Biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên Trung học Phổ thông theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập trong nhà trường

Tài liệu Biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên Trung học Phổ thông theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập trong nhà trường: 28 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2019-0021 Educational Sciences, 2019, Volume 64, Issue 2A, pp. 28-37 This paper is available online at BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THEO PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG HỌC TẬP TRONG NHÀ TRƯỜNG Nguyễn Thị Kim Dung Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trên cơ sở phân tích những bất cập trong thực trạng phát triển nghề nghiệp giáo viên ở nước ta và ý nghĩa của việc phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập trong nhà trường, bài viết đi sâu phân tích 4 biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên. Đó là: “nâng cao nhận thức về phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV và vai trò của cộng đồng học tập trong phát triển nghề nghiệp cho GV”; “xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai bồi dưỡng phát triển nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV tại chỗ”; “xây dựng kế hoạch và triển khai đổi mới sinh hoạt ...

pdf10 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 516 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên Trung học Phổ thông theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập trong nhà trường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
28 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2019-0021 Educational Sciences, 2019, Volume 64, Issue 2A, pp. 28-37 This paper is available online at BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THEO PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG HỌC TẬP TRONG NHÀ TRƯỜNG Nguyễn Thị Kim Dung Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trên cơ sở phân tích những bất cập trong thực trạng phát triển nghề nghiệp giáo viên ở nước ta và ý nghĩa của việc phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập trong nhà trường, bài viết đi sâu phân tích 4 biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên. Đó là: “nâng cao nhận thức về phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV và vai trò của cộng đồng học tập trong phát triển nghề nghiệp cho GV”; “xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai bồi dưỡng phát triển nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV tại chỗ”; “xây dựng kế hoạch và triển khai đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học” và “xây dựng môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ giữa GV”. Các biện pháp đã được 252 giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục trường THPT khẳng định là cần thiết ở mức độ cao. Từ khóa: Biện pháp, phát triển nghề nghiệp, giáo viên, cộng đồng học tập, nhà trường. 1. Mở đầu Nghiên cứu của các nhà giáo dục về “mô hình trường học thế kỉ XXI” đã chỉ ra một trong ba đặc trưng cơ bản là trường học phải thay đổi về chức năng, trở thành trung tâm giáo dục và văn hóa ở cộng đồng địa phương, thúc đẩy giáo viên (GV) phát triển năng lực nghề nghiệp. “Trường học phải trở thành nơi GV hoạt động như là những nhà giáo dục chuyên nghiệp, cùng học hỏi lẫn nhau (cộng đồng học tập chuyên môn)” [1; tr.22]. Điều đó có nghĩa, nhà trường phải trở thành một cộng đồng học tập (CĐHT) chuyên môn, nơi mà GV không chỉ đơn giản giúp đỡ nhau mà quan trọng là thiết lập một văn hóa chia sẻ trong toàn trường nhằm tạo ra sự cộng tác, sự lôi cuốn và phát triển liên tục, tập trung vào suy ngẫm thực tiễn để nâng cao kết quả học tập của học sinh (HS) và cái đích cuối cùng là tất cả những GV làm trong và ngoài lớp học đều hướng đến phát triển năng lực chuyên môn và kết quả học tập của người học [1]. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, phát triển nghề nghiệp GV tại chỗ thông qua xây dựng CĐHT chuyên môn trong nhà trường chưa được chú trọng đúng mức và có rất nhiều bất cập [2]. Bài viết đi sâu phân tích sự cần thiết, ý nghĩa và một số biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp GV theo phương thức tổ chức CĐHT trong nhà trường. Ngày nhận bài: 4/2/2019. Ngày sửa bài: 19/3/2019. Ngày nhận đăng: 27/3/2019. Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Kim Dung. Địa chỉ e-mail: kimdung28863@gmail.com Biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên thpt theo phương thức tổ chức cộng đồng 29 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Sự cần thiết phải phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập trong nhà trường 2.1.1. Ý nghĩa của việc phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập trong nhà trường Các nghiên cứu cho thấy, thông qua CĐHT, các GV được trao đổi, chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ với những GV có kinh nghiệm và với nhau - những người cùng trải nghiệm những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn ở trường phổ thông. Bên cạnh đó, việc tham gia hàng ngày tại nơi làm việc là nguồn học tập không chính thức rất lớn (informal learning resourses) đối với GV khi họ nhận được sự hỗ trợ và phản hồi từ các đồng nghiệp giúp họ tự tin hơn, gắn kết với nhà trường, với nghề nghiệp hơn. Các thành viên tin tưởng, tôn trọng, gần gũi nhautạo ra môi trường hợp tác, thân thiện giúp GV và cán bộ quản lí dễ dàng trao đổi quan điểm và các vấn đề thực tiễn. Các cộng đồng học tập giúp người tham gia học hỏi lẫn nhau và khuyến khích họ chủ động hơn trong việc học của mình. Vì thế, các CĐHT có ảnh hưởng lớn đến thực tiễn dạy học và là động lực của GV và cán bộ quản lí trong việc học tập. Hình thức phát triển nghề nghiệp này vừa đáp ứng được nhu cầu cá nhân, vừa đáp ứng được nhu cầu tập thể và như vậy giúp cho các GV kiến tạo các quá trình học tập sao cho thích ứng với những thay đổi xã hội trong bầu không khí cởi mở và cộng tác [3]. Nhiều nghiên cứu trên thế giới (Manabu Sato & Masaaki Sato, 2012; E. Saito; Poulos và cộng sự, 2014; Tam, 2015; Sims & Thornton & Cherrington, 2014; Davidson & Dwyer, 2014; Penny, 2014); Richmond & Manokore, 2011; Woodland & Mazur, 2015; Susanne Mary Owen, 2015; Linda Darling - Hammond, 2017.) đã chỉ ra rằng việc phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV thông qua tổ chức CĐHT trong nhà trường là phương thức hiệu quả nhất trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho GV cũng như kết quả học tập của HS. L.D Hammond cho rằng CĐHT là một mô hình phát triển nghề nghiệp GV hiệu quả và hỗ trợ kết quả học tập của HS [4]. Kinh nghiệm của VVOB - một tổ chức phi chính phủ của Bỉ có trên 35 năm kinh nghiệm trong việc cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững, cho rằng, CĐHT là một mô hình phát triển chuyên môn hiệu quả về mặt chi phí, góp phần tạo nên động lực và sự hài lòng cho GV khi làm việc. “Những quốc gia có mong muốn cải thiện hiệu quả công tác phát triển chuyên môn cho GV nên gia tăng số lượng và hình thức bồi dưỡng chuyên môn tại trường, như tư vấn và hỗ trợ, tạo ra mạng lưới GV cùng nhau học hỏi, hợp tác nghiên cứu, và giải quyết vấn đề” [5]. Kết quả nghiên cứu về CĐHT và tác động từ ba trường học là các điển hình nghiên cứu của dự án đổi mới của OECD (01 tiểu học, 01 THCS và 01 THPT) cho thấy chi tiết về những tác động của CĐHT đến phát triển nghề nghiệp GV. Cụ thể là CĐHT tác động đến: quá trình học và thay đổi trong niềm tin của GV và thực tiễn; Những tác động đến quá trình học của HS như nâng cao kết quả học tập và học sâu, tạo sự gắn kết của HS với hoạt động học tập, mối quan hệ tích cực giữa GV với HS; tác động đến việc phát triển nhiều kĩ năng xã hội cần thiết cho người học của TK 21 như hợp tác, giao tiếp và nhiều kĩ năng xã hội tích cực khác nhất là với những HS có khuyến khuyết xã hội hay “cô lập”. Ngoài ra, CĐHT còn giúp phát triển sự tự tin, sáng tạo cho cả GV và HS [6]. Nguyễn Thị Kim Dung 30 Bên cạnh đó, theo khảo sát của chúng tôi tiến hành năm 2018 tại 8 tỉnh bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Điện Biên, Thanh Hóa, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Trà Vinh với 252 GV và cán bộ quản lí trường THPT về tác động của các hình thức bồi dưỡng đến phát triển năng lực nghề nghiệp GV cho thấy: mức độ tác động mạnh nhất là “Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp”, “Tự đọc