Tài liệu Bước chuyển tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh – Giá trị và bài học lịch sử đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay: TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 27 (52) - Thaùng 4/2017
19
Bước chuyển tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh –
Giá trị và bài học lịch sử đối với sự nghiệp đổi mới ở
Việt Nam hiện nay
Phan Chau Trinh’s political thought conversion – Value and history lessons for
innovation enterprise in Vietnam
TS. Phạm Đào Thịnh
Trường Đại học Sài Gòn
Pham Dao Thinh, Ph.D.
Saigon University
Tóm tắt
Bước chuyển tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh phản ánh quá trình nhận thức của ông trước sự thay
đổi của thời đại. Trong giai đoạn hiện nay, xuất hiện những biến đổi rất lớn trên nhiều mặt của xã hội.
Trên cơ sở phân tích những cơ sở hình thành, nội dung của bước chuyển tư tưởng chính trị Phan Châu
Trinh, bài viết đưa ra những giá trị và bài học lịch sử đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: bước chuyển tư tưởng, tư tưởng chính trị, dân chủ tư sản.
Abstract
The transformation of Phan Chau Trinh's political thought has reflected his congnitive pro...
9 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 513 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bước chuyển tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh – Giá trị và bài học lịch sử đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 27 (52) - Thaùng 4/2017
19
Bước chuyển tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh –
Giá trị và bài học lịch sử đối với sự nghiệp đổi mới ở
Việt Nam hiện nay
Phan Chau Trinh’s political thought conversion – Value and history lessons for
innovation enterprise in Vietnam
TS. Phạm Đào Thịnh
Trường Đại học Sài Gòn
Pham Dao Thinh, Ph.D.
Saigon University
Tóm tắt
Bước chuyển tư tưởng chính trị Phan Châu Trinh phản ánh quá trình nhận thức của ông trước sự thay
đổi của thời đại. Trong giai đoạn hiện nay, xuất hiện những biến đổi rất lớn trên nhiều mặt của xã hội.
Trên cơ sở phân tích những cơ sở hình thành, nội dung của bước chuyển tư tưởng chính trị Phan Châu
Trinh, bài viết đưa ra những giá trị và bài học lịch sử đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: bước chuyển tư tưởng, tư tưởng chính trị, dân chủ tư sản.
Abstract
The transformation of Phan Chau Trinh's political thought has reflected his congnitive process before
the change of times. In the present period, there are great changes in many aspects of society. Based on
the analysis of the foundations, contents of Phan Chau Trinh's political ideology conversion, the paper
presents values and historical lessons for innovation enterprise in Vietnam.
Keywords: moving thoughts, political thought, bourgeois democracy.
Phan Châu Trinh (1872 - 1926), xuất
thân trong gia đình quan võ tại làng Tây
Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh
Quảng Nam. Ông nổi tiếng thông minh,
học giỏi, năm 1900 đỗ cử nhân, năm 1901
đỗ phó bảng. Năm 1902, ông học trường
Hậu bổ và được nhậm chức quan Thừa
biện bộ Lễ. Với nhãn quan chính trị nhạy
bén, ông nhận thức được sự thối nát, mục
ruỗng của triều đình nhà Nguyễn, nên từ bỏ
quan trường (1904), đem tài trí đi tìm con
đường cứu nước, cứu dân. Qua trải nghiệm
thực tiễn cách mạng, sự tác động của các
trào lưu tư tưởng, các cuộc cải cách trong
khu vực, đã góp phần hình thành bước
chuyển trong tư tưởng của Phan Châu
Trinh, đó là bước chuyển từ hệ tư tưởng
phong kiến sang tư tưởng dân chủ tư sản
và tiến gần đến chủ nghĩa Mác - Lênin.
Bước chuyển tư tưởng của Phan Châu
Trinh xuất phát từ những cơ sở, tiền đề lý
luận của nó. Về lịch sử, cuối thế kỷ XIX,
dân tộc Việt Nam trở thành một nước
thuộc địa nửa phong kiến. Vua quan trở
thành tay sai của thực dân Pháp, nhân dân
sống dưới hai tròng nô lệ: thực dân, phong
BƯỚC CHUYỂN TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ PHAN CHÂU TRINH – GIÁ TRỊ VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ
20
kiến. Điều đó đánh thức lương tri của một
bộ phận trí thức tiến bộ, khiến họ sẵn sàng
đứng về phía lợi ích dân tộc và nhân dân,
chống lại thực dân, phong kiến. Lịch sử
dân tộc đặt ra yêu cầu đi tìm con đường
cách mạng để cứu nước, cứu dân. Cùng với
hoàn cảnh lịch sử ấy, ở trong nước một trào
lưu tư tưởng mới xuất hiện, đó là tư tưởng
Canh tân của các nhà trí thức tiến bộ, như
Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ,
Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ, Họ chủ
trương đổi mới đất nước trên các lĩnh vực
như cách thức cai trị đất nước của nhà vua,
chính sách ngoại giao, học thuật, lối sống,
củng cố quân sự, v.v Bên cạnh đó, tư
tưởng Tân thư là một trào lưu tư tưởng tiến
bộ của Nhật Bản, Trung Quốc khoảng cuối
thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. “Tân thư” dùng
để chỉ các sách báo về khoa học xã hội,
khoa học tự nhiên chứa đựng kiến thức mới
của Âu - Mỹ dịch ra chữ Hán, chữ Nhật có
ảnh hưởng lớn đến các nhà tư tưởng đương
thời. Phan Châu Trinh viết: “Buổi ấy các
danh sỹ nước Pháp như Lư - thoa, Mạnh -
đức - tư - cưu, Phúc - lộc - đặc - nhĩ, v.v
kế tiếp nhau nổi lên phát huy cái nghĩa dân
quyền, chẳng đầy vài mươi năm mà cái thế
lực ảnh hưởng ra khắp toàn châu Âu”[2,
669]. Năm 1911, khi sang Pháp được
chứng kiến sự phát triển của nền dân chủ
phương Tây, sự tác động của cuộc cách
mạng Tân Hợi (1911) của Trung Quốc, các
cuộc canh tân của Nhật Bản, Thái Lan, đã
góp phần hình thành bước chuyển trong tư
tưởng của Phan Châu Trinh.
