Tài liệu Ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp lên nét điêu khắc của phật giáo: ẢNH HƯỞNG CỦA NGHỆ THUẬT HY LẠP
LÊN NÉT ĐIÊU KHẮC CỦA PHẬT GIÁO
Nói đến văn hóa cổ thời của Hy Lạp là nói đến rất nhiều khía cạnh, nào là thơ
của Homer, nhạc Hy Lạp xưa và nay, phim ảnh, hội họa, tôn giáo xưa, các vị thần
linh và những huyền thoại của Hy Lạp. Tuy nhiên, điểm đặc biệt đáng chú ý nhất đó
là: nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp và nghệ thuật điêu khắc lúc ban đầu của Phật
giáo có mối liên hệ với nhau.
Người ta cho rằng mỹ lệ của Hy Lạp đã biến thể sang đường nét căn bản trong các
hình tượng của Phật giáo, khởi đi từ một vùng mà nay, một phần thuộc về Afghanistan,
một phần thuộc về Pakistan. Xưa kia nơi đây là vương quốc Gandhara với những triều
đại kéo dài từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên và việc giao thương qua
vương quốc nầy theo đường Tơ Lụa (Silk Road) đến Trung Hoa rồi sang tận Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, hình tượng của nghệ thuật Gandhara là mẫu mực chính cho các hình tượng
nghệ thuật của Phật giáo trong nhiều thế kỷ cho đến khi Thầ...
6 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 460 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp lên nét điêu khắc của phật giáo, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ẢNH HƯỞNG CỦA NGHỆ THUẬT HY LẠP
LÊN NÉT ĐIÊU KHẮC CỦA PHẬT GIÁO
Nói đến văn hóa cổ thời của Hy Lạp là nói đến rất nhiều khía cạnh, nào là thơ
của Homer, nhạc Hy Lạp xưa và nay, phim ảnh, hội họa, tôn giáo xưa, các vị thần
linh và những huyền thoại của Hy Lạp. Tuy nhiên, điểm đặc biệt đáng chú ý nhất đó
là: nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp và nghệ thuật điêu khắc lúc ban đầu của Phật
giáo có mối liên hệ với nhau.
Người ta cho rằng mỹ lệ của Hy Lạp đã biến thể sang đường nét căn bản trong các
hình tượng của Phật giáo, khởi đi từ một vùng mà nay, một phần thuộc về Afghanistan,
một phần thuộc về Pakistan. Xưa kia nơi đây là vương quốc Gandhara với những triều
đại kéo dài từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên và việc giao thương qua
vương quốc nầy theo đường Tơ Lụa (Silk Road) đến Trung Hoa rồi sang tận Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, hình tượng của nghệ thuật Gandhara là mẫu mực chính cho các hình tượng
nghệ thuật của Phật giáo trong nhiều thế kỷ cho đến khi Thần đạo Shinto tại Nhật phát
triển thì tiêu chuẩn mỹ lệ của Hy Lạp mới hòa nhập dần vào mỹ thuật của Nhật. Vậy thì
nghệ thuật của Hy Lạp được truyền đi như thế nào đến tận phương Đông?
