Biểu tượng nghệ thuật thể hiện thiên tính nữ trong thơ Nôm đường luật của Hồ Xuân Hương - Ngô Thanh Dung

Tài liệu Biểu tượng nghệ thuật thể hiện thiên tính nữ trong thơ Nôm đường luật của Hồ Xuân Hương - Ngô Thanh Dung: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0083 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 49-57 This paper is available online at BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG Ngô Thanh Dung Khoa Tiểu học và Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam Tóm tắt. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương sử dụng nhiều biểu tượng, đa phần là biểu tượng tính dục. Tuy nhiên yếu tố dâm và tục không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện sáng tạo nghệ thuật. Thiên tính nữ được thể hiện trong thơ Hồ Xuân Hương ở tất cả các phương diện từ cách lựa chọn, xử lí đề tài, cách xây dựng điểm nhìn, ngôn ngữ giọng điệu nhưng đặc biệt nhất chính là ở cách xây dựng các biểu tượng nghệ thuật thông tục gần gũi với đời thường. Không bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu, những quan niệm phong kiến, những biểu tượng thể hiện thiên tính nữ trong thơ Hồ Xuân Hương đã góp phần hoàn thiện bức tranh đa sắc màu về phái nữ đồng thời cũng tạo nên những đặc sắc riêng trong tư duy...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 648 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biểu tượng nghệ thuật thể hiện thiên tính nữ trong thơ Nôm đường luật của Hồ Xuân Hương - Ngô Thanh Dung, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0083 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 49-57 This paper is available online at BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN THIÊN TÍNH NỮ TRONG THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG Ngô Thanh Dung Khoa Tiểu học và Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam Tóm tắt. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương sử dụng nhiều biểu tượng, đa phần là biểu tượng tính dục. Tuy nhiên yếu tố dâm và tục không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện sáng tạo nghệ thuật. Thiên tính nữ được thể hiện trong thơ Hồ Xuân Hương ở tất cả các phương diện từ cách lựa chọn, xử lí đề tài, cách xây dựng điểm nhìn, ngôn ngữ giọng điệu nhưng đặc biệt nhất chính là ở cách xây dựng các biểu tượng nghệ thuật thông tục gần gũi với đời thường. Không bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu, những quan niệm phong kiến, những biểu tượng thể hiện thiên tính nữ trong thơ Hồ Xuân Hương đã góp phần hoàn thiện bức tranh đa sắc màu về phái nữ đồng thời cũng tạo nên những đặc sắc riêng trong tư duy thẩm mĩ của bà Chúa thơ Nôm. Qua việc nghiên cứu biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương có thể khẳng định giới tính chính là điểm độc đáo làm nên sức hấp dẫn muôn đời của kì nữ thơ Nôm này. Từ khóa: Hồ Xuân Hương, Thơ Nôm, biểu tượng tính dục, thiên tính nữ. 1. Mở đầu Tác phẩm nghệ thuật là thế giới của hình tượng. Trong thế giới hình tượng ấy, có một nhân tố quan trọng và càng ngày càng trở thành đối tượng trung tâm của người thưởng thức và nghiên cứu đó là biểu tượng. Biểu tượng thường được nhìn nhận dưới nhiều góc độ: văn hóa, tâm lí, ngôn ngữ, văn học... Ở mỗi góc độ soi chiếu đều cho chúng ta những phát hiện thú vị về biểu tượng. Dưới góc độ văn học, biểu tượng được xem là những hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan bộc lộ quan điểm thẩm mĩ của một tác giả, một thời đại, một dân tộc, một nền văn hóa và thường được biểu hiện bằng các ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng. Văn học nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng biểu tượng, biểu tượng càng gần gũi