Tài liệu Ảnh hưởng của tư tưởng trung hoa đến gia giáo Huế dưới triều Nguyễn qua hệ thống thư tịch: 3 (43) - 2019: NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
50
ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRUNG HOA
ĐẾN GIA GIÁO HUẾ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN
QUA HỆ THỐNG THƯ TỊCH
Nguyễn Thị Tâm Hạnh*
Tóm tắt: Là kinh đô của nhà nước quân chủ cuối cùng của Việt Nam, Huế được biết đến là nơi bảo lưu
nhiều yếu tố cung đình vốn mang đậm màu sắc Nho giáo, trên nhiều phương diện: lễ nghi, kiến trúc, âm
nhạc, ẩm thực, v.v... và đặc biệt là nếp giáo dục gia đình. Bên cạnh những biểu hiện trong thực hành gia
giáo thì hệ thống thư tịch cổ, nhất là các trước tác gia huấn, gia quy và các bản hương ước, chế định của
chính quyền là những di sản có giá trị được gìn giữ cho đến ngày này, ở tư gia lẫn các thư viện lớn. Thông
qua những tác phẩm này, chúng ta sẽ thấy rằng sự ảnh hưởng của Trung Hoa, trực tiếp hơn là Nho giáo,
đến gia giáo của người Huế dưới triều Nguyễn là điều không thể phủ nhận. Song điều đáng nói là Nho sĩ
Việt không đơn thuần mượn y nguyên gia giáo Minh, Thanh mà chủ động lựa chọn và dành nhiều công
phu để...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 481 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ảnh hưởng của tư tưởng trung hoa đến gia giáo Huế dưới triều Nguyễn qua hệ thống thư tịch, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
3 (43) - 2019: NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
50
ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRUNG HOA
ĐẾN GIA GIÁO HUẾ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN
QUA HỆ THỐNG THƯ TỊCH
Nguyễn Thị Tâm Hạnh*
Tóm tắt: Là kinh đô của nhà nước quân chủ cuối cùng của Việt Nam, Huế được biết đến là nơi bảo lưu
nhiều yếu tố cung đình vốn mang đậm màu sắc Nho giáo, trên nhiều phương diện: lễ nghi, kiến trúc, âm
nhạc, ẩm thực, v.v... và đặc biệt là nếp giáo dục gia đình. Bên cạnh những biểu hiện trong thực hành gia
giáo thì hệ thống thư tịch cổ, nhất là các trước tác gia huấn, gia quy và các bản hương ước, chế định của
chính quyền là những di sản có giá trị được gìn giữ cho đến ngày này, ở tư gia lẫn các thư viện lớn. Thông
qua những tác phẩm này, chúng ta sẽ thấy rằng sự ảnh hưởng của Trung Hoa, trực tiếp hơn là Nho giáo,
đến gia giáo của người Huế dưới triều Nguyễn là điều không thể phủ nhận. Song điều đáng nói là Nho sĩ
Việt không đơn thuần mượn y nguyên gia giáo Minh, Thanh mà chủ động lựa chọn và dành nhiều công
phu để diễn Nôm và biên soạn các trước tác cho riêng mình; tạo nên vốn di sản có giá trị, có bản sắc riêng
gắn với văn hóa của dân tộc.
Từ khóa: Gia giáo, Huế, thư tịch, triều Nguyễn, Trung Hoa.
1. Đặt vấn đề*
Xuất phát từ sự tiếp giáp địa lý; giao
thương và nhất là quá trình xâm lược về mặt
chính trị - quân sự, chính sách đồng hóa văn
hóa trong suốt 1000 năm đã dẫn đến sự chi
phối tất yếu của Trung Hoa đối với người Việt
trên tất cả các phương diện tổ chức đời sống
xã hội, bao gồm gia giáo. Sự chi phối này
được thể hiện ngay ở bản thân từ “gia giáo”
(家教) - một từ Việt gốc Hán.
Cùng với những biểu hiện trực tiếp trên
mặt ngôn ngữ với lớp từ vựng liên quan đến
gia giáo (từ ngữ liên quan đến đạo lý, quan hệ
gia đình, các chuẩn mực), sự ảnh hưởng của
Trung Hoa đối với gia giáo của người Việt
còn được thể hiện qua các sự kiện lịch sử -
văn hóa.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ II tr. CN, như Đại
Việt sử ký toàn thư đã viết, nhà Tần đã phái 50
vạn “binh phải tội đồ” xuống Nam Việt, bắt
* TS. Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt
Nam tại Huế.
