Cập nhật về chống nắng bôi

Tài liệu Cập nhật về chống nắng bôi: Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 6 * 2017 10 CẬP NHẬT VỀ CHỐNG NẮNG BÔI Lê Thái Vân Thanh*, Phạm Thị Kim Ngọc** ĐẠI CƯƠNG Hoạt chất chống nắng khá phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da. Với mục đích ban đầu nhằm phòng ngừa bỏng nắng, chất chống nắng chủ yếu có tác dụng ngăn ngừa tác hại của tia cực tím (UV). Tia UVB (bước sóng 280-320 nm) chủ yếu gây đỏ da và tổn thương trực tiếp DNA thông qua pyrimidine dimer. Trong khi đó, tia UVA (bước sóng 320-400nm) liên quan chủ yếu với trình trạng sạm da và lão hóa da. Tia UVA cũng sinh ra các gốc oxy hóa gây tổn thương trực tiếp lên DNA. Mặc dù các tế bào da có sẵn các chất chống oxy hóa, các men sửa chữa DNA và các con đường tín hiệu nhằm làm giảm các tổn thương, tuy nhiên việc tiếp xúc một lượng lớn tia cực tím sẽ dẫn tới sự mất ổn định của gien và hình thành các đột biến. Tiếp xúc với tia UVA còn làm tăng số lượng các tế bào viêm ở lớp bì, đồng thời làm giảm hoạt động c...

pdf5 trang | Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 07/07/2023 | Lượt xem: 221 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cập nhật về chống nắng bôi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 6 * 2017 10 CẬP NHẬT VỀ CHỐNG NẮNG BÔI Lê Thái Vân Thanh*, Phạm Thị Kim Ngọc** ĐẠI CƯƠNG Hoạt chất chống nắng khá phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da. Với mục đích ban đầu nhằm phòng ngừa bỏng nắng, chất chống nắng chủ yếu có tác dụng ngăn ngừa tác hại của tia cực tím (UV). Tia UVB (bước sóng 280-320 nm) chủ yếu gây đỏ da và tổn thương trực tiếp DNA thông qua pyrimidine dimer. Trong khi đó, tia UVA (bước sóng 320-400nm) liên quan chủ yếu với trình trạng sạm da và lão hóa da. Tia UVA cũng sinh ra các gốc oxy hóa gây tổn thương trực tiếp lên DNA. Mặc dù các tế bào da có sẵn các chất chống oxy hóa, các men sửa chữa DNA và các con đường tín hiệu nhằm làm giảm các tổn thương, tuy nhiên việc tiếp xúc một lượng lớn tia cực tím sẽ dẫn tới sự mất ổn định của gien và hình thành các đột biến. Tiếp xúc với tia UVA còn làm tăng số lượng các tế bào viêm ở lớp bì, đồng thời làm giảm hoạt động của các tế bào trình diện kháng nguyên và đại bào Langerhans. Tình trạng ức chế miễn dịch này đóng vai trò gián tiếp trong tính sinh ung của tia cực tím.(15) Kem chống nắng ra đời từ năm 1928 và ngày nay đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ da đối với ánh sáng mặt trời và phòng ngừa ung thư da. Ngành sản xuất kem chống nắng ban đầu chỉ tập trung vào khả năng phòng chống tia UVB với việc liên tục tìm kiếm các chất chống tia UVB và tối ưu chỉ số SPF. Tuy nhiên, từ năm 2007, Cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhấn mạnh vai trò của việc phòng chống tia UVA. Ở ngang mực nước biển, tia UVA chiếm khoảng 95% lượng tia UV chiếu đến mặt đất, trong khi tia UVB chỉ chiếm 5%. Do đó, việc phòng ngừa tia UVA đóng vai trò quan trọng và là mục tiêu trong việc nâng cao hiệu quả của kem chống nắng.(14) Các nghiên cứu gần đây cho thấy tác hại của ánh sáng khả kiến và tia hồng ngoại lên da. Các nghiên cứu in vitro ghi nhận ánh sáng khả kiến và tia hồng ngoại sinh ra hơn 50% lượng gốc oxy hóa tự do ở da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, ánh sáng khả kiến còn gây nên tình trạng tăng sắc tố kéo dài sau khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời ở những người týp da sậm màu, từ đó đóng vai trò chính trong việc hình thành tình trạng tăng sắc tố sau viêm hay nám má ở những người này.