bao nhiêu với hiện thực càng có sức sống bấy nhiêu với cuộc đời. Giải mã biểu tượng chính là con đường tư duy nghệ thuật vì vậy chúng ta không thể bỏ qua biểu tượng nghệ thuật khi tìm hiểu một tác phẩm nghệ thuật, một tác giả hoặc một thời đại văn học, nhất là ở đây chúng ta lại đang nói đến thơ Nôm Đường luật thời trung đại và nữ sĩ Hồ Xuân Hương – một tác giả mà chính bản thân nhà thơ cũng trở thành biểu tượng được soi chiếu dưới góc nhìn thiên tính nữ. Trên thực tế mỗi nhà văn khi sáng tác đều mang sẵn trong mình ý thức về giới tính. Vì vậy khi sáng tác ý thức về giới tính thường chuyển hóa vào tác phẩm thông qua cách lựa chọn và xử lí Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/7/2016 Liên hệ: Ngô Thanh Dung, e-mail: dungthd1973@gmail.com 49 Ngô Thanh Dung đề tài, giọng điệu, ngôn ngữ, . . . đặc biệt là các biểu tượng nghệ thuật. Nhìn một cách tổng quát, các tác giả nam giới trong văn học thời trung đại thường chú ý tới những điều tự do phóng khoáng, những chủ đề văn học to lớn có tính chất đại cục trong khi đó những tác giả nữ thường quan tâm đến những đề tài giản dị và lựa chọn những biểu tượng nghệ thuật dung dị xoay quanh chính cuộc sống đời thường của người phụ nữ. Chính vì vậy sáng tác của cây bút nữ thường mang những đặc trưng riêng không nhòe lẫn. Phạm Ngọc Liên cho rằng “Bằng cách viết động chạm đến chuyện cấm kị họ đã tự cởi trói,... bằng nội tâm phong phú và nhạy cảm họ cho rằng họ viết về giới của họ trung thực hơn những gì người khác áp đặt” [6;30]. Với họ, viết chính là cách để bộc bạch những suy nghĩ trăn trở rất riêng của phái mình, thậm chí khi viết chung về một đề tài thì dường như thiên tính nam và thiên tính nữ cùng sự ý thức về giới toát ra từ hệ thống biểu tượng trong từng sáng tác của tác giả, Thơ Nôm Đường luật của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng không là ngoại lệ. Vấn đề về văn bản thơ Nôm của Hồ Xuân Hương vẫn hết sức phức tạp. Cho đến thời điểm này, khi khảo sát về con người và thơ Hồ Xuân Hương chúng ta vẫn cần có những tài liệu tham chiếu đáng tin cậy tuy nhiên việc tranh luận về số lượng và văn bản, tiểu sử... không nằm trong mục đích nghiên cứu của chúng tôi ở bài viết này, chúng tôi chỉ đi vào nghiên cứu những bài mang phong cách thống nhất.Việc tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ giới tính đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập nhưng những nghiên cứu theo hướng biểu tượng thì chưa thật xác định. Hệ thống biểu tượng nghệ thuật trong thơ Nôm đường luật của một tác giả thời trung đại là vấn đề có phạm vi không nhỏ, trong bài viết này tôi chỉ khảo sát một số biểu tượng thể hiện rõ nét tính chất giới tính trong sáng tác của Hồ Xuân Hương, đó là những biểu tượng nói về vẻ đẹp của người phụ nữ và hệ thống biểu tượng thể hiện những tình cảm, tâm trạng của người phụ nữ. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Điểm nhìn của Hồ Xuân Hương là điểm nhìn thiên tính nữ Biểu tượng thể hiện thiên tính nữ là một điểm độc đáo tạo nên cái cách thức thể hiện lạ trong thơ Hồ Xuân Hương. Trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương điểm đặc sắc đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy là tất cả các biểu tượng nghệ thuật trong thơ nữ sĩ đều xây dựng trên một quan niệm thẩm mĩ khác với quan niệm vốn có của xã hội phong kiến. Theo GS Lã Nhâm Thìn đó là quan niệm coi “Cái đẹp là cuộc sống tự nhiên, bản năng lành mạnh của con người” đặc biệt là người phụ nữ. Cái nhìn về giới của Hồ Xuân Hương là cái nhìn của một người phụ nữ đặt mình trong cuộc sống bình dân, cái nhìn có ảnh hưởng của lối tư duy dân gian. Xuất phát điểm đó đã tạo nên một Hồ Xuân Hương mạnh mẽ cá tính, luôn tiềm tàng