An sinh xã hội ở khu vực nông thôn - Nghiên cứu trường hợp một xã ngoại thành Hà Nội

Tài liệu An sinh xã hội ở khu vực nông thôn - Nghiên cứu trường hợp một xã ngoại thành Hà Nội: Xã hội học thực nghiệm Xã hội học số 1 - 2007 33 Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org An sinh xã hội ở khu vực nông thôn - Nghiên cứu trường hợp một xã ngoại thành Hà Nội Tô Duy Hợp Nguyễn Thị Minh Phương An sinh xã hội cổ truyền chủ yếu dựa trên nền tảng quan hệ gia đình, dòng họ và cộng đồng (Bùi Thế Cường và các tác giả khác, 2003: 19). Trong khi đó, hoạt động an sinh xã hội cơ bản chưa đáp ứng kịp thời, và chỉ ở mức độ tối thiểu (Tô Duy Hợp và cộng sự, 2000: 14). Do đó, việc nghiên cứu, phân tích lý luận và thực tiễn về hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam là rất cần thiết cho sự nghiệp phát triển nông thôn. Bài viết này dựa trên kết quả nghiên cứu trường hợp tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, với 496 người tham gia trả lời bảng hỏi và 18 người tham gia phỏng vấn sâu. An sinh xã hội được nhìn nhận là một hệ thống bao gồm 2 tiểu hệ thống hợp thành (Tô Duy Hợp, 2006). Một là, tiểu hệ thống bảo hiểm xã hội (social insurances) là hình ...

pdf11 trang | Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 1125 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu An sinh xã hội ở khu vực nông thôn - Nghiên cứu trường hợp một xã ngoại thành Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xã hội học thực nghiệm Xã hội học số 1 - 2007 33 Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org An sinh xã hội ở khu vực nông thôn - Nghiên cứu trường hợp một xã ngoại thành Hà Nội Tô Duy Hợp Nguyễn Thị Minh Phương An sinh xã hội cổ truyền chủ yếu dựa trên nền tảng quan hệ gia đình, dòng họ và cộng đồng (Bùi Thế Cường và các tác giả khác, 2003: 19). Trong khi đó, hoạt động an sinh xã hội cơ bản chưa đáp ứng kịp thời, và chỉ ở mức độ tối thiểu (Tô Duy Hợp và cộng sự, 2000: 14). Do đó, việc nghiên cứu, phân tích lý luận và thực tiễn về hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam là rất cần thiết cho sự nghiệp phát triển nông thôn. Bài viết này dựa trên kết quả nghiên cứu trường hợp tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, với 496 người tham gia trả lời bảng hỏi và 18 người tham gia phỏng vấn sâu. An sinh xã hội được nhìn nhận là một hệ thống bao gồm 2 tiểu hệ thống hợp thành (Tô Duy Hợp, 2006). Một là, tiểu hệ thống bảo hiểm xã hội (social insurances) là hình thức an sinh xã hội dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng, bao gồm các loại bảo hiểm như y tế, nghề nghiệp, thai sản, tuổi già, thất nghiệp, tử vong, giáo dục, v.v; Hai là, tiểu hệ thống hỗ trợ xã hội (social support). Đây là hình thức an sinh xã hội dựa trên nguyên tắc không đóng vẫn được hưởng, bao gồm các hình thức như trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội, v.v Sự phân tích bộ đôi như thế này là cơ sở lý luận và phương pháp luận để kiến tạo hệ thống an sinh xã hội tam nông theo hướng hiện đại hóa. Khung thu thập thông tin thực nghiệm (1) Hai trụ cột: Bảo hiểm và hỗ trợ xã hội (2) Ba cấp độ: Lưới an toàn - Phòng ngừa rủi ro - Nâng cao năng lực (3) Các bên tham gia: Nhà nước và ngoài nhà nước (4) Hai trình độ: An sinh cơ bản và an sinh phát triển (5) Chuyển đổi kép: Vừa củng cố an sinh cơ bản, vừa kiến tạo an sinh phát triển Hai trụ cột Ba cấp độ Các bên tham gia Hai trình độ Chuyển đổi kép (1) (2) (3) (4) (5) 1. Vài nét về xã Yên Thường Xã Yên Thường có tổng số 15.000 dân với 3.942 hộ. Diện tích đất tự nhiên là 862 ha, trong đó đất nông nghiệp là 565 ha. Xã có 10 thôn, trong đó có 9 thôn vốn là những làng cổ và thôn Dốc Lã mới hình thành từ năm 1995, nằm dọc quốc lộ số 1 trên đường từ Hà Nội đi Bắc Ninh. Năm 2006, xã này đứng đầu huyện về đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. An sinh xã hội ở khu vực nông thôn... Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 34 Cũng như nhiều xã khác ở đồng bằng sông Hồng, Yên Thường đang diễn ra quá trình phi nông nghiệp hóa khá mạnh. Về tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng số lao động của hộ, chỉ có 9,4% các hộ khảo sát có số lao động nông nghiệp chiếm trên 50% tổng số lao động của hộ. Theo nguồn thu nhập của hộ: 25,3% số hộ có nguồn thu nhập hoàn toàn từ phi nông nghiệp; 63,4% số hộ có nguồn thu nhập từ phi nông nghiệp chiếm trên 50% tổng số thu nhập; 21,3% hộ có nguồn thu từ nông nghiệp là chính. Không có hộ nào duy nhất nguồn thu từ nông nghiệp. Theo ý kiến của người dân tự xác định hộ của mình thuộc loại nào, có 2,7% hộ tự nhận là hộ nông nghiệp hoàn toàn và hộ hỗn hợp với nông nghiệp là chính là 25,3%. Nhìn chung, Yên Thường đang ở mô hình hỗn hợp trọng phi nông. Bên cạnh sự dịch chuyển về kinh tế, các đặc điểm văn hóa - xã hội của một làng - xã nông nghiệp vẫn còn đang tiếp tục tồn tại ở đây. Đây chính là điểm được lưu ý trong việc xem xét thực trạng về hệ thống an sinh xã hội ở Yên Thường, cũng như triển vọng của mô hình an sinh xã hội trong tương lai. 2. Bảo hiểm Kết quả khảo sát cho thấy thực trạng người dân trong xã tham gia các loại bảo hiểm. Trước hết là bảo hiểm xã hội1, 39,7% những người được hỏi đã hoặc đang làm việc có bảo hiểm xã hội. Theo giới tính, 50% những người được hỏi là nam giới có bảo hiểm xã hội, trong khi đó tỷ lệ này ở nữ là 28,6%, thấp hơn gần nửa so với nam giới. Những người có học vấn càng cao thì tỷ lệ có bảo hiểm xã hội cũng cao hơn. Điều này cũng có thể lý giải là nhờ học vấn càng cao người lao động càng có cơ hội nhiều hơn tham gia vào khu vực lao động chính thức, nơi có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ nhóm người nghèo có bảo hiểm xã hội thấp hơn hơn nửa so với những người giàu có bảo hiểm xã hội. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 100% những người được hỏi đã hoặc đang lao động thuộc diện tự làm cho gia đình mình, hoặc làm cho hộ khác (khu vực không kê khai) không có bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, những người đã hoặc đang làm trong khu vực có kê khai cũng không có bảo hiểm xã hội cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể 34,8%. Bảng 1: Tỷ lệ (%) người trả lời có bảo hiểm xã hội theo các nhóm N % N % Giới tính Nam 11 1 50, 0 Khu vực lao động Không kê khai 0 0 Nữ 60 28,6 Kê khai 107 65,2 Trình độ học vấn Tiểu học 10 26,3 Nhóm mức sống Nhóm nghèo nhất 15 20, 5 Trung học cơ sở 35 23,8 Nhóm cận nghèo 28 32, 2 Trung học phổ thông 54 40, 3 Nhóm trung bình 37 41, 6 Trung cấp 29 58, Nhóm cận giàu 47 48, 1 Bảo hiểm xã hội ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp như nghĩa mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sử dụng. Bảo hiểm này bao gồm 6 hạng mục bảo hiểm: ốm đau, thai sản, tai nạn/thương tật, tuất, hưu trí và bảo hiểm y tế. bảo hiểm xã hội theo nghĩa rộng, theo cách hiểu của chúng tôi, là một hệ thống bảo hiểm bao gồm rất nhiều loại bảo hiểm khác nhau trong đó bảo hiểm xã hội theo nghĩa hẹp nêu trên chỉ là một loại mà thôi. Tô Duy Hợp & Nguyễn Thị Minh Phương Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 35 0 0 Cao đẳng, Đại học 41 74, 5 Nhóm giàu nhất 44 51, 8 Về các bảo hiểm khác cho thấy, trong số 496 những người được hỏi có 65,6% từng tham gia bảo hiểm y tế (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện), có 14,7% từng bảo hiểm thân thể, 3,6% từng tham gia bảo hiểm sinh mạng, và 4,4% từng tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tuy vậy, chỉ có 27,6% những người được hỏi có thẻ bảo hiểm y tế hiện còn đang có hiệu lực, 6,9% ở bảo hiểm thân thể, 3,6% đang tham ở bảo hiểm sinh mạng và 4,4% ở bảo hiểm nhân thọ. Người dân ở xã cũng có nhu cầu tham gia các loại bảo hiểm như được nêu trong bảng số liệu dưới đây. Bảng 2: Tỷ lệ % người trả lời có quan tâm đến các loại bảo hiểm dưới đây Loại bảo hiểm % Loại bảo hiểm % Bảo hiểm ốm đau 47,2 Bảo hiểm hưu trí 10,1 Bảo hiểm chăm sóc y tế 45,2 Bảo hiểm tử vong 9,9 Bảo hiểm tai nạn, thương tật 40,7 Bảo hiểm thai sản 7,5 Bảo hiểm giáo dục 26,0 Bảo hiểm cho vật nuôi 1,8 Bảo hiểm tuổi già 18,2 Bảo hiểm cho cây trồng 0,8 Như vậy, người dân đã có nhu cầu được tham gia bảo hiểm. Được quan tâm nhiều nhất là bảo hiểm liên quan đến sức khỏe như bảo hiểm ốm đau, chăm sóc y tế, tai nạn, thương tật. Các bảo hiểm về tuổi già, hưu trí được quan tâm ít hơn và xếp sau bảo hiểm giáo dục. Riêng bảo hiểm vật nuôi, cây trồng ít được quan tâm nhất và chiếm tỷ lệ rất thấp. Bảo hiểm được tính đến như một giải pháp đề phòng rủi ro xảy ra. Nếu không gặp rủi ro, khoản tiền tham gia bảo hiểm của họ được sử dụng cho lợi ích chung của cộng đồng những người tham gia bảo hiểm, và đồng thời giảm gánh nặng trợ giúp miễn phí của hệ thống hỗ trợ xã hội, đặc biệt khi có rủi ro trên diện rộng. Tuy nhiên, thực tế triển khai bảo hiểm ở địa phương cho thấy hệ thống an sinh xã hội ở cấp độ phòng ngừa còn rất khiêm tốn. 34,8% những người được hỏi đã hoặc đang làm trong khu vực chính thức, khu