Các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ tại vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế

Tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ tại vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế: 93 TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72B, số 3, năm 2012 CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC SINH KẾ CỦA CÁC NÔNG HỘ TẠI VÙNG CÁT VEN BIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ Nguyễn Đăng Hào Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế Tóm tắt. Trên cơ sở tiếp cận khung phân tích chiến lược sinh kế với việc sử dụng kết hợp cả phương pháp thống kê mô tả và mô hình logit đa thức, nghiên cứu này cung cấp các thông tin liên quan đến chiến lược sinh kế và các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ tại vùng cát ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng dựa vào nông nghiệp vẫn là một chiến lược sinh kế quan trọng đối với các hộ trong khu vực. Tuy vậy, chiến lược sinh kế đang có sự thay đổi theo hướng đa dạng hóa và có sự khác biệt lớn giữa các điểm nghiên cứu và giữa các nhóm hộ. Các nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến sự khác biệt về chiến lược sinh kế là tỷ lệ phụ thuộc, trình độ học vấn của chủ hộ, qui mô vốn và qui ...

pdf10 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 525 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ tại vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
93 TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72B, số 3, năm 2012 CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC SINH KẾ CỦA CÁC NÔNG HỘ TẠI VÙNG CÁT VEN BIỂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ Nguyễn Đăng Hào Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế Tóm tắt. Trên cơ sở tiếp cận khung phân tích chiến lược sinh kế với việc sử dụng kết hợp cả phương pháp thống kê mô tả và mô hình logit đa thức, nghiên cứu này cung cấp các thông tin liên quan đến chiến lược sinh kế và các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ tại vùng cát ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng dựa vào nông nghiệp vẫn là một chiến lược sinh kế quan trọng đối với các hộ trong khu vực. Tuy vậy, chiến lược sinh kế đang có sự thay đổi theo hướng đa dạng hóa và có sự khác biệt lớn giữa các điểm nghiên cứu và giữa các nhóm hộ. Các nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến sự khác biệt về chiến lược sinh kế là tỷ lệ phụ thuộc, trình độ học vấn của chủ hộ, qui mô vốn và qui mô đất đai. Do vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và tay nghề cho người dân là rất quan trọng. Về lâu dài việc đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục ở khu vực này cần được chú trọng. Bên cạnh đó việc cung cấp các chương trình tín dụng và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho các nông hộ trong khu vực này cũng rất quan trọng. 1. Đặt vấn đề Vùng cát ven biển chạy dọc theo sườn phía Biển Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm 30 xã nằm ven biển và đầm phá thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Theo số liệu thống kê, diện tích của vùng cát ven biển chiếm khoảng 18.2% diện tích tự nhiên của Tỉnh, trong đó một phần lớn diện tích của vùng này là đất cát và đầm phá. Trong khu vực, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai chạy dọc từ phía Bắc đến phía Nam, chia vùng cát thành hai khu vực. Tổng diện tích của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là khoảng 21.600 ha. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sinh kế của các nông hộ sống dọc theo hai bên của đầm phá. Theo ước tính có đến 300.000 người dân trong vùng có sinh kế gắn liền với việc khai thác các nguồn lợi từ đầm phá (Mai Văn Xuân, 2006). So với các khu vực khác, vùng cát ven biển có qui mô dân số lớn và mật độ dân số cao hơn. Nhờ các chính sách phát triển nông nghiệp, trong hơn mười năm qua nền kinh tế địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 94 hàng năm trên 10 %. Cũng trong thời gian đó tăng trưởng nông nghiệp luôn duy trì ở mức 3 - 4 % trên năm. Chiến lược sinh kế của các nông hộ có những chuyển đổi năng động, bên cạnh các hoạt động sinh kế truyền thống là nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, các hoạt động nuôi trồng thủy sản, ngành nghề, dịch vụ đã phát triển nhanh trong những năm gần đây. Đời sống của người dân trong vùng đang từng bước được cải thiện. Tuy vậy, người dân trong khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức lớn do áp lực dân số tăng nhanh, trình độ dân trí thấp, thiếu việc làm và thu nhập thấp. Bên cạnh đó các nguồn lực tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng canh tác và nuôi trồng thủy sản không bền vững, mức độ ô nhiễm lớn. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu theo chiều hướng bất lợi như hạn hán, lụt lội và nhiễm mặn. Cơ sở hạ tầng như đường sá, thủy lợi, thông tin, thị trường và nước sạch trong khu vực này cũng kém phát triển. Trong những năm gần đây, nhờ sự đầu tư lớn từ trung ương và địa phương, các tuyến đường chính đã được nâng cấp, nhiều cây cầu lớn đã được xây dựng. Tuy vậy, so với các vùng khác tình trạng giao thông ở khu vực này vẫn kém phát triển, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá thực trạng các chiến lược sinh kế và các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn các chiến lược sinh kế chính của người dân vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đa dạng hóa chiến lược sinh kế góp phần phát triển bền vững kinh tế các hộ trong vùng. 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Tiếp cận chiến lược sinh kế Theo Ellis, chiến lược sinh kế là sự tập hợp của các hoạt động nhằm tạo ra các phương tiện, các nguồn thu nhập cho sự tồn tại và phát triển của các nông hộ (Ellis, 2000). Nói một cách khác, chiến lược sinh kế là các khả năng phối kết hợp các hoạt động, các sự lựa chọn để tối ưu hóa việc sử dụng các tài sản sinh kế hiện có của nông hộ nhằm đạt được các mục tiêu của nông hộ như các hoạt động sản xuất, hoạt động đầu tư và hoạt động tái sản xuất. Chiến lược sinh kế là một hợp phần quan trọng trong sinh kế của nông hộ, nó có mối quan hệ phụ thuộc vào các tài sản sinh kế của nông hộ. Chiến lược sinh kế được thực hiện thông qua các hoạt động sinh kế dựa trên các tài sản sinh kế hiện có nhằm tạo ra các nguồn thu nhập đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nông hộ tại các thời điểm khác nhau. Nhìn chung, các hoạt động sinh kế có tính đa dạng và có tính thay đổi qua thời gian nhằm thích ứng với các cơ hội và thách thức được tạo ra do sự thay đổi của môi trường sinh kế và sự tương tác của chúng qua thời gian (Scoones, 1998; Ellis, 2000; Davies, 1996; Carney, 1998; Barrett and Reardon, 2000). 