sức phản kháng ngay trong bi kịch, không giống bất cứ ai. Ngô Gia Võ trong đề tài Hồ Xuân Hương với dòng thơ Nôm Đường luật trào phúng đã viết: “Đó là tiếng lòng sâu thẳm của một người đàn bà nhiều khát vọng lắm khổ đau và rất cô đơn buồn bã gữa cuộc đời, người đàn bà ấy đối diện với chính mình trong nỗi cô đơn đem từng tế bào tâm hồn của người giãi bày trên trang giấy” [10;113] Nguyễn Lộc đã nhận xét: “Hồ Xuân Hương là nhà thơ nữ, nhà thơ của phụ nữ bằng kinh nghiệm cuộc đời chung và kinh nghiệm cuộc đời riêng chẳng ra gì”. Đỗ Đức Hiểu cũng cho rằng: “Hồ Xuân Hương hòa đồng cái thiêng liêng với cơ thể người phụ nữ tức là tiếng nói của tự nhiên của bản năng muôn thủa của loài người, của hạnh phúc con người” [4;42]. Nói như Nguyễn Lộc, “Hình như đã trở thành quy luật phổ biến là bất cứ một nền văn học nào khi ra đời trào lưu nhân đạo chủ nghĩa thì vấn đề người phụ nữ lại được đặt lên hàng đầu” [5;26]. Điểm nhìn về giới tính của Hồ Xuân Hương không giống với người đi trước và cùng thời bà có cái nhìn riêng hơn nữa cái nhìn bắt nguồn từ thời đại nhà thơ sống, từ chính cuộc đời bà, cuộc đời của người phụ nữ chịu nhiều trớ trêu, gãy đoạn, long đong lận đận 50 Biểu tượng nghệ thuật thể hiện thiên tính nữ trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương trong tình duyên. Điểm nhìn giới tính của Hồ Xuân Hương là điểm nhìn thiên tính nữ. Điểm nhìn của nữ sĩ về vấn đề giới tính chỉ toàn những gì quen thuộc gần gũi không to tát, đó là cuộc sống đời thường với sự ý thức về vẻ đẹp của người phụ nữ, với khát khao tình yêu, hạnh phúc bản năng. Hơn thế, dù có táo bạo mạnh mẽ gan góc đi nữa thì thực chất Hồ Xuân Hương cũng chỉ là một người đàn bà và bà cũng là một nạn nhân điển hình của xã hội phong kiến nhiều bất công tàn nhẫn với nữ giới. Vì vậy bà luôn hướng về người phụ nữ như một nạn nhân cần bênh vực bảo vệ nâng niu những gì đẹp nhất nơi họ. Hồ Xuân Hương xuất hiện như một hiện tượng đột xuất nhưng cũng như một tất yếu lịch sử xã hội việt Nam nói riêng và xã hội phương Đông nói chung. Đọc những câu thơ Nôm Hồ Xuân Hương, ta thấy ở đó đọng kết từ vẻ đẹp hình thức, tâm hồn đến nước mắt, niềm đau, cả sự xót xa, khát khao hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam dồn nén bao thế kỉ. Tất cả cất lên thành tiếng thơ vừa đầy bản lĩnh tự hào vừa day dứt thổn thức không nguôi của giới nữ mà chính bản thân nữ sĩ là một đại diện. 2.2. Biểu tượng nghệ thuật trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương thể hiện thiên tính nữ Nét nổi bật tạo nên sức hấp dẫn của thơ Nôm Đường luật Hồ Xuân Hương đó chính là: “Thơ của người phụ nữ viết về giới phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến”. Trong thơ nữ sĩ đã sử dụng một hệ thống biểu tượng ẩn dụ về thân phận người phụ nữ. Biểu tượng về vấn đề giới tính trong thơ Hồ Xuân Hương nói chung đều do sự liên tưởng so sánh từ các sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan hoặc từ các biểu tượng gốc trong thế giới biểu tượng của huyền thoại hay trong dân gian. Không phải là những biểu tượng ước lệ quen thuộc của văn học trung đại như tùng, cúc, trúc, mai, sen, liễu,. . . mà đều là những gì bé nhỏ bình dị thậm chí tầm thường, có tính chất đời thường như: Chiếc bánh trôi, miếng trầu, quả mít, cái quạt, cái giếng, con ốc nhồi, đồng tiền hoẻn. . . Tất cả những biểu tượng nghệ thuật mà Hồ Xuân Hương lựa chọn đều được miêu tả dưới hệ quy chiếu đầy nữ tính nhằm thể hiện vẻ đẹp ngoại hình cũng như tâm hồn, tình cảm của người phụ nữ. 2.2.1. Những biểu tượng nghệ thuật nhằm thể hiện vẻ đẹp ngoại hình Cơ thể người phụ nữ đã trở thành nhân vật trong thơ nữ sĩ. Không chỉ là đối tượng được miêu tả mà nó được nâng lên thành biểu tượng cho