Tài liệu Bàn về việc dịch và cải biên tác phẩm Tây Du ký tại Việt Nam – trường hợp bản Nôm Tây Du truyện: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 62 (02/2019) No. 62 (02/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
13
BÀN VỀ VIỆC DỊCH VÀ CẢI BIÊN TÁC PHẨM TÂY DU KÝ TẠI VIỆT NAM
– TRƯỜNG HỢP BẢN NÔM TÂY DU TRUYỆN
The translation and adaptation of Journey to the West in Vietnam
– A Focus on “Tây Du Truyện”
TS. Nguyễn Hoàng Yến
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM
Tóm tắt
Tây du ký – một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc, cũng giống như nhiều tác phẩm văn học Trung
Quốc khác nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Việt Nam. Tác phẩm đã được dịch, cải biên
tới hơn mười lần, bao gồm cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ từ khi lưu truyền vào Việt Nam. Tuy nhiên
những nghiên cứu liên quan còn rất hạn chế. Vì thế trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát cụ
thể trường hợp tác phẩm dịch bằng chữ Nôm Tây du truyện. Trong quá trìn...
6 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 874 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bàn về việc dịch và cải biên tác phẩm Tây Du ký tại Việt Nam – trường hợp bản Nôm Tây Du truyện, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 62 (02/2019) No. 62 (02/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
13
BÀN VỀ VIỆC DỊCH VÀ CẢI BIÊN TÁC PHẨM TÂY DU KÝ TẠI VIỆT NAM
– TRƯỜNG HỢP BẢN NÔM TÂY DU TRUYỆN
The translation and adaptation of Journey to the West in Vietnam
– A Focus on “Tây Du Truyện”
TS. Nguyễn Hoàng Yến
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM
Tóm tắt
Tây du ký – một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc, cũng giống như nhiều tác phẩm văn học Trung
Quốc khác nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Việt Nam. Tác phẩm đã được dịch, cải biên
tới hơn mười lần, bao gồm cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ từ khi lưu truyền vào Việt Nam. Tuy nhiên
những nghiên cứu liên quan còn rất hạn chế. Vì thế trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát cụ
thể trường hợp tác phẩm dịch bằng chữ Nôm Tây du truyện. Trong quá trình chuyển thể tác phẩm, do
các yếu tố thể tài, cá nhân, văn hóa xã hội, tác giả đã có những cách xử lý dịch, cải biên khác nhau từ
nội dung, kết cấu cốt truyện đến cách thức kể chuyện, khiến Tây du truyện trở thành một tác phẩm dịch
“bình cũ rượu mới, phản lại nguyên tác” rất khác lạ so với lam bản, cũng như các truyện Nôm vay
mượn từ Trung Quốc khác. Có thể nói đây là một trường hợp dịch, cải biên văn học Trung Quốc tại Việt
Nam đặc biệt và điển hình, đáng để chúng ta nghiên cứu và thảo luận.
Từ khóa: Tây du ký, Tây du truyện, Việt Nam, dịch, truyện Nôm.
Abstract
Journey to the West - one of the four great Chinese works, just like many other Chinese literary works,
received a warm reception of Vietnamese readers. The work has been translated and adapted more than
ten times, including Nôm and modern Vietnamese characters since its circulation in Vietnam. However,
the related studies are very limited. Therefore, in this paper, we will focus on Tây du truyện, a re-written,
translation work of Journey to the West in Nôm characters. In the process of adapting the work, due to
different talent, personal, social and cultural factors, the authors had different ways to handle translation
and adaptation from literary genre, story structure to narrative techniques, making Journey to the West a
totally different version compared with the original one, as well as with other Nôm narratives borrowed
from Chinese literary works. This can be said to be a special and typical case of Chinese translation and
adaptation in Vietnam, worthy of our research and discussion.
Keywords: Journey to the West, Tây du truyện, Vietnam, translation, Nôm narrative.
