Tài liệu Biến chứng của phẫu thuật đóng lỗ mở hồi tràng ra da: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 3 * 2017 Nghiên cứu Y học
141
BIẾN CHỨNG CỦA PHẪU THUẬT ĐÓNG LỖ MỞ HỒI TRÀNG RA DA
Hứa Thanh Uy*, Nguyễn Trung Tín*, Võ Nguyên Trung
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Lỗ mở hồi tràng ra da thường được dùng để các bảo vệ miệng nối thấp. Tuy nhiên, vai trò của
nó vẫn còn gây tranh cãi bởi tỉ lệ biến chứng và tử vong liên quan đến phẫu thuật đóng hồi tràng. Chúng tôi thực
hiện nghiên cứu này nhằm xác định tỉ lệ biến chứng và các yếu tố dự báo biến chứng sau phẫu thuật đóng lỗ mở
hồi tràng ra da.
Phương pháp: Chúng tôi tiến hành nghiên cứu hồi cứu từ những bệnh nhân được mở hồi tràng ra da tạm
thời và sau đó phẫu thuật đóng lại tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy từ 2012 đến
2015.
Kết quả: Có 80 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu. Tuổi và BMI trung bình lần lượt là 59 và 21,5. 15
bệnh nhân được hóa xạ trước mổ và thời gian trung bình đến lúc đóng lại là 55 ngày. Tỉ lệ biến chứng là 20% và
không có trường hợp nào cần can th...
6 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 12/07/2023 | Lượt xem: 165 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biến chứng của phẫu thuật đóng lỗ mở hồi tràng ra da, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 3 * 2017 Nghiên cứu Y học
141
BIẾN CHỨNG CỦA PHẪU THUẬT ĐÓNG LỖ MỞ HỒI TRÀNG RA DA
Hứa Thanh Uy*, Nguyễn Trung Tín*, Võ Nguyên Trung
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Lỗ mở hồi tràng ra da thường được dùng để các bảo vệ miệng nối thấp. Tuy nhiên, vai trò của
nó vẫn còn gây tranh cãi bởi tỉ lệ biến chứng và tử vong liên quan đến phẫu thuật đóng hồi tràng. Chúng tôi thực
hiện nghiên cứu này nhằm xác định tỉ lệ biến chứng và các yếu tố dự báo biến chứng sau phẫu thuật đóng lỗ mở
hồi tràng ra da.
Phương pháp: Chúng tôi tiến hành nghiên cứu hồi cứu từ những bệnh nhân được mở hồi tràng ra da tạm
thời và sau đó phẫu thuật đóng lại tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy từ 2012 đến
2015.
Kết quả: Có 80 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu. Tuổi và BMI trung bình lần lượt là 59 và 21,5. 15
bệnh nhân được hóa xạ trước mổ và thời gian trung bình đến lúc đóng lại là 55 ngày. Tỉ lệ biến chứng là 20% và
không có trường hợp nào cần can thiệp lại. Các biến chứng gồm nhiễm trùng vết mổ (18,8%) và rò tiêu hóa
(2,5%). BMI > 25 liên hệ có ý nghĩa với tỉ lệ biến chứng (p = 0,0001). Thời gian đến lúc đóng dưới 5 tuần và dẫn
lưu bụng liên hệ có ý nghĩa với biến chứng nhiễm trùng vết mổ (p = 0,03 và 0,02). Rò tiêu hóa thường gặp hơn ở
bệnh nhân có thời gian đợi giữa 2 lần mổ trên 16 tuần (p = 0,001).
Kết luận: Phẫu thuật đóng lỗ mở hồi tràng ra da đi kèm với tỉ lệ biến chứng tương đối cao nhưng không có
biến chứng nặng. BMI, thời gian giữa 2 lần mổ dưới 5 tuần hoặc trên 16 tuần và dẫn lưu bụng là yếu tố nguy cơ
của biến chứng.
Từ khóa: đóng lỗ mở hồi tràng ra da, biến chứng, ung thư đại trực tràng.
ABSTRACT
MORBIDITY OF LOOP ILEOSTOMY CLOSURE
Hua Thanh Uy, Nguyen Trung Tin, Vo Nguyen Trung
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 21 - No 3 - 2017: 141 - 146
Introduction: Loop ileostomies are often done in order to protect distal anastomoses. However, their role is
still controversial because of morbidity and mortality related to closure of ileostomies. We conducted this study to
determine the morbidity rates and predictors of complications after closure of ileostomies.