đầu cuộc xâm lăng và thôn tính nước ta. An
Dương Vương mất nước vào tay Triệu Đà. Vị
lệnh quan này đã nhân việc nhà Tần suy vong,
tự xưng đế, sau chấp nhận làm “phiên vương”
nhưng lại gọi mình là “Man Di đại trưởng lão
phu”, đòi đặt ngang bằng nhà Hán. Sự xâm
nhập của văn hóa Hán vào Nam Việt lúc bấy
giờ, do đó, hầu như không đáng kể, như Triệu
Đà đã nói với Lục Giả - sứ giả nhà Hán (139
tr.CN): “Tôi ở đất này lâu ngày quên mất cả lễ
nghĩa”; "Ở đất Việt này không ai đủ để nói
chuyện được” (1); hay Hoài Nam Vương
[Lưu] An tâu với Hán Vũ Đế (135 tr.CN) về
việc dân “không theo pháp độ”; “không nhận
chính sóc” (2). Chỉ sau thời điểm 111 tr.CN,
khi nhà Hán thiết lập 3 quận Giao Chỉ, Cửu
Chân và Nhật Nam [nay thuộc Việt Nam]
cùng với 6 quận khác (Nam Hải, Thương
Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Châu Nhai, Đạm
Nhĩ - nay thuộc Trung Hoa) ở Nam Việt; “đặt
Thứ sử, Thái thú”; “dời những người phạm tội
ở Trung Quốc sang ở lẫn vào”; “cho học sách
ít nhiều, hơi thông hiểu lễ hóa’; “dựng nhà
Ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa
51
học, dẫn dắt bằng lễ nghĩa” (3), thì mới tạo
nên sự tiếp xúc thực sự giữa văn hóa Việt với
Hán. Ở thời kỳ này, Hán Vũ Đế thực hành
chính sách “dẹp bỏ bách gia, độc tôn Nho
học” (4), Nho giáo theo đó cũng bắt đầu xâm
nhập mạnh mẽ vào nước ta. Sự ảnh hưởng này
ngày càng sâu sắc, đặc biệt khi Sĩ Nhiếp được
Hán Linh Đế cử làm Thái thú Giao Châu (187
- 226), đã ra sức truyền bá văn hóa phương
Bắc, làm cho nước ta “thông thi thư, học lễ
nhạc, làm một nước văn hiến” (5). Cần nói
thêm rằng, trong sự phân chia đẳng cấp thời
Đông Hán, gia giáo là tiêu chí quan trọng để
phân biệt nhà thường dân với sĩ tộc, nên xã
hội “coi trọng việc tề gia, coi trọng việc giáo
dục văn hóa trong gia tộc và tuyên dương đạo
hiếu, phát triển thành gia học đặc biệt và môn
phong thanh cao” (6). Ngay từ đầu thời Đông
Hán, ngoài các nội dung liên quan đến gia
giáo trong Tứ thư và Ngũ kinh (tập trung ở Lễ
ký và Luận ngữ), Mã Viện - người đã đến dập
tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (43) và
lưu lại đất Giao Chỉ 3 năm - cũng là tác giả
của một số sách gia huấn, như: Giới huynh tử
nghiêm, đôn thư. Cùng thời, còn có Ban Chiêu
(45-116), em gái của Ban Cố (tác giả Hán
thư), viết sách Nữ giới... Cuối thời Đông Hán,
cùng với “danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang
nương tựa có hàng trăm người” (7) nhờ Sĩ
Vương “trọng kẻ sĩ”, gia giáo của tầng lớp sĩ
tộc Trung Nguyên theo đó cũng đã đến Nam
Việt và ghi dấu từ khoảng thế kỷ thứ II.
Bắt đầu thời Tùy - Đường, khi Tùy Văn Đế
(581- 604) bãi bỏ Cữu phẩm quan nhân pháp
(chế độ thụ hưởng đặc quyền chính trị của
tầng lớp sĩ tộc), thực thi khoa cử chọn hiền tài,
sự ảnh của Nho giáo đến vùng Giao Chỉ ngày
càng sâu rộng. Hai anh em Khương Công Phụ,
Khương Công Phục người Cửu Chân (này là
tỉnh Thanh Hóa) đỗ tiến sĩ và làm quan ở kinh
đô Tràng An của nhà Đường (thế kỷ VIII) là
một minh chứng. Việc Tùy Đường cho phép
thường dân có thể xuất sĩ làm quan cũng là cơ
hội và động lực để giới bình dân tiếp cận gần
hơn với Nho giáo. Ở Trung Hoa, giáo dục văn
hóa không còn dành riêng cho tầng lớp sĩ tộc.
Ở Giao Chỉ/An Nam, Việt Nam tập lược,
quyển nhị, mục nói về Danh hoạn (bản khắc
1887) đã nhắc đến Vương Phúc Trù "làm
chức lệnh ở Giao Châu, gây dựng giáo hóa,
nhân dân tôn đức, đến nay vẫn còn thờ phụng,
gọi là Đền Vương phu tử” (8). Tân Đường thư
cũng đề cập đến một nhân vật nổi bật khác là
Kiền Châu Thứ sử, dưới Nguyên Hòa, “đến làm
Đô hộ ở An Nam, làm quan thanh liêm không
nhũng nhiễu, dùng Nho thuật để nắn thói tục,
chính sự được tốt đẹp, dân man được yên ổn”
(9). Chữ Hán và Nho thuật được phổ biến rộng
khắp hơn. Tuy nhiên, sự rộng khắp này chủ yếu
là trong tầng lớp thống trị, quan lại, các “kiều
nhân” thuộc nhiều thành phần khác nhau từ
phương Bắc di cư đến. Mặc dù vậy, quá trình
tiếp xúc lâu dài thông qua cộng cư, xen cư và cả
hôn nhân giữa người Hán và người Việt đã tạo
thành bộ phận người Hán Việt hóa ngày càng
đông đảo. Họ cũng chính là tầng lớp tinh hoa
góp phần quan trọng trong xây dựng nền văn
hóa theo bản sắc riêng của người Việt.
Khác với thời kỳ Bắc thuộc trước thế kỷ
thứ X, sau chiến thắng của Ngô Quyền (938)
trên sông Bạch Đằng, việc tiếp nhận văn hóa
Trung Hoa của các triều đại Đại Việt diễn ra
một cách chủ động trên cương vị của một
quốc gia có chủ quyền. Ban đầu, hai triều đại
Lý - Trần chọn Phật giáo làm nền tảng tư
tưởng chính trị như một cách tạo bản sắc riêng
của dân tộc, tách biệt với ý thức hệ Tống Nho,
nhằm thể hiện vị thế độc lập tự chủ của mình.