(6) CÁC CHẤT CHỐNG NẮNG Hiện tại có 16 chất chống nắng được chấp thuận ở Hoa Kỳ, ít hơn so với 34 chất ở Úc và 28 chất ở châu Âu. Sự khác biệt này là do ở Hoa Kỳ, chất chống nắng được xem là thuốc không kê toa, do đó quá trình chấp thuận đòi hỏi khắt khe và lâu dài hơn. Không có chất chống nắng nào được chấp thuận ở Hoa Kỳ trong 10 năm trở lại đây. Chất chống nắng thường được chia thành 2 nhóm chính là chất chống nắng vô cơ và hữu cơ, hay trước đây gọi là chất chống nắng vật lý và hóa học. Chất chống nắng vô cơ Chất chống nắng vô cơ có tác dụng phản chiếu và phân tán tia cực tím, tia khả kiến và tia hồng ngoại trên một phổ rộng. Chất chống nắng vô cơ chính được sử dụng hiện nay là kẽm oxit (ZnO) và titanium dioxit (TiO₂), tương đối bền vững với ánh sáng mặt trời và cần bôi một lớp dày mới đủ hiệu quả. Kẽm oxit cho hiệu quả bảo vệ với tia UVA cao hơn, trong khi titanium dioxit ưu thế hơn trong việc bảo vệ với tia UVB và tạo vệt trắng trên da nhiều hơn do chỉ số khúc xạ cao hơn. Sắt oxit, một chất chống nắng vật lý khác, có màu sắc gần giống với màu da, thường được thêm vào để che phủ vệt trắng do kẽm oxit và titanium oxit tạo nên. Vì kém thẩm mỹ, chất chống nắng vô cơ ít được sử dụng cho đến khi ra đời vi hạt nano. Các hạt có kích thước siêu nhỏ này (10-50 nm) cải thiện tính thẩm mỹ khá nhiều so với các phân tử trước đó với kích thước 200- 500nm. Chúng cũng có khả năng hấp thụ tia cực Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 1 * 2018 Tổng Quan 11 tím, song đỉnh hấp thụ ngắn hơn, ít bảo vệ với tia UVA hơn. Những vi hạt này cũng có xu hướng kết cụm, do đó làm giảm hiệu quả chống nắng. Để tránh tình trạng này, các vi hạt này được bọc trong một lớp dimethicone hoặc silica, nhờ đó cũng làm giảm sự hình thành các gốc oxy hóa tự do và tăng tính bền vững với ánh sáng mặt trời. Nhờ tính ổn định với ánh sáng mặt trời, các chất chống nắng vô cơ được sử dụng nhiều trong các sản phẩm dành cho trẻ em và người da nhạy cảm. Chất chống nắng vô cơ cũng bảo vệ với tia khả kiến ở những người có các bệnh lý da nhạy cảm ánh sáng.(4) Chất chống nắng hóa học Chất chống nắng hóa học chủ yếu hấp thụ tia cực tím và chuyển chúng thành nhiệt. Có 5 nhóm chất chống nắng hóa học chính: các dẫn xuất paraaminobenzoic acid (PABA), benzophenone, salicylate, cinnamate và các chất khác. PABA có hoạt tính chống tia UVB cao nhất, liên kết chặt với các tế bào sừng, do đó khá bền vững với nước. Có khá nhiều báo cáo về viêm da tiếp xúc dị ứng với PABA(3), vì thế nó được thay thế bởi các dẫn xuất khác như padimate O, ít hiệu quả hơn song dữ liệu an toàn cao hơn. Vì hiệu quả thấp, nên padimate O thường được kết hợp với các chất chống nắng khác để tăng hiệu quả chống UVB. Nhóm cinnamate, bao gồm octinoxate và cinoxate, là chất chống tia UVB được sử dụng phổ biến nhất ở Hoa Kỳ vì chúng không gây nhuộm da và ít kích ứng. Tuy nhiên, chúng khá kém bền vững với nước và ánh sáng mặt trời, do đó hiệu quả cũng bị giảm theo. Nhóm salicylate, bao gồm octisalate, homosalate và trolamin salicylate, là những chất chống tia UVB yếu nhất. Tuy nhiên, do độ an toàn khá cao nên chúng thường được cho thêm vào sản phẩm với nồng độ cao để tăng hiệu quả bảo vệ với tia UVB. Nhóm bezophenone có tác dụng bảo vệ đối với cả tia UVA và UVB, song dễ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời. FDA hiện chấp thuận 3 chất chống nắng thuộc nhóm này là oxybenzone, sulisobenzone, và dioxybenzone. Oxybenzone được sử dụng nhiều nhất nhưng kèm với tần suất viêm da tiếp xúc ánh sáng cao nhất. Avobenzone là chất hấp thụ tia UVA mạnh. Đây là chất chống nắng duy nhất được FDA chấp thuận có khả năng hấp thụ tia UVA bước sóng dài (UVA1). Tuy nhiên, avobenzone lại rất kém bền vững với ánh sáng, sau 1 giờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hiệu quả bảo vệ giảm 50- 60%. Hiện tại, octocrylene và tinosorb S được nghiên cứu để làm tăng tính ổn định khi kết hợp với avobenzone. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ BẢO VỆ ĐỐI VỚI TIA CỰC TÍM Đối với tia UVB SPF (sun protection factor) được sử dụng rộng rãi để đánh giá mức độ bảo vệ của kem chống nắng với tia UVB. Một sản phẩm với SPF15 có thể chống được 94% lượng tia UVB, trong khi SPF30 có thể chống được 97%. SPF được tính bằng tỉ lệ giữa liều gây đỏ da tối thiểu (MED) của tia UV ở vùng da được bảo vệ so với ở vùng da không được bảo vệ. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác, vì tiêu chuẩn FDA cho việc xác định SPF yêu cầu lượng chống nắng 2mg/cm² da. Thực tế, lượng chất chống nắng được thoa trong dân số khoảng 0,5- 1mg/cm², do đó hiệu quả bảo vệ thực sự sẽ thấp hơn. Đối với tia UVA Có nhiều phương pháp in vivo và in vitro được sử dụng để đánh giá hiệu quả bảo vệ đối với tia UVA: UVA-PF, PPD, SPF/UVA-PF, bước sóng tới hạn. Hiện nay ở Hoa Kỳ, sản phẩm chống nắng được gọi là phổ rộng khi bước sóng tới hạn ≥370nm.(2) VỀ TÁ DƯỢC VÀ CHẾ PHẨM SỬ DỤNG Tá dược trong kem chống nắng đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định hiệu quả của sản phẩm. Để duy trì hiệu quả bảo vệ cũng như Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 6 * 2017 12 tính ổn định với ánh sáng mặt trời, các tá dược phải làm giảm được các tương tác giữa các chất có hoạt tính và các chất trơ trong sản phẩm. Các tá dược cũng quyết định tính bền vững với nước của sản phẩm. FDA quy định kem chống nắng mà tính chất bảo vệ với ánh nắng nguyên vẹn sau 2 đợt tiếp xúc với nước 20 phút được gọi là ‘kháng nước”, và nguyên vẹn sau 4 đợt thì gọi là “rất kháng nước”. Tuy nhiên, các sản phẩm này sẽ giảm SPF sau các lần tiếp xúc nước tiếp theo. Các chế phẩm chống nắng bao gồm kem/lotion, gel, thỏi, xịt và trong các mỹ phẩm. Kem và lotion là các nhũ tương nước trong dầu hoặc dầu trong nước, có độ phân tán cao, do đó được sử dụng phổ biến. Gel dễ bị trôi khi bơi hoặc đổ mồ hôi, nhưng khá thích hợp với týp da dầu, xu hướng mụn. Dạng thỏi đươc sử dụng ở vùng có diện tích nhỏ như mũi, môi. Dạng xịt sử dụng khá tiện lợi, song lượng dùng thường không đủ. Các chất chống nắng cũng có trong dầu gội, màu nhuộm tóc nhằm giảm thay đổi màu sắc do ánh nắng cũng như những tổn thương protein của tóc(11). Các tá dược cũng góp phần quan trọng trong việc chấp nhận và sự tuân thủ của người sử dụng. Sự tạo vệt trắng mờ của chất chống nắng vô cơ, cũng như tính nhờn rít của kem chống nắng hữu cơ dẫn đến việc thoa không đủ lượng chất chống nắng, từ đó hiệu quả bảo vệ giảm theo. Nguyên nhân chính dẫn đến sự kém hiệu quả của chống nắng chính là việc thoa