Methods: This is a restropective study of patients who underwent temporary loop ileostomy and closure of
ileostomies thereafter, in the UMC hospital and Cho Ray Hospital from 2012 to 2015.
Results: A total of 80 patients were recruited into the study. Average age and BMI were 59 and 21.5,
respectively. 15 patients experienced chemotherapy prior to surgery. The average time of closure was 55 days. The
complication rate was 20% and there was no case of reintervention. Complications consisted of wound infection
(18.8%) and fistula (2.5%). BMI > 25 was significantly associated with higher complication rate (p= 0.0001).
Time of closure < 5 weeks and abdominal drainage were significantly associated with wound infection (p = 0.03
and 0.02, respectively). Fistula was more common in patients who had time of closure > 16 weeks (p = 0.001).
Conclusions: Closure of ileostomies was associated with relatively high morbidity rate but there was no
major complication. BMI >25, time of closure 16 weeks, and drainage were risk factors of
* Bộ môn Ngoại, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM
Tác giả liên lạc: BS. Hứa Thanh Uy ĐT: 0906658598. Email: bsuy88ngoaitq@gmail.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 3 * 2017
142
complications.
Keywords: Ileostomy closure, morbidity, colorectal cancer.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư
thường gặp của ống tiêu hóa. Cho đến hiện nay,
phẫu thuật vẫn giữ vai trò chính trong điều trị
ung thư đại trực tràng. Nhiều tác giả ủng hộ việc
mở hồi tràng ra da nhằm phòng ngừa hoặc làm
giảm mức độ nặng của bục miệng nối sau phẫu
thuật cắt trước/trước thấp điều trị ung thư trực
tràng(10,11). Lỗ mở hồi tràng ra da sẽ được phẫu
thuật đóng lại sau khoảng 8 – 12 tuần. Phẫu
thuật đóng lỗ mở hồi tràng tương đối đơn giản,
nhưng nhiều tác giả đã báo cáo tỉ lệ biến chứng
tương đối cao liên quan đến phẫu thuật này. Một
số yếu tố nguy cơ được ghi nhận như thời gian
đóng lỗ mở hồi tràng, phương pháp đóng hồi
tràng cũng như ảnh hưởng của hóa xạ trị, dù vậy
kết quả các nghiên cứu vẫn chưa thống nhất.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi muốn làm
rõ các tai biến, biến chứng sớm và các yếu tố
nguy cơ liên quan đến phẫu thuật đóng lỗ mở
hồi tràng ra da sau phẫu thuật cắt trước/cắt trước
thấp điều trị ung thư đại trực tràng.
ĐỐI TƯỢNG – PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu là tất cả BN được mở
hồi tràng ra da nhằm bảo vệ miệng nối đại trực
tràng trong phẫu thuật cắt trước/cắt trước thấp
điều trị ung thư đại trực tràng và được phẫu
thuật đóng lỗ mở hồi tràng tại khoa Ngoại Tiêu
Hóa- Gan Mật, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành
phố Hồ Chí Minh hoặc khoa Ngoại tiêu hóa
Bệnh viện Chợ Rẫy từ 01/2012 - 01/2015. Tiêu
chuẩn loại trừ là những bệnh nhân được mở hồi
tràng ra da do biến chứng của phẫu thuật cắt
trước/cắt trước thấp hoặc do các nguyên nhân
khác và những bệnh nhân không thể liên lạc
được qua điện thoại.
Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu hồi cứu, cắt
ngang và mô tả, ghi nhận thông tin liên quan
đến bệnh nhân và tỉ lệ tai biến biến chứng liên
quan đến phẫu thuật đóng lỗ mở hồi tràng ra da
từ hồ sơ bệnh án, kết hợp với thu thập thông tin
qua điện thoại với người bệnh hoặc người thân.