Tuy nhiên, thể chế chính trị quân chủ - trung
ương tập quyền vẫn tuân theo mô hình Trung
Hoa. Nho giáo cũng quay lại vị trí độc tôn dưới
thời Lê - Nguyễn. Đây cũng là hai triều đại mà
ảnh hưởng gia giáo trên nền tảng Nho thuật của
Trung Hoa được thể hiện một cách rõ nét nhất.
Với vai trò trung tâm của xứ Đàng Trong dưới
thời chúa Nguyễn và là kinh đô của nhà
Nguyễn, những biểu hiện này càng dễ nhận
diện trên đất Huế.
3 (43) - 2019: NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
52
2. Biểu hiện sự chi phối của tư tưởng Trung
Hoa đến gia giáo Huế dưới triều Nguyễn
2.1. Hệ thống sách học cho trẻ em và các
tác phẩm liên quan đến gia giáo
2.1.1. Sách và các tác phẩm có nguồn gốc
từ Trung Hoa
Trong bối cảnh gia thục và giáo dục học
hiệu chưa hoàn toàn tách biệt, sách học/đọc
cho thanh thiếu niên, đặc biệt là ấu học/tiểu
học, có thể xem là một dạng sách gia giáo. Hệ
thống kinh sách dành riêng để giảng dạy cho
các vương tôn công tử nhà Nguyễn mà chúng
ta có thể tra cứu trong sử liệu hay dưới dạng
tàng bản, chính là loại hình thể hiện rõ nét sự
tích hợp giữa sách gia giáo với sách giáo khoa
và nhất là sự ảnh hưởng, nếu không muốn nói
là rập khuôn từ Trung Hoa.
Để định chương trình giảng dạy cho các
hoàng tử tại nhà học Tập Thiện đường, năm
Minh Mạng thứ 4 (1823), Cần chánh học sĩ
Ngô Đình Giới đã đề xuất các sách mà trước
đó, Cao Tông nhà Thanh [Càn Long (1711-
1799)] đã học khi còn là hoàng tử, gồm: Tứ
truyện, Ngũ kinh, Tính lý, Cương mục, Đại
học diễn nghĩa, Cổ văn uyên giám. Ngoài
ra, ông cũng đề nghị chọn lọc trong số các
sách Khâm định, Ngự định, Ngự toản, Ngự
phê do các vua Đại Thanh sai các Nho thần
biên soạn để “định làm sách giảng luận, ban
cho các vị học tập”, bao gồm: Tứ thư giải
nghĩa, Thư kinh giải nghĩa, Lễ ký giải
nghĩa, Xuân Thu giải nghĩa, Dịch kinh giải
nghĩa, Ngự toản thi nghĩa chiết trung, Ngự
định Hiếu kinh, Tập chú Hiếu kinh, Ngự phê
lịch đại thông giám tập lãm (10).
Năm 1837 (Minh Mạng năm thứ 17), khi
Giáo đạo Nguyễn Đăng Tuân xin định lại
chương trình giảng dạy ở Tập Thiện đường
thì hệ thống kinh sách cũng không nằm
ngoài Tứ thư (Đại học, Trung Dung, Luận
Ngữ, Mạnh Tử), Ngũ kinh (Dịch, Thi, Thư,
Lễ, Xuân Thu), Chư sử/Bắc sử (Sử ký, Tiền
Hán thư, Cựu Đường thư, Tân Đường Thư,
Tùy thư). Đặc biệt, trong cải cách lần này,
Nguyễn Đăng Tuân chú ý đến các sách tiểu
học để dạy cho các hoàng tử “tuổi còn ấu
thơ () biết nghi tiết tiến, lui, ứng đối”,
như: Tiểu học tập chủ của Lưu Tử Trừng
đời Tống, Tiểu học vận ngữ của La Trạch
Nam đời Thanh, Khai tâm bửu giám (được
cho là soạn thảo dưới đời Tống). Riêng sách
Khai tâm bửu giám với tên đầy đủ là Tân
toản thiếu tiểu Khai tâm bửu giám - hiện
còn được lưu giữ ở viện Hán Nôm (mã số
VHv. 719) - cho biết đây là sách do Hàn
lâm viên tập và cho khắc in vào năm 1834.
Các sách này giảng dạy cho các hoàng tử
còn nhỏ những kiến thức chính yếu của Nho
giáo, như: Minh thiên (hiểu rõ về trời), Tôn
tâm (giữ vẹn lòng tốt), Cẩn ngôn (cẩn thận
trong lời nói), Thận hành (thận trọng trong
việc làm); các nghi tiết quét tước, đi đứng,
thưa gửi, v.v... (11).