vẻ đẹp của cuộc sống, mang đến một thái độ nhân đạo sâu sắc. Với tư tưởng này có thể coi Hồ Xuân Hương là nhà thơ Phục Hưng của văn học Việt Nam thời trung đại. Văn học trung đại khi nói về vẻ đẹp của người phụ nữ về hình thể thường theo một công thức chung như: mắt phượng, mày ngài, lông mày lá liễu, làn thu thủy, nét xuân sơn... Trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương thì người phụ nữ bước vào với dáng vẻ hoàn toàn khác. Bà đã thể hiện một triết lí ngược lại, coi hình thể là biểu tượng cho vẻ đẹp và nâng nó lên thành vẻ đẹp hoàn mĩ nhất. Nhà thơ đã cho chúng ta ngắm một bức truyền thần khỏa thân một thiếu nữ ngủ ngày bằng ngôn ngữ đầy gợi cảm: Mùa hè hây hẩy gió nồm đông Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng Lược trúc biếng cài trên mái tóc, Yếm đào trễ xuống dưới nương long Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông. (Thiếu nữ ngủ ngày) Vẻ đẹp thanh tân của người con gái được nhà thơ miêu tả qua những biểu tượng gợi cảm nhất của giới nữ: “Đôi gò Bồng Đảo”, “Một lạch Đào Nguyên” và điều đáng quý là tất cả vẫn còn 51 Ngô Thanh Dung trinh nguyên, e ấp, giữ gìn “sương còn ngậm”, “suối chửa thông” khiến người quân tử cũng phải “dùng dằng” giữa đi và ở. Chính những biểu tượng gợi cảm đó là khởi nguồn, là điều làm nên niềm hạnh phúc hoan lạc ở trần gian nhưng nói như Nguyễn Du: “thiện căn là ở lòng ta”, lấy cơ thể làm đối tượng miêu tả Xuân Hương không nhằm mục đích gợi những điều xấu xa, nhục cảm mà chỉ để thể hiện thái độ nhân văn, nhân đạo sâu sắc, bộc lộ bản lĩnh, bước đi táo bạo, trước thời đại của nữ sĩ. Mượn chiếc bánh trôi giản dị Hồ Xuân Hương ca ngợi vẻ đẹp, phồn thực của hình thể: Thân em vừa trắng lại vừa tròn (Bánh trôi nước). Những nét vẽ của nữ sĩ tạo nên ấn tượng về một vẻ đẹp tròn trịa đầy đặn, khỏe khoắn của người phụ nữ rất gần với quan niệm thẩm mĩ trong dân gian về “mẫu tính” gắn liền với chức năng thiên bẩm của người phụ nữ là duy trì nòi giống. Hồ Xuân Hương đã khai thác từng đặc điểm tính chất của các sự vật hiện tượng rồi nâng lên thành biểu tượng nhằm tôn vinh người phụ nữ ở những khía cạnh khác nhau của vẻ đẹp. Có lúc nhỏ nhắn duyên dáng ý nhị: Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi Này của Xuân Hương mới quệt rồi. (Mời trầu) Có lúc gai góc xù xì nhưng gợi cảm, hấp dẫn khó lòng cưỡng lại: Thân em như quả mít trên cây Da nó xù xì múi nó dày. (Quả mít) Xuân Hương tự họa chân dung của mình qua những hình ảnh mang tính biểu tượng. Không phải là trầu quế, trầu hồi, trầu loan, trầu phượng mà chỉ là miếng trầu hôi nhỏ bé khiêm nhường, đi kèm với “quả cau nho nhỏ “khiêm nhường nếu không muốn nói rất tầm thường nhưng chân thành tha thiết. Thân thể người phụ nữ là cội nguồn của mọi sự sống trên đời này, là nơi ẩn chứa nhiều “chất đàn bà” nhất, là điểm đáng tự hào và đáng để ca ngợi của người phụ nữ. Với quan điểm đó Hồ Xuân Hương đã trút bỏ hoàn toàn khỏi những giáo điều trung cổ, mở tung những khăn áo đội đầu của người phụ nữ trong ca dao, gạt đổ hết những khuôn gói “chim sa cá lặn”, “nghiêng nước, nghiêng thành” trong văn học đương thời để xây dựng lên một hệ thống biểu tượng “phạm thượng” (chữ dùng của GS Lã Nhâm Thìn trong Thơ Nôm Đường luật). Đó là những biểu tượng nghệ thuật “phạm thượng” với “đấng bề trên” với các “thứ đạo “trói buộc quyền sống bản năng của con người đặc biệt là người phụ nữ. Cái quạt kia không thơ lắm nhưng vẫn được dùng để che đầu bậc quân tử, vẫn được “chúa dấu vua yêu”, một vầng tăng thu “chín mõm mòm” hay “đôi gò bồng đảo”, “một lạch đào nguyên”... có đáng kể gì đâu mà vẫn làm quân tử “dùng dằng đi chẳng dứt” và còn biết bao kẻ “mỏi mắt dòm” và “chồn chân mỏi gối vẫn còn ham “, “vẫn muốn trèo” vào “hang Cắc Cớ”, “kẽm Trống”, “động Hương Tích”, “đèo Ba Dội”, “hang Thanh Hóa... vì ở đó có sự “nhấp nhô” của đèo, có “cảnh cheo leo”, có “cỏ mọc xanh rì lún phún rêu”, có “lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp” có “lạch khe nước rỉ mó lam nham”. “Cái biểu đạt” và cái “được biểu đạt” trong các biểu tượng nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương không tan biến vào nhau như nhiều hiện tượng thơ khác mà dường như giữa chúng có một tấm rèm nửa như phô bày nửa như che đậy, vẫn rất ý nhị kín đáo nhưng cũng rất mạnh bạo và táo tợn. Đá kia cũng trở nên có da có thịt “còn biết xuân già dặn”, cỏ cây như cũng có tình. “Chẳng trách người ta lúc trẻ trung” tràn trề xúc cảm, sinh lực. Những điều chân thật nhất, tự nhiên nhất và cũng kín đáo nhất của cơ thể và khát vọng bản năng người phụ nữ được Hồ Xuân 52 Biểu tượng nghệ thuật thể hiện thiên tính nữ trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương Hương thể hiện trên những con chữ một cách hấp dẫn. Với cách thể hiện ấy bà chúa thơ Nôm đã đảo ngược trật tự phong kiến, phá bỏ lớp vỏ quy ước lớn về hình thức trong văn chương làm thay đổi bộ mặt sáng tác được coi là trang nhã nhất trong văn học từ trước đến nay. 2.2.2. Những biểu tượng nghệ thuật nhằm thể hiện vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của người phụ nữ Người ta đã quen với việc đánh giá thơ Hồ Xuân Hương là tiếng thơ “đầy góc nhọn, đầy cạnh sắc” nhưng đằng sau vỏ bọc tưởng chừng gai góc đó là một tâm hồn đằm thắm bản năng của người phụ nữ. Khát vọng tình yêu và khát vọng ái ân luôn cháy lên trong một tâm hồn người phụ nữ đa tình giàu sức sống. Năm canh lơ lửng chờ ai đó Hay có tình riêng với nước non. (Hỏi trăng) Là người phụ nữ ý thức được giá trị của mình, thấu hiểu được sự quý giá của tình yêu, hạnh phúc Hồ Xuân Hương công khai tuyên bố hạnh phúc ái ân là một thú vui không thể chối bỏ, là đặc quyền đặc lợi đáng tận hưởng của người phụ nữ: Còn thú vui kia sao chẳng vẽ Trách người thợ vẽ khá vô tình. (Tranh tố nữ) Những hình ảnh, biểu tượng Xuân Hương sử dụng trong các bài thơ Nôm không bao giờ có tính đơn nghĩa mà luôn gợi nhiều liên tưởng cho người đọc về chuyện ái ân. Mọi sự vật hiện tượng trong thơ nữ sĩ lúc nào cũng hữu tình sống động, cựa quậy, bứt phá chứ không bất động, vô hồn. Những biểu tượng hang động, đồi, gò, kẽm, giếng, lỗ, cọc, sừng, hòn, lạch Đào Nguyên... nếu đặt trong sự liên tưởng và trong mỗi văn cảnh cụ thể người tiếp nhận thơ bà dễ dàng nhận ra ý nghĩa giới tính. Bà chúa thơ Nôm không những nói một cách trực diện và thẳng thắn mà rõ ràng còn nói một cách đầy đủ, hệ thống về khát khao bản năng của người phụ nữ. Quả mít Vịnh Ốc nhồi Quân tử có thương thì đóng cọc Quân tử có thương thì bóc yếm Xin đừng mân mó nhựa ra tay. Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi. Hồ Xuân Hương còn đóng dấu ấn cá nhân vào miếng trầu rồi đem mời người một cách cá tính hoặc như “mời mọc” đầy ẩn ý mà cũng rất mạnh mẽ táo bạo nhưng vẫn không kém phần duyên dáng nữ tính: Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi Này của Xuân Hương mới quệt rồi Có phải duyên nhau thì thắm lại Đừng xanh như lá bạc như vôi (Mời trầu) Xuân Hương không chỉ tự hào về vẻ đẹp hình thể mà còn làm sáng lên những phẩm chất trong trắng vẹn toàn của người phụ nữ: Bánh trôi nước Giếng nước Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Giếng ấy thanh tân ai có biết Mà em vẫn giữ tấm lòng son. Đố ai dám thả nạ dòng dòng. 53 Ngô Thanh Dung Hồ Xuân Hương dụng công miêu tả bánh trôi nước, giếng nước, đánh đu, dệt cửi, quả mít... nhưng hình ảnh người phụ nữ cứ lồ lộ sau câu chữ. Hàng loạt tính từ chỉ sự trong trắng của người thiếu nữ: Trắng, tròn, thanh