Phân tích số liệu
Xử lý và phân tích, thống kê số liệu bằng
phần mềm Excel và SPSS 22.0. Sử dụng phép
kiểm t-test để so sánh giá trị trung bình nếu số
liệu tuân theo phân phối bình thường và phép
kiểm phi tham số (Mann-Whitney U) nếu số liệu
không tuân theo phân phối bình thường. Phép
kiểm Chi bình phương dùng kiểm tra mối quan
hệ giữa biến phân loại hoặc phép kiểm chính xác
Fisher (Fisher’s exact test) khi có > 25% tần số
mong đợi trong bảng < 5. Phân tích hồi quy
logistic để tìm ra các yếu tố nguy cơ độc lập. Sự
khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.
KẾT QUẢ
80 trường hợp (55 nam – 25 nữ) với tuổi
trung bình 59 (từ 27 đến 84 tuổi) thỏa tiêu chuẩn
chọn bệnh gồm 22 trường hợp ở BVCR và 58
trường hợp ở Bệnh viện ĐHYD.
Bảng 1. Đặc điểm dịch tễ và lâm sàng của bệnh nhân
Bệnh nhân
Nam
Nữ
80
55
25
Tuổi trung bình (năm) 59,1 ± 12,9
Bệnh nền ≥ 1 22
BMI (kg/m
2)
21,5 ± 3,1
Albumin (g/dl) 4,3 ± 0,3
Có hóa xạ trước mổ (n) 15 (19%)
Thời gian từ lúc mở đến lúc đóng hồi tràng
(ngày)
54,8 ± 39
Phương pháp mổ được sử dụng nhiều nhất là
cắt đoạn nối tay (88,8%). Các yếu tố khác liên
quan đến phẫu thuật được trình bày trong Bảng 2.
Biến chứng sớm của phẫu thuật đóng lỗ mở
hồi tràng ra da được ghi nhận trong 16/80 trường
hợp (20%) (Bảng 3).
Các trường hợp nhiễm trùng vết mổ được
cắt chỉ và tiếp tục chăm sóc vết thương tại nhà
cho đến khi lành. Cả 2 trường hợp rò tiêu hóa
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 3 * 2017 Nghiên cứu Y học
143
đều được phát hiện khi bệnh nhân tái khám và
được điều trị bảo tồn thành công.
Bảng 2. Các yếu tố liên quan đến phẫu thuật
Phương pháp mổ (n)
Cắt đoạn nối tay
Cắt đoạn nối máy
Nối tay không cắt đoạn
71
7
2
Phương pháp dẫn lưu (n)
Dẫn lưu bụng
Dẫn lưu Penrose vết mổ
4
11
Thời gian có nhu động ruột (ngày) 2,6 ± 0,7
Ngày nằm viện 6,9 ± 2,4
Bảng 3. Các biến chứng liên quan đến lỗ mở hồi
tràng ra da
Nhiễm trùng vết mổ 15
Rò tiêu hóa 2
Phân tích hồi quy logistics đa biến cho thấy
BMI > 25 là yếu tố nguy của biến chứng sớm (p =
0,0001) với OR = 7,1 (CI 95%: 1,4 – 38,8). Khi xét
riêng từng biến chứng, nhiễm trùng vết mổ có 2
yếu tố nguy cơ là thời gian đóng lỗ mở hồi tràng
dưới 5 tuần (p = 0,03; OR = 4; CI 95%: 0,9 – 22,6)
và có dẫn lưu bụng (p = 0,02; OR = 14,8; CI 95%:
1,2 – 3,2 x 1010). Rò tiêu hóa có yêu tố nguy cơ là
thời gian đóng lỗ mở hồi tràng > 16 tuần (p=
0,001; OR = 38; CI 95%: 1,6 – 1,26 x 109). Các yếu
tố khác như hóa xạ trước mổ, kỹ thuật mổ hay
dẫn lưu không ảnh hưởng đến tỉ lệ biến chứng.
BÀN LUẬN
Chúng tôi ghi nhận có 16/80 (20%) trường
hợp gặp biến chứng gồm nhiễm trùng vết mổ
(18,8%), rò tiêu hóa (2,5%) và không ghi nhận
trường hợp tử vong nào, tương tự kết quả
nghiên cứu gần đây nhất của Waterland,
Bhamre và El-Hussuna(5,8,31). Tỉ lệ tử vong sau
phẫu thuật đóng hồi tràng có sự khác nhau rất
lớn giữa các tác giả, dao động từ 0 đến 6,9%(2,9,19,27).