Không được nhắc đến trong chính sử,
nhưng những thư tịch hiện tồn tại các kho lưu
trữ Hán Nôm cũng đã cho thấy sách ấu học
căn bản của Trung Hoa khá phổ biến ở Việt
Nam, kể cả trước lẫn dưới triều Nguyễn. Các
sách này được Hoa kiều mang đến hoặc người
Việt sao chép, biên soạn lại từ sách của Trung
Hoa: Tam tự kinh, được cho là của Vương
Ứng Lân (tự Bá Hậu), nho sĩ nhà Tống “viết
ra để dạy trường nhà” và “có thể tạm thời xác
định thời điểm cuốn sách này truyền nhập vào
Việt Nam là năm 1836, hoặc sớm hơn một
chút là quãng năm 1820 - 1830, theo các
chứng cứ văn hiến học khả khảo hiện còn”
(12); Thiên tự văn do Châu Hưng Tự (470-
521) biên soạn dưới thời Nam triều cũng được
du nhập vào Việt Nam ít nhất là thời Lê, qua
ghi nhận của Bùi Dương Lịch (1744-1814)
trong lời tựa của Bùi Gia huấn hài: “Tôi từng
ở làng thấy mọi nhà dạy trẻ phần nhiều cho
học thuộc lòng quyển Thiên tự văn của Chu
Hưng Tự, cuối cùng chẳng có ích lợi gì. Có
người lấy sách Hiếu kinh, Tiểu học thay vào,
Ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa
53
câu ngắn, câu dài, khó khăn cho con trẻ" (13).
Ngoài ra, còn có một số sách Hán ngữ khác:
Bách gia tính, Ấu học ngũ ngôn thi (hay còn
gọi là Trạng nguyên thi), được xác định tương
đồng với Thần đồng thi của Uông Thù (tự
Đức Ôn) sáng tác dưới thời Bắc Tống.
Cũng như sách học cho trẻ em, sách gia
huấn và các sách liên quan đến gia giáo có
nguồn gốc Trung Hoa được lưu hành ở Việt
Nam thời phong kiến nói chung, Huế nói
riêng rất phổ biến. Có thể kể đến: Minh Đạo
gia huấn, Thái thị gia huấn, Chu công gia
huấn, v.v... Một số sách loại thư liên quan
đến gia giáo của nhà Thanh cũng đã được
nhà Nguyễn cho biên tập, sao khắc, như bộ
Ngũ chủng di quy (gồm Dưỡng chính di quy,
Học sĩ di quy, Tùng chính di quy, Giáo nữ di
quy, Huấn tục di quy) do Trần Hoằng Mưu
biên soạn (còn gọi là Trần thị ngũ loại di
quy) do Phó sứ Trần Văn Chuẩn (1836-1885)
mang về khi đi sứ ở Trung Hoa. Đây là bộ
sách “trích dẫn lời tiền nhân, chủ yếu là
những trước tác có liên quan từ thời Tống trở
đi, chia loại biên soạn, đem các quy giới,
quan châm, dung ngôn, gia ước, thế phạm,
tông quy, ngôn ngữ tập hợp thành” (14).
Trong đó, Giáo nữ di quy (giáo dục người
phụ nữ trau dồi công dung ngôn hạnh, vai trò
làm mẹ, làm vợ) và Dưỡng chính di quy (dẫn
những câu cách ngôn của Chu Tử trong trị
gia) là những sách liên quan trực tiếp đến gia
giáo, được chính Trần Văn Chuẩn duyệt và
in sang, trích sao vào các năm Tự Đức thứ
31, 32 (1878, 1879).
Một số loại sách có nội dung liên quan đến
việc giáo dục trong gia đình của người Trung
Hoa cũng đã được người Việt diễn Nôm. Các
tàng bản cho thấy thể loại sách này dưới triều
Nguyễn được in khắc khá phổ biến, thường
khuyết danh cả tác giả lẫn dịch giả, như: Nữ
tử tu tri, Nữ tắc diễn âm, Khuyến phu ca, Bài
ca răn cờ bạc, v.v... Bên cạnh đó là các tác
phẩm mà chúng ta có thể truy nguyên nguồn
gốc xuất xứ, thời điểm ra đời, như: Nhị thập
tứ hiếu của danh sĩ nhà Nguyên (Quách Cự
Nghiệp, 1280-1346) được quan bộ Lễ Lý Văn
Phức (1785-1849), trong lần đi sứ sang nhà
Thanh vào năm Minh Mạng thứ 16 (1836),
mang về diễn Nôm với tiêu đề Nhị thập tứ
hiếu diễn âm; Nữ phạm diễn nghĩa do Nguyễn
Phúc Miên Trinh (1820-1947) “vâng dịch” và
chú giải (1853) từ tác phẩm Nữ phạm đời
Minh, vốn dựa trên “Liệt nữ truyện" của Lưu
Hướng đời Hán (15).
Ngoài ra, sách song ngữ Hán - Nôm để dạy
chữ Hán vỡ lòng, như Nhất thiên tự (khuyết
danh), Ngũ thiên tự (khuyết danh); Tam thiên tự
(Ngô Thì Nhậm, 1786 -1803) cũng được xếp vào
sách gia giáo dạy về tri thức văn hóa cho trẻ đồng
ấu. Dưới triều Nguyễn, đáng chú ý là cuốn Tự
Đức thánh chế tự học diễn nghĩa ca, một cuốn từ
điển Hán Việt được viết theo thể lục bát, dễ học,
dễ nhớ và được “bộ Lễ trình lên vua Thành Thái
(1889-1907) vào năm 1896 và được khắc in sau
đó (từ 1898) theo đúng như di nguyện của Tự
Đức” (16); Sơ học vấn tân (khuyết danh), viết về
lịch sử Trung Hoa, Việt Nam (từ thời Hồng Bàng
đến nhà Nguyễn), v.v...
2.1.2. Tác phẩm gia huấn của Nho sĩ
người Việt
Người Việt cũng dành nhiều công phu để
soạn sách gia huấn qua các thời đại. Các tác
phẩm này không nằm ngoài tư tưởng đạo đức
Nho gia với các thể loại thường thấy trong văn
học cổ Trung Hoa.
