Ẩn dụ và hoán dụ từ vựng ở một số động từ chỉ hoạt động nhận thức trong tiếng Việt - Nguyễn Thị Thu Hà

Tài liệu Ẩn dụ và hoán dụ từ vựng ở một số động từ chỉ hoạt động nhận thức trong tiếng Việt - Nguyễn Thị Thu Hà: 27 TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Số 68, 2010 ẨN DỤ VÀ HOÁN DỤ TỪ VỰNG Ở MỘT SỐ ĐỘNG TỪ CHỈ HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC TRONG TIẾNG VIỆT Nguyễn Thị Thu Hà Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế TÓM TẮT Ẩn dụ và hoán dụ là hai phương thức cơ bản thể hiện sự mở rộng ngữ nghĩa của từ và có thể thấy đây là hiện tượng ngữ nghĩa phổ quát đối với mọi ngôn ngữ. Bài viết này sẽ xem xét sự chuyển nghĩa theo hướng ẩn dụ và hoán dụ của một số động từ biểu thị hoạt động vật lí sang biểu thị hoạt động tinh thần – nhận thức trong tiếng Việt. Qua đó, phần nào chúng tôi phác thảo cách tri nhận và cách biểu đạt hoạt động nhận thức trừu tượng của người Việt bằng ngôn ngữ. 1. Đặt vấn đề Hoạt động nhận thức là hoạt động bản chất và đặc thù của con người. Nhưng nó hoàn toàn trừu tượng, diễn ra không có một dấu vết nào, nhờ phương tiện ngôn ngữ mà được di chuyển ra bên ngoài. Chính ở đây, con người đã có nhu cầu gọi tên hoạt động này bằng một số các động từ gọi chung là động từ nhận thức...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 669 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ẩn dụ và hoán dụ từ vựng ở một số động từ chỉ hoạt động nhận thức trong tiếng Việt - Nguyễn Thị Thu Hà, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
27 TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Số 68, 2010 ẨN DỤ VÀ HOÁN DỤ TỪ VỰNG Ở MỘT SỐ ĐỘNG TỪ CHỈ HOẠT ĐỘNG NHẬN THỨC TRONG TIẾNG VIỆT Nguyễn Thị Thu Hà Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế TÓM TẮT Ẩn dụ và hoán dụ là hai phương thức cơ bản thể hiện sự mở rộng ngữ nghĩa của từ và có thể thấy đây là hiện tượng ngữ nghĩa phổ quát đối với mọi ngôn ngữ. Bài viết này sẽ xem xét sự chuyển nghĩa theo hướng ẩn dụ và hoán dụ của một số động từ biểu thị hoạt động vật lí sang biểu thị hoạt động tinh thần – nhận thức trong tiếng Việt. Qua đó, phần nào chúng tôi phác thảo cách tri nhận và cách biểu đạt hoạt động nhận thức trừu tượng của người Việt bằng ngôn ngữ. 1. Đặt vấn đề Hoạt động nhận thức là hoạt động bản chất và đặc thù của con người. Nhưng nó hoàn toàn trừu tượng, diễn ra không có một dấu vết nào, nhờ phương tiện ngôn ngữ mà được di chuyển ra bên ngoài. Chính ở đây, con người đã có nhu cầu gọi tên hoạt động này bằng một số các động từ gọi chung là động từ nhận thức. Đó là những từ ngữ không biểu thị hoạt động vật chất của thế giới cụ thể - hữu hình như xây, rơi, đóng, mở, kéo, ... ngược lại, là những từ ngữ biểu thị hoạt động tinh thần của con người trong thế giới trừu tượng - vô hình, song cũng không phải là thế giới của hoạt động tâm lí - tình cảm - ý chí như yêu, ghét, nhớ, mong, muốn, toan, định,... mà là những từ ngữ gọi tên các hành động, các quá trình, các trạng thái tinh thần diễn ra trong bộ óc con người khi con người nghĩ về thế giới và hiểu biết như thế nào đó về thế giới. Với trường từ vựng biểu thị hoạt động nhận thức mà chúng ta đang xem xét, căn cứ vào nguồn gốc ý nghĩa của các