95 Dựa theo nhiều tiêu chí khác nhau trong các nghiên cứu gần đây nhiều kiểu chiến lược và hoạt động sinh kế được xác định. Tuy vây, chiến lược đa dạng hóa sinh kế vẫn được xem là phổ biến nhất. Đa dạng hóa được định nghĩa như là một quá trình mà trong đó nông hộ lựa chọn và xác định một tập hợp các hoạt động và tài sản sinh kế có tính đa dạng để tồn tại và cải thiện mức sống của họ. Đa dạng hóa đòi hỏi sự đa dạng trong nội bộ ngành nông nghiệp (một hệ thống các loại cây trồng, vật nuôi, và các hoạt động kinh tế khác có tính chất dựa vào tài nguyên thiên nhiên) và sự đa dạng các ngành kinh tế phi nông nghiệp của nông hộ. Đa dạng hóa là một xu hướng có tính phổ biến trong nông nghiệp xuất phát từ yêu cầu của việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sản xuất và giảm thiểu rủi ro gây ra bởi các cú sốc từ môi trường sản xuất và thị trường nông nghiệp. Các xu hướng chính trong chiến lược đa dạng hóa bao gồm: đa dạng hóa theo hướng chuyển đổi sản xuất lương thực tự cung – tự cấp sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường; đa dạng hóa các ngành kinh tế trong nông nghiệp kết hợp với các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp; và đa dạng hóa theo hướng chuyển đổi từ các sản phẩm có giá trị thấp sang các sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao (Minot, 2006). Dựa theo phương pháp đánh giá có sự tham gia, trong nghiên cứu này các chiến lược sinh kế được phân loại theo thu nhập và cơ cấu thu nhập của nông hộ1. Các chiến lược sinh kế được xác định là: i) Chiến lược sinh kế dựa vào nông nghiệp, bao gồm chủ yếu dựa vào trồng trọt và chủ yếu dựa vào chăn nuôi; ii) Chiến lược kết hợp nông nghiệp với ngành nghề, dịch vụ; iii)Chiến lược kết hợp nông nghiệp-làm thuê-đi làm ăn xa; iv)Chiến lược dựa vào nuôi trồng thủy sản;v)Chiến lược hỗn hợp. 2.2. Mô hình Logit đa thức (Multinomial logit model) giải thích các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế Mô hình logit đa thức (Multinomial Logit Model) là sự phát triển của mô hình hồi qui nhị phân (binomial logit), nó thường được sử dụng trong nghiên cứu định lượng để giải thích mối quan hệ của một biến phụ thuộc định tính có thể lấy các giá trị bội số (multiple values) với các biến giải thích. Mô hình hồi qui logistic nhị thức (binary logistic) được dùng để xem xét mối quan hệ giữa biến phụ thuộc là biến định tính nhị phân (biến chỉ nhận hai giá trị: chẳng hạn là 1 và 0) và các biến độc lập có thể là biến định lượng hoặc biến định tính. Phương trình mô hình hồi qui logistic có dạng: Log(odds = p/1-p)= β1x1+ β2x2 +....+ βnxn Trong đó: 1 Thu nhập từ các hoạt động sinh kế chính được xác định chiếm trên 50% tổng thu nhập của hộ 96 x1, x2 ,....,xn là các biến độc lập. odds= p/1-p là tỷ số giữa p (là xác suất để biến phụ thuộc nhận giá trị thứ nhất: chẳng hạn là 1) và 1-p là xác suất còn lại để biến phụ thuộc nhận giá trị còn lại (giá trị thứ hai: chẳng hạn là 0). Mô hình hồi qui logistic đa thức (multinomial logistic) tương tự như mô hình hồi qui logistic nhị thức nhưng biến phụ thuộc là biến định tính có lớn hơn 2 giá trị (trạng thái). Kết quả từ mô hình logit đa thức cho chúng ta biết tác động khi thay đổi giá trị của một biến tới những khả năng tương đối (relative probabilities) của hai trong các kết quả có thể thu được. Trong nghiên cứu này mô hình hồi qui logistic đa thức (multinomial logistic) được sử dụng để giải thích các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn các chiến lược sinh kế của các nông hộ vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ phần phân tích định tính ở các phần trước chúng ta thấy rằng, sự lựa chọn các chiến lược sinh kế trước hết được giải thích bởi sự khác biệt về tài sản sinh kế của các nhóm hộ (khá, trung bình và nghèo). Trong mô hình này chúng tôi định nghĩa các biến của mô hình như sau: Biến phụ thuộc y là biến định tính đại diện cho các chiến lược sinh kế được các nông hộ lựa chọn với 4 phương án:  Chiến lược sinh kế 0 (CL0): được định nghĩa là chiến lược sinh kế mà trong đó sinh kế hộ chủ yếu dựa vào nông nghiệp (chủ yếu sản xuất lương thực, kết hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ, làm thuê, đi làm ăn xa). Chiến lược này được lựa chọn như là chiến lược cơ sở để phân tích và so sánh với các chiến lược sinh kế khác.  