vực kê khai không có bảo hiểm xã hội. Điều này có thể được lý giải bởi sự chậm trễ trong việc đưa ra những biện pháp thể chế tích cực hơn. Chính phủ đã có Nghị định 113/CP ngày 16-4-2004 về xử phạt nợ đọng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đơn vị vi phạm. Tuy vậy mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng không đủ sức răn đe. “Công ty cháu có gần 30 người. Công ty tư nhân thường không đóng bảo hiểm, cháu đi làm mấy công ty tư nhân cũng thế. Công nhân làm cũng không đòi hỏi gì. Khi đến làm, giám đốc chỉ bảo hết thời gian thử việc thì công việc là thế này chứ không nhắc đến hợp đồng và bảo hiểm y tế. Cháu cũng hiểu sơ sơ về luật lao động rằng người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thấy trưởng phòng bảo không phải ký hợp đồng và anh cũng không ký”. (PVS nam, 24 tuổi, thôn Đình Vỹ, trình độ trung cấp, đang làm bảo hành An sinh xã hội ở khu vực nông thôn... Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 36 máy cho công ty tư nhân chuyên điện tử điện lạnh được 6 tháng) Thiếu một cơ chế điều tiết linh hoạt trong phương thức đóng bảo hiểm xã hội. Có những quy định được điều chỉnh, sửa đổi và trực tiếp đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, làm họ bị mất hoặc gián đoạn việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Thậm chí, họ có thể chính là người đang làm công tác thương binh, lao động, xã hội. “Như tôi là người làm công tác thương binh xã hội nhưng hiện giờ việc đóng bảo hiểm xã hội cũng bị tạm dừng, ngay cả bảo hiểm y tế cũng không được cấp. Tôi thấy chính sách của mình rất bất cập. Như tôi tham gia đóng bảo hiểm xã hội được mấy năm rồi nhưng lại tạm dừng. Có đề xuất rồi kể cả viết đơn. Nhưng cơ quan chức năng có thẩm quyền ở thành phố chỉ trả lời là hiện nay chúng tôi đồng ý và công nhận là bất cập nhưng việc đó thôi các anh cứ chờ chúng tôi đề xuất với cấp trên để điều chỉnh.” (PVS, cán bộ Thương binh - Lao động và Xã hội của xã). Rõ ràng ở đây cần tính đến khả năng chuyển từ bảo hiểm xã hội bắt buộc sang phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và ngược lại nếu như chúng ta muốn hướng tới lộ trình tăng cường sự tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động. Qua việc triển khai bảo hiểm y tế cho thấy cũng có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc mở rộng mức độ che phủ bảo hiểm này. Trước hết là về quyền lợi bảo hiểm, người dân tỏ ra băn khoăn về quyền lợi được hưởng khi tham gia bảo hiểm y tế. Người dân có trong tay thẻ bảo hiểm y tế, nhưng họ không thực sự nắm rõ phạm vi thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm khi gặp rủi ro về sức khỏe. “Tôi cũng không hiểu Nhà nước bán bảo hiểm y tế cho người dân là được trợ cấp toàn bộ hay chỉ cấp những thuốc rẻ tiền. Do đó, người dân có nhiều đắn đo suy nghĩ nên họ không muốn mua”. (PVS người dân, nam, 56 tuổi, thôn Liên Đàm). Bên cạnh đó là việc những người có thẻ bảo hiểm y tế ít được hoan nghênh tại các cơ sở y tế. Trong mối quan hệ tay ba giữa nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh và người dân, người dân thường chịu thiệt thòi. Song, nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế lại chưa đưa ra được những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ khách hàng của mình. “Hơn nữa, các bệnh viện cũng chưa lấy được uy tín. Nếu các bệnh viện thực hiện đúng các quy định của Nhà nước thì ở địa phương 100% các hộ gia đình sẽ mua. Một số gia đình mua bảo hiểm nhưng khi ra đến bệnh viện thuốc không có, phục vụ khám chữa bệnh chưa nhiệt tình, nói chung bảo hiểm chỉ đỡ được tiền giường còn thuốc chỉ được những loại rẻ tiền”. (PVS người dân, nam, 60 tuổi, thôn Lại Hoàng). ở cấp độ nâng cao năng lực nơi thể hiện các quan điểm vĩ mô, các chính sách của nhà nước trong chiến lược phát triển an sinh xã hội cũng cho thấy nhiều điều chưa tích cực. Vẫn còn những rào cản để mọi người dân có thể chủ động tham gia vào bảo hiểm y tế. Theo quy định trong thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính số 22/2005/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 24 tháng 8 năm 2005 tại Khoản I Phạm vi, đối tượng và điều kiện triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện, mục 3 Điều kiện triển khai, điểm a áp dụng đối với đối tượng là hộ gia đình nêu “ít nhất 10% hộ gia đình trên phạm vi địa bàn xã đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện” (điều kiện 2). Cũng tại điểm a, điều kiện 1 có nêu 100% các thành viên có tên trong Tô Duy Hợp & Nguyễn Thị Minh Phương Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 37 sổ hộ khẩu (không bao gồm những thành viên đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc) phải đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thì các thành viên trong hộ mới đủ điểu kiện để tham gia mua bảo hiểm y tế. Xét riêng theo những điều kiện nêu trong thông tư liên tịch giữa hai Bộ Y tế và Bộ Tài chính thì xã Yên Thường đã hoàn thành rất tốt yêu cầu tối thiểu. Tuy vậy, ở đây đặt ra một vấn đề tranh luận là tại sao lại đưa ra những điều khoản quy định trên. Mục tiêu của bảo hiểm y tế là phủ đến mọi người dân. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện như đã nêu trong điểm b, mục 1. Phạm vi điều chỉnh, khoản I của cùng thông tư này rằng “bảo hiểm y tế tự nguyện được áp dụng với mọi công dân Việt Nam (trừ những người đã có thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc và trẻ em dưới 6 tuổi) theo mục tiêu, nguyên tắc quy định tại Điều lệ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/ 5/ 2005 của Chính phủ”. Chính trong Nghị định này, Điều 4 Đối tượng thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện, Chương I Quy định chung, Phần Điều lệ tham gia bảo hiểm y tế đã nêu rõ bảo hiểm y tế tự nguyện áp dụng với mọi đối tượng có nhu cầu tự nguyên tham gia bảo hiểm y tế. Với cách triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện như đang làm ở Yên Thường hiện nay thì rõ ràng người dân chịu hai lớp rào cản để tiếp cận được bảo hiểm y tế tự nguyện khi anh/chị ta có nhu cầu. Rào cản thứ nhất, mọi thành viên trong hộ của anh ta/chị ta phải tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện (trừ những người đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc). Nếu như vì một lý do nào đó một thành viên trong hộ chưa muốn hoặc chưa thể tham gia thì điều đó có nghĩa là các thành viên còn lại cho dù rất có nhu cầu cũng không thể tham gia. Rào cản thứ hai, cho dù mọi thành viên trong hộ anh/chị A đồng ý cùng đăng ký mua bảo hiểm y tế tự nguyện thì hộ này còn phụ thuộc vào các hộ khác trong xã có tham gia hay không. Nếu dưới 10% tổng số hộ trong xã không tham gia, thì tất cả những cố gắng của cả người dân và chính quyền địa phương đều không thoả mãn được nhu cầu được tham gia bảo hiểm y tế của người dân với tư cách là công dân Việt Nam. Cách phân phối sản phẩm bảo hiểm y tế tự nguyện hiện nay vẫn mang dáng dấp của một kiểu bán hàng phân phối tem phiếu của thời kỳ bao cấp. “Xã này tương lai là phát triển, nếu đầu năm sau họ bán tỉ lệ sẽ là gấp đôi. Nhiều người cũng muốn mua nhưng họ chỉ về bán có 1 ngày” (PVS người dân, nam, 56 tuổi, thôn Liên Đàm). “Năm nay nếu chúng tôi không khóa chắc còn nhiều người mua vì thời hạn là đến 1/8 cấp bảo hiểm mà phải nộp tiền trước 1 tháng. Xã làm đại lý chung và giao cho 10 ông trưởng thôn làm” (PVS, cán bộ lãnh đạo xã)”. Rõ ràng đây là nhu cầu từ cả hai phía, phía nhà cung cấp bảo hiểm và phía người dân mua bảo hiểm. Chính quyền xã tỏ ra năng động trong việc thông báo, cung cấp thông tin cho người dân. Song, các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế ở cấp cao lại không cơ động và linh hoạt trong việc bán sản phẩm. Nhà cung cấp chưa tính đến tính liên tục, tính sẵn có của sản phẩm bảo hiểm mà họ có thể cung cấp cho người dân. “Trước đây bảo hiểm y tế người dân cũng không biết để mua, mới từ năm 2005 người dân mới được vận động mua và có khoảng vài chục gia đình mua. Thực ra ngay cả bảo hiểm cũng chưa đi sâu tới người dân” (PVS, nam, thôn Lại Hoàng). Thêm vào đó là việc yêu cầu khách hàng chọn nơi khám chữa bệnh cho An sinh xã hội ở khu vực nông thôn... Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 38 mình, một nơi khám chữa bệnh duy nhất trong suốt thời hạn bảo hiểm. Muốn thay đổi, người có thẻ bảo hiểm y tế phải làm một số thủ tục chuyển nơi khám chữa bệnh từ nơi mình vốn đăng ký tới nơi một khác trong lần khám chữa bệnh đó. Rõ ràng cách làm này không linh hoạt và chưa có tác dụng khuyến khích các các cơ sở y tế có thái độ ứng xử tốt hơn đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Một hệ thống an sinh xã hội với các loại hình bảo hiểm đa dạng sẽ giúp bao phủ đến nhiều người dân với các nhu cầu khác nhau hơn. Tuy vậy, còn rất ít loại hình bảo hiểm phù hợp với người dân, hoặc có, song vẫn chưa đến được những người dân có nhu cầu. Nếu nhiều người tham gia bảo hiểm thì khả năng phòng ngừa rủi ro càng lớn hơn, quỹ bảo hiểm chung lớn hơn và vì thế xã hội được hưởng lợi nhiều hơn. Việc tham gia bảo hiểm có thể xem là giải pháp cần thiết đối với khu vực nông thôn trong việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, cũng như trong bước chuyển dịch mô hình an sinh phi chính thức sang chính thức, từ dựa trên hỗ trợ xã hội là chính sang bảo hiểm là chính. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát, nhìn nhận về quá trình chuyển đổi này có lẽ đây là một triển vọng lâu dài trong tương lai hơn là một mục tiêu trước mắt. 3. Hỗ trợ xã hội (Social supports) Đánh giá về chất lượng của các chương trình hỗ trợ hiện nay ở Yên Thường theo 3 cấp độ an sinh thì có thể thấy những hỗ trợ chủ yếu vẫn là ở cấp độ lưới an toàn. Cho dù ở mức độ lưới an toàn thì chất lượng còn yếu, và hạn hẹp. Chẳng hạn, theo ý kiến của cán bộ chuyên trách lao động, thương binh, xã hội, có 8 hộ nghèo đang được xã đề nghị hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên là 100.000 đồng/người/tháng. Nếu xét theo tiêu chí nghèo thì khoản trợ cấp này còn cách xa so với chuẩn nghèo quốc gia đối với khu vực nông thôn (270.000đồng/người/tháng). Ngay dù đang ở cấp độ lưới an toàn thì đây cũng là một lưới an toàn hết sức mong manh. Tương tự như vậy, ở các nhóm khác như người già cô đơn không nơi nương tựa và người khuyết tật, những khoản hỗ trợ theo quy định của nhà nước hiện tại chưa bao giờ đạt đến chuẩn nghèo. Với rất nhiều người khuyết tật khác những khoản hỗ trợ trên thậm chí có thể còn không có. “Cả thôn có mười mấy cháu bị chất độc da cam. Có trường hợp được, nhưng như cháu nhà tôi không được cái gì. Hàng năm chỉ có quà tết. Gia đình cũng muốn các cháu được khoảng hơn 100.000đồng/tháng để động viên gia đình. Năm nào chúng tôi cũng thấy có thông báo mời các cháu ra khám, còn khám xong lại bỏ đấy. Có mời ra khám, có ghi chép nhưng hàng năm cũng không thấy tuyên truyền cháu này được cháu kia không. Mấy năm trước thỉnh thoảng có được, nhưng 3 năm gần đây không được”. (PVS, nam giới, thôn Đình Vỹ). Ở cấp cơ sở còn chậm trong việc rà soát, xây dựng các chương trình, hoạt động hỗ trợ cho nhóm khó khăn. Toàn xã có 212 người khuyết tật. Vào ngày người khuyết tật 18 tháng 4 hằng năm, trưởng các thôn đến từng gia đình có người khuyết tật để tặng quà, động viên thăm hỏi. Kinh phí mua quà được lấy từ xã. Tuy vậy, một vấn đề đặt ra là những người khuyết tật này, trừ một vài trường hợp là con của những người thuộc diện có công bị ảnh hưởng chất độc Tô Duy Hợp & Nguyễn Thị Minh Phương Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 39 da cam, hiện chưa được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp thường xuyên nào từ nhà nước ngoài sự trợ giúp của người thân. Gần đây, xã Yên Thường mới có kiểm tra và thống kê con số chính thức về những người khuyết tật trên địa bàn xã và lập danh sách gửi lên cấp trên để chờ được xét duyệt vào danh sách đối tượng khó khăn được hưởng chế độ trợ cấp. Trong lúc chờ đợi họ chỉ có thể dựa vào sự chăm sóc của gia đình. Những chậm trễ này rõ ràng là một thiếu sót mà đáng lẽ cần được phát hiện sớm hơn và cần có phương thức hỗ trợ sớm hơn nữa. Các hỗ trợ mang tính giải quyết tình thế, ứng phó hơn là một chương trình được hoạch định cụ thể. Những trường hợp bị tai nạn đột xuất, hoàn cảnh khó khăn có chăng nhận được một số ít tiền trợ giúp từ chữ thập đỏ, nhưng sau đó các hoạt động khác hầu như không được nhắc đến. Chẳng hạn như năm trước trong xã xảy ra 1 trường hợp tai nạn tử vong cả 2 vợ chồng. Cán bộ xã cho biết họ có đến gia đình thăm hỏi, hội chữ thập đỏ có trợ giúp một số ít tiền, nhưng không hề nhắc đến các hỗ trợ khác. ở đây đặt ra vấn đề an sinh xã hội như thế nào ở cả 3 cấp lưới an toàn, phòng ngừa và nâng cao năng lực cho những người còn lại như trẻ nhỏ và người già trong gia đình này khi 2 người lao động chính thức của gia đình không còn? Nhà nước đã có một số chính sách và chương trình hỗ trợ cho nhóm những người có công và thân nhân của họ. Hiện trong xã có 421 đối tượng có công hiện đang được hưởng chế độ trợ cấp, ưu đãi của nhà nước. Nhà nước cho đến nay cũng vẫn thực hiện chính sách ưu đãi không thu thuế đất ở đối với các gia đình chính sách. Cứ 2 năm 1 lần, xã tổ chức cho các nhóm đối tượng chính sách này đi thăm quan các nơi di tích lịch sử. Cộng đồng địa phương cũng có một vài phương thức hỗ trợ. Tuy vậy, thực tế là còn nhiều người trong số họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Có 46 người già cô đơn không nơi nương