Nghệ thuật Hy Lạp đã truyền đi dọc theo đường Tơ Lụa từ Hy Lạp qua nhiều
thành thị đến miền Bắc Ấn Độ, rồi sang Trung Hoa và Nhật Bản bằng 2 đường chính
yếu: một là đường ngang qua Ấn Độ, một đi lên phía Bắc tới Hắc Hải, nơi có một số bộ
lạc của dân du mục với nếp sống khác biệt. Các nhóm du mục nầy thường tới lui vùng
Trung Á và Trung Hoa. Họ trao đổi giao thương với các cộng đồng định cư trên đường
du mục, mua bán đổi chác các vật dụng với Hy Lạp. Bằng vào cách đó họ đã đem tiêu
chuẩn mỹ lệ trong nghệ thuật Hy Lạp vào nghệ thuật của chính họ. Những cổ vật đào xới
được ở Trung Á và Hắc Hải như các tượng người, ngựa, v.v cho thấy đã chịu ảnh
hưởng của Hy Lạp rất rõ. Vì thế khi nhìn vào các cổ vật của dân du mục nơi đây, đó là
nhìn vào sự biến thể của nghệ thuật Hy Lạp lan đi trên đường Tơ Lụa cùng với dân du
mục qua việc mua bán hàng hóa mà họ mang theo bên mình. Đây là những món nhỏ và
quí bằng vàng, có giá trị thương mại hoặc để đeo trên người làm đồ trang sức, hoặc giữ
làm của gia bảo, hoặc dùng để trao đổi lấy món khác. Những cổ vật tìm thấy được là
kiếng, lược, đồ trang sức bằng vàng chạm trổ tinh vi. Chứng tỏ hình ảnh khắc trên cổ vật
có đường nét mỹ thuật thấm nhập từ một nền văn hóa nầy sang văn hóa khác.
Ngoài việc lan truyền theo sự giao thương trên đường Tơ Lụa, người ta phải kể tới
việc người Hy Lạp định cư tại các vùng giao thương nầy. Sự lan tràn của người Hy Lạp
về phương Đông vốn đã có từ lâu, từ nhiều thế kỷ trước Tây lịch và được tăng cường
thêm nhờ vào cuộc viễn chinh của Alexander Đại Đế vào thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch.
Nên bên cạnh các món vật được chế tạo để dành riêng cho việc mua bán trao đổi với dân
du mục trên đường Tơ Lụa, người ta còn tìm thấy trên các tượng điêu khắc đào được
trong vùng, những đường nét và tính chất của nghệ thuật Hy Lạp.
Khi Đại đế Alexander mất đi, đế quốc của ông tan rã thành nhiều tiểu quốc mang
đặc tính Hy Lạp trong các vùng Afghanistan, Pakistan và miền Bắc Ấn Độ. Nhờ những
tiểu quốc nầy mà kiểu mẫu nghệ thuật của Hy Lạp lan tràn nhiều hơn và nhanh hơn. Đồ
vật đào được ở Trung Á như Samarkhand tạc hình người, hình ngựa, hình kỵ mã, hình
chiến sĩ, v.v không khác gì đồ vật tìm thấy ở Hy Lạp trong cùng thời kỳ nầy. Tuy
nhiên các tiểu quốc Hy Lạp không tồn tại được lâu, những đợt xâm lấn từ Ba Tư đã
chiếm đoạt các tiểu quốc nầy và khi ấy, kẻ xâm lăng được thừa hưởng nghệ thuật của Hy
Lạp. Và vì thế mà trong vùng có ít nhất 3 nền văn hóa và mỹ thuật hòa nhập với nhau, đó
là nền văn hóa du mục, văn hóa Hy Lạp và văn hóa Ba Tư. Chúng ảnh hưởng lẫn nhau
làm phát sinh những niềm tin tôn giáo và mỹ thuật đặc thù của vùng nầy.
Trong các tiểu quốc nầy, tiểu quốc Bactria và Gandhara vẫn giữ được phần nào
văn hóa Hy Lạp, dù rằng họ bị tách lìa hoàn toàn khỏi vùng Địa Trung Hải khi nằm dưới
sự cai trị của La Mã. Gandhara vì vậy là một nơi lẻ loi, xa xăm của Đế quốc La Mã.
Khi đi đến bất cứ nơi nào trong vùng Trung Á, người ta cũng sẽ tìm thấy một chút
nghệ thuật Hy Lạp còn sót lại dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Đó có thể là đồng
tiền xưa vào thế kỷ thứ 7 sau Tây lịch, có khắc tượng thần trong thần thoại Hy Lạp, như
thần “mỹ thuật” mà ta quen biết dưới tên thần Venus, hay tượng thiếu niên với những
đường nét thật Hy Lạp. Một trong những vùng cho thấy ảnh hưởng của Hy Lạp rất mạnh
mẽ là tiểu quốc Gandhara.
