Tài liệu Bàn về thuật ngữ nhãn khoa Việt Nam: 91
BÀN VỀ THUẬT NGỮ NHÃN KHOA VIỆT NAM
Từ nhiều năm nay, ngôn ngữ Nhãn khoa dùng trong cả nước trong tình trạng bất
cập và không thuần nhất. Chính vì vậy, vấn đề thống nhất các thuật ngữ Nhãn khoa đã
được các giáo sư đầu ngành cũng như toàn thể các hội viên Nhãn khoa Việt Nam rất
quan tâm và mong muốn tìm ra các giải pháp để khắc phục.
Phó giáo sư Nguyễn Duy Tân, một trong những nhà chuyên môn đầy tâm huyết đã
có những bước đột phá đầu tiên trong lĩnh vực này.
Ban Biên tập Tạp chí nhãn khoa Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cùng toàn thể
Hội viên những bài viết “Bàn về thuật ngữ Nhãn khoa” của PGS. Nguyễn Duy Tân để
bạn đọc tham khảo và cùng trao đổi ý kiến.
Hy vọng rằng đây sẽ là nền móng đầu tiên để có thể đi đến việc thành lập một
“Hội đồng chuẩn hoá thống nhất thuật ngữ Nhãn khoa Việt Nam” sau này.
Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc cả nước để chúng ta sớm
có thể chuẩn hoá được hệ thống thuật ngữ Nhãn khoa Việt Nam mà vẫn giữ gìn đ...
13 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 11/07/2023 | Lượt xem: 312 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bàn về thuật ngữ nhãn khoa Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
91
BÀN VỀ THUẬT NGỮ NHÃN KHOA VIỆT NAM
Từ nhiều năm nay, ngôn ngữ Nhãn khoa dùng trong cả nước trong tình trạng bất
cập và không thuần nhất. Chính vì vậy, vấn đề thống nhất các thuật ngữ Nhãn khoa đã
được các giáo sư đầu ngành cũng như toàn thể các hội viên Nhãn khoa Việt Nam rất
quan tâm và mong muốn tìm ra các giải pháp để khắc phục.
Phó giáo sư Nguyễn Duy Tân, một trong những nhà chuyên môn đầy tâm huyết đã
có những bước đột phá đầu tiên trong lĩnh vực này.
Ban Biên tập Tạp chí nhãn khoa Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cùng toàn thể
Hội viên những bài viết “Bàn về thuật ngữ Nhãn khoa” của PGS. Nguyễn Duy Tân để
bạn đọc tham khảo và cùng trao đổi ý kiến.
Hy vọng rằng đây sẽ là nền móng đầu tiên để có thể đi đến việc thành lập một
“Hội đồng chuẩn hoá thống nhất thuật ngữ Nhãn khoa Việt Nam” sau này.
Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc cả nước để chúng ta sớm
có thể chuẩn hoá được hệ thống thuật ngữ Nhãn khoa Việt Nam mà vẫn giữ gìn được sự
trong sáng của tiếng Việt.
Xin trân trọng cảm ơn!
Ban Biên tập
BÀN VỀ THUẬT NGỮ NHÃN KHOA:
TỪ “THỂ THUỶ TINH” ĐẾN “PHA LÊ THỂ”
NGUYỄN DUY TÂN
Tiếng Việt của dân tộc ta, trải qua hàng ngàn năm rồi ngót trăm năm đất nước bị
ngoại bang đô hộ, vẫn luôn giữ được sức sống bền bỉ và phát triển vững vàng. Ngôn
ngữ Việt Nam ngày nay biểu thị một dân tộc trưởng thành (nước ngoài gọi là “nation”).
Chính nhân dân ta làm ra ngôn ngữ và sử dụng nó trong cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh ngôn ngữ dân gian đó, một dân tộc trưởng thành còn xây dựng cho mình một
4. Diễn đàn
92
ngôn ngữ văn hoá do nhân dân học thức tạo ra để sử dụng trong hoạt động chính trị, văn
nghệ, khoa học và giáo dục.
Thuật ngữ khoa học, và y học nói riêng, đã có những viên gạch đầu tiên từ trước
Cách mạng tháng Tám [15, 18, 19]. Trong kháng chiến chống Pháp, một nền đại học bằng
tiếng Việt đã hình thành, trong khi ở vùng tạm chiếm, dưới chế độ cũ ở miền Nam và cả
trong kiều bào ở nước ngoài, một số trí thức cũng đã bắt tay làm thuật ngữ tiếng Việt.
Đại học Việt Nam là niềm tự hào chính đáng (vì nhiều nước thuộc địa cũ như ta, từ lâu
đã độc lập mà cho đến nay vẫn chưa có một nền đại học hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ).
Từ quá khứ đó, chúng ta đang kế thừa một di sản quý giá của những người tiền
bối. Di sản ấy phải được giữ gìn, gạn lọc, tu bổ và tạo dựng thêm, đặng “bàn giao” cho
các thế hệ mai sau. Tôi nghĩ, đây là một trách nhiệm chúng ta phải tham gia gánh vác,
một nghĩa vụ đối với lịch sử của ngành ta, và hơn nữa, cũng là nghĩa vụ đối với Tổ
quốc.