Tuy nhiên, với sự phát triển của máy khâu nối
ống tiêu hóa cũng như sự tiến bộ trong dinh
dưỡng, hồi sức bệnh nhân trước và sau mổ, tỉ lệ
tử vong gần đây có xu hướng giảm và ổn định ở
mức 0 – 1,5%(1,5,25,31).
Nhiễm trùng vết mổ là biến chứng thường
gặp nhất sau phẫu thuật đóng lỗ mở hồi tràng,
làm kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí
chăm sóc sau xuất viện và gây lành sẹo xấu(17).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 15/80 trường
hợp nhiễm trùng vết mổ được ghi nhận, chiếm
18,8%. Nghiên cứu phân tích gộp của Kaider cho
thấy tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ thay đổi từ 0 –
18,3%. Chow phân tích 6107 trường hợp đóng lỗ
mở hồi tràng và ghi nhận tỉ lệ nhiễm trùng vết
mổ chỉ 5%(6,14). Sự khác nhau lớn giữa các nghiên
cứu trên có thể do khác nhau trong phương
pháp khâu da. Gần đây, Li so sánh tỉ lệ nhiễm
trùng vết mổ của tất cả các phương pháp khâu
da dựa trên số liệu của 2921 trường hợp và ghi
nhận khâu da vòng là giúp làm giảm tỷ lệ nhiễm
trùng vết mổ tốt nhất (OR = 0,12, KTC 95%: 0,02
– 0,4), tiếp theo sau là khâu da kèm dẫn lưu vết
mổ, khâu da thưa, khâu da thì hai, khâu da thì
đầu và khâu da thì đầu muộn(15).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 69/80
trường hợp được khâu da thì đầu và 11 trường
hợp khâu da thì đầu kết hợp với dẫn lưu
penrose vết mổ. Tỉ lệ nhiễm trùng ở nhóm có
penrose thấp hơn nhóm không có penrose, lần
lượt là 9,1% và 20,3%, tuy nhiên, sự khác nhau
không có ý nghĩa thống kê. Murtaza báo cáo tỉ lệ
nhiễm trùng vết mổ thấp hơn ở nhóm có dẫn lưu
penrose (4,2% và 16,9%), và nguy cơ nhiễm
trùng vết mổ ở nhóm không có dẫn lưu penrose
gấp 5,8 lần nhóm có dẫn lưu penrose(20). Trong
nghiên cứu của chúng tôi, ngoài các sai lệch do
thiết kế nghiên cứu hồi cứu, cách sử dụng kháng
sinh dự phòng và thời điểm rút dẫn lưu có thể
ảnh hưởng đến tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ. Ngoài
ra, nhiều trường hợp trong nghiên cứu được
khâu da thì đầu nhưng thực chất là khâu da
thưa, vốn cũng là 1 yếu tố làm giảm nguy cơ
nhiễm trùng vết mổ(15). Sự chồng chéo giữa các
phương pháp khâu da trong nghiên cứu khiến
cho chúng tôi không thể kết luận được về mối
liên hệ giữa dẫn lưu penrose và nhiễm trùng vết
mổ.
Tỉ lệ BN gặp biến chứng rò tiêu hóa trong
nghiên cứu của chúng tôi tương đương với các
tác giả khác. Kaidar (2005) ghi nhận tỉ lệ rò tiêu
hóa 0-7% và Chow (2009) báo cáo tỉ lệ biến
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 3 * 2017
144
chứng này là 1,3% trên 2885 trường hợp(6,14).
Mengual hồi cứu 89 trường hợp và Poskus hồi
cứu 132 trường hợp cũng cho thấy tỉ lệ rò tiêu
hóa tương tự, lần lượt là 4,5% và 0,76%; tất cả
đều tự khỏi sau một thời gian điều trị nội
khoa(19,24). Cả 2 trường hợp rò tiêu hóa trong
nghiên cứu của chúng tôi đều điều trị bảo tồn
thành công sau 3 tháng và 8 tháng.