tài liệu, tự nghiên cứu”, “Sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường” và thấp nhất là những hình thức bồi dưỡng tập trung, các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn (Bảng 1) trong cả ý kiến đánh giá của chính GV và của cán bộ quản lí. Điều đó khẳng định sự cần thiết phải tạo ra một CĐHT ngay trong nhà trường, nơi mà tự học tập và chia sẻ, cộng tác cùng nhau phải trở thành nét văn hóa của nhà trường. Bảng 1. Ý kiến đánh giá của GV và CBQL về tác động của các hình thức PTNN đến phát triển năng lực của GV (Điểm TB) – 0 – không tác động; 4 là tác động nhiều Stt Các hình thức phát triển nghề nghiệp GV GV CBQL Chung 1 Tự đọc tài liệu, tự nghiên cứu 3,17 3,24 3,19 2 Dự giờ, quan sát đồng nghiệp trong trường 2,98 3,28 3,04 3 GV cốt cán hướng dẫn đồng nghiệp 2,43 2,74 2,50 4 Sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường 2,92 3,19 2,98 5 Tham gia các khóa học trực tuyến 1,69 2,11 1,78 6 Bồi dưỡng thường xuyên tập trung 1,97 2,48 2,08 7 Tham gia học tập theo nhóm 2,01 2,3 2,07 8 Tham gia nghiên cứu khoa học 1,8 2,26 1,90 9 Tham gia khóa học cấp chứng chỉ, nâng ngạch 1,83 2,13 1,90 10 Quan sát/dự giờ ở trường khác (liên trường, cụm trường) 1,93 2,02 1,95 11 Hội nghị, hội thảo chuyên môn 2,17 2,5 2,24 12 Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp 3,21 3,24 3,22 Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài B2018-SP4-03HT Nói tóm lại, phát triển năng lực nghề nghiệp GV mang tính bền vững, liên tục và hiệu quả nhất là thông qua CĐHT trong nhà trường. Vậy làm thế nào để xây dựng được CĐHT trong nhà trường là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lí giáo dục của các trường phổ thông. 2.1.2. Thực trạng bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa gắn với nhà trường phổ thông Trong những năm qua, việc bồi dưỡng thường xuyên GV phổ thông được tổ chức định kì với các bước: (1) Tập huấn GV cốt cán tại trung ương; (2) GV cốt cán tập huấn đại trà cho GV ở cơ sở - tức là theo hình thức “Kim tự tháp”. Trong cả hai bước này, hình thức bồi dưỡng GV tại các lớp tập huấn là hình thức cơ bản. Như vậy, đa phần GV thường không được tham dự các lớp tập huấn trực tiếp từ các chuyên gia mà từ GV cốt cán tập huấn lại. Rất nhiều nội dung được chuyển tải trong mỗi đợt tập huấn với thời lượng có hạn nên khó tránh khỏi việc các GV tham dự tập huấn không lĩnh hội được đầy đủ các nội dung. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “tam sao thất bản” khi tập huấn lại cho Biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên thpt theo phương thức tổ chức cộng đồng 31 các GV khác và đôi khi còn có thể tập huấn không chính xác các nội dung mà họ tiếp thu được. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, công tác bồi dưỡng GV theo chu kì này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là về chất lượng bồi dưỡng GV từ các lớp tập huấn GV cốt cán ở trung ương đến các lớp bồi dưỡng đại trà cho GV tại các địa phương [7]. Nội dung bồi dưỡng thường bị áp đặt, định trước mà không xuất phát từ nhu cầu, điều kiện thực tế của GV nên tính ứng dụng của chương trình đối với GV là khá hạn chế, đã xảy ra tình trạng một thời gian ngắn sau bồi dưỡng, các kĩ năng, kiến thức được tập huấn bị rơi vào lãng quên hoặc ít có điều kiện áp dụng [8]. Bên cạnh đó, các nội dung bồi dưỡng đại trà chung cho tất cả mọi GV sẽ khác xa so với nhu cầu và thực tế những khó khăn mà mỗi GV gặp phải trong quá trình dạy học - giáo dục ở nhà trường. Kết quả khảo sát của chúng tôi tiến hành năm 2018 cũng cho thấy các nội dung GV được bồi dưỡng khá phong phú như: “đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá”, “tổ chức hoạt động trải nghiệm”, “Giáo dục HS bằng phương pháp kỉ luật tích cực”, “GD kĩ năng sống”, “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học” Tuy nhiên khi đánh giá về mức độ đáp ứng của những nội dung bồi dưỡng với nhu cầu của GV thì đa số các nội dung được đánh giá ở mức độ trung bình. Điều đặc biệt là có một số nội dung có tỉ lệ không đáp ứng khá cao như “Tổ chức dạy học theo mô hình VNEN”; “Tư vấn, tham vấn học đường”; “công tác chủ nhiệm lớp” 2.2. Một số biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập trong