Vậy thì anh chị em chúng ta cần phải quan tâm chăm sóc ngôn ngữ chuyên môn
của mình, sao cho nó được nhất quán, chỉnh tề và xác đáng. Có như vậy mới cung cấp
được cho những người làm từ điển, bây giờ và sau này, một chất liệu chân thực là Tiếng
(nói và viết) của đông đảo quần chúng nhãn khoa. (Chắc chắn rằng các nhà từ điển, biên
dịch hoặc giảng dạy và hướng dẫn khoa học cũng luôn tâm niệm “tự tu”, nghĩa là tu
dưỡng chuyên môn và ngôn ngữ của chính mình).
Như mọi sự, ngôn ngữ không ngừng vận động. Hoặc là vận động theo hướng tích
cực, tiến hoá, hoặc có thể thụt lùi, suy thoái. Rõ ràng chúng ta chỉ muốn đi lên và nhất
định phải đi cho tới.
MẤY NHẬN XÉT CHUNG
Trước mắt, trong “tiếng” nhãn khoa, chúng tôi thấy có vài điều “bất cập”, đáng
phải suy nghĩ và xem xét nghiêm túc.
Một là, ngôn ngữ nhãn khoa ta đang dùng trong cả nước là một thứ tiếng không
thuần nhất. Đây đó đang có chiều hướng trở thành “phương ngữ” (tiếng địa phương).
Nếu như đó là lẽ đương nhiên trong ngôn ngữ dân gian (ở mọi nước) thì cái đó, trong
ngôn ngữ khoa học, lại là điều rất không nên và không có lý do tồn tại. Tiếng nhãn khoa
phải được nhất thống lại (nghĩa là “thống nhất về một mối”). Cái “mối” ấy chính là sự
nhận thức đúng đắn của toàn thể đội ngũ chúng ta, của cộng đồng nhãn khoa rộng lớn.
Hai là, trong sinh hoạt nhãn khoa, ta đang dùng một ngôn ngữ nhiều khi không hài
hoà với thuật ngữ của các bộ môn khác, đặc biệt là các khoa học cơ sở của y học: khi thì
dùng một từ (nào đó) không đúng nghĩa mà người ta đã xác định; khi lại đặt một từ cho
một hiện tượng mà thực chất không có nội dung ngữ nghĩa của từ đó, thậm chí có khi
93
còn tạo ra một từ “mới” sai nghĩa của từ vốn có sẵn. Đây là vấn đề kiến thức của từng
người, nên cũng không quan trọng lắm, miễn là đừng trở thành “thông lệ” của riêng ta.
Về hai điều nói trên, thiết tưởng chúng ta cần tôn trọng thuật ngữ của các bộ môn
cơ sở, tuân thủ ngữ nghĩa của họ về cơ bản. Ngược lại, chúng ta cũng cần yêu cầu các
môn khoa khác chấp thuận và áp dụng những gì là đặc thù của nhãn khoa,tức là những
thuật ngữ đã được nhất trí chọn lựa trong khoa Mắt sau khi thảo luận rộng rãi và bàn
bạc kỹ lưỡng.
Ở đây nổi lên vấn đề danh từ giải phẫu của mắt và lộ ra nhiều chỗ “bất đồng”
giữa ta và bộ môn Giải phẫu học, cũng như trong nội bộ nhãn khoa. Vì vậy chúng tôi
cho rằng việc làm trước hết là xem lại chi tiết các từ giải phẫu của chúng ta (tuy không
bỏ qua việc chấn chỉnh, bổ sung từ vựng nhãn khoa về bệnh học lâm sàng, máy móc
khám nghiệm, kỹ thuật điều trị, là những việc còn phải tiến hành từng bước trong một
thời gian dài).
Bởi vậy mục đích của chúng tôi trong thuyết trình này là mở ra cuộc thảo luận về
những từ giải phẫu còn chưa ổn định, bắt đầu với “thể thuỷ tinh” và “pha lê thể”. Về
sau sẽ lần lượt xét đến các nhóm từ khác như: “mi, mí và thể mi”, “màng bồ đào, màng
mạch nho, hắc mạc, mạch mạc” Trước khi “giải trình” cụ thể về 2 danh từ trên, chúng
tôi thấy cần nói đến vài điểm liên quan với cách Việt hoá thuật ngữ y học và nhãn khoa.
VÀI Ý NGHĨ RIÊNG
Trong việc xây dựng một hệ thống thuật ngữ tiếng Việt, thường người ta phải dựa
trên những quy tắc được lập ra với một quan điểm tổng thể có phương châm và đường
lối nhất định. Chính cái quan niệm cơ bản này chưa hẳn được nhất trí nên còn tuỳ thuộc
cách nhìn, cách nghĩ của từng người. Ở đây chúng tôi không có ý đi vào chi tiết vấn đề
then chốt này, chỉ xin gợi lên vài điều để chúng ta cùng suy nghĩ, có thể làm điểm tựa
cho thảo luận về sau.
Cú pháp xuôi hay ngược?
Anh chị em ta có lúc hỏi: nói “thể thuỷ tinh” hay “thuỷ tinh thể” mới đúng? Và,
phải nói “thể mi” hay là “mi thể”?
Cách nói thứ nhất gọi là “cú pháp xuôi” của tiếng Việt: danh từ đứng đầu, (các)
định ngữ tiếp sau. Còn “cú pháp ngược”, đặt tất cả định ngữ lên trước danh từ ở cuối, là
quy tắc của Hán ngữ. Xu hướng tự nhiên và tất yếu của chúng ta là dùng cú pháp xuôi
“mẹ đẻ” để thiết lập thuật ngữ Việt trong khoa học; đặc biệt là trong y sinh học, các hệ
thống những “thể”, “màng”, “lá”, “tuyến”, “thuỳ”.. đã có sẵn để cho ta đặt mình vào
trong đó (thể thuỷ tinh, thể mi).