thơi, thanh tân, không những thế còn là những sắc màu mạnh và ấn tượng: trắng phau phau, trong leo lẻo... thể hiện vẻ đẹp mới mẻ sống động, cuốn hút, hấp dẫn của người phụ nữ. Trong những vần thơ Nôm của mình Hồ Xuân Hương đã đưa ra những bằng chứng xác thực về giá trị của người phụ nữ, đồng thời bà cũng khẳng định vai trò tất yếu của họ trong cuộc sống. Dưới ngòi bút cháy bỏng khát vọng yêu thương của một người phụ nữ bất hạnh trong đời sống tình ái, thơ Hồ Xuân Hương dường như muốn san bằng cho được những tập tục cổ hủ bao đời đè nặng lên bản năng và giới tính con người, để cất tiếng ca ngợi tự hào về giới mình. Không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu, những biểu tượng nghệ thuật trong thơ Hồ Xuân Hương được sáng tạo từ bản thân đời sống, từ cá tính độc đáo của nhà thơ. Tiếp cận thơ Nôm của Hồ Xuân Hương ở góc độ nào cũng thấy yếu tố bản năng giới tính. Nhiều ý kiến cho rằng thơ Nôm Hồ Xuân Hương có yếu tố dâm và tục. Đây quả là vấn đề phức tạp và hứng thú. Dư luận búa rìu này không phải không có nguyên nhân của nó. Trước hết vì sản phẩm của dòng thơ ấy xuất phát từ một nhà thơ nữ giới, hiếm có trong xã hội phong kiến, hơn nữa thơ bà dám đụng đến mảnh đất giới tính – giới địa cấm kị của giai cấp phong kiến. Hơn hết trong thơ toàn những biểu tượng mà góc độ nào cũng lấp lửng những chuyện hoan lạc những bộ phận gợi cảm của giới nữ làm người ta vừa thích thú vừa kinh sợ, che giấu, khinh miệt. Thật khó giải thích bằng cảm quan cá nhân mà phải truy nguyên vào gốc văn hóa dân gian người Việt, thời đại, cá nhân nhà thơ để tìm câu trả lời thỏa đáng. Một đặc trưng của thi pháp học trung đại là ý tại ngôn ngoại, bên cạnh đó theo lí thuyết mĩ học của Nho gia đòi hỏi biểu tượng mà người viết sử dụng phải theo khuôn mẫu và nói được cái chí nhà Nho nên trong văn học trung đại, nhiều điển tích, điển cố với lối nói ngụ ngôn, ẩn dụ trở thành tuyệt kĩ văn chương chứ không phải cách gọi tên sự vật bằng chính nó (sẽ được hiểu là thô tục). Đây có thể cũng là một cơ sở để lí giải cho cái cách Xuân Hương chọn biểu tượng để thể hiện gián tiếp về giới tính và thân xác. 2.3. Những biểu tượng nghệ thuật thể hiện tâm trạng người phụ nữ Một loạt những biểu tượng trở đi trở lại trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương đó là: Đêm khuya, trăng, tiếng khóc... với cách thể hiện biểu tượng như thế hình tượng nghệ thuật trong thơ Nôm của bà không chỉ đơn thuần tả cảnh mà ở đó ta còn cảm nhận được những tâm tình những nỗi niềm của người Phụ nữ. Đêm khuya là khoảng thời gian cuối ngày, khi mọi lo toan bộn bề đã chấm dứt, người phụ nữ có dịp đối diện với lòng mình để nghe tiếng lòng thổn thức. Đêm khuya trở thành một biểu tượng nghệ thuật xuất hiện trong rất nhiều những bài thơ mang tính chất tự tình của Hồ Xuân Hương. Tự tình III Tự tình II Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom Trơ cái hồng nhan với nước non. Oán hận trông ra khắp mọi chòm. Giữa không gian cô tịch, tâm tư người phụ nữ được bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Những băn khoăn lo lắng cho thân phận nhỏ bé trước cuộc đời dâu bể, những ngao ngán cho số kiếp, những tiếng thở dài cho số phận hẩm hiu... tất cả đều được trải ra. Dường như Hồ Xuân Hương “giãi cả lòng mình trên trang giấy” cho vơi bớt những đa đoan. 54 Biểu tượng nghệ thuật thể hiện thiên tính nữ trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương Năm canh lơ lửng chờ ai đó Hay có tình riêng với nước non? (Hỏi trăng) Trăng cũng chính là một biểu tượng nghệ thuật độc đáo trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Vầng trăng trong thơ của bà chúa thơ Nôm không còn là “trăng non”, trăng mới nhú, hay trăng vừa tròn mà chỉ là “một mảnh trăng”, hoặc trăng đã “chín mõm mòm”, “trăng chếch”, “trăng xế”... đều biểu tượng cho sự lỡ dở, muộn màng. Một trái trăng thu chín mõm mòm Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom. (Trăng thu) Hay: Lấp ló đầu non vừng nguyệt chếch (Cảnh chùa ban đêm). Ám ảnh nhất vẫn là hình ảnh vầng trăng khuyết thể hiện bi kịch trong hôn nhân của người phụ nữ Hồ Xuân Hương: Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn (Tự tình III). Vầng trăng vốn là biểu tượng âm tính, gắn liền với vẻ đẹp dịu dàng nữ tính của người phụ nữ nhưng trong thơ của nữ sĩ luôn ở trạng thái đã già, đã quá chín đã quá độ của sự viên mãn... mang dự cảm về sự bay hương nhạt sắc, vầng trăng đó vẫn “khuyết chưa tròn”, chưa được tỏa sáng trong hạnh phúc trọn vẹn. Đó rõ ràng là cái nhìn đầy trải nghiệm của người đàn bà đã chịu bao vùi dập của sóng gió cuộc đời chứ không còn là cái nhìn ngây thơ trong trẻo của thiếu nữ mới lớn. Ngoài ra có thể kể đến “giọt nước mắt” cũng chính là biểu tượng gắn liền với thiên tính nữ. Với thiên tính nhạy cảm yếu đuối, dễ xúc động, người phụ nữ coi nước mắt như người tri kỉ. Giọt nước mắt được rơi xuống nhiều nhất khi người phụ nữ đau khổ, giúp họ vơi đi những phiền muộn trong lòng. Khi họ khóc thiên tính mềm yếu và giàu lòng trắc ẩn bộc lộ hơn bao giờ hết. Trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương tiếng khóc cũng là một biểu tượng nghệ thuật biểu đạt tâm tư người phụ nữ. Có tiếng khóc cất lên sầu não do cầm lòng không đặng: Bỡn bà lang khóc chồng Dỗ bạn khóc chồng Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng Thương chồng nên nỗi khóc tì ti. Nín đi kẻo thẹn với non sông. Có tiếng khóc hòa lẫn trong sự chua chát: Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi Thiếp bén duyên chàng có thế thôi. (Khóc Tổng Cóc) Có khi tiếng khóc lặn vào trong, u uất, bẽ bàng và chua xót: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn Trơ cái hồng nhan với nước non Chén rượu hương đưa say lại tỉnh Vằng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. (Tự tình III) Với nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, nước mắt đã giúp người phụ nữ san sẻ bớt những phiền muộn, xoa dịu những đắng cay chua xót phận người. Bằng biểu tượng tiếng khóc trong thơ, Xuân Hương trải lòng nhưng đó cũng là cách để bà cảm thông an ủi những thân phận đàn bà nhỏ nhoi trong xã hội xưa mạnh mẽ vượt lên đau khổ mà sống, và đó cũng là cách để nữ sĩ an ủi chính mình và tự lau khô những dòng nước mắt cho mình. 55 Ngô Thanh Dung 3. Kết luận Giới tính là một vấn đề đã được biểu hiện ở nhiều mặt trong các loại hình nghệ thuật. Trong thơ Hồ Xuân Hương giới tính vừa là nội dung đồng thời như một phương tiện nghệ thuật để Hồ Xuân Hương khẳng định được quyền sống đúng như bản năng đích thực của con người. Những vấn đề tư tưởng nhà thơ đề cập dù ở thời điểm nào cũng “mới “và “lạ” gây hứng thú cho người đọc dẫu những điều đó không nằm ngoài khát vọng của con người về hạnh phúc về tình yêu nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu rất “tự nhiên” rất “bản chất” của con người. Quan niệm tự nhiên cũng như mọi chuẩn mực giá trị được nhìn nhận là nhân vật văn học xuất hiện với tư cách con người cá nhân có nhu cầu đòi hỏi chính đáng cả về vật chất tinh thần. Trước đây, các nhà Nho thường viết về đề tài cao quý thì giờ họ lại quan tâm đến những vấn đề trần thế, hình ảnh người phụ nữ với khát vọng tình yêu hạnh phúc trở thành nhân vật chính hầu hết tác phẩm văn học giai đoạn này. Thời đại đã sản sinh ra một Hồ Xuân Hương, là người trong cuộc Xuân Hương dũng cảm bênh vực cho quyền lợi người phụ nữ, Xuân Hương mạnh dạn cất tiếng nói đòi hỏi được hưởng quyền sống bản năng sao cho xứng