tựa, được hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên của Nhà nước là 150.000 đồng/tháng (trước đây là 115.000 đồng/tháng). Xã có 68 hộ nghèo tương đương 139 khẩu. Xã đang tiến hành tu sửa nhà dột nát cho 3 hộ nghèo, mỗi nhà trị giá 10 triệu đồng, trong đó có 8 triệu lấy từ quỹ vì người nghèo do ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện, còn 2 triệu là do xã và gia đình cùng đóng góp. Hiện tại, xã đã lập danh sách các hộ nghèo với 139 thành viên đề xin đề nghị được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Có 8 hộ gia đình cũng đang được xã đề nghị lên cấp trên xin cho họ được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, với số người đề nghị được hưởng trợ cấp là 12 trường hợp. Tuy vậy, thực tế là khoản hỗ trợ này cho dù có nhưng cũng rất hạn hẹp. “Bữa ăn hàng ngày hết khoảng 5 nghìn, 2 năm nay cũng được nhà nước hỗ trợ 105.000 đồng/tháng. Còn trước kia nhờ anh em họ hàng giúp đỡ, đến bây giờ hai mẹ con cũng chỉ ăn một bữa còn một bữa nhịn. Trước kia con gái đi làm giúp việc cho nhà người ta, nhưng bây giờ bị bệnh đái đường cũng không thể đi ở được. Bao nhiêu năm nay tôi sống không có điện, toàn đi xin nước hàng xóm về dùng” (PVS hộ nghèo, nữ giới, thôn Xuân Dục). Trong khi đó gợi ý từ thực tế đặt ra vấn đề cần xem xét lại những khoản trợ cấp chưa đúng chỗ. “Theo Pháp lệnh người cao tuổi, cứ các cụ từ 90 tuổi trở lên được trợ cấp tiền người cao tuổi hàng tháng, nhưng có nhiều người nhà rất giàu người ta không cần thiết nhưng vẫn được hưởng trợ cấp, bên cạnh đó nhiều người rất nghèo cũng chỉ được hưởng An sinh xã hội ở khu vực nông thôn... Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 40 150.000 đ. Theo tôi bình quân như thế là không nên. Cứ chia đều là không nên” (PVS, cán bộ Thương binh - Lao động và Xã hội xã). Hỗ trợ xã hội, trợ cấp xã hội cho các nhóm đối tượng cũng cần tính đến các nhóm có hoàn cảnh khác nhau. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, nghiêm trọng ít nhiều, để có phương thức hỗ trợ phù hợp. Những người đặc biệt khó khăn cần được ưu tiên trước hết. Bên cạnh các trợ giúp chính thức từ nhà nước, trong xã cũng còn có các chương trình trợ giúp khác của thông qua các tổ chức, hiệp hội, đặc biệt là hội phụ nữ, một trong những hội hoạt động khá hiệu quả ở nông thôn trong các chương trình giảm nghèo. Trong năm qua, phong trào “ly sữa quả trứng” đã giúp 215 lượt trẻ suy dinh dưỡng trong xã với số tiền tương ứng là 3.500.000 đồng; 9680 lượt hội viên hội phụ nữ được tuyên truyền về kiến thức nuôi dạy con theo khoa học và kế hoạch hóa gia đình; 1.850.000 đồng đã được trao cho các con em là học sinh giỏi nhưng thuộc các gia đình khó khăn thông qua công tác khuyến học của hội phụ nữ xã. Đánh giá về mức độ biết đến và tham gia các hoạt động hỗ trợ xã hội ở địa phương của người dân cho thấy các chương trình ưu đãi cho nhóm đối tượng thuộc diện chính sách, có công được nhiều người biết đến nhất với tỷ lệ 60,1%. Hoạt động được biết đến thứ 2 là bảo trợ người già cô đơn không nơi nương tựa với tỷ lệ người trả lời có biết là 41,9%. Các hoạt động khác như bảo trợ người khuyết tật có 38,5% ý kiến trả lời có biết, hoạt động cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp có 33,1% có biết. Riêng hoạt động bảo trợ trẻ em mồ côi ở địa phương được ít biết nhất, chỉ có 9,5% cho biết là họ có biết đến hoạt động này ở địa phương. Trong năm qua, có ba hoạt động hỗ trợ xã hội được nhiều người tham gia nhất là: ủng hộ quỹ từ thiện của làng -xã với tỷ lệ trả lời có tham gia là 73%; ủng hộ quỹ khuyến học của làng - xã (48%); và tham gia các hoạt động chung của cộng đồng hỗ trợ những người yếu thế, dễ bị tổn thương (47%). Còn lại, một tỷ lệ thấp hơn những người được hỏi cho biết họ có giúp đỡ các gia đình nghèo (18%), giúp đỡ những người khó khăn (16%). Hai hoạt động khác như cho vay tiền hay giúp tạo việc làm chiếm tỷ lệ rất thấp (9,4% và 5,1%). Nhìn chung, bên cạnh một vài giúp đỡ chính thức từ chính quyền địa phương, các tổ chức từ thiện và cộng đồng làng - xã, những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn phải dựa vào gia đình là chính. Tất cả những hỗ trợ bên ngoài gia đình chỉ giúp được rất nhỏ, hơn nữa số người khó khăn được hưởng những hỗ trợ này cũng rất mỏng. Họ vẫn phải dựa vào sự chăm sóc của gia đình là chủ yếu. 4. Triển vọng mô hình hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn Chúng ta đã bàn đến hai tiểu hệ thống hợp thành của hệ thống an sinh xã hội: Một là tiểu hệ thống bảo hiểm hai là tiểu hệ thống hỗ trợ xã hội. Một bên cho thấy lộ trình tiến tới bảo hiểm trên diện rộng ở khu vực nông thôn sẽ còn là một tương lai dài. Còn bên kia cho thấy những hỗ trợ chính thức từ nhà nước và các tổ chức khác còn rất hạn hẹp, và gia đình vẫn là chỗ dựa chủ yếu. Nếu mức độ bao phủ bảo hiểm hạn hẹp thì gánh nặng về an sinh xã hội sẽ đè nặng lên cột trụ hỗ trợ xã hội. Trong lúc những hỗ trợ xã hội còn khiêm tốn thì gánh nặng này sẽ vẫn thuộc về gia đình. Tức là nếu rủi ro trong cuộc sống, trong lao động, sản xuất Tô Duy Hợp & Nguyễn Thị Minh Phương Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 41 xảy ra mà không có bảo hiểm, trong khi đó hỗ trợ từ phía nhà nước, các tổ chức xã hội khác không có hoặc chưa đến thì gánh nặng khó khăn càng tăng lên gấp bội. Có một vấn đề cần xem xét thêm là liệu người dân có quan tâm đến vấn đề bảo hiểm không và họ có khả năng mua bảo hiểm hay không? Điểm số đánh giá về mức độ biết đến các loại bảo hiểm của người dân địa phương cho theo thang điểm 5. Mức thấp nhất là hoàn toàn không biết 1 điểm, không biết là 2 điểm, tạm được là 3 điểm, biết là 4 điểm và cao nhất là hoàn toàn biết là 5 điểm. Nhìn tổng thế, ý kiến đánh giá của người trả lời về mức độ biết đến các loại bảo hiểm của người dân địa phương chỉ trên mức tạm được một chút (3,03 điểm). Cho điểm đánh giá về khả năng tham gia bảo hiểm của người dân địa phương mức thấp nhất 1 điểm: rất ít có khả năng tham gia, mức cao nhất là hoàn toàn có khả năng tham gia 5 điểm. Đánh giá về khả năng tham gia bảo hiểm của người dân cho thấy điểm số trung bình là 3,01, tức là khả năng tham gia bảo hiểm ở địa phương nói chung là ở mức “bình thường”, “tạm được”, chứ chưa đến mức “có khả năng” hay “hoàn toàn có khả năng”. Xem xét theo nhóm mức sống cho thấy nhóm giàu nhất, nhóm trung bình và nhóm nghèo nhất đều đánh giá rằng khả năng tham gia bảo hiểm của người dân địa phương dưới mức tạm được (2,98; 2,93 và 2,98 điểm). Trong khi đó nhóm cận nghèo cà nhóm cận giàu tỏ ra lạc quan hơn với số điểm trung bình trên mức tạm được một chút (3,14 và 3,05 điểm). Có thể thấy là khả năng tham gia bảo hiểm theo đánh giá chung mới ở mức tạm được. Qua ý kiến của người dân về những điều cần có để mở rộng mạng lưới bảo hiểm ở nông thôn cho thấy: ý kiến cho rằng để mở rộng mạng lưới bảo hiểm ở nông thôn cần mở rộng tuyên truyền, quảng cáo chiếm tỷ lệ ý kiến trả lời là cao nhất với 68,4%; Tiếp đến là ý kiến cho rằng cần điều chỉnh các thủ tục thanh toán, chi trả bảo hiểm nhanh và đầy đủ (49,0%) và ý kiến nên điều chỉnh mức phí bảo hiểm cho phù hợp (48,8%); ý kiến cho rằng nên xây dựng nhiều sản phẩm bảo hiểm khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng chiếm tỷ lệ thấp hơn 25,4% và sau cùng là cần xây dựng nhiều phương thức đóng phí bảo hiểm khác nhau (13,0%). Có thể thấy những quan tâm cải thiện trước hết vẫn là thông tin về bảo hiểm, các thủ tục tham gia bảo hiểm hơn là các loại sản phẩm bảo hiểm. Đây là một xã ngoại thành Hà Nội, có thu nhập bình quân đầu người là 738.000 đồng/tháng, ở nhóm nghèo nhất là 353.000 đồng/tháng, và ở nhóm giàu nhất là 1.212.000 đồng/tháng. Một xã đang diễn ra quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng phi nông nghiệp hóa. Mặc dù người dân có quan tâm nhất định đến bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm y tế, song sức mua hạn chế là một vấn đề cần được tính đến. Phải chăng bước đầu là cần mở rộng, nâng cao hiểu biết của người dân về vấn đề bảo hiểm, ý nghĩa và các cơ chế tham gia. Đây có lẽ là một triển vọng lâu dài. Để mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm có thể chia làm nhiều loại theo các tiêu chí khác nhau: 1/ Theo khả năng chi trả: xây dựng bảo hiểm có các mệnh giá khác nhau như cao, trung và thấp (mức tối thiểu). Cách làm này hiện nay bảo hiểm y tế đang triển khai. Các hãng bảo hiểm tư nhân và nước ngoài trên thị trường bảo hiểm ở Việt Nam cũng có những sản phẩm bảo hiểm theo kiểu này, tức là nhiều mức mua bảo hiểm khác nhau; 2/ Theo thời hạn bảo An sinh xã hội ở khu vực nông thôn... Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 42 hiểm: nửa năm, một năm, 10 năm, 20 năm, 40 năm,; 3/ Theo loại hình bảo hiểm: bảo hiểm giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm sinh mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm cây trồng, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm nhân thọ, 4/ Theo mức độ bảo hiểm: một số hạng mục, đa số, hay tất cả các hạng mục. Hệ thống an sinh xã hội được biết đến là một hệ thống dựa trên 2 trụ cột cơ bản là Bảo hiểm và Hỗ trợ xã hội. Giả thuyết ban đầu đặt ra trong việc nghiên cứu và dự báo sự phát triển của hệ thống an sinh xã hội là theo xu thế chung của nhiều nước đang phát triển, lấy mô hình hệ thống an sinh xã hội các nướcc phát triển làm mục tiêu thì trong tương lai là hệ thống an sinh xã hội sẽ chuyển từ dựa trên hỗ trợ xã hội là chính sang dựa trên bảo hiểm là chính, từ phi chính thức sang chính thức. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trường hợp Yên Thường chưa cho thấy một triển vọng như thế. Có lẽ, trong tương lai gần, từ nay đến 2010, khả năng này rất khó diễn ra, đặc biệt ở cộng đồng nông nghiệp. Đương nhiên đây chỉ là một nghiên cứu trường hợp và cần phải tiếp tục nghiên cứu, kiểm tra trên những mẫu khác. Kết quả khảo sát cho thấy những hỗ trợ từ phía nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác cho các nhóm xã hội đặc biệt ở địa phương hiện nay còn hạn hẹp. Khả năng ứng phó với rủi ro còn hạn chế. Đặc biệt là khả năng xây dựng các nguồn quỹ hỗ trợ cũng rất hạn hẹp. Mức độ tham gia bảo hiểm hiện nay chủ yếu vẫn dành cho lao động thuộc khu vực nhà nước, và một số ít doanh nghiệp tư nhân. Các loại hình bảo hiểm khác như nhân thọ, sinh mạng, mang tính tự nguyện nhưng hiện chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Điều này một phần do sức đóng bảo hiểm của nông thôn còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều rào cản đối với người dân trong việc tiếp cận bảo hiểm và sử dụng dịch vụ bảo hiểm như trong trường hợp bảo hiểm y tế. Điều này đặt ra những yêu cầu điều chỉnh, thay đổi về mặt chính sách, phương thức tổ chức và thực hiện. Gợi mở từ việc nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn kiến tạo hệ thống an sinh xã hội ở khu vực nông thôn cho thấy sẽ tồn tại hai loại mô hình phổ biến hơn cả; một là an sinh xã hội hỗn hợp dựa trên hỗ trợ xã hội là chính, hai là an sinh xã hội hỗn hợp dựa trên bảo hiểm là chính. ở mỗi địa phương khác nhau, có thể mô hình này trội hoặc mô hình kia trội hơn. Sẽ khó xảy ra sự chuyển đổi từ cực đoan này đến cực đoan khác, từ hệ thống an sinh xã hội hoàn toàn dựa trên hỗ trợ xã hội sang một hệ thống an sinh xã hội hoàn toàn dựa trên bảo hiểm xã hội. Xu thế chung là sự hình thành 2 mô hình đối trọng: an sinh xã hội hỗn hợp trọng hỗ trợ xã hội và an sinh xã hội hỗn hợp trọng bảo hiểm; và đó sẽ là 2 thành phần chủ yếu của hệ thống an sinh xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam trong tương lai. Tài liệu tham khảo 1. Phòng Xã hội học nông thôn và Phòng Tổ chức Cán bộ và đào tạo: Báo cáo đề tài cấp viện 2005. 2. Báo cáo chung của các nhà tài trợ tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam. Báo cáo phát triển Việt Nam 2004: Nghèo. Hà Nội 12/2003. 3. Bùi Thế Cường (chủ nhiệm đề tài), 2003: Phúc lợi xã hội ở Việt Nam - Hiện trạng, vấn đề và điều chỉnh. Đề tài cấp Bộ. Hà Nội. Tô Duy Hợp & Nguyễn Thị Minh Phương Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 43 4. Dương Chí Thiện, 2006: Tìm hiểu hệ thống an sinh xã hội Trung Quốc. Tạp chí Xã hội học, số 1/2006. 5. Đỗ Thiên Kính, 2006: Hệ thống phúc lợi ở Nhật bản và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Xã hội học, số 1/2006. 6. Jonathan Pincus, 2005: Hướng tới một khuôn khổ hợp nhất cho an sinh xã hội ở Việt Nam. Báo cáo trong Hội thảo khoa học: Hệ thống an sinh xã hội Việt Nam, do UNDP, Bộ Lao động - Thương bing và Xã hội, Viện Khoa học xã hộiViệt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội, 22/7/2005. 7. Lê Bạch Dương - Đặng Nguyên Anh - Khuất Thu Hồng - Lê Hoài Trung - Robert Lezoy Bach, 2005: Bảo trợ xã hội cho những nhóm thiệt thòi ở Việt Nam. Nxb Thế giới. Hà Nội. 8. Nguyễn Hải Hữu, 2006: Phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạp chí Xã hội học, số 1/2006. 9. Tô Duy Hợp và cộng sự, 2000: Báo cáo nhiệm vụ cấp Bộ năm 2000: Luận cứ khoa học cho việc điều chỉnh chính sách xã hội nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam ngày nay. Hà Nội. 10. Tô Duy Hợp, 2006: An sinh xã hội tam nông - một số vấn đề lý luận cơ bản. Tạp chí Xã hội học, số 1/2006. 11. Trịnh Duy Luân, 2006: Góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tổng thể ở nước ta hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số 1/2006.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfso1_2007_toduyhop_1453.pdf
Tài liệu liên quan