Tài liệu Bước đầu đánh giá kết quả phẫu thuật cấy ốc tai điện tử với điện cực đặt qua màng cửa sổ tròn và qua lỗ mở ốc tai: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Điều Dưỡng Kỹ Thuật Y Học 281
BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHẪU THUẬT CẤY ỐC TAI ĐIỆN TỬ VỚI
ĐIỆN CỰC ĐẶT QUA MÀNG CỬA SỔ TRÒN VÀ QUA LỖ MỞ ỐC TAI
Lê Trần Quang Minh*, Nguyễn Đức Phú*
TÓM TẮT
Mục tiêu: Mô tả và bước đầu đánh giá kết quả cấy ốc tai điện tử đa kênh với kĩ thuật đặt điện cực qua màng
cửa sổ tròn và qua lỗ mở ốc tai tại bệnh viện Tai Mũi Họng TP. Hồ Chí Minh - Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu: Mô tả hàng loạt ca với 94 bệnh nhân (100 tai) đã được cấy ốc tai điện tử đa kênh.
Kết quả: Đường rạch da dài 4 cm tương tự với phẫu thuật tai thông thường, tỉ lệ biến chứng là 3,19%. Có
44 trường hợp được đặt điện cực qua màng cửa sổ tròn. Thời gian phẫu thuật trung bình là 105,67 phút với một
số cải tiến trong phẫu thuật. Tổng cộng có 88 bệnh nhân với 94 tai được phẫu thuật có ốc tai bình thường (94%)
và 6 ốc tai bất thường (6%), trong đó thường gặp nhất là dị dạng bẩm sinh dạng khoang...
7 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 28/06/2023 | Lượt xem: 396 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bước đầu đánh giá kết quả phẫu thuật cấy ốc tai điện tử với điện cực đặt qua màng cửa sổ tròn và qua lỗ mở ốc tai, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Điều Dưỡng Kỹ Thuật Y Học 281
BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHẪU THUẬT CẤY ỐC TAI ĐIỆN TỬ VỚI
ĐIỆN CỰC ĐẶT QUA MÀNG CỬA SỔ TRÒN VÀ QUA LỖ MỞ ỐC TAI
Lê Trần Quang Minh*, Nguyễn Đức Phú*
TÓM TẮT
Mục tiêu: Mô tả và bước đầu đánh giá kết quả cấy ốc tai điện tử đa kênh với kĩ thuật đặt điện cực qua màng
cửa sổ tròn và qua lỗ mở ốc tai tại bệnh viện Tai Mũi Họng TP. Hồ Chí Minh - Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu: Mô tả hàng loạt ca với 94 bệnh nhân (100 tai) đã được cấy ốc tai điện tử đa kênh.
Kết quả: Đường rạch da dài 4 cm tương tự với phẫu thuật tai thông thường, tỉ lệ biến chứng là 3,19%. Có
44 trường hợp được đặt điện cực qua màng cửa sổ tròn. Thời gian phẫu thuật trung bình là 105,67 phút với một
số cải tiến trong phẫu thuật. Tổng cộng có 88 bệnh nhân với 94 tai được phẫu thuật có ốc tai bình thường (94%)
và 6 ốc tai bất thường (6%), trong đó thường gặp nhất là dị dạng bẩm sinh dạng khoang chung. Tất cả các
trường hợp đều cho kết quả thành công.
Kết luận: Cấy ốc tai điện tử với một số cải tiến về kỹ thuật phẫu thuật giúp phẫu thuật viên lựa chọn kỹ
thuật tối ưu cho bệnh nhân, làm giảm các biến chứng trong và sau phẫu thuật, cũng như thời gian phẫu thuật và
nằm viện.
Từ khoá: cấy ốc tai điện tử, điện cực, phẫu thuật xấm lấn tối thiểu
ABSTRACT
OUTCOMES OF COCHLEAR IMPLANTATION VIA ROUND WINDOW MEMBRANE AND COCHLEOSTOMY
Le Tran Quang Minh, Nguyen Duc Phu
* Ho Chi Minh City Journal of Medicine * Supplement of Vol. 23 – No. 5 - 2019: 280 – 286
Objectives: To describe and evaluate the results of multi-channel cochlear implantation in ENT Hospital Ho
Chi Minh City - Vietnam.
