Kết quả nghiên cứu này cho thấy tuổi tăng
làm CLCS của bệnh nhân ĐTĐ thấp hơn, điều
này phù hợp với báo cáo của các nghiên cứu
trước(10,20). Có thể giả thiết rằng bệnh nhân lớn
tuổi có nhiều hạn chế trong việc chăm sóc bản
thân, nhạy cảm hơn với bệnh và nguy cơ cao
mắc nhiều biến chứng. Ngoài ra các nghiên cứu
trước cũng chứng minh được người cao tuổi dễ
mắc trầm cảm và làm giảm CLCS(13). Một mối
liên quan khác với CLCS là giới tính. Trong
nghiên cứu này, giới tính nam có CLCS cao hơn
nữ. Nữ có CLCS thấp hơn nam do có sự khác
biệt về sinh học và tâm lý, như sự mãn kinh và
sự nhạy cảm với bệnh ĐTĐ(1). Ngoài ra do sự
khác biệt về hành vi lối sống giữa nam và nữ vì
phụ nữ thường dành nhiều thời gian hơn ở nhà
dẫn đến ít hoạt động thể chất, hoặc phụ nữ có
nhiều khả năng lo âu và trầm cảm hơn, trong khi
nam giới được báo cáo là có mức độ hài lòng về
sức khỏe cao hơn và hoạt động thể chất nhiều
hơn so với phụ nữ nên CLCS cao hơn(10,19).
Nghiên cứu này cho biết thêm mối liên quan
giữa nghề nghiệp và CLCS, những người lao
động chân tay có CLCS thấp hơn các nhóm lao
động trí óc và không đi làm. Kết quả này đồng
nhất với báo cáo ở nghiên cứu trước. Điểm CLCS
thấp hơn với những người đang làm công việc
nặng nhọc, gây ra sự khó chịu và đau đớn về sức
khỏe thể chất. Thiếu thu nhập dẫn đến lo âu,
trầm cảm và chăm sóc y tế không đầy đủ. Ngoài
ra những người lao động chân tay thường có
trình độ học vấn thấp, việc thiếu kiến thức làm
cho bệnh nhân hạn chế tiếp cận với các thông tin
y tế, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe(16). Thời gian
mắc bệnh cũng được báo cáo trong nghiên cứu
này là yếu tố tương quan nghịch với CLCS, thời
gian mắc bệnh càng lâu, càng làm giảm CLCS,
kết quả này phù hợp với các báo cáo trước. Thời
gian mắc bệnh càng dài càng khó đánh giá chính
xác CLCS(18). Nguyên nhân có thể do sự kiếm
soát đường huyết có xu hướng kém hơn và thời
gian dài hơn do sự suy giảm chức năng tế bào
beta và giảm thái độ tích cực, tuân thủ điều trị
của bệnh nhân(21). Hoạt động thể chất và tập thể
dục thường xuyên là những yếu tố quan trọng
để trì hoãn sự khởi phát, điều trị bệnh và để cải
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 2 * 2019
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 36
thiện CLCS, tuổi thọ cho bệnh nhân ĐTĐ típ
2(5,6). Một nghiên cứu trước đã cho biết bệnh
nhân ĐTĐ có hoạt động thể lực thấp có tuổi thọ
ngắn hơn khoảng 0,1 đến 0,5 năm so với bệnh
nhân có mức độ hoạt động trung bình đến cao(12).
Trong nghiên cứu này cũng báo cáo kết quả
tương tự rằng hoạt động thể chất vừa và cao có
CLCS cao hơn những người hoạt động cường độ
thấp, có nhiều khả năng duy trì CLCS tổng quát
và thể chất của họ theo thời gian(22). Nhận thức
về hoạt động thể chất và điều chỉnh lối sống nên
được nâng cao ở những bệnh nhân ĐTĐ trong
giai đoạn đầu của bệnh ĐTĐ và những người có
nguy cơ cao mắc ĐTĐ(5).