Email: hoangyen@hcmussh.edu.vn
NGUYỄN HOÀNG YẾN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
14
1. Mở đầu
Việt Nam và Trung Quốc có lịch sử
giao lưu văn học, nghệ thuật từ rất lâu đời
và mật thiết, nhiều tác phẩm văn học Trung
Quốc nhận được sự hoan nghênh nồng
nhiệt của độc giả Việt Nam, từ đó xuất hiện
các tác phẩm dịch hoặc cải biên khác nhau.
Theo Trần Quang Huy (1973), rất nhiều tác
phẩm văn học Trung đại Việt Nam có thể
nhìn thấy bóng dáng của tác phẩm Trung
Quốc tương ứng, điều này không làm mất
đi tính sáng tạo của tác giả có thể kể ra một
số tác phẩm như Truyện Kiều, Ngọc Kiều
Lê, Tây sương truyện, Nhị độ mai, Tây du
truyện, vv.
Tây du ký 西遊記– một trong tứ đại
danh tác của Trung Quốc nhận được nhiều
sự yêu thích của độc giả Việt Nam qua các
thời kỳ. Theo thống kê, từ khi tác phẩm du
nhập vào Việt Nam, nó đã được dịch, cải
biên đến hơn mười lần bao gồm từ chữ
Nôm, chữ Hán đến chữ Quốc ngữ. Tuy
nhiên cho đến nay, số lượng nghiên cứu
về các tác phẩm này vẫn còn rất khiêm tốn
(Nguyễn Hoàng Yến, 2016). Vì thế trong
bài viết này, chúng tôi muốn đi sâu khảo
sát tác phẩm dịch Tây du truyện 西遊傳
bằng chữ Nôm, để giúp độc giả hiểu rõ
hơn về tác phẩm này, cũng như chỉ ra
những thay đổi trong nội dung, cốt truyện,
cách kể chuyện của truyện Nôm khi dịch
tác phẩm Trung Quốc, qua đó hiểu rõ hơn
về tính chủ thể, sáng tạo của tác giả Việt
Nam trong quá trình tiếp nhận tác phẩm
Tây du ký nói riêng và văn học Trung
Quốc nói chung.
2. Sơ lược về tác phẩm Tây du truyện
Trong phần này, chúng tôi sơ lược giới
thiệu về tác giả, thời điểm sáng tác, tình
hình văn bản và nội dung chính của tác
phẩm Tây du truyện西遊傳.
Tây du truyện là bản dịch phóng tác
bằng chữ Nôm từ tiểu thuyết Tây du ký 西
遊記 theo thể lục bát duy nhất của Việt
Nam còn lại tính đến thời điểm hiện tại.
Tác giả và thời điểm sáng tác tác phẩm
hiện tại chưa được giới nghiên cứu thống
nhất. Theo Yan Bao (Nhan Bảo, 1987),
Tây du truyện có thể được viết vào thế kỷ
XVIII, nhưng chúng tôi cho rằng thời điểm
hoàn thành tác phẩm có thể từ 1870 đến
1893. Tây du truyện hiện còn lưu giữ được
hai bản khắc in và một bản chép tay. Hai
bản khắc còn lại không cùng thời điểm.
Một bản do Đồng Văn Đường xuất bản
năm 1893, hiện đang được lưu giữ tại thư
viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mã số
AB.81, gồm 57 trang, kích cỡ 17x13 cm.
