Tài liệu Bản sắc cá nhân và sức mạnh đám đông trong tiểu thuyết nghệ sĩ hình thể của Don Delillo - Nguyễn Thị Thanh Hiếu: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0054
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 19-24
This paper is available online at
BẢN SẮC CÁ NHÂN VÀ SỨC MẠNH ĐÁM ĐÔNG
TRONG TIỂU THUYẾT NGHỆ SĨ HÌNH THỂ CỦA DON DELILLO
Nguyễn Thị Thanh Hiếu
Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Vinh
Tóm tắt. Với tiểu thuyết Nghệ sĩ hình thể, Don DeLillo đã khắc họa rõ nét mối tương quan
giữa bản sắc cá nhân và sức mạnh đám đông qua ba nhân vật Rey, Lauren và Turtle: đám
đông thể hiện quyền năng lôi kéo, cá nhân nỗ lực vùng thoát khỏi sự ảnh hưởng. Đây cũng
là xu hướng chung của văn học thế giới hiện đại, thích hướng về những cái đơn lẻ, nhỏ bé,
manh mún hơn là những “câu chuyện lớn”, những “”đại tự sự” của đám đông. . .
Từ khóa: Bản sắc cá nhân, sức mạnh đám đông, Nghệ sĩ hình thể, Don Delillo.
1. Mở đầu
Ai cũng rõ, văn học Hoa Kỳ có lịch sử hết sức non trẻ. So với những cây đại thụ lớn của
châu Âu như văn học Anh, văn học Pháp, văn học Đức, Hoa Kỳ không bì được về sự bề thế, dà...
6 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 435 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bản sắc cá nhân và sức mạnh đám đông trong tiểu thuyết nghệ sĩ hình thể của Don Delillo - Nguyễn Thị Thanh Hiếu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0054
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 19-24
This paper is available online at
BẢN SẮC CÁ NHÂN VÀ SỨC MẠNH ĐÁM ĐÔNG
TRONG TIỂU THUYẾT NGHỆ SĨ HÌNH THỂ CỦA DON DELILLO
Nguyễn Thị Thanh Hiếu
Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Vinh
Tóm tắt. Với tiểu thuyết Nghệ sĩ hình thể, Don DeLillo đã khắc họa rõ nét mối tương quan
giữa bản sắc cá nhân và sức mạnh đám đông qua ba nhân vật Rey, Lauren và Turtle: đám
đông thể hiện quyền năng lôi kéo, cá nhân nỗ lực vùng thoát khỏi sự ảnh hưởng. Đây cũng
là xu hướng chung của văn học thế giới hiện đại, thích hướng về những cái đơn lẻ, nhỏ bé,
manh mún hơn là những “câu chuyện lớn”, những “”đại tự sự” của đám đông. . .
Từ khóa: Bản sắc cá nhân, sức mạnh đám đông, Nghệ sĩ hình thể, Don Delillo.
1. Mở đầu
Ai cũng rõ, văn học Hoa Kỳ có lịch sử hết sức non trẻ. So với những cây đại thụ lớn của
châu Âu như văn học Anh, văn học Pháp, văn học Đức, Hoa Kỳ không bì được về sự bề thế, dày
dặn khi người đánh giá dựa trên thước đo thời gian. Tuy nhiên, sức sống mãnh liệt của nền văn học
này cũng chính ở cái tươi trẻ ấy. Vì không nệ nhiều vào những tư tưởng truyền thống vốn khó cải
biến nên nó dễ tiếp cận và thích ứng nhanh với cái mới. Thêm nữa, là một quốc gia đa chủng tộc
nên chính mỗi chủng tộc lại đem cái riêng có của mình đến vùng đất này, khiến cho nền văn học
phát triển càng thêm phong phú và giàu có. “Có thể nói không quá rằng văn học Mỹ hiện đại xứng
đáng là niềm tự hào về một đội ngũ nhà văn sáng tác văn xuôi lừng danh mà không phải bất cứ
nước nào cũng có được” [4;534]. Cho đến nay, những nhà văn hiện đại và hậu hiện đại lừng danh
thế giới phần đông thuộc về văn học Hoa Kỳ, với những Thomas Pynchon, Toni Morrison, Philip
Roth, Cormac McCarthy, Joyce Carol Oates, Annie Dillard, Paul Auster, Don DeLillo. . .