94
Tuy nhiên cú pháp ngược vẫn tồn tại trong tiếng Việt với những từ gốc Hán, tuy
đã Việt hoá lâu đời nhưng đã trót định hình với cách ngược, và giờ đây “xoay” lại
không tiện và “khó nghe”, ngay cả với tai người Việt (như: bệnh viện, đại học, quân y,
bộ trưởng và tử cung, phế quản, trực tràng, phúc mạc, võng mạc, nhãn cầu). Phải
coi đó là những từ gốc, đã được thu nhận vào tiếng Việt trong nguyên thể, nhưng tuyệt
nhiên không thể lấy đó làm quy tắc cơ bản để tạo thuật ngữ tiếng Việt. Vậy khi đặt ra
một từ mới (hoặc chuyển đổi được một từ cũ) thì phải ưu tiên chọn cú pháp xuôi Việt
ngữ (thí dụ: khe bướm, màng nhĩ, mô liên kết, thể nhiễm sắc)
“Nói chữ” hay “nôm na”?
Theo chúng tôi, đó là hai thái cực đều nên tránh, và cần phải tránh.
Trước kia, trong “thuở ban đầu”, các nhà làm thuật ngữ còn lưu luyến nhiều với từ
ngữ Hán – Việt nên ngại dùng tiếng “nôm” thuần Việt, một mực truy tìm những từ gốc
Hán để diễn đạt một nội dung khoa học. Kết quả là xây dựng được cái nòng cốt của hệ
thống thuật ngữ, nhưng đồng thời cũng có đặt ra một số từ khó hiểu cho các thế hệ
“thiếu nho” sau này (thí dụ, một loạt “chi sinh, chi hấp, chi phì” [15] trong khi vẫn có
một từ thuần Việt là “mỡ”).
Ngược lại, có người chỉ muốn nôm na, kiên quyết không “nói chữ”, thậm chí còn
tìm đến tiếng dân dã. Hệ quả là có khi làm sai lạc ý nghĩa, bệnh lý, như “chắp” và “lẹo”:
theo các từ điển tiếng Việt, hai từ này trong nhân dân là đồng nghĩa, trong khi về bệnh
học nhãn khoa, đó là 2 chủ thể bệnh lý hoàn toàn khác biệt.
Chúng tôi cho rằng cần phải chọn con đường đi giữa hai phương châm cực đoan
ấy, tức là khai thác đúng mức vốn từ gốc Hán, đồng thời sử dụng tự vựng thuần Việt
một cách thích đáng, nhất là mạnh dạn kết hợp hai nguồn từ này để tạo lập thuật ngữ
(như: nấm học, mô đệm, hạch gối). Trên thực tế, đường lối đó ngày nay đã được thể
hiện rõ ràng trong ngôn ngữ khoa học Việt Nam.
Thế nhưng, có hai điều cần chú ý:
Một là, có số ít từ gốc Hán, trong quá trình Việt hoá tuy giữ nguyên phát âm Hán
– Việt nhưng đã biến đổi nghĩa, khác hẳn với các từ gốc (sau đây sẽ lấy một thí dụ cụ
thể). Vậy khi làm thuật ngữ, phải chú trọng dùng nghĩa đích thực trong tiếng Việt mới
tránh khỏi sai lầm ngữ nghĩa.
Hai là, sử dụng từ vựng thuần Việt không có nghĩa là nhất thiết phải dùng ngôn
ngữ dân gian. Đúng là có nhiều tiếng dân gian (có thể nói là “cổ truyền”) đã được dùng
đặt tên chính thức cho một số bệnh phổ biến (như: sởi, cúm, lao, lậu, đậu mùa, mắt hột,
mộng); đó là di sản của quá khứ. Những từ này, tuy không có nghĩa bệnh học chính
xác nhưng vẫn được dùng như những “ký hiệu” quy ước. Thuật ngữ y học các nước
95
cũng có nhiều trường hợp như vậy. Trong tình huống không có từ tương ứng thì tốt nhất
là phiên âm (rubella/rubéole = rubêon; zoster/zona = zôna; glaucoma/glaucome =
glôcôm), cũng để dùng như một từ ước lệ. Ngoại trừ các từ cổ truyền đó, ngôn ngữ dân
gian nói chung (kể cả phương ngữ, khẩu ngữ) thường không đủ nội dung khoa học và ít
có khả năng diễn đạt bệnh lý, nên khó thích đáng cho thuật ngữ chuyên môn.
Tựu chung, chúng tôi tin rằng việc làm thuật ngữ không phải đơn thuần là dịch
(dù là ngoại ngữ, Hán – Việt hay dân gian) mà chính là tạo từ, dựa trên cơ sở nhận thức
sâu rộng và sáng tỏ.
“THỂ THUỶ TINH” VÀ “PHA LÊ THỂ”
Trong mắt có hai bộ phận giải phẫu quan trọng, hai “môi trường trong suốt” mà
chúng ta nói đến “tên” trong thực hành cũng như trong giảng dạy, học tập và sinh hoạt
khoa học. Thế nhưng, từ lâu trong các sách giáo khoa về Giải phẫu học và Nhãn khoa,
cũng như các loại từ điển thuật ngữ y học và khoa học, hai “tên” này không được gọi
một cách thống nhất trong cả nước. Điều này không chỉ biểu hiện trong mọi hoạt động
chuyên môn của chúng ta mà còn ảnh hưởng tới thông tin phổ cập trong đại chúng (báo
chí, phát thanh, truyền hình).