Bìa trước gồm tên tác phẩm Tây du truyện
nằm giữa, bên phải là cột ghi thời gian
khắc in “Thành Thái ngũ niên thu tân khắc
成泰五年秋新刻”, bên trái là cột ghi thông
tin nơi xuất bản “Đồng Văn Đường tàng
bản 同文堂藏板”. Bản còn lại do Quảng
Thịnh Đường khắc năm 1910, hiện đang
được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Việt
Nam, mã kho R.1942. Bìa trước gồm tên
tác phẩm nằm chính giữa, bên phải là cột
ghi “Duy Tân Nhâm Tý niên đông tân san
維新壬子年冬新刊 ”, bên trái là ghi
“Quảng Thịnh đường tàng bản 廣盛堂藏
版”. Bản này gồm 27 trang, kích cỡ 18x17
cm. Theo Thư viện quốc gia Việt Nam,
sách mất tờ 11, 12. Ngoài ra, một văn bản
chép tay theo bản Đồng Văn Đường cũng
tồn tại đến ngày nay và hiện đang được lưu
trữ tại thư viện đại học Yale, Mỹ, mã số
MS 1728. Bìa ngoài bản khắc năm 1893 có
dòng chữ “Thành Thái ngũ niên thu tân
khắc成泰五年秋新刻”. Điều này cho thấy
trước bản khắc này đã từng có bản khác
được công bố, phần nào cho thấy tác phẩm
nhận được sự đón nhận khá nồng nhiệt của
độc giả khi đó.
Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu
căn cứ vào bản khắc năm 1910 của Quảng
NGUYỄN HOÀNG YẾN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
15
Thịnh Đường đang được lưu giữ tại Thư
viện quốc gia Việt Nam và bản chép tay
của đại học Yale. Theo so sánh sơ bộ của
chúng tôi thì nội dung của hai bản không
có sự khác biệt. Câu chuyện gồm 482 câu
lục bát và một đoạn ghi theo lối văn xuôi
lời trần tình của Đường Tăng trước khi bị
Sơn quân phanh thây ăn thịt. Đoạn văn này
chiếm từ nửa tờ số 8b đến hơn nửa tờ 10a
của bản Quảng Thịnh Đường. Còn bản
chép tay là từ giữa tờ số 29 đến đầu tờ số
36. Toàn bộ câu chuyện diễn ra liền mạch,
theo trình tự thời gian, phát triển của câu
chuyện mà không phân đoạn.
Mở đầu truyện Nôm Tây du truyện là
hai câu “Quyển Tây du truyện lược
bày/Thuở thời Đường quốc khiến thầy cầu
kinh” cho ta biết tên tác phẩm cũng như
thông tin về lam bản mà câu chuyện lấy làm
căn cứ để dịch/cải biên. Hai câu kết thúc là
“Tây du đoạn thứ mười ba/Thấy trong tích
cũ bút hoa chép làm” cho ta biết cụ thể hơn
Tây du truyện đã “lấy ý tưởng” từ hồi thứ
mười ba của tiểu thuyết Tây du ký. Đây là
hình thức mở đầu và kết thúc thường thấy ở
các truyện Nôm Việt Nam vay mượn từ các
tác phẩm văn học Trung Quốc.
Tóm tắt sơ lược nội dung của tác phẩm
Nôm Tây du truyện như sau. Tây du truyện
là bản dịch lấy nội dung chính là hồi thứ 13
trong tác phẩm lam bản Tây du ký, kể về ba
thầy trò Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa
Ngộ Tĩnh trên đường đến Tây Trúc thỉnh
kinh gặp nạn Sơn quân (tức Hổ tinh). Một
ngày nọ, ba thầy trò và Bạch mã đi vào
rừng và bỗng thấy một sơn trang xinh đẹp
với khu rừng yên tĩnh, thanh tao. Dù
Đường Tăng ra sức can ngăn, nhưng Trư
Bát Giới và Sa tăng vẫn quyết chí đi vào
khu vườn khiến sau đó cả ba thầy trò đều
bị Sơn quân bắt giam. Trư Bát Giới, Sa
tăng, Bạch mã bị giam cầm trong ngục tối,
còn Đường Tăng thì bị Sơn quân phanh
thây ăn thịt một cách tàn nhẫn. Trước khi
chết, Đường Tăng niệm chú cầu Tôn Ngộ
Không đến cứu.