Bước chuyển tư tưởng của Phan Châu
Trinh diễn ra trong thời gian khá dài, có thể
chia thành các giai đoạn: thứ nhất, từ năm
1894 đến năm 1904, Phan Châu Trinh ông
theo Nho học, đứng trên lập trường tư
tưởng quân chủ, đậu Phó bảng năm 1901
và được bổ nhiệm làm quan. Sau một thời
gian quan trường, ông thấy được bản chất
của chế độ phong kiến nên từ quan, chuẩn
bị cho một con đường mới. Thứ hai, từ
năm 1905 đến năm 1910, Phan Châu Trinh
xây dựng phong trào Duy tân, theo tư
tưởng dân chủ tư sản ở trong nước. Thứ ba,
từ năm 1911 đến năm 1926, Phan Châu
Trinh hoạt động đòi các quyền dân sinh,
dân chủ tại Pháp và diễn thuyết tại Việt
Nam lúc cuối đời.
Về tác phẩm, Phan Châu Trinh viết
nhiều thể loại: Chính luận có các tác phẩm:
Đầu Pháp chính phủ thư, Trung kỳ dân
biến tụng oan thủy mạt ký, Đông Dương
chính trị luận, Pháp - Việt liên hiệp hậu chi
tân Việt Nam, Thư thất điều; Diễn thuyết
có các bài nổi tiếng: Đạo đức và luân lý
Đông Tây, Quân trị chủ nghĩa và dân trị
chủ nghĩa; Thơ ca quốc âm và thơ chữ Hán
gồm những tập thơ Tây hồ thi tập, Tỉnh
quốc hồn ca I, Tỉnh quốc hồn ca II, Giai
nhân kỳ ngộ diễn ca, Xăng tê thi tập, Năm
bài gia huấn, Quốc âm tạp vịnh; Các bài
báo và Các bức thư.
Bước chuyển tư tưởng của Phan Châu
Trinh phản ánh sự phát triển của dân tộc và
thời đại, với nội dung phong phú, đa dạng
nhưng có thể khái quát thành các nội dung
cơ bản như sau:
Phan Châu Trinh từ bỏ chế độ quân
chủ và đi đến chủ nghĩa dân quyền. Mục
đích sự nghiệp Phan Châu Trinh là dùng tài
trí để cứu dân, cứu nước đang chìm đắm
trong nô lệ. Khi được bổ nhiệm làm quan,
ông thấy khoa cử cũng chỉ là kiếm chức
quan nhằm “vinh thân, phì gia”, chứ không
thể thực hiện được mục đích. Ông nhận
thức được sự suy tàn của chế độ phong
kiến, sự chìm đắm trong hư văn một bộ
phận Nho sỹ vẫn chưa kịp chuyển biến
theo thời thế. Phan Châu Trinh viết:
“Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn gia nô lệ cường quyền hạ,
PHẠM ĐÀO THỊNH
21
Bát cổ văn chương thụy mộng trung”
[2, tr.95].
Nghĩa là: Việc đời nhìn lại thấy chẳng
còn gì, sông núi không còn nước mắt để
khóc các bậc anh hùng. Muôn nhà làm tôi
tớ dưới ách cường quyền, nhiều người
đang ngủ mê trong giấc mộng văn chương
bát cổ.
Khi làm quan (1902), thông qua Đào
Nguyên Phổ, Thân Trọng Huề - những
người có tư tưởng canh tân, Phan Châu
Trinh được tiếp xúc với tư tưởng Tân thư.