từ, ta có thể chia làm hai nhóm: nhóm từ ngữ có nghĩa gốc và nhóm từ ngữ có nghĩa phái sinh. Nhóm từ ngữ có nghĩa gốc tập hợp những đơn vị từ vựng mang ý nghĩa đầu tiên chỉ hoạt động nhận thức, nhóm này có thể từ đơn cũng có thể từ phức, ngữ nghĩa của chúng có thể theo hướng khái quát hóa cũng có thể theo hướng cụ thể hóa. Theo hướng khái quát hóa là những từ chỉ hoạt động nhận thức nói chung, thường có cấu tạo là từ ghép hợp nghĩa (hiểu biết, suy tính, suy đoán...), hoặc từ láy (nghĩ ngợi, học hành, tính toán ...). Theo hướng cụ thể hóa thường là từ ghép phân nghĩa, được sản sinh bằng cách sử dụng một từ đơn tiết chỉ hoạt động nhận thức làm yếu tố cơ sở, kết hợp với yếu tố phân nghĩa để cụ thể hóa hoạt động đó: học - học vẹt quên - quên béng 28 - học gạo - quên lửng - học chay - quên khuấy - học mót - quên bẵng Dựa vào Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Nxb KHXH, Hà Nội, 1994), chúng tôi thống kê được 261 động từ chỉ hoạt động nhận thức, trong đó, nhóm động từ có nghĩa gốc chỉ hoạt động nhận thức gồm: 145 động từ, chiếm 55,6%, những từ còn lại được xếp vào nhóm động từ có nghĩa phái sinh gồm: 116 động từ, chiếm 44,4 % . Đó là những từ vốn không biểu thị hoạt động nhận thức mà biểu thị những hoạt động khác trong đời sống con người, nhưng trong quá trình phát triển ngữ nghĩa, chúng được dùng để chỉ hoạt động nhận thức, được cộng đồng bản ngữ chấp nhận và sử dụng, được cố định lại, lưu giữ trong bộ óc của các cá nhân và trong các công trình từ điển. Chẳng hạn như một số động từ sau: chín (Suy nghĩ cho chín rồi hẵng nói), quanh quẩn (Những ý nghĩ cứ quanh quẩn trong đầu), thức tỉnh (Phong trào đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ đã thức tỉnh lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân), nặn óc (Nặn óc mãi vẫn không nghĩ ra cách giải bài toán), hằn sâu (Những kỷ niệm hằn sâu trong kí ức), vỡ (Bây giờ mọi người mới vỡ chuyện) Quá trình phái sinh ngữ nghĩa gắn liền với quá trình thu hẹp, mở rộng ngữ nghĩa, gắn liền với quá trình chuyển đổi tên gọi theo hướng ẩn dụ hay hoán dụ. Bài viết này tập trung vào sự hình thành động từ nhận thức từ con đường ẩn dụ và hoán dụ trong sự liên hệ với quá trình thu hẹp và mở rộng ý nghĩa của từ. 2. Nội dung 2.1. Quá trình mở rộng, thu hẹp ý nghĩa 2.1.1. Quá trình mở rộng ý nghĩa Mở rộng ý nghĩa là quá trình phát triển nghĩa của từ đi từ cái riêng đến cái chung, từ cái cụ thể đến cái trừu tượng. Lúc này, tính khái quát của nghĩa tăng lên, phạm vi biểu vật tăng lên, nét nghĩa cụ thể bị loại bỏ hay mờ nhạt đi. Có thể kể đến các từ phái sinh biểu thị hoạt động nhận thức như: hấp thu, hấp thụ, tiêu hóa, mổ xẻ, nảy, lóe, mò mẫm, mở mang, mở mắt, nắm, nắm bắt, tỏ, thủng, lẫn, lẫn lộn, quanh quẩn, luẩn quẩn, rối Tiêu hóa lúc đầu có nghĩa hẹp, chỉ quá trình biến thức ăn thành chất nuôi dưỡng cơ thể người và động vật, sau đó mở rộng thêm phạm vi biểu vật, nó chỉ quá trình (con người) biến kiến thức chung thành hiểu biết của riêng bản thân, cũng như quá trình tiêu hóa, nó cần có thời gian thẩm thấu, đi theo các khâu, các giai đoạn xử lí, chuyển hóa kiến thức nhất định. Mổ xẻ vốn là động từ chỉ hoạt động mổ nói chung (do bác sĩ tiến hành) để chữa bệnh. Đây là hoạt