Chúng tôi đã tham khảo 26 tài liệu (gồm sách nhãn khoa, giải phẫu, từ điển y học
và khoa học, được liệt kê ở cuối bài), đồng thời đối chiếu ngữ nghĩa ở nhiều từ điển
tiếng Việt và ngoại ngữ, kể cả từ điển song ngữ Anh, Pháp, Hán – Việt (sẽ dẫn khi cần).
Qua đó có thể xếp ra trong bảng dưới đây, từng đôi danh từ đã và đang được dùng để
chỉ 2 bộ phận giải phẫu này của mắt, mang số trích dẫn tương ứng với số ở “Tài liệu
tham khảo”.
BẢNG ĐỐI CHIẾU
Số trích dẫn tài
liệu
Danh pháp gốc Latinh
Lens crystallina Corpus vitreum/humor vitreus
1 Nhân mắt Thuỷ tinh dịch
2 Thuỷ tinh thể Thuỷ tinh dịch
3 Thể thuỷ tinh Dịch kính
Thuỷ tinh dịch (tr.164)
4 Thuỷ tinh thể Pha lê thể
5 Thể thuỷ tinh Dịch kính
6 Thể thuỷ tinh, nhân mắt Dịch kính
7, 8, 10, 11 Thấu kính Thể thuỷ tinh
9 Tinh cầu Thể thuỷ tinh
12, 13, 17 Thuỷ tinh thể Pha lê dịch
14 Thấu kính (hay) Thể/dịch kính (hay)
Thuỷ tinh thể Thể/dịch thuỷ tinh
96
15 Tinh cầu Tinh thuỷ
16 Thể thuỷ tinh * Corps vitré: Thể kính
* Humeur vitrée: Dịch kính
* Vitré (corps): Thể thuỷ tinh
* Vitré (humeur): Dịch thuỷ
tinh
21 Thể thuỷ tinh, nhân mắt Thể thuỷ tinh, thể kính
22 Nhân mắt; thuỷ tinh thể (hình
tr.205)
Thuỷ tinh dịch
26 (chữ Hán) (âm:) Tinh trạng thể*
[Jing zhuàng ti]
(âm:) Pha lê thể
[Bo li ti]
(*) Từ này được ghi là đồng nghĩa với từ dịch âm “thuỷ tinh thể” trong Từ điển
Hán – Việt hiện đại (Nguyễn Kim Thản chủ biên) Nxb Thế giới, Hà Nội 1996.
Xem qua bảng này, một điều “nhảy vào mắt” là tình trạng quá lộn xộn trong các
danh từ, chủ yếu do sự trộn lẫn của 3 từ mô tả là: thuỷ tinh, kính và pha lê. Đối với các
đồng nghiệp không chuyên khoa Mắt và Giải phẫu, nó có thể gây ra sự hiểu lầm nghiêm
trọng (như sẽ thấy một thí dụ sau đây). Còn trong từng môn khoa (Giải phẫu và Mắt)
cũng không hề nhất trí, nói chi đến sự tương đồng giữa chúng ta và các bạn giải phẫu
học. Thật sự đây là một “đám rối” (plexus) mà ta phải cùng nhau gỡ ra, trước hết là
trong nhãn khoa chúng ta.
Vậy nên xem xét từng bước: (1) Nghĩa của 3 từ này trong tiếng Việt; (2) Đối
chiếu với từ ngoại ngữ tương ứng trong 3 thứ tiếng phổ biến Anh, Pháp, Hoa; và (3)
Ứng vào 2 thuật ngữ đang xét.
(1) Nghĩa trong tiếng Việt
Thuỷ tinh và kính là vật liệu cùng một bản chất, chỉ khác tên gọi khi khác hình
dạng và công dụng:
Thuỷ tinh rất thường dùng để làm đủ thứ đồ vật đa dạng (như chai lọ, cốc
tách, bình hoa, vật đựng kể cả các dụng cụ phòng labô).
Kính luôn có hình tấm, hoặc phiến (nhỏ và dẹt phẳng), dùng để lắp đặt vào
một khung nhất định (như cửa kính, tủ kính, nhà kính kể cả kính đeo mắt,
phiến kính xét nghiệm và dụng cụ quang học = thấu kính). Vả lại Từ điển
Tiếng Việt 2000* cũng nói: “Thuỷ tinh là một chất () dùng làm kính, chai
lọ v.v” và “kính là thuỷ tinh hình tấm”
[* Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), Nxb Trung tâm Từ điển học,
Hà Nội].