Khi Tôn Ngộ Không đến nơi, hay tin
Đường Tăng đã bị ăn thịt, bèn tập hợp thần
linh thổ địa tìm hiểu đầu đuôi và điểm yếu
của Sơn quân. Biết Sơn quân là tên háo sắc,
Tôn Ngộ Không bèn biến thành một giai
nhân tuyệt sắc, thuận lợi lọt vào động và
chiếm trọn lòng tin của Sơn quân. Trong lễ
thành hôn, Tôn Ngộ Không dùng mưu mĩ
nhân kế, lấy được ba báu vật của Sơn quân
rồi chuốc rượu cho cả động say mèm. Sau
đó Tôn lấy ba báu vật này cứu sống Đường
Tăng, tiễn ba thầy trò tiếp tục lên đường
lấy kinh, còn mình đánh tan động Sơn quân
rồi trở về Hoa quả sơn.
Mười năm sau, Sơn quân tỉnh rượu,
biết mình bị Tôn Ngộ Không lừa thì vô
cùng tức tối, Sơn quân bèn gặp cha (là
Ngọc Hoàng đại đế) và chú (là Long
Vương) đòi cho được trăm ngàn tinh binh
tiến đến Hoa quả sơn quyết chiến Tôn Ngộ
Không. Kết cục Sơn quân vẫn chịu đại bại
dưới tay Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không
tức giận vì Ngọc Hoàng dung túng Sơn
quân làm điều sai trái, giận dữ xông lên
Ngọc hoàng điện mắng Ngọc Hoàng, định
bụng đại náo thiên cung. Ngọc Hoàng
hoảng sợ cầu cứu Phật Tổ. Phật Tổ bay đến
hòa giải hai bên, phong cho Tôn Ngộ
Không là Tề thiên đại thánh, đồng thời
dùng phép khôi phục lại nguyên trạng
Ngọc hoàng điện và động Sơn Quân.
3. Từ Tây du ký đến Tây du truyện
3.1. Về thể tài
Có thể thấy, khi tiến hành phỏng dịch,
Tây du truyện đã dùng một thể tài khác hoàn
toàn so với bản gốc. Tây du ký là tiểu thuyết
chương hồi cổ điển, còn Tây du truyện là
truyện Nôm viết theo thể lục bát truyền
thống của Việt Nam (tham khảo ảnh 1).
NGUYỄN HOÀNG YẾN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
16
Ảnh 1 Một trang nội dung của Tây du
truyện (Nguồn ảnh: Thư viện quốc gia
Việt Nam)
Tại sao tác giả Tây du truyện lại chọn
thể lục bát để diễn dịch Tây du ký? Theo
chúng tôi có ba lý do chính:
Thứ nhất, bản thân thể lục bát có các
yêu cầu về câu, đối, luật, vần khá đơn giản,
linh hoạt so với các thể thơ khác, vì thế các
tác giả dễ vận dụng, dễ sáng tác hơn. Có
học giả còn cho rằng, thể lục bát “là hình
thức (thể hiện) thuận tiện nhất” (Nguyễn
Đăng Na, 2007).
Thứ hai, thể lục bát rất phù hợp để kể
chuyện, trữ tình. Vì thế từ khi ra đời, văn đàn
Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều tác phẩm
truyện Nôm viết bằng thể loại này (Đinh &
Nam, 2000; Nguyễn Đăng Na, 2007).
Thứ ba là nguyên nhân xuất phát từ
độc giả. Độc giả Việt Nam từ khi truyện
Nôm xuất hiện cho đến tận cuối thế kỷ
XIX đều rất yêu thích thể loại lục bát này,
vì thế khi tác phẩm mới ra đời, tác giả sẽ
lựa chọn hình thức được độc giả yêu thích
và dễ gần với độc giả nhất.
Một số học giả như Nguyễn Nam
trong tác phẩm của mình cũng đã tổng kết,
trong lịch sử văn học Việt Nam thì truyện
Nôm lục bát được coi là hình thức dịch,
giới thiệu văn học nước ngoài tốt nhất, chủ
yếu nhất đối với độc giả, đặc biệt là các tác
phẩm văn học Trung Quốc (Nguyễn, 2002).
Vì thế có thể nói, tác giả Tây du truyện lựa
chọn truyện Nôm thể lục bát để diễn dịch
Tây du ký là lựa chọn đương nhiên, tốt nhất
và dễ được độc giả đón nhận nhất.