Chiến lược sinh kế 1 (CL1): là chiến lược sinh kế mà trong đó sinh kế của hộ kết hợp nông nghiệp với các ngành nghề, dịch vụ.  Chiến lược sinh kế 2 (CL2): là chiến lược sinh kế mà sinh kế hộ chủ yếu dựa vào nông nghiệp, làm thuê và đi làm ăn xa.  Chiến lược sinh kế 3 (CL3): là chiến lược sinh kế mà sinh kế của hộ chủ yếu dựa vào thủy sản. Các biến giải thích trong mô hình bao gồm:  Qui mô diện tích đất (L): được xác định thông qua diện tích đất đai đang sử dụng (sào)  Qui mô nhân khẩu (FS): được xác định thông qua số nhân khẩu/hộ  Tỷ lệ phụ thuộc (RD): được xác đinh thông qua tỷ số giữa số người phụ thuộc/số lao động của hô.  Trình độ văn hóa chủ hộ (EH): được xác định thông qua số lớp cao nhất mà 97 chủ hộ đã kết thúc.  Qui mô vốn (SC): được phản ánh thông qua tổng số vốn (tự có và đi vay) của nông hộ. 2.3. Nguồn số liệu Nghiên cứu này chủ yếu dựa vào số liệu từ các cuộc phỏng vấn nông hộ được thực hiện trong năm 2004 và năm 2008-2009. Bằng phương pháp chọn mẫu phân tầng, 146 hộ gia đình đã được lựa chọn từ 7 thôn ở năm 2004, sau đó 138 hộ đã được phỏng vấn lặp lại vào năm 2008-2009. Các hộ được phỏng vấn được phân chia thành ba nhóm gồm: hộ khá, hộ trung bình và hộ nghèo. Để chọn các điểm nghiên cứu chúng tôi đã có nhiều cuộc họp với UBND các huyện, các phòng ban chức năng, các tổ chức xã hội để thảo luận và thống nhất về các tiêu chí lựa chọn điểm nghiên cứu. Các tiêu chí được sử dụng bao gồm:  Điểm nghiên cứu cần có tính đại diện cho các loại hình sinh kế, tính đại diện về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của vùng cát ven biển.  Điểm nghiên cứu cần được phân bố có tính đại diện cho các xã thuộc vùng cát ven biển về mức độ tiếp cận cơ sở hạ tầng khác nhau, như khoảng cách tiếp cận đến các tuyến đường chính, trung tâm đô thị, thành phố Huế, trường học, chợ, trung tâm y tế...  Điểm nghiên cứu có tính đại diện cho các hoạt động sinh kế có tính chất phổ biến trong vùng như: nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề - dịch vụ, đi làm ăn xa,...  Điểm nghiên cứu có tính chất đại diện cho các mạng lưới tổ chức xã hội trong vùng. Dựa trên các tiêu chí này, trên cơ sở phân tích lựa chọn thực địa trên bản đồ cùng với sự tư vấn của các bên, các xã được lựa chọn bao gồm: xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), xã Quảng Thái và xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), xã Phú Lương, xã Vinh Phú, xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) và xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc). Ở mỗi xã được lựa chọn chúng tôi tiếp tục lựa chọn thôn có tính chất đại diện chung. Các thôn được lựa chọn gồm: (1) thôn Đức Phú ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; (2) thôn Đông Cao, xã Quảng Thái (3) thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền; (4) thôn Xuân Thiên Thượng, xã Vinh Xuân, (5) thôn Vinh Lưu, xã Phú Lương, (6) thôn Nghĩa Lập, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang; (7) thôn Phụng Chánh, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc. Về mặt thống kê, các thôn này được phân bổ một cách hợp