Ở Huế, các ông hoàng triều Nguyễn cũng
đã có nhiều trước tác liên quan đến việc giáo
huấn con cháu hoàng tộc, quan lại trong triều
và dân chúng trên tinh thần Nho giáo. Ngoài
các chỉ, dụ liên quan đến việc của Tôn thất
và nội cung của các đời vua, có thể kể đến
Hoàng Huấn cửu thiên (1847) - một tập thơ
gồm 9 bài tương ứng với 9 thiên của vua
Thiệu Trị (Cao minh, Bác hậu, Sủng tuy,
Trung lương, Từ ái, Hiếu đễ, Tạo đoan, Hữu
vu, Chí tín). Sau khi được Nội các biên tập,
tập thơ này được ban cho các giảng đường để
3 (43) - 2019: NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
54
dạy cho Nho sinh (17). Chính thất của ông,
Quý phi Nghi Thiên Chương Hoàng hậu (Từ
Dụ Thái hoàng thái hậu, mẹ của vua Tự Đức)
cũng là người nổi tiếng “thuộc sử sách đã
nhiều mà biết việc đời cũng rộng Khi Đức
Từ Dụ ban câu chi hay, thì ngài biên ngay
vào một quyển giấy gọi là Từ huấn lục” (18).
Có thể xem Từ huấn lục là một cuốn sách gia
huấn được viết theo lối “biên thuật”, gồm
225 bài giáo huấn của mẹ (bà Từ Dụ) răn dạy
các hoàng thân và quan lại từ năm Tự Đức 12
(1859) đến năm Tự Đức 31(1878) (19).
Gia đình của quan lại người Huế cũng có
những bản gia huấn, sau trở thành các tác
phẩm được xã hội biết đến rộng rãi. Từ thụ
yếu quy (1867) của Đặng Huy Trứ là cuốn
sách mà ông cho rằng chỉ “để làm khuôn phép
cho bản thân và cho con cháu đời sau, không
dám nghĩ để làm khuôn phép cho ai” (20)
nhưng ảnh hưởng của nó đã vượt ra giới hạn
của gia tộc họ Đặng. Ngoài ra, Đặng Dịch
Trai ngôn hành lục (1868) là tập sách mang
tính “gia sử” khác, gồm 47 thiên mà Đặng Huy
Trứ ghi lại lời nói và việc làm hay của cha
mình (Dịch Trai - Đặng Văn Trọng) với mong
muốn: “Con cháu tôi, nếu ngày đọc đêm suy
nghĩ sẽ thấy như cha tôi đang dạy bảo ở trước
mắt, bản thân nếu cố gắng thực hiện sẽ thấy
như cha tôi nhắc nhở bên mình” (21).
Tương tự Đặng Dịch Trai ngôn hành lục,
Văn Nghị Công niên biểu của người Việt gốc
Hoa Minh Xuyên Trần Tiễn Hối (1869-1919)
cũng là một tác phẩm viết theo thể ký về cuộc
đời và sự nghiệp của cha mình, Phụ chính đại
thần Trần Tiễn Thành (1813-1883). Bằng việc
kể lại các sự kiện lịch sử gắn với những ứng
xử của một vị quan đầu triều, đây cũng là một
tác phẩm gia giáo dưới hình thức nêu gương
về lời nói và việc làm của tiền nhân.
Ngoài sách và các văn bản gia huấn được
viết trên giấy, gia huấn được khắc trên đá, gỗ
dưới dạng ký, minh hoặc thơ cũng khá phổ
biến ở Huế nói riêng, Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, trong những ngôi nhà rường đặc
trưng của Huế, hoành phi, câu đối, biển bản
ngoài chức năng trang trí, loại hình văn khắc
này còn mang nội dung tự thuật về ý chí, sự
nghiệp, nếp sống của gia chủ; đồng thời cũng
là lời giáo huấn cho con cháu về lòng hiếu
kính, uống nước nhớ nguồn, khuyến học, đề
cao cuộc sống hoà thuận, sum vầy cũng như
những phẩm chất cần có theo chuẩn mực Nho
gia. Bài “Tự huấn minh” hiện lưu giữ tại từ
dòng họ Cao, làng Thế Chí Đông (huyện
Phong Điền) là một tác phẩm gia huấn tiêu
biểu ở dạng này. Từ lời di ngôn của Tổng đốc
An Hà Cao Hữu Dực (1799-1859), con trai
của ông là Quang Lộc Tự Khanh Cao Hữu
Sung (tự Lư Khanh) đã cho khắc gỗ vào năm
Tự Đức 31 (1878) để nhắc nhở cháu con về
nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, hiếu, trung, thiện lành,
cần kiệm, liêm minh, v.v... Tương tự, bài
minh về nguồn gốc họ tộc và nội dung một
đạo sắc do vua Khải Định (năm thứ 9-1924)
ban phong tước Dực bảo Trung hưng Linh
phò chi thần cho thỉ tổ Lương Thanh [.] đại
lang, được phụng lục trên một tấm biển bằng
gỗ, treo ở vị trí trang trọng nhà thờ họ Lương
Thanh (làng Phước Tích, huyện Phong Điền)
cũng là một hình thức văn bản gia huấn, nhắc
nhở con cháu về ý thức nguồn cội. Ngoài ra,
chúng ta có thể tìm thấy các dạng gia huấn
dưới hình thức văn khắc gỗ (câu đối, thơ) ở
bất cứ nhà thờ họ hay nhà rường nào của Huế.