Nghiên cứu này là một trong số ít những
nghiên cứu trong nước sử dụng bộ câu hỏi
WHOQOL-BREF để đánh giá CLCS của bệnh
nhân ĐTĐ típ 2. Bộ câu hỏi được sử dụng ở
nhiều quốc gia trên thế giới vì có cấu trúc đơn
giản, ngắn gọn và có tính tin cậy cao. Ngoài ra
trong nghiên cứu này, chúng tôi còn sử dụng bộ
câu hỏi IPAQ để đánh giá mức độ hoạt động thể
lực của bệnh nhân tìm ra mối liên quan với
CLCS và có kết luận hoàn toàn phù hợp với các
nghiên cứu trước. Mặt khác, sử dụng phương
pháp phỏng vấn trực tiếp trong nghiên cứu này
sẽ có những sai lệch về thông tin trong quá trình
thu thập. Ngoài ra chưa phân tích được mối liên
quan giữa CLCS với các biến chứng của bệnh
ĐTĐ vì đây là biến số gây nhiễu.
Tuổi cao, thời gian mắc bệnh, đường huyết,
hoạt động thể lực liên quan đến CLCS.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Azra M, Seyed MS, Nayyereh A, Akbar A (2017). “Clinico-
epidemiological factors of health related quality of life among
people with type 2 diabetes”. World journal of diabetes, 8 (8): 407-
413.
2. Bộ Y Tế (2013). “Tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng
211% sau 10 năm”
truy
cập ngày 13/1/2019.
3. Bujang MA, Ismail M, Hatta NKBM, Othman SH, Baharum N,
Lazim SSM (2017). “Validation of the Malay version of
Diabetes Quality of Life (DQOL) Questionnaire for Adult
Population with Type 2 Diabetes Mellitus”. Malays J Med Sci,
24 (4): 86-96.
4. Chung TN, Ngoc MP, Andy HL, Colin WB (2015). “Prevalence
of and Risk Factors for Type 2 Diabetes Mellitus in Vietnam: A
Systematic Review”. Asia Pacific Journal of Public Health, 27(6):
pp.588-600.
5. Colberg SR, Sigal RJ, Fernhall B, Regensteiner JG, Blissmer BJ,
Rubin RR, Chasan-Taber L, Albright AL, Braun B (2010).
“Exercise and type 2 diabetes: the American College of Sports
Medicine and the American Diabetes Association: joint
position statement executive summary”. Diabetes Care, 33 (12):
2692-6.
6. Dae-Young K, Byoung-Do S, Dong-Je K (2014). “Effect of
Walking Exercise on Changes in Cardiorespiratory Fitness,
Metabolic Syndrome Markers, and High-molecular-weight
Adiponectin in Obese Middle-aged Women”. J Phys Ther Sci,
26 (11): 1723-7.
7. Ganesh KS, Anindo M, Pavithra G (2014). “Quality of Life
(QOL) and Its Associated Factors Using WHOQOL-BREF
Among Elderly in Urban Puducherry, India”. Journal of Clinical
and Diagnostic Research, 8 (1): 54-57.
8. Holmes J, McGill S, Kind P, Bottomley J, Gillam S, Murphy M
(2000). “Health-related quality of life in type 2 diabetes
(TARDIS-2)”. Value Health, 3 Suppl 1: 47-51.
9. International Physical Activity Questionaires (IPAQ) (2005).
“Guidelines for Data Processing and Analysis of the
International Physical Activity Questionaires”.
10. Javanbakht M, Abolhasani F, Mashayekhi A, Baradaran HR,
Jahangiri noudeh Y (2012). “Health related quality of life in
patients with type 2 diabetes mellitus in Iran: a national
survey”. PLoS One, 7 (8): e44526.
11. Jorgetto JV, Franco LJ (2018). “The impact of diabetes mellitus
on quality of life - differences between genders”. J Diabetes
Metab Disord, 17 (1): 11-17.
12. Kaplan RM, Hartwell SL, Wilson DK, Wallace JP (1987).
“Effects of diet and exercise interventions on control and
quality of life in non-insulin-dependent diabetes mellitus”. J
Gen Intern Med, 2 (4): 220-8.
13. Kim H, Kim K (2017). “Health-Related Quality-of-Life and
Diabetes Self-Care Activity in Elderly Patients with Diabetes in
Korea”. J Community Health, 42 (5): 998-1007.