Với Don DeLillo, việc nghiên cứu tiểu thuyết của ông đã đạt được một số thành tựu nhất
định trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Có thể kể ra các công trình tiêu biểu như: Don DeLillo:
The Possibility of Fiction của Peter Boxall (Don DeLillo: Triển vọng của tiểu thuyết), Terrorism,
Media, and the Ethics of Fiction: Transatlantic Perspectives on Don DeLillo (Chủ nghĩa khủng bố,
Truyền thông và Nguyên tắc xử thế của tiểu thuyết, đây là tập hợp những bài viết trong hội thảo
về Don DeLillo được tổ chức ở Đức), Don DeLillo của Harold Bloom. . . Những công trình này đã
khai thác sâu một số đề tài quen thuộc trong tiểu thuyết của Don DeLillo như sự chi phối của chủ
nghĩa tiêu dùng đối với đời sống, vai trò của truyền thông, chủ nghĩa khủng bố. . . Những năm gần
đây, sáng tác của các tác gia văn học Mỹ được dịch ở Việt Nam ngày càng nhiều hơn, trong đó có
Don DeLillo. Tuy nhiên, tình hình nghiên cứu Don DeLillo thì còn rất “khiêm tốn”. Đây đó có một
Ngày nhận bài: 15/1/2015. Ngày nhận đăng: 20/5/2016
Liên hệ: Nguyễn Thị Thanh Hiếu, e-mail: thanhhieu.kv@gmail.com
19
Nguyễn Thị Thanh Hiếu
số bài giới thiệu sách, vài bài cảm nhận ngắn trên các blog hoặc diễn đàn. Đáng chú ý là bài viết
Bút pháp hậu hiện đại trong Thành phố quốc tế của Don DeLillo của Lê Huy Bắc in trong Tạp chí
Nghiên cứu Văn học năm 2010 [1]. Bài viết này của chúng tôi, bên cạnh việc giới thiệu những nét
khái quát về tác giả tài năng này đến với độc giả Việt Nam, còn đi sâu khai thác một tiểu thuyết
cụ thể của ông – tiểu thuyết Nghệ sĩ hình thể, về một vấn đề thú vị - vấn đề bản sắc và đám đông.
Tiểu thuyết Nghệ sĩ hình thể của Don DeLillo được sáng tác vào năm 2001, chuyển dịch Việt ngữ
năm 2010 bởi Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh [2]. Đây là một tác phẩm lạ, đầy ám ảnh,
thể hiện rõ đặc trưng phong cách nghệ thuật của nhà văn lớn Don DeLillo.
2. Nội dung nghiên cứu
Nghệ sĩ hình thể (The Body Artist) vẻn vẹn trong 124 trang (bản gốc) với một cốt truyện
vô cùng đơn giản. Lauren Hartke là một nghệ sĩ hình thể, 36 tuổi, sống cùng chồng là Rey Robles,
một đạo diễn phim, 64 tuổi tại căn hộ quạnh hiu thuê ở một bãi biển vắng người. Một buổi sáng,
Rey tự sát từ một phát súng vào đầu trong căn hộ của người vợ đầu tại Manhattan. Lauren vẫn một
mình ở lại căn hộ, dành thời gian rèn luyện nghệ thuật hình thể, dù bạn bè và người thân nhắn nhủ
nên quay về. Một ngày, nghe tiếng động ở trên tầng hai, cô lần theo và phát hiện một người đàn ông
bé nhỏ, ngôn ngữ và hành xử hết sức lạ lẫm. Cô đặt tên anh ta là Turtle. Cô nhận thấy ở Turtle hình
ảnh những cuộc trò chuyện của mình và Rey. Một ngày, Turtle bỏ đi. Tác phẩm kết thúc ở cảnh
Lauren đi vào phòng, mở tung cửa sổ. “Cô muốn cảm nhận hương vị biển cả trên mặt cô và dòng
thời gian trong thân thể cô, để nói cho cô biết cô là ai” [1;164]. . . Nếu chỉ đọc một lần, quả thực,
khó mà hiểu được Nghệ sĩ hình thể. Tiểu thuyết không nhiều nhân vật, không nhiều tình huống,
cũng không có những căng thẳng dồn nén, gây áp lực. Từ đầu đến cuối là một giọng kể chậm rãi,
đều đều, vừa kể vừa cảm nhận, suy tưởng, thậm chí có lúc, các biến cố và sự kiện dường như bất
động, chỉ có tâm trạng là dịch chuyển. Nhưng dịch chuyển ấy cũng không thật rõ. Tiểu thuyết thực
sự là một thách thức với người đọc, nhất là những người đọc vốn quen với sự “mạch lạc” của văn
chương truyền thống.