2.2. Các chế định giáo hóa của chính quyền
Ngoài các tác phẩm gia huấn, nhà Nguyễn
còn tiếp nhận các hình thức giáo hóa của
chính quyền của nhà Minh, Thanh. Dưới triều
Minh, Chu Nguyên Chương (1328-1398) đã
ban bố thánh huấn Lục dụ và được vua Thuận
Trị (1636-1661) kế thừa khi lập nhà Thanh.
Sau đó, vua Khang Hy (1654-1722) viết bản
Thượng dụ thập lục điều; người kế vị, Ung
Chính đế (1638-1735), trên cơ sở đó cũng đã
biên soạn thành Thánh dụ quảng huấn. Thông
qua quan lại địa phương hoặc các trưởng lão
có kiến thức và đức hạnh, các bản huấn dụ
Ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa
55
này được phổ biến đến người dân khắp các địa
phương nhằm sửa đạo đức, nề nếp, phong tục.
Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến gia
giáo và ứng xử trong gia đình, như: “Hiếu
thuận với cha mẹ. Cung kính với trưởng bối.
Hoà thuận với xóm làng. Dạy bảo cho con
em” (Lục dụ); hay “dạy hiếu đễ để trọng nhân
luân”, “dạy con em để ngăn việc xấu”, “mở
gia thục để dạy con em” (Thượng dụ thập lục
điều, Thánh dụ quảng huấn) (22).
“Phỏng theo đại ý bản Thánh dụ quảng
huấn nước Thanh”, vua Minh Mạng đã dụ cho
bộ Lễ “đặt những điều huấn cho rõ ràng” (23),
và ban hành Huấn địch thập điều (1834), hạ
chiếu cho nhân dân các làng xã học tập. Năm
1870, bản Huấn địch này được vua Tự Đức
diễn Nôm dưới dạng lục bát thành Thánh dụ
huấn địch thập điều diễn nghĩa ca (1870)
(24). Trước đó, vua Lê Thánh Tông cũng từng
định Nhị thập tứ huấn điều (1470) và được
vua Lê Hiển Tông minh định lại vào năm
1499 với chín điều quan trọng liên quan đến
gia giáo: Nhiệm vụ giáo dục của cha mẹ đối
với con cái (điều 1), Gia trưởng (điều 2), Lễ
nghĩa vợ chồng (điều 3), Quan hệ anh em
(điều 4), Quan hệ nàng dâu với gia đình
chồng (điều 6), Đàn bà góa (điều 7, 8, 9),
Người vợ (điều 10) (25). Vua Lê Huyền Tông
cho ban hành Lê triều giáo huấn điều lệ (Cảnh
Trị nguyên niên, 1663). Để thuận tiện cho
việc phổ biến trong dân gian, chúa Trịnh
Doanh đã sai Nhữ Đình Toàn minh định, diễn
Nôm và phát hành (1760) dưới thời vua Lê
Hiển Tông (Cảnh Hưng năm thứ 21-1760).
Mười trong 47 điều của Lê triều giáo huấn nói
về bổn phận tương ứng với vai trò trong gia
đình mà mỗi thành viên đảm nhận (gia trưởng,
con cái, cha mẹ, anh em, vợ chồng, nàng dâu,
đàn bà góa).
Như vậy, việc ban bố thánh dụ giáo hóa
dân chúng phỏng theo điển lệ Minh Thanh
dưới triều Nguyễn không phải là chưa có tiền
lệ ở nước ta. Điểm khác biệt là nếu nhà Thanh
quy định một tháng giảng tập hai ngày do
quan lại địa phương phụ trách (26) nhà Lê cử
người “cao tuổi, đạo đức học tập khá, phẩm
hạnh tốt làm người đứng đầu, cứ những ngày
nhàn rỗi, đưa người dân đến đình quán, công
sở hội họp (27)” thì nhà Nguyễn quy định
“phủ Thừa Thiên và các nha, tỉnh, phủ, huyện,
châu, cứ hàng năm, lấy ngày tốt của hai tháng
Mạnh mùa xuân mùa thu, các học thần trong
ngoài thì lấy ngày một của bốn tháng Trọng,
các xã dân, thì lấy ngày mồng một bốn tháng
Quý theo lễ hội giảng” (28).
Tương tự nhà Lê và các triều đại Trung
Hoa, sự ảnh hưởng của chính quyền đối với
gia giáo còn thể hiện ở chính sách nêu thưởng
người trung hiếu tiết nghĩa. Năm 1822, vua
Minh Mạng đã xuống chỉ dụ: “Phàm có trung
thần phong cho thờ cúng, liệt nữ, thưởng biển
nêu khen, có đủ cả điển lệ. Nhưng hiếu tử
(người con có hiếu), nghĩa phu vẫn chưa được
biểu dương (). Chuẩn từ nay các thành,
doanh, trấn đều nên để tâm tìm tòi (...) tâu lên
đợi chuẩn nêu thưởng” (29).