không đủ lượng và không thoa lặp lại(13). Việc sản xuất các kem chống nắng chỉ thoa 1 lần trong cả ngày với các tiến bộ trong công nghệ, tuy nhiên các khảo sát cho thấy việc sử dụng các loại kem chống nắng này sẽ dẫn tới tình trạng không đủ lượng chất chống nắng cần thiết(7). TRANH CÃI VỀ CHỐNG NẮNG Mặc dù không thường gặp và mang tính chủ quan, cảm giác châm chích và nóng rát là những than phiền phổ biến nhất liên quan đến kem chống nắng. Viêm da tiếp xúc dị ứng hiếm khi gây ra bởi các thành phần của kem chống nắng, dù tỉ lệ này có thể thấp hơn thật sự(3). PABA và oxybenzone là những tác nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng ánh sáng thường gặp nhất, trong khi đó avobenzone, sulisobenzone, octinoxate, và padimate O có ít báo cáo phản ứng hơn. Bệnh nhân với tiền căn bệnh da do ánh sáng và chàm có khuynh hướng bị dị ứng ánh sáng nên được tư vấn cẩn thận. Trong khi đó, salicylates, ecamsule và các chất vô cơ không thể xâm nhập vào lớp sừng, do đó phản ứng nhạy cảm ánh sáng ít khi xảy ra. Một số báo cáo đã được thực hiện về vấn đề xâm nhập và ảnh hưởng toàn thân của các chất vô cơ vi hạt. Nghiên cứu của chính phủ Úc kết luận rằng phân tử nano kẽm oxit và titanium dioxit vẫn lưu lại trên bề mặt da mà không thấm nhập vào lớp sừng. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác chứng minh rằng phân tử nano titanium dioxit có thể đi qua màng tế bào và làm suy yếu các nguyên bào sợi ở lớp bì(8). Bằng cách phủ polymer những hạt này giúp ngăn hiện tượng kết dính với màng tế bào, do đó bảo tồn được chức năng của tế bào. Kẽm oxit và titanium dioxit vi hạt có thể khởi phát tình trạng chết theo chu trình của tế bào gốc thần kinh, mặc dù tác dụng này phụ thuộc vào liều dùng hơn là kích cỡ của hạt. Một số chất chống nắng hữu cơ, như là oxybenzone và octinoxate, đã được phát hiện trong huyết tương và nước tiểu sau 4 ngày thoa kem chống nắng toàn thân(5). Nồng độ được sử dụng trong nghiên cứu này là 10% - mức tối đa cho phép của châu Âu, trong khi nồng độ tối đa được chấp thuận ở Hoa Kỳ đối với oxybenzone và octinoxate lần lượt là 6% và 7,5%. Bất chấp quan ngại này, lợi ích của việc sử dụng kem chống nắng thích hợp có thể lớn hơn nguy cơ ngộ độc. Để xác định chính xác nguy cơ hấp thu toàn thân các thành phần kem chống nắng, nghiên cứu thành phần của các công thức chống nắng thương mại sẽ hữu ích, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ có thai. Mối quan tâm về tác động sinh estrogen của oxybenzone xuất hiện do kết quả của một Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 1 * 2018 Tổng Quan 13 nghiên cứu trên động vật sử dụng oxybenzone đường uống. Tuy nhiên, con người sẽ cần phải sử dụng oxybenzone hàng ngày trong 35-277 năm để đạt được mức oxybenzone tương ứng như ở những vật thí nghiệm này. Ngoài ra, oxybenzone đã được sử dụng ở Hoa Kỳ từ năm 1978 mà không có bất kỳ tác dụng nội tiết tố được báo cáo ở người.