Tạo dựng bản sắc là một vấn đề không mới trong văn chương hiện đại và hậu hiện đại, đặc
biệt là ở văn học Hoa Kỳ, một nền văn học mà quá khứ lệ thuộc nhiều vào văn học Anh, nên ý thức
về bản sắc càng thường trực. Tuy nhiên, cách xử lí của mỗi tác giả về vấn đề này không giống nhau,
và cũng khác nhau ở mỗi tác phẩm của chính bản thân họ. Trong Nghệ sĩ hình thể, Don DeLillio
đã đặt bản sắc cá nhân trong tương quan với sức mạnh của đám đông. Trước sức mạnh của đám
đông, bản sắc vẫn trỗi dậy, muốn được thể hiện mình, bằng cách này hay cách khác, và có khi, đi
ngược lại với tâm lí đám đông, gây ra sự khó hiểu, khó cắt nghĩa.
Ngay từ đầu, các nhân vật của Don DeLillo đã “tuyên chiến” với đám đông ở cách lựa chọn
cuộc sống của họ. Tác phẩm mở ra với cảnh buổi sáng ở trong bếp của Rey và Lauren. Đó là cuộc
đối thoại đầu tiên và cũng là cuối cùng của hai người, bởi sau đó, Rey chết. Nội dung cuộc thoại
không có gì quan trọng. Đó chỉ là chuyện ăn sáng, chuyện cạo râu, chuyện hôm nay là thứ năm hay
thứ sáu. . . nói tóm lại, những câu chuyện được nói tới hết sức phiếm gẫu, tầm phào. Hai người có
vẻ độc lập với nhau, trong việc sẻ chia, giao cảm, và độc lập với phần còn lại của thế giới, xét về
khoảng cách địa lí. Nơi họ sống là căn nhà thuê, lại sắp đến hạn phải trả. Nó nằm bên biển vắng.
Chính lựa chọn này đã phản ánh phần nào cá tính của cả hai nhân vật, với tư cách là những nghệ
sĩ. Ý thức về việc rèn dũa cái riêng trong nhân vật Rey đã hình thành từ sớm. Sau sự kiện Rey
chết, tiểu thuyết tạm ngắt quãng bởi một bài báo viết về ông. Tên khai sinh của ông là Alejandro
Alquezar, quê quán ở Barcelona. Ông có một tuổi thơ đầy sóng gió, khi phải lang bạt, kiếm sống
ở nhiều nước. “Ông đã chọn tên Rey Robles, theo tên một nhân vật phụ ông đóng trong một bộ
phim tội phạm không mấy tiếng tăm” [1;32], và khi đã nổi tiếng, ông nói với khán giả hâm mộ
20
Bản sắc cá nhân và sức mạnh đám đông trong tiểu thuyết Nghệ sĩ hình thể của Don Delillo
rằng “Câu trả lời cho cuộc sống là điện ảnh”. Nhìn vào cuộc đời ông và nội dung của những bộ
phim ông đã làm, có thể thấy, đấy là một hành trình Rey tạo dựng không chỉ sự nghiệp, mà cả dấu
ấn cá tính của mình, một dấu ấn riêng khó mà lẫn lộn. Việc vị đạo diễn này đổi tên cũng không
phải là vô nghĩa. Nó cho thấy ước muốn làm mới phần đời còn lại của Rey. Cái chết của Rey cũng
là điều đáng nói. Không có những dự báo, những trăn trối, những ẩn ức. Sau cuộc trò chuyện buổi
sáng với Lauren, ông lái xe đến căn hộ của người vợ đầu, tự bắn súng vào mình. Như đã nói, tác
phẩm ít ỏi sự kiện. Nhưng sự kiện thì đột ngột, bất ngờ, và đương nhiên, đẩy nhân vật còn lại, vốn
đã sống tách mình, càng trở nên cô quạnh. Tại sao Rey chết? Tại sao Rey chọn cách chết ấy? Tại
sao ở địa điểm ấy? Câu hỏi bật lên trong logic suy nghĩ của độc giả, nhưng không hề được Don
DeLillo trực tiếp lên tiếng giải thích. Nhưng có thể cắt nghĩa nó trong cái trường liên tưởng thống
nhất về hình tượng nhân vật Rey Robles. Cả cuộc đời mình, nhất là từ khi đeo đuổi con đường nghệ
thuật, Rey không muốn bị “đóng khung” trong cuộc đời phẳng lặng, đơn điệu, gò bó, ít tiếng tăm.