Phan Châu Trinh rất phấn khởi và đến với
tư tưởng dân chủ, ông viết: “Đến ngày kia
có sách mới mà đọc, thì thích lắm nói:
“Đây chính là cái thời hữu dụng của kẻ ngu
cuồng. Ta đem cái chí của kẻ cuồng ngu
của ta, thi hành kiến thức ngu cuồng của ta,
chưa hẳn không ít có ích cho quốc dân” [2,
tr.588-589]. Càng tiếp xúc với Tân thư,
ông càng tin vào con đường cách mạng dân
chủ tư sản. Ông viết: “Từ khi sách mới
dịch của châu Âu du nhập, mới hiểu rõ tiền
đồ sống chết của dân tộc ở trong cái đại
mạnh yếu của năm châu” [2, tr.577]. Có
thể nói, Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, Phan
Châu Trinh là người sớm nhận thức được
giá trị tư tưởng dân chủ tư sản, từ đó ông
tập hợp lực lượng tham gia như Huỳnh
Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,... Những năm
đầu thế kỷ XX bắt đầu xuất hiện phong
trào tư sản hóa các nhà Nho tiến bộ. Tư
tưởng dân chủ tư sản như một luồng gió
mới trong đời sống chính trị Việt Nam. Sự
chuyển biến đó thể hiện quá trình phủ định
biện chứng: từ bỏ hệ tư tưởng phong kiến,
tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, xây dựng
hệ tư tưởng dân chủ tư sản trong bối cảnh
lịch sử Việt Nam hết sức tăm tối. Vậy tư
tưởng dân chủ tư sản của Phan Châu Trinh
bao gồm những nội dung nào?
Trước hết, trên lập trường dân chủ tư
sản Phan Châu Trinh đã kịch liệt phê phán
chế độ quân chủ chuyên chế, đồng thời ca
ngợi chế độ dân chủ. Để giành lại độc lập
dân tộc, chủ quyền đất nước, phải thức tỉnh
nhân dân ra khỏi sự mê muội của nọc độc
chuyên chế phong kiến, cho nên Phan
Châu Trinh đã tích cực phê phán, tố cáo
chế độ phong kiến nhằm làm cho nhân dân
hiểu được bản chất thối nát của nó. Ông
viết:
“Hiềm vì nỗi học hành sai lối,
Thóc vứt đi, rơm bổi quơ về,
Sai lầm từ thuở nhà Lê,
Bước qua nhà Nguyễn sa bê dần dần”
[2, tr.340].
Theo ông, sự chậm chạp trong đổi mới
về chính trị đã làm cho dân tộc đi vào con
đường suy yếu, “vì cái nọc độc quân chủ
mà nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân
Việt Nam ta” [2, tr.981]. Ông còn cho
rằng, Nho giáo đã hết vai trò lịch sử, không
còn phù hợp với sự phát triển của thời đại,
ông viết: “Nay tôi mới biết cái độc hại của
văn bát cổ, không những đủ làm cho mất
nhà mất nước; mà còn hiện hình biến tướng
để giết hết cả nòi giống mới thôi” [2,
tr.605]. Phan Châu Trinh là người đầu tiên
tố cáo vua Khải Định bán nước, Thư thất
điều đã khái quát bảy tội của vua Khải
Định đáng phải chém đầu [2, tr.647-674].
Ông phê phán vua: “Nay bệ hạ sinh đẻ
trong nước Nho giáo, và làm vua trong thời
bây giờ là thời thế kỷ XX, mà nước ta lại
đứng dưới quyền nước Pháp bảo hộ, mà Bệ
hạ dám tôn mình như thần thánh, nghênh
ngang trên đầu dân. Vậy thì chẳng những
dân An Nam không thể dung được Bệ hạ,
mà dân nước Pháp cũng lại khi dể Bệ hạ
nữa [2, tr.653]. Phan Châu Trinh cho rằng,
theo quy luật tiến hóa của lịch sử, chính thể
quân chủ chuyên chế đã không còn phù
hợp với thời đại, cần phải chấm dứt sự tồn
tại của nó thay bằng chế độ dân chủ.
Cùng với việc phê phán chế độ quân
BƯỚC CHUYỂN TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ PHAN CHÂU TRINH – GIÁ TRỊ VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ
22
chủ, Phan Châu Trinh ca ngợi chế độ dân
chủ tư sản. Mọi quyền lực thuộc về nhân
dân, đều nằm trong khuôn khổ luật pháp,
vua trái phép cũng bắt tội. Bộ máy nhà
nước là những người do nhân dân bầu ra
nên nhất nhất phải làm theo lợi ích của
nhân dân. Ông viết: “Là những người được
uỷ quyền cho, phải thuận theo ý muốn của
dân mà làm những việc lợi dân ích nước”
[2, tr.652]. Trong bài diễn thuyết tại Sài
Gòn năm 1925, ông đã trình bày rất nhiều
về tư tưởng dân chủ và một trong những
vấn đề khá mới mẻ là quản lý xã hội bằng
pháp luật thay cho quản lý thần dân theo ý
chí của vua. Ông viết: “Nói tóm lại, dân trị
tức là pháp trị. Quyền hạn và bổn phận của
mỗi người trong nước, bất kỳ người làm việc
nhà nước hay là người thường, đều có pháp
luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là có
đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi, tự
do muốn bước tới bao nhiêu cũng được,
không ai ngăn trở cả. Chỉ trừ khi nào xâm lấn
đến quyền hạn của người khác thì không
được mà thôi” [2, tr.985].