động hết sức phức tạp, khó khăn, vì gắn liền với tính mạng con người nên đòi hỏi phẫu thuật viên phải đầu tư công sức, sự tập trung chú ý, tính thận trọng, 29 kinh nghiệm và trình độ chuyên môn. Hướng mở rộng ngữ nghĩa đã cấp thêm cho hình thức ngữ âm này ý nghĩa: phân tích tỉ mỉ, cặn kẽ, để hiểu thật thấu đáo (một điều gì đấy). Tính chất tỉ mỉ, thận trọng, đòi hỏi sự đầu tư công sức của hoạt động gốc được giữ lại trong nghĩa chuyển. Tương tự, nảy với nghĩa gốc là hoạt động nhú ra (của chồi non, của hạt). Ví dụ: hạt nảy mầm, đâm chồi nảy lộc. Thường khó thấy tính quá trình của hoạt động này nhưng lại có thể tri giác được sản phẩm của quá trình sau khi nó đã diễn ra âm thầm, lặng lẽ. Quá trình phát sinh những suy nghĩ bất ngờ, không báo trước trong bộ óc con người, vì thế, cũng có thể tìm thấy sự tương đồng với quá trình nhú ra của cỏ cây, khi mà kết quả của quá trình đó vẫn còn ở thời điểm hiện tại. Quanh quẩn lúc đầu chỉ có nghĩa: loanh quanh ở một chỗ, không đi đâu xa (quanh quẩn ngoài sân) sau đó phái sinh thêm ý nghĩa: suy nghĩ cứ trở đi trở lại như cũ, không dứt ra được, không thay đổi, không phát triển. Hay rối, ban đầu chỉ trạng thái (những vật có dáng mảnh, dài) bị mắc, vướng vào nhau chằng chịt, khó gỡ như chỉ bị rối, tóc rối, tơ rối. Tính chất khó gỡ của động từ này là cơ sở cho sự phát triển nghĩa theo hướng mở rộng: trạng thái tinh thần (tình cảm, nhận thức) bị xáo trộn, chủ thể không biết cách tháo gỡ, cảm thấy không bình thường, không yên. Có thể thấy, trong quá trình mở rộng ý nghĩa của từ nói chung, của các động từ chỉ hoạt động nhận thức nói riêng, cả hai nghĩa: nghĩa gốc và nghĩa phái sinh cùng song song tồn tại tạo nên hiện tượng đa nghĩa cho mỗi từ. 2.1.2. Quá trình thu hẹp ý nghĩa Là quá trình ý nghĩa của từ phát triển từ cái chung đến cái riêng, từ cái trừu tượng đến cái cụ thể. Sự thu hẹp ý nghĩa đi kèm với sự cụ thể hóa ý nghĩa, tăng thêm nét nghĩa cụ thể, quy định phạm vi biểu vật của từ. So với hiện tượng mở rộng ý nghĩa thì hiện tượng thu hẹp ý nghĩa chiếm số lượng ít hơn chỉ thấy xuất hiện ở 5 từ sau: toan tính, suy diễn, tính toán, suy, tiếp thu. Toan tính vốn chỉ suy nghĩ, tính toán nhằm thực hiện việc gì bị co hẹp ý nghĩa theo hướng suy nghĩ, tính toán nhằm thực hiện việc gì (hàm ý chê bai, phủ định). Như vậy sự tăng thêm nét nghĩa đánh giá âm tính trong cấu trúc nghĩa của toan tính đã làm cho phạm vi biểu vật của nó bị thu hẹp lại, chỉ còn xuất hiện trong những tình huống như: Nó chỉ giỏi toan tính những việc thất đức/ hại người hay "Hắn đến để thực thi công cụ, để toan tính làm một cú áp phe ái tình." ( Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai) mà không còn xuất hiện trong những ngữ cảnh như: *Nó toan tính trong đầu những điều tốt đẹp. Tương tự tính toán được từ điển giải thích nghĩa gốc – nghĩa thứ nhất là làm các phép tính để biết, để thấy ra (nói khái quát), ví dụ: tính toán sổ sách, sau đó nghĩa gốc này mở rộng sang nghĩa thứ hai: chỉ suy tính, cân nhắc trước khi làm việc gì (Làm việc gì cũng nên tính toán cho cẩn thận!) nhưng từ nghĩa mở rộng này, tính toán lại thu hẹp 30 ý nghĩa vào nghĩa thứ ba: chỉ suy tính thiệt hơn cho cá nhân mình (hàm ý chê). Vậy nên, khi xuất hiện thêm