Phân tích hồi quy đa biến cho thấy chỉ có
“BMI > 25” là yếu tố nguy cơ xảy ra biến chứng
sớm: những BN với BMI > 25 có nguy cơ xảy ra
biến chứng sau mổ cao gấp 7,1 lần những BN có
BMI < 25. Chúng tôi và nhiều tác giả khác không
tìm thấy mối liên hệ giữa nguy cơ xảy ra biến
chứng và các yếu tố được mô tả trong y văn như
tuổi, giới tính nam, bệnh nội khoa, hóa trị trước
mổ, khoảng thời gian giữa 2 lần mổ hay phương
pháp mổ(7,8,19,24).
Với biến chứng nhiễm trùng vết mổ, yếu tố
nguy cơ là “thời gian giữa 2 lần mổ dưới 5 tuần”
(p = 0,03) và “dẫn lưu bụng” (p = 0,02). Có thể
giải thích yếu tố “thời gian < 5 tuần” làm tăng tỉ
lệ nhiễm trùng vết mổ do trước thời điểm này,
BN đang trong quá trình hồi phục, tổng trạng
còn kém. Ngoài ra Tappe nhận thấy trước 6 tuần,
tỉ lệ biến chứng viêm da xảy ra cao nhất và giảm
dần sau đó. Việc khâu vết mổ trên nền 1 vùng da
viêm ảnh hưởng đến sự lành vết thương và tăng
tỉ lệ nhiễm trùng. Còn những trường hợp đặt
dẫn lưu bụng thường là những ca mổ khó, kéo
dài, nguy cơ dây nhiễm dịch tiêu hóa vào vết mổ
cao. Tuy nhiên có nhiều yếu tố gây nhiễu như sử
dụng kháng sinh và phương pháp khâu da do
đó chúng tôi không thể kết luận về yếu tố này.
Chúng tôi cũng nhận thấy chỉ có “thời gian
đóng lỗ mở hồi tràng trên 16 tuần” là yếu tố
nguy cơ của rò tiêu hóa (p = 0,001). Chúng tôi
cho rằng những trường hợp có thời gian đóng lỗ
mở hồi tràng trên 16 tuần thường là những BN
có tổng trạng kém, nhiều bệnh nền. Bên cạnh đó
những BN này thường được hóa xạ trị hỗ trợ
trước khi đóng lỗ mở hồi tràng, đây cũng là yếu
tố ảnh hưởng đến sự lành miệng nối.
Phẫu thuật đóng lỗ mở hồi tràng bằng máy
khâu nối ống tiêu hóa được báo cáo làm giảm tỉ
lệ biến chứng như bục miệng nối và tắc ruột sau
mổ(2,12,16,23,26). Tuy nhiên, một số tác giả khác lại
không tìm thấy sự khác biệt giữa 2 phương pháp
này(2,8,30). Jan và El – Hussuna báo cáo đóng lỗ
mở hồi tràng không kèm cắt đoạn ruột non có tỉ
lệ biến chứng thấp hơn so với cắt đoạn 2 đầu rồi
nối tận tận(8,12). Trong nghiên cứu của chúng tôi,
so sánh giữa 3 phương pháp đóng hồi tràng với
từng loại biến chứng và biến chứng chung
không cho thấy có sự khác biệt. Tuy nhiên số
lượng bệnh nhân được khâu nối máy và nối
không cắt đoạn quá ít so với nối tay nên không
thể đưa ra kết luận chính xác.
Một trong những vấn đề gây nhiều tranh
cãi là hóa xạ trị trước khi phẫu thuật phục hồi
đóng lỗ mở hồi tràng có ảnh hưởng tỉ lệ biến
chứng. Thalheimer hồi cứu 120 BN có lỗ mở
hồi tràng ra da sau phẫu thuật cắt đại trực
tràng do ung thư và ghi nhận nguy cơ xảy ra
biến chứng nhỏ (nhiễm trùng vết mổ, tiêu
chảy, liệt ruột kéo dài) ở nhóm có hóa xạ trước
khi đóng hồi tràng cao gấp 2 lần nhóm không
có hóa xạ(28). Akiyoshi nghiên cứu tiến cứu 125
bệnh nhân và cho thấy hóa xạ trước mổ làm
tăng tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ của phẫu thuật
đóng lỗ mở hồi tràng(2). Ngoài khả năng hóa xạ
ảnh hưởng xấu lên sự lành vết thương và tổng
trạng của bệnh nhân, thời gian đóng lỗ mở hồi
tràng kéo dài có thể làm tăng biến chứng của
phẫu thuật đóng hồi tràng.
Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy
nhóm có hóa xạ có thời gian đóng lỗ mở hồi
tràng dài hơn nhóm không có hóa xạ, lần lượt là
15 và 6,2 tuần (p = 0,001). Tuy nhiên, chúng tôi
không tìm thấy mối liên hệ giữa yếu tố hóa xạ
với tỉ lệ 2 biến chứng được ghi nhận và tỉ lệ biến
chứng chung. Kết quả của chúng tôi được ủng
hộ bởi nhiều tác giả khác cho thấy hóa xạ có ảnh
hưởng đến thời gian đóng lỗ mở hồi tràng
nhưng không ảnh hưởng tỉ lệ biến chứng của
phẫu thuật đóng lỗ mở hồi tràng(21,25,29,31).
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 3 * 2017 Nghiên cứu Y học
145
Khoảng thời gian tối ưu để tiến hành phẫu
thuật đóng lỗ mở hồi tràng là vấn đề được quan
tâm nhiều hiện nay, tuy nhiên kết quả vẫn còn
khác nhau giữa các tác giả. Một số tác giả
khuyến cáo nên đóng lỗ mở hồi tràng càng sớm
càng tốt trước khi bắt đầu chu trình hóa xạ.
Quan điểm này được ủng hộ bởi các báo cáo của
Bakx, Alves, Jordi – Galais và Menegaux cho
thấy tiến hành đóng lỗ mở hồi tràng sớm trong
vòng 2 tuần sau lần mổ đầu tiên không làm tăng
tỉ lệ tử vong và biến chứng(3,4,13,18). Tuy nhiên, các
tác giả này khuyến cáo giới hạn áp dụng ở nhóm
bệnh nhân có thể trạng tốt, không có bệnh nội
khoa, không sử dụng corticosteroid kéo dài,
không xảy ra biến chứng của cuộc mổ đầu và
không có dấu hiệu bục miệng nối(3,4,13,18). Ngược
lại, các nghiên cứu gần đây cảnh báo cần thận
trọng khi xác định mốc thời gian phẫu thuật.
Perez hồi cứu 93 bệnh án và nhận thấy tỉ lệ biến
chứng tăng lên khi thời gian đóng lỗ mở hồi
tràng dưới 8,5 tuần(22); trong khi đó Rubio-Perez
hồi cứu 93 trường hợp và cho thấy thời gian
đóng lỗ mở hồi tràng trên 6 tháng là yếu tố nguy
cơ tăng biến chứng sau mổ đóng hồi tràng, và
khuyến cáo khoảng thời gian an toàn là từ 3-6
tháng(25). Tuy nhiên, Poskus không tìm ra sự khác
biệt về tỉ lệ biến chứng giữa các mốc thời gian < 3
tháng, 3-6 tháng và trên 6 tháng. Nhiều báo cáo
từ 2009 đến nay cũng cho kết quả không tìm
thấy mối liên hệ giữa thời gian đóng lỗ mở hồi
tràng và nguy cơ biến chứng(7,21,26).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, “thời gian
giữa 2 lần mổ dưới 5 tuần” là yếu tố nguy cơ của
nhiễm trùng vết mổ (p = 0,03) và “thời gian giữa
2 lần mổ trên 16 tuần” là yếu tố nguy cơ của rò
tiêu hóa (p= 0,001). Tuy nhiên khi đưa vào mô
hình hồi quy đa biến để xét ảnh hưởng đến tỉ lệ
biến chứng chung thì 2 yếu tố này bị loại bỏ. Do
đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu tiến cứu đánh
giá kết quả của phẫu thuật đóng lỗ mở hồi tràng
sớm ở cả nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao và
thấp để xác định mốc thời gian đóng lỗ mở hồi
tràng tối ưu nhất.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu 80 trường hợp phẫu thuật
đóng lỗ mở hồi tràng ra da sau phẫu thuật cắt
trước/cắt trước thấp, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ
biến chứng sớm của phẫu thuật này là 20% tuy
nhiên chủ yếu là biến chứng nhỏ nhỏ có thể điều
trị bảo tồn bao gồm nhiễm trùng vết mổ và rò
tiêu hóa. BMI > 25 là yếu tố nguy cơ của biến
chứng sớm; nhiễm trùng vết mổ có 2 yếu tố
nguy cơ là thời gian đóng lỗ mở hồi tràng < 5
tuần và dẫn lưu bụng. Thời gian đóng lỗ mở hồi
tràng > 16 tuần là yếu tố nguy cơ duy nhất của rò
tiêu hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Abegg RM., Brokelman W., van Bebber IP., Bosscha K., Prins
HA., et al. (2014), "Results of construction of protective loop
ileostomies and reversal surgery for colorectal surgery". Eur
Surg Res, 52(1-2), pp. 63-72.