Qua một chút lịch sử của nơi nầy thì vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, miền Bắc Ấn
Độ dưới quyền cai trị của vua Asoka (A Dục), Phật giáo được chọn làm quốc giáo. Trước
thời đại của vua Asoka, Phật giáo chính yếu là một tôn giáo không có hình tượng, nặng
về ý niệm hơn là hình ảnh thờ phượng. Phật giáo khi ấy chưa có hình hay tượng đức Phật,
cái mà người ta có là những bảo tháp Stupa, nơi cất giữ xá lợi. Trong thời vua Asoka,
nhiều bảo tháp được xây trong nước và nhà vua phân chia xá lợi để mỗi nơi đều có phần
cất giữ trong bảo tháp thờ phượng. Bảo tháp vì vậy là hình ảnh sớm sủa nhất của Phật
giáo. Sau đó là bánh xe Pháp Luân, nhưng không có hình tượng của đức Phật.
Văn hóa bấy giờ không xem việc có hình tượng đức Phật là điều cần thiết cho Phật
giáo, không coi đó là việc chính yếu cho lòng tin. Đây là thời điểm mà những tiểu quốc
Hy Lạp thành hình ở Trung Á. Chúng ta không biết nhiều về những tiểu quốc nầy, ngoài
các di tích còn sót lại mà vật quan trọng là những đồng tiền, trên đó các hình chạm khắc
biểu lộ rõ ràng đường nét truyền thống của Hy Lạp, qua nét mặt các vị tiểu vương cùng
hình ảnh quen thuộc của các lực sĩ và trận tranh tài. Các vị tiểu vương nầy tuy chịu ảnh
hưởng của Hy Lạp, nhưng đã chấp nhận Phật giáo hoặc ít hoặc nhiều mà khoa khảo cổ và
sử sách còn ghi lại tên tuổi một vài vị. Thí dụ như tiểu vương Nandana vào thế kỷ thứ 2
trước Tây lịch, với hình ảnh còn khắc trên các đồng tiền vàng; hay tiểu vương Milinda
(tiếng Anh gọi là Menander) có những cuộc đàm thoại về giáo pháp với đại đức Na Tiên
(Nagasena) như đã được ghi trong Kinh điển Phật giáo. Và tiểu vương đã cho phép Phật
giáo được phát triển trong vương quốc thuộc nguồn gốc Hy Lạp của mình. Gandhara vì
thế là nơi gặp gỡ đầu tiên giữa văn hóa Hy Lạp và văn hóa Phật giáo. Sau giai đoạn vài
trăm năm tương đối yên ổn nầy, vùng Gandhara bị một loạt xâm lấn mới của những
người từ phương Bắc tràn xuống. Đây là sắc dân chạy trốn sự tấn công của người Hung
Nô ở phía Tây Hoa Lục. Họ bỏ chạy xuyên qua Trung Á và xuống tới Bắc Ấn. Khi chiếm
đóng Gandhara, họ thành lập đế quốc Kushan.
Tới nay người ta vẫn chưa rõ vì lý do nào những người Kushan làm thay đổi nghệ
thuật trong vùng. Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là người Kushan thấy rằng, họ
cần một hình ảnh rõ ràng để hướng đến niềm tin. Người Kushan chấp nhận Phật giáo là
tôn giáo đã có sớm trong vùng trước khi họ tới và họ cũng đòi hỏi phải có một hình tượng
để tôn thờ. Cái mà họ tìm thấy tại nơi bị chiếm đóng (tức Gandhara) là những tàn tích còn
sót lại của nghệ thuật Hy Lạp, như tượng nữ thần Hy Lạp ở Afghanistan với những
đường nét, kiểu thức hoàn toàn mang đặc tính Hy Lạp. Người Kushan khi ấy mới dùng
những đường nét, kiểu thức nầy để tạc tượng, khắc hình tả lại cuộc đời đức Phật. Các
toán khảo cổ đào được những tượng Phật của Gandhara vào thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch.
Nổi tiếng nhất là 2 tượng Phật khổng lồ tại thị trấn Bamiyan (nay thuộc Afghanistan).