nét nghĩa đánh giá là chê, phạm vi biểu vật của tính toán bấy giờ bị thu hẹp lại, không còn là suy tính, cân nhắc trước khi làm việc gì một cách chung chung nữa mà được cụ thể hóa vào những suy tính, cân nhắc trước khi làm việc gì để có lợi cho bản thân, vì bản thân. Ví dụ: Đó là một cuộc hôn nhân có tính toán hay Nó luôn tính toán thiệt hơn. 2.2. Chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ, hoán dụ 2.2.1. Chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ Ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật, hiện tượng được so sánh với nhau. Có nhiều kiểu giống nhau giữa các sự vật, hiện tượng được đem ra so sánh nên có nhiều kiểu ẩn dụ, tác giả Đỗ Hữu Châu phân chia ẩn dụ từ vựng làm hai loại lớn là: “ẩn dụ cụ thể - cụ thể và cụ thể - trừu tượng” [1, tr.157]. Trong hai kiểu ẩn dụ nói trên, chúng tôi nhận thấy, hiện tượng chuyển nghĩa theo kiểu ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng đặc trưng cho sự chuyển nghĩa của động từ nhận thức trong tiếng Việt. Sở dĩ có hiện tượng này là bởi qui luật tiết kiệm của ngôn ngữ, thêm vào đó, hoạt động nhận thức vốn trừu tượng lại đa dạng và phức tạp, mà ngôn ngữ luôn có nhu cầu cụ thể hóa chúng để phần nào dễ hình dung, muốn vậy, phương thức khả quan nhất là bắt đầu từ những hoạt động cụ thể với nghĩa gốc, sau đó chuyển nghĩa chúng theo hướng trừu tượng, nghĩa cuối cùng thu được sẽ có tính trừu tượng nhưng nếu người sử dụng có năng lực nhất định về ngôn ngữ, thì họ vẫn nhận thức và duy trì được mối liên hệ ít nhiều với tính cụ thể của nghĩa gốc ngay cả khi nó đã được chuyển nghĩa. Có thể kể đến những động từ nhận thức chuyển nghĩa theo hướng này: - Hành động nhận thức: đào sâu, mổ xẻ, nắm, nắm bắt, khắc sâu, mò mẫm - Trạng thái nhận thức: chín, lầm đường, lấn cấn, mù tịt, tỏ, thủng, lẫn, lẫn lộn, rối, vướng mắc, sáng suốt, thấu, thông - Quá trình nhận thức: in sâu, hằn sâu, hấp thu, mở mang, mở rộng, tiêu hóa, lóe ra, nảy ra (ý kiến, sáng kiến), hấp thu, hấp thụ, quanh quẩn, luẩn quẩn, vỡ Ví dụ, nắm: hoạt động co các ngón tay vào lòng bàn tay và giữ chặt cho thành một khối như nắm lấy áo; bắt: giữ lại (một vật gì đó) không cho nó hoạt động tự do như bắt kẻ gian. Như vậy đây là hai hoạt động hết sức cụ thể của bàn tay có thể quan sát được, nhằm giữ lại những sự vật vật lí hữu hình. Song, kết hợp nắm với bắt lại cho ra nắm bắt với một nghĩa mới theo hướng trừu tượng: thu nhận (kiến thức) để hiểu và vận dụng. Có thể thấy đây là hiện tượng chuyển nghĩa theo hướng ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng. Đào là hoạt động /sử dụng dụng cụ/lấy lên lớp đất đá/nhằm tạo ra một chỗ trống (đào hố, đào giếng); sâu: chỉ độ đo vật lí/lớn hơn mức bình thường/ theo chiều thẳng đứng/ hướng xuống phía dưới, ví dụ: con sông này rất sâu. Khi đào sâu tồn tại với tư cách một cụm từ có chính tố là động từ đào và bổ tố là tính từ sâu, thì chúng sẽ 31 xuất hiện hoặc đi liền nhau hoặc dễ bề chia cắt, xen các yếu tố khác, chẳng hạn: đào sâu may ra mới có nước; đào cho sâu vào, còn cạn lắm!; đào sâu xuống đi! Nhưng khi tồn tại với tư cách là từ, đào sâu luôn được nhận thức là từ biểu thị hoạt động đi vào chiều sâu về mặt nhận thức, nó có hình thức cố định, không thể