2. Akiyoshi T., Fujimoto Y., Konishi T., Kuroyanagi H., Ueno M.,
et al. (2010), "Complications of loop ileostomy closure in
patients with rectal tumor". World J Surg, 34(8), pp. 1937-42.
3. Alves A., Panis Y., Lelong B., Dousset B., Benoist S., et al.
(2008), "Randomized clinical trial of early versus delayed
temporary stoma closure after proctectomy". Br J Surg, 95(6),
pp. 693-8.
4. Bakx R., Busch OR., van Geldere D., Bemelman WA., Slors JF.,
et al. (2003), "Feasibility of early closure of loop ileostomies: a
pilot study". Dis Colon Rectum, 46(12), pp. 1680-4.
5. Bhamre Rahul, Pai Vishwas D, Saklani Avanish P (2015),
"Defunctioning Stoma Reversal-does the Approach to Primary
Surgery Influence the Post Operative Outcomes?". Colorectal
Cancer: Open Access.
6. Chow A., Tilney HS., Paraskeva P., Jeyarajah S., Zacharakis E.,
et al. (2009), "The morbidity surrounding reversal of
defunctioning ileostomies: a systematic review of 48 studies
including 6,107 cases". Int J Colorectal Dis, 24(6), pp. 711-23.
7. Cipe G., Erkek B., Kuzu A., Gecim E. (2012), "Morbidity and
mortality after the closure of a protective loop ileostomy:
analysis of possible predictors". Hepatogastroenterology, 59
(119), pp. 2168-72.
8. El-Hussuna A., Lauritsen M., Bulow S. (2012), "Relatively high
incidence of complications after loop ileostomy reversal". Dan
Med J, 59(10), pp. A4517.
9. Fauno L., Rasmussen C., Sloth KK., Sloth AM., Tottrup A.
(2012), "Low complication rate after stoma closure.
Consultants attended 90% of the operations". Colorectal Dis,
14(8), pp. e499-505.
10. Giannakopoulos GF., Veenhof AA., van der Peet DL., Sietses
C., Meijerink WJ., et al. (2009), "Morbidity and complications
of protective loop ileostomy". Colorectal Dis, 11(6), pp. 609-12.
11. Gu WL., Wu SW. (2015), "Meta-analysis of defunctioning
stoma in low anterior resection with total mesorectal excision
for rectal cancer: evidence based on thirteen studies". World J
Surg Oncol, 13, pp. 9.
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 3 * 2017
146
12. Jan Hizbullah, Khan Attaullah, Saeed Tahir, Khan Mah
Muneer (2012), "Complications following illeostomy closure:
an evaluation of the causal factors". Pak J Surg, 28(3), pp. 177-
181.
13. Jordi-Galais P., Turrin N., Tresallet C., Nguyen-Thanh Q.,
Chigot J. P., et al. (2003), "Early closure of temporary stoma of
the small bowel". Gastroenterol Clin Biol, 27(8-9), pp. 697-9.
14. Kaidar-Person O., Person B., Wexner S. D. (2005),
"Complications of construction and closure of temporary loop
ileostomy". J Am Coll Surg, 201(5), pp. 759-73.
15. Li LT., Hicks SC., Davila JA., Kao LS., Berger RL., et al. (2014),
"Circular closure is associated with the lowest rate of surgical
site infection following stoma reversal: a systematic review
and multiple treatment meta-analysis". Colorectal Dis, 16(6),
pp. 406-16.
16. Loffler T., Rossion I., Goossen K., Saure D., Weitz J., et al.
(2015), "Hand suture versus stapler for closure of loop
ileostomy--a systematic review and meta-analysis of
randomized controlled trials". Langenbecks Arch Surg, 400(2),
pp. 193-205.