Như vậy, thủy tinh và kính là một, về thực chất, đồng thời là 2 danh từ có nghĩa
tương đương. Khi ta đưa 2 từ mô tả và tương tự này vào thuật ngữ y học, lại đem đặt tên
97
cho hai bộ phận giải phẫu riêng biệt, 2 chủ thể ngữ nghĩa khác hẳn nhau, thì đã tạo ra
khả năng nhầm lẫn. Lấy một thí dụ cụ thể: trong một bài phổ cập về tác dụng của
Vitamin E (tạp chí Thuốc và Sức khỏe 15.2.2001, số 182, tr.28), tác giả bác sĩ (có lẽ
không chuyên khoa) đã viết: “Bệnh đục thể thuỷ tinh là quá trình đục dần đi của thành
phần protein trong dịch kính”, và tiếp sau: “ vai trò chủ yếu là các thương tổn do gốc
tự do gây nên, đã làm đục dần protein của dịch kính” (chúng tôi viết nghiêng). Rõ ràng
có sự “ngộ nhận” rằng thể thuỷ tinh và dịch kính chỉ là một. Và đó là lỗi của chúng ta,
như vừa thấy ở trên.
Còn pha lê là một chất rất khác (kỹ nghệ chế tạo cũng khác), một vật liệu có
chất lượng cao và đặc sắc: rất sáng bóng, trong veo, gõ vào nghe tiếng thật
thanh, chuyên dùng để làm hàng mỹ nghệ trang trí (tượng nhỏ, độc bình, đèn
trần) hoặc đồ dùng sang trọng (bộ ly rượu, lọ nước hoa). Tóm lại, pha
lê không thể đồng hoá được với kính hay thuỷ tinh thông thường (trong
tiếng Pháp người ta nói: một dòng nước trong vắt, một giọng hát thanh cao
“như pha lê”, chứ không hề ví như thuỷ tinh), vậy pha lê không đồng nghĩa
với thuỷ tinh và kính.
(2) Đối chiếu ngoại ngữ:
Tiếng Pháp (P): verre (thuỷ tinh), vitre (kính), cristal (pha lê).
verre và vitre có định nghĩa tương tự như trong tiếng Việt và đều xuất thân
từ một gốc Latinh (L) = vitrum [từ gốc này sẽ có “corps vitré” hay “humeur
vitrée”].
cristal có gốc (L) = crystallus (cũng từ gốc Hy Lạp: Krystallos) và có 2
nghĩa: 1. pha lê và 2. tinh thể: chất khoáng được kết tinh trong những dạng
hình học xác định [từ gốc cristal sinh ra thuật ngữ cristallin bao hàm cả 2
nghĩa].
Tiếng Anh (A): glass (thuỷ tinh), pane of glass (tấm kính), crystal (pha lê; tinh
thể) như (P).
Tiếng Hoa (H): bo li (thuỷ tinh, kính), shui jing (pha lê) [viết theo phiên âm TQ
chính thức dùng trên quốc tế].
bo li: đọc (âm Hán Việt) là “pha lê”, nhưng có nghĩa là: thuỷ tinh, kính, ni
lông trong.
shui jing: đọc (âm Hán Việt) ra “thuỷ tinh”, nhưng lại có nghĩa là pha lê.
Ở đây, điều cần chú ý là: từng đôi chữ Hán và chữ Việt, tuy phát âm tương ứng
(bo li – pha lê, shui jing – thuỷ tinh), nhưng chéo nghĩa với nhau, tức là bo li không
phải là pha lê và shui jing cũng không phải thuỷ tinh. Do đó khi ứng vào thuật ngữ, nếu
98
chỉ dịch chữ (theo âm Hán Việt) mà không dịch nghĩa, thì sẽ rơi vào phản nghĩa. Điều
này đã xảy ra, như sẽ thấy dưới đây.
(3) Ứng vào thuật ngữ:
Hai bộ phận giải phẫu đang xét đều có tên trong danh pháp tiếng Latinh (L) là lens
crystallina và corpus vitreum/humor vitreus (như đã ghi ở bảng trên).
Lens crystallina:
Thuật ngữ này trong tiếng Pháp và Anh đều xuất phát từ gốc (L) đó.
(P): cristallin (từ gốc cristal: pha lê, tinh thể, như nói trên). Các ngôn ngữ hệ
Latinh đều tạo thuật ngữ từ gốc này: cristalino (Tây Ban Nha), cristallino (Ý), và ngay
cả tiếng Nga cũng dùng (khrustalik).
(A): crystalline lens [23, 24], trong thực tế đã bị rút ngắn thành “lens”, theo kiểu
Đức (linse).
* lens (L) có nghĩa gốc là lentil (A), lentille (P) = một loài cây đậu, trồng để lấy
(ăn) hột đậu, hình tròn và dẹt (“đậu lăng”, theo Từ điển Pháp-Việt, Lê Khả Kế, Nxb Xã
hội, Hà Nội 1997). Bắt nguồn từ đó có thêm một nghĩa phái sinh = thấu kính, làm công
cụ quang học nhân tạo. Nhiều nhà giải phẫu học Việt Nam đã chiếu theo cái nghĩa phái
sinh này một cách phiến diện để gọi một cấu trúc sinh học – lens crystallina [7, 8, 10, 11, 14].
Hơn nữa, dùng chữ “lens” đơn độc có khi đưa tới một sự hiểu sai “kinh khủng” như
trong Từ điển Anh-Việt Oxford Modern English Dictionary: lens (nghĩa 3: “transparent
substance behind the iris of the eye” = “kính hiển vi” (!) [Nguyễn Sanh Phúc biên dịch,
Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 2000].
(H): shui jing ti, đọc (âm Hán Việt): “thuỷ tinh thể”, có nghĩa: thể pha lê. Còn có
một từ mới hơn và đồng nghĩa: jing zhuàng ti: tinh trạng thể (xem cuối bảng trên).