3.2. Về thủ pháp chuyển thể của Tây
du truyện
Căn cứ vào nội dung tóm tắt của Tây
du truyện ở trên, có thể nói, đây là một câu
chuyện hoàn toàn mới, khác hẳn so với bản
gốc, khiến cho độc giả như đi vào thế giới
Tây du quen thuộc, nhưng kết quả lại khác
hẳn. Có được hiệu ứng này là do Tây du
truyện có phương pháp dịch, cải biên lại
tác phẩm theo cách gia công, lắp đặt lại và
thay đổi chi tiết rất riêng và đặc biệt.
3.2.1. Về nội dung và tình tiết
Từ tóm tắt câu chuyện ở trên, chúng ta
có thể thấy rất rõ nội dung Tây du truyện
không giống bất kỳ phần nào trong Tây du
ký. Tây du truyện chỉ mượn hệ thống nhân
vật, mô típ câu chuyện và cách kể chuyện
thầy trò đi Tây trúc thỉnh kinh để dựng lên
một câu chuyện với tình tiết, nút thắt hoàn
toàn mới. Tác giả giống như đã viết thêm
một nạn nữa vào 81 nạn của thầy trò
Đường Tăng khiến cho độc giả vừa lạ lẫm,
vừa bất ngờ và chờ đợi.
Cách thức dịch/cải biên của tác giả Tây
du truyện, theo chúng tôi có thể tóm tắt
thành hai thủ pháp chính, đó là “gia công
lắp ghép lại” và “chọn chỗ (để) thay đổi”.
“Gia công lắp ghép lại” chỉ tác giả chủ
yếu sử dụng các nhân vật, tình tiết trong
Tây du ký, tuy nhiên thông qua sự sắp xếp
sáng tạo của tác giả đã tạo nên một câu
chuyện với nội dung độc lập, hoàn toàn
khác với bản gốc. Các nhân vật của Tây du
NGUYỄN HOÀNG YẾN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
17
truyện khá đơn giản, từ đầu đến cuối chỉ
bao gồm Đường Tăng, Tôn Ngộ Không,
Trư Bát Giới, Sa Tăng, Sơn quân, Ngọc
Hoàng đại đế, Phật tổ và hoàn toàn không
có nhân vật mới nào khác. Các nhân vật
này lại đều là những gương mặt “rất cũ”
trong Tây du ký. Còn về tình tiết, nếu tách
riêng các tình tiết của Tây du truyện, chúng
ta sẽ thấy chúng được lấy ra từ một câu
chuyện, một chương nào đó trong toàn bộ
tác phẩm Tây du ký. Ví dụ như các tình tiết
thầy trò Đường Tăng gặp nạn, Trư Bát Giới
vì háo sắc khiến cả đoàn liên lụy, Tôn Ngộ
Không biến thành mỹ nữ hoặc cụ già để trừ
yêu diệt quỷ, Tôn Ngộ Không đại náo thiên
cung, Phật tổ hàng phục Tôn Ngộ Không
đều là các tình tiết xuất hiện ở các chương
khác nhau của bản gốc, nhưng đã được tác
giả “mượn”, bóc tách và ghép lại thành một
phần của câu chuyện mới. Chính thủ pháp
“gia công lắp ghép lại” này khiến cho
chúng ta khi đọc Tây du truyện mới có cảm
giác quen vô cùng mà cũng lạ vô cùng.