17. Mahmoud NN., Turpin RS., Yang G., Saunders WB. (2009),
"Impact of surgical site infections on length of stay and costs in
selected colorectal procedures". Surg Infect (Larchmt), 10(6), pp.
539-44.
18. Menegaux F., Jordi-Galais P., Turrin N., Chigot JP. (2002),
"Closure of small bowel stomas on postoperative day 10". Eur
J Surg, 168(12), pp. 713-5.
19. Mengual-Ballester M., Garcia-Marin JA., Pellicer-Franco E.,
Guillen-Paredes MP., Garcia-Garcia ML., et al. (2012),
"Protective ileostomy: complications and mortality associated
with its closure". Rev Esp Enferm Dig, 104(7), pp. 350-4.
20. Murtaza G., Nuruddin R., Memon AA., Chawla T., Azam I.,
et al. (2014), "Does primary closure increase surgical site
infection after intestinal stoma reversal? A retrospective cohort
study". Surg Infect (Larchmt), 15(1), pp. 58-63.
21. Perez Dominguez L., Garcia Martinez MT., Caceres Alvarado
N., Toscano Novella A., Higuero Grosso AP., et al. (2014),
"Morbidity and mortality of temporary diverting ileostomies
in rectal cancer surgery". Cir Esp, 92(9), pp. 604-8.
22. Perez R. O., Habr-Gama A., Seid V. E., Proscurshim I., Sousa
A. H., Jr., et al. (2006), "Loop ileostomy morbidity: timing of
closure matters". Dis Colon Rectum, 49 (10), pp. 1539-45.
23. Pokorny H., Herkner H., Jakesz R., Herbst F. (2005),
"MOrtality and complications after stoma closure". Archives of
Surgery, 140 (10), pp. 956-960.
24. Poskus Eligijus, Kildusis Edvinas, Smolskas Edgaras,
Ambrazevicius Marijus, Strupas Kestutis (2014),
"Complications after Loop Ileostomy Closure: A Retrospective
Analysis of 132 Patients". Viszeralmedizin, 30(4), pp. 276-280.
25. Rubio-Perez I., Leon M., Pastor D., Diaz Dominguez J.,
Cantero R. (2014), "Increased postoperative complications
after protective ileostomy closure delay: An institutional
study". World J Gastrointest Surg, 6(9), pp. 169-74.
26. Saha AK., Tapping CR., Foley GT., Baker RP., Sagar PM., et al.
(2009), "Morbidity and mortality after closure of loop
ileostomy". Colorectal Dis, 11 (8), pp. 866-71.
27. Tan WS., Tang CL., Shi L., Eu KW. (2009), "Meta-analysis of
defunctioning stomas in low anterior resection for rectal
cancer". Br J Surg, 96(5), pp. 462-72.
28. Thalheimer Andreas, Bueter Marco, Kortuem Martin, Thiede
Arnulf, Meyer Detlef (2006), "Morbidity of Temporary Loop
Ileostomy in Patients With Colorectal Cancer". Diseases of the
Colon & Rectum, 49(7), pp. 1011-1017.
29. Tulchinsky H., Shacham-Shmueli E., Klausner JM., Inbar M.,
Geva R. (2014), "Should a loop ileostomy closure in rectal
cancer patients be done during or after adjuvant
chemotherapy?". J Surg Oncol, 109(3), pp. 266-9.
30. Vallribera Valls F., Villanueva Figueredo B., Jimenez Gomez
LM., Espin Bassany E., Sanchez Martinez JL., et al. (2014),
"Ileostomy closure in a colorectal surgery unit. Comparative
analysis of different techniques". Cir Esp, 92(3), pp. 182-7.
31. Waterland Peter, Goonetilleke Kolitha, Naumann David N.,
Sutcliff Mathew, Soliman Faris (2015), "Defunctioning
Ileostomy Reversal Rates and Reasons for Delayed Reversal:
Does Delay Impact on Complications of Ileostomy Reversal?
A Study of 170 Defunctioning Ileostomies". Journal of Clinical
Medicine Research, 7(9), pp. 685-689.
Ngày nhận bài báo: 29/03/2017
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 28/03/2017
Ngày bài báo được đăng: 15/05/2017
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bien_chung_cua_phau_thuat_dong_lo_mo_hoi_trang_ra_da.pdf