Ở đây, Isabel, người vợ đầu, lại có vẻ hiểu về người đàn ông này một cách tường tận: “Đó là con
đường thoát của ông ta. Ông ta không phải là con người trong cơn tuyệt vọng. Việc này là một kế
hoạch trong đầu ông ta. Đó là thủ đoạn của ông ta mà ông ta biết mình có thể làm khi cần nó. . .
Nhưng tôi muốn nói. Tôi nhất định nói. Người đàn ông này ghét con người thật của ông ta” [1;72-
74]. Rey là người tha thiết muốn tạo dựng cái riêng, nhưng cái riêng ấy lại là cái khác bản thân,
và khác cả đám đông còn lại. Không những Rey, mà cả Lauren cũng cố gắng củng cố cái tình thế
biệt lập của mình. Khi không còn Rey, cô vẫn chọn không gian sống cũ của hai người, chứ không
trở lại thành phố. Một mặt, vì tình yêu và những kí ức với Rey còn vẹn nguyên, mặt khác, Lauren
muốn tìm thấy con người thực của mình, qua sự tự soi ngắm. “Cô leo lên cầu thang, nghe thấy
chính mình theo cách nào đó từ những chỗ khác trong ngôi nhà. . . ” [1;41]. Và trong tình huống ấy,
cô thường xuyên tự vấn, từ những biểu hiện nhỏ nhất: “Cô giơ cánh tay cho tuột khỏi chiếc áo len
và bàn tay đụng nhẹ vào cái gì đó bên trên, tự hỏi không biết nó là cái gì” [1;41]; “Những thứ cô
thấy có vẻ đáng ngờ - không hẳn đáng ngờ mà luôn luôn thay đổi, lao vào kiếp hóa thân, một thứ
gì đó mà cũng là một thứ khác, nhưng đó là cái gì, là cái gì” [1;42]... Chiếc điện thoại, phương tiện
kết nối thế giới với Lauren được nói đến nhiều lần, nhưng nó càng làm gia tăng cái cảm giác đỡ cô
độc. Vì với mọi người, Lauren đã là “người khác”: “Tin đã lan khắp nơi rằng cô ở đây và những
cuộc gọi là từ New York, nơi cô sống, và từ bạn bè, đồng nghiệp, ở các thành phố khác. Họ gọi
từ các thành phố để nói với cô họ không hiểu tại sao cô quay lại đây. Đó là chỗ không thích hợp
cho cô ở, một mình trong căn nhà lớn bên bãi biển vắng” [1;42]. Cuộc đối thoại giữa Lauren và
bạn cô, Mariella càng rõ hơn sự ngăn cách, khác biệt này. Khi Mariella lên tiếng trách cứ Lauren
rằng cô đã tự tách mình ra, đã thu mình lại, rằng “ở một mình không tốt đâu” [1;47] thì giọng ấy
không còn là giọng của riêng người bạn này nữa, mà là giọng của đám đông, hay ít ra, là giọng
của một người đang nhân danh đám đông để đánh giá, bình phẩm và đem đến một quan niệm “hợp
chuẩn” (đương nhiên, “hợp chuẩn” số đông chưa hẳn đã là chân lí). Lauren vẫn ở lại. Thậm chí cô
đã mong được gia hạn hợp đồng thuê nhà, không phải vì hoàn cảnh, vì sự ngẫu nhiên, mà vì một
xung lực nội tại vô cùng mạnh mẽ thôi thúc cô được là chính mình. Trong sự cô đơn và nỗi đau
mất mát, Lauren ý thức được những trải nghiệm sẽ có, mà nếu sống trong sự ồn ào phố xá, cô sẽ
không bao giờ nhận được. Có nhiều điểm tương đồng trong hình tượng này với nhân vật “người
chậm” – cũng là tên tiểu thuyết – của nhà văn Nam Phi Coetzee. “Chậm”, thoạt đầu, có vẻ là thua
thiệt, bị bỏ rơi, nhưng trên thực tế, thái độ sống ấy lại đem đến cho thế giới tinh thần một bộ mặt
mới mẻ, chưa từng thấy. Ở đây, sự lựa chọn của Lauren không hẳn là dễ dàng. Don DeLillo đã cho
thấy cái chông chênh của Lauren khi cô bắt đầu lại. Cô làm đủ mọi việc vặt vãnh, “chạy đua qua
ngày tháng”, “đi tới đi lui”. Cô tự gồng mình: “Ổn rồi. Cô muốn sống ở đây và cô sẽ ổn”. Nhưng
khi quá chới với, “cô muốn biến mất trong làn khói của Rey, được chết đi, được là ông” [1;39]. . .