Theo Phan Châu Trinh, cách mạng dân
chủ tư sản phải dựa vào Pháp để làm cho
dân tộc mở mang dân trí, bồi dưỡng sức
dân, rồi từ đó mà giành độc lập, nên không
chủ trương bạo động. Con đường cách
mạng dân chủ tư sản như một luồng gió
mới thức tỉnh dân tộc ta trong sự mê muội
mấy trăm năm. Tuy nhiên, ông chưa nhận
thức đầy đủ bản chất của dân chủ tư sản,
đặc biệt, ông lại ảo tưởng khi chủ trương
dựa vào Pháp để thực hiện dân chủ ở Việt
Nam, rồi giành độc lập dân tộc. Một thuộc
địa của thực dân thì không thể có dân chủ
và độc lập, tự do! Ông đề ra nhiệm vụ
giành độc lập dân tộc, nhưng ông chưa đề
ra mục tiêu đánh đuổi thực dân Pháp. Khi
phê phán chế độ phong kiến, ông công kích
rất mạnh mẽ nhưng đối với thực dân chỉ
phê phán việc ngược đãi của người Pháp
đối với nhân dân, hoặc một số chính sách
thực dân, hoặc chính phủ bảo hộ không
làm hết sứ mệnh bảo hộ,.. [2, tr.385-408].
Cùng với việc phê phán chế độ quân
chủ chuyên chế, ca ngợi chế độ dân chủ,
Phan Châu Trinh nhận thấy vai trò quyết
định sự phát triển lịch sử của nhân dân nên
đã chủ trương khai dân trí, chấn dân khí,
hậu dân sinh nhằm chấn hưng dân tộc.
Theo Phan Châu Trinh, khai dân trí
tức là phải bỏ lối học tầm chương trích cú
của nền Nho học, mở trường dạy chữ quốc
ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ
hủ tục. Việt Nam mất nước có lý do từ
nguyên nhân “cái nọc độc quân chủ vào
trong óc dân ta sâu quá, mà cái trình độ của
dân ta cũng thấp quá” [2, tr.980], nền Nho
học với kiến thức cũ kỹ, lạc hậu không còn
phù hợp với thời cuộc, ông viết:
“Từ khi cử nghiệp thiết khoa,
Năm kinh, bốn truyện hóa ra tro tàn”
[2, tr.342].
Để mở mang dân trí, Phan Châu Trinh
cho rằng phải tiến hành học thực dụng cốt để
phục vụ cuộc sống dân sinh chứ không chỉ
học thơ văn phù phiếm. Về kiến thức trong
giáo dục cần phải đổi mới nội dung, phương
pháp, đặc biệt là chú trọng về giáo dục khoa
học, kỹ thuật. Ông viết:
“Ước học hành mở cho xứng đáng,
Đừng vẽ hình, vẽ dạng cho qua;
Công thương, kỹ nghệ chuyên khoa,
Trí tri, cách vật cho ta theo cùng” [2,
tr.348].
Đối với nền văn minh phương Tây,
theo ông cần phải tiếp thu những giá trị để
mở mang dân trí. Tư tưởng của ông đã phá
bỏ truyền thống “trọng Đông, khinh Tây”,
ông viết: “đem cái sự học Âu tây để so
sánh lại với cái học cũ của ta, để xem điều
gì hay, điều gì dở, cho người ta xét đoán
mà tìm lấy đàng tấn tới về sau” [2, tr.964].
Trong bối cảnh đất nước bế tắc về con
PHẠM ĐÀO THỊNH
23
đường cách mạng, tư tưởng khai dân trí có
tác dụng nhất định làm thay đổi lối tư duy
cũ để vươn lên tầm nhận thức mới cao hơn,
phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Chấn dân khí là làm cho mọi người
thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, giác
ngộ được quyền lợi của mình giải thoát
khỏi sự kìm kẹp của chế độ quân chủ
chuyên chế. Sự trì trệ, suy vong của dân
tộc không phải từ bản chất của dân tộc ta
kém cỏi. Từ buổi đầu lịch sử, dân tộc ta đã
có hàng trăm năm dựng nước trở thành một
quốc gia độc lập, có chủ quyền, có nền văn
hóa bền vững. Sự yếu kém của dân tộc là
do chế độ phong kiến không cho nhân dân
quyền học tập, tự lực, tự cường. Qua khảo
cứu lịch sử nước nhà, ông chỉ ra nguyên
nhân yếu kém đó: “Lấy lịch sử mà nói thì
dân tộc Việt Nam không phải là một dân
tộc hèn hạ, mà cũng không phải là một dân
tộc không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở
dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay mà vẫn
còn mê mê muội muội, bịt mắt vít tai
không chịu xem xét, không chịu học hỏi
cái hay, cái khéo của người” [2, tr.952]?
Tư tưởng chấn dân khí của Phan Châu
Trinh thể hiện tính cách mạng nhằm phục
hưng truyền thống hào hùng của dân tộc.
Trong chế độ thực dân phong kiến đã làm
cho dân mê muội trong sự an phận, xa lánh
chính trị, ông viết: “Còn nó sợ dân biết
chính trị nhiều thì nó lại sinh ra cách mạng,
cho nên nó cấm học trò và dân không được
nói đến chính trị” [2, tr.973]. Vì thế, trong
Tỉnh quốc hồn ca I và Tỉnh quốc hồn ca II
Phan Châu Trinh kêu gọi, khích lệ nhân
dân mau mau tỉnh ngộ, học tập những giá
trị văn minh phương Tây để chấn hưng đất
nước.