“Chọn chỗ (để) thay đổi” nghĩa là tác
giả dựa trên cơ sở chi tiết, tình tiết gốc
mượn của Tây du ký mà tiến hành thay đổi
hoặc điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu
biểu đạt của mình. Điểm thay đổi dễ thấy
nhất chính là sự sắp xếp lại toàn bộ nội
dung biến Tây du truyện thành một câu
chuyện Tây du “bình cũ rượu mới”. Ngoài
ra, nếu đọc toàn bộ chúng ta dễ dàng phát
hiện ra những thay đổi có chủ đích của tác
giả. Ví dụ các chi tiết: đi Tây trúc thỉnh
kinh chỉ có ba thầy trò, không có Tôn Ngộ
Không; Sơn quân là con trai, cháu của
Ngọc Hoàng đại đế và Long vương; Sơn
quân có ba bảo bối là trượng trúc, nước
thiêng và quạt phép; đặc biệt chi tiết
Đường tăng bị Sơn quân phanh thây giết
thịt tàn nhẫn; Sơn quân tỉnh dậy sau mười
năm, tìm Tôn Ngộ Không trả thù; Tôn Ngộ
Không tức giận vì Ngọc hoàng dung túng
Sơn quân làm việc xấu nên đã đại náo
Thiên cung; Phật tổ lại là người phong
danh hiệu Tề thiên đại thánh cho Tôn Ngộ
Không, vv.
Tất cả những chi tiết thay đổi này cho
thấy sự sáng tạo, chủ động của tác giả Việt
Nam trong quá trình dịch, cải biên, tiếp thu
tác phẩm gốc và văn học Trung Quốc, từ
đó hấp dẫn độc giả đi vào một thế giới Tây
du mới, và càng đi thì càng thấy đẹp và thú
vị vô cùng.
3.2.2. Mô thức cốt truyện và cách kể chuyện
Tây du truyện đã mô phỏng kết cấu và
nghệ thuật kể chuyện của Tây du ký. Đầu
tiên, mô thức gặp nạn trong Tây du truyện
rất giống với bất cứ câu chuyện gặp nạn nào
trong Tây du ký, đó là gặp nạn - vượt qua -
tiếp tục gặp nạn - giải quyết (Lạc Vân, 2004;
Lan Lạp Thành, 2013). Cụ thể trong câu
chuyện của Việt Nam, diễn biến đi từ ba
thầy trò Đường Tăng bị yêu quái bắt giam -
Tôn Ngộ Không đến giải cứu - Sơn quân
mượn tinh binh đánh Tôn Ngộ Không - Tôn
Ngộ Không đánh bại Sơn quân. Các câu
chuyện sắp xếp liền mạch, các lớp tình tiết
rõ ràng, móc nối với nhau, hình thành một
câu chuyện hoàn chỉnh, hấp dẫn.
Ngoài ra, cách thức xử lý các tình
huống, tình tiết trong Tây du truyện cũng
“học tập”, mô phỏng thủ pháp móc nối,
báo hiệu của lam bản. Trong thực tế, Tây
du truyện gồm hai câu chuyện nhỏ, lần lượt
là ba thầy trò Đường Tăng gặp nạn, Tôn
Ngộ Không đến giải cứu và câu chuyện
mười năm sau Tôn Ngộ Không đại chiến
Sơn quân. Tình tiết hai câu chuyện có
quan hệ mật thiết, đan xen, nhân quả với
nhau, tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh,
hợp lý. Ví dụ, ở phần trên có chi tiết Tôn
Ngộ Không dùng rượu phép chuốc rượu cả
hang Sơn quân, mà loại rượu này có thể
làm người uống say mười năm không tỉnh.
Chi tiết này báo hiệu cho sự kiện tiếp theo
NGUYỄN HOÀNG YẾN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
18
có thể xảy ra, khi Sơn quân tỉnh dậy sau
mười năm. Hoặc như ở phần đầu nhắc đến
hai nhân vật Ngọc Hoàng và Long Vương
là cha, chú ruột của Sơn quân, giúp người
đọc có sự chuẩn bị tâm lý khi hai nhân vật
này xuất hiện nhiều hơn ở phần sau. Việc
sử dụng thủ pháp móc nối, báo hiệu này
khiến các tình tiết liền mạch, logic, đẩy
nhanh tiết tấu câu chuyện, gia tăng sự hấp
dẫn, làm người đọc càng đọc càng thấy
hứng thú và chờ đợi những bước phát triển
tiếp theo của câu chuyện.