chêm, xen, gộp nên không thể nói: *đào cho sâu suy nghĩ, vấn đề này cần đào sâu xuống. Như vậy, trên cơ sở nghĩa của từ chỉ những hoạt động cụ thể, phương thức ẩn dụ đã phát triển ý nghĩa theo hướng trừu tượng để gọi tên những hoạt động nhận thức vốn rất khó hình dung. Tương tự, vướng mắc, cũng vậy. Vướng được từ điển định nghĩa là: bị cái gì đó cản lại, giữ lại, khiến cho không hoạt động tự do, dễ dàng như bình thường (vướng phải dây nên bị ngã) và mắc: bị giữ lại, bị cản trở hoạt động đến mức khó gỡ, khó thoát (chuột mắc bẫy, gà mắc tóc). Như vậy, vướng và mắc vốn áp dụng cho những sự vật hết sức cụ thể, có thể tri giác bằng mắt, sờ thấy bằng tay nhưng khi đi vào kết hợp vướng mắc thì chúng đã có tính thành ngữ về nghĩa, biểu thị ý nghĩa: trạng thái tư tưởng, nhận thức không thoải mái do có điều làm phải băn khoăn, phải suy nghĩ. Nghĩa của nó không đơn giản là tổng số nghĩa của vướng + mắc mà đã có sự chuyển đổi theo hướng trừu tượng hóa. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, những động từ nhận thức chuyển nghĩa theo hướng này - ẩn dụ tính - thường trùng với bộ phận từ ngữ nhận thức phái sinh theo hướng mở rộng ý nghĩa. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì phần lớn các từ phái sinh theo hướng mở rộng ý nghĩa bao giờ cũng dựa vào nghĩa ban đầu, nghĩa cơ sở (có tính cụ thể) rồi sau đó mới thực hiện việc chuyển đổi, kết quả của sự chuyển đổi cho ra nghĩa trừu tượng nhưng vẫn bảo đảm giữ lại ít nhiều nghĩa gốc, hoặc ít ra vẫn có sự liên hệ về nghĩa với nghĩa gốc. Căn cứ cho sự chuyển đổi này là những điểm giống nhau giữa hai quá trình, hai hành động (có khác chỉ là ở chỗ từ cụ thể đến trừu tượng) mà đây vốn cũng là cơ sở cho sự chuyển nghĩa theo hướng ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng. 2.2.2. Chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ Hoán dụ là hiện tượng chuyển nghĩa dựa trên quan hệ tương cận giữa các sự vật, hiện tượng, hoạt động. Có nhiều kiểu hoán dụ khác nhau: hoán dụ dựa trên mối quan hệ giữa nguyên liệu và sản phẩm, vật chứa - vật bị chứa, toàn thể - bộ phận, bộ phận - toàn thể, cơ quan - chức năng của cơ quan đó, tư thế - nguyên nhân của tư thế. Trong số 38 trường hợp hoán dụ chỉ hoạt động nhận thức có chứa các yếu tố liên quan đến bộ phận cơ thể (bộ phận hữu hình và trừu tượng) mà chúng tôi thống kê được thì nhóm từ chuyển nghĩa để chỉ hoạt động nhận thức theo lối hoán dụ dựa trên mối quan hệ giữa cơ quan - chức năng của cơ quan chiếm đa số: 35 từ /38 từ, trong khi đó kiểu hoán dụ dựa vào quan hệ giữa tư thế và nguyên nhân của tư thế chỉ có 3 từ/38 từ. * Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa tư thế và nguyên nhân của tư thế Đó là các từ: cắm đầu, bù đầu, vùi đầu. Ở đây, tên gọi tư thế quan sát được được dùng để chỉ các hành vi hoặc trạng thái 32 nhận thức đi kèm. Chẳng hạn, cắm đầu có nghĩa gốc là cúi đầu làm gì đó một cách mải miết, không để ý đến xung quanh và khi chuyển nghĩa biểu thị tình trạng thiếu suy nghĩ, nghe theo người khác một cách mù quáng. Cơ sở logic của tình trạng này theo cách thức tri giác thông thường được biểu thị ở tư thế cắm đầu, vì cắm đầu nên không biết gì đến xung quanh nữa. * Hoán dụ dựa trên mối quan hệ giữa