đáng một con người. Bà không phải người đầu tiên dám dùng thơ văn để tôn vinh một vấn đề hết sức cấm kị trong văn chương đó là tính dục mà trước đó cùng thời (Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều...) đã đề cập nhưng dấu ấn khác biệt của Hồ Xuân Hương là bà thể hiện vấn đề ấy một cách mạnh mẽ táo bạo nhưng hết sức độc đáo mang đầy giá trị Mĩ học hướng đến một đích nhân văn cao đẹp triết lí “tất cả vì con người” (M.Gorki). Nghệ thuật là tiếng nói của người nghệ sĩ nói riêng của con người nói chung, nó có thể nói lên những tiếng nói sâu kín, những khát vọng hạnh phúc. Hồ Xuân Hương dùng chính những biểu tượng thiên tính nữ để thể hiện khát vọng được hạnh phúc, được sống cuộc sống bản năng đúng nghĩa con người. Nữ sĩ đã tiếp thu một cách dũng cảm từ các biểu tượng mang tính tục trong dân gian và nâng lên thành triết lí sâu sắc. Cách thể hiện ấy cũng đưa Hồ Xuân Hương đến gần hơn với văn học phương Tây, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Cách thể hiện ấy cũng giúp người ta hiểu được ý nghĩa cái cao cả xen lẫn cái trần tục đồng thời tạo ra hứng thú trong quá trình tiếp nhận, làm cho thơ Nôm Đường luật dường như khước từ vẻ kiêu sa đài các để đón nhận những nét nghĩa dung dị hơn. Đây cũng chính là đóng góp của Hồ Xuân Hương nói riêng và thơ Nôm Đường luật nói chung cho nền văn học dân tộc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lại Nguyên Ân, 1996. Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. [2] J. Chevalier and Alian Gheerbant, 2015. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Nxb Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du. [3] Đoàn Văn Chúc, 1997. Văn hóa học. Viện Văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [4] Đỗ Đức Hiểu, 1990. Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Tạp chí Văn học, số 5. [5] Nguyễn Lộc, 1999. Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỉ XVIII - hết thế kỉ XIX). Nxb Giáo dục. [6] Phạm Ngọc Liên, 2007. Nhục cảm văn chương, nguồn: giaitri.vnexpress.net, [7] Lã Nhâm Thìn, 1997. Thơ Nôm Đường luật. Nxb Giáo dục. [8] Nguyễn Hữu Sơn – Vũ Thanh (tuyển chọn giới thiệu), 2001. Hồ Xuân Hương về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục. [9] Lã Nhâm Thìn, Vũ Thanh (đồng chủ biên), 2015. Giáo trình Văn học Trung Đại Việt Nam, tập 2. Nxb Giáo dục. [10] Ngô Gia Võ, 2002. Hồ Xuân Hương với dòng thơ Nôm Đường luật trào phúng, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 56 Biểu tượng nghệ thuật thể hiện thiên tính nữ trong thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương ABSTRACT Symbols of womanly qualities in Nom poetry by Ho Xuan Huong Ngo Thanh Dung Faculty of Primary and Preschool, Ha Nam College of Education Nom poet Ho Xuan Huong used intensively symbols, almost sex symbols. However, sex and bawdy elements not are the cure but is means of creativity. The womanly qualities was expressed in the Ho Xuan Huong’s poetry in all respects, from how to choose, handle the subject, how to build the point of view, to irony tone but most especially in the building is the vulgar symbols which are closer to real life. Unbound by stereotypes, feudalistic notions, the symbols were expressed female nature in the poet Ho Xuan Huong contributed complete colorful paintings for female, at the same time, also created the special characteristics in the thinking of Nom poetry. Through the study of symbols in the poetry of Ho Xuan Huong, we could affirm that sex is unique creation in this mysterious female poet. Keywords: Ho Xuan Huong, Nom poet, sex symbol, womanly qualities. 57

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4525_ntdung_6073_2131886.pdf
Tài liệu liên quan