Như vậy, trên quốc tế các thuật ngữ đều hàm ý “pha lê”. Chỉ có ta mới ví như
một thứ thuỷ tinh tầm thường.
Corpus vitreum/Humor vitreus
Từ gốc (L) vitrum (= kính, thuỷ tinh) có tính từ như trên mà tiếng Anh và Pháp
đều dùng:
(A): vitreous body/humor, (P): corps/humeur vitré(e). Để tiện trung hoà hai dạng,
người ta đã biến tính từ thành danh từ (có quán từ đứng trước): (A) the vitreous, (P) le
vitré.
(H): bo li ti, đọc (âm Hán Việt): “pha lê thể”, có nghĩa: thể thuỷ tinh/kính.
Cũng như vậy, thuật ngữ các nước đều coi như “kính” hay “thuỷ tinh”, trong
khi ở nước ta có người lại nói chuyện “pha lê”.
99
Chung quy, khi người Trung Hoa dùng tiếng của họ để làm thuật ngữ thì xác đáng
và phù hợp với quốc tế. Nhưng ta lấy mà dùng thiếu cẩn trọng lại thành ra sai. Cho nên
với ta, kính thường mà hoá pha lê, pha lê xuống cấp trở về thuỷ tinh.
LÀM THẾ NÀO GỠ RỐI?
Qua khảo sát và phân tích ở trên, bây giờ có thể nhận diện hai kẻ “gây rối’ là “pha
lê” và “thuỷ tinh”. Vì thế cần dứt khoát loại trừ 2 từ này, và đặc biệt chữ “thuỷ”, lâu
nay cứ lảng vảng trong ba cái môi trường trong suốt, hãy để nó đứng yên trong tiền
phòng (thuỷ dịch). Như vậy chỉ còn giữ lại chữ kính, không thể lẫn lộn với “ai” nữa (và
cũng là một từ được dùng nhiều trong thuật ngữ y học chung, với cùng một nghĩa).
Sau khi làm phẫu thuật cắt bỏ, tất phải tạo hình. Chúng tôi xin kiến nghị với toàn
thể anh chị em nhãn khoa như sau:
Đối với Corpus vitreum/humor vitreus:
Chỉ dùng một từ duy nhất: thể kính
o Chữ thể đứng trước, có 2 tác dụng:
1) Thể là một từ “trung lập”, có nghĩa: “trạng thái tồn tại của vật chất, như: thể
rắn, thể lỏng, thể khí” (theo Từ điển Tiếng Việt 2000 (sđd) và Đại từ điển
Tiếng Việt (Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam (Nguyễn Như Ý chủ
biên), Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội 1998). Vậy thì một chất trong trạng
thái nửa lỏng và cô đặc cũng là một “thể”, và không cần dùng đến chữ
“dịch” (cũng đủ tương ứng với (A): vitreous body, humor và cả gel nữa).
2) Thể còn nằm trong một hệ thống các “thể” của sinh y học (như thể chai, thể
gối, thể hạnh nhân) và trong nhãn cầu, thể kính sẽ có mặt bên cạnh thể mi
(và một thể nữa).
o Chữ kính không chỉ tương đương với vitrum (L) mà còn thích đáng với một
từ đồng nghĩa (gốc Hy Lạp) hyalos = kính, thuỷ tinh. Từ gốc này có nhiều từ
liên quan đến thể kính:
(A) hyaloid (membrane); (P): (la) hyaloide = bao thể kính [tránh dùng chữ
“màng” để dùng cho những màng dạng kính khác, trong và ngoài mắt, như: (A) Bruch’s
vitreous membrane = màng kính Bruch (tức lá đáy của hắc mạc (lamina basalis
choroideae), còn gọi là (A) vitreal/vitreous lamina; (P) lame vitrée = lá kính), và hyalin
membrane = màng (dạng) kính, ở thành nang lông tóc.]
Còn có: (A) hyalitis = viêm bao thể kính, hyaloid artery = động mạch thể kính;
(Cloquet’s) hyaloid canal = ống thể kính (Cloquet); hyalocyte = thể kính bào (tức tế bào
(của) thể kính).
100
Tóm lại, thể và kính là hai thành tố không thể tách rời của từ kép: thể kính (the
vitreous, le vitré), và khi một mình chữ “kính” kết hợp với một chữ khác (như “màng’,
“lá”) thì không liên quan với thể kính.
Đối với Lens crystallina:
Cần tạo ra một từ mới, nhưng gần gũi với từ cũ, được thay thế bằng: thể tinh.
Dùng thể tinh sẽ có được nhiều điểm tốt về hình thái và nhất là về nội dung:
o Hình thái: Không quá khác xa “thể (thuỷ) tinh” mà chỉ rút ngắn từ này, cho
phép nói gọn, viết nhanh, ngay cả khi viết tắt cũng bớt được 1 chữ T (viết TT
không “chậm” gì hơn cái ký hiệu “T3” kỳ quặc và “không giống ai”, đã có lần
hiện lên mặt báo, có lẽ vì phóng viên đã ngộ nhận nó là “thường quy kỹ thuật”).
o Nội dung: Từ bỏ chữ “thuỷ”, thể tinh sẽ phát huy được ngữ nghĩa một cách
đầy đủ. (Xin lưu ý, Danh từ Y học đầu tiên [15] cũng đã nêu lên chữ “tinh”)
- Chữ thể ở đầu cũng giữ vai trò như với thể kính đã nói ở trên, và kết hợp
với chữ tinh hợp thành một từ kép bất khả phân ly. Thể tinh sẽ gia nhập
“cộng đồng” các thể khác trong nhãn cầu và trong cơ thể.