cơ quan - chức năng của cơ quan đó - Bộ phận hữu hình + đầu : đau đầu, điên đầu + óc : căng óc, nặn óc, loạn óc + não : động não, loạn não + bụng : nghĩ bụng, định bụng + ruột : lú ruột + lòng : thuộc lòng + tâm : lưu tâm, phân tâm, bình tâm, chú tâm, chuyên tâm, lao tâm, để tâm, hồi tâm, nhập tâm, quan tâm + mắt : mở mắt, sáng mắt, mờ mắt, để mắt - Bộ phận trừu tượng + trí : tĩnh trí, đãng trí, rối trí, quẫn trí, loạn trí, mất trí + thần : định thần, xuất thần, loạn thần, thất thần Ở đây, tên gọi của các cơ quan (đầu, não, óc, ruột, tâm, mắt...) được dùng để gọi cho các chức năng mà cơ quan đó đảm nhiệm (theo quan niệm dân gian, trong đó có một số đã đi gần với nhận thức khoa học). Xét về bản chất sinh học, mắt là cơ quan phục vụ cho hoạt động nhìn, nhắm mắt đồng nghĩa với việc không nhìn thấy và nếu mở mắt thì mới có khả năng tri giác sự vật, từ nghĩa đen này, có một sự chuyển đổi ngữ nghĩa theo lối hoán dụ: khi mở mắt thấy được sai lầm, nhận thức được sai lầm (mà trước đó chưa thấy do nhắm mắt) và nhiều lúc, mở mắt nhưng mờ mắt thì nhận thức sự việc cũng dễ sai lầm, chỉ sáng mắt mới có hi vọng nhìn ra bản chất của sự vật, sự việc. Các yếu tố đầu, óc, não, bụng, ruột, lòng, trí, thần... chỉ nơi chốn thể hiện của hoạt động, của trạng thái nhưng là những nơi chốn đặc biệt. Nó được phân công chức năng nhận thức. Cùng một bộ phận cơ thể hữu hình, có thể đảm nhiệm những chức năng tâm lí khác nhau. Chẳng hạn, lòng hay tâm, hay dạ được coi là biểu trưng của thế giới nội tâm con người, không kể là trạng thái tâm lí tình cảm (não lòng, hởi dạ, yên tâm) hay hoạt động nhận thức (thuộc lòng, sáng dạ, chú tâm). Theo quan niệm dân gian, bụng và dạ là nơi định vị hay chứa trí tuệ con người, là cơ quan suy nghĩ như não hay óc vậy. Cho nên mới nói: nghĩ thầm trong bụng, định bụng đi ngay. Như vậy, "theo lối nghĩ của ông cha ta thì mọi tri thức của con người đều 33 tích chứa trong bụng, vì vậy mới có chuyện nằm phơi bụng cho khỏi ẩm mốc các thiên kinh sử(!)" [Dẫn theo Nguyễn Đức Tồn]. Dạ cũng biểu trưng cho tư duy, song nếu bụng được dùng để nói về mặt ý nghĩ, suy nghĩ, thì dạ biểu trưng cho khả năng nhận thức. Dễ hiểu vì sao chỉ có thể nói: nghĩ bụng, nhẩm tính trong bụng mà không nói nghĩ dạ, nhẩm tính trong dạ và ngược lại nói sáng dạ mà không nói sáng bụng. Ruột ngoài ý nghĩa biểu trưng quan hệ gia đình máu mủ còn được dùng để biểu trưng cho trí nhớ: lú ruột, rối ruột. Phạm vi hoạt động nhận thức với nét nghĩa chú ý đặt địa bàn hoạt động ở tâm (tim): để tâm, chú tâm, lưu tâm. Thần, theo Trần Ngọc Thêm, trong quan niệm của phương Đông là yếu tố vô hình, nhưng biểu hiện cho sự sống nói chung, vận hành trong cơ thể là thần tính, thần khí, phát tiết ra bên ngoài là thần thái, thần sắc và con người nhiều lúc không kiểm soát được sẽ thất thần, loạn thần, xuất thần ngược lại là định thần, tức làm cho tinh thần trở lại trạng thái bình thường. Tuy không có hình dạng nhưng thần có khả năng duy trì cho tinh thần nói chung, hoạt động nhận thức nói riêng có được sự cân bằng, sáng suốt. Dễ hiểu vì sao muốn "yên ổn", không có những xáo trộn theo hướng tiêu cực thì con người phải yên định ở cái bộ phận vô hình ấy - thần. Trí, với cách nhìn của dân