(12) Ít nhất 90% nhu cầu vitamin D của con người được tổng hợp nhờ sự tiếp xúc với tia UVB. Do đó, ảnh hưởng của kem chống nắng lên con đường tổng hợp vitamin D3 (cholecalciferol) qua da gây nhiều tranh cãi. Sử dụng kem chống nắng với SPF15 có thể làm giảm tổng hợp vitamin D lên đến 98%, dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D, tuy nhiên những nghiên cứu khác chỉ ra rằng sử dụng kem chống nắng đều đặn ít có ảnh hưởng đến nồng độ vitamin D(9). Sự không nhất quán này có thể do một phần đáng kể vitamin D được hấp thu qua chế độ ăn và hầu hết mọi người sử dụng kem chống nắng không đủ liều lượng, thậm chí khi áp dụng một cách thích hợp thì một số tia cực tím vẫn xuyên vào da. Tuy rằng Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) từng khẳng định rằng sự thiếu hụt vitamin D ở người khoẻ mạnh không liên quan đến sử dụng kem chống nắng, nhưng gần đây họ cho rằng sử dụng kem chống nắng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D. Bổ sung vitamin D thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng có thể cần thiết. SỬ DỤNG KEM CHỐNG NẮNG Các nghiên cứu về mối liên quan giữa việc sử dụng kem chống nắng và thời gian tiếp xúc ánh nắng cho thấy, việc sử dụng kem chống nắng làm tăng thời gian phơi nắng có chủ ý từ 13% đến 39%. Cụ thể, sử dụng kem chống nắng với SPF cao hơn sẽ kéo dài thời gian phơi nắng nhiều hơn. Tác động bảo vệ dự kiến của kem chống nắng có thể làm người dùng chủ quan với việc phơi nắng, và việc kéo dài thời gian phơi nắng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da. AAD khuyến cáo sử dụng kem chống nắng phổ rộng, kháng nước với SPF 30 trở lên thường xuyên để ngăn ngừa ung thư da. Một lượng kem chống nắng bằng với lòng bàn tay là đủ cho cả cơ thể. Lưu ý thoa kem chống nắng 20 phút trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để thoa được đều và đủ. Kem chống nắng có tác dụng ngay khi thoa lên da. Để duy trì hiệu quả, kem chống nắng phải được thoa lặp lại, đặc biệt là khi đổ mồ hôi hoặc bơi lội. Tuy nhiên kem chống nắng chỉ là một phần trong bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, thói quen tránh nắng là cách tốt nhất để ngăn ngừa tổn thương da do tia UV, ví dụ như tránh ánh sáng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Kính mát, mũ rộng vành và quần áo chống nắng là cũng những cách hữu hiệu để che chắn da khỏi tác động của tia UV(10). XU HƯỚNG TƯƠNG LAI Một phương pháp để tăng cường hiệu quả kem chống nắng là phát triển các chất lọc tia UV phù hợp và an toàn cho người sử dụng. Tính an toàn và hiệu quả của 8 tác nhân mới đang được FDA kiểm duyệt. Hầu hết các chất này đã có mặt trên thị trường châu Âu, Canada, và Úc nhiều năm nay. Octyl triazone (ethylhexyl triazone, Uvinul T150), enzacamene (methyl benzylidene camphor) và amiloxate (isoamyl p- methoxycinnamate) là ba chất lọc tia UVB tiềm năng đã được FDA chấp thuận.(7) Các chất chống oxy hoá tại chỗ đang được nghiên cứu để tăng cường hiệu quả của kem chống nắng. Các chất này, gồm flavonoid, resveratrol và chiết xuất trà xanh, có thể làm giảm các tổn thương da do tia UV, mặc dù chúng không ổn định và khuếch tán kém vào lớp thượng bì. Ánh sáng khả kiến được cho là tạo ra các gốc oxy hóa tự do. Do đó, các chất chống oxy hoá tại chỗ hoặc toàn thân cũng hứa hẹn trong việc giảm tác động của ánh sáng khả kiến lên da. Kem chống nắng có chứa chất chống oxy hoá cũng đã được chứng minh ức chế sự sản xuất metalloproteinase bởi tia hồng ngoại. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn trong lĩnh vực này(1) Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 6 * 2017 14 Các công nghệ sản xuất kem chống nắng hiện đại có thể làm tăng độ SPF mà không cần thêm vào tác nhân mới. Điều này dẫn đến sự leo thang SPF trong thị trường chống nắng dù hiệu quả chống nắng tăng lên rất hạn chế. Các tiến bộ phải kể đến là công nghệ Sol-Gel đưa các chất lọc tia UV vào các vi hạt silica 1μm. Bằng kỹ thuật này, các thành phần hoạt tính không trực tiếp tiếp xúc với da giúp giảm tỷ lệ viêm da tiếp xúc dị ứng và sự hấp thụ kem chống nắng toàn thân. KẾT LUẬN Tóm lại, hiệu quả của kem chống nắng trong việc giảm ung thư da và lão hóa da do ánh sáng đã được chứng minh rõ ràng. Lợi ích sử dụng kem chống nắng lâu dài vượt trội nguy cơ tiềm ẩn của các tác nhân này. Tuy nhiên, rào cản chính để đạt được những lợi ích này là sự tuân thủ của người sử dụng. Để đạt được hiệu quả tối đa cần các biện pháp giáo dục và khuyến khích sử dụng kem chống nắng. Hơn nữa, các công nghệ mới cải thiện tính thẩm mỹ của kem chống nắng giúp tăng sự tuân thủ, do đó làm giảm tỷ lệ ung thư da và mức độ lão hóa da do ánh sáng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Dupuy A, Dunant A, Grob JJ (2005), "Randomized controlled trial testing the impact of high-protection sunscreens on sun- exposure behavior", Arch Dermatol, 141(8), pp. 950-6. 2. Fourtanier A, Moyal D, Seite S (2012), "UVA filters in sun- protection products: regulatory and biological aspects", Photochem Photobiol Sci, 11(1), pp. 81-9. 3. Goossens A (2004), "Photoallergic contact dermatitis", Photodermatol Photoimmunol Photomed, 20(3), pp. 121-5. 4. Grether-Beck S, Marini A, Jaenicke T, et al (2015), "Effective photoprotection of human skin against infrared A radiation by topically applied antioxidants: results from a vehicle controlled, double-blind, randomized study", Photochem Photobiol, 91(1), pp. 248-50. 5. Janjua NR, Kongshoj B, Andersson AM, et al (2008), "Sunscreens in human plasma and urine after repeated whole- body topical application", J Eur Acad Dermatol Venereol, 22 (4), pp. 456-61. 6. Mahmoud BH, Ruvolo E, Hexsel C L, et al (2010), "Impact of long-wavelength UVA and visible light on melanocompetent skin", J Invest Dermatol, 130 (8), pp. 2092-7. 7. Mancuso JB, Maruthi R, Wang SQ, et al (2017), "Sunscreens: An Update", Am J Clin Dermatol. 8. Newman MD, Stotland M, Ellis JI (2009), "The safety of nanosized particles in titanium dioxide- and zinc oxide-based sunscreens", J Am Acad Dermatol, 61(4), pp. 685-92. 9. Norval M, Wulf HC (2009), "Does chronic sunscreen use reduce vitamin D production to insufficient levels?", Br J Dermatol, 161(4), pp. 732-6. 10. Palm MD, O'Donoghue MN (2007), "Update on photoprotection", Dermatol Ther, 20 (5), pp. 360-76. 11. Santos Nogueira AC, Joekes I (2004), "Hair color changes and protein damage caused by ultraviolet radiation", J Photochem Photobiol B, 74 (2-3), pp. 109-17. 12. Schlumpf M, Schmid P, Durrer S, et al (2004), "Endocrine activity and developmental toxicity of cosmetic UV filters--an update", Toxicology, 205 (1-2), pp. 113-22. 13. Wright MW, Wright ST, Wagner RF (2001), "Mechanisms of sunscreen failure", J Am Acad Dermatol, 44(5), pp. 781-4. 14. Kullavanijaya P, Lim HW (Photoprotection", Journal of the American Academy of Dermatology, 52(6), pp. 937-958. 15. Sambandan DR, Ratner D (2011), "Sunscreens: An overview and update", Journal of the American Academy of Dermatology, 64 (4), pp.748-758. Ngày nhận bài báo: 14/11/2017 Ngày bài báo được đăng:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfcap_nhat_ve_chong_nang_boi.pdf