- Chữ tinh, đứng một mình (không còn vướng víu với “thuỷ”) sẽ trở nên
rất sâu sắc (“em xinh em đứng một mình càng xinh”).
Một mình chữ tinh sẽ giữ nguyên nghĩa gốc, nói lên thể tinh là một bản thể được
đúc kết thành tinh chất, trong sáng và hoàn hảo: các protein đặc hiệu (mang tên sinh hoá
“crystallin”) mang cho thể tinh một bản chất đặc thù, tinh khiết và tinh tuý. Từ mầm
phôi cho đến biệt hoá, quá trình “kéo sợi” của tế bào biểu mô thể tinh đã kiến tạo một
cấu trúc hình học hết sức tinh vi và tinh tế, đồng thời lại có một chức năng điều tiết rất
nhạy cảm, tinh nhanh. Về mọi mặt, thể tinh xứng đáng được coi là một bộ phận giải
phẫu cực kỳ tinh xảo của mắt.
Những từ có liên quan
Liên quan với thể tinh, có một số từ cần đề nghị:
(A):
crystalloid = bao thể tinh.
capsular bag = túi bao (thể tinh).
“sulcus” = góc thể mi.
intra-ocular lens = kính nội nhãn (cũng chỉ 3 âm tiết như “ai âu eo” –
IOL).
phaco-emulsification = (phẫu thuật) tán thể tinh.
(Zinn’s) zonule = dây treo thể tinh, dây Zinn.
[Thực ra đây là nói tắt zonula ciliaris (L), từ chỉ cả vùng chứa các sợi dây
treo từ thể mi, vòng quanh xích đạo thể tinh. Vậy toàn nghĩa của từ này
101
(zonula ciliaris có trong Danh pháp giải phẫu quốc tế (Nomina Anatomica)
nhưng ít dùng tới trong thực hành) khi cần, chỉ nên dịch đơn giản = vành
dây treo (thể tinh) hơn là cố gắng bám gốc từ Latinh như các nhà giải phẫu
đã dịch: “đai mi”, “sợi vòng mõm mi”, “dây chằng vùng mi”, “tiểu đới”
(chẳng những không chính xác mà còn rất “lạ tai”) [14, 10, 8, 17].]
Về bệnh lý, cụm từ “đục thể thuỷ tinh” chính là định nghĩa (chưa đầy đủ) của
bệnh này chứ không phải là tên bệnh. Giả sử phải nêu ra định nghĩa của bệnh là gì, thì
bắt buộc ta phải nói: “Bệnh đục thể thuỷ tinh là thể thuỷ tinh (bị) đục”. Còn “cườm”
là một từ dân gian được đưa vào bệnh mắt, sau này ở phía Nam, với nhiều dạng tuỳ tiện
(như “cườm hột”, “cườm khô”, “cườm nước”) để gọi những bệnh khác nhau, thiếu
chính xác và không đủ sức biểu đạt nội dung. Vậy chỉ có thể dùng nó để “nói chuyện”
với bệnh nhân, nhưng không được ghi vào văn bản khoa học (bệnh án, bài viết, phổ biến
báo chí).
Trên quốc tế, từ gốc (L) cổ điển cataracta (= thác nước) tuy không có nghĩa sát
với nội dung bệnh lý nhưng đã định hình từ xa xưa và có tính lịch sử, nên cho đến nay
vẫn được dùng đồng loạt ở các nước như một thứ ký hiệu quy ước: (A) cataract, (P)
cataracte, (Tbn) cataracta, (Ý) cataratta, (Đức) kataract Vậy ta nên “hội nhập” bằng
phiên âm = catarăc (cũng như đã làm được với bệnh glôcôm – glaucoma). Và định
nghĩa catarăc là: bệnh do nhiều nguyên nhân, gây đục thể tinh một phần hay toàn bộ,
làm giảm dần thị lực đưa tới mù loà (chữa được).
Một câu hỏi và một trở ngại
Câu hỏi là: liệu “thể tinh” có trùng lập với “tinh thể” không? Có thể khẳng định
rằng không. Bởi vì tinh thể là một từ đã được định hình theo cú pháp ngược với một
định nghĩa rõ ràng, cố hữu và phổ biến lâu nay trong thuật ngữ khoa học (td. tinh thể
muối, tinh thể thạch anh). Còn thể tinh là một từ chưa xuất hiện trong Việt ngữ và
chưa hề được dùng với tư cách đồng nghĩa với tinh thể. Vậy thể tinh là từ hoàn toàn mới
được đặt ra để thay thế cho “thể thuỷ tinh” đã tỏ ra bất cập.