Nghĩa là tách ra khỏi đám đông, ở Lauren, là một nỗ lực không đơn giản. Có những giằng kéo từ
21
Nguyễn Thị Thanh Hiếu
phía đám đông, bởi tiếng chuông điện thoại reo, bởi màn hình vi tính, bởi những sản phẩm tiêu
dùng – những vật đại diện của “văn hóa đại chúng”. . . Sức mạnh của đám đông ra sức kéo cô về
phía nó, hòa tan cô trong nó. Nhưng Lauren đã cưỡng lại được, bằng cách tự đẩy mình ra rìa ngoài
của nó, tìm thấy niềm vui trong cái thân phận bên lề ấy, để có thể “diện kiến” được với cái bản thể
riêng biệt của mình mà không phải chịu bất kì một sự soi xét.
Turtle cũng một mình. “Một mình” đúng nghĩa nhất, nếu so sánh với hai nhân vật nói trên.
Anh ta thu lu trong một góc phòng ở tầng hai. Anh ta “lệch nhịp” với sự chuyển động của thế giới,
nói cách khác, anh ta khác thường so với số đông. Con người này kì dị ở cái tình cảnh một mình,
hoặc cũng có thể vì một mình nên anh ta trở nên kì dị. Cái cách Don DeLillo cho Turtle xuất hiện
cũng là điều đáng nói. Chẳng có sự chuẩn bị, chẳng có rào đón, giới thiệu. Chỉ có sự đường đột,
bất ngờ, thậm chí có phần ma quái. Turtle từ đâu đến? Đến bằng cách nào? Hay anh ta đã ở đó
từ lâu lắm rồi, mà vợ chồng Lauren không hề hay biết? Tác phẩm, “với hình thức ghép nối ngẫu
nhiên, với sự tưởng tượng phong phú diệu kì, mang đậm tính khoa học giả tưởng,. . . đã đưa người
đọc vào tâm điểm của sự hỗn mang đương đại trong một thế giới ngột ngạt bởi công việc, bởi tham
vọng, sự sống và cái chết” [1;99]. Thế mà thái độ đón nhận một người xa lạ và có vẻ không bình
thường như người đàn ông này ở Lauren lại hết sức bình thản. Và ngay sau đó, những tiếp xúc giữa
hai con người này càng cho thấy ý muốn mãnh liệt của họ trong việc tạo dựng dấu ấn riêng. . .
Nhưng tất cả những biểu hiện trên, dẫu sao, cũng mới chỉ ở bề mặt. Tách khỏi đám đông,
về mặt vật lí, là một bước khởi đầu. Quan trọng hơn là phải xác lập một bản sắc thực sự, có tính
chất căn cốt. Ở bước này, nhân vật của Don DeLillo lại tỏ ra lúng túng. Những tra vấn về ngôn ngữ
được đặt ra riết róng, gắt gao, nhất là ở nửa sau tiểu thuyết. Suy cho cùng, muốn khẳng định bản
sắc cá nhân, trước hết, phải bắt đầu từ ngôn ngữ. Ở đây, ngôn ngữ của nhân vật Turtle là đáng nói
nhất, vì tính chất đặc biệt khác thường của nó.