Method: Descriptive case series of 94 patients (100 ears) who had cochlear implantation with multi-channel device.
Results: The incision which had 4cm in length was similar to normal ear surgery, complication rate was
3.19%. The electrodes were inserted through the round window membrane in 44 cases. The surgical time was
105.67 minutes with some improvements about technique. There were 94 normal cochleas (94%) and 6 (6%)
abnormal cochleas. Common cavity is the most common. The results were successful in all of cases.
Conclusion: Cochlear implantation with some technical improvements helps the surgeon to select the
optimal technique for the patients, decreases in and post-op complications, as well as the surgical time and
hospitalization time.
Keywords: cochlear implant, electrode, minimally invasive surgery
ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ năm 1972, William House đã giới thiệu
về cấy ốc tai điện tử và phát minh thiết bị cấy
đơn kênh House 3M. Thiết bị này là thiết bị đầu
tiên được đưa ra thị trường với hơn 1000 trường
hợp đươc cấy ốc tai điện tử từ năm 1972 đến
giữa những năm 1980(3). Các thiết bị đa kênh
được giới thiệu vào năm 1984 và tiếp tục được
cải tiến cho đến nay.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. Hồ Chí
Minh Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện trường
hợp cấy ốc tai điện tử đơn kênh đầu tiên vào
*Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành Phố Hồ Chí Minh
Tác giả liên lạc: TS.BS. Lê Trần Quang Minh ĐT: 0903991151 Email: dr_minhle@yahoo.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019
Chuyên Đề Điều Dưỡng Kỹ Thuật Y Học 282
năm 1998 với sự hỗ trợ của một số bác sĩ nước
ngoài với 3 trường hợp đơn kênh. Từ năm 2000
đến nay, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành cấy ốc
tai điện tử đa kênh với gần 400 trường hợp.
Từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 6 năm 2017,
chúng tôi đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu về kĩ
thuật đặt điện cực ốc tai qua màng cửa sổ tròn
với 44 tai trong tổng số 100 tai được phẫu thuật
(94 bệnh nhân).
Trên thế giới có hai kĩ thuật mở vào ốc tai để
đặt điện cực.
Mở vào ốc tai qua màng cửa sổ tròn.
Khoan mở lỗ nhỏ vào ốc tai ở phía trước
dưới gờ cửa sổ tròn.
Việc quan sát toàn bộ bề mặt màng cửa sổ
tròn thông qua ngách mặt không phải lúc nào
cũng dễ dàng. Bảng phân loại St Thomas’s
Hospital (STH) được ứng dụng rộng rãi trên lâm
sàng để đánh giá mức độ nhìn thấy màng cửa sổ
tròn sau khi đã mở rộng ngách mặt tối đa và
khoan mài các gờ xương cửa sổ tròn. Bảng phân
loại STH được chia thành 4 loại(6) (Bảng 1, Hình 1).
Bảng 1. Bảng phân loại STH
Loại Đặc điểm
Loại I Nhìn thấy được toàn bộ bề mặt màng cửa sổ tròn.
Loại IIa Nhìn thấy được > 50% bề mặt màng cửa sổ tròn.
Loại IIb Nhìn thấy được < 50% bề mặt màng cửa sổ tròn.
Loại III Không nhìn thấy được màng cửa sổ tròn.
Bảng phân loại STH giúp cho phẫu thuật
viên lựa chọn kĩ thuật mở vào ốc tai. Đối với loại
I và IIa, mở vào ốc tai qua màng cửa sổ tròn
được khuyến cáo. Tuy nhiên, phẫu thuật viên có
thể khoan mài thêm 1-2mm trước dưới gờ cửa sổ
tròn trong một số trường hợp loại IIa. Đối với
loại IIb, phẫu thuật viên có thể khoan mài thêm
cửa sổ tròn hoặc khoan mở lỗ nhỏ vào ốc tai phía
trước dưới gờ cửa sổ tròn. Đối với loại III, kĩ
thuật khoan mở lỗ nhỏ vào ốc tai phía trước
dưới gờ cửa sổ tròn được chỉ định (Hình 2).