Tượng lớn nhất cao 70 thước được tạc trong núi đá, sơn phết rực rỡ khiến người xem có
thể chiêm ngưỡng tượng từ một nơi xa hàng mấy cây số. Hai pho tượng Phật khổng lồ ở
Bamiyan đã bị chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban phá hủy hoàn toàn, nhưng Liên Hiệp
Quốc đang có những dự án trùng tu lại 2 công trình văn hóa lịch sử vĩ đại nầy như là di
sản văn hóa của thế giới.
Hình tượng tạc ở Gandhara rất hiện thực như ta có thể thấy qua các bức tượng
hình đầu của đức Phật bằng đồng, bằng cẩm thạch, nó cho thấy sự hòa hợp thành công
giữa nghệ thuật tạc chân dung sống động của Hy Lạp với một tôn giáo xa lạ. Điểm đáng
chú ý về kiểu thức điêu khắc của Gandhara là nó có nhiều dạng khác nhau, từ dạng chịu
ảnh hưởng sâu đậm của Á Đông có tính cách trừu tượng, tới dạng nét hiện thực của thế
giới Tây phương. Sự khác biệt nầy được thể hiện qua các hình chạm nổi trên tường còn
lưu lại đến ngày nay. Nhiều bích họa và phù điêu có thể xem như những bích họa làm tại
Hy Lạp, vì lối chạm khắc hình thể hiện rõ mỹ thuật Hy Lạp.
Một điểm đáng nói khác về nghệ thuật Gandhara là nó có khuynh hướng trở về
đường nét “tĩnh” trong điêu khắc Ba Tư (Persia) thuở ban đầu. Có thể đó là vì Gandhara
thừa hưởng di sản nghệ thuật của Ba Tư, thường tạc tượng đầu của các vua Ba Tư theo
lối nầy. Theo quan điểm tạc tượng của Gandhara thì hình đức
Phật không phải là của đức Phật, mà là hình ảnh của một lý tưởng hay một điều gì
mà người ta hy vọng có thể đạt tới. Việc tạc tượng đức Phật vì thế được xem như cụ thể
hóa ý niệm về một con người tuyệt mỹ thập toàn. Thái tử Siddhàrtha được xem là biểu
tượng của một thanh niên văn võ toàn tài, được huấn luyện về các môn thể thao, võ nghệ
y như một lực sĩ tranh tài Olympics của đế quốc Hy Lạp. Hình ảnh thái tử Siddhàrtha với
chiến xa và người hầu cầm cương rất gần gũi với hình ảnh một thanh niên con nhà vương
giả của Hy Lạp, được rèn luyện tài năng cho cả thời bình lẫn thời chiến.
Vì thế khi muốn tạo nên một hình ảnh của đức Phật thì hình ảnh lý tưởng được sử
dụng là của một lực sĩ Hy Lạp tuyệt hảo, một con người thập toàn. Tiêu chuẩn nầy cũng
được áp dụng cho hình tượng các vị Bồ-tát, tuy rằng kiểu thức có thay đổi và có một hàm
ý khác. Khi tạc tượng Bồ-tát thời Gandhara, người ta thể hiện sự giàu sang qua y phục và
trang sức; như trên đầu có vương miện các vị vua chúa, trên ngực có những trang sức
chạm trổ lộng lẫy; trái tai dài vì sức nặng của đồ trang sức và cánh tay có những vòng
đeo bằng đá quý.
Nói tóm lại, tượng Phật và tượng Bồ-tát thời Gandhara thể hiện mọi đặc tính của
một thanh niên giàu có. Và sự mô tả nầy còn có một hậu ý khác, là thanh niên quý phái
đó được hưởng mọi điều thuận lợi trong đời nhưng lại từ bỏ tất cả, không thừa hưởng
điều gì về vật chất để cứu độ nhân gian.