Với đường lối “lấy đạo hiếu để sửa trị”
(30), dựa vào Hội điển nhà Thanh, các chính
sách để khuyến khích lòng hiếu đễ được nhà
Nguyễn đặc biệt coi trọng, thể hiện rõ trong
Đại Nam Hội điển sử lệ. Có thể kể đến
những chế định về việc phong tặng cho ông
bà cha mẹ của quan viên văn võ (Phong
tặng, quyển 29); Quy định về việc quan lại,
học trò về phụng dưỡng, thăm nom chịu
tang cha mẹ (Lệ xử phán, quyển 35) (31);
Quy định về việc cử người đức hạnh dạy
Hiếu kinh cho trẻ em ở làng xã khi lên 8 và
những hậu đãi cha mẹ các quan, trinh thưởng
các nhà năm đời vẫn ở chung (Phong giáo,
quyển 100) (32). Đặc biệt, tiếp thu từ Bộ luật
Hồng Đức, bất hiếu cùng với ác nghịch, bất
mục, bất nghĩa, nội loạn là 5 tội liên quan
đến quan hệ gia đình cũng được Hoàng Việt
luật lệ của nhà Nguyễn xếp vào Thập ác
(Luật về tội danh và các điều lệ, quyển 179)
3 (43) - 2019: NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
56
(33). Như vậy, cũng như chế độ phong kiến
Trung Hoa với nhiều “chính sách và biện
pháp thi hành giáo hóa của chính quyền ()
nhằm tạo ra được tập quán dư luận và phong
khí xã hội trật tự có lợi cho vương triều
thống trị, lấy đó tác động và chế định các
khuynh hướng gia giáo” (34), nhà Nguyễn
cũng lấy đạo hiếu dạy dân và khuyến khích
gia trưởng dạy con đạo trung.
Có thể nói rằng, với trật tự tổ chức xã hội
theo quan điểm Nho gia: Nhà là đơn vị cơ sở
cho Nước và rộng hơn là Thiên hạ, khuynh
hướng gia giáo người Việt nói chung, Huế nói
riêng dưới thời quân chủ luôn đặt dưới sự chi
phối của chính sách giáo hóa mang tính nhất
quán từ triều đình đến làng xã. Hệ thống tài
liệu gia huấn, pháp luật, điển chế, không nằm
ngoài việc củng cố cho cá nhân tuân thủ các
quy tắc ứng xử đúng với vị trí, trách nhiệm,
nghĩa vụ của mình (Chính danh) gắn với từng
mối quan hệ và chuẩn mực cụ thể: tam cương
(vua - tôi, cha - con, chồng - vợ); ngũ thường
(nhân - lễ - nghĩa - trí - tín) đối với nam giới;
tam tòng (theo cha, theo chồng, theo con), tứ
đức (công - dung - ngôn - hạnh) đối với phụ
nữ, nhằm đảm bảo cho gia tộc (nhà) được vận
hành theo những tôn ti trật tự định sẵn của xã
hội rộng lớn hơn. Đối với bậc cai trị, ngoài
yếu tố bình thiên hạ ở người Việt không rõ
nét, sự rèn luyện của cá nhân theo tiêu chuẩn
của người quân tử phải đi tuần tự các bước từ
cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề
gia đến trị quốc. Đó cũng là lí do, các nhà
chính trị, tư tưởng cũng là những người coi
trọng việc biên soạn các tác phẩm tự huấn, gia
huấn, gia phạm như đã đề cập.
3. Thay lời kết
Có thể thấy, sự ảnh hưởng của Trung Hoa
đến gia giáo của người Huế đi theo những con
đường khác nhau: gián tiếp qua gia giáo ở
vùng Bắc Bộ; trực tiếp qua người Hoa (Minh
Hương) đến định cư ở xứ Đàng Trong và đặc
biệt là sự củng cố của Nho giáo dưới triều
Nguyễn. Đây cũng là lí do khiến Huế là nơi
phát xuất và lưu giữ một hệ thống văn bản gia
huấn mang tinh thần Nho giáo hết sức phong
phú. Đó không chỉ gia huấn quý tộc cung
đình, gia huấn bình dân, gia huấn nhà nước,
gia huấn tư gia; dưới dạng truyền khẩu lẫn
văn bản chép tay, in ấn, văn khắc (trên bia đá,
trên kiên trúc gỗ).
Mặt khác, trong bối cảnh xã hội Việt Nam
thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trước hai thế
lực ngoại bang: Trung Hoa và Pháp, triều
Nguyễn đã chọn con đường bảo thủ, thân
Trung Hoa, bế quan tỏa cảng, đoạn tuyệt với
phương Tây và tiếp tục lấy tư tưởng Thanh
Nho vốn đã lạc hậu để cai trị đất nước. Đây
được xem là nguyên nhân sâu xa khiến đất
nước trì trệ và từng bước rơi vào tay thực dân
Pháp, mà biến cố Thất thủ Kinh đô 1885 là
cột mốc đánh dấu sự mất chủ quyền trên khắp
cả ba kỳ Bắc, Trung, Nam. Song, trên phương
diện văn hóa, sự bảo thủ lại là nhân tố quan
trọng để bản sắc được bảo tồn. Với giới quý
tộc Nguyễn, sau khi quyền cai trị đất nước chỉ
còn mang tính hình thức, họ quay trở về lưu
tâm đến việc củng cố gia đạo, chú trọng gia
giáo trên tinh thần đối kháng “nước mất
nhưng nhà không tan” như là một cách để thể
hiện tinh thần dân tộc. Không chỉ trong phạm
vi hoàng tộc, mà khắp làng xã, các chính sách
nhằm củng cố hương phong, bao gồm gia
phong, cũng được lưu tâm, thể hiện tập trung
nhất ở hệ thống các hương ước và việc duy trì
các chính sách ban khen của triều đình đối với
hiếu tử, liệt nữ.