Hậu dân sinh tức là phải làm cho mọi
người biết phát triển kinh tế mở mang
ngành nghề, làm cho cuộc sống ấm no,
hạnh phúc. Theo ông, một dân tộc muốn
phát triển kinh tế phải tiến hành phát triển
ngành nghề nhằm tạo ra nhiều sản phẩm
phục vụ đời sống xã hội. Đặc biệt, trong
quá trình giao lưu với văn minh phương
Tây, cũng như khi đọc những bản điều trần
của Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh
rất tâm đắc các đề nghị của Nguyễn
Trường Tộ với nhà vua là cần phải nhanh
chóng cho người sang phương Tây học
nghề. Trong bài diễn thuyết tại Sài Gòn
(1925) có đoạn ông nói: “Cũng có người
học hành như Nguyễn Trường Tộ khuyên
vua dạo qua bên Tây xem xét cái văn minh
của họ, rồi cho người qua học,” [2,
tr.975]. Sự giao lưu với các phong trào văn
minh phương Tây là điều kiện phát triển
đất nước, ông viết:
“Mau mau đi học lấy nghề,
Học rồi ta sẽ đem về dạy nhau” [2,
tr.174].
Lúc bấy giờ, Phan Châu Trinh đã quan
tâm đến việc mở mang ngành nghề với
mục đích phát triển kinh tế hàng hóa. Nền
sản xuất phải giao lưu với nước ngoài, phải
bảo đảm nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu
trong nước và xuất khẩu để tạo ra sự tích
luỹ cho nền kinh tế, phạm trù “tư bản” đã
được Phan Châu Trinh đề cập, ông viết:
“Nghề càng ngày càng đua càng tới,
Vật càng ngày càng mới dễ coi.
Chở chuyên đi bán nước ngoài,
Lợi trong đã được, lợi ngoài lại thêm.
Được nhiều lời càng thêm tư bổn,
Rộng bán buôn khắp bốn phương trời”
[2, tr.193].
Như vậy, có thể nói Phan Châu Trinh
là người có tầm nhìn mang tính chất hiện
đại, không chỉ bàn về kinh tế hàng hóa mà
còn đề cập hàng loạt vấn đề như: lập hội
buôn bán, dạy học nghề, xây dựng lối sống
giản dị, lành mạnh, chống mê tín, dị đoan,
cải tiến kỹ thuật, tổ chức y tế, Đó là
những chủ trương bám sát thực tế, phục vụ
BƯỚC CHUYỂN TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ PHAN CHÂU TRINH – GIÁ TRỊ VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ
24
đời sống nhân dân [2, tr.168-194].
Để thực hiện được những chủ trương
trên, theo Phan Châu Trinh cần phải thức
tỉnh nhân dân hiểu được quyền lợi của
mình. Trong tư tưởng dân chủ, Phan Châu
Trinh nhấn mạnh đến vai trò, những quyền
lợi cơ bản và thực hiện những nghĩa vụ
thiêng liêng cao cả với đất nước, ông viết:
“Một nòi dân cùng một giọt máu xẻ ra,
cùng một thứ tiếng nói, ở trong miếng đất
mà ông cha ta nó đã đổ máu, đổ mồ hôi, đổ
nước mắt, để vỡ vạc ra, thành ra một nước
lưu truyền bốn ngàn năm đến giờ, thì được
phép hưởng quyền lợi trong miếng đất ấy,
được sống ở đó, chết chôn đó, giàu nhờ đó,
nghèo nương đó, làm gì thì không ai cấm
đoán được” [2, tr.940].
Khi nói về quan hệ giữa quyền và
nghĩa vụ, Phan Châu Trinh gọi đó là đạo
đức luân lý. Theo ông đạo đức luân lý có
sự phát triển từ thấp lên cao: luân lý gia
đình, luân lý quốc gia, luân lý xã hội. Dân
tộc hèn yếu chỉ vì hiểu biết hạn hẹp trong
quan hệ vua - tôi, không hề biết được quan
hệ nước với dân, cho nên, nhân dân không
hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Ông viết: “cho nên dân trong nước
không biết quyền dân là gì, thương nước là
gì, nghĩa vụ là gì?” [2, tr.938]. Hạn chế
trong luân lý xã hội là nhân dân không hề
biết đoàn thể là gì, tổ chức là gì, nguyên
nhân này là từ chế độ phong kiến. Ông
viết: “Dân không biết đoàn thể, không
trọng công ích là bởi ba bốn trăm năm trở
về đây, bọn học trò trong nước mắc ham
quyền tước, ham bã vinh hoa của các triều
vua mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết
vua mà chẳng biết có dân” [2, tr.943]. Cho
nên, phải khơi dậy tinh thần dân tộc, vì
trước đây, dân tộc ta rất hào hùng và đoàn
kết, biết bênh vực nhau. Ông nói: “dân
tộc Việt Nam này hồi cổ sơ cũng biết đoàn
thể, biết công ích, cũng góp gió làm bão,
giụm cây làm rừng, không đến nỗi trơ trọi,
lơ láo, ù lỳ như ngày nay” [2, tr.943]. Giá
trị nổi bật trong tư tưởng Phan Châu Trinh
là làm cho nhân dân nhận thức được phạm
trù dân chủ. Cũng như Phan Bội Châu, các
ông đều có quan niệm về mối quan hệ dân
với nước, quốc quyền với dân quyền, ông
viết: “Gọi là nước, thì phải có đất đai, có
nhân dân” [2, tr.605], đó là mối quan hệ
biện chứng nổi bật nhất trong tư tưởng dân
chủ tư sản đầu thế kỷ XX ở nước ta. Vậy
để nhân dân hiểu được quyền lợi và nghĩa
vụ của mình thì cách mạng Việt Nam phải
làm gì?