Hình 1. Phân loại STH
Hình 2. Lựa chọn kĩ thuật mở vào ốc tai theo phân loại STH
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Điều Dưỡng Kỹ Thuật Y Học 283
ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Có 94 bệnh nhân (100 tai) từ tháng 6 năm
2015 đến tháng 6 năm 2017 tại bệnh viện Tai Mũi
Họng TP. Hồ Chí Minh.
Tiêu chuẩn chọn mẫu
Bệnh nhân (BN) hơn 1 tuổi.
Nghe kém trên 90 dB.
Thần kinh ốc tai bình thường.
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu
Mô tả hàng loạt ca.
Các bước tiến hành nghiên cứu
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm thính
học: đo âm ốc tai, thính lực đồ, nhĩ lượng đồ,
phản xạ cơ bàn đạp, đo điện thính giác thân não,
nội soi tai mũi họng trước mổ xác định và giải
quyết các bệnh lý vùng mũi họng có thể ảnh
hưởng đến phẫu thuật: VA, viêm mũi xoang,
viêm tai giữa. Ngoài ra, bệnh nhân còn được
chụp CT-Scan và MRI xương thái dương để xác
định các bất thường giải phẫu tai trong.
Những bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật cấy
ốc tai điện tử phải được đeo máy trợ thính tối
thiểu 6 tháng để làm quen với âm thanh trong
môi trường của máy. Ngoài ra, việc ưng thuận
đeo máy trợ thính cho thấy bệnh nhân sẵn sàng
đeo bộ phận tiếp nhận ngoài của ốc tai điện tử.
Bệnh nhân phải được chủng ngừa viêm
màng não do Pneumococcus và Haemophillus
influenzae, toàn bộ quá trình phải hoàn tất ít nhất
hai tuần trước phẫu thuật. Ngoài ra, các chuyên
gia thần kinh cũng phải khám loại trừ bệnh lý
tâm thần kinh và các bệnh lý não thực thể.
Các bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật
bởi các phẫu thuật viên tuân thủ một quy trình
giống nhau.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được thay băng
và chụp phim X-quang tư thế Stenvers kiểm
tra vị trí điện cực sau phẫu thuật 48 giờ, sau đó
vết mổ thoáng, không cần thay băng. Thuốc sử
dụng hậu phẫu gồm kháng sinh, kháng viêm,
giảm đau, chống phù nề. Sau 7 ngày nếu tình
trạng hoàn toàn ổn định, BN được xuất viện.
Sau phẫu thuật 4-6 tuần khi vết khâu da và
da đầu hồi phục, bệnh nhân ổn định, các chuyên
gia thính học sẽ thực hiện việc đặt thiết bị ngoài,
mở máy và hiệu chỉnh máy.
Thu thập và xử lý số liệu
Số liệu được thu thập và lưu trữ vào bệnh án
nghiên cứu với các biến số nghiên cứu được
soạn sẵn. Số liệu được nhập, xử lý và phân tích
theo phần mềm Stata 12 và Excel 2013.
Biến số định lượng được trình bày dưới
dạng trung bình ± độ lệch chuẩn, giá trị nhỏ
nhất, giá trị lớn nhất. Nếu phân phối không
chuẩn sẽ được trình bày dưới dạng trung vị,
khoảng tứ phân vị.
Biến số định tính được trình bày dưới dạng
tần số, tỉ lệ %.
KẾT QUẢ
Tỉ lệ giới tính
Nam 51 (54,26%). Nữ 43 (45,74%).
Tuổi
Chúng tôi chia thành 5 nhóm (Hình 3).
< 2 tuổi: 6 (6,38%).
Từ 2 đến <6 tuổi: 49 (52,13%).
Từ 6 đến <10 tuổi: 23 (24,47%).
Từ 10 đến 15 tuổi: 13 (13,83%).
> 15 tuổi: 3 (3,19%).