Còn trở ngại là gì? Đó là thói quen, một trở ngại rất khó khắc phục nếu thiếu nhận
thức và quyết tâm. Sẽ có những người dựa vào tính “thông dụng”, sự “quen dùng” để từ
chối việc cải tạo ngôn ngữ chuyên môn theo hướng hoàn thiện, tức là không muốn chấp
nhận tiến hoá của thuật ngữ. Theo chúng tôi, một thói quen, nhất là khi đã ăn sâu, thật
khó lòng từ bỏ được, và chỉ có thể đoạn tuyệt với nó bằng một thói quen khác. Nếu
chúng ta tự tạo cho mình thói quen: khi nói (trong mọi tình huống), “nuốt” bớt âm tiết
“thuỷ” và viết (trong mọi ngữ cảnh): “thể (thuỷ) tinh” luôn đặt chữ “thuỷ” trong ngoặc
đơn, báo hiệu sự “ra đi” sắp tới của nó, thì không bao lâu nữa từ “thể thuỷ tinh hay thuỷ
102
tinh thể” sẽ mất dạng và được thay thế bằng thể tinh (ngay cả trong từ điển). Cũng như
vậy với thể kính, hãy tạo thói quen luôn bắt đầu bằng chữ “thể”, tự nhiên chữ “kính” sẽ
theo sau.
Và khi đó, các bạn giải phẫu học sẽ vui lòng thừa nhận các thuật ngữ đặc thù của
nhãn khoa.
Cuối cùng, chúng tôi thành thật xin lỗi bạn đọc vì bài này khá dài, do yêu cầu giải
thích cặn kẽ về một vấn đề ngôn ngữ không đơn giản. Tựu trung, chúng tôi đề xuất thể
tinh, thể kính làm giải pháp khắc phục một tình trạng rối ren trong danh từ giải phẫu của
Mắt, thực không thể tồn tại lâu hơn nữa.
Kỳ sau:
Mi, mí và thể mi
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Nhãn khoa:
1. Nhãn khoa toát yếu (Nguyễn Xuân Nguyên), Nxb Y học, Hà Nội 1959.
2. Nhãn khoa, 2 tập (Viện Mắt), Nxb Y học-Thể dục Thể thao, Hà Nội 1970.
3. Giải phẫu Mắt và Sinh lý thị giác (Nguyễn Xuân Nguyên và cs.), Nxb Y
học, Hà Nội 1974; Phan Dẫn tái bản 1996.
4. Danh từ Nhãn khoa (Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Quốc Thảo), trong Tập san
Nhãn khoa số 3, 4, 5, Sài Gòn 1972-73-74.
5. Từ điển Nhãn khoa Anh-Việt (Tôn Thị Kim Thanh và cs.), Nxb Y học, Hà
Nội 1997.
6. Từ điển Nhãn khoa Pháp-Việt (Tôn Thị Kim Thanh và cs.), Nxb Y học, Hà
Nội 1999.
Giải phẫu học:
7. Giải phẫu Người (Trịnh Văn Minh và cs.), Nxb Y học, Hà Nội 1998.
8. Bài giảng Giải phẫu học (Nguyễn Quang Quyền). Trường Đại học Y Dược
TP.HCM tái bản, Nxb Y học 1999.
9. Giải phẫu Người (Nguyễn Văn Yên). Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 2002.
10. Atlas Giải phẫu Người (Nguyễn Quang Quyền dịch Netter FH., Colacino
S.), Nxb Y học, Hà Nội 1999.
11. Atlas Giải phẫu Người (Ngô Trí Hùng, Lê Văn Cường và cs. dịch Olson
TR.), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 1999.
12. Atlas Giải phẫu Người (Khương Tấn Phát dịch Trevor Weston), Nxb
TP.HCM 2002.
103
13. Atlas Giải phẫu Người (Vũ Đức Mối dịch Mc Minn), Học viện Quân y, Nxb
TP.HCM 2001.
14. Từ điển Danh từ Giải phẫu Quốc tế Việt hoá (Trịnh Văn Minh), Nxb Y học,
Hà Nội 1999
Từ điển y học, khoa học:
15. Danh từ Y học (Phạm Khắc Quảng, Lê Khắc Thiền, Hà Nội 1945) Nxb
Minh Tân, Paris 1950.
16. Từ điển Y Dược Pháp-Việt (Bộ Y tế, Hoàng Đình Cầu chủ biên), Nxb Y
học, Hà Nội 1976.
17. Từ điển Y học Anh-Việt (Phạm Ngọc Trí), Nxb Y học, Tp.HCM 1997.
18. Danh từ khoa học, tập 1: Toán, Cơ, Lý, Hoá (Hoàng Xuân Hãn 1944), Nxb
Minh Tân in lại, Paris 1950.
19. Danh từ khoa học, tập 2: Vạn vật học (Đào Văn Tiến 1945), Nxb Minh Tân
in lại, Paris 1950.
20. Từ điển thuật ngữ Y học Pháp-Việt (Lê Văn Tri dịch Garnier, Delamare),
Nxb Y học, Hà Nội 1994.
21. Từ điển Sinh học Anh-Việt và Việt-Anh (Ban Từ điển Nxb Khoa học Kỹ
thuật), Hà Nội 1997.
22. Từ điển giải thích Thuật ngữ khoa học Anh-Anh-Việt (Đỗ Duy Việt, Hoàng
Hữu Hoà) Viện Kinh tế, Nxb Thống kê, TP.HCM 1998.
Ngoại ngữ:
23. Dorland’s Illustrated Medical Dictionary, 28th edition, Saunders Co,
Philadelphia 1994.
24. Thésaurus Ophtalmologique (J.J Coulon), Edit. ERA, Nantes 1996.
25. Dictionnaire des Termes techniques de Médecine (Garnier M., Delamare
V.), Maloine, Paris 1952.
26. Yăn ke xué (Nhãn khoa học). Nxb Vệ sinh nhân dân, Bắc Kinh 1996.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ban_ve_thuat_ngu_nhan_khoa_viet_nam.pdf