14. Kim Tuấn (2006). “Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tổ chức đo
đường huyết miễn phí và tập huấn về bệnh tiểu đường”.
khoa-dong-Nai-to-chuc-do-duong-huyet-mien-phi-va-tap-
huan-ve-benh-tieu-duong-
2020356/?fbclid=IwAR0hvtgqHArJjrv4TX1ceETjr3oDSlhteIQpJ
AyJ4-Jopihq8Be4bJ0nsck: truy cập ngày 13/1/2019.
15. Kolawole BA, Mosaku SK, Ikem RT (2009). “A comparison of
two measures of quality of life of Nigerian clinic patients with
type 2 diabetes mellitus”. Afr Health Sci, 9 (3): 161-6.
16. Lu Y, Wang N, Chen Y, Nie X, Li Q, Han B (2017). “Health-
related quality of life in type-2 diabetes patients: a cross-
sectional study in East China”. BMC Endocr Disord, 17 (1): 38.
17. Mishra SR, Sharma A, Bhandari PM, Bhochhibhoya S, Thapa K
(2015). “Depression and Health-Related Quality of Life among
Patients with Type 2 Diabetes Mellitus: A Cross-Sectional
Study in Nepal”. PLoS One, 10 (11): e0141385.
18. Orly T, Nitzan SDP, David D, Anthony DH (2018).
“Comparing assessment of diabetes-related quality of life
between patients and their physicians”. Health and quality of life
outcomes, 16 (1): 214-214.
19. Peyrot M, Rubin RR (1999). “Persistence of depressive
symptoms in diabetic adults”. Diabetes Care, 22 (3): 448-52.
20. Quah JH, Luo N, Ng WY, How CH, Tay EG (2011). ”Health-
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 2 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 37
related quality of life is associated with diabetic complications,
but not with short-term diabetic control in primary care”. Ann
Acad Med Singapore, 40 (6): 276-86.
21. Reba K, Argaw Z, Walle B, Gutema H (2018). “Health-related
quality of life of patients with diagnosed type 2 diabetes in
Felege Hiwot Referral Hospital, North West Ethiopia: a cross-
sectional study”. BMC Res Notes, 11 (1): 544.
22. Thiel DM, Sayah FA, Vallance J, Johnson ST, Johnson JA (2017).
“Physical Activity and Health-Related Quality of Life in Adults
With Type 2 Diabetes: Results From a Prospective Cohort
Study”. J Phys Act Health, 14 (5): 368-374.
23. Volpato S, Maraldi C, Fellin R (2010). “Type 2 diabetes and risk
for functional decline and disability in older persons”. Curr
Diabetes Rev, 6(3): pp:134-4.
24. Wang W, McGreevey WP, Fu C, Zhan S, Luan R, Chen W, Xu
B (2009). “Type 2 diabetes mellitus in China: a preventable
economic burden”. Am J Manag Care, 15(9): pp. 593-601.
25. Wexler DJ, Grant RW, Wittenberg E, Bosch JL, Cagliero E,
Delahanty L, (2006). “Correlates of health-related quality of life
in type 2 diabetes”. Diabetologia, 49 (7): 1489-97.
26. WHO (1996). “WHOQOL-BREF: introduction, administration,
scoring and generic version of the assessment: field trial
version”, December 1996.
https://www.who.int/mental_health/media/en/76.pdf: truy cập
ngày 13/1/2019.
27. WHO (2017). “10 facts on the state of global health”.
https://www.who.int/features/factfiles/global_burden/en/: truy
cập ngày 13/1/2019.
28. WHO (2017). “Diabetes”, https://www.who.int/news-
room/fact-sheets/detail/diabetes: truy cập ngày 13/1/2019.
29. WHO (2018). “World Diabetes Day 2018”.
https://www.who.int/diabetes/world-diabetes-day-2018/en/:
truy cập ngày 13/1/2019.
Ngày nhận bài báo: 08/11/2018
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 10/12/2018
Ngày bài báo được đăng: 20/03/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- chat_luong_cuoc_song_va_cac_yeu_to_lien_quan_o_benh_nhan_dai.pdf