nhà trường 2.2.1. Nâng cao nhận thức cho giáo viên về phát triển năng lực nghề nghiệp và vai trò của cộng đồng học tập trong phát triển nghề nghiệp Nhận thức là khâu đầu tiên và là tiền đề cho hành động đúng. Vì vậy trong phát triển năng lực nghề nghiệp GV, phải coi việc nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của GV - chủ thể của phát triển năng lực nghề nghiệp, là một yếu tố vô cùng quan trọng và là điều kiện tiên quyết đầu tiên quyết định thành công của phát triển chuyên môn nghiệp vụ của GV. Ban giám hiệu nhà trường phải làm thế nào để giúp GV nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động phát triển chuyên môn nghề nghiệp như là điều kiện sống còn của mỗi nhà trường, của mỗi GV trong việc nâng cao chất lượng giáo dục HS; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; hiểu rõ các nội dung, hình thức phát triển năng lực nghề nghiệp để các hoạt động này trở thành nhiệm vụ thường xuyên và nhu cầu của từng GV trong nhà trường. Để đạt được mục tiêu trên, ban giám hiệu nhà trường cần: (i) Ngay từ đầu năm học, dựa trên các quy định của Bộ, Sở và Phòng GD&ĐT về nhiệm vụ năm học, Ban giám hiệu nhà trường cần tổ chức quán triệt kế hoạch và các văn bản liên quan đến mục đích, nội dung và hình thức phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho tất cả các GV trong toàn trường. Cần xác định rõ phát triển nghề nghiệp là nhiệm vụ bắt buộc đối với GV. Nội dung của nhiệm vụ này phải được đưa vào kế hoạch năm học của nhà trường, của từng tổ chuyên môn cũng như kế hoạch của từng cá nhân GV. Nguyễn Thị Kim Dung 32 (ii) Tổ chức các Hội nghị, các buổi tọa đàm, các buổi nói chuyện chuyên đề với sự tham gia, hướng dẫn của các chuyên gia hoặc của những GV thành công trong phát triển nghề nghiệp để những người trong cuộc nói về sự cần thiết phải học tập nâng cao trình độ tay nghề cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học thành công trong phát triển nghề nghiệp nhất là con đường tự học, học tập lẫn nhau.... tạo ra một cộng đồng học tập trong nhà trường. Ngoài ra, cần chia sẻ, trao đổi để giúp GV thấy rõ những lợi ích từ việc phát triển năng lực nghề nghiệp thông qua CĐHT trong nhà trường. Trong nghiên cứu của chúng tôi với câu hỏi: “Vì sao cần tạo ra cộng đồng học tập trong nhà trường?” thì đại đa số các ý kiến đều tập trung vào lí do: Tạo môi trường học tập cho GV; môi trường để GV cùng nhau học tập, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn; Các GV hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau sẽ phát triển năng lực Những tác động khác như đề cập trong các nghiên cứu ở mục trên không được GV nêu ra. Điều này cho thấy, GV chưa nhận thức được tất cả những tác động của CĐHT chuyên môn trong việc phát triển năng lực nghề nghiệp của bản thân cũng như qua đó nâng cao kết quả học tập của HS. (iii) Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tổ chức cho GV học tập một cách nghiêm túc để thấy rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình và của nhà trường trong phát triển năng lực nghề nghiệp GV. Cũng cần quán triệt các văn bản pháp quy, những chỉ thị nghị quyết có liên quan đến phát triển nghề nghiệp, nhằm làm cho mọi thành viên trong nhà trường nắm vững những chủ trương, quy định để từ đó cộng tác với nhau trong tự bồi dưỡng và bồi dưỡng lẫn nhau để phát triển chuyên môn nghiệp vụ với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, của HS. 2.2.2. Lập kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng phát triển nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập Học tập phát triển năng lực nghề nghiệp hiệu quả là cam kết lâu dài và thường được tiến hành tốt nhất trong cộng đồng học tập thúc đẩy việc học cho tất cả thành viên. Nghiên cứu cho thấy việc học tập của GV hiệu quả hơn khi dựa vào nhà trường và sự cộng tác. Sự phát triển chuyên môn liên tục mang tính hợp tác có hiệu quả hơn việc học cá nhân trong việc mang lại những thay đổi tích cực trong thực tiễn, thái độ hoặc niềm tin của GV, trong việc nâng cao kết quả học tập, hành vi hoặc thái độ của HS [9]. Để đạt được điều này, ban giám hiệu nhà trường cần phải xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp GV hướng đến xây dựng một CĐHT - nơi mà mọi GV sẵn sàng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, cộng tác với nhau vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Bản chất của việc xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp thông qua CĐHT là xác định xem trong năm học tới, cá nhân/tổ/nhà trường hướng đến những mục tiêu phát triển nào; muốn thực hiện các mục tiêu phát triển đó cần phải làm gì, làm thế nào, khi nào làm và ai sẽ làm. Để đạt được điều đó, khi xây dựng kế hoạch cần làm rõ 4 câu hỏi quan trọng sau: - Chúng ta là ai và đang ở đâu? - Chúng ta muốn đi đến đâu? - Chúng ta làm gì? Làm thế nào? Bằng phương tiện/công cụ gì? để đến được vị trí mong muốn? Biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên thpt theo phương thức tổ chức cộng đồng 33 - Làm thế nào để biết chúng ta tới đích? Để trả lời các câu hỏi trên, trước tiên ban giám hiệu nhà trường cần: - Chỉ đạo các tổ chuyên môn tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển nghề nghiệp của tổ mình dựa trên các kế hoạch của từng cá nhân. Từng GV, từng tổ trưởng chuyên môn phải nghiên cứu, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của GV, nhu cầu cần được bồi dưỡng ở khía cạnh nào để từ đó xây dựng kế hoạch cá nhân và kế hoạch của tổ. - Trên cơ sở bản kế hoạch phát triển chuyên môn của tổ, nhà trường tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển chuyên môn của nhà trường. Ban giám hiệu cần lựa chọn những nội dung và hình thức phát triển chuyên môn nào được các tổ ưu tiên nhất để thành các chuyên đề bồi dưỡng chung cho toàn trường, nội dung nào đặc thù thuộc từng tổ chuyên môn. Từng bản kế hoạch cần xác định mục tiêu phát triển nghề nghiệp mà GV và nhà trường hướng đến, các biện pháp thực hiện, người chịu trách nhiệm cũng như các điều kiện cần thiết để triển khai. Theo khảo sát của chúng tôi, những nội dung được GV có nhu cầu bồi dưỡng liên quan chủ yếu đến các năng lực sư phạm như “đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học”; “đổi mới phương pháp dạy học”; “công tác chủ nhiệm lớp”; “Giáo dục HS bằng phương pháp kỉ luật tích cực”; “Hoạt động trải nghiệm”; “Tổ chức và quản lí lớp học”; “Tổ chức hoạt động hướng nghiệp”; “Phát triển chương trình” Về hình thức phát triển nghề nghiệp theo mong muốn của GV, tập trung vào các hình thức phát triển nghề nghiệp tại chỗ là nhà trường phổ thông theo hướng xây dựng CĐHT ở đó các GV sẵn sàng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Trong 12 hình thức mà chúng tôi đưa ra, các hình thức đứng ở 3 vị trí đầu được GV đánh giá cao là: “Chia sẻ, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp”; “Dự giờ, quan sát đồng nghiệp trong trường” ; “Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. 2.2.3. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học Theo E.Saito, nghiên cứu bài học (NCBH) là một cách tiếp cận việc học tập chuyên môn của GV, nhấn mạnh hai yếu tố, đó là, thực hiện lâu dài và niềm tin tuyệt đối vào hiệu quả học tập. NCBH là “viên gạch” đầu tiên cho xây dựng nhận thức, tình đồng nghiệp, đảm bảo sự phát triển của nhà trường như là CĐHT chuyên môn. Cộng đồng học tập thực sự là nơi kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ, cùng thay đổi [10]. Các nhà nghiên cứu Mỹ (Lewis và Tsuchida, 1998; Stigler và Hiebert, 1999) cũng cho rằng các hoạt động bồi dưỡng phát triển chuyên môn cho GV chỉ được tiến hành một lần theo cách truyền thống phải được bãi bỏ và nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp cận thực tế và bền vững. Họ cho rằng NCBH như là một phương pháp phát triển chuyên môn để tạo ra CĐHT của Nhật Bản là một phương án thay thế hiệu quả nhất - Tức là thông qua nghiên cứu cải tiến các hoạt động dạy học các bài học cụ thể, qua đó cải tiến chất lượng học của HS [2]. Khi GV trong một trường tham gia vào NCBH, họ đã kiến tạo một CĐHT trong trường. Có thể sơ đồ hóa mối quan hệ giữa NCBH và CĐHT trong nhà trường như sau [2]: Nguyễn Thị Kim Dung 34 Để thực hiện được biện pháp này, BGH nhà trường cần chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo NCBH ở cấp tổ bộ môn cũng như chung toàn khối lớp, toàn trường, trong đó cần chú trọng: - Tổ chức cho GV dự giờ lẫn nhau trong tổ/trường theo từng