Hình 3. Biểu đồ độ tuổi
Phân loại
Nghe kém bẩm sinh: 88 bệnh nhân (93,62%).
Nghe kém mắc phải: 6 bệnh nhân (6,38%).
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019
Chuyên Đề Điều Dưỡng Kỹ Thuật Y Học 284
CT-Scan, MRI
88 bệnh nhân (93,62%) CT-Scan trước mổ
bình thường.
6 bệnh nhân (6,38%) CT-Scan trước mổ có dị
dạng ốc tai. (6 trường hợp này được phẫu thuật
cấy ốc tai 1 bên).
94 trường hợp (100%) có MRI bình thường,
không có tổn thương dây thần kinh ốc tai.
Vị trí phẫu thuật
Bên phải: 52 (55,32%).
Bên trái: 36 (38,3%).
Hai bên: 6 (6,38%).
Phẫu thuật
Để giảm tổn thương khi thực hiện đường
rạch da lớn, chúng tôi đã áp dụng đường rạch
da nhỏ và bóc tách ít gây tổn thương nhất.
Chúng tôi sử dụng vạt Palva để che phủ hố
mổ (Hình 4, 5, 6).
Chúng tôi có 50 (53,19%) bệnh nhân (56 tai)
được mở vào ốc tai ở vị trí 1/4 trước dưới gờ cửa
sổ tròn và 44 (46,81%) bệnh nhân (44 tai) được
đặt điện cực qua màng cửa sổ tròn (Hình 7, 8).
6 trường hợp (6,38%) có dị dạng và thường
là dạng khoang chung. Chúng tôi đã sử dụng
điện cực thẳng 24 kênh có chiều dài 10 mm.
Hình 4. Đường rạch da nhỏ
Hình 5. Bóc tách vạt Palva phía sau
Hình 6. Mở ngách mặt(7)
Hình 7. Bộc lộ cửa sổ tròn
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Điều Dưỡng Kỹ Thuật Y Học 285
Hình 8. Mở ốc tai
Hình 9. Đặt điện cực vào ốc tai
Hình 10. Điện cực được đặt vào ở giữa thang nhĩ
Từ năm 2015 đến nay, kỹ thuật mở vào ốc tai
vị trí trước dưới gờ cửa sổ tròn được sử dụng
trong 50 trường hợp (56 tai) và 44 trường hợp (44
tai) đặt điện cực qua màng cửa sổ tròn. Tất cả
đều cho kết quả tốt. Tại phòng mổ, chúng tôi
kiểm tra hoạt động của điện cực và trở kháng để
đảm bảo rằng điện cực hoàn toàn nằm trong ốc
tai (Hình 9, 10, 11).
Hình 11. Thiết bị ốc tai điện tử tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. Hồ Chí Minh
Biến chứng
Gặp ở 3 trường hợp: 1 trường hợp tụ máu
vết mổ và 2 trường hợp liệt mặt độ II (3,19%).
Kết quả hậu phẫu tốt, lành hoàn toàn sau 1 tuần:
94 trường hợp (100%).
BÀN LUẬN
Tỉ lệ giới tính
Tỷ lệ nam trong mẫu nghiên cứu cao hơn so
với nữ. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về giới
trong mẫu nghiên cứu.
Tuổi
Chúng tôi chia thành 5 nhóm. Một số tác giả
như Svirsky đề xuất độ tuổi tốt nhất cấy ốc tai
điện tử là dưới 2 tuổi. Trước 6 tuổi, trẻ em học
trong trường mẫu giáo và phải chuẩn bị cho giai
đoạn tiểu học. Trẻ vẫn có cơ hội học nghe và nói
nhưng không bằng với nhóm dưới 2 tuổi.
Tuổi thường gặp nhất: 2 đến <6tuổi (52,13%).
Ở các nước phát triển, chi phí cho phẫu thuật
cấy ốc tai điện tử được bảo hiểm chi trả, đa số
bệnh nhân sẽ được phẫu thuật trong thời gian
sớm nhất có thể từ lúc phát hiện bị nghe kém
tiếp nhận nặng hoặc điếc sâu. Tuy nhiên, tại Việt
Nam, chi phí của loại phẫu thuật này còn rất cao
và được chi trả bởi bệnh nhân cùng với gia đình.