Trước hết phải xây dựng một luân lý
quốc gia mới, không thể dựa vào tư tưởng
truyền thống quân chủ chuyên chế, Phan
Châu Trinh cho rằng, phải kết hợp truyền
thống với hiện đại, dân tộc với thế giới.
Ông viết: “Nếu ta giữ một ít đạo đức của
ta, thâu thái một ít đạo đức của Âu đem
điều hòa lại, rồi khuyếch trương luân lý,
nghĩa là khiến dân Việt Nam ai ai cũng đều
biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam. Được
như thế thì chẳng những nước Việt Nam
sau này được giàu mạnh, mà trong thế giới
này bất kỳ dân tộc nào muốn đến ăn chung
ở đậu trên miếng đất này cũng không giám
đem lòng khinh dễ ta như ngày nay nữa”
[2, tr.957]. Theo đó, tư tưởng dân chủ của
Phan Châu Trinh có bước phát triển, nếu
trước đây, tư tưởng dân chủ chỉ dừng lại ở
việc đối lập dân chủ với quân chủ một cách
chung chung thì đến đây, tư tưởng dân chủ
gắn liền với độc lập dân tộc, gắn liền với
những quyền cụ thể của người dân Việt
Nam, gắn liền với phạm trù xã hội mang
tính phổ biến. Điều này, thể hiện sự phát
triển, chuyển biến tư tưởng chính trị của
Phan Châu Trinh và cũng là tiền đề căn bản
để ông đến gần chủ nghĩa Mác - Lênin.
Với chủ trương cách mạng dân chủ tư
sản, Phan Châu Trinh sử dụng phương
PHẠM ĐÀO THỊNH
25
pháp cách mạng hòa bình, hợp pháp, công
khai. Căn cứ vào tình hình trong nước,
Phan Châu Trinh cho rằng chủ trương cách
mạng bạo động của Phan Bội Châu là
không phù hợp, ông khẳng định bạo động
cách mạng sẽ gặp thất bại. Xét về mặt
chiến lược cách mạng, Phan Bội Châu là
hoàn toàn đúng, vì đối với thực dân xâm
lược phải dùng bạo động cách mạng để
đánh đuổi. Xét về thực lực cách mạng, bạo
động cách mạng có thể thất bại, cho nên
quan điểm Phan Châu Trinh cũng có phần
phù hợp với thực tế cách mạng.
Căn cứ tình hình sức người, sức của ở
trong nước còn rất yếu, nhân dân “không
có chỗ nương thân, không có khí giới mà
dùng, không có tiền của mà tiêu, quyết
không thể sống nổi trong cái thế giới này,
lại còn chống cự được với ai nữa” [2,
tr.404], Phan Châu Trinh chủ trương
phương pháp đấu tranh hòa bình, đòi dân
sinh, dân chủ một cách công khai với mục
đích “trông dân có trí, dân có đường sống”
[2, tr.596]. Muốn thực hiện được những
nhiệm vụ ấy, ông chủ trương đấu tranh trên
diễn đàn công khai, ông viết: “Cho nên sự
vận động của đảng tôi, toàn là tụ tập dân
chúng đường đường chính chính, diễn
thuyết, họp chí sĩ, khảo cứu chính trị thời
thế, ăn to nói lớn, người và việc ai nấy đều
thấy, cho nên xét nó rất dễ. Chủ nghĩa của
tôi đã lợi dụng dân trí, thủ đoạn lợi dụng rõ
ràng, cho nên những kẻ nghe theo đều là
người đọc sách biết lẽ, vì nước quên mình”
[2, tr.597].
Phương pháp đấu tranh hòa bình là
một phương pháp được một bộ phận trí
thức yêu nước tán thành, họ dựa vào pháp
luật và diễn đàn công luận để đấu tranh,
nhưng thường không đạt kết quả mong
muốn, hoặc nếu có cũng chỉ là sự nhượng
bộ tạm thời của thực dân nhằm xoa dịu
mâu thuẫn xã hội. Phương pháp này có ưu
điểm là không gây ra tổn thất về tính mạng
và vật chất của nhân dân, làm cho nhân dân
thức tỉnh, vươn lên làm cách mạng, phê
phán chế độ quân chủ, tố cáo quan lại Pháp
vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, tuy
nhiên, phương pháp này không phù hợp
với mục đích đánh đuổi thực dân xâm lược.
Để thực hiện mục đích, nhiệm vụ của
cách mạng dân chủ tư sản, Phan Châu
Trinh phát hiện ra động lực của cách mạng
là đoàn kết nhân dân. Theo ông, nhân dân
đoàn kết thì mới tập hợp được thành đảng
phải, tổ chức để đấu tranh với thực dân
Pháp. Ông kêu gọi nhân dân đoàn kết xây
dựng thành tổ chức, đoàn thể để tham gia
phong trào cách mạng, đoàn kết là một sức
mạnh của dân tộc. Ông viết:
Xưa nay góp gió làm nên bão,
Muôn vạn nên ghi một chữ đồng [2,
tr.281].