Tất cả những điều trên đây khiến sự
ảnh hưởng của Trung Hoa, trực tiếp hơn là
Nho giáo đến gia giáo của người Huế dưới
triều Nguyễn không ngừng củng cố, ngay
cả khi nhà Nguyễn suy yếu, thậm chí hầu
như mất hết vai trò chính trị. Và ngày nay,
những biểu hiện của gia giáo truyến thống
vẫn tiếp tục lưu dấu đậm nét và hiện diện
trong từng nếp nhà xứ Huế, mà hệ thống
Ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa
57
thư tịch cổ liên quan đến giáo dục gia đình
truyền thống, nhất là các trước tác gia
huấn là một phần di sản cần được gìn giữ
và phát huy./.
N.T.T.H
___________________
1. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993), Đại
Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 142.
2. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993),
tlđd, tr. 147, 148.
3. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993),
tlđd, tr. 153, 154, 166.
4. Diêm Ái Dân (2001), Gia giáo Trung Quốc
cổ, Cao Tự Thanh (d.), Nxb. Trẻ, thành phố Hồ
Chí Minh, tr. 27.
5. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993),
tlđd, tr. 164.
6. Diêm Ái Dân (2001), tlđd, tr. 27.
7. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993),
tlđd, tr. 161.
8. Dẫn theo Lưu Ngọc Quân (2015), Lược
thuật về Kinh Học ở Việt Nam, Nguyễn Đức Toàn
dịch,
ngoc-quan-luoc-thuat-ve-kinh-hoc-o.html.
9. Dẫn theo Lưu Ngọc Quân (2015), tlđd.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam
thực lục - Chính biên, tập 2, Tổ phiên dịch Viện Sử
học (d.), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 285 - 286.
11. Hàn Lâm Viện (biên tập) (năm Minh Mệnh
15 - 1834), 新簨少小開心寶鑑 (Tân toản thiếu
tiểu Khai tâm bửu giám), Quốc sử quán in.
12. Nguyễn Tuấn Cường (2015), Bản thảo đề tài
cấp cơ sở của Viện nghiên cứu Hán Nôm năm 2015,
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, tr. 5, 18.
13. Dẫn theo Phạm Văn Khoái (1995), “Một vài
vấn đề về sách giáo khoa dạy chữ Hán trong kho sách
Hán - Nôm”, trong Thông báo Hán Nôm học 1995,
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, tr. 136 - 149.
14. Diêm Ái Dân (2001), tlđd, tr. 168.
15. Tuy Lý Vương (Tự Đức năm Quý Sửu -
1853), 女 範 演 義 (Nữ phạm diễn nghĩa từ), bản
chữ Nôm, lưu giữ tại Phủ Tuy Lí Vương, Huế.
16. Nguyễn Đình Hoà, “A Preliminary Study of
Tự Đức Thánh Chế tự học - a 19th - Century
Chinese-Vietnamese Dictionary” (Sơ bộ nghiên
cứu Tự Đức Thánh Chế tự học - cuốn tự điển Hán
Việt thế kỷ XIX), Mon-Khmer Study 26:207-
216.www.sealang.net/mks/copyright.htm, Trần
Trọng Dương (d.), ttps://hoavouu.com.
17. Nguyễn Phúc Miên Tông (Thiệu Trị năm
thứ 7, 1847), 皇訓九篇 (Hoàng huấn cửu thiên),
Nguyễn Bá Nghi, Tôn Thất Hợp, Nguyễn Cửu
Trường, Vũ Phạm Khải, Mai Anh Tuấn, Nguyễn
Văn Siêu, Thân Văn Nhiếp, Bùi Long (chú dẫn),
bản chữ Hán.
18. Trần Trọng Kim (1923), “Nho giáo”, trong
Việt Nam thanh niên tạp chí, số 3, tr. 236.
19. Tự Đức (biên thuật), 詞訓錄 (Từ huấn lục),
bản chữ Hán, 4 tập viết tay.
20. Đặng Huy Trứ (2002), Từ thụ yếu quy - Bàn
về nạn hối lộ và đức thanh liêm của ngời xưa,
Nguyễn Văn Huyền, Phạm Tuấn Khanh (d.), Nxb.
Văn hóa thông tin, tr. 19.
21. Đặng Huy Trứ (2007), Đặng Dịch Trai
ngôn hành lục (Lời nói việc làm của cha tôi, Đặng
Hưng Dzoanh, Phạm Tuấn Khanh (sưu tầm), Bùi
Văn Côn, Phạm Tuấn Khanh (biên dịch), Nxb.
Thanh niên, tr. 20.
22. Diêm Ái Dân (2001), tlđd, tr. 189 - 190.
23. Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh
Mệnh chính yếu, Nxb. Thuận Hoá, Huế, tr. 242.
24. Lê Hữu Mục (giới thiệu, phiên âm, dịch thuật,
sưu giảng) (1971), Huấn địch thập điều (Thánh Dụ
của Vua Thánh tổ, Diễn ca của Vua Dực Tông), Phủ
Quốc Vụ Khanh xuất bản, Sài Gòn.
25. Lê Hữu Mục (1971), tlđd, tr. 79 - 84.
26. Diêm Ái Dân (2001), tlđd, tr. 193.
27. Lê Hữu Mục (1971), tlđd, tr. 82.
28. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định
Đại Nam hội điển sử lệ, tập 7, Viện Sử học (d.),
Nxb. Thuận Hoá, Huế, tr. 132.
29. Nội các triều Nguyễn (1993), tlđd, tr. 160 - 161.
30. Nội các triều Nguyễn (1993), tlđd, tr. 140.
(Xem tiếp trang 95)
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- anh_huong_cua_tu_tuong_trung_hoa_den_gia_giao_hue_duoi_trieu_nguyen_1082_1945_qua_he_thong_thu_tich.pdf