Chính vì vậy, phần lớn bệnh nhân gặp khó khăn
về kinh tế và không thể phẫu thuật ngay khi có
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019
Chuyên Đề Điều Dưỡng Kỹ Thuật Y Học 286
chỉ định.
Nếu trẻ được cấy ốc tai điện tử càng sớm
ngay khi có thể, sự phát triển ngôn ngữ sẽ cho
kết quả tốt hơn(3,4).
Phân loại
Chúng tôi phân 2 loại nghe kém bẩm sinh
và mắc phải để có thể tiên lượng được khả
năng nghe nói nhanh hay chậm sau phẫu thuật
cấy ốc tai điện tử, đồng thời có thể thiết lập
chương trình huấn luyện nghe nói sau phẫu
thuật cho từng bệnh nhân. Với nghe kém bẩm
sinh, bệnh nhân cần nhiều thời gian hơn để
huấn luyện nghe nói sau phẫu thuật so với
nghe kém mắc phải.
Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận tỷ lệ
nghe kém bẩm sinh cao hơn so với tỷ lệ nghe
kém mắc phải.
CT-Scan, MRI
Nghiên cứu ghi nhận có 6 bệnh nhân có dị
dạng ốc tai được xác định trên CT-Scan trước mổ
và không có bệnh nhân nào có tổn thương thần
kinh ốc tai trên MRI.
CT Scan trước mổ có vai trò quan trọng để
xác định các mốc giải phẫu. Đặc biệt trong các
trường hợp viêm màng não, xác định cốt hoá ốc
tai chính xác nhất bằng CT-Scan(5). Bên cạnh đó,
MRI có vai trò quan trọng hỗ trợ CT-Scan trong
việc xác định các dị dạng ốc tai và đặc biệt là
khảo sát sự toàn vẹn của thần kinh ốc tai.
Vị trí phẫu thuật
Hiện nay, phẫu thuật cấy ốc tai điện tử hai
bên là xu hướng chung của nhiều nước phát
triển trên thế giới.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, chỉ có 6
bệnh nhân được phẫu thuật cấy ốc tai hai bên
(chiếm 6,38%). Có thể vì chi phí cho phẫu thuật
hai bên còn rất cao nên phần lớn bệnh nhân và
gia đình chưa đủ điều kiện để thực hiện phẫu
thuật hai bên cùng một lúc. Đối với những bệnh
nhân được phẫu thuật một bên, chúng tôi lựa
chọn tai phẫu thuật dựa vào kết quả chụp CT-
Scan và MRI xương thái dương để đánh giá cấu
trúc giải phẫu của ốc tai có bình thường hay
không, tình trạng viêm tai giữa, viêm xương
chũm, vị trí xoang tĩnh mạch sigma có phát triển
ra phía trước làm hẹp hố mổ chũm hay không,
ngách mặt). Nếu như không có sự khác biệt
giữa hai tai, chúng tôi chọn phẫu thuật bên
thuận tay của bệnh nhân để dễ dàng hơn trong
việc đặt điện cực và bệnh nhân dễ tháo lắp máy
sau phẫu thuật. Thực tế trong mẫu nghiên cứu,
chúng tôi thực hiện phẫu thuật tai phải nhiều
hơn tai trái do đa số bệnh nhân thuận tay phải.
Phẫu thuật
Việc đặt điện cực qua màng cửa sổ tròn giúp
cho việc đặt điện cực dễ hơn và dễ xác định ốc
tai, tránh không làm tổn thương màng đáy và
mảnh xoắn xương và làm giảm thiểu chấn
thương âm thanh từ việc khoan vào xương ốc tai
lên đến 130dB trong kĩ thuật mở ốc tai(1,2,6). Nó
còn giúp cho việc đóng kín lỗ mở ốc tai và cố
định điện cực sau đặt hiệu quả hơn, giúp cho
những mô xung quanh điện cực lành nhanh
hơn. Ngoài ra, việc đặt điện cực qua màng cửa
sổ tròn giúp tăng chiều dài điện cực được kích
thích gần 2mm so với kĩ thuật khoan mở lỗ nhỏ
vào ốc tai ở phía trước dưới gờ cửa sổ tròn(10).