Trong tác phẩm Tỉnh quốc hồn ca I,
với mười hai phần nội dung, Phan Châu
Trinh dành một phần bàn về sự đoàn kết
nhân dân. Ông phân tích thấu đáo những
hậu quả của mất đoàn kết, chỉ ra nguyên
nhân của mất đoàn kết là thiếu sự thông
cảm, chia sẻ, không biết nhường nhịn nhau,
thậm chí tranh giành nhau quyền lợi vật
chất. Do đó làm cho giống nòi hèn kém,
giảm sức mạnh của dân tộc, dẫn đến mất
nước. Cho nên, muốn giành độc lập, nhân
dân ta phải đoàn kết một long [2, tr.168-
194].
Về nền chính trị, Phan Châu Trinh cho
rằng, nó có vai trò rất quan trọng đối với
đời sống nhân dân: nền chính trị tiến bộ thì
nhân dân hạnh phúc, còn chính trị lạc hậu
thì gây hậu họa cho nhân dân. Nền chính
trị tốt hay xấu phụ thuộc vào chỗ dùng
người, và mục đích chính trị sẽ quyết định
việc dùng người của nền chính trị đó. Ông
viết: “Họa phúc của nhân dân gốc ở nền
chính trị; mà chính trị tốt hay xấu thì bắt
BƯỚC CHUYỂN TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ PHAN CHÂU TRINH – GIÁ TRỊ VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ
26
đầu ở chỗ dùng người. Nếu chính trị nhằm
làm cho nước lợi dân giàu thì lối dùng
người sẽ là công; dùng người công chính
thì tài trí sẽ được phát huy, mọi việc thực
hành được chu tất; nếu chính trị dùng vào
tư lợi cá nhân, thì lối dùng người ắt là tư;
dùng người là thiên tư thì hối lộ nảy sinh,
kỷ cương rối loạn” [2, tr.479-482].
Nhận thức đúng đắn về quyền quyết
định của nhân dân đối với thể chế, nên ông
cho rằng việc lựa chọn nền chính trị dân
chủ hay quân chủ do nhân dân tự quyết.
Ông viết: “Sau khi đã khôi phục sơn hà rồi,
thì quân chủ hay dân chủ nhứt nhứt tuỳ
theo ý quốc dân, đảng thiếu niên không nên
chủ trì bên nào cả” [2, tr.692]. Điều đó, cho
thấy, trong tư tưởng Phan Châu Trinh mọi
ý đồ chính trị đều tập trung vào ích nước,
lợi dân, mưu cầu một xã hội tốt đẹp cho
dân tộc.
Sau này, khi phong trào cách mạng tư
sản chưa đạt được những kết quả mong
đợi, trong lúc đó phong trào cách mạng vô
sản phát triển mạnh mẽ. Ở Pháp, Đảng
Cộng sản ra đời (1920), Nguyễn Ái Quốc
(thành viên của nhóm Ngũ Long: Phan
Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái
Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An
Ninh) tham gia sáng lập và đi theo phong
trào cộng sản quốc tế. Sự kiện ấy, có ảnh
hưởng nhất định đối với các thành viên của
nhóm Ngũ Long. Những năm 1920, phong
trào cách mạng vô sản cũng đã phát triển
mạnh mẽ, đặc biệt là cuộc Cách mạng
Tháng Mười Nga (1917) thành công đã
làm rung động châu Âu. Từ những tác
động ấy, tư tưởng chính trị của Phan Châu
Trinh có những chuyển biến nhất định.
Mặc dù, ông chưa có ý đồ chuyển hướng
cách mạng vô sản nhưng ông đã nghiên
cứu và đến gần tư tưởng chủ nghĩa Mác -
Lênin. Tại Pháp, ông bắt đầu nghiên cứu,
có những nhận thức và cảm tình nhất định
với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong bức thư
gửi cho Nguyễn Ái Quốc năm 1922, Phan
Châu Trinh đã nói về chủ nghĩa Mác -
Lênin [2, tr.787-794].