gian, giống như cái kho tinh thần lưu trữ phần hiểu biết của con người, nó có được là do tích số của những hiểu biết đó cấu thành, nên chúng ta thường nói: nhớ như in trong trí, mất trí. Vị trí trừu tượng ấy được phép hoán dụ hình thể hóa như bất kì bộ phận hữu hình nào của cơ thể: tĩnh trí, đãng trí, rối trí, quẫn trí, loạn trí, mất trí. Ngoài hai phương thức chuyển nghĩa cơ bản, ẩn dụ và hoán dụ, chúng tôi còn bắt gặp động từ nhận thức được hình thành từ lối ngoa dụ, nhưng chỉ có một trường hợp, đó là nát óc. 3. Kết luận Nghĩa phái sinh của từ phản ánh sự vận động và phát triển trong cấu trúc nghĩa của từ, chứng tỏ nghĩa của từ nói chung, bộ phận động từ nhận thức nói riêng, không phải nhất thành bất biến mà là một tập hợp mở, có thể thu dụng những nghĩa mới khi điều kiện cho phép và luôn có một sự thâm nhập, bổ sung cho nhau giữa các trường từ vựng - ngữ nghĩa. Hiện tượng thu hẹp ý nghĩa thường làm cho ý nghĩa cũ mất đi còn hiện tượng mở rộng ý nghĩa thì thường giữ được tất cả các nghĩa tạo nên hiện tượng đa nghĩa của một từ. Hoạt động nhận thức diễn ra một cách sâu kín và bấy giờ dù chưa biết đến giải phẫu học về bộ óc, chưa có khái niệm đầy đủ về chất xám, nơron thần kinh, sóng não, điện não,... song, con người ít nhiều đã hình dung ra nơi phát sinh hoạt động nhận thức, 34 điều đó được phản ánh vào ngôn ngữ với những biểu hiện khác nhau: vò đầu bứt tai, đau đầu, đầu bã đậu, mệt óc, nghĩ nát óc, căng óc, nặn óc, động não, nhức não, đau não - đây là cơ sở để người Việt tạo ra những đơn vị từ vựng biểu thị hoạt động nhận thức theo lối hoán dụ. Nếu động từ nhận thức được hình thành theo phương thức hoán dụ chỉ nơi thực hiện, nơi xuất phát của hoạt động nhận thức, phản ánh cách nhìn "thơ ngây" có tính dân tộc thì phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ lại cho thấy năng lực cụ thể hóa của con người trong việc sáng tạo ngôn ngữ mà ở đây là năng lực gọi tên cho hoạt động nhận thức - hoạt động tưởng như quá ư trừu tượng và phức tạp. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1996. [2]. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998. [3]. Nguyễn Thị Qui, Vị từ hành động tiếng Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995. [4]. Shanor Karen Nesbitt, Trí tuệ nổi trội, Những phát hiện mới về nhận thức, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007. [5]. Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2002. [6]. Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận. Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005. LEXICAL METAPHOR AND METONYMY IN THE CASE OF CERTAIN VIETNAMESE MENTAL VERBS Nguyen Thi Thu Ha College of Sciences, Hue University SUMMARY Metaphor and metonymy are two basic ways to indicate word extension meanings and it can be said that these are univesal semantic situations for all languages. This article examines the semantic changes in verbs from the physical to mental thought actions based on metaphor and metonymy in Vietnamese. A partial outline is presented here of how the Vietnamese conceive and express non-observable intellectual actions in their language.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf68_3_1677_6101_2117926.pdf
Tài liệu liên quan