lý và có tính chất đại diện cho tình hình phát triển kinh tế – xã hội của vùng cát ven biển, tỉnh Thừa Thiên Huế. 98 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Chiến lược sinh kế khác biệt giữa các loại hộ Số liệu bảng 1 chỉ rõ rằng tỷ trọng các hộ có chiến lược sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp đã giảm dần trong thời kỳ 2003-2008. Tuy vậy, chiến lược sinh kế này vẫn phổ biến và được áp dụng với phần lớn các nông hộ ở vùng cát ven biển. Trong năm 2008, khoảng 60% số hộ được phỏng vấn áp dụng chiến lược chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó các hộ khá có chiến lược sinh kế phụ thuộc lớn hơn vào chăn nuôi – đây là ngành cho phép các hộ có thu nhập cao hơn, bởi vì trong những năm gần đây thị trường chăn nuôi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, giá các sản phẩm chăn nuôi tăng cao khi mà mức sống của người dân được cải thiện nhanh. Số liệu thống kê trong những năm qua cho thấy rằng các sản phẩm chăn nuôi có tốc độ tăng giá hàng năm nhanh nhất, chẳng hạn giá thịt bò, thịt lợn có mức tăng giá hàng năm khoảng 25 % trong các năm gần đây. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhóm hộ nghèo thường thiếu các nguồn lực sản xuất như vốn, đất đai và kiến thức. Bởi vậy, các hộ nghèo thường sử dụng các nguồn lực hạn chế hiện có cho lựa chọn ưu tiên hàng đầu là sản xuất lương thực. Bên cạnh đó nhóm hộ khá thường kết hợp nông nghiệp với các ngành nghề phi nông nghiệp và kết hợp nông nghiệp với nuôi trồng thủy sản. Các hoạt động ngành nghề, dịch vụ đang trở thành ngày càng quan trọng với các hộ khá. Ngược lại, các chiến lược của nhóm hộ nghèo là nông nghiệp - làm thuê - đi làm ăn xa và chiến lược hỗn hợp. Bảng 1. Các chiến lược sinh kế của các nhóm hộ, thời kỳ 2003-2008 (% hộ phỏng vấn) 2003-2004 2007-2008 Các dạng chiến lược Hộ khá Hộ TB Hộ nghèo Hộ khá Hộ TB Hộ nghèo Chiến lược dựa vào nông nghiệp 58,6 66,2 60,6 55,6 62,3 56,2 18,4 25,2 34,3 14,8 22,1 31,3 - Chủ yếu dựa vào trồng trọt - Chủ yếu dựa vào chăn nuôi 12,2 7,5 2,2 18,5 9,1 3,1 Dựa vào nông nghiệp - ngành nghề 10,5 4,3 3,1 14,8 7,8 3,1 Dựa vào nông nghiệp - làm công – đi làm ăn xa 12,6 17,0 31,0 14,8 19,5 37,5 Dựa vào nuôi trồng thủy sản 18,2 12,5 5,2 14,8 10,4 3,1 (Nguồn: Số liệu phỏng vấn hộ năm 2004, năm 2008-2009). 99 3.2. Kết quả mô hình logit đa thức Hệ số ước lượng của các biến giải thích cho sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các hộ được thể hiện qua bảng 2. Hệ số ước lượng đại diện cho mức độ ảnh hưởng của từng biến giải thích lên tỷ số xác xuất (odds ratio)2 mà một nông hộ lựa chọn một chiến lược sinh kế nào đó trong mối quan hệ so sánh với chiến lược sinh kế cơ sở mà trong đó sinh kế hộ chủ yếu dựa vào nông nghiệp (chủ yếu sản xuất lương thực, kết hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ - CL0). Nhìn chung dấu của các hệ số ước lượng phản ánh được các mối quan hệ giữa tài sản sinh kế và sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ. Qui mô nhân khẩu không có ý nghĩa thống kê trong việc giải thích sự lựa chọn các chiến lược sinh kế. Điều này là hoàn toàn phù hợp khi mà qui mô nhân khẩu giữa các nhóm hộ không có sự khác biệt đáng kể. Trong khi đó tỷ lệ phụ thuộc lại có ý nghĩa thống kê trong việc giải thích sự lựa chọn chiến lược sinh kế. Một tỷ lệ phụ thuộc càng lớn sẽ làm giảm tỷ số xác xuất (odds ratio) mà nông hộ có thể lựa chọn chiến lược sinh kế 1 (chiến lược sinh kế kết hợp nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ), nhưng lại làm tăng tỷ số xác xuất nông