Các đặc tính khác của nghệ thuật Hy Lạp cũng tìm đường thâm nhập vào nghệ
thuật hình tượng của Phật giáo, đó là Hy Lạp tôn sùng mỹ lệ nhưng khi La Mã chiếm
đoạt Hy Lạp thì ý niệm mỹ lệ dần dần biến thể thành ý niệm về sự tàn tạ, hư hao. Trong
nghệ thuật Gandhara, điều nầy có thể nhìn thấy qua pho tượng tạc đức Phật trong giai
đoạn tìm đạo và tu theo lối khổ hạnh. Nghệ thuật Gandhara đã tạo ra một số tác phẩm mô
tả giai đoạn hành xác nầy rất tượng hình với thân thể gầy đét, khuôn mặt già nua, xương
sống xương sườn trên người lộ rõ.
Hình người không phải là vật duy nhất được chuyển đi trên đường Tơ Lụa mà
hình ảnh sư tử cũng được phô bày trong nghệ thuật Gandhara nói chung và nghệ thuật
Phật giáo nói riêng. Sư tử là hình tượng đã có từ rất lâu, trước cả nghệ thuật Hy Lạp
nhưng sư tử được xem như biểu tượng thiêng liêng của con người thì là chuyện lạ lùng.
Tại Gandhara, người ta tìm thấy những tượng hay cặp tượng sư tử khắc trên đá như là
biểu tượng của đức Phật, hay của giòng họ đức Phật, của vua Asoka, của người Kushan,
và hình ảnh sư tử đã theo đường Tơ Lụa tới Trung Hoa, rất thịnh hành vào thời nhà
Đường tức là vào thế kỷ thứ 7, 8, 9 sau Tây lịch. Tượng sư tử được dựng ở đền đài, cung
điện của thiên tử, sau biến thể thành Lân múa ngày Tết. Dĩ nhiên Trung Hoa không có sư
tử mà hình ảnh con vật nầy trong văn hóa Trung Hoa bắt nguồn từ một loạt hình tượng
của nghệ thuật Phật giáo tại Gandhara vốn chịu ảnh hưởng của Hy Lạp, được chuyển đi
tới lui qua lại trên đường Tơ Lụa.
Lịch sử của các thành phố ở Trung Á (Central Asia) ghi lại đặc tính khoan hòa cao
độ. Một phần lớn có thể vì đây là những thành phố nằm trên đường giao dịch buôn bán,
lòng cuồng tín tôn giáo không mang lại lợi nhuận, phần khác có thể vì nhiều người tị nạn
chạy tới các thành phố nầy nên họ có khái niệm là óc tín ngưỡng hẹp hòi sẽ không đem
lại lợi ích ấm no. Kết quả các cuộc đào xới, khai quật trong khắp vùng Trung Á cho thấy
nơi đây hết sức khoan hòa về mặt tôn giáo, có mặt đủ mọi tín ngưỡng tại các thành phố
nầy. Tính cách khoan hòa trên đây kéo dài trong một thời gian khá lâu, từ lúc các thành
phố được tạo lập cho tới thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch, lúc mà ảnh hưởng mỹ thuật của Hy
Lạp trở nên mạnh mẽ, sau đó kéo dài đến tận lúc Hồi giáo bắt đầu du nhập vào Trung Á,
sự khoan hòa chấm dứt vào thời nhà Đường ở Trung Hoa tức là thế kỷ thứ 8 sau Tây lịch.
Trong khoảng thời gian rất dài nầy, các tôn giáo sinh hoạt cạnh nhau rất hòa thuận,
hình tượng của các niềm tin khác nhau được nghệ nhân tạo nên, chẳng hạn như tượng nữ
thần 4 tay ngồi trên lưng sư tử ở một nơi gần thành phố Samarkhan vào thế kỷ 7 sau Tây
lịch. Mặt khác, mảnh thảm dệt cũng ở vùng nầy vào thế kỷ thứ 1 BC, mô tả các thần linh
trong thần thoại Hy Lạp. Một mẫu vật khác do ngành khảo cổ tìm được là bức bích họa
trên tường vào thế kỷ thứ 3 BC, đây là một phần của trọn bức vẽ dài với các hình tượng
có đường nét hoàn toàn của La Mã, “La Mã” đến nỗi người ta tự hỏi có nghệ nhân La Mã
nào lạc loài đến đây trong thời kỳ nầy để sáng tạo ra tác phẩm trên và tiếp tục tạc tượng,
vẽ bích họa, đắp phù điêu theo đường nét của La Mã và Hy Lạp hay không?