Tuy nhiên, đối với những trường hợp có
phân loại STH nhóm IIb và III, việc quan sát cửa
sổ tròn gặp nhiều khó khăn và có thể không đặt
được điện cực qua màng cửa sổ tròn nên chúng
tôi chọn lựa kĩ thuật mở ốc tai ở vị trí 1/4 trước
dưới gờ cửa sổ tròn để đặt điện cực. Sau khi đặt
điện cực, chúng tôi kiểm tra tình trạng hoạt động
của các điện cực bằng việc sử dụng chức năng
đo trở kháng và điện trường điện cực của phần
mềm Custom Sound EP tại phòng mổ. Ngoài ra,
các bệnh nhân này cũng được chụp X-quang tư
thế Stenvers sau phẫu thuật 48 giờ. Tất cả các
điện cực đều được đặt đúng vị trí.
KẾT LUẬN
Về mặt phẫu thuật: Kỹ thuật đặt điện cực
qua màng cửa sổ tròn hay qua lỗ mở ốc tai có
những ưu và nhược điểm riêng.
Với số lượng tương đương nhau 53,19% và
46,81%, việc tồn tại hai kỹ thuật đặt điện cực là
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Điều Dưỡng Kỹ Thuật Y Học 287
cần thiết để phẫu thuật viên có thể chọn lựa kỹ
thuật tối ưu cho bệnh nhân.
Về kết quả huấn luyện ngôn ngữ sau cấy
ốc tai điện tử chúng tôi cần thời gian theo dõi
và sẽ có báo cáo trong một nghiên cứu rộng
hơn sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Adunka O, Unkelbach MH, Mack M, et al (2004). Cochlear
implantation via the round window membrane minimizes
trauma to cochlear structures: a histologically controlled
insertion study. Acta Otolaryngol, 124(7):807-12.
2. Cipolla MJ, Iyer P, Dome C, et al (2012). Modification and
comparison of minimally invasive cochleostomy techniques: A
pilot study. Laryngoscope, 122(5): 1142-7.
3. House WF (1974). Goals of the Cochlear implant. Laryngoscope,
84(11):1883-1887.
4. Joseph B. Robertson (2005). Cochlear implant Surgery:
Minimally invasive technique. Operative Techniques in
Otolaryngology- Head and Neck Surgery, 16(2):74-77.
5. Leong AC, Jiang D, Agger A, et al (2013). Evaluation of round
window accessibility to cochlear implant insertion. Eur Arch
Otorhinolaryngol, 270(4):1237-42.
6. Li PM, Wang H, Northrop C, et al (2007). Anatomy of the round
window and hook region of the cochlea with implications for
cochlear implantation and other endocochlear surgical
procedures. Otol Neurotol, 28(5):641-8.
7. Mario S, Rolien F, Paul M, et al (2016). Cochlear Implantation. In:
Sanna Mario. Surgery for Cochlear and Other Auditory Implants,
pp.66-89. Thieme.
8. Niparko JK (2005). Assessment of Cochlear Implant Candidacy.
In: John K. Niparko. Cochlear Implants Principles and Practices,
pp.173-177. Lippincott Williams and Wilkins, Philadelphia.
9. Niparko JK (2005). Medical and Surgical Aspects of Cochlear
Implantation. In: John K. Niparko. Cochlear Implants Principles
and Practices, pp.189-221. Lippincott Williams and Wilkins,
Philadelphia.
10. Paprocki A, Biskup B, Kozlowska K, et al (2004). The
topographical anatomy of the round window and related
structures for the purpose of cochlear implant surgery. Folia
Morphol, 63(3):309-12.
Ngày nhận bài báo: 30/07/2019
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 30/08/2019
Ngày bài báo được đăng: 10/10/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- buoc_dau_danh_gia_ket_qua_phau_thuat_cay_oc_tai_dien_tu_voi.pdf