hộ lựa chọn chiến lược sinh kế 2 (sản xuất nông nghiệp, làm thuê, và đi làm ăn xa). Trong khi đó, mức học vấn cao hơn của chủ hộ có tác động làm tăng odds ratio của việc lựa chọn các chiến lược sinh kế 1 và chiến lược sinh kế 3 nhưng lại có tác dụng làm giảm tỷ số xác xuất mà nông hộ lựa chọn chiến lược sinh kế 2 (nông nghiệp, làm thuê và đi làm ăn xa). Tương tự, qui mô vốn sản xuất lớn hơn cũng làm tăng tỷ số xác suất nông hộ lựa chọn chiến lược sinh kế 1 và sinh kế 3 và làm giảm tỷ số xác suất nông hộ lựa chọn chiến lược sinh kế 2. Bảng 2. Kết quả mô hình hồi qui đa thức giải thích các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế CL1 CL2 CL3 Hệ số ước lượng Mức ý nghĩa (Sig) Hệ số ước lượng Mức ý nghĩa (Sig) Hệ số ước lượng Mức ý nghĩa (Sig) Hệ số tự do 1,732** 0,004 1,672** 0,004 1,177 0,148 Qui mô nhân khẩu -0,017 0,947 -0,397 0,323 -0.147 0,529 2 Trong mô hình multinomial logit, việc giải thích các hệ số ước lượng khá phức tạp. Thực chất hệ số ước lượng của một biến giải giải thích cho mức độ ảnh hưởng khi có sự thay đổi của một đơn vị từ biến độc lập lên logarit tự nhiên của tỷ số xác xuất (odds ratio = p/1-p) của việc lựa chọn một chiến lược sinh kế cụ thể trong mối quan hệ so sánh với chiến lược sinh kế cơ sở (chiến lược sinh kế 0). Khi hệ số ước lượng của biến giải thích >0 thì sẽ có tác động làm tăng odds ratio, ngược lại một biến giải thích có hệ số ước lượng <0 sẽ làm giảm odds ratio. 100 Tỷ lệ phụ thuộc -1,704* 0,083 0,411** 0,017 -0,098 0,883 Trình độ văn hóa chủ hộ ,716** 0,002 -1,142*** 0,000 0,061** 0,025 Qui mô diện tích đất đai -,027* 0,090 0,003 0,943 0,032* 0,093 Qui mô vốn sản xuất 0,052** 0,002 -0,024* 0,091 0,060*** 0,000 Số quan sát 136 Pseudo R-Square Cox and Snell 0,645 Nagelkerke 0,720 McFadden 0,458 (Ghi chú: Chiến lược sinh kế 0 (sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp) là chiến lược cơ sở (basic strategy); *; **; *** = có ý nghĩa thống kê ở mức 90%, 95% và 99%). 4. Kết luận Nghiên cứu này cung cấp các thông tin liên quan đến chiến lược sinh kế và các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ tại vùng cát ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Các chiến lược sinh kế áp dụng bởi các hộ ở vùng cát ven biển đã được phân tích bởi sự kết hợp cả thông tin định tính từ nguồn số liệu phỏng vấn hộ và thông tin định lượng từ mô hình logit đa thức. Số liệu phân tích thống kê mô tả cho thấy rằng dựa vào nông nghiệp vẫn là một chiến lược sinh kế quan trọng đối với các hộ trong khu vực. Tuy vậy, chiến lược sinh kế đang có sự thay đổi theo hướng đa dạng hóa và có sự khác biệt lớn giữa các điểm nghiên cứu và giữa các nhóm hộ. Kết quả mô hình logit đa thức chỉ ra rằng các nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến sự khác biệt về chiến lược sinh kế là tỷ lệ phụ thuộc, trình độ học vấn của chủ hộ, qui mô vốn và qui mô đất đai. Điều đó được chứng minh rằng tài sản sinh kế đóng vai trò quan trọng đối với sự lựa chọn chiến lược sinh kế của các nông hộ. Đối với các hộ trung bình, đặc biệt là hộ nghèo do thiếu lao động, số lượng người sống phụ thuộc cao, trình độ học vấn thấp và thiếu vốn sản xuất, do vậy chiến lược sinh kế dựa nông nghiệp trở nên phổ biến. Bên cạnh đó các hoạt động làm thuê và đi làm ăn xa cũng rất quan trọng với các nhóm hộ này. Trong khi đó chiến lược sinh kế trở nên đa dạng hơn đối với nhóm hộ khá. Do có nhiều lao động, trình độ học vấn cao và nhiều vốn sản xuất nên chiến lược sinh kế của nhóm hộ khá được đa dạng hóa theo hướng tập trung nhiều hơn vào chăn