Có thể nói, Turtle bất lực trong việc giao tiếp. Lauren đã từng có ý nghĩ đây là một bệnh
nhân tâm thần, một kẻ khùng, một người điên. Vì Turtle không có khả năng cung cấp bất kì một
thông tin gì, dù là cơ bản và đơn giản nhất. Đây là một trong số những đoạn hội thoại giữa hai
người:
“Nếu anh biết thứ tiếng nào khác”, cô nói với hắn, “hãy nói vài từ đi.”
“Nói vài từ đi.”
“Nói vài từ đi. Tôi không hiểu cũng không sao.”
“Nói vài từ để nói vài từ” [1;68].
Thực ra, Turtle vẫn là một người bình thường, nếu không muốn nói là tinh tường và minh
mẫn. Chỉ là Turtle không có khả năng kể lại được những câu chuyện lớn, cái mà văn chương hậu
hiện đại gọi là “đại tự sự”. Thậm chí, nhiều câu chuyện nhỏ, chuyện của riêng mình, những “tiểu
tự sự” thôi, anh ta cũng không làm được. Thế thì làm sao anh ta có thể tạo được bản sắc cá nhân,
khi mà ngôn ngữ được xem là “kênh” thể hiện dấu ấn cá nhân quan trọng nhất? Ở ví dụ trên, Turtle
như một con vẹt, lặp lại từng từ, từng câu của Lauren. Hơn thế, nhân vật này còn bắt chước, mô
phỏng ở mức độ sâu đậm hơn, đến nỗi không chỉ ở từng phát ngôn riêng lẻ, mà trong cả chuỗi phát
ngôn của Turtle, Lauren đã nhìn thấy bóng dáng của Rey và của mình: “Cô nghe những yếu tố của
giọng nói mình, cách phát biểu bị cắt ngắn, tiếng rì rầm nhỏ xíu sâu trong cổ họng, độ cao của
cô, âm thanh của cô, và thoạt tiên thật khó khan như thế nào, hầu như quái gở, khi nhận ra giọng
của chính mình phát ra từ một ai khác, từ hắn” [1;61]. . . “Nhưng giọng của cô nghe đang là giọng
của Rey. Việc hóa thân này quá chính xác, trọng âm và các nguyên âm kéo dài, những khác biệt
kín đáo, những cách phát âm được tạo ra trong một công cụ thanh âm này chứ không phải công cụ
thanh âm khác, những thứ cô đã biết trong giọng của Rey, chỉ của Rey thôi” [1;76]. Turtle không
22
Bản sắc cá nhân và sức mạnh đám đông trong tiểu thuyết Nghệ sĩ hình thể của Don Delillo
có ngôn ngữ của chính mình, xét ở cả phương diện nội dung lẫn hình thức. Những phát ngôn của
anh ta phi cá tính hóa đến mức cao độ. Đã có một “đám đông” hiển hiện trong giọng của anh ta,
lấn át, ăn mòn bản sắc ngôn ngữ của anh ta, khiến cho bản sắc cá nhân bị chuyển hóa thành “bản
sắc đám đông”, từ đó, nhân vật buộc phải “dựa hơi” đám đông, dù đã cố tách mình ra khỏi nó.