Mặc dù đã nghiên cứu chủ nghĩa Mác -
Lênin, nhưng Phan Châu Trinh chỉ dừng lại
với tư cách là một người cách mạng dân
chủ tư sản có cảm tình với chủ nghĩa Mác -
Lênin, chứ chưa nhận thức đầy đủ phạm trù
cách mạng vô sản. Trong lúc đó, năm
1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc Sơ thảo lần
thứ nhất những luận cương về vấn đề dân
tộc và vấn đề thuộc địa của V.I Lênin và
tìm thấy được con đường cách mạng vô
sản. Cho nên, có thể nói Phan Châu Trinh
mới đến gần chủ nghĩa Mác - Lênin chứ
chưa hoàn toàn nhận thức được bản chất
của học thuyết cách mạng này, do hạn chế
bởi những điều kiện lịch sử và nhận thức
chi phối. Việc ông tiếp cận chủ nghĩa Mác
- Lênin đã đánh dấu một bước chuyển khá
quan trọng trong quá trình phát triển tư
tưởng chính trị của ông. Từ chỗ nhận thức
được hạn chế của tư tưởng dân chủ tư sản,
nên Phan Châu Trinh đã khuyên Nguyễn
Ái Quốc cần phải thay đổi phương pháp
hoạt động, theo chủ nghĩa Mác và về trong
nước để hoạt động cách mạng. Ông viết:
“Tôi khuyên anh thu xếp mà về, đem cái
tài năng của mình khích động nhân tâm, hô
hào đồng bào ba kỳ đồng tâm hiệp lực, để
mà đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là
thành công” [2, tr.790]. Đối với bản thân,
Phan Châu Trinh thấy mình trong cảnh
“chim lồng cá chậu”, “hoa sắp tàn”, không
còn con đường nào khác, nên gửi lời nhắn
nhủ đến Nguyễn Ái Quốc rằng: “Bởi vậy
tôi thành tâm mong mỏi anh thay đổi cái
phương pháp cũ kỹ đi để mà mưu đồ đại
sự” [2, tr.794]. Ông ý thức được “phương
pháp cũ kỹ” của mình để từ đó rút ra kinh
nghiệm cho thế hệ sau không dẫm lên con
đường sai lầm. Nếu nói mỗi nhà tư tưởng
PHẠM ĐÀO THỊNH
27
tiến bộ là một bước đi trong lịch sử của tư
tưởng Việt Nam, thì Phan Châu Trinh là
một bước đi khá tiến bộ, có tác dụng thúc
đẩy lịch sử, tạo tiền đề cho những bước
tiếp theo. Tư tưởng dân chủ của Phan Châu
Trinh được nhiều nhà tư tưởng đánh giá
cao như là một sự thức tỉnh dân tộc, Hồ
Chí Minh viết: “Năm 1926 có một sự thức
tỉnh trong toàn quốc tiếp theo sau cái chết
của một nhà quốc gia chủ nghĩa Phan Châu
Trinh” [8, tr.20].
Từ bước chuyển tư tưởng của Phan
Châu Trinh, có thể rút ra những giá trị và
bài học lịch sử như sau: Thứ nhất, bước
chuyển tư tưởng Phan Châu Trinh góp
phần tạo nên quá trình chuyển biến ý thức
hệ của dân tộc. Trước sự suy tàn của chế
độ phong kiến, Phan Châu Trinh cùng các
nhà tư tưởng đã kịch liệt phê phán tư tưởng
phong kiến và từ bỏ nó để tạo nên hệ tư
tưởng mới - tư tưởng dân chủ tư sản nhằm
đi tìm con đường cách mạng cứu dân, cứu
nước. Trước yêu cầu hội nhập quốc tế,
nước ta cũng cần tiếp thu bài học của Phan
Châu Trinh, đó là: từ bỏ những tư tưởng
lạc hâu, bảo thủ, tiêu cực, tiếp thu những
giá trị tinh hoa của thời đại nhằm chấn
hưng dân tộc, kiên quyết, kiên trì giữ vững
nền độc lập dân tộc. Thứ hai, khi dân tộc
mất nước, thời đại đã thay đổi Phan Châu
Trinh đã xây dựng một hệ thống quan điểm
về cách mạng dân chủ tư sản: tư tưởng khai
dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, những
vấn đề dân chủ, nền chính trị, v.v... Trong
giai đoạn hiện nay, với những biến đổi sâu
sắc của thời đại và yêu cầu hội nhập quốc
tế, chúng ta cũng cần xây dựng và đẩy
mạnh thực hiện những nội dung mới như
đổi mới toàn diện giáo dục, quan tâm hơn
nữa vấn đề dân sinh, mở rộng và phát huy
dân chủ, đổi mới, cải cách hành chính, xây
dựng nhà nước kiến tạo và phát triển. Thứ
ba, tư tưởng dân chủ tư sản của Phan Châu
Trinh phản ánh tinh thần trách nhiệm của
tầng lớp trí thức tiến bộ đối với một giai
đoạn lịch sử tối tăm của dân tộc. Giai đoạn
hiện nay, cùng với sự phát triển của đất
nước và thời đại, hơn lúc nào hết đội ngũ
trí thức nước nhà cần phát huy hơn nữa
tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc trước
những vấn nạn như: vấn đề tham nhũng
trong xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường,
khai thác cạn kiệt tài nguyên, vấn đề biến
đổi khí hậu, như Phan Châu Trinh đã
từng kêu gọi trí thức:
“Sao cho gắng chí, gắng công,
Sao cho chẳng phụ con Rồng, cháu
Tiên” [2, tr.184].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Dương (1995), Tuyển tập Phan
Châu Trinh, Nxb Đà Nẵng.
2. Nguyễn Văn Dương (2006), Tuyển tập Phan
Châu Trinh, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
3. Đinh Xuân Lâm (chủ biên) (1998), Đại cương
lịch sử Việt Nam, tập 1, tập 2, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
4. Đinh Xuân Lâm (chủ biên) (1997), Tân thư và
xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ
XX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Huỳnh Lý (1992), Phan Châu Trinh, thân thế
và sự nghiệp, Nxb Đà Nẵng.
6. Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh (2003), Phan
Châu Trinh qua những tài liệu mới, quyển 1,
tập 1, Nxb Đà Nẵng.
7. Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) (2003),
Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, tập
2, Nxb Đà Nẵng.
8. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Ngày nhận bài: 17/3/2017 Biên tập xong: 15/4/2017 Duyệt đăng: 20/4/2017
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 83_7863_2215135.pdf