Cần phải khẳng định một điều là, tuy
các thủ pháp trên có sự học tập từ lam bản,
nhưng mặt khác nó cũng kế thừa cách thức
kể chuyện phổ biến của truyện Nôm, đó là
kể chuyện tuyến tính. Điều đó có nghĩa là,
câu chuyện được kể theo trình tự thời gian
xảy ra, đây là cách kể quen thuộc, trực tiếp,
làm câu chuyện diễn ra tự nhiên, tình tiết
đan xen, liên tục, từ đó góp phần làm tăng
tính hấp dẫn của truyện. Có thể nói đây
cũng là một nhân tố khiến Tây du truyện
được độc giả Việt Nam yêu thích và đón
nhận khá nồng nhiệt như vậy.
4. Tiểu kết
Trong bài viết này, chúng tôi đã tiến
hành giới thiệu về tác phẩm truyện Nôm
Tây du truyện của Việt Nam cũng như các
thay đổi về nội dung, mô thức cốt truyện,
cách thức kể chuyện của tác giả trong quá
trình chuyển dịch/chuyển thể từ lam bản.
Các thủ pháp chuyển thể Tây du truyện đã
khiến nó trở thành một câu chuyện Tây du
phiên bản Việt Nam hoàn toàn khác so với
bản gốc về nội dung. Qua đó có thể thấy,
Tây du truyện là một trường hợp chuyển
thể tác phẩm vay mượn từ Trung Quốc đặc
biệt và điển hình, nó giúp chúng ta hiểu
hơn về các nguyên tắc, thủ pháp chuyển
thể truyện thơ Nôm nói chung, mặt khác
khẳng định tính chủ thể và sáng tạo của
người làm truyện, khiến câu chuyện trở
thành một tác phẩm độc lập có sinh mệnh
và sức hấp dẫn rất riêng trong kho tàng
truyện thơ Nôm Việt Nam.
* Bài báo là sản phẩm của đề tài Viết lại
kinh điển - nghiên cứu các tác phẩm dịch tiểu
thuyết Tây du ký viết bằng chứ Nôm và chữ
Hán tại Việt Nam, mã số T2018-04, ĐH Khoa
học Xã hội & Nhân văn TP.Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 西遊傳 Tây du truyện lưu trữ tại Thư viện
quốc gia Việt Nam, mã kho R.1942.
2. 西遊傳 Tây du truyện lưu trữ tại thư viện
Đại học Yale, Mỹ, mã số MS 1728.
3. Đinh Gia Khánh chủ biên. (2000). Tổng tập
văn học Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản
Khoa học xã hội.
4. Nguyễn Đăng Na. (2007). Con đường giải
mã văn học Trung Đại Việt Nam. Hà Nội:
Nhà xuất bản Giáo dục.
5. Nguyễn Nam. (2002). Phiên dịch học lịch
sử, văn hóa - trường hợp Truyền kỳ mạn lục.
Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học quốc gia.
6. Nguyễn Hoàng Yến. (2016). Appropriation
of Xiyouji in Vietnam: Phật Bà quan âm
truyện 佛婆觀音傳. Paper presented at the
AAS Annual Conference 2016, Seattle.
7. 樂云 (Lạc Vân). (2004). 論《西游記》的敘事結構.
武漢大學學報(人文科學版), 3(57), 283-288.
8. 蘭拉成 (Lan Lạp Thành). (2013). 《西游記》
取經故事文體與敘事結構分析. 寶雞文理學院
學報(社會科學版), 4(33), 31-47.
9. 陳光輝 (Trần Quang Huy). (1973). 越南喃
傳與中國小說關係之研究.博士, 國立台灣
大學, 台北.
10. Yan Bao. (1987). The Influence of
Chinese Fiction on Vietnamese Literature. In
S. Claudine (Ed.), Literary Migrations -
Traditional Chinese Fiction in Asia (17-20
Centuries) (pp. 286-312). Beijing:
International Culture Publishing Corporation.
Ngày nhận bài: 28/12/2018 Biên tập xong: 15/02/2019 Duyệt đăng: 20/02/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 67_8312_2214972.pdf