nuôi, ngành nghề, dịch vụ và nuôi trồng thủy sản. Kết quả là nhóm hộ khá có thu nhập cao hơn nhiều so với các hộ khác trong vùng. 101 Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng việc nâng cao tài sản sinh kế, đặc biệt là trình độ học vấn, qui mô vốn đóng vai trò quan trọng đối với các nông hộ vùng cát ven biển. Do vậy việc đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và tay nghề cho người dân là rất quan trọng. Về lâu dài việc đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục ở khu vực này cần được chú trọng hơn nhiều. Bên cạnh đó, việc cung cấp các chương trình tín dụng và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho các nông hộ trong khu vực nhằm đa dạng hóa các chiến lược sinh kế cũng rất quan trọng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ashley, C & Carney, D., Sustainable Livelihoods: Lessons from early experience DFID, 1999. 2. Carswell, G., Agricultural Intensification and Rural Sustainable Livelihoods: A “Think Piece”, IDS Working paper, No.64, 1997. 3. Chambers, R. Conway, G., Sustainable Rural Livelihoods: Practical Concepts for the 21st Century, IDS DP296, 1992. 4. DFID, Sustainable Livelihoods Guidance Sheets, 2000a, 5. Ellis, F., Household strategies and rural livelihood diversification, Journal of Development Studies. Vol.35, No.1, (1998), 1–38. 6. Ellis, F., Rural livelihoods and diversity in developingcountries. Oxford: OUP 2000. 7. Hussein, K. and J. Nelson., Sustainable Livelihood and Livelihood Diversification, IDS Working Paper, No. 69, 1998. 8. Mai Văn Xuân, Lượng giá các giá trị kinh tế của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Báo cáo nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế, 2006. 9. Project PIC, Report on the survey of the socio-economic situation and farming system in the housheolds in the coastal sandy region of Thua Thien Hue province, FUSAGX; UCL; NISF, HUAF, 2005. 10. Scoones, I., Sustainable rural livelihoods: A framework for analysis, IDS Working Paper No.72. Brighton: IDS., 1998. 11. Cục Thống Kê Thừa Thiên Huế, Niên giám thống kê 2005, 2006, 2007, 2008, 2009. 102 FACTORS TO THE SELECTION OF LIVELYHOOD STRATEGIES FOR HOUSEHOLDS IN THE COASTAL SANDY AREAS OF THUA THIEN HUE Nguyen Dang Hao College of Economics, Hue University Abstract. Based on livelihood strategy framework and using both descriptive statistical analysis and multinomial logic model, this study provided relevant information on livelihood strategies opted and the factors influencing the livelihood strategies selected by the households in the Coastal Sandy Area of Thua Thien Hue province. The research findings indicated that based-on agriculture is still important to the households in the area. However, there have been changes in the diversification and there is a significant difference among the household groups. The factors which strongly impact the differences in the livelihood strategies include dependent ratios, household head’s literacy level, capital size and farm size. So, the activities for raising and building the capacity through education, training programs aiming at improvement of local farmers’ knowledge and skills are of great importance. In the long term, more investment in education in the area should be taken into account. Besides, provision of credit and better access to credit for the households to divesify their livelihood strategies are equally important.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf114_2116_1993_2117984.pdf
Tài liệu liên quan