Một chứng cớ của việc có nhiều tôn giáo hiện diện trong vùng được thấy ở 2 địa
điểm khác của Trung Á, một nơi là Turfan, người ta tìm thấy vết tích của Thiên Chúa
giáo lúc ban đầu với đồ vật mô tả tín đồ cử hành lễ Lá, nơi khác thì đào xới được tượng
đẹp đẽ bằng đất sét của vị Bồ-tát đắp theo kiểu thức Kushan, tại Uzbekistan thì có những
miếu thờ của đạo Phật, nói chung tôn giáo đã theo việc giao thương trên đường Tơ Lụa
mà lan đi khắp nơi trong vùng. Tại Tây Ấn (thời nhà Đường ở Trung Hoa) vào thế kỷ thứ
7, 8, người ta dễ dàng tìm thấy nơi đó nhà thờ Thiên Chúa giáo, thánh đường Mosque của
Hồi giáo, thánh đường Synagogue Do Thái giáo, miếu thờ của Khổng giáo, nói chung là
các tôn giáo, niềm tin đều có mặt ở Tây Ấn, không chỗ nầy thì chỗ kia trong thành phố.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên là mỹ thuật Hy Lạp dưới hình thức nầy hay hình thức nọ,
đã được truyền đi trên cùng lộ trình qua các hình tượng điêu khắc mọi loại hay ảnh
hưởng đến nghệ thuật địa phương.
Nói chung thì việc lan truyền hình tượng Phật giáo ở các nơi xa xôi, một phần là
do việc buôn bán theo đường Tơ Lụa, một phần là do các nhà sư từ Trung Hoa len lỏi vào
các nơi xa xôi, ngược xuôi trên đường Tơ Lụa sưu tầm kinh điển. Thí dụ nổi tiếng nhất là
ngài Huyền Trang thời nhà Đường sang Ấn Độ thỉnh kinh, cuộc hành trình gian khổ nầy
đã gợi hứng cho văn sĩ Trung Hoa viết nên chuyện Tây Du Ký. Tuy nhiên khi ngài Pháp
Hiển vào thế kỷ thứ 5 và sau đó là ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ 7, vào tới Gandhara
thì đạo Phật và nghệ thuật Phật giáo đã suy tàn, biến mất ở nơi đây. Những vùng mà 2
nhà sư đi qua chỉ còn là phế tích hoang tàn của cộng đồng Phật giáo phồn thịnh khi trước,
không còn chùa hay tự viện, không còn tăng sĩ, không còn nghệ thuật Phật giáo nữa, chỉ
còn lại dấu vết, hình ảnh, tượng thờ tại Gandhara mà thôi. Nếu các nhà sư đầu tiên mang
kinh điển Phật giáo vào Trung Hoa là người Kushan hay ngay cả người Parthian (Tây
Hạ) là một bộ lạc ở vùng giáp ranh với Afghanistan và Pakistan, thì về sau nầy, các nhà
sư Trung Hoa đi tới Kushan tìm Chân kinh, ngoài kinh điển, họ còn mang về nước các
hình tượng như đàn tràng Mandala, tượng nhà sư, xâu chuỗi, nhưng trên hết vẫn là tượng
đức Phật và đó là kiểu thức của mỹ thuật Hy Lạp. Chúng ta thử xem qua ảnh hưởng của
mỹ thuật Hy Lạp như thế nào.
Trước tiên là tượng ngồi của nữ thần Hy Lạp với dáng điệu đặc biệt của đôi tay, 1
tay duỗi thẳng ra, 1 tay giơ lên cao, thong dong, thanh nhã, duyên dáng. Kiểu thức nầy
được lập đi lập lại nhiều lần trong nghệ thuật Phật giáo, từ Trung Hoa sang tượng đồng
của Triều Tiên, Nhật Bản vào thế kỷ 6 qua các tượng Quán Thế Âm hay vị Phật tương lai
của đời sau là đức Di Lặc.