Don DeLillo đã phác thảo khá tài tình bức tranh cuộc sống đương đại, ở đó tính chất điều
phối của xã hội tiêu dùng và thời đại kĩ trị thể hiện khá rõ nét. Kể cả khi không muốn đi theo đám
đông, thì trong nhận thức, cá nhân đã và đang bị đám đông chi phối. Điều này cũng có nghĩa là,
văn chương “thời nay” không dễ phác họa được gương mặt riêng như những gì mà văn chương
truyền thống đã từng tạo dựng (hay sự tạo dựng đó cũng chỉ là sự ngộ nhận, ảo tưởng?). Và kéo
theo đó, khái niệm “điển hình”, “điển hình hóa” của chủ nghĩa hiện thực dường như cũng không
còn “khớp”. Qua Turtle, Don DeLillo đã cho thấy sự tồn tại của cái độc sáng, cái duy nhất là bất
khả. Cái riêng tuyệt đối khó có khả năng tồn tại, nhất là về mặt ngôn ngữ. Những “vết tích” của
cộng đồng đã được khúc xạ ở mỗi một con người cụ thể, và ngôn ngữ chính là một phương diện
“liên văn bản” rõ rệt nhất. Cho nên, để gọi tên đối tượng, quả thực, đã có sự sai lệch. Không phải
không có lí khi Turtle nói: “Từ dành cho ánh trăng là ánh trăng” [1;106] (The word for moonlight
is moonlight). Nghĩa là sự vật chỉ đúng là nó khi có một thứ ngôn ngữ dành riêng cho nó. Mọi diễn
giải, suy cho cùng, đã trở nên khác biệt. Ngay cả Turtle, dù có vẻ không giống ai, thì ít nhất, cũng
đã giống hai người – Rey và Loren. Có thể nói, cái nhìn về truyền thống của Don DeLillo ở đây
khá linh hoạt. Bên cạnh những giá trị trầm tích mà truyền thống đem lại, nó còn khiến cho “hiện
tại” phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề, mà cơ bản nhất, là “hiện tại” khó dựng được những
bản sắc mới.
Tiêu đề của tiểu thuyết – Nghệ sĩ hình thể - cho thấy sự quan tâm của nhà văn với một lĩnh
vực nghệ thuật cụ thể, nghệ thuật hình thể. Ở đây, nhân vật Lauren (là nghệ sĩ) đã rèn luyện cơ thể
của mình uyển chuyển, sinh động, điều khiển nó tài tình đến mức nó trở thành một kênh giao tiếp
đặc biệt. Lauren dùng cơ thể của mình để sáng tạo, để vượt qua những giới hạn của cơ thể và của
thời gian, từ đó, hóa thân thành người khác, với giọng nói riêng, ngôn ngữ riêng. Dễ thấy hình ảnh
Turtle được tái hiện trở lại, qua tài năng của Lauren. Một Turtle như thật, cô đơn trên sân khấu,
với “một loạt động tác co giật như chạm điện, hình thể vung vẩy vượt ngoài sự kiểm soát, vụt đi
và xoay tròn một cách khủng khiếp” [1;140] và “giọng nói ma quái như một thứ nhạc cụ thuộc bộ
thổi chẳng biết ở đâu ra” [1;141]. Và quan trọng là cái cảm giác mà tiết mục này đem lại. “Nghệ
thuật của bà trong tiết mục này tối nghĩa, lờ đờ, khó hiểu, đôi khi thống khổ. Nhưng nó không hề
là nỗi đau đớn dữ dội vì những hình ảnh và những phông cảnh nghiêm trang. Nó nói về bạn và
tôi. Những gì bắt đầu trong sự khác biệt đơn độc trở thành quen thuộc và thậm chí riêng tư. Nó
nói về chuyện chúng ta là ai khi chúng ta không tập luyện chúng ta là ai” [1;142]. Trên phương
diện này, Lauren là riêng biệt, không lặp lại. Thực ra, tư cách nghệ sĩ của Lauren đã xuất hiện từ
trước. Nhưng từ sau cái chết của chồng, và kế đó là cuộc gặp gỡ với Turtle, những trải nghiệm và
đúc rút trong cuộc sống cô quạnh đã đánh thức cô sống sâu với sáng tạo nghệ thuật. Cô đã tách
bản thân khỏi đám đông để đẩy mình vào một thế giới khác, thế giới của sự thăng hoa sáng tạo
không ngừng. Trong mối quan hệ giữa bản sắc cá nhân và sức mạnh của đám đông, rõ ràng, bản
sắc cá nhân ở đây đã chiếm ưu thế tuyệt đối. Hơn bất kì một lĩnh vực nào, nghệ thuật, quả thực, là
cõi riêng độc đáo mà những giá trị phổ thông khó lòng xâm nhập. Cái nhìn của Don DeLillo về
nghệ thuật không khác nhiều với các nhà văn thế kỉ XIX. Nghệ thuật, với ông, vẫn phát huy sức
mạnh của nó trong việc thể hiện thông điệp, trong đó có “tỏ lòng”. Nghệ thuật có khả năng phá dỡ
những giới hạn của đời sống, của con người, kích thích tối đa năng lực của từng cá nhân riêng lẻ.