chủ đề trọng tâm Hình thức dự giờ GV có kinh nghiệm và sinh hoạt chuyên môn cùng với GV trong tổ chuyên môn, GV toàn trường là những hoạt động giúp GV học tập từ thực tiễn lớp học do các đồng nghiệp trong trường thực hiện. Những tiết dạy/bài học đó thường do chính GV trong cộng đồng nghề nghiệp thực hiện nên có giá trị như là sự đề dẫn cho cuộc bình luận, trao đổi, đúc rút kinh nghiệm. Qua chia sẻ, suy ngẫm về bài học, tất cả mọi thành viên bao gồm cả người dạy minh họa và người dự giờ đều thu hoạch bổ ích cho phát triển nghề nghiệp vì qua đó họ sẽ khám phá, tìm hiểu và học hỏi được nhiều nhất có thể từ các “vấn đề” thực tế trong mỗi bài học. Tuy nhiên, do các vấn đề mà GV gặp phải rất đa dạng, vì thế BGH cần chỉ đạo lựa chọn những chủ đề trọng tâm mà GV trong tổ/trường cần được học hỏi, chia sẻ nhất. Ví dụ như chủ đề về công tác chủ nhiệm, chủ đề về quản lí lớp học, chủ đề về sử dụng trang thiết bị dạy họcTrong quá trình trao đổi về bài học, nên khuyến khích mọi GV phát biểu, chia sẻ ý kiến. Việc chia sẻ ý kiến của mình cũng như lắng nghe ý kiến của các đồng nghiệp là những thu hoạch rất hữu ích giúp cho GV suy ngẫm và áp dụng vào bài học hằng ngày của mình [11, 12]. - Khuyến khích tất cả GV tiến hành dạy minh họa Việc để cho các GV giỏi, có kinh nghiệm tiến hành giờ học minh họa trước chính là để tạo cho các GV khác hiểu rõ hơn về NCBH và thấy được những lợi ích cho cả người dạy minh họa và người tham dự. Từ đây kích thích các GV khác mong muốn và tự nguyện đăng kí dạy minh họa, không phải chịu sức ép về việc đánh giá, nhận xét, xếp loạiBên cạnh đó, trong NCBH, thường có một nhóm GV cùng chuẩn bị một “bài học” để dạy minh họa và đây được coi là “công trình” tập thể do đó cũng phần nào hạn chế áp lực đối với GV dạy minh họa, giúp GV được học hỏi kinh nghiệm ngay từ việc thiết kế bài học như thế nào. Đối với những GV lần đầu dạy minh họa chỉ nên tiến hành trong phạm vi tổ chuyên môn thậm chí có thể chỉ những GV trong tổ chuyên môn dạy cùng khối lớp để bước đầu đỡ tạo áp lực cho họ. Với những lần sau thì có thể toàn bộ GV trong tổ chuyên môn. Trong quá trình trao đổi, thảo luận ngoài quy trình chung như ở trên thì nên tạo điều kiện cho GV trẻ dạy minh họa được trao đổi qua lại với các ý kiến của các đồng nghiệp, làm rõ hơn những ý kiến mà các GV trẻ thấy chưa rõ hay còn băn khoăn. Sau thảo luận có thể để GV trẻ điều chỉnh lại bài dạy và tiến hành dạy ở lớp khác. 2.2.4. Xây dựng môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ giữa giáo viên trong nhà trường Môi trường làm việc là một khái niệm rộng bao gồm tất cả những gì có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sự phát triển, nâng cao năng lực công tác của mỗi cá nhân, cán bộ, công chức (bao gồm môi trường bên trong và môi trường bên ngoài): Cơ sở vật chất, chế độ chính sách, mối quan hệ giữa lãnh đạo đối với nhân viên và giữa nhân viên với nhân viên Ngày nay, môi trường làm việc là một nhân tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng làm việc của nhân viên. Nếu nhân viên thấy được môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, có nhiều yếu tố khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lực nhân viên thì tự bản thân họ sẽ có thêm động lực, phấn đấu cho công việc, Biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên thpt theo phương thức tổ chức cộng đồng 35 tạo niềm tin, cơ hội và sự hài lòng của công chức đối với tổ chức, thúc đẩy công chức tích cực làm việc. Môi trường nhà trường bao gồm môi trường vật chất (vật lí) và môi trường tâm lí – xã hội. Để xây dựng CĐHT, chúng tôi quan tâm đến môi trường tâm lí – xã hội trong nhà trường – đó là những mối quan hệ, những tương tác xảy ra giữa các chủ thể hoạt động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy - học. Môi trường tâm lí - xã hội tạo nên bầu không khí tâm lí thuận lợi trong tập thể nhà trường và tạo điều kiện hỗ trợ cho các tương tác giữa GV với nhau. Ý nghĩa của môi trường xã hội đối với quá trình học tập nói chung và của GV có thể giải thích từ lí thuyết tương tác của L.S Vygotsky. Quan điểm cơ bản của lí thuyết này là thông qua tác động qua lại với nhau mỗi người đều học được một cái gì đó từ người khác ở mức độ tư duy cấp cao bằng những cách khác nhau và trong các hoàn cảnh khác nhau [13]. Chính vì thế, để tạo ra một môi trường nhà trường thuận lợi, tạo cơ hội và điều kiện cho phát triển nghề nghiệp GV và xây dựng CĐHT trong nhà trường, Ban giám hiệu nhà trường cần đặc biệt chú trọng xây dựng các mối quan hệ giữa các GV trong nhà trường. Quan hệ đồng nghiệp tốt không chỉ tạo cơ hội học hỏi, chia sẽ kinh nghiệm trong giảng dạy mà còn tạo không khí thoải mái, dễ chịu, đoàn kết, từ đó kích thích GV gắn bó với nhà trường, với công việc và nâng cao chất lượng giảng dạy. Mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp được xây dựng trên cơ sở sẵn sàng giúp đỡ, ủng hộ nhau khi cần thiết, sự hợp tác trong công việc, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Để có được các mối quan hệ này, nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động tập thể, sinh hoạt chuyên môn, giao lưu văn nghệ, thể thao tạo điều kiện cho các GV được tương tác với nhau nhiều trong giảng dạy cũng như hoạt động tập thể. Ngoài ra, ban giám hiệu nhà trường cũng cần chú trọng xây dựng văn hóa nhà trường (VHNT). Khi nhà trường có văn hóa tích cực, mang tính chuyên môn cao, thì ở đó sẽ có sự phát triển đội ngũ GV có ý nghĩa, cải cách chương trình thành công ... Ở những trường học như thế, GV và HS đều trưởng thành. Nghiên cứu của Yin Cheong Cheng (1993) còn cho thấy VHNT có tương quan với thái độ của GV với công việc của mình, đến động lực làm việc. Ở những trường học, GV được chia sẻ sự tham gia, lãnh đạo dân chủ, công bằng và gần gữi, thân mật, cơ cấu tổ chức hợp lí thì GV sẽ trải nghiệm những xúc cảm tích cực và hài lòng với công việc của mình, giảng dạy có hiệu quả cao [14]. Bên cạnh đó, VHNT tích cực thúc đẩy GV nỗ lực làm việc vì mục tiêu cao cả của nhà trường. Họ làm việc tích cực, sáng tạo, ủng hộ sự đổi mới và tập trung vào việc học tập của tất cả HS. VHNT tích cực sẽ thúc đẩy các mối quan hệ thân thiện, hợp tác, chia sẻ giữa các GV với nhau cũng như giữa GV với HS. GV sẽ tự tin, thỏa mái chia sẻ, thảo luận về những khó khăn, về kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn; quan tâm, hợp tác với nhau trong công việc [15]. Và từ đây tạo ra CĐHT cũng như phát triển năng lực nghề nghiệp GV. 2.2.5. Ý kiến của cán bộ quản lí và giáo viên về sự cần thiết của các biện pháp đề xuất Để có cơ sở thực tiễn khẳng định sự cần thiết của các biện pháp phát triển nghề nghiệp GV theo phương thức tổ chức CĐHT, chúng tôi đã tiến hành trưng cầu ý kiến 252 GV và cán bộ quản lí trường THPT thuộc 8 tỉnh như mô tả ở trên. Kết quả cho thấy tất cả 4 biện pháp đề xuất đều có điểm trung bình ở mức cao (Bảng 2) - Điểm thấp nhất là 0 - cao nhất là 4. Trong 4 biện pháp thì biện pháp “Xây dựng môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ giữa GV trong nhà trường” được cả GV và CBQL đánh giá ở mức cao nhất, tiếp Nguyễn Thị Kim Dung 36 đến là “Nâng cao nhận thức về phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV và vai trò của cộng đồng học tập trong phát triển nghề nghiệp cho GV”. Như vậy, tất cả các biện pháp phân tích ở trên đều được CBQL và GV cho là cần thiết, trong đó CBQL có xu hướng đánh giá cao hơn GV. Bảng 2. Điểm trung bình về sự cần thiết của các biện pháp Biện pháp GV CBQL Chung Nâng cao nhận thức về phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV và vai trò của cộng đồng học tập trong phát triển nghề nghiệp cho GV 2,92 3,25 3,01 Lập kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng phát triển nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV theo phương thức tổ chức cộng đồng học tập 2,79 3,24 2,89 Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học 2,62 3,28 2,76 Xây dựng môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ giữa GV trong nhà trường 3,28 3,56 3,34 Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài B2018-SP4-03HT 3. Kết luận Phát triển năng lực nghề nghiệp GV vừa là nhu cầu vừa là nhiệm vụ sống còn của mỗi GV cũng như nhà trường. Các nghiên cứu cho thấy, phương thức phát triển nghề nghiệp GV hiệu quả nhất là gắn với nhà trường phổ thông, thông qua xây dựng CĐHT trong nhà trường. Để xây dựng được CĐHT và từ đó phát triển năng lực nghề nghiệp GV, các nhà trường cần chú trọng nâng cao nhận thức về phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV và vai trò của cộng đồng học tập trong phát triển nghề nghiệp cho GV, xây dựng môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ giữa GV và chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai bồi dưỡng phát triển nâng cao năng lực nghề nghiệp cho GV tại chỗ cũng như chỉ đạo triển khai đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Lời cảm ơn. Bài viết này là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ: B2018-SPH-03HT. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Manabu Sato, Masaaki Sato, 2015. Cộng đồng học tập - Mô hình đổi mới toàn diện nhà trường, người dịch Khổng Diễm Hằng, Nxb Đại học Sư phạm. [2] Toshiya Chichibu, Toshiyuki Kihara, 2013. How Japanese school build a professional learning community by lesson study. International Journal for lesson and Learning Studies, Vol. 2, No. 1, Pp.12-25. [3] Atwal, K., 2013. Theories of workplace learning in relation to teacher professional learning in UK primary schools, Research in Teacher Education, 3, (2), October, 22-27. [4] Darling-Hammond L., Maria E. Hyler, Madelyn Gardner, 2017. Effective Teacher Professional Development https://learningpolicyinstitute.org/product/. [5] Trang web của VVOB, https://www.vvob.be/en. Biện pháp phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên thpt theo phương thức tổ chức cộng đồng 37 [6] Susanne Mary Owen, 2015. Teacher professional learning communities in innovative context: “ah hah moments”, “passion” and “making a difference” for student learning, Professional Development in Education, Vol41, No1, Pp. 57-7. [7] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2009. Báo cáo tổng kết bồi dưỡng thường xuyên GV mầm non, phổ thông chu kỳ II, III, Kỉ yếu Hội thảo tổng kết công tác bồi dưỡng thường xuyên GV mầm non, phổ thông. [8] Nguyễn Thị Thu Thủy, 2009. Một số vấn đề về phương thức bồi dưỡng thường xuyên GV phổ thông. Kỉ yếu Hội thảo tổng kết công tác bồi dưỡng thường xuyên GV mầm non, phổ thông. [9] European Commission, 2013. Supporting teacher competence development for better learning outcomes, Education and Training, at: school-education/ teacher-cluster_en.htm. Section. [10] Vũ Thị Sơn, Nguyễn Duân, 2010. “Nghiên cứu bài học” - Một cách tiếp cận năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 52, tháng 1-2010. [11] Makoto Yoshida, 2003. Overview of Lesson Study in Japan. www.lessonstudy.com. [12] Nguyễn Văn Khôi, 2014. Vận dụng mô hình “Nghiên cứu bài học” vào nâng cao hiệu quả dạy học ở nhà trường, Luận văn Thạc sỹ. [13] Vũ Thị Sơn, 2004. Về môi trường học tập trong lớp. Tạp chí Giáo dục, số chuyên đề 102, quí IV, 2004, tr. 14- 15. [14] Richardson, 1996. School Culture: A key to impoved student learning, School Team Innovator. https://booksc.org. [15] Nguyễn Vũ Bích Hiền - chủ biên, 2017. Văn hóa tổ chức - vận dụng vào phân tích văn hóa nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm. ABSTRACT Measures for developing high school teachers’ professional competency by constructing learning community at school Nguyen Thi Kim Dung The Institute For Educational Research, Hanoi National University of Education On the basis of analyzing the shortcomings in the situation of teachers’ professional development in our country and the meaning of developing teachers’ professional competency by constructing learning community at schools, this article deeply analyzes 4 measures of developing teachers’ professional competency. Those are "Raising awareness of teachers’ professional competency and the role of learning communities in career’sdevelopment for teachers"; "Developing plans and organizing to develop teachers’ professional competency at school"; "Developing plans and implementing “lesson study”and " Developing a collaborative and shared working environment between teachers". All measures have been confirmed by 252 teachers and administrators of high schools. Keywords: Measure, professional developing, teacher, learning community.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf5508_0021_26_kdungb2_6466_2132658.pdf
Tài liệu liên quan