Kiểu thức khác đáng đề cập đến là tượng Phật tại Afghanistan vào thế kỷ thứ 6.
Lúc ban đầu, đường nét của tượng thần Hercules và đường nét của các lực sĩ đã được
dùng để tạc tượng đầu của đức Phật với nét mặt Tây phương như xương hàm rộng, gương
mặt chữ điền, mắt sâu và mũi cao kiểu tây phương hay áo choàng dài cổ rộng và rũ
xuống với những nếp gấp nhưng từ từ về sau, dù rằng đường nét của khuôn mặt đức Phật
dần dà có nhiều nét Á châu hơn, nhưng đường nét Hy Lạp nầy vẫn được dùng cho các
hình tượng khác của nghệ thuật Phật giáo như tượng thần Hộ Pháp, tượng chư Thiên...
Nghệ thuật Phật giáo tiếp tục nẩy nở ở Trung Hoa và Nhật Bản, khởi đầu từ mỹ
thuật ở Gandhara rồi về sau, khi đường Tơ Lụa chấm dứt, cộng đồng Phật giáo dọc theo
đường nầy tàn lụn và Phật giáo tại Trung Hoa bị cắt đứt với kinh điển ban đầu và mỹ
thuật Phật giáo ban đầu thời Kushan, thì nghệ thuật Phật giáo ở Trung Hoa và Nhật Bản
tiếp tục dựa trên kiểu thức của mỹ thuật Hy Lạp trong việc tạo hình tượng Phật giáo theo
lý tưởng về mỹ lệ của Hy Lạp. Có nhiều hình tượng diễn tả ý niệm nầy, thí dụ như tượng
đức Bồ-tát với đường nét uyển chuyển, tăng bào được tạc mềm mại uốn theo gió. Tới
thời nhà Tống, từ thế kỷ thứ 10 -13, Phật giáo biến mất ở nơi phát sinh là Ấn Độ, đường
Tơ Lụa hoàn toàn ngưng hoạt động, các thành phố trên đường nầy đã trở thành một phần
của thế giới Hồi giáo và trong khi mỹ thuật Hy Lạp thời Trung Cổ bị lãng quên tại Âu
châu thì mối liên hệ với mỹ thuật Hy Lạp vẫn được duy trì ở Trung Hoa và Nhật Bản
theo cái lý tưởng về mỹ lệ thiêng liêng, về hình ảnh một thần linh mà bất cứ chúng sinh
nào cũng có thể trở thành.
Hình ảnh một thần linh vừa thiêng liêng vừa trừu tượng vẫn còn sống động ở
phương Đông. Cái lý tưởng của Hy Lạp về nét đẹp con người và nét đẹp thiêng liêng
cùng với quan niệm của Phật giáo về cái đẹp đã gặp nhau, hòa hợp nhau tạo ra những
hình tượng tôn nghiêm xinh đẹp như người ta nhìn thấy nơi các tượng Quán Âm bằng
đồng làm vào thế kỷ thứ 12 đời Tống. Tóm lại, ý niệm về mỹ lệ thời cổ Hy Lạp trong một
thời gian dài đã ảnh hưởng và tạo nên các hình tượng Phật giáo, một tôn giáo và một xã
hội khác biệt, xa lạ với quan niệm của Hy Lạp. Đó cũng là điều thú vị khi mùa Thế Vận
Hội khai diễn tại Athens, chúng ta có dịp nhớ về một thời đã qua trên con đường Tơ Lụa
(Silk Road), nơi đó mỹ lệ của Hy Lạp ở phương Tây xa xôi đã ảnh hưởng đến mỹ thuật
Phật giáo tận phương Đông.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- anh_huong_cua_nghe_thuat_hy_lap_len_net_dieu_khac_cua_phat_giao_8332_2181320.pdf