23
Nguyễn Thị Thanh Hiếu
3. Kết luận
Nói chung, cả ba nhân vật chính trong Nghệ sĩ hình thể đều đã cố gắng tách mình ra khỏi
đám đông, bằng cách này hay cách khác. Họ chọn lối sống cô độc, hướng về nội thể. Cách họ
ứng xử với cuộc đời hoàn toàn là cảm tính, chủ quan, gần như không chịu sự tác động, chi phối từ
những yếu tố của đời sống xã hội, nhất là những định kiến của dư luận. Không thể không thừa nhận
rằng văn học hiện đại và hậu hiện đại, so với truyền thống, đã có một sự dịch chuyển mau lẹ trong
việc miêu tả đối tượng từ số đông sang số ít, từ cái chung sang cái riêng, từ cái giống nhau, chung
nhau sang cái bản sắc, khác biệt. Tư tưởng này không nằm ngoài quan niệm hướng về những tiểu
tự sự nhỏ lẻ, manh mún, thay vì những đại tự sự vốn gánh gồng trên vai nhiều thông điệp nhân
loại, “thông điệp đám đông”, nhiều trách nhiệm lịch sử. Đám đông trong Nghệ sĩ hình thể không
xuất hiện trực tiếp với tư cách là tập thể người, lấy cái bình phong “nhân danh” mà lấn át. Thông
qua những vật đại diện, qua cả cái cách nhân vật nghĩ về đám đông mà sức mạnh của nó lộ diện.
Tuy nhiên, nhân vật của Don DeLillio đã cho thấy cái khát vọng sống như mình muốn, bất chấp
đám đông, không a dua theo đám đông. Hành trình của họ lặng lẽ, âm thầm, ít tiếng nói, ít sự giao
cảm. Những độc thoại nội tâm triền miên, những đối thoại khan hiếm, uể oải, rời rạc rồi vỡ vụn. . .
là con đường họ khẳng định sự tồn tại của mình, cũng là khẳng định cái bản sắc.
Nghệ sĩ hình thể, như đã nói, là một tiểu thuyết ngắn về dung lượng, “tối giản ở cốt truyện,
ngôn ngữ và cách thể hiện”, “một cốt truyện bình thường về một câu chuyện bình thường” [2].
Nhưng nó không hề ít ỏi về nội dung thông tin, và cũng không dễ đọc. Nhiều vấn đề được đặt ra
trong 124 trang sách nhỏ, trong đó nổi bật là mối quan hệ bản sắc cá nhân và sức mạnh của đám
đông. Trong thời đại ngày nay, khi mà đám đông ngày càng phát huy rõ hơn tiềm lực của mình, thì
chân dung những nhân vật của Don DeLillo trở thành những vẻ đẹp hiếm thấy, vẻ đẹp của người
đứng một mình. . .
Lời cảm ơn: Công trình được tài trợ bởi đề tài “Vấn đề tiếp nhận tác phẩm văn học hậu
hiện đại”, Trường Đại học Vinh, 2016.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Huy Bắc, 2010. Bút pháp hậu hiện đại trong “Thành phố quốc tế” của Don DeLillo. Tạp
chí Nghiên cứu Văn học, số 6.
[2] Don DeLillo, 2010. Nghệ sĩ hình thể, Phạm Viêm Phương & Huỳnh Kim Oanh dịch. Nxb Văn
học, Hà Nội.
[3] C.Kontoulis & E. Kitis, 2003. Don DeLillo’s The Body Artist: Time, Language and Grief.
[4] Nhiều tác giả, 2001. Tiếp cận đương đại văn hóa Mỹ. Nxb Văn hóa Thông tin.
ABSTRACT
The personal identity and power of crowd in the novel The body artist Don DeLillo
With the novel “The body artist”, Don DeLillo clearly portrayed the relationship between
personal identity and power of crowd through three characters Rey, Lauren and Turtle: the crowd
showed the power of dragline and individuals attempted to escape from the influence. This is also
the general trend of contemporary world literature: it would rather orientate toward the single, tiny,
fragmented things than the "big stories", the "grand narratives" of the crowd ...
Keywords: Personal identity, power of crowd, The body artist